Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Làm sao để hoà giải dân tộc?

Làm sao để hoà giải dân tộc?

Hoàng Ngọc-Tuấn 
Gõ từ "hoà giải" lên Google, tôi thấy kết quả đầu tiên là bài giải thích về từ này trên trang Wikipedia tiếng Việt. Trong bài ấy có một đoạn nói đến vấn đề "hoà giải dân tộc" của Việt Nam. Đoạn ấy như sau: "... ở Việt Nam hiện nay vấn đề hòa giải dân tộc cũng được đặt ra và tốn nhiều giấy mực của báo chí trong thời gian gần đây. Với một lượng kiều hối chuyển về nước ngày càng nhiều, và Việt kiều ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc làm cầu nối để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại, Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng đặt ra vấn đề hòa giải dân tộc để huy động sức mạnh và sự đóng góp của lực lượng “Việt kiều yêu nước”. Tuy vậy, tiến trình hòa giải dân tộc ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do còn nhiều bất đồng trong cách suy nghĩ và các vấn đề lịch sử để lại."
http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B2a_gi%E1%BA%A3i
Đọc đoạn ấy, tôi cảm thấy khá nực cười! Nếu nhóm viết Wikipedia tiếng Việt diễn tả đúng sự thật thì hoá ra, đối với Nhà nước Cộng Sản Việt Nam, vấn đề "hoà giải dân tộc" chỉ xoay quanh chuyện quan hệ với "Việt kiều" với mục đích kiếm "kiều hối" ngày càng nhiều và tìm cầu nối "để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại"!
Cũng trong bài ấy, ở chú thích số 12, có ghi: "Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng phát biểu rằng nhà nước phải chìa tay ra trước để đón nhận, đồng thời một bộ phận người Việt ở nước ngoài vẫn còn mặc cảm cũng phải chủ động hòa nhập."
Lại càng nực cười hơn nữa! "Nhà nước phải chìa tay ra trước để đón nhận"! Đón nhận cái gì? Đón nhận "kiều hối" chăng? Và "một bộ phận người Việt ở nước ngoài vẫn còn mặc cảm cũng phải chủ động hòa nhập"! Mặc cảm về việc gì? Về việc chưa chuyển "kiều hối" về Việt Nam nhiều đủ hay chăng? Và "phải chủ động hoà nhập" bằng cách nào? Bằng cách ra sức chuyển thêm nhiều "kiều hối" nữa và ra sức "làm cầu nối để hàng hóa nội địa vươn tới hải ngoại và ngược lại" hay chăng?
Chưa bao giờ tôi thấy ở nước nào mà lại có cái loại "hoà giải dân tộc" theo kiểu con buôn kỳ quái đến thế.
Quan sát các nước đã từng thực hiện hoà giải dân tộc, ta có thể thấy trước hết họ thiết lập một Truth Commission (Uỷ Ban Sự Thật). Uỷ Ban này có nhiệm vụ điều tra và công bố tất cả những sự sai lầm và tội ác của một chính quyền trong quá khứ. Sau đó, những kẻ đã hành xử sai lầm hay đã gây tội ác phải được đem ra xét xử trước công lý. Tuỳ theo mức độ của sự sai lầm và tội ác, những kẻ ấy sẽ được tha thứ hay phải chịu những hình phạt của luật pháp. Nếu những sự sai lầm và những tội ác ấy đã diễn ra trong một quá khứ rất xa, và tất cả những kẻ gây tội ác ấy đều đã chết, thì chính quyền đương nhiệm phải thay mặt cho quốc gia để công khai xin lỗi tất cả các nạn nhân (hay thân nhân của họ, nếu họ đã qua đời). Sau đó, tuỳ theo mức độ thiệt hại của từng trường hợp, tất cả các nạn nhân (hay thân nhân của họ) đều được bồi thường xứng đáng. Từ 1974 đến nay, có hơn 30 Uỷ Ban Sự Thật đã được thành lập ở hơn 30 quốc gia và đã đạt được những kết quả đáng kể.
Vấn đề "hoà giải dân tộc" của Việt Nam thì không chỉ là vấn đề bắt tay xí xoá giữa Nhà nước Cộng Sản Việt Nam với "Việt kiều". Lại càng không phải là vấn đề "hoà giải" giữa người Việt trong nước và người Việt ở nước ngoài, hay giữa người Việt miền Nam và người Việt miền Bắc.
Vấn đề "hoà giải dân tộc" của Việt Nam phải là một vấn đề cần được giải quyết minh bạch và thoả đáng giữa Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Nghĩa là, để có được một cuộc hoà giải thực sự, trước hết phải có một Uỷ Ban Sự Thật (độc lập với Nhà Nước) đứng ra điều tra và công bố tất cả những sự sai lầm và tội ác của Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam từ trước đến nay. Tiếp đến, phải có một cuộc xét xử công minh và nghiêm khắc. Sau đó, phải có sự xin lỗi công khai và sự bồi thường xứng đáng.
Tất nhiên, dưới chế độ độc tài Cộng Sản Việt Nam hiện nay, tiến trình này không thể thực hiện được. Và chừng nào tiến trình này chưa thực hiện được, thì chưa thể có sự "hoà giải dân tộc".
Thậm chí, ngay cả khi chế độ Cộng Sản đã sụp đổ, tiến trình hoà giải dân tộc vẫn còn có thể gặp rất nhiều khó khăn. Nếu những người cựu Cộng Sản vẫn còn chiếm một bộ phận lớn trong bộ máy chính quyền mới, thì họ có thể tìm cách cản trở việc thành lập một Ủy Ban Sự Thật, và nếu một Ủy Ban Sự Thật được thành lập, thì họ có thể sẽ tìm cách xoá bỏ những bằng chứng và trì hoãn việc bạch hoá sự thật trước công lý.
Kể từ 1989, sau khi chế độ Cộng Sản ở các nước Đông Âu sụp đổ, và từ 1991, sau khi chế độ Cộng Sản ở Liên bang Xô-Viết sụp đổ, cho đến nay, chỉ có 5 Ủy Ban Sự Thật được thành lập ở Đức, Romania, Estonia, Lithuania và Latvia; còn ở Tiệp chỉ có The Office of the Documentation and the Investigation of the Crimes of Communism (Văn phòng thu thập tài liệu và điều tra các tội ác của Cộng Sản) thuộc bộ cảnh sát, chuyên điều tra những tội ác đã bị chế độ Cộng Sản Tiệp che giấu từ năm 1949 đến 1989.
Kết quả của các tổ chức này như thế nào thì chúng ta vẫn phải chờ để xem. Trong tiểu luận "Truth Commissions in Post-Communism: The Overlooked Solution?" (trong tập san The Poen Political Science Journal, 2009, 2, 1-13), Lavinia Stan đã có phân tích nhiều trường hợp các chính quyền hậu cộng sản cố tình tránh né việc thành lập các Uỷ Ban Sự Thật. Trong cuốn chuyên luận Transitional Justice in Post-Communist Romania: The Politics of Memory (New York: Cambridge University Press, 2013), Lavinia Stan cũng có tường thuật khá chi tiết về những thủ đoạn của chính quyền Romania đương thời trong việc trì hoãn công lý.
Tuy nhiên, dù có cố tình trì hoãn việc bạch hoá các sai lầm và tội ác trước ánh sáng công lý, cuối cùng thì người ta vẫn không thể chôn vùi sự thật mãi mãi. Một ngày nào đó, sự thật sẽ được phục hồi.
Trong bài "Hoà giải dân tộc", Nguyễn Hưng Quốc đã kể lại một số cuộc hoà giải được thực hiện trong khoảng hai thập kỷ vừa qua trong phạm vi quốc gia và quốc tế như sau: "... Chính vì thế, quá trình hoà giải thường bắt đầu bằng một lời xin lỗi chính thức. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong sinh hoạt chính trị thế giới thời hậu-Chiến tranh lạnh là việc công khai hoá niềm ân hận đối với những lỗi lầm trong quá khứ. Năm 1990, Tổng thống Mỹ George Bush đã xin lỗi 120 ngàn người Mỹ gốc Nhật bị giam cầm trong thời Đệ nhị thế chiến. Cũng năm 1990, Mikhail Gorbachev bày tỏ sự ân hận sâu sắc trước việc Stalin giết chết 15 ngàn viên chức người Ba Lan tại Katyn Forest vào năm 1940. Đức giáo hoàng John Paul đệ nhị xin lỗi về việc Giáo hội Công giáo đã thất bại trong việc cứu giúp người Do Thái khỏi thảm hoạ Holocaust. Nữ hoàng Elizabeth II của Anh công khai xin lỗi việc nước Anh tàn sát người Maori ở Tân Tây Lan trước đây. Thủ tướng Anh Tony Blair xin lỗi về trách nhiệm của Anh trong nạn đói ở Ireland vào thế kỷ 19. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton xin lỗi người châu Phi về vai trò của Mỹ trong việc buôn bán nô lệ thế kỷ trước. Ở Nhật, năm 1993, Thủ tướng Morihiro Hosokawa bày tỏ sự ân hận và xin lỗi về những tội ác mà nước Nhật đã gây nên thời Đệ nhị thế chiến. Năm 1995, Thủ tướng Tomiichi Murayama lại xin lỗi lần nữa. Năm 1998, trong dịp gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae Jung, Thủ tướng Keizo Obuchi lại xin lỗi lần nữa, nhắm chủ yếu vào những nạn nhân người Hàn Quốc. Riêng ở Úc, đầu năm 2009, Thủ tướng Kevin Rudd đã chính thức xin lỗi người thổ dân tại Úc về những chính sách sai lầm của người da trắng trong quá khứ. Những lời xin lỗi công khai và chính thức như thế chứng tỏ sự thành tâm và thiện chí của các chính phủ nhằm hàn gắn những rạn nứt trong xã hội và giữa các quốc gia để mọi người có thể thanh thản xếp chuyện quá khứ lại hầu hướng tới tương lai, một tương lai hoà thuận và hợp tác. Đó là yếu tố đầu tiên cần có để tạo nên sự tin cậy. Ở các nước, mọi lời xin lỗi đều đi liền với sự đền bù..."
http://m.voatiengviet.com/a/864569.html
Nói tóm lại, nước Việt Nam không thể đạt được "hoà giải dân tộc" theo cách của con buôn nhằm tăng "lượng kiều hối" và "buôn bán hàng hóa ra hải ngoại và ngược lại". Cũng không thể có loại "hoà giải dân tộc" theo kiểu "Việt kiều yêu nước" chạy theo vuốt đuôi chính quyền để tìm cơ hội làm ăn. Cũng không thể có loại "hoà giải dân tộc" theo kiểu "giao lưu văn nghệ" giữa các văn nghệ sĩ Việt Nam trong nước và ngoài nước chạy ra chạy vào múa hát, đọc thơ, bắt tay nhau, cụng ly với nhau...
Không. Tất cả những trò đó không thể nào xoá được những đau thương, những oan ức của hàng triệu nạn nhân dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Tiến trình hoà giải dân tộc của Việt Nam phải bắt đầu bằng một Uỷ Ban Sự Thật để giải quyết minh bạch và thoả đáng những món nợ bằng máu và nước mắt mà Đảng và Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam đã gây ra cho nhân dân Việt Nam từ trước đến nay.
Hoàng Ngọc-Tuấn (Sydney, Australia)

Phan Châu Thành - Thư gửi một bạn học đang họp Quốc hội

  • Bạn thân mến,
Đây là lần thứ hai tôi “viết thư” cho bạn với tư cách là một công dân tới một đại biểu Quốc hội, dù ngoài đời chúng ta là bạn học, là bạn thân, gặp nhau khá thường xuyên, và chúng ta luôn khá hiểu và tôn trọng nhau, tin nhau luôn làm việc tốt, luôn là người tốt, suốt từ những ngày học trò cho đên bây giờ, đã gần 40 năm.
Lần đầu, tôi đã gửi bạn một tin nhắn rất ngắn, bạn có nhận ra hay nó đã bị chìm trong cuộc sống “chính khách” của người “đại biểu nhân dân” của bạn – vì bạn còn là Trưởng đoàn “đại biểu nhân dân” của tỉnh nhà? Tôi đã viết: “Cảm ơn bạn vì lá phiếu của bạn!” Đó là sau khi tôi được tin Quốc hội XIII vừa thông qua Luật Biển VN, có hiệu lực từ 01/01/2013 với chỉ 1 phiếu chống duy nhất. Tôi biết, bạn tự hào về cái “ấn nút” đó lắm, tự hào theo cách của bạn mà chỉ ai nhìn vào ánh mắt bạn mới hiểu.
Thế nhưng, lòng biết ơn của tôi - một công dân, đã chứng tỏ quá ngây thơ, quá tưởng bở và được gửi nhầm người nhầm chỗ nhầm địa chỉ!? Vì dường như ngược lại hoàn toàn với tinh thần Luật Biển Quốc gia Quốc hội XIII vừa hùng hồn thông qua đó, Chính phủ này và “sếp” của nó là Quốc hội XIII trong đó có một ghế bạn đang ngồi đã làm ngơ trước sự ngang ngược tác quái của bọn Tàu với cái lưỡi bò của chúng trên Biển Đông của Tổ quốc, của Dân tộc Việt, đã bỏ mặc ngư dân mình cho bọn Tàu bắt giam, hãm hại, phá thuyền và giết chóc chỉ vì họ mưu sinh trên Biển Hoàng Sa, Trường Sa của quốc gia (như các thế hệ ngư dân Việt cha ông ta), trên lãnh hải mà Luật Biển vừa thông qua tuyên bố chủ quyền thiêng liêng và cam kết bảo truyền cho các thế hệ Việt sau đó?!
Chính hành xử trốn tránh, bất nhất, vô cảm,… của Chính phủ và Quốc hội XIII trước khốn khó của ngư dân và các sự kiện trên biển Đông suốt mấy năm nay, nhất là sau khi Luật Biển có hiệu lực, đã làm tôi làm tôi “đắng miệng” không muốn gặp và nói chuyện với bạn nữa, dù tôi có nhiều dịp. Và tôi càng cảm thấy cay đắng hơn mỗi khi nghĩ đến tin nhắn đó - lòng biết ơn chân thành của tôi với bạn, vì bạn đã cùng QH thông qua Luật Biển.
Tất cả chỉ là giả dối, là bánh vẽ, là nói để mà nói, là vẽ “Luật” chơi vậy ư? Và giỡn chơi trước toàn dân Việt và Lịch sử ư?! Bạn và 500 đồng chí của mình đang đùa giỡn với niềm tin của tôi và của hơn 90 triệu người Việt ư?!
Từ chối gặp bạn và âm thầm gạch tên bạn từ danh sách những người tôi từng quí trọng, từng tin tưởng, là những gì tôi có thể làm và đã làm. Bạn sẽ nói: “Tôi là chính khách”, tôi cần gì quan tâm đến một thằng dân ngang như ông! Tôi nhắc lại câu “tôi là chính khách” của bạn đã nói với tôi một lần cách đây cả chục năm, vì nó báo hiệu một điều tôi đã cảm thấy khi đó mà không chấp nhận: có phải bạn bắt đầu không còn là Con người nữa (với chữ Con viết hoa) để “là chính khách” cộng sản?
Hôm nay, tôi lại đang viết những dòng này cho bạn, có thể bạn đọc được nó hoặc không, trên thế giới ảo mà thực này, bởi vì…
Những ngày này, tôi thấy mình như đang ngồi trên đống lửa, mà không biết làm gì và không thể làm gì! Tôi nghĩ tất cả những người dân như tôi thực sự quan tâm đến vận mệnh đất nước đều cảm thấy như thế! Chúng tôi đang vô cùng lo lắng một điều sẽ xảy ra mà không ngăn cản được: những người “đại diện cho dân” – 500 đại biểu Quốc hội trong đó có bạn – sẽ phạm một sai lầm không thể tha thứ và sẽ để lại thêm một vết nhơ mang tên Đảng trong Lịch sử, đó là sẽ thông qua Hiến pháp 1992 “được sửa đổi” theo đường lối bốn kiên định của Tàu mớm cho.
Bạn còn nhớ, một lần chúng ta nói chuyện về chị HTĐ học trên chúng ta một lớp và là “đại biểu nhân dân” trong QH XII trước bạn, chúng ta đã đánh giá là chị ấy đã phải tham gia những sai lầm lớn sẽ để lại vết nhơ mãi về sau của QH XII là thông qua Bauxit Tây Nguyên và mở rộng Thủ đô?
Bạn biết không, theo tôi, so với hai sai lầm đó của QH XII, hôm nay QH XIII của bạn đang phạm sai lầm khủng khiếp gấp trăm gấp nghìn lần! Vì thông qua Hiến pháp 1992 lần nữa là đưa dân tộc quay trở lại và ở lại mãi với thời kỳ u muội ác độc nhất của độc tài cộng sản mà chúng ta đều đã biết rõ nó là gì! Đó là chưa nói đến cái cách mà QH XIII và đảng của bạn thực hiện nó, cũng bắt đầu bằng một vụ lừa bịp kêu gọi toàn dân góp ý cho Hiến pháp “mới” để rồi qui tội dân “suy thoái đạo đức”! Thật là không còn từ gì để nói về sự lừa đảo toàn dân công khai thô bỉ và vô liêm sỉ đó! Giống như vụ bạn và đảng và QH XIII của bạn đã cho dân và tôi ăn quả lừa Luật Biển còn đang sôi sùng sục vậy… và Biển Đông sẽ còn sôi mãi!
Nhiều người đã viết tâm thư gửi Quốc hội, đề nghị các bác “đại biểu của dân” hãy hoãn biểu quyết thông qua Hiến pháp lại đến cuối năm sau, để nghe dân nói, để cân nhắc kỹ. Tôi thì không tin những lá thư như thế, dù rất trân trọng, có tác dụng gì. Vì tôi biết một “đại biểu của dân” như bạn sẽ không bấm nút theo những gì bạn nghĩ, mà chỉ và luôn luôn bấm nút theo chỉ đạo của đảng, và chỉ thế thôi! Vì đó là cách an toàn nhất, cho những người bấm nút, lại cũng là vinh dự nhất, vẻ vang nhất, “màu mỡ” nhất, rộng đường thăng tiến nhất, “đoàn kết” nhất, vui vẻ nhất v.v. và v.v.! Còn Dân tộc ư, lương tâm Con người ư? Tương lai đất nước ư?... các bạn đã là “chính khách cộng sản” rồi, những thứ đó các bạn để dưới… cương lĩnh của đảng hết.
Vì biết thế, nên tôi không viết tâm thư cho bạn, hay cho đảng, cho QH được. Tôi có thể viết tâm thư cho nhân dân, cho các đại biểu của nhân dân, nhưng các bạn đâu có phải là đại biểu nhân dân! Còn nhân dân ở đâu để tôi gửi thư này, dù trong tuyệt vọng?! Tôi chỉ nhìn thấy nhân dân ở trên lề trái, lề dân… rất ảo mà rất thật.
Những dòng này cũng không hẳn là thư cho bạn. Đúng hơn, đây là thư tôi nói với chính mình, nói lần nữa với niềm tin đã chết từ lâu của mình vào đảng và những người cộng sản như bạn.
Mấy ngày nữa, Hiến pháp 1992 gia cố bằng tinh thần bốn kiên định của Tàu mớm cho đảng của các bạn sẽ được thông qua bằng tuyệt đại đa số QH XIII của bạn, trong đó tất nhiên sẽ có bạn “nhất trí hoàn toàn”. Mấy ngày nữa chỗ đứng của các bạn – đảng và QH, chính phủ cộng sản - với nhân dân cũng sẽ được rõ ràng xác lập. Hiến pháp ấy chính là những họng súng, là vũ khí muôn hình của đảng chĩa vào dân. Vậy dân ở đâu thì nhờ Hiến pháp chỉ hướng tôi sẽ tìm ra và xin đến với họ.
Tôi vẫn biết, sẽ có ngày chuyện đó phải rõ ràng ra, ngày tôi sẽ đứng trước họng súng của bạn. Đó là ngày dân không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ đứng lên đối diện hoàn toàn trước họng súng Hiến pháp mà bạn sẽ bấm nút thông qua.
Tôi không có hy vọng bạn nghe thấy và hiểu, nhưng tôi vẫn nói thêm một câu với phần Con người trong bạn, gửi vào Vũ trụ này, sau cơn bão Hải Yến vừa ghé qua tỉnh nhà sáng nay:
Bạn ơi, đừng chĩa súng vào dân!
Sài Gòn, ngày 11/11/2013
  Phan Châu Thành
(BVN)

2101. LIỆU SẼ CÓ MỘT ANGELA MERKEL ÔN HÒA HƠN?

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM (Tài liệu tham khảo đặc biệt)
Thứ Sáu, ngày 08/11/2013
(Tạp chí Der Spiegel - 25/9/2013)
Các chính sách cứng rắn về châu Âu của Th tướng Đức Angela Merkel đã gây chia rẽ châu lục này và khiến bà mang tiếng lạnh lùng. Giờ đây, khi cuộc bầu cử đã tiếp thêm sức mạnh cho bà và giải phóng bà khỏi những đối tác khó chịu, bà có cơ hội định hình lại lập trường của mình.
Bất cứ người Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha nào thấy những hình ảnh trong bữa tiệc vào đêm bầu cử của đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel, có thể cảm thấy kinh hãi bởi những gì họ thấy: Đây là Merkel đáng sợ đang nhẩy cỡn lên ăn mừng chiến thắng của đảng bà, kia là thủ lĩnh nhóm nghị sĩ quốc hội của CDU Volker Kauder đang hát cùng với mọi người “Những ngày như hôm nay…”, lời một một bài hát nhạc pop nổi tiếng của Đức. Đây chính là Kauder, người trong kỳ họp Quốc hội trước đã đe dọa rằng tiếng Đức giờ có thể trở thành ngôn ngữ của châu Âu. Nhưng liệu mọi người có sớm hát và nhẩy theo tiếng Đức không?
Sau chiến thắng ấn tượng của Merkel trong cuộc bầu cử, đang có một sự lo âu ngày càng tăng ở phần phía Nam của Khu vực đồng euro. Vào ngày 23/9, một ngày sau cuộc bầu cử, nhật báo Ta Nea của Hy Lạp chạy dòng tít “Châu Âu đang trở thành vùng đất của Merkel” với bức ảnh Merkel đội vương miện và ngồi trên ngai vàng. Còn nhật báo La Repubblica của Italy nhìn nhận nước Đức như là “quyền lực lãnh đạo không thể tranh cãi của châu lục”.
Những quan điểm như vậy cho thấy nhiều người đang lo sợ Merkel sẽ lợi dụng sức mạnh của thắng lợi này để áp đặt một chính sách thắt lưng buộc bụng còn khắc nghiệt hơn lên phần còn lại của Liên minh châu Âu. Nhưng cũng có nhiều điều thể hiện rằng mọi việc có thể phát triển theo chiều hướng khác. Quả thực, trong nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của mình, Merkel có thể theo đuổi các chính sách về châu Âu mạnh bạo hơn và ủng hộ hội nhập hơn nhiều so với những gì các nhà quan sát trông đợi ở bà. Bất luận thế nào, sự sắp đặt quyền lực mới ở Đức, mà trong đó đảng bảo thủ của Merkel sẽ không còn phải nhượng bộ đối tác liên minh trước đây của họ, đảng Dân chủ Tự do (FDP) ủng hộ ngành kinh doanh, ít nhất sẽ đem lại cho bà vô số cơ hội để thực hiện những chính sách nói trên.
Quyền lực
Trên thực tế, tầm quan trọng của kết quả cuộc bầu cử này đã vượt xa biên giới nước Đức. Bằng cách giành được hơn 41% số phiếu bầu, tăng 7,7 điểm phần trăm so với kết quả của cuộc bầu cử năm 2009, Merkel sẽ giữ vững vị trí nhà lãnh đạo quốc gia lớn nhất và quan trọng nhất châu Âu. Quả thực, chỉ riêng việc tiếp tục nắm giữ quyền lực đã khiến bà khác hẳn với những nhà lãnh đạo chính phủ khác ở châu Âu. Kể từ buổi đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế cách đây khoảng 3 năm rưỡi, không ai trong số những nhà lãnh đạo chính phủ của các nước lớn thuộc Khu vực đồng euro tại vị qua một cuộc bầu cử. Cho dù đó là Sarkozy, Berlusconi, Monti hay Zapatero, họ đều phải từ bỏ chức vụ của mình. Hơn nữa, tất cả những người kế nhiệm họ cũng đều gặp rắc rối. Nhưng Merkel không chỉ tại vị qua một cuộc bầu cử, cuộc bầu cử hôm 22/9 đã củng cố sức mạnh của bà và cho bà một khoảnh khắc hân hoan chiến thắng.
Thêm vào đó, cuộc bầu cử này còn khiến Merkel mạnh hơn bao giờ hết ở châu Âu. Nhưng điều này vẫn còn xa mới đồng nghĩa với việc bà sẽ nhất thiết coi đây là một sự khuyến khích theo đuổi một cách hăng hái hơn những chính sách mà bà ủng hộ. Ngược lại, sự sắp xếp quyền lực tại Đức, với một số đảng trở nên mạnh hơn, một số bị suy yếu, một số bị đẩy ra khỏi quốc hội và các liên minh mới sắp được thành lập, cũng đem lại cho quốc gia này cơ hội để hành xử như là một “quyền lực lãnh đạo rộng lượng”, như nhà đầu tư hàng đầu George Soros đánh giá, hay nói cách khác là quyền lực duy nhất để củng cố đồng thời giúp đỡ châu Âu.      
Lịch sử
Động cơ thúc đẩy Merkel theo đuổi các chính sách về châu Âu ôn hòa hơn có thể rất lớn. Nhiều khả năng 4 năm tiếp theo sẽ đánh dấu nhiệm kỳ cuối cùng của bà. Và ai lại cảm thấy vui vẻ khi được ghi nhớ như là “Quý bà bủn xỉn của châu Âu”?
Trong nhiệm kỳ thứ hai của bà (từ năm 2009 đến nay), Merkel đã đóng một vai trò đáng kể trong việc tạo ra những vết nứt đã gây chia rẽ châu Âu. Thay vì lợi dụng cuộc khủng hoảng để thúc đẩy sự hội nhập về kinh tế và chính trị của châu Âu, ngay từ đầu Merkel đã luôn là một nhân vật gây chia rẽ. Bà lạnh lùng thông báo với các quốc gia gặp khủng hoảng đang tìm kiếm sự giúp đỡ rằng mỗi nước sẽ phải vui lòng tự trả nợ. Đương nhiên là sẽ có sự giúp đỡ, nhưng chỉ dưới hình thức các khoản cho vay và đảm bảo, và theo nhũng điều kiện khắt khe.
Kết quả là các quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và đảo Cyprus trở nên phụ thuộc hơn vào các chủ nợ của họ. Trong khi nhiều người Đức coi các nước láng giềng của họ ở châu Âu chủ yếu là những người van xin đầy phiền toái, các quốc gia gặp khủng hoảng lại phải chịu đựng nhiều năm suy thoái và tác động của các chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt mà Chính phủ Đức buộc họ phải thực hiện.
Các chính trị gia trong Chính phủ Đức, như Thủ tướng Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schauble của CDU, đã trở thành những nhân vật bị căm ghét tại nhiều quốc gia châu Âu. Tương tự, không cuộc biểu tình nào trọn vẹn mà thiếu đi biểu tượng chữ thập ngoặc hay đồng phục SS của Đức Quốc xã. Vào tháng 6/2012, trang bìa tạp chí New Statesman của Anh thậm chí còn đăng hình ảnh Merkel trông giống nhân vật trong phim “Kẻ hủy diệt” với dòng tít “Nhà lãnh đạo nguy hiểm nhất châu Âu”.
Đương nhiên đây không phải là kiểu biệt danh mà bất cứ ai muốn có khi tới lúc nghỉ hưu. Việc này đã thúc đẩy Merkel điều chỉnh từ từ các chính sách của bà. Từ lối nói về trách nhiệm và sự trừng phạt mà ban đầu chiếm ưu thế mỗi khi thảo luận về các quốc gia như Hy Lạp, Merkel giờ đã chuyển sang một quan điểm ủng hộ sự đoàn kết. Quả thực, không còn những lời nói về việc buộc các quốc gia rời khỏi Khu vực đồng euro hay cắt đứt khả năng tiếp cận của họ với các khoản cho vay giải cứu. Trên thực tế các điều kiện đi kèm với các khoản cho vay thậm chí đã được nới lỏng. Và Bộ trương Tài chính Schauble cũng đã chuẩn bị tinh thần cho các cử tri trong CDU và đảng anh em của nó ở bang Bayern, Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), chấp nhận một gói cứu trợ khác cho Hy Lạp. Căn cứ vào những điều này, người ta có thể nói rằng quan điểm khác của Merkel và đảng của bà đã được báo trước từ lâu.
Đối tác
Trong 4 năm qua, Merkel đã buộc phải cân nhắc những mong muốn của đối tác liên minh nhỏ hơn của bà khi hình thành các chính sách về châu Âu. Cho dù đó là trợ giúp cho Hy Lạp hay các quỹ giải cứu đồng euro, vật cản lớn nhất luôn đến từ FDP. Chủ tịch FDP Philipp Rosier vẫn đang công khai cân nhắc ý tưởng loại bỏ Hy Lạp khỏi Khu vực đồng euro sau khi Merkel ra tín hiệu cho thấy một sự mềm hóa chính sách của bà.
Nhưng giờ khi FDP đã thất bại ngay cả trong việc giành được 5% số phiếu bầu, đảng này sẽ không còn có đại diện trong quốc hội, và những vấn đề trên sẽ không còn tồn tại. Bất kể Merkel sẽ điều hành đất nước với đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) hay đảng Xanh, cả hai đảng này đều ủng hộ thêm sự hội nhập và đoàn kết trong châu Âu và phản đối lối nói về tội lỗi và sự trừng phạt mà Merkel trước đó đã sử dụng. Với những điều kiện như vậy, một đối tác mới thậm chí có thể giúp Merkel biện minh cho sự  thay đổi trong quan điểm của bà.
Nguy hiểm từ cánh hữu
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trong đảng mới. Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AFD) suýt nữa giành được một số ghế trong Quốc hội Đức. Cuối cùng, đảng này chỉ cách ngưỡng cần thiết 5% có 0,3% số phiếu bầu. Liệu Merkel có nên coi đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng bà nên thay đổi các chính sách của mình và xem xét một cách nghiêm túc những lo lắng của người dân Đức về việc hội nhập nhiều hơn vào châu Âu?
Điều này chỉ đúng một phần. Cứ cho là kết quả tốt của AFD là một sự cảnh báo cho tất cả các đảng phái. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là tất cả mọi người phải chuyển sang ủng hộ đường lối mà AFD đấu tranh cho. Nếu như vậy, điều này sẽ có nghĩa là chỉ 4,7% số phiếu bầu đã ấn định đường lối cho cả một đất nước.
Nếu Merkel có ý định không để bản thân bị thúc đẩy bởi một thiểu số như vậy, bà sẽ phải giải thích tốt hơn cuộc khủng hoảng đồng euro và tất cả mọi điều bà làm để cố gắng giải quyết nó. Bà phải thể hiện rõ với cử tri Đức rằng tại sao đáng phải chiến đấu vì Liên minh châu Âu và đồng tiền chung của khối này, và tại sao họ cũng sẽ phải hợp tác với các quỹ để khiến điều này thành hiện thực. Quả thực, sao lãng không làm việc này là sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của Merkel.
Merkel giờ có cơ hội thay đổi đường lối của mình một lần nữa. Phải thừa nhận rằng điều này có thể rất khó khăn, đặc biệt khi xét tới việc chính phủ và giới truyền thông đã nuôi dưỡng những quan điểm tiêu cực về “những người Hy Lạp phá sản” và “liên minh nợ” như thế nào, và những quan điểm này đã được đóng dấu sâu trong ý thức chung của nhiều người dân Đức. Và nếu Merkel muốn đánh bật những định kiến này, bà sẽ phải dũng cảm hơn so với những gì bà đã thể hiện từ trước tới nay.
*** 
Một tiếng thở phào, nhẹ nhõm có thể được nghe thấy trên toàn châu Âu, nơi mà nhiều quc gia đang hy vọng một đi tác liên minh theo cánh tả có thể hướng Thủ tướng Đức Angela Merkel đi theo một đường li mềm mỏng hơn và giảm bớt sử dụng chính sách thắt lưng buộc bụng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đồng euro.
Vào tối ngày 22/9/2013, Gunther Oettinger được tài xế chở tới trụ sở của phe bảo thủ tại Berlin để tham dự bữa tiệc tranh cử của họ. Kết quả mà đảng của ông đạt được là rất ấn tượng, nhưng ủy viên phụ trách về Năng lượng của Liên minh châu Âu lại không ở trong trạng thái ăn mừng. “Khỉ gió”, Oettinger nói như vậy khi ông ngả người vào ghế sau chiếc xe ôtô mui kín màu đen của ông. Các thống kê cho thấy đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel và đảng anh em của nó tại bang Bayern, Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và đạt được một đa số tuyệt đối mong manh trong Quốc hội Liên bang Đức.
Oettinger nhăn mặt. Theo quan điểm của các quan chức Liên minh châu Âu ở Brussels, sẽ là một thảm họa nếu phe bảo thủ cố gắng lãnh đạo đất nước hoàn toàn theo ý họ. Thủ tướng Merkel có thể sẽ phải thúc đẩy các chính sách của bà về châu Âu với một đa số ủng hộ, mà điều này khiến việc vượt qua sự phản kháng bên trong chính đảng của bà trở nên cực kỳ khó khăn, chưa kể đến việc vượt qua đa số rất lớn của phe đối lập tại Hội đồng Liên bang, cơ quan lập pháp cao hơn đại diện cho các bang. Oettinger thậm chí còn không muốn nghĩ tới khả năng đó.
Một lúc sau, khi các thống kê cho thấy ít có khả năng phe bảo thủ giành được một đa số tuyệt đối, Oettinger lại cảm thấy thoải mái. Ông tin tưởng chắc chắn rằng sẽ có một đại liên minh giữa CDU và đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD), cho dù ông cũng thấy sức hấp dẫn của một liên minh giữa phe bảo thủ và đảng Xanh theo xu hướng bảo vệ môi trường. Ông nói: “Một đại liên minh sẽ tốt cho châu Âu”.
Phản ứng của ủy viên người Đức đối với kết quả bầu cử của nước này cũng giống với phản ứng của hầu hết các đối tác của Đức ở châu Âu. Một tiếng thở phào chung đầy nhẹ nhõm được cảm thấy xuyên suốt châu lục này. Một đa số tuyệt đối mong manh cho phe bảo thủ của Đức có thể tạo ra một chướng ngại khổng lồ cho những nỗ lực tiếp theo nhằm cứu đồng euro. Với rất nhiều thành viên theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trong hàng ngũ của CDU và CSU, một loạt các gói giải cứu khác sẽ châm ngòi lại trạng thái lo lắng trên các thị trường tài chính.
Hy vọng đưc nối lại về một chính sách châu Âu mềm mỏng hơn
Sự kết thúc của liên minh giữa phe bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo chủ trương thân thiện với ngành kinh doanh đã thắp lại những hy vọng từ Athens tới Paris và Vacsava rằng Đức, với tư cách là nhà bảo trợ chính cho các chương trình giải cứu đồng euro, giờ sẽ theo đuổi một chính sách bót cứng rắn hơn. Một liên minh giữa phe bảo thủ và SPD, hay thậm chí một liên minh với đảng Xanh, sẽ giảm bót căng thẳng giữa Đức và các nước láng giềng của nước này, đặc biệt là ở Nam Âu.
Sau khi chúc mừng nhà lãnh đạo của CDU qua điện thoại, Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker nói rằng Merkel nhận thức được gánh nặng trách nhiệm của mình. Juncker nói với tờ Der Spiegel rằng ông trông đợi chính phủ mới của Đức sẽ thực hiện “những cách tiếp cận mềm mỏng hơn” so với trước đây đối với các đối tác châu Âu. Đồng thời, ông cũng ca ngợi “sự cân bằng tuyệt vời giữa sự đoàn kết và sự vững chắc” trong chính sách của SPD về châu Âu cho tới nay.
Brussels và nhiều nước thành viên châu Âu chủ yếu chỉ có một sự phản đối dành cho liên minh sắp mãn nhiệm của Merkel: sự không thương xót của liên minh này. Họ chỉ trích mệnh lệnh thắt lưng buộc bụng của Đức và cáo buộc Thủ tướng Đức thiếu sự nhậy cảm khi xét đến lịch sử châu Âu,
Chủ tịch Nghị viện châu-Âu Martin Schulz cho biết: “Merkel sẽ không thể tiếp tục theo đuổi chính sách này với SPD”. Chính trị gia của SPD này nói rằng những lo ngại về mặt xã hội của mọi người cuối cùng phải được xem xét một cách nghiêm túc, và ông nêu tỷ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên tại các quốc gia Nam Âu gặp khủng hoảng là một ưu tiên hàng đầu. Merkel đã cố gắng làm dịu vấn đề này với một hội nghị thượng đỉnh thu hút nhiều sự chú ý tại Berlin. Schulz lập luận: “Sau khi chỉ nói suông về các vấn đề xã hội, Merkel cuối cùng phải có hành động”.
Chính sách trong các đường lối của đảng 
Cho dù cương lĩnh tranh cử của hai đảng chính của Đức có thể giống nhau về một số khía cạnh, chúng lại khác nhau đáng kể khi xét tới chính sách về châu Âu. Chúng bất đồng về việc nên có bao nhiêu sự đoàn kết giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu. SPD ủng hộ một phần việc tập thể hóa nợ trong toàn bộ Khu vực đồng euro, trong khi CDU lại phản đối đề xuất này. Cương lĩnh của SPD tuyên bố: “Chúng ta không thể để vấn đề trách nhiệm pháp lý chung tiếp tục không được đề cập tới”. Ngược lại, tuyên ngôn tranh cử của phe bảo thủ lại cảnh báo rằng trách nhiệm pháp lý chung “sẽ là con đường dẫn tới một liên minh nợ trong châu Âu”.
Khoảng cách này sẽ phải được lấp lại trong các cuộc đàm phán thành lập liên minh. Mọi chuyện cũng không trở nên dễ dàng hơn cho Merkel khi liên minh với đảng Xanh. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, đảng Xanh cũng chỉ trích “chính sách thắt lưng buộc bụng một chiều và thiếu đi sự đoàn kết” của bà.
Điều mỉa mai là người chiến thắng theo phe bảo thủ trong cuộc bầu cử này giờ có thể phải dựa vào SPD. Trong chiến dịch tranh cử mới đây, Merkel đã cáo buộc SPD là “hoàn toàn không đáng tin cậy” trong vấn đề chính sách châu Âu. Bà sẽ phải trả giá cho điều này trong các cuộc đàm phán thành lập liên minh.
Merkel sẽ không đồng ý về một hệ thống trách nhiệm pháp lý chung dựa trên trái phiếu châu Âu, nghĩa là trái phiếu chung cho tất cả các quốc gia châu Âu. Bà cùng lắm sẽ chấp thuận một quỹ trả nợ tạm thời, mà sẽ chỉ bao gồm một phần số nợ chưa trả hiện nay của các nước thành viên Khu vực đồng euro. Ý tưởng này bắt nguồn từ Hội đồng các chuyên gia kinh tế của Đức, một nhóm chuyên gia có uy tín cố vấn cho chính phủ.
Việc Merkel mới đây loại bỏ ý tưởng về một quỹ trả nợ trong cuộc mít tinh kết thúc chiến dịch tranh cử của CDU tại Berlin vào ngày 21/9 không nhất thiết có ý nghĩa quan trọng. Đây sẽ không phải là lần đầu tiên bà thay đổi ý kiến. Hơn nữa, bà có thể khiến sự chấp thuận của mình phụ thuộc vào việc những quy tắc của EU mới được giới thiệu gần đây về giám sát ngân sách quốc gia trên thực tế có hiệu quả như thế nào.
Đồng hồ đang điểm
Những người tham gia đàm phán không có nhiều thời gian. Đang có một áp lực ngày càng lớn đòi đưa ra các quyết định tại châu Âu vì chiến dịch tranh cử ở Đức. Berlin đã ngăn chặn nhiều chương trình khác nhau của Liên minh châu Âu trong vài tháng qua, và các nước châu Âu khác đã cố gắng hết mức khi chỉ đưa ra một số lượng tối thiểu các yêu cầu mới.
Các rắc rối của Hy Lạp được cho là sẽ tăng lên ngay vào mùa Thu năm 2013. Vào giữa chiến dịch tranh cử, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã đưa ra một tuyên bố được cho là tự phát nhằm chuẩn bị kĩ lưỡng cho công chúng trước điều không thể tránh khỏi: “Hy Lạp sẽ cần thêm một gói cứu trợ mới”.
Ngân hàng Banque de France và một số ngân hàng trung ương của châu Âu khác không còn có ý định kéo dài các kỳ hạn phải thanh toán của trái phiếu Chính phủ Hy Lạp có trị giá khoảng 4 tỷ euro (tương đương 5,4 tỷ USD), ngược lại với nhũng gì đã được thỏa thuận vào cuối năm 2012. Giờ đây, khi mà Hy Lạp có mức nợ công lên đến 160% GDP, các ngân hàng nói trên không còn tin rằng quốc gia đang gặp khủng hoảng này sẽ tránh được việc chiết khấu nợ (mua nợ với giá rẻ) nữa.
Nhiều khả năng các ngân hàng trung ương sẽ bị thúc ép kéo dài lần nữa các kỳ hạn thanh toán cho trái phiếu của họ. Chính phủ mới của Đức có lẽ sẽ tìm cách nới lỏng các điều kiện trả nợ trong một nỗ lực nhằm trì hoãn giờ phút quyết định. Bất chấp việc này, nhiều quan chức của Liên minh châu Âu tại Brussels và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang chờ đợi một sự chiết khấu nợ lớn trong thời kỳ lập pháp sắp tới.
Một sự chiết khấu nợ nhiều khả năng sẽ xẩy ra nếu Đức có một đại liên minh. Khi hợp tác cùng nhau, CDU và SPD có thể dễ dàng tập hợp đủ đa số nếu một cuộc bỏ phiếu về sự hỗ trợ tốn kém và không được nhiều người ủng hộ cho Hy Lạp được tiến hành tại Quốc hội Đức.
Các quốc gia khác cần vốn mi
Các quốc gia nợ nần chồng chất khác của châu Âu cũng đang thở phào nhẹ nhõm, vì họ hy vọng SPD sẽ tỏ ra thông cảm hơn với những vấn đề của họ. Quả thực, Hy Lạp không phải là nước duy nhất cần vốn mới. Các chương trình cứu trợ dành cho Ireland và Tây Ban Nha sẽ kết thúc vào cuối năm 2013. Có một điều rõ ràng là Cơ chế Bình ổn Châu Âu (ESM), quỹ giải cứu thường trực của Khu vực đồng euro, sẽ phải can thiệp với những đảm bảo có trị giá hàng tỷ euro.
Ứng cử viên đầu tiên là Ireland. Cho dù Dublin giờ đã có thể vay tiền từ các thị trường tài chính theo những điều kiện tốt hơn, Bộ trưởng Tài chính nước này đang đề nghị được cung cấp một hạn mức tín dụng bổ sung có trị giá 10 tỷ euro như là một biện pháp phòng ngừa.
Thêm vào đó, người Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ cần thêm sự trợ giúp cho các ngân hàng của họ. Madrid đã vay 41 tỷ euro để hỗ trợ khu vực tài chính của mình. Chương trình này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2013. Các cuộc kiểm tra tính ổn định (stress tests) được thực hiện dưới danh nghĩa của Ngân hàng Trung ưng châu Âu (ECB) sẽ cho thấy liệu sự tái cấp vốn cho các tổ chức tài chính của nước này đã đủ chưa.
Các vấn đề tại Slovenia thậm chí còn cấp thiết hơn. Rất có thể một trong số những vấn đề đầu tiên mà Quốc hội mới của Đức sẽ bỏ phiếu là về ứng cử viên mới cho sự trợ giúp tài chính này. Thống đốc các ngân hàng trung ương nói rằng giờ họ phải thừa nhận là Slovenia không còn có thể tự giải quyết những rắc rối trong các ngân hàng của họ.
Các cơ quan xếp hạng tín nhiệm mới đây đã hạ bậc tín nhiệm trái phiếu chính phủ của Slovenia xuống mức rủi ro cao nhất. Trong kỳ họp tháng 9 của mình, ban lãnh đạo ECB và các bộ trưởng tài chính của châu Âu đã thảo luận mạnh mẽ về những việc cần làm để cứu quốc gia nhỏ bé này. Slovenia đã giải thể hai tổ chức cho vay nhỏ, nhưng các ngân hàng lớn hơn của nước này vẫn phải xóa bỏ một số lượng khổng lồ các khoản nợ xấu.
Giám sát các ngân hàng của châu Âu
Để ngăn chặn việc ngành tài chính đẩy các quốc gia vào tình trạng hỗn loạn trong tương lai, Brussels đang thúc giục hoàn tất liên minh ngân hàng trong Khu vực đồng euro nhanh nhất có thể. Vào mùa Thu năm 2014, ECB sẽ bắt đầu giám sát các ngân hàng của châu Âu. Nhưng vẫn chưa có một quá trình tái cấu trúc hiệu quả có thể cho phép một ngân hàng gặp khó khăn phá sản mà không gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế.
Đây là một lĩnh vực khác mà các nước láng giềng châu Âu của Đức háo hức chờ đợi cuộc bầu cử Quốc hội nước này. Trong nhiều tháng qua, Bộ trưởng Tài chính Schauble đã trì hoãn vấn đề này với những lập luận cũ rích về mặt pháp lý, vì ông từ chối có thêm bất cứ sự nhượng bộ nào trước cuộc bầu cử. Giải thể các ngân hàng đòi hỏi phải có một quỹ của châu Âu mà nếu cần thiết có thể can thiệp khi các cổ đông, chủ nợ của ngân hàng và các quốc gia riêng lẻ không có đủ nguồn lực. Ngân hàng Deutsche Bank cho hay: “Không có một cơ chế tài chính đáng tin cậy, một cơ quan giám sát ngân hàng chung không thể hoạt động”.
Jorg Asmussen, môt cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Đức và thành viên Hội đồng quản trị của ECB, nói sau một cuộc họp mới đây giữa các bộ trưởng tài chính của châu Âu tại Vilnius, thủ đô Litva: “Tôi chưa bàn về vấn đề này với cấp trên cũ của tôi”. Nhưng có thông tin là các chuyên gia pháp lý tại ECB, ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đã đi đến kết luận rằng một quá trình tái cấu trúc trong châu Âu là có thể thực hiện được mà không cần phải sửa đồi các hiệp ước của châu lục này.
Chính phủ mới của Đức giờ sẽ phải bỏ phiếu về một quỹ tái cấu trúc mới.
Tương tự như vậy, Bộ trưởng Tài chính mới của Đức, mà có thể lại là Schäuble, sẽ vận động hành lang cho một giải pháp không chỉ buộc các cổ đông mà cả các chủ nợ của ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phá sản. Hơn nữa, Thủ tướng Merkel có ý định ngăn chặn ủy ban châu Âu có được tiếng nói quyết định về việc đóng cửa ngân hàng. Thay vào đó, bà muốn một cơ quan đứng ra đảm nhận trách nhiệm phối hợp. Chính trị gia của SPD Schulz nói: “Chính phủ mới của Đức phải đạt được tiến bộ với liên minh ngân hàng”.
Sự nhẹ nhõm ở châu Âu
Đang có một cảm giác thỏa mãn có thể cảm thấy được với kết quả cuộc bầu cử ở Đức tại nhiều khu vực của châu Âu. Các nước con nợ cảm thấy nhẹ nhõm vì Thủ tướng Merkel phải nhờ cậy một đảng cánh tả, và có thể sẽ phải thay đổi đường lối cúng rắn của mình về châu Âu. Đồng thời, phần lớn các nhà lãnh đạo nhà nước và chính phủ cũng chào đón việc Merkel sẽ tiếp tục giữ chức thủ tướng và đảm bảo tính liên tục tại các quốc gia quan trọng trong Liên minh châu Âu.
Sự tính toán một liên minh mới cũng có thể có kết quả vượt ra ngoài việc giải cứu đồng euro. Ví dụ, liên minh trung hữu cầm quyền hiện nay cương quyết từ chối một sáng kiến của ủy viên châu Âu về Tư pháp Viviane Reding về chỉ tiêu nữ giới trong hội đồng giám sát của các công ty niêm yết đại chúng trên toàn châu lục. SPD sẽ cố gắng đưa chỉ tiêu này vào một thỏa thuận liên minh.
Ủy viên châu Âu về Năng lượng Oettinger hy vọng Đức sẽ lại đạt được tiến bộ trong chính sách về khí hậu. Trong chính phủ sắp mãn nhiệm của Đức, hai bộ trưởng chịu trách nhiệm về chính sách này, Bộ trưởng Môi trường Peter Altmaier của CDU và Bộ trưởng Kinh tế Philipp Rosler của FDP, luôn ngăn cản các đề xuất của nhau. Theo Oettinger, hệ quả của việc này là trong vài tháng qua, Đức thậm chí không thể đảm nhận một vị trí trong các mục tiêu bảo vệ khí hậu của Liên minh châu Âu cho tới năm 2013.
Energiewende, chương trình thúc đẩy từ bỏ năng lượng hạt nhân và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, không chỉ có nhiều vấn đề theo quan điểm của những người dùng điện tại Đức. Oettinger cho biết một số điều khoản trong đạo luật về năng lượng tái tạo của Đức rất khó hài hòa với bộ luật của Liên minh châu Âu và nhiều ngoại lệ dành cho những người tiêu thụ điện năng lớn là điều khó giải quyết. Ủy viên người Đức này lập luận: “Chính phủ mới của Đức cần khẩn trương hành động về chủ đề này”.
Thi điểm cho cải cách
Nói chung, sự ủy thác của cử tri Đức trong cuộc bầu cử ngày 22/9 phải cải thiện những triển vọng về cải cách cơ bản của Liên minh châu Âu. Cho tới nay, Merkel đã phản đối việc mở rộng quyền lực của Ủy ban châu Âu. Bà có một tầm nhìn về châu Âu mà trong đó chính phủ của các nước thành viên đóng vai trò dẫn dắt.
Ngược lại, SPD lại đang thúc giục ban lãnh đạo tại Brussels đóng một vai trò lớn hơn. Bản tuyên ngôn tranh cử của SPD tuyên bố rằng Ủy ban châu Âu cần được mở rộng để trở thành một chính phủ “được bầu lên và giám sát bởi Nghị viện châu Âu”. Đảng Xanh cũng có quan điểm tương tự. Quả thực, ý tưởng về một hiệp định công khai sẽ chuẩn bị cho những thay đổi trong các hiệp ước của châu Âu đang lấy lại được đà.
Merkel giờ sẽ không còn có thể giấu mình đằng sau công tác quản lý khủng hoảng thuần túy. Các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2014 sẽ buộc bà phải đưa ra những khẳng định có ảnh hưởng sâu rộng lên chính sách châu Âu. Sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri dành cho đảng bảo thủ, theo đường lối chống lại đồng euro. Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AFD) là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Merkel đã thất bại trong việc giải thích đường lối chính trị của bà một cách thỏa đáng. Cho dù AFD không đạt được ngưỡng 5% để tham gia Quốc hội, Thủ tướng Luxemburg Juncker cho rằng không nên đánh giá thấp kết quả này và cảnh báo: “Thành công của AFD đồng nghĩa với việc chúng ta đang có vấn đề trong việc giải thích về đồng euro”.
Nhiều khả năng đảng chống lại đồng euro này của Đức sẽ giành được ghế trong Nghị viện châu Ầu vào năm 2014. Oettinger dự kiến khoảng 1/3 số ghế trong Nghị viện châu Âu sẽ về tay các đảng theo chủ nghĩa dân túy và chống Liên minh châu Âu, nhiều hơn bất cứ lần bầu cử nào.
Các đảng phái chính trị lâu đời phải chống lại sự phát triển này với một sự lựa chọn đáng tin cậy, và điều này bao gồm có được những ứng cử viên phù hợp. SPD có được một chính trị gia xuất sắc theo quan điểm ủng hộ châu Âu với Martin Schultz. Merkel vẫn đang tìm kiếm một ứng cử viên hàng đầu cho đảng bảo thủ Nhân dân châu Âu. Tuy nhiên, bà không còn nhiều thời gian./.
TIẾP TỤC ĐIỂM MẶT CHỈ TÊN THẾ LỰC PHẢN ĐỘNG KẺ THÙ CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM
Cái gọi là TP. Tam Sa của Trung Cộng
Cái gọi là TP. Tam Sa của Trung Cộng
NĐ: Nếu không có cha đẻ là liệt sỹ, thì Nguyễn Thanh Chấn, năm 2003 mới 42 tuổi đã lãnh án tử hình và nay cũng đã rục xương 10 năm, để lại nỗi đau thương muôn đời cho gia đình họ tộc đã chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, những kẻ núp sau điều 4 Hiến pháp là những Nhóm lợi ích tham nhũng, đặc quyền đặc lợi nhân danh ổn định chính trị, độc quyền toàn trị cần phải tiếp tục được Nhân dân vạch mặt chỉ tên đưa ra Công lý xét xử nghiêm minh, để Dân tộc Việt Nam mới yên ổn, làm ăn đưa đất nước thoát khỏi thụt lùi lạc hậu mà phát triển đi lên sánh vai với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Thế giới, thoát khỏi nguy cơ đô hộ, thôn tính của chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng.
 
TIẾP TỤC ĐIỂM MẶT CHỈ TÊN THẾ LỰC PHẢN ĐỘNG KẺ THÙ CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM

Tuyên tử hình, nhưng nhờ có cha là liệt sỹ nên ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang lãnh án chung thân từ năm 2003. Bị ép cung, nhục hình của các điều tra viên và sau hai phiên tòa xử theo bản án bỏ túi, bất chấp dư luận và phản đối luật sư bào chữa, vụ án oan 10 năm, điều tra viên có 8 đảng viên ĐCSVN lại được khen thưởng, thăng cấp, leo cao. Trong đó 2 kẻ đã chết, 6 kẻ còn sống:

1. Thái Xuân Dũng: Chánh thanh tra Công an tỉnh, đeo hàm Đại tá, từng là Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Phó phòng Cảnh sát điều tra, ông là người ký kết luận điều tra vụ án, và chuyển hồ sơ lên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang truy tố ông Nguyễn Thanh Chấn.

2. Lê Văn Dũng: Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đã được phong hàm Đại tá, cách đây 10 năm là Phó phòng Cảnh sát điều tra trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn.

3. Nguyễn Đình Dung: Phó trưởng Công an huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, là điều tra viên chính của vụ án Nguyễn Thanh Chấn cách đây 10 năm

4. Trần Nhật Duật: Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc giang, Từng là điều tra viên

5. Đào Văn Biên: phó trưởng phòng PC45, là điều tra viên vụ ông Nguyễn Thanh Chấn.

6. Nguyễn Trung Thành: Phó trưởng phòng Công tác Đảng, công tác quần chúng, là điều tra viên, trực tiếp hỏi cung Nguyễn Thanh Chấn.

Dù cho 6 tên này có phủ nhận tội nhục hình, ép cung đối với anh Nguyễn Thanh Chấn, thì Logic của toàn bộ diễn biến vụ án, cũng như sự phản cung của nạn nhân có sự chứng kiến của luật sư bào chữa,...đủ để tống cổ những kẻ phản dân hại nước như những điều tra viên này đã đối xử với anh Nguyễn Thanh Chấn phải vào tù với mức án chung thân, hay tử hình mới yên được lòng nhân dân trong nước cũng như nhân loại trước đòi hỏi của Công lý.

 Hiện nay , những kẻ núp sau điều 4 Hiến pháp là những Nhóm lợi ích tham nhũng, đặc quyền đặc lợi nhân danh ổn định chính trị để độc quyền toàn trị cần phải tiếp tục được Nhân dân vạch mặt chỉ tên đưa ra Công lý xét xử nghiêm minh, để Dân tộc Việt Nam mới yên ổn, làm ăn đưa đất nước thoát khỏi thụt lùi để phát triển đi lên sánh vai với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Thế giới, thoát khỏi nguy cơ đô hộ, thôn tính của chủ nghĩa bành trướng Trung Cộng.

                                                                  9-11-2013
                                                            Nguyễn Quốc Minh

Viện trưởng Pháp y nói về vụ bác sĩ vứt xác

"Tôi nghĩ cơ quan công an nên thực nghiệm lại hiện trường, có dựng lại hiện trường thật chu đáo thì mới xác định được lời khai có vấn đề gì không", Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia Vũ Dương nói.

TS. Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giám định pháp y, cho rằng với điều kiện nhiệt độ nước trên sông như hiện tại, có tính tới yếu tố tốc độ dòng chảy, thì lẽ ra tử thi của nạn nhân phải nổi trong vòng 24 giờ.

Cơ quan chức năng nên thực nghiệm hiện trường

- Thưa ông, với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giám định pháp y, ông còn nhớ có những trường hợp nào khó tìm kiếm thi thể nạn nhân như vụ này?
- Việc tử thi nổi lên là do quá trình bị sình thối. Quá trình này giống như cái phao được bơm không khí, phải nổi lên khỏi nước. Vì thế, những thủ phạm nguy hiểm, có hiểu biết về y học, thì khi muốn giấu xác phi tang, sẽ mổ tử thi, cắt hết những bộ phận giống phao như ruột, phổi. Như thế tử thi sẽ nổi lên chậm hơn. Tôi nhấn mạnh là chậm chứ không phải là không nổi.
Viện trưởng Pháp y, bác sĩ vứt xác, thẩm mỹ viện Cát Tường
Đã 25 ngày tìm kiếm thi thể nạn nhân bị bác sĩ ở thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác.

Một trường hợp khác, nếu trong quá trình xác trôi mà bị vướng vào cái gì đấy, cũng không nổi được. Trong quá trình làm việc, tôi từng chứng kiến trường hợp xác bị vướng vào các vật cản.

- Trong trường hợp vụ việc xảy ra ở thẩm mỹ viện Cát Tường, nếu rất lâu sau mới tìm được xác thì cơ quan pháp y có xác định được là nạn nhân chết trước hay sau khi bị vứt xuống sông không?
- Nếu còn các mẫu mô của phổi chưa bị phân hủy hết thì vẫn phát hiện được. Nếu chết theo cơ chế phản xạ, tức là hít nước vào vòm họng thì tự động tim ngừng đập, phổi ngưng hoạt động, như vậy chứng tỏ là khi xuống nước vẫn còn sống thì mới có phản xạ. Trong trường hợp này, bị can chắc chắn sẽ mắc một tội nghiêm trọng là tội “giết người”.

Nhưng đặt ra tình huống, nếu tử thi được bao bọc bởi nilon, vứt xuống nước thì rất khó truy nguyên. Không thể xác định là người đó tử vong do thiếu oxy vì có lớp nilon bao bọc, hay vì bị vứt xuống nước, hay bị tử vong trước khi có hai tác động này.

- Theo ông, có thể đặt ra tình huống bác sĩ Tường đã không ném xác bệnh nhân xuống sông như lời khai?

- Tôi theo dõi trên truyền hình và báo chí thì thấy gia đình và các cơ quan chức năng đã tìm đủ mọi phương pháp mà vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân. Nếu đã thử hết các cách tìm kiếm rồi thì nên khai thác thêm những mâu thuẫn trong lời khai của thủ phạm. Phải lật lại vấn đề là liệu lời khai đó có đủ tin cậy không?

Đứng về mặt tâm lý mà nói thì ở đây có nhiều cây cầu, nhiều nơi để phi tang xác nạn nhân. Tôi chưa đi thực nghiệm xem ở cầu Vĩnh Tuy vào thời điểm thủ phạm nói đã vứt xác thì người lưu thông nhiều hay ít. Vì tử thi không phải là một vật bé nhỏ, đi quăng xuống sông với một cái xe ô tô đậu đó thì chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý. Khi đã bị chú ý thì người ta sẽ báo cơ quan công an.

Riêng về mặt tâm lý tội phạm, tôi cho rằng từ khi việc tai biến xảy ra, thủ phạm thu dọn hiện trường, đem xe của nạn nhân đi vứt, rồi tìm nơi vứt xác nạn nhân, thì đó là một quá trình suy tính kỹ càng chứ không hề có sự hoảng loạn.

Tôi nghĩ cơ quan công an nên thực nghiệm lại hiện trường, có dựng lại hiện trường thật chu đáo thì mới xác định được lời khai có vấn đề gì không

Một miếng gạc khô có bệnh phẩm cũng có giá trị phá án

- Quá trình tìm kiếm, trục vớt tử thi đã diễn ra khá lâu, áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không có kết quả. Ông có lời khuyên nào cho công tác này?
- Trước đây tôi đã trực tiếp chỉ huy thực nghiệm hiện trường nhiều vụ án. Nhiều đối tượng rất ma mãnh, cơ quan điều tra biết đến đâu, hỏi, thì họ sẽ trả lời tới đó. Trong quá trình thủ phạm gây ra các án mạng thì đa phần họ sẽ có rất nhiều cách khai báo để che giấu tội phạm. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh về việc xem xét các mâu thuẫn trong lời khai.

Ngoài ra, tôi cho rằng việc tìm kiếm các dấu vết còn lại ở phòng khám nơi tiến hành phẫu thuật cũng cần phải chú trọng.

- Nếu trong trường hợp xấu nhất là không tìm được xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền thì liệu việc định tội danh có thể bế tắc?
- Đứng từ khía cạnh pháp y, thì tôi khẳng định rằng ngoài tử thi của nạn nhân, các dấu vết thu thập được tại hiện trường nơi phẫu thuật cho nạn nhân cũng hết sức quan trọng. Có thể chỉ là một cái ống đặt nội khí quản, một miếng gạc khô có dính máu, nước bọt, tế bào… của nạn nhân, cũng nói lên nhiều điều. Tôi cho rằng cơ quan điều tra sẽ không bỏ lọt các dấu vết này.

Trước hết, kết quả khám nghiệm sẽ khẳng định nạn nhân Huyền có thực sự có mặt ở phòng khám Cát Tường và được phẫu thuật hay không.

Thứ hai, cũng phải đặt ra vấn đề: Liệu nạn nhân có thực sự bị tử vong do tai biến trong phẫu thuật như lời khai hay không, hay thủ phạm còn gây ra một tội ác khác, ví dụ như cướp của, sau đó thủ tiêu nạn nhân che giấu tội phạm?

Những chứng cứ tại phòng khám sẽ nói lên điều này. Rõ ràng, gây chết người do tai biến trong phẫu thuật sẽ nhẹ tội hơn là cướp của sau đó thủ tiêu nạn nhân.

- Có một “thời hạn chót” nào cho việc truy nguyên dấu vết tội ác trong vụ việc này không?
- Việc tìm thấy các chứng cứ càng muộn thì quá trình truy nguyên dấu vết tội phạm càng khó khăn. Vì thế cơ quan pháp y cũng như cơ quan điều tra sẽ phải luôn luôn nỗ lực cao nhất, tinh thần “trực chiến” 24/24h để chiếm lĩnh hiện trường, chiếm lĩnh tang chứng, vật chứng để có thể tìm ra câu trả lời nhanh nhất.
(Theo Pháp luật VN)

Như thế là tội ác!

Dưới đây là bản dịch một bài viết của tôi nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Chấm dứt tội ác không bị trừng phạt (International Day to End Impunity), 23/11/2012.
Impunity (các từ điển Anh-Việt nói chung đều dịch là tội ác không bị trừng phạt) thực chất là các hành động đe dọa, tấn công vào tự do ngôn luận, bao gồm từ kiểm duyệt, sách nhiễu, lăng mạ, đến hành hung, bỏ tù, thậm chí giết chóc, để ngăn cản công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, và những kẻ thực hiện các tội ác đó đều tin tưởng chắc chắn rằng chúng đang làm điều đúng, chúng sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nói cách khác, impunity là khi các tội đàn áp tự do ngôn luận không bị trừng phạt, và International Day to End Impunity có thể được dịch sang tiếng Việt là Ngày Quốc tế chấm dứt các tội ác chống tự do ngôn luận.
Khi một xã hội rơi vào tình trạng “impunity” lan tràn, những người muốn thể hiện chính kiến đều cảm thấy bất an và sinh ra sợ hãi. Người ta sợ phải phát biểu, sợ phải phê bình, phản biện, sợ bàn đến các chủ đề nhạy cảm, và sợ đối đầu với chính quyền. Tóm lại, đó là một xã hội nơi quyền tự do ngôn luận bị tiêu diệt, và đó là lý do những quốc gia tiến bộ ý thức được rằng phải chấm dứt “impunity”.
Ngày 23/11/2009, đã xảy ra một vụ thảm sát ở tỉnh Maguindanao, Philippines, với 58 người bị giết hại, trong đó có 34 nhà báo. Nó được coi là vụ tấn công dã man nhất vào nhà báo trong lịch sử. Hai năm sau, Quốc hội Philippines nhất trí chọn 23/11 là Ngày Quốc gia chấm dứt tội ác không bị trừng phạt. Cùng năm đó, tổ chức IFEX (Mạng lưới toàn cầu bảo vệ và thúc đẩy tự do ngôn luận) cũng chính thức chọn ngày 23/11 là Ngày Quốc tế Chấm dứt tội ác không bị trừng phạt.
* * *
LẠM DỤNG LUẬT ĐỂ BỎ TÙ BLOGGER
  • Bản tiếng Việt đăng trên blog ABS. Người dịch: Đan Thanh

Buổi sáng ngày 24-9 hẳn phải là không thể nào quên đối với Binh Nhì, một người 29 tuổi, vừa bí mật vượt hàng nghìn kilomet bằng tàu hỏa từ Hà Nội vào TP.HCM. Binh Nhì bị công an bắt và bị đánh rất đau trong lúc bị tạm giữ. Sai phạm của anh là anh đã muốn đi đến Tòa án Nhân dân TP.HCM, nơi mà trong buổi sáng hôm đó, diễn ra phiên tòa xét xử một blogger rất nổi tiếng. Hàng trăm công an, cả cảnh phục và thường phục, có mặt ở khắp nơi trong khu vực để ngăn mọi người đến gần tòa án, cho dù trên danh nghĩa đó là một phiên xét xử “công khai”.
Điếu Cày là bút danh của blogger bị xử. Trong khi ông đứng trước tòa buổi sáng hôm ấy, vợ cũ và con trai của ông bị giữ bên ngoài và bị ngăn trở, không cho tham dự phiên điều trần, bất chấp sự phản đối tuyệt vọng và phẫn nộ của họ. Công an thậm chí còn lột bỏ chiếc áo phông “Trả tự do cho Điếu Cày” của cậu con trai. Một viên công an trẻ tuổi hét vào mặt họ, chế giễu: “(Mày thích) Tự do à? Tự do cái con c.” (dịch sát nghĩa từ tiếng Anh: “Tự do của mày là con c. của tao đây” – ND)
Sau phiên xử chỉ kéo dài có ba tiếng, Điếu Cày bị kết án 12 năm tù, trong khi Tạ Phong Tần, một blogger nữ, lĩnh án 10 năm, và Phan Thanh Hải, tức AnhbaSG, 4 năm. Các nhà phân tích cho rằng AnhbaSG bị án nhẹ hơn là do đã thừa nhận trước tòa là anh sai, anh ăn năn hối cải và sẽ chấm dứt mọi quan hệ với “các thành phần phản động”. Bản án cho AnhbaSG là cái mà tất cả gia đình và bạn bè anh đều đã biết từ trước phiên xét xử.
Cả ba blogger đều bị buộc tội theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, trừng phạt một tội mơ hồ là “tuyên truyền chống nhà nước”.
Sức hấp dẫn của một blogger
Điếu Cày”, có nghĩa là “ống điếu của nông dân”, là một nickname rất bình thường ở Việt Nam mà bất cứ một blogger Việt Nam nào cũng có thể sử dụng. Và đó là cái nick được chọn bởi ông Nguyễn Văn Hải, một người cởi mở, đáng mến, nhiệt tình và thu hút, theo lời bạn bè ông đánh giá.
Sinh ngày 23-9-1952 tại thành phố Hải Phòng ở miền Bắc, Điếu Cày sống tuổi thanh xuân trong hàng ngũ của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở mặt trận biên giới Tây Nam vào cuối những năm 1970. Sau chiến tranh, Điếu Cày bắt đầu làm kinh doanh riêng – mở quán café, bán máy ảnh và các thiết bị ảnh, cho thuê căn hộ – thay vì gia nhập bộ máy quan liêu, vốn là con đường chung của nhiều người.
Khi Yahoo! 360° xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2005 sau khi được công bố ở Mỹ, lần đầu tiên 22 triệu người dùng Internet của Việt Nam, phần lớn là thanh niên, được trải nghiệm một hình thức mới để đọc, viết, và thể hiện quan điểm, ý kiến. Mặc dù chính trị vẫn là một lĩnh vực nhạy cảm với phần lớn blogger Việt Nam, nhưng kể từ năm 2007, đất nước bắt đầu chứng kiến mối quan tâm ngày càng lớn đến các vấn đề chính trị, đặc biệt với sự leo thang căng thẳng trong các yêu sách chủ quyền mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Điếu Cày, khi ấy ngoài 50 tuổi, tỏ ra là một người thành thạo Internet, thích ứng rất nhanh với phương tiện truyền thông mới này. Giữa năm 2007, ông mở trang Yahoo! 360° blog riêng, post lên đó các bài viết và bức ảnh về cuộc sống của người dân ở nước Việt Nam đương đại. Ví dụ, ông kể chuyện ông đã gặp rắc rối như thế nào khi Ủy ban Nhân dân địa phương buộc tội nhà hàng của ông dùng tên tiếng nước ngoài, “Mitau”, mà tên đó chỉ có nghĩa là “mi và tau” trong thổ ngữ của người miền Trung. Các bài viết của ông – với một chút hài hước và chế giễu, phản ánh những khía cạnh khác nhau của một nền pháp quyền què quặt – đã khiến ông được biết đến với tư cách blogger chính trị nổi tiếng đầu tiên ở Việt Nam.
Năm 2007, Điếu Cày và một vài người bạn thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do mà không được cấp phép. (Mặc dù Hiến pháp Việt Nam công nhận quyền tự do lập hội, nhưng quyền ấy không được thực thi bởi lẽ có rất nhiều trở ngại khiến cho các nhóm không thể tự tổ chức được). Ông cũng mở blog của câu lạc bộ, và cũng tương tự như blog cá nhân của ông, blog (của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do) trở thành một vũ khí hùng mạnh trong cuộc chiến đấu vì công lý và tự do của công dân Việt Nam. Với một laptop, một chiếc máy ảnh, ông đi đến nhiều nơi ở Việt Nam để viết nên những câu chuyện, về các cộng đồng thiệt thòi, bao gồm cả những nông dân mất đất và những công nhân bị bóc lột. Chẳng hạn, Điếu Cày đã vạch trần tham nhũng trong dự án xây cầu Cần Thơ – cây cầu bị sập vào tháng 9-2007 và là một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành xây dựng Việt Nam.
Mạng lưới khủng bố
Một ví dụ về sự ngược đãi mà chính quyền nhằm vào Điếu Cày là chuyện xảy ra vào khoảng tháng 11-2006. Ông dính líu vào một vụ cãi cọ với hàng xóm, vốn là một cán bộ trong chi bộ đảng ở địa phương, người đã chiếm một căn hộ của ông. Điếu Cày post ảnh căn hộ bị chiếm lên blog cá nhân và phân phát tờ photo vụ án cho láng giềng, bè bạn. Điều này thu hút sự chú ý của dân chúng địa phương, cũng đều là những người không hài lòng với ông cán bộ cộng sản kia. Điếu Cày còn báo cáo vụ việc với công an địa phương – song thay vì trả lại tài sản cho ông, công an lại phạt Điếu Cày tội “kích động gây rối”. Ông phản đối và đệ đơn kiện lên một tòa hành chính cấp địa phương, và thua kiện vào tháng 6-2007. Tuy nhiên, trong quá trình theo kiện, ông đã đăng tải trên blog ảnh, các đoạn ghi âm, ghi chép về thủ tục tố tụng xét xử, mô tả một “nhà nước pháp quyền” giả dối, lố bịch, và khiến cho ông càng được công luận chú ý hơn.
Tháng 12-2007, các blogger biểu tình lần đầu tiên ở Hà Nội và TP.HCM, phản đối kế hoạch của Trung Quốc xây dựng “thành phố Tam Sa” nhằm quản lý quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông. Điếu Cày – khi đó đã nổi tiếng rồi – thu hút được sự tham gia của hàng chục sinh viên. Sau đấy ông đã bị công an bắt một cách tàn nhẫn trên đường về nhà.
Mặc dù vào cuối ngày, Điếu Cày cũng được thả, nhưng kể từ đó, ông bị công an theo dõi chặt chẽ. Ông thường xuyên bị quấy nhiễu, công việc kinh doanh bị những người lạ phá hoại theo nhiều cách khác nhau. Nghiêm trọng nhất, Điếu Cày thường xuyên bị triệu lên đồn công an để trả lời thẩm vấn. Bạn bè ông kể lại rằng nhiều cuộc thẩm vấn kéo dài từ 8h sáng đến 10h đêm, với rất nhiều câu hỏi về các hoạt động của ông và của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Vì chuyện đó, Điếu Cày gần như bị giam trong nhà. Khi áp lực trở nên tồi tệ hơn, ông quyết định bỏ đi.
Ngay sau đó đã có cả một chiến dịch của công an nhằm truy bắt Điếu Cày. Vào ngày 19-4-2008, ông bị “bắt khẩn cấp” theo cách nói của công an, tại một quán café Internet ở Đà Lạt, thành phố miền Nam Việt Nam. Không có ai chứng kiến vụ bắt bớ, do đó không có thông tin gì về lý do buộc tội nêu trong lệnh bắt. Tổ chức quốc tế Phóng viên Không Biên giới nói rằng không phải là tình cờ khi mà vụ bắt giữ Điếu Cày diễn ra chỉ vài ngày sau lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua TP.HCM, mà vì buổi lễ đó, chính quyền đã khẳng định sẽ đảm bảo “an ninh tuyệt đối” và trừng phạt bất cứ “kẻ gây rối” nào.
Điếu Cày bị còng tay và bị bí mật đưa về TP.HCM, cho vào trại giam mà không được tiếp xúc với luật sư hoặc có sự trợ giúp pháp lý nào. Vị luật sư mà gia đình ông thuê sau đó, Lê Công Định, phàn nàn rằng ông không được phép gặp Điếu Cày trong suốt quá trình công an thẩm vấn, và thậm chí còn chẳng được thông báo về ngày giờ xét xử.
Luật sư Định cho biết, vài ngày sau khi Điếu Cày bị bắt, cuộc khám nhà mới diễn ra. Tất cả bạn bè và gia đình Điếu Cày cho rằng hành động khám xét đó chỉ nhằm mục đích tìm kiếm bằng chứng về các “hoạt động chống phá nhà nước” của ông. Không tìm thấy gì, chính quyền bèn buộc ông vào tội trốn thuế. Ngay cả khi đó thì họ cũng không làm đúng thủ tục tố tụng.
Do công an chỉ bắt đầu thu thập giấy tờ vài ngày sau vụ bắt Điếu Cày, cho nên Viện Kiểm sát Nhân dân không thể buộc Điếu Cày vào tội trốn thuế “dựa trên một số tài liệu”, như họ đã nói trước khi khám nhà. Trước lúc bị bắt, Điếu Cày cũng không nhận được bất kỳ một thông báo nào từ cơ quan thuế địa phương, liên quan đến việc buộc tội trốn thuế. Tất cả các câu hỏi đặt ra cho ông trong hàng giờ thẩm vấn trước đó chỉ tập trung vào hoạt động viết blog, đặc biệt là vào Câu lạc bộ Nhà báo Tự do.
Lê Công Định cũng phát hiện ra rằng trên thực tế, Điếu Cày không hề phạm tội trốn thuế. Thay vì thế, chính công an đã yêu cầu cơ quan thuế địa phương không nhận khoản tiền thuế quá hạn nộp cả từ Điếu Cày lẫn bên thuê nhà của ông, nếu không được phép của công an. Yêu cầu đó của phía công an được đưa ra từ ngày 25-2-2008. Nói cách khác, “trốn thuế” là môt cái bẫy được giăng ra cho Điếu Cày từ mấy tháng trước khi ông bị bắt.
Bản thân Lê Công Định cũng bị bắt một năm sau đó và bị buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Một luật sư khác, ông Lê Trần Luật, từng đề nghị hỗ trợ pháp lý miễn phí cho Điếu Cày, thì bị công an quấy nhiễu và cũng bị triệu tập để thẩm vấn. Công an hỏi Lê Trần Luật về quan hệ của ông với Điếu Cày, động cơ đằng sau việc đề nghị cãi miễn phí cho Điếu Cày, và hỏi ông biết những gì về “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do bất hợp pháp” kia.
Ngày 10-9-2008, Điếu Cày bị Tòa án Nhân dân TP.HCM kết án 30 tháng tù giam. Thật trớ trêu, vào ngày 18-10-2010, chỉ một ngày trước khi Điếu Cày kết thúc thời gian thụ án, blogger AnhbaSG, cũng là thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, bị bắt.
Điếu Cày tiếp tục bị giam theo tội danh mới, “tuyên truyền chống nhà nước”. Gia đình ông cũng bị chính quyền quấy nhiễu.
Một lời cảnh cáo gửi đến các blogger
Trong thời gian trước phiên xử Điếu Cày vào tháng 9-2012, một cuộc vận động kiến nghị trên mạng đã thu hút hàng nghìn người ký tên vào một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, kêu gọi trả tự do cho Điếu Cày. Nhiều blogger may áo phông có in khẩu hiệu “Tự do cho Điếu Cày, tự do cho người yêu nước”. Không khí căng thẳng đến nỗi cái Viện Kiểm sát Nhân dân do công an chi phối kia phải cố giữ bí mật ngày giờ xét xử.
Phiên tòa ngày 24-9 thu hút sự chú ý chưa từng có trong cộng đồng blog và mạng xã hội ở Việt Nam (chủ yếu là trên Facebook). Hàng chục blogger từ nhiều địa phương khác đến TP.HCM và đi tới Tòa án Nhân dân, cố gắng tham dự phiên tòa được coi là công khai, bất chấp sự phong tỏa của công an. Công an phá sóng điện thoại di động; nhiều người bị đe dọa, bị quấy phá, và bị đánh, điện thoại cùng máy ảnh bị giật. Báo chí quốc doanh mở một chiến dịch tấn công cá nhân Điếu Cày cùng với các blogger “chống nhà nước” nói chung.
Giới bình luận trên mạng nói rằng bằng việc gán cho Điếu Cày một mức án nặng như thế, chính quyền muốn gửi thông điệp rằng họ sẽ rất cứng rắn với những kẻ dám chỉ trích nhà nước.
Tuy nhiên, bản án nặng nề không tạo ra được sự sợ hãi mà chính quyền mong đợi từ phía các công dân. Thay vào đó, cơn phẫn nộ lan tràn trên khắp mạng Internet tiếng Việt. Ngay cả một số thành viên của cộng đồng blogger, vốn dĩ ủng hộ nhà nước, cũng phải thừa nhận rằng bản án là bất công đối với những blogger chỉ lên tiếng một cách ôn hòa, sử dụng một laptop có nối mạng.
Nhiều người so sánh vụ xử Điếu Cày với vụ việc một viên công an lạm quyền, đánh chết một công dân không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, viên công an này chỉ bị kết án 4 năm tù. Nhiều người nữa than rằng ở Việt Nam, “công lý chỉ là trò hề”, “viết blog bây giờ cũng là nghề nguy hiểm”, “nếu ghét thằng nào thì thà giết nó đi, còn hơn là viết blog nói xấu nó, vì phát biểu ý kiến ở đây còn bị trừng trị nặng hơn tội giết người”.

Nguyễn Đình Cống - Chuyện mới kể về Thánh Gióng

Nguyễn Đình Cống
Theo FB Nguyễn Đình Cống

Ngày xửa, ngày xưa dân Lạc Việt bị nạn thú dữ hoành hành rất khổ sở. Một số người can đảm tổ chức chống lại nhưng vì sức yếu nên đều thất bại. Có một đạo nhân quyết tìm đường đánh đuổi thú dữ. Ông gặp được một vị Thần. Thần phán bảo, nếu biết tôn thờ Thần thì ngài sẽ trao cho học thuyết duy vật, đấu tranh và chuyên chính để đánh đuổi kẻ thù. Đạo nhân thấy học thuyết có nhiều điều hay, có thể giúp dân nước ông đánh đuổi thú dữ nhưng có chỗ không tốt là muốn chuyên chính. Tuy vậy ông nghĩ là đã thấy được điểm xấu đó thì có thể ngăn ngừa và loại bỏ dần. Thế là ông cho rằng đã tìm thấy con đường đánh đuổi kẻ thù. Cuối cùng thì thú dữ bị đuổi khỏi đất nước và đạo nhân cũng già và qua đời. Những người từng theo ông đuổi thú dữ nay lên làm vua, làm quan và thi hành triệt để chế độ chuyên chính. Họ kể công lao là nhờ học thuyết của vị thần, nhờ đạo nhân và bọn họ mà nhân dân được giải phóng, thoát được ách tàn bạo. Ngoài miệng họ lớn tiếng nói là một lòng vì nước vì dân, ngoài quyền lợi của dân tộc họ không còn mong gì khác. Nhưng nhìn kỹ vào việc làm cụ thể mới thấy rõ thực chất họ chỉ lo củng cố địa vị và quyền lực, thi hành chuyên chế triệt để, dân chủ chỉ là hình thức. Nhân dân vừa thoát khỏi nạn thú dữ thì rơi ngay vào sự thống trị của bọn người mà mới gần đây rất được yêu mến và tin tưởng. Tập đoàn thống trị mới đã sớm trở thành những kẻ tham nhũng, độc đoán, thối nát, chỉ lo làm giàu cho cá nhân.
Đối với đạo nhân, nhân dân vẫn một lòng biết ơn, ca ngợi và thờ phụng. Đa số nhân dân có biết đâu, có ngờ đâu là nạn chuyên chính mà ông đã thấy, đã muốn ngăn ngừa và loại bỏ thì ông đã không làm được, vì đó là mong muốn của vị thần, nó đã thấm sâu vào học thuyết đấu tranh. Sự độc quyền, sự tham nhũng đã ẩn kín trong thời gian dài, không ai thấy, nay có cơ hội mới phát ra và hoành hành.
Để dẽ bề cai trị bọn vua quan tuyên bố dứt khoát đường lối độc quyền, để dễ bề tham nhũng chúng tuyên bố đất đai và mọi tài sản khác đều là của chung, do chúng đại diện quản lý (để muốn cho ai thì cho, muốn lấy của ai thì lấy). Để tiếp tục lừa dối nhân dân chính quyền cũng tỏ ra dân chủ, cho nhân dân thảo luận công này việc nọ, cho bầu cử cấp này cấp kia, nhưng xem ra chỉ là dân chủ hình thức. Thỉnh thoảng họ cũng làm kiểm điểm, nêu ra những tệ hại của chính quyền và nêu biện pháp phòng chống nhưng cũng chỉ để xoa dịu nhân dân mà thôi. Họ cho rằng nguyên nhân của tham nhũng, của độc đoán là tại vì một số quan lại các cấp, các ngành thoái hóa, biến chất. Ngoài mồm nói thế nhưng trong thâm tâm họ thừa biết rằng nguyên nhân đẻ ra độc đoán và tham nhũng là sự độc quyền, nó có sẵn trong học thuyết chuyên chính. Họ thấy nhưng cố ý che dấu, không dám nói sự thật vì sợ đụng đến vị thần và đạo nhân. (Còn một số thì vì trình độ kém mà tưởng là học thuyết vẫn hoàn toàn đúng mà không thấy được bản chất).
Trong tình hình đó một số nhân dân vì lòng tốt, vì không biết hoặc vì quá hèn mà vẫn trông cậy vào chính quyền, còn phần lớn đã mất lòng tin, đang chán ngán trông chờ sự thay đổi. Nhân dân vừa muốn vừa sợ thay đổi. Xã hội rơi vào thế mất ổn định âm ỉ.
Thủ lĩnh dân tộc Ân bên cạnh biết rõ tình hình, rắp tâm gây chiến tranh xâm lược.
Một hôm trên Thiên đình, Nam tào báo cáo các việc trên với Thượng đế. Nghe xong Thượng đế phán rằng: Con dân Lạc Việt thật đáng thương mà cũng đáng trách. Đáng thương thì chắc các khanh đã rõ rồi, còn đáng trách là vì hơi khờ dại, dễ tin, thiếu cảnh giác nên đã đuổi hổ xâm lăng cửa trước, rước sói chuyên chế cửa sau, là trước thú dữ thì anh dũng hy sinh nhưng với chính quyền thì không dám đấu tranh cho tự do, dân chủ, dân sợ vua quan hơn sợ cọp.
Ban đầu Thượng đế định để bọn Ân dạy cho dân Lạc Việt một bài học mới, nhưng rồi Ngài nghĩ lại, thấy nên cứu giúp chống lại bọn Ân vì bọn đó quá đểu cáng. Nhưng giúp bằng cách nào khi mà chính quyền chỉ lo tham nhũng, mua quan bán tước, nhân dân mất lòng tin. Thượng để quyết định chỉ giúp chống giặc còn việc đấu tranh nội bộ cho tự do dân chủ và phát triển kinh tế thì để nhân dân tự làm lấy. Ngài cho gọi một viên Thiên tướng trong đội quân của Thái tử Na Tra và ra lệnh: Ta cho ngươi đầu thai xuống Lạc việt, trong một gia đình nông dân. Trong 3 năm đầu ngươi chưa được nói gì (sợ làm lộ bí mật thiên đình). Đến khi có sứ giả kêu gọi đi đánh giặc thì ngươi vươn vai lớn lên, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt ra trận. Lúc đó ta sẽ phái thêm thiên binh, thiên tướng xuống giúp. Đánh giặc xong ta cho ngươi quyền tự chọn, ở lại hạ giới hưởng vinh hoa phú quý hay trở về trời.
Thế là cậu bé Gióng do Thiên tướng đầu thai đã ra đời.
Khi giặc Ân kéo quân vào xâm lược, vua quan Lạc việt vô cùng hoảng hốt, đa số chỉ muốn đầu hàng để lo bảo toàn tài sản và tính mạng. Một số đã kịp thời đem gia đình và tài sản ra nước ngoài. Các tướng tá hàng ngày hung hăng đàn áp những lực lượng đòi dân chủ, nay chỉ lo vơ vét, cất dấu tài sản. Cũng còn nhiều binh sĩ và một số sĩ quan có tinh thần chiến đấu nhưng như rắn mất đầu, các chỉ huy cấp cao đã chuồn mất rồi. Một chính quyền hàng ngày tưởng là vững chắc, một quân đội bình thường tưởng là hùng mạnh nay nhanh chóng tan tác vì ngoại xâm.
Trong tình hình như thế một số nhân sĩ yêu nước và dũng cảm đã đi các nơi kêu gọi nhân dân tổ chức chống giặc. Cậu bé Gióng đã vươn vai, trở thành dũng sĩ, yêu cầu có ngựa sắt, roi sắt để ra trận. Dũng sĩ đã nêu các chỉ tiêu và yêu cầu đối với roi và ngựa.
Nhân dân đã nhanh chóng kiếm đủ lượng sắt. Một viên quan của địa phương xin làm chủ dự án, đi tìm thợ đúc, rèn. Khi ngựa và roi mang đến, dũng sĩ kiểm tra thầy không đạt số cân nặng. Cho điều tra mới biết tên quan quen thói tham nhũng đã ăn bớt sắt và tiền công thợ, hắn đem một số hối lộ cho cấp trên vì nghĩ rằng chính cấp trên sẽ nghiệm thu hoặc bao che cho hắn. Tên quan bị nhân dân xử tội chém đầu. Dũng sĩ biết roi sắt chưa đạt yêu cầu nhưng vì quá gấp rồi, không kịp rèn lại nên đành cầm lên ngựa. Được tin dũng sĩ Gióng đi đánh giặc nhiều binh lính và một số tướng tá đi theo, thành một đội quân. Vì bị ăn bớt, roi sắt không đạt chất lượng nên chỉ mới đánh được vài trận đã bị gãy, dũng sĩ buộc phải nhổ các bụi tre làm vũ khí.
Đánh tan giặc, dũng sĩ dừng ngựa và ngẫm nghĩ. Không biết dũng sĩ đã nghĩ như thế nào, chỉ biết rằng chàng đã cưỡi ngựa bay lên trời. Nhân dân tôn xưng Ngài là Thánh Gióng.
Nguyen Thanh Luan Em không đồng ý với những gì thầy viết, càng đọc em càng thấy rất vô lí. Rõ ràng em đang được may mắn sống trong một đất nước có ĐẢNG CỘNG SẢN lãnh đạo, một đất nước phát triển - công bằng - dân chủ - văn minh, đúng như cương lĩnh mà ĐẢNG đã vạch ra. Có thể nói, tại thời điểm này, đất nước ta là một quốc gia hùng mạnh có thể ngang tầm với Nga, Mỹ –Trung Quốc và Sing-ga-po chưa là gì. Điều đó không phải chỉ riêng em mà hầu như ai cũng phải công nhận.
Vấn đề tham nhũng bấy lâu nay đã được quán triệt một cách triệt để, quan chức từ trên xuống dưới, ai cũng phải hứa với mình và phải viết bản cam kết không được tham nhũng. Cũng như phải nghiêm khắc phê và tự phê, viết bản kiểm điểm và xin lỗi nếu làm sai để lại những hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. Vấn đề an ninh thì tuyệt đối an toàn: ra đường không lo cướp giật và mất mát. Còn giao thông thì sau khi phân chia làn đường và một số biện pháp của bộ trưởng giao thông đã trở nên vô cùng hữu hiệu, lâu lắm ở Hà Nội chưa thấy tắc đường... như trước. Nhân dân tự nguyện hiến đất cho Nhà nước để xây dựng những công trình tầm cỡ quốc tế, khu đô thị Văn Giang - Hưng Yên là một điển hình. Hay như vụ đầm nuôi tôm ở Hải Phòng, nhà nước đã họp lên họp xuống để rút kinh nghiệm chỉ vì một số sai sót nhỏ. Vấn đề đạo đức trong xã hội đang rất được coi trọng, đặc biệt là ngành y: từ xưa đến nay câu cửa miệng của người dân vẫn luôn là: Lương y như từ mẫu.
Đấy chẳng phải là một điều rất tiến bộ mà không một quốc gia nào trên thế giới có được hay sao. Trong khi, nền kinh tế vẫn phát triển và tăng trưởng cao với 13 đại tập đoàn nhà nước phát triển vươn tầm quốc tế, đặc biệt là hai quốc gia Lào và Cam-pu-chia. Với việc giao thương, kí kết rất nhiều hợp đồng giá trị rất lớn: mua ụ nổi 83m 9 triệu đô để sử dụng cho tương lai, mua tàu nghìn tỉ đồng để thử nghiệm và thuê nước ngoài khai khác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Với chính sách an sinh, nhà nước cam kết với người nghèo, thu nhập thấp, thậm chí chỉ thu nhập 5 triệu Đ/1 tháng tương lai cũng sẽ có nhà. Chỉ biến động nhỏ của bất động sản cũng đã làm nền kinh tế châu Á lâm vào khủng hoảng. Nhân dân một lòng tin yêu tuyệt đối những vị lãnh đạo của đất nước và hy vọng trong vài trăm năm tới đất nước ta sẽ thành một đất nước công nghiệp phát triển nhưng vẫn lấy nông nghiệp làm chủ đạo như Đảng ta đã đề ra.

Ám ảnh bởi Cách mạng Văn hóa

Tuần này, trong những tin tức đưa ra nhân đảng Cộng sản Trung Quốc nhóm họp Hội nghị Trung ương 3 của Ðại hội 18, có một tin cho biết là Chủ tịch Tập Cận Bình đã không đạt được một ước muốn từ lâu của mình, đóng cửa các trại cải tạo lao động mà ở Trung Quốc vẫn thường được gọi là trại lao cải.

Nguồn tin này, phát xuất từ Thông tấn xã Reuters, nói là ông Tập đã bị chặn trong cố gắng giải tán hệ thống các trại lao cải. Bản tin coi điều này chứng tỏ ông Tập chưa củng cố nổi đủ quyền lực để áp đặt ý muốn của mình lên toàn đảng. Ðiều đó có thể đúng, nhưng chúng ta còn phải chờ xem. Ở Trung Quốc, kể từ thời ông Ðặng Tiểu Bình lên nắm quyền, Hội nghị Trung ương 3 đã trở thành quan trọng. Người ta thường nói, Hội nghị Trung ương 1 là để cho tân lãnh tụ trình làng, hội nghị 2 là để chuẩn bị nhân sự, và hội nghị 3 mới là chính sách. Hội nghị 3 của ông Ðặng quả là quan trọng vì chính đó là lúc ông trình bày chính sách cởi mở kinh tế, chính sách mà ngày nay Bắc Kinh gọi là “xã hội chủ nghĩa theo định hướng Trung Quốc.” Nhưng hội nghị 3 của ông Hồ Cẩm Ðào đâu có gì quan trọng đâu.

Trong khi đó, câu chuyện về hệ thống lao cải của Trung Quốc có lẽ cũng quan trọng không kém vì cho chúng ta một nhận thức quan trọng về quốc gia này: đó là sự ám ảnh của cuộc Cách mạng Văn hóa trong tinh thần người dân nước này.

Ông Tập muốn đóng cửa hệ thống lao cải chính là vì Cách mạng Văn hóa. Hồi đó, thân phụ ông, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, một trong những nhân vật nổi tiếng có chủ trương cấp tiến, đã là nạn nhân của chính hệ thống lao cải mà người con trai ông muốn phá hủy.

Trong những nhân vật thuộc hàng lãnh đạo nguyên thủy của đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Trọng Huân có lẽ là một trong những nhân vật có chủ trương tự do cởi mở nhất. Là bạn thân của ông Bành Ðức Hoài, ông đã bị vu cáo cùng ông Bành và đã bị giáng xuống làm phó giám đốc một công ty sản xuất máy cày ở Lạc Dương hồi năm 1965. Khi Cách mạng Văn hóa nổi lên, ông bị đưa ra đấu tố, bị bắt đi cải tạo trong suốt 10 năm trời.

Theo Reuters, ông Tập Cận Bình đã bị ảnh hưởng nặng khi ông Tập Trọng Huân được đoàn tụ với gia đình sau 16 năm tù đày. Ông Trọng Huân không nhận nổi hai cậu con trai của mình nữa. Ông hỏi, “Ðứa nào là Cận Bình, đứa nào là Nguyên Bình?” Trong một bài báo kể lại câu chuyện này, ông em Nguyên Bình nói cả gia đình đã bật khóc.

Mà ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Văn hóa không phải chỉ đối với gia đình ông chủ tịch. Tôi mới có dịp đi Trung Quốc gần đây và tuy chỉ là qua một tour du lịch, những câu chuyện của những người hướng dẫn cho thấy ảnh hưởng đó lan tỏa đến cả giai cấp tiểu tư sản thành thị cũng như nông thôn.

Ông hướng dẫn ở Tây An chẳng hạn kể lại là khi cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra năm 1966, ông ta năm đó mới 11 tuổi, bỗng qua đêm thấy mình thất học. Vốn gia đình bố mẹ sống ở tỉnh lẻ, ông ta kể lại là đã được gửi lên Tây An đi học ở nhà ông chú vốn là một giáo sư trung học. Ông chú cùng với các thầy giáo khác bị bắt đi lao cải, đám học trò lúc đầu cũng bắt chước tìm cách đấu tố các thầy nhưng sau cũng bị đưa về nông thôn.

Ðã trên 30 năm nhưng cậu học sinh thành thị vẫn chưa quên những ngày cay đắng ở nông thôn. Ông ta kể tất cả đám học sinh thành thị bị đưa vào một hợp tác xã, làm những công việc đồng áng nặng nhọc. Không có trâu, họ thay nhau làm trâu.
Công việc quần quật từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng cái khổ nhất là không có gì giải trí. Sách báo không có, họ chỉ biết nghe loa phóng thanh của trại, một điều mà ông ta bảo nhiều khi cũng là một thứ tiêu khiển vì ít nhất cũng nói đến những gì xảy ra ở những nơi khác dù chỉ là tuyên truyền. Khổ một nỗi đến cái loa phóng thanh cũng lâu lâu bị im tiếng vì không có điện.

Mười năm sau, được thả trở về thành phố, cả một thế hệ thanh niên đã trở thành thất học. Nhờ ông bố là một quân nhân cao cấp, chính quyền kêu về và giao cho làm giám đốc bệnh viện địa phương. Gia đình trở lại nếp sống cũ và ông bố nhất định bắt cậu con trai phải trở lại đi học. Ông ta kể lại thực sự lúc đó không muốn đi học nữa, chỉ muốn xin bố cho vào làm tài xế cho bệnh viện tỉnh. Ông bố không chịu, cậu con trai đành ngồi xuống học thi vào đại học. Khổ một nỗi trong kỳ thi tuyển có bốn môn chính thì lại có toán. Vốn là người hoàn toàn không có khả năng về toán, ông cứ thi trượt hoài. May mắn thay lúc đó chính quyền bắt đầu thấy cần có một số sinh viên học sinh ngữ, và thi tuyển vào đại học sinh ngữ không cần toán. Nhờ vậy mà ông đã vào được trường đại học ngoại ngữ để giờ đây đã lên được đến phó giám đốc địa phương của công ty du lịch nhà nước.

Chiến dịch mà ông hướng dẫn của tôi là nạn nhân được Mao khởi xướng vào tháng 12 năm 1968. Trong suốt chiến dịch kéo dài đến gần một thập niên này, thanh niên trí thức ở thành thị bị ra lệnh phải về nông thôn để học hỏi nông dân. Danh từ “trí thức” đây được sử dụng theo một cái nghĩa hết sức lỏng lẻo tả những học sinh mới tốt nghiệp các trường “middle school.” Mục đích của chiến dịch này là để giúp ông Mao Trạch Ðông khống chế bớt phong trào thanh thiếu niên Hồng vệ binh, con quái vật mà chính ông tạo ra để dùng làm công cụ đàn áp những người mà ông nghĩ là có ý định muốn chống đối mình. Ðuổi họ về nông thôn, bắt vào làm việc quần quật trong các hợp tác xã nông nghiệp, sẽ làm cho họ ít tạo thêm xáo trộn.

Cuộc sống của ông hướng dẫn ở nông thôn tuy vậy chắc chưa tệ hại bằng cuộc sống của ông Tập Trọng Huân khi bị đi lao cải. Ðược biết, ngày 22 tháng 2 năm 1978, khi đáp chuyến tàu hỏa rời Lạc Dương tới Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, ông đã không kềm chế nổi cảm xúc và đã ôm ông Trần, bí thư tỉnh ủy Hà Nam và nói, “Ðây là lần đầu tiên từ 16 năm nay mà tôi ôm một người khác.”

Là người ngoài cuộc, thật khó hiểu cuộc sống trong một đất nước mà lãnh tụ đã cố tình tạo nên xáo trộn ở một mức độ khủng khiếp đến như vậy. Hàng trăm triệu người bị tố khổ, bị hành hạ, bị đi tù. Hàng trăm triệu thanh thiếu niên bị đưa về nông thôn và lớn lên thất học. Không biết bao nhiêu triệu người chết vì tù đày, hành hạ. Nền kinh tế sụp đổ. Và ngày nay, hơn 30 năm sau, ảnh hưởng của chính sách điên cuồng đó vẫn còn. Có thể những vết tích tàn phá của đám hồng vệ binh như khúc tường thành ở Thành Ðô đã được sửa chữa lại nhưng những vết thương tâm hồn thì không có gì hàn gắn nổi. Ðó mới là cái đáng sợ của cuộc Cách mạng Văn hóa.

Lê Phan
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét