Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

Bài viết đáng chú ý

'Mỹ đứng sau việc thả Phương Uyên'

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, David Shear
Đại sứ David Shear trao đổi với cử tọa tại cuộc trao đổi

Trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng Việt Nam tại tư gia của bác sĩ Nguyễn Quốc Quân hôm 16/8/2013, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear tái khẳng định tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn không có sự cải thiện nào đáng kể như sự mong đợi của Hoa Kỳ.

Ông David Shear đã dành nhiều thì giờ để trả lời với các cơ quan truyền thông Việt Ngữ về quá trình công tác ở Việt Nam cũng như cập nhật các tình huống sẽ xảy ra trong quan hệ Mỹ - Việt sắp tới.

Tuy cuộc viếng thăm mang tính thăm viếng tư gia đến người anh ruột của nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế như mọi người thường biết, nhưng đây chính là một cơ chế tiếp xúc để lắng nghe tiếng nói trực tiếp nhất của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đến với Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Nội dung chủ yếu của cuộc gặp gỡ là ông Đại sứ thông báo kết quả cuộc hội đàm giữa Obama và Trương Tấn Sang và qua đó nói về chiến lược Đối tác xuyên Thái Bình Dương Trans-Pacific Partnership (TPP) mà Hoa Kỳ thực lòng muốn Việt Nam tham gia vào sân chơi mới.

Sân chơi này sẽ như là chiếc chìa khóa cho sự phát triển của Việt Nam. Nhưng đổi lại Việt Nam phải giải quyết vấn đề hồ sơ nhân quyền, tự do tôn giáo một cách nghiêm túc theo quy ước về giá trị căn bản trong quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ.

Hiện nay Việt Nam đang cần Hoa Kỳ nhiều hơn trong các quân vụ về vũ khí sát thương. Hồ sơ nhân quyền sẽ trở thành điều kiện ràng buộc trong việc mua bán vũ khí, phát triển quan hệ đối tác. Ông Đại sứ cho biết chính tổng thống Obama đã nói thẳng với ông Trương Tấn Sang như thế trong chuyến viếng thăm vào ngày 25/7/2013 gần đây.

Trong những thiện chí để làm hài lòng cử toạ về vấn đề nhân quyền, ông David Shear đã tận tình trả lời các câu phỏng vấn từng người và dành thời gian trực tiếp cho từng cơ quan truyền thông Việt Ngữ quốc tế từ VOA, RFA, BBC, đài SBTN, các tờ báo Việt Ngữ… cho đến cả Phố Bolsa TV, một kênh TV đơn giản trên youtube của hoạ sĩ Vũ Hoàng Lân.

'Hết lòng đấu tranh'


"Qua những nỗ lực đấu tranh và thương lượng, ông (David Shear) cho mọi người thấy rõ sự khó khăn và có khi là bế tắc khi nói chuyện với phía nhà cầm quyền VN về những điều Hoa Kỳ muốn nhấn mạnh"
Với tính cách tận tuỵ của nhà ngoại giao, ông Đại Sứ David Shear được mọi người khen ngợi là ông đã làm hết lòng về việc đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam.

Trong những trường hợp điển hình mà ông Đại sứ nêu ra là việc phía Việt Nam đã thả luật sư Lê Công Định, tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân (người của đảng Việt Tân về nước biểu tình chống Trung Quốc và bị bắt).

Khi được hỏi về trường hợp Điếu Cày, ông Đại sứ cho biết đây là nhân vật nằm đầu bảng trong sự đòi hỏi của Hoa Kỳ. Hiện nay, Toà Đại sứ đang theo dõi sát tình hình sức khỏe cũng như điều kiện giam cầm.

Qua những nỗ lực đấu tranh và thương lượng, ông cho mọi người thấy rõ sự khó khăn và có khi là bế tắc khi nói chuyện với phía nhà cầm quyền Việt Nam về những điều Hoa Kỳ muốn nhấn mạnh.

Các câu hỏi cũng được đặt về hồ sơ Nguyễn Phương Uyên (phóng thích tại tòa sau khi nhận án 3 năm tù treo và Đinh Nguyên Kha giảm từ 8 năm xuống còn 4 năm), viên chức chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ, Michael Orona đã trả lời rằng đây là sự đấu tranh không ngừng nghỉ từ nhiều phía.

Ông Orona cho biết ngay từ đầu tiên, Tòa Đại sứ đã ra thông cáo báo chí về việc này và tiếp tục lên tiếng bằng nhiều kênh đối thoại.

Trong cuộc tiếp tân và chiêu đãi khoảng ba tiếng đồng hồ, ông Đại sứ David Shear đã gặp gỡ và trao đổi tận tình với rất nhiều đại diện cộng đồng, các đảng phái chính trị người Việt tại Hoa Kỳ.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, gia chủ tổ chức cuộc chiêu đãi này cho biết đây là một thủ tục bán chính thức được thiết lập từ nhiều đời Đại sứ Hoa Kỳ đến Việt Nam. Dần dần, nghi thức này được hoàn thiện và hiện này là cơ chế giải thích các chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả, người cũng là chủ bút tuần báo Người Việt ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.

Trần Đông Đức
Gửi cho (BBC) từ Hoa Kỳ

Human Rights Watch : Áp lực nhân quyền với Hà Nội có hiệu quả

Phương Uyên ngay sau khi được trả tự do (DR)
Phương Uyên ngay sau khi được trả tự do (DR)

Sự kiện tòa án Việt Nam giảm án cho hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên bị quy tội chống chính quyền trong phiên xử phúc thẩm hôm qua 16/08/2013 được báo chí nước ngoài xem là hy hữu. Human Rights Watch xem đây là thành quả của một chiến dịch áp lực quốc tế cần phải được áp dụng lâu dài với chính quyền Việt Nam.

Trong phiên tòa phúc thẩm mà thân nhân không được thông báo và tham dự, sinh viên Đinh Nguyên Kha, từ 8 năm tù giảm án xuống một nửa. Nhưng đặc biệt là án tù của Nguyễn Phương Uyên trở thành án treo và cô sinh viên 21 tuổi này đã được thả ngay tại tòa phúc thẩm Long An vào trưa hôm qua.

Bình luận về sự kiện này, các hãng thông tấn quốc tế AP và AFP gọi là một màn « trình diễn khoan hồng » và « rất hiếm hoi ». Công tố viên lúc đầu đề nghị giảm một ít năm tù nhưng sau đó đã thay đổi bản án mà không giải thích tại sao trong khi « can phạm » vẫn khẳng định mình là người yêu nước và « chống đảng không có nghĩa là chống tổ quốc Việt Nam ».

Tổ chức nhân quyền Mỹ Human Ritghs Watch nhận định là chính quyền Việt Nam chưa thay đổi hẵn chính sách về nhân quyền nhưng áp lực quốc tế bắt đầu có tác dụng và Hà Nội biết lắng nghe thông điệp của tổng thống Mỹ Obama cải thiện nhân quyền.

Phil Robertson, giám đốc HRW tại châu Á phân tích thêm trên làn sóng RFI :

« Đúng là ngoài sức tưởng tượng nhưng chúng ta phải thận trọng. Bản cáo trạng vẫn còn treo lơ lững trên đầu cô gái (Phương Uyên) và cô có thể bị đưa trở lại vào nhà tù một cách dễ dàng mặc dù cô chẳng có tội tình gì để phải bị truy bắt.

Do vậy, thật tình mà nói, sự kiện cô (Phương Uyên) được thả là một cử chỉ khéo léo của chính quyền Việt Nam. Nhưng điều này không có nghĩa là họ thay đổi hẳn chính sách đối với những người có lời phát biểu không lọt tai chế độ.

Ngược lại, tôi nghĩ do có một phong trào vận động quốc tế bảo vệ cho cô và như vậy áp lực quốc tế đã mang lại kết quả.  Đây là một bài học mà cộng đồng quốc tế, chính phủ cũng như các nhà tài trợ phải suy ngẫm khi hỗ trợ hay giao dịch với Việt Nam : từ nay về sau quốc tế phải cứng rắn hơn với chính quyền Việt Nam trên hồ sơ nhân quyền ».
Tú Anh (RFI)
 

Huỳnh Ngọc Chênh - Tín hiệu

Có thể nói gần 40 năm qua, người dân Long An lần đầu tiên được thấy biểu tình
Khi một mình đi lên bến xe Chợ Lớn để đón xe buýt xuống nhà tù Long An thăm Uyên, Kha, Uy vào lúc 6 giờ sáng ngày 15.8, tôi không tin sẽ được nhìn thấy mặt các em đàng sau chắn song sắt. Đi là đi vậy thôi. Không ngờ xuống đó lại gặp các nhân sĩ Sài gòn tổ chức thành đoàn xuống thăm và gởi quà cho các em. Còn hơn thế nữa, không những thấy được cả ba em một cách thoải mái mà còn được trực tiếp nói chuyện với Phương Uyên.
Một tín hiệu?
Sáng ngày 15.8, mọi người chống đỡ cuộc đàn áp dữ dội của công an Long An trước cổng tòa án. Ban đầu chỉ có gia đình Uyên - Kha và một số mẹ chị đến từ Vũng Tàu, Đồng Nai và một số bạn trẻ đến từ Sài Gòn... rồi đến chúng tôi gồm anh Huỳnh Kim Báu, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà báo Kha Lương Ngãi, kỹ sư Tô Lê Sơn... Bên cạnh đó là nhóm Nguyễn Tường Thụy, Lê Quốc Quyết... từ Hà Nội vào mấy hôm nay. Rồi mọi chuyện bùng nổ khi các bạn trẻ No- U cùng với nhóm Bùi Hằng gồm Thụy Nga với cháu bé trước bụng, Trương Dũng, Viễn Nguyễn...đến từ Hà Nội. Lực lượng chị em Nam Bộ được bổ sung thêm các mẹ chị đến từ An Giang, Sài Gòn. Ngược hẳn với thái độ từ tốn của anh Báu khi chất vấn viên chỉ huy công an lý do không cho chúng tôi vào dự phiên tòa, Nhóm Bùi Hằng, Thụy Nga, Trương Dũng vừa đến nơi đã to tiếng phản ứng việc công an cấm đoán chúng tôi chụp hình trong khi cả rừng an ninh mặc thường phục chỉa các loại máy quay vào tận mặt từng người chúng tôi. Công an phản ứng lại bằng cách tăng cường người và gia tăng áp lực. Anh Viễn Nguyễn rồi Kha Lương Ngãi vừa lôi điện thoại và máy ảnh ra đã bị hàng loạt công an chìm nổi nhào đến cướp giật máy và khống chế đưa lên xe 113. Bùi Hằng xông ra, Trương Dũng và Thụy Nga chỉa máy chụp hình vào mặt những người đang chỉa máy vào chúng tôi. Cả hai ngay tức khắc bị khống chế thô bạo đưa lên xe. Chúng tôi chen vào giằng co và che chắn để bảo vệ em bé được địu trước bụng Thụy Nga. Mọi người nằm xuống trước đầu xe, một vài bạn khác nằm chặn sau xe.
Nhưng vì lực lượng công an và dân phòng quá đông nên cuối cùng xe cũng cài số lui chạy thoát.

Chúng tôi họp lại thành một đoàn biểu tình đi diễu hành quanh một số đường phố. Ban đầu chi chừng 40 người nhưng qua trưa và đến đầu giờ chiều, số người biểu tình đã lên đến gần cả trăm. Lực lượng tăng cường cho đoàn biểu tình đến từ khắp nơi. Các câu khẩu hiệu được hô vang: Tự do cho người yêu nước, Phương Uyên- Nguyên Kha vô tội, phản đối công an bắt người biểu tình, phản đối phiên tòa bưng bít... Người dân thành phố Tân An ngỡ ngàng và rúng động. Sau nầy nhiều người nói: "Cả đời dân ở đây, hơn 40 năm qua, đây là lần đầu tiên chứng kiến cảnh biểu tình". Tôi nghĩ, có lẽ cả trăm năm qua người dân tại đây chưa thấy biểu tình là gì vì trước 75, hầu hết các cuộc biểu tình đều diễn ra tại Sài gòn.
Tại đây cũng cần dừng lại để có lời khen ngợi chính quyền Long An đã tôn trọng quyền tự do biểu tình của người dân theo đúng hiến pháp đã ghi. Đoàn biểu tình gần 100 người với các biểu ngữ các loại, kéo đi qua khắp các đường phố, hô vang các khẩu hiệu phản đối các điều sai trái trong suốt cả ngày mà không hề bị ngăn chặn hoặc bị gây khó khăn. Người trong đoàn biểu tình cũng không bị bọn giả danh côn đồ hoặc các lực lượng an ninh đánh đập thô bạo như ở Sài Gòn và Hà Nội.
Một tín hiệu?
Phiên tòa bị bưng bít hoàn toàn khi không có luật sư biện hộ cho hai bị cáo, không có bất cứ người nhà nào được cho vào. Anh Linh, chị Nhung, chị Liên, chị Như... là cha, mẹ, chị... đều bị đuổi ra khỏi khu vực cổng tòa trên 20 mét như mọi người dân khác.
Phương Uyên đã kiên cường tuyên bố trước tòa khi tự bào chữa cho mình: “Tôi không cần giảm án, chỉ cần xử đúng người đúng tội… Chống Đảng Cộng sản không phải chống phá đất nước, dân tộc!”. 
Công tố viên đã đề nghị y án với em. Thế nhưng bất ngờ tòa tuyên Phương Uyên hưởng án treo và thả ra ngay, Nguyên Kha được giảm 1 nửa mức án, tài sản tịch phu trái phép của Đinh Nhật Uy được trả lại.
Không còn là một tín hiệu nữa mà là một phát đại pháo báo hiệu cho sự chuyển mình của lịch sử?

* * *
Tối 15.8, sau khi thăm Uyên Kha Uy trong tù, tôi định ở lại hẳn Long An để chuẩn bị cho hôm sau nhưng được tin anh em thân hữu Sài Gòn tổ chức tiệc mừng anh Lê Hiếu Đằng trở lại sau những ngày thập tử nhất sinh trong bệnh viện, tôi lại lên xe chạy về lại Sài Gòn.


Nhà Văn Phạm Đình Trọng và anh Lê Hiếu Đằng tại buổi tiệc mừng anh khỏi bệnh
Mặc dầu đã hồi phục sau khi mổ nhưng anh Đằng vẫn còn rất yếu, tuy vậy sức sống trong anh vẫn tỏa ra mãnh liệt. Sức sống ấy đã nổ tung ra qua bài viết "Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh..." và lan truyền ra như một làn sóng lớn. Bài viết "Phá Xiềng" ngay sau đó của anh Hồ Ngọc Nhuận và các bài viết hưởng ứng khác là sự tiếp nối của sức sống ấy.

Anh em bạn bè ngồi ăn uống chuyện trò nhưng không khỏi không tỏ ra lo cho anh Đằng sau bài viết ấy có bị công an quấy rầy gì không. Anh Đằng nói: Khi chiều đại diện Bộ Công An có đến nhà tôi. Mọi người xôn xao, anh cười nói: Các bạn ấy đến để trao quà và thăm viếng bịnh tình của tôi. Các bạn ấy chân thành chúc mừng tôi đã phục hồi sức khỏe và dường như còn muốn nói với tôi nhiều chuyện khác nhưng rất tiếc lại có khách khác đến nên thôi...

Rồi sáng nay, 17.8, trong lúc ngồi ăn sáng với anh và gia đình Phương Uyên, tôi hỏi anh đã nghe động tỉnh gì từ phía trên kia... anh lại nói riêng với tôi: Chiều hôm qua anh Tư Sang có gởi đến cho anh một món quà cùng lời thăm hỏi chân tình. Tôi hỏi quà gì? Anh nói: Một loại thuốc chữa bệnh rất quý chỉ dành riêng cho các vị lãnh đạo.

Một tín hiệu nữa chăng?
* * *

Niềm vui đến rất lớn nhưng rồi vẫn có những nghi ngại. Vẫn có những ý kiến này khác.

Tôi bảo lòng mình cứ tin rằng đang có những bước đổi thay thật sự vì sự tồn vong và phát triển của đất nước, đang có những bước đổi thay vì hạnh phúc của toàn dân. Nhẽ nào quyền được sống tự do theo lý tưởng của một cô gái bé nhỏ lại là món hàng trao đổi của Nhà nước nầy cho một yêu cầu chiến thuật nào đó?
Huỳnh Ngọc Chênh
(Blog Huỳnh Ngọc Chênh)

Hoàng Mai - Đâu là nguyên nhân để Nguyễn Phương Uyên được giảm nhẹ hình phạt và được thả tự do ngay tại tòa?

clip_image001
Phương Uyên tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp – Dòng Chúa Cứu Thế (Sài Gòn), sau khi được trả tự do (ảnh boxivn)
Sự kiện phiên tòa phúc thẩm xử hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại tỉnh Long An ngày 16/8/2013, được xem là sự bất ngờ lớn nhất trong các phiên tòa dưới chế độ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ trước đến nay.
Theo tường thuật phiên tòa ngày 16/8/2013 của blog Danlambao, được mạng Bauxite Việt Nam đăng lại, thì đến giờ nghỉ trưa, thông tin từ phiên tòa như sau:
“10:30 sáng - Phiên tòa tạm nghỉ. Tin từ bên trong tòa cho biết Viện Kiểm sát đề nghị mức án tù đối với Đinh Nguyên Kha là 5-6 năm (giảm so với mức án 8 năm tù giam trong phiên tòa sơ thẩm). Riêng đối với Nguyễn Phương Uyên thì Viện Kiểm sát đề nghị y án – 6 năm tù giam”.
Thế nhưng, đến cuối buổi chiều, như mọi người đã biết, với Phương Uyên tòa tuyên án: Nguyễn Phương Uyên bị 3 năm tù treo, và được trả tự do ngay tại tòa.
Vậy, đâu là nguyên nhân, mà chỉ trong vòng chưa đến 6 giờ đồng hồ, Tòa thay đổi hình phạt đối với Phương Uyên, và tuyên án thả em ngay tại tòa?
Có nhiều lý do để giải thích cho trường hợp này, nhưng yếu tố quyết định, theo người viết bài này, đó chính là nhận định và kèm theo lời cảnh báo của Ông Phil Robertson đại diện của Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch) gửi đến Danlambao lúc 13:00, được Danlambao lược dịch như sau:
“Phiên toà và việc bỏ tù hai người trẻ này vì rải truyền đơn là một cáo trạng cay độc về tất cả mọi sai trái đối với nhân quyền tại Việt Nam. Nó biểu lộ một chính phủ đàn áp nhất quyết khoá miệng công dân của họ, một toà án như con chó ngoan hau háu thực hiện mệnh lệnh của những ông chủ chính trị, và thật nhiều những luật lệ về "an ninh quốc gia" được dùng để tội phạm hoá bất kỳ hành xử nào về những quyền dân sự hay quyền chính trị. Rõ ràng với trò này, Việt Nam không thể nào có đủ tư cách để tiến đến việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và những người tài trợ, ngoại giao ở Hà Nội cần nói với nhà nước Việt Nam rằng họ sẽ không còn nhận những hỗ trợ trừ khi họ chấm dứt những hành động vi phạm nhân quyền”.
Rõ ràng, nhận định trên đây của ông Phil Robertson là rất đau đớn cho ngành Tư pháp Việt Nam, tuy rằng nó rất xứng đáng, khi ông nói: “một toà án như con chó ngoan hau háu thực hiện mệnh lệnh của những ông chủ chính trị”; nhưng có lẽ lý do chính lại là đoạn tiếp theo, khi ông Phil Robertson khẳng định: “Rõ ràng với trò này, Việt Nam không thể nào có đủ tư cách để tiến đến việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc”.
Với tư cách là người đại diện của Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), thì nhận định trên đây của ông Phil Robertson là cú đánh mạnh vào uy tín của chính quyền Việt Nam, và nếu không giảm án và thả Phương Uyên thì rõ ràng Việt Nam không có cơ hội để được đề cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Là người Việt Nam, nếu là người lương thiện, ta cũng phải tự công nhận rằng: Với một nền Tư pháp, trong đó việc xét xử thường được cho là “án bỏ túi” như từ trước đến nay, việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, có thể xem như là sự sỉ nhục đối với tổ chức này; đặc biệt, việc ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, còn thể hiện lối tư duy “láu cá”, rất kém văn hóa… mang tính truyền thống của lãnh đạo Việt Nam.

Hoàng Mai
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Hồ Ngọc Nhuận - Đã đến lúc “phá xiềng”!

Sau khi ông Lê Hiếu Đằng nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt nam Tp.HCM tung ra liên tiếp ba bài viết tuyên bố cần phải thành lập một đảng đối lập tại Việt Nam mà ông là người sáng lập, để làm đối trọng với chế độ độc đảng hiện nay, ông Hồ Ngọc Nhuận, một trí thức nổi tiếng từng hoạt động công khai trong chính phủ Sài Gòn với vai trò của một dân biểu đối lập và sau năm 1975 ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng của chính quyền mới, đã tung bài viết mang tên Phá Xiềng đang tạo sôi nổi trong dư luận. Mặc Lâm phỏng vấn đặc biệt với ông để tìm hiểu thêm vấn đề quan trọng này.
Mặc Lâm: "Thưa ông sau khi ông Lê Hiếu Đằng viết liên tiếp ba bài nói về sự bức thiết phải thành lập một đảng đối lập với cái tên gợi ý là Đảng Dân chủ Xã hội. Ngày hôm nay ông cũng có bài viết với tên gọi “Phá Xiềng” chẳng những ủng hộ quyết định của ông Lê Hiếu Đằng mà còn bổ túc thêm nhiều ý tuởng cho sự hình thành đảng này. Xin ông cho biết lý do chính của việc cần thiết phải thành lập đảng đối lập này là gì?"
"Chế độ này không dân chủ"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận: "Chế độ này không có dân chủ. Anh thấy không, người ta lấy dân chủ người ta làm độc trị, độc quyền, độc đoán, đủ thứ hết trọi! Nhưng không có dân chủ thì không thể có lối thoát được. Và điều này thật sự ra những người nào yêu nước, những người có lòng, họ đã khổ sở đề nghị lâu rồi nhưng không ai nghe. Nếu mà dân chủ thì người ta sợ người ta mất. Ông Đằng đặt vấn đề cũng từ lâu rồi vì đây là lối thoát. Lối thoát cho những người đương cầm quyền mà còn là lối thoát cho dân mình, không còn cách nào khác. Hơn nữa, cái này cũng lâu đời rồi. Từ xưa đến giờ tất cả những nước đã phát triển thì tốt nhất là áp dụng dân chủ. Khi mà dân chủ được thì mọi người đều có dân chủ, mọi người mới hợp lực lại. Đâu có ai cản lại được đâu, có ai nói ngược lại đâu, có ai nói phải nói trái được đâu mà  nói phải nói trái thì tối thiểu là bị ém, bị trù, bị dập. Tức là nói nôm na có dân chủ mà không có đối lập thì  kể như là cụt chứ không phải cuội nữa mà nó là độc tài."
Mặc Lâm: "Ông đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền hiện nay ông nhận thấy nền dân chủ của nuớc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có gì đáng để phân tích hay không và đặc biệt vai trò của Đảng Cộng sản đối với nền dân chủ pháp trị mà chính phủ luôn hô hào vận động có điều gì cần phải bàn luận hay không?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận: "Họ cứ nói là còn đảng còn mình nên quyết bảo vệ đảng. Một ngày nào đó, không sớm thì muộn, có thể họ ở lâu lắm, nhưng một ngày nào đó họ cũng ra đi nhưng là một sự tan nát ê chề bởi vì dân đâu có chịu! Nhiều đời lắm rồi, từ thời còn vua chúa kìa, dân mình không phải là dân không có tiếng nói. Luôn luôn có tiếng nói. Vua chúa ngày xưa cũng để cho dân nói. Cái chế độ cũ cũng để cho dân nói. Còn giờ đây không cho người ta nói thì làm sao mà góp ý và xây dựng đất nước được? Cho nên điều tâm đắc nhất của tôi từ xưa đến giờ là dân chủ mà muốn dân chủ là phải có 2,3 đảng. Người ta đâu có đòi phá mấy ổng, người ta đòi nói chuyện với mấy ổng một cách rất là tử tế và mấy ổng tử tế nói chuyện với người ta. Mà nói chuyện thì phải bình đẳng, bình quyền."
So sánh hai chế độ
Mặc Lâm: "Trong chế độ cũ ông từng là một dân biểu chọn vai trò đối lập, đồng thời cũng là giám đốc chính trị của nhật báo Tin Sáng có từ trước năm 1975. Giữa hai chế độ thì trong thâm tâm ông, ông có nhận xét như thế nào về nền dân chủ pháp trị trước đây và nền pháp trị của chế độ mới, nếu so sánh một cách công bằng, thưa ông?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận: "Thật sự cái luật của chế độ mới bây giờ đâu phải là pháp trị mà là đảng trị. Họ thâu tóm tất cả trong tay họ hết. Chế độ này họ muốn cai trị nhưng họ không có luật. Họ không có luật thì làm sao ra luật được. Cái ông đảng này ổng thâu tóm hết rồi ổng “úm ba la” nay ổng làm cái luật này, mai ổng làm luật kia. Còn những cái mà ổng cho là quyền của dân thì ổng ghi trong hiến pháp thì ổng để đó. Ổng không dám làm luật vì nếu ổng làm luật, dẫu cho họ có nắm hết quyền hành từ Quốc hội cho đến đủ thứ đi nữa thì một ngày nào đó tối thiểu cũng mở cửa chút đỉnh. Còn cái này cũng không phải pháp trị mà cũng không pháp quyền nữa mà nó là đảng trị. Đảng trị từ đầu đến cuối. “Đảng ta là đảng cầm quyền”. Cầm quyền một mình nên đi tới độc quyền. Vậy thôi.
ho-ngoc-nhuan
Cựu DB/VNCH đối lập Hồ Ngọc Nhuận
Còn chế độ cũ, tôi là một dân biểu đối lập trong chế độ đó. Tại sao ở chế độ cũ người ta cho đối lập? Từ hồi mới 75, mấy ổng nói với tôi là đây là kiểu thực dân mới nên nó mới áp dụng như vậy để nó coi là có dân chủ".
Đã có dân chủ thì phải có đa nguyên, có người này người khác chẳng hạn, không phải là tốt tuyệt đối đâu. Nó cũng có mặt này, mặt khác nhưng dưới chế độ cũ, tôi là dân biểu đối lập nhưng tôi làm báo được, mặc dầu tôi bị đóng cửa tới đóng cửa lui, rồi tôi bị tịch thâu tới, tịch thâu lui và sau cùng tôi bị đóng cửa hẳn năm 72. Đóng tờ này tôi lại làm tờ khác. Nói với anh Mặc Lâm, ngay cả bậc thầy của chúng ta trong làng báo là ông thầy Nguyễn An Ninh chẳng hạn, ổng từ Pháp về và viết những bài bằng tiếng Pháp. Hồi xưa dưới cái thời cai trị của thực dân nó cũng để cho người mình nói chuyện. Mặc dầu nó cũng bắt nhốt ổng và sau cùng ổng phải chết ở Côn đảo.
Thú thật ra bây giờ chế độ dân chủ ở Mỹ, ở Anh, ở Pháp hay ở Âu châu chẳng hạn, nó cũng có những đàn áp...bởi vì đây thật sự là đấu tranh mà! nhưng đấu tranh dân chủ ít ra phải có tiếng nói của dân, ít ra phải có tiếng nói của báo chí. Còn đằng này ổng tóm thâu hết. Cả cái suy nghĩ, cái tình cảm ổng cũng muốn làm chủ.
Anh Đằng ảnh nói đúng đó. Dưới chế độ cũ mấy ông làng văn cũ vô trong này hồi sau 75 chẳng hạn tôi còn tặng sách của mấy ổng mà ở ngoài đó mấy ổng không in được. Còn ở trong này in thả giàn. Tất cả những  sáng tác của thời gọi là thực dân, gọi là đủ thứ... tại sao những sáng tác đó có giá trị để đời còn bây giờ thú thật mấy ổng tặng thưởng này, tặng thưởng kia mà dân có ai đọc đâu?
Học sinh thì bị bắt học, thật tội nghiệp cho con cháu chúng ta quá. Nó bị nhồi nhét, nó bị một chế độ ngu dân. Cho nên nói thì nhiều lắm, anh Mặc Lâm ơi nhưng mà nói thì đâu có phải đả phá hay tranh đấu với mấy ổng đâu. Mấy ổng mạnh quá mà. Bao nhiêu lực lượng ở trong tay, còn lâu lắm nhưng nhất định mấy ổng không chịu, mấy ổng sợ."
Sẽ đàn áp đảng viên Cộng Sản?
Mặc Lâm: " Như ông vừa nói, đảng Cộng sản còn đang rất mạnh, có biết bao nhiêu lực lượng trong tay, như vậy khi một đảng đối lập mới được hình thành với cái tên Đảng Dân chủ Xã hội chắc chắn sẽ bị chính quyền chống phá mãnh liệt và sự mãnh liệt ấy có thể dẫn đến đổ máu. Ông có dự báo câu chuyện có thể dẫn đến mức độ tồi tệ như vậy hay không?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận: "Thât sự ra đâu có ai làm gì mấy ổng đâu mà đổ máu? Tất nhiên là mình bất bạo động mà. Vả lại tôi bây giờ, như anh Mặc Lâm có hỏi hồi nãy đó là vấn đề sức khỏe. Những ông già như chúng tôi thì làm cái gì mà đổ máu? Tất nhiên là bịt miệng thôi. Tôi chỉ làm đảng đối lập thôi chứ có làm gì đâu và không như các  đảng đối lập ở các nước làm loạn để họ đàn áp đẫm màu được?
Nếu họ đàn áp đẫm máu thì chuyện này rất là lạ lùng, quái dị nhưng tôi hy vọng ở tuổi trẻ. Thời nào cũng vậy hết, không có tuổi trẻ thì không làm ăn gì được hết. Và tôi hy vọng cả những ông đảng viên, thật sự như ông Đằng ổng nói đó, có nhiều người  chuyển sinh hoạt đảng đâu đó thì cũng không thèm. Con số âm thầm đó là bao nhiêu? Số đó đông lắm vì họ uất ức, họ nghẹn ngào, buồn tủi vì bị cấy lý tưởng thời còn trai trẻ. Họ vì dân vì nước mà bị người ta phản bội. Con số nguời đó thật tình đấu tranh, dấn thân, vào tù ra khám. Đó là thật sự những người đảng viên Cộng sản yêu nước và họ cũng là những người đấu tranh kiên cường".
Mặc Lâm: "Ông có cho rằng vì không thể im lặng nhìn một lực lượng nổi lên chống lại sự độc đảng của mình nên đảng cộng sản sẽ ra tay đàn áp, bắt bớ những người tham gia vào đảng Dân Chủ Xã Hội hay không?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận: "Có thể là bắt bớ người nhưng có ai làm gì đâu mà bắt bớ. Thật sự ra là họ bắt những người trong nội bộ đảng vì họ đã đứng ra không chấp nhận đảng nữa và lập cái đảng mới. Điều này tôi rất mong từ lâu rồi. Nói cách này thì họ ngại nhưng không có gì đáng ngại đâu, không phải là diễn tiến tự sụp đổ đâu mặc dù đúng là một hình thức đó, tự sụp từ bên trong.
Nếu họ bắt một người đảng viên cộng sản ly khai thì họ tự đục một cái lỗ hổng. Bắt nhiều người cộng sản ly khai thì họ đục thêm nhiều cái lỗ như vậy. Bắt nhiều người như vậy trong cùng một cái đảng của họ mà không còn chấp nhận họ nữa thì cứ cho họ tự phá con thuyền của họ".
Mặc Lâm: "Để bắt đầu xây dựng một đảng đối lập trong bối cảnh hiện nay ông nghĩ bộ phận nào trong xã hội sẽ được kêu gọi và gây dựng làm thành phần nòng cốt?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận: "Tôi tin rằng với nòng cốt của đảng mới này như ông Đằng hô hào và kêu gọi. Ông ấy hỏi tại sao chúng ta là những người đảng viên cảm thấy mình hổ thẹn với tiền nhân, với con cháu vì bị phản bội; Nếu mình cứ tiếp tục làm thêm như vậy thì chính mình cũng là người phản bội. Ổng có kêu gọi những người bạn đó và tôi cũng kêu gọi những người đó. Bởi những người đó, đúng ra là một bộ phận của người cộng sản muốn công khai đấu tranh ôn hòa, đấu tranh dân chủ để mà xây dựng đất nước, thế thôi."
Mặc Lâm: "Nếu vượt qua được bước đầu thành lập đảng mà không bị bắt bớ hay đàn áp vì theo như ông nói Đảng Cộng sản sẽ không dại gì mà tự đục thuyền của mình bằng cách bắt bớ đảng viên ly khai, như vậy buớc kế tiếp Đảng Dân Chủ Xã hội mà cốt cán là thành phần đảng viên ấy sẽ làm điều gì với đảng Cộng sản hiện nay?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận: "Nếu họ không làm chuyện đó vì họ nghĩ như vậy là tự đục thuyền thì chỉ còn một cách là ngồi lại với nhau, thử nói chuyện. Ông Đằng có nói rất rõ là ổng thách mấy ổng nói chuyện thẳng với ổng. Ổng thách cả ông đầu sỏ của tuyên huấn của đảng Cộng sản về lý luận nói chuyện với ổng. Chứ đâu có nói đấu võ đâu! Nói ra điều này ai cũng ngại nhưng mà đối với đảng Cộng sản thật sự mà thấy tình hình thực tế dân tình không cho phép mấy ổng làm chuyện cũ nữa. Không chuyên quyền nữa thì mấy ổng phải nghe."
Mặc Lâm: "Xin cám ơn ông Hồ Ngọc Nhuận đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này."
Mặc Lâm- RFA
2013-08-17

Đại sứ David Shear nói về quan hệ Mỹ-Việt

intw-david-shear
Cuộc phỏng vấn ĐS. David Shear tại Virginia, tối 16 tháng 8, 2013
RFA phot
Hôm 16/8, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam ông David Shear tiếp xúc với cộng đồng người Việt tại vùng Hoa Thịnh Đốn, tại tư gia bác sỹ Nguyễn Quốc Quân. Trong buổi gặp mặt này, ngoài những vấn đề như dân chủ, nhân quyền trong nước, các vấn đề khác trong mối quan hệ song phương giữa 2 quốc gia cũng được người Mỹ gốc Việt rất quan tâm như: hiệp định TPP, buôn bán vũ khí sát thương hay cho nhận con nuôi.
Vũ Hoàng: Trước hết xin cám ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn với đài RFA hôm nay. Thưa ông, hiện tại Hoa Kỳ đang cân nhắc việc dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ông có thể cho biết tiến trình này hiện giờ ra sao rồi?
ĐS David Shear: Những cuộc hội đàm với phía Việt Nam thực sự chưa có nhiều tiến triển, khi chủ đề này được đưa ra, thì cơ bản chúng tôi nói rằng, để ủng hộ cho chuyện dỡ bỏ buôn bán vũ khí sát thương, chúng tôi cần phải thấy những tiến bộ về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Điều này thật đơn giản, đó là những gì mà các cuộc đàm phán ngoại giao đến nay có được. Tôi cho rằng sẽ vẫn còn mất nhiều thời gian hơn nữa để có thêm gì mới trong các cuộc trao đổi giữa đôi bên.
Vũ Hoàng:Trong trường hợp lệnh cấm vận được bãi bỏ, thì loại vũ khí nào sẽ được bán sang Việt Nam?
ĐS David Shear: Chúng tôi không biết, chúng tôi không biết phía Việt Nam cần loại nào, chúng tôi cũng không biết loại nào chúng tôi nên bán hay có thể bán. Như tôi trình bày, các cuộc đàm phán vẫn còn ở giai đoạn đầu, vẫn mới chỉ là giai đoạn sơ khởi mà thôi. Vì vậy, tôi nhắc lại, chắc chắn sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa để có thêm những chi tiết hơn.
Vũ Hoàng: Trong trường hợp Việt Nam đồng ý thả toàn bộ các tù nhân chính trị, thì quan điểm của Hoa Kỳ về việc cấp quy chế tị nạn cho những người này sẽ ra sao?
ĐS David Shear: Chúng tôi đã khẳng định rất mạnh mẽ rằng chúng tôi muốn các tù nhân chính trị phải được thả, và chuyện gì xảy ra đối với các tù nhân này sau khi được thả thì thực sự tùy vào từng hoàn cảnh. Chúng tôi sẽ phải cân nhắc các hoàn cảnh này là như thế nào trước khi có những quyết định tiếp sau, chẳng hạn như cấp quy chế tị nạn chính trị.
Vũ Hoàng: Theo ông bao giờ các vòng đàm phán giữa VN và Hoa Kỳ sẽ kết thúc?
ĐS David Shear: Tổng thống Obama và các nước đối tác đàm phán TPP hồi năm ngoái công bố rằng mục tiêu để kết thúc đàm phán giữa các đối tác về vấn đề khu vực mậu dịch tự do sẽ vào cuối năm nay.
Vũ Hoàng: Hiện tại, Việt Nam chỉ có Tổng Liên đoàn lao động trực thuộc Chính phủ là cơ quan đại diện duy nhất cho người lao động, vậy quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về việc có hay không nên có thành lập các nghiệp đoàn không thuộc chính phủ của Việt Nam?
ĐS David Shear: Lao động là một chương trong Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, đây là một dự thảo hiệp định, chúng tôi kỳ vọng là chương này sẽ đặt ra những tiêu chuẩn rất cao, và chúng tôi cũng rất cẩn trọng đặc biệt là với vấn đề tự do lập hội. Chắc chắn chúng tôi sẽ không dễ dãi đối với Việt Nam về vấn đề lao động trong việc đàm phán cho hiệp định TPP, đây hẳn là một chương khó khăn khi đàm phán.
Vũ Hoàng: Mới đây, khi trả lời báo chí trong nước, ông có nói đại ý rằng cách tốt nhất để VN đạt được cơ chế thị trường là hai bên kết thúc thành công các vòng đàm phán, ông có thể nói rõ hơn tại sao như vậy?
ĐS David Shear: Cơ chế kinh tế thị trường là một vấn đề quan trọng đối với phía Việt Nam, chúng tôi nói với Việt Nam rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề của kinh tế thị trường là đặt trong bối cảnh của một thỏa thuận về quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương. Vì thế, khi chúng tôi có một thỏa thuận trên văn bản của TPP, chúng tôi sẽ xem xét cơ chế kinh tế thị trường. Tôi sẽ không vội xét đoán kết quả của các cuộc thương thảo.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối cùng thưa ông, hiện tại, vấn đề cho nhận con nuôi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang bị chững lại, quan điểm của ông về vấn đề cho nhận con nuôi giữa 2 nước trong thời gian sắp tới sẽ ra sao?
ĐS David Shear: Vấn đề con nuôi Việt Nam là mối quan hệ cho nhận con nuôi rất quan trọng. Chúng tôi dừng chương trình nhận con nuôi từ Việt Nam vào năm 2009 vì chúng tôi quan ngại về vấn đề cho con nuôi được giải quyết từ phía Việt Nam. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện các thủ tục, Việt Nam thành công tuân thủ Công Ước Hague về cho nhận con nuôi. Tôi rất hi vọng trong tương lai gần Hoa Kỳ sẽ bắt đầu xóa bỏ lệnh cấm với chương trình cho nhận con nuôi với các em có nhu cầu đặc biệt. Và qua thời gian, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét vấn đề trên diện rộng hơn, cả Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang làm việc chặt chẽ với nhau trên phương diện Công Ước Hague, và khi chúng tôi thấy Việt Nam có cải thiện, thì chúng tôi sẽ xem xét những gì đang làm với vấn đề nhận con nuôi từ Việt Nam.
Vũ Hoàng: Thay mặt thính giả đài RFA, xin chân thành cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt này!
Vũ Hoàng - RFA
2013-08-17

Lê Diễn Đức - Niềm vui chưa trọn

Trước khi hai em Phương Uyên và Nguyên Kha ra toà phúc thẩm tôi đã viết hai bài khẳng định sự vô tôi của hai em trên RFA, đó là "Các em lại ra toà" và "Chống "nhà nước CHXHCNVN" không phải là chống đất nước, dân tộc".
Tôi có việc phải đi California, đúng vào ngày xét xử án hai em, ngày 16/8. Tới phi trường Los Angeles vào đêm 15/8 lúc 10 giời 40, giờ Cali, tức gần 2 giờ sáng, giờ Việt Nam, ngồi đợi người bạn từ Washington DC tới trễ hơn, tôi mở latop và vào Facebook. Vẫn chưa có kết quả.
Tuy nhiên tôi vững tâm rằng, tinh thần của Phương Uyên trươc toà rất tốt, khi thấy trên Facebook ghi lại lời Phương Uyên: "Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần toà xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống đảng cộng dản không phải chống phá đất nước, dân tộc. Các ông đừng đánh đồng”. Và nghĩ rằng, với tình hình này, khả năng giữ y án có thể xảy ra.
Đón người bạn, thuê xe, đi ăn đêm, tiếp tục cập nhật tin qua Iphone. Vẫn chưa thấy gì cả. Về đến hotel, anh bạn đi ngủ, còn tôi tiếp tục vào Facebook. Lúc này đã hơn 3 giờ sáng tức sau 5 giờ chiều ở Việt Nam.
Thông tin ập đến làm tôi vui như điên: Phương Uyên hưởng án treo, được trả tự do tại toà. Tôi bị xúc động đến mức muốn gào lên, muôn chửi thề cho đã, rằng, công lý cuối cùng cũng đến, cô gái bé bỏng đáng yêu Phương Uyên không còn phải chịu cảnh tù đày nữa. Rồi xem những hình ảnnh những người biểu tình phía ngoài toà án, nằm chặn xe công an, Bùi Thị Minh Hằng khóc, mẹ Phương Uyên xỉu đi khi nghe nghị án, tôi cũng thấy mắt mình cũng ngấn lệ. Niềm vui vỡ oà, đến mức quên khuấy đi Nhật Uy và Nguyên Kha ra sao.
Nhưng rồi qua đi những xúc động nặng về cảm tính ban đầu là sự suy nghĩ, vì sao lại có một bản án có thể nói là bất ngờ như thế, với Phương Uyên, Nhật Uy, Nguyên Kha.
Phương Uyên trong vòng tay mọi người khi ra khỏi nhà tù, ngày 16/8
Trước hết, không thể phủ nhận rằng, đây là kết quả thực sự của tổng hợp nhiều nguyên do, của cuộc tranh đấu vì công lý và tự do, đặc biệt của anh chị em đã và đang tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền của Việt Nam, cộng với áp lực mạnh của quốc tế.
Kết quả này rất cũng là một động thái "nhân nhuợng", có vẻ như là bước lùi tạm thời trong toàn bộ mối quan hệ "toàn diện" Mỹ -Việt, mà trong đó cuộc chạy đua chiếc ghế trong Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, tham gia Hiệp ước Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP và hợp tác Mỹ-Việt trên biển Đông, chiếm vị trí chủ chốt.
Tuy nhiên, cũng cần để ý đến trường hợp anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tới nay tình trạng giải quyết đơn khiếu nại của anh vẫn bị Viện kiểm Sát Nghệ An đùn đẩy, vô trách nhiệm. Để thấy rằng, sự nhân nhượng, nếu có, mới dừng lại ở mức chiến thuật, có cái gì đó còn rất gượng gạo, giả dối.
Điều này được nhìn nhận rõ ràng trong cả tiến trình xét xử.
Vào buổi sáng ngày 16/8, lực lượng công an, an ninh hùng hậu đã ngăn cản thô bạo không cho ai vào tham dự phiên toà, kể cả bố mẹ, thân nhân của người bị xử, dù được nói là công khai, phá sóng điện thoại, trấn áp và bắt giữ người biểu tình phía ngoài.
Hành động trên cho thấy, nhà cầm quyền không hề muốn phiên toà được diễn ra một cách minh bạch, bình thường.
Đặng Nhật Uy là người bị bắt sau phiên toà sơ thẩm, ngày 15/06, có nghĩa rằng anh phải được đưa ra xét xử theo đúng tội danh khác bị cáo buộc, đó là vi phạm điều 258 Bộ Luật Hình Sự (lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước). Thế nhưng, Đinh Nhật Uy lại bị xử ở phiên phúc thẩm và nghị án ba năm tù treo! Điều này hoàn toàn trái với luật tố tụng thông thường.
Khi đe doạ và buộc các em từ chối luật sư bào chữa với lời hứa sẽ giảm án, nhưng trong phiên toà chỉ Nguyên Kha nhận tội, xin giảm án, nhưng Phương Uyên thì không và Phương Uyên đã kiên quyết đấu lý cho lẽ phải của mình. Việc này đã đẩy toà vào tình huống lúng túng.
Uyên nói với RFI: "Em không thể nào “bán danh chỉ có ba đồng”. Không thể nào làm trái lương tâm của mình được. Em không thể từ bỏ quan điểm, lập trường của riêng em. Đó là động lực thúc đẩy để em đứng trước tòa, tự bào chữa cho mình, cũng như giữ vững quan điểm và lập trường của mình".
Ngay bản thân Phương Uyên cũng không lường trước được mức án dành cho mình, một tiền lệ chưa thấy ở các vụ án chính trị bị khép vào điều 88 Bộ Luật Hình sự, vì thấy "rất là khó khăn, rất là khắt khe".
Bản án được đưa ra tương đối chậm trễ, vào lúc 4 giớ 15 phút chiều, chắc chắn có sự bàn bạc, xin ý kiến chỉ đạo từ "trên" của nhóm nào đó tại Trung ương, thậm chí của một ai đó, không những cho thấy sự tùy tiện đến phi lý của hội đồng xét xử, mà của cả phía chỉ đạo ngay trong ngày xét xử.
Hơn nữa, xét cho cùng, mặc dù Phương Uyên được về với gia đình, nhưng với cái án 3 năm tù treo và 52 tháng bị quản chế, trong cả một thời gian dài còn phải tự chế, cẩn trọng để tránh hậu quả xấu. Nhật Uy bị 3 năm tù treo chỉ vì vài câu viết trên Facebook nhưng không được trả tự do ngay lập tức tại toà như Phương Uyên. Cuối cùng là 4 năm tù dành cho Nguyên Kha. Mọi thứ cho thấy, sự mâu thuẫn, lộn xộn, bất hợp lý trong cách xét xử. Và với nhà nước CHXHCNVN, mọi người đều có tội và chẳng phải là điều gì ghê gớm, đến mức vui quá mất khôn.
Dường như đây là một tình huống đặng chẳng đừng của nhà cầm quyền. Sự "nhân nhuợng" này chẳng qua là một thủ đoạn trong toàn bộ cuộc chơi mèo vờn chuột.
Đây cũng không hề là "thiện chí" gì của nhà cầm quyền đối với phong trào tranh đấu dân chủ. Một phép thử khác sẽ là vụ án "trốn thuế" ngang ngược của anh Lê Quốc Quân.
Dù sao, một cô gái mới ở tuổi hai mươi, trong sáng, can đảm, đáng mến và đáng cảm phục như Phương Uyên, thoát khỏi cảnh tù đày là một điều hết sức vui mừng và khích lệ.
Tuy thế, là một niềm vui chưa trọn vẹn. Con đường tiến tới dân chủ, tự do và công bằng xã hội vẫn còn rất dài và lắm chông gai.
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog

Có thể đã chuyển biến

Phiên tòa phúc thẩm ngày 16/8/2013 tại Long An đã diễn ra một hiện tượng “lạ” chưa từng có từ trước đến nay. Phiên phúc thẩm đã giảm án cho em Phương Uyên, từ 6 năm tù giam ( phiên sơ thẩm) xuống 3 năm tù treo (phiên phúc thẩm).

Đã có nhiều ý kiến nhận định hiện tượng này:

Một luồng ý kiến, đây là kết quả của những cuộc đấu tranh bất báo động của nhiều nhà trí thức yêu nước, những thanh niên còn nặng lòng với hiện tình đất nước, của những người dân không cam chịu sự áp bức, bất công… Cũng có một luồng ý kiến khác, do sức ép đòi hỏi phải có một nền dân chủ thực sự  ở Việt Nam của dư luận quốc tế, mà trước mắt phải trả tự do cho những người yêu nước bị giam cầm. Lại có luồng ý kiến, đây là biểu hiện của cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái trong đảng với nhau, nên có giải pháp nước đôi. Rồi cũng có người cho rằng, đây là “ nút hạ hỏa” hạ sự phẫn nộ của của các lực lượng đấu tranh đang đòi hỏi nhà nước Việt Nam phải có sự thay đổi sang một thể chế văn minh, dân chủ, tiến bộ hơn… rồi sau đó, lại tiếp tục hiện tình như trước đây.

Với “hiện tượng” em Phương Uyên được giảm án, còn 3 năm tù treo ở phiên phúc thẩm, tôi lại nghĩ, trong nội bộ những người lãnh đạo của lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam, đã có người nhận thức ra vấn đề: Cần đồng hành với dân tộc, cần lắng nghe nhưng ý kiến phản biện của những nhà tri thức yêu nước chân chính và phải hiểu thế giới nhìn vào Việt Nam, nhất là quyền con người với ánh mắt như thế nào? Không thể “một mình một chợ”, cũng không thể “đường ta, ta cứ đi”…

Qua tất cả những hiện tượng đó rồi.

Nếu không chịu hòa nhập với thế giới, cứ khư khư ôm lấy một lý thuyết lạc hậu, một cách quản lý đến chính người dân Việt Nam, nếu có hỏi ý kiến công khai, không truy bức, dọa nạt, bắt bớ…thì tôi tin phải đến chín mươi phần trăm dân không tán thành cách điều hành của đảng và nhà nước hiện nay. Nên thế, tôi tin, với việc xử án, từ tù giam ở phiên sơ thẩm, sang tù treo ở phiên phúc thẩm đối với em Phương Uyên, như ý kiến của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh là tín hiệu “ tích cực”, tôi cũng đồng ý với ý kiến đó, nhưng còn cho rằng , trong đội ngũ lãnh đạo đảng và nước Việt Nam hiện nay, có nhiều người muốn có một sự thay đổi về thiết chế lãnh đạo, cần có một nhà nước Việt Nam thay đổi hẳn về bản chất, từ mất dân chủ, độc đoán sang dân chủ thực sự, đa nguyên, đa đảng…Tất nhiên, tôi cũng hiểu, đây là cuộc đấu tranh không thể dễ dàng, không thể thành công một sớm, một chiều nhưng tôi rất hy vọng vào đội ngũ những người cộng sản cấp tiến. Chính họ sẽ làm thay đổi cục diện nhà nước này, chính họ sẽ thức tỉnh những người lãnh đạo đảng. nhà nước còn trù trừ, do dự  bước theo những bước chân đang đi tới của nhưng người con tiến bộ trong dân tộc, muốn đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, độc lập thực sự  không chịu làm thân phận tay sai cho đảng cộng sản Trung Quốc. 

Không hiểu sao, tôi đã có chút lạc quan với tiền đồ đất nước với những tin  xử án treo cho em Phương Uyên, hay như có tin nhà văn Phạm Viết Đào được phép gọi điện thoại về nhà. Tôi hy vọng trong tương lai không xa, sẽ có nhiều tin vui nữa như thả tự do cho tất cả những các nhà hoạt động chính trị, được phép ra báo tư nhân, luật biểu tình thông qua, luật pháp cho phép các hội, đoàn thể được thành lập trên tinh thần tự nguyện…

Chỉ thế thôi, tôi tin, uy tín của nhiều vị lãnh đạo đảng và nhà nước sẽ được khôi phục.

Người dân nhìn vào tiền đồ tương lai của dân tộc Việt Nam với ánh mắt lạc quan hơn.

Trần Kỳ Trung
(Blog Trần Kỳ Trung)

Nguyễn Ngọc Già - Nhớ Nguyễn Tiến Trung nghĩ về Uyên - Kha

Giới cầm quyền Việt Nam hiện nay, một khi còn biết nói về khái niệm đạo lý, liêm sỉ, lương tâm, pháp luật v.v... nghĩa là họ còn hiểu được làm "người" không dễ nhưng cũng không quá khó. Do đó, cần nhắc lại trường hợp của tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung để ĐCSVN ngẫm lại hành xử có xứng đáng với sự "quang vinh muôn năm" mà họ tụng ca hay không (!).

Nguyễn Tiến Trung sinh năm 1983. Ngày người thanh niên này trở về nước sau khi tốt nghiệp thạc sĩ hạng ưu lĩnh vực công nghệ thông tin tại Pháp, anh vừa tròn 24 tuổi. Trung du học từ năm 2002, với nhiều hoạt động xã hội sôi nổi và điều ấn tượng nhất, anh đã cùng bạn hữu lập ra tổ chức "Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ" vào ngày 6/5/2006.

Tháng 8 năm 2007, Trung về Việt Nam sau 5 năm du học.

Điều tồi tệ cần nhắc lại: Sau khi Trung về nước, người cộng sản đã dựng trò "đi nghĩa vụ quân sự" đối với chàng trai này vào năm 2008.

Lúc bấy giờ, nhiều người tin rằng, việc buộc Trung đi nghĩa vụ, nhằm mục đích "cảm hóa" anh đừng đi vào con đường "phản động" (!).

Có thể lúc bấy giờ, người Cộng sản nuôi chút hy vọng, dù sao Trung sinh ra, lớn lên trong gia đình "truyền thống cách mạng", nên họ dùng "tư duy" "suy bụng ta ra bụng người" mà mong Trung nghĩ lại?! Bên cạnh đó, họ dường như cũng biết tiếc rẻ, nếu như để mất một thạc sĩ hạng ưu do "bọn tư bản" đào tạo?

Đó như là điều trớ trêu và giễu cợt người Cộng sản, vì có lẽ, những năm dài u mê tăm tối trong mớ giáo điều "Mác - Lê - Hồ" pha trộn thói gia trưởng đặc sệt trong tâm tưởng, nên họ không thể nào hình dung ra phẩm chất đặc biệt của Tuổi Trẻ luôn - tiếp thu cái mới và sáng tạo - sẵn sàng thăng hoa tối đa, một khi môi trường tự do thật sự bày ra trước mắt các chàng trai, cô gái. Ở đó, những thanh niên, thiếu nữ mặc sức bay bổng với những ý tưởng tuyệt vời nhất mà họ có thể nghĩ ra, sau những nhìn ngắm và ấp ủ trong những năm tháng sống ở nước ngoài.

Hồ Chí Minh chẳng từng như thế sao?

Hãy ngẫm lại mà xem, hỡi người Cộng sản! Ngay lúc này đây, được mấy người trong hàng ngũ cấp cao "ăn học" tại nước ngoài ở tuổi đôi mươi mà bằng chính khả năng có thật như Nguyễn Tiến Trung, chứ không phải những chuyến đi, "học" thì chẳng mấy mà "ăn" thì nhiều.

Năm 2009, người Cộng sản loại ngũ Trung vì không ép được anh đọc cái gọi là "lời thề" "trung với đảng" - một thứ thề thốt phản động nhất, u mê nhất và phản khoa học nhất trong lịch sử Việt Nam.

Hai mươi bốn giờ đồng hồ sau loại ngũ, ngày 07/7/2009, Trung đã bị bắt để rồi bị truy tố, ép cung và kết án 7 năm tù giam cùng 3 năm quản thúc.

Có lẽ, người Cộng sản thất vọng và không đủ kiên nhẫn sau khi "cố" "giáo dục" Trung, nên họ đã lạnh lùng bóp nát tài năng và tương lai, bằng cách chụp vào đầu người thạc sĩ công nghệ thông tin "tội 88" (!).

Nhắc đến chi tiết "đi nghĩa vụ quân sự" của Nguyễn Tiến Trung để nhắn tới những ông cộng sản như: Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Quốc Thước, Dương Trung Quốc v.v... trước khi mạt sát, chê bai thanh niên "trốn nghĩa vụ", các ông hãy "vui lòng" nhớ lại hành vi đớn hèn của chính thể cộng sản đối với tuổi trẻ Việt Nam lồng trong mưu mô được gọi là "nghĩa vụ thiêng liêng" đối với Tổ quốc.

Trong một thư ngỏ năm 2006, Nguyễn Tiến Trung, 23 tuổi, gởi cho Nguyễn Minh Hiển - Bộ trưởng Bộ giáo dục lúc bấy giờ, anh viết [1]:

"...Chúng em được học những tư tưởng thù hận và nghi kị đối với các nước tư bản, phải tiêu diệt, đào mồ chôn họ chứ không được học cách sống chung trong hòa bình, hợp tác và phát triển. Ngày 11/09/2001, khi cả thế giới bàng hoàng và đau đớn khi hai tòa nhà WTC ở New York bị tấn công, em đã nhảy lên vui mừng vì "đế quốc Mỹ" bị trừng phạt. Tính "ác" trong người em trỗi dậy nhưng em lại cho đó là suy nghĩ đúng đắn, theo những gì được dạy dỗ. Đến bây giờ em vẫn không hiểu tại sao lúc đó em có thể suy nghĩ như vậy..."

Đó là bằng chứng khó chối cãi được gọi tên "nhồi sọ" - tội ác man rợ và ngu xuẩn nhất mà người cộng sản đã gây ra suốt hàng chục năm qua. Nó để lại sang chấn tâm lý kéo dài nhiều thế hệ cho đến nay, nhưng người cộng sản chưa bao giờ nhận ra họ là hiện thân của quỷ dữ! "Đảng ta là đạo đức là văn minh" càng trở nên mỉa mai hơn bao giờ hết!

Tuổi trẻ Việt Nam trong nhiều năm dài chỉ được dạy hận thù, trả đũa và hả hê trước nỗi đau nhân loại. May mắn thay, vài năm ra nước ngoài, với tư chất thông minh cộng với cái nhìn khoáng đạt và tâm hồn nhân ái, Trung đã nhận ra sai lầm khi giật mình nói về "tính ác" trong con người của anh. Đó cũng là đặc tính hay nhất của tuổi trẻ: biết nhìn thẳng vào sự thật và thay đổi nhanh chóng.

Vì thế, trước khi mắng thanh niên Việt Nam ngày càng vô trách nhiêm, chỉ biết hưởng thụ, hèn nhát và độc ác, người cộng sản Việt Nam nên ăn năm sám hối tội lỗi của họ hơn 70 năm qua đã gieo rắc nọc độc vào các thế hệ Việt Nam khởi từ lúc trẻ con vừa ê a trong những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường.

Sự đấu tranh tự nhiên giữa "Thiện" và "Ác" như vốn dĩ tạo hóa luôn đặt để cho nhân loại là quy luật muôn đời. "Thiện", dù ban đầu yếu ớt, mong manh, ít ỏi nhưng cuối cùng vẫn chiến thắng "Ác".

Hơn 4 năm qua, kể từ ngày chàng trai Nguyễn Tiến Trung nhận án, phong trào dân chủ tiến một bước thật dài, trong đó, Tuổi Trẻ đã vươn lên, trở thành lực lượng dẫn đầu trong hầu hết các phong trào, các hình thức đấu tranh. Họ trở thành đại diện sáng giá nhất trong phong trào đấu tranh dân chủ và bảo vệ Tổ quốc.

Không những thế, chính thế hệ trẻ luôn tạo ra những bất ngờ, độc đáo mà vô cùng thú vị như "Tuyên bố 258" gần đây đã vươn ra thế giới; cũng chính họ đã khơi nguồn cảm hứng, gieo mầm trăn trở, đánh thức nỗi niềm thao thức cho thế hệ ông cha, để từ đó suy ngẫm về sai lầm trong quá khứ mà đoạn tuyệt với cái cũ, làm nền cho cái mới như luật gia Lê Hiếu Đằng vừa công khai đòi phải có đa nguyên đa đảng với ý tưởng thành lập một chính đảng?
_______________________________
Nguyễn Phương Uyên, cô gái 21 tuổi cũng đã tạo ra bất ngờ lớn lao bằng những phát ngôn sâu sắc như nhiều người đã thấy trong phiên tòa phúc thẩm, cũng như trả lời rất đĩnh đạc trước các trang báo mà cô dành cho họ cuộc phỏng vấn.

Trong các trả lời đầy bản lĩnh của Uyên, điều gây chú ý khi cô nói [2]: "...kinh Phật đã dạy em một câu: Cuộc sống chỉ là giả và tạm, sống trăm năm rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi".

Ngày nay, với lứa tuổi này, nhiều thanh niên thiếu nữ trang lứa, họ không đặt nặng vai trò tôn giáo gắn kết với làm giàu tâm hồn để biết yêu mình cũng như yêu người. Nhiều người còn báng bổ tôn giáo theo những cách rất kém văn hóa hoặc bắt chước người lớn "ngã giá" với thánh thần trong những cuộc thi cử.

Không chỉ tuổi trẻ, dẫn lời Phật dạy, Phương Uyên còn như khuyên những người lớn với danh tiếng như cồn, học vị cao thâm nên úp mặt vào gối mà suy ngẫm tục ngữ: "thương người như thể thương thân", nó đã bị lãng quên và chối bỏ quá lâu rồi!

Nguyễn Tiến Trung bị kêu án 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc ở tuổi 26. Đinh Nguyên Kha với tuổi 25 bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản thúc.

Dù thật vui mừng khi cô gái xinh đẹp và cương nghị đã thoát khỏi nhà tù nhỏ, nhưng đọng lại trong băn khoăn của nhiều người là chàng trai 25 tuổi kia tại sao vẫn chịu mức án nặng nề trong cùng một nội dung mà người Cộng sản kết tội?

Ở đây, như ló lên một "sự kèn cựa" giữa các phe phái đang tranh giành ảnh hưởng mà người Cộng sản hay gọi là "cân bằng động"? Ai cũng hoài nghi và không chủ quan về một kết quả mà mọi người đều gọi là chưa có tiền lệ từ trước tới nay, dành cho "án chính trị". Dù sao, đó cũng có thể coi như một điểm son cho Trương Tấn Sang sau chuyến Mỹ du.

Tuy nhiên, trong luật hình sự, những con số tù như thế này lại làm bật lên sự tùy tiện nhất cũng... chưa từng có. Trong điều 88, chỉ có tù giam, làm gì có tên gọi nào là "tù treo"?!. Có lẽ, "họ" bí lắm rồi và một sự thỏa hiệp mà không bị mất mặt với Mỹ cùng nhiều tổ chức quốc tế chỉ trích gay gắt là có thể tạm chấp nhận trong buổi "giao thời"?

Đã quá muộn và quá nhiều lần của rất nhiều người cùng vô số tổ chức quốc tế, một lần nữa, người cộng sản được kêu gọi hãy hủy bỏ tất cả những cái tội: "tạm tạm", "hai năm tạm", "bậy chín" và mới nhất là cái "nghị định bầy hầy" nhằm bịt miệng dân chúng.

Thời thế đã đổi, lòng người đang chuyển, vận nước đang nguy. Người Cộng sản đừng lần lữa và đấu đá thêm nữa!

Phải chăng Việt Nam đang "xua tan nghìn dấu lệ"?

Tuổi Trẻ mãi mãi là những gì mới nhất, đẹp nhất, tinh khôi nhất.

Vui mừng dâng trào trong từng ánh mắt, khuôn mặt, lời nói và vì vậy không thể thiếu âm nhạc. Tôi muốn gởi đến cô gái tuổi thanh xuân nhạc phẩm "Hai Mươi Mùa Nắng Lạ" do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác [3]:
...
Em hai mươi tuổi như bài thơ
Sài Gòn nắng mưa em chợt đến
Làm lời mộng mị giữa thiên thu
Em hai mươi tuổi em đâu ngờ
Năm xưa vui buồn chút phù du
Sài Gòn xua tan nghìn dấu lệ
Cho em bây giờ mắt tình đưa.


Không chỉ Sài Gòn "xua tan nghìn dấu lệ" mà Hà Nội, Đà Nẵng và khắp mọi miền đất nước này sẽ bừng nở những nụ cười tươi mới, mong ngày dân chủ tự do đang đến thật gần, phải không Phương Uyên?

Nguyễn Ngọc Già
_______________________________

Ngô Nhân Dụng - Ông Hồ Ngọc Nhuận cần đổi cách suy nghĩ

Người Việt ở khắp thế giới chào mừng cháu Nguyễn Phương Uyên đã được về nhà. Khi ra khỏi nhà tù, cháu đã nghĩ ngay tới những bạn bè cùng lứa tuổi: “Tôi nghĩ hành động của mình nhỏ bé thôi... tôi vui mừng và tự hào vì đã cống hiến cho đất nước, khơi dậy lòng yêu nước của các bạn trẻ, để họ không còn vô cảm nữa.”
Cháu có thể yên lòng, rất nhiều người không còn vô cảm nữa; chính cháu góp phần vào hiện tượng chuyển hóa đó. Riêng thái độ bình tĩnh, tự chủ của cháu đã thay đổi nhiều người. Huỳnh Ngọc Chênh thăm cháu trong tù về, đã viết: “...Dường như Phương Uyên đã truyền niềm tin đến cho mọi người. Nên sau đó, Lê Quốc Quyết đã ghi trên facebook: Ði thăm Phương Uyên để động viên tinh thần em và gia đình, không ngờ khi gặp em thì mình được động viên tinh thần nhiều hơn.” Ði thăm cháu ở nhà tù và đi biểu tình trong thị xã Tân An có nhà thơ Hoàng Hưng, có cả những đảng viên cộng sản lâu năm như Huỳnh Kim Báu, Kha Lương Ngãi. Họ không vô cảm được. Và chắc cháu đã được đọc bài của Lê Hiếu Ðằng “tính sổ” với đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Lê Hiếu Ðằng kêu gọi các đảng viên Cộng Sản khác: “Tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi đảng và thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân Chủ Xã Hội?”
Ý kiến của Lê Hiếu Ðằng đã gây tiếng vang rất xa và rộng. Có bài phản ứng của Hà Sĩ Phu về “Con đường Xã hội Dân chủ” và một bài của ông Hồ Ngọc Nhuận hô hào ủng hộ đảng mới. Ðọc bài “Phá Xiềng” của ông Hồ Ngọc Nhuận, tôi muốn cần nêu lên vài ý kiến; khi nghĩ đến các bạn trẻ như Huỳnh Thục Vi, Ðinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, vân vân, đang dấn thân tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do dân chủ. Muốn xây dựng một xã hội tự do dân chủ chúng ta cần suy nghĩ theo lối tự do dân chủ, mà sau khi đọc bài của ông Hồ Ngọc Nhuận tôi cảm thấy mọi người chưa chắc đã thấm phong cách sống dân chủ. Ðiều này cũng dễ hiểu. Những người chưa bao giờ xuống nước thì khó hình dung bơi lội nó thế nào. Nhưng có nhiều điều chúng ta cần xác định rõ ràng về cách sống dân chủ trong khi còn đang tranh đấu thiết lập chế độ dân chủ.
http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/dynimagecache/0/135/400/299/344/257/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/ho_ngoc_nhuan.jpg
Ông Hồ Ngọc Nhuận
Ông Hồ Ngọc Nhuận hoan nghênh việc vận động thành lập “đảng mới” này với lời lẽ nồng nhiệt biểu lộ tấm lòng thành; như một người đang đi trong sa mạc trông thấy mặt nước long lanh ở phía xa. Và ông kêu gọi mọi người, không riêng gì các đảng viên Cộng Sản, hãy tiến tới đó uống cho hết khát. Ông viết: “Tổ tiên nòi giống đang ủng hộ, cổ võ sự ra đời của đảng Dân Chủ Xã Hội mới. Các đảng chánh trị yêu nước, với các chiến sĩ đã hy sinh hay còn sống, bị bức tử gần đây... đang ủng hộ các bạn. Các tiền bối yêu nước thương dân của mọi thời kỳ, cả các đảng viên Cộng Sản lão thành đã hy sinh hay đang uất nghẹn trước sự phản bội của một phường tham nhũng trục lợi, đang ủng hộ các bạn.” Vân vân. Sau khi nói đến “tổ tiên nòi giống,” những “chiến sĩ đã hy sinh,” “Vong linh hằng vạn thanh niên nam nữ” đang cổ võ, ủng hộ đảng mới, ông Hồ Ngọc Nhuận còn kể thêm: “Hằng vạn gia đình nạn nhân các đợt cải cách, cải tạo... Hằng vạn gia đình nạn nhân chết tức chết tưởi, trên biển trên bờ... Toàn thể nông dân... Lực lương các anh chị em công nhân... Các ngư dân và gia đình các ngư dân... Hàng hàng lớp lớp học sinh sinh viên... Các nhà kinh doanh, những người dân làm ăn lương thiện... hàng ngũ trí thức, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, báo chí trên cả nước... Các chức sắc và nam nữ tín đồ các tôn giáo đang khao khát tự do hành đạo...” Tất cả những lớp người đó, ông Hồ Ngọc Nhuận viết, “đang ủng hộ các bạn, đang thúc giục các bạn, đang hối thúc các bạn, đang khẩn thiết kêu gọi các bạn, đang mong chờ các bạn, đang thúc bách các bạn,” vân vân.
Những lời kêu gọi nhiệt thành đó rất đáng ngợi khen. Chỉ thiếu một điều ông Hồ Ngọc Nhuận chưa cho biết, là “Ðảng Dân Chủ Xã Hội mới” mà ông cổ võ nó sẽ làm cái gì? Tất nhiên, chuyện đáng khen là có người đề nghị thành lập đảng trong khi chính quyền Cộng Sản hiện không chấp nhận cho một đảng thứ hai nào xuất hiện. Riêng việc đưa ra cái tên Dân Chủ Xã Hội, khác với chủ trương chuyên chế của đảng Cộng Sản, đã đáng hoan nghênh rồi. Nhưng người dân cần biết cái đảng này sẽ làm gì. Nhất là, cần biết nó sẽ làm gì nếu lên nắm quyền thay thế đảng Cộng Sản. Làm sao có thể hô hào tất cả các tầng lớp dân chúng như trên có thể ào ào ủng hộ một đảng mới, chỉ vì thấy cái tên mới?
Thiếu sót đó, chắc vì tác giả bài “Phá Xiềng” chưa có kinh nghiệm sống trong một thể chế tự do dân chủ, chưa có thói quen suy nghĩ theo lối sống tự do dân chủ. Trong một xã hội dân chủ, mỗi đảng phái chinh phục cử tri bằng những chương trình hành động nếu họ được nắm quyền, chứ không chỉ dựa trên một cái tên hay một khẩu hiệu. Hiện giờ chỉ mới thấy ông Lê Hiếu Ðằng mới chỉ nói muốn “thành lập một đảng mới, chẳng hạn như đảng Dân Chủ Xã Hội”. Nói “chẳng hạn” nghĩa là chưa chắc chắn. Mới có thế mà đã kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ, cả người còn đang sống lẫn người đã khuất, thì hơi vội vàng.
Ông Hồ Ngọc Nhuận còn viết một câu nghe đáng lo ngại; ông tuyên bố: “Ðứng vào hàng ngũ đảng Dân Chủ Xã Hội là yêu nước.” Những người phải nghe đài và đọc báo Nhân Dân qua nhiều năm hay bắt chước cái lối nói “ăn trùm” như vậy. Một thủ đoạn của các đảng cộng sản là thấy những gì tốt đẹp của nhân loại thì dùng vơ vào tất cả làm của mình, hô khẩu hiệu rồi dần dần biến thành thói quen khi nói năng. Anh có yêu nước không? Có? Vậy chính anh ủng hộ đảng tôi rồi? Anh có muốn dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng hay không? Nói có tức là anh đã học tập nghị quyết đại hội đảng tôi rồi!
Trong một xã hội tự do dân chủ người ta không sống, không suy nghĩ theo lối trùm lấp đó. Một đảng chính trị không có tham vọng bao gồm tất cả mọi người, những người yêu nước, người đạo đức, người chồng chung thủy, người vợ đảm đang, những người lái xe cẩn thận, đánh răng mỗi ngày, biết ăn uống điều độ không mập phì, vân vân. Phải nghĩ rằng trong tất cả các đảng chính trị khác cũng có những người tôn trọng các giá trị chung của nhân loại. Mỗi đảng phân biệt với đảng khác bằng chương trình lập pháp, chứ không phải là vì đảng này yêu nước, đảng kia không. Các chương trình hành động này phản ảnh khát vọng hay quyền lợi của các nhóm dân chúng, mỗi đảng thu hút các “nhóm lợi ích” khác nhau. Mà trong mỗi đảng, chính các nhóm này cũng không hoàn toàn đồng ý với nhau tất cả mọi chuyện. Chính họ cũng phải thỏa hiệp với nhau khi ủng hộ cùng một đảng. Thí dụ, một đảng chính trị có thể thu hút những người chống phá thai, cùng những người đòi giảm thuế. Hai nhóm theo đuổi hai mục tiêu khác nhau, họ nương vào nhau để chiếm đa số phiếu cho đảng, nhưng trên các vấn đề khác họ có thể trái nghịch nhau. Mỗi nhóm lợi ích có thể thay đổi từ đảng này sang đảng khác, tùy thời gian và chương trình tranh cử của các đảng. Không một đảng chính trị đứng đắn nào dám nói: Những người tốt nhất thì vào đảng tôi. Nói như vậy người ta sẽ cười cho. Nói như vậy là không hiểu tinh thần dân chủ.
Trên đây là mấy điều mà các bạn trẻ như Huỳnh Thục Vi, Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha nên biết. Còn rất nhiều khác cần biết nữa. Trong lúc tranh đấu thiết lập một xã hội dân chủ tự do chúng ta cần sống và suy nghĩ theo lối tự do dân chủ.
Nước Việt Nam chúng ta cần nhiều đảng chính trị, họ cần cạnh tranh với nhau, giống như trong thị trường. Mỗi đảng phải trình bày chương trình mình sẽ làm gì, khi cầm quyền. Một khẩu hiệu như Dân Chủ Xã Hội chưa đủ. Ở Việt Nam ông Mai Thái Lĩnh là người đã nghiên cứu và trình bày rất nhiều về các chế độ Dân Chủ Xã Hội trên thế giới. Nhưng một đảng Dân Chủ Xã Hội ở Việt Nam phải cho biết sẽ có các chính sách cụ thể như thế nào, phù hợp với nhu cầu của đất nước.
Chúng ta hiểu hoàn cảnh khó khăn của những người như các ông Lê Hiếu Ðằng, Hồ Ngọc Nhuận. Ðối tượng của họ hiện giờ không phải là tất cả dân chúng Việt Nam. Họ nhắm trước hết vào các đảng viên cộng sản, chỉ cho những người này thấy nếu bỏ đảng vẫn có thể hành động cách khác. Lê Hiếu Ðằng còn đoán “trong một thời gian dài đảng Cộng Sản vẫn sẽ là một lực lượng chính trị mà không có bất cứ lực lượng nào có thể tranh chấp được”. Lời tiên đoán đó cốt để làm cho các lãnh tụ đảng bớt sợ, nhưng không biết họ có tin không?
Nhưng việc kêu gọi các đảng viên cộng sản bỏ đảng, lập đảng mới không phải là phương cách tranh đấu duy nhất. Các bạn trẻ có thể vận động cho một xã hội dân chủ tự do bằng nhiều lối hoạt động khác. Nước ta đang cần những phong trào, mọi phong trào nhằm vào một vài mục tiêu cụ thể. Các blogger đang đòi xóa bỏ các điều luật “bịt mồm bịt miệng”. Các nông dân đang đòi thay đổi luật ruộng đất. Bao nhiêu người đang đòi trả tự do cho các tù nhân chính trị. Các công nhân đảng muốn tự do lập công đoàn. Còn phải gây một phong trào bãi bỏ chế độ hộ khẩu để dân được tự do cư trú và di chuyển. Cần nhiều phong trào bảo vệ môi trường; vân vân.
Các phong trào đó có những mục tiêu cụ thể, sẽ thu hút được nhiều người. Chính các đảng viên cộng sản cũng có thể tham gia vào các phong trào này. Khi người dân tự do và tự nguyện tham gia, họ sẽ tập sống theo lề thói dân chủ. Tất cả các hoạt động đó sẽ xây dựng nên một xã hội công dân, nền tảng của chế độ dân chủ. Tới một lúc, các phong trào nhỏ tập hợp lại, nếu cần sẽ thành lập một đảng chính trị. Khi nào cụ bà Lê Hiền Ðức, ông Ðoàn Văn Vươn, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A họp nhau lại lập một đảng, chắc họ cũng đại diện cho nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân. Nhưng không phải cứ ai yêu nước thì phải vào đảng “HÐVA” này! Ngay từ bây giờ, chúng ta đã nhất thiết phải sống theo tinh thần dân chủ. Trong việc xây dựng chế độ dân chủ, những bước đầu mà đi trệch đường sẽ gây hại rất lâu trong tương lai. Vì vậy, tôi mới xin phép khuyên ông Hồ Ngọc Nhuận thay đổi cách suy nghĩ.
Ngô Nhân Dụng
(Người Việt)

Dương Đình Giao - Trước tiên phải cải cách con người

Mấy hôm nay Ủy ban thường vụ Quốc hội đang bàn về giáo dục. Nghe ý kiến của các vị đại biểu của dân mà khiếp. Các vị bảo chương trình giáo dục hiện nay “chưa mang hồn thời đại”.

Bà con nào có biết cái “hồn thời đại” mặt mũi ngang dọc thế nào làm ơn chỉ cho thẳng dân ngu này biết với!

Hay các vị muốn trở lại cái thời ông Tố Hữu:
Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng,
Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau,
Trông bắc trông nam, trông cả địa cầu?


Và chương trình thế nào là mang hồn thời đại nhỉ?
Hóa ra “chém gió” bây giờ đã không phải là độc quyền của mấy cậu “choai choai”!

Mình thì chỉ thấy, các vị đừng nghĩ tới chuyện cải cách chương trình, sách giáo khoa, … gì vội. Cái quan trọng nhất hiện nay cần cải cách trong giáo dục là chuyện con người. Nếu con người vẫn như hiện nay thì có cải cách kiểu gì cũng lại “mèo lại hoàn mèo” thôi. Đã có bao nhiêu cuộc cải cách chương trình và sách giáo khoa từ năm 1981 đến nay rồi, tốn kém biết bao tiền của, công sức, … mà thất bại vẫn hoàn thất bại.

Sau 1945, chương trình giáo dục còn khá thô sơ (chủ yếu theo chương trình Hoàng Xuân Hãn ra đời một cách vội vàng sau khi Nhật đảo chính Pháp), sách giáo khoa hầu như chưa có, điều kiện cơ sở vật chất cho giáo dục cực kỳ thiếu thốn, nhưng con người lúc đó, dù học hàm, học vị chưa cao, nhưng do có phẩm chất đạo đức, có học vấn đầy đủ, cộng với tấm lòng yêu nước thiết tha đã mang lại thành tựu nhất định cho nền giáo dục. Trong khoảng 15 năm (1945 – 1960), chất lượng của giáo dục Việt Nam có sút kém so với giáo dục trước 1945 nhưng còn chấp nhận được. Vì những người tham gia vận hành nền giáo dục lúc này còn là sản phẩm của nền giáo dục cũ, mặc dù không ai kêu gọi, nhưng phải công nhận, họ đều là những người vừa có đức, vừa có tài.

Nhưng từ sau 1960, chúng ta luôn luôn nói tới “vừa hồng vừa chuyên” nhưng sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam lại hoàn toàn không được như thế. Và những con người do chính nền giáo dục đào tạo ra quay lại gây tai họa cho chính nó. Cái vòng lẩn quẩn này cứ quay hết chu kỳ này tới chu kỳ khác, và kết quả của nó là nền giáo dục hiện nay. Nếu không có những cải cách cấp bách về con người, giáo dục Việt Nam chỉ có thể càng tồi tệ hơn hiện nay. Chúng ta sẽ chỉ luôn luôn cố gắng để “năm sau bằng được năm nay” đã là sự may mắn.

Con người tác động đến giáo dục hiện nay có thể chia làm nhóm. Mỗi nhóm này ảnh hưởng khác nhau đến giáo dục.

1. Trước hết là nhóm các vị ở tầng vĩ mô. Tức là những con người quyết định tầm chiến lược, hay cái mà các vị nói là những người xác định triết lý của giáo dục, đường lối giáo dục.

Cứ mỗi khi đến dịp 70, 80 hay 100 năm ngày sinh, ngày mất hay ngày gì đó của các vị, lại thấy không ít các bài tung hô, coi các vị như thánh sống, cứu tinh cho giáo dục Việt Nam. Mình chẳng dám phủ nhận, nhưng xin phép được nghi ngờ. Vì các vị ấy, suốt trong bao nhiêu năm chèo lái con thuyền giáo dục Việt Nam, hết người này tới người khác, nhưng chưa bao giờ mình thấy giáo dục Việt Nam có chiều hướng đi lên. Từ sau 1945, tức là khi mình bắt đầu biết hưởng thụ nền giáo dục cho đến khi mang cả đời góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp trồng người, chỉ toàn thấy nó đi xuống, và đến nay thì nó “đang tan hoang” như từ dùng của một nhà giáo đáng kính.

Suy nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Sau nghĩ rằng, có lẽ các vị không phải không có tài năng, chỉ có điều cái tài năng ấy chưa được sử dụng. Hay nói đúng hơn, những đường lối giáo dục người ta vẫn cho rằng các vị là tác giả thật ra không phải. Nhưng các vị ở cái thế “chẳng đặng đừng”. Lẽ ra, khi đã ở trong cái tình thế như vậy, các vị nên có thái độ phản đối. Những người cầm quyền sẽ phải có thái độ thận trọng hơn. Hay ít ra, những người được hưởng thụ cũng thấy thận trọng niềm tin khi không thấy các vị đứng tên tác giả. Đằng này, các vị cứ im lặng, coi “im lặng là vàng. Thế là dân chúng “ăn quả lỡm”. Cuối cùng chỉ có dân là thiệt. Tốn kém bao nhiêu tiền của công sức cho con ăn học mà chẳng đâu vào đâu. Thậm chí có người cả tin vào cái nền giáo dục của các vị chủ trương mà đứa con dứt ruột đẻ ra, lại nuôi nấng với bao hy vọng trở thành một con người “bán thân bất toại” về trí tuệ. Vì sự im lặng của các vị mà giáo dục ngày càng đi xuống.

Tóm lại, nhóm người cần cải cách đầu tiên là những người có quyền quyết định đến những vấn đề vĩ mô của cải cách giáo dục. Cải cách giáo dục phải vì tự thân yêu cầu của giáo dục, vì sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp xây đựng đất nước chứ không phải vì phục vụ cho mục đích chính trị của một nhóm lợi ích nào đấy.

Không thay đổi nhóm người này, chỉ rồi lại lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng tiền thuế của nhân dân, lãng phí biết bao thế hệ con người Việt Nam sinh ra, lớn lên mà chẳng giúp ích gì, thậm chí còn làm hại tới tương lai của đất nước.

2. Nhóm người thứ hai cần cải cách là nhóm những người làm công việc chỉ đạo, nghiên cứu, theo dõi, đôn đốc hiện đang làm việc ở Bộ, ở các Sở, Phòng Giáo dục.

Trước hết, vì các lợi ích riêng mà chính các nhóm người này đã đi ngược lại những gì các nhà cải cách ở tầm vĩ mô đã đề ra. Còn nhớ trong cải cách giáo dục năm 1981, các nhà cải cách đã chủ trương thêm một lớp ở cấp trung học cơ sở để học sinh sau khi tốt nghiệp cấp học này được thêm một tuổi, được trang bị thêm một số kiến thức để có thể ra trường, theo học các lớp dạy nghề, chỉ khoảng 30% học sinh tốt nghiệp tiếp tục theo học lên cấp trung học phổ thông rồi được chọn lọc tiếp để vào đại học. Lẽ ra với chủ trương này, sự phát triển các trường phổ thông trung học cần được hạn chế về số lượng. Thay vào đó, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục phải được đầu tư vào việc nâng cao chất lượng các trường phổ thông trung học sẵn có và mở thêm nhiều trường dạy nghề.

Nhưng những người làm công việc quản lý ngành giáo dục từ cấp trung ương đến các tỉnh, thành phố đã làm điều ngược lại. Ở các địa phương, các trường phổ thông trung học cả công lập lẫn dân lập tiếp tục được phát triển hết mức. Số lượng trường phổ thông trung học nay đã thỏa mãn gần 100% nhu cầu học tập của học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở, thậm chí, nhiều trường phổ thông trung học còn không có học sinh vì chẳng ai có nhu cầu học mà không có trường.

Một mặt họ vẫn kêu gào chương trình quá nặng, học sinh bị quá tải, cần phải giảm tải…(dĩ nhiên cần phải có tiền), nhưng một mặt, họ vẫn để cho học sinh tha hồ ngồi nhầm lớp, đó chính là nguyên nhân gây nên chuyện học thêm dạy thêm tràn lan trong các nhà trường hiện nay.

Cấp đại học cũng đua nhau phát triển mặc dù từ cách nay khoảng gần hai chục năm, người ta đã cảnh báo nạn “thừa thầy thiếu thợ”. Nhiều nơi, dù không có trường sở, không có giảng viên, thậm chí không có cả sinh viên, người ta vẫn đua nhau mở trường đại học để tới nay, trường không có người học (mặc dù nhiều trường đã phải lấy tới những thí sinh chỉ được 7 điểm thi 3 môn). Luôn kêu chất lượng đại học xuống cấp, nhưng ngân sách không được sử dụng để nâng cao chất lượng các trường đã có mà được sử dụng để mở trường tràn lan dù cho tỷ lệ sinh viên ra trường không tìm được việc làm ngày càng cao.
Lối “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này đã khiến cho tình trạng giáo dục nước ta ngày càng lộn xộn. Việc mở trường (cả trung học và đại học) chỉ nhằm phục vụ lợi ích của những người có quyền ra quyết định thành lập trường, các “ông chủ” trường, và người dạy (mặc dù chất lượng rất thấp, nhiều khi chỉ trong tình trạng “cơm chấm cơm”, cử nhân đào tạo cử nhân) và một số ít người cần cái bằng đại học làm đồ trang sức, để hợp thức hóa việc chui vào các cơ quan nhà nước của những “con ông cháu cha” chứ hoàn toàn không phục vụ nhu cầu chính đáng của người học và của toàn xã hội. Ngân sách dành cho giáo dục vốn đã chưa dồi dào, lại được sử dụng không đúng chỗ khiến sự lãng phí không thể nào chấp nhận được. Làm sao nền giáo dục có thể phát triển lành mạnh khi những người có trách nhiệm quản lý chỉ chăm chăm vào nhóm lợi ích của mình?

Một tình trạng cần cải cách ở nhóm những người này là thói quan liêu. Cán bộ ở các Viện nghiên cứu có nhiệm vụ giúp các cấp quản lý tiếp cận với các nghiên cứu khoa học tiên tiến để vận dụng vào thực tế nhưng họ ngoài sự hạn chế về trình độ (do được đào tạo hời hợt, chỉ chạy theo bằng cấp nhằm thực hiện vượt mức chỉ tiêu) lại ít hiểu biết về nghiệp vụ quản lý còn rất hạn chế trong việc hiểu biết một cách đầy đủ hiện trạng của các trường, những biểu hiện tích cực và tiêu cực của những người đang “đứng mũi chịu sào” trên mặt trận giáo dục.

Những lần về cơ sở của họ phần lớn đều trong tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”. Vì thế, những chủ trương, biện pháp do các cơ quan này ban hành thường thiếu sức thuyết phục. Những cái được gọi là công trình nghiên cứu của các Viện này chỉ làm được việc gần như duy nhất là tiêu hết tiền của các dự án, còn khi đem vận dụng luôn gặp tình trạng xa rời thực tế vì chỉ giải quyết những chuyện hết sức hình thức, kiểu như giáo án điện tử, sử dụng những công cụ hỗ trợ của công nghệ thông tin cho một số môn học, …Phần lớn những kết quả này đều khó tổng kết, đánh giá vì phần lớn đều trong tình trạng “đứt gánh giữa đường”. Những giải pháp mang tính chất hình thức này chỉ khiến cho cái ao tù giáo dục gợn lên vài làn sóng ở bề mặt, không những chẳng hề làm cho làn nước trong sạch thêm mà còn tạo nên sự ngộ nhận và gây không ít tốn kém tiền bạc cho nhà nước và cha mẹ học sinh.

Loại thứ ba trong nhóm người này là những người chịu trách nhiệm giúp cấp trên theo dõi và chỉ đạo trực tiếp các trường. Đây chính là những người thuộc thành phần trung gian mà người ta đã quen gọi “vừa chung chung vừa gian gian” do cách làm việc và tính cách của họ.

Thay vì làm cầu nối, họ chỉ làm việc “dối trên lừa dưới”. Họ sẵn sàng che giấu những sai lầm của các trường miễn là được hiệu trưởng các trường thỏa mãn một số điều kiện vật chất, thậm chí còn “tham mưu” cho các trường tìm cách để “lách luật”, sau đó tiếp tục lừa dối cấp trên rằng “mọi việc vẫn tốt đẹp” thậm chí còn không tiếc lời để tán dương cho những người mắc sai phạm. Thế là giữa cấp trên và các trường phía dưới mất mối liên hệ tự nhiên. Sự chỉ đạo của cấp trên vốn ít ỏi, qua những cán bộ kiểu này hầu như chẳng còn gì. Thế là trường nào cũng trong tình cảnh “mạnh ai nấy làm”. Nhiều trường, nhất là các trường dân lập, có rất nhiều vi phạm nhưng vẫn được làm ngơ.

Không thay đổi, không cải cách những con người này, sự chỉ đạo, quản lý của các cấp hoàn toàn không có tác dụng.

Nhóm người cuối cùng trong guồng máy giáo dục là Hiệu trưởng và giáo viên trực tiếp giảng dạy. Xin được nói tới vào ngày mai.
Dương Đình Giao
(FB. Dương Đình Giao)

Hoa Kỳ xác nhận địa điểm thử nghiệm máy bay bí mật

Thống đốc bang Nevada bên tấm bảng chỉ đường, nơi nhiều người nói đã nhìn thấy UFO ở phía bắc Las Vegas, 18 tháng 4, 1996.

16.08.2013
Hoa Kỳ lần đầu tiên xác nhận địa điểm thử nghiệm bí mật mà đã có lúc nhiều người cho rằng địa điểm này là nơi có người ngoài hành tinh đang sống.

Trong các tài liệu được giải mật tuần này, Cục Tình báo Trung ương CIA giới thiệu bản đồ có ghi khu vực gọi là Khu vực 51, nằm trong tiểu bang Nevada, cách thủ đô cờ bạc Las Vegas 130 km về hướng tây bắc.

CIA cho biết từ 1954 đến 1975, họ đã sử dụng khu vực rộng 1.500 cây số vuông này để thực hiện các chương trình thử máy bay U-2 và chương trình Oxcart để do thám bằng máy bay A-12.

Vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh, máy bay U-2 bay trên cao 18 km vòng quanh thế giới, kể cả Liên Xô, để do thám.

Tài liệu vừa giải mật của CIA còn cho biết việc thử nghiệm máy bay U-2 bí mật này đã dẫn tới kết quả là nhiều vụ báo cáo nhìn thấy vật thể bay không xác định tăng mạnh.

Nhiều người đã thêu dệt nhiều chuyện về Khu vực 51. Họ cho rằng người ngoài hành tinh đã đáp xuống khu vực này, và các chuyên viên Mỹ đã có dịp gặp gỡ trao đổi với những người này. Nhiều bộ phim cũng nhắc đến khu vực này, khiến càng có thêm người tò mò.

Máy bay U-2 rất hữu ích trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Liên Xô đã bắn hạ một máy bay này vào năm 1960. Viên phi công Gary Powers bị kết tội gián điệp và sau đó đã được trở về Mỹ qua một cuộc trao đổi gián điệp giữa hai nước.
VOA

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ-Trung gặp nhau 19/8

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gặp đồng nhiệm Trung Quốc nhân dịp tướng Thường Vạn Toàn công du Hoa Kỳ - REUTERS
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gặp đồng nhiệm Trung Quốc nhân dịp tướng Thường Vạn Toàn công du Hoa Kỳ - REUTERS

Theo AFP, hôm qua 16/08/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wanquan) sẽ công du Hoa Kỳ tuần tới. Thứ Hai 19/08, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ có cuộc trao đổi với đồng nhiệm Mỹ Chuck Hagel về nhiều vấn đề chủ yếu trong quan hệ song phương.

Trả lời phóng viên, một giới chức quân sự cao cấp của Hoa Kỳ, yêu cầu không nêu tên, cho biết : « Cuộc gặp này là một cơ hội để (Mỹ và Trung Quốc) trao đổi sâu về một loạt các vấn đề gắn liền với quan hệ Mỹ-Trung, các quan hệ giữa hai quân đội, cũng như nhiều vấn đề song phương, các vấn đề khu vực và các vấn đề mang tính chuyên biệt như an ninh mạng ».

Sau cuộc hội đàm thứ Hai tới, hai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung sẽ có một cuộc họp báo chung.

Trả lời báo giới, người phát ngôn của quân đội Mỹ, đại tá Steve Warren, khẳng định mục tiêu của chuyến công du này là để duy trì cái đà tích cực trong quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ từ một năm rưỡi nay, khởi sự với chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới Mỹ vào tháng 1/2012, trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc, trong tư cách khách mời của ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ lúc đó.

Trong những tháng gần đây, hai quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc có nhiều hoạt động chung. Vào tuần tới hải quân hai bên sẽ có một cuộc tập trận chung chống hải tặc tại vịnh Aden. Năm tới 2014, Bắc Kinh dự kiến sẽ tham gia lần đầu tiên vào RIMPAC - cuộc tập trận hải quân đa quốc gia quan trọng - được tổ chức hai năm một lần ngoài khơi Hawaii (Hoa Kỳ), dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ.

Một lo ngại lớn của Hoa Kỳ là các hoạt động gia tăng của tin tặc Trung Quốc, mà đối tượng là Mỹ. Đầu tháng 6, tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định là có nhiều cơ sở cho thấy tin tặc tấn công nước Mỹ « có liên hệ với quân đội và chính quyền Trung Quốc ».

Trong số các vấn đề sẽ được đề cập, nhưng giới chức ẩn danh kể trên từ chối nói rõ, có vấn đề Bắc Triều Tiên, các căng thẳng tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong chuyến công du kéo dài suốt một tuần này, vào kỳ nghỉ cuối tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ tới Colorado thăm Northcom (United States Northern Command), bộ tư lệnh phụ trách bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ và đặc biệt là Norad (North American Air Defense Command), cơ quan phụ trách bảo vệ không phận Bắc Mỹ (bao gồm cả Canada). Theo China Daily, đây là lần đầu tiên Mỹ mời một lãnh đạo quân sự Trung Quốc đến thăm Northcom.

Trong kế hoạch chuyến công du Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ có một cuộc gặp không chính thức với Tổng thống Obama.
Trọng Thành (RFI)

NSA khẳng định không phạm luật trong nhiệm vụ theo dõi

Ông Keith Alexander, giám đốc cơ quan NSA, 31/07/2013 - REUTERS
Ông Keith Alexander, giám đốc cơ quan NSA, 31/07/2013 - REUTERS

Cơ quan an ninh Hoa Kỳ NSA (National Security Agency) biện minh là trừ trường hợp ngoài ý muốn, các hoạt động tình báo theo dõi thông tin điện tử của cơ quan an ninh đều hợp pháp. Cơ quan NSA tiếp tục được lập pháp Mỹ tin cậy và ủng hộ.

Dựa vào tài liệu do Edward Snowden,cựu điệp viên CIA và NSA đào thoát sang Nga cung cấp, nhật báo Washington Post ngày thứ năm 16/08/2013 cho rằng NSA vi phạm luật định tôn trọng đời sống cá nhân và bất chấp các nguyên tắc này hàng ngàn lần kể từ năm 2008.

Hôm nay, 17/08/2013, giám đốc đặc trách tôn trọng nguyên tắc nội bộ cơ quan NSA John Delong cải chính với báo chí là « những vi phạm trên là do ngoài ý muốn chứ không phát xuất từ ý đồ xấu ».

Ông cho biết thêm là nhân viên NSA biết rõ là mọi hành động của họ đều được thu hình và cơ quan có truyền thống báo cáo mỗi khi có sai lầm.

Mặc dù bị báo chí chỉ trích, nhưng cơ quan an ninh Mỹ, trong bối cảnh tây phương bị khủng bố quốc tế đe dọa, vẫn được hai ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện ủng hộ.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, chủ tịch ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ tuyên bố « không tìm thấy trường hợp nào NSA cố tình vượt qua thẩm quyền của mình để theo dõi với mục đích không phù hợp với nhiệm vụ ».

Cũng trong chiều hướng này, dân biểu Mike Rogers, đứng đầu ủy ban tình báo Hạ viện đánh giá những sai trái mà báo Washington Post đương cử chỉ là « sai sót thuộc yếu tố « con người và kỷ thuật không thể tránh hết được trong mọi cơ quan có kỷ thuật cực kỳ tinh vi, phức tạp như NSA »

Ngược lại, chủ tịch ủy ban tư pháp của Thượng viện, Patrik Leahy vẫn tỏ ý muốn nghe điều trần về các hoạt động bị tố cáo là « không được phép » của NSA.
Tú Anh (RFI)

Thống kê kinh tế Trung Quốc : Một trò đánh đố

Bến cảng chở hàng xuất khẩu tại tỉnh Liêu Ninh - REUTERS
Bến cảng chở hàng xuất khẩu tại tỉnh Liêu Ninh - REUTERS

Trong những năm gần đây, các thị trường tài chính thế giới lúc nào cũng phải nôn nóng chờ đón các số liệu thống kê kinh tế Trung Quốc được Bắc Kinh thông báo. Thế nhưng, ngày càng có nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về độ tin cậy của các số liệu chính thức Trung Quốc, bị tình nghi là bị chính quyền thao túng và bóp méo vì động cơ chính trị.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP ngày 15/08/2013 vừa qua, giới phân tích đang càng lúc càng hoài nghi trước các chỉ số kinh tế tối quan trọng như GDP của Trung Quốc chẳng hạn, vào lúc mà càng ngày càng có khác biệt giữa số liệu chính thức của Bắc Kinh với ước tính của các chuyên gia liên quan đến các lãnh vực khác nhau, đặc biệt là số liệu về ngoại thương.

Sản xuất theo số Nhà nước thì tăng, nhưng theo HSBC thì giảm

Một ví dụ gần đây nhất là chỉ số PMI của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Theo thống kê của chính phủ, chỉ số này đã tăng từ 50.1 trong tháng Sáu, lên thành 50.3 trong tháng Bảy, tức là sản xuất có tăng. Thế nhưng, theo tính toán của các chuyên gia ngân hàng HSBC rất có uy tín, chỉ số PMI của Trung Quốc lại biến thiên theo chiều ngược lại, từ 48.2 trong tháng Sáu, xuống còn 47.7 trong tháng Bảy.

Trong một nhận xét của mình, Stephen Green, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered đã không ngần ngại mỉa mai : « Nếu mà có một chỉ số đo lường mức độ hoài nghi đối với số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, thì lần này chỉ số đó sẽ đạt mức kỷ lục ».

Nguyên nhân rất đơn giản. Căn cứ vào toàn cảnh kinh tế Trung Quốc và thế giới hiện nay, tất cả các nhà quan sát đều dự báo rằng chỉ số PMI của nước này phải giảm, chứ không thể nào tăng như thống kê chính thức được Bắc Kinh đưa ra !

Giáo sư tài chính học Michael Pettis tại Đại học Bắc Kinh giải thích : « Một trong rất nhiều vấn đề ở Trung Quốc là số liệu thống kê luôn được coi là hàm chứa một ý nghĩa chính trị ».

Một trong những dấu hiệu bất thường được vị giáo sư này nêu bật là sự kiện Trung Quốc tính toán và công bố các thống kê hàng tháng và hàng năm nhanh hơn nhiều so với Pháp, một nước có nền kinh tế nhỏ hơn nhiều nhưng số liệu thống kê nổi tiếng là chính xác hơn.

Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, ông Pettis không khỏi bâng khuâng : « Điều đó buộc ta phải tự hỏi là làm thế nào mà người Trung Quốc lại có thể thống kê nhanh hơn người Pháp như vậy. Điều này quả là một vấn đề ».

Bình quân tỷ lệ tăng trưởng của các tỉnh cao hơn tỷ lệ chung của cả nước !

Theo AFP, lâu nay, các chuyên gia luôn nghi ngờ sự xác thực của các số liệu do các quan chức địa phương cung cấp. Do việc sự nghiệp những người này chủ yếu phụ thuộc vào thành tích kinh tế tại khu vực họ quản lý, họ rất dễ sa vào việc « tô hồng » thực tế để lập công.

Đối với ông Toshiya Tsugami, giám đốc một công ty tư vấn, nguyên là cựu tham tán kinh tế tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, khuyết điểm nằm ở cơ cấu chính trị của Trung Quốc, giao quyền hạn hành chính rộng lớn cho các địa phương, trong lúc chính quyền trung ương lại giữ quyền cất nhắc và thăng chức.

Ông Tsugami giải thích : « Các lãnh đạo địa phương do đó đã lao vào một cuộc cạnh tranh gay gắt để vùng của họ phô trương được một tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất, qua đó giúp họ thăng quan tiến chức. Do việc họ đồng thời chịu trách nhiệm công bố số liệu thống kê, cho nên họ rất dễ dàng thổi phồng số liệu ».

Giáo sư Pettis cũng công nhận thực trạng nói trên. Theo ông, nếu cộng các tỷ lệ tăng trưởng của tất cả các tỉnh Trung Quốc lại với nhau, rồi tính bình quân, thì con số đạt được cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng của cả nước, « một điều tất nhiên là phi lý ».

Trong bối cảnh đó, tỷ lệ tăng trưởng thực thụ của Trung Quốc, theo các chuyên gia, hoàn toàn có thể là không « hoành tráng » như Bắc Kinh từng công bố. Ông Stephen Green thuộc ngân hàng Standard Chartered chẳng hạn, đã so sánh các số liệu khác nhau về lạm phát để chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ là 7,2% trong năm 2011, và 5,5% trong năm 2012 - thấp hơn số liệu của chính phủ là 9,3% và 7,8%.

Bản thân ông Stephen Greencũng phải công nhận rằng tính toán của ông cũng chỉ là một trò đánh đố vì « để đặt vấn đề về các số liệu chính thức, ta lại phải dùng các con số chính thức (khác) », cũng thuộc loại có vấn đề !

Trong một bài nghiên cứu công bố tuần trước, Giáo sư Christopher Balding thuộc Trường Kinh doanh Ngân hàng HSBC của Đại học Bắc Kinh cho rằng số liệu « thiên lệch » về lạm phát, trong đó có giá bất động sản, có xu hướng thổi phồng một cách đáng kể quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã vươn lên đứng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ.

Trong một bản tóm lược gởi đến AFP, chuyên gia này nói rõ : « Nếu chúng ta điều chỉnh lại giá (chính thức) của bất động sản một cách chặt chẽ hơn, điều đó sẽ làm cho tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng thường niên ở Trung Quốc tăng thêm 1%, với hệ quả là GDP thực tế nước này bị mất đi hơn 1.000 tỷ đô la "(khoảng 12%) ».

Ngay Thủ tướng Trung Quốc cũng dè dặt với thống kê chính thức

Không chỉ có giới chuyên gia ngoại quốc là không tin tưởng nhiều vào số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc. Hãng AFP nhắc lại : Chính đương kim Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, cách đây vài năm đã thừa nhận là bản thân ông cũng phải thận trọng trước các chỉ số kinh tế chính thức.

Theo một điện mật của ngành ngoại giao Mỹ được WikiLeaks tiết lộ, vào năm 2007, khi còn là lãnh đạo tỉnh Liêu Ninh (miền Đông bắc Trung Quốc), ông Lý Khắc Cường đã tâm sự với Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh rằng một vài số liệu của Trung Quốc được « chế tạo một cách thủ công », và do đó không đáng tin cậy.

Chính ông Lý Khắc Cường đã cho biết rằng bản thân ông, khi muốn đánh giá tình trạng kinh tế thực sự của tỉnh ông phụ trách, ông chỉ tập trung vào ba chỉ số : mức tiêu thụ điện, mức độ vận chuyển hàng hóa qua đường sắt và khối tín dụng đã cấp phát.

Theo bức điện được WikiLeaks tiết lộ, ông Lý Khắc Cường đã kết luận với một nụ cười rằng : « Tất cả các con số khác, đặc biệt là số liệu thống kê về GDP, chỉ mang tính chất tham khảo để biết thông tin mà thôi. »
Trọng Nghĩa (RFI)

Thêm một nhà dân chủ tên tuổi bị bắt

Blogger  Quốc Phi Hùng (Gou Feixiang) tên thật là Dương Mậu Đông (Yang Maodong) - DR
Blogger Quốc Phi Hùng (Gou Feixiang) tên thật là Dương Mậu Đông (Yang Maodong) - DR

Dương Mậu Đông (Yang Maodong), một nhà tranh đấu đòi cải tổ tư pháp đã bị bắt tại Quảng Đông. Hình ảnh công an ra tay, vào ngày 08/08/2013 vừa được giới nhân quyền đưa lên mạng. Theo Asia News, có dấu hiệu cho thấy vì lo sợ xảy ra một « mùa xuân Ai Cập » mà Trung Quốc mở chiến dịch truy bắt hàng loạt nhà tranh đấu.

Theo hãng tin Pháp AFP, tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc có cơ sở tại Hồng Kông cho hay blogger Quốc Phi Hùng (Gou Feixiang) tên thật là Dương Mậu Đông đã bị bắt tại Quảng Đông và bị quy tội « tụ tập đông người gây mất trật tự ».

Dương Mậu Đông là một nhân vật có tên tuổi tại Trung Quốc. Với bút hiệu Quốc Phi Hùng, ông tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận và hay giúp đỡ các dân làng nạn nhân của tham ô và áp bức. Được hãng tin AFP đặt câu hỏi phối kiểm thông tin, công an tỉnh huyện Tiên Hà, mơi giam giữ Dương Mậu Đông, tỉnh Quảng Đông từ chối trả lời

Ông Dương Mậu Đông bị bắt chỉ một tháng sau ngày luật sư Hứa Chí Vĩnh bị bắt giữ vì công bố lời kêu gọi chính quyền trả tự do cho các nhà tranh đấu ký kiến nghị đòi quan chức nhà nước kể cả cấp lãnh đạo cao nhất, công khai hóa tài sản và thu nhập để chống tham ô, theo như lời cam kết của chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong tháng qua, cũng có nhiều nhà dân chủ Trung Quốc có tiếng tăm khác như Dương Lâm, Lý Hòa Bình …. đều phải vào nhà tù.

Còn theo Asia News, trong ba tháng gần đây, ít nhất 50 nhà đối lập đã bị bắt vì tổ chức hội thảo hoặc họp nhau ở quán ăn để trao đổi về các đề tài có liên quan đến cải cách và bản hiến pháp. Các đòi hỏi tôn trọng luật pháp, nhà nước pháp quyền và hiến pháp đều bị xem là phạm tội tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa.

Song song với các vụ trấn áp đối lập, Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng sản Trung Quốc trong những ngày qua đã liên tục « cảnh báo » độc giả về « tai hại » của nền « dân chủ tây phương ».

Tờ báo này cho rằng người Ai Cập đã « ngây thơ như con trẻ » du nhập dân chủ tây phương với hậu quả là « bạo động tại Ai Cập ». Mạng Social Outlook của nhà nước còn nhận định « bài học mùa xuân Ai Cập rất có giá trị cho Trung Quốc ».
Tú Anh (RFI)

"Chỉ tổ chức một kỳ thi quốc gia là hoàn toàn khả thi"

"Là người đã có thâm niên Chủ tịch hội đồng coi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhiều năm gắn bó với học sinh các trường vùng sâu. Tôi thiết nghĩ việc chỉ tổ chức một kì thi quốc gia như Bộ đã từng chủ trương là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được ngay.".
Trước hết, xin bắt đầu với vài con số thống kê tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2006 đến nay (nguồn từ các Báo cáo kết quả thi tốt nghiệp hằng năm của Bộ giáo dục & đào tạo):
Năm 2006 tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 94 %
Năm 2007tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 67 %
Năm 2008 tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 76%
Năm  2009 tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 84%
Năm 2010 tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 93%
Năm  2011 trở đi  tỉ lệ tốt nghiệp xấp xỉ 95%

(Các năm 2007 và 2008 chỉ tính tốt nghiệp lần I. Từ 2011 trở về sau tỉ lệ tốt nghiệp giữ vững ở mức trên 95%)
Những con số thống kê trên đây nói lên điều gì?

Năm 2006 có thể xem là “đêm trước” của “hai không”, tiêu cực và bệnh thành tích đã lên đến đỉnh điểm, tỉ lệ tốt nghiệp ở hầu hết các địa phương đều cao ngất ngưởng khiến dư luận băn khoăn.

Ảnh minh họa
Năm 2007, tỉ lệ tốt nghiệp đột nhiên giảm đến 27% so với năm trước là do chủ trương và quyết tâm thực hiện thực hiện “hai không” của Bộ theo tinh thần Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8 tháng 9 năm 2006 của Thủ tường chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Bộ đưa ra nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là tăng cường công tác thanh tra, với sự góp sức của các trường đại học và cao đẳng trong cả nước. Những người làm công tác thi đều nhớ rõ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (lần I) năm 2007 diễn ra trong không khí tương đối căng thẳng, nhưng nghiêm túc, đúng quy chế.
Sau cú sốc về tỉ lệ tốt nghiệp năm 2007, nhiều trường Trung học phổ thông đã tăng cường phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu kém, nên đến kỳ thi năm 2008, mặc dù công tác coi thi nghiêm túc không kém năm 2007; con số tốt nghiệp vẫn nhích lên thêm 9%, phản ánh khá chính xác nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học của các địa phương.
Rất đáng tiếc là đến năm 2009 và các năm tiếp theo, có lẽ Bộ đã yên tâm với thành tích thực hiện “hai không”, hoặc do chi phí quá lớn cho công tác thanh tra, hoặc vì một lí do nào khác nên trong các kì thi từ năm 2009 đến 2011, lực lượng thanh tra của các trường đại học, cao đẳng giảm hẳn, không còn “cắm chốt” tại các hội đồng thi như hai năm trước, nhiều địa phương lại có tỉ lệ tốt nghiệp tăng vọt, kéo theo tỉ lệ chung cả nước vươn lên rõ rệt, khiến cho chủ trương tổ chức một kì thi quốc gia (chung cho cả xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học cao đẳng) không nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội và của các trường đại học.
Là người đã có thâm niên Chủ tịch hội đồng coi thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhiều năm gắn bó với học sinh các trường vùng sâu. Tôi thiết nghĩ việc chỉ tổ chức một kì thi quốc gia như Bộ đã từng chủ trương là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được ngay.

 Nếu lãnh đạo Bộ có can đảm, tạo điều kiện để học sinh nghèo vùng sâu có được cơ hội ngang bằng với học sinh thành phố khi xét tuyển vào đại học và cao đẳng, chỉ cần lưu ý một vài chi tiết mang tính kĩ thuật để bảo đảm cho kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đáp ứng được cả hai yêu cầu nâng cao dần tỉ lệ tốt nghiệp và đủ tin cậy để tuyển sinh đại học.

 Sau đây xin nêu lên một vài đề xuất:
Thời gian thi nên lùi lại đến giữa Tháng Sáu để học sinh có thể chuẩn bị tốt hơn.
Số môn thi vẫn giữ ổn định sáu môn, ba môn tự nhiên và ba môn xã hội, trong đó Ngữ văn và Toán là bắt buộc, bốn môn còn lại được thông báo vào cuối Tháng Ba như hiện nay.
Nội dung thi nên bao quát toàn bộ kiến thức trọng tâm của cấp trung học phổ thông.
Hình thức thi có thể là tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan, tuy nhiên nên chuyển dần các môn còn lại sang trắc nghiệm khách quan để giảm chi phí và tăng tính khách quan.
Chỉ có một đề thi chung cho cả  giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, nhưng nên cho thêm điểm ưu tiên đối với giáo dục thường xuyên khi xét tốt nghiệp.
Đề thi nên có hai phần, tạm đặt tên là phần A và phần B, mỗi phần nên chia ra nhiều câu hỏi nhỏ để bao quát được chương trình:
Phần A chiếm 50% điểm bài thi, bao gồm các câu hỏi kiểm tra kiến thức kỹ năng chuẩn, chỉ yêu cầu thí sinh nhận biết, hoặc nếu có thông hiểu và vận dụng thì chỉ ở mức độ đơn giản, không quá một bước tư duy, tính toán;
Phần B chiếm 50% điểm bài thi bao gồm các câu hỏi yêu cầu học sinh phải thông hiểu, vận dụng với nhiều bước tư duy, tính toán.
Sử dụng các hệ số khác nhau ở hai phần để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học:

Để xét tốt nghiệp nên chọn hệ số cao cho phần A và hệ số thấp cho phần B (ví dụ 3A và 1B).
Để lấy điểm sàn tuyển sinh đại học và cao đẳng nên chọn hệ số cao cho phần B và hệ số thấp cho phần A.
Thí sinh được đăng kí chỉ một nguyện vọng đại học hoặc cao đẳng trước khi thi (được ưu tiên xét tuyển trước sau khi có kết quả).
Căn cứ vào điểm sàn, các trường đại học và cao đẳng tự quyết định điểm chuẩn và thông báo thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 và thông báo xét tuyển nguyện vọng 2, 3….
Mọi học sinh có điểm từ điểm sàn trở lên đều có quyền đăng kí xét tuyển đại học và cao đẳng phù hợp với mức điểm chuẩn của các trường công bố.
Tất cả các khâu từ ra đề, coi thi, chấm thi … đều phải có sự tham gia của các trường Đại học và Cao đẳng với tỉ lệ thích hợp, để bảo đảm quyền lợi tuyển sinh đúng đối tượng cho các trường này.
Các trường đại học và cao đẳng có yêu cầu năng khiếu hoặc những yêu cầu đặc biệt khác, nên tổ chức thi năng khiếu trước khi thi tốt nghiệp ít nhất hai tháng và thông báo sớm kết quả cho thí sinh, có thể thi theo cụm tỉnh, hoặc liên tỉnh và do các trường tự thu xếp.
Thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp nhưng chưa hài lòng với điểm xét tuyển có thể tự tìm chỗ học và đăng kí thi lại năm sau để lấy kết quả mới với chi phí hoàn toàn tự túc.
Những giả định trên đây cho thấy chỉ tổ chức một kì thi quốc gia là khả thi, có thể thử nghiệm ở các địa phương ngay trong kì kiểm tra học kì I năm học 2013-2014, trước khi chính thức áp dụng vào mùa thi tới
Thái Minh Điển 
  (GDVN)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét