Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

'Sửa sai càng làm tăng uy tín công an’ - Cải cách là đòi hỏi cấp bách - Dân mình tốt quá nên lãnh đạo… hư lâu

'Sửa sai càng làm tăng uy tín công an’

Là ủy viên thường vụ Đảng ủy Công an nhưng ông Ngọ không có mặt ở hội nghị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói trước các lãnh đạo công an rằng việc sửa chữa sai lầm càng làm tăng thêm uy tín của lực lượng công an.

Ông Sang đưa ra phát biểu này tại một hội nghị hôm thứ Tư ngày 15/1 của Đảng ủy Công an trung ương sơ kết ba năm thực hiện phong trào ‘Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ do Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam phát động.

Buổi lễ này có mặt gần như tất cả các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Công an, bao gồm Bộ trưởng Trần Đại Quang và các thứ trưởng.
Ông Ngọ vắng mặt

Đáng chú ý, Thượng tướng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, người vừa bị cáo buộc nhận hối lộ hàng trăm ngàn đô la Mỹ để báo tin mật cho Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Vinalines, bỏ trốn dường như không có mặt tại hội nghị này.

Ông Ngọ cũng đồng thời là ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương. Ông được cho là ‘đang đổ bệnh’.

Mặc dù vụ án ‘Tiết lộ bí mật nhà nước’ đã được khởi tố nhưng cho tới nay chưa có việc khởi tố bị can hay bắt tạm giam ai để điều tra.
"Cá biệt có những cán bộ, chiến sĩ mắc phải sai lầm, khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự nhưng đó chỉ là những ‘con sâu làm rầu nồi canh." - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Thượng tướng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, ít nhất cho tới thời điểm này, vẫn tại nhiệm.

Bức ảnh chụp kỷ niệm ông Sang với các lãnh đạo của Bộ Công an đăng trên trang chủ của Bộ không thấy có sự hiện diện của ông Ngọ.

“Cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ còn rất phức tạp, tội phạm luôn tìm mọi cách để tác động, lôi kéo, mua chuộc,” ông Sang được báo chí dẫn lời nói.

“Cá biệt có những cán bộ, chiến sĩ mắc phải sai lầm, khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự nhưng đó chỉ là những ‘con sâu làm rầu nồi canh’.”

“Quá trình đấu tranh kiên quyết với những sai lầm, khuyết điểm, càng làm tôn vinh uy tín của lực lượng Công an nhân dân,” ông nói thêm.

Ông Sang cũng nhìn nhận rằng tình hình hiện nay ‘có mặt phát sinh mới đang tác động đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân’ .

“Do vậy, cuộc đấu tranh chống các lực lượng thù địch và các loại tội phạm để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều,” ông được dẫn lời nói.

Trong lời đáp từ, Bộ trưởng Trần Đại Quang hứa sẽ ‘kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh, khách quan mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm theo tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai’.

Ông Quang cũng được Chủ tịch Sang trao Huân chương Quân công hạng Nhì, theo tường thuật của trang mạng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trước đó, báo cáo trước hội nghị, Thứ trưởng thường trực Đặng Văn Hiếu, phó bí thư Đảng ủy Công an trung ương, nói rằng nhờ ‘học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ mà các cán bộ công an đã ‘tự giác giác hơn trong tu dưỡng, rèn luyện’.

“Xuất hiện ngày càng nhiều cán bộ, chiến sỹ nêu gương dũng cảm, kiên quyết tấn công các loại tội phạm, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân,” ông Hiếu được dẫn lời nói.

'Trách nhiệm công tố'

Lời khai của ông Dương Chí Dũng về chuyện 'lộ mật' đang thu hút quan tâm của dư luận.

Truyền thông tại Việt Nam cho hay vào ngày 16/1, tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác Kiểm sát năm 2014.

Tại đây Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Bấm được dẫn lời lưu ý ngành Kiểm sát nhân dân cần tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố.

"Chủ tịch nước gợi ý, để hoàn thành tốt nhiệm vụ này, trước hết Viện kiểm sát các cấp phải tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra; kiểm sát đầy đủ, chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

"Kiên quyết thực hiện đầy đủ các quyền hạn khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để loại trừ oan sai và lọt tội, bảo đảm các quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để làm tốt vai trò, trách nhiệm của công tố", Bấm báo Tin tức cho hay.
(BBC)

Chủ tịch nước yêu cầu không để xảy ra truy tố oan sai

Sáng 16-1, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác kiểm sát năm 2014.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Phó Chủ tịch  Quốc hội Uông Chu Lưu; Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình; Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hòa Bình, cùng lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết năm qua toàn ngành đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, đề cao bảo vệ công lý tạo niềm tin cho nhân dân vào hệ thống Kiểm sát nhân dân

Theo báo cáo do Phó Viện trưởng Viện KSNDTC Trần Công Phàn trình bày, năm 2013, số vụ án mới khởi tố tăng so với năm 2012. Tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự đạt 96,9% (tăng 0,5 %), chủ động kiểm sát 100% các vụ án ngay từ khi khởi tố, tỷ lệ  xử lý giải quyết trong giai đoạn điều tra 83,67% số vụ (tăng 0,6%), giai đoạn truy tố đạt 98,7% số vụ (tăng 0,3%), tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,9%, truy tố đúng tội danh đạt 99,7%, đều đạt và vượt chỉ tiêu của nghị quyết số 37/2012/QH13.

Đặc biệt trong năm 2013, ngành Kiểm sát đã giải quyết nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, tiêu biểu như: Vụ án Dương Chí Dũng, Dương Tự Trọng, Vũ Quốc Hảo, Nguyễn Thanh Huyền… đã tuyên phạt các bị cáo mức án nghiêm minh, tạo sự chuyển biến tích cực bước đầu về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế tham nhũng.

Bên cạnh những thành công đạt được, thời gian qua ngành Kiểm sát cũng còn một số thiếu sót như hoạt động kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của một số đơn vị, Viện Kiểm sát địa phương còn hạn chế; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị chưa thực sự hiệu quả; công tác  giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức ở một số đơn vị chưa được thường xuyên nên còn xảy ra việc một số cán bộ vi phạm phải xử lý.

Nguyên nhân của những tồn tại và thiếu sót trên chủ yếu do lãnh đạo một số đơn vị còn chưa sâu sát trong quản lý, chỉ đạo điều hành, năng lực trình độ và ý thức của một số bộ phận cán bộ còn hạn chế, hệ thống văn bản hướng dẫn áp dụng còn chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ, một số quy định chưa chặt chẽ hoặc không còn phù hợp.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ  tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, ngành Kiểm sát đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trách nhiệm công tố được đề cao, tiến độ giải quyết án được rút ngắn, hạn chế bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; chất lượng, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng lên... Đáng chú ý là nhiều vụ án lớn đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Chủ tịch nước cũng chỉ ra các hạn chế như còn để xảy ra một số trường hợp truy tố oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; việc giải quyết một số vụ án còn kéo dài, xử lý chưa nghiêm. Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu… Những hạn chế, khuyết điểm đó nếu không khắc phục kịp thời sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu quả công tác của ngành.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát cần tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh. Viện Kiểm sát các cấp phải tích cực thực hiện các biện pháp để không làm oan người vô tội, đồng thời kiên quyết chống bỏ lọt tội phạm.

Đặc biệt, trong năm 2014, ngành Kiểm sát cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và xử lý nghiêm minh những cán bộ để xảy ra oan sai hoặc sót, lọt tội phạm, cán bộ thoái hóa, biến chất, đồng thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng, kịp thời những người có thành tích đặc biệt xuất sắc.

Chinhphu.vn
 

Cải cách là đòi hỏi cấp bách

Ông Lê Công Giàu
(Phát biểu tại Tọa đàm “Làm thế nào để thực hiện thông điệp của Thủ tướng?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 15.01.2014)

1. Sau gần 40 năm, Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực (sau Thái Lan 25 năm, Malaysia 30 năm, Singapore 60 năm) và có thể nói đang khủng hoảng toàn diện, tham nhũng khắp nơi, kinh tế khó khăn, đạo đức xuống cấp, xã hội bất an, niềm tin của dân giảm sút nghiêm trọng. Cải cách là đòi hỏi cấp bách, nếu không Việt Nam sẽ đi về đâu? Một “kịch bản” như Liên Xô, Đông Âu chăng?

Việt Nam đang giống đoàn tàu chở 90 triệu hành khách, tốc độ chậm, vì máy móc cũ, hệ thống thắng không ăn, có thể gặp tai nạn bất kỳ.

2. Nguyên nhân gốc rễ là gì? Thể chế hiện nay không còn phù hợp, đang kiềm hãm sự phát triển của đất nước. Quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tham nhũng, các quyền tự do, dân chủ của người dân bị vi phạm nghiêm trọng.

Thực tế cho thấy Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các hội nghề nghiệp), báo chí không làm được chức năng giám sát, kiểm soát quyền lực, phản biện chính sách. Tham nhũng tràn lan, trong đó có những vụ đại án như Vinashin, Vinalines, cho thấy không chỉ như ghẻ ngứa, mà còn như ung thư di căn; những vụ đánh đập dân oan, thậm chí không hiếm trường hợp mất mạng, tất cả là chỉ dấu khẳng định một cách không thể nào rõ ràng hơn, rằng quyền lực đã vuột khỏi sự kiểm soát của thiết chế, hay nói đúng hơn, thể chế hiện hành dung dưỡng cho thứ quyền lực không thể kiểm soát.

3. Đảng, Nhà Nước phải đưa ra thể chế mới, cải cách để tạo động lực phát triển. Đó phải là mở rộng dân chủ; kiểm soát được quyền lực bộ máy công quyền, công chức, cơ quan Đảng; thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ.

Có hai hướng: chế độ nhiều đảng và chế độ một đảng. Chế độ một đảng thì rất khó thực hiện thể chế mới, nhưng nếu có lãnh đạo tài đức và quyết tâm làm vì nhân dân, đất nước thì trong chừng mực nào đó vẫn có thể đưa ra những quyết sách ích quốc lợi dân, tránh cho đất nước sẽ rơi vào hỗn loạn. Khi ấy, cái giá phải trả sẽ không lường được.

Nhưng dù hướng nào đi nữa, thì nhất thiết phải tôn trọng quyền đấu tranh của người dân để có thể tự do bầu cử, lập các hội bảo vệ quyền lợi, thực hiện các quyền tự do ngôn luận, v.v.

4. Đi vào cụ thể, nhất thiết phải:

· Xây dựng nhà nước pháp quyền, với sự độc lập và kiểm soát lẫn nhau của Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp. Đại biểu Hội đồng Nhân dân, Quốc hội không được kiêm chức vụ chính quyền, không ăn lương của chính quyền.

· Thực hiện quyền ứng cử, bầu cử trong Đảng và trong Dân. Đảng viên có quyền ứng cử, có quyền bầu cử trực tiếp lãnh đạo, bãi miễn lãnh đạo; Đại hội Đảng bầu trực tiếp Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương. Người dân có quyền tự do ứng cử, bầu cử vào Hội đồng Nhân dân, Quốc hội; bầu cử Hội đồng Nhân dân, Quốc hội có giám sát của các tổ chức xã hội dân sự; dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, quận, huyện, tỉnh, thành phố.

· Nhanh chóng thực hiện quyền lập hội, biểu tình, tự do báo chí, tự do ngôn luận.

· Phải công khai minh bạch trong quản lý, trong tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, … để người dân giám sát công chức, bộ máy công quyền.

· Cần thực hiện kinh tế thị trường đầy đủ, chứ không nửa vời như hiện nay. Xóa độc quyền, bao cấp, ưu đãi cho công ty quốc doanh. Thực hiện tự do cạnh tranh, tự do kinh doanh. Quốc doanh chỉ làm những việc tư nhân không làm. Phải có luật về quyền tài sản.

· Đẩy mạnh việc chống tham nhũng một cách quyết liệt và thực chất. Các tổ chức xã hội dân sự, báo chí phải được luật pháp bảo vệ khi tham gia chống tham nhũng. Đấu thầu công khai các dự án, công trình; thúc đẩy tính minh bạch và truy cứu trách nhiệm trong việc quản lý tài chính. Việt Nam đã tham gia công ước chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc từ ngày 3-7-2009 nhưng chưa thực hiện bao nhiêu!

5. Cần làm ngay những việc sau đây để thể hiện quyết tâm đổi mới của lãnh đạo là có thật:

· Mở “Hội nghị Diên Hồng” đối thoại với trí thức về tình hình đất nước.

· Trả tự do cho những người có chính kiến khác biệt, những người đấu tranh cho dân chủ, những người phản đối Trung Quốc đàn áp ngư dân ở Biển Đông; chấm dứt việc gây áp lực đối với những người này (như đe dọa để chủ không dám cho thuê nhà, hay buộc thôi học – trường hợp Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Phương Uyên…).

· Chấm dứt bắt bớ dân oan, dân khiếu kiện đất đai.

Dân chủ tự do là động lực phát triển, là qui luật trong xã hội hiện đại. Dân chủ tự do càng cao, sự phát triển đất nước càng nhanh. Có dân chủ thì mới kiểm soát được quyền lực, kinh tế thị trường mới phát huy được sức mạnh của nó. Dân chủ không tự nhiên có. Đó là quá trình đấu tranh bền bỉ, đòi hỏi quyết tâm cao. Quần chúng, một khi có ý thức về dân chủ, sẽ mạnh mẽ đấu tranh để thực hiện quyền của mình. Đừng hốt hoảng, trái lại, cần phải tiếp thêm sức mạnh sao cho việc “chấn dân khí” sẽ trở thành cuộc đại vận động của toàn xã hội.
Lê Công Giàu Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Dân mình tốt quá nên lãnh đạo… hư lâu

Câu hỏi đặt ra phải phân tích hiểu thấu đáo nguyên nhân trì trệ, phải làm cái gì, làm như thế nào để nội dung thông điệp của Thủ tướng trở thành hiện thực với người nông dân?
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có lần phát biểu “Dân mình tốt quá, tốt lạ lùng. Ta có đền đáp bao nhiêu cũng chưa đủ, chưa đúng, chưa thỏa đáng, bất cứ ai có chức có quyền cũng phải đóng góp thật tương xứng cho dân. Tình hình kinh tế của ta thế này, người ta cực, người ta có nói, có nói nặng một chút cũng phải nghe, để thấy hết cái hư hỏng của mình…”
Nhận định trên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến ngày nay vẫn còn mang nguyên tính thời sự. Bản thông điệp đầu năm nay của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tiếng vang lớn trong xã hội, trăn trở của người dân là làm sao để nó biến thành hiện thực đi vào cuộc sống?
Trong bản Thông điệp đầu năm của Thủ tướng có đoạn rất đáng chú ý khi nói về người nông dân:
“Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước có cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn. Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.”
Câu hỏi đặt ra phải phân tích hiểu thấu đáo nguyên nhân trì trệ, phải làm cái gì, làm như thế nào để nội dung thông điệp nói trên trở thành hiện thực với người nông dân?

Bài học kinh nghiệm của các nước
Nông thôn hiện đại bao giờ cũng có khu vực trung tâm có tính thành thị, có các hoạt động công nghiệp (hoặc sản xuất từ A tới Z, hoặc sơ chế), các dịch vụ phục vụ kể cả ngân hàng. Tuy vậy, không nên và không cần dồn dân vào các trung tâm này. Nó sẽ tự phát triển theo nhịp độ phát triển kinh tế. Và tất nhiên nó phải được hoạch định, để giải quyết các vấn đề về môi trường. Trước đây, thời Pháp, huyện là trung tâm. Vậy bây giờ có thể mở rộng hơn không?

Thủ tướng, thông điệp, tốt quá, lãnh đạo, tô văn trường

Ở Việt Nam vấn đề sản xuất có thể là cá nhân hoặc dưới hình thức gia đình, hay doanh nghiệp tư nhân (có thể gọi là trang trại). Vấn đề mở rộng trang trại quá đáng có thể cũng là đầu mối đưa đến tình trạng người nông dân bị tróc gốc, không có đất cắm dùi. Đây là vấn đề cần suy nghĩ. Tất nhiên, là cần các hợp tác xã nhằm phục vụ người sản xuất (từ dịch vụ giống má, cung cấp vật tư, chế biến, bán ra thị trường).
Để tránh đầu nậu, thì những hợp tác xã này là tự nguyện của những người sản xuất. Qua hợp tác xã có thể đưa vào nhiều hình thức mới như bảo hiểm, bán trước, mua trước v.v. nhằm bảo vệ giá vật tư cũng như giá hàng hóa bán ra. Qua hợp tác xã, khoa học kỹ thuật và các chương trình phù trợ của nhà nước có thể dễ dàng đưa về nông thôn hơn.
Có ý kiến đề xuất đến việc ngân hàng lập trang trại hoặc các doanh nghiệp nông nghiệp. Theo chúng tôi, đây là điều cần cấm chỉ, chắc chắn 100% sẽ bị bọn đầu nậu tài chính lạm dụng. Mới đây, luật Mỹ đã hạn chế tối đa vấn đề này. Luật Việt Nam vẫn còn cho tư do hơn hẳn luật Mỹ trước khi sửa đổi vừa qua.
Mô hình nông nghiệp ở Mỹ chủ yếu là mô hình trang trại tư nhân. Ở Mỹ trang trại tư bản phát triển mạnh (tất nhiên hơn ở Nhật Bản và nhiều nước khác trên thế giới), nhưng họ cũng có nhiều hợp tác xã, theo thông lệ chưa đầy 03 người dân Mỹ thì có một người là xã viên hợp tác xã. Mỹ cũng khuyến khích phát triển hợp tác xã để thông qua đó trợ giúp cho người làm nông nghiệp vì theo quy chế WTO, hỗ trợ qua tổ chức sẽ không bị cấm.
Ở Nhật Bản là mô hình hợp tác xã nông nghiệp. Đài Loan cũng là một tấm gương về gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam nên học theo mô hình Nhật Bản và Đài Loan trong tổ chức xây dựng nông nghiệp, nông thôn và cách làm của Đài Loan chú trọng về ngành nghề sau sản xuất lúa gạo và phi nông nghiệp để nâng cao giá trị hạt gạo.
Có chuyên gia nhận định: "Sự đổi mới phải chú trọng vào các ngành nghề sau sản xuất lúa gạo và phi nông nghiệp để nâng cao giá trị hạt gạo, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu nhập cho nông dân. Nhiều nước như Thái Lan, Nhật Bản đã làm rất tốt điều này. Chỉ mỗi hạt gạo nhưng họ đã làm ra được nhiều sản phẩm khác với giá trị thương mại cao hơn là bán gạo thô.
Lãnh thổ Đài Loan có đất đai nông nghiệp manh mún như Việt Nam nhưng mô hình hợp tác xã hiệu quả của họ rất đáng để chúng ta nghiên cứu. Giá trị 01 hecta đất của họ cho ra 18.000 USD mỗi năm, trong khi của VN chỉ khoảng 1.300 USD. Nhờ vậy mà mức sống của nông dân họ cao hơn nông dân VN rất nhiều.
Không thoát khỏi “cái tôi”
Hầu hết những người làm chính sách đều biết tất cả những câu chuyện trên. Họ cũng đã biết mô hình hợp tác xã của Nhật, họ cũng biết rằng hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng trong tổ chức sản xuất, trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước đối với nông nghiệp và nông dân, nông thôn. Họ cũng biết vai trò nhạc trưởng của doanh nghiệp, do vậy đã có những chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp và nông thôn.
Họ cũng biết cần phải đầu tư vào khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm nên đã có các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và đề án 1956 về đào tạo nghề với việc chi ra hàng nghìn tỉ đồng để thực hiện nó và có rất nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao (ví dụ trường hợp TH True Milk).
Họ cũng có chính sách thúc đẩy liên kết 04 nhà mà thực tế là sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng. Họ cũng hiểu rằng nhà nước phải tạo ra khung pháp lý bảo đảm việc cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp theo chiến lược và quy hoạch, phải xây dựng khung pháp lý để thị trường mua bán quyền sử dụng đất diễn ra lành mạnh, tạo ra những trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn vv…
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ họ không thoát khỏi “cái tôi” trước những cám dỗ bằng tiền và quyền lực khi thực thi nhiệm vụ của họ. Chính vì vậy khi các chính sách ưu đãi được đưa ra thì hoặc là họ lập ra các doanh nghiệp sân sau để móc túi của nhà nước, hoặc là các doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi thì phải “cưa đôi” khoản “trời cho” này.
Lắng nghe và… hành động?
Đối với nông dân, nếu quan chức thực sự vì dân thì họ phải lắng nghe ý kiến của nông dân nhưng ai cũng biết lời nói của nông dân không đi liền với tiền lót tay (vì nông dân làm gì có tiền). Và khi có những chính sách hỗ trợ họ phải thông qua các tổ chức của nông dân, mà cụ thể là hợp tác xã. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn hợp tác xã sẽ phát triển nhưng họ đâu có làm vậy.
Đứng giữa nông dân và doanh nghiệp, bao giờ họ cũng tỏ vẻ lắng nghe cả hai phía nhưng rốt cục họ hành động chỉ theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Ví dụ cụ thể trường hợp thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đang thực hiện thời gian 2011 đến 2013 ở Cà Mau.
Khi năm đầu thực hiện thí điểm bảo hiểm và công ty bảo hiểm có lãi thì không có vấn đề gì, tất cả đều phấn khởi, báo cáo rất hay. Nhưng không may, năm sau tôm chết hàng loạt, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả nhiều hơn phí thu được nhiều lần.
Họ lập tức kêu trời và… “cậu trời” lập tức hành động bằng cách bỗng dưng tăng phí bảo hiểm một cách chóng mặt. Từ mức 7,42% (Quyết định số 3035/2011/QĐ-BTC ngày 16/12/2011 của Bộ Tài Chính) lên mức 9,72% (Quyết định số 1042/2013/QĐ-BTC ngày 8/5/2013) và lên mức 13,73% (Quyết định số 1725/2013/QĐ-BTC ngày 23/7/2013), đồng thời mức bồi thường thiệt hại cũng được giảm xuống một cách “sốc” từ mức 64% xuống 15% đối với tôm thẻ chân trắng bị dịch bệnh từ 56-58 ngày tuổi và xuống 0% đối với tôm bị dịch bệnh, từ 59 ngày tuổi trở lên so với mức bồi thường từ 16% đến 64% trước đó.
Với việc không bồi thường thiệt hại khi tôm từ 59 ngày tuổi trở lên bị dịch bệnh Bộ Tài chính (và trong chừng mực nào đó có cả trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp & PTNT) đã đặt người nuôi tôm trước tình thế phải bán tôm bị bệnh để thu hồi vốn. Việc làm này đi ngược hẳn lại với Luật An toàn thực phẩm và với quyết tâm hiện nay của các bộ, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp & PTNT trong cuộc chiến với thực phẩm “bẩn”.
Trong cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm vừa qua, lãnh đạo Bộ NN còn nhấn mạnh “Cần xử phạt mạnh với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm , coi hành vi sản xuất thực phẩm bẩn là tội ác”.
Ở đây có thể thấy lời nói thì “có gang có thép” nhưng lại không đi đôi với việc làm!
Cần nói thêm rằng trong thời gian này nông dân cũng kêu trời nhưng “cậu trời” không hề mảy may để ý khiến nhiều nông dân khốn đốn khi phải kêu khóc tới 06 tháng vẫn chưa được giải quyết bồi thường thiệt hại.
(Còn nữa)
Tô Văn Trường
(VNN)

Nhóm người Việt điều trần tại Ủy Ban Nhân Quyền của Hạ Viện Hoa Kỳ

Buổi điều trần về Tù Nhân Lương Tâm của Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos đang diễn ra tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ và được trực tiếp trên Internet.
 
Buổi điều trần sẽ có phần trình bày của các nhân chứng đến từ Trung Quốc, Nga, Bahrain, và Việt Nam. Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh sẽ xuất hiện tại phiên điều trần nhằm tố cáo chế độ lao tù, đàn áp những tiếng nói đối lập. Cùng có mặt tại phiên điều trần còn có bà Nguyễn Thị Trâm, mẹ luật sư Lê Quốc Quân và ông Trần Văn Huỳnh, ba của anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Đỗ Thị Minh Hạnh sinh năm 1985, hiện đang bị chế độ CSVN kết án 7 năm tù giam sau khi cô tham gia hỗ trợ công nhân đình công đòi quyền lợi và yêu cầu được tôn trọng nhân phẩm.

Ảnh Đỗ Thị Minh Hạnh tại phiên điều trần


Bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ ruột Đỗ Thị Minh Hạnh đang phát biểu tại phiên điều trần Quốc hội Hoa Kỳ. Đỗ Thị Minh Hạnh năm nay 29 tuổi, chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ 5 trong tù vào ngày 13/3 sắp tới.

Phát biểu của ông Trần Văn Huỳnh ( lược dịch)

"Xin cảm ơn các thành viên của Ủy ban đã cho tôi cơ hội được nói thay con trai tôi, cũng như Lê Quốc Quân và Đinh Nguyên Kha, những người có mẹ đang đứng đây cạnh tôi. Chúng tôi có mặt ở đây vì các con của chúng tôi đang chịu cảnh tù đày ở Việt Nam.
Chúng tôi kêu gọi sự can thiệp của quý vị, vì những đứa con của chúng tôi không làm điều gì sai, họ đơn giản chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ. Ấy thế mà con trai tôi, Trần Huỳnh Duy Thức, bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế sau đó, trong một phiên tòa kéo dài chưa tới một ngày.
Do đó chúng tôi kêu gọi Ủy Ban hãy yêu cầu chính phủ Việt Nam cho Ủy Ban được gặp trực tiếp con trai của chúng tôi và các tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam. Nếu yêu cầu của quý vị bị từ chối, hãy đưa nó thành một điều kiện trong việc ký kết thỏa ước TPP.
Thứ hai, chúng tôi thúc giục quý vị ủng hộ để dự luật Nhân quyền Việt Nam thành luật.
Cuối cùng, là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam, một trong nhiều tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam mới được thành lập gần đây, chúng tôi mong rằng quý vị hỗ trợ chúng tôi tăng cường năng lực, đào tạo và tài chính. Có như thế những nhà hoạt động chúng tôi mới có thể đấu tranh cho những thay đổi và đòi trả tự do cho tất cả những tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
Xin cảm ơn quý vị đã chú ý lắng nghe!"
(Quê choa) 

Huyền Như chiếm đoạt tiền của ai?


Huỳnh Thị Huyền Như trên đường dẫn giải về trại giam, sau phiên tòa ngày 7/1 - Ảnh: NLĐ.

Chiều 15/1, VnEconomy nhận được cuộc gọi từ lãnh đạo một ngân hàng thương mại, cũng là một luật sư từng nhiều năm trước phụ trách phòng pháp chế của một tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp.

“Tôi nhận thấy không phải ai cũng hiểu là chuyện gì đã xảy ra ở vụ án này”, vị lãnh đạo ngân hàng trên đặt vấn đề.

Để tạo thông tin đa chiều, những góc nhìn khác nhau về vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án đang được xét xử với những vấn đề phức tạp, VnEconomy tóm lược nội dung của cuộc gọi chủ động trên.

Vị lãnh đạo ngân hàng trên nói:

Không phải ai cũng hiểu chuyện gì đã xảy ra, vậy chuyện gì đã xảy ra?

Huỳnh Thị Huyền Như kêu gọi khách hàng gửi tiền về Vietinbank, bằng hình thức ủy thác, gửi tiền trực tiếp… Sau khi khách hàng gửi tiền vào Vietinbank, Huyền Như có hai thủ đoạn chính để rút tiền. Một là, dùng chứng từ giả để rút ra, giả chữ ký của chủ tài khoản. Hai là, dùng chứng từ giả, giả chữ ký và thế chấp khoản tiền đó để vay Vietinbank, chiếm đoạt tiền vay; sau đó bị bắt, Vietinbank trích tiền gửi của khách hàng để bù đắp cho việc cho vay này, mặc dù hợp đồng thế chấp là giả.

Phần lớn số tiền Huyền Như chiếm đoạt là bằng hai thủ đoạn đó.

Chiếm đoạt tiền là rõ, ai cũng thấy rõ, Huyền Như cũng thừa nhận, không phải bàn cãi nữa. Nhưng câu chuyện Huyền Như chiếm đoạt tiền của ai mới là vấn đề.

Sau khi ông A gửi tiền vào Vietinbank và Huyền Như chiếm đoạt tiền trên tài khoản của ông A, vậy thì Huyền Như chiếm đoạt tiền của ông A hay của Vietinbank? Đấy mới là vấn đề, chứ không phải việc xử lý Huyền Như, xử lý Huyền Như thì đơn giản.

Vấn đề của vụ án không phải là xử lý Huyền Như vì Huyền Như đã thừa nhận việc chiếm đoạt đó rồi. Chuyện phức tạp là chiếm đoạt tiền của ai, Vietinbank có phải đền tiền cho khách hàng hay không?

Một số kênh thông tin có đăng, nói Vietinbank không chịu trách nhiệm về việc Huyền Như chiếm đoạt tiền vì nhiều lý do: nguồn gốc gửi không hợp pháp, có ngân hàng đem tiền ủy thác cho các cá nhân gửi vào Vietinbank, để cho Huyền Như chiếm đoạt; Huyền Như đi huy động tiền đã có ý định chiếm đoạt từ đầu, lấy tư cách Vietinbank đi huy động để chiếm đoạt; Huyền Như huy động lãi suất cao, các cá nhân gửi tiền ham lãi suất cao và bị chiếm đoạt…

Rất nhiều lý do. Nhưng người ta quên mất một điều, cho dù ông A ăn cắp tiền của ông B hay ngược lại, ông A hay B ham lãi suất cao nhưng khi gửi tiền vào Vietinbank rồi, trên tài khoản của ông A hay B rồi thì trách nhiệm quản lý của Vietinbank đối với tài khoản đó là không phải bàn cãi. Ngay cả một kẻ buôn thuốc phiện gửi tiền vào ngân hàng thì ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm quản lý nguồn tiền đó như những khách hàng khác, còn cơ quan pháp luật có tịch thu số tiền đó hay không lại là câu chuyện khác.

Câu chuyện nữa là chi trả lãi suất. Không ai từ chối việc ngân hàng trả lãi suất cao cho mình cả. Người gửi tiền không quan tâm đến việc đúng quy định hay không đúng quy định. Giả sử lãi suất có vượt quy định thì cũng không thể phủ nhận trách nhiệm của Vietinbank đối với khoản tiền gửi đó của khách hàng.

Vietinbank có nói khách hàng có trách nhiệm quản lý số dư của mình, ngân hàng không có trách nhiệm quản lý tài khoản. Tôi phải nói thật đó là điều dở nhất. Ý là, khi khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, anh phải tự quản lý thông qua internet banking, mobile banking… để xem, nếu chẳng may bị mất tiền ông phải báo cho ngân hàng ngăn chặn. Nhưng Vietinbank nhầm một chỗ: ngân hàng có hai tư cách.

Tư cách thứ nhất: đi vay để cho vay, đi vay của dân chúng và cho vay lại dân chúng, khi đi vay thì ông phải quản lý chặt số tiền ông đã vay được. Ông nhận tiền gửi của dân mà ông không quản lý thì lấy đầu nguồn cho người khác vay?

Tư cách thứ hai: ngân hàng làm nhiệm vụ thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán. Ông A gửi tiền vào ngân hàng, muốn chuyển tiền cho ông B, ông A ra lệnh như thế nào thì ngân hàng thực hiện như vậy một cách chính xác, nếu không chính xác thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

Với hai tư cách trên, nếu có bàn cãi nào khác đi thì không còn là ngân hàng nữa. Cho dù gì đi nữa, tiền trong tài khoản của người ta, ông để cho nhân viên của ông dùng chứng từ giả để rút, ông phải chịu trách nhiệm là đương nhiên. Có thể người gửi tiền đòi lãi suất cao, nguồn gốc tiền không đúng quy định, nhưng đó không phải là nguyên nhân dẫn đến hậu quả Huyền Như chiếm đoạt tiền.

Nguyên nhân là do lỗ hổng trong quản lý của ngân hàng, vì đã không quản lý chặt chẽ mà để Huyền Như dùng chứng từ giả để rút tiền. Nếu để Huyền Như dùng chứng từ giả để rút được, thì bất kể nguồn gốc tiền gửi là đúng pháp luật hay trái pháp luật, trả lãi suất đúng quy định hay sai quy định thì Huyền Như đều rút được ra. Vấn đề ở chỗ đó.

Người ta đã quên đi trách nhiệm của ngân hàng đối với người gửi tiền, quên đi tư cách của ngân hàng là đi vay để cho vay và cung cấp dịch vụ thanh toán. Mọi tranh cãi về trách nhiệm của ngân hàng trong chuyện này là thừa, vì tranh cãi khác đi thì Vietinbank không còn là ngân hàng nữa.

Nói tóm lại, câu chuyện xảy ra là gì? Tiền của khách hàng đã chuyển vào tài khoản hợp pháp của ngân hàng rồi, sau đó Huyền Như dùng chứng từ giả để rút ra. Đơn giản vậy thôi.

Về nguồn gốc tiền gửi lại là chuyện khác. Không có người gửi tiền nào phải chứng minh nguồn gốc tiền của mình cả. Cho dù tiền đó bất hợp pháp hay hợp pháp thì ngân hàng vẫn phải quản lý như nhau. Không thể nói tiền đó có nguồn gốc bất hợp pháp, trả lãi suất sai nên không quản lý. Đơn giản vậy thôi”.

Ngoài những nội dung trên, trao đổi với VnEconomy trong cuộc gọi chủ động đó, vị lãnh đạo ngân hàng trên còn cho rằng, câu chuyện ở đây không còn là riêng Huyền Như, riêng Vietinbank và các cá nhân, tổ chức gửi tiền trong khuôn khổ vụ án nữa, mà còn là niềm tin và trách nhiệm trong hoạt động ngân hàng nói chung.

* Về vấn đề trách nhiệm cũng như khía cạnh mà cuộc gọi trên đề cập, tại phiên tòa, trả lời Hội đồng Xét xử các câu hỏi của luật sư, ông Nguyễn Mạnh Toàn, chuyên viên phòng pháp chế của Vietinbank đã nói rằng, các bộ luật, nghị định, quyết định hoặc các văn bản dưới luật khác không có điều khoản nào quy định về trách nhiệm quản lý tài khoản tiền gửi, tài khoản của khách hàng được mở tại ngân hàng cũng như quản lý số dư trên các tài khoản này tại ngân hàng.
 

Hãy "Chửi" Chính Mình!


Gửi các bạn ở hải ngoại: Các bạn chửi Cộng Sản 32 năm nay chưa thỏa lòng sao? Đã hơn 32 năm, các bạn cứ tiếp tục chửi bới, và chế độ hà khắc ở Việt Nam vẫn tiếp tục tồn tại.

Hiện nay, ngay từ trong nước, đã có nhiều nhà dân chủ đứng lên bất chấp nguy hiểm để đấu tranh, điều này đã bộc lộ rõ những nhượng bộ và yếu kémcủa chế độ. Nhưng sao đến giờ vẫn chưa có một phong trào dân chủ đủ mạnh để thách thức chế độ?

Câu trả lời: bao năm qua, ta cứ mãi lo "địch vận": Nói xấu, chửi bới chế độ hoặc kêu gọi chế độ tự thay đổi, mà không lo "dân vận":

Củng cố sức mạnh dân chủ của cộng đồng hải ngoại để thúc đẩy "dân vận" trong nước và bước cuối cùng là tạo nên một sức mạnh toàn dân buộc chế độ phải thay đổi.

Như vậy, rõ ràng là thất bại không phải là do "địch" mạnh, mà do "ta" yếu. Nói rõ hơn, dân trí Việt Kiều, nhất là trong số những người hay về Việt Nam, quá yếu kém nên đã không thể thúc đẩy một phong trào dân chủ toàn dân ở trong nước.

Người trong nước thì bị bưng bít thông tin nên mù mờ về khái niệm dân chủ pháp trị đã đành, còn người Việt nước ngoài, những người đã định cư ở những xứ có nền dân chủ pháp trị cao nhất trên thế giới, thì sao?

Một sự thật đáng buồn: ngoại trừ một số ít trí thức hiếm hoi (tỉ lệ cao hơn ở các nước Châu Âu) có thể viết lách, lý luận và còn chút ưu tư đất nước, còn lại đa số Việt Kiều mặc dù đã tiếp cận với nền văn minh dân chủ Phương Tây đã lâu nhưng đã chẳng học hỏi được gì, bởi đa số họ vốn xuất thân từ một lối sống èo uột nửa Tây nửa phong kiến, khi ra được nước ngoài (dù là vượt biên, HO, con lai hay diện ODP) đều chỉ biết có một mục tiêu duy nhất là đồng tiền chứ không biết trau dồi tri thức (lười đọc sách, chỉ nghe nhạc hoặc xem Video).

Họ còn cứ khư khư giữ lấy những cái "Việt Nam" lẽ ra phải bị đào thải từ lâu. Họ sợ lớp trẻ quên tiếng Việt nhưng lại không biết lo rằng coi chừng tiếng Anh của chúng chưa đủ để tiếp cận tinh hoa văn hóa của phương Tây. Họ còn thích nghe những bản nhạc than khóc não nùng èo uột muôn thưở kiểu Việt Nam vốn có khả năng làm con người mềm yếu, mất tính chiến đấu (kiểu băng nhạc Thúy Nga Paris) mà trước năm 1975 đã góp phần vào sự bại trận của miền Nam.

Ngoại ngữ kém cỏi (tiếng Mỹ, Pháp...) cũng là một đặc điểm nữa của cộng đồng Việt Kiều. Không phải là điều đáng ngạc nhiên khi dư luận Mỹ (và ở các quốc gia Châu Âu khác) cho tới giờ này vẫn biết rất ít về công cuộc đấu tranh dân chủ của người Việt hải ngoại. Bởi vì trong đa số Việt Kiều, khả năng viết, nói và đọc ngoại ngữ rất kém, cho nên không thể trao đổi tư tưởng hoặc truyền đạt thông điệp của mình cho người bản xứ.

Có một sự việc đáng buồn nhưng ít ai biết từ mấy chục năm qua, đến gần đây mới lộ ra. Ở New Orleans, US, nếu không có cơn bão Katrina vừa rồi, thì đâu có ai biết là rất nhiều người Việt định cư ở New Orleans không biết nói tiếng Anh và không thể tiếp xúc với Cảnh Sát khi có việc cần. (đây là những người qua đây từ 1975 đã có cơ nghiệp vững vàng, chứ không phải những người mới qua).

Ở những nơi tập trung đông người Việt như California, Georgia, Texas, và vùng Washington DC, mọi giao dịch đều dùng tiếng Việt, kết quả là trình độ ngoại ngữ của người Việt rất kém.

Đã không tiến bộ, thì phải thụt lùi. Lối tư duy, lý luận và cách hành xử của Việt Kiều giờ này chẳng khá hơn bao nhiêu khi còn ở Việt Nam. Hãy xem xét những hoạt động "văn hóa" của Việt Kiều ở hải ngoại. Có mấy ai đọc sách, suy tư, hoặc viết lách khi rảnh rang. Họ chỉ biết, từ năm này qua năm khác (1984 đến giờ) khi rảnh thì đón mua băng Thúy Nga Paris để nghe đi lại nghe lại những bài nhạc "quê hương" cũ rích chỉ thay đổi có ca sĩ trình bày và để nghe ông NN Ngạn và cô "đào" dài chân mặc váy ngắn (và rất ưa "phô" nó ra) NCK Duyên nhai đi nhai lại ba cái chuyện đàn ông đàn bà ghen tuông nhảm nhí, thiếu vắng chiều sâu về tâm lý xã hội cũng như nghệ thuật hài hước.

Tương tự như vậy, giới Việt Kiều rất "mê" HLinh và VSơn với những trò hề rẻ tiền được lập đi lập lại muôn thuở: ỏng ẹo giả gái, giả giọng Phú Yên, giọng Bắc, giọng Quảng, lời lẽ chợ trời thô tục.

Những thứ giải trí thô lậu này xem ra vô bổ vô hại, nhưng thật ra là tai hại rất nhiều cho công cuộc đấu tranh dân chủ, vì chúng vô tình đóng góp vào chiến dịch "địch vận" của CSVN ngay trong lòng cộng đồng Việt Kiều. Nếu bạn là một cán bộ địch vận CS, còn gì mừng cho bằng khi những kẻ ngày xưa đã từng lớn tiếng tự nhận là "tị nạn chính trị" phải hy sinh cả tính mạng bản thân và gia đình để "đi tìm bến bờ tự do", giờ này chỉ biết chạy đôn chạy đáo kiếm tiền, cơm ngày 3 bữa no nê nằm ễnh ngửa trên sa lông thưởng thức những băng nhạc hề nhảm nhí, những bản nhạc than khóc hay ca tụng (rỗng tuyếch) quê hương đất nước và hễ có dăm ba ngày nghỉ và dư vài ngàn đô là đem về Việt Nam "thả", xây nhà cất cửa, du lịch, ăn nhậu - đàn bà thì khoe khoang đồ trang sức quần áo, đàn ông thanh niên thì đi tìm gái, lấy vợ "hai, hoặc ba".

Mỗi năm, hàng triệu người Việt về thăm quê, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi chuyển tải một số tài liệu dân chủ vào trong nước, còn đại đa số là về Việt Nam để vung tiền đô la, khoe khoang, hưởng thụ, giải trí. Thậm chí còn buôn lậu nữ trang hoặc ma túy. Khi về Việt Nam, họ cố tình ăn mặc cho "ra vẻ Việt Kiều", họ đòi hỏi tiện nghi này nọ, chê bai đường sá, nhà cửa ở Việt Nam thiếu tiện nghi. Chẳng trách sao người Việt trong nước vẫn đang nhìn Việt Kiều qua lăng kính "đô la". Dưới mắt họ, Việt Kiều là những "chủng loại" lạ lùng chẳng giống ai từ nước ngoài về, có rất nhiều tiền đô và cách ăn mặc, cư xử, dáng dấp ngoại hình không giống người trong nước (mập, trắng trẻo, xem "sang" hơn, hay đeo cái "bao tử (túi đựng tiền xu) ở bụng, đeo nhiều vòng vàng nữ trang hơn...), khi nói chuyện thì giả bộ quên tiếng Việt hoặc bập bẹ vài chữ tiếng Anh cho ra vẻ.

Về khía cạnh nhân đạo, không thể khoe khoang hưởng thụ ngay trên quê hương mình vốn vẫn đang rất nghèo với hàng chục triệu người dù phải làm việc cật lực mà mỗi ngày không kiếm được hơn một đô la (khoảng 16 ngàn VNĐ). Nói thẳng ra, đây là hành động vô lương tâm.

Về khía cạnh dân chủ, cách hành xử nhố nhăng của đa số Việt Kiều khi về nước đã vô tình phá hoại (undermine) sự nghiệp đấu tranh của các nhà dân chủ trong cũng như ngoài nước. Đất nước còn nghèo, người Việt Nam cần tiền để mưu sinh. Tiền đô có thể giảm cái đói nghèo tạm thời. Nhưng để đổi đời, người Việt Nam cần một chế độ dân sinh dân chủ. Để được như vậy, người Việt trong nước cần những tấm gương dân chủ để noi theo, chứ không phải những tấm gương "đô la" qua lối hành xử nhăng nhít của Việt Kiều hiện nay.

Chừng nào mà người dân trong nước nhìn mỗi Việt Kiều về nước như là một biểu tuợng của tinh thần trung thực, nhân ái, công bằng, tự do và dân chủ, trái ngược với hình ảnh mà họ thấy từ những cán bộ Đảng giảo quyệt, tàn ác, tham lam, độc đoán, thì chừng đó sự nghiệp dân chủ cho Việt Nam mới hy vọng có cơ hội.

Không bắt buộc mỗi Việt Kiều về nước phải là một "chiến sĩ dân chủ". Nhiều Việt Kiều bây giờ không màng đến chuyện chính trị vì lý do này khác. Đây là tự do cá nhân của họ, ta không thể bắt buộc. Tuy nhiên, với tư cách là một người Việt Nam sống ở những xứ sở dân chủ có nền dân trí cao độ, họ có trách nhiệm phải thể hiện một lối sống văn hóa xứng đáng với người dân và xứ sở đã cưu mang giúp đỡ họ trong những ngày khốn cùng chân ướt chân ráo mới nhập cư. Chính xã hội mang tính trung thực, năng động, nhân đạo, công bằng, dân chủ cao độ của người dân Tây Phương đã giúp cho người Việt định cư ở nước ngoài có thể hội nhập và thành đạt nhanh chóng.

Vậy thì những người Việt này sau khi thành đạt rồi phải có trách nhiệm, phải học hỏi và thực hành tinh thần này mỗi nơi, mỗi lúc.

Khi ở bản địa thì không được gian lận, luồn lách qua mặt luật pháp (kiểu giả nghèo xin foodstamps, giả ly dị để xin trợ cấp single parents, đi làm tiền mặt để trốn thuế...) để khỏi phá vỡ nền dân chủ quí giá mà chúng ta đang thừa hưởng.

Khi về Việt Nam thì hãy là tấm gương sáng về đạo đức, dân trí để hầu khai sáng dân trí và vô tình hay hữu ý thúc đẩy một lộ trình tự do dân chủ cho Việt Nam.

Mỗi Việt Kiều, khi về Việt Nam, phải hòa đồng (chứ không hòa nhập) với người trong nước. Phải ăn như họ. Phải mặc như họ. Phải chịu đựng cái họ phải chịu đựng và phải vui cái vui của họ. Tuy vậy, không đánh mất mình và luôn tận dụng mọi cơ hội để noi gương sáng dân trí. Không cần thiết phải đả động đến các vấn đề chính trị, nhưng phải gieo trồng hạt giống của tư tưởng dân chủ. Đây là con đường tuy dài nhưng thực tế và chắc chắn.

Hãy làm "dân vận" bằng những hành động cụ thể nhất có thể làm được. Nếu bạn đồng ý với bài viết này, hãy email hay đi mua ngay một máy in rẻ tiền, một xấp giấy in, và in bài viết này gửi tới địa chỉ của những người quen (hay không quen) của bạn ở Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Nga..., nhất là những người mà bạn biết rằng hay về VN thăm thân nhân hay du lịch.

Đừng sợ mất lòng. Hãy đánh thức lương tâm, khai sáng dân trí của Việt Kiều để mỗi Việt Kiều bình thường khi về nước sẽ là một biểu tượng của tinh thần trung thực, công bằng, nhân ái, tự do và dân chủ.

Trần Bình
(FB QuocBien Le)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét