Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Cơ hội chót của Thủ tướng - Chia đều hay chia không đều? - Ai là siêu lừa? - Nếu mọi tín đồ tôn giáo đều “thực hiện tốt chủ trương của Đảng”...

Cơ hội chót của Thủ tướng



Nghe bài này
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cố gắng cải thiện hình ảnh của ông với công chúng qua thông điệp “đổi mới”. Nhưng đây có thể là cơ hội cuối cùng nếu như chính phủ do ông lãnh đạo tiếp tục chỉ nói mà không làm. Nam Nguyên ghi nhận một số thông tin liên quan.
Lời hứa đầu năm của thủ tướng
Đối với những người quan tâm đến thời cuộc và có trải nghiệm về chế độ Xã hội Chủ nghĩa thì mọi sự đổi mới không thể là quyết định cá nhân của bất kỳ nhà lãnh đạo nào.
LS Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định:
“Đưa những vấn đề mới, đòi hỏi những vấn đề mới như thế, tôi cho rằng đặt ra ở một vị trí như thế thì nên đấu tranh từ trong Đảng chứ không phải là hô hào. Ở Việt Nam không có câu chuyện lãnh đạo nào đứng hô hào để tranh thủ ý kiến cử tri, ý kiến nhân dân…không có cái đó mà phải có sự thống nhất.
Đó là một dấu hiệu lạ…đúng là lạ, cho nên người ta đòi hỏi là ông Thủ tướng phải điều hành kinh tế là chính; rồi phải cầm trịch trong việc đấu tranh chống tham nhũng; rồi phải triển khai chương trình của mình cụ thể; Người ta đòi hỏi cái đó nhiều hơn là chuyện đòi hỏi thay đổi thể chế chính trị, đọc cái đó thì ai cũng biết là đòi hỏi thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam là câu chuyện cần phải bàn một cách thận trọng.”
Đưa những vấn đề mới, đòi hỏi những vấn đề mới như thế, tôi cho rằng đặt ra ở một vị trí như thế thì nên đấu tranh từ trong Đảng chứ không phải là hô hào.
LS Trần Quốc Thuận
Thông điệp “đổi mới” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gởi tới quốc dân vào đầu năm 2014 xác định động lực cải cách không còn phát huy tác dụng, không đủ mạnh nên cần đổi mới thể chế, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chưa khi nào ông Nguyễn Tấn Dũng lại hứa hẹn cho người dân nhiều quyền đến vậy, như được tham gia xây dựng chính sách, thực hiện quyền của dân để bầu cử trực tiếp, quyền tiếp cận thông tin, quyền giám sát.
Thủ tướng còn cam kết Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan Nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch. Về kinh tế Thủ tướng cam kết xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp nhà nước, tôn trọng cạnh tranh bình đẳng và đề cập tới khái niệm Nhà nước kiến tạo phát triển, nhà nước không làm thay mà tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
 
Những gì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra trong thông điệp đầu năm 2014 quá tốt đẹp. Hoàn hảo đến mức độ mà nhiều người cho là chơi chữ, hoặc chỉ là nỗ lực sửa đổi lại hình ảnh một Thủ tướng thất bại trong điều hành kinh tế và để tham nhũng tràn lan. Tuy vậy, thông điệp Nguyễn Tấn Dũng lại được tán dương và bày tỏ nhiều hy vọng từ chính một số nhân sĩ trí thức, những người từng phê phán ông rất nặng nề trong quá khứ. Trao đổi cùng chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng, nhà nghiên cứu và nhà bình luận ở TP.HCM cho rằng trong Đảng và Chính quyền Việt Nam chia ra hai nhóm gọi là nhóm kiên định và nhóm lợi ích.
“ Vào năm 2012 ông Nguyễn Tấn Dũng bị dư luận chê trách và nhiều người ghét cay ghét đắng qui ông ấy là tội đồ gây ra nền kinh tế suy sụp tham nhũng chưa từng thấy. Nhưng đến đầu 2013, sau phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng không chỉ đảng viên mà còn cả nhân dân cũng suy thoái về mặt nhận thức đối với Đảng. Từ đó bùng nổ sự kiện nhà báo Nguyễn Đắc Kiên ở báo Gia đình Xã hội có thư phản ánh trên mạng rất gay gắt rất chua xót về ông Nguyễn Phú Trọng. Đột nhiên sau đó có một sự chuyển biến tư tưởng trong dân chúng một cách kỳ lạ, người ta bắt đầu suy nghĩ về nhóm kiên định nhiều hơn là nhóm lợi ích và cho đến bây giờ lại có một sự chuyển đổi màu sắc khá rõ rệt là, có một số người trước đây căm thù nhóm lợi ích thì bây giờ lại nghiêng về quan điểm là thôi thì đàng nào cũng xấu cho nên trong hai cái xấu đành phải chọn cái nào đỡ xấu hơn. Tại vì ở Việt Nam bây giờ không còn cái đặc quyền để có thể lựa chọn cái nào tốt hơn cái nào mà chỉ có thể lựa chọn cái nào đỡ xấu hơn cái nào.”
Tại vì ở Việt Nam bây giờ không còn cái đặc quyền để có thể lựa chọn cái nào tốt hơn cái nào mà chỉ có thể lựa chọn cái nào đỡ xấu hơn cái nào
TS Phạm Chí Dũng
“Xin Thủ tướng cho tôi tin một lần”
Những điều TS Phạm Chí Dũng chia sẻ có vẻ được chứng minh qua thông tin báo chí. Theo ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết trên blog của ông: Tại cuộc gặp mặt đầu năm với báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội, thành phần tham dự gồm nhóm 23 gồm những cựu thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể và những người thân cận Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhóm Minh triết phương Đông của ông Nguyễn Khắc Mai, nhóm VIDS và một số nhân vật khác…đã đạt được sự đồng thuận cao trong suốt 4 giờ thảo luận. Đó là: “ Tình hình đất nước đòi hỏi phải làm, thông điệp cho thấy Thủ tướng muốn làm thật. Khép lại mọi vướng mắc trong quá khứ, cả nước đồng lòng cùng sắn tay, nhất định làm được! Đừng thụ động chờ đợi.”
Trò chuyện với chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng đề cập tới xu hướng đang lớn mạnh mong muốn có sự thay đổi triệt để ở Việt Nam. Ông nói:
Ở Việt Nam hiện nay cũng đang có một luồng suy nghĩ một tâm lý hy vọng về việc ai đó, có thể là Nguyễn Tấn Dũng hoặc là ai đó có thể trở thành một Gorbachev hoặc một Boris Yeltsin để có thể xoay chuyển tình hình đất nước
TS Phạm Chí Dũng
“Có lẽ trong những gương mặt hiện nay người ta thấy rằng chỉ có ông Nguyễn Tấn Dũng mới có khả năng để cải cách mà thôi. Tất nhiên từ cải cách chưa dùng tới, nếu có chỉ là cải cách kinh tế. Còn trong thông điệp của mình ông Nguyễn Tấn Dũng chưa chạm tới từ cải cách, càng chưa đụng chạm tới cải tổ và ông ta chỉ dùng từ đổi mới thể chế thôi. Đó là từ khá nhẹ nhàng đại loại như perestroika ở Liên Xô những năm 1986 khi Gorbachev bắt đầu nắm quyền và cũng nên nhắc lại perestroika chính là tâm điểm khởi nguồn điểm đã tạo nên cuộc thay đổi kinh hoàng chưa từng thấy trong thế kỷ 20 đối với một chủ nghĩa, một hệ tư tưởng, một hệ ý thức.
Đặc biệt lại nhấn sâu vào sự kết thúc gần như trên phạm vi toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản, trước mắt là ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Cho nên ở Việt Nam hiện nay cũng đang có một luồng suy nghĩ một tâm lý hy vọng về việc ai đó, có thể là Nguyễn Tấn Dũng hoặc là ai đó có thể trở thành một Gorbachev hoặc một Boris Yeltsin để có thể xoay chuyển tình hình đất nước.”
Từ chỗ gần như hoàn toàn bị chán ghét mất niềm tin từ nhân dân và thành phần nhân sĩ trí thức, nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại có thể khoác vào mình bộ áo đổi mới và đạt được sự ủng hộ nhất định. Nhưng có thể đây là cơ hội cuối cùng để ông trở thành một Thủ tướng đổi mới thực sự. Nói như tác giả Nguyễn Trung Chính trên Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự “Xin Thủ tướng cho tôi tin một lần” .

Nguyễn Vạn Phú - Chia đều hay chia không đều?

Nguyễn Vạn Phú
Theo blog Nguyễn Vạn Phú
Có lẽ đã đến lúc đừng quá chú trọng GDP năm này tăng trưởng bao nhiêu, GDP đầu người nay đã lên đến chừng nào. Nó có thể không nói lên điều gì cả nếu chênh lệch giàu nghèo ngày càng giãn ra.
Mỗi lần nghe nói GDP đầu người của dân Việt Nam năm rồi đã lên đến 1.960 đôla Mỹ, người viết bài này lẩn thẩn tự nhẩm tính: một hộ gia đình có năm người ở nông thôn, tính ra mỗi năm sẽ có thu nhập gần 10.000 đôla Mỹ, tức trên 210 triệu đồng.
Khả thi không, chuyện thu nhập bình quân một hộ ở nông thôn lên gần 20 triệu đồng/tháng? Thật khó hình dung quá. Hay GDP đầu người ở TP.HCM năm 2013 đã lên đến 4.500 đôla Mỹ. Một gia đình ba người sẽ có thu nhập chừng 23 triệu đồng/tháng! Cũng khó hình dung quá.
Thôi thì cứ lấy một cái ví dụ như thế này cho rõ. Một dãy phố có năm nhà, thu nhập bốn nhà đầu tiên sàn sàn nhau, cỡ 10 triệu đồng/tháng; riêng nhà thứ năm là một đại gia ngành xuất khẩu, thu nhập cả 1 tỉ đồng/tháng. Có thể nói thu nhập bình quân của dãy phố này là 208 triệu đồng/tháng được chăng (1 tỉ cộng 40 triệu chia cho 5)? Không hề. Bốn nhà đầu tiên sẽ cười vào mũi bạn, nói thống kê kiểu trên trời.
Chính vì vậy mỗi khi nói đến thu nhập hộ gia đình, người ta thường dùng khái niệm thu nhập hộ gia đình trung vị (median household income), tức chia đôi số hộ làm hai rồi lấy thu nhập của hộ ở giữa, chứ không tính theo kiểu bình quân nữa. Một dãy phố có năm hộ, thu nhập hằng tháng lần lượt là 10 triệu, 35 triệu, 40 triệu, 47 triệu và 250 triệu đồng thì thu nhập hộ trung vị là 40 triệu đồng (còn tính theo kiểu bình quân sẽ có thu nhập bình quân lên đến 76,4 triệu đồng).
Dùng khái niệm thu nhập hộ gia đình trung vị so sánh với thu nhập bình quân đầu người sẽ cho thấy chênh lệch giàu nghèo lên đến mức độ nào (thật ra thu nhập bình quân đầu người không chỉ gồm thu nhập của người lao động mà trong đó còn thêm những yếu tố khác, thu nhập của người lao động chỉ chiếm chừng một nửa).
Ví dụ GDP đầu người tính theo ngang bằng sức mua của Singapore năm 2012 lên đến trên 60.000 đôla Mỹ, nhưng theo khảo sát của Gallup (một tổ chức thăm dò dư luận chuyên nghiệp của Mỹ) thì thu nhập đầu người trung vị của Singapore (cũng tính theo ngang bằng sức mua) chỉ là 7.345 đôla Mỹ và thu nhập hộ gia đình trung vị ở nước này là 32.360 đôla Mỹ.
Thử hình dung như thế, cái phần trên của dân cư nước này sẽ có thu nhập lớn chừng nào và mức nghèo khó (của các hộ ở phần dưới) ở đảo quốc này không phải là nhỏ. Theo một số ước tính nhân tranh luận có nên đặt ra ngưỡng nghèo ở Singapore hay không thì ước chừng một phần tư dân Singapore đang sống dưới mức nghèo khó. Dĩ nhiên ngưỡng này là khá cao so với các nước đang phát triển (chừng 900 đôla Singapore/người/tháng).
Nếu đừng dùng từ “nghèo” dễ gây hiểu nhầm, số liệu thống kê chính thức cho thấy chừng 26% lao động Singapore nhận ít hơn 1.500 đôla Singapore/tháng, trong khi mức lương bình quân ở nước này là 3.000 đôla Singapore/tháng. Thử hình dung trong một đất nước mà thu nhập đầu người danh nghĩa là trên 52.000 đôla Mỹ/năm mà đến một phần tư chỉ hưởng mức lương chưa đến 15.000 đôla Mỹ/năm sẽ thấy sự chênh lệch thu nhập cao như thế nào.
Trở lại Việt Nam, để tránh việc khó hình dung nói ở đầu bài, phải đi tìm số liệu thu nhập hộ gia đình trung vị tương tự như trường hợp Singapore.
Trước hết phải nói ngay là theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, thu nhập đầu người tính theo ngang bằng sức mua của Việt Nam là trên 3.700 đôla Mỹ chứ không chỉ là 1.750 đôla là thu nhập đầu người danh nghĩa. Nói nôm na do giá cả hàng hóa và dịch vụ ở nước ta còn thấp so với ở Mỹ nên sức mua (ví dụ ổ bánh mì hay hớt tóc) ở Việt Nam còn cao hơn nhiều nơi khác (1.750 đôla ở đây có sức mua bằng 3.700 đôla ở Mỹ).
Theo khảo sát của Gallup vừa công bố vào tháng trước, thu nhập đầu người trung vị của Việt Nam (tính theo ngang bằng sức mua) là 1.124 đôla Mỹ và thu nhập hộ gia đình trung vị là 4.783 đôla Mỹ (con số trung vị của cả thế giới lần lượt là gần 3.000 đôla và gần 10.000 đôla).
Chuyện Việt Nam còn nghèo so với thế giới thì ai cũng biết và ngay cả chênh lệch giàu nghèo bên trong Việt Nam là lớn thì ai cũng hay. Nhưng dù sao đây là những con số đáng tham khảo. Gallup cho biết họ thu lượm thông tin từ năm 2006-2012 ở 131 quốc gia, mỗi nước phải khảo sát hơn 2.000 người để tính toán đưa ra những con số này.
Thế thì Tổng cục Thống kê có tính toán con số này không? Tìm kiếm các nguồn niên giám thống kê các năm, không thấy con số “thu nhập hộ gia đình trung vị” như khái niệm thế giới thường dùng. Chỉ có khái niệm “thu nhập bình quân đầu người một tháng”, năm 2012 là 2 triệu đồng (hơn 3 triệu ở thành thị và hơn 1,5 triệu đồng ở nông thôn). Có lẽ đây chính là “thu nhập đầu người trung vị” vì tính ra mỗi năm chỉ chừng 1.143 đôla Mỹ.
Báo chí các nước vào dịp đầu năm ít khi đưa tin GDP của nước họ tăng bao nhiêu phần trăm. Nếu có thì họ thường gắn với chuyện “thu nhập hộ gia đình trung vị” tăng hay giảm để phân tích mức sống của người dân nói chung có cải thiện gì trong năm qua hay không.
Trong tuần lễ cuối cùng của năm, báo chí Mỹ nhấn mạnh một khảo sát cho thấy thu nhập hộ gia đình trung vị thực của nước này vẫn còn thấp hơn năm 2009 khi ông Obama nhậm chức chừng 4,4% (đối với hộ người da đen thì mức sụt giảm còn cao hơn, gần 11%).
Trong cùng thời gian đó GDP tăng 10%, lợi nhuận của khối doanh nghiệp tăng 50% và chỉ số S&P500 tăng đến 77%. Nhiều nhà bình luận dùng các con số này để nói thật ra với dân Mỹ, khủng hoảng vẫn còn hiển hiện rất rõ bất kể GDP có tăng như thế nào chăng nữa.
Vì vậy có lẽ đã đến lúc đừng quá chú trọng GDP năm này tăng trưởng bao nhiêu, GDP đầu người nay đã lên đến chừng nào. Nó có thể không nói lên điều gì cả nếu chênh lệch giàu nghèo ngày càng giãn ra. Nên tìm hiểu thu nhập hộ gia đình trung vị có tăng được đồng nào không bởi đó là mức tăng nhiều người sẽ cảm thấy rõ rệt nhất.

Hồ Thu Hồng - Ai là siêu lừa?

Hồ Thu Hồng
Theo blog Beo
Bạn có tin, cả năm trời, CEO hay ông chủ của Vietinbank và hai nạn nhân Navibank (Đặng Thành Tâm) và ACB (Nguyễn Đức Kiên) không một lần chạm mặt nhau hay không một lần điện đàm không?
Bạn có tin, có một ngân hàng nào mà việc lưu thông của dòng tiền lên đến 4 ngàn tỷ mà lãnh đạo hòan tòan không biết không?
Nếu không tin thì hãy đọc tiếp entry này. Bởi nền móng cho lập luận bị lừa hay không bị lừa, phần lớn nằm ở câu trả lời.
Tóm tắt vụ án lừa đảo (tạm gọi theo tội danh tại tòa) như sau:
Huyền Như - do vay nóng với lãi xuất cực cao của tín dụng đen để chơi chứng khóan, đã đổ nợ và tìm cách lừa đảo bằng cách rất thông dụng, sơ khai mà bạn thường gặp ở tín dụng đen: đem tiền của người sau trả lãi cho người trước, cho đến khi… cụt vốn và đi tù. Át chủ bài ở đây là đánh vào long tham cố hữu của con người.
Cái khác duy nhất của Như với tín dụng đen là: Ở tín dụng đen, người bị hại do dốt nát mà đem trứng gửi cho ác. Còn 12 nạn nhân (tính theo cáo trạng) đang đứng trước tòa kia, không là bậc thầy của Như về nghiệp vụ chuyên môn thì cũng là sư phụ Như trong lĩnh vực kinh doanh. Nói cách khác, chẳng lừa thiên hạ thì thôi, ở đấy mà bị lừa.
Có một chi tiết cần nói ra để bạn phân biệt. Tiền gửi vào ngân hàng của khách được phân ra làm 2 dòng: dòng gửi tiết kiệm, lãi suất được niêm yết công khai và tiền gửi được bảo hiểm (một phần) từ quỹ phòng rủi ro. Ngân hàng hưởng chênh lệch vay-cho vay.
Dòng thứ hai là ủy thác cho ngân hàng đem tiền của mình đi đầu tư. Ở dòng này, ngòai lãi suất thỏa thuận theo từng hợp đồng thì khách hàng còn buộc phải chịu những rủi ro, lời ăn lỗ chịu. Tất cả 12 nạn nhân nằm trong dòng tiền này.
Beo lại hỏi tiếp bạn câu thứ ba: bạn tin, vào thời điểm kinh tế suy thóai như những năm 2010,2011, những ông bà chủ có sạn có sỏi trong đầu trên thương trường, mà lại tin tưởng vào những phi vụ làm ăn siêu lợi nhuận của Vietinbank, để đến nỗi bị một con nhóc nó lừa? hay bạn tin vào giả thuyết của Beo, cố tình để bị lừa, kiếm lợi trong lúc làm ăn quá khó khăn?
* * *
Beo nói về khỏan tiền ủy thác từ các ngân hàng trước.
Việc “buôn tiền” lẫn nhau giữa các ngân hàng, cho đến giờ phút này chưa có bất cứ văn bản cấm chính thức nào của ngân hàng nhà nước.
Việc ôm tiền đến Vietinbank của các ngân hàng nạn nhân, không phải là việc mờ ám bí mật, tất cả đều thực thi theo nghị quyết của hội đồng quản trị ngân hàng ấy.
Tòan bộ số tiền ủy thác đều gửi chính xác vào tài khỏan chính thức của ngân hàng Vietinbank.
Tiền gửi đủ 24h là ngân hàng đã buộc phải trả lãi suất. Nói từ phía khác, trong 24h ấy ngân hàng phải kinh doanh, từng đồng một, khỏan tiền gửi, tạo ra lãi để hưởng chênh lệch. Và 4 ngàn tỷ kia, từng khỏan một, nằm bao lâu trong mục báo có (từ tài chính) của Vietinbank, trước khi nó được hô biến. (Beo chưa nói đến việc nó hô biến vào túi ai).
Bạn có tin rằng: Hội Đồng Quản Trị của Vietinbank suốt một thời gian dài không hề hay biết việc các ngân hàng (tầm cỡ từ lớn tới rất lớn) kia đang ăn chênh lệch tỉ giá từ nhà mình, đang kiếm ăn trên lưng mình?
Và đến đọan này, thì bạn có còn tin rằng Vietinbank, không hưởng lợi do lừa đảo mà có hay, vô can trước các nạn nhân hay không?
* * *
Giờ nói đến những nạn nhân không phải ngân hàng.
Bản chất quan hệ đối tác Vietinbank - nhóm nạn nhân này và nhóm ngân hàng là như nhau.
Việc phá vỡ hợp đồng, chuyển từ dòng tiền ủy thác sang dòng tiền tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng để rút tiền mặt ra khỏi ngân hàng, chóng vánh đơn giản và chỉ cần một nhân viên cấp phó phòng thực hiện một sáng một chiều, nó bày ra một sự khủng khiếp theo hướng khác: với cung cách quản lí ngân hàng theo kiểu Vietinbank, việc rửa những khỏan tiền khổng lồ từ tham nhũng, từ buôn bán ma túy, buôn lậu… thành tiền sạch, là quá ư dễ dàng.

Phạm Dũng - 3 truyện cực ngắn nghe lỏm từ Trung Quốc

Phạm Dũng
Theo blog Ngô Min

TRUYỆN THỨ NHẤT

Một hôm, ông Lý đi khám bác sĩ, được bác sĩ cho biết ông bị ung thư, mà là giai đoạn cuối mới kinh. Về nhà, ông chạy chữa khắp nơi nhưng vô phương. Ông bèn tìm đến chùa. Sư trụ trì cả quyết do trong làm ăn ông đã hành sử vô đạo nên bị trời phạt. Muốn khỏi bệnh ông phải… ông phải…
Ông đến ngay Tổng công ty, nơi ông làm xếp, triệu tập một cuộc họp khẩn, đối tượng là những cán bộ chủ chốt.
Ông nói:
- Anh chị em, chúng ta đang học tập và làm theo đạo đức bác Mao, để làm gương, tôi xin nộp lại một tỷ nhân dân tệ, đó là số tiền lâu nay tôi đã làm ăn phi pháp mà có.
Mọi người nhìn ông rồi nhìn nhau kinh ngạc.
Ông nói tiếp.
- Giờ tôi yêu cầu anh chị em cũng phải theo gương tôi. Bắt đầu là anh Tỷ.
- Dạ, thư Tổng giám đốc – Tỷ mếu máo – khi vào đây… em biếu Tổng giám đốc 500 triệu, năm vừa rồi em mới xà xẻo được 300…
- Thôi, cậu, khỏi. Còn cô Muội?
- Dạ, em cũng muốn noi gương Tổng giám đốc lắm, nhưng em vừa mới cho thêm thằng sau đi Mỹ… Hôm liên hoan tiễn nó, chính tổng giám đốc còn nói…
- Cô cũng thôi đi. Ông Hào, ông…
- Trời ơi, tôi vừa mua căn nhà cho con bồ nhí, còn chưa trả hết tiền… Hôm tân gia…
- Nhớ rồi. Còn cậu?
Ông quay sang một thanh niên tên Lăng. Lăng khủng khỉnh:
- Tôi lói thẳng, ai nàm gì thì nàm nhưng đừng động đến thằng lày…
- Thôi được! – Ông cắt ngang, và thầm nghĩ: Hồi lão thanh tra chính phủ gửi nó vào, mình đã không muốn nhận, mà… khổ thế…
Rồi, chẳng biết làm sao ông đành nói chẳng phải ông tốt đẹp gì đâu, và ông nói ra việc ông bị ung thư.
Một người cố dấu giọng kẻ cả:
- Tổng giám đốc cần gì phải làm vậy!
- Thế phải làm sao?
- Tổng giám đốc chỉ cần chi ra 10 triệu, mua một thằng, rồi lấy lá gan nó thay béng là xong!
- Được không?
- Với y học bây giờ đó là chuyện nhỏ.
- Mười triệu? Rẻ thế sao?
- Xời, công nhân của mình đói rã họng ra, đằng nào chẳng chết! Mười triệu là dư rồi đó. Chuyện này cứ giao em!
- Ồ… hay quá, thế thì tôi ngu gì trả lại…
Tất cả nhao lên:
- Đúng rồi! Đúng rồi!
Ông tổng giám đốc quay lại giơ tay chào bức ảnh Mao trên tường sau lưng ông:
- Bác Mao à, thật lòng cháu cũng muốn… làm gương và chống tham nhũng lắm, nhưng Bác thấy đấy… Ai cũng dính cả…
Rồi ông quay lại nói với một mhân viên:
- Ngay ngày mai, cậu cho đúc một bức tượng Bác bằng vàng để ngay cổng. Nhớ cho khắc cái câu… nổi tiếng của Bác và mời các nhà báo đến dự, nghe.
- Dạ!
Mọi người giải toán, gương mặt ai cũng hân hoan.

TRUYỆN THỨ HAI

Ngày mai, lớp 12 k1, được quay ti-vi truyền hình trực tiếp, cô gáo được giao bảo ban các em trước để khỏi nói những điều sai trái trước các phóng viên.
Cô bảo:
- Các em hiểu chưa, chỉ được nói những điều lãnh đão muốn nghe và nhất là đừng để lãnh đạo liên tưởng rồi cho là các em định nói móc máy xã hội.
Các em đồng thanh “Hiểu rồi ạ!”
Em Thà đứng lên:
- Thưa cô, mai em hỏi câu này được không?
- Câu gì?
- Tại sao nước mình vào hội Nhân quyền thế giới rồi, mà những người đi phát tờ rơi…
- Thôi, thôi, tuyệt đối không nhắc đến những từ nhậy cảm như là nhân quyền, dân chủ, đấu tranh, dân oan này nọ… Hiểu chưa?
Tất cả:
- Hiểu!
- Dạ, thưa cô thế em hỏi: Nhân dân là đầy tớ sao nhân dân bị…
- Câu đó là tuyệt đối cấm! Nghe!
- Thưa cô thế em hỏi: Sao lãnh đạo không lên đối thoại thực tiếp với những người có ý kiến trái ngược với mình…
- Trời ơi, các em phải hiểu rộng ra chứ. Đó là điều cấm kỵ!
Thưa cô, em nghĩ, chúng ta đừng nói gì xất, cứ hô: “Đảng cộng sản Trung Quốc muôn năm!”, thế nào cũng được khen.
- Trời, muôn năm gì chứ, đã bảo là không được móc méo mà!

TRUYỆN THỨ BA

Các bác sĩ Trung Quốc đã làm bác Mao sống dậy. Tin này được bí mật báo lên Bộ Chính Trị. Tập Cận Bình vội triệu tập một cuộc họp khẩn.
Các ủy viên BCT sau khi thảo luận rất căng, cuối cùng quyết định đây là thành tựu lớn của khoa học Trung Quốc, thành tựu này cho thấy khoa học Trung Quốc ăn đứt khoa học Mỹ, vì vậy phải để Bác sống lấy đó mà tuyên truyền. Nhưng nếu Bác sống mà thấy cuộc sống thế này… thì không được, và BCT nghĩ ra một kế.
Thế là ngay lập tức một thành phố y chang thời bao cấp được nhanh chóng xây dựng. Các diễn viên tuyển chọn và tập luyện kỹ càng để sống y như ngày xưa.
Bác được đưa đến gặp một chị nông dân. Thực ra đó là diễn viên ngôi sao Củng Lợi.
- Cô sống có tốt không? – Bác Mao hỏi.
- Dạ thưa chủ tịch tốt lắm ạ, em mỗi tháng được 4 thước vải và 4 lạng thịt ạ!
- Ồ, tốt, tốt, mới 40 năm mà đời sống người dân đã lên cao thế này…
Rồi Bác quay sang ông Tập: “Các chú làm ăn khá lắm!”
Đến lúc nghỉ giải lao, mọi ngườ tản đi (để đánh chén cho sướng chứ việc gì phải khổ như mấy người diễn viên đang diễn cảnh ngày xưa). Một thằng bé đến bên Bác nói nhỏ:
- Họ xạo Bác đấy, cuộc sống thật bên này kìa.
Rồi nó dẫn Bác bí mật chui qua hàng rào sang bên cái thành phố thật.
Ở đây Bác bị choáng, đó là một sống mà ngay trong mơ bác cũng không bao giờ tưởng tượng được.
Buồn rầu, Bác trở về và ngay lập tức triệu tập các ủy viên BCT lại:
- Các chú, mình đã biết hết rồi, mình sai. Giờ mình phải công bố chuyện này cho thế giới biết.
- Sao lại phải công bố? – Một người liều hỏi.
- Để người ta còn tránh chứ. – Rồi bác nói thêm – Là tránh làm những điều Bác chỉ đạo làm, chứ còn việc tiến lên CNXH thì nhất định phải giữ. Nào, các chú gọi các nhà báo đến đây!
Mọi người lăng xăng vờ vĩnh đi gọi điện.
Một người bưng ra một ly nước đã chuẩn bị sẵn:
- Mời Bác uống, đây là nước cốt sâm, nhung.
- Ha! Ha! Ha! các cậu định đánh thuốc độc ta sao? Đừng mơ!
Rồi bác tự tay khui một chai nước suối để trước mặt ông Tập uống ngon lành. Nhưng vừa nuốt xuống bụng, Bác hồn lìa khỏi xác!
Tập mỉm cười:
- Con hơn cha nhà có phúc!
Ông Tập đang mơ màng: “Chủ nghĩa xã hội 100 năm nữa biết có hay không mà…”
- Thưa đồng chí… bây giờ chúng ta phải làm gì ạ? – Một ủy viên cắt đứt luồng suy tư của ông.
- Nghe đây – Ông Tập nghiêm giọng:
- 1, đưa xác ổng vào lại chỗ cũ!
- 2, Bán kỹ thuật làm xác ướp sống lại… cho cái nước nào mình muốn nó lụn bại đó nghe.
Tất cả nhìn nhau gật gù thầm khen ông Tập cao minh!
(sưu tầm)

Tù chính trị

Trong khám, hai bạn tù chia sẻ kinh nghiệm:
“Ông bị bắt tội gì? Chính trị hay hình sự?”
“Dĩ nhiên là tù chính trị rồi!
Tôi là thợ sửa ống nước. Họ kêu tôi đi sửa ống cống bên Huyện Ủy.
Tôi xem xét, rồi nói: “Ê! Cần phải thay toàn bộ hệ thống này!”
Thế đấy, họ cho tôi bảy năm!

Sẽ có nhiều thay đổi trong tổ chức Quốc hội

Thành lập Tổng thư ký Quốc hội, nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, đổi tên một số ban, ủy ban của TVQH và nhiều nội dung khác sẽ được xem xét trong Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi.

Chủ trương lấy phiếu tín nhiệm chưa đưa vào Luật tổ chức Quốc hội sửa đổi lần này (Ảnh minh họa cho bài viết)

Cho ý kiến sáng 14/1, đa số các đại biểu trong UBTVQH đồng tình với chủ trương sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội cho phù hợp với Hiến pháp vừa được ban hành, cũng như để bám sát hơn với nhu cầu thực tế hiện nay.

Đồng tình với chủ trương Quốc hội phải được coi là trung tâm của mọi trung tâm, theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, việc sửa đổi làm sao phải để mỗi ĐBQH thấy được trách nhiệm của mình khi được người dân cả nước bầu. Đồng thời ĐBQH cũng cần phải được giám sát, chứ không phải đến ngồi nghe, rồi đi đâu thì đi, làm gì thì làm, bầu cho ai thì bầu…

Luật sửa đổi lần này nhấn mạnh đến việc tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi, số đại biểu chuyên trách duy trì ở mức 37% là vừa, nếu lên đến 40% sẽ nhiều quá, khó thực hiện được. Tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều không đồng tình với chủ trương phân tách các Ban đang có hiện nay.

Một điều đáng chú ý được đề xuất lần này là thành lập Tổng thư ký Quốc hội. Theo Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý, hiện đề xuất này vẫn còn 2 ý kiến khác nhau.

Ý kiến thứ nhất đề nghị đổi tên Trưởng đoàn thư ký kỳ họp thành Tổng thư ký Quốc hội. Đồng thời tách bạch chức danh này với chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Bên cạnh đó, ý kiến khác đề nghị thành lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội như đã nêu trong kết luận của Hội nghị Trung ương bảy (khóa XI). Ngoài nhiệm vụ tổ chức tham mưu, phục vụ kỳ họp Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội còn là người đứng đầu bộ máy giúp việc của Quốc hội, điều hành toàn bộ công tác phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, chức danh này lại không được quy định trong Hiến pháp, không phải là một chức danh lãnh đạo Quốc hội, không có vị thế giống như Tổng thư ký Ủy ban thường vụ Quốc hội theo Hiến pháp năm 1959, Tổng thư ký Hội đồng nhà nước theo Hiến pháp năm 1980.

Theo Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa: Tổng thư ký và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phải là hai nhiệm vụ khác nhau, nhưng Chủ nhiệm này cũng có thể kiêm nhiệm. Tuy nhiên ông Đào Trọng Thi lại đề nghị nếu đã có chức danh Tổng thư ký Quốc hội thì không cần Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội nữa, chỉ nên duy trì một người thôi.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị thay đổi tên gọi một số Ban của UBTVQH. Theo ông Phan Trung Lý, nhiều ý kiến đề nghị nâng Ban dân nguyện thành Ủy ban dân nguyện với các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Đa số các ý kiến đồng tình với chủ trương này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị tinh giảm “bộ máy tên gọi” một số Ban cho ngắn gọn, phù hợp. Chẳng hạn Ủy ban các vấn đề xã hội hiện nay có thể đổi tên thành Ủy ban xã hội. Tên gọi này vừa hợp lý, lại phù hợp với thông lệ quốc tế. Hay một Uỷ ban khác tên rất dài, cần rút ngắn lại là Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu nhiên và nhi đồng của Quốc hội.

Ủng hộ việc đổi tên gọi cho ngắn gọn, ông Đào Trọng Thi đề xuất có thể đổi tên Uỷ ban trên thành Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên và trẻ em (hoặc thanh niên và tuổi trẻ).

Ngoài ra, đa số các ý kiến tán thành với chủ trương chưa nên đưa vào luật thời điểm này là việc lấy phiếu tín nhiệm. Lý do được đưa ra là trong Hiến pháp mới không quy định nội dung này. Mặt khác việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ mới thực hiện được 1 lần, cần phải chỉnh sửa, rút kinh nghiệm nhiều trong thời gian tới, vì thế chưa vội đưa vào luật.

Tuy nhiên, đại biểu UB TVQH cũng cho rằng, sau khi thực hiện vài năm, đánh giá tổng kết Nghị quyết 35 của Quốc hội, lúc đó có thể xem xét, đưa nội dung lấy phiếu tín nhiệm vào trong Luật tổ chức Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội phải đảm bảo nâng cao chất lượng, hoạt động của Quốc hội.
Nguyễn Dũng 
  (Infonet)

Giáo sư Úc: Lệnh cấm đánh cá ở biển Đông là hành động cướp biển

(TNO) Tất cả tàu thuyền và tàu nghiên cứu khảo sát trong khu vực đều có quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế và bất kỳ âm mưu ngăn chặn những tàu thuyền này của Trung Quốc đều có thể bị xem như hành động của “hải tặc nhà nước”, tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) hôm 13.1 dẫn nhận định của giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc.

Tàu cá Trung Quốc rầm rộ tràn xuống biển Đông - Ảnh: Reuters

Vào ngày 29.11.2013, 6 ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố thành lập vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Hoa Đông, chính quyền tỉnh Hải Nam đã âm thầm ban hành lệnh cấm đánh bắt cá mới tại biển Đông, theo Reuters.

Đến ngày 3.12.2013, lệnh cấm này được công bố công khai và có hiệu lực vào hôm 1.1.2014.

Giáo sư Thayer nhận định rằng cả hai động thái nói trên của Bắc Kinh đều đơn phương và nhằm gia tăng căn cứ pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông.

“Các hành động của Trung Quốc thách thức chủ quyền của các quốc gia láng giềng và có khả năng làm gia tăng căng thẳng, cũng như có nguy cơ làm bùng phát xung đột vũ trang”, giáo sư người Úc cho hay.

Lệnh cấm đánh bắt cá mới do chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ban hành quy định tất cả tàu thuyền nước ngoài đánh cá hoặc khảo sát tại biển Đông phải xin phép Trung Quốc.

Chính quyền Hải Nam tuyên bố có chức năng quản trị hành chính đối với đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield và vùng nước xung quanh.

Vùng biển này rộng khoảng 2 triệu km2, tức tương đương 57% của khu vực đường lưỡi bò mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền tại biển Đông.   

“Tất cả tàu thuyền và tàu nghiên cứu khảo sát trong khu vực đều có quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế. Bất kỳ hành động ngăn chặn những tàu thuyền này có thể bị xem như hành động của hải tặc nhà nước. Điều này có thể dẫn đến việc quốc tế chống lại các tàu thuyền Trung Quốc”, ông Thayer nói với The Diplomat.

Giáo sư Thayer cũng đưa ra 2 câu thắc mắc về những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai.

“Thứ nhất là liệu Trung Quốc có thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông hay không?”.

“Câu hỏi thứ hai là tác động của việc ban hành lệnh cấm đánh cá mới sẽ là gì đối với những thảo luận sắp tới về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN?”, theo vị giáo sư người Úc.

“Trước đây, một số thành viên ASEAN bất đồng với nhau về việc Philippines công khai chỉ trích Trung Quốc. Nếu ASEAN không thể cùng thống nhất được cách đối phó với tuyên bố chủ quyền mới của Bắc Kinh tại biển Đông, thì lợi thế sẽ rơi vào tay Bắc Kinh”, ông Thayer nhận định.
Hoàng Uy
(Thanh niên) 

Nếu mọi tín đồ tôn giáo đều “thực hiện tốt chủ trương của Đảng”...

Hoàng Ngọc-Tuấn
Nhân dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, đại diện của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tới thăm, chia vui với Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc). Trong lời chúc Giáng Sinh, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đã luôn lặp đi lặp lại lời yêu cầu rằng Tổng Giám mục, các chức sắc Công giáo, cũng như Hội Thánh Tin lành và các tín hữu đạo Tin lành, hãy “thực hiện tốt chủ trương của Đảng”.
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/248/0/4510/Ba_Ha_Thi_Khiet_Bi...
Nhân dịp này, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng đã gửi thư chúc mừng các vị giáo phẩm, chức sắc, tu sĩ, cùng toàn thể đồng bào Kitô hữu Việt Nam. Trong đó, ông cũng yêu cầu đồng bào Công giáo và đồng bào theo đạo Tin Lành cả nước... “thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng”.
http://cadn.com.vn/news/102_107418_thu-chu-c-mu-ng-nhan-le-gia-ng-sinh-n...
Thế nhưng, “chủ trương, chính sách của Đảng” đối với tôn giáo là gì?
Karl Marx, ông tổ của chủ nghĩa Cộng Sản, đã khẳng định ngay từ đầu rằng: “Chủ nghĩa Cộng Sản bắt đầu nơi chủ nghĩa vô thần bắt đầu”,[1] và trong cuốn Zur Kritik der Hegelschen Rechtsphilosophie (1843) ông ta đã tuyên bố: “Tôn giáo... là thuốc phiện của quần chúng” (Die Religion... ist das Opium des Volkes), và ông ta nói rõ rằng để có thể tiến lên chủ nghĩa Cộng Sản thì phải tiêu diệt mọi tôn giáo.
Còn Lenin thì khẳng định: “Chúng ta không tin vào Thượng Đế”, và “mọi sự thờ phượng đối với thần thánh đều chỉ là một loại tử thi dục” [necrophilia = làm tình với xác người chết]. Ông ta còn dùng cả những lời lẽ như thế này: “Bất cứ một ý tưởng tôn giáo nào, bất cứ một ý tưởng nào về bất cứ một Thượng Đế nào, thậm chí bất cứ một sự ve vãn nào đối với một ông Thượng Đế nào đó, thì cũng chỉ là một sự ngu xuẩn không thể tả nổi... một sự ngu xuẩn nguy hiểm nhất, một “bệnh truyền nhiễm” nhục nhã nhất.”[2] Trong một bức thư gửi cho Maxim Gorky vào tháng Giêng năm 1913, Lenin viết: “Không có gì ghê tởm hơn tôn giáo.”[3] Và trong ngày Giáng Sinh 25 tháng 12 năm 1919, Lenin ra lệnh: “Nghỉ lễ ‘Nikola’ là điều ngu xuẩn -- toàn bộ lực lượng công an mật Cheka phải cảnh giác theo dõi và bắn bỏ bất cứ kẻ nào không đến sở làm việc vì tự ý nghỉ lễ ‘Nikola.’“[4] Lenin còn thành lập những nhóm chống tôn giáo, mệnh danh là “Hội Vô Thần”, “Liên Đoàn Vũ Trang Vô Thần”..., chuyên tuyên truyền chống tôn giáo.[5]
Ở Liên Xô, ngay sau “Cách Mạng tháng Mười” thì chiến dịch tiêu diệt tôn giáo đã bắt đầu và kéo dài cho đến khi Liên Xô tan rã. Chỉ riêng ở Liên Xô, số nạn nhân bị giết vì lý do tôn giáo đã lên đến khoảng từ 12 triệu đến 20 triệu người.[6]
Chiến dịch tiêu diệt tôn giáo cũng đã được thực hiện ở tất cả các nước dưới chế độ Cộng Sản, và số nạn nhân đã bị giết chóc, tù đày, tra tấn, hành hạ... chắc chắn là một con số khổng lồ, vượt khỏi óc tưởng tượng của chúng ta.
*
Khi Đảng Cộng Sản Việt Nam vừa chúc mừng Giáng Sinh, vừa yêu cầu tất cả tín đồ tôn giáo hãy “thực hiện tốt chủ trương của Đảng”, thì có chúng ta phải hiểu như thế nào?
1/ “Chúc mừng Giáng Sinh”
Nếu chủ nghĩa Marx-Lenin chủ trương tiêu diệt mọi tôn giáo, thì tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam (luôn luôn giương gao khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm!”) bây giờ lại chúc mừng Giáng Sinh? Điều này thì quá dễ hiểu. Khi họ mạnh, thì họ ra sức siết cổ. Khi họ yếu, thì họ đóng kịch cởi mở.
Hãy hồi tưởng lại mùa Giáng Sinh năm 1975, khi ấy, với khí thế của “kẻ thắng cuộc”, họ đâu có chúc mừng! Trong đêm Giáng Sinh 1975, công an mang vũ khí lăm lăm đứng gác ở các ngả đường gần các nhà thờ và gác trước cổng các nhà thờ, khiến đa số giáo dân không dám đi lễ. Trước ngày Giáng Sinh, tất cả học sinh và sinh viên đều đã bị Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh và Hội Thiếu Niên Tiền Phong Hồ Chí Minh khuyến cáo rằng không được đến nhà thở để dự lễ Giáng Sinh... Rồi suốt cả một thập kỷ sau 1975, bao nhiêu chức sắc tôn giáo và tu sĩ đã bị bắt giam, bị đưa đi “cải tạo”... Cho đến sau khi Liên Xô và khổi Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, thì Đảng Cộng Sản Việt Nam mới bắt đầu đóng kịch cởi mở hơn. Từ đó đến nay, họ càng ngày càng lâm vào vô số vấn đề khủng hoảng, nên càng ngày càng yếu, vì thế họ càng ngày càng đóng kịch cởi mở, để làm giảm bớt sự chống đối của nhân dân. Nghĩa là, nếu một ngày nào đó họ củng cố được sức mạnh, thì họ lại tiếp tục siết cổ.
Cái trò đểu cáng này chẳng có gì là mới mẻ. Từ năm 1905, Lenin đã vận dụng trò đểu cáng này. Trong bài viết “Chủ Nghĩa Xã Hội và Tôn Giáo” đăng trên tờ “Novaya Zhizn” của Đảng Lao Động Xã Hội Dân Chủ (tiến thân của Đảng Cộng Sản Liên Xô), Lenin đã nhai lại câu “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” của Marx và khẳng định quyết tâm tiêu diệt tôn giáo. Tuy nhiên, ông ta lại quyết định rằng Đảng Lao Động Xã Hội Dân Chủ không công khai tuyên bố là vô thần, và Đảng vẫn thu nhận những người vô sản đang có tôn giáo. Lý do là lúc ấy Đảng còn yếu, cần tập trung sự đoàn kết của nhiều người. Đến khi nào cuộc cách mạng vô sản thành công thì mới công khai tuyên bố chủ trương của Đảng là vô thần.[7]
2/ “Thực hiện tốt chủ trương của Đảng”
Đảng Cộng Sản Việt Nam yêu cầu tất cả tín đồ tôn giáo hãy “thực hiện tốt chủ trương của Đảng”, mà chủ trương của Đảng là quyết tâm theo “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm!”, mà cái “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm!” này lại quyết tâm tiêu diệt tôn giáo! Như thế thì hoá ra là Đảng Cộng Sản Việt Nam đang yêu cầu tất cả tín đồ tôn giáo hãy góp sức tiêu diệt tôn giáo đấy thôi. Khéo léo đến thế đấy! Còn cái “quyền tự do tôn giáo” được ghi ở điều 70 trong bản Hiến Pháp của nước CHXHCN Việt Nam thì có khác gì cái “quyền tự do tôn giáo” được ghi  ở điều 124 trong bản Hiến Pháp của Liên Xô năm 1936? Họ ghi vào bản Hiến Pháp như thế là để lừa bịp nhân dân và thế giới. Họ ghi, nhưng họ sẽ không bao giờ tôn trọng và thực hiện, vì nếu họ thật sự tôn trọng và thực hiện “quyền tự do tôn giáo”, thì làm sao họ có thể tiêu diệt tôn giáo như đã khẳng định trong cương lĩnh của “Chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch muôn năm!”?
*
Để đáp lại lời chúc Giáng Sinh của đại diện Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn “bày tỏ lòng cảm ơn chân thành trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương. Tổng Giám mục khẳng định sẽ tiếp tục vận động các chức sắc công giáo, bà con giáo dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng...” Còn Mục sư Hội trưởng Nguyễn Hữu Mạc thì thay mặt Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) gửi lời “cảm ơn chân thành đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các thành viên trong đoàn đã dành tình cảm sâu sắc cho đồng bào theo đạo Tin lành.”
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/248/0/4510/Ba_Ha_Thi_Khiet_Bi...
Tôi tự hỏi: không hiểu Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn và Mục sư Hội trưởng Nguyễn Hữu Mạc có biết rằng mối quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo chỉ là làm sao để tiêu diệt tôn giáo, và nếu các chức sắc tôn giáo mà góp sức “thực hiện tốt chủ trương của Đảng” thì có nghĩa là họ đang góp sức để tự tiêu diệt tôn giáo của chính mình?
Hoàng Ngọc-Tuấn, Sydney, Australia.
============
[1] Fulton J. Sheen, Communism and the Conscience of the West (Indianapolis and NY: Bobbs-Merrill, 1948, tr.69). Chuyển dẫn từ Paul Kengor, “The War on Religion”, trên trang http://www.globalmuseumoncommunism.org/features/war_on_religion
[2] James Thrower, God’s Commissar: Marxism-Leninism as the Civil Religion of Soviet Society (Lewiston, NY: Edwin Mellen Press, 1992), p. 39. Chuyển dẫn từ Paul Kengor, ibid.
[3] J. M. Bochenski, “Marxism-Leninism and Religion,” trong B. R. Bociurkiw et al, eds., Religion and Atheism in the USSR and Eastern Europe (London: MacMillan, 1975), tr.11. Chuyển dẫn từ Paul Kengor, ibid.
[4] Alexander N. Yakovlev, A Century of Violence in Soviet Russia (New Haven and London: Yale University Press, 2002), tr.157. Chuyển dẫn từ Paul Kengor, ibid.
[5] Daniel Peris, Storming the Heavens: The Soviet League of the Militant Godless (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1998). Chuyển dẫn từ Paul Kengor, ibid.
[6] http://en.wikipedia.org/wiki/Persecution_of_Christians_in_the_Soviet_Union
[7] V.I. Lenin, Collected Works, Volume 10  (Moscow, Progress Publishers, 1965) tr.83-87.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét