Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Ngày 22/1/2014 - Có thể kiện Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa - Ngân hàng nhà nước không mua vàng từ dân vì chênh quá cao

TIN LÃNH THỔ

TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ

TIN THẾ GIỚI

Có thể kiện Trung Quốc đòi lại Hoàng Sa

(PetroTimes) - Tiến sĩ (TS) Nguyễn Nhã là học giả dành trọn đời nghiên cứu Hoàng Sa - Trường Sa, cũng như trong bao năm qua, liên tục đến nhiều nước, nơi có kiều bào người Việt Nam sinh sống để thuyết minh "Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam" để quy một lòng đoàn kết, thống nhất người Việt Nam dù ở đâu cũng hướng về tổ quốc và khẳng định với thế giới Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam, sự thật lịch sử không thể chối cãi.  

PetroTimes đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Nhã về vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

PetroTimes:Đã 40 năm kể từ ngày Trung Quốc (TQ) chiếm đóng trái phép Hoàng Sa, ông có thể nói về một số tư liệu trong lịch sử khẳng định Hoàng Sa không phải của TQ, như lời lẽ mà họ đã ngụy tạo trong bao nhiêu năm qua?

TS Nguyễn Nhã: Bên cạnh những tư liệu của các Triều đình Việt Nam khẳng định tính liên tục trong việc sở hữu Hoàng Sa thì tôi muốn nhắc đến một số tư liệu do Phương Tây ghi chép. Từ thế kỷ XVIII người Pháp, thông qua hoạt động của các giáo sĩ, thương gia, nhất là từ khi giám mục Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc) giúp Nguyễn Ánh về quân sự, đã bắt đầu quan tâm đến Việt Nam.

Mặc khác, họ còn kế thừa những hiểu biết của người Bồ Đào Nha, người Hà Lan… nên biết khá rõ nội tình chính trị Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài thời phân tranh, cũng như khi Đàng Trong – Đàng Ngoài đã thống nhất. Từ đó, người phương Tây mới biết rõ chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa để khai thác và thực thi quyền cai trị.

Nhà truyền giáo Gutzlaff vào năm 1849 cho biết, chính quyền Việt Nam thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam. Trước đó, giám mục Taberd viết: “Chính là vào năm 1816 mà ngài (vua Gia Long) đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong… hay Chaigneau đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochinchine” như sau: “Chỉ đến năm 1816, đương kim Hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy”…

Rồi do những dòng hải lưu cũng như hướng gió thổi ở Biển Đông, nên những người bị đắm tàu ở quần đảo Hoàng Sa luôn bị trôi dạt vào bở biển miền Trung Việt Nam, nơi được gọi là bờ biển của Đàng Trong (hay Nam Hà) ở các thế kỷ XVII, XVIII, còn người phương Tây thường gọi là Cochinchina hay An Nam. Sang thế kỷ XIX và thế kỷ XX, nhất là trước năm 1945, Việt Nam bị Pháp đô hộ, triều đình Huế chỉ còn là hư vị, chỉ cai quản Trung Kỳ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, nên người Pháp hay Phương Tây vẫn gọi Trung Kỳ là xứ An Nam.
TS Nguyễn Nhã.

PetroTimes: Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ tất cả những chứng cứ lịch sử và cố ngụy tạo ra nhiều dữ kiện để chứng tỏ với thế giới rằng, Hoàng Sa là của họ và cách đây 6 năm họ đã thành lập TP Tam Sa (huyện Hải Nam). Thật vô lý!

TS Nguyễn Nhã: Về phương diện lịch sử, cho đến nay, các học giả TQ để lại quá nhiều nghi vấn do họ cố tình sử dụng sai phương pháp sử học hiện đại. Từ sử liệu địa dư, phương chí và địa đồ cổ trong kho tàng văn hiến TQ, tính đến cuối đời Thanh chưa từng thể hiện sự xác nhận chủ quyển đối với các quần đảo trên Biển Đông ngoài Hải Nam.

Trong khi đó, từ đời nhà Lê của Việt Nam, địa đồ chính thống “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” thời Hồng Đức đã xác định sự hiện diện của quần đảo Hoàng Sa. Và “Đại Nam nhất thống toàn đồ” vẽ khoảng 1834 (thời vua Minh Mệnh) đã ghi nhận các quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc Việt Nam. Khi các học giả TQ vẫn vòng vo trong việc đưa ra các luận cứ có tính thuyết phục về vấn đề chủ quyền của TQ đối với các quần đảo Tây Sa và Nam Sa, cùng với việc lập thành phố Tam Sa một cách phi pháp nhằm quản lý các đảo này thì Chính phủ Trung Quốc chỉ góp thêm một “sử liệu” sai lầm nữa cho các học giả về sau mà thôi.





PetroTimes: Tuy nhiên, giới học giả TQ thực hiện việc tuyên truyền phi lý này đang sinh sống và làm việc ở nhiều ĐH lớn trên thế giới, không những thế họ còn in rất nhiều sách, tư liệu, trang web viết về Hoàng Sa - Trường Sa theo hướng có lợi cho họ. Việt Nam vẫn bị bất lợi về mặt tư liệu và phổ biến tư liệu ra cộng đồng thế giới đúng không, thưa ông?

TS Nguyễn Nhã: Phải thấy rằng hiện nay tư liệu của TQ viết về Hoàng Sa - Trường Sa (HS-TS) nhiều vô kể. Đi bất cứ đâu, đến bất cứ trường ĐH nào trên thế giới, tôi đều thấy tài liệu của TQ viết về HS-TS. Từ sách trong các thư viện, trên trang mạng của các thư viện, các trang web phổ biến trên toàn thế giới.

Chưa kể, là các giảng viên tại các trường ĐH này còn yêu cầu SV nên làm các nghiên cứu về HS-TS nhưng tư liệu do TQ cung cấp. Ngay ở ĐH Harvard có quỹ Havard Yenching cũng do Chính phủ TQ bỏ tiền tài trợ để nó tồn tại, các nghiên cứu đều phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh…

Còn tài liệu viết về HS-TS của Việt Nam tại hải ngoại thật hiếm hoi. Tôi chỉ thấy ở hai nơi là thư viện ở Aldelaide và Melbourne (Úc) có một cuốn sách tiếng Anh, với tựa đề “Sovereignty over Paracel anh Spratly Islands” của bà luật gia Monique Chemillier. Tài liệu này rất hay, viết về tính pháp lý quốc tế của HS-TS, trong đó có nhiều văn bản từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, quản lí thư viện cho biết là rất ít người tìm đọc cuốn sách này.

Khi đến Melbourne, nhiều nghiên cứu sinh người Việt Nam đang học tại đây hứa sẽ viết lời giới thiệu cuốn sách “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa” cùng nhiều tài liệu khác chứng minh tính chủ quyền của VN tại HS-TS lên báo chí Úc. Tuy nhiên, tài liệu của tôi thì thích hợp cho giới nghiên cứu hơn là tài liệu phổ thông.
Một đảo nhỏ nằm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

PetroTimes: Có giả thuyết cho rằng, nếu đưa vấn đề HS-TS ra tòa án quốc tế thì khả năng thắng kiện của Việt Nam rất cao. Ông nghĩ sao về giả thuyết này?

TS Nguyễn Nhã: Theo tôi, với tất cả những dự kiện lịch sử của Việt Nam, cũng như tài liệu của phương Tây viết về HS-TS thì khi đưa ra tòa án quốc tế, khả năng thắng kiện của ta rất cao. Chỉ ngặt một nỗi, nếu đưa ra “Tòa án tranh chấp chủ quyền” thì phải song phương, có sự tham gia của hai nước. Cả hai quốc gia cùng ra tòa thì họ mới thụ lý hồ sơ. Tuy nhiên, rất nhiều nhà chính trị, cũng như nhà nghiên cứu cho rằng, chẳng bao giờ TQ chịu ra “Tòa án tranh chấp chủ quyền”.

Tôi từng đọc một luận án TS ở ĐH Sorbonne do một người Đài Loan viết rằng, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận ra tòa giải quyết tranh chấp chủ quyền vì đối với HS-TS, họ không có bất cứ cơ sở lịch sử, pháp lí nào để chứng minh là của họ. Thậm chí, sự kiện xảy ra năm 1894-1895, TQ tuyên bố Paracel (quần đảo Hoàng Sa) không thuộc chủ quyền của họ. Chính họ đã tuyên bố như thế, nhưng giờ họ lật lọng.

Do đó, nếu muốn thắng kiện thì VN chỉ còn cách dựa vào Tòa Luật Biển. Vì Tòa Luật Biển cho phép một quốc gia đơn phương đưa ra tòa, chứ không cần cả hai bên phải đồng ý, tòa mới thụ lý. Căn cứ vào đường lưỡi bò vô lý của TQ thì Việt Nam dư sức thắng. Tuy nhiên, họ có thể lắt léo nói đường lưỡi bò là liên quan đến tranh chấp chủ quyền nên không thuộc thẩm quyền của Tòa Luật Biển và từ chối thụ lí hồ sơ. Bất lợi nữa là hiện nay, trong tòa án quốc tế Lahay đã có thẩm phán người TQ, trong khi không có bất cứ thẩm phán người Việt Nam nào.

PetroTimes: Là một nhà nghiên cứu lịch sử, với tư duy khoa học lịch sử biện chứng thì ông có tin rằng Việt Nam sẽ đòi lại được Hoàng Sa?

TS Nguyễn Nhã: Tôi khẳng định là đòi được. Vấn đề còn lại là thời gian nào, thời cơ nào thôi. Lịch sử đã chứng minh, dù 1.000 năm Bắc Thuộc thì cuối cùng ta cũng giành được chủ quyền. Nhân 40 năm hải chiến Hoàng Sa, nếu Nhà nước mình thừa nhận một chính quyền đã từng thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền của mình sẽ rất tuyệt vời.

Từ đó, người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước, dù khác nhau về quan điểm chính trị nhưng cùng tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc sẽ xây dựng nội lực đất nước hùng cường, sẽ lấy lại được Hoàng Sa.
Thiên Thanh(thực hiện)

“Không bằng con… chó!”

Đến Chủ tịch nước còn phải lo rằng, chút quà nhỏ của Đảng, Nhà nước có thể không đến được tay người dân và phải có chỉ thị thì rõ ràng sự hư hỏng của cán bộ đã rất phổ biến và chính đám sâu mọt này đã và đang làm giảm đi ý nghĩa món quà của Chủ tịch nước.

Nhà văn Trần Công Tấn, người đã từng được làm việc gần Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trong giai đoạn Đại tướng được giao trọng trách là Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Và chính nhờ quãng thời gian này mà nhà văn đã viết được cuốn “Sáng trong như ngọc một con người” - một tác phẩm chân thực về Đại tướng.

Ông kể rằng, năm 1962, vào kỳ giáp hạt, một số huyện ở Thanh Hóa bị đói. Chính phủ đưa gạo về cứu đói cho dân. Nhưng tại một xã, có vài cán bộ lấy gạo cứu đói chia cho nhau ăn trước. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp ở huyện đó. Người dân gặp Đại tướng và tố cáo chuyện cán bộ xã ăn chặn gạo cứu đói. Khi họp với cán bộ của huyện, nói về việc này, Đại tướng giận run người và nói như lạc giọng đi: “Làm cán bộ mà ăn của dân như thế thì thật không bằng… không bằng… không bằng con chó!”.

Với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, những loại cán bộ làm láo báo cáo hay hoặc bòn rút của dân là ông cực kỳ căm ghét.

Ngày ấy, những loại cán bộ ăn chặn của dân rất ít, cực hiếm… Còn đảng viên thì hầu hết là “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Nhưng bây giờ, liên tục phát hiện ra những vụ cán bộ ăn chặn tiền cứu trợ cho dân nghèo; khai khống người có công, thương binh, liệt sĩ để ăn tiền chính sách. Rồi không xóa tên người đã mất để lấy tiền… Thậm chí tiền, hàng cứu trợ cho nạn nhân bị thiên tai cũng bị ăn chặn, bị xà xẻo.

Và đâu chỉ có tham ô, tham nhũng, ăn chặn… Đám cán bộ này còn nghĩ đủ mưu, đủ kế để bắt người dân đóng đủ các thứ lệ phí và nghĩ ra đủ trò để ăn tiền của dân.

Chả thế danh xưng về đám “cường hào kiểu mới” ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều địa phương.

Có lẽ vì lo lắng trước tình hình này mà sắp đến tết Nguyên đán năm Giáp Ngọ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải có chỉ thị cho các cấp chính quyền chuyển quà tết của Chủ tịch nước đến tận tay người có công, gia đình chính sách.

Nghe mà thấy buồn.

Đến Chủ tịch nước còn phải lo rằng, chút quà nhỏ của Đảng, Nhà nước có thể không đến được tay người dân và phải có chỉ thị thì rõ ràng sự hư hỏng của cán bộ đã rất phổ biến và chính đám sâu mọt này đã và đang làm giảm đi ý nghĩa món quà của Chủ tịch nước.

Chẳng thế mà gần đây, không ít tổ chức, cá nhân khi đi làm công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo hoặc các hoạt động từ thiện khác thường không muốn trao qua tỉnh, qua huyện, qua xã… Mà họ muốn được trao tận tay bà con cần được hỗ trợ. Họ buộc phải làm như vậy bởi họ biết hơn ai hết, nếu “trao một cục” cho tỉnh, cho huyện, cho đoàn thể nọ, chính quyền kia thì có khi 10 phần chỉ đến tay người dân được 1.

Với đám cán bộ này, quả thật, chỉ có một cách so sánh.

Kính xin anh linh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho phép được nhắc lại câu của Người: “Làm cán bộ mà ăn của dân như thế thì thật không bằng… không bằng… không bằng con chó!”.
Kim Triêu
  (Petrotimes)
 

Ngân hàng nhà nước không mua vàng từ dân vì chênh quá cao

“Chênh lệch vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức tương đối cao, trên dưới 3 triệu đồng/lượng, thì khả năng NHNN mua vàng vào là rất khó khả thi”, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho biết.
Khẳng định này được ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) đưa ra khi trả lời câu hỏi của Infonet về điều hành thị trường vàng trong năm 2014, chiều 21/1.
Nhìn nhận “năm 2013 là năm điều hành khó khăn của NHNN”, nhưng ông Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng, nhờ sự nỗ lực trong điều hành thị trường vàng đã được sắp xếp lại căn bản, các hoạt động trên thị trường đã có biến đổi rất khác so với trước đây, đầu cơ lũng loạn thị trường đã được triệt tiêu.
“Năm 2014, NHNN sẽ tiếp tục bình ổn thị trường vàng bằng cách tiếp tục bán vàng qua đấu thầu”- ông Huy nói.
Trả lời câu hỏi của PV Infonet, rằng liệu khi thị trường đã dần ổn định NHNN có tính tới chuyện mua vàng vào? Ông Huy chia sẻ, việc huy động vàng là vấn đề hóc búa, đòi hỏi nhiều giải pháp. Với phương án huy động truyền thống là vàng gửi lấy lãi NHNN đánh giá đây không phải là giải pháp tốt, vì tạo ra hiện tượng vàng hóa và Nhà nước phải bỏ ra một chi phí lớn không cần thiết.
Phương án tốt nhất được Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối đưa ra là “mua vàng từ trong dân”, nhưng theo ông cách này cũng khó thực hiện được trong thời gian tới. Bởi lẽ, để thực hiện mua vàng từ trong dân đòi hỏi có nhiều giải pháp và có nhiều điều kiện nhất định như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp… hay điều kiện về giá của một số thị trường khác. “Nói gì thì nói vàng vẫn là một trong những lựa chon đầu tư của nhiều người dân. Nếu các công cụ đầu tư khác tốt lên thì tính hấp dẫn của vàng giảm đi, khả năng bán vàng chuyển sang các kênh đầu tư khác cao hơn”- ông cắt nghĩa.
Một yếu tố được Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối coi là then chốt khiến việc NHNN mua vàng trong dân gặp trở ngại, là câu chuyện về giá. Hiện giờ với mức giá chênh lệch vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức tương đối cao, trên dưới 3 triệu đồng/lượng, thì khả năng NHNN mua vàng vào là rất khó khả thi.
“Việc này cũng là một nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho NHNN trong năm 2014 sẽ chuẩn bị tất cả các điều kiện về kỹ thuật, pháp lý… để có thể triển khai ngay khi đã chín muồi. Với chênh lệch giá hiện thời, chúng tôi vẫn đang tiếp tục chiều bán ra qua kênh đấu thầu để bình ổn thị trường vàng.”- ông Nguyễn Quang Huy khẳng định.
Theo Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét