Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Bài đáng chú ý: 5 trụ cột của xã hội dân sự - việc cần làm ngay tại Việt Nam & Sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc

Nguyễn Thanh Dòng - 5 trụ cột của xã hội dân sự - việc cần làm ngay tại Việt Nam

Tôi đến YangGon – Myanmar những ngày đầu tháng 9/2013 trong một chuyến thăm các thành phố lớn cổ kính và nổi tiếng với hàng ngàn ngôi chùa, cùng phong cảnh và người dân hiền lành đáng yêu. Đất nước vẫn còn nguyên vẹn dấu vết của một thời độc đoán, độc tài và khép kín, nhưng giờ đã thực sự tắm rửa từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đã khoác vào mình tấm áo cơ chế mới đẹp và rất hoành tráng bởi những cơ sở vật chất hạ tầng đường sá, hải cảng tầm cỡ quốc tế. Myanmar cổ kính, xinh đẹp và thật hiền hậu, khi du khách và các nhà đầu tư toàn thế giới đổ vào đây, coi đây là mỏ vàng cuối cùng của Châu Á, là nàng tiên ngủ say trong rừng giờ chuẩn bị tỉnh giấc. Và Việt Nam ta, con rồng xưa của Châu Á làm được gì, khi mà cơ chế ta đang vận hành thực sự lạc hậu và lỗi hệ thống?

Thiết nghĩ văn minh nhân loại là tài sản chung của tất cả chúng ta và chắc chắn không của riêng quốc gia nào. Do đó chọn mô thức, thể chế tối ưu nhất của loài người để áp dụng vào quốc gia mình, đất nước mình, làm cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” là mệnh lệnh thời đại là việc của Lãnh đạo cao cấp đất nước phải thực thi.

Không làm điều đó chính Lãnh đạo là người có tội với dân, với nước. Tôi nhắc lại: Có tội chứ không phải có lỗi. Mà hành vi có tội thì có thể bị án treo cho đến án tử hình.

Đến thời điểm này – Xã hội dân sự Việt Nam nên được xây dựng bằng những trụ cột cơ bản sau:

Trụ cột thứ nhất: Văn hóa phải dân chủ.

Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thông qua một hệ thống bầu cử tự do và có hai nguyên tắc mà bất kỳ một định nghĩa dân chủ nào cũng đưa vào. Nguyên tắc thứ nhất là tất cả mọi thành viên của xã hội (công dân) đều có quyền tiếp cận đến quyền lực một cách bình đẳng và thứ hai, tất cả mọi thành viên (công dân) đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi.

Dân chủ ở đây đồng nghĩa với dân chủ Đa nguyên phản biện trên nghị trường, trong diễn đàn, Quốc hội. Dân chủ là dân thực sự là chủ của đất nước. Người dân được tự do lựa chọn Lãnh đạo Đất Nước bằng chính lá phiếu của mình. Họ nghiễm nhiên (người dân) được phán quyết tất cả những vấn đề hệ trọng của Quốc gia bằng trưng cầu dân ý, Dân đồng ý thì nhà nước, quốc hội mới được làm, dân không đồng ý thì nhà nước, quốc hội không được làm, không dùng vũ lực, công an, quân đội để trấn áp dân, v.v. làm ngược lại nguyên lý trên, nhà nước không còn là của dân.

Trụ cột thứ hai: Nhà nước phải là nhà nước pháp quyền.

Chúng ta có thể hiểu nhà nước pháp quyền theo cách đơn giản, đó là một nhà nước quản lý kinh tế - xã hội… bằng pháp luật và nhà nước hoạt động tuân theo pháp luật.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước phục tùng pháp luật mà chủ thể phục tùng pháp luật trước hết là các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước.

Nhà nước pháp quyền là một chế độ chính trị mà ở đó nhà nước và cá nhân phải tuân thủ pháp luật, mọi quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người và của mỗi người được pháp luật ghi nhận và bảo vệ, các quy trình và quy phạm pháp luật được bảo đảm thực hiện bằng một hệ thống toà án độc lập. Nhà nước pháp quyền có nghĩa vụ tôn trọng giá trị nhân bản là con người và đảm bảo cho công dân có khả năng, điều kiện, chống lại sự tuỳ tiện của cơ quan nhà nước bằng việc lập ra cơ chế kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp của pháp luật cũng như các hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhà nước pháp quyền phải đảm bảo cho công dân không bị đòi hỏi bởi những cái ngoài Hiến pháp, và pháp luật đã quy định. Trong hệ thống pháp luật thì Hiến pháp giữ vị trí tối cao và nó phải được xây dựng trên cơ sở đảm bảo quyền tự do và quyền công dân.

Phải tam quyền phân lập, phải hoàn thiện luật mẹ, luật gốc (tức bản Hiến pháp). Từ người lãnh đạo cao nhất của đất nước cho đến người dân phải sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, ai sai người đó phải chịu tội (hoặc chịu phạt lỗi) do mình gây ra. Không có ngoại lệ, không có người sống ngoài vòng pháp luật, không chạy chọt mua quan bán chức, không có khái niệm con ông cháu cha, v.v. Đất nước thực sự có đầy đủ nền pháp quyềndân quyền.

Trụ cột thứ ba: Kinh tế được vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường.

Cơ chế thị trường là hình thức tổ chức kinh tế trong đó các quan hệ kinh tế tác động lên mọi hoạt động của nhà sản xuất và người tiêu dùng trong quá trình trao đổi.

Cơ chế thị trường là cách thức tự động phân bổ tối ưu các nguồn lực của nền kinh tế. Đó là vì, khi mỗi nhà sản xuất đều căn cứ vào giá cả thị trường để có quyết định về sản xuất, sẽ không có sản xuất thừa, cũng sẽ không có sản xuất thiếu. Phúc lợi kinh tế được đảm bảo do không có tổn thất xã hội.

Kinh tế thị trường có nghĩa là mọi hoạt động sản xuất và trao đổi hàng hóa giữa người sản xuất và người tiêu dùng được vận hành do sự điều tiết của quan hệ cung cầu.

Ở đây không có đuôi Xã hội chủ nghĩa, không có kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Tất cả các thành phần kinh tế đều được toàn quyền phát triển theo thực lực của mình... Nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tất cả đều có lợi, hướng tới một nền kinh tế đa sở hữu, đa thành phần mà đích đến là một xã hội khá giả, hài hòa, cơ hội được chia đều cho mọi người lao động hăng say, nhiệt tình, có bản lĩnh và trí tuệ.

Trụ cột thứ tư:Xã hội dân sự.

Xã hội dân sự cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường. Điển hình xã hội dân sự phát triển tốt đẹp hiện nay như Anh, Đức, Canada, Luxembua, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Hà Lan, v.v.

Một xã hội dân sự là một xã hội không dùng bạo lực, coi phương pháp hòa bình, biện pháp bất bạo động là quyền lực nhà nước cho xã hội dân sự phát triển, vũ lực chỉ chống lại quân xâm lược và những kẻ hại dân hại nước để giữ vững an ninh trật tự xã hội mà thôi.

Trụ cột thứ năm: (Trụ cột cuối cùng) Đất nước phải có nền pháp lý hoàn toàn lý tính.

Lý tính là một thuật ngữ dùng trong triết học và các khoa học khác về con người để chỉ các năng lực nhận thức của tâm thứccon người. Nó miêu tả một dạng tư duy hay khía cạnh tư duy, đặc biệt là tư duy trừu tượng, và khả năng tư duy trừu tượng - cái được cho là chỉ con người mới có – các loại vật khác không có tư duy lý tính.

Thật vậy, tệ chạy chức quyền con ông con cháu, tệ không trọng dụng được người tài, kẻ nịnh bợ bất tài có đất dụng võ không gì khác hơn là nền pháp lý nước nhà sa sút và kém chất lượng nghiệm trọng. Với nền pháp lý như hiện tại xã hội khó phát triển bình thường.

Viết những dòng này để chia sẻ và bằng tấm lòng thành gửi đến mọi người Việt máu đỏ da vàng (không kể người đó ở trong hay ngoài nước, thuộc thành phần và tầng lớp nào). Mong, mong lắm thay đất nước mình hãy mau cởi ngay cái áo cơ chế của đứa trẻ lên 3 đang mặc lên cho 1 người đàn ông U40, U50. Áo ấy, xấu lắm, nát lắm, rách lắm - Hãy vứt đi, hãy chôn đi, đừng để cả thế giới nhìn vào với cặp mắt coi thường hãy cố lắng nghe lời ông Lý Quang Diệu nói rằng: ”Người Việt là giống người năng động và tài giỏi ở Đông Nam Á. Học sinh đến Singapore theo dạng học bổng Asean rất nghiêm tục học hành và đậu thứ hạng cao nhất. Với giống người thông minh như vậy, quả thật là đáng tiếc là họ lại thiếu tiềm năng. Hy vọng rằng sau khi hết lớp người trải qua cuộc chiến, giới trẻ sẽ kế nhiệm, họ sẽ thấy Thái Lan đã thành công ra sao và họ sẽ bị thuyết phục bởi mức độ quan trọng của thị trường tự do”, và cả cái phẩy tay của Ông khi nói tới lãnh đạo Việt Nam.

Hãy xây dựng một xã hội Dân sự bằng những trụ cột cơ bản trên, bởi cho đến bây giờ chưa có một hình mẫu nào, mô thức nào tốt và tối ưu hơn nó - 5 trụ cột cho một xã hội dân sự phát triển…

Hàng triệu người Việt Nam đang muốn chấm dứt những cảnh bất công, tham nhũng, trì trệ, họ muốn đất nước đổi mới thật sự, thay đổi từ gốc đến ngọn.

Hãy tự tắm đi, hãy kỳ cọ thật kỹ vào (từ trên xuống, từ dưới lên, kể cả những phần kín và nhạy cảm nhất). Đừng vì ý thức hệ nào hết, đừng vì lợi ích nhóm nào hết, tất cả hãy vì 90 triệu con dân Đất Việt – vì dân tộc bi hùng 4000 lịch sử và vì tổ quốc này – Mẹ Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Yanggon - Myanmar, Ngày 20 tháng 09 năm 2013
Nguyễn Thanh Dòng
(BVN)

Tuân Phạm - Làm sao để Việt Nam trở nên giàu mạnh?


Một quốc gia muốn giàu mạnh đòi hỏi phải có những nguồn lực để phát triển. Và khi nói về nguồn lực của một quốc gia thì có rất nhiều yếu tố như con người, điều kiện tự nhiên, tỷ lệ dân số, dân trí, phong tục tập quán,… Nhưng cái gốc quan trọng nhất vẫn là con người. Tại sao Nhật bản bị tàn phá sau chiến tranh có thể khôi phục và phát triển thịnh vượng dù là một quốc gia nghèo tài nguyên? Tại sao Singapore trở nên giàu có trong khi chỉ là một tiểu quốc nhỏ bé? Tại sao nước Mỹ với vô vàn các chủng người khắp nơi trên thế giới sinh sống nhưng vẫn thống nhất, hòa hợp? Tại sao Bắc Hàn và Nam Hàn cùng là một dân tộc nhưng tại sao lại khác nhau như bầu trời và vực thẳm? Tất cả chỉ có một câu trả lời “con người”.

Vậy làm sao để có được những con người tốt cho xã hội?

Muốn có con người tốt, giỏi thì cần phải có hệ thống giáo dục tốt.

Vậy làm sao có hệ thống giáo dục tốt?

Cần có những người quản lý giáo dục tốt.

Vậy làm sao để có được những người quản lý tốt?

Cần có môi trường cạnh tranh công bằng để tìm được người giỏi.

Vậy làm sao để có môi trường cạnh tranh công bằng?

Cần có tranh cử tự do và bầu cử tự do.

Khi nhắc đến tranh cử tự do có nghĩa là đa nguyên, có những tiếng nói khác nhau trong xã hội. Còn khi nhắc đến bầu cử tự do có nghĩa là quyền lực thực sự thuộc về nhân dân. Cũng có nghĩa là quyền lực được trao từ nhân dân, nhân dân giám sát và thể hiện chính kiến thông qua việc chọn người điều hành đất nước.

Làm được đó thì chắc chắn Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

Nhưng phải chăng Việt Nam chưa có những điều như trên, tức là tranh cử tự do và bầu cử tự do?

Ở Việt Nam hiện nay tranh cử tự do và bầu cử tự do mang tính hình thức. Chính xác ở Việt Nam đang diễn ra tình trạng “bỏ phiếu”. Bỏ phiếu cho những thứ đã được định sẵn, sắp xếp sẵn.

Vì sao lại gọi là tình trạng “bỏ phiếu”?

Vì cách thức bầu cử ở Việt Nam đi ngược từ trên xuống dưới trong khi theo quy luật và theo dân chủ phải là từ dưới đi lên.

Chính xác là:

(Trước tiên ta cứ xem là việc bầu cử Quốc hội diễn ra là đúng).

Nhưng trước khi bầu cử quốc hội thì diễn ra đại hội Đảng.

Đại hội Đảng là công việc nội bộ của đảng không phải của toàn dân. Trong đại hội Đảng sẽ bầu ra 175 ủy viên trung ương. Trong một 175 ủy viên trung ương đó sẽ bầu ra 14 người trong Bộ Chính trị. 14 người trong Bộ Chính trị này sẽ quyết định việc sắp xếp nhân sự vào các vị trí quan trọng của Quốc hội và Nhà nước.

Sau khi có thống nhất của 14 người này sẽ giới thiệu một người ra Quốc hội để Quốc hội phê chuẩn trở thành Chủ tịch Quốc hội. Ông Chủ tịch Quốc hội sẽ giới thiệu Chủ tịch nước để Quốc hội phê chuẩn. Tiếp đó ông Chủ tịch nước lại giới thiệu Thủ tướng để Quốc hội phê chuẩn, rồi Thủ tướng giới thiệu các bộ trưởng để Quốc hội phê chuẩn,… cứ như thế bộ máy chủ chốt của nhà nước được điền đầy.

Rõ ràng nhiệm vụ của Quốc hội chỉ là phê chuẩn chứ không hề có bầu bán, cạnh tranh công bằng.

Điều này giống như giải bóng đá trước khi vào giải người ta đã tìm được đội vô địch, sau đó là đội thứ hai, thứ ba,… Vậy thì giải đấu không thể và không hề diễn ra, dù cho vẫn có nhà vô địch. Và chắc chắn đội vô địch không phải là đội mạnh nhất, vì chẳng ai biết được nếu không có thi đấu.

Vì không thể có sự cạnh tranh thông qua bầu cử và tranh cử tự do mà Đảng cộng sản đang trượt dài trong vũng lầy quyền lực, các thế hệ càng về sau trình độ, năng lực càng kém vì không trải qua cọ sát, rèn luyện và cạnh tranh. Sự chọn lựa nhân sự chỉ theo cảm tính cá nhân của các nhân vật từ cao xuống thấp. Sự phân bổ quyền lực theo kiểu hình kim tự tháp từ trên xuống chỉ có thể tìm ra được những con người thủ đoạn, nịnh hót, chạy chọt chứ không thể nào tìm được những con người quản lý có năng lực thật sự.
Tuân Phạm
*Bài được viết theo góc nhìn cá nhân của tác giả một người đang học tập và làm việc tại Cộng hòa Séc.
(BVN)

Sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc

Cho tới nay, sách giáo khoa môn Lịch sử của Việt Nam chỉ có không đến 10 dòng viết về cuộc chiến tranh biên giới, mà theo GS Vũ Dương Ninh (người tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa lịch sử hiện hành) thì cách nay 7-8 năm, “đưa được chừng ấy dòng vào sách giáo khoa cũng là một sự quyết tâm của các tác giả” (xem Tuổi Trẻ, 20.2.2013).
Công việc nghiên cứu lịch sử trước sau vẫn đòi hỏi tính trung thực, vì thế với tầm nhìn xa về lợi ích lâu dài, ngay cả khi cần viện dẫn đến quyền lợi dân tộc, cách viết lịch sử nói chung chỉ cần trình bày đúng các sự kiện như chúng đã diễn ra mà không nhất thiết phải chêm thêm vào những lời bình luận chủ quan theo hướng tuyên truyền.

Năm 2007, trong khi tình hình quan hệ Việt-Trung vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, được biết có một quyển sách do NXB Lao Động tập hợp những bài viết của một tác giả chuyên khảo về sử địa-văn hóa Việt Nam và khu vực Đông Á-Đông Nam Á vừa ấn hành xong thì có lệnh thu hồi chỉ vì có một bài viết liên quan đến cuộc đăng quang năm 2000 của Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Trần Thủy Biển vốn bị Trung Quốc công kích kịch liệt vì chủ trương “Đài Loan độc lập” của ông này. Việc thu hồi quyển sách như vậy đã được thực hiện vội vã bởi một lý do khá mong manh, có lẽ xuất phát từ những chuyện nhạy cảm về ngoại giao giữa hai bên tranh chấp.

Trước đó một năm, khi chủ biên-hiệu đính quyển Từ điển Lịch sử Trung Hoa (NXB Thanh Niên, 2006) vốn được biên soạn căn cứ chủ yếu vào một sách chữ Hán có đề tài tương tự do Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã ấn hành năm 1996, đến mục từ “Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979”, chúng tôi đã tự động bỏ bớt trước khi qua khâu biên tập chính thức của NXB, vì biết đây thuộc vấn đề nhạy cảm, tuy có thể viết lại mục từ này theo một cách trình bày khác, trung thực hơn.

Thật ra, chúng tôi đơn giản chỉ biên dịch thôi chứ chưa hẳn viết sử, nhưng trong một quyển lịch sử Trung Quốc mà bỏ qua giai đoạn chiến tranh biên giới Việt-Trung (các năm 1979, 1988…) thì rõ ràng là thiếu, và những người biên soạn như vậy coi như cũng không làm tròn trách nhiệm đối với độc giả.

Nhắc lại vài câu chuyện nho nhỏ trên đây để bây giờ chúng ta cũng có phần nào thông cảm với những người biên soạn sách giáo khoa về môn Lịch sử, khi họ, vì những lý do tế nhị tương tự, cũng đã bỏ qua một nội dung quan trọng khiến cho thế hệ trẻ ngày nay, hầu như không ai biết gì về cuộc chiến tranh đó cả, hoặc chỉ biết một cách rất lờ mờ khi có ai tò mò tìm đọc những bài viết không chính thức trên mạng Internet.

Thời gian mấy tháng gần đây, do tình hình diễn biến ngày một khác đi trong mối bang giao Trung-Việt cuộc chiến tranh Việt-Trung khởi từ tháng 2. 1979 mới được khơi lại một cách công khai trên một số phương tiện truyền thông, đi cùng với việc một số bậc thức giả đặt vấn đề cần phải đưa đầy đủ vào sử sách những nội dung liên quan đến cuộc chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên giới năm 1979 của nhân dân Việt Nam.

Ở đây có một vấn đề chung hết sức phức tạp đối với mọi người làm sử trong bối cảnh lịch sử cụ thể hiện tại, đó là mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc. Nếu việc nói lên sự thật như một đòi hỏi tất yếu của khoa học lịch sử mà có phương hại cụ thể đến quyền lợi quốc gia, trong điều kiện mối quan hệ đặc thù giữa hai nước như trong trường hợp Trung Quốc với Việt Nam thì người viết sử có thể làm được những gì?

Nói chung, về cơ bản cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử.

Các sử gia Trung Quốc, vì những lý do thuộc về chính trị, có lẽ họ cũng vấp phải những trục trặc ngoài ý muốn khi bắt buộc phải xuyên tạc lịch sử theo ý đồ chính trị. Vài quyển lịch sử Việt Nam do người Trung Quốc gần đây viết bằng chữ Hán, như Việt Nam thông sử của Quách Chấn Đạc-Trương Tiếu Mai xuất bản năm 2001 đã cố ý giải thích sai một số sự kiện lịch sử, như cho Việt Nam đã trở thành đất đai của các vương triều Trung Quốc dưới thời Bắc thuộc, nên những cuộc nổi dậy của Trưng Trắc, Lý Bí, Khúc Thừa Dụ… đều bất hợp pháp, là hành động phản loạn nhằm thiết lập chính quyền phong kiến cát cứ, tách khỏi đại gia đình đa dân tộc thống nhất Hoa Hạ (xem bài viết của Trần Nghĩa, Tạp chí Hán Nôm, 2(63), 2004, tr. 64). Riêng trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, các sách giáo khoa môn Sử cũng như các phương tiện thông tin tuyên truyền khác đều dạy cho học sinh và mọi người Trung Quốc rằng “đường lưỡi bò” chín đoạn trên biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc, còn Việt Nam là nước chủ động xâm lăng Trung Quốc nên Trung Quốc cần phải tự vệ và “dạy cho chúng bài học”…

Ở đây, rõ ràng, vì quyền lợi dân tộc hẹp hòi mà đã cố ý bóp méo sự thật lịch sử, bất chấp việc làm như thế sẽ có tác hại lâu dài, là dần dần làm biến dạng những đức tính tốt đẹp cố hữu của nhân dân Trung Quốc, thứ vốn xã hội cần thiết để dân tộc Trung Quốc có thể xây dựng tương lai cho mình một cách bền vững mà vẫn không cần xâm hại đến những dân tộc khác.

Phải thành thật nhận rằng, trong quá khứ, khi hai nước còn thân thiện với nhau, đường lối chính trị hóa triệt để học đường theo kiểu Trung Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định tới cách hành xử của Việt Nam trong một số vấn đề thuộc phạm vi giáo dục. Nhớ lại hồi năm 1979, sau cuộc đụng độ ở biên giới Việt-Trung, Bộ Giáo dục Việt Nam đã có văn bản chỉ thị xóa bỏ trong sách giáo khoa văn học tất cả những bài học liên quan đến văn học, văn hóa, đời sống Trung Quốc, như bài “Vịt Bắc Kinh” ở bậc tiểu học, các bài về Kinh Thi, Tây du ký… ở bậc trung học. Đến sau, khi hòa hoãn trở lại, những bài học này mới được phục hồi. Việc làm có vẻ ấu trĩ của một thời người ta hầu như không phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa văn hóa-giáo dục với chính trị, và giữa những giá trị phổ biến nhân loại với những lợi ích dân tộc nhất thời.

Công việc nghiên cứu lịch sử vì vậy trước sau vẫn đòi hỏi tính trung thực, để giáo dục công dân trong nước trước hết sự lương thiện rồi mới đến những phẩm chất khác như yêu nước, yêu lao động… Vì thế với tầm nhìn xa về lợi ích lâu dài, ngay cả khi cần viện dẫn đến quyền lợi dân tộc, cách viết lịch sử nói chung chỉ cần trình bày đúng các sự kiện như chúng đã diễn ra trong quá khứ rồi kết nối lại thành một trình tự dễ theo dõi mà không nhất thiết phải chêm thêm vào những lời bình luận chủ quan theo hướng tuyên truyền.

Năm ngoái, Hội Sử học Việt Nam có đặt vấn đề lập kế hoạch biên soạn lại một bộ thông sử Việt Nam theo hướng trung thực hơn, vượt ra ngoài những giới hạn của vấn đề ý thức hệ. Thiết tưởng đây là chiều hướng tích cực đáng được thúc đẩy, và có thể nhân cơ hội soạn lại này, chỉnh sửa ngay một số những sự kiện lịch sử sai lạc (như nói Mai Thúc Loan khởi nghĩa năm 722 vì uất ức trong chuyện phải tham gia đoàn người gánh trái vải nộp cống cho nhà Đường…, nói trong Lịch sử lớp 6, tr. 64; hay một số nhận định chưa chính xác về triều Nguyễn, về Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh…), đồng thời đưa thêm những nội dung mới lâu nay kiêng kỵ vì những lý do chính trị này khác, như cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974, cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung những năm 1979, 1988…

Nếu đã có chính nghĩa đàng hoàng, thì sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc, xét theo hướng lợi ích lâu dài, chẳng những không hề trái nghịch mà còn thống nhất, dung hợp được với nhau một cách hài hòa, biện chứng.
  (Tia Sáng)

Đào Tuấn - Nụ cười và nắm đấm


Có sự cùng quẫn giống như một sự oan ức. Có cái tâm con người bị xáo trộn. Có một sợi dây đàn đang căng như những bức xúc xã hội

Một người đàn ông mù đứng trên bờ dòng sông lười tại một công viên nước. Và… vạch quần, tiểu vào những người đang thư thả nằm phao trôi ra từ đường hầm.

Đây là một trong những trò kinh điển của loạt chương trình hài Just For Laughs Gags nổi tiếng trên toàn thế giới.
Những “nạn nhân Canada” đã khó chịu không che dấu. Và họ phản ứng bằng cách la hét (để cảnh báo), ngã lộn xuống nước (vì tránh), hay nhảy lên bờ để “nói chuyện phải quấy”, tất nhiên, cũng chỉ nói bằng…mồm.

Nhắc lại, Just For Laughs Gags là chương trình hài được làm theo kiểu giấu camera, làm trò ngớ ngẩn để đối tượng không nghi ngờ và chộp những phản ứng hoàn toàn tự nhiên của họ.

Nhưng nếu trò chơi tè nhầm này diễn ra ở Công viên nước Hồ Tây chẳng hạn, không hiểu, những phản ứng của người dân chúng ta sẽ thế nào?

Một sự thông cảm? Chút xíu càu nhàu? Một mẹt các loại thịt thừa vào mặt? Hay “nói chuyện phải quấy” bằng nắm đấm?

Rất khó để lấy những hình ảnh nữ sinh đánh ghen lột quần lột áo, thanh niên tóc xanh tóc đỏ ngay và luôn xử nhau bằng mã tấu, côn đồ ngập bệnh viện, hay những vụ nổ súng đang khiến cả xã hội bất an, để đánh giá nền tảng ứng xử cơ bản của một xã hội, một dân tộc, nhưng tình trạng bạo lực đến mức bất an như hiện nay, rõ ràng, đang đặt ra một câu hỏi lớn về sự…hài hước.

Năm ngoái, kết quả một cuộc thăm dò mang tên “Tiếng nói của người dân”, do Viện thăm dò BVA của Pháp thực hiện tại 53 quốc gia đã đưa ra khẳng định “Việt Nam dẫn đầu danh sách các quốc gia lạc quan nhất”.

Nói chính xác hơn, người dân Việt Nam lạc quan nhất thế giới, rất lạ là từ niềm tin vào triển vọng kinh tế. Nhưng lạc quan nhất thế giới không có nghĩa là họ biết đùa, càng không phải biết cách giải quyết vấn đề bằng một cách thức lạc quan.

Ngày hôm qua, có 2 ý kiến đã nhắc tới những vụ nổ súng ở Thái Bình, ở Đồng Nai gần đây.

Trước nghị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhắc lại “Những vụ việc đau lòng như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình”, để nói về định chế, và thực tế thu hồi đất với những “Mâu thuẫn, xung đột lợi ích gay gắt”.

Mâu thuẫn gì? Mâu thuẫn như thế nào khiến những người hiền như cục đất phải khỏa thân, rào làng, lập miếu để giữ đất, và xả súng để giải quyết?

Đó là “cán cân lợi ích”, mà theo bà Nga, đang “nghiêng hẳn về phía nhà đầu tư, người được lợi ít hơn là nhà nước còn người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân”.

Trong khi đó, một Phó giáo sư, tiến sĩ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển- Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh lý giải “cái tâm của con người bị xáo trộn, như một sợi dây đàn căng lên đầy sự bức xúc xã hội”, bằng nguyên do Mỹ và cơ chế thị trường.

Bên cạnh nguyên nhân “mặt trái của những vấn đề pháp luật”: “Pháp luật xử có nghiêm, có đúng không hay còn để tồn tại những nỗi oan ức khiến người ta không xử với nhau bằng pháp luật được mà phải dùng tới luật rừng?”, vị Phó giáo sư tiến sĩ cũng khẳng định “Đó là mặt trái của cơ chế thị trường, của những ảnh hưởng từ lối sống bạo lực bên ngoài”. “Chẳng hạn như lối sống của nước Mỹ, dùng súng có thể để tự vệ nhưng cũng có thể để thể hiện bản năng “cuồng sát” của một số người.

Đúng là đằng sau những vụ bạo lực có những mâu thuẫn đóng vai trò nguyên nhân.

Có sự cùng quẫn giống như một sự oan ức.

Có cái tâm con người bị xáo trộn.

Có một sợi dây đàn đang căng như những bức xúc xã hội.

Nhưng không phải vì thế mà người ta giải quyết vấn đề bằng súng ống, dao kiếm, hay tự hủy như vụ tự thiêu ngay trước trụ sở Công an phương, chỉ vì một món nợ nhỏ, và bị xã hội đen thúc ép.

Và cũng đừng giải thích nguyên nhân bằng thủ phạm vô hình “cơ chế thị trường” hay “lối sống bạo lực từ bên ngoài”.

Cách nhìn nhận vấn đề cho biết hậu quả hay kết quả.

Muốn có một nụ cười, thay cho nắm đấm, chẳng hạn chỉ trong một trò chơi “Công viên nước”, có lẽ, những bức xúc xã hội ngay từ khi nó chưa thành hình phải được giải tỏa, bằng một lẽ công bằng trước nhất từ vấn đề lợi ích. Chứ không phải nhìn sang trại thủy quân Mỹ để tìm kiếm nguyên nhân, hay tự ru ngủ bằng những góa phụ trắng ở Kenya.
Đào Tuấn
(Blog Đào Tuấn)

Chữa bệnh thành... mãn tính

Đó là kết quả "điều trị" bệnh cho thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau 61 phiên đấu thầu với khoảng 60 tấn vàng được đưa ra thị trường. Bệnh mãn tính là bệnh "tới hẹn lại lên" và không thể chữa khỏi nếu vẫn cứ sử dụng thuốc cũ.
Cứ mỗi tuần 2-3 phiên, mỗi phiên 1- 2 tấn vàng và một nhóm đơn vị tham gia, sau nửa năm thực hiện đấu thầu vàng, thị trường hiện nay rơi vào tình trạng mãn tính: ngưng đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới lại vọt lên. NHNN lại tiếp tục đấu thầu tung vàng ra vì đơn vị này đã tuyên bố "không bỏ trận địa vàng". Thế là cứ đấu thầu, NHNN cứ bán vàng, các NHTM cứ mua vàng. Còn thị trường, các chuyên gia, người dân vẫn cứ thắc mắc "vàng đấu thầu đi đâu" mà chưa có một câu trả lời nào thực sự khiến người ta thỏa mãn.
Công bố mới nhất của NHNN cho rằng, trong khoảng 60 tấn vàng cung ra thị trường qua đấu thầu có 30 tấn được các NHTM sử dụng để tất toán trạng thái, 30 tấn còn lại bán ra thị trường cho người dân. Nhưng "người dân" nào mua 30 tấn vàng còn lại không được và không thể xác định. Tuy nhiên, với "lịch sử" giao dịch vàng của các NHTM lớn trên thị trường thể hiện qua báo cáo tài chính (trước thời điểm tất toán vàng ngày 30.6.2013) cho thấy, số lượng vàng gửi của khách hàng nhỏ, lẻ chiếm rất ít, chỉ 1/10, thậm chí có NH tỷ lệ này chỉ là 1/20 trong tổng lượng vàng huy động được. Phần lớn còn lại là vàng được huy động thông qua phát hành chứng chỉ vàng (dành cho khách hàng lớn, khách VIP).
Đó là chưa kể, sau 6 năm kinh tế khó khăn liên tục, hết lạm phát lại sang đình đốn, lương không theo nổi giá; nhiều gia đình chật vật mới đủ sống, chuyện mỗi tuần, mỗi tháng mua vàng tích trữ không hề đơn giản. Nên nói 30 tấn vàng đấu thầu là "người dân mua" thì rất không dễ tin. Cuộc chơi vàng với số lượng lớn, lên tới vài chục tấn trong một thời gian ngắn có lẽ chỉ trong một nhóm khách hàng VIP, đại gia, giới đầu cơ lướt sóng... mà thôi. Nếu nhìn với khía cạnh đó, phải chăng số vàng đấu thầu đã cung cấp cho các đối tượng này?
Nhưng ngay cả khi tổ chức đấu thầu liên tục, NHNN cũng không hề có ý định kéo chênh lệch giá vàng xuống thấp, thể hiện qua việc luôn bỏ giá đấu thầu cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trước đây nếu chủ yếu phụ thuộc vào tỷ giá, tỷ giá tăng thì chênh lệch tăng và ngược lại thì bây giờ, phụ thuộc vào NHNN và đơn vị này lại quyết không bán với giá thấp. Đến đây, dư luận bắt đầu hỏi về mục đích độc quyền cũng như tổ chức đấu thầu vàng của NHNN.
NHNN luôn đưa ra 2 lý do là bình ổn giá và chống vàng hóa. Về bình ổn giá thì như vừa phân tích trên, chênh lệch giá vàng kể từ ngày độc quyền và tổ chức đấu thầu luôn duy trì từ 3 triệu đồng - 7 triệu đồng/lượng và có thể khẳng định, đây là chủ ý của NHNN. Bởi vàng cũng như tất cả các ngành độc quyền khác, giá là do đơn vị độc quyền quyết định chứ không phải do thị trường. Về chống vàng hóa thì càng không đúng vì không thể coi việc cung hàng trăm tấn vàng ra thị trường là giải pháp chống vàng hóa.
Điều gì khiến NHNN cứ phải tiếp tục duy trì việc độc quyền, đấu thầu vàng khi thực tế đã chứng minh, các giải pháp này không mang lại kết quả như tuyên bố của chính đơn vị này, như mục tiêu của Chính phủ và sự chờ đợi của người dân?
Nguyên Hằng
(Thanh niên)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Dứt khoát không thể vay về để ăn tiêu”

Phiên họp thường kỳ tháng 9/2013, các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về phương án phát hành và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 và giai đoạn 2014 - 2016.


Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong năm tới, khoản nào tăng thu, giảm chi được thì phải quyết liệt làm bằng được

Theo báo cáo của Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội thông qua là 225 nghìn tỷ đồng. Đến hết năm 2013 đã giao kế hoạch là 150 nghìn tỷ đồng. Số vốn kế hoạch trái phiếu Chính phủ còn lại 2 năm 2014 - 2015 là 75 nghìn tỷ đồng.

Ngoài số vốn nêu trên, đến nay nhiều bộ, ngành địa phương đã đề xuất bổ sung thêm vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các dự án trong danh mục đầu tư còn dở dang, thiếu vốn và một số dự án mới như quốc lộ 1A, quốc lộ 14…với tổng vốn đến năm 2016 khoảng 500 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hiện Bộ đã lên kế hoạch phát hành và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 với tổng mức khoảng 360 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả 75 nghìn tỷ còn lại trong kế hoạch và 285 nghìn tỷ đồng bổ sung.

Với kế hoạch như trên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng “vẫn đảm bảo an toàn nợ công”.

Trong khi đó, nói về tình hình thu chi ngân sách, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, trong 2 năm trở lại đây, ngân sách vô cùng khó khăn nên nhiều lúc phải xử lý “theo tình huống đặc biệt”.

Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phân bổ ngân sách năm 2014.

“Xu hướng kinh tế đang tốt lên nếu nhìn vào các báo cáo. Mọi cái đang rõ nét hơn, nhiều chỉ số tốt lên nhưng thu ngân sách lại khó, năm 2013 hụt thu 100 tỷ đồng, còn năm 2014 dự toán chỉ tăng 5.000 tỷ đồng so với năm 2013 mà doanh nghiệp vẫn kêu là sao”, Phó thủ tướng thắc mắc.

Trao đổi thêm về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng “bội chi ngân sách trong năm tới dứt khoát phải dùng cho đầu tư phát triển, dứt khoát không thể dùng để ăn được”.

Quan điểm của Bộ trưởng Thăng sau đó cũng đã nhận được sự đồng thuận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo Thủ tướng, khoản nào tăng thu, giảm chi được thì phải quyết liệt làm bằng được. Năm tới, Chính phủ sẽ xin Bộ Chính trị tăng bội chi ngân sách nhưng dứt khoát phải chi cho đầu tư phát triển, “không thể vay về để ăn tiêu”.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Thăng, để tiết kiệm cho ngân sách, hiện nay rất nhiều khoản chúng ta có thể bỏ, không chi, chẳng hạn như chi cho cán bộ tham quan, học tập nước ngoài…theo ông là “chả có tác dụng gì”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thăng cũng cho rằng hiện thất thu ngân sách là khá lớn, bởi có hiện tượng cán bộ thuế liên kết với doanh nghiệp để tư vấn bớt thuế, sau đó chia đôi khoản trốn thuế.

“Bây giờ các cơ quan đi mua hàng chục máy tính nhưng nếu có hoá đơn thì giá tiền khác, không hoá đơn thì tiền khác”, Bộ trưởng Thăng nói.

Bộ trưởng cũng đề nghị kiên quyết thực hiện giá thị trường, không bao cấp, bởi theo ông “nhiều chính sách hiện nay áp dụng cho người giàu cũng như người nghèo”.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian tới, điều hành của Chính phủ vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mục tiêu 7%, vì vĩ mô đã tốt hơn nhưng chưa vững chắc.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho sản xuất kinh doanh để đạt được GDP 5,4% trong năm nay.

Dẫn một ví dụ về sự quan tâm tới thương mại, doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, trong chuyến công tác vừa qua tại Mỹ, Việt Nam có ký gói thầu mua động cơ máy bay của Mỹ và Tổng thống Obama đã yêu cầu đích thân ông và Thủ tướng Việt Nam phải chứng kiến lễ ký, thay vì Bộ trưởng Thương mại Mỹ.

“Tôi nói như vậy để chúng ta thấy rằng, phải hết sức lo cho doanh nghiệp và lo từng việc cụ thể”, Thủ tướng nói.

Về vấn đề khác của nền kinh tế như xử lý nợ xấu, Thủ tướng giao cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro, không để phát sinh nợ xấu, tăng dư nợ tín dụng lên.
Bảo Anh
(VnEconomy)

Bốn chục ngàn tiền xem xiếc và tiếng khóc trẻ thơ


Đề nghị phụ huynh cho con khẩn trương vào trường ổn định chỗ ngồi vì đã sắp đến giờ biểu diễn. Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học...
Đây là nguyên văn thông tin của một phụ huynh viết trên trang mạng xã hội: “Nhân kỷ niệm ngày 2.9, Trường Mầm non T.M - A (Hà Nội) tổ chức cho các con xem xiếc tại sân trường. Chi phí phải đóng của mỗi con là 40 ngàn đồng. Phụ huynh các bạn nhỏ hồ hởi đóng góp cho con.
Sáng 30.8, đoàn xiếc về trường, nhạc tưng bừng phấn khởi. Từ phòng giám hiệu tiếng cô giáo trên loa tròn vành rõ chữ: Alô, alô, đề nghị các vị phụ huynh cho con khẩn trương vào trường ổn định chỗ ngồi vì đã sắp đến giờ biểu diễn.
Để công bằng cho các em đã đóng tiền, đề nghị những em chưa đóng tiền ngồi nguyên trong lớp học không được ra sân. Thảng thốt nghe đâu đó tiếng khóc, tiếng sụt sịt, tiếng xì mũi, tiếng nấc của những đứa trẻ mà bản thân chúng nó không hiểu sao bố mẹ không đóng nổi cho nó bốn chục ngàn…”.
Đọc xong, tôi thấy choáng.
Chả nhẽ bài học đầu đời của các trẻ mầm non là sự lạnh lùng của “kinh tế thị trường” độc ác và tàn nhẫn vậy? Nếu đúng như lời phụ huynh ấy viết, các thầy cô Trường Mầm non TM - A kia quả thực chưa biết làm thầy và chưa xứng đáng là người thầy.
Rồi câu chuyện này sẽ để lại ấn tượng sâu sắc lắm trong những đứa trẻ bị “tạm giam” trong lớp vì cha mẹ thiếu tiền đóng góp. Lớp học bỗng biến thành “nhà tù” tạm thời nhốt các em chỉ vì cha mẹ chúng thiếu mấy chục ngàn. Sau này lớn lên đừng trách ai trong số chúng ích kỉ, sống vô cảm và không có lòng nhân ái. Các thầy cô liệu có thấy tương lai vậy không?
Tôi đã nhắn tin cho phụ huynh nọ để xác minh lại sự việc và được khẳng định đúng như như những gì cô đã viết.
Không biết trên đất Thủ đô còn có trường nào làm cái việc giống thế không. Đó là thông tin mà những người nắm ngành giáo dục cần biết để mà nhanh chóng xem lại đội ngũ thầy cô. 
(Dân Việt) (thầy cô dạy thế này chuẩn đấy chứ, từ bé các cháu đã được dạy dỗ rằng đời không có công bằng đâu, mạnh ai nấy sống thôi!)

Bắt khẩn cấp nguyên TGĐ dự án B5 Cầu Diễn

Liên quan tới dự án B5 Cầu Diễn – Từ Liêm - Hà Nội, Cơ quan CSĐT C46 Bộ Công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Văn Tuẫn –nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội.
 
Cơ quan cảnh sát điều tra C46 Bộ Công an vừa thực hiện khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 thángvới ông Nguyễn Văn Tuẫn – nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Liên quan tới dự án khu chung cư cao tầng B5 Cầu Diễn - khu đô thị Thành phố giao lưu (huyện Từ Liêm, Hà Nội) với tổng số tiền là hơn 100 tỷ đồng.
Ảnh minh họa

Dự án chung cư B5 Cầu Diễn bị đắp chiếu từ nhiều năm nay
  do chủ đầu tư không có năng lực tài chính để triển khai
Dự án B5 Cầu Diễn là dự án liên danh giữa 2 đơn vị làcông ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội và công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing. 
Thời điểm năm 2009-2010, với vai trò làm tổng giám đốc ông Nguyễn Văn Tuẫn đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing để cùng thực hiện dự án B5 Cầu Diễn. Trong đó, tỷ lệ góp vốn công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội là quyền sử dụng đất chiếm 40%, Tập đoàn Housing là 60% góp bằng tiền mặt để thực hiện dự án.
Căn cứ vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Tập đoàn Housing, ông Nguyễn Văn Tuẫn đã ký hợp đồng góp vốn của hơn 200 khách hàng mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn. Tuy nhiên số tiền trên đã không được dùng vào dự án mà bị ông Tuẫn sử dụng vào việc khác. Cho đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống.
Tuy nhiên thì theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ ông Tuẫn huy động vốn mà bà Châu Thị Thu Nga-Chủ tịch công ty CP tập đoàn đầu tư nhà đất Housing cũng đã huy động vốn của vài trăm khách hàng cùng thời điểm trên với số tiền từ 30-40% giá trị căn hộ nhưng không triển khai. Lo ngại bị mất vốn, khách hàng đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.
Dự án chung cư B5 Cầu Diễn bao gồm 6 tổ hợp chung cư cao trên 40 tầng với số lượng gần 2.000 căn hộ. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.000 tỷ đồng. Phía chủ đầu tư cho biết, hiện dự án này đã hoàn thành đầy đủ thủ tục về mặt pháp lý.
Được biết, dự án chung cư B5 Cầu Diễn là dự án thành phần của khu đô thị Thành phố giao lưu Tây Hồ Tây. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án Tây Hồ Tây, UBND TP Hà Nội vừa quyết định giao lại toàn bộ việc thực hiện dự án chung cư B5 Cầu Diễn cho Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét