Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Một căn bệnh đã biết cách chữa, thuốc chữa có sẵn mà không chữa cho người bệnh, chỉ vì họ nghèo! Một liều thuốc có thể cứu được một mạng người, nhưng họ coi 10 triệu đồng lớn hơn sinh mạng một con người!

THĂM BỆNH, NGHĨ MÀ ĐAU !

Tôi đến thăm cụ H, mẹ người bạn cựu chiến binh ở đơn vị cũ bị đột quỵ đang điều trị ở bệnh viện Thống Nhất. Bệnh viện này do kiến trúc sư Trần Văn Quyền thiết kế, khởi công từ giữa năm 1970, đến đầu năm 1974 hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ tiền xây dựng, đặt tên là “Bệnh viện Vì Dân”. Tất cả 600 giường bệnh, khang trang thiết kế theo kiểu khách sạn, thiết bị y tế hiện đại nhất ngày ấy chỉ phục vụ dân nghèo không lấy tiền.
Sau ngày 30-4-1975, “Bệnh viện Vì Dân” đổi tên là “Quân y viện Thống Nhất”. Năm 1978, quân đội chuyển giao cho Bộ y tế, đổi tên là “ Bệnh viện Thống Nhất”, (có thể nói : thay mục đích và nhiệm vụ bằng ‘bệnh viện Vì Quan’(.. Bởi từ sau ngày giải phóng, ở đây chỉ khám chữa bệnh cho cán bộ trung-cao cấp, và được phân ra các khu A1, A2, B1, B2 … tùy theo cấp bậc, chức vụ. Ví dụ khu A1 phải từ bậc thứ trường trở lên hoặc cán bộ lão thành cách mạng đã từng giữ chức vụ tương đương. Cán bộ cấp thấp nhất được vào điều trị ở bệnh viện Thống Nhất cũng phải cỡ chuyên viên, bởi thế người ta còn gọi là “Bệnh viện trung cao”. Mấy năm gần đây để tăng thu nhập thêm, ban giám đốc dành ít phòng nhận bệnh nhân là dân thường khám chữa bệnh dịch vụ.
Anh Lung con cụ H, nói với tôi:
- Mẹ tôi có bảo hiểm y tế, vào đây điều trị bán dịch vụ, tiền phòng mình trả, tiền thuốc bảo hiểm y tế trả. Mẹ tôi nhập viện 26 ngày rồi, nhưng mai tôi phải cho cụ về, vì hết hy vọng rồi bác ạ!
Mẹ anh Lung nằm ở khoa nội thần kinh , lầu 2. Căn phòng khoảng 9 m2, kê 3 giường bệnh . Từ giường , tủ đến bồn rửa, cầu tiêu đều cũ kỹ, nhiều chỗ đã bong tróc, nền gạch đã xỉn màu. Nghe nói mấy năm nay bệnh viện được đầu tư nâng cấp mấy lần, tốn nhiều tiền, nhưng chỉ tập trung vào khu AI, A2… dành cho cán bộ cấp cao.
Ngoài mẹ anh Lung còn hai bệnh nhân, một nam, một nữ đều bị đột qụy do tai biến mạch máu não. Phòng quá chật nên mỗi bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc, lúc làm thuốc thì phải ra ngoài hết vì không có chỗ xoay trở.
Một người nhà bệnh nhân cùng phòng nói với tôi :
- Mỗi bệnh nhân một ngày mất hai trăm ngàn tiền phòng đấy bác nhà báo ạ! Dịch vụ mà! So với bệnh nhân bảo hiềm y tế ở Bệnh viện ung biếu, Chợ Rẫy, Nhi Đồng… còn sướng chán. Ở đó hai, ba bệnh nhân nằm chung một giường , có khi phải nằm ngoài hành lang.
Chị buồn bực chỉ tay lên trên lầu:
- Ở trên có những căn phòng rộng rãi, khang trang như phòng khách sạn 5 sao , chỉ có một bệnh nhân, nằm hàng tháng không mất tiền!
Lung ngắt lời :
- Tiêu chuẩn cán bộ cấp cao ai bì được!
Rồi anh quay sang nói với tôi:
- Có người nhà nằm bệnh viện mới biết nỗi đau của dân nghèo!
Lung thở dài, mắt ầng ậng nước nhìn mẹ mình co quắp trên giường bệnh. Bà cụ chỉ còn thoi thóp , hai mắt nhắm nghiền.
Lát sau Lung kéo tôi ra chiếc ghế ngoài hành lang , trong tâm trạng đầy bức xúc, anh kể:
- Mẹ tôi vào đây, ba ngày đầu được truyền ba chai nước biển sau đó mỗi ngày chỉ bơm hai típ súp lỏng. Tôi hỏi cô điều dưỡng viên :
- Sao không truyền thêm nước cho cụ?
Cô điều dưỡng viên trẻ trả lời:
- Chú đừng thắc mắc! Chữa bệnh thế nào đã có phác đồ điều trị của bác sỹ!
Hôm sau thấy bác sỹ trực đang ngồi thêu tôi nói :
- Mẹ tôi hai ngày nay không truyền nước , sức khỏe xuống quá bác sỹ !
Cô bác sỹ ngừng tay thêu, ngẩng mặt lên:
- Bà cụ bị suy tim không truyền nước được!
Nói xong, cô lại cúi xuống chăm chú thêu tiếp bức tranh Phật Bà Quan Âm . Từ hôm vào chăm sóc mẹ ở đây, tôi thấy từ điều dưỡng viên đến bác sỹ đều chăm chỉ thêu tranh. Họ ngồi trong quầy trực, thêu công khai trước mặt mọi người. Có khi người nhà bệnh nhân kêu, họ vẫn thêu ráng vài đường kim. Người thêu Phật, người thêu hoa, người thêu tranh phong thủy…
Như để chứng minh lời nói của Lung, cô điều dưỡng viên trong phòng trực đang thêu bông hoa hồng. Tôi biết chả riêng ở đây mà nhiều chỗ khác cũng vậy. Các bà các chị nhà mình bây giờ đâm nghiện thêu tranh Trung Quốc ! Những mẫu thêu Trung quốc dệt sẵn hàng loạt, đánh số từng ô, từng loại chỉ thêu, bán sang Việt Nam, giá từ vài chục đến vài trăm ngàn. Nghe nói một bức thêu hoàn hảo họ mua lại mấy triệu đồng. Tiền đâu chẳng thấy , nhưng có bức tranh sơn thủy, nó vẽ biển Đông cố tình đưa đường lưỡi bò và thành phố Tam sa vào, nhận của Trung quốc , chị em không hiểu cứ thêu tuốt mới thật đáng buồn…
- Nó lừa mình còn mình lừa nhau!
Anh Lung nói , và kể tiếp chuyện chữa bệnh của mẹ mình:
-Mẹ tôi điều trị hai tuần, bệnh không đỡ mà nặng thêm. Hôm mới vào hơn bốn chục kg, mắt còn mở, tay chân còn co duỗi, sau hai tuần mắt nhắm tít, ngưởi teo lại , bất động. Trong khi hai người bệnh cùng phòng hôm mới vào nguy kịch hơn , đều đã tình hơn một chút. Tôi dò hỏi vợ người bệnh bên cạnh, bà bảo:
-Phải mua thuốc ngoài !
Vì vẫn tin chế độ nghiêm ngặt của bệnh viện như điều dưỡng viên nói, nên tôi hỏi dồn:
- Thuốc gì, ở đâu, bác sỹ có cho phép không?
- Ông mới ở trên trời rơi xuống hả?
Ngưới nhà bệnh nhân kia mắng tôi, và bảo:
- Bệnh nhân bảo hiểm y tế không có thuốc đặc trị, phải mua ngoài !
Nghe bà ấy nói một hồi tôi mới sáng mắt ra. Bọn lính mình đến già vẫn thật thà như vậy! Tôi nói với một nữ bác sỹ trực :
- Nghe nói có loại thuốc đặc trị đột quỵ, bác sỹ cho đơn tôi mua ngoài!
Bác sỹ hỏi:
- Ai nói với anh?
- Người bệnh cùng phòng!
Bác sỹ hỏi:
- Gia đình có khả năng không?
- Không cũng phài cố, để tỏ lòng hiếu thảo với cụ!
- Sao không nói trước, giờ muôn rồi!
Tôi điếng người như bị gáo nước lạnh hắt vào mặt. Đưa mẹ nhập viện là giao tính mạng mẹ mình cho bác sỹ, tin tưởng tuyệt đối vào tài năng, y đức của người thầy thuốc. Cứ nghĩ bệnh nào thuốc ấy, bác sỹ điều trị theo nguyên tắc vì con bệnh, ngờ đâu lại vì tiền? Nếu vậy sao không nói thẳng ngay từ đầu để bây giờ bảo đã muộn?
Tôi cố dằn lòng nói với bác sỹ :
- Muộn còn hơn không, mẹ tôi cần thuốc gì, bác sỹ cho đơn để tôi mua ngoài!
Cô bác sỹ lấy giấy viết đơn thuốc đưa cho tôi , bảo:
- Xuống nhà thuốc bệnh viện mua cho bệnh nhân uống!
Gương mặt còn trẻ của cô bác sỹ bình thản, không gợn chút suy tư . Hình như việc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ngèo một cách qua loa, và nhìn người bệnh chết vì không có tiền mua thuốc đặc trị đã quen rồi. Không áy náy, không xúc động, không hề nghĩ đến y đức người thầy thuốc . Vậy mả ngay sau khi đưa tờ đơn thuốc cho tôi, cô ta lại cúi xuống thêu tiếp bức tranh Phật Bà Quan Âm, một biểu tượng về lòng từ bi cứu khổ cứu nạn!
Chúng tôi xuống quầy, mua một hộp thuốc “An cung ngưu hoàng hàn” giá 1.750.000 đồng, mang lên cho mẹ tôi uống. Uống liên tục năm ngày, mẹ tôi hơi tỉnh, khi con cháu vào thăm lay gọi, cụ chảy được mấy giọt nước mắt ra như khóc.
Nhưng với loại thuốc “An cung ngưu hoàng hàn” đó, bệnh mẹ tôi chỉ chuyển được như vậy thôi. Cụ vẫn hôn mê sâu. Tôi hỏi một bác sỹ chuyên khoa tim mạch, ông ấy bảo muộn rồi không chữa được nữa.
Theo bác sỹ chuyên khoa ấy, cách điều trị đột quỵ hiệu quả nhất là phải đánh tan huyết khối gây tắc nghẽn, bằng cách tiêm vào đường tĩnh mạch trước ba giờ, đường động mạch trước 6 giờ , hoặc dùng máy hút cục máu đông kết hợp tiêm tĩnh mạch. Cả ba phương pháp điều trị đều phải sử dụng loại thuốc tiêu sợi huyết Actilyse 50g, là loại thuốc duy nhất cho bệnh nhân đột quỵ.
Tôi hỏ Lung:
- Bác sỹ ở đây không biết phác đồ đó à?
Anh Lung phẫn uất buông một câu chửi thề, rồi nói:
- Biết chớ! Thuốc Actilyse 50g cũng có sẵn . Nhưng họ không tiêm cho mẹ tội , vì mỗi lọ thuốc Actilyse 10 triệu đồng, không nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
Tôi cảm thấy có cái gì dâng lên chẹn lấy cổ họng mình. Một căn bệnh đã biết cách chữa, thuốc chữa có sẵn mà không chữa cho người bệnh, chỉ vì họ nghèo! Một liểu thuốc có thể cứu được một mạng người, nhưng họ coi 10 triệu đồng lớn hơn sinh mạng một con người!
Mẹ anh Lung điều trị 27 ngày,tổng số tiền hết 28.000.000 đồng, bảo hiểm y tế thanh toán 17 .000.000 , gia đình thanh toán 11.000.000 , đó là chưa kể tiền thuốc mua ngoài. Tốn nhiều tiền như vậy, nhưng bà cụ xuất viện trong tình trạng hôn mê sâu,nói như anh Lung, là về để lo hậu sự. Nếu ngay từ khi mới nhập viện, bác sỹ tiêm cho bà cụ mũi thuốc Actilyse thì có lẽ hậu quả chưa đến nỗi ?
Câu chuyện mẹ anh Lung khiến tôi nhớ đến trường hợp cụ V. Cụ 83 tuổi thuộc thành phần có công với nước, có bảo hiểm y tế 100 % chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm thanh toán. Vì bị tăng huyết áp và viêm đường tiểu, cụ vào điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh cứ tái đi tái lại, nặng thêm, sức khỏe giảm sút, và cụ rất đau đớn. Chỉ đến khi chấp nhận mua thuốc ngoài thì bác sỹ mới xét nghiệm, phát hiện loại vi khuẩn Klebsiella terrigena đã kháng lại loại thuốc rẻ tiền trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế bác sỹ đã điều trị cho cụ. Cụ phải bỏ tiền mua loại thuốc Imcil 500mg (biệt dược Imipenem +Cilastalin ) với giá 278.000 đòng một lọ. Loại thuốc này không được bảo hiểm y tế thanh toán nên bệnh nhân không được tiêm.
Bệnh nhân cấp tính đã khốn khổ như vậy, bệnh nhân mãn tính còn khốn khổ gấp trăm lần. Ví dụ bệnh viêm gan siêu vi C, phác đồ điểu trị thường phải kéo dài hơn một năm, loại thuốc uống Ribavirin không đắt lắm nhiều người còn không có tiền mua, huống chi loại thuốc tiêm Peginterferon tới 17..000.000 đồng một lọ thì đào đâu ra tiền?…
Ôi, lại nghĩ: Bệnh viện là nơi cứu người. Cũng là thân phận con người cả, mà người ta lại phân biệt quan tâm chu đáo hơn với người này, chỉ lạng qua người khác, bỏ cho ai chết? Từ “Bệnh viện Vì Dân” của bà Nguyễn Thị Mai Anh năm xưa, thành “Bệnh viện Vì Quan” chỉ lo chính sách vốn đẳng từ thời bao cấp, dành cho cho quan chức cấp trung-cao. Gọi là chính sách với cán bộ, nhưng cả vài chục năm qua, nguồn thuốc cung cấp cho chính sách eo hẹp, ‘văn hoá phong bì’ cũng thâm nhập vào chốn chính sách ‘cung đình’ này. Cũng là cán bộ ngang nhau, nhưng người nhà bênh nhan nào biết cách nhiệt tình, bồi dưỡng’ cho thầy thuốc chu đáo, vừa lòng họ thì bệnh nhân được quan tâm ‘để mắt đến’ nhiêu hơn, thuốc được cấp cũng xịn hơn. Còn nếu không, cứ nằm dài dài, cho gì được đó. Không ít vị cán bộ đã phải ‘chạy làng’, tìm đến các bệnh viện khác, dù tốn tiền, nếu muốn nhanh khỏi bệnh và…muốn sống! Nay, bệnh viện Thống Nhất được ‘đổi mới’ có kèm theo các khoa Dịch vụ, từ đơn thuần bao cấp sang có thu – lại Vì Tiền, chỉ biết có tiền. Càng nghĩ sâu, thấm thía, càng đau.
Bác sỹ Trần Đông A phát biểu trong hội thảo bảo hiểm y tế: “Nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế có khả năng cứu sống rất cao, nhưng đành phải ra về lo hậu sự vì không có tiền !”.
Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội mang tính cộng đồng ,chia sẻ rủi ro với mọi người không may bị bệnh tật. Ngưởi bệnh hiểm nghèo chẳng mong gì hơn là được chữa tri bình đẳng. Nhưng bệnh nhân bảo hiểm y tế lại bị hắt hủi, khinh khi, phân biệt đối xử vì hầu hết họ là người nghèo,là cán bộ hưu trí bậc thấp, là người dân tộc thiểu số. Họ không có tiền vào phòng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để được chăm sóc tử tế, không được dùng các loại thuốc đặc trị và thiết bị y tế hiện y tế hiện đại… đã được “xã hội hóa” bằng sự “liên kết công tư”, là phương tiện để những thầy thuốc bất lương hái tiền.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng y tế nói “ Bảo hiểm y tế nước ta ưu viêt hơn vì được nhà nước hỗ trợ một phần tiền khám chữa bệnh!”
Vâng, chính sách rất nhân đạo, nhưng việc thực hiện lại đầu voi đuôi chuột. Thực tế, bệnh nhân bảo hiểm y tế nước ta đã và đang phải chịu cảnh khốn đốn mỗi khi khám và chữa bệnh. Bởi vỉ các nhóm lợi ích lũng đoạn, tìm mọi cách vét tiền dân , nhét đầy tiền vào những túi tham của họ. Một người lạc quan như phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mà đã phải nói thẳng trước cuộc họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đây: “ Tiền hỗ trợ dân nghèo, tiền chính sách thương binh liệt sỹ, tiền bảo hiểm y tế bị xà xẻo. Các cháu học sinh dân tộc thiểu số cũng bị hiệu trưởng ăn chặn. Liều vác xin cỏn con cũng bị bớt xén. Người ta ăn của dân không từ cái gì!”
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Các quy định do Bộ y tế ban hành đã có đầy đủ, ai không thực hiện nghiêm sẽ bị xử lý nghiêm minh!”. Một trong những quy định đó là cấm bác sỹ, điểu dưỡng viên nhận phong bì cùa người nhà bệnh nhân. Bộ trưởng Tiến tỏ ra rất kiên quyết: “Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sỹ, điều dưỡng viên nảo nhận thì chụp ảnh gửi cho chúng tôi”. Nhưng rồi cái nút thắt ấy cũng chính Bộ trưởng Tiến gỡ, là có thể nhận phong bì sau khi điều trị vì đó là “quà”.
Ngày 24-7-2013, một bức tâm thư của độc giả rất dài đã được đăng trên báo Kiến Thức, sau khi bà Bộ tưởng y tế có mặt ở Quảng Bình mà không đến thăm gia đình 3 cháu sơ sinh tại đây vừa chết vỉ tiêm vac xin. Trong thư có đoạn viết: “Thất vọng lắm! Đau đớn lắm! Nhưng tôi vẫn mong rằng những cái chất oan uổng của những đứa trẻ vô tội kia như hồi chuông đánh thức những con người chưa tận tâm , chưa có trách nhiệm cao trong công việc cao cả của mình!”.
Điều 2 trong 9 điều y đức của Hải Thượng Lãn Ông viết: “Nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém, khi lòng mình có chỗ không thành thật thì khó mong thu được kết quả!”.
Lời người xưa dạy thế, mong người thầy thuốc Việt Nam hãy nhớ lại và nhìn xuống ngưới nghèo. Họ đang thất vọng lắm, đau đớn lắm!
THEO MINH DIỆN, BÙI VĂN BỒNG BLOG

Sẽ huy động vàng trong dân theo cách nào?

Thị trường vàng lại nóng lên khi một số chuyên gia kinh tế lên tiếng chỉ trích chính sách quản lý vàng hiện nay. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, huy động vàng trong dân là vấn đề đang được tính tới, nhưng sẽ không huy động theo dạng “tiết kiệm” như trước.
Nhắc lại một vấn đề cũ, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện có hàng trăm tấn vàng nằm trong dân, trong khi nền kinh tế thiếu ngoại tệ cho đầu tư phát triển.
Do đó, việc huy động vàng trong dân là rất cần thiết nhằm giảm áp lực vay nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối, giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm nguồn lực để điều tiết thị trường vàng.
Cũng theo chuyên gia kinh tế này, Ngân hàng Nhà nước nên huy động bằng cách trực tiếp phát hành chứng chỉ vàng.
Tuy nhiên, cần quy định người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây.
Từ đó, vốn vàng có thể được sử dụng làm một nguồn lực dài hạn cho đầu tư phát triển.
Chia sẻ kiến nghị này, ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank cũng cho rằng, huy động vàng trong dân là cần thiết.
Bản thân ông đã từng viết Đề án Huy động vàng trong dân gửi Ngân hàng Nhà nước.
“Có nhiều cách để huy động nguồn vốn này trong dân, như huy động nguồn vốn bằng vàng sau đó gửi nước ngoài dưới hình thức gửi tiết kiệm và số vàng tiết kiệm đó làm tài sản đảm bảo để vay ngoại tệ. Ngoài ra, có thể huy động vàng rồi bán ra để lấy VND đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên, với hình thức này, phải sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro trượt giá”, ông Trúc nói.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, luồng ý kiến phản bác cho rằng, huy động vàng, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng khiến tình trạng vàng hóa gia tăng và kích thích tâm lý tích trữ vàng. Vay vốn bằng vàng, dù đã bớt rủi ro vì bảo hiểm trượt giá, thì vẫn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia trong tương lai. Chưa kể, trong bối cảnh vốn ngân hàng đang ứ thừa hiện nay, việc đặt vấn đề huy động vàng là chưa cần thiết.
Dĩ nhiên, việc các chuyên gia lo lắng, sốt ruột khi một lượng vàng lớn nằm “chết” trong dân là dễ hiểu. Song có lẽ còn đáng lo hơn nếu lượng vàng được “bơm” ra nền kinh tế một cách không hiệu quả. Nếu không khéo, an toàn của hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Việc các ngân hàng trả giá quá đắt vì huy động vàng thời gian trước đây chính là bài học khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng.
Trả lời vấn đề mà dư luận quan tâm, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) nhận định: “Huy động vàng trong dân là một nội dung rất lớn mà Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai trong thời gian tới. Vấn đề huy động, cho vay bằng vàng đã chấm dứt, quan hệ trên thị trường chuyển sang hoàn toàn là quan hệ mua – bán”.
Theo ông Huy, việc huy động vàng trong dân để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cũng là vấn đề dài hạn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như kinh tế vĩ mô cần được duy trì ổn định; giá trị của đồng Việt Nam cần được duy trì và được nâng cao; cơ hội sản xuất, kinh doanh và đầu tư cần được mở rộng. Khi đó, bản thân người dân sẽ tính toán lợi ích giữa việc giữ vàng hay bán vàng để đầu tư.
“Nhà nước cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để chuyển hóa nguồn vàng này thành nguồn vốn để đầu tư cho nền kinh tế”, ông Huy nhấn mạnh.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái khẳng định quan điểm chỉ huy động vàng trong dân theo quan hệ mua – bán, kiên quyết xóa sổ huy động vàng trong hệ thống ngân hàng.
Với sự quyết liệt này, Ngân hàng Nhà nước đã đạt được một số thành công nhất định, giảm bớt tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Song nhìn rộng ra thế giới, không có nước nào tràn lan vàng vật chất như Việt Nam. Bởi vậy, nếu vẫn không chấp nhận giải pháp sàn vàng, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sớm tìm ra câu trả lời khác cho thị trường vàng Việt Nam.
THEO BÁO ĐẦU TƯ

Thủ tướng chỉ đạo giảm giá xăng dầu, Bộ “chưa thể”


Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/9, ông Nguyễn Xuân Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trước mắt, Liên bộ Tài chính – Công Thương vẫn chưa thể giảm giá xăng dầu.
Một lần nữa đại diện Bộ Công Thương khẳng định, việc tăng, giảm giá xăng dầu vẫn phải tuân thủ theo quy định của Nghị định 84.
“Hiện Bộ Công Thương vẫn đang phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới theo giá cơ sở quy định bình quân 30 ngày. Mặc dù cuối tháng 9 này, giá xăng dầu thế giới có thấp hơn so với đầu tháng 9, tuy nhiên giá xăng dầu không giảm liên tục mà có lúc tăng, có lúc giảm nên sẽ được Liên bộ theo dõi sát, khi có điều kiện, Liên bộ sẽ tiến hành giảm giá ngay”, ông Chiến cho biết.
Tuy nhiên, việc áp dụng công thức tính giá bán lẻ xăng dầu hiện nay còn liên quan đến nhiều yếu tố khác như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá cũng như tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước, đại diện Vụ Thị trường trong nước làm rõ.
Trước mắt, Liên bộ Tài chính- Công Thương vẫn chưa thể giảm giá xăng dầu
Liên quan tới tiến trình phê duyệt nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, ông Chiến cho biết, ngày 18/9/2013, sau khi hoàn tất các thủ tục, đặc biệt có văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo ông Chiến, tại dự thảo mới trình Chính phủ phê duyệt, điểm thay đổi quan trọng đầu tiên là việc tính giá cơ sở, sau đó là việc giảm biên độ tăng giảm giá thấp nhất 5% so với Nghị định 84 đang là 7%. Đồng thời, doanh nghiệp được phép tự quyết giá trong biên độ 5% nhưng có sự giảm sát, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có liên quan.
Cụ thể, nếu giá cơ sở giảm trên 6%, sau khi áp dụng các giải pháp điều tiết về tài chính như thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá… thương nhân đầu mối được tiếp tục giảm giá bán lẻ. Ngược lại, khi giá xăng dầu thế giới tăng làm giá cơ sở biến động trong phạm vi 5%, thương nhân đầu mối được quyền chủ động tăng giá bán lẻ.
Theo ông Chiến, việc giao cho doanh nghiệp tự quyết định 5% không có nghĩa doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, mà quyết định vẫn phải có sự giám sát của cơ quan quản lý liên quan.
“Sau khi có sự thảo luận của Chính phủ và lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ kí nên từ nay đến khi Chính phủ ban hành nghị định mới vẫn có thể có những sửa đổi”, ông Chiến lưu ý.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 29/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một số chỉ đạo quan trọng liên quan đến kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Một mặt khẳng định, giá các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng hiện đang được nhà nước bao cấp như điện, xăng dầu dứt khoát phải tiếp tục tiến tới cơ chế thị trường nhưng để giữ ổn định nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chưa được lên phương án tăng giá điện, đồng thời trước tình hình căng thẳng Syria có phần dịu xuống, tác động tích cực đến giá dầu thô và xăng dầu thế giới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng xem xét, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cân nhắc việc giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Hiện giá xăng Ron 92 vẫn được giữ ở mức 24.270 đồng/lít và giá dầu mazut loại 3,0S ở mức 18.810 đồng/kg./.

Quản lý thị trường sẽ kiểm tra các công ty kinh doanh sữa

Cũng tại cuộc họp báo, liên quan đến việc dẹp “loạn” giá sữa, ông Chiến khẳng định: Bộ Công Thương cùng với Bộ Tài chính sẽ kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh sữa thuộc diện phải kê khai xem giá, cơ cấu giá có phù hợp hay không. “Nếu không phù hợp sẽ yêu cầu phải điều chỉnh lại”.
Ngoài ra, Bộ yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tiến hành kiểm tra các công ty kinh doanh sữa, nếu không thực hiện đúng quy định của pháp luật về mặt hàng này sẽ xử phạt theo quy định.
Theo ông Nguyễn Xuân Chiến, việc tăng giá sữa ngoại của một số hãng sữa trong thời gian qua (cụ thể từ đầu năm 2013 đến nay) chủ yếu do lợi dụng việc đổi tên gọi của sản phẩm này.
THEO TỔ QUỐC

Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc làm quan cho triều Nguyên ?

(nguồn : KienThuc.net.vn)
Trong lúc vua tôi nhà Trần đồng tâm hiệp lực cùng toàn dân chống quân Nguyên-Mông thì Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc (con thứ của hoàng đế Trần Thái Tông) chạy sang Trung Hoa làm quan cho triều Nguyên.

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mãSơn hà thiên cổ điện kim âu (Trần Nhân Tông).

Trong niềm kiêu hãnh về hào khí Đông A thể hiện ở chiến thắng trước quân xâm lược Nguyên-Mông, hoàng triều Trần vẫn không quên được một mối nhục đến từ một thành viên nổi trội của hoàng tộc – con thứ của hoàng đế Trần Thái Tông.

Vị hoàng tử tài hoa mà vô hạnh
Đó Trần Ích Tắc, một người cực kỳ thông minh, văn tài bậc nhất, tinh thông lục nghệ, thậm chí cả những nghề chơi vặt vãnh như đánh cờ, đá cầu… cũng đều xuất sắc.
Triều Trần xuất thân từ nơi thôn dã, lập nên cơ đồ nhờ binh nghiệp và tài chính trị nhưng học vấn thấp. Đến thế hệ thứ hai sau khi nắm quyền, nhờ việc giáo dục bài bản cho xứng với địa vị hoàng gia, lập tức đã có ngay một loạt nhân vật học vấn uyên bác, sành về văn thơ như Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn… nhưng “nghề chính” của họ vẫn là võ chứ không phải văn. Các vị vương gia thế hệ này hầu hết đều là tướng giỏi hoặc là nhà quân sự xuất sắc, bên cạnh Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn còn có Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư… Nhưng riêng Trần Ích Tắc lại thuần là con người của văn chương, chữ nghĩa.
Chiêu Quốc vương nổi tiếng là người tài hoa, hào hoa phong nhã bậc nhất kinh kỳ, một người sành sỏi, tinh tế trong cả văn chương và các ngón chơi, kết giao với những bậc văn nhân học rộng tài cao nhất thời ấy. Phía bên phải phủ đệ của mình, ông mở học đường để chiêu tập văn sĩ khắp nơi về ăn học miễn phí. Trong đám người từng ghé phủ Chiêu Quốc có cả Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu.
Ích Tắc lại là người có tham vọng lớn. Tự cho tài nghệ của mình chẳng kém ai, trong lòng ông ngầm bất phục khi hoàng huynh Trần Hoảng được vua cha trao ngôi báu (chính là Trần Thánh Tông). Là phận em nhưng Ích Tắc vẫn nghĩ ngai vàng phải thuộc về mình. Sự kiện ông đầu hàng giặc Nguyên sau này vẫn được đánh giá là do hèn nhát, nhưng chắc hẳn một phần cũng vì tham vọng. Chiêu Quốc vương tính toán rằng, nhờ thế lực của quân Nguyên, ông sẽ chiếm được ngai vàng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, thực ra ngay từ trước đó, ông từng gửi thư cho hoàng đế Nguyên thông qua một thương gia phương Bắc, nội dung nhằm xúi giục quân Nguyên sang, ông hứa làm nội ứng.
Khi triều Nguyên phát động cuộc Nam chinh, vua Trần mở hội Bình Than để hỏi ý kiến các vương hầu, trong khi phần lớn tôn thất xin đánh, kể cả cậu thiếu niên “miệng còn hơi sữa” Trần Quốc Toản, thì Ích Tắc cầm đầu một nhóm nhỏ muốn hàng.
Vào năm 1285, cả nước gồng mình chống lại 50 vạn quân Mông-Nguyên thế mạnh chẻ tre, nghiền nát bao nhiêu cánh quân Đại Việt và khiến kinh thành Thăng Long thất thủ. Hai vua rời kinh sư, cùng toàn dân chống giặc, dù tình thế nguy nan nhưng tinh thần Sát Thát vẫn dâng ngút trời. Trong khi đó, Trần Ích Tắc mang cả gia quyến, cùng một số người trong hoàng tộc, dâng thư hàng giặc. Lập tức, chàng hoàng tử tài hoa của vua Trần trở thành con bài quý trong tay triều Nguyên.
Ích Tắc tính rằng, thế nước nguy nan đến thế, quân Nguyên mạnh đến thế, vó ngựa của chúng đã làm cỏ khắp gầm trời, ngay cả nhà Tống “thiên triều” cũng bị nuốt chửng thì sá gì Đại Việt cỏn con. Đại Việt chắc chắn thua trận, vua tôi nhà Trần đều thành tù binh cả thì lấy ai trị tội làm phản của ông. Việc ông sớm ra hàng là một nước cờ khôn ngoan, bởi khi đó ông sẽ là người duy nhất có thể ngồi lên ngai báu. Ông hoàng Chiêu Quốc càng tin vào điều đó khi vừa hàng quân Nguyên, ông đã được hứa sẽ tâu lên hoàng đế triều Nguyên cho làm An Nam quốc vương.

Một nước cờ sai, trọn đời vong quốc
Trần Ích Tắc không thể nào ngờ nổi, chỉ mấy tháng sau khi ông đầu hàng, đại quân Nguyên-Mông đã bị đánh cho tan tác, Vân Nam vương Thoát Hoan tháo chạy về nước, Trần Ích Tắc và thuộc hạ lóc cóc chạy theo.
Không cam lòng, chưa đầy một năm sau, triều Nguyên lại một lần nữa đưa quân vào đất Đại Việt, với lý do đưa “An Nam quốc vương” Trần Ích Tắc lên ngai vàng. Rồi chỉ ít lâu sau, vị vương gia của triều Trần đã lại theo quan thầy chạy trối chết về phương Bắc, không một lần còn thấy lại quê hương. Thực ra sau lần đó, vào cuối năm 1293, nhà Nguyên vẫn có kế hoạch đưa Trần Ích Tắc về nước một lần nữa trong đợt xâm lăng thứ tư, nhưng vào đầu năm 1294, hoàng đế Hốt Tất Liệt qua đời nên việc này bị hủy và không bao giờ được nhắc đến nữa.
Số phận của Ích Tắc ra sao trên đất Trung Hoa khi dã tâm xâm lược Đại Việt của triều Nguyên bị đè bẹp ? Đại Việt sử ký toàn thư chỉ nói ngắn gọn : “Sau khi quân Nguyên thất bại, Ích Tắc trong lòng hổ thẹn, chết ở đất Bắc“. Tuy nhiên, Nguyên sử (do tướng Phàn Tiếp biên soạn) lại đưa ra khá nhiều thông tin về nhân vật này, nhưng với nội dung hoàn toàn khác. Theo đó, trong hơn 40 năm dằng dặc sống nơi đất khách, Trần Ích Tắc làm quan cho triều Nguyên. Ông giữ chức Hồ Quảng bình chương chính sự, sống tại Ngạc Châu (nay thuộc Hồ Bắc), được lần lượt gia phong đến chức Ngân Thanh vinh lộc đại phu rồi Kim tử quang lộc đại phu, nghi đồng tam tư. Thậm chí một năm sau khi ông từ trần ở tuổi 76, triều Nguyên còn truy phong vương tước cho ông, gọi là Trung Ý vương.
Kể ra, một hàng thần ở xứ nhược tiểu, lại đã “hết hạn sử dụng”, được đối xử như thế cũng là không bạc, nhất là so với thân phận thảm thương của hoàng đế Lê Chiêu Thống mấy trăm năm sau. Nhưng nếu so với thân phận một hoàng tử, sống tiêu dao tự tại, được muôn người kính ngưỡng, thì cái thân phận hàng thần lơ láo của kẻ man di bán nước cầu vinh nơi xứ lạ hẳn khiến Trần Ích Tắc dày vò, nhục nhã. Là một người đọc sách, một người kiêu căng và từng có thân phận tôn quý, ông không thể không cảm nhận được nỗi nhục ấy.
Còn ở đất Việt, hoàng thất nhà Trần cũng không quên được vết nhơ mang tên Trần Ích Tắc. Vào năm 1289 sau khi định công ban thưởng cho những anh hùng, anh thư trong cuộc kháng chiến, hoàng đế Trần Nhân Tông cũng đưa ra hình phạt với những kẻ phản bội. Theo đó, những người trong tôn thất nếu phạm tội này ngoài việc kết án đi đày hay tử hình, tịch thu điền sản đều bị tước bỏ quốc tính (họ Trần), đổi sang họ Mai. Chẳng hạn, Trần Kiện (con trai Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang) dù bị bắn chết trên đường chạy theo quân Nguyên về Trung Quốc từ mấy năm trước vẫn bị kết án và đổi họ thành Mai Kiện. Riêng với Trần Ích Tắc, vì là chỗ cốt nhục quá gần (chú ruột đương kim hoàng đế) nên không nỡ đổi họ xóa tên, mà gọi là Ả Trần, có ý chê ông ta hèn nhát như đàn bà vậy.
Về thân thế của Ích Tắc, có một huyền thoại được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau : Khi Ích tắc sắp ra đời, Trần Thái Tông mộng thấy một vị thần ba mắt từ trời xuống, nói với nhà vua rằng ông ta bị thượng đế quở trách bắt xuống trần, vậy xin làm con vua, sau sẽ lại về phương Bắc. Khi Ích Tắc ra đời, vua thấy trên trán con trai mình cái vết lờ mờ giống như con mắt thứ ba. Và mấy chục năm sau khi Trần Ích Tắc theo tàn quân Nguyên chạy sang Trung Hoa, người ta mới hiểu cái ý “sau lại về phương Bắc” mà vị thần đã nói. Người đời sau cho rằng, câu chuyện trên có lẽ chỉ được đặt ra để “chữa ngượng” phần nào cho hoàng thất mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét