Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

40 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ý chí, kiến thức và hành động

40 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ý chí, kiến thức và hành động

“… Mặc dù việc giành lại Hoàng Sa là rất khó khăn, hiện nay người duy nhất có thể làm cho chúng ta mất chủ quyền là chính chúng ta”. Tiếp tục chuyên đề 40 năm Hải chiến Hoàng Sa, Thanh Niên Online xin giới thiệu bài viết của tiến sĩ Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu Biển Đông sống tại Anh.
Chuyên đề 40 năm Hải chiến Hoàng Sa: Ý chí, kiến thức và hành động
Bãi Xà Cừ (phải) trong nhóm Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa - Ảnh Google Maps

Cần loại bỏ những quan niệm lệch lạc và hão huyền

Cho tới nay Trung Quốc đã chiếm đóng nhóm An Vĩnh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 60 năm, và đã đánh chiếm nhóm Lưỡi Liềm (còn gọi Nguyệt Thiềm), tức là đã xâm lăng toàn bộ Hoàng Sa, 40 năm.

Có quan niệm cho rằng bị một nước mạnh hơn chiếm đoạt lãnh thổ, nhất là sau bấy nhiêu năm, thì coi như là đã mất chủ quyền, chúng ta hãy chấp nhận và quên đi. Nhưng đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà một trong những niềm tự hào đáng kể nhất chúng ta có là tinh thần quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ lãnh thổ, thì quan niệm đó có sai sót. Nếu so sánh với các dân tộc khác thì cũng khó tự hào về quan niệm đó. Thí dụ, người Tây Ban Nha sau nhiều thế kỷ vẫn đòi chủ quyền đối với Gibraltar, người Argentina sau vài thế kỷ vẫn khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Falklands/Malvinas. Không những thế, quan niệm đó là không phù hợp với thế giới hiện đại hay với việc Hiến chương Liên Hiệp Quốc không cho phép thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng bạo lực. Mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa bằng bạo lực, theo luật quốc tế thì chủ quyền vẫn thuộc về Việt Nam trừ phi chúng ta bị cho là đã bỏ rơi chủ quyền đó.

Ngược lại, cũng có quan niệm cho rằng tới ngày nào Trung Quốc bị loạn lạc thì chúng ta sẽ đánh chiếm lại Hoàng Sa. Thứ nhất, quan niệm đó là hoang tưởng. Không biết tới ngày nào thì Trung Quốc mới loạn lạc đủ để cho chúng ta có thể chiếm lại và giữ Hoàng Sa. Thứ nhì, tư duy “chờ sung rụng” đó chỉ làm cho chúng ta thụ động thêm, với hệ quả là Hoàng Sa ngày càng xa thêm.

Chúng ta cũng phải biết rõ về những khó khăn thực tế trong việc giành lại Hoàng Sa. Giải pháp quân sự là không thể, giả sử như nếu có thể thì chắc chắn sẽ là rất đắt, và đó là chưa nói đến trên nguyên tắc thì sẽ không phù hợp với thế giới văn minh. Trong tương lai có thể thấy được, giải pháp ngoại giao song phương với Trung Quốc cho Hoàng Sa chỉ là hy vọng hão huyền.

Dựa vào chính mình

Giải pháp ngoại giao đa phương cho Hoàng Sa cũng vô cùng khó khăn. Trong khi thế giới có thể phê phán Trung Quốc về chủ trương hiện thực hóa đường chữ U trên Biển Đông, và trong khi một số nước trong khu vực có thể phản đối các động thái của Trung Quốc trong khu vực Trường Sa, thì đối với Hoàng Sa chủ yếu là Việt Nam sẽ đơn độc trong cuộc đối kháng với Trung Quốc. Trong tranh chấp đảo, các nước bên thứ ba thường không quan tâm về lý lẽ chủ quyền của các bên trong tranh chấp, và thường chọn vị trí trung lập. Vì vậy, không có nước bên thứ ba nào lên án việc Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa bằng vũ lực. Trung Quốc cũng không bị nước bên thứ ba nào lên án khi họ tăng cường đàn áp ngư dân Việt Nam từ năm 2009 nhằm đẩy các ngư dân này ra khỏi vùng biển Hoàng Sa. Trong tương lai, khi Trung Quốc xây cất thêm trên đảo và khai thác khoáng sản trong vùng biển Hoàng Sa, khả năng là Việt Nam sẽ đơn độc trong phản đối. Không những thế, không loại bỏ được khả năng trong tương lai các nước ASEAN khác sẽ gây áp lực đòi Việt Nam rút vấn đề Hoàng Sa xuống khỏi bàn nghị sự, để cho ASEAN có thể đi đến thỏa thuận nào đó với Trung Quốc về những tranh chấp khác.

Vì Trung Quốc không chấp nhận để cho bất cứ tòa án quốc tế nào phân xử tranh chấp Hoàng Sa, hiện nay cũng không có điều kiện cho giải pháp pháp lý.

Tóm lại, chúng ta không thể nào dựa vào niềm tin Trung Quốc sẽ đàm phán về Hoàng Sa và sẽ có nhượng bộ, và cũng không thể dựa vào niềm tin các nước khác sẽ hỗ trợ chúng ta nhiều. Điều chúng ta cần phải nhìn nhận là trong vấn đề Hoàng Sa chúng ta phải dựa vào chính mình hơn cả so với trong những tranh chấp biển đảo khác.

Dựa vào chính mình không thể là dựa vào ngư dân kiên trì bám biển Hoàng Sa. Ngư dân và gia đình của họ là những con người bằng da bằng thịt. Dù dũng cảm đến bao nhiêu, họ khó có thể chịu đựng mãi tình trạng tàu thép và đạn đồng Trung Quốc đè người. Có thể một ngày nào đó họ sẽ không còn bám biển Hoàng Sa nổi nữa.

Dựa vào chính mình là mỗi người chúng ta, từ cá nhân đến nhân viên nhà nước và lãnh đạo cao nhất, phải làm điều đúng và đúng với nghĩa vụ của mình để làm cho đất nước tốt hơn. Đất nước càng tốt thì khả năng đấu tranh cho Hoàng Sa càng cao. Chúng ta không quên rằng việc Trung Quốc chiếm nhóm An Vĩnh, Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa, cũng như một số đảo của quần đảo Trường Sa, đã xảy ra trong những ngày tháng khó khăn của Việt Nam.

Dựa vào chính mình cũng là nhà nước và người dân quan tâm phải làm những gì cần thiết và có thể trong những gì liên quan trực tiếp đến Hoàng Sa.

Ý chí và kiến thức

Điều cần thiết để chúng ta bảo vệ chủ quyền Việt Nam, cần thiết cho danh dự của mỗi người chúng ta, cũng như cho nghĩa vụ vủa chúng ta với các thế hệ trong tương lai, là ý chí, kiến thức và những hành động cần thiết.

Về ý chí, chúng ta phải giữ vững ý chí của mình, và phải giáo dục cho thế hệ sau giữ vững ý chí của họ. Chúng ta cần phải xây dựng một ý chí quốc gia về Hoàng Sa. Thế nhưng có lẽ trong 40 năm qua Hoàng Sa vẫn chưa có vị trí xứng đáng trong nền giáo dục, tâm thức của chúng ta. Nếu chúng ta quan niệm rằng 40, 60 hay 100 năm là quá lâu thì chúng ta có thể noi gương những dân tộc khác vẫn giữ vững ý chí của họ về đòi lại lãnh thổ, dù là sau hàng trăm năm.

Kiến thức về lịch sử và địa lý Hoàng Sa sẽ làm cho Hoàng Sa gần gũi với chúng ta hơn, và sẽ giúp cho chúng ta giữ vững ý chí. Chúng ta sẽ thấy Hoàng Sa không phải là những đảo xa vô nghĩa mà là những kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, với xương máu của tổ tiên và thế hệ cha, anh.

Kiến thức pháp lý sẽ là cần thiết để chúng ta tranh biện về Hoàng Sa trên các diễn đàn học thuật, chuyên gia và truyền thông quốc tế, và hy vọng một ngày nào đó sẽ là trước một tòa án quốc tế. Chúng ta không nên chủ quan rằng thế giới sẽ thấy một cách dễ ràng rằng chính nghĩa là thuộc về ta, mà chúng ta phải xây dựng khả năng tranh biện ở mức cao nhất, và phải bỏ công sức ra để tranh thủ dư luận. Đặc biệt, chúng ta phải xử lý một cách triệt để những nghi vấn phía đối phương có thể đặt ra cho lập luận của chúng ta. Như một thí dụ, việc Pháp tạm im lặng một thời gian khi tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn phái Lý Chuẩn đem pháo thuyền đến Hoàng Sa tuyên bố chủ quyền năm 1909 có ảnh hưởng gì đến chủ quyền Việt Nam hay không? Hay là, khi Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại thì chính thể đó có phải là một chủ thể trong luật quốc tế có thẩm quyền để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, và bao gồm cả đối với Hoàng Sa, hay không?

Làm đúng với nhiệm vụ và biến sự quan tâm thành công việc

Về mặt đối nội thì nhà nước cần có chính sách để xây dựng ý chí, kiến thức và khả năng tranh biện, tranh thủ dư luận quốc tế. Về mặt đối ngoại thì nhà nước cần có chính sách hiệu nghiệm để duy trì chủ quyền và giữ cho thế giới không quên rằng Hoàng Sa là lãnh thổ trong tình trạng tranh chấp chủ quyền, để cho thế giới không ứng xử như thể Hoàng Sa là của Trung Quốc.

Tuy Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ các đảo 40 năm, họ chỉ mới bắt đầu tiến hành siết chặt sự kiểm soát trong vùng biển lân cận từ năm 2009. Trong những năm tới, họ sẽ tiếp tục siết chặt thêm sự kiểm soát và mở rộng vùng họ kiểm soát như vết dầu loang. Điều đó có nghĩa nhiệm vụ của chúng ta đối với Hoàng Sa không chỉ là duy trì chủ quyền để một này nào đó có thể giành lại sự quản lý đã mất trên đảo, mà còn là đấu tranh để chống lại nỗ lực của Trung Quốc để siết chặt và bành trướng sự kiểm soát trên biển.

Dựa vào chính mình cũng là dùng những phương tiện mình có. Như một thí dụ, vì Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa đến các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam liên quan đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Việt Nam nên công khai yêu cầu Trung Quốc ra tòa. Mặc dù chắc chắn Trung Quốc sẽ không chấp nhận ra tòa, việc đó cũng làm cho thế giới thấy họ sợ lẽ phải và dựa vào bạo lực. Nếu Trung Quốc thật sự tin rằng không tồn tại tranh chấp Hoàng Sa, họ cần dũng cảm để cho tòa xét có tồn tại tranh chấp hay không.

Đối với các cá nhân thì người quan tâm nên vừa đặt vấn đề nhà nước có thể làm gì cho Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, vừa đặt vấn đề bản thân mình có thể làm gì. Nhà nước thi hành đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với Hoàng Sa là cần thiết, nhưng không đủ. Sự quan tâm của người dân là cần thiết, nhưng không đủ. Nói cho nhau nghe Hoàng Sa là của Việt Nam là cần thiết nhưng không đủ. Phải có đủ người quan tâm biến sự quan tâm của mình thành sự sáng tạo, công sức, hành động, hay thành những đóng góp khác cho tranh chấp Hoàng Sa, nhất là trên trường quốc tế.

Mặc dù Trung Quốc đã xâm chiếm một phần của Hoàng Sa khoảng 60 năm, và phần còn lại 40 năm, mặc dù việc giành lại Hoàng Sa là rất khó khăn, hiện nay người duy nhất có thể làm cho chúng ta mất chủ quyền là chính chúng ta. Và chúng ta phải giữ vững ý chí và duy trì chủ quyền đó bằng kiến thức và hành động, bằng cách làm đúng với nhiệm vụ của mình, và bằng cách biến sự quan tâm thành đóng góp thiết thực.

Trong trận hải chiến Trafalgar, khi hạm đội Anh đối đầu với hạm đội phối hợp Pháp - Tây Ban Nha mạnh hơn, đô đốc Anh Horatio Nelson đã giăng lên soái hạm một khẩu hiệu không lời hay chữ đẹp, chỉ với câu “Nước Anh mong đợi mỗi người sẽ làm nhiệm vụ của mình”. Trong bối cảnh tranh chấp Hoàng Sa nói riêng, và bối cảnh của đất nước nói chung, Việt Nam cần mỗi người chúng ta làm đúng với nhiệm vụ và sự quan tâm của mình để cho đất nước tốt hơn, cũng như về những gì liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển đảo.

Dương Danh Huy
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
(Thanh niên)

Phỏng vấn nhà báo Phạm Chí Dũng về trận hải chiến Hoàng Sa


Nhà báo Trần Quang Thành (TQT): Xin chào nhà báo Phạm Chí Dũng!
Tiến sĩ, nhà báo Phạm Chí Dũng (PCD): Xin chào anh Trần Quang Thành!
TQT: Thưa nhà báo Phạm Chí Dũng, vào tháng giêng này chúng ta sẽ kỷ niệm 40 năm ngày hải chiến Hoàng Sa, nhưng khác với mọi năm, dư luận ở trong nước không chỉ có nhân dân và ở các cấp lãnh đạo mà lãnh đạo ở cấp cao như là một trong bốn người đứng đầu cái hệ thống chính trị của nước Việt Nam là ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập đến vấn đề này. Theo nhà báo thì đây là một sự khác thường hay là sự bình thường?
PCD: Một vấn đề khác thường! Một vấn đề khác thường vì chính anh Trần Quang Thành cũng vừa đề cập tới thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một mối liên đới móc xích bất thường nào đó giữa chuyện Hoàng Sa năm nay với bản “Thông điệp đầu năm” của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tôi rất hoài nghi nếu như không có mối quan hệ nào giữa hai sự kiện này. Mặc dù tôi nhớ là vào cũng năm 2011, trước diễn đàn quốc hội, trước những …(không nghe rõ) đại biểu quốc hội và cử tọa dân chúng, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu ra vấn đề chủ quyền biển đảo như là một dấu ấn đầu tiên của một lãnh đạo quốc gia về vấn đề này và một sự lên tiếng cần thiết đúng lúc tại vì vào thời gian đó Trung Quốc liên tục có các hoạt động gây hấn tại khu vực Biển Đông như là cắt cáp, tấn công tàu cá Việt Nam, đánh đập ngư dân Việt Nam, thậm chí là bắn cháy cả tàu cá Việt Nam.
Thế nhưng sau đó, đến năm 2012 và cho tận cuối gần năm 2013 thì không thấy ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại về vấn đề chủ quyền biển đảo nữa. Và tất nhiên là cũng không thấy bóng dáng của một Luật biểu tình mà ông đã nêu ra.
Như vậy thì chúng ta đặt ra câu hỏi là động thái vừa qua, ông thủ tướng nêu ra vấn đề này, vấn đề chủ quyền biển đảo thông qua một cuộc làm việc với Hội Sử học Việt Nam là như thế nào? Và ông cũng chính thức đưa ra một đề nghị đối với Hội Sử học Việt Nam rằng cần đưa vấn đề chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa vào chương trình SGK của Việt Nam. Và một người trong ban thường trực trong Hội Sử học Việt Nam lại là ông Dương Trung Quốc. Và vào năm 2012 thì chính ông Dương Trung Quốc, một đại biểu quốc hội duy nhất đã dám đặt ra vấn đề từ chức có văn hóa hoặc là văn hóa từ chức đối với giới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, và yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời về việc đó.
Tất cả mọi thứ, những chi tiết này nó đều có mối quan hệ gì đó với nhau và tôi cho rằng đó là một mối quan hệ hơi kỳ quặc. Và một sự kỳ quặc nữa là nếu tôi nhớ không lầm thì sau 38 năm từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, đây là lần đầu tiên tôi được nghe có một chủ trương từ Bộ Chính trị cho tổ chức kỷ niệm Hoàng Sa. Và sắp tới đây là ngày 19 tháng giêng là ngày Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa từ tay của Việt Nam Cộng Hòa. Như vậy thì đó chính là vấn đề chúng ta cần tìm hiểu vì sao có những động thái như vậy? Có phải vì năm 2013 là cái năm được coi là thành công đặc biệt về mặt ngoại giao và một năm mà giữa Việt Nam và Trung Quốc ký đến 10 cái văn bản hợp tác về kinh tế và những cái mặt khác mà nhà nước Việt Nam lại trở nên tự tin một cách lạ lùng như vậy hay sao?
Và một vấn đề khác chúng ta cũng nên tìm hiểu là nếu tổ chức kỷ niệm Hoàng Sa thì việc kỷ niệm này sẽ được tiến hành này như thế nào và với phương châm như thế nào? Vẫn giữ được tôn chỉ 16 chữ vàng và trở thành những người bạn 4 tốt của nhau hay là hơn nữa trở thành một cái Philippines thứ hai, sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc và như là báo Thanh niên đặt tựa đề là “Nuôi chí giành lại Hoàng Sa”, một tựa đề chí lý, quyết liệt và sâu sắc, đầy ý chí vươn lên. Phải nói đó là một tiêu đề mà nhiều năm rồi mới xuất hiện lại. Có lẽ kể từ thời điểm năm 1979 khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam ở các tỉnh biên giới phía Bắc.
Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm về động thái của báo chí. Báo Thanh niên, báo Tuổi trẻ, báo Vietnamnet, nhiều tờ báo khác, báo giấy in lẫn báo điện tử trong những ngày vừa qua liên tục nhắc tới vấn đề chủ quyền biển đảo. Điều này dường như tái hiện lại không khí của báo chí, nhận định, phản biện và lên tiếng về vấn đề chủ quyền biển đảo vào cuối năm 2011 khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lên tiếng về chủ quyền biển đảo tại Diễn đàn quốc hội nước Việt Nam. Như vậy là sao? Như vậy là đã có một động thái bật đèn xanh từ Ban Tuyên giáo trung ương hay từ một cơ quan nào khác hay từ những cá nhân nào khác trong Bộ Chính trị để báo chí lên tiếng một cách thoải mái tự do và dõng dạc như vậy. Chúng ta cần tìm hiểu vấn đề này! Thì đó là một số câu hỏi mà tôi muốn đặt ra và cũng xin mạn phép là chưa trả lời ngay lập tức, mà có nhiều động thái mà chúng tôi muốn suy nghĩ thêm và chờ đợi thời gian để chứng thực thêm. Chứng thực về cái gì? Chính là về một thái độ thành thực nào đó của nhà nước Việt Nam đối với vấn đề chủ quyền biển đảo thay cho những động thái mơ hồ và sơ sài như trước đây.
TQT: Từ khi nhận chức Thủ tướng, đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Trong buổi làm việc đó, vấn đề nổi bật nhất mà ông Nguyễn Tấn Dũng đề cập tới lại là vấn đề về Hoàng Sa và lịch sử của Việt Nam nên phải ghi vào Hoàng Sa. Ông nghĩ thế nào vấn đề này?
PCD: Tôi cho đó là một động thái thú vị của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một động thái thú vị và không kém ẩn ý. Không phải tự nhiên ông Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Hội Sử học Việt Nam. Và như anh Thành có thống kê, tôi nhớ không lầm thì có lẽ đây cũng là lần đầu tiên ông Nguyễn Tấn Dũng quan tâm tới ngành Sử học một cách mật thiết và bằng hình thức làm việc trực tiếp. Thực ra thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phụ trách chung và không phụ trách riêng lẻ về khối khoa học xã hội. Khối khoa học xã hội thường giao cho một phó thủ tướng phụ trách về khối văn xã. Nhưng mà việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt vấn đề về vấn đề chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, điều này… đó như tôi nêu ra, đó là một điều đáng suy nghĩ.
Sau khi đưa ra vấn đề này đối với Hội Khoa học Sử học Việt Nam thì tiếp sau đó và đầu năm 2014 thì ông đã có một thông điệp. Mặc dù trong thông điệp đầu năm 2014 của ông không nhắc tới vấn đề chủ quyền biển đảo mà đề cập tới những vấn đề khác như là đổi mới thể chế, xóa độc quyền, vấn đề dân chủ hay là nhà nước kiến tạo phát triển. Nhưng mà dường như giữa hai sự kiện chủ quyền biển đảo và thông điệp năm 2014 lại có mối quan hệ khá ràng buộc với nhau. Và tôi chỉ tường thuật theo dư luận rằng người ta đánh giá rằng đó là những bước đi có tính toán và mang tính chất ẩn ý của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đó là một lộ trình chính trị để chuẩn bị cho một tiến trình, tiến chiến một chức vụ có lẽ là cao hơn vai trò thủ tướng vào năm 2016 khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 12.
Tất nhiên, ứng viên cho vai trò cao nhất của đất nước về mặt đảng của Đại hội 12 không chỉ là cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng mà còn có những người khác. Chẳng hạn theo dư luận nhận định trước mắt có thể là ông Trương Tấn Sang, hiện nay là chủ tịch nước và ông Phạm Quang Nghị, hiện nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Vào năm 2013, ông Phạm Quang Nghị cũng đã ghi một dấu ấn về việc đề nghị khôi phục làng cổ Đường Lâm, nếu tôi nhớ không lầm thì là như vậy. Còn ông Trương Tấn Sang thì cũng có một ít hoạt động và một ít tiếng nói liên quan tới không khí dân chủ, sắc thái dân chủ. Và có lẽ sắc thái rõ ràng nhất, ông Trương Tấn Sang đề cập tới việc cần lắng nghe những ý kiến đa chiều. Có báo chí cho là ý kiến trái chiều nhưng mà có lẽ nguyên văn lời nói của ông ý là “ý kiến đa chiều”, cũng chỉ dừng đến thế.
Còn để mà lên tiếng mạnh mẽ nhất cho tới nay về vấn đề dân chủ thì có lẽ chỉ là thông điệp của ông Nguyễn Tấn Dũng thôi, đề cập tới vấn đề đổi mới thể chế, đặc biệt là cụm từ “nắm chắc ngọn cờ dân chủ”. Cho nên tôi nghĩ là chính ông Nguyễn Tấn Dũng là người ghi dấu ấn đấu tiên trong nhóm các ứng cử viên Tổng Bí thư như hiện nay về một không khí, một sắc thái và có lẽ cả một vài bước đi để mở rộng dân chủ hơn theo nghĩa là gần gũi với dân chúng hơn.
TQT: Thế nhưng mà khi bản tin nói về vấn đề ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Hội Sử học Việt Nam nên biên soạn để đưa vấn đề Hoàng Sa vào SGK dạy cho học sinh thì sau đó ít lâu sau, một thời gian rất ngắn thì bản tin đó đã bị gỡ khỏi các trang mạng của nhà nước, báo chí lề phải. Vậy phải chăng ý kiến của ông Nguyễn Tấn Dũng đưa ra không phải ý kiến đồng thuận trong Bộ Chính trị. Phải chăng đây nói lên một sự gì đó có cái trục trặc giữa những người đang ở trong bộ máy Bộ Chính trị 16 người lãnh đạo đất nước này thưa tiến sĩ, nhà báo Phạm Chí Dũng?
PCD: Theo tôi việc một ý kiến của một lãnh đạo chính trị đối với Hội Sử học Việt Nam hoặc một hội khoa học nào đó của Việt Nam là hết sức bình thường. Và kể cả vấn đề chủ quyền biển đảo liên quan tới một vấn đề cực kỳ nhạy cảm trong Bộ Chính trị và trong mối quan hệ đối với Trung Quốc như là Hoàng Sa, Trường Sa cũng là hết sức là bình thường. Nó bình thường tại vì nó nằm trong lòng dân chúng, nằm trong lòng dân tộc và phù hợp với nguyện vọng của đại đa số người dân. Nó thuộc về ý chí dân tộc, nó thuộc về nguyên khí của dân tộc. Nó chỉ bất thường khi người ta gỡ nó khỏi các trang báo mà thôi.
Ở Việt Nam thông thường chỉ có những bài báo vi phạm, được coi là vi phạm quan điểm tư tưởng, đường lối, trái với quan điểm của nhà nước, hoặc là vi phạm pháp luật thì mới bị chỉ đạo gỡ. Và ai chỉ đạo gỡ? Là Ban Tuyên giáo trung ương, người được coi là một tổng biên tập lớn nhất, một tổng biên tập duy nhất của 800 tờ báo của Việt Nam. Và Bộ Thông tin truyền thông là cơ quan thừa hành pháp luật về quản lý báo chí, họ sẽ quyết định về cái chuyện tiếp tục để bài báo đó hay là yêu cầu phải gỡ những bài báo đó và thậm chí có thể là xử lý cả Ban biên tập của tờ báo đã đăng những bài báo đó. Như vậy thì động thái mà gỡ bài liên quan tới chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà lại là ý kiến của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho thấy một cái gì đó không bình thường, một cái gì đó bất thường, một cái gì đó mà anh có thể cho là một sự không đồng thuận. Còn có phải không đồng thuận trong Bộ Chính trị hay không đồng thuận ở nơi khác hay thậm chí là không đồng thuận giữa các tờ báo với nhau hoặc trong nội bộ tờ báo thì tôi không có thông tin thành thử không thể đánh giá được. Nhưng mà tôi chỉ cảm nhận là có một sự không thống nhất và thậm chí là có một sự mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn đó có thể nảy lòi, có thể lớn lao và thậm chí có thể trở thành một xung đột nội bộ.
TQT: 19 tháng giêng năm 2014 là kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa, lúc đó là cuộc hải chiến giữa lực lượng quân lực Việt Nam Cộng Hòa với quân Trung Quốc. Năm nay kỷ niệm này được đánh dấu một cách rất đặc biệt là lần đầu tiên báo chí lề đảng nói rất nhiều đến những cái công lao, đến sự hy sinh, đến sự chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa như Ngụy Văn Thà để quyết tâm bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Những danh tính của những liệt sĩ đã hy sinh trong trận Hoàng Sa cũng đang được công bố trên tất cả báo chí lề đảng. Nhà báo Phạm Chí Dũng đánh giá gì về hiện tượng bất thường này hay cũng là hiện tượng bình thường?
PCD: Hiện tượng này cũng bất thường nốt, bất thường vì đây là lần đầu tiên và bất thường vì từ trước tới giờ chưa bao giờ vấn đề này được đặt ra kể cả từ khi thực hiện nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị về vấn đề vận động thuyết phục người Việt Nam ở nước ngoài về đóng góp cho quê hương đất nước. Chưa bao giờ vấn đề về chủ đề Việt Nam Cộng Hòa, chủ đề về Hoàng Sa, chủ đề về Ngụy Văn Thà được nêu lên một cách rõ ràng như bây giờ. Và chúng ta thấy là cũng chỉ mới năm vừa rồi thôi, năm 2013 thì vấn đề nghĩa trang Bình Dương được trùng tu lại, nghĩa trang Bình Dương là nơi có 16 ngàn tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở đó mới được trùng tu lại, và mới được quan tâm một cách thiết thân đến như thế kể cả sau chuyến đi của một vài quan chức ngoại giao của Hoa Kỳ và kể cả của một cựu sỹ quan quân lực Hoa Kỳ, xin lỗi, một cựu sỹ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa định cư tại Mỹ đến nghĩa trang Bình Dương và sau đó lại đột biến có sự quan tâm khá đặc biệt từ chính quyền địa phương và Bộ ngoại giao để cho trùng tu nghĩa trang này.
Điều đó cho thấy là có lẽ đã tới lúc mà người ta xem những chuyện bất thường trở nên bình thường. Và có lẽ vì mối quan hệ ngoại giao, vì mối quan hệ với cộng đồng quốc tế và vì những quyền lợi ẩn sau những mối quan hệ đó, quyền lợi về kinh tế và có thể là kể cả quyền lợi về chính trị. Chẳng hạn như vấn đề vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà người ta quan tâm tới những vấn đề mà có lẽ là được coi nhỏ nhặt như thế. Đây chính là vấn đề trước đây đã được nêu ra khá nhiều nhưng mà gần như không ai quan tâm và có lẽ chỉ đến gần đây thì người ta mới bắt đầu có ý thức đôi chút về như thế nào gọi là hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Cụm từ hòa hợp, hòa giải dân tộc đã nói từ rất lâu rồi và luôn luôn người ta đưa ra những con số là 4 triệu người Việt nam ở nước ngoài, rồi 400 ngàn trí thức Việt kiều ở nước ngoài và cả một cái lượng chất xám khổng lồ. Nhưng chưa bao giờ có một sự vận động hoặc là thuyết phục hoặc là tạo điều kiện mang tính thực chất để 400 ngàn trí thức đó, kể cả những trí thức đầu đàn tên tuổi có thể trở về đóng góp cho quê hương một cách thực chất nhất mà điều tiêu biểu nhất có lẽ lại là con số 10 tỷ đô la kiều hối mỗi năm tuôn chảy từ nước ngoài về Việt Nam.
Còn bây giờ thì người ta bắt đầu quan tâm đến một số vấn đề thực chất hơn và tôi cũng biết là những vấn đề thực chất hơn chẳng hạn như vấn đề trùng tu nghĩa trang tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa ở Bình Dương hay là vấn đề Hoàng Sa đều là những chủ đề mà phương Tây và Hoa Kỳ quan tâm. Và họ cũng đặt ra như không phải là một yêu sách nhưng mà có lẽ cũng là một cái điều khá tế nhị mà muốn nhắc nhở nhà nước Việt Nam rằng muốn quan tâm tới cộng đồng người Việt hải ngoại và để cộng đồng người Việt hải ngoại có một sự quan tâm ngược lại đối với nhà nước Việt Nam thì tốt nhất hãy nên làm một điều gì đó thiết thực và có lẽ cái điều thiết thực đó là phải tổ chức kỷ niệm thôi. Mặc dù việc tổ chức kỷ niệm này sẽ không thú vị lắm, không được hài lòng lắm từ phía Bắc Kinh nhưng mà dù sao Việt Nam đang nằm trong hệ trục tay ba, mối quan hệ tay ba với Mỹ và Trung Quốc. Và không thể thuần túy đi theo Bắc Kinh được mà cần phải đi dây, và đó là một chuyến đi dây tôi nghĩ là không thể không có tính chất phiêu lưu. Nhưng ngoài tính chất phiêu lưu ra nếu người đi dây biết cách vận dụng và biết giữ cái thế thăng bằng thì vẫn có thể đạt được một mức độ thành công nhất định nào đó.
TQT: Kết thúc năm 2013 đánh dấu một cái mốc trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với lại Mỹ đó là chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12 của ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ông đến Việt Nam, ông đã đi thăm chiến trường xưa nơi ông đã từng chiến đấu cách đây cả mấy chục năm, ông có những phát biểu rất là thiện cảm trong cái quá trình ở thăm Việt Nam. Ông nghĩ gì về cái chuyến thăm này có liên quan gì đến quan hệ tay ba Việt Nam – Trung Quốc và Mỹ không thưa nhà báo Phạm Chí Dũng?
PCD: Tháng 12, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Việt Nam. Trước đó một tháng, thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đến Hà Nội. Hai chuyến đi thăm đó lại xảy ra sau khi có mặt tổng thống Nga Vladimir Putin. Như vậy là trong một năm Việt Nam đón 3 nhân vật, 3 chính khách rất quan trọng. Và cả 3 nhân vật đó có một đặc thù là chỉ ghé thăm Việt Nam trong một thời gian ngắn thậm chí là rất ngắn như là Putin. Điều đó cho thấy là cả 3 chính khách này đều muốn tạo ra một hình ảnh nào đó ở Việt Nam, còn lại thứ văn bản ký kết giữa Việt Nam với những nước như Trung Quốc, hay là Nga, hay là Mỹ, thì đã soạn thảo trước rồi và sẵn sàng để lên bàn để ký kết. Như vậy, việc chuyến thăm gần nhất của ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Việt Nam, tôi cho dường như có một sự thúc đẩy hình ảnh nào đó, tái tạo hình ảnh nào đó của vai trò người Mỹ ở miền Nam Việt Nam trước thời kỳ năm 1975. Và chắc chắn điều đó cũng liên quan tới chính sách hòa hợp hòa giải của dân tộc, không chỉ của Việt Nam đối với khối cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ở hải ngoại mà còn giữa nhà nước Việt Nam với Hoa Kỳ tái tạo lại hình ảnh thân thiện giữa hai cựu thù với nhau. Và điều đó có lẽ cũng dẫn tới động thái nhà nước Việt Nam cần phải xem xét lại vấn đề thực chất tham gia vào Hiệp ước, Công ước chống tra tấn và đồng thời tham gia vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và có sự bảo đảm nhất định về mặt chính quyền chứ không để mọi chuyện đó xảy ra một cách tự nhiên và tự tác như trước đây.
Cuối cùng tôi có thể nhận định sơ bộ thế này. Vấn đề John Kerry có lẽ đang tạo một ảnh hưởng nhỉnh hơn so với chuyến đi của thủ tướng Lý Khắc Cường đến Việt Nam. Điều đó rất dễ dàng cho ta chứng minh và nhìn thấy qua những hoạt động gây hấn của nhân viên kiểm ngư, lực lượng kiểm ngư của Trung Quốc đối với việt nam gần đây. Cứ mỗi khi Việt Nam xích về phương Tây một chút thì người Trung Quốc lại không hài lòng, và họ coi đó là một biểu hiện xa rời ly tâm và thiếu thần phục đối với Bắc Kinh. Và lập tức họ lại nảy ra một vài hoặc là một số hoạt động gây hấn nào đó. Những hoạt động gây hấn đó không quá nặng nề như trước đây nhưng đủ để làm phiền nhiễu và gây rắc rối cho toàn bộ khu vực Biển Đông và làm cho giới lãnh đạo Việt Nam phải căng đầu về chuyện nên như thế nào và xem lại chính sách đối xử đối với Bắc Kinh như thế nào và kể cả vấn đề Campuchia nữa.
TQT: Đầu năm mới, năm 2014, những hình ảnh về Trung Quốc đã không tạo ra cho người ta thấy 16 chữ vàng và 4 tốt, không tạo thấy một cái âm vang của tình hữu nghị hữu hảo như là người Trung Quốc vẫn thường nói về Việt Nam và bằng những hình ảnh rất là xa lạ. Truyền hình Trung Quốc thì đưa hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, rồi đến ngư dân Việt Nam lại bị đánh đập, lại bị cướp hết tài sản khi đánh bắt cá tại khu Hoàng Sa, Trường Sa. Trung Quốc lại mới ra một tuyên bố là ai muốn đánh cá tại vùng Biển Đông đều phải xin phép Trung Quốc nếu không thì họ sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Nhà báo Phạm Chí Dũng bình luận thế nào về những hiện tượng này?
PCD: Trung Quốc là một đất nước với lịch sử hiếu chiến, một lịch sử xâm lược, và một lịch sử bành trướng. Tất cả những điều đó chúng ta đều đã thấy, và tôi nghĩ tất cả mọi người đều nhận thức về điều đó. Và điều cực kỳ thiếu may mắn cho Việt Nam là lại ở sát nách Trung Quốc, cùng đường biên giới và chịu sự rắc rối liên tục từ một ông hàng xóm mang danh nghĩa là 16 chữ vàng và 4 tốt. Vấn đề đó chúng ta không cần phải tranh cãi nữa tại vì đã rõ như ban ngày rồi. Vấn đề còn lại là tương lai của mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam sẽ như thế nào? Và một thời điểm nào đó, người ta đang đặt ra một câu hỏi vào một thời điểm nào đó liệu Trung Quốc có tái xâm lược Việt Nam như hình ảnh năm 1979 hay không?
Thậm chí là những năm 1960 của thế kỷ 20, quan hệ Trung Quốc – Liên Xô đang hữu hảo, được coi là hữu hảo và tốt đẹp mà Trung Quốc vẫn vì một lý do địa phận thôi và sẵn sàng tấn công Liên Xô. Như vậy thì đối với Việt Nam sẽ như thế nào? Và đó là một cái hiểm họa khôn lường mà người Việt Nam luôn phải đối mặt.
Trở lại vấn đề nội chính và nội tình Việt Nam. Giới lãnh đạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với hiểm họa đối ngoại từ Trung Quốc trong những năm tới, đó là một điều gần như chắc chắn. Và mối hiểm họa đó chỉ có thể bị giảm bớt nếu vấn đề nội chính của Trung Quốc không ổn thỏa và nền kinh tế Trung Quốc không lành mạnh. Nhưng nếu nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được sự ổn định, thể chế Trung Quốc vẫn duy trì được chân đứng tương đối ổn định của nó thì tôi cho là một cuộc gây hấn ở mức độ cao đối với Việt Nam khá nhiều khả năng có thể xảy ra. Trong tình thế như vậy, những nhà lãnh đạo Việt Nam của Đảng cầm quyền Việt Nam như thế nào và cần phải làm gì huống chi nội tình của Việt Nam lại không suôn sẻ được như Trung Quốc. Nội tình Việt Nam đang diễn ra những mâu thuẫn và những mâu thuẫn đó có thể được đẩy lên tới mức độ trầm trọng hơn, thể hiện bằng tính xung đột.
Như vậy, vấn đề đặt ra là tất cả những mâu thuẫn và xung đột cơ bản chỉ được hóa giải bởi sự đồng thuận với dân chúng, với đại đa số trong 90 triệu người dân Việt Nam. Có nghĩa là giới lãnh đạo Việt Nam hoặc những lãnh đạo nào đó của Việt Nam chỉ có thể đứng vững và có được cái nhìn vững chắc về chính sách đối ngoại, nắm chắc có thể nói là nắm chắc chủ quyền trong tay với điều kiện là được sự ủng hộ của đại đa số trong 90 triệu người dân Việt Nam trong đó đa số là người tầng lớp trung lưu và người nghèo. Như vậy người đó phải là người nói như thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “nắm chắc được ngọn cờ dân chủ” và ít nhất điều đầu tiên vấn đề dân chủ là phải công khai hóa, minh bạch hóa và dám lên tiếng thể hiện được quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình và quyền phản kháng đối với những hành vi gây hấn tại Biển Đông.
Cuối cùng thì một nhân vật của lãnh đạo Việt Nam sẽ được sự ủng hộ của đại đa số dân chúng nếu người đó biết gióng lên tiếng nói tự hào tự tôn dân tộc và bảo vệ vấn đề chủ quyền của dân tộc. Còn nếu người lãnh đạo đó họ lãng quên hoặc né tránh vấn đề chủ quyền của dân tộc hoặc họ mang một tư tưởng, một thái độ thật thần phục đối với Bắc Kinh thì chính dân chúng sẽ là người lãng quên thậm chí sẽ hỏi tội họ. Tôi xin chấm dứt phần trả lời phỏng vấn ở đây. Xin cám ơn nhà báo Trần Quang Thành!
TQT: Xin cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng, xin chào anh!
(Quê choa)

Tại sao VNDCCH im lặng khi Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa ?

Dân Luận: Trong đợt kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc tấn công chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa, nhiều sự thật lịch sử đã được báo chí chính thống của Nhà nước Việt Nam đưa ra ánh sáng, kể cả những vấn đề xưa nay không được nói tới như "Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958".
Hôm nay VNN, tờ báo mạng lớn nhất Việt Nam đã đăng phỏng vấn ông Dương Danh Dy, nguyên Tỗng lãnh sự VN tại Nam Ninh, một nhà nghiên cứu lâu năm về Trung Quốc về đề tài Hoàng Sa. Ông Dy đã nêu rõ quan điểm của đảng và chính phủ VNDCCH trong vụ Trung Quốc tấn công chiếm đóng HS tháng 1-1974.
Cách đặt câu hỏi của Phóng viên và các câu trả lời của ông Dương Danh Dy đều gợi cho độc giả nhiều suy nghĩ đau xót về một giai đoạn lịch sử của dân tộc
(Đề bài do Dân Luận đặt)
.

Sau 40 năm nhìn lại hải chiến Hoàng Sa
"Tôi có thể khẳng định rằng các thế hệ đàm phán của Việt Nam đều không bao giờ cắt đất cho Trung Quốc cả. Nhưng cũng còn những chuyện khác do hoàn cảnh lịch sử..."

LTS: Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa, 19.1.1974, có một băn khoăn của nhiều người là tại sao lúc đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng.

Có phải chăng như sử gia Nguyễn Đình Đầu đã nghĩ rằng tình đồng chí giữa những người Cộng sản lúc đó còn lớn hơn lãnh thổ?

Tuanvietnam có cuộc phỏng vấn với nhà nghiên cứu Trung Quốc lão thành Dương Danh Dy - người có may mắn biết được nội tình câu chuyện.

- Có một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là, hồi Trung Quốc đánh Hoàng Sa đầu năm 1974, tại sao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không lên tiếng phản đối? Và, đối với một số người, thậm chí còn đặt vấn đề nặng hơn là Việt Nam lúc đó đã nể, sợ Trung Quốc. Thậm chí không ít người còn chỉ trích Ban Lãnh đạo Việt Nam lúc đó còn đặt tình đồng chí cao hơn lãnh thổ quốc gia?

Tôi xin nói rằng đó chính là câu hỏi mà tôi cũng thắc mắc cách đây 40 năm, khi còn là một tổ trưởng theo dõi quan hệ Việt - Trung. Tất nhiên, tôi phàn nàn với mấy anh bạn đồng nghiệp thôi. Nhưng không hiểu sao, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, nghe được, và cho gọi tôi lên gặp ông.

Ông Thạch, vốn rất quý tôi vì biết rõ tính ngay thẳng của tôi, đã nói luôn:

"Dy ơi, sao cậu dại thế! Đất nước đã thống nhất chưa? Thống nhất đất nước so với việc Trung Quốc chiếm nửa Hoàng Sa thì cái nào lớn hơn?

Cậu có biết rằng viện trợ của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu dành cho chúng ta chủ yếu đi qua đường nào? Rồi cậu chắc biết hơn những người khác rằng Trung Quốc viện trợ cho chúng ta như thế nào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...

Thế mà bây giờ, vì cái chuyện Hoàng Sa, mà đằng nào họ cũng chiếm của Việt Nam rồi, chúng ta lên tiếng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng tới sự nghiệp lớn hơn."

Lúc đó, ông Thạch chỉ nói cho tôi đến thế thôi, và tôi cũng thông.


Ảnh vệ tinh đảo Quang Hòa (Duncan) - nơi bắt đầu trận hải chiến Hoàng Sa 1974

Đến tháng 4.1975, khi chúng ta giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta đã đồng thời giải phóng luôn những hòn đảo ở Trường Sa, tôi mới ngã ngửa người ra rằng Ban lãnh đạo Đảng ta quả thật là tài tình, và quá hiểu Trung Quốc.

Vì sao? Việc không nói để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước thì rõ rồi. Nhưng việc không nói còn làm cho Ban Lãnh đạo Trung Quốc chủ quan, nghĩ rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi nhẹ vấn đề biển đảo mà không tìm cách đánh chiếm luôn quần đảo Trường Sa nữa.

Tôi có đọc được một tài liệu của Trung Quốc nói rằng họ tiếc tại sao trong đầu năm 1979, khi tấn công Việt Nam, lại không chiếm luôn những hòn đảo mà Việt Nam chiếm giữ thuộc Trường Sa đi.

- Tức là theo ông, nếu chúng ta lên tiếng khi họ đánh quân Việt Nam Cộng hòa năm 1974, họ sẽ cảnh giác hơn và có khi chiếm luôn Trường Sa từ Việt Nam Cộng hòa?

Tôi nghĩ vậy. Trong lúc chúng ta tập trung quân trên bộ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung Quốc sẽ thừa cơ chiếm các đảo.

Hơn nữa, có khi chuyện này còn ảnh hưởng tới sự nghiệp thống nhất đất nước ấy chứ. Chắc anh còn nhớ vụ Pháp, thông qua Tùy viên Quân sự - Tướng Vanusseme, định can thiệp với Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống Việt Nam Cộng hòa cuối Tháng Tư năm 1975, về khả năng đưa quân Trung Quốc vào Việt Nam, chứ?

- Vâng.Nhưng tôi muốn hỏi thêm rằng lúc đó ý niệm về biển đảo của chúng ta có rõ ràng như hiện nay không, hay vẫn mơ hồ?

Ý thức rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ Việt Nam là bất di bất dịch. Ngay cả thời gian trước khi Trung Quốc đánh Hoàng Sa, trên bản đồ của họ đã vẽ rành rành cái đường lưỡi bò, và chúng tôi bên ngoại giao có phản ứng lại họ, hỏi tại sao trên bản đồ của Trung Quốc lại vẽ đường lưỡi bò. Họ mới giải thích, đấy là của bọn Quốc Dân Đảng vẽ thôi, chứ Đảng Cộng sản Trung không cho chuyện đó là nghiêm túc, nhưng có điều họ dứt khoát không bỏ cái đường lưỡi bò đi.

- Đường lưỡi bò có trên bản đồ của họ từ lúc đó?

Từ năm 1947, thời Quốc Dân Đảng, đường lưỡi bò bắt đầu xuất hiện trên bản đồ chính thức của Trung Quốc. Khi chính quyền cộng sản lên nắm quyền vào 1950, đường lưỡi bò vẫn tiếp tục tồn tại trên bản đồ cho đến nay.

Nhân chuyện Hoàng Sa, tôi muốn hỏi ông về mối nghi ngờ đây đó trong dân chúng rằng, khi đàm phán biên giới trên bộ, Việt Nam đã chịu mất đất. Với tư cách là người nghiên cứu kỹ Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, ông có thể trả lời được không?

Tôi có thể khẳng định các thế hệ đàm phán của Việt Nam đều không bao giờ cắt đất cho Trung Quốc. Nhưng cũng còn những chuyện khác do hoàn cảnh lịch sử...

Ví dụ, có một thời gian để viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ, mỗi đêm Trung Quốc có 500 chiếc ô tô để chở vũ khí, hàng hóa hay lương thực, nhu yếu phẩm cho Việt Nam, và những xe này phải về ngay trong đêm để không ảnh hưởng đến chuyện khác.

Muốn vậy, phải làm đường cho tốt, và chỗ biên giới giáp nhau nếu làm theo đúng biên giới Trung Quốc thì đường phải đi vòng, hoặc qua đèo lội suối, nhưng để làm việc đó chúng ta đã để cho Trung Quốc được thuận tiện làm đường cho ngắn nhất, đơn giản nhất. Đến lúc sau này khi đàm phán với Trung Quốc, họ bảo đường của họ đến đâu thì đất của họ ở đấy.(!)

Hay, trong thời gian đó, từ năm 1966, Trung Quốc tiến hành Cách mạng Văn hóa, một số người Trung Quốc trốn tránh đấu tranh áp bức của Hồng Vệ Binh truy đuổi, chạy sang Việt Nam, và chúng ta đã cho nương nhờ theo nghĩa "đồng chí", cấp đất cho họ ở. Từ đó đến nay, làng xóm hình thành, mồ mả có, và khi đàm phán Trung Quốc nói dân của họ ở đâu thì đất Trung Quốc đến đấy.(!!!)

Vấn đề biên giới Trung - Việt chỉ có chuyện từ khi Trung Quốc tiếp đón Nixon năm 1972, và Việt Nam phản ứng dữ dội lại, từ đó Trung Quốc mới dùng vấn đề biên giới tác động. Chứ trước năm 1972, biên giới Trung - Việt cơ bản là biên giới hữu nghị và hòa bình.

Cám ơn ông.
Huỳnh Phan (thực hiện)

Phủ nhận và xuyên tạc Hiến pháp là phạm pháp

Ngày 9-12-2013, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi (HPSĐ) và Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Văn kiện này. Theo đó, HPSĐ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Thế nhưng, ngay sau khi HPSĐ được thông qua, trên một số trang mạng xã hội và blog đã có những bình luận không thể chấp nhận được cả về mặt chính trị, pháp lý và đạo lý. Sự xuyên tạc Hiến pháp trên thực tế là hành động phạm pháp.

Hiến pháp vừa được Quốc hội nhất trí bấm nút thông qua với tỷ lệ gần như tuyệt đối thì đã có người bình luận một cách vô trách nhiệm: “Quốc hội khóa XIII đã thông qua một bản hiến pháp thể chế hóa cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, coi thường nguyện vọng của đông đảo nhân dân… Như vậy, Quốc hội khóa XIII đã tự chứng tỏ không đại diện cho nhân dân và phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc; hiến pháp này không thật sự là hiến pháp của nhân dân và người dân có thể sử dụng quyền bất tuân dân sự của mình”.

97,59% đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 6 (khóa XIII) tán thành thông qua Hiến pháp sửa đổi. Ảnh minh họa. Nguồn: Tuoitre.vn

Không thể phủ nhận được kết quả biểu quyết của Quốc hội, người ta dùng quan điểm dân chủ “phải bảo vệ quyền thiểu số” để lập luận rằng: “Dân chủ phải thực hiện nguyên tắc bảo vệ thiểu số... như vậy, nếu Quốc hội và Ban soạn thảo Hiến pháp làm việc theo tinh thần dân chủ thì đáng lẽ phải ghi nhận những ý kiến đối lập như nhóm 72 (mà Quốc hội đã đón tiếp long trọng), nhóm Công dân tự do, nhóm Công giáo, nhóm 8406... vân vân”. Ai cũng biết những kiến nghị của các nhóm mà họ nói đến ở đây là: Xóa bỏ Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “gợi ý” chúng ta xây dựng nhà nước ta theo chế độ cộng hòa tổng thống với thể chế tam quyền phân lập… Đây là điều mà các vị đại biểu Quốc hội và tuyệt đại nhân dân ta không nhất trí.

Hiến pháp là văn kiện chính trị-pháp lý quan trọng nhất của một quốc gia dân tộc, đó là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước. Hiến pháp phản ánh ý chí, nguyện vọng, lợi ích của toàn dân tộc. Chúng ta không phủ nhận việc xây dựng Hiến pháp cần và có thể học hỏi, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia-dân tộc khác, nhưng chúng ta không thể chấp nhận sự áp đặt một mô hình Hiến pháp nào đó cho mình. Xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp mới của dân tộc ta cần dựa vào chính kinh nghiệm lịch sử, những thành quả của cách mạng của dân tộc, những giá trị mà chúng ta phải bảo vệ. Hiến pháp mới phải kế thừa các Hiến pháp trước đồng thời hướng tới những đòi hỏi sự phát triển của đất nước. Mặt khác, cũng như các quốc gia khác, Hiến pháp phải được thông qua theo nguyên tắc dân chủ tập trung bởi những đại biểu hợp hiến. Hiến pháp không xây dựng bởi những góp ý, “gợi ý”, bình luận của nhóm này, bloger kia, nhà khoa học khác, cho dù đó thật sự là những ý kiến tâm huyết. Bởi vậy, những tuyên bố, của nhóm này, cá nhân kia sau khi HPSĐ được thông qua cần phải làm rõ về mặt chính trị, pháp lý và đạo lý.

Trước hết, về việc người ta phủ nhận Quốc hội khóa VIII - “không đại diện cho nhân dân”…, đây là một quan điểm chính trị và pháp lý sai trái. Không một cá nhân, tổ chức nào có quyền phủ nhận một Quốc hội được bầu ra bởi các nguyên tắc dân chủ hợp hiến. Trên thế giới, chỉ có những tổ chức phản loạn mới ra tuyên bố phủ nhận Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ được bầu ra một cách hợp pháp. Đây có thể xem là một hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ hai, về quan điểm cho rằng: HPSĐ chỉ là sự “thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng”, HPSĐ “đặt Đảng trên Hiến pháp, trên Quốc hội”…, đây là một nhận định ấu trĩ về chính trị và lịch sử. Có lẽ mọi người đều biết trên thế giới không có những tiêu chí chung về nội dung cụ thể của một bản Hiến pháp. Xây dựng văn kiện này là quyền và trách nhiệm của mỗi dân tộc. Ở Việt Nam, tất cả những ai không có định kiến, không có hận thù với cách mạng, ít nhiều có hiểu biết về lịch sử, thì đều thấy rằng, con đường cách mạng của nhân dân Việt Nam, đi từ giành độc lập dân tộc, kháng chiến chống đế quốc xâm lược, thống nhất đất nước đến sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay đều do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong suốt chiều dài trên 2/3 thế kỷ (1930-2013), sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ bằng Cương lĩnh mà còn bằng cả tinh thần cách mạng kiên cường, bằng sự hy sinh xương máu, bằng sự nêu gương vượt qua gian khổ, khó khăn của không biết bao nhiêu cán bộ, đảng viên của Đảng. Trong thời kỳ đất nước nô lệ, lầm than, khi cách mạng trong thời kỳ trứng nước không thấy ai hỏi Cương lĩnh của Đảng đâu, Hiến pháp đâu? Và vì sao nhân dân ta lại đi theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra? Trên thực tế, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này, việc đưa tinh thần, nội dung Cương lĩnh của Đảng vào HPSĐ là điều tự nhiên, dễ hiểu và hoàn toàn đúng đắn vì Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân là chủ… có nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…” (1).

Nếu phân tích kỹ thì thấy, Điều 4 HPSĐ về vai trò lãnh đạo của Đảng so với Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều chỉnh sửa quan trọng. Chẳng hạn, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động, mà còn là đội tiên phong “của dân tộc Việt Nam”. Về trách nhiệm của Đảng, HPSĐ đã bổ sung vào Điều 4 nội dung sau: “Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Ý kiến cho cho rằng, HPSĐ “đặt Đảng lên trên Nhà nước” là sự xuyên tạc thô thiển. Chính một số ít những kẻ đang tự cho mình quyền bình luận, xuyên tạc HPSĐ nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, xóa bỏ sự đồng thuận xã hội, xóa bỏ chế độ xã hội ta mới là những kẻ đang đứng trên Hiến pháp, đứng trên xã hội.

Thứ ba, về cái gọi là “nguyên tắc bảo vệ thiểu số”, thực tế chính trị và pháp lý trên thế giới không ở đâu người ta lại dựa vào ý kiến thiểu số để phủ nhận Hiến pháp, pháp luật. Không được quên rằng, “pháp luật tối thượng” là nguyên tắc số một của nhà nước pháp quyền. Tuyên bố bảo vệ quyền “bất tuân dân sự của mình” là hành vi vi phạm pháp luật. Có lẽ chỉ có trong những phiên tòa xét xử tội phạm, người ta mới nói đến “quyền được bảo lưu đối với nội dung bị tố cáo”. Còn những tổ chức ảo hoặc tổ chức chống cộng phản đối HPSĐ bảo lưu quyền “bất tuân dân sự” thì đó cũng là điều dễ hiểu.

Với Hiến pháp, nhân dân ta thông qua các cơ quan đại diện, hệ thống chính trị và chính bản thân mỗi người thực hiện quyền làm chủ nhà nước và xã hội. Hiến pháp sửa đổi là cơ sở chính trị-pháp lý vững chắc để bảo vệ các quyền công dân, quyền con người, đồng thời bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Bảo vệ HPSĐ là bảo vệ điều kiện cơ bản cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta trong thời kỳ mới. Việc triển khai thi hành HPSĐ phải dựa trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, bảo vệ tất cả tinh thần và lời văn của văn kiện này. Chúng ta không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào xuyên tạc, cản trở việc thực hiện hoặc thoái thác trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp.

BẮC HÀ - LINH NGHĨA

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XI, NXBCTQG, HN, 2011, tr70
  (Báo QĐND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét