Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý: tiếp tục đánh giá về vụ án Uyên Kha

‘Vụ Phương Uyên khó tạo tiền lệ’

Phương Uyên và Nguyên Kha trong phiên tòa sơ thẩm
Bản án phúc thẩm đã làm nhiều người bất ngờ

Một vị luật sư có kinh nghiệm trong các phiên tòa mang tính chính trị ở Việt Nam bình luận rằng sẽ không chuyện việc giảm án cho Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha sẽ tạo tiền lệ cho các phiên tòa tương tự về sau.

Trong phiên xử phúc thẩm hôm thứ Sáu ngày 16/8, Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã giảm án đáng kể cho cả hai bị cáo.

Theo đó, Phương Uyên vừa được giảm nửa bản án vừa được cho hưởng án treo và được thả tự do ngay tại tòa, còn Nguyên Kha cũng được giảm phân nửa bản án xuống còn bốn năm tù giam.

Đáng chú ý là hai bị cáo này bị xét xử theo điều 88 Bộ Luật hình sự với tội danh ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ – một tội danh bị chính quyền xem rất nghiêm trọng mà trước giờ hầu như không bị cáo nào được giảm án.

‘Yếu tố bên ngoài’

Trao đổi với BBC, luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa cho Phương Uyên trong phiên sơ thẩm, nói rằng việc giảm án này có thể không phải dựa trên bản chất sự việc hay tranh tụng tại tòa.

“Qua kinh nghiệm của tôi, người ta (tòa án) không xem xét ý kiến của luật sư hay bản chất sự việc là mấy,” ông nói, “Thường phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.”

Do đó ông nhận định rằng việc tòa án Long An tha cho Phương Uyên có thể là ‘do yếu tố bên ngoài’.
"Tôi cho rằng Phương Uyên phải vô tội. Tất cả bản án dù nhẹ đến đâu thì cũng không công bằng."
Luật sư Hà Huy Sơn
“Có thể là do áp lực hay tính toán gì đấy chứ chưa hẳn là sự độc lập của Hội đồng xét xử,” ông nói và cũng cho biết là ông bất ngờ với bản án.

“Có thể là do áp lực xã hội, có thể là do nhu cầu của Nhà nước,” ông nói thêm và phán đoán rằng vào lúc này Việt Nam cũng đang muốn cải thiện về thành tích nhân quyền trong mắt của cộng đồng quốc tế.

Do việc xét xử trong các phiên tòa mang tính chính trị như thế này ‘không căn cứ theo quy định của pháp luật’ nên ông Sơn cho rằng từ phiên tòa này ‘không có căn cứ để cho rằng các phiên tòa tương tự có hy vọng giảm án hay không’.

'Không công bằng'

Luật sư Sơn, cũng là người từng bào chữa cho blogger Điếu Cày, tức ông Nguyễn Văn Hải, người bị cáo buộc với tội danh tương tự như của Phương Uyên.

Điểm khác biệt mà ông Sơn nêu ra là vụ Phương Uyên ‘không liên quan đến một tổ chức chính trị gì, một đảng phái chính trị gì cả’.

Chính quyền Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với những ai có liên quan đến Đảng Việt Tân, một đảng phái chính trị của người Việt ở hải ngoại vốn thách thức quyền thống trị của Đảng Cộng sản.

Mặt khác, luật sư Sơn cũng nhận định có lẽ việc Phương Uyên là một sinh viên trẻ tuổi cũng là một yếu tố khác biệt để tòa xem xét vì ‘đó chỉ là nhận thức của tuổi trẻ thôi chứ không phải thành kiến hay hằn học gì đó’.

Tuy nhiên, ông cho rằng mặc dù bản án đối với Phương Uyên đã được giảm đáng kể nhưng đối với ông vẫn là ‘không công bằng’.

“Tôi cho rằng Phương Uyên phải vô tội. Tất cả bản án dù nhẹ đến đâu thì cũng không công bằng,” ông nói.
(BBC)

Lãnh đạo Đảng đã sẵn sàng mở cửa?

Áp phích tuyên truyền của Đảng Cộng sản
Liệu Đảng CSVN và chính quyền của Đảng có thực sự muốn quyền lực được giám sát?

Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền do Đảng lãnh đạo có thể sẵn sàng mở cửa để cho quyền lực của họ được giám sát bởi toàn dân và đặc biệt là quốc tế, theo ý kiến của một học giả, cựu thành viên tham vấn tư tưởng và chính trị cho Ban Chấp hành trung ương Đảng.

Theo quan chức cựu thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng, giới lãnh đạo cao cấp của Đảng hiện nay sẵn sàng cho việc giám sát này, nhưng cần có thời gian và điều kiện để chuẩn bị cho một quá trình và cơ chế thực hiện hiệu quả và tránh những hệ lụy không mong muốn.

Trao đổi với BBC hôm 17/8/2013, Giáo sư Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nói:

"Tôi nghĩ rằng những người lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng sẵn sàng, chứ không phải là ngại ngần lắm về việc đó.

"Thế nhưng hiện nay, việc ấy không phải chỉ là ý chí sẵn sàng của người này hay người kia, mà việc tổ chức một cách chủ động một hệ thống chính trị có giám sát quyền lực để đảm bảo dân chủ, cũng như để minh bạch hóa tất cả các quan hệ chính trị và rõ nhất để cho các tổ chức quốc tế có thể tham gia vào...

"Đây là một cách để thể hiện minh bạch, thì cũng cần phải có thời gian, bởi vì một việc làm minh bạch như vậy nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, thì có thể nó dẫn tới những hệ lụy mà đôi khi nằm ngoài ý muốn."

Mặc dù cho rằng Đảng cầm quyền sẽ cần có điều kiện, thời gian và quá trình để thực hiện việc kiểm soát quyền lực này, Giáo sư Giang không nghi ngờ về khả năng Đảng sẵn sàng mở cửa. Ông nói:

"Tôi nghĩ rằng những người có trách nhiệm về chính trị ở Việt Nam hiện nay cũng rất muốn, có một nguyện vọng là làm sao sự lãnh đạo của mình được các tổ chức quốc tế, hay có một cách nào đó để thể hiện sự minh bạch của mình, thí dụ như là tổ chức bầu cử, chẳng hạn như vậy."

'Quy luật tất yếu'


"Chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng [CSVN] chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này"
Luật gia Lê Hiếu Đằng
Phát biểu trên của Giáo sư Giang với BBC được đưa ra nhân sự kiện vừa xuất hiện một lời kêu gọi công khai về thành lập một chính đảng mới ở Việt Nam.

Chính đảng này có tên gọi "Đảng Dân chủ Xã hội" với lời kêu gọi được nhóm của luật gia Lê Hiếu Đằng, một cựu quan chức thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một Đảng viên cộng sản lâu năm chủ trương.

Trong ý tưởng thành lập đảng mới được vị nguyên Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày giữa tháng Tám, ông Đằng nêu quan điểm:

"Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê nin mà tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó."

Luật gia cho rằng "một khi cơ sở hạ tầng có nhiều thành phần kinh tế khác nhau trong xã hội sẽ có nhiều tầng lớp với lợi ích khác nhau, thì tất yếu họ phải có tổ chức để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của họ".

"Đó là qui luật tất yếu, vì vậy không thể không đa nguyên đa đảng được, và như vậy điều 4 Hiến pháp hiện nay là vô nghĩa," luật gia khẳng định.

Ông Đằng còn lập luận rằng "chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng [CSVN] chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này".
"Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta," ông khẳng định thêm.

Phản hồi quan điểm này, Giáo sư Giang cho rằng mong muốn lập Đảng của một nhóm nào đó trong xã hội thuộc phạm trù tự do tư tưởng, tuy nhiên ông lưu ý trong lập luận của nhóm chủ trương có thể chỉ dừng ở "lôgic hình thức" và đặc biệt, ông dự đoán thách thức chính mà nhóm này gặp phải.

Ông nói: "Theo tôi được biết, Hiến pháp hiện nay đang thảo luận, nhưng vai trò của Đảng Cộng sản như một đảng chính trị duy nhất và kèm theo đó là những quy định khác nữa, tôi nghĩ rằng việc đề xuất để lập ra một đảng chính trị thì không biết cơ sở pháp lý của nó có hay không.

"Nhưng như hiểu biết của tôi là chưa có, cho nên nếu đề xuất lập một Đảng chính trị, nhất là đề xuất từ những người đang là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, thì có thể đó là nguyện vọng, mong muốn nào đó của cá nhân hay một nhóm cá nhân đó, nhưng tôi không hiểu nó dựa trên căn cứ pháp lý nào."

'Vấn đề pháp lý'

Theo cựu cố vấn lý luận của Đảng, mong muốn, nguyện vọng lập chính đảng mới cho dù có tính tích cực đến đâu, cũng phải nằm trong khuôn khổ cúa pháp luật.
Ông nói: "Nếu (dự kiến lập đảng mới) có vấn đề gì không thì tôi nghĩ rằng đó là vấn đề với hệ thống pháp luật hiện hành."

Được biết, trong thực tế chính trị hiện nay ở Việt Nam, đã đang xuất hiện các đảng phái chính trị do các nhóm đối lập hoặc bất đồng chính kiến tuyên bố lập ra nhưng không được Đảng và chính quyền cộng sản thừa nhận và bị ngăn cấm hoạt động.

Tuy nhiên, từ trong nội bộ Đảng, việc có các đảng viên đang còn giữ thẻ đảng muốn hay đề xuất lập đảng mới như nhóm của luật gia Đằng, được cho là hiện tượng tương đối đặc biệt và tuy chưa rõ khả năng hiện thực của khuynh hướng này sẽ ra sao.

Trong một trao đổi với BBC hồi cuối tháng Tư năm nay, một quan chức khác trong ngạch tư tưởng của Đảng, Giáo sư Nguyễn Đình Tấn, Viện trưởng Viện Xa hội học, thuộc Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh từ Hà Nội tỏ ra tự tin về vị thế bất khả tranh chấp của Đảng.

Ông nói: "Thực chất ở Việt Nam hiện nay, có thể nói với Đảng Cộng sản Việt Nam không có đối thủ. Nếu thể hiện là đối thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một tổ chức, tôi nghĩ là không có,"

"Nó chỉ có thể có những ý kiến của những cá nhân, những nhóm người ta có những khác biệt với Đảng Cộng sản. Với tư cách đối thủ, tôi quan niệm là không có và trong tương lai tôi nghĩ là không có."

'Mở hay đóng tiếp?'


"Phát triển theo cách nào, đặc thù đến đâu, thì theo quy luật chung của tiến tình phát triển xã hội loài người. Xã hội ngày càng tiến tới những thiết chế đem lại nhiều lợi ích hơn cho dân, nó dân chủ hơn, nó tiến bộ hơn"
GS Vũ Minh Giang
Trong một trao đổi từ trước với BBC, Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cùng thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia từ Hà Nội khẳng định quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng về vấn đề đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Ông nói: "Đảng Cộng sản Việt Nam dứt khoát, trước sau như một, không chấp nhận có đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam".

"Hiện nay pháp luật Việt Nam, điều lệ và cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận chuyện này. Và một đảng không có nghĩa là mất dân chủ và đa đảng không có nghĩa là dân chủ."

Tuy nhiên, hôm thứ Bảy, trước câu hỏi trong tương lai gần, hoặc trung bình, liệu có viễn cảnh nào cho thấy sẽ có các chính đảng khác và đối lập với Đảng cộng sản Việt Nam xuất hiện và được thừa nhận ở quốc gia này hay không, Giáo sư Vũ Minh Giang cho rằng "khó nói trước được điều gì".

Ông nói: "Phát triển theo cách nào, đặc thù đến đâu, thì theo quy luật chung của tiến tình phát triển xã hội loài người. Xã hội ngày càng tiến tới những thiết chế đem lại nhiều lợi ích hơn cho dân, nó dân chủ hơn, nó tiến bộ hơn.

"Thì đấy là quy luật chung. Thế nhưng hiện nay những quy luật chung ấy như thế nào ở từng nước lại liên quan đến đặc thù văn hóa, đặc thù lịch sử của mỗi nước, và với cái đó, thật là khó nói trước được điều gì."

Hiện việc Đảng sẽ chia sẻ quyền lực cụ thể ra sao, hoặc họ có thực lòng muốn quyền lực được giám sát như thế nào, vì cái gì và bởi ai vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp và cũng có vẻ vẫn chưa hoàn toàn rõ lắm về thời điểm mà Đảng 'sẵn sàng' mở cửa thực sự cho một cải tổ chính trị, thể chế tổng thể và triệt để.

Như trong cuộc trao đổi hồi cuối tháng Tư, Giáo sư Nguyễn Đình Tấn đã nêu quan điểm về khả năng lựa chọn mô hình chính trị cùng hướng đi tương lai của Đảng, ông nói:

"Trong tương lai xa, rồi thì Việt Nam cũng sẽ đi vào quỹ đạo chung, quỹ đạo bình thường của nền văn minh. Việt Nam đang đi, nhưng phải đi từ từ, dần dần, Việt Nam là phương Đông, không thể thực hiện những cú sốc được theo kiểu phương Tây."

Quốc Phương
BBC Việt ngữ
 

Kêu gọi thành lập đảng Dân chủ Xã hội


Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM (Infonet)

Dư luận tại Việt Nam hiện đang chú ý đến thông tin một đảng  mới được khởi xướng bởi ông Lê Hiếu Đằng. Ông này từng là phó tổng thư ký UB TW Liên Minh Các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa Bình Việt Nam, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1989 đến năm 2009.

Lý do nào để ông này đưa ra ý tưởng đó và cơ sở của việc hình thành nên một đảng mới như thế ra sao?

Muốn cho một xã hội phát triển

Ông Lê Hiếu Đằng: Sở dĩ tôi suy nghĩ phải thành lập một đảng chính trị mới song song cùng với Đảng Cộng sản vì trong bất cứ sự phát triển của xã hội nào cũng cần phải có những ý kiến khác nhau mới tích cực được. Chứ còn chỉ một chiều, một đảng toàn trị thì không thể nào xã hội phát triển. Do đó việc hình thành một đảng chính trị mới mà đảng này có nguồn gốc quá khứ chứ không phải bỗng nhiên nó có: tức trước đây Việt Nam có ba đảng, ngoài năm 1946 còn có những đảng như Quốc Dân Đảng, Đảng Đại Việt … Thế nhưng hai đảng Dân chủ và Đảng Xã hội bị Đảng Cộng sản bức tử, giải tán một cách ngang nhiên; bây giờ tôi muốn khôi phục lại nhưng không phải Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội một cách hình thức; mà làm phải làm thật có tính chất đối lập.
Trong bất cứ sự phát triển của xã hội nào cũng cần phải có những ý kiến khác nhau mới tích cực được. Chứ còn chỉ một chiều, một đảng toàn trị thì không thể nào xã hội phát triển - Ông Lê Hiếu Đằng
Có người đặt vấn đề tình hình đã chín muồi chưa?

Ý của tôi thế nào gọi là tình hình chín muồi. Theo tôi tình hình cũng đã chín muồi rồi; tức xã hội Việt Nam về kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa quá xuống cấp. Lo ngại nhất là vấn đề kinh tế và giáo dục. Về vấn đề độc lập, ngoài vấn đề Biển Đông ra không hiểu sao Nhà nước Việt Nam để cho Trung Quốc vào tràn lan nhất là ở các vùng chiến lược như Tây Nguyên, thậm chí kể cả Cà Mau, dưới dạng những nhà thầu kinh tế nhưng thực chất là những vùng Trung Quốc họ hình thành nên khu vực riêng của họ mà dân Việt Nam không vào được. Tôi thấy đó là tình hình hết sức nghiêm trọng. Do đó tôi nghĩ phải có một đảng chính trị mới làm vai trò đối lập.

Tôi cũng nói thêm ý này nữa cho rõ: tôi chủ trương đảng này hoạt động trong vòng hợp pháp chứ không phải bí mật. Tất nhiên khi có chủ trương như vậy chúng ta phải làm từng bước như vận động, rồi đến có nhiều người tán thành.

Có người nói chưa chín muồi. Thế nào là chưa chín muồi? Chúng ta phải tác động đến xã hội dân sự, tác động để cho tình hình chín muồi phải bụ ra, những ‘cái mưng mủ’ phải bục ra mới được. Chứ còn chờ thì biết đến bao giờ mới chín muồi; nếu mình không hành động, không làm. Do đó theo tôi nhân thời cơ góp ý hiến pháp, nhân tình hình kinh tế- xã hội quá xuống cấp; nhất là dựa vào khát vọng của nhân dân Việt Nam về rất nhiều vấn đề, tôi đặt vấn đề như vậy.

Gia Minh: Ông vừa đề cập sơ lược đến chủ trương và tên gọi của đảng là Dân chủ Xã hội, hẳn nhiên ông cũng nghĩ đến những tôn chỉ chính của Đảng?

Ông Lê Hiếu Đằng: Thật ra tôi mới nghĩ thôi; nhưng sỡ dĩ tôi chọn tên Đảng Dân chủ Xã hội vì trước đây tại Việt Nam có hai đảng đó, nay nhập chung thành Đảng Dân chủ Xã hội. Hiện nay hệ thống dân chủ xã hội trên thế giới là hệ thống tương đối tiến bộ. Ở Pháp có Đảng Xã hội, và nhất là ở các nước Bắc Âu, hay những nước khác… Tôi nghĩ mình sẽ nằm trong hệ thống chung như vậy thì sẽ có sự giúp đỡ tích cực của quốc tế, của thời đại. Như thế sẽ tăng cường sức mạnh; nhưng nội lực vẫn là nhân dân Việt Nam. Khuynh hướng dân chủ- xã hội là khuynh hướng tiến bộ hiện nay. Ngay Mác trong thời kỳ già ông ta cũng chuyển qua hướng dân chủ xã hội trong đường lối quốc tế rồi. Nói thật các vị lãnh đạo chỉ học thời kỳ Mác trẻ là đấu tranh giai cấp… mà không nghiên cứu thời kỳ già của ông ta.
Sỡ dĩ tôi chọn tên Đảng Dân chủ Xã hội vì trước đây tại Việt Nam có hai đảng đó, nay nhập chung thành Đảng Dân chủ Xã hội. Hiện nay hệ thống dân chủ xã hội trên thế giới là hệ thống tương đối tiến bộ. Ở Pháp có Đảng Xã hội, và nhất là ở các nước Bắc Âu, hay những nước khác
Ông Lê Hiếu Đằng
Người ta phải từ bỏ chủ nghĩa xã hội mà theo xu hướng tiến bộ dân chủ xã hội đó là bảo vệ nhân quyền, dân quyền, bảo vệ môi trường; tức cho con người và vì con người. Rõ ràng đó là mục tiêu nếu có Đảng Dân chủ Xã hội phải xây dựng trên cơ sở đó.

Gia Minh: Ông thấy đã có những thành phần có thể tham gia Đảng Dân chủ Xã hội như thế trong xã hội chưa?

Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi nghĩ có cơ sở: có những đảng viên Đảng Cộng sản mà tôi biết ( bạn bè tôi) có người cương quyết ra khỏi đảng, có người giấy sinh hoạt đảng chuyển về địa phương họ bỏ trong ngăn kéo, không sinh hoạt. Trên thực tế có người đã ra khỏi đảng như ông Phạm Đình Trọng, anh Kha Lương Ngãi, phó tổng biên tập Báo Sài Gòn Gải Phóng trước đây, và một số người mà tôi biết được cũng khá đông tán thành việc hình thành đảng chính trị mới. Tôi nghĩ thành phần này không phải ít.

Tại sao tôi có ý kiến như thế? Thật ra tôi hoạt động trong hệ thống mặt trận trên 20 năm, tôi biết trong hệ thống chính trị của Việt Nam thì Mặt Trận hay Quốc hội chỉ là hình thức thôi, những công cụ được công khai hóa. Và với yếu tố không được, cấm đa nguyên- đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng Cộng sản chứ chưa được thể chế hòa thành văn bản luật pháp nào cả. Do đó chúng ta phải sống và làm việc theo luật pháp; có nghĩa những gì luật pháp không cấm thì chúng ta làm. Đó là quyền công dân của chúng ta. Và điều này phù hợp với xu thế phát triển. Việt Nam có điều kỳ cục là hòa nhập với thế giới, tham gia những định chế quốc tế để chủ yếu lấy phần lợi, trong khi để lấy phần lợi về nhân quyền, dân quyền cho người dân thì lờ đi; đổi mới về mặt kinh tế mà không đổi mới về mặt chính trị. Có một xã hội dân chủ thực sự với những đảng đối lập, theo tôi nghĩ đó là điều rất lành mạnh.

Gia Minh: Cám ơn ông.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-18

Đôi điều với tác giả “Viết trên giường bịnh”

Vừa qua, trên một vài trang mạng xuất hiện bài “Viết trên giường bịnh” của tác giả Lê Hiếu Đằng với nội dung xuyên suốt cổ xúy “đa nguyên, đa đảng” tại Việt Nam. Đây không phải là vấn đề mới, báo chí đã không ít lần đề cập và đã có nhiều học giả hiểu cao, biết rộng phân tích nông sâu mọi nhẽ. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn trao đổi lại một số điều mà tác giả đưa ra.
1. Sau khi kể lại quá trình hoạt động và được kết nạp vào Đảng của bản thân, ông Lê Hiếu Đằng có nhắc đến “một kỷ niệm khó quên”. Đó là việc khi ông đang bị chính quyền Thừa Thiên - Huế (dưới chế độ cũ) “cầm tù”, nhờ có lá đơn của bố ông nên ông được “cho ra tù” để đi thi. Sau đó, ông nêu câu hỏi: “Tôi không biết với chế độ được gọi là “ưu việt” hiện nay có người tù nào đã được cho ra đi thi như chúng tôi hay không?”.
Thực tế, với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng với những người vi phạm pháp luật, bị phạt tù và đã chấp hành xong hình phạt tù, pháp luật Việt Nam, cũng như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam không cấm họ dự thi đại học. Chàng trai Phan Hợi (sinh năm 1983, quê ở Sơn Quang, Hương Sơn, Hà Tĩnh) thi đỗ đại học sau khi ra tù mà báo chí đã nhắc tới là ví dụ cụ thể nhất minh chứng cho điều này.
http://badamxoevietnam2.files.wordpress.com/2013/05/216.jpg?w=450
Ông Lê Hiếu Đằng
2. Với lập luận “cơ sở hạ tầng như thế nào thì phản ánh lên kiến trúc thượng tầng như thế đó”, ông Đằng viết, khi đã chấp nhận nhiều thành phần kinh tế khác nhau (cơ sở hạ tầng), thì tất yếu phải đa nguyên, đa đảng (thượng tầng) để bảo vệ quyền lợi của các thành phần kinh tế khác nhau ấy và kêu gọi thành lập lại những đảng “đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị Đảng Cộng sản bức tử phải tự giải tán”.
Nếu đã dẫn học thuyết Mác - Lê-nin, chắc ông Đằng cũng không quên, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng gắn bó với nhau theo hình chóp xuôi. Không phải cơ sở hạ tầng có cái gì thì kiến trúc thượng tầng cũng phải có cái ấy. Chẳng hạn, Việt Nam cũng như bất cứ nền kinh tế mở nào khác trên thế giới đều có thành phần kinh tế nước ngoài (các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc các doanh nghiệp góp vốn liên doanh, mua cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước). Điều đó không có nghĩa (cũng chẳng có nước nào cho phép) nhất thiết phải tồn tại “Đảng của những người làm trong khu vực kinh tế nước ngoài” để bảo vệ quyền lợi cho thành phần kinh tế ấy.
Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vừa có quyền lập hiến, lập pháp, vừa có quyền giám sát tối cao, vừa có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân. Những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều do "tự giải tán" sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có hành động gì gọi là “bức tử” những đảng đó.
Về vấn đề "đa đảng và dân chủ", báo chí gần đây đã phân tích khá kỹ cả về lý luận và thực tiễn. Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào. Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng sản là người lãnh đạo duy nhất của mình. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo nhân dân xây dựng đất nước vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đem lại những quyền lợi cơ bản cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động. Vậy tại sao ông phải hô hào thành lập đảng đối lập vào lúc này? Đâu có phải cứ đa nguyên, đa đảng là tự nó đã có dân chủ? Đa đảng đối lập ở Việt Nam lúc này, có đúng như các "nhà dân chủ" đã vẽ ra, là sẽ làm cho đất nước dân chủ hơn, phát triển hơn, đời sống nhân dân tốt đẹp hơn? Hay sẽ diễn ra cảnh hỗn loạn, mất ổn định, đổ vỡ nền kinh tế như đã từng xảy ra ở một số nước mà người gánh chịu những hậu quả ấy, không ai khác chính là nhân dân? Thực chất các lời khuyên "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập" đưa ra gần đây một cách rất "tâm huyết", chẳng qua chỉ nhằm tước bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà thôi. Thủ đoạn ấy, không ai còn lạ nữa. (không khảo tự cung, ha ha)
Đúng như ông Đằng nói, từ khi có chủ trương đổi mới, nền kinh tế Việt Nam tồn tại nhiều thành phần kinh tế. Và chắc chắn ông cũng đã thấy, từ khi đổi mới, bất kỳ thành phần kinh tế nào cũng được tự do phát triển nếu không vi phạm pháp luật, không kinh doanh những mặt hàng bị cấm, hay lậu thuế, trốn thuế, không vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động... Chính từ chủ trương đó, nên Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới sản xuất, kinh doanh. Như vậy, sự lãnh đạo của Đảng không hề cản trở bất kỳ sự tự do kinh tế nào tại Việt Nam. Khi ông nói: “Điều 4 Hiến pháp hiện nay là đi ngược lại với sự vận động của thực tiễn, cản trở sự phát triển của đất nước”, không biết là dựa trên căn cứ nào.
3. Ông Đằng cũng nhắc tới lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam suốt mấy nghìn năm qua. Chắc ông không quên, đường lối ngoại giao mềm mỏng cũng là truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Việt Nam là dân tộc chuộng hòa hiếu, chưa bao giờ và không bao giờ muốn gây sự với bất cứ nước nào, dù lớn hay nhỏ, trên thế giới, trừ phi quyền độc lập, tự chủ của dân tộc, chủ quyền lãnh thổ bị chà đạp, xâm phạm và không còn sự lựa chọn ngoại giao nào khác. Đường lối ngoại giao mềm mỏng không có nghĩa là lệ thuộc. Bất cứ sự kích động chiến tranh nào trong khi vẫn còn những lựa chọn giải pháp ngoại giao đều đi ngược lại truyền thống ngoại giao của cha ông, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Chiến tranh xảy ra, ông quá biết, sẽ đồng nghĩa với việc hy sinh xương máu, mất mát về kinh tế, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Điều đó cũng đi ngược với xu thế của thế giới hiện đại. Đất nước ta trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, chúng ta quá hiểu giá trị của hòa bình. Trách nhiệm của chúng ta là bằng mọi cách giữ vững môi trường hòa bình để dựng xây, phát triển đất nước. Còn dĩ nhiên, chủ quyền quốc gia, độc lập tự do của đất nước là thiêng liêng, chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ bằng mọi giá.
4. Ông Đằng nói, để có tự do, dân chủ thì phải thực hiện “tam quyền phân lập”, tức là quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp phải độc lập hoàn toàn với nhau. Tuy nhiên, đây là quyền lựa chọn của mỗi quốc gia. Trên thực tế, mỗi nguyên tắc phân công quyền lực Nhà nước đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Việt Nam lựa chọn nguyên tắc thể hiện được cao nhất quyền lực của nhân dân, nguyên tắc “tập trung quyền lực”. Theo đó, ở Việt Nam, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân trao quyền đó cho cơ quan đại diện cao nhất của mình là Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyết định việc phân công quyền lực cho các cơ quan khác thông qua Hiến pháp, pháp luật (nhưng khi đã thông qua Hiến pháp, pháp luật thì buộc Quốc hội cũng phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật). Như trên đã nói, Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Do vậy, việc Quốc hội Việt Nam được trao quyền lực cao nhất chính là sự thể hiện tính dân chủ cao nhất. Cũng phải nói thêm, điều đó không có nghĩa hệ thống tư pháp, cụ thể là tòa án, không có quyền độc lập trong phán quyết. Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ, tòa án nhân dân Việt Nam khi xét xử chỉ nhân danh Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xét xử theo quy định của pháp luật, không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Ông Đằng đã từng giữ chức vụ nhất định trong một cơ quan dân cử, chắc chắn ông đã biết, ngay cả cơ quan dân cử cũng không có quyền “chỉ đạo” tòa xử án. Do vậy, lo ngại của ông là không có căn cứ.
Ông Đằng cũng nói, “con người khác con vật ở chỗ là có tự do”. Thiết nghĩ, nếu nói cho đúng hơn phải là "con người khác con vật ở chỗ biết xác lập quyền tự do trong khuôn khổ có sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc và của nhân loại". Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể “thích làm gì thì làm” như con vật.
Cũng còn nhiều điều nữa muốn trao đổi với ông. Trong khuôn khổ của một bài báo nên chỉ có thể trao đổi một vài điều như vậy, nếu có làm ông phật lòng, cũng mong ông thông cảm.
TRỌNG ĐỨC
(Báo QĐND)

Lê Hiếu Đằng- Những điều nói rõ thêm...

clip_image002 Sau khi bài viết Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh của tôi và bài viết Phá xiềng của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận đăng tải trên các trang mạng, một số bạn bè, đồng đội, nhân sĩ trí thức, nhà báo..., hoặc qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp tôi đặt một số vấn đề, khiến tôi thấy cần làm rõ thêm về những suy nghĩ của mình.

Trong tình hình đặc biệt cần có những biện pháp đặc biệt, những liệu pháp “sốc” để đẩy nhanh quá trình phát triển theo chiều hướng dân chủ, tiến bộ để hội nhập thực sự vào dòng chảy hiện nay trên thế giới.

Tôi còn nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói ý này trong một cuộc gặp gỡ với một số nhân sĩ, trí thức và anh em trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh trước năm 1975, được thường xuyên tổ chức vào ngày 30 tháng 4 hàng năm – ngày mà theo cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt “có triệu người vui, có triệu người buồn”.

Thế thì tình hình đặc biệt hiện nay là gì? Có thể nói một cách khái quát là Việt Nam đang rơi vào một cuộc tổng khủng hoảng sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lãnh vực mà nhiều chuyên gia, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo trong cũng như ở nước ngoài đã phân tích. Tôi chỉ xin nêu một số tình hình sau đây.

Nền kinh tế của chúng ta đang trên bờ vực thẳm do nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chủ yếu là do sự lãnh đạo và điều hành yếu kém của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, những tập đoàn, những nhóm lợi ích đang càng ngày lũng đoạn, chi phối nhà nước một cách nghiêm trọng; tệ nạn tham nhũng, lãng phí tràn lan không thể nào ngăn chận, làm thất thoát không biết bao nhiêu của cải, tài sản của nhân dân. Về vấn đề này, nhiều bài báo, nhiều phát biểu của các chuyên gia kinh tế trong nước và ở nước ngoài đã phân tích một cách sâu sắc với những cứ liệu cụ thể, tôi không nói gì thêm.

Đạo đức xã hội, trong đó những giá trị truyền thống của dân tộc, của gia đình bị xoáy mòn dữ dội trước lối sống thực dụng, giả dối, chạy theo chức vụ, đồng tiền của đông đảo cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân. Đặc biệt hai lãnh vực liên quan đến sự hình thành nhân cách và thể chất con người là giáo dục và y tế ngày càng bị thương mại hóa một cách tàn nhẫn, nên đã xuống cấp nghiêm trọng và toàn diện, không phương cứu chữa.

Sự phân hóa xã hội giàu nghèo ngày càng dữ dội. Một bộ phận nhỏ giàu lên nhờ tham nhũng, buôn lậu, mua quan bán tước. Còn đại bộ phận nhân dân, nhất là nông dân, công nhân, những người lao động, cuộc sống vô cùng khó khăn, mất đất mất nhà, phải ly hương khắp nơi, đôi lúc phải cho con em đi lao động nước ngoài như một lối thoát cho gia đình. Thậm chí một số nữ thanh niên rơi vào những địa ngục lao động tình dục đầy thương tâm, mất đi phẩm giá, danh dự của những công dân Việt Nam mà nhà nước phải có trách nhiệm bảo hộ.

Đảng Cộng sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về lý luận và đường lối nghiêm trọng, với một nền “chính trị cường quyền” – chữ mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ám chỉ đường lối chính trị của Trung Quốc hiện nay nhưng đau xót thay, lại được áp dụng triệt để cho nhân dân Việt Nam. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng xa dân, mất lòng dân, không có khả năng tự điều chỉnh, thay đổi. Với kinh nghiệm của một người hoạt động trong hệ thống chính trị hiện nay dưới sự lãnh đạo “toàn diện và tuyệt đối” của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều năm, tôi xin chứng minh khả năng tự điều chỉnh, thay đổi của Đảng Cộng sản Việt Nam là không có, hoặc nếu có thì phải có những điều kiện nhất định.

- Lúc tôi còn là Phó Chủ tịch thường trực và là Ủy viên Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM, có buổi làm việc với ông Lê Quang Đạo, lúc đó là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Phạm Văn Kiết (Năm Vận), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Mặt trận Trung ương. Trong cuộc họp, hai ông đặt vấn đề: Trong hệ thống chính trị hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chính trị xã hội rộng lớn bao gồm nhiều giai cấp, nhiều tôn giáo, dân tộc (theo điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cần phải giữ vai trò “đối trọng” để giám sát chính quyền, ngăn chận khuynh hướng độc đoán, bè phái, tham nhũng. Hai vị nói rất say sưa về vấn đề này. Tôi và các vị trong Đảng đoàn và Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM rất phấn khích, đồng tình. Nhưng một thời gian sau, được biết chủ trương về vai trò “đối trọng” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bị phê phán kịch liệt và có lệnh không được phép nhắc lại nữa. Ông Lê Quang Đạo cũng được cho về nghỉ vì đã dám có chủ trương nói trên.

- Cách đây vài năm, lúc ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng có một đề án “Về vai trò giám sát và phản biện xã hội Việt Nam” gởi qua Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng đề án này cũng bị xếp xó cùng với luật lập hội...

- Gần đây nhất là qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đề nghị 7 điểm và bản dự thảo một hiến pháp mới, Hiến pháp năm 2013 của 72 nhân sĩ trí thức của cả nước đã được hàng vạn người ký tên đồng tình ủng hộ và những ý kiến có thể gọi là “tiến bộ” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng chính phủ đều bị lờ đi và dự thảo lần thứ tư trình trước Quốc hội vừa rồi có những điều còn lạc hậu thụt lùi hơn cả Hiến pháp năm 1992, nhất là quyền sở hữu đất đai, vấn đề lực lượng vũ trang. Về bản dự thảo lần thứ tư này, 40 vị nhân sĩ trí thức đã ra tuyên bố phê phán thẳng thừng, không còn nói một cách tế nhị như trong đề nghị 7 điểm, mà nói thẳng phải bỏ điều 4 Hiến pháp, phải thực hiện chủ trương đa nguyên đa đảng, phải thay đổi thể chế, v.v. Phải nói đây là những ý kiến quyết liệt nhất từ trước đến giờ của các nhân sĩ trí thức trong cả nước. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không nghe, như trước đây họ đã không nghe những ý kiến tiến bộ và rất xây dựng của những người đã từng đảm đương những trọng trách trong Đảng và nhà nước như Trung tướng Trần Độ, Trung tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, và nhiều người nữa. Họ dùng phương châm làm ngơ, không nghe, không thấy để tiếp tục củng cố Đảng, ngỏ hầu “một mình một chợ” muốn làm gì thì làm, đưa đất nước đến bờ vực thẳm.

- Ngoài những sự kiện trên, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam là tạo ra một tầng lớp cán bộ, một loại “giai cấp mới” với nhiều đặc quyền đặc lợi để vì lợi ích cá nhân và gia đình mà sống chết bảo vệ chế độ. Chủ trương phát triển Đảng trong trường học là minh chứng cho việc này. Cho phát triển Đảng trong các trường trung học, đại học sẽ phá vỡ môi trường sư phạm, làm xấu đi quan hệ giữa thầy và trò. Trong một trường học, một lớp học thầy ngoài Đảng còn trò là đảng viên thì còn thể thống gì trong quan hệ giữa thầy và trò. Đoàn Thanh niên Cộng sản là lực lượng “kềm kẹp” học sinh sinh viên mà việc một số sinh viên trường Đại học Luật lập blog “Bảo vệ công lý cho Đoàn Văn Vươn” bị Đoàn Thanh niên Cộng sản của trường này dùng nhiều biện pháp ngăn cản, đe dọa là một ví dụ. Hoặc hiện nay con đường tiến thân của thanh niên để leo nên những nấc thang quyền lực, nấc thang xã hội là về phường xã công tác, vo tròn, luồn cúi, vân vân, dạ dạ để được kết nạp vào Đảng – bước đầu tiên để họ tiến thân vào nấc thang danh vọng. Họ biết rằng trong chế độ hiện nay không đảng viên là không được cất nhắc đảm nhận những chức vụ quan trọng cho họ có quyền hành để nhận quà cáp, hối lộ. Nhiều quan chức giữ vai trò chủ chốt trong chính quyền của TP HCM hiện nay là từ con đường này mà đi lên. Vì vậy trình độ của họ rất kém, thiếu hẳn văn hóa cơ bản, chẳng biết gì về xã hội nhân sự, xã hội công dân, tuyên ngôn Nhân Quyền và các nền văn hóa, triết học của thế giới, nền tảng của tri thức nhân loại hiện nay.

- Điều nghiêm trọng hiện nay là nền Độc lập Dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ mà đồng bào, chiến sĩ chúng ta qua nhiều thế hệ đã hy sinh biết bao xương máu mới giành lấy được, nay bị đe dọa nghiêm trọng bởi nhà cầm quyền Bắc Kinh mà bản chất bành trướng, xâm lược không hề thay đổi. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhượng bộ nhiều trong hội nghị Thành Đô năm 1990. Đây là cơ sở cho chánh quyền Bắc Kinh mưu toan độc chiếm Biển Đông, thực tế là đã chiếm hẳn Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của chúng ta và nay vẫn tiếp tục ngang ngược bắt bớ, truy đuổi cướp bóc ngư dân của chúng ta đang đánh bắt trong những ngư trường truyền thống. Thật là khó hiểu khi Đảng và nhà nước Việt Nam cho Trung Quốc triển khai lực lượng, tuy gọi là dân sự dưới chiêu bài các dự án kinh tế, ở các vùng chiến lược trọng điểm như Tây Nguyên, các vùng rừng núi phía Bắc, miền Trung và đến cả Cà Mau của đồng bằng sông Cửu Long. Họ biến những khu vực đó thành vùng riêng của họ, không cho người Việt Nam bén mảng vào. Một khi có biến, “đạo quân thứ 5” này sẽ là một lực lượng làm chúng ta không kịp trở tay mà kinh nghiệm trong những ngày đầu cuộc xâm lược của bành trướng Bắc Kinh năm 1979 ở các tỉnh biên giới phía Bắc là những kinh nghiệm đầy máu và nước mắt của cán chiến sĩ, đồng bào ta. Càng khó hiểu hơn khi Đảng và nhà nước Việt Nam lại cấm hoặc lờ đi trong một thời gian rất dài việc tổ chức các ngày tưởng niệm những người đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc này.

Những điều nêu trên chứng minh rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã không còn là đảng cách mạng như trước đây nữa, mà đang trở thành yếu tố ngăn cản sự phát triển của đất nước, đưa đất nước chúng ta vào một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện chưa có lối ra. Gần 40 năm là thời gian quá đủ cho một nước “cất cánh” như các nước trong khu vực. Chủ trương đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản và chủ nghĩa lý lịch cùng với việc không thực tâm thực hiện chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, làm hạn chế sức mạnh đoàn kết dân tộc, một yếu tố cực kỳ quan trọng để phát triển đất nước cũng như để chống lại sự bành trướng của bọn xâm lược Bắc Kinh. Tôi và nhiều bạn bè đồng đội khác cho rằng nguyên nhân chính là vai trò độc đảng của Đảng Cộng sản, không có những lực lượng xã hội khác thực sự làm đối lập, đối trọng để giám sát, ngăn chận sự lạm quyền, lộng quyền và các chủ trương chính sách của Đảng Cộng sản đi ngược lại lợi ích của quần chúng, của đất nước. Vì vậy đã đến lúc phải đẩy mạnh sự phát triển của xã hội dân sự, xã hội công dân, trong đó có các tổ chức chính trị độc lập và cùng tồn tại với Đảng Cộng sản và đấu tranh qua các cuộc bầu cử công khai hợp pháp có sự quan sát của quốc tế. Sự ra đời của Đảng Dân chủ Xã hội hay một đảng hợp pháp nào đó là lẽ đương nhiên, phù hợp với sự phát triển hiện nay của một nước dân chủ thực sự. Đây là biện pháp đặc biệt để giải quyết một tình hình đặc biệt dù cho có gây “sốc” đối với đảng cầm quyền hiện nay. Việc rời bỏ hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam của nhiều đảng viên vừa qua cũng như hiện nay là để không còn ràng buộc gì nữa với 19 điều cấm đảng viên, tước đoạt một số quyền công dân cơ bản, mà Đảng Cộng sản đã tùy tiện đặt ra, để trở thành những công dân tự do.

Sau năm 1975 trong giới công giáo có một bài hát rất hay “Trước khi là người công giáo tôi đã là người Việt Nam”. Trước khi trở thành đảng viên Cộng sản, chúng tôi là người Việt Nam. Dù quá khứ như thế nào, khuynh hướng ra sao, chúng ta đều là người Việt Nam, đều có chung một mục đích là đấu tranh để xây dựng một nước VIỆT NAM ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC.

Vậy tình hình đã chín muồi để đặt vấn đề này chưa? Một số người đặt vấn đề với tôi như vậy. Tôi và nhiều người nữa thấy tình hình đã chín muồi, khẩn cấp lắm rồi, nếu không tích cực giải quyết thì Việt Nam sẽ rơi vào cuộc tổng khủng hoảng triền miên, không loại trừ nguy cơ sụp đổ, nhất là trước áp lực ngày càng nặng nề của Trung Quốc, một nước láng giềng rất tráo trở, muốn biến nước ta thành một bộ phận, hoàn toàn phụ thuộc họ. Đây là nguy cơ thực sự.

Còn giải thiết rằng tình hình chưa chín muồi thì lại càng phải đấu tranh để nhanh chóng thay đổi thể chế, từ chế độ độc tài toàn trị sang chế độ Dân chủ Cộng hòa, phát triển xã hội dân chủ, xã hội công dân với những lực lượng chính trị độc lập để qui tụ quần chúng ngõ hầu đấu tranh kềm chế, giám sát đảng cầm quyền một cách có hiệu quả. Nếu chưa chín muồi thì chúng ta chủ động làm cho nó chín muồi, chứ chẳng lẽ khoanh tay thụ động ngồi chờ cho nó chín muồi sao? Không thể có thái độ ngồi chờ sung rụng như vậy được. Chúng ta đã ngủ một giấc ngủ dài, làm ngơ trước những cái ác, cái xấu, cái bất công. Trước nỗi khổ của những người dân mất tự do, mất nhà, mất đất, chúng ta phải thức tỉnh, không thể chần chừ được nữa. Để đất nước rơi vào tình hình hiện nay có phần trách nhiệm của giới “sĩ phu”. Vậy đã đến lúc giới sĩ phu trong cả nước phải lãnh trách nhiệm đứng lên, dõng dạc và hiên ngang đi đầu trong cuộc đấu tranh này. Chẳng lẽ chúng ta không thấy xấu hổ trước tấm gương sinh viên Phương Uyên, người con gái 21 tuổi trong phiên xử của tòa án phúc thẩm tại Long An vừa qua hay sao? Trước áp lực của xã hội, của quần chúng, tòa án phúc thẩm buộc phải xem xét lại bản án và Phương Uyên được trả tự do ngay tại tòa. Đây là một kết quả ngoạn mục, ít ai nghĩ đến. Nếu chúng ta cứ thụ động ngồi chờ cho tình hình chín muồi thì chắn hẳn bản án sẽ khác đi. Bất cứ cuộc đấu tranh nào, qui luật chung là đều có những “đột phát khẩu” để phá rào cho quần chúng tiến lên. Sẽ có hy sinh mất mát nhưng chúng ta phải chấp nhận.

Một vấn đề nữa là quá trình ra đời và phát triển một tổ chức chính trị, kể cả một đảng chính trị, không thể một ngày một bữa mà có ngay.

Đọc bài viết Phá xiềng của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, nhiều người hỏi là Đảng Dân chủ Xã hội đã có trên thực tế chưa. Thực ra bài viết của nhà báo Hồ Ngọc Nhuận chỉ nêu ra một ý tưởng để mọi người cùng suy nghĩ. Chứ thực ra việc thành lập một tổ chức chính trị nào, kể cả Đảng Dân chủ Xã hội, đều phải theo một qui trình nhất định. Chúng ta chủ trương đây là một việc làm công khai, hợp pháp nên trước tiên phải thành lập một ban vận động để sơ thảo cương lĩnh, điều lệ để có cơ sở cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ tổ chức này như thế nào, đường hướng ra sao để ủng hộ hoặc không ủng hộ và cũng là cơ sở khi đăng ký với chánh quyền để họ xem đây có phải là một tổ chức khủng bố, phản động, như ngôn ngữ hiện nay họ thường dùng, hay không hay đây là một tổ chức có đường hướng tuy khác với Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng không có gì đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc, có thể cùng song song tồn tại với Đảng Cộng sản và các tổ chức chính trị khác. Chủ trương của chúng ta là hòa bất bạo động, chống lại các hành động quá khích, khủng bố, vũ trang lật đổ. Chúng tôi tin rằng việc làm đúng đắn của chúng ta sẽ được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp quần chúng, tuy bây giờ là đa số “thầm lặng”, những đến một lúc nào đó có điều kiện sẽ trở thành một lực lượng đấu tranh hùng hậu để xây dựng một nước VIỆT NAM HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP, THỐNG NHẤT, TIẾN BỘ XÃ HỘI VÀ VĂN MINH, một khát vọng sâu xa mà nhiều thế hệ cha ông chúng ta đã mơ ước.

Cho nên đây là một quá trình vận động. Hiện nay chúng ta đang trong quá trình vận động.

Những điều tôi viết trong bài này cũng như bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh là lời tâm huyết mà tôi đem cả tim óc để bộc bạch cho bạn bè, đồng đội và những người đã cùng nhau chiến đấu trước hoặc hiện nay, cũng như những người chưa quen biết trong và ngoài nước. Bệnh tôi chưa biết sẽ diễn biến ra sao, nhưng tôi hạnh phúc được nhiều người – kể cả có vị lãnh đạo cao của Đảng, Nhà nước – thăm hỏi, chăm sóc, có người còn cho những loại thuốc quý. Trong tình hình bất an hiện nay, nếu biết đâu tôi bị một tai nạn nào đó thì xin mọi người xem đây như những gì tôi để lại cho những người thân trong gia đình, những người mà tôi thương yêu, cho bạn bè, đồng đội và cho đời. Đó là tâm nguyện của tôi, rất mong mọi người hiểu cho.

Sài Gòn, ngày 18 tháng 8 năm 2013
Lê Hiếu Đằng
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Phạm Đình Trọng - Có đủ căn cứ pháp luật cho sự ra đời của những chính đảng mới

Trả lời phóng viên đài BBC, ông giáo sư Vũ Minh Giang, thành viên hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Đề xuất việc thành lập đảng chính trị, nhất lại là đề xuất của những người đang là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam thì đấy là nguyện vọng nào đó, mong muốn nào đó của cá nhân hay nhóm cá nhân nào đó.  .  . nhưng mong muốn đó phải nằm trong khuôn khổ pháp luật .  .  . Theo hiểu biết của tôi thì chưa có hệ thống (pháp luật) đó” Và “Nhiều thành phần kinh tế phải có đa nguyên đa đảng chỉ là logic hình thức”. *
Nhà văn Phạm Đình Trọng và tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ
Ấp úng, quanh co, ông giáo sư trong Hội đồng lí luận Trung ương nói rất dài cũng chỉ đưa ra một nội dung rất ngắn và hồ đồ là: Chưa có căn cứ pháp lí cho việc thành lập chính đảng mới.
Thưa nhà lí luận của Đảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam, giáo sư Vũ Minh Giang.
Với một thể chế, một xã hội lành mạnh và tử tế thì Nhà nước và pháp luật được hình thành theo một qui trình: Nhân dân lựa chọn và bầu cử ra những người quản lí xã hội được gọi là Nhà nước và Nhân Dân trao quyền cho Nhà nước để thực hiện chức trách trước Nhân Dân.
Kẻ có quyền thường lạm quyền để vụ lợi và áp bức người Dân thân cô thế yếu. Từ đó pháp luật phải ra đời. Nhà nước lại được người Dân ủy quyền soạn thảo ra pháp luật để quản lí xã hội và điều quan trọng hơn cả của pháp luật là ngăn chặn sự lạm quyền của kẻ cầm quyền để bảo vệ người Dân thấp cổ bé họng. Để bảo vệ người Dân, nguyên tắc thực thi pháp luật là: Quan chức chỉ được làm những việc pháp luật cho phép còn người Dân được làm mọi việc pháp luật không cấm.
Với thể chế Cộng sản, với xã hội Việt Nam thời Cộng sản, người Dân bị gạt ra ngoài rìa trong qui trình bầu chọn lập nên Nhà nước, trong việc hình thành xây dựng pháp luật. Nhà nước của Đảng. Quốc hội của Đảng. Chính phủ của Đảng. Đến các tổ chức xã hội cũng của Đảng nốt. Pháp luật cũng chỉ để bảo vệ sự độc tôn thống trị xã hội của đảng Cộng sản mà thôi. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, người Dân Việt Nam vẫn có đủ căn cứ pháp lí để lập lên chính đảng của mình khi cần thiết. Những căn cứ đó là:
1.  Không có luật nào và không có điều luật nào cấm người dân lập chính đảng. Người Dân được làm mọi việc pháp luật không cấm. Người Dân có đầy đủ quyền lập chính đảng của mình.
2.  Hiến pháp hiện hành cho người Dân quyền lập chính đảng khi điều 69 Hiến pháp 1992 hiện hành ghi: Công dân có quyền tự do ngôn luận. tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của pháp luật.
Hội và đảng chỉ là hai cách gọi khác nhau của một tổ chức chính trị. Như khi đảng Cộng sản Đông Dương muốn giấu mình đi liền đổi tên thành hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác. Người Dân có quyền lập hội đương nhiên cũng có quyền lập đảng. Nhà nước chưa có luật về lập hội chưa có luật về tự do ngôn luận, tự do báo chí là trách nhiệm, là thiếu sót của Nhà nước. Không thể vì thiếu sót của Nhà nước mà tước đoạt quyền công dân cơ bản mà Hiến pháp đã bảo đảm cho người Dân.
3.  Điều 52 của Hiến pháp 1992 hiện hành cho người Dân được quyền: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Hơn ba triệu công dân Việt Nam có quyền lập lên đảng Cộng sản Việt Nam vậy thì hơn tám mươi triệu người Việt Nam còn lại cũng có quyền lập lên đảng chính trị của mình. Đó là là cơ sở pháp lí vững chắc bảo đảm cho mọi công dân Việt Nam được bình đẳng với những công dân đảng viên Cộng sản. Cấm công dân lập đảng chính trị của mình là vi phạm điều 52 Hiến pháp.
Khi ông giáo sư thành viên Hội đồng lí luận Trung ương lớn tiếng nói rằng nhiều thành phần kinh tế phải có đa đảng chỉ là logic hình thức là ông đã lớn tiếng bảo rằng chủ nghĩa Mác Lê nin chỉ là logic hình thức, không có thực chất, không có nội dung, là ông đã thẳng thừng bác bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin mà đảng Cộng sản của ông đã lấy làm nền tảng tư tưởng.
Tất cả sự lụn bại của xã hội Việt Nam, sự nguy khốn của dân tộc Việt Nam hiện nay là do sự thao túng quyền lực của một đảng độc tài theo đuổi một học thuyết sai lầm và tội lỗi, một đảng không vì lợi ích dân tộc mà chỉ vì lợi ích của một nhóm người cầm quyền trong đảng độc tài đó. Một đảng chính trị mới ra đời là đòi hỏi khẩn thiết của cuộc sống, của lịch sử, là bước phát triến tất yếu và lành mạnh của xã hội Việt Nam.
Phạm Đình Trọng
(Dân luận)

Đoan Trang - 9X ơi!

Hai 9X Nguyễn Thu Trang và Vũ Thuỳ Linh. Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Ở tuổi 21, đứng trước toà án của Đảng (tôi nói thế, vì ông/bà chánh án nào ở nước ta mà chẳng là đảng viên), cô gái Nguyễn Phương Uyên dõng dạc: “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xét xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống Đảng Cộng sản không phải chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng!”. Đố ông bà chánh án nào cãi được lập luận này đấy.

Cách đấy mới nửa tháng, một 9x khác, Nguyễn Anh Tuấn, đã đến gặp Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Nhân quyền để trao bản Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam, kêu gọi Nhà nước sửa đổi luật pháp để chứng tỏ cam kết cải thiện nhân quyền. Cũng 9X đó, tháng 4/2011 đã làm một sự kiện “động trời” gây khó chịu cho Bộ Công an: làm đơn tự thú để “được” đi tù vì vi phạm Điều 88 (tuyên truyền chống Nhà nước).

Một 9X nữa, Nguyễn Thu Trang, đàng hoàng và tươi tắn xuất hiện tại Đại sứ quán Mỹ và Thuỵ Điển để trao Tuyên bố 258 và trao đổi về tình hình nhân quyền Việt Nam với quan chức hai toà đại sứ. Em là bạn của một loạt 9X khác, những người đã đứng ra tổ chức lớp học tiếng Anh, chính trị, xã hội dân sự… các đề tài mà không bao giờ các em nhận được sự giáo dục-đào tạo thoả đáng ở nhà trường XHCN. Có phải vì tính chất “nổi loạn” tiềm ẩn, hay nói cách khác, sự khao khát tự do đó ở các em, mà công an vừa mới đây đã phải tổ chức một cuộc bố ráp bất thình lình vào phòng học của các em?

Đã, đang, và sẽ có những 9X như thế. Trẻ trung, phơi phới, thông minh, tràn đầy nhiệt tình và ước mơ đóng góp vào sự thay đổi, tạo sự thay đổi. Họ làm tôi tin tưởng vào tương lai của Việt Nam lắm. “Đất nước bên bờ sóng” này chẳng thể nào sụp đổ được nếu vẫn còn có những con người như họ. Ít nhất, họ đã dám đứng lên đòi quyền của mình – quyền được cất lên tiếng nói, quyền được tham gia, quyền có thông tin. Họ không chờ tới khi bạc đầu mới lớn tiếng khẳng định trước Đảng các giá trị dân chủ, tự do…

Ai đó có thể than thở rằng thế hệ trẻ ngày nay sao mà vô cảm, ích kỷ, tàn nhẫn, bạc bẽo. Có thể số đông là như vậy. Nhưng vẫn còn có một thiểu số 9X sẽ làm nên tương lai của dân tộc.

Từng có những dư luận viên và những nhân viên an ninh nhún vai, mai mỉa: “Chỉ là một nhúm người hằn học và bất mãn, chống phá. Chẳng làm được cái gì”. Ồ, cái nhúm người này là thiểu số thật đấy, nhưng chúng ta hãy thử nhìn xem, có sự thay đổi nào, có cuộc cách mạng nào mà không bắt đầu từ một thiểu số?

Yêu các bạn lắm, các bạn 9X “thiểu số” ạ.

Đoan Trang 

(Blog Đoan Trang )

Huỳnh Ngọc Chênh - Hai giả định về lý do giảm án bất ngờ cho Uyên Kha

Vào giờ cuối phiên tòa, bất ngờ tòa tuyên giảm một nửa mức án cho Nguyên Kha và chuyển mức án 6 năm tù giam của Phương Uyên xuống thành 3 năm tù treo để thả ngay tại tòa đã làm bao nhiêu con tim Việt Nam rung lên hạnh phúc và gây ra trận động đất dữ dội trong dư luận cùng những dư chấn của nó ra toàn thế giới chưa biết khi nào mới chấm dứt.

Tại sao có sự đột biến đầy kịch tính và rất "happy ending" như phim ảnh vậy?

Nguyên nhân của chuyện đó rơi vào một trong hai giả định sau:

Giả định 1: Trước kiến nghị đòi trả tự do cho Uyên - Kha của hàng ngàn người ký tên, trước hàng trăm bài viết của nhân sĩ, trí thức, blogger trong và ngoài nước, trước áp lực mạnh mẽ của đồng bào trong và ngoài nước, trước áp lực của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, trước áp lực của các quốc gia dân chủ tiến bộ, trước áp lực của cơ quan nhân quyền LHQ về việc phải trả lại công bằng cho Uyên - Kha và đòi hỏi VN phải tôn trọng các cam kết về nhân quyền, tiến nhanh lên dân chủ hóa, các người đứng đầu đảng CSVN thấy rằng đến lúc phải thực lòng thay đổi để nhanh chóng hội nhập, tìm được sự ủng hộ của quốc tế và đem lại hạnh phúc thực sự cho toàn dân nên đã quyết định tìm cách trả lại tự do ngay cho Phương Uyên và từ từ trả lại tự do cho Nguyên Kha trong nay mai.

Việc giảm án cho Uyên - Kha là bước đi "Amstrong" rụt rè đầu tiên hướng về ánh sáng dân chủ nhưng sẽ là bước tiến vĩ đại của dân tộc trong nay mai.

Những bước đi tiếp theo là sẽ thả hết các tù nhân lương tâm còn lại vào dịp đặc xá ngày 2.9 sắp đến, rồi tiến đến thay đổi hiến pháp bỏ đi điều 4, chấp nhận đa nguyên, đa đảng...

Nếu đúng với giả định nầy, tôi tin rằng toàn dân sẽ tôn 16 ông bà trong bộ chính trị thành những thánh nhân, dựng tượng khắp mọi nơi để thờ cúng. Riêng tôi nguyện sẽ mỗi ngày viết một bài báo hàng ngàn chữ để ca ngợi công đức của các vị cho đến khi tôi không còn viết được nữa. Tôi cũng tin rằng nhân dân sẽ khép lại quá khứ, tha thứ tất cả, đảng CSVN tiếp tục được ủng hộ, nhân dân sẽ dồn phiếu cho các vị trong bầu cử tự do để tranh đua sòng phẳng và thắng lợi tuyệt đối các đảng phái mới lập khác.

Giả định 2: Do áp lực phải vào TPP, phải vào hội đồng nhân quyền LHQ, phải mua được vũ khí sát thương của Mỹ, phải tìm các nguồn tài trợ cho nền kinh tế đứng bên bờ vực thẳm...các vị lấy việc giảm mức án vài năm cho Uyên - Kha làm món hàng trao đổi để lừa bịp dư luận và thế giới. Sau khi đạt được các yêu cầu chiến thuật đó các vị lại "đâu trở về đó", lại tiếp tục vùi dập nhân quyền, đàn áp người yêu nước... như đã từng làm sau khi vào WTO.

Nếu giả định nầy là sự thật thì nhân dân sẽ không để yên, lịch sử sẽ đời đời nguyền rủa, thế giới sẽ không ngu ngơ để các vị tiếp tục dối trá.

Tôi hay tin người và tin vào điều tốt đẹp nên rất tin vào giả định 1.

Huỳnh Ngọc Chênh
(Blog Huỳnh Ngọc Chênh )

“Học chỉ để đi thi” là thảm họa!

Theo GS.TSKH Phạm Minh Hạc, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, sức ép thi cử là do triết lý “hư văn, khoa cử, quan trường” còn rơi rớt lại.
Tự tử do sức ép
Những năm gần đây, cứ vào đợt công bố điểm thi ĐH, không ít thí sinh rơi vào stress vì thi trượt. Thậm chí có những trường hợp tự tử chỉ vì thất vọng. Ông có nhận xét gì về các trường hợp này?
Nói riêng trong trường hợp tự tử khi đi thi không đạt yêu cầu, nếu xét dưới góc độ cá thể thì: Hành động thi trượt mâu thuẫn với kỳ vọng, tức là sự kỳ vọng quá lớn dẫn đến thất vọng tột cùng và dẫn đến tự tử. Như thế là không đánh giá đúng được năng lực của mình, trước hết là không hiểu rõ bản thân của mình. 18 tuổi, nhưng không vạch được đường đời, cho rằng nguyện vọng, kỳ vọng vào ĐH là duy nhất. Khi không đạt được thành ra thất vọng tột cùng. Ở đây có cả vấn đề không đánh giá đúng mình, không đánh giá đúng ngoại cảnh, sĩ diện một cách hão huyền.

Nhiều em còn chịu sức ép từ gia đình, thưa ông?
Đúng. Có thể đấy cũng là một phản ứng tuyệt vọng do sức ép của gia đình, kiểu như nuôi con như thế, con phải vào đại học, trở thành bác sĩ, kỹ sư... khi không đạt được thì sức ép của gia đình dẫn đến hậu quả không hay.
Ngoài gia đình, còn dư luận xã hội nữa, nhất là với những trường hợp được nhìn nhận học giỏi mà không may thi trượt.
Chúng ta chịu ảnh hưởng từ thời Lý đến ngày nay (hơn 10 thế kỷ) cái “hư văn, khoa cử và quan trường”. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, nuôi con học đến lớp 12 thì đại bộ phận theo triết lý “Học để thi đại học”, thậm chí là vào trường nào cũng được, dù không biết học ra để làm gì. Học để đi thi, chỉ lấy đi thi vào ĐH là con đường gần như là duy nhất đối với thanh niên nước nhà - Đấy là một thảm họa, lãng phí tiền, thời gian, công sức của cả gia đình và xã hội. Đây là một sức ép rất lớn của một triết lý hư danh trong xã hội chúng ta, chịu ảnh hưởng của nhiều thế kỷ chịu đô hộ và phong kiến.
Hướng nghiệp kém
Đành rằng việc kỳ vọng vào ĐH là quá lớn, do triết lý “hư văn, khoa cử, quan trường” từ thời phong kiến còn rơi rớt lại - như ông nói. Nhưng chẳng lẽ không có biện pháp nào để giảm bớt “bi kịch”?

Phải thừa nhận công tác hướng nghiệp ở khối THCS và THPT làm rất kém. Chúng tôi có con số của các nhà tâm lý học ở TP.HCM: Trong tổng số thí sinh thi vào một số trường, chỉ có 25% biết mình nên chọn nghề gì.
Thực ra, công tác hướng nghiệp gồm 4 nội dung: Mỗi học sinh phải hiểu đúng năng lực; hiểu được hứng thú của mình; năng lực, hứng thú này có đáp ứng yêu cầu thị trường lao động không; Hoàn cảnh kinh tế gia đình mình như thế nào? Cả 4 điều này chúng ta không nói rõ để từng học sinh, từng gia đình hiểu. Nhà trường phải kết hợp với gia đình hướng nghiệp cho các em.

Lâu nay, làm gì có ai hướng nghiệp cho học sinh đâu, toàn các em tự tìm hiểu.

Đó chính là một lý do dẫn đến các trường hợp tự tử. Nhiều trường hợp thất vọng, nhưng không đến mức quá lớn. Trường hợp quá bức xúc dẫn đến mâu thuẫn tột cùng, không có lối thoát thì là cá biệt, nhưng cá biệt đó sinh ra từ đại thể.

Trái ngành là không tốt!

Có một số sinh viên thi vào được những trường danh giá, đòi hỏi lực học rất tốt mới thi đỗ, nhưng trong quá trình học lại chán nản vì mọi thứ không như mình tưởng... Lúc đó câu hỏi “dừng lại, hay đi tiếp” cũng rất đau đầu.

Có những em hiểu được mình, nhầm thì sửa. Tôi biết có người tốt nghiệp Đại học Y ra mở cửa hàng gỗ và họ thích thú với công việc hiện tại. Có những con số chúng ta không bao giờ đưa: có bao nhiêu người tốt nghiệp Đại học Y không đi làm tại các tỉnh, mà ở lại Hà Nội, thậm chí làm việc tại các cửa hàng.

Việc học một ngành, ra làm việc ngành khác, ông có cho rằng “kiểu gì thì có kiến thức cũng tốt; kiến thức đó sẽ hỗ trợ cho công việc của người ta dù công việc đó trái với ngành được đào tạo”?

Với từng trường hợp cụ thể thì phải nghiên cứu, nhưng nói chung thì không tốt. Ở các nước, họ tổ chức phân luồng. Như nước Đức, sau lớp 5 đã phân luồng: đi học để ra nghề hay đi vào một trường trung học để lên ĐH. Ở Pháp, đến lớp 7 thì học 1 năm hướng học và hướng nghiệp; tức là vẫn học chương trình bình thường nhưng người ta gọi năm học đó là hướng học và hướng nghiệp bởi bắt đầu từ đấy là hướng nghiệp rất rõ. Ở Anh, sau lớp 10 là phân luồng rất rõ; em nào tiếp tục lên học lớp 11, 12 gọi là A (phân ban hẹp để vào các trường ĐH tương ứng).

Ở nước ta trước đây đã có sự phân chia từ hết lớp 9; em nào lên THPT vào ban A thì học chủ yếu môn Toán, Lý, Hóa... Đó có phải sự phân luồng?

Đó là phân ban chứ không phải phân luồng. Phân luồng là luồng này đi học nghề, luồng kia đi ĐH. Họ phân thành 2 luồng rõ rệt, thậm chí có tỷ lệ phần trăm. Ví dụ ,ở Trung Quốc là 50:50, tức là 50% học hết THCS thì đi học nghề, còn 50% học tiếp để vào ĐH. Có nước là 40:60, nhưng chủ yếu là 50:50. Còn chúng ta có chủ trương phân ban, nhưng phân theo khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội; do ít người vào học khoa học xã hội quá thì lại có một ban chung. Cuối cùng trên thực tế chương trình phân ban đã bị hủy bỏ.

Việc phân luồng như nhiều nước thực hiện, chúng ta khó thực hiện theo hay sao?


Từ năm 1996, tại Hội nghị Trung ương 2, khóa VIII đã đặt ra vấn đề phân luồng trong Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục. Nhưng từ đó đến nay không ai thực hiện. Riêng tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu từ năm ngoái có chủ trương phân luồng: Anh nào đi học nghề thì được cho tiền đi học. Hiện nay, số trường nghề quá ít, chúng lại được đôn từ cao đẳng lên ĐH. Nhưng đây lại là một vấn đề khác, nói thì rất dài.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Hoài Hương (Thực hiện)
(Kiến thức)

Thủ tướng kiểm tra thực hiện Nghị quyết TW4 tại TP HCM

VOV.VN -Thủ tướng đề nghị thành phố cần phải rà soát lại những vấn đề nổi cộm để có các giải pháp giải quyết hiệu quả.
Sáng nay (18/8),  tại TP HCM, Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Báo cáo tóm tắt kết quả việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng tại hội nghị cho biết, cùng với việc tập trung thực hiện nhóm giải pháp đầu tiên – kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, quy chế triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác đề ra trong Nghị quyết.

Thành ủy đã thành tập trung thực hiện các nhóm giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình trên các lĩnh vực: Nhóm giải pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; nhóm giải pháp giải quyết những vấn đề bức xúc của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố nghiêm túc thực hiện nhóm giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…
Đặc biệt, trong tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những khó khăn, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, nhất là đối với gia đình chính sách, đồng bào nghèo, công nhân, sinh viên… Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, huy động cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện các phong trào, các cuộc vận động chăm lo thiết thực đời sống nhân dân.
Nổi bật là phong trào vận động các nguồn lực chăm lo cho các hộ nghèo, người có thu nhập thấp. Tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường, chú trọng đưa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến với công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Báo cáo về những tác động, ảnh hưởng tích cực qua một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM đánh giá: qua một năm thực hiện đã nhận dạng rõ hơn, sâu sắc hơn tình trạng và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Trong khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, thành phố rất chú trọng các giải pháp tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng bộ với nhân dân thông qua việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; vấn đề quy hoạch, tình trạng dự án “treo”; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với nhân dân; tập trung giải quyết một số vụ việc tồn đọng, kéo dài nhiều năm…
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, thay mặt Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố trong việc xây dựng báo cáo tự kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03.
Thủ tướng yêu cầu cùng với việc phát huy những ưu điểm, thành tựu đã đạt được, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM cần tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, yếu kém, tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, thực hiện Chỉ thị 03, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thành phố cần phải rà soát lại những vấn đề nổi cộm để có các giải pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận như: khiếu kiện của dân, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội nhằm giữ vững kỷ cương phép nước./.
(VOV)

Bị tuyến giáp, bác sĩ bảo cởi áo siêu âm... ngực

Khi bác sĩ không siêu âm cổ mà siêu âm ngực, chị M. mới la toáng lên: “Chị ơi, siêu âm tuyến giáp phải siêu âm cả…ngực hả chị?”, tới lúc này các nhân viên y tế ở đó mới biết là…nhầm.

Vào ngày 10/8 đã xảy ra sự việc hy hữu bác sỹ chẩn đoán bé gái bị 'hẹp bao quy đầu'. Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích,  nhầm lẫn này là do hệ thống mạng tại bệnh viện quá tải, phần khác, bác sĩ đã không kiểm tra lại đơn thuốc sau khi in.

Sau sự cố này, nhiều người nhà bệnh nhân mới giật mình nhớ lại, đã không ít họ 'dính' sự cố nhầm lẫn từ các bác sĩ.

Thấy sai, nhắc còn bị…mắng

Phóng viên VietNamNet ghi nhận được khá nhiều phản ánh của các thân, bệnh nhân về chuyện nhầm lẫn trong quá trình khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

Một trong số đó là trường hợp của chị Lưu Thị T., 35 tuổi, ngụ tại quận 5.

Chị T. cho biết cách đây khoảng 1 tuần đưa bố vào cấp cứu ở một bệnh viện lớn gần nhà. Tại khoa cấp cứu của bệnh viện này, không chỉ chị mà còn nhiều thân bệnh nhân khác rất bức xúc.

bệnh viện, bệnh nhân, nhầm lẫn, nhân viên y tế, siêu âm, xét nghiệm
Kết quả xét nghiệm máu mà nhầm là điều không thể chấp nhận. Ảnh minh họa VTV.

Lúc đó chỉ có 1 bác sĩ trực cấp cứu. Cô bác sĩ khám cho bố chị Tuyết, sau đó ghi tình hình sức khỏe vào quyển hồ sơ. Tuy nhiên, bác sĩ không điền tên người bệnh ngay mà để quyển hồ sơ lên bàn.

Chị T. có hỏi bác sĩ sao không điền tên bệnh nhân thì bị mắng, nói rằng cứ ra ghế ngồi chờ, mọi việc có điều dưỡng lo.

Cùng lúc, một nữ bệnh nhân đau bụng dữ dội được đưa vào cấp cứu. Bác sĩ lại tới khám và ghi vào quyển hồ sơ khác nhưng cũng chưa điền tên người bệnh và lại…để lên bàn.

Khi xấp hồ sơ dày thêm gần chục quyển, một cô điều dưỡng bắt đầu điền tên bệnh nhân ra ngoài bìa.

Do không yên tâm với cung cách làm việc của ê kíp trực, chị T. cứ đứng cạnh xấp hồ sơ trông chừng.

Khi tới hồ sơ của bố mình, thấy cô điều dưỡng ghi nhầm chị có nhắc nhưng lại bị…yêu cầu ra ghế ngồi.

Nỗi lo của chị T. sớm thành sự thật khi người phụ nữ bị đau bụng lúc nãy được đẩy lên khoa với tập hồ sơ bệnh án của ông Lưu Văn A. để theo dõi tình trạng suy hô hấp, còn bố chị T. suýt bị đưa đi điều trị đau ruột thừa với tập hồ sơ của bà Nguyễn Ánh N.

“May mà tôi theo dõi từ đầu. Thấy họ chuẩn bị đưa bố đi với hồ sơ bệnh án người khác, tôi phải la làng lên. Tới lúc này vị bác sĩ kiểm tra lại và nói: “Nhầm rồi, ông này là đàn ông cơ mà”.

“Liên quan đến tính mạng con người mà người ta làm ăn quan liêu, máy móc như thế đấy!”, chị T. bức xúc

Tại một bệnh viện khác trên địa bàn quận 5, ông Hoàng Văn Đ., 79 tuổi đến điều trị nội trú bệnh tim – mạch cũng tá hỏa vì cung cách làm việc cẩu thả, qua loa của nhân viên y tế.

Tối hôm đó, huyết áp ông lên cao quá, gia đình đã gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị và được trả lời sẽ có điều dưỡng đến đo ngay.

Đợi mãi chẳng thấy ai, ông phải tự lấy thuốc điều trị huyết áp của mình ra uống.

Sáng hôm sau, bác sĩ tới khám, xem hồ sơ của ông, nhìn sắc mặt rồi phán: “Cụ ơi, huyết áp cụ đo tối qua tốt quá rồi, hôm nay khám thấy cụ tỉnh táo. Không có gì phải lo nữa cụ nhé.”

Ông Đ. nghe bác sĩ nói giật mình đáp: “Tối qua có ai tới đo huyết áp cho tôi đâu mà tốt? Tôi phải tự uống thuốc hạ huyết áp nên mới được thế này đấy!”.

Máy móc, cẩu thả với tính mạng bệnh nhân

Không điều trị nội trú, chỉ tới bệnh viện khám tuyến giáp mà chị Trương Thị M., ngụ tại quận 4 (TP.HCM) cũng phải…tởn da già.

Biết rằng tới bệnh viện lớn, đông người khám, nên dù có bảo hiểm y tế chị M. vẫn không dùng và yêu cầu được khám dịch vụ.
bệnh viện, bệnh nhân, nhầm lẫn, nhân viên y tế, siêu âm, xét nghiệm
Nhầm lẫn trong khám chữa bệnh không thể đổ lỗi hoàn toàn cho quá tải - Ảnh: Bảo An.

Chị cầm tờ giấy chỉ định siêu âm tuyến giáp của bác sĩ tới xếp hàng ở khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện.

Chờ cả nửa buổi mới tới lượt, khi vào tới nơi, nhân viên y tế của khoa yêu cầu cởi áo ra…

Cứ tưởng siêu âm tuyến giáp phải cởi áo nên chị cũng làm theo rồi leo lên giường nằm.

Khi bác sĩ không siêu âm cổ mà siêu âm ngực, chị M. mới la toáng lên: “Chị ơi, siêu âm tuyến giáp phải siêu âm cả…ngực hả chị?”, tới lúc này các nhân viên y tế ở đó mới biết là…nhầm.

“Nếu tôi là người dưới quê lên, không hiểu biết, cứ để bác sĩ siêu âm tuyến giáp thành…siêu âm ngực, thử hỏi sẽ rắc rối thế nào. Tới lúc đem kết quả cho bác sĩ điều trị xem chắc chắn sẽ lại bị bắt đi siêu âm lại, và thế là mất thêm nửa ngày chờ đợi, tốn kém tiền bạc, thời gian.” - chị M. bức xúc.

Tuy nhiên chuyện nhầm lẫn của chị Nguyễn Thị K., 30 tuổi, ngụ tại quận 7 còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Mang thai đứa con thứ 2, chị K. tới bệnh viện có khoa sản gần nhà để làm các xét nghiệm cần thiết.

Cầm tờ kết quả xét nghiệm máu trong tay, chị K. hoảng hồn, quay lại phòng trả giấy xét nghiệm thắc mắc.

Chị nói với nhân viên y tế rằng kết quả xét nghiệm sai thì bị mắng: “Sao chị biết sai, chị là bác sĩ à?”.

Quá sốc với thái độ của điều dưỡng, chị K. trả lời: “Tôi không phải bác sĩ nhưng tôi biết nhóm máu của mình là nhóm gì. Tôi đã sinh con một lần rồi, kết quả xét nghiệm nhóm máu tại bệnh viện khi sinh lần trước và của Viện Pasteur đều là nhóm O, vậy mà lần này lại là nhóm B.”

Thấy chị K. trình luôn kết quả xét nghiệm cũ ra, cô điều dưỡng mới xuống nước: “Ờ thôi, chị đi làm xét nghiệm lại đi”.

Rất nhiều ý kiến phản ánh từ người dân cho rằng việc sai sót, nhầm lẫn trong quá trình, khám chữa bệnh kiểu như kể trên không thể đổ lỗi cho quá tải.

Đó lệ thuộc vào quy trình làm việc có chặt chẽ, khoa học và người nhân viên y tế có tâm huyết, trách nhiệm với nghề, với bệnh nhân hay không ?

• Bảo An

(*) Danh tính nhân vật đã được thay đổi.
(VNN)

Hiểu lầm và khả năng chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ

Một tuần vừa qua, các cuộc họp ở Đài Bắc đã bộc rõ ra các vấn đề và bất đồng lớn trong việc đi tìm ý nghĩa thực sự và nội dung của chính sách ‘tái cân bằng’ của Hoa Kỳ ở Châu Á. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, các tranh cãi bất đồng lại nảy ra rõ hơn giữa những người Mỹ đến thăm Đài Loan, chứ không phải giữa những người Đài Loan. Qua việc phân thích những điểm bất hòa này, chúng đã tiết lộ cho thấy động thái thực sự quan trọng trong suy nghĩ của Hoa Kỳ về châu Á, điều này sẽ làm xấu đi sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực này bất chấp những gì họ nói: Tất cả những quan sát viên, những người tham gia cuộc họp, đều thấy khu vực châu Á như một võ đài phân tranh, đối đầu để đạt được quyền lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. 
Các cuộc tranh luận về vấn đề cần bằng quyền lực của Hoa Kỳ tại châu Á đều xoay quanh hai điểm đáng quan tâm. Một là liệu Hoa kỳ có thực sự nhất tâm thực hiện chính sách, chịu đựng và đối mặt với vấn đề ngân sách khó khăn và khủng hoảng diễn ra khắp nơi trên thế giới hay không. Hai là liệu các chinh sách thực hiện để tái cân bằng quyền lực ở châu Á có thực sự bao gồm Trung Quốc và cả tính khả thi của chính sách này? Câu trả lời cho vấn đề thứ nhất là “có nhưng không hẳn”; và vấn đề thứ hai là “không đúng hòan toàn”.
TOPSHOTS-HONG KONG-US-CHINA-MILITARY-SEA

Thời gian sẽ cho câu trả lời xác đáng nhất cho cả hai vấn đề, nhưng trước mắt chúng ta có thể thấy các lôgic hiện tại sẽ hỗ trợ và tìm lời giải đáp cho mỗi câu hỏi. Các động thái của Hoa Kỳ trong nỗ lực cải thiện và tăng cường sự hiện diện, ảnh hưởng của Washington tới khu vực năng động nhất trên thế giới sẽ tác động tới lợi ích lâu dài của đất nước và tác động tới địa chính trị. Sự ràng buộc của Hoa Kỳ với châu Á đã được thiết lập, một vị trí mang lại ý nghĩa hơn rất nhiều khi so với mối quan hệ hơn 200 năm của Hoa Kỳ với châu Á.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đã hợp tác với Trung Quốc hơn ba thập kỷ qua, Hoa Kỳ đã và đang có các hành động lớn hơn để cấp vốn, tạo ra các giá trị thương mại và tư vấn kinh tế, giúp cho Trung Quốc có một đòn bẩy tốt để tăng trưởng. Mục tiêu chính trong một loạt các nỗ lực hợp tác của Hoa Kỳ với Trung Quốc là tạo sự thuận lợi cho các đóng góp của Bắc Kinh nhằm duy trì trật tự toàn cầu. Hàng trăm tỷ USD được đưa ra để đầu tư, thương mại, các cam kết về ngoại giao, cam kết quân sự của Hoa Kỳ cho Trung Quốc không hề hoang phí, các nỗ lực trên được thiết lập, trải dài trên các phạm vi khác nhau, thiết lập thành một chính sách ngăn chặn.
Các tranh cãi đang diễn ra tập trung vào mục tiêu thực sự của Hoa Kỳ nhằm kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc và bảo vệ ưu thế khu vực của mình không hề đúng với thực tế.  Nội dung trong các bài phát biểu của giới quan chức, các chính sách của Hoa Kỳ về việc tái cân bằng quyền lực từ khi Hoa Kỳ đưa vấn đề này ra lần đầu tiên, các cuộc đàm thoại trao đổi với các nhà hoạch định về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và tính khả thi của các chính sách đó trong suốt hai năm vừa qua đã làm rõ rằng, ý định của Hoa Kỳ không đơn giản như vậy. Hơn nữa, chính sách đối đầu toàn diện sẽ làm suy yếu các ý định sau này của Hoa Kỳ bằng việc gây thù địch với các nước trong khu vực, khi các nước này đối mặt với việc buộc phải lựa chọn giữa Washington hoặc Bắc Kinh, điều tiên quyết hơn hết là các nước này phải đối mặt thù địch với Bắc Kinh.
Có vài lời phát biểu khẳng định rằng nếu có bất kỳ sự không chắc chắn nào về chính sách của Hoa Kỳ đối với châu Á thì việc này phản ánh thông tin liên lạc kém cõi của các quan chức Mỹ. Điều đó không chính xác. Thông  điệp ở đây không hoàn toàn rõ ràng. Thay vào đó, các bộ óc duy thực bảo thủ của cả Mỹ và Trung Quốc đang chi phối và gây ra khó khăn cho cả hai bên.  (Và tất nhiên các nhà duy thực bảo thủ của Trung Quốc nhiều hơn và nhiệt tình hơn so với Mỹ.)
Nhưng ở thời điểm hiện tại, đã có những phản biện khá tích cực từ Đài Bắc. Trong nhiều năm trở lại đây, đây là lần đầu tiên các cuộc tranh luận bị kìm chế không phải bởi thế cân bằng quân sự mà bởi khả năng ngoại giao kinh tế đầy mạnh mẹ của Đài Loan với thế giới. Đài Loan đã bắt đầu thúc đẩy ký kết một thỏa thuận hợp tác kinh tế mới với Tân Tây Lan, thỏa thuận đầu tiên với lời hứa thúc đẩy kinh tế phát triển trong tương lai. Lẽ dĩ nhiên không đơn thuần Đài Loan chỉ giao hảo với một nước duy nhất, hiệp ước đó đã tạo đà và tạo cơ hội cho nhiều lợi ích trên các lĩnh vực khác nhau. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy một điều chắc chắn đang diễn ra là Đài Bắc đang trong những giai đoạn cuối cùng để ký kết một thỏa thuận tương tự với Singapore. Chính phủ Đài Loan còn cho biết thêm họ đang đàm phán một hiệp định tự do thương mại với Ấn Độ, Indonesia và cũng bắt đầu nghiên cứu tính khả thi để ký kết một hiệp ước tương tự với Philippines.
Một số ý kiến trái chiều cho rằng rằng các giao dịch hay ký kết mới chỉ là phần nhỏ, hoặc quá nhỏ để tạo ra các khác biệt lớn. Nhưng giới chuyên môn ủng hộ thì phản bác lại rằng ý nghĩa thực sự của các ký kết đó rất lớn: Các thỏa thuận này giúp Đài Loan tái hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu và nhắc nhở thế giới về sự hiện diện và các tiềm năng thực sự của Đài Bắc. Chúng giúp chống lại quan điểm cho rằng Đài Loan bụôc phải sát nhập vào Trung Quốc, và điều đó không thể chối cãi.
Trong thời gian vừa qua, giới chuyên môn đã được nghe và thấy rằng, cả hai bên bờ eo biển đều tin rằng chiến thắng sẽ thuộc về họ, vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Nhiều người Đài Loan tin rằng họ có sự lựa chọn, phần còn lại của thế giới sẽ thấy họ là một nước độc lập, không phải là một phần phụ hoặc một tỉnh ly khai của Trung Quốc.
Suy nghĩ và hành động của Đài Loan trong thời gian vừa qua đã tạo những hiệu ứng khá tốt và quan trọng, bởi trong quá khứ, tình hình cho thấy vấn đề chỉ là thời gian trước khi Trung Quốc nuốt chửng Đài Loan hoặc bằng biện pháp quân sự, hoặc bằng chính sách ngoại giao hay thậm chí tạo ra các kìm kẹp phong tỏa kinh tế.
Các động thái và suy nghĩ trên khá tương đồng với chính sách “tái cân bằng” của Hoa Kỳ. Washington nhấn mạnh rằng, trước tiên họ sẽ sử dụng các biện pháp ngoại giao, sau đó là kinh tế, và cuối cùng – dù muốn hay không – họ sẽ dùng quân đội để gây ảnh hưởng. Điều đó không có nghĩa Hoa Kỳ chỉ đơn thuần tăng cường sức mạnh để gây ảnh hưởng với Trung Quốc trên các lĩnh vực và cấp độ khác nhau. Thay vào đó, Hoa Kỳ đang tập trung vào phát triển kinh tế để cải thiện tài sản quốc gia.
Đài Loan không hoàn toan chấp nhận chính sách trên, và họ đang có khá nhiều động thái cũng như cố gắng sử dụng giao dịch kinh tế để tạo ra ảnh hưởng ngoại giao của mình. Không hề có lý do rằng Hoa Kỳ không thể thành công trong việc sử dụng ngoại giao kinh tế để kiểm soát sức mạnh và ảnh hưởng của họ trên toàn khu vực châu Á.
Brad Glosserman, EAF
Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© 2013 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC

Ai Cập quyết giải tán Huynh đệ Hồi giáo

Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình
Các thành viên Huynh đệ Hồi giáo quyết đối đầu đến cùng với chính phủ

Nội các Ai Cập sắp sửa bàn bạc về cuộc khủng hoảng hiện nay ở đất nước này vốn đã làm cho hàng trăm người chết trong những ngày vừa qua.
Thủ tướng tạm quyền đã đưa ra một đề xuất giải tán tổ chức Huynh đệ Hồi giáo một cách hợp pháp.

Chính phủ lâm thời đang làm tất cả mọi thứ có thể để không cho tổ chức này tái lập lực lượng.

Huynh đệ Hồi giáo là cơ sở chính trị của tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi vốn bị chính quyền hiện tại của Ai Cập xem là nguyên nhân của tình trạng đổ máu.

Trong đêm qua, hình ảnh trên truyền hình cho thấy những người biểu tình trên đường phố của Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập, và ở khu vực phía nam của thủ đô Cairo, bất chấp lệnh giới nghiêm của chính quyền.

Hôm thứ Bảy ngày 17/8, các lực lượng an ninh Ai Cập đã giải tán thánh đường al-Fath ở Cairo sau một thời gian giằng co kéo dài với các thành viên Huynh đệ Hồi giáo cố thủ bên trong.

Cuộc đối đầu ở đây tiếp diễn trong gần hết ngày thứ Bảy. Cả hai bên đã giao tranh trong khi đám đông đứng bên ngoài thánh đường cổ vũ cho lực lượng an ninh.

Bố ráp khắp nước

"Sẽ không có hòa giải gì hết với những kẻ mà bàn tay đã nhuốm màu và chĩa vũ khí vào nhà nước và các thể chế của đất nước."
Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem Beblawi
Chính phủ lâm thời Ai Cập đang hành động nhanh chóng để làm suy yếu khả năng chống cự của Huynh đệ Hồi giáo.

Hôm 17/8, Bộ Nội vụ nước này cho biết họ đã bắt giữ hơn 1.000 thành viên của tổ chức này trong các cuộc bố ráp trên khắp đất nước và thu giữ nhiều vũ khí, bom mìn và đạn dược.

Tổ chức này được dẫn lời nói con cái của các nhân vật lãnh đạo của họ bị xem là mục tiêu của các cuộc bố ráp này trong nỗ lực nắm các con bài để điều khiển tổ chức này.

Một nhân vật khác cũng bị bắt là Mohammed al-Zawahiri – người anh em của thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri – người mà các quan chức cho hay có kế hoạch hỗ trợ cho các thành viên Huynh đệ Hồi giáo cố thủ bên trong thánh đường al-Fath.

Nhiều nhân vật trong chính phủ lâm thời cho biết họ đang chiến đấu chống lại các ‘thế lực khủng bố’.

Cairo
Ai Cập vẫn trong tình trạng giới nghiêm

Kể từ khi ông Morsi bị lật đổ hôm 3/7, các ủng hộ viên của Huynh đệ Hồi giáo đã tấn công đồn cảnh sát, nhà thờ cũng như tư gia và cơ sở kinh doanh của những người theo đạo Thiên chúa.

Hành động này của họ đã làm công chúng có cái nhìn cứng rắn hơn đối với họ.
Tuy nhiên nhiều người ủng hộ chính phủ lâm thời nói rằng truyền thông phương Tây đã phớt lờ những hành động cực đoan này của Huynh đệ Hồi giáo.

“Sẽ không có hòa giải gì hết với những kẻ mà bàn tay đã nhuốm màu và chĩa vũ khí vào nhà nước và các thể chế của đất nước,” Thủ tướng lâm thời Hazem Beblawi phát biểu với các phóng viên.

Đề xuất giải tán Huynh đệ Hồi giáo của ông đã làm cho cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát Ai Cập chứa đựng thêm nhiều rủi ro, phóng viên BBC Bethany Bell ở Cairo nhận định.

Nếu kế hoạch này được thực thi, thì Huynh đệ Hồi giáo sẽ phải rút vào hoạt động bí mật và chính phủ sẽ tìm cách chấm dứt các nguồn tài trợ của họ.
(BBC)
 

Ông Bạc Hy Lai ra tòa ngày 22/8

Ông Bạc Hy Lai tại một buổi lễ khi còn đương chức
Vẫn còn nhiều người yêu mến ông Bạc ở Trùng Khánh

Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai sẽ ra tòa vào thứ Năm tuần tới vì tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.

Mặc dù ông từng là cựu Bí thư thành phố Trùng Khánh ở miền tây Trung Quốc, ông sẽ bị xử ở thành phố Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông, cách Trùng Khánh khoảng 1.600 km về phía đông.

Bê bối Bạc Hy Lai đã gây rúng động ở Trung Quốc do những cáo buộc tham nhũng liên quan tới chính trị gia ở tầng cao nhất trong hệ thống quyền lực.

Vợ ông, bà Cốc Khai Lai, đã bị bỏ tù cách đây một năm vì giết hại doanh gia người Anh Neil Heywood.

Ban BBC Tiếng Trung nói có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc tránh xử ông ở chính Trùng Khánh vì vẫn còn nhiều người yêu mến ông tại đó.

Nhưng các phóng viên BBC cũng cho biết việc xử các quan chức cao cấp ở các tỉnh khác đã thành thông lệ.

Ngã ngựa

Cú rớt đài chính trị của ông Bạc bắt đầu hồi tháng Hai năm 2012 khi cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân lẻn vào lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô trong một thời gian ngắn.

Ông Vương, người sau đó đã bị kết án 15 năm tù, đã khiến Trung Quốc phải mở điều tra về vụ giết hại doanh gia người Anh Neil Heywood.

Vợ ông Bạc, bà Cốc Khai Lai, đã bị kết án tử hình treo vì vụ việc.

Ông Bạc bị nghi ngờ toan ém nhẹm vụ việc và bị tước mọi chức vụ.

Người ta không nhìn thấy ông xuất hiện ở nơi công cộng từ một năm nay.

Chức Bí thư Trùng Khánh mà ông Bạc Hy Lai từng nắm giữ được coi là có tính chiến lược do đây là thành phố loại một và có tầm quan trọng thứ ba chỉ sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Trùng Khánh cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nằm ở cửa ngõ Tây Tạng, vùng được coi là nhạy cảm bậc nhất ở Trung Quốc.

Bạn nào từng tới Trùng Khánh, Tứ Xuyên hay Tây Tạng hãy chia sẻ thêm về các miền đất này nhé. Hiển nhiên các bạn luôn có thể gửi tới BBC các bình luận về chính trị Trung Quốc.
(BBC)
 

Cha con ‘người rừng’ thành món hàng kinh doanh

Hai cha con một người đàn ông Quảng Ngãi sống chui rúc ở vùng núi cao thuộc tỉnh Quảng Ngãi, được đưa trở về với cộng đồng mấy ngày qua đã thu hút nhiều người hiếu kỳ khắp nơi.
Ông Hồ Văn Thanh, nay đã ngoài 80 và con trai, ông Hồ Văn Lang, 41 tuổi, mà người ta gọi là “người rừng” hiện đang được cháu ruột tên Hồ Minh Lâm săn sóc chu đáo.
Ông Hồ Minh Lâm ngã giá với một số nhà báo rằng muốn phỏng vấn “người rừng” thì phải trả 500,000 đồng, tương đương 25 đôla. Còn muốn đến thăm “ngôi nhà” lơ lửng trên cây của họ thì phải trả 4 triệu đồng, tương đương 200 đôla.
Cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang. (Hình: Báo Tiền Phong)
Báo Tiền Phong cho biết, từ trung tâm huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi đến tận căn nhà chòi của cha con của ông Hồ Văn Thanh mất khoảng 4 tiếng đồng hồ đường bộ.
Cũng có nhiều người biết tin hai cha con “người rừng” trú ngụ trên một cái chòi nhỏ treo giữa vùng rừng núi Apon thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Ông Hồ Văn Thanh còn nhiều em cháu ở vùng đồng bằng nhưng họ chỉ mới tìm cách đưa ông cùng con trai từ nơi rừng rú trở về miền xuôi sống cùng thân nhân, hàng xóm láng giềng hôm 10 tháng 8 vừa qua.
Tính ra, hai cha ông đã sống ở vùng rừng núi, tách biệt với xã hội gần 40 năm. Cả hai cũng biết tìm đến tận nương rẫy của người đồng loại để bẻ bắp mang về làm giống, trồng cùng với lúa sạ. Họ dùng búa và bùi nhùi để đánh lửa; cũng nấu cơm bằng nồi, dùng mảnh bom làm lược chải đầu...
Ông Hồ Minh Lâm cho biết, thỉnh thoảng cũng băng rừng tìm đến thăm cha con ông Hồ Văn Thanh để “tiếp tế” thực phẩm, các vật dụng cần thiết. Ông Lâm cho biết, đã khám phá ra dấu chân của “người rừng” từ năm 2004. Mới đây, gia đình ông mới “trục” được cha con ông Thanh trở về với xã hội, cộng đồng.
Hiện nay, ông Hồ Văn Thanh đang nằm dưỡng bệnh tại trung tâm y tế huyện Sơn Trà. Cũng theo báo Tiền Phong, công ty xi măng Xuân Thành ở Quảng Ngãi đã ngỏ lời xây nhà tặng hai cha con người rừng, để giúp họ có nơi ăn sống ổn định.
Nhưng theo báo Dân Trí, mới đây thôi, cả hai đòi... trở lại thăm rừng, vì thấy nhớ.
(Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét