Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý: Vụ án phúc thẩm Uyên Kha

Thùy Linh - Bước đi đầu tiên đến "Đối tác toàn điện"

Như vậy phiên tòa phúc thẩm xử hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã kết thúc.
Kết quả: Đinh Nguyên Kha – 4 năm tù giam; Nguyễn Phương Uyên – 3 năm tù giam cho hưởng án treo; Đinh Nhật Uy – 4 năm tù treo.

Chúc mừng những chàng trai, cô gái yêu nước quả cảm, nhiệt huyết, sống có lý tưởng…
Sáng nay trong phiên tòa nói là xử công khai nhưng tất cả người thân, bạn bè của hai em đều không được cho vào trong dự phiên tòa, gây ra những sự bức xúc lớn cho nhiều người. Chị Kim Liên, mẹ của Kha đứng ôm hàng rào khóc. Còn chị Nhung, mẹ Uyên thì do bị ức chế quá đã ngất đi…Rất nhiều an ninh, dân phòng, cảnh sát làm thành vòng vây quanh phiên tòa. Hơn 9 giờ sáng phiên tòa mới bắt đầu. Nhưng đến 10.30h thì phiên tòa đã tuyên bố nghỉ. 
Cái đáng nghi nhận trong phiên tòa này là Kha dù xin giản án nhưng kiên quyết không nhận tội. Còn Uyên dõng dạc tuyên bố: "Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng”. 
Sau lời phát biểu này, những tưởng Uyên sẽ bị y án (nếu không nói là sẽ nặng hơn) cái án 6 năm tù của tòa sơ thẩm. Hơn 4 giờ tòa tuyên án, tất cả vỡ òa trong niềm vui bất ngờ...Một niềm vui dẫu chưa trọn vẹn, nhưng sự dường như biểu đồ cảm xúc của mọi người không còn là con đường vô cực dẫn tới những tuyệt vọng, ai oán…
Vẫn còn đó Đinh Nguyên Kha với cái án 4 năm tù giam…
Tạm bỏ qua niềm vui sang một bên, thử suy nghĩ về việc bắt – kết án – giam cầm – thả…người sao tùy tiện đến vậy?
Chứng cứ nào để kết án hai sinh viên trẻ vào điều 88 của Bộ luật hình sự? 

Và giờ thì lý do nào để giảm án cho Kha và án treo cho Uyên khi cô vẫn khảng khái tuyên bố là không cần giảm án, chỉ yêu cầu làm đúng theo pháp luật?
Vậy thì cái án 4 năm cho Kha dường như vẫn là vô căn cứ…
Nếu chính quyền đang muốn có những bước đi trong việc thiết lập niềm tin với "đối tác toàn diện” như Hoa Kỳ, các nước EU, Asian…khác thì hãy dũng cảm cất bước xa hơn nữa trong việc xét xử, trả tự do cho các tù chính trị, tù nhân lương tâm khác.
Đây cũng là cách lấy lại "niềm tin chiến lược" của người dân gần như đã cạn kiệt vì chịu đựng, chán ngán, căm giận…- những cảm xúc đang bị dồn nén có khả năng bùng nổ bất cứ khi nào. 
Hôm nay lại vừa có tin ông Lê Hiếu Đằng đang vận động cho việc ra đời một chính đảng khác để cạnh tranh với đảng CS trong việc trị quốc. Âu cũng là lẽ thường tình. Nếu đảng CS biết nắm lấy thời cơ thay đổi đường lối lúc này thì việc ở lại nắm giữ chính quyền thì chưa có chính đảng nào thay thế được. Bằng không, nhân dân sẽ tự lựa chọn cho mình con đường mà họ mong muốn…
Một ngày có hai tin tức quá lớn…Cũng có thể coi đây là sự thay đổi đang đến chăng???
Thùy Linh

Hoàng Hưng - Phúc thẩm Uyên, Kha: phiên toà lịch sử thứ hai

Phương Uyên tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Dòng Chúa Cứu Thế (Sài Gòn), sau khi được trả tự do
Phiên sơ thẩm tôi không có duyên tham dự dù chỉ ở ngoài đường, nhưng chỉ đọc tường thuật trên mạng, đã đủ cơ sở để nhận định: Đây là phiên tòa lịch sử, vì lần đầu tiên các bạn trẻ lứa tuổi 20 hiên ngang khẳng định mình vô tội, công khai tuyên bố tách bạch Đảng Cộng sản với Nhà nước Việt Nam.
Phiên phúc thẩm hôm nay tôi thật may mắn.
Không được vào bên trong phòng xử, nhưng lại có cơ hội chứng kiến và tham dự một cuộc biểu dương khí thế của lương tri, của chính nghĩa, của tình đồng bào, đồng đội, của lòng yêu nước đẹp tuyệt vời.
Hãy đến đây mà coi bà mẹ trẻ địu đứa bé một tuổi trước ngực lặn lội cả ngàn cây số vào đây chia lửa cho hai bà mẹ của Uyên và Kha, mà xem các cụ bảy mươi cùng các cháu gái trai nằm lăn xuống đường chặn bánh xe hung bạo bắt người, mà nghe tiếng hát vang “Dậy mà đi” do người cựu tù Côn Đảo tóc bạc phơ khởi giọng, nghe tiếng hô “Đả đảo Trung Quốc xâm lược”, “Đả đảo bọn tay sai bán nước!”, “Uyên – Kha vô tội”… đánh thức cả khu trung tâm thành phố Tân An lâu nay tưởng như chỉ chăm chú chuyện làm ăn, khiến một bác xe ôm rơi lệ, một bà bán quán chạy tới ôm chầm người mẹ có con đang lâm nạn, khiến hàng trăm người đi đường dừng lại lắng nghe. Hãy nhìn cảnh một rừng công an cảnh sát, dân phòng tự vệ… ngây mặt nghe một người đàn bà sang sảng kêu gọi “Hãy tìm một lối quay súng trở về với nhân dân”!
Phiên phúc thẩm Uyên – Kha sẽ đi vào lịch sử vì nó đã biến thành cuộc biểu tình kết tinh ý chí của toàn dân. Đó là NHÂN DÂN của chúng ta, một khi đã xé được khăn bị mắt, tháo được vòng kim cô, vượt qua được nỗi sợ, sẽ bộc lộ hết sức mạnh của mình! Thật tiếc cho các nhà cầm quyền cấp cao không biết vi hành để tận mắt chứng kiến mà thấu hiểu lòng dân ngày hôm nay. Họ sẽ thấm thía thế nào là sức mạnh “lật thuyền” nếu đi ngược dòng nước, nhưng đồng thời họ sẽ có lòng tin để lèo lái con thuyền đất nước vượt qua mọi thác ghềnh nếu biết dựa vào sức “nâng” của nước.
Không được vào bên trong phòng xử, nhưng cũng như phiên sơ thẩm, tôi lại được nghe tường thuật những lời tuyên bố hiên ngang của hai bạn trẻ. Nhất là lời Phương Uyên, chững chạc, tự tin khiến không ít người phải ngỡ ngàng: “Tôi không cần giảm án, chỉ cần xử đúng người đúng tội… Chống Đảng Cộng sản không phải chống phá đất nước, dân tộc!”. Một lần nữa, những lời đi vào lịch sử!
Và niềm vui bất ngờ đã nổ ra như sấm động: Nguyên Kha được giảm nửa mức án sơ thẩm, Phương Uyên được trả tự do ngay tại tòa!
Hãy đến đây mà xem cuộc đón rước Phương Uyên trước trại giam Long An và nghênh tiếp em tại Nhà dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn như hậu phương đón người nữ anh hùng từ tiền tuyến chiến thắng trở về. Em xanh, gầy, nhưng ánh sáng thiên thần tỏa ra trên gương mặt, ánh mắt, nụ cười và tấm áo trắng học trò mà ngục tù không thể vấy bẩn.
Rõ ràng một phiên tòa lịch sử: Lần đầu tiên, chính quyền buộc phải thay đổi căn bản bản án đối với một tù nhân chính trị!

Sự vui mừng bừng lên trong tiếng cười và từ sâu xa trong lòng chúng ta: Phải chăng đây là dấu hiệu đầu tiên của bước chuyển hướng từ độc tài hắc ám sang con đường dân chủ tươi sáng?
Còn phải chờ những sự kiện tiếp theo để có thể khẳng định niềm tin ấy.
Nhưng có một điều không thể nghi ngờ: Những cuộc đấu tranh liên tục, không mỏi mệt của hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp do các nhân sĩ trí thức khởi xướng, được sự hưởng ứng rộng rãi của đồng bào hải ngoại và bạn bè quốc tế đã có tác động thực sự đến thắng lợi bước đầu của phong trào dân chủ nhân quyền hôm nay. Hỡi những ai có lúc chán nản, hoài nghi hiệu lực của  cuộc đấu tranh bất bạo động, xin hãy lấy lại niềm tin, lấy lại lòng tự hào của những con người trong tay không tấc sắt nhưng luôn có trong lòng một con tim được nuôi bằng máu đỏ Lạc Hồng!
Và với những bạn băn khoăn với câu hỏi: “Khi nào là thời cơ của Dân chủ?”, tôi nghĩ rằng cuộc biểu dương lực lượng của nhân dân tại phiên tòa phúc thẩm Uyên – Kha hôm nay đã cho ta lời đáp: “Thời cơ do chính chúng ta tạo nên!”
Đêm nay là một trong những đêm vui nhất đời tôi!
12 giờ đêm 16/8/2013
Hoàng Hưng
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
 

Chuyện bên trong phiên xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha

Kết quả phiên xử phúc thẩm vụ Phương Uyên - Nguyên Kha tại Long An ngày 16.8.2013 là một chiến thắng ngọt ngào của phong trào dân chủ cho Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của Việt Nam cộng sản tòa phúc thẩm tuyên án khác xa tòa sơ thẩm. Đây là thành quả của lòng can đảm của các sinh viên yêu nước, sự hi sinh của gia đình, sự khích lệ của bạn bè, phối hợp của các blogger, sự sát cánh của truyền thông lề dân cùng tác động quốc tế đúng thời điểm.

Bên trong của phiên tòa phúc thẩm này là một cuộc chiến gay cấn giữa nhà cầm quyền độc tài toàn trị trong tay có đủ các phương tiện hùng hậu và một bên là phe dân chủ yếu ớt mỏng manh có lúc tưởng chừng như gục ngã. Chúng tôi những người làm báo vì chính nghĩa nhân dân rất vui mừng vì chiến thắng của công lý và niềm tin. Và may mắn cho chúng tôi là tiếp cận với những nguồn tin từ ngay trong các cơ quan nội chính của Long An. Những tin tức chúng tôi có được rất chính xác, nhưng vì sự an toàn của nguồn tin chúng tôi từ từ cung cấp cho độc giả các tin tức được cập nhật có chọn lọc.

A. Công tác tổ chức phiên tòa

I. Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm gồm 3 thẩm phán:

1. Thẩm phán Trương Thị Minh Thơ - chủ tọa phiên tòa.
2. Thẩm phán Phan Thanh Tùng (chồng của thẩm phán Lương Bội Trâm).
3. Thẩm phán Trương Vĩnh Thủy.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố là ông Hoàng Thanh Chuyên.

II. Phương thức tổ chức phiên tòa:

Xử kín. Vì lý do an ninh nên hạn chế số người tham dự phiên tòa khoảng 15 người, đa số là an ninh của bộ, cục và từ thành phố xuống. Phía Long An có 2 người thuộc cục an ninh quản lý tham dự. Chỗ này cần nhắc lại là chúng tôi biết trước là gia đình của Nguyên Kha và Phương Uyên chắc chắn bị cấm tham gia phiên tòa này nên đã tìm cách báo tin cho phía gia đình các sinh viên yêu nước này biết trước.

III. Bất đồng giữa công an:

Có sự bất đồng về nhân sự trong việc tổ chức phiên tòa phúc thẩm này giữa Bộ công an và công an tỉnh Long An trong khâu tổ chức nên phía Long An gần như "thả nổi" các khâu phá sóng điện thoại, tuyên bố máy dò kim loại bị hỏng đột ngột nên đã có người cài được máy ghi âm và điện thoại di động vào ngay phòng xử. Việc bất đồng trong sự chỉ đạo thể hiện rõ là khi an ninh từ bộ yêu cầu công an tỉnh Long An cung cấp 4 đầu gấu xã hội đen để uy hiếp đoàn biểu tình vào buổi chiều ngày 16.08.2013 thì phía Long An từ chối nói là chúng tôi không có và yêu cầu gấp quá chúng tôi không chuẩn bị kịp.

IV. Phòng xử:

Phòng xử án được ngụy trang là vào sâu bên trong tòa án tỉnh Long An, xảy ra trong một phòng xử án dân sự nhỏ. Hội trường chính được trang trí như là phòng xử án chính nhưng để trống. Điều này đánh lừa được đám đông biểu tình đòi thả người có la hét ồn ào cỡ nào cũng chỉ ở khu vực gần hội trường chính được ngụy trang. Còn phòng xử thật thì sâu vào bên trong hoàn toàn không nghe gì từ bên ngoài.

V. Trang phục cho các sinh viên yêu nước:

Rút kinh nghiệm phiên sơ thẩm và nhằm hạ đổ hình ảnh thần tượng sinh viên, lần này người ta cho Nguyên Kha mặc áo xanh dương giống công nhân và có vẻ già trước tuổi. RiêngPhương Uyên mặc áo màu tím. Thêm vào đó các phóng viên báo lề đảng được yêu cầu chụp hình hai sinh viên này dưới một góc tối sao cho khung hình thể hiện các em già giặn hơn tuổi sinh viên.

VI. Không khí phiên tòa:

Phải tổ chức làm sao có màu sắc sợ hãi từ ngoài vào trong và nhằm giảm sự chú ý của dân chúng trong thành phố Tân An. Xe tù thì huy động 4 chiếc nhằm chở 3 tù nhân. Trong phòng thì lắp máy camera rất nhiều.

VII. Luật sư:

Thuyết phục các bị cáo từ chối luật sư và dùng sức ép lên các đoàn luật sư để hạn chế luật sư tham gia phiên xử kín này. Bắt đầu mở các chiến dịch dùng các đoàn luật sư kỷ luật các luật sư tham gia phiên xử phúc thẩm này.

B. Những diễn biến tại phiên tòa

I. Mục tiêu của phiên tòa là ép các bị cáo nhận tội để tòa phúc thẩm giảm án theo hướng "sự khoan hồng của đảng và nhà nước". Nếu có luật sư bào chữa theo hướng vô tội thì rất căng.

II. Tuy nhiên diễn biến xảy ra ngoài "định hướng" mặc dù yếu tố luật sư đã được "giải quyết" xong. Cả Phương Uyên và Nguyên Kha đều tuyên bố là kêu oan chứ không yêu cầu giảm tội. Đặc biệt Phương Uyên đã đưa Hội đồng Xét xử vào thế bí là "yêu cầu xử đúng người đúng tội". Những hành động chống đảng cộng sản của các em là điều 258 Bộ luật hình sự chứ không phải điều 88 như đã áp dụng. Khi Phương Uyên chỉ ra điều này thì Hội đồng Xét xử và cả Kiểm sát viên đều lúng túng. Các em đòi xử theo Bộ luật hình sự còn Kiểm sát viên đòi xử theo Điều 4 Hiến pháp.

Chính điều này đã gây lúng túng cho Hội đồng Xét xử làm kéo dài tuyên án từ lúc 10 giờ 30 sáng đến 15 giờ 30 chiều. Thường những phiên Phúc thẩm thì rất chóng vánh và luôn y án. Nhưng buổi chiếu thì Hội đồng Xét xử thay vì tuyên án họ quay trở lại phần thẩm vấn xét hỏi. Khi điều luật 88 của Bộ luật hình sự bị thay đổi sang điều 258 thì Kiểm sát viên hạ giọng và đề nghị các mức án khác với mức án buổi sáng ông ta đã đưa ra trong phần luận tội.

Nói về Kiểm sát viên Hoàng Thanh Chuyên thì ông ta lúng túng lẫn lộn phần xét hỏi và tranh luận. Khi xét hỏi thì ông ta tranh luận và ngược lại. Thẩm phán Phan Thanh Tùng suốt phiên xử không có ý kiến gì. Thẩm phán Trương Vĩnh Thủy thì là phản ứng gay gắt nhất luôn cay cú ăn miếng trả miếng với 2 sinh viên. Và dường như ông ta chưa đọc kỹ hồ sơ vụ án nên ông ta không biết rằng Đinh Nguyên Kha và Đinh Nhật Uy là 2 anh em ruột. Riêng thẩm phán Trương Thị Minh Thơ được một nhân viên an ninh mô tả là "xơ cứng trịnh trọng đến mức buồn cười". Phần giải thích của bà về án treo cho Phương Uyên trong phần tuyên án được cho là vòng vo khó hiểu vì lúng túng khi tuyến án đã được chỉ đạo điều chỉnh.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng hỏi Đinh Nguyên Kha được 1 câu là khi mượn xe của Nhật Uy đi rải truyền đơn có cho Nhật Uy biết không. Đương nhiên Nguyên Kha trả lời là "không cho biết".

Trong suốt phiên xử có 3 vấn đề tranh luận gay gắt:

1. Treo cờ vàng,
2. Áp dụng điều 88 hay điều 258 Bộ luật hình sự
3. Có xin giảm án khoan hồng không?

Đặc biệt khi 2 sinh viên nhắc đến những vi phạm tố tụng trong phiên Sơ thẩm như là phiên Sơ thẩm không có nhân chứng nhưng trong bản án Sơ thẩm ghi là có 3 nhân chứng hiện diện tại tòa; hay là tuyên án Phương Uyên bắt đầu từ ngày 14.10 (ngày Phương Uyên bị bắt cóc) nhưng trong bản án ghi là ngay 19.10; hoặc là chưa có giám định nội dung các khẩu hiệu truyền đơn mà các sinh viên phân phát. Thẩm quyền xét xử là tòa thành phố hay tòa Long An... Tất cả những vấn đề này đã bị Hội đồng Xét xử gạt ra.

C. Dư luận sau phiên xét xử phúc thẩm ngày 16.8.2013 tại Long An

1. Luật sư Ng. (Đoàn luật sư Thành phố) cho biết lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp án, kết quả bản án Phúc thẩm khác xa án Sơ thẩm một trời một vực.

2. Nhà báo T. D. cho là "Có sự do dự trong khi tuyên án, chưa bao giờ thấy căng thẳng như vậy".

3. Thẩm phán H. (Tòa án tỉnh Đồng Nai) cho biết dường như tác động của can thiệp ngoại giao nên kết quả mới đảo lộn như vậy.

4. Luật sư H. (Đoàn luật sư Thành phố) cho rằng chắc chắn sẽ có chiến dịch nhằm kỷ luật các luật sư khi Tòa án Tối cao ra công văn "quan điểm của luật sư làm xấu vụ án".

5. Biên tập viên báo P.L cho là bản chất của vụ án làm nhằm hạ bệ thần tượng và làm nhục các luật sư.

6 Luật gia A. (Hội luật gia X) cho là khi án phúc thẩm sửa như vậy thì cần đặt ra là kỷ luật những người trong Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm.

7. Blogger B. cho là chiến thắng ngọt ngào cho phe dân chủ nhưng đừng chủ quan và ngủ quên.

Hải Huỳnh
(Danlambao)

Kami - Tại sao lại có kết quả bất ngờ trong phiên phúc thẩm vụ án Phương Uyên?

Chắc rằng chiều ngày 16.8.2013 những ai khi biết quả phiên xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đều phải hết sức ngỡ ngàng và không tin vào mình. Vì lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng của Việt Nam XHCN, phiên tòa phúc thẩm tuyên án khác xa với tòa sơ thẩm nhưng lại có lợi cho bị cáo. Điều đó khiến cho nhiều người vui sướng trong sự bất ngờ, không bất ngờ sao được chỉ cách đấy vài giờ đồng hồ các diễn biến của trước và trong phiên tòa đã làm cho người ta đã nghĩ đến những điều bất lợi hơn đối với cô bé Phương Uyên.

Tôi cũng chăm chú theo dõi phiên tòa này, kết quả của phiên tòa cũng làm tôi vui mừng. Tôi mừng với tư cách một người đang làm cha, tôi thông cảm với các bà mẹ có con bị tù đầy, vì tôi biết "Một ngày tù nghìn thu ở ngoài". Nếu đặt địa vị mình vào họ thì mình vui mừng đến cỡ nào?.Còn ai cho rằng kết quả của phiên tòa ấy là thắng lợi của công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt nam thì tôi chưa đồng ý. Vì như thế là quá dễ thỏa mãn với những kết qur nhỏ bé mà không hoàn toàn do hành động của chúng ta. Còn nhớ khi vào khoảng giờ nghỉ trưa của phiên tòa, một nhà báo kỳ cựu đang theo dõi phiên tòa tại Long an có bảo tôi rằng "Chắc chả hy vọng gì đâu, may thì sẽ y án sơ thẩm. Kể cả khi Phương Uyên từ chối luật sư thì cũng muộn rồi". Hơn nữa là khi Phương Uyên dõng dạc tuyên bố: "Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống ĐCS không phải chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng” tại tòa. Khi ấy mọi người chỉ còn hy vọng bản án của Đinh Nguyên Kha sẽ được ưu ái hơn. Vây mà kết quả phán quyết của Tòa án Tỉnh Long an là: Đinh Nguyên Kha – 4 năm tù giam; Nguyễn Phương Uyên – 3 năm tù giam nhưng cho hưởng án treo; Tuy vậy phán quyết "động trời" vừa nói không thể là phán quyết của Thẩm phán Trương Thị Minh Thơ - chủ tọa phiên tòa và cộng sự. Nó càng không phải là phán quyết của chánh tòa án Long An, mà nó phải là quyếtt định của một cơ quan đảng cấp cao (có thể là cấp cao nhất) thông qua Ban Nội chính TW như thường lệ đối với các vụ án nhạy cảm về chính trị mà người ta gọi là bản án bỏ túi.

Đây có thể không phải là thành quả của lòng can đảm của các sinh viên yêu nước, sự hi sinh của gia đình, sự khích lệ của bạn bè, phối hợp của các blogger, sự sát cánh của truyền thông lề dân như một số bình luận. Những cái đó nếu có thì chỉ có tác dụng về mặt tinh thần đối với Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha . Vì nếu so sánh với vụ án Nguyễn Văn Hải - Điếu cày thì sự ủng hộ của cộng đồng mạng, lòng can đảm của Điếu Cày, sự hi sinh của gia đình, sự khích lệ của bạn bè, phối hợp của các blogger, sự sát cánh của truyền thông lề dân còn lớn hơn gấp nhiều lần. Rồi kết quả số phận của ông Điếu Cày ra sao thì ai cũng đã rõ. Đúng ở đây vấn đề tác động của cộng đồng quốc tế là quan trọng, nhưng vấn đề "may hơn khôn" lại là yếu tố mang tính quyest định. Vì phiên xử phúc thẩm diễn ra đúng thời điểm mà các bối cảnh chính trị liên quan đến vấn đề quốc tế và trong nước đã gây áp lực cho chính quyền tới mức buộc họ phải có các phán xét có lợi cho Uyên - Kha. Nhưng một khía cạnh tuy nhỏ có liên quan nhưng không thể không nhắc đến đó là tỉnh Long An là quê của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Đây chính là lý do vì sao công an tỉnh Long An đã gần như "thả nổi" các khâu trong công tác bảo vệ phiên tòa, nên đã có người cài được máy ghi âm và điện thoại di động vào ngay phòng xử án. Bát chấp sự can thiệp nhiều lần, dưới nhiều hình thức từ Bộ Công an.

Trong sự vui mừng nên cũng khiến nhiều người trong số chúng ta đã không làm chủ được bản thân mình, tôi nghĩ như thế. Trên mạng đã có nhiều ý kiến cho rằng do tác động của cuộc biểu tình, hô khâu hiệu ở Long an trong ngày xử án đã khiến cho chủ tọa phiên tòa phải phán quyết có lợi cho bị cáo như vậy (!?). Thật là những suy nghĩ quá ấu trĩ và thiếu chín chắn, không có lẽ chỉ bắng một phán xét của Tòa trong phiên xử phúc thẩm vụ án Uyên - Kha ngày 16.8.2013, mà đã khiến họ có cảm giác đảng CSVN đã rũ bỏ được cáo buộc hoàn toàn có cơ sở là: đảng luôn trực tiếp chỉ đạo các vụ án đặc biệt là án chính trị bằng các bản án bỏ túi. Đó là vì suy nghĩ sai và cảm tính của rất nhiều người. Nên nhớ đảng ở cấp cao không chỉ đạo như thế thì có mà thách... tòa Long An dám làm, có nghĩa là không có kết quả làm cho mọi người vui mừng. Hơn nữa bản án bỏ túi đảng đã chuẩn bị từ trước đấy hàng tuần, hôm xử mới mang ra đọc thôi chứ ai họ chờ để xem áp lực của quần chúng thế nào để phán quyết? Do vậy không phải bản nhiều vì sao đảng lại có động thái bất ngờ như vậy.

Việc có những bất ngờ đến mức không ai tưởng tượng nổi như trong phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha không phải là mới. Còn nhớ vào khoảng 2007, trước thời điểm Việt nam chính thức tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có một vụ án chính trị khá nổi tiếng cũng có kết cục tương tự. Đó là theo đề nghị giảm án của đại diện Viện KSND tối cao, Tòa án TP.HCM đã chấp thuận, quyết định sửa bản án sơ thẩm, giảm nhẹ hình phạt đối với các ông Lê Nguyên Sang từ mức án 5 năm xuống còn 4 năm tù, ông Nguyễn Bắc Truyển 3 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 4 năm tù), phạt Huỳnh Nguyên Đạo 2 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 3 năm tù)về tội danh "tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Một trong ba người nói trên đã từng nói với tôi rằng "Chúng tôi đúng là may hơn khôn, chứ cứ xử đúng ra thì sẽ bị án ít nhất 8 năm tù". Trong vụ án  Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì cũng thế. Đây là hệ quả chuyến đi thăm Hoa kỳ của ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tầm quan trọng của biển Đông, TPP hay đối tác chiến lược trong quan hệ giữa hai nước. Đây là vấn đề có tính mấu chốt, bởi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang muốn chứng tỏ rằng ông là người nói được và làm được để tìm kiếm lòng tin trước đối thủ chính trị của mình.

Dù sao kết quả của phiên tòa xét xử phúc thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha là đáng mừng và đáng khích lệ đối với những ai đấu tranh hay ủng hộ công cuộc vận động cho dân chủ ở Việt nam. Kết quả này thể hiện một bước lùi của chính quyền trong việc đàn áp những người bất đồng chính kiến. Đây là dấu hiệu cho thấy tới đây sẽ có những thay đổi có liên quan đến vấn đề trong chính sách và đường lối của đảng CSVN. Cái mà chúng ta mong muốn và phán đoán thông quan phiên tòa ở Long an ngày 16.8.2013 chỉ phù hợp khi chính quyền ra tuyên bố thả toàn bộ tù chính trị để tiến hành cải cách chính trị toàn diện như Myanmar vừa qua. Hoặc tối thiểu cũng phải trả tự do cho các đối tượng mà họ coi là nguy hiểm như Nguyễn Văn Hải - Điếu cày. LS. Lê Quốc Quân... thì mới thực sự có ý nghĩa.

Tuy nhiên với những ai quá khát vọng, khi thấy cái gì để thỏa mãn cơn khát thì những sai lầm cũng dễ được thứ tha. Trong việc này cũng vậy. Song đừng quên, sau khi Việt nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007 thì mọi việc đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến lại quay trở lại với chiều hường còn ngày càng khốc liệt hơn. Thì sẽ chẳng có gì đảm bảo lần này sẽ không tái diễn ra như thế.

Nhưng một khi nếu ta vẫn chỉ là một hạt cát trong lòng bàn tay của họ, mà bàn tay đó họ thích nắm lại hay mở bất kỳ lúc nào mà họ thích thì niềm vui chưa thể trọn vẹn được.

Ngày 17 tháng 08 năm 2013
© Kami - RFA Blog's

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét