Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Tin ngày 19/8/2013

  • Eurofighter châu Âu bị F-15 Mỹ loại khỏi cuộc đua vũ trang cho Hàn Quốc (RFI) - Hy vọng của loại chiến đấu cơ châu Âu Eurofighter được Không quân Hàn Quốc chọn trong một hợp đồng hơn 7 tỷ đô la kể như tan biến. Theo báo chí tại Seoul vào hôm nay, 18/08/2013, một tổ hợp ba hãng châu Âu chế tạo ra loại Eurofighter đã bị loại khỏi cuộc đấu thầu cung cấp máy bay chiến đấu đời mới cho Hàn Quốc, một hợp đồng có trị giá lên đến 7,5 tỷ đô la. Lý do được nêu lên là tổ hợp châu Âu đã không tuân thủ một số điều kiện do Seoul đề ra.

Jonathan London - Bây giờ thì sao?

Tình hình chính trị ở Việt Nam hiện nay đang biến động rất nhanh. Và chẳng ai có thể dự đoán được quá trình diễn biến sẽ ra sao, kể cả giới lãnh đạo trong bộ máy.  Liệu Việt Nam đã bước vào một thời khắc hệ trọng là chưa rõ.
Để xem xét những khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, ta nên nhắc lại một số điểm nhấn quan trọng trong bốn tuần vừa qua vì chúng thể hiện những căng thẳng và mâu thuẫn trong nền chính trị Việt Nam – vốn rất khó đánh giá – sẽ được hóa giải như thế nào, trong ngắn hạn hay dài hạn.
Trước tiên, ta sẽ cố gắng hiểu Việt Nam đang ở vị trí nào và trở lại câu hỏi về tương lai ở cuối bài này và trong các thảo luận tiếp theo.
Cách đây chưa đầy một tháng, sau khi CTN Trương Tấn Sang hội đàm với Barack Obama tại Nhà Trắng, tôi đã viết một bài hơi lạc quan về ý nghĩa của cuộc gặp này (Dù tôi không dự buổi nào trong chuyến đi của CTN Sang, một số người bạn của tôi đã có mặt và thấy ấn tượng với sự lưu tâm của Ông). Về cơ bản, việc tôi ủng hộ “quan hệ toàn diện” là chủ yếu liên quan đến khả năng một mối quan hệ sâu sắc hơn giữa hai nhà nước sẽ mang lại kết quả thực tiễn cho người dân Việt Nam.
Cảm giác lạc quan của tôi đã ở lại không lâu vì trong hai tuần sau cuộc gặp lịch sử này, Việt Nam lại có hành vi đàn áp như trước. Khi mới biết về Nghị Định 72 do chính Nguyễn Tấn Dũng ký, tôi đã muốn ói (Nhưng ý nghĩa của Nghị Định 72 – mà sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 9 – chưa rõ. Nó là công cụ để đàn áp hoặc là bước để tuân theo những điều kiện của TPP hay cả hai?). Thế nhưng chỉ trong vòng một tuần tình hình ở Việt Nam đã thay đổi rất nhanh.
Những ai biết lịch sử đều hiểu những cải cách sâu trong bất cứ nền chính trị-kinh tế nào không bao giờ xảy ra chỉ hay chủ yếu từ trên xuống mà là sản phẩm của những áp lực từ dưới lên, trong nội bộ và tình hình quốc tế.
Về bối cảnh chung tình hình vẫn thế. Việt Nam là nước có tiềm năng lớn mà hiện nay đã rơi vào một cuộc khủng hoảng lãnh đạo và những thể chế chính trị, kinh tế và xã hội phải được cải cách một cách sâu rộng nếu Việt Nam muốn thoát khỏi tình hình này.
Thế nhưng, trong những tuần vừa qua đã có một số phát triển hệ trọng.
Hãy điểm lại những sự kiện dưới đây:
  • Trong hai tuần lễ vừa qua, nhóm blogger chống lại Điều 258 đã hoạt động rất mạnh và dũng cảm để đòi hỏi Nhà nước Việt Nam bỏ điều này. Dù chưa có kết quả nhưng những người này hoạt động một cách hoàn toàn tự nhiên và cởi mở. Điều này là vô cùng quan trọng trong diễn biến chính trị của đất nước.
  • Một đảng mới, là Đảng Dân Chủ Xã Hội gần như đã được thành lập với sự tham gia của những người đã từng là đảng viên ĐCSVN. Mặc dù chưa chắc đảng này sẽ có ảnh hưởng gì, việc những người có danh tiếng đã hành động một cách quyết liệt là quan trọng (Chúng ta sẽ tìm hiểu về chủ nghĩa dân chủ xã hội trong những bài tiếp theo).
  • Một nhóm thanh niên mà trước đây đã bày tỏ sự bất bình đối với hành vi hung hăng mang tính đế quốc của Hoa Lục đã bị bắt giữ bất hợp pháp trong khi đang học tiếng Anh. Nhóm này được biết đến như một tập hợp những người trẻ yêu nước và muốn Việt Nam có một tương lai tốt đẹp hơn (Nếu Phan Chu Trinh còn sống, ông sẽ nghĩ thế nào về việc bắt giữ những người trẻ yêu nước đấu tranh vì những quyền tự do cơ bản này?). Nhóm này hoàn toàn ôn hòa và nên được tôn trọng chứ không phải chịu những hành vi bạo lực, hăm dọa v.v.
  • Và mới nhất là hai sinh viên Uyên và Kha đã bất ngờ “được” trả tự do nhờ những quyết định trong nội bộ (rất có thể là từ Bộ Chính Trị). Trong phiên tòa, Uyên tuyên bố mạnh mẽ với những câu nói đáng nhớ. Sau khi được trả tự do, hàng trăm người ủng hộ hai sinh viên này đã bày tỏ sự phấn khởi trong thị xã Long An, một trong những địa phương bảo thủ nhất cả nước.
(Không rõ giới bảo thủ đã ủng hộ việc kết án phi lý của hai thanh niên này cách đây mấy tháng hiện giờ đang nghĩ gì, nhưng rất có thể một tỷ lệ của nhóm này đang xem xét lại những chính kiến của họ trong một bối cảnh khác.)
Chúng ta (từ mọi phía) nên đánh giá những diễn biến trên như thế nào? Ở đây, tôi xin chia sẽ ba ý tưởng.
Thứ nhất, chúng ta phải khẳng định vai trò thiết yếu của những người trong và ngoài bộ máy đã và đang đấu tranh vì những quyền chính trị và nhân quyền ở Việt Nam. Chúng ta phải nhìn rõ, chuyện TQ và phản đối TQ, dù là hai vấn đề rất lớn, không phải ở trung tâm của những diễn biến ở Việt Nam hiện nay. Từ nhóm 72 và 258 đến Uyên-Kha, từ một nhóm thanh niên ở Hà Nội đến những người trong Đảng muốn cải cách, những đấu tranh ở Việt Nam chủ yếu xoay quanh thể chế xã hội và chính trị. Trước đây nhiều người nói về TQ vì đây là chủ đề tương đối an toàn. Nhưng, ngày nay những người có đầu óc cải cách càng ngày càng nói thẳng vào vấn đề.
Thứ hai, chúng ta có thể giả định cuộc gặp gỡ này cùng với sự phát triển trong nền chính trị của Việt Nam đã ép giới lãnh đạo ở đỉnh cao quyền lực phải suy nghĩ lại và lèo lái cái “Tàu Nhà Nước” về một hướng khác (chưa biết là đi đâu, chưa rõ là một ngã rẽ tạm thời hay là một quyết định chắc chắn). Rất có thể chúng ta phải chờ mấy thập kỷ nữa trước khi biết cuộc gặp gỡ Việt – Mỹ vào tháng 7 năm 2013 có vai trò như thế nào.
Cuối cùng, chúng ta phải đề cập đến một yếu tố khó đánh giá nhất, là “hộp đen” gọi là chính trị nội bộ trong ĐCSVN. Về vấn đề này tôi cảm thấy sự hiểu biết của chính tôi là quá hạn chế, cũng như 99,99 phần trăm của dân số Việt Nam.
Phải chăng đang có một số thay đổi quan trọng trong định hướng chính trị của Việt Nam? Có phải sự ảnh hưởng của bộ phận ‘an ninh’ trong bộ máy đang giảm đi? Phải chăng việc Ngân và Nhân vào Bộ Chính Trị cùng với một số chuyện khác đang mang lại một số thay đổi trong quá trình dư luận của Bộ Chính Trị?
Rất có thể chúng ta sẽ không biết những câu trả lời cho đến lúc chế độ của Việt Nam trở thành một chế độ minh bạch và cởi mở. Thế nhưng, chúng ta không nên quyết định về tương lai trước khi nó xảy ra. Không nên quyết định về những khả năng trong một bối cảnh. Đã đến lúc chúng ta nên từ bỏ quan điểm số phận.
Con đường cải cách của Việt Nam đã kéo dài quá lâu. Có thể nói là Việt Nam đã phải chờ gần 100 năm, dù độc lập là cực kỳ quan trọng nhưng độc lập sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu người dân không được hưởng những quyền tự do cơ bản.
Tôi biết một Ông nổi tiếng nào đó có viết những câu như này. Thế nhưng, tương lai của Việt Nam không phải là về Ông ta mà là về nguyện vọng của nhân dân Việt Nam và những quyết định, ứng xử của chính họ ra trong thời gian tới. Tốt nhất là ĐCS Việt Nam không nên chống lại cải cách mà phải có một số quyết định lịch sử để bắt đầu một quá trình hòa giải, một quá trình cải cách có sự tham gia của toàn dân.
Chẳng ai muốn Việt Nam có một quá trình cải cách mất trật tự. Phải là diễn biến hòa bình. Diễn biến hòa bình không phải là âm mưu của các thế lực thù địch mà là sản phẩm của chính người dân Việt Nam muốn đất nước bước vào một thời kỳ mới.
Jonathan London , Hồng Kông
(Blog Jonathan London)

Có thể đã chuyển biến

Phiên tòa phúc thẩm ngày 16/8/2013 tại Long An đã diễn ra một hiện tượng “lạ” chưa từng có từ trước đến nay. Phiên phúc thẩm đã giảm án cho em Phương Uyên, từ 6 năm tù giam ( phiên sơ thẩm) xuống 3 năm tù treo (phiên phúc thẩm).

Đã có nhiều ý kiến nhận định hiện tượng này:

Một luồng ý kiến, đây là kết quả của những cuộc đấu tranh bất báo động của nhiều nhà trí thức yêu nước, những thanh niên còn nặng lòng với hiện tình đất nước, của những người dân không cam chịu sự áp bức, bất công… Cũng có một luồng ý kiến khác, do sức ép đòi hỏi phải có một nền dân chủ thực sự  ở Việt Nam của dư luận quốc tế, mà trước mắt phải trả tự do cho những người yêu nước bị giam cầm. Lại có luồng ý kiến, đây là biểu hiện của cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái trong đảng với nhau, nên có giải pháp nước đôi. Rồi cũng có người cho rằng, đây là “ nút hạ hỏa” hạ sự phẫn nộ của của các lực lượng đấu tranh đang đòi hỏi nhà nước Việt Nam phải có sự thay đổi sang một thể chế văn minh, dân chủ, tiến bộ hơn… rồi sau đó, lại tiếp tục hiện tình như trước đây.

Với “hiện tượng” em Phương Uyên được giảm án, còn 3 năm tù treo ở phiên phúc thẩm, tôi lại nghĩ, trong nội bộ những người lãnh đạo của lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, đã có người nhận thức ra vấn đề: Cần đồng hành với dân tộc, cần lắng nghe nhưng ý kiến phản biện của những nhà tri thức yêu nước chân chính và phải hiểu thế giới nhìn vào Việt Nam, nhất là quyền con người với ánh mắt như thế nào? Không thể “một mình một chợ”, cũng không thể “đường ta, ta cứ đi”…

Qua tất cả những hiện tượng đó rồi.

Nếu không chịu hòa nhập với thế giới, cứ khư khư ôm lấy một lý thuyết lạc hậu, một cách quản lý đến chính người dân Việt Nam, nếu có hỏi ý kiến công khai, không truy bức, dọa nạt, bắt bớ…thì tôi tin phải đến chín mươi phần trăm dân không tán thành cách điều hành của đảng và nhà nước hiện nay. Nên thế, tôi tin, với việc xử án, từ tù giam ở phiên sơ thẩm, sang tù treo ở phiên phúc thẩm đối với em Phương Uyên, như ý kiến của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh là tín hiệu “ tích cực”, tôi cũng đồng ý với ý kiến đó, nhưng còn cho rằng , trong đội ngũ lãnh đạo đảng và nước Việt Nam hiện nay, có nhiều người muốn có một sự thay đổi về thiết chế lãnh đạo, cần có một nhà nước Việt Nam thay đổi hẳn về bản chất, từ mất dân chủ, độc đoán sang dân chủ thực sự, đa nguyên, đa đảng…Tất nhiên, tôi cũng hiểu, đây là cuộc đấu tranh không thể dễ dàng, không thể thành công một sớm, một chiều nhưng tôi rất hy vọng vào đội ngũ những người cộng sản cấp tiến. Chính họ sẽ làm thay đổi cục diện nhà nước này, chính họ sẽ thức tỉnh những người lãnh đạo đảng. nhà nước còn trù trừ, do dự  bước theo những bước chân đang đi tới của nhưng người con tiến bộ trong dân tộc, muốn đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, độc lập thực sự  không chịu làm thân phận tay sai cho đảng cộng sản Trung Quốc. 

Không hiểu sao, tôi đã có chút lạc quan với tiền đồ đất nước với những tin  xử án treo cho em Phương Uyên, hay như có tin nhà văn Phạm Viết Đào được phép gọi điện thoại về nhà. Tôi hy vọng trong tương lai không xa, sẽ có nhiều tin vui nữa như thả tự do cho tất cả những các nhà hoạt động chính trị, được phép ra báo tư nhân, luật biểu tình thông qua, luật pháp cho phép các hội, đoàn thể được thành lập trên tinh thần tự nguyện…

Chỉ thế thôi, tôi tin, uy tín của nhiều vị lãnh đạo đảng và nhà nước sẽ được khôi phục.

Người dân nhìn vào tiền đồ tương lai của dân tộc Việt Nam với ánh mắt lạc quan hơn.
Trần Kỳ Trung
(Blog Trần Kỳ Trung)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét