Sự BÍ HIỂM của nền kinh tế Việt
Doanh nghiệp chết, người mất
việc tăng, nhưng tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo lại giảm đi rất
nhiều, vậy “bí ẩn” nằm ở chỗ nào?
Dối thành quen?
Đều đặn năm hai kỳ khi tiết trời mát mẻ, song diễn đàn kinh tế mùa
xuân và mùa thu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội lại luôn nóng hổi, bởi các
vấn đề thời sự của nền kinh tế được thảo luận với độ mở cao.
Chỉ điểm lại bốn diễn đàn của hai năm gần đây thì kỳ nào các vấn đề
vừa thời sự vừa “đại sự”. Chẳng hạn, lợi ích nhóm cản trở cải cách ra
sao, tồn kho thể chế đang gây hệ lụy gì, tái cơ cấu đang vướng ở đâu,
lời giải nào hài hòa cho cả tăng trưởng và lạm phát… cũng được bàn thảo
nhiều chiều. Nhưng vì sao khó khăn của nền kinh tế cứ ngày càng trầm
trọng xem ra vẫn là câu hỏi hóc búa.
Ở diễn đàn vừa diễn ra trong hai ngày cuối tuần qua, vẫn mở màn bằng
một trình bày tổng quan với gam màu tối áp đảo, Viện trưởng Viện Kinh tế
Việt Nam, ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần đánh giá điểm rất mấu chốt
để hiểu tại sao tình hình kinh tế thay vì dự báo bay lên, thì lại lâm
vào tình trạng nghẽn mạch trong tình thế bi kịch.
Và một phần câu trả lời đã nằm trong chính sự than thở của vị chuyên
gia này, rằng ở Việt Nam, làm chính sách đúng là khó nhất vì cơ sở số
liệu chả có tý thuyết phục nào.
Khi cả hai số liệu đều được chính thức công nhận nhưng tổng GDP của
63 tỉnh thành lại… gấp đôi GDP quốc gia. Rồi sai số hàng trăm ngàn đơn
vị khi thống kê hộ nghèo, số công chức không hoàn thành nhiệm vụ, số
người có việc làm mới…, hay hàng chục, hàng trăm nghìn tỉ đồng ở nợ xấu,
thu chi ngân sách trong các báo cáo là hết sức bình thường.
Đặc biệt, điều rất lạ và rất bí ẩn được vị chuyên gia này phát hiện
là số hộ nghèo giảm rất nhanh, thất nghiệp cũng giảm trong khi doanh
nghiệp chết như rạ.
250 nghìn doanh nghiệp đóng cửa và cắt giảm công suất, mỗi doanh
nghiệp trung bình 20 lao động (theo tính toán của VCCI) kéo theo ít nhất
5 triệu người mất việc, thế mà báo cáo vẫn nói mỗi năm giải quyết việc
làm mới cho 1,54 triệu người.
Trong khi mô hình tăng trưởng dựa vào tiền và phục vụ người có tiền
mà đói nghèo lại giảm (năm 2013 ước giảm 1,8 – 2%), ông Thiên cho rằng
“lý sự kinh tế có vấn đề rất nghiêm trọng mà chúng ta coi như là không
có gì”.
“Tôi có lần đã nói với các vị lãnh đạo là có vẻ mô hình tăng trưởng
định hướng xã hội chủ nghĩa không như chúng ta nói”, Viện trưởng Thiên
kể. Sau đó ông than thở thêm “Chúng ta tùy tiện vô trách nhiệm đến mức
dối trá thành quen, không thể chấp nhận cái cách sinh ra ảo tưởng chính
sách mãi thế này được”.
Nhiều lần nhấn mạnh việc làm và thất nghiệp là một trong bốn chỉ tiêu
quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô, tuy nhiên Phó trưởng đoàn đại biểu
Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch, không phải đến tận bây giờ mới khẳng định
là “không bao giờ tin con số giải quyết việc làm năm nào cũng 1,5 – 1,6
triệu”
Chắc chắn là với mức tăng GDP khoảng 5% thì không thể tạo ra đến 1,6
triệu việc làm và mức thất nghiệp ở đô thị chỉ có 4%, ông Lịch phát biểu
tại diễn đàn.
Ngoài tốt cả, trong vẫn rối loạn
Quả thật, nếu không nhận diện đúng thực trạng, giải pháp không thể
chính xác. Và như vậy các nhà kinh tế tham gia hoạch định chính sách hay
tham gia phản biện chắc chắn sẽ không thể tự tin.
Vậy cũng không quá khó hiểu khi nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm,
thành viên Ủy ban Kinh tế suốt từ khóa QH thứ 12 đến nay, nhận xét rằng
hiện nay cả DN và người dân đều thiếu động lực và thiếu cả niềm tin. Bởi
cứ nghe diễn đàn, hội thảo thấy nhiều ý kiến hay thì phấn khởi. Nhưng
chờ đợi một thời gian chả thấy kết quả gì, hội thảo tiếp theo lại nêu,
rồi lại chờ, rồi cũng không thấy chuyển biến, nên càng nghe càng thấy
phân tâm.
Theo ông Kiêm, cần giải đáp cho rõ tại sao từ sau năm 2007 kinh tế cứ
thụt dần, khoảng cách với khu vực cứ doãng ra. Nhiều hội thảo nói do
bên ngoài rắc rối nên ta cũng thế thôi. Nhưng những thứ liên quan đến
bên ngoài đều tốt cả, xuất khẩu tốt, đầu tư tốt, FDI tốt… còn bên trong
thì rối loạn thêm.
Vậy là lại thêm một “bí ẩn” cần được giải mã.
Nhưng luận giải được nguyên nhân dường như đã không còn quan trọng
bằng việc làm gì tìm ra giải pháp. Đặc biệt là phải làm sao để giải pháp
đến đúng nơi, đúng chỗ và được tiếp thu một cách đúng đắn.
“Tôi để ý hội thảo kiểu thế này cứ chồng lên nhau, hết Đảng, Chính
phủ, Quốc hội, lại đến các ngành, tạp chí tổ chức lên tục. Vấn đề đưa ra
ai cũng có lý lẽ rất chặt chẽ, nhưng không vào thực tiễn được vì chúng
ta – những nhà lý thuyết – nghiên cứu không đủ tầm, không rõ nét, không
chính xác, chỉ nói đường lối vĩ mô chung chung thôi”, ông Cao Sĩ Kiêm
bình luận.
“Và có những nghiên cứu đúng nhưng cũng không chuyển tải được đến cơ
quan quyết định. Mà có đưa lên đúng chỗ rồi cũng lại giăng mắc nhiều vấn
đề, cục bộ, nhóm lợi ích, ghế này ghế khác”…
Nói chung chung nhưng không chỉ ra ai, ở chỗ nào, phải làm gì, theo
ông Kiêm chính là nguyên nhân làm cho dân thiếu niềm tin. Mà “thiếu niềm
tin, không có động lực thì khi lâm sự dân đẩy chúng ta ra chứ không
phải dân ủng hộ đâu”, ông Kiêm nói.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí
Thành cho rằng cơ hội chỉ khi có sự ổn định và cải cách quyết liệt thì
lòng tin của người dân, nhà đầu tư, thị trường sẽ quay lại.
Và điều mà Việt Nam đang thiếu, theo ông Thành chính là ý chí quyết
liệt của các cá nhân có trọng trách, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám
chiến đấu.
Vẫn sốt ruột với “tồn kho thể chế”, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược
quả quyết, nếu cứ phát triển theo mô hình tăng trưởng bất cập hiện nay
thì sẽ không có lối ra mà chỉ đi vào ngõ cụt. Xét cho cùng thể chế là
quyết định sự phát triển, đổi mới thể chế nếu không muốn làm thì rất
khó, còn nếu thực sự muốn làm thì không khó.
Vị chuyên gia cao niên này cũng đề nghị Quốc hội có luật quy định
trách nhiệm cá nhân của quan chức, nếu không đã có vị trí thì ông nào
cũng cứ nghiễm nhiên ngồi mãi. Bởi “Bộ trưởng ngoại giao Nhật sơ xảy một
câu là từ chức ngay, ta quan chức nói tùy tiện thì chả sao cả”.
THEO VIETNAMNET
Trung ương Đảng họp toàn thể lần 8
Các lãnh đạo Viêt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa công du về, đều dự hội nghị
Đảng Cộng sản Việt Nam đã triệu tập hội nghị trung ương tại Hà Nội vào sáng thứ Hai ngày 30/9.
Đây là hội nghị trung ương lần thứ 8 kể từ khi Ban Chấp hành Trung ương khóa XI được bầu lên hồi đầu năm 2011.
Như vậy thời điểm của hội nghị trung ương 8 lần này gần như là một
hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng trong khi khóa XI chỉ còn chưa đầy hai
năm rưỡi nữa là hết nhiệm kỳ.
Mặc dù đã đi được hơn nửa chặng đường hoạt động, nhưng cơ cấu lãnh
đạo tối cao của Đảng là Bộ Chính trị dường như vẫn chưa được kiện toàn.
Tại hội nghị trung ương gần nhất vào cuối tháng Tư, số lượng ủy viên Bộ Chính trị đã được nâng từ 14 lên 16 thành viên.
Tuy nhiên con số này vẫn chưa đạt tới mức như được dự kiến ban đầu và
không là số lẻ như thông lệ để tránh được thế bế tắc khi kết quả bỏ
phiếu cân bằng.
‘Công tác nhân sự’
Theo thông báo của Đảng thì tại kỳ họp này, 175 ủy viên trung ương
Đảng cũng sẽ xem xét ‘công tác nhân sự’ nhưng không nói rõ cụ thể.
Tại phiên họp toàn thể lần 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu
thêm hai ủy viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng,
và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, phó chủ tịch Quốc hội.
Ông Nhân sau đó đã được phân công sang làm chủ tịch Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc và dự kiến sẽ được miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng
tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.
Trong khi đó, các ứng viên khác như ông Nguyễn Bá Thanh, trưởng Ban
Nội chính, và ông Vương Đình Huệ, trưởng Ban Kinh tế, đều không hội đủ
số phiếu để vào Bộ Chính trị.
Điều đáng nói là cả hai nhân vật này đều được cho là đã được đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vận động mạnh mẽ.
Cả hai Ban Kinh tế và Ban Nội chính đều là những ban Đảng vừa được
tái lập. Ban Nội chính đảm đương trách nhiệm chống tham nhũng, vốn trước
đây thuộc quyền hạn của chính phủ còn Ban Kinh tế được cho rằng sẽ giám
sát các chính sách kinh tế của chính phủ.
Lãnh đạo các ban này trước đây đều là ủy viên Bộ Chính trị, trong khi
cả hai ông Thanh và ông Huệ đều mới là ủy viên trung ương. Vị thế đó
được cho rằng sẽ khiến cho hai ông không có đủ sức mạnh để thực thi
trọng trách trong Đảng.
Chưa rõ liệu hai ông có ứng cử vào Bộ Chính trị lần nữa trong hội
nghị trung ương lần này hay không, nhưng nếu không thì dường như hai ông
sẽ không còn cơ hội vào cơ quan quyết sách tối cao của Đảng trong nhiệm
kỳ này.
Điều đáng lưu ý là Trung ương Đảng trong hai kỳ hội nghị liên tiếp là
hội nghị 6 và 7 đều đã bỏ phiếu chống lại đề xuất của Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng: một lần là bác đề xuất kỷ luật ‘một ủy viên Bộ Chính
trị’ và một lần là bác ứng viên của ông Trọng cho Bộ Chính trị.
Hành động gần như chưa có tiền lệ của các ủy viên Trung ương đối với
người lãnh đạo tối cao của Đảng được cho là đã làm uy tín của ông Trọng
bị tổn hại.
Chính vì vậy những diễn biến tại hội nghị trung ương lần này sẽ là phép thử đối với uy tín của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Kín tiếng
Tuy nhiên, cũng như các kỳ họp toàn thể lần trước của Trung ương
Đảng, hội nghị lần này cũng sẽ diễn ra trong bí mật. Rất ít thông tin
được thông báo ra bên ngoài trừ các thông cáo và các diễn văn khai mạc
và bế mạc của tổng bí thư thông qua hãng thông tấn nhà nước.
Mặc dù hội nghị đã khai mạc vào sáng 30/9 nhưng mãi đến trưa cùng
ngày các cơ quan truyền thông chính thức, kể cả Thông tấn xã Việt Nam,
đều chưa loan tin.
Theo trang chủ của chính phủ thì hội nghị lần này sẽ diễn ra trong 10 ngày đến hết ngày 9/10.
Ngoài nội dung ‘công tác nhân sự’, các ủy viên Trung ương cũng sẽ cho
ý kiến về bản Hiến pháp sửa đổi trước khi bản Hiến pháp này được Quốc
hội chính thức thông qua.
Ngoài ra, hội nghị cũng kiểm điểm công việc của Bộ chính trị và Ban
bí thư trong năm 2013 và có khả năng sẽ diễn ra các phiên chất vấn như
tại Quốc hội, cũng theo bản tin trên website chính phủ.
Nghị trình chính thức của hội nghị là: tổng kết 10 năm thực hiện nghị
quyết trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, đề án đổi mới toàn diện
giáo dục đào tạo, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2013 và kế hoạch
cho năm 2014, tình hình thực hiện Nghị quyết XI về kinh tế-xã hội và
công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng XII dự kiến diễn ra vào năm 2016.
Trong ngày đầu tiên của hội nghị, các ủy viên trung ương sẽ nghe và
thảo luận về tờ trình tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược
bảo vệ tổ quốc do Trung ương Đảng khóa IX ban hành.
Cùng ngày, trang mạng của chính phủ và báo Quân đội nhân dân đã đăng
bài viết của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang có nhan đề ‘Tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia trong tình
hình mới’.
Trong bài viết này, ông Quang mô tả vai trò của công an là ‘nòng cốt’ trên cơ sở phối hợp với quân đội để bảo vệ chế độ.
Ngoài ra ông Quang, vốn cũng là một ủy viên Bộ chính trị, cũng cho
rằng ‘sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng’ là ‘ tư
tưởng cơ bản, xuyên suốt, là vấn đề có tính nguyên tắc’ đối với công tác
bảo vệ an ninh cho chế độ.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét