Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

HOT - THỜI SỰ NÓNG TRONG NGÀY

Niềm tin và ngờ vực trong xã hội cộng sản

Người dân Czech kỷ niệm 20 năm cách mạng Nhung
Người dân Czech kỷ niệm cách mạng Nhung tại Prague

Nhân kỷ niệm cuộc Cách mạng Nhung diễn ra ở Tiệp Khắc cũ vào tháng 11/1989, dẫn đến sự sụp đổ của thể chế cộng sản tại quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu này, BBC Việt ngữ trích giới thiệu một bài khảo cứu của tác giả Matt Killingsworth, một chuyên gia về cách mạng ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở Trung và Đông Âu. Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị độc giả:

Nhà viết kịch, bất đồng chính kiến người Czech, người mà sau này trở thành Tổng thống Czech, Vaclav Havel, trong bài tiểu luận nổi tiếng của ông "Quyền lực của thảo dân” (Power of the powerless) đã lập luận rằng hệ thống cộng sản chủ nghĩa do Liên Xô áp đặt ở Trung và Đông Âu đã làm mất đi bất cứ chuẩn mực cách mạng nào mà nó từng có thể có và làm cho tất cả đều 'sống trong sự dối trá”.

Điều mà Havel xác định là niềm tin trong chế độ Cộng sản đã hoàn toàn không tồn tại và tất cả mọi người đều biết điều đó, ngay cả nhà cầm quyền. Thật vậy, ý tưởng về niềm tin là một hằng số trong lịch sử của Tiệp Khắc Cộng sản: chính quyền cộng sản cần có nó để hợp pháp hóa sự thống trị của mình, sự hiện diện toàn trị, mọi chỗ, mọi nơi của nhà nước có nghĩa là những người bất đồng chính kiến cần tin tưởng lẫn nhau trong khi giới cảnh sát, mật vụ đáng sợ kia sẽ làm việc không mệt mỏi để gieo hạt giống gây mất lòng tin trong nội bộ những người bất đồng chính kiến chống lại chế độ.

Lịch sử bất đồng chính kiến ở nước Tiệp Khắc Cộng sản được đánh dấu bởi hai giai đoạn: Mùa xuân Prague năm 1968, và sự gia tăng của các nhóm bất đồng chính kiến, mà nổi tiếng nhất là nhóm Hiến chương 77, vốn đã có vai trò quan trọng trong sự kiện năm 1989 được biết tới như cuộc 'Cách mạng Nhung'. Giai đoạn cuối cũng chứng tỏ mức độ mà niềm tin trở thành một vấn đề ở quốc gia cộng sản Tiệp Khắc – ‘Luật thanh lọc’ đã được thông qua trong giai đoạn ngay sau sự sụp đổ của chế độ cũ.

1968 - Mùa xuân Prague
"Các sự kiện Mùa xuân Prague cho thấy một mô hình để thấy rằng trong tương lai bất đồng chính kiến có tổ chức chống lại nhà nước Đảng trị sẽ bị người ta xử như thế nào"
Năm 1968, sau một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, Alexander Dubček đảm nhận vai trò lãnh đạo của KSC (Đảng Cộng sản Tiệp Khắc). Nhóm nắm được lợi thế lớn nhất từ việc Dubček đảm nhiệm ghế lãnh đạo là giới truyền thông. Chính thông qua truyền thông mà ý nghĩa thực tế đầu tiên của sự thay đổi đã được cảm nhận. Được khẳng định bởi Dubček rằng truyền thông sẽ không còn bị 'hướng dẫn,' ‘tuyên huấn’ nữa, các nhà báo Czech bắt đầu phân tích các sự kiện trong quá khứ, khuyến khích các cuộc thảo luận và phê bình chính sách cũ và mới của Đảng. Tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất trong dòng báo chí mới này là tờ Literární Listy. Chính trên tờ Literární Listy mà bản tuyên ngôn “Hai ngàn từ” của Ludvík Vaculík đã được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 6/1968. Bản tuyên ngôn, có chữ ký của nhiều trí thức hàng đầu của đất nước, kêu gọi tăng tốc quá trình cải cách, và đề nghị rằng những quan chức chốn lại cải cách nên từ chức.

Diễn đạt chính thức của nghị trình cải cách với việc xuất bản Chương trình hành động của đảng Cộng Sản Tiệp Khắc (KSC) ra mắt công chúng vào tháng 4/1968. Nó đại diện cho nỗ lực đầu tiên của tuyên bố toàn diện về những thay đổi cần thiết nhằm lập nên hệ thống chính trị mới, ‘một mô hình mới của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.' Chương trình minh định rằng các nhóm chính trị và các hội đoàn phải được phép hoạt động, nhưng chỉ dựa trên hiểu biết rằng KSC sẽ giữ độc quyền về quyền lực chính trị. Tóm lại, văn kiện này vận động và ủng hộ những gì được gọi là "chủ nghĩa xã hội với một khuôn mặt con người.

Ngay lập tức, các quốc gia quan ngại lo lắng thuộc khối Xô Viết đã khởi xướng một chiến dịch tuyên truyền chống lại Tiệp Khắc. Ở Liên Xô, một số bài báo đã được xuất bản nhằm giải thích ‘tư tưởng đúng đắn’ về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Cách mạng Nhung ở Czech
Cách mạng Nhung bất bạo động (16/11-29/12/1989) đã làm sụp đổ chế độ toàn trị cộng sản ở Tiệp Khắc

Tại cuộc họp thành viên của khối Hiệp ước Warsaw vào đầu tháng Bảy, Tiệp Khắc vừa bị khiển trách vừa bị đe dọa cùng một lúc. Moscow tiếp theo đó khởi xướng một hình thức đe dọa "truyền thống", họ tuyên bố diễn tập quân sự quy mô lớn dọc theo biên giới Tiệp Khắc.

Sau đó, vào đêm 20/8/1968, không hề có cảnh báo trước nào, lực lượng quân sự của khối Hiệp ước Warsaw đã xâm lược Tiệp Khắc. Ngay trong những giờ đầu của ngày 21/8, Dubček và các nhà cải cách khác đã bị bắt và đưa đi khỏi Tiệp Khắc.

Các sự kiện Mùa xuân Prague cho thấy một mô hình để thấy rằng trong tương lai bất đồng chính kiến có tổ chức chống lại nhà nước Đảng trị sẽ bị người ta xử như thế nào và Mùa Xuân Prague cũng đưa ra một ví dụ về việc làm sao người ta không nên thách thức nhà nước Đảng trị.

Hiến chương 77 và Cách mạng Nhung

Ký kết Hiệp định Helsinki năm 1975 có vai trò như một chất xúc tác cho những người bất đồng chính kiến ở Tiệp Khắc. Như Havel đã chỉ ra, bằng cách ký kết Hiệp định, các chính phủ Cộng sản ở cung cấp cho những người bất đồng chính kiến trong nước một cơ sở pháp lý để họ có thể kiên định đề cao các quyền con người. Nhóm có ảnh hưởng nhiều nhất để làm điều này là nhóm Hiến chương 77.

Hiến chương 77 đã chính thức công bố bản thân cho Nhà cầm quyền trong lá thư đề ngày 01/1/1977. Hoạt động chính yếu của của Hiến chương 77 là phân phối samizdat – các tác phẩm bị ngăn chặn, kiểm duyệt. Tầm quan trọng của việc sản xuất, phổ biến, phân phát samizdat đối với hoạt động đối lập cho thấy sự khác biệt với các ấn phẩm chính thức (của nhà nước) ra sao. Các ấn phẩm thường được đánh máy trên loại giấy carbon rất mỏng. Bản sao được trao cho tác giả và được chuyền tay đến công chúng là những người sau đó lại tự sao chép chúng. Hầu hết các tài liệu có chữ ký của tác giả, và phổ biến chuyền tay, không gửi bưu điện.
"Ba trụ cột chính của quyền lực cộng sản ở Tiệp Khắc đã được gỡ bỏ, trước hết là Điều 4, vốn đảm bảo bằng Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản"

Như thường diễn ra ở Đông Âu, ấn phẩm samizdat thường được chuyển cho phóng viên hay giới ngoại giao nước ngoài. Cùng với mối nguy hiểm khi liên can đến samizdat là những khó khăn về lưu trữ nó. Người đánh máy, đóng bìa, phân phối, hoặc những người chỉ sở hữu nó thường bị truy tố.

Phản ứng của Đảng cộng sản (KSC) đối với Hiến chương 77 là 'nhắc nhở mọi người ngay lập tức về những kẻ mắc chứng cuồng loạn vào đầu những năm 1950.’ Chiến dịch bôi nhọ được đặc trưng hóa bằng các bài xã luận khét tiếng trên tờ Právo Rude đặc biệt tỏ ra cay độc. Các thành viên của Hiến chương 77 ở đây được mô tả như "một nhóm người xuất thân từ giai cấp tư sản phản động Tiệp Khắc đã bị phá sản '.

Chiến dịch truyền thông này được hậu thuẫn bởi một nỗ lực huy động sức mạnh chống lại phong trào Hiến chương 77. Một sáng kiến trong đó liên quan tới một bài báo có tiêu đề 'Dành cho những chiến công sáng tạo mới nhân danh chủ nghĩa xã hội và hòa bình'. Thường được gọi là bản 'Phản Hiến chương,’ tài liệu này được chuyển tới các trí thức để lấy chữ ký. Đã có một 'áp lực lớn để ép người ta ký vào bản “Phản Hiến chương” từ phía giới chủ, những người mà đến lượt họ cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc đạt được thành công một số lượng các chữ ký tại nơi làm việc của nhân viên của họ. Tên của hơn 7.500 nhà văn, nghệ sĩ, học giả và trí thức khác ký vào bản tuyên bố Phản Hiến pháp xuất hiện hàng ngày trên tờ Právo Rude. Đồng thời, lực lượng an ninh Tiệp Khắc đã thực hiện một chiến dịch sách nhiễu và đàn áp chống lại phong trào Hiến chương 77.

Con đường tới 1989

Việc thừa kế ghế lãnh đạo của Mikhail Gorbachev, và đặc biệt hơn nữa là hai chính sách glasnost và perestroika, đã làm thay đổi mối quan hệ giữa Tiệp Khắc và Liên Xô. Tuy nhiên, trái ngược với các sự kiện ở Ba Lan, các cuộc phản kháng cuối những năm 1980 ở Tiệp Khắc không nhắm vào điều kiện kinh tế đói nghèo. Thay vào đó, các cuộc biểu tình dấy lên từ sự phản kháng gia tăng trong xã hội.

Vào ngày Chủ Nhật, 18/11/1989, tại địa điểm nhà hát mà nay đã trở nên nổi tiếng Magic Lantern Theatre, các nhóm đối lập khác nhau, trong đó có cả các thành viên cá thể của các đảng bù nhìn Nhân dân và Xã hội, đã đồng ý thành lập “Občanské fórum”, hay Diễn đàn Dân sự, làm nơi phát ngôn đại diện cho công chúng Tiệp Khắc vốn ngày một trở nên phê phán giới lãnh đạo quốc gia vốn đang bị rung chuyển sâu sắc sau vụ thảm sát tàn bạo các sinh viên biểu tình một cách hòa bình. 'Tuyên bố thành lập "của Diễn đàn bao gồm 4 điểm mà họ đưa ra để khởi đầu đàm phán: loại bỏ các quan chức chịu trách nhiệm về cuộc xâm lược năm 1968, loại bỏ những người chịu trách nhiệm cho vụ đàn áp biểu tình ôn hòa của sinh viên; mở điều tra về hành động này của cảnh sát đối với cuộc biểu tình; và thả ngay lập tức các tù nhân chính trị. Nhóm chính trị mới được thành lập cũng huy động thêm sự ủng hộ bằng cách phát ra lời kêu gọi tổng đình công.

Cố tổng thống CH Czech Havel (phải)
Cố Tổng thống Czech, Vaclav Havel (phải) là kiến trúc sư của cuộc Cách mạng Nhung

Cuộc tổng đình công tổ chức vào ngày 27/11/1989 báo hiệu sự khởi đầu cho cáo chung của chế độ cộng sản ở Tiệp Khắc. Trong tuần lễ tiếp sau cuộc đình công, ba trụ cột chính của quyền lực cộng sản ở Tiệp Khắc đã được gỡ bỏ, trước hết là Điều 4, vốn đảm bảo bằng Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; thứ hai, các sửa đổi với các Điều 6 và 16, vốn bảo đảm sự thống trị của các đảng phái chính trị thuộc Mặt trận Quốc gia; và cuối cùng, chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị bãi bỏ như là hệ tư tưởng chính thức của nhà nước và là cơ sở cho chính sách văn hóa và giáo dục.

Giai đoạn hậu 1989

Một trong những vấn đề khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi từ một chế độ độc tài, toàn trị sang một thể chế dựa trên các thiết chế chính trị dân chủ là làm thế nào để đoạn tuyệt với quá khứ cộng sản. Các xã hội hậu chuyển đổi phải đối mặt với một vấn đề phổ biến – đó là làm thế nào để xử lý những người từng hợp tác với một hệ thống chính trị mà các chuẩn mực đạo đức cơ bản nay đã bị bác bỏ? Các vấn đề rất phức tạp, nhu cầu tái xây dựng niềm tin của công chúng trong việc thực thi quyền lực nhà nước một cách có trách nhiệm phải được cân đối với sự cần thiết phải thành lập các chuẩn mực dân chủ. Vấn đề hóc búa nổi lên với nhận thức rằng việc loại trừ những người cựu cộng sự của thể chế cũ có thể trở thành rủi ro khi phá hoại các chuẩn mực dân chủ được chính quyền hậu chuyển đổi tuyên bố, trong khi việc cho phép những người từng cộng sự với chế độ cũ đó nắm giữ vị trí ở các cơ quan công cộng lại có thể làm suy yếu niềm tin của công chúng đối với tính hợp pháp dân chủ của trật tự mới. Một hình thức đặc biệt của công lý có hiệu lực về trước đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong các chế độ cựu Cộng sản là luật thanh lọc: “rà soát giới công chức và các lãnh đạo chính trị để xác định những người nào đã hợp tác với cảnh sát mật hay mật vụ thời Cộng sản '.

Tương phản với Ba Lan, Tiệp Khắc hậu cộng sản khởi xướng và tiếp nhận các đạo luật thanh lọc rất nhanh chóng sau cuộc Cách mạng Nhung, với Quốc hội Liên bang được bầu chọn một cách dân chủ đã ban hành các đạo luật thanh lọc của Tiệp Khắc vào ngày 14/10/1991. Có sự xác nhận trong luật rằng riêng việc là đảng viên Đảng Cộng sản tự nó không được coi là cơ sở hồi cứu để loại trừ khỏi các vị trí công chức. Nhưng đạo luật về thanh lọc xác định rõ rằng việc gắn bó gần gũi với các hoạt động đặc biệt nhất định trước đây của Đảng Cộng sản lại là cơ sở để thanh lọc đối với các vị trí ở cơ quan công quyền.
"Bên trong khái niệm về trách nhiệm tập thể, ‘nó có nghĩa là tất cả mọi người đồng thời là một người bạn và là kẻ thù của nhà nước cộng sản"

Trong khi có sự phân biệt về kỹ thuật với Luật thanh lọc, đạo “Luật về tính bất hợp pháp và chống chế độ cộng sản' năm 1993 lại có thể được coi là bổ sung trong chừng mực nào đó của đạo luật thanh lọc.

Pháp luật về thanh lọc của Czech được mô tả là “kỹ lưỡng và toàn diện', là một trong những đạo luật ‘mạnh mẽ nhất 'và' sâu rộng nhất’ trong số tất cả hệ thống luật về thanh lọc ở Trung và Đông Âu. Tuy nhiên, cũng có những phản đối với các quy định của các luật này, những người chỉ trích dựa trên hai điểm. Trước tiên, không giống luật về thanh lọc của Ba Lan, luật của Czech “không hàm chứa bất kỳ cơ sở miễn trừ nào đối với những người bị đe dọa và buộc phải cộng tác hoặc những người đã gia nhập chỉ một thời gian rất ngắn." Thứ hai, các nhà chỉ trích chỉ ra rằng điều mà Jiri Priban gọi là "nguyên tắc trách nhiệm tập thể, vốn tạo ra cảm giác sai lầm rằng người ta có thể phân loại và dễ dàng phân biệt những kẻ áp bức từ các nạn nhân của chúng". 'Bên trong khái niệm về trách nhiệm tập thể, ‘nó có nghĩa là tất cả mọi người đồng thời là một người bạn và là kẻ thù của nhà nước cộng sản.'

Các chế độ cộng sản tồn tại ở Tiệp Khắc trong hơn bốn mươi năm là một chế độ mà trong đó niềm tin được giả định đóng vai trò trung tâm. Năm 1968, niềm tin mà chính phủ Prague đặt vào Moscow đã hoàn toàn bị xói mòn khi quân đội của khối hiệp ước Warsaw xâm lược nước này. Trong khi đòi hỏi và mong đợi niềm tin từ phía công dân, đảng Cộng sản Tiệp Khắc (KSC) đã một mặt thông qua các hoạt động của cảnh sát mật vụ, mặt khác công khai thông qua các tuyên bố trên báo chí, tìm cách gieo hạt giống của sự mất lòng tin trong những người chống đối chế độ.Và cuối cùng, những đạo luật hậu 1989 được thông qua đã truy ngược quá khứ, trừng phạt những ai hợp tác với chế độ cộng sản, đã thể hiện không chỉ mức độ thù địch đối với chủ nghĩa Cộng sản mà còn cho thấy cấp độ mà ở đó nhà nước Cộng sản, vốn không được ưa chuông, đã ép buộc người dân phải phản bội lại ngay chính những người mà thường là thân thiết nhất đối với họ ra sao.

Tiến sĩ Matt Killingsworth có nhiều khảo cứu về bất đồng chính kiến và phe đối lập tại các nước cựu cộng sản Trung và Đông Âu, ông còn nghiên cứu luật pháp về chuyển đổi thể chế tại Ba Lan và Tiệp Khắc cũ, cũng như tính hợp pháp chính trị của chế độ cộng sản ở Liên Xô, Tiệp Khắc và Ba Lan.

Matt Killingsworth
Tiến sỹ Quốc tế học
(BBC)

Đào Tuấn - Có một người dân kiện vừa chết, thưa Quốc hội!

Có ở nơi nào trên thế giới có hẳn một tầng lớp những người “dưới 0” như ở Việt Nam?

Có ĐBQH từng phát biểu “Biểu tình là sự ô nhục”. Có nghị sĩ khẳng định: “Chưa nói đến biểu tình, để cho quần chúng đi ăn xin giữa đường đã là không được”. Rồi Thị trưởng Hà Thành có lần ta thán “Mặc áo màu Quốc kỳ, mang theo khẩu hiệu đòi đất làm xấu hình ảnh Thủ đô”.

Nhưng thưa với Quốc hội, một người phụ nữ, cụ Hà Thị Nhung, vừa chết ngay tại vườn hoa Lý Tự Trọng- Hà Nội vào lúc 9h sáng ngày 12.11.2012.

Cụ Nhung 75 tuổi là một dân kiện đến từ Thanh Hóa.

Ai không đau lòng khi nhìn hình ảnh “manh chiếu tận mạng” cũng chính là những biểu ngữ khiếu kiện.

Nói cách gì, cái chết của một cụ già 75 tuổi, đến ngày cuối cuộc đời vẫn chưa ngừng đi kiện, cũng có lỗi của “chúng ta”. Ở tuổi 75, cha mẹ chúng ta đang làm gì? Chúng ta có muốn các cụ, ở tuổi cổ lai hy đến như vậy, phải khốn khổ và uất ức theo đuổi những vụ khiếu tố chưa bao giờ có hồi kết?

Trong suốt những ngày QH họp, đã có hơn 50 đoàn và vô số các “cụ Nhung” khác với biểu ngữ quấn người, đơn kiện trên tay ngày ngày khiếu kiện ở Thủ đô mà hầu hết liên quan đến đất đai.

Ngày mai, các vị ĐBQH sẽ bàn về Luật Đất đai trong một phiên thảo luận lần đầu được truyền hình trực tiếp.

Câu hỏi “vì sao” đã được đặt ra rất nhiều. Nỗi bức xúc của dân chúng cũng là âm hưởng trong hầu hết các phiên thảo luận liên quan đến bộ luật này. Và ngày mai, cử tri và nhân dân chờ đợi các vị ĐBQH sẽ tiếp tục trả lời câu hỏi Luật đất đai sẽ sửa “như thế nào”.

Nói đi nói lại, bàn đi bàn lại, nâng lên đặt xuống chán nhưng dường như những “cụ Nhung”, những người dân vẫn cứ có cảm giác những bức xúc của họ, nguyên nhân của 70% các vụ khiếu nại, vẫn chưa được điều chỉnh trong luật.

Nghị quyết TƯ đòi hỏi lần sửa luật này phải “có sự thay đổi cơ bản”.

QH bàn nhiều làm gì khi đối với người dân, sự “thay đổi cơ bản” đó chỉ đơn giản nằm trong mấy chữ “giá thị trường” và hai chữ “thu hồi”.

Bởi thật khó chấp nhận thứ luật đẻ ra tình trạng người mất 100m2 đất lại chỉ được đền bù với giá trị chỉ đủ để mua 30m2 đất.

Bởi 2 chữ “thu hồi” đã cho thấy trong nó sự bất bình đẳng với quyền về tài sản của người dân. WB từng đưa ra khuyến nghị: Trong tất cả các dự án phát triển, mọi người đều phải được hưởng lợi ích chứ không thể để những người bị thu hồi trở thành nạn nhân của sự phát triển.

Nếu muốn có một “thay đổi cơ bản”, thậm chí, một cuộc cách mạng trong luật Đất đai, đơng giản chỉ cần bỏ đi hai chữ “thu hồi”. Thay vào đó là trưng thu, trưng mua, hay gì cũng được, miễn đó không phải là sự tước đoạt. Và đã là đền bù, thì tối thiểu cũng phải là nguyên tắc thị trường thế nào, đền bù thế đó.

Không phải đơn giản, mà là quá đơn giản.

Nhưng giải quyết vấn đề đơn giản đó không hề đơn giản khi thiếu đi sự thấu hiểu, đồng cảm giữa các vị ĐBQH và những người cầm lá phiếu bầu mình. Bởi việc bỏ đi hai chữ “thu hồi”, bởi việc bấm nút với nguyên tắc “giá thị trường” khi đền bù thu hồi chỉ có thể được thực hiện khi các vị đại biểu cảm thấy “ô nhục”. Ô nhục khi 3-4 lần sửa, thứ luật mà chính họ bấm nút thông qua là một trong những nguyên nhân khiến những người dân hiền lành như cục đất, vì đất, phải lê la khiếu kiện trên những đường phố thủ đô. Có ở nơi nào trên thế giới có hẳn một tầng lớp những người “dưới 0” như ở Việt Nam? Chỉ khi, trước nghị trường, các nghị sĩ sẽ nói rằng: Chưa nói đến biểu tình, để cho quần chúng phải đi kiện giữa đường đã cho thấy chính quyền có lỗi, đã thấy hàm chứa sự bất công trong xã hội chúng ta.

Và hình ảnh Thủ đô ngàn năm sẽ đẹp, sẽ sạch, sẽ làm thỏa mãn các vị thị trường khi không còn những đoàn khiếu tố quấn cờ, mặc áo đỏ, không phải vì họ bị dẹp cho sạch, mà vì luật Đất đai mà các vị ĐBQH bấm nút thông qua đã trả lại cho họ có quyền tài sản với mảnh đất, như khẩu hiệu “dân cày có ruộng” của cuộc cách mạng giành lại độc lập dân tộc từ 66 năm trước.

Theo Đào Tuấn

Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông

Bản đồ Biển Đông (DR)
Bản đồ Biển Đông (DR)
Kể từ ngày mai, 19/11/2012, cả trăm chuyên gia thuộc hàng chục quốc gia trên thế giới sẽ tham gia hội nghị khoa học về Biển Đông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cuộc hội thảo lần thứ tư về Biển Đông do Học viện Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức. Theo giới phân tích, sự kiện Việt Nam liên tục mở các hội nghị khoa học quốc tế về Biển Đông là một phương cách tốt để thu hút mối quan tâm của quốc tế đến hồ sơ này trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Với chủ đề : « Biển Đông : Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực », trong hai ngày 19 và 20/11/2012 các nhà nghiên cứu sẽ lần lượt thảo luận về tám nội dung chính, từ vấn đề tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông cho đến các diễn biến gần đây;  từ chiến lược của các bên tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc, xu hướng quân sự hóa tại vùng này, cho đến vai trò của các nước ngoài khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản, và lẽ dĩ nhiên là Hoa Kỳ.

Mục tiêu được ban tổ chức đề ra là "chia sẻ thông tin, các nghiên cứu và đánh giá mới nhất của học giả quốc tế, khu vực về Biển Đông, tăng cường hiểu biết về lợi ích chung trong việc giữ hoà bình, ổn định trong khu vực và đề xuất các hướng giải pháp cho các tranh chấp tại Biển Đông".

Theo dự trù của ban tổ chức, tham gia ấn bản lần thứ tư của cuộc hội thảo năm 2012 này, có khoảng 100 nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ đến từ 27 quốc gia và lãnh thổ, với hơn 35 tham luận sẽ được trình bày tại Hội thảo.

Về dự cuộc hội thảo, có hầu hết các chuyên gia quen thuộc về Biển Đông , như giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, nhà nghiên cứu Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS tại Singapore, giáo sư Renato de Castro, Khoa nghiên cứu Quốc tế trường Daaij học La Salle ở Manila - Philippines, hay giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ...

Qua tựa đề các bài tham luận sẽ được trình bày, các vấn đề nêu lên tại cuộc hội thảo lần này có phần rất lý thú, chẳng hạn như bài của tướng người Pháp đã nghỉ hưu Daniel Schaeffer, hiện nghiên cứu tại Viện châu Á – Thế kỷ 21 - Asie 21 nói về “Quá trình chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc thông qua việc hiện thực hóa đường 9 đoạn” , hay bài phân tích “Sự phát triển các chiến thuật của Trung Quốc ở Biển Đông” của bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, giám đốc Dự án Đông Bắc Á của Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế ICG, gần đây đã công bố liên tiếp hai bản phúc trình về chính sách Biển Đông của Trung Quốc.

Đây là lần thứ tư mà Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông trong nước, lần đầu tiên là vào năm 2009, năm mà Bắc Kinh đã công khai hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông bằng cách chuyển qua Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ hình lưỡi bò của họ. Các hội nghị khoa học này nằm trong chủ trương của Việt Nam muốn « quốc tế hóa » cuộc tranh chấp, để khỏi phải đơn thân độc mã trước Trung Quốc trên hồ sơ này.

Cho đến nay, Bắc Kinh luôn luôn chống lại việc các láng giềng quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, mà chỉ muốn bó hẹp vấn đề trong phạm vi song phương để Trung Quốc dễ dàng dùng uy lực của mình thao túng.

Trả lời RFI, giáo sư Carl Thayer từng cho là qua các cuộc hội thảo, Việt Nam đã thu được lợi ích từ việc động viên cộng đồng quốc tế, và thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu thế giới trên các nỗ lực hợp tác trong quá khứ, vai trò của luật quốc tế và các ưu tiên cần theo đuổi.

Việc các cuộc hội thảo do Việt Nam tổ chức luôn luôn được đông đảo chuyên gia quốc tế về dự cho thấy là sáng kiến của Việt Nam bắt đầu được nhiều người quan tâm. Trong bối cảnh đó, bóng mây duy nhất trên cuộc hội thảo về Biển Đông mở ra ngày mai tại Thành phố Hồ Chí Minh có lẽ là việc sự kiện này diễn ra đồng thời với Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh.

Các cuộc họp khu vực quan trọng đó, cộng thêm với chuyến công du Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama qua Thái Lan, Miến Điện trước khi đến Cam Bốt có tác dụng thu hút báo giới quốc tế. Hệ quả tất yếu là cuộc hội thảo ở Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ ít được quan tâm.
Trọng Nghĩa (RFI)

Bốn ngàn năm vẫn còn trẻ con (F.K.)

Thongluan
“…Trong một nước toàn những người NGỒI CHỜ “lãnh tụ” – những thần dân vốn vẫn viện đủ cớ để vứt bỏ Quyền và Trách Nhiệm Công Dân, người lãnh đạo nào có thể không tha hóa?…”

Ai sẽ đưa dân tộc Việt Nam đến tương lai tự do, thịnh vượng, tiến bộ, và tránh xa vực thẳm diệt vong? Vào những lúc hiếm hoi mà người Việt Nam chịu đối diện với câu hỏi này, câu trả lời thường chỉ giản đơn là sự trốn tránh. Lối trốn tránh của chúng ta là NGỒI ĐỢI. 
Nhiều người đợi bộ máy quyền lực gỉ sét của Đảng Cộng sản tự thay đổi, để đùng một cái, biến thành một hệ thống độc đảng “Của Dân, Do Dân, Vì Dân”. Nhiều người đợi Đảng rủ lòng thương, hoặc chán lợi quyền, mà về trời vui thú điền viên, trao trả quyền lực cho dân chúng. Nhiều người đợi Đảng tự tan, tự suy yếu đi vì những cuộc chiến bè cánh xoay quanh mâu thuẫn quyền lợi. Nhiều người còn chờ đợi một phép nhiệm màu trong cái Đảng đã trở thành nhơ nhớp, bẩn thỉu và phi nhân tính chẳng khác gì địa ngục: từ cái bãi rác tởm lợm ấy, một Gorbachev thánh thiện sẽ bỗng chốc trồi lên…
Nhiều người đợi các biến cố từ nước ngoài. Nhiều người đợi lòng thương của người Âu Mỹ. Nhiều người đợi độc tài Trung Quốc sụp đổ. Nhiều người đợi hương hoa nhài Bắc Phi.
Nhiều người đợi sự phẫn nộ của dân nghèo. Nhiều người mong đồng bào mình khổ cực hơn biết mấy! Nhiều người mừng húm khi ngửi mùi thịt khét của người mẹ tự thiêu, khi thấy máu của người cha đổ trong đồn Công an, khi nghe tiếng súng oán hờn của người nông dân bị cướp đoạt. Nhiều người tụng niệm và chờ đợi: “Có áp bức thì sẽ có đấu tranh…”.
Nhiều người ngồi đợi kì tích của đoàn biểu tình Bờ Hồ. Nhiều người ngồi đợi đổi thay từ những kiến nghị, kháng thư có kèm học hàm, học vị trong chữ kí. Nhiều người ngồi đợi động lực đấu tranh bùng lên từ những án tù oan sai bất tận. Nhiều người ngồi đợi một minh chủ tài đức vẹn toàn giáng thế, lãnh đạo cuộc đấu tranh…
Và như thế, chúng ta ngồi đợi nhau. Ngồi đợi ngoại bang, ngồi đợi Trời thương xót.
Đối với mỗi người Việt Nam, ngồi đợi quả là một cách yêu nước dễ dàng và thuận tiện. Ngồi đợi, chúng ta quẳng lên vai người khác tất cả những mạo hiểm, gian khổ và mòn mỏi mà đáng lẽ phải thuộc về bản thân. Ngồi đợi, chúng ta nhường hi sinh cho kẻ không quen biết, và nhận tự do miễn phí về mình. Nhưng NGỒI ĐỢI, suy cho cùng, chỉ là lối thoát cá nhân được vạch ra trong dự tính ngây thơ của người ích kỉ.
Với nước Việt Nam, NGỒI ĐỢI chỉ vạch ra ngõ cụt. Nó không chỉ ra giải pháp, mà chỉ xây núi bế tắc cao thêm và vững chãi thêm. Khi ai cũng ngồi đợi, thì ai làm ? Khi tất cả chúng ta bất động, đất nước bất động.
Bất động, nhưng không thể đứng yên. Rõ ràng, vận mệnh của nước Việt Nam không lệ thuộc nhiều vào ý muốn chủ quan của những đứa con chẳng mấy khi quan tâm đến nó. Trong thời đại này, số phận của mỗi quốc gia đều rơi vào vòng xoáy của muôn nghìn lực tác động đan xen, y như những con thuyền nằm giữa dòng nước dữ sôi sục. Chẳng hạn, dù cái mái chèo có được dùng đến hay không, thì sau cùng, dòng chảy của thời đại mới đang mở ra cũng sẽ cuốn phăng mọi dân tộc ra khỏi bãi lầy lâu nay của những nền độc tài đã cũ nát. Nhưng dòng chảy chủ đạo này không phải con sóng duy nhất đang đập lên mạn thuyền của các dân tộc. Còn tồn tại muôn vàn lực đẩy khác, mà không phải cái nào cũng hứa hẹn điều tốt đẹp, đang quyết định nước Việt sẽ đi về đâu. Đó là dục vọng của những bè cánh tài phiệt và xã hội đen – điểm tựa và nội dung thực chất của chế độ mục rữa hiện tại – sẽ không ngừng tranh cướp lợi quyền. Đó là dục vọng xâm lăng của một ngoại bang mà ai cũng biết. Đó là bối cảnh địa chính trị, mà khi khủng hoảng xảy ra, sẽ hứa hẹn nhiều tiếng súng trong khu vực. Con thuyền Việt Nam đang bị bủa vây bởi chúng – những thác ghềnh dữ tợn tiềm ẩn đầy nguy cơ. Hơn bao giờ hết, người Việt Nam cần vững tay chèo. Nhưng chúng ta quẳng mái chèo, ngồi đợi nhau, và mặc kệ con thuyền con trôi vào chỗ chết.
Đó chỉ là một phần của sự dại dột. Trong trường hợp đất nước tránh được mọi hiểm họa ấy nhờ một may mắn không tưởng, tương lai nào chờ đón một dân tộc chỉ biết ngồi đợi nhau? Có Độc Lập không, cho những ai phó mặc số phận của đất nước cho những chuyển biến bên ngoài? Có Tự Do không, cho những ai không chịu Tự Lập? Có Dân Chủ không, cho những ai đùn đẩy lên vai người khác Trách Nhiệm Công Dân của chính bản thân? Khi chúng ta vứt bỏ Trách Nhiệm Công Dân của mình, chúng ta cũng vứt Quyền Công Dân của mình vào tay kẻ ác.
Ngồi đợi nhau, chúng ta sẽ chỉ được sống trong nền Dân Chủ Cuội. Ai cho anh làm chủ nhân đất nước, nếu anh mãi hành xử như thể đất nước này là của cuộc chiến Ba-Tư trong Đảng Cộng sản , của cải tổ chính trị ở Bắc Kinh, của kho thuốc súng trong lòng dân nghèo, của lòng thương đến từ nước Mỹ, của quân du kích các nước Ả-rập, của sấm trạng Trình và mấy lời tiên tri vu vơ…; chứ không phải ĐẤT NƯỚC CỦA CHÍNH MÌNH?
Chúng ta sẽ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của số phận lệ thuộc và tôi đòi nếu tiếp tục ôm khư khư thứ tư duy đổ nát của những thời đại đã đổ nát. Đằng đẵng 1000 năm, chúng ta mắc kẹt trong bóng đêm phong kiến tập quyền khi giao hết quyền định đoạt số phận quốc gia cho những “minh quân”, “minh chủ”. Tiếp đó, đất nước rơi vào ách độc tài toàn trị vì một niềm tin ngu xuẩn mù quáng: “Việc nước đã có Đảng và Nhà nước lo!”. Ấy là chưa kể đến hệ lụy quen thuộc của những lần “ỷ Nhật kháng Pháp”, dựa vào Quốc tế Cộng sản để “giành độc lập”, rồi chém giết anh em bằng súng đạn của Mỹ, Nga, Tàu… Hiện trạng nô lệ, tụt hậu và ô nhục tới mức bi đát của những ngày này là bởi ai, nếu không phải bởi chính chúng ta – những kẻ chuyên ngồi chờ ngoại nhân, ngồi chờ “lãnh tụ”?
Nếu người Việt không vùng thoát khỏi nhà tù tư duy, lịch sử sẽ lặp lại. Khi đám “dân thường” bỏ bê vận mệnh đất nước trong cuộc đổi thay quan trọng, những kẻ cơ hội sẽ bước lên sân khấu để cầm lái thay. Đó có thể là các phe cánh tài phiệt, tư bản đỏ dưới tầng tầng lớp lớp những vỏ bọc thân thiện, hấp dẫn và an toàn. Chúng có thể nấp sau nhiều loại mặt nạ đáng yêu: một số nhân sĩ khoa bảng, một đảng phái đối lập bị gián điệp kiểm soát từ trung ương, hay một nhóm quan chức cấp cao bỗng ngả theo chủ trương “cải tổ”, “cấp tiến”… Tình báo Trung Quốc, như bấy lâu nay, dễ dàng thâm nhập mọi nơi và khuynh đảo mọi sự. Nhưng ngay cả trong trường hợp may mắn, nền độc tài mới cũng có thể là sản phẩm của một lãnh tụ đối lập đầy thiện chí trong ngày hôm nay. Nên nhớ quyền lực làm tha hóa con người. Trong một nước toàn những người NGỒI CHỜ “lãnh tụ” – những thần dân vốn vẫn viện đủ cớ để vứt bỏ Quyền và Trách Nhiệm Công Dân, khi được đặt quá nhiều niềm tin và được giao phó quá nhiều quyền, người lãnh đạo nào có thể không tha hóa?
Nước Việt Nam sẽ lại như con ngựa đổi chủ. Người Việt sẽ bước từ ách nô lệ này tới ách nô lệ khác kín đáo hơn. Đó là một kết cục đã nhãn tiền. Bởi như lời cửa miệng của một người bạn tôi: “Người Việt Nam chưa xứng đáng được thụ hưởng tự do dân chủ”.
Hãy tự soi mình và nghĩ lại. Có thực là yêu nước, khi chúng ta không đùn đẩy những gian khổ, hi sinh và mòn mỏi trong cuộc tranh đấu vì đất nước cho tha nhân? Có thực là yêu Độc Lập, khi chúng ta hành xử như thể đất nước không phải của mình? Có xứng đáng được thụ hưởng thứ Tự Do của người trưởng thành không, khi chúng ta vẫn chỉ biết ỷ lại người ngoài, hoặc NGỒI CHỜ “minh chủ” đến dắt đi, như đứa con nít há mồm chờ mẹ cho bú?
Không thể có thành công, nếu lấy “Há Miệng Chờ Sung” làm tinh thần của cuộc đấu tranh giành Tự Do và Độc Lập. Đã đến lúc chúng ta nghĩ khác đi, và làm khác đi. Đã đến lúc hành xử như những Công Dân trưởng thành. Hôm nay, mỗi chúng ta phải tâm niệm rằng mình có Quyền sống như một con người Tự Do, trong một quốc gia Độc Lập và Hòa Bình, nơi mọi người đều có cơ hội ngang nhau để vươn lên, nơi mọi sáng kiến và giấc mơ đều có cơ hội nảy mầm và đơm trái. Và mỗi chúng ta phải đảm đương Trách Nhiệm của mình với một Tổ quốc như vậy. Chính chúng ta sẽ mở miệng và đứng thẳng lưng. Chính chúng ta sẽ học cách tôn trọng quyền tự do của nhau, học cách sống chung trong dân chủ và hòa bình. Chính chúng ta sẽ hình thành và gia nhập các Câu lạc bộ và hội đoàn tự nguyện của Công Dân, để giải phóng sức mạnh vô địch của nhân dân tự muôn đời: Đoàn Kết.
Hôm nay, cái thời kì “Nước 4000 năm vẫn trẻ con” đã đến lúc khép lại!
16/11/2012
Florence Knightingale
Nguồn: Facebook

Những quyết định 'xé rào' mang tên Võ Văn Kiệt

Những quyết định xé rào của ông góp phần quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Nhiều người gọi ông là Bí thư xé rào, kiến trúc sư của đổi mới…
Đó là chia sẻ tại hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam” do Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy TP.HCM, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức ngày 17/11 ở TP.HCM.
Đây là hoạt động kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Gần 90 tham luận khẳng định những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và đổi mới đất nước.
“…Nếu phải đi tù, tôi đem cơm cho chị”
Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải kể: Những năm từ 1976 đến 1981, TP.HCḾ phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thách thức mới như lũ lụt miền Tây, công tác cải tạo nhiều sai sót, thiếu điện cho sản xuất và tiêu dùng, tiêu cực xã hội phát triển, số người thất nghiệp tăng, giới trí thức trốn ra nước ngoài tăng nhanh…
Ông Hải kể, lúc đó, những khó khăn hiện diện khiến một bộ phận trí thức muốn ra đi khỏi đất nước.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong ngày hoàn thành đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam. Ảnh: Tuổi trẻ
Đảm trách vị trí lãnh đạo thành phố giai đoạn này, ông Võ Văn Kiệt đã đến gặp họ. Ông nói: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng 3 năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra sân bay”. Và họ ở lại. Đổi lại cho những nỗi mơ hồ là sự chờ đợi, tin tưởng ở tương lai.
Nhưng hơn cả, bản lĩnh của cố Thủ tướng được thể hiện mạnh mẽ ở những quyết định, những hành động lớn, mà ông Hải gọi đó là những quyết định, hành động ‘xé rào”.
Hai chỉ đạo hành động “xé rào” mà ông đã làm là trong hai lần quyết định mua lúa gạo cứu đói cho dân.
Năm 1978, một lần họp với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ bàn về giá mua lúa. Theo chỉ đạo của Chính phủ, giá lúa mua không quá 8 đồng/kg, kể cả lúa giống. Nếu theo chỉ đạo này thì sẽ không mua được lúa để xuống giống cho kịp vụ đông xuân, hệ quả năm sau còn thiếu đói trầm trọng nữa.
Khi đó, ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt - PV) đã nói với lãnh đạo các tỉnh Tây Nam bộ: “Một là để dân đói nhưng các đồng chí giữ nguyên chức vụ nếu theo đúng chỉ đạo, mua lúa giống không quá 8 đồng/kg. Hai là dân no, khắc phục được ngay hậu quả, kịp vụ nhưng các đồng chí mất chức. Các đồng chí chọn cách nào? Vậy là các đồng chí ấy chọn cách thứ hai”.
Lúc đó, ông nói quan điểm: Không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ lo cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương, thì thà chịu mất chức còn tốt hơn là ngồi đó để thấy dân mình đói khổ.
Một lần khác, sau ngày thống nhất, Sài Gòn bị kéo vào guồng máy kinh tế tập trung. Đến mùa thu hoạch, đồng lúa miền Nam chín vàng, nhưng người dân thành phố lại ngấp nghé nạn đói. Nhà nước áp giá 5,2/kg trong khi thị trường là 1,5 đồng, vì thế người dân không chịu bán.
Lúc đó, ông Kiệt trực tiếp chỉ đạo bà Ba Thi - Giám đốc công ty Lương thực thành phố mang tiền xuống các tỉnh ĐBSCL mua lúa với giá gấp 5 lần giá Nhà nước quy định. Chỉ đạo này khiến bà Ba Thi lo lắng. Ông cương quyết: “Chị cứ làm đi, nếu chị phải đi tù thì tôi đem cơm cho chị”.
Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Tạ Ngọc Tấn cho rằng, nếu trong những năm 1978-1979, ông Võ Văn Kiệt được mệnh danh là “Chủ tịch gạo” vì đã giải quyết nhanh vấn đề giải quyết lương thực trầm trọng của thành phố thì những năm 1980-1981, ông được gọi là “Tướng xé rào” vì đã vượt qua lối tư duy mòn cũ, đi sâu tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo để tháo gỡ khó khăn cho thành phố.
Bí thư Lê Thanh Hải cũng khẳng định nhờ “những quyết định xé rào”, ông đã góp phần quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới.
“Tổng công trình sư”
Tại hội thảo, các tham luận cũng đã chứng minh rằng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong những “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, quan trọng trong thời kỳ đổi mới đất nước như công trình điện Trị An, Thác Mơ, Yaly, Phú Mỹ, đường dây tải điện 500 kV Bắc-Nam, các công trình giao thông như đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận, nhà máy lọc dầu Dung Quất…
Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ Trần Trọng Tân xúc động kể lại, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt không những được thanh niên, nhân dân lao động tin yêu mà cả giới tri thức, nhân sĩ cũng rất quý mến. “Ông lôi cuốn họ theo cách mạng không phải từ sự khéo nói theo kiểu xã giao mà từ tấm lòng chân thật. Họ khen ông là người khi đã hứa giúp ai cái gì là không quên, dù là những việc nhỏ nhất”.
Ông Tạ Ngọc Tấn khẳng định, trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, cố Thủ tướng có hai cống hiến nổi bật thể hiện rõ nét tầm nhìn của một nhà lãnh đạo tinh tường và đầy bản lĩnh.
Đó là việc ông kiến nghị xứ ủy Nam Bộ cho phép sáp nhập Sài Gòn - Chợ Lớn với Gia Định thành Khu Sài Gòn - Gia Định.
“Chính việc sáp nhập này đã minh chứng sinh động cho tầm nhìn mang tính chiến lược, vùng ven Gia Định trở thành “vành đai đỏ”, là bàn đạp để các lực lượng biệt động đứng chân, thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công vào quân Mỹ ngụy ở nội thành”, ông Tấn khẳng định.
Cống hiến to lớn mang dấu ấn Võ Văn Kiệt đó là quyết định không chấp nhận ngừng bắn khi chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định Paris, vào đầu năm 1973.
Cụ thể, gần một tuần sau Hiệp định được ký kết, tận mắt chứng kiến những vi phạm trắng trợn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, ông Kiệt đã triệu tập hội nghị Thường vụ Khu ủy mở rộng và quyết định không chấp nhận ngừng bắn khi chính quyền Sài Gòn đã vi phạm Hiệp định Paris.
“Đây là một quyết định rất dũng cảm và đầy trách nhiệm, phù hợp với tình hình thực tế của chiến trường và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và các lực lượng vũ trang lúc bấy giờ. Lịch sử đã chứng minh quyết định này là đúng đắn”, ông Tấn phân tích.

Tá Lâm
(VNN) 

Nguyễn Minh Nhị - Dấu ấn,nụ cười và nỗi niềm Võ Văn Kiệt

 
Tôi có thói quen từ nhỏ là hay cảnh giác với người và hoàn cảnh lạ, đặc biệt là luôn giữ khoảng cách với người có nhiều quyền và nhiều tiền. Sau nầy, đối với lãnh đạo tôi cũng giữ khoảng cách như vậy. Từ đó nảy sinh tính khắc khe với lãnh đạo và dễ dãi với bạn bè, thuộc cấp.
Dấu ấn
Tôi biết cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lần đầu (1988) tại cuộc hội nghị mà ông là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng chủ trì tại dinh Thống Nhất. Lần ấy tôi mới là giám đốc sở nông nghiệp, nhưng được thay mặt Ủy ban tỉnh làm trưởng đoàn đi dự hội nghị, với tâm trạng nặng nề về chánh sách đất đai mất lòng dân và không nhất quán lúc đó cũng như những chủ trương chánh sách cải tạo công-nông-thương nghiệp, cấm chợ ngăn sông… còn ràng ràng đây, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước qua hơn 10 năm nên khi nghe ông phê phán”cán bộ miền Tây nhậu quá trời, lãng phí vô biên”. Tôi như bị “chạm nọc”. Không phải tôi ở trong phe nhậu, nhưng chữ “lãng phí” nói ra đây là chuyện vặt. Chuyện lớn tày trời là sự lãng phí ghê gớm về thời gian và vật chất với những cơ chế chánh sách làm nghèo dân chúng và làm đất nước bị tụt hậu xa lắc so các nước trong vùng từng nghèo và lạc hậu hơn – cũng mới hơn một thập kỷ nay thôi – mà nay ta mơ được như họ. Khi lên phát biểu tôi nhấn mạnh khuyết điểm nầy của trung ương, gây lảng phí không thể chỉ tính bằng tiền và đặc biệt là vấn đề đất đai thì cả nước như “gà mắc tóc”. Tuy biết tôi không ám chỉ cá nhân ông, nhưng tôi thấy ông có vẻ bực bội vì lời lẻ nặng nề, thậm chí có ông phó bộ văn phòng Trung ương hỏi một anh trong đoàn An Giang dự họp: “Thằng đó là ai mà ngang tàng vậy?!”. Tôi biết mình bị mếch lòng cấp trên nhưng không sao, quen rồi!.
Cập nhật thông tin về ông từ khi ông còn làm Bí thư Khu ủy Khu 9 với thành tích oanh liệt chống bình định lấn chiếm sau Hiệp định Pari, rồi khi ông về làm Chủ tịch rồi Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh với táo bạo “xé rào” tìm cách cho dân có gạo ăn và khôi phục sản xuất, lưu thông hàng hóa, kể cả xuất nhập khẩu (mà cả nước đang tắt tị) … Điển hình là Thành phố tự đầu tư làm thủy điện Trị An và chiêu an được giới trí thức – văn nghệ sĩ trước 1975 còn ở lại thành phố. Thành phố còn cố giử được những gì tốt đẹp mà nó từng có như trật tự, vệ sinh đường phố; văn hóa ứng xử phóng khoáng, thân thiện, chân thành của “tuýp” người Nam Bộ. Tôi bắt đầu chú ý ông với lòng thiện cảm. Rồi ông về Trung ương làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, rồi Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thì tôi lại không nghe thêm tin lành về ông mà thậm chí có thông tin “trái chiều”. Tôi như xe bị “trả số” vào thời điểm tôi dự hội nghị như vừa kể và cho rằng người ta chỉ cần lóe sáng một lần thì cũng đã quí lắm rồi.
Rồi ông lại tiếp tục gây sự chú ý cả nước bằng công trình đường dây 500 Bắc – Nam, bằng thành công bước đầu của Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, chương trình phủ xanh đồi núi trọc, chương trình thóat lũ ra biển Tây, chương trình làm nhà vượt lũ cho dân nghèo và cụm-tuyến dân cư vượt lũ… Đặc biệt chỉ thị 200 về nước sạch và môi trường: cấp nước sạch cho dân nông thôn và xóa nhà vệ sinh trên ao-hồ-sông-rạch cũng như chỉ thị cấm tiệt được việc đốt pháo Tết mà nhiều người không cho là thành công vì tập quán ngàn đời trong dân chúng. Con cá Tra, Ba-Sa được “sạch”, thoát khỏi hình ảnh cây cầu “tỏm” và xuất khẩu thu về hàng tỷ đô-la/năm trước hết là nhờ chỉ thị 200 của ông. Tôi lại tiếp tục cập nhật những chủ trương của ông có liên quan đến vùng sông nước vì nó đều xuất phát từ An Giang lan tỏa ra cả đồng bằng Sông Cửu long, có cái ra cả nước như trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc. Nhưng mãi đến ngày 2/9/1998 tôi mới bắt đầu vỡ òa niềm tin đối với ông.
Hôm ấy ông đi thị sát tình hình lũ lụt bằng trực thăng. Khi vào hội trường Ủy ban tỉnh họp với lãnh đạo An Giang, câu đầu tiên ông nói: “Dân mình còn nghèo quá!. Từ trên máy bay nhìn xuống tôi thấy còn quá nhiều là “chòi mòng”, nhà gì mà trống huơ trống hoác”. Câu nói ấy gây cho tôi xúc động kỳ lạ!. Tôi bắt đầu nhớ lại những gì ông làm cho An Giang, cho đồng bằng Cửu long và cho cả nước mà khi thực hiện tôi chỉ biết lo làm cật lực, không kịp suy nghĩ, không cảm nhận được hết ở giác độ nhân văn và tầm cao trí tuệ của một lãnh đạo. Có lần tôi nghe kể lại rằng khi được bầu làm Thủ tướng, ông nói với các đồng chí lãnh đạo cấp cao (đại ý): “Bác Hồ là lãnh tụ, nay không còn. Anh em mình không ai là lãnh tụ cả, chỉ có cùng nhau gồng gánh sự nghiệp nầy thôi”. Thủ tướng mà tự nhận mình chưa phải là hàng lãnh tụ. Và, từ câu đầu tiên sau khi xuống trực thăng, ông như bất chợt cho tôi cái tứ thơ. Về nhà tôi làm ngay bài thơ tặng ông với tựa đề “Thủ tướng của nhân dân” và câu đầu tiên là từ ngữ cảnh ấy: “Trên cao nhìn thấu những lều tranh”. Có thể tạm ngắt đoạn nầy là 10 năm kể từ khi tôi gặp ông lần đầu.
Cuối năm 1999, trong lần về lại An giang chủ trì hội thảo “Kinh Vĩnh tế – Thoại Ngọc Hầu”, lúc nầy ông là Cố vấn Ban chấp hành TW Đảng. Hôm ấy, sau bửa cơm thân tình còn lại chỉ mấy người, tôi đọc bài thơ làm năm trước và hát bài “Người lính già vui vẻ” tặng ông. Ông thật sự xúc động về bài thơ và có lẻ cả bài hát của nhạc sĩ Thanh Trúc nửa. Ông thân tình nhìn tôi: “Mầy tổng kết cuộc đời tao hả!”. Khi về thành phố, thư ký ông điện thoại nhắn tôi xin bài hát ấy. Sau nầy nghe anh em cận vệ nói lại là thỉnh thoảng ở nhà không ai, ông lấy bài hát ra hát (đọc) khe khẻ một mình!. Sau nầy có lần hát lại bài nầy tự nhiên tôi như thấy ông đang lắng nghe. Và tôi lại thấy mắt mình cay cay, không hát được hết bài – và từ đó tôi không hát bài nầy nữa!.
Tôi làm Phó Chủ tịch tỉnh 10 năm – cho đến khi ông không còn làm Thủ tướng – tương ứng chặng đường kể trên. Thời gian ấy An Giang trực tiếp nhận chỉ đạo từ ông, bản thân tôi làm đầu tắt mặt tối nhưng cảm thấy hứng khởi lạ thường. Tiếc rằng không có điều kiện tiếp cận nhiều hơn để học ông nhiều điều mà sau nầy thấy không còn cơ hội. Khi tôi làm chủ tịch tỉnh (2001 – 2004) thì cũng là lúc ông không còn là Cố Vấn BCH TW, nhưng những gì học được ở ông trong thời gian 10 năm ấy đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ khá thuận lợi, được nội bộ và nhân dân ghi nhận. Thỉnh thoảng có khó khăn tôi lại gặp ông nhờ chỉ bảo. Tuy không là người trực tiếp lãnh đạo, nhưng ông là chổ dựa tin cậy cho tôi – mà chắc là cũng của nhiều người lắm!. Không tin sao được, chỉ kể về nông nghiệp đồng bằng Cửu Long trong thời gian 10 năm ấy, riêng chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã làm cho sản lượng lúa các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và một phần ở hai tỉnh Tiền Giang, Long An những năm sau đó tăng thêm khỏang 10 triệu tấn, chiếm 50 phần trăm sản lượng toàn vùng và bằng toàn bộ sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của cả nước. Tôi nghĩ đây là dấu ấn xóa đói nghèo ở Việt Nam sẽ được ghi vào lịch sử phát triển của đất nước và cũng là bài học xóa đói nghèo mà Liên Hiệp Quốc từng hết lời ca ngợi Việt Nam!. . Khi còn sanh tiền, kể cả lúc đương chức, người ta hay nói “Dấu ấn Võ Văn Kiệt” khi đề cấp đến những công trình, những chủ trương, quyết sách của ông mang lại ích nước lợi nhà như là một sự tôn vinh hiếm có. Chỉ riêng công trình thoát lũ ra Biển Tây mà cái trục là kinh Vĩnh Tế – T5 – Tuần Thống, nếu không phải là ông thì chưa biết bao giờ mới có, và phèn trong cái rốn Tứ giác Long Xuyên biết bao giờ rửa sạch. Vì vậy Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân An Giang đặt tên kinh T5 là kinh Võ Văn Kiệt với cụm bia – tượng ghi dấu ấn của ông trên vùng sông nước một thời cơ cực mà nay thành trù phú với một vạn héc-ta đất lúa 2 -3 vụ/năm và hai xã mới ra đời với cả vạn dân tứ xứ nghèo khổ về đây lập nên cơ nghiệp – chỉ kể riêng ở An Giang. Đây cũng là một dấu ấn son ông để lại tặng đời!
Nụ cười
Mười năm sau – cho đến ngày ông về với “Thế giới người hiền”, tôi mới có thời gian chiêm nghiệm, khám phá về ông, những tố chất của một lãnh tụ: Nói ít, hỏi nhiều, biết im lặng lắng nghe và nhất là sự gắn bó thân tình, trân trọng mà giản dị giửa lãnh tụ với quần chúng; tình yêu thương, lòng vị tha – hóa giải, chân thành mà thẳng thắng, bộc trực mà tế nhị, thủy chung mà đúng mực với mọi người. Lòng tin của tôi đối với ông nó đến một cách tự nhiên, bắt đầu từ câu chuyện ông kể tôi nghe về công lao của các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân yêu nước ở Miền Nam trong hai cuộc kháng chiến rồi kết luận: “Người ta theo cách mạng nếu mất là cả sự nghiệp làm ăn giàu có, vợ đẹp con xinh, còn mình nếu có mất chỉ mất có cái quần đùi, vậy mà lại nói người ta yêu nước, có công không bằng mình. Chính chổ nầy lại mới thấy uy tín Bác Hồ lớn lắm”. Trong khi người ta hay giành công, câu nói ấy đối với tôi như mở ra bầu trời rộng, là mới nghe lần đầu, hay lắm, hay đến tôi phải ngẩn ngơ và nghiệm mãi!.
Tranh thủ những lần gặp gỡ, tôi hỏi ông nhiều chuyện “xưa và nay” về những khúc quanh lịch sử của Đảng, về những lãnh đạo cấp cao nhất có vai trò gắn liền với những khúc quanh ấy, cả về ông mà tôi chỉ nghe qua tin đồn, về những nhân sĩ – trí thức-văn nghệ sĩ Miền Nam một thời, kể cả một vài nhân vật có vai vế trong chánh quyền Sài gòn … Đặc biệt là với các Chúa Nguyễn và Triều Nguyễn cũng như các công thần thời ấy mà nay vẫn còn tranh cải công và tội. Ông từ tốn sẽ chia mà không hề giữ kẽ, có đoạn ông dừng lại rồi như bâng khuâng, dằng dặc nỗi niềm. Tôi thắc mắc tại sao anh em Nam Bộ được rút về Trung ương phần nhiều làm cấp phó?. Ông không trả lời thẳng mà kể lại chuyện những cán bộ, có cả nữ rất xuất sắc, là nhân tài, là dân miền ngoài, có người còn huyết thống hoàng tộc, nhưng ông chỉ đề lên cấp thứ trưởng mà không được, trong khi Thủ tướng Ý khen ông: “Có một nữ ngoại trưởng xuất sắc”. Tôi trở thành học trò ông hồi nào không biết, học trò đúng nghĩa. Chỉ một thầy một trò. Có buổi “học” suốt hơn ba tiếng đến mức bảo vệ phải can để cho ông được nghĩ. Tôi thấy mình trưởng thành hơn về mọi mặt.
Từ công trình thoát lũ ra Biển Tây tôi mới hiểu những công trình lớn của cả nước trước đó như thủy điện Trị An, đường dây 500 Bắc Nam, khai thác hai “rún phèn” ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, quyết định đầu tư lọc dầu Dung quốc…là những công trình có rất nhiều ý kiến khác nhau giửa các nhà khoa học và các nhà quản lý. Vậy mà ông dám quyết định, trong khi bản thân không có một mảnh bằng bảo chứng. Đó là do ông có cách để các nhà khoa học: các kỷ sư, tiến sĩ, viện sĩ; các nhà quản lý: bộ trưởng, thứ trưởng; các vụ, viện và các nhà đầu tư; các cán bộ địa phương và cả dân chúng có hiểu biết, tin ông mà bộc lộ hết kiến thức, kinh nghiệm và cả suy nghĩ của họ với nhiều chiều khác nhau, không lo sợ, không rào đón. Cái hay của tầm lãnh đạo là biết tin, biết lắng nghe, chịu khó lắng nghe từ nhiều phía, hỏi nhiều lần để nghe cho kỷ…và để rồi có đủ tự tin và tự trọng, năng lực và trách nhiệm quyết đoán chuẩn xác. Đó là bản lĩnh lãnh đạo, bản lĩnh Võ Văn Kiệt – Thủ Tướng của nhân dân. Lãnh đạo có nhiều bằng cấp có khi chưa đủ, có bằng khoa học chuyên ngành thì thường thiếu tổng quát. Nhưng là lãnh đạo, trước hết phải có “bằng cấp dùng người“, để như ngày xưa ” Chúa sáng có tôi hiền“. Ngày nay cũng vậy. Ông là người được nhân dân, nhất là nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học cả ba miền đều mến phục. Bạn bè tôi có cả ba miền đều nói với tôi câu ấy. Thật hiếm có người như vậy!. Và tôi thấy người nào trân trọng ông thì chính họ, ít lắm cũng có cái làm cho tôi trân trọng. Hôm quốc tang ông, có ngôi chùa nổi danh ở miền ngoài, sư trụ trì đọc ai điếu có dùng câu: “Ngài băng hà” mà ngày xưa chỉ dùng cho hoàng đế, nay lại dùng để chỉ cái chết của vị Thủ tướng của mình. Thật là chưa từng có!.
Ông có phong cách hơi lạ so nhiều người. Có mấy lần sau khi làm việc, ông bảo tôi đưa ông đến nhà thăm mấy người bạn cũ. Tôi định rước họ lại cho ông thăm, nhưng ông không chịu. Kể cả cháu của người vợ quá cố, ông cũng bảo tôi đưa ông đến nhà thăm họ. Còn khi tôi đưa ông đi thăm nông dân và cán bộ tận xã, ấp, họ đãi ông món của ruộng đồng, uống rượu đế…ông rất vui, và cũng đủ sức uống “với mổi cậu một ly”. Khi vui như vậy ông hay trách bảo vệ và thầy thuốc đi cùng: “Tao bị mấy tay nầy làm khó. Làm như thịt tao thơm lắm nên luôn luôn sợ có người muốn làm thịt (ám sát), còn tao ăn chớ có biểu nó ăn đâu mà nó sợ đủ thứ, không cho”. Ông thủy chung, khiêm tốn, chân tình và giản dị vậy đó.
Ông có nụ cười sảng khoái, độ lượng, truyền cảm hiếm có như ta thường thấy qua hình ảnh ông xuất hiện trước công chúng, nhất là với lực lượng Thanh niên xung phong, các nhân sĩ, trí thức Sài gòn những năm đầu sau giải phóng. Có lần tôi hỏi ông về Trịnh công Sơn sao không được vinh danh chi cả, ông nói: “Nó cũng hỏi tao câu đó: Em có tội tình gì mà anh S. đì em hoài? – Mầy biết tao trả lời sao không? – Tao nói vậy chớ tao còn bị ổng đì nửa mà!”. Ông lại cười tự nhiên vui vẻ rồi tiếp: “Tao trả lời vậy rồi tự nhiên tao thấy hay!”. Có lần tôi nghe một người kể lại: Có nhà nghiên cứu lý luận chê ông cùng một số lãnh đạo cấp cao không có đọc nguyên tác Mác-Lênin, ông cũng cười sảng khoái thay cho câu trả lời. Mùa nước năm 1998, chúng tôi đưa ông đi bằng tắc ráng thăm trung tâm Tứ Giác Long Xuyên. Sau khi rời bến, ông hỏi Bí thư tỉnh ủy (Ba Đức): “Đất hoang còn không”. Anh báo hết rồi. Trời xuôi, anh em dẫn lạc đường, chạy lòng vòng qua các con kinh cấp 2, cấp 3 trong vùng mất cả tiếng. Tôi bực quá cự nự anh em được tôi phân công đi tiền trạm một ngày trước. Ông lật đật đở lời anh em: “Cũng hay, nhờ lạc mới biết đất còn hoang nhiều quá”. Tôi bị “bể” bất ngờ và nhìn qua thấy ông Bí thư của tôi cũng cười sượng ngắt. Khi qua dưới cây cầu khỉ ông chỉ và hỏi tôi: “Nghe nói hết rồi mà?”. Tôi lật đật: “Chổ nầy không có đường vào hai bên cầu. Và cũng phải còn vài cây để biết nông thôn mình một thời có cây cầu loại nầy hay lắm. Và, để làm thơ nửa ông Sáu ơi!”. Ông cười: “Cũng là một lời giải thích”. Nhẹ nhàng vậy mà nhớ hoài!. Hôm từ Côn Đảo về ghé An Giang làm việc, Chánh văn phòng Đoàn Mạnh Giao mang về con kỳ đà. Vào mâm, một lát sau anh Giao mới khệ nệ bưng thịt kỳ đà lên. Anh nói: “Nhà bếp không biết làm, tôi phải phụ, sợ dai nên nấu hơi lâu”. Nói rồi anh đưa đủa gắp trước như để “nghiệm thu”. Tôi lẹ miệng hỏi: “Dai không?”. Anh chau mày nói: “Trời ơi! 50 tuổi Đảng”. Ý anh nói nó già quá nên rất dai, nhưng lỡ lời. Tôi chờ phản ứng của ông. Nhưng ông nhìn anh Giao rồi cười độ lượng và mắng một câu nhẹ nhàng: “Cái thằng nầy!”. Những khi đi kiểm tra thực hiện chỉ thị 200 về vệ sinh – môi trường, khi anh em báo cáo khó khăn do dân chưa quen, thậm chí có cán bộ về hưu trí còn cự nự; trước khi chỉ đạo phải tiếp tục quyết liệt với giải pháp làm nhà vệ sinh tự hoại rẻ tiền và phải cho dân nghèo vay tiền để làm, ông tỏ ra cảm thông: “Tụi mình quen làm “quận công” rồi” – và cười hiền, nhắc lại nguyên câu: “Nhất quận công/ Nhì i… a đồng mà”. Năm con gái tôi 18 tuổi đi bầu cử Hội đồng tỉnh. Trước khi đi nó hỏi ai cấm đốt pháo hở ba?. Tôi hỏi chi vậy?. Nó nói để con gạt tên ông đó. Tôi kể chuyện ấy cho ông nghe. Ông cười hiền: “Tao cũng thấy buồn. Mà anh em đề nghị thay vào bằng kéo hết còi xe, tàu, đổ chuông ở các nhà thờ, thánh thất…lúc giao thừa. Như vậy sao cũng thấy lơm cơm quá. Chưa được!”. Ông có những nụ cười như vậy đó, thay cho lời mà ta cảm nhận được ý hay tứ đẹp. “Nụ cười Võ Văn Kiệt”!.
 Nỗi niềm
Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi thấy ông buồn. Đó là khi ông kể về cái nghèo của bà con dân tộc huyện Mường Tè mà ông chọn làm huyện điểm xóa đói nghèo. Rồi chuyện nâng cấp đô thị SaPa. Ông nói: “Đô thị phát triển, các khu kinh tế mở ra người dân tộc mình lại lùi xa vào rừng trở lại. Tao có ông bạn người dân tộc ở Mường Tè nói với tao như vậy, và mổi lần đến thăm đều mang nếp, gà xuống cho. Ông nhận tao là anh em kết nghĩa”. Ông luôn băn khoan về sự “tăng trưởng kinh tế cả nước đang làm một bộ phận không nhỏ dân nghèo bị dạt ra lề cuộc sống”. Có lần ông gọi tôi đến nhà bảo về bàn với anh em ra tờ báo cho nông dân đọc, lúc đầu là cho, dần dần quen rồi sẽ bán. Ông than: “Báo mình có đến sáu bảy trăm tờ mà không tới nông dân, vì báo kinh doanh, ít viết về nông dân nông thôn quá”. Về quan hệ với nước lớn láng giềng và các nước lớn khác, ông có vẻ nặng nề, day dứt về những cú lừa và bắt nạt trắng trợn của họ trong quá khứ, hiện tại và lo lắng cho tương lai .
Về công tác cán bộ, có lần ông nói đầy vẻ ưu tư: “Quyền lực là ma túy, nó làm cho người ta say và biến chất dễ nhất. Quyền lực và tham nhũng cách nhau cái ranh rất mỏng. Cán bộ mình loại ấy nay không ít đâu. Có cậu biết ý tôi không tán thành loại đó nên đều né tôi hết”. Khi tôi hỏi ông về mối quan hệ giửa ông với cố Tổng bí thư Nguyễn văn Linh và sự kiện đường dây 500 ông không trả lời mà chỉ nói: “Ổng kêu tao là cậu em của bả”, rồi kể tôi nghe đoạn cuối câu chuyện mà tôi muốn biết. Đó là sáng sớm trước giờ khánh thành đường dây, người ông nhớ đầu tiên và mang chai sâmpanh vào trại giam thăm là anh Vũ Ngọc Hải đang lúc anh Hải còn tập thể dục. Rất cảm động và bất ngờ!. Ông gắn huy hiệu kỷ niệm công trình đường dây lên ngực anh Hải rồi khui rượu, cùng chúc mừng thắng lợi!. Nhưng có lẻ sâu lắng nhất là câu chuyện ông kể về phu nhân của ông cùng con trai hy sinh trên chuyến tàu Thuận Phong vào thăm ông bị trực thăng Mỹ bắn là tôi thấy ông buồn rưng rưng nước mắt!. Lần cuối cùng tôi gặp ông tại 16 Tú Xương là sau Đại hội XI mấy tháng. Lần ấy ông nói với tôi là phải cùng anh em lo nước ngọt cho dân và đối phó với biến đổi khí hậu sẽ nhận chìm đồng bằng sông Cửu long. Ông ưu tư và như đang bận rộn suy nghĩ cho một công việc gì trọng đại lắm. Hóa ra là chuyện đó, chuyện lũ bão, nước biển dâng, chuyện lo cho dân nghèo, kể cả chuyện lo cho nông dân có báo đọc… Nó chiếm hết nỗi niềm của ông – Nỗi niềm Võ Văn Kiệt!.
Những câu chuyện trên có thể bổ sung cho những “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”, “Nụ cười Võ Văn Kiệt” mà sách báo đã viết nhiều . Và cũng còn nguyên đó “Nỗi niềm Võ Văn Kiệt” lặng lẽ theo ông về bên kia thế giới. Tôi nghĩ vậy!.
Về cá nhân tôi, khi sắp hết nhiệm kỳ Chủ tịch, cấp trên tính rút tôi về làm Phó cho một Ban. Khi xin ý, ông khuyên tôi làm Trưởng ấp sẽ thiết thực hơn. Nhưng khi biết trên rút tôi về làm chuyên trách chống tham nhũng đến 65 tuổi mới nghỉ mà tôi từ chối thì ông lại động viên: “Làm đi, chổ nầy máu lửa đó”. Nhưng khi tôi kiên quyết xin nghỉ hưu luôn thì tôi thấy ông hơi buồn và nói như vớt vát: “Nghỉ, nhưng nhớ mầy còn làm nhiệm vụ Đảng viên nghe”. Tôi thấy như mình có lỗi với ông và tôi luôn cảm thấy day dứt.
Hôm trò chuyện cùng cô phóng viên đài truyền hình Vĩnh Long để cô viết bài về ông nhân kỷ nệm ngày sinh lần thứ 90, trước khi kết thúc, cô hỏi tôi nếu phải dùng một từ để nói hết tấm lòng mình đối với Chú Sáu?. Tôi không đủ khái quát trong một từ, chỉ có thể nói ông là người lãnh đạo cao nhứt mà tôi biết, duy nhất với tôi không có khoảng cách, duy nhất mà tôi TIN CẬY !. /.

 Long Xuyên, ngày 25/10/2012
Nguyễn Minh Nhị Nguyên Chủ tịchTỉnh An giang
(NLG) 

Vì sao Cơ quan chống tham nhũng độc lập ở Việt nam khó khả thi?

Theo tin tức báo chí cho biết, chiều 03.11.2012 vừa qua tại phiên thảo luật về về tình hình tội phạm và kết quả phòng chống tham nhũng năm 2012, thảo luận về dự thảo luật phòng chống tham nhũng sửa đổi ở đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Được biết bên cạnh nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội khác trong quá trình thảo luận tại tổ về dự án luật này, nữ đại biểu Bùi Thị An nhiều lần nhấn mạnh đề nghị xây dựng Ủy ban chống tham nhũng độc lập. Mục đích của việc này là để cán bộ, nhân sự của cơ quan này không bị lệ thuộc bất cứ điều gì, bất cứ ai trong quá trình đấu tranh với tội phạm tham nhũng và để giúp cho công việc chống tham nhũng đạt được hiệu quả. Theo đó, cơ quan này sẽ được giao những thẩm quyền, cơ chế đặc biệt để có thể phát hiện, bí mật điều tra và nhanh chóng xử lý bất cứ hành vi nào có dấu hiệu tham nhũng.
Cùng tham gia phiên thảo luận hôm đó, có ông Phạm Quang Nghị với tư cách là thành viên đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Khi trao đổi với báo chí bên ngoài hành lang ngay trước khi Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận về dự thảo luật này tại hội trường, ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội nói về đề xuất thành lập một cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng với cơ chế đặc biệt rằng “Cơ quan chống tham nhũng độc lập khó khả thi”. Với lý do ông Phạm Quang Nghị đưa ra là “Chúng ta đang có cả một bộ máy đồng bộ nhiều cơ quan phối hợp với nhau mà làm còn khó nữa là độc lập”. Phát biểu của ông Phạm Quang Nghị đã gây sự bất ngờ đối với nhiều người khi ông hiểu và nói về sự độc lập và và sự đồng bộ của một bộ máy của cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng. Không hiểu điều ông Phạm Quang Nghị khi cho rằng cơ quan chống tham nhũng độc lập là khó khả thi thì ông Nghị có biết và hiểu được rằng việc có cơ quan chống tham nhũng độc lập đã hình thành và tồn tại từ rất lâu, ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia có xu hướng chính trị tự do, dân chủ? Hay vì một lý do nào đó ràng buộc để ông Nghị cho rằng cơ quan chống tham nhũng độc lập trở thành khó khả thi ở Việt nam?
Được biết là ông Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, IX, X, XI, Ủy viên Bộ Chính trị khoá X, XI có một trình độ học vấn khá sáng sủa. Trước đây, ông đã từng giữ các cương vị khác như Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Phó trưởng ban Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương. Với trình độ học vấn của ông là tốt nghiệp Cử nhân Lịch sử năm 1970 tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) và bảo vệ luận án Tiến sĩ Triết học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô. Một người như thế mà không phân biệt được thế nào là một cơ quan độc lập phòng chống tham nhũng là điều khó tin.
Cũng có người lấy chuyện xảy ra cách đây không lâu, để nói rằng ông Phạm Quang Nghị không biết điều nói trên. Đó là chuyện tháng 10.2012 vừa qua, cũng trong kỳ họp này khi Quốc Hội thảo luận nghị quyết về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc Hội và Ủy ban nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Ông Phạm Quang Nghị, trong vai Bí thư Thành ủy Hà Nội và là một trong 14 ủy viên Bộ Chính trị đánh giá cho rằng đây là một điều mới mẻ, ông Nghị đã nói rằng "Đây là việc vô cùng mới mẻ, nếu chúng ta làm được thì đây là mô hình đánh giá cán bộ rất hiếm có trên thế giới. Nhiều nước cũng có biện pháp đánh giá sự tín nhiệm đối với chính phủ và người đứng đầu chính phủ, nhưng đánh giá tất cả thành viên chính phủ, đánh giá cả chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch, phó chủ tịch quốc hội và tất cả những người đứng đầu cơ quan lập pháp thì phải nói là trên thế giới chưa hề có". Và có người dựa vào đó để khẳng định Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội có một lỗ hổng lớn trong kiến thức quản lý nhà nước. Vì theo họ, việc chất vấn bất tín nhiệm Thủ tướng và các thành viên chính phủ là một việc làm thường xuyên, gần như là định kỳ hàng năm của các đảng phái ở vị trí đối lập với chính phủ, ở vị thế những người thay mặt cử tri làm công việc theo dõi, giám sát mọi hoạt động của chính phủ. Hoặc nếu phát hiện được các vụ tham nhũng hay các bằng chứng đầy đủ chứng minh được phe chính phủ vi phạm pháp luật thì phe đối lập sẽ đề nghị Chủ tịch Quốc hội tổ chức chất vấn đột xuất nếu thấy cần thiết. Các phiên chất vấn này có hai hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm hoặc không bỏ phiếu, tùy theo mức độ trầm trọng của các vụ việc. Hơn nữa, một trong những nhiệm vụ của Quốc hội là giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội hay Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước đều do Quốc hội bầu lên, thì kể cả họ có quyền bãi miễn chứ nếu chỉ đánh giá bất tín nhiệm cũng chẳng có gì là lạ.
Như dù do bất kỳ lý do gì đi chăng nữa, việc tổ chức một ủy ban chống tham nhũng độc lập trong cái cơ chế  chính trị độc đảng thì đúng là khó khả thi như ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định. Vì Chủ tịch Quốc hội được đề cử bởi Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, và phần lớn các đại biểu quốc hội là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam (hiện nay là khoảng 90%) và họ phải tuân thủ các chỉ thị của đảng. Do đó, Quốc hội Việt Nam không có được sự độc lập khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Với một Ủy ban chống tham nhũng độc lập nhưng người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng độc lập này sẽ vẫn phải chịu sự lãnh đạo của đảng và các đối tượng tham nhũng, tham ô thì đa phần là đảng viên đảng CSVN. Như thế thì đảng CSVN vừa đá bóng, vừa là người thổi còi. Cộng với các quy định trong 19 điều đảng viên được phép và không được phép làm theo quy định và đã có điều buộc các đảng viên phải chấp hành đầy đủ các nghị quyết của đảng và chỉ thị từ cấp trên. Vô hình chung không chỉ riêng ở cơ quan chống tham nhũng độc lập này, mà ở tất cả các tổ chức trong bộ máy chính quyền và các tổ chức quần chúng đều bị trói buộc bằng sợ thừng nghị quyết đảng. Đây là một sự bất cập trầm trọng trong thể chế chính trị của Việt nam đã và đang tồn tại và diễn ra diễn ra từ nhiều chục năm nay. Điều này đã khiến nghị quyết của đảng CSVN đã có vị thế cao hơn cả Hiến pháp và pháp luật, bỗng chốc vô tình đưa đảng CSVN và những người lãnh đạo cao cấp của đảng được quyền đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Điều đó là vi phạm quy định đảng CSVN hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp.
Do vậy nói ông Phạm Quang Nghị không biết là khó tin, mà có thể là ông ông Phạm Quang Nghị đã hiểu được sự bất cập của cơ chế chính trị độc đảng hiện tại ở Việt nam hiện nay là bất cập. Xong vì sợ cái ghế của ông bị lung nay, cho dù ông ông Phạm Quang Nghị là một trong 14 Uỷ viên Bộ Chính trị thì ông cũng nói năng lử lơ nửa vời, thay vì nói thẳng, nói thật. Vì đó là một thực trạng chung của những chính trị gia nói riêng và người dân ở Việt nam nói chung là ai cũng sợ. Đến ngay cả Chủ tịch Trương Tấn Sang người đứng đầu nhà nước còn chỉ dám nói úp úp, mở mở chứ không dám nói thật, ví dụ như ngày 17.10.2012  chính ông cũng phát biểu: “Chúng tôi hiểu tình hình trù úm người tố cáo là rất ghê gớm. Nhưng vì sợ bị trù úm mà chúng ta không tố cáo thì đất nước này sẽ thế nào?". Vậy mà cũng ngày hôm đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói về quyết định không kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị, mà ông không dám gọi bằng tên thật, chỉ dám gọi là 'đồng chí X'.
Một câu hỏi tưởng chừng khó có câu trả lời, vậy mà cho đến ngày 14.11.2012 đã có câu trả lời rất rõ ràng khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời trước Quốc hội, khẳng định 'tiếp tục nhiệm vụ' khi bị chất vấn về trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ. Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Trung Quốc, Thủ tướng tuyên bố: "Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, Đảng tiếp tục phân công tôi ứng cử, làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội đã bỏ phiếu bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, BCH Trung ương Đảng, Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất". Điều đó có nghĩa là với vai trò lãnh đạo toàn diện của đảng, thì bất cứ cá nhân đảng viên nào, kể cả Thủ tướng cũng chỉ phục tùng kỷ luật đảng và đặ quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, của nhân dân. Từ đó suy ra việc ông Phạm Quang Nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội nói rằng “Cơ quan chống tham nhũng độc lập khó khả thi”, với lý do là “Chúng ta đang có cả một bộ máy đồng bộ nhiều cơ quan phối hợp với nhau mà làm còn khó nữa là độc lập” là hoàn toàn có cơ sở. Cũng bởi vì hệ thống và thể chế chính trị ở Việt nam hiện nay nó không giống ai, không tuân theo bất kỳ một quy luật nào mà các quốc gia khác trên thế giới đang áp dụng.
Nên nhớ, quy luật tự nhiên hay xã hội cũng vậy, đã là những cái mang tính quy luật thì việc thực hiện bất cứ vấn đề gì nếu ta nắm bắt được tính quy luật thì sẽ đạt hiệu quả cao. Chống tham nhũng nói chung hay vấn đề một Uỷ ban chống tham nhũng độc lập nói riêng cũng vậy. Vấn đề này đã hình thành, tồn tại và được áp dụng từ rất lâu, ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và họ đã thành công trong việc bài trừ tệ tham nhũng ví dụ như New Zealand, Singapore... Họ đã làm thành công, mà sao ta cũng làm thì không thành công, cứ càng ngày càng trầm trọng hơn và hầu như không có hồi kết. Sao không tự đối chiếu với cách làm của họ để rút ra ta sai lầm trong vấn đề nào, phương pháp gì? Nếu sai lầm do cơ chế, hậu quả của thể chế chính trị mà không kiên quyết sửa đổi, hoặc từ bỏ theo phương châm của Đặng Tiểu Bình "Mèo trắng, mèo đen, mèo nào cũng được, miễn là bắt được chuột" thì đúng là mãi mãi không làm được. Đã nhận thức và hành động sai quy luật thì cho dù có xoay đi xoay lại mãi thì vẫn mãi thất bại mà thôi.
Kết:
Thực trạng chính trị Việt nam hôm nay là như thế, bên cạnh một số đông không quan tâm đến chính trị thì có một thiểu số những người quan tâm và hiểu được sự bất cập của thể chế chính trị Việt nam hiện nay. Họ biết sự bất cập đó là nguyên nhân chính của một đất nước có nền kinh tế èo uột, thiếu sinh khí, đạo đức xã hội xuống cấp, lòng dân chán chường, tham nhũng dù biết là một vấn nạn nhưng không có thuốc để chữa trị v.v... Nhưng tệ hại hơn là những người có hiểu biết, có trách nhiệm lại không dám lên tiếng. Phần vì sợ bị trả thù hay trù dập, phần thì vô trách nhiệm để rồi mũ ni che tai kệ mẹ chúng mày.
Đừng mang sinh mạng của gần 90 triệu người Việt nam để thí nghiệm, gần 30 năm đổi mới mà kinh tế Việt nam ngày càng be bét, vị thế quốc gia ngày càng tụt hậu. Không lẽ cứ thử đi thử lại mãi. Cũng như nền khoa học, giáo dục của Việt nam cũng thế. Với số lượng Tiến sĩ đông nhất nhì thế giới mà một con ốc vít đúng tiêu chuẩn còn chưa làm nổi thì hỏi các ông nghiên cứu làm gì? Cũng chi phí ấy, nguồn lực ấy sang nước ngoài mà học, mà coppy vừa nhanh vừa hiệu quả.
Chính trị cũng thế, không phải suy nghĩ, thử nghiệm nhiều cho mất thời gian. Nhất là mấy cái nhân danh đỉnh cao trí tuệ thì càng không phải bàn nhiều.

Ngày 14.11.2012
© Kami
(RFA Blog's)

Trại giam công an hết chỗ chứa tù

SÀI GÒN (NV) - Một phúc trình của Viện Kiểm Sát Sài Gòn sáng 16 tháng 11 cho hay, các trại tạm giam của công an quận, huyện kể cả cấp thành phố Sài Gòn hiện không còn đủ chỗ để chứa tù.
Tù nhân được tặng biệt danh “trùm ma túy” trong trại giam ở Nghệ An. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Báo Tuổi Trẻ trích phúc trình này nói rằng 11 tháng đầu năm nay, số hồ sơ vụ án lên tới 8,638 cùng với gần 9,000 nghi can, tăng 637 vụ so với cùng giai đoạn của năm rồi. Phúc trình này cũng cho biết, các loại tội trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc và đâm chém người khác tăng vọt.
Tình hình này khiến hầu như tất cả các nhà tạm giam của công an các quận, huyện và thành phố Sài Gòn chật chỗ. Các nghi can bị giam giữ phải chen chúc trong các căn phòng chật hẹp lại bị hư hại trầm trọng. Một số quận huyện có số vụ án tăng vọt thời gian gần đây như quận 2, quận 5, huyện Nhà Bè buộc phải gửi bớt nghi can đến nhà tù Chí Hòa nhờ “giữ giùm.”
Cũng theo báo Tuổi Trẻ, tình trạng quá đông đúc ở các trại giam dẫn tới việc canh gác, điều hành lơi lỏng của các cai tù. Vì vậy mới đây, người ta khám phá một đường dây buôn bán ma túy tại trại giam huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An do Bộ Công An điều hành.
Cuộc điều tra nói rằng trại giam này hiện chứa tới 2,000 tù nhân, trong đó có khoảng 1,500 người hút, chích ma túy. Ðường dây này đã manh nha hoạt động từ 6 năm trước dính đến 30 tù nhân. Mãi đến mới đây, đường dây mới bị khám phá. Người ta bắt được hàng chục phạm nhân lén lút vận chuyển, mua bán ma túy ngay trong trại giam.
Có 28 người bị truy tố về tội này, trong số đó có một ông trung tá công an cai quản trại giam tên Nguyễn Trọng Miên 50 tuổi. Hai mươi tám bị cáo này bị tòa Nghệ An xử 237 năm tù cộng thêm vì phạm tội mới.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=157892&zoneid=2#.UKj3jIbD3cs

Sức ép tốc độ gia tăng nợ xấu

  Con số nợ xấu chưa đáng sợ nhưng diễn biến nợ xấu thì rất đáng sợ khi tốc độ tăng nợ xấu trong năm nay tăng rất cao, đỏi hòi nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống.

Chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch, cho biết ông là người lạc quan nhưng niềm tin của ông đang giảm đi và thấy lo hơn trước các thông tin về nợ xấu khi người đứng đầu ngân hàng nhà nước (NHNN) công bố trước Quốc hội. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thì thì nợ của Việt Nam hiện khoảng 8,86% tổng dự nợ tín dụng (khoảng 2,75 triệu tỷ đồng Việt Nam), hay con số nợ xấu khoảng 252.000 tỷ đồng tính tới thời điểm 30/9/2012.
Đây là con số đã tăng hơn so với 8,6% hay 202.000 tỷ đồng nợ xấu được Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa công bố hồi tháng 7 vừa qua.
Về thực trạng nợ xấu, ông Bình cho biết, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thì nợ xấu chỉ có 4,93% nhưng theo NHNN thì con số là 8,82%. Trong khi đó tốc độ gia tăng nợ xấu tăng chóng mặt. Năm 2008, nợ xấu tăng 74%, năm 2009 tăng 27%, năm 2010 tăng 41%, năm 2011 tăng 64% và chỉ 10 tháng đầu năm 2012, nợ xấu đã tăng 66%, một tốc độc tăng khủng khiếp.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết từ tháng 8/2011 ông đã nhìn thấy nguy cơ nợ xấu tăng nhanh và đây cũng là lần đầu tiên NHNN công bố con số về nợ xấu. Trong một cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia năm 2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình là người đầu tiên đặt vấn đề về nợ xấu, tảng băng nợ xấu ảnh hưởng tới nền kinh tế thế nào. “Vấn đề nợ xấu là vấn đề chúng ta đã nhìn thấy trước rồi, quy mô nợ xấu không phải là lớn nhưng đặc biệt nguy hiểm ở chỗ tốc độ tăng nợ xấu rất nhanh và rất cao. Nếu không tái cơ cấu lại từ tháng 4.2012 thì khoản nợ 252.000 tỷ giờ đã tăng lên tới mức nào,” ông Bình chia sẻ trước Quốc hội.
Về con số nợ xấu mới xử lý được, ông Bình cho biết khoảng 12.000 tỷ đồng, một con số quá nhỏ bé so với con số 252.000 tỷ đồng nợ xấu và con số này vẫn tiếp tục tăng.
“Nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề nợ xấu, hệ lụy của nó đối với nền kinh tế là rất lớn, có thể mất 5 năm, 10 năm, thậm chỉ cả 15 năm như Nhật Bản,” ông Bình nói thêm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới gia tăng nợ xấu nhưng chủ yếu tập trung vào 5 nhóm nguyên nhân là: tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, cơ chế, môi trường và công tác thanh tra. Cần xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý nợ xấu chính xác, hiệu quả nhất.
Về nguyên nhân nợ xấu đến từ các tổ chức tín dụng, đây sẽ là nguyên nhân chính cần phải được tập trung giải quyết trong thời gian tới.
Một giải pháp được mong chờ nhất hiện nay là thành lập công ty mua bán nợ xấu, ông Bình cho biết công ty mua bán nợ không thuộc NHNN mà được chính phủ giao cho việc nghiên cứu để xây dựng mô hình của công ty mua bán nợ này. Thực chất đó là mô hình công ty mua bán tài sản (AMC).
Đây không phải là công ty của NHNN mà là của Chính phủ. Do đó, mô hình công ty này sẽ phải có sự tham gia của nhiều bộ ngành, về tài sản ai quyết định mua, mua với giá thế nào, thanh toán ra sao. Sau kỳ họp của Quốc hội, chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành tham gia và công bố đề án này.
Việc thành lập công ty mua bán nợ này cũng chỉ là một trong số các giải pháp cần phải tiến hành trong thời gian tới. Trước đó, các thông tin ban đầu cho thấy công ty AMC này sẽ có số vốn khoảng 100.000 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn tiền này từ đâu thì vẫn là ẩn số.
Theo tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chương trình xử lý nợ xấu đang được xem xét và sắp được công bố trong vài ngày tới và nếu tốt đẹp, chương trình này sẽ được áp dụng ngay từ cuối quý 1/2013.
Cũng theo ông Thành, vấn đề xử lý nợ xấu sẽ được giải quyết nếu có một định chế xử lý nợ xấu được thành lập, phải có cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện cho định chế này hoạt động. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ứng xử với áp lực xã hội, giải trình với người dân. Đồng thời, việc xử lý ai trước, ai sau sẽ là vấn đề cần đặt ra.
Với những biện pháp và giải pháp quyết liệt, hy vọng Việt Nam sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về 3-4% cuối năm 2015 như công bố bởi Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội.
Nguyên Hưng
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/97260/suc-ep-toc-do-gia-tang-no-xau.html

Tập đoàn nợ khủng nhưng không biết sợ

Vinashin nợ hơn 80 ngàn tỷ, Vinalines nợ hơn 40 ngàn tỷ và Tập đoàn Sông Đà dù đã giải tán cùng để lại số nợ lên đến hơn 10 ngàn tỷ… Những con số nợ thật khủng khiếp nhưng xem ra các tập đoàn vẫn không hề lo ngại. Phải chăng là DNNN rồi sẽ có nhà nước lo?.
Không chỉ các tập đoàn trên đây nợ lớn, trong một báo cáo trả lời chất vấn của đại biểu Quộc hội, Bộ Tài chính đã cho biết, tính đến thời điểm 31/12/2011, tổng số nợ phải trả của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với 2010. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2011 là 1,77 lần. Đặc biệt, có đến 30 tập đoàn, tổng công ty tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó có 8 đơn vị có tỷ lệ trên 10 lần, 10 doanh nghiệp từ 5 – 10 lần, 12 tập đoàn, tổng công ty từ 3 – 5 lần.
Vốn chủ sở hữu/tổng tài sản theo báo cáo hợp nhất là 0,34 lần, tổng nợ phải trả/tổng nguồn vốn bình quân tính theo số liệu báo cáo hợp nhất là 0,62 lần. Với tổng tài sản/tổng nợ phải trả, theo báo cáo hợp nhất bình quân năm 2011 là 1,62 lần. Điều này cho thấy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động phụ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay, dẫn đến chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp.
Trong số các tập đoàn thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ quá hạn 10.149 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí vẫn đang nợ quá hạn 1.731 tỷ đồng. Rồi nợ quá hạn của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam 467 tỷ đồng, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là 128 tỷ đồng, Tổng công ty Rau quả nông sản 30 tỷ đồng.


Đáng lo ngại hơn, ông Lê Xuân Nghĩa cho biết, các DN nhà nước hiện đang chiếm đến 40% số nợ xấu và phần lớn là không có tài sản đảm bảo. Nghĩa là ngân hàng có các gì để siết nợ.
Điều này cho thấy, các DNNN đã được vay vốn một cách quá dễ dãi. Thông thường các ngân hàng sẽ không thể cho vay nếu không có tài sản nhưng với các DNNN thì các khoản vốn khổng lồ vẫn được đổ vào các dự án của DNNN mà rất nhiều trong số đó là hiệu quả thấp, triển khai chậm… Điều gì khiến các ngân hàng dám mạo hiểm nếu đối tác không phải là DNNN.
Ngoài ra, bên các tập đoàn còn đang vay nợ rất nhiều ở nước ngoài. Cụ thể, EVN nợ nước ngoài lên tới 99.260 tỷ đồng. Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng không Việt Nam là 24.027 tỷ đồng.
Với nợ nước ngoài, trong trường hợp doanh nghiệp khó khăn Bộ Tài chính sẽ ứng tiền từ quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ thay. Các doanh nghiệp phải nhận nợ bắt buộc và có trách nhiệm hoàn trả dần số tiền được ứng cho quỹ. Thực tế, hiện nay, Bộ Tài chính đang đứng ra trả nợ đang ứng trả thay cho Tổng công ty giấy Việt Nam, Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tổng công ty công nghiệp Xi măng, đều là các doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh vay và đang gặp khó khăn trong việc trả nợ với tổng số tiền là 109,7 triệu USD.


Theo thông tin từ Bộ trưởng Tài Chinh thì các dự án trên hiện nay đang thực hiện tái cơ cấu và cam kết sẽ hoàn trả hết số tiền nhận tạm ứng trong 5 năm tới. Nhưng xem ra những cam kết này không có gì chắc chắn khi biết rằng, hàng loạt tập đoàn khi xin bảo lãnh vay vốn nước ngoài cũng tính toán kỹ lưỡng và cam kết rất chắc chắn nhưng cuối cùng thua lỗ, không trả được nợ đành tính bài quen thuộc là đẩy nợ cho Chính phủ lo mà mới đây nhất là các dự án xi măng của Sông Đà, Vinaincon. Đó là chưa kể đến những khoản vay của Vinashin đến nay chưa thể trả được đành phải khất hoặc phải cậy nhờ Chính phủ lo liệu.
Mới đây nhất, Chính phủ đã có chủ trương cho EVN phát hành trái phiếu để trả khoản nợ hơn 10 ngàn tỷ đồng còn treo. Tập đoàn TKV vay 300 triệu USD cho các dự án boxit khi mà nhà máy đầu tiên đã lợ hẹn mấy lần, nhà máy còn lại vẫn tiếp tục được đặt câu hỏi về hiệu quả. Hơn thế, ngân sách 2013 dù rất khó khăn vẫn tiếp tục bố trí cho 5 tập đoàn lớn 3.700 tỉ đồng.
Nợ lớn và một phần trong đó là nợ xấu nhưng cho đến nay, trong các báo cáo của các cơ quan quản lý và các DNNN đều chưa có một phương án cụ thể nào để xử lý nợ đối với các tập đoàn và DNNN. Thậm chí, ngay cả Vinashin, sau thời gian tái cơ cấu gần 2 năm vẫn chua có một con số cụ thể nào về sợ đã xử lý chưa xử lý và các bước tiếp theo sẽ phải thực hiện như thế nào. Thậm chí, số nợ hơn 10 ngàn tỷ của Sông Đà còn được nhận định chung chung là không quá lo lắng và không thể mất hết.
Tuy nhiên, với thực tế đang được phơi bày với đội tàu hàng chục triệu USD ngày càng xuống cấp neo đậu như bỏ hoang khắp các cảng biển trên cả nước, các nhà máy đóng tàu và các con tàu dang dở đầu tư hàng triệu USD bỏ mặc trong hoang tàn cho đến các nhà máy xi măng mới đầu tư đã thua lỗ nặng, các dự án chậm trễ và kém hiệu quả đang dang dở khắp nơi… cho thấy một sự bỏ mặc trong bất lực của các tập đoàn và DNNN.
Những dường như, điều đó không làm các tập đoàn lo ngại vì nếu có thua lỗ, nợ nần không trả được thì đã có cửa đi xin, cậy nhờ nhà nước… một đặc ân là không DN dân doanh nào có thể có được. Thậm chí, kể cả khi dự án đổ vỡ không triển khai được thì họ sẵn sàng dừng lại, trả về cho Chính phủ, thậm chí kể cả DN lâm nguy khó cứu vãn thì cũng không lo phhas sản vì cuối cùng cũng sẽ có nhà nước đứng ra gánh đỡ với hàng loạt ưu đãi từ cấp cứu trước mắt đến hỗ trợ dài hạn.
Có lẽ nhờ thế, dù nợ lớn những nếu có lớn hơn nữa các tập đoàn cũng không có gì phải lo ngại.
Lê Khắc
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/97338/tap-doan-no-khung-nhung-khong-biet-so.html

Đồ ăn ế cả tuần không thiu nhờ hóa chất

Thu giữ 80.000 lọ hóa chất làm giá đỗ   —Tiêm hóa chất: Quả xanh chín vàng sau 1 đêm

Vietnamnet

Nên chăm chút cho những bữa ăn gia đình hơn là ra các quán hàng và khi sử dụng các chất phụ gia nên mua đúng chỗ, đúng sản phẩm được đảm bảo về nhãn mác và niêm phong…
Có một thời Hà Nội ra lệnh cấm hàng rong, hàng quà mới làm nhiều người lên tiếng bảo vệ rằng đó là “nét đẹp” của Hà Nội, những điều khó có thể bỏ đi. Đúng như vậy, hàng rong, quán ăn vỉa hè, đường phố, được cho là một trong những nét đẹp, nét đặc trưng khó quên được của những người sống ở Hà Nội.
Ngồi trên vỉa hè phố cổ, ăn một bát gì đó nong nóng, cay cay vào tiết trời mùa đông giá lạnh, ngắm nhìn người qua lại, quả thật không có gì tuyệt vời hơn. Ấy vậy, hiện nay nhiều người đã đưa nét văn hóa đó trở thành một thứ “đáng sợ” đối với những người yêu Hà Nội, yêu những quán hàng rong, những món ăn đường phố ngon lành trước đây. Đó chính là sử dụng phụ gia thực phẩm một cách bừa bãi và không “nghĩ” đến hậu quả của nó đối với sức khỏe con người.
Ngô luộc bằng pin, muối diêm
“Bán chè nấu nhà có ăn không? Nếu không thì dùng đường này. Độc nhưng vị ngọt dịu, đỡ tốn hơn nhiều so với mấy loại đường kia” – người bán hàng thản nhiên vừa nói, vừa đưa ra một loại đường hóa học dạng viên màu trắng có xuất xứ từ Trung Quốc, mà người ta vẫn gọi là “đường lụa”…
Tỉ tê vài buổi với chị bán ngô luộc trên đường Trần Đăng Ninh, phóng viên đã lân la dò hỏi được “bí quyết” luộc ngô của chị Hạnh. Đó là dùng vài viên đường hóa học và một ít “muối diêm” – một chất chống thiu mà những người trong ngành hóa học thực phẩm cho là chất “độc”, cầu kỳ hơn thì cho vài cục pin tiểu vào luộc cùng với ngô, vậy là được một nồi ngô luộc ngon lành. Khi câu chuyện trở nên thân thiết hơn, chị Hạnh tâm sự rằng: “Ngày lạnh thì còn đỡ, chứ những ngày hè nóng ngồi bán ngô không hết cũng phải dùng “tí” chống thiu đấy, chứ có phải hôm nào cũng hết hàng được đâu”.
Cùng một chuyến đi tìm hiểu về việc sử dụng phụ gia trong thực phẩm, tôi tìm đến một người chuyên bán khoai lang luộc, lạc luộc… Bắt chuyện được với chị Lành bán hàng rong ở đầu đường Hai Bà Trưng. Chị thật thà tâm sự: “Bọn chị lên đây để kiếm ăn cũng khó khăn lắm. Nếu cứ cặm cụi mà làm như xưa, không tiết kiệm được chi phí, thời gian để đi kiếm ăn thì làm sao sống được. Ngô, khoai, sắn luộc chỉ cần cho thêm viên pin cũ vào là xong mà lại rẻ. Thỉnh thoảng cũng ế hàng nhưng mà chẳng lo, ở nhà có sẵn cái bột trắng cho vào thì để mấy ngày cũng được”. Đến người sử dụng còn không rõ “cái bột trắng” là chất gì nhưng cũng vẫn sử dụng thì người tiêu dùng làm sao có thể “thông thái” được đây?


Tìm hiểu về những “thần dược” chống thiu, tôi tìm đến chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Khi được hỏi về thứ bột chống thiu chè, thì chủ cửa hàng cũng mắt la mày lém, nhìn trước ngó sau rồi mới lôi ra một túi bột màu trắng đã được chia sẵn. Khi được hỏi cách sử dụng chị nói rằng, cho một thìa vào đồ ăn là có thể giữ từ 3 ngày đến 1 tuần. Hàng không có nhãn mác, người bán hàng hỏi mua bao nhiêu rồi nhanh chóng cân và cất thật kỹ túi bột đi. Căn vặn hỏi thêm về tên bao bì, chị này nói rằng, cũng chẳng biết rõ là tên gì, chỉ gọi là “bột chống thiu” thôi, nhưng chị bán rất đắt hàng. Đặc biệt là bán cho các hàng dưa, cà và măng.
Tiếp tục “hành trình”, qua giới thiệu của những người bán hàng ở chợ Hôm, tôi tìm đến cơ sở chuyên bán thuốc bảo quản thực phẩm trên phố Hàng Buồm. Khi tôi hỏi mua loại thuốc bảo quản để chống thiu thối cho thức ăn, người bán đưa ra một loại thuốc có tên gọi là “săm-pết”, được gói trong bao bì không nhãn mác với giá 40.000 đồng/kg, dạng bột trắng và có mùi hăng rất khó chịu. Theo lời người bán, loại bột này bán rất chạy. Dân làm ngô, măng và xúc xích hay mua lắm…
Hết thời bánh chưng luộc bằng pin
Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng thôn Tranh Khúc, Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội – vùng quê chuyên nấu bánh chưng thuê vào những dịp lễ, tết khẳng định rằng, những năm gần đây sau khi bị người dân tẩy chay thì hiện tượng luộc bánh chưng bằng pin đã không còn. Những người dân ở Tranh Khúc vẫn giữ cách luộc bánh chưng truyền thống, chứ không chạy theo thị trường.
Còn những người bán bánh chưng ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ khẳng định rằng, ngày xưa cũng có nhà trong làng truyền tai nhau cách luộc bánh chưng bằng pin. Nhưng sau đó cũng không nhà nào làm nữa. Bởi nếu làm thì người chịu ảnh hưởng xấu lại chính là hàng xóm láng giềng. Ngay cả những người luộc ra bánh đó cũng bị ảnh hưởng theo.
Mua chất “ độc” dễ như mua kẹo
Để tiết kiệm chi phí, thời gian, người bán hàng chỉ cần cho một thìa nhỏ “cần sủi” và “bột chống thiu” vào thức ăn, chỉ trong thời gian rất ngắn bao nhiêu xương, thịt, gân bò và cả chè đều trở nên “mềm” và “ngon miệng”.
Vào vai một người mới vào nghề bán chè, tôi đã đi khảo sát ở một vài chợ lớn ở Hà Nội như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Thành Công, chợ Ngọc Hà… các chợ này đều bán nhiều loại phụ gia thực phẩm có tên là “cần sủi”, hay “bột nhừ”. Tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), khi hỏi mua bột nấu chè, các quầy hàng ở đây rất sẵn một loại bột chỉ đóng trong gói nilon và ghi bên ngoài là “bột nhừ”.
Khi hỏi cách dùng thì người chủ cửa hàng nhanh nhảu quảng cáo: “Với 2kg đậu, em chỉ cần cho bằng hạt ngô thôi, 10-15 phút là ngon lành rồi”. Rồi chị cũng đon đả hỏi luôn: “Có đường chưa em? Chắc mới làm lần đầu nên mới lơ ngơ thế này chứ gì? Đây nhé, nấu thì cho thêm đường này này, có ba loại, đường B1 hơi đắt hơn nhưng mà độ ngọt kém vì qua dược rồi. Còn đường mía thì độ ngọt đậm hơn nhưng hơi ngăm đắng một tí. Còn đây là đường lụa, 2-3kg đậu thì chỉ cần cho 0,5kg đường kính và 7-8 viên đường này thôi, vị ngon mà ngọt dịu lắm”.
Chị đưa cho tôi 3 loại đường, loại đường chị gọi là đường B1 nhãn mác nhập nhèm, các viên như viên thuốc B1 bị vỡ. Còn loại đường “mía” nhãn mác của Trung Quốc, cũng chẳng rõ được thành phần nhưng chỉ có hình 3 cây mía với giá thành khoảng 55.000đồng/gói 1kg. Thông tin trên bao bì gói đường in chữ Trung Quốc, mặt trước in hình bốn cây mía, mặt sau đề tên loại đường là “sodium cyclamate”. Hạt đường dạng tinh thể nhỏ màu trắng, dẹt và hơi dính. Còn loại đường thứ ba cũng xuất xứ từ Trung Quốc, có tên là Tang Jing, hay còn được gọi là “đường lụa”, được bán với giá 90.000 đồng/gói 500g. Đường có dạng hạt vuông, trắng trong, chỉ cần chạm nhẹ vào viên đường là tay đã có vị ngọt khé cổ.
Tìm đến một cửa hàng khác, chúng tôi lại được giới thiệu thêm một “thần dược” ninh nhừ khác, đó là một loại bột màu trắng được đóng trong hộp màu trắng với chữ bên ngoài màu xanh. Ngoài bao bì sản phẩm này tên “Kings”, ghi rõ thành phần có chứa chất Bicardbonate of soda, thông tin trên bao bì bằng tiếng Anh còn in dòng chữ “Product of Australia” (sản phẩm của Australia – PV), Imported by Barkath stores ltd, Singapore (nhập khẩu bởi Công ty TNHH Barkath Stores, Singapore – PV). Dù có những thông tin trên nhưng liệu đây có thực sự là thông tin trung thực khi bao bì làm quá đơn giản, không nêu rõ công dụng, điện thoại, địa chỉ cơ sở sản xuất? Vỏ đề sản phẩm của Australia, nhưng không biết đơn vị nào sản xuất và không có địa chỉ cụ thể. Và ngoài việc được đóng theo vỉ, các hộp này không hề có tem, mác hoặc đóng gói kín. Được bán với giá 28.000 đồng/hộp.
Chị Tính bán giả cầy, chân giò cho biết, chỉ cần hai thìa bột ướp vào chân giò là không cần tốn công ninh nấu lâu: “Thời buổi này phải thế thôi em ạ, không thì lấy gì mà ăn?”. Ai cũng vin vào “thời buổi”, nhưng cả người bán và người đang sử dụng các chất “độc dược” ấy để chế biến đồ thực phẩm chẳng hề bận lòng với hai chữ “lương tâm

Ung thư gõ cửa
Về việc người dân sử dụng pin trong việc chế biến thức ăn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) phân tích: Trong pin có điện cực kẽm, thỏi than và chì nén. Khi sử dụng pin, hai điện cực xảy ra quá trình điện hóa sinh ra dòng điện giải phóng kẽm và gây độc. Chất điện ly ở trong thỏi pin gồm một số kim loại như magie, mangan. Những kim loại này mang tính kiềm, khi người sử dụng đun với nước ở nhiệt độ cao, nước sẽ tạo thành môi trường kiềm, do đó tinh bột được thủy phân khiến nhanh nhừ hơn. Nhưng dùng pin vào đun nấu sẽ rất độc hại. Chì, magie, mangan trong pin thôi ra sẽ khiến người ăn bị ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn thì tích lũy và tiềm ẩn bệnh ung thư.
Còn với hiện tượng cho bột chống thiu, muối diêm vào thực phẩm để chống thiu thối, GS Thịnh cho biết thêm: Thông thường, các loại thực phẩm như ngô, khoai và một số loại thức ăn khác vào mùa nóng chỉ để từ sáng đến chiều là thiu. Đó là lý do vì sao người ta cho muối diêm vào thức ăn để nếu ế hàng thì hôm sau vẫn có thể bán tiếp. Muối diêm có chứa nitrit và nitrat, chỉ được sử dụng trong một số thực phẩm nhất định, với liều lượng nhất định trong công nghiệp chế biến chứ không dùng trong thức ăn thông thường. Vì nếu ăn nhiều, chất nitrit sẽ khiến người dùng bị bệnh ung thư.
Cầm hộp “bột nhừ” có nhãn hiệu là Kings, GS Thịnh giải thích thêm: “Sodium Bicarbonate (còn có tên gọi khác là baking Soda; Sodium hydrogen carbonate; sodium acid carbonate; bicarbonate of soda, công thức hóa học: NaHCO3) là hóa chất thông dụng trong công nghiệp và dùng trong lĩnh vực y tế, thực phẩm. Nhưng dùng trong thực phẩm và y tế đòi hỏi chất này tinh khiết. Cụ thể, bicarbonate of soda trong công nghiệp là chất tẩy rửa, làm mềm nước nhiễm axít… Trong y học là thuốc làm trung hòa axít ở người mắc bệnh đau dạ dày. Trong thực phẩm dùng để làm mềm thịt, làm bánh…”. GS Thịnh cho rằng, nếu NaHCO3 không tinh khiết sẽ lẫn tạp chất kim loại nặng như chì, asen, thủy ngân. Khi đó, người ăn vào sẽ có nguy cơ tích tụ trong cơ thể và gây bệnh ung thư.
Loại đường Cyclamate đã bị cấm sử dụng nhưng vẫn dễ dàng mua được, thậm chí mua còn không cần để ý đến nhãn mác. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại. Theo ông Thịnh, hiện trên thị trường có rất nhiều loại đường hóa học và loại đường nào cũng có thể gây nguy hại đến sức khỏe của con người nếu không biết cách sử dụng và liều dùng cho phép. Nếu dùng đúng thì các hóa chất đó sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài. Còn nếu không, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Mọi hóa chất đều có nguy cơ gây ảnh hưởng cho sức khỏe con người, nếu quá giới hạn cho phép sẽ gây nên hiện tượng ngộ độc trường diễn. Sau khi ăn, uống… các chất này sẽ tích tụ trong cơ thể, thậm chí “ăn” vào não gây bệnh ung thư. Chính vì vậy chúng ta nên chăm chút cho những bữa ăn gia đình hơn là ra các quán hàng và khi sử dụng các chất phụ gia nên mua đúng chỗ, đúng sản phẩm được đảm bảo về nhãn mác và niêm phong”, GS Thịnh khuyến cáo.
(Theo pretrotimes)

Nguoibuongio :Chưa đến tuổi và đến tuổi.!


Nguoibuongio

Người tù mới vào, anh ta được nhận đồ ” tắc tế” từ gia đình. Túi quà chuyển vào buồng giam, anh ta chạm tay vào túi thì ” trật tự ”( một chức danh đầu gấu ) nói gằn đằng sau.
 
- Mày đến tuổi nhận quà chưa.?
 
Người tù mới hơn 50 tuổi, anh ta đi tù lần đầu, không hiểu câu đó là thế nào, mặt ngơ ngác.  ” Trật tự ” chửi.
 
- Đm mày, không hiểu à. ? Cút mẹ mày vào kia.
 
Người tù mới bỏ túi quà, rón rén về chỗ ngồi sát ” nhà mét ” ( khu vực vệ sinh ).
 
Tên ” cơm canh ” ( chia cơm, quà trong buồng) mở túi quà ra xem, nó bỏ lại túi muối vừng ra ngoài đưa cho người tù mới nói.
 
- Mày chỉ đến tuổi ăn cái này thôi.
 
Tên ” cơm canh ” mang túi quà phân loại ra từng món rồi cất vào ” kho” mà hắn quản lý. Lúc nào đến bữa nó sẽ mang ra cho các ” đại bàng ” dùng.
 
Cái từ ” đến tuổi ” được dùng rất nhiều trong tù. Từ chỗ nằm, cái chăn cũng hỏi ” mày đến tuổi chưa ?” Sau câu hỏi ấy mà phạm nhân loại ” nhân dân”  không dừng lại sẽ bị học ” nội quy ” ( ăn đòn nhừ tử ). Đi, đứng, ngồi cũng bị hỏi câu ” mày đến tuổi chưa mà đòi thế”.
 
Vậy ” đến tuổi ” là gì. ?
 
Không phải là tuổi tác của người tù, tuổi ở đây có nghĩa là đẳng cấp tù, vai vế trong tù, quan hệ với quản giáo, quan hệ với các tay anh chị, số má ngoài đời, tiền bạc lo lót….tất cả các thứ ấy làm ra cái gọi là ” đến tuổi ”.
 
Một ông già 70 cũng vẫn bị thằng trẻ ranh 20 tuổi nó hất hàm hỏi.
 
- Mày đến tuổi chưa.? Đm thằng già ” quai guốc ” kia.?
 
” đến tuổi ” là vậy, không có chuyện già trẻ, tử tế gì ở trong cái tận  nơi cùng khốn khó cuộc đời này. ” đến tuổi ” là khẳng định đẳng cấp đàn anh trong tù.
 
 
Hôm qua nghe thủ tướng nhấn mạnh đoạn ông theo Đảng từ năm 12 tuổi, tính ra đến nay là 51 năm. Nghĩ thật xúc động, thử hỏi trong Bộ Chính Trị, trong những đảng viên còn tại chức, tại vị ai là người có số năm theo Đảng nhiều như ông. Ai là người ” đến tuổi ” cống hiến như vậy mà đòi quyền bãi nhiệm, bất tín nhiệm ông.?
 
Với 51 năm theo Đảng, chính ông mới đủ đẳng cấp để hỏi người khác câu đó. Nói theo nghĩa nào đi nữa thì trong bộ máy Đảng và Nhà Nước, Chính Phủ bây giờ,ông Dũng xứng đáng mặt đại ca theo tất cả mọi nghĩa. Ông có bộ máy an ninh hỗ trợ đắc lực, có quân đội hết lòng, có các tập đoàn kinh tế, bộ, ngành ủng hộ. Thực sự ông là người  theo nghĩa nào cũng ” đến tuổi ”
 
Lâu lắm đất nước mới có người hội tụ đầy đủ ” bản lĩnh ” và ” năng lực” thực sự như ông. Câu trả lời hơi lan man mang tính tự sự của ông trước quốc hội, thực ra là rất ngắn gọn và dứt khoát. Chính ông mới là người ” cầm chịch ” xứng đáng đất nước này.
 
Cũng như ” đại bàng ” mới duy nhất ” đến tuổi ” có quyền sinh sát trong nhà tù.
 
Đơn giản là vậy thôi. Cuối cùng thì minh chủ cũng xuất hiện công khai.

Nguyễn Tấn Dũng trá hàng hay đang dọn tìm một bãi đáp an toàn

Bắc Trung Nam (Danlambao) - Trong ba tháng vừa qua, dân đọc báo lề dân “có lòng dân” lịm người trong tức giận với đủ thứ tin tức nóng sốt từ đầu đường xó chợ đến tận sân sau của trung ương đảng cộng sản Việt Nam và trong nghị trường quốc hội. Những nhân vật nổi cộm trong thời gian qua bắt đầu từ vụ án ba nhà báo tự do, nhóm anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, sau đó là màn xử án “theo định hướng XHCN” hai nhạc sĩ Việt Khang và Anh Bình. Làn sóng phẫn uất trong dân chưa vơi nguội thì nhà nước cộng sản hào phóng tặng thêm cho dân đen một sự kiện bỉ ổi khi huy động toàn bộ hệ thống tình báo cục, công an các cấp nhằm tấn công vào một sức mạnh có thể làm cho quân Tàu ngao ngán e dè khi xâm lăng, đó là việc gài bẫy đánh gục một nữ sinh viên đại học. Kết quả nhà nước ta toàn thắng vẻ vang.
Trang thời sự nối tiếp bằng sự đê tiện của công an khi đến khủng bố gia đình Phạm Thanh Nghiên và tất cả những người con yêu nước đang bị khủng bố đàn áp trong tù nhằm ép nhận tội. Sau đó cũng trong nhóm ‘còn đảng còn mình’ này, công an Hà Nội đã khao quân ăn mừng chiến thắng dẹp tan ‘bọn dân oan’ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng với kết quả oanh liệt xứng đáng muôn đời ghi nhớ: bên ta vô sự chỉ có vài đôi giày hỏng vì đá đạp vào mặt vào bụng bọn dân nguy hiểm. Bên địch nhiều tên trọng thương phải đưa đi cấp cứu, một số đông bị quân ta bắt trói đưa vào nhốt như tù nhân. Đặc biệt quân ta đã hạ gục tại chỗ một người nhiều tuổi nhất trong những ‘thành phần chống đối’ này là bà Hà Thị Nhung.
Biến cố chính trị kế tiếp, cuộc họp trung ương đảng kỳ VI đã thu hút rất đông người trong đó không ít đang còn say sưa trong giấc mơ hổ sẽ biến thành cừu. Sự kiện trên mục đích nhắm vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một nhân vật được báo chí thế giới nói nhiều nhất về sự bất tài vụng về đã đưa nền kinh tế VN vào lối cụt phá sản. Ông cũng là nhân vật được báo chí lề phải dưới quyền ông tiêu tốn nhiều giấy mực và tiền của để giải thích những thất bại do ông gây ra. Với giới truyền thông lề trái, lề dân, tên nhân vật này luôn được giựt tít lớn với những sự ngu xuẩn, dốt nát trong điều hành nhưng tỏ ra bản lãnh và rất có tài khi gom góp tích lũy tiền bạc riêng cho mình. Cấu kết thần phục ngoại bang để được ủng hộ và lũng đoạn chính trường Việt Nam. Bán đất dâng biển cho Tàu, đàn áp khủng bố và kết án bất nhân những người đấu tranh dân chủ và chống Trung Quốc xâm lăng.
Nguyễn Tấn Dũng, một cái tên mang theo nhiều huyền thoại về tham nhũng, tráo trở, nịnh bợ, gian hùng, bất nhân, phản bội, chai lỳ, hèn mạt, dã man, đê tiện… Nếu tìm trên google trong 0,34 giây ta có con số kết quả tìm ra là 109 triệu so với Hồ Chí Minh với kết quả 111 triệu. Nguyễn Tấn Dũng là một nhân vật nguy hiểm và bí ẩn đến nỗi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không dám gọi thẳng tên sợ phạm húy nên phải gọi là “đồng chí X”.
Cho dù Nguyễn Tấn Dũng có gian hùng xảo quyệt thế nào, ông cũng biết rõ là thời của ông đã đến giai đoạn cuối. Ông không ngu dại gì khi chối bỏ nhắm mắt không biết đến sự bất tín nhiệm của toàn dân và toàn đảng cộng sản của ông. Ông ý thức rất rõ tình hình hiện tại rất xấu với ông, trong đảng mọi người tìm cách bứng ông ra khỏi ghế thủ tướng và sẽ không còn chiếc ghế nào khác dành cho ông sau này. Kết quả hội nghị VI chắc chắn rất bi đát cho ông chứ không phải chỉ là những thông báo ỡm ờ của tổng bí thư đảng. Tất cả chỉ để tránh một sự sụp đổ rối loạn toàn diện từ trong nội bộ đảng, tránh sự xáo trộn khủng hoảng trong chính quyền và tránh một dịp thuận tiện để dân chúng Việt Nam đồng đứng lên đòi quyền làm chủ đất nước.
Chỉ có người mất trí mới không nhận thấy sự nguy hiểm cùng cực đang treo trên đầu mình nên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang cố sức dàn xếp, sắp đặt mọi chuyện để tìm một bãi đáp an toàn cho cá nhân mình và cho gia đình. Nhiều người nói rằng thủ tướng đang nắm công an và quân đội trong tay thì đố ai dám đụng đến ông, thật ra sự quan hệ gắn bó giữa chóp bu các ngành, các tỉnh với ông chỉ là sự dính dáng liên hệ trong những phi vụ làm tiền bất hợp pháp, ghế ngồi quyền lực và ăn cắp tài sản của nhân dân. Một quan hệ tiền bạc và quyền lực được bảo kê bởi thủ tướng giống như những băng đảng Mafia. Những chóp bu này cố gắng thể hiện sự trung thành với ông trong thời gian qua không ngoài mục đích tự vệ cho chính mình, họ cũng biết rất rõ bố già Nguyễn Tấn Dũng đã không còn uy lực như trước nhưng bỏ ông ta, phản ông ta đồng nghĩa với tự sát. Nhưng nếu trung ương đảng cam kết đồng ý không sưu tra truy tìm những tội họ đã làm hoặc thanh trừng họ sau khi Nguyễn Tấn Dũng rút lui khỏi chính trường thì thử hỏi còn bao nhiêu người ủng hộ trung thành với bố già đang sa cơ.
Sự chuẩn bị tìm bãi đáp của bố già Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu từ phiên họp Quốc Hội vừa qua. Đại biểu Dương Trung Quốc đã lỡ tay nhanh miệng, vội vã ca tụng thủ tướng sau khi kết quả đại hội VI được thông báo công khai cùng những lời xin lỗi của ông. Theo ông đại biểu này sự xin lỗi của thủ tướng đã làm an lòng dân, sự thật hoàn toàn trái ngược. Nhưng bất ngờ trong phiên họp quốc hội chất vấn thủ tướng, cũng chính ông đại biểu này chỉ trích thủ tướng từ nay hãy đoạn tuyệt với“văn hóa xin lỗi” và hãy suy nghĩ “văn hóa từ chức”.
Phát biểu chất vấn thủ tướng của ông Dương Trung Quốc đã làm dậy lên một làn sóng bình luận khắp nơi và cả trên các phương tiện truyền thông thế giới. Người cho ông là can đảm kiên cường, kẻ khác đánh giá ông là tên tráo trở điêu ngoa. Dù thế nào thì với phát biểu trước sau bất nhất của ông chỉ cách nhau vài tuần đã không thể che đậy được sự nghi ngại trong dư luận, đặc biệt trong quá khứ không ít lần ông đã không đứng về phía dân. Phải chăng đây là khúc nhạc dạo đầu do thủ tướng biên soạn để chuẩn bị cho hậu sự. Một màn kịch khổ nhục kế như trá hàng trước bàn dân thiên hạ để làm an lòng dư luận, giữ được sự ổn định để gầy dựng lại lực lượng. Ông tiến thoái đúng nhịp đúng thời và khi ngọn đòn hồi mã thương được tung ra thì có là Triệu Tử Long cũng bỏ xác.
Khúc dạo đầu qua lời phát biểu của ông Dương Trung Quốc phải chăng là một gợi ý xa gần, một sự sắp sẵn cho dư luận làm quen với “văn hóa từ chức” để sau này thủ tướng chính thức xin từ chức vì không còn lối thoát và vì sự ép buộc của trung ương đảng để thể hiện tiết tháo quân tử mà ông đại biểu đã gợi ý. Màn kịch chính trị Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ rất ngoạn mục và rất thuận lợi cho phong trào dân chủ. Trong thời gian chờ đợi, những bằng chứng phạm pháp sẽ được bố già Dũng tiêu hủy hay phi tang, tài sản sẽ được nhanh tay chuyển qua các ngân hàng Trung Quốc hay các nước Ả Rập để được “an toàn tạm thời ” thay vì gởi vào các ngân hàng quốc tế ở các quốc gia dân chủ có nguy cơ bị đòi hỏi phải mở công khai tài khoản nếu không muốn dẹp tiệm.
Ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn một lối thoát oanh liệt và oai hùng hơn là xử dụng kế trá hàng hay dọn bãi đáp để từ chức, đó là quay về với dân tộc. Người có thể biến đổi đại cuộc lúc này lại chính là ông. Với những quyền lực tạm thời ông đang có trong tay, hãy làm một cuộc cách mạng theo ý toàn dân, xóa điều 4 trong hiến pháp và phân định rõ ràng tam quyền phân lập đồng thời tổ chức lại chính quyền dân chủ trong sạch đa nguyên đa đảng. Hãy trả tự do cho những người đấu tranh cho dân chủ và hòa giải với dân tộc. Hãy mời gọi những người tài ra giúp nước thay vì giết chết những người con ưu tú của dân tộc.
Đứng trong lòng dân, được toàn dân ôm ấp ông không còn phải sợ các thế lực khác đang trói buộc ông và dẫn đưa ông vào con đường bán nước. Ông đừng sợ và đừng chần chừ, thời gian không còn nhiều để cho ông quyết định. Ông hãy quay lại cứu dân Việt Nam thoát khỏi chế độ độc đảng toàn trị ngày hôm nay. Ông sẽ là anh hùng của toàn dân, những sai trái cá nhân trong quá khứ sẽ chìm mất trong hào quang và sự mừng vui của một quốc gia độc lập, tự chủ và tự do thật sự.
Bắc Trung Nam
danlambaovn.blogspot.com

63 năm tuổi đời 51 năm theo Đảng ông Dũng làm gì và được gì?

Hôm nay 17/11, nhân dịp sinh nhật lần thứ 63 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bạn đọc Phú Vinh gửi tới BBT bài viết điểm lại 30 ngày bận rộn trước sinh nhật của Thủ tướng.

Có thể đối với mọi người sinh nhật là dịp để chúng ta được quây quần, ấm áp bên gia đình, bạn bè. Còn với Thủ tướng thì sao? Chắc chắn Thủ tướng không thể mừng sinh nhật lần thứ 63 ấm cúng bên gia đình mình, nếu có thì chỉ là chút ít hời gian ngắn ngủi bên lề Hội nghị ASEAN 21, khi ông cùng với Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự tại Thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia.

Sinh nhật lần thứ 63 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Nếu chịu khó theo dõi sát từng hoạt động của Thủ tướng, chúng ta sẽ thấy khả năng làm việc không mệt mỏi của ông, bất kể khoảng cách, múi giờ, thời gian nào trong năm, tâm trạng hay sức khỏe như thế nào thì lịch làm việc của ông vẫn dày đặc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị ASEM 9
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị ASEM 9
Xuất phát điểm từ một người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông đã luôn sống tình cảm, chan hòa với đồng đội mình. Ở ông ta dễ dàng nhìn thấy hai con người có vẻ đối lập nhau, một Thủ tướng luôn xuất hiện với hình ảnh chỉnh tề, nghiêm nghị khi tiếp, hội đàm với lãnh đạo cấp cao các nước và một Thủ tướng đời thường, bình dị, thân thương khi tiếp xúc với bà con nông dân. Một con người, hội tụ hai hình ảnh tưởng chừng như đối lập đã giúp ông có thể đảm đương những trọng trách cao cả mà đất nước và người dân tin tưởng giao phó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm bà con vùng rốn lũ Hương Khê
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm bà con vùng rốn lũ Hương Khê
Tôi thực sự ấn tượng và đánh giá cao, những lời nói từ tận đáy lòng mình của Thủ tướng trước Đại biểu Quốc hội hôm 14/11 vừa qua, Thủ tướng nói: “Còn 3 ngày nữa là tôi tròn 51 năm theo Đảng (Cũng là kỷ niệm sinh nhật lần thứ  63 của Thủ tướng). Suốt thời gian qua tôi không đề nghị nhận chức này chức khác và cũng không thoái thác trọng trách gì được giao. Tôi đã báo cáo với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị, Ban chấp hành đã hiểu rõ ưu khuyết điểm, tâm tư và cả thương tật của tôi. Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng và Quốc hội đã bỏ phiếu tín nhiệm. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện và nghiêm túc thực hiện như những gì tôi đã làm suốt 51 năm qua”.
Thật vậy, kể từ khi nhậm chức Thủ tướng (2006) đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố trong và ngoài nước, Thủ tướng đã tự xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo năng động, quyết đoán và gần gũi như: thăm lại người chiến sỹ năm xưa; lội mưa lũ đi thăm hỏi, động viên bà con nông dân vùng rốn lũ Hương Khê; dành nhiều thời gian cho việc giám sát, tiếp công dân và giải quyết các khiếu nại, với tinh thần “tất cả vì lợi ích chính đáng của nhân dân, của đất nước”,… những điều này đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam.
Sự có mặt của Thủ tướng tại vùng lũ lụt là nguồn động viên lớn, giúp cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Sự có mặt của Thủ tướng tại vùng lũ lụt là nguồn động viên lớn, giúp cán bộ, chiến sỹ, nhân dân, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Là người đứng mũi chịu sào, Thủ tướng cũng đã phải gánh chịu nhiều búa rìu dư luận, bày tỏ sự không đồng tình, đem quan điểm cá nhân của mình, với cái nhìn phiến diện, tự vỗ ngực xưng hô, phán này, phán nọ, ra điều bới móc những khiếm khuyết. Thực tế, bản thân Thủ tướng cũng là một con người bằng xương bằng thịt, mà đã là con người thì không ai thực sự hoàn hảo cả.
Nhưng điều đó cũng không thể làm lu mờ đi những cống hiến mà Thủ tướng đã và đang đóng góp cho đất nước như: Tăng cường hợp tác nhiều mặt với các nước ASEAN; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nhiều đối tác tiềm năng trên thế giới; Phát phát huy vai trò chủ động của Việt Nam trong hợp tác ASEAN; tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9; đảm đương tốt cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc; ban hành Kế hoạch chuẩn bị để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010… góp phần đưa hình ảnh Việt Nam sánh vai với các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát hầm Thủ Thiêm
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát hầm Thủ Thiêm
Khi biển Đông trở thành điểm nóng được Việt Nam và nhiều nước khác cùng quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra nhiều đối sách linh hoạt, quyết liệt để tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng của Việt Nam trên biển, đồng thời tích cực cùng các nước tìm giải pháp ổn định, phát triển cho khu vực biển Đông.
Cho nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp, cho sinh viên vay vốn học tập, cứu trợ đồng bào vùng lũ... là một trong nhiều chính sách an sinh xã hội được Thủ tướng đẩy mạnh
Cho nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp, cho sinh viên vay vốn học tập, cứu trợ đồng bào vùng lũ... là một trong nhiều chính sách an sinh xã hội được Thủ tướng đẩy mạnh
Liên quan đến lĩnh vực tài chính, tiền tệ, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện chuyển hướng chính sách tài chính, tiền tệ vừa linh hoạt vừa thận trọng nhằm khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, quản lý tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng dư nợ tín dụng.
Trong nhiệm kỳ của mình ông đặc biệt coi trọng an sinh xã hội và quan tâm đến các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách và những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể: ông đã ban hành rất nhiều chính sách cho nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp, cho sinh viên vay vốn học tập, cứu trợ đồng bào vùng lũ…
Trước bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước còn khó khăn, nhiều vấn đề cần tập trung chỉ đạo giải quyết, gắn với yêu cầu triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Thủ tướng đã yêu cầu các lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu hạn chế tối đa việc đi công tác nước ngoài.
 Thủ tướng trò chuyện cùng sinh viên trường ĐH FPT tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thủ tướng trò chuyện cùng sinh viên trường ĐH FPT tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Báo chí thời gian qua đã luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện những vấn đề nhức nhối trong xã hội và nói lên tiếng nói của người dân, Thủ tướng luôn quan tâm, lắng nghe ý kiến của dư luận, yêu cầu kiểm tra vấn đề báo chí nêu về: sử dụng chất độc hại trong chăn nuôi, xử lý dự án hoang… Từ đó chúng ta nhìn thấy hình ảnh Thủ tướng luôn  gần dân và sẵn sàng lắng nghe, để thấu hiểu những điều dân cần.
Để hạn chế những thủ tục rườm rà, gây khó khăn cho người dân Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Ông cũng chính là người đề xuất chương trình“Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” được phát sóng hàng tuần trên truyền hình. Đây sẽ là cầu nối thiết thực và hữu ích để gắn kết lãnh đạo với quần chúng nhân dân.
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ sẽ tham gia trả lời trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”
Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ sẽ tham gia trả lời trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”
Suy cho cùng chính sách không phải lúc nào cũng đúng, lại càng không thể thoả mãn được lợi ích của tất cả. Chưa kể, trên con đường dài thăm thẳm của quyền lực và trách nhiệm, không gì đảm bảo người lãnh đạo luôn đúng. Nhưng cũng chính ở đây, mà bản lĩnh người đứng đầu mới thực sự được trải nghiệm thử thách. Ai cũng có thể mắc sai lầm, nhưng điều quan trọng là người đó có đủ bản lĩnh để đối diện với nó. Đối mặt với chỉ trích, thay vì “nản chí bỏ cuộc” thì cần phải đứng vững và khẳng định mình từ chính những khó khăn đó. Cũng như cách mà Thủ tướng đối mặt không né tránh trước những câu hỏi hóc búa, dồn dập về trách nhiệm cá nhân trong phiên chất vấn Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev
Không riêng gì sinh nhật lần này mà hầu như tất cả những lần sinh nhật trước đây của Thủ tướng đều được đánh dấu bằng những cuộc gặp gỡ, công tác.Với hàng loạt hoạt động nổi bật như: Trả lời chấp vấn của đại biểu Quốc hội; Tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 9 (ASEM9) tại LàoTiếp Thủ tướng Nga Dmitry MedvedevThủ tướng Ukraine Mykola Azravo;Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCullyThủ tướng Vương quốc Đan Mạch Helle Thorning SchmidtBộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Kiến TrụBộ trưởng Lao động Pháp Michel SapinThủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Sheikh HasinaBộ trưởng Bộ Hành chính công và Tư pháp Hungary… Hội kiến Tổng thống Iran; Tổng thống Panama Ricardo Martinelli BerrocalChủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy
Hôm nay là ngày sinh của Thủ tướng, ông nghĩ gì về những chặng đường đã qua và chặng đường đầy cơ hội và thách thức phía trước? Tôi luôn có niềm tin rất lớn rằng, cùng với sự đồng tâm nhất trí, ủng hộ của người dân Việt Nam chắc chắn Thủ tướng, cùng các đồng chí lãnh đạo nước ta sẽ đưa đất nước ta ngày càng phát triển.
Nhân kỷ niệm Thủ tướng bước sang tuổi 63, tôi cũng như nhiều người Việt Nam hy vọng rằng, ông sẽ gặp nhiều may mắn và thành công hơn nữa trong sự nghiệp của mình, để chăm lo đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như trong khu vực.
Bạn đọc Phú Vinh 

Trở lại Điện Biên – Bài 1: Đừng để trẻ ngoan lớn lên thành kẻ hư

Nguyễn Văn Khải – Ông già Ôzôn (Danlambao) - Những ghi chép vội vã nhưng đúng sự thật trong năm ngày (04/11-09/11) về chuyến đi trở lại huyện Điện Biên cùng các thành viên “Cơm có thịt” đến với các trường mầm non nhiều khó khăn và trường THPT chuyên Lê Quí Đôn-TP Điện Biên.
Bài 1: Đừng để trẻ ngoan lớn lên thành kẻ hư
Sau vài trăm lần bị hất lên, xô ngang kéo dọc, xuống đi bộ hoặc đẩy xe… Khi xe dừng lại để phó phòng giáo dục huyện Lê Văn Chình xuống trình báo với trạm kiểm soát biên phòng, tôi ghé vào một điểm trường mầm non Hác Tao, ở ngay bên cạnh cửa xe.
Một ngôi nhà nhỏ, tường bằng đất trống trên, hở dưới, không cửa ra vào, không có học trò vì đã tới trưa, các cháu tiểu học về nhà ăn cơm.
Các cửa sổ và cửa ra vào của điểm trường mầm non Hác Tao đều đóng kín vì mưa to. Chúng tôi ghé vào bếp của điểm trường đột xuất, không báo trước. Anh Khôi mở nắp nồi gang cười nhìn động vào thịt đã được nấu kĩ trong đó. Còn tôi vội quay cảnh anh bảo vệ đang rửa rau.
Vì không nằm trong kế hoạch, anh Khôi chỉ mang được hai gói bánh kẹo vào trong lớp. Anh đưa cho hai cháu lớn và nói: ‘Các cháu chia cho các bạn đi’.
Không hiểu vì mệt hay vì cảm động mà tay tôi hơi run run khi quay cảnh hai cháu xé vỏ hộp, lấy bánh kẹo trao cho các bạn đứng thành hàng ngang rất trật tự.
Khi xe tời điểm trường Mường Nhà, đúng vào lúc các cháu đang ngồi thành hai dãy đối diện, ở giữa là bàn composit còn mới, màu rất đẹp, đợi các cô chia cơm. Tôi và cô Quế, cán bộ phòng giáo dục cùng làm với các cô giáo vì đã quá muộn. Chẳng hiểu thế nào, một cô giáo phát hiện ở gần cuối dãy bàn có một cháu chưa có cơm. Tôi cười, nói với các cháu: ‘Có một bạn chưa có cơm và thịt, mỗi chúng mình bớt một chút cho bạn nhé’. Tất cả giơ bát cơm để cô Quế lấy bớt đi cho bạn chưa có cơm.
Tiếp tục đi về phía Tây Bắc, xe lắc lư, mỗi lúc một mạnh hơn. Còn tôi lim dim đôi mắt, như đang nằm trên thuyền giữa biển ngày nào, nhìn bầu trời trong xanh sâu không đáy, mây bông trắng chầm chậm trôi. Tôi nhớ lại cũng khoảng giờ này ngày hôm trước, sau khi mắc xong đèn LED ở phòng của các cháu, phòng công cụ, nhà bếp, nhà xe, nhà vệ sinh mà điện năng dùng cho chúng do pin mặt trời cung cấp.
Đấy là 4 panel pin mặt trời có công suất 65W mỗi cái của anh Đăng Toản tặng các cháu. Ở đỉnh núi cao này hầu như lúc nào cũng có ánh sáng và ánh nắng có cường độ lớn hơn dưới xuôi vì khi trời trong trẻo, mây mù đều ở phía dưới. Nên hiệu điện thế hở mạch và cường độ dòng đoản mạch đều cao hơn giá trị cực đại có ghi ở sau tấm pin. Còn đèn LED được chế tạo từ các LED có hiệu suất phát quang 120-130 lumen/W vừa nhận được từ nước ngoài gửi về ở chợ Giời Hà Nội, loại LED 1W hiệu suất phát quang 80 lumen/W giá 10.000đ/LED. Cho nên trong căn phòng 30 mét vuông có 4 đèn mắc ở độ cao 2m trên song sắt cửa sổ chiếu xuống đủ để các cháu vui chơi, ca hát.
Cho tới bây giờ bên tai tôi vẫn còn văng lại tiếng của một cháu gái ghé vào tai tôi khẽ nói: “Ông  Ôzôn ơi cháu muốn buổi tối nhà cháu sáng đèn”. Chính tôi việc đi xe máy vuợt qua đưòng đất lưng mèo, đá tai mèo đầy ổ voi, ổ rồng đem pin mặt trời và đèn LED lên đây là để các cháu quen dần với ưng dụng công nghệ cao trong cuộc sống. Tôi xoa đầu cháu: “Ông sẽ giúp cháu lắp như thế này ở bản của cháu”. Mấy ngưòi nhình tôi vẻ ngạc nhiên. Tôi cưòi 11 năm nữa cháu học lớp 7 ông sẽ dạy cháu làm đèn LED và lắp hệ chiếu sáng băng pin mặt trời, thuỷ điện mini như vừa dạy cho thầy trò ở Lào Cai.
Nhìn các cháu nằm ngủ theo ba dãy, tôi chợt nhớ đến các trường học ở Hà Nội, nhiều trường đẹp hơn, nhiều đồ chơi hơn, nhưng không thể có được không khí trong lành như ở đây và đặc biệt khi trời lạnh, ở đây chỉ có chăn chiên, còn ở Hà Nội là chăn bông.
Một cháu mơ gì đó đạp tung chăn ra. Một bạn từ xa ngóc đầu nhìn thấy. Tôi nói khẽ: “Cháu ra đắp chăn lại cho bạn đi”. Cháu gái từ từ ra đắp chăn cho bạn rồi lại về phòng ngủ tiếp.
Hằng ngày, tôi thường gặp không ít người lấy việc giúp người khác là niềm vui. Nhưng trên bất kì đoạn đường nào, bất kì ở công sở nào, bất kì địa phương nào cũng đều thấy những kẻ vị kỉ, hoặc xỗng sượng, trắng trợn, thơn thớt những lời hoa mỹ, đạo đức giả, tranh ăn, cướp đoạt của người khác. Phải tiếp tục làm gì để những cháu bé ở vùng núi Điện Biên cũng như ở mọi miền biết nhường nhịn, thương yêu, giúp đỡ người khác?
….
Nguyễn Văn Khải – Ông già Ôzôn
danlambaovn.blogspot.com

Hãy vì dân vì nước, một chút thôi, làm ơn!

Hà Văn Thịnh – Boxitvn

Tháng 11 là tháng của rất nhiều biến động: Hậu quả lùng nhùng của thất vọng, buồn phiền từ Hội nghị 6, nối tiếp qua cái sự lòi đuôi dốt nát, ỡm ờ của vô số cái sai; chuyện bầu cử của Mỹ; Đại hội 18 của TQ; năm hết tết đến, giá cả đang thi nhau chơi trò đuổi bắt quyết liệt đến mức làm thủng to, thủng đến trống không cái túi của hàng triệu người nghèo; quan chức thì nói đâu sai đấy, đề ra cái gì lòi dốt ra cái đó; ngày nhà giáo mà tôn vinh “ưu tú”, “nhân dân” cho tinh quan là quan (, 17.11.2012) trong khi nền giáo dục nát như tương, hàng triệu giáo viên chẳng hiểu tôn vinh “quan giáo dục” để làm gì – chẳng lẽ các quan được tặng thưởng danh hiệu “nhà giáo ưu tú” vì đã làm rách nát nền giáo dục nước nhà sao? Chẳng lẽ các vị không nghĩ đến 2 giáo viên đang phải chịu bao khó khăn, vật lộn, gian nan với sóng dữ của biển trời, cái độc ác và hung hiểm của lũ bành trướng, để dạy chữ cho trẻ em Trường Sa sao?…
Chẳng biết trên thế giới này có Quốc hội nào có nhiều chuyện cười chảy ra nước mắt như Quốc hội của mình không? Nào là Vinashin, Vinalines, nào là nợ xấu khó đòi cả triệu ngàn tỷ… mà chẳng có lấy một giải pháp khả thi, cứ vòng vo, né tránh, đánh trận giả như thể hồi tam quốc vòng vo cách đây 2.000 năm; nào là khắp nơi nói “nhóm lợi ích” mà mất cả năm trời chẳng biết những cái nhóm đó có mặt mũi giống với con gì hay giống kẻ “tự trọng X” nào; nào là nghị sĩ chất vấn thì bộ trưởng thách để quên số liệu ở nhà, “thích” thì đến đó… cho chộ (!); nào là gà lậu chở có tầng có lớp nhưng “quyết tâm” đến năm … 2013 mới dẹp xong, làm cho dân không hiểu nổi công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường sinh ra để làm gì; nào là giữa nghị trường “bày cho nhau” rằng nghị sĩ muốn ăn thịt gà phải hỏi trước đó là gà thật hay gà lô; nào là đến bệnh viện, nếu dân có buộc phải đưa phong bì thì chụp ảnh, làm hồ sơ gửi cho Bộ trưởng Y tế – cứ như thể Bộ trưởng ăn rồi ngồi chơi chỉ đọc (không đọc) hàng triệu cái nỡm trò đời ba láp hành bệnh nhân mà bệnh viện mô cũng có; nào là đưa cả chuyện từ chức vào Hiến pháp – chẳng khác gì nói, đưa việc quét, thu gom rác làm sạch lòng lề đường vào Hiến pháp (!). Đại biểu QH mà không phân biệt nổi thế nào là Hiến pháp thì làm sao soạn luật cho đúng, cho ít sai?…
Nói có sách, mách có chứng – xin dẫn ra đây những cái title của những bài báo nhức nhối trên báo LỀ PHẢI nói rõ rành rành, nhưng Quốc hội cứ làm ngơ coi như không biết, chỉ trong hai ngày thôi (16 và 17.11.2011).
Trung Quốc biến tàu chiến thành tàu hải giám (TN); Nếu Quốc hội có cơ quan giám sát độc lập, vụ Vinashin đã không xảy ra (LĐ); Hơn tám nghìn lao động Vinashin bị nợ bảo hiểm xã hội (TP); Chống tham nhũng như đánh trận giả (PNTP); Để chính sách không bị “mưa đá dư luận” (SGTT); Xử phạt xe không chính chủ: Khi người dân bị thí điểm (DV); Một bản tái định cư ở Sơn La 23 năm chưa có điện (TTXVN); Vàng nội đắt hơn vàng ngoại gần 4 triệu (KP – báo của Sở KHCN TP HCM); Thưa Quốc hội, nhiều chuyện dân không làm được… (SGTT); Tiếp tay cho “đầu nậu” TQ, tận diệt khoáng sản (KP); Cấm phương tiện xe máy đi một người trong giờ cao điểm (VOV); Quan nhiều hơn dân (LĐ)…
Những chuyện bức xúc tày trời như thế nhưng các vị cứ coi là “chuyện nhỏ”; nếu không phải thế, tại sao không có vị ĐBQH nào chất vấn cho ra môn, ra khoai hay Quốc hội chỉ bàn cái chung chung, chưa có thời gian quan tâm cử tri muốn gì, nghĩ gì? Chỉ nói một chuyện NHỎ NHẤT nhưng lại liên quan đến hàng triệu người là xe chính chủ! Trừ một số xe sang xài biển ngoại giao, biển nước ngoài chẳng có ma nào dám sờ tới, còn lại hàng triệu xe máy cũ mua đi bán lại là của những người nghèo nhất, khổ nhất trên đất nước này. Tại sao lại vin vào mấy cái xe gây tai nạn khó truy nguồn gốc để làm hoảng loạn xã hội, hành hạ người nghèo, tận thu cho bằng hết manh áo cuối cùng của người nghèo? Hay đó là cách tốt nhất để mở đường cho hối lộ, hành dân để tăng thêm độ bám của lòng trung thành? Ai chẳng biết một khi cảnh sát muốn tìm thì trốn lên trời cũng tìm ra. Cái lý luận bao che ấy không thể nào nuốt nổi.
Các vị hãy thử trả lời dân vài câu hỏi rất dễ như: Tại sao người dân nợ thuế vài triệu đồng thì bắt ngay lập tức còn tập đoàn nhà nước nợ thuế hàng ngàn tỷ đồng thì chẳng thấy động đậy gì? Tại sao một nền kinh tế có dư nợ xấu lên đến cả triệu tỷ đồng mà cứ bắt học sinh tự hào ca ngợi? Tại sao thất thoát Thủy điện Sông Đà cả chục ngàn tỷ nhưng lại chưa đến mức kỷ luật; vậy, bao nhiêu thì kỷ luật? Làm sao có thể chấp nhận một ông Bộ trưởng hôm trước nghênh ngang trước Quốc hội về chuyện thủy điện Sông Tranh 2 an toàn, hôm sau động đất 4,7 độ Richter lại trở giọng đong đưa theo? Cách nói, cách làm lươn lẹo không biết đến xấu hổ như thế, kém cỏi như thế, làm sao xứng đáng đại biểu cho dân?…
Thời buổi này chỉ cần lên báo lề phải (như đã dẫn) là đủ biết xã hội, quản lý, điều hành hỗn loạn đến mức nào. Một xã hội như thế lòng người làm sao yên? Có đất nước nào khai thác dầu lên bán mà lỗ hàng ngàn, hàng vạn tỷ đồng không? Chẳng lẽ những người khai thác dầu bán cho cả nhân loại này tiêu thụ mỗi ngày 100 triệu thùng dầu đều thua lỗ – ngu dốt sao? Có đất nước nào kinh doanh lỗ mà người đứng đầu lại nhận lương một tháng nhiều hơn cả năm lương của một giáo viên không?… Những sự thật phơi bày rõ đến thế, đủ đến thế mà cứ loanh quanh nói dối không ngượng mồm thì có lẽ, chỉ có ở nước ta mà thôi.
Xin các vị ĐBQH thử “nghiên cứu” cách hành xử của QH nước người: Chỉ cần báo chí loan tin về chuyện ngoại tình của quan chức cao cấp (người nắm giữ mọi bí mật động trời); ngay lập tức, mở cuộc điều tra để có thể trả lời dân chúng sớm nhất có thể (!) Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao, nếu không “trị” được những kẻ lạm nhũng quyền hành thì dân biết tin vào ai?
Và, cũng xin nhắn đến “tác giả xe chính chủ”, người chịu trách nhiệm chính về việc mỗi ngày có 30 người chết vì tai nạn giao thông, đọc bản tin này, trên BBC, 06:26 GMT, chủ nhật, 18.11.2012: Bộ trưởng GTVT của Ai Cập từ chức sau khi tàu hỏa đâm vào ô tô làm chết 50 học sinh mẫu giáo…; tức là… gần bằng số người chết vì tai nạn giao thông ở nước ta trong… 2 ngày(!)
Người dân chúng tôi không thích nghe diễn tấu hài mà chỉ cần biết rõ những điều cụ thể. Ví dụ, nếu ngăn chặn mấy con gà lậu mà phải mất đến hơn một năm thì chẳng cần GS TS, chẳng cần cái bộ máy quan chức cồng kềnh ấy. Không tham nhũng nhắm mắt làm ngơ thì ngay cả con kiến cũng không thể đi lọt trên một nước mà đường giao thông từ Bắc vào Nam gần như là đường độc đạo! Cả một nền kinh tế khó khăn chồng chất không bàn cách tháo gỡ cụ thể, nhanh chóng, giữa nghị trường, lại khuyên nhau cách ăn thịt con gà như thế nào cho phải cách, thì đúng là coi thường dân hết biết. Xin các vị hãy đừng bàn chuyện trên trời, dưới đất nữa mà hãy cố gắng, thương dân, dù chỉ một chút thôi, cho có, gọi là… Làm ơn…
(Viết để nhớ về Ngày nhà giáo, mong các quan “nhà giáo ưu tú”, “nhà giáo ND” mới được tôn vinh đọc (!)
Quảng Trị, 18.11.2012
H.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn

'Đại biểu quốc hội không về Văn Giang'

Người dân Văn Giang
Người dân Văn Giang công khai mời dân biểu về tiếp xúc với cử tri và dân địa phương

Không có đại biểu quốc hội nào về thăm gặp và tiếp xúc với cử tri, cũng như người dân địa phương khiếu nại đất đai ở Văn Giang, tỉnh Hưng Yên hôm Chủ Nhật, 18/11/2012, sau khi người dân đã công khai gửi thư mời.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm Chủ Nhật, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phản biện Chính sách độc lập (IDS) đã tự giải thể cho hay ông và người dân địa phương không thấy có bất cứ đại biểu quốc hội nào về tiếp xúc với dân.

Ông nói: "Rất đáng tiếc không có một đại biểu quốc hội nào tham dự cả. Tôi cũng không hiểu vì sao, vì người dân cũng đã gửi giấy mời từ trước đến Văn phòng Quốc hội nhiều ngày, rồi đủ thứ này khác.

"Có lẽ là người ta bị nhắc nhở hay sao đó mà chính quyền ở dưới Văn Giang, ở trong xã mà tôi đến thì họ cũng tổ chức ngay một cuộc gọi là 'Ngày đoàn kết toàn dân', có lẽ là để đối trọng lại cái cuộc tổ chức này của người dân."

Tiến sỹ Quang A nói thêm: "Có thực sự đi xuống dưới đó nghe bà con người ta kể những chuyện thì mới có thể hiểu được nỗi thống khổ của người dân ở đó."

"Có nhiều ba con người ta kể suốt 8 năm nay người ta đã thực sự bị hành hạ như thế nào về chuyện đất đai."

"Có những chuyện vô cùng thương tâm, và tôi cũng không hiểu là làm sao mà gần Hà Nội như thế này, bà con tám năm liên tiếp, liên tục khiếu nại, không biết là có quan chức nào của Nhà nước họ xuống, thực sự đến nơi, họ nghe người dân kể lại những chuyện mà người ta đã vấp phải như thế nào."

"Nếu những người (là quan chức) nhà nước đã nghe được bà con nói, thì đã không để những chuyện như thế xảy ra tám năm nay."

'Dân thiết tha mời'
"Nhân dân yêu đất ba xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao nhiệt liệt chào đón đoàn đại biểu quốc hội về với dân" - Biểu ngữ của người dân Văn Giang, Hưng Yên
Sự kiện người dân khiếu nại đất đai ở dự án Du lịch - Sinh Thái Ecopark gửi giấy mời công khai tới Quốc hội mời các vị dân biểu 'vi hành' tới địa phương đã được nhiều trang blog cá nhân trên Internet loan báo khá rộng rãi.

Tuy nhiên, theo thông tin của trang blog Ba Sàm, đã không có sự hiện diện nào của đại biểu quốc hội trong ngày Chủ Nhật.

Đăng tải một tường thuật từ trang blog 'Tễu' của TS Nguyễn Xuân Diện, trang Ba Sàm cho hay có hơn năm mươi người đã đến địa phương ở Văn Giang.

Trong đó có nhiều nhân sỹ, trí thức, nhà hoạt động xã hội được nhiều người biết đến như: "Bà Lê Hiền Đức, TS Nguyễn Quang A, Đại tá Nguyễn Văn Cung, Đại tá Nguyễn Đăng Quang, Thạc sĩ Đào Tiến Thi, TS Nguyễn Xuân Diện, một số nhà nghiên cứu xã hội học.. và nhiều bà con, nhà báo có mặt trong chuyến thăm Văn Giang hôm nay," trang blog cho hay.

Một clip đăng tải trên trang Ba Sàm cho thấy các đám đông người dân ở ba xã có khiếu nại đất đai đã vỗ tay đón những "người khách" là các nhân sỹ, trí thức, các nhà hoạt động đến thăm địa phương.

Đám đông vỗ tay, căng biểu ngữ, cờ hoa chào đón. Nhiều người trong số họ đã nói trong clip, phản ánh những gì được cho là sự bức xúc của họ do việc đất đai sản xuất, trổng trọt bị cưỡng chế ngoài ý muốn, hay nhiều người là cán bộ, thương binh, đối tượng chính sách bị kỷ luật do "không chấp hành" chính sách cưỡng chế đất đai trong dự án Ecopark.

Một biểu ngữ của người dân được thấy rõ trên nhiều ảnh chụp từ các blog, ghi dòng chữ: "Nhân dân yêu đất ba xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao nhiệt liệt chào đón đoàn đại biểu quốc hội về với dân."

BBC đã tìm cách liên hệ với một số đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu Quốc hội thuộc tỉnh Hưng Yên để tìm hiểu phản ứng, nhưng chưa thu được bình luận của họ về sự kiện ngày Chủ Nhật.
(BBC)

Ông Tập Cận Bình và triển vọng cải cách chính trị Trung Quốc

Ông Tập Cận Bình đã chính thức nắm quyền lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ 5 (15/11/2012) sau khi được chọn làm Tổng bí thư và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương

Thứ 5 vừa qua, ông Tập Cận Bình chính thức nắm giữ vai trò lãnh đạo đảng Cộng sản đương quyền ở Trung Quốc giữa lúc quốc gia đông dân nhất thế giới này đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đòi hỏi các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải phải mạnh tay cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế chính trị. Trong lúc một số nhà quan sát tỏ ý lạc quan về triển vọng cải cách, nhiều nhà phân tích tình hình Trung Quốc cho rằng cải cách thể chế chính trị ở Trung Quốc đối mặt với những chướng ngại rất lớn và nếu được tiến hành thì cũng phải mất ít nhất vài năm nữa mới có thể bắt đầu.

Ông Tập Cận Bình đã chính thức nắm quyền lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ 5 (15 tháng 11, 2012) sau khi được chọn làm Tổng bí thư và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương. Theo lịch trình, ông cũng sẽ lên thay cho ông Hồ Cẩm Đào để giữ chức Chủ tịch nước vào tháng 3 sang năm.

Chính khách 59 tuổi thuộc phe “Thái tử đảng” lên nắm quyền giữa lúc Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức to lớn, trong đó có vấn đề kinh tế phát triển chậm lại trong khi tỉ lệ người già mỗi lúc một tăng, hố chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, môi trường thiên nhiên và đạo đức xã hội bị xuống cấp nghiêm trọng, và dân chúng ngày càng bất mãn hơn đối với nạn tham nhũng tràn lan.

Về vấn đề tham nhũng, cựu Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã phát biểu như sau trong bài diễn văn tại Đại hội 18 khai mạc hồi tuần trước:

“Chống tham nhũng và xây dựng một nền chính trị liêm khiết là lập trường rõ rệt và trước sau như một của đảng ta. Đây cũng là một vấn đề chính trị trọng đại mà người dân rất mực quan tâm. Vấn đề này không được giải quyết một cách tốt đẹp sẽ mang lại cho đảng những tổn thương chí mạng, thậm chí còn đưa tới chỗ mất đảng mất nước.”

Tân Tổng bí thư Tập Cận Bình cũng thừa nhận rằng tham nhũng, tình trạng xa rời quần chúng và thói quan liêu của quan chức đảng viên là những thách thức lớn mà Đảng Cộng sản Trung Quốc cần phải ra sức giải quyết. Ông nói tiếp như sau trong bài phát biểu hôm thứ 5, khi tân Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ra mắt công chúng:

“Trách nhiệm của chúng tôi là đoàn kết để dẫn dắt toàn đảng và mọi người thuộc mọi dân tộc trên cả nước tiếp tục giải phóng tư tưởng, kiên trì đường hướng cải cách khai phóng, không ngừng giải phóng và phát triển sức sản xuất của xã hội, cố gắng giải quyết những khó khăn của quần chúng trong hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, giữ vững quyết tâm đi theo con đường dẫn tới chỗ mọi người ai nấy đều dư dả, giàu có.”

Một số người cho rằng nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc tuy thuộc phe “Thái tử đảng” nhưng là người có xu hướng cải cách vì ảnh hưởng của thân phụ ông là cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, một chính khách nổi tiếng chánh trực và từng bị trù dập, chèn ép dưới thời Mao Trạch Đông và thời Đặng Tiểu Bình. Ông Tập Cận Bình cũng được cho là người thấu hiểu nỗi khổ của dân nghèo vì trong thời niên thiếu ông từng bị đưa về nông thôn sinh sống và làm việc với nông dân.

Ông Bào Đồng, thư ký của cố Tổng bí thư Triệu Tử Dương có chủ trương cải cách, là một trong những người đặt nhiều hy vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới của ông Tập Cận Bình. Ông Bào nói rằng các nhà lãnh đạo mới phải nhanh chóng thực hiện cải cách chính trị:

“Nếu không cải cách chế độ hiện nay, mâu thuẫn xã hội của Trung Quốc không thể nào giải quyết được. Có một vấn đề thực tế đang ở trước mắt là những mâu thuẫn xã hội hiện nay đã tăng cao tới độ rất đỗi bén nhọn, kịch liệt và nguy hiểm.”

Giáo sư Scott Kennedy, một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Kinh doanh Trung Quốc của Đại học Indiana, cũng bày tỏ sự lạc quan dè dặt đối với triển vọng cải cách chính trị ở Trung Quốc. Ông nhận xét như sau về 7 nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị:

“Trong số họ không ai xuất hiện như một người cực bảo thủ về mặt chính sách, nhưng cũng không có ai nổi bật như một người cải cách cấp tiến. Tôi nghĩ rằng ông Lý Khắc Cường trong vài năm qua đã chứng tỏ là một người tương đối tiến bộ. Ông Vương Kỳ Sơn cũng vậy. Ông này là người vừa được giao nhiệm vụ cầm đầu công tác kiểm tra kỷ luật, và được xem là một nhân vật cải cách.”

Trong khi đó, một số nhà quan sát tình hình Trung Quốc không mấy lạc quan về triển vọng cải cách chính trị ở quốc gia mà nạn chà đạp nhân quyền đã gia tăng trong vài năm gần đây. Ông Dương Kế Thằng, một nhà báo lão thành ở Trung Quốc và là tác giả cuốn “Bia Mộ” nổi tiếng về nạn đói kinh hoàng dưới thời Mao Trạch Đông, cho biết ông Tập Cận Bình và phần lớn các nhà lãnh đạo khác thuộc thế hệ thứ 5 là những người từng trải qua thời kỳ khổ cực ở thôn quê, hiểu rõ tình hình ở cơ sở và biết thương dân nghèo. Họ cũng được học hành tử tế và hiểu biết về thế giới bên ngoài nhiều hơn so với những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông Dương không nghĩ rằng tập đoàn lãnh đạo của ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường sẽ có thể phát động phong trào cải cách chính trị trong vài năm tới đây. Ông Dương nói thêm như sau:

“Khi nhìn vào bản báo cáo chính trị chúng tôi nhận thấy triển vọng cải cách chính trị không mấy lạc quan. Phát biểu của ông Tập Cận Bình tuy có tính chất thẳng thắn, nhưng lại không đề cập gì tới vấn đề cải cách chính trị. Chúng ta vẫn phải chờ xem tình thế trong tương lai như thế nào, xem tình hình xã hội Trung Quốc có những biến hóa như thế nào.”

Ông David Kelly, giám đốc nghiên cứu của tổ chức Chính sách Trung Quốc ở Bắc Kinh, tán đồng ý kiến chờ xem của ông Dương Kế Thằng. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng phải mất một hoặc hai năm, và có lẽ còn trễ hơn nữa, chúng ta mới có thể thấy được những thay đổi quan trọng về chính sách. Bởi vì đây là nhịp điệu đã bén rễ trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Sự chuyển giao quyền lãnh đạo diễn ra khá sôi nổi vì có nhiều đồn đãi, suy đoán; nhưng điều này không có nghĩa là những quyết định khó khăn sẽ được thực hiện ngay. Họ còn phải chờ đợi cho những người mới củng cố vị thế, học hỏi công việc và duy trì tính chất liên tục.”

Trong khi đó, ông Hồ Tần, một chuyên gia chính trị Trung Quốc từng tiên đoán đúng danh sách những người được chọn vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị trong 3 kỳ đại hội liên tiếp, không đặt bất kỳ hy vọng nào vào triển vọng cải cách chính trị dưới đội ngũ lãnh đạo hiện nay. Ông nói:

“Không thể dùng những lời lẽ ngon ngọt để tiến hành những sự thay đổi lớn trong xã hội Trung Quốc. Ông ấy đã tỏ thái độ thân thiện, gần gũi với dân chúng, tỏ ra có tác phong bình dân để hấp dẫn mọi người. Nhưng đó là điều không khó. Điều khó là ông ấy có thật sự muốn cải cách hay không, có muốn điều chỉnh quyền lợi của mình hay không. Điều khó là ông ấy có muốn điều chỉnh lợi ích của gia tộc của mình, lợi ích của phe nhóm của mình, lợi ích của đảng của mình hay không.”

Một nhà bình luận ở Hồng Kông, ông Lý Bình, cho biết ông không đặt nhiều hy vọng vào đội ngũ lãnh đạo mới của hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, nhưng đồng thời, ông lại không thể không trông mong là những người này góp phần tạo dựng một nền chính trị sáng suốt và trong sạch hơn. Ông Hồ Tần cho đài VOA biết rằng người dân Trung Quốc không thể đặt hy vọng vào ông Tập Cận Bình mà cũng chẳng tìm ra người nào để gởi gắm hy vọng và đó chính là sự bi ai của Trung Quốc hiện nay.
Duy Ái VOA

Lãnh đạo mới Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 kết thúc hồi trung tuần tháng 11 vừa qua. Một thế hệ lãnh đạo mới được đưa lên. Giới lãnh đạo mới này của Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

(AFP) Ông Tập Cận Bình, người vừa lên nắm chức Tổng Bí thư của Đảng Cộng Sản Trung Quốc thay cho ông Hồ Cẩm Đào, tại Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 15-11-2012.

Lãnh đạo mới

Một điểm mới của phía đảng cộng sản Trung Quốc được thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ chính quyền Hà Nội tại Bắc Kinh từ năm 1974 đến năm 1987, nhận định như sau:

“Tôi thấy cái mới của Trung Quốc là bây giờ họ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê Nin đi rồi, tư tưởng Mao Trạch Đông cũng bị bỏ đi rồi. Nhưng ông tổng bí thư của chúng tôi vẫn nói đến điều đó thì không biết ông này sẽ có suy nghĩ như thế nào. Tôi chưa biết.
Tôi thấy cái mới của Trung Quốc là bây giờ họ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê Nin đi rồi, tư tưởng Mao Trạch Đông cũng bị bỏ đi rồi. - TT Nguyễn Trọng Vĩnh
Trung Quốc thì bỏ câu đó rồi mà đáng lẽ phải bỏ từ lâu. Nghĩa là từ khi Đặng Tiểu Bình nói là ‘mèo trắng, hay mèo đen miễn là bắt được chuột là mèo tốt’; tức Đặng Tiểu Bình đã đi con đường tư bản chủ nghĩa rồi. Thực tế xã hội Trung Quốc là tư bản chủ nghĩa rồi, còn nói xã hội chủ nghĩa chỉ là nói thế thôi.”

Một quan chức khác của Việt Nam từng làm tổng lãnh sự của Việt Nam tại Quảng Châu, ông Dương Danh Dy, cũng đưa ra một số đánh giá về thân thế vị tân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thuộc một trong những nhân vật của thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc:

“Tôi có thể kết luận đó là những tầng lớp tinh anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình khá người bình thường vì ông được trải nghiệm qua gian khổ vì từ năm 64 (nếu tôi nhớ không nhầm), mới 12 tuổi, gia đình ông đã chịu ách tai nạn cho ông bố vì Mao Trạch Đông trù úm. Sau đó suốt 10 năm cách mạng văn hóa, ông ta phải xuống nông thôn đi lao động và làm mọi thứ.
Đây là trường hợp mà tôi cho là hiếm vì là người trưởng thành từ cơ sở trở lên, chứ không đi tắt và vừa có kiến thức về khoa học tự nhiên từ Đại học Thanh Hoa, vừa có kiến thức về xã hội.”

Chủ trương cũ

new-china-politburo-250.jpg
Tổng bí thư Tập Cận Bình (trái) và Bộ Chính trị Đảng CS Trung Quốc trong một buổi họp mặt với báo chí hôm 15/11/2012 tại Bắc Kinh. Photo courtesy of EyePress News.

Ngay sau khi thành phần lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra mắt, truyền thông trên thế giới đều có nhận định thành phần bảo thủ vẫn chiếm đa số.

Mạng VnExpress của Việt Nam cũng trích dẫn nhận định của giới quan sát cho rằng ‘thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc có khả năng ủng hộ các biện pháp cải tổ kinh tế thận trọng và khó thực thi những thay đổi có tính chất cơ bản’.
Đối với nội tình Hoa Lục, các nhà lãnh đạo mới cũng có những cam kết sẽ tiến hành thay đổi.

Tuy nhiên theo nhận định của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ không có gì khác trước và thái độ của các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt nam cũng như bao lâu nay:
Tôi nói rồi bất kỳ người nào lên lãnh đạo Trung Quốc họ cũng đều lấn át chúng tôi cả. Họ đều thực hành chủ nghĩa bành trướng, bá quyền đối với chúng tôi thôi. - TT Nguyễn Trọng Vĩnh
“Tôi nói rồi bất kỳ người nào lên lãnh đạo Trung Quốc họ cũng đều lấn át chúng tôi cả. Họ đều thực hành chủ nghĩa bành trướng, bá quyền đối với chúng tôi thôi. Còn phía lãnh đạo của chúng tôi, tôi còn theo dõi, thế mà từ trước đến nay họ không hề cãi gì với Trung Quốc cả.”

Ông Dương Danh Dy cũng có chung nhận định như điều ông Nguyễn Trọng Vĩnh nêu ra:

“Trong quan hệ thì Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, Ban lãnh đạo Việt Nam cũng muốn làm bạn với ban lãnh đạo mới của Trung Quốc; nhưng nói thẳng ra Trung Quốc họ có để cho mình yên đâu; nhất là vấn đề Biển Đông, trong chuyện phát triển lực lượng hùng mạnh.

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm là trong Báo cáo chính trị của họ có nói sẵn sàng đánh thắng các cuộc chiến tranh cục bộ. Vậy chiến tranh cục bộ với ai? Với các nước láng giềng thôi, chứ chả nhẽ sang đánh ở Châu Phi,Trung Đông, với Nga, với Ấn Độ. Theo tôi chỉ có những nước ở biển Hoa Đông, Biển Đông: Nhật Bản, Philippines, Việt Nam có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.”

Chọn lựa cho Việt Nam?

000_Hkg7530199-250.jpg
Công an ngăn cản những người biểu tình hô to khẩu hiệu chống Trung Quốc khi họ diễu hành về phía Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 01 tháng 7 năm 2012. AFP photo

Việt Nam hiện cũng đang do Đảng cộng sản lãnh đạo. Sau hội nghị trung ương sáu với nhiều đồn đoán về một số thay đổi cơ bản trong nhân sự; nhưng đến nay thì tất cả dường như vẫn không có gì khác trước. Nhân vật trong bộ chính trị không được nêu danh là đồng chí X vẫn không phải chịu trách nhiệm gì đối với mọi sai phạm về điều hành kinh tế đất nước. Việt Nam vẫn kiên định với chủ nghĩa xã hội.

Trước một thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc nhưng với hành xử cũ như bấy lâu nay, hai ông Nguyễn Trọng Vĩnh và Dương Danh Dy đều chỉ ra một con đường duy nhất cho Việt Nam hiện nay là kiên quyết không để bị lệ thuộc.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ngắn gọn nói:

“Theo tôi thứ nhất phải phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường; thứ hai là thực hiện dân chủ; thứ ba là phải gắn bó với dân. Thế thôi.”
Theo tôi thứ nhất phải phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường; thứ hai là thực hiện dân chủ; thứ ba là phải gắn bó với dân. Thế thôi. - TT Nguyễn Trọng Vĩnh
Ông Dương Danh Dy cũng nhận định:

“Tất nhiên phải xây dựng, phát triển lực lượng kinh tế, toàn dân đoàn kết một lòng. Điều này Trần Hưng Đạo nói rồi. Theo tôi thì Ban lãnh đạo Việt Nam cứ theo điều đó, nới sức dân, trên dưới một lòng, anh em đoàn kết.
 

Nay không giống năm 79. Nay Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trên thế giới; Trung Quốc không thể làm gì bất thường vì sợ sự trừng phạt của dư luận, của công luận thế giới và sự chống lại của nhân dân Việt Nam. Người Việt Nam có thể có những bất đồng này khác với nhà cầm quyền nhưng khi có ngoại xâm khiêu chiến thì bao giờ dân Việt Nam cũng nhất trí, đồng lòng chống ngoại xâm.
Việt Nam đã có những chuẩn bị cần thiết: đã có tên lửa, tàu ngầm, máy bay, lực lượng quân sự. Việt Nam vừa đóng tàu tuần tra trên biển 2000 tấn. Dù không nhiều bằng Trung Quốc nhưng cũng đủ để bảo vệ vùng chủ quyền trên biển của mình.”

Trong quan hệ với Việt Nam ở thế kỷ 21 này, lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc đưa ra phương châm 16 chữ vàng, và tinh thần 4 tốt. Tuy nhiên trong thực tế giới quan sát cho rằng phía Việt Nam thực thi đầy đủ; trong khi đó phía Trung Quốc hiện đang làm ngược lại những phương châm và tinh thần đó, cụ thể qua những hành động họ tiến hành tại khu vực Biển Đông.
Gia Minh, biên tập viên RFA

Trần Đông Đức - Trung Cộng Quốc Mẫu Bành Lệ Viện

Trung Quốc đã chọn xong người kế vị cho lãnh đạo đời thứ năm, có khi được tính là thứ sáu nếu tính luôn cả Hoa Quốc Phong là một thế hệ mang tính trám chỗ giữa Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Tập Cận Bình được chọn làm người thừa kế. Tập cũng được coi là thế hệ thái tử đảng (con cha cháu ông) đầu tiên sinh sau năm 1949.

Dư luận quần chúng hiếu kỳ hơn về người vợ nổi tiếng của Tập Cận Bình, ca sĩ nhạc dân tộc Bành Lệ Viện (Peng Liyuan). Bành Lệ Viện thuộc hàng mỹ nhân Trung Quốc có tài hát hay múa đẹp theo đúng định nghĩa. Bành đã theo đoàn văn công giải phóng quân từ lúc 18 tuổi và chuyên trị về các làn điệu dân ca - vừa có chất truyền thống nhưng vừa cách tân rất đặc thù của văn hóa cách mạng Trung Quốc.
Bành Lệ Viện cũng hay hát những bài ca ngợi công trình xây dựng như kiểu Đường Sắt Tây Tạng, mang tên là Thiên Lộ,về khách quan mà nói rất có sự hút hàng với đại chúng theo niềm tự hào phát triển hiện đại của Trung Quốc hiện nay.

Ngoài ra, Bành Lệ Viện còn rất có rất nhiều phong cách cổ trang và phục trang dân tộc thiểu số khác cùng với những bài hát dân ca của tỉnh Sơn Đông - một dạng như Mạc Ngôn dùng phông văn hóa Cao Mật, Sơn Đông cho trường phái sáng tác văn học.

Trước khi Bạc Hy Lai sụp đổ cơ nghiệp hai vợ chồng này cũng thường hay mặc đồ dân tộc ra ngắm đồng nội coi như một cách thu hút con nhang ở Trung Quốc mà trong ý chắc là ngấm ngầm cũng như là để cạnh tranh hình ảnh với vợ chồng Tập Cận Bình. Bạc Hy Lai nay bị cầm tù, vợ là Bạc Cốc Khai Lai đang bị án tử hình treo chắc là đã tận số mạng về sự nghiệp chính trị.

Nói tới Bành Lệ Viện làm người ta nghĩ ngay đến người người tình Tống Tổ Anh (Song Zuying 宋祖英) của Giang Trạch Dân (tiếng Hoa gọi Tống Tổ Anh là Nhị Nãi, cũng có khi được "tôn hiệu" là Tống Quốc Nãi).

Trong đại hội 18 của cộng sản Trung Quốc vừa qua, Giang Trạch Dân lại tái xuất giang hồ một cách phủ bóng và tràn trề kịch tính.

Tống cũng làm nghề ca sĩ nhạc dân tộc, được coi là danh ca đặc sắc nhất trong hệ thống văn công của Trung Quốc. Tống Tổ Anh và Bành Lệ Viện đều thuộc về người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc hiện nay. Hai ca sĩ này thuộc loại văn công hát hay múa đẹp, tiêu biểu cho vẻ đẹp của gái Trung Quốc trong thời cách mạng. Hai người này là danh ca hạng 1 có đủ tài nghệ và nhiều khi còn diễn hai cùng nhau trên sân khấu.

Tống Tổ Anh đã làm cho những người nổi tiếng trong giới văn nghệ từ Trương Nghệ Mưu đến Thành Long đều mong muốn được hầu hạ người đẹp nhưng thế lực Giang Trạch Dân thời đó kinh quá.

Tống Tổ Anh thực sự thuộc dân tộc Miêu ở Quý Châu (tương đương với dân Hmong ở Hà Giang ở Việt Nam). Giang Trạch Dân muốn cùng với Tống Tổ Anh sống hết cuộc đời nhưng vì địa vị của hai người quá đặc biệt nên mơ ước chỉ nằm trong bóng tối. Tuy nhiên nhân dân Trung Quốc ai cũng biết Tống Tổ Anh đúng là Tống Nhị Nãi. Chính thê của Giang Trạch Dân là một lão già lụ khụ.

"Ca sĩ Miêu tộc Tống Tổ Anh" 

Có thể nói đến đời Tập Cận Bình thì ước mơ "Trung Cộng Quốc Mẫu" là một người đàn bà có nhan sắc và ưu thế mới xuất hiện.

Nhìn chung gu thẩm mỹ về phụ nữ của lãnh tụ Trung Quốc cũng không tệ. Về mặt nữ lưu mà nói, thì với tài xướng ca diễn xuất, ca hay múa đẹp không nhiều phụ nữ trên đời có được.

Tuy nhiên nhìn lại lịch sử cộng sản,  Giang Thanh vợ sau của Mao Trạch Đông từng là dân văn nghệ cũng có đặc điểm tương tự như Bành như Tống. Sau này, ở địa vị đỉnh cao, Giang Thanh còn định chuyên quyền đoạt vị làm lãnh tụ cộng sản nhưng lại bị Đặng Tiểu Bình hạ bệ.

Ba người đàn bà này ở ba thời điểm nhưng dung mạo có phần tương tự. Tuy nhiên, Giang Thanh quá bốc đồng mà ngáp chết (treo cổ tự tử). Tống Tổ Anh có quyền thế về sân khấu lòng người nhưng không có danh nghĩa.

Bành Lệ Viên có đủ tất cả, sắc đẹp, tài ca hát, vừa quyền lực của sự đường đường chính chính là vợ của Tập Cân Bình. Trong hệ thống quân đội, cho dù là văn công ca sĩ nhưng Bành Lệ Viên mang tới lon thiếu tướng. Bành có thể nói sẽ là “đệ nhất phu nhân” quyền lực nhất sau này.

Nếu Bành Lệ Viện tận dụng hết thành tựu về của người nổi tiếng, lại có đảng tịch cao, Lịch sử Trung Quốc có thể thấy xuất hiện một quốc mẫu mới. Bành Lệ Viện này cũng có nét mạnh mẽ như Võ Tắc Thiên trong các loại phim cổ trang và cũng là người cùng đất Sơn Đông.

Kết Luận: Phụ nữ biết ca múa đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.

"Hai vợ chồng Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai lúc còn quyền thế"
Trần Đông Đức
 

Dân Trung Quốc chờ thêm 5 năm nữa

Ngô Nhân Dụng – Nguoiviet
Hiện nay Trung Quốc có 500 triệu người ra vào Internet. Trong tháng trước, nhiều thanh niên đã thích thú theo dõi qua mạng những cuộc đấu khẩu công khai giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ trên truyền hình.
 Nhiều người nói nước họ khó áp dụng trò tranh cử này. Một sinh viên viết trên mạng Vi Bác (weibo.com): “Dù Trung Quốc có dân chủ thế nào đi nữa, chắc cũng không thể tổ chức tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống như ở Mỹ. Tại sao không? Vì các nhà lãnh đạo nước ta nói năng rất chậm chạp, cuộc tranh luận sẽ kéo dài ba bốn ngày mới xong!”
Người Trung Hoa trong lục địa không lo phải mất thời giờ coi các ứng cử viên tranh luận. Vì việc chọn những người lãnh đạo quốc gia đã được “các cụ ở trên” quyết định giúp họ. Hơn 2,200 đại biểu đều do các cụ chọn trước, danh sách những người được họ bầu lên cũng vậy. Ðiều đáng ngạc nhiên là tại sao trong cả một tuần lễ Ðại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc phải họp kín, trong khi cả thế giới đã biết, biết từ 5 năm trước, là kết quả họ sẽ đưa ông Tập Cận Bình lên làm chủ tịch và ông Lý Khắc Cường sẽ là thủ tướng mới!
Nhưng nhìn vào bẩy người ngồi trong Thượng Vụ Bộ Chính Trị thì mọi người có thể đoán trong năm năm tới nước Trung Hoa sẽ không thay đổi bao nhiêu, mặc dù trên nhật báo Nhân Dân đã viết: “Ðảng cầm quyền trước hết phải có tinh thần khẩn trương và việc cải tổ phải đi bước trước sớm hơn cơn khủng hoảng sẽ tới.”
Tình trạng trì trệ sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa, ảnh hưởng của Giang Trạch Dân vẫn còn rất nặng dù năm nay ông ta đã 86 tuổi. Giang là người đã được Ðặng Tiểu Bình đặt lên ngôi để “dẹp loạn” Thiên An Môn, nắm quyền từ 1989 đến 2002. Giang đã phải cất nhắc Hồ Cẩm Ðào lên thay mình, vì chính Ðặng Tiểu Bình trước khi chết đã chỉ định họ Hồ. Giang cũng muốn bắt chước Ðặng Tiểu Bình đóng vai thái thượng hoàng; chọn Tập Cận Bình (Xi Jinping) trong lúc Hồ Cẩm Ðào muốn Lý Khắc Cường (Li Keqiang) làm chủ tịch. Hồ và Lý thuộc cánh “đoàn phái,” cùng xuất thân từ Ðoàn Thanh niên Cộng sản. Tập Cận Bình, con Tập Trọng Huân, được chọn vì thuộc cánh “vương tôn,” con cháu những cận thần của Mao Trạch Ðông đời xưa. Con gái Tập Cận Bình đang học Ðại Học Havard, dưới một tên giả. Trong bẩy người cầm đầu Trung Quốc bây giờ, có bốn người thuộc cánh vương tôn; còn cánh đoàn phái chỉ có hai: Lý Khắc Cường và Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan).
Ngoai hai người chủ chốt Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, năm người còn lại đều là tay chân của Giang Trạch Dân. Khắc Cường đóng vai thủ tướng sẽ có trách nhiệm về kinh tế quốc gia, nhưng sẽ bị kèm bởi hai người được Giang Trạch Dân đưa vào là Vương Kỳ San (Wang Qishan) và Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli). Họ Vương đã nắm giữ quyền kinh tế trong bốn năm trước, sẽ được nâng lên đứng đầu việc bài trừ tham nhũng; có khả năng vượt quyền thủ tướng. Còn họ Trương trước đứng đầu thành phố Thiên Tân sẽ điều khiển kinh tế thay chỗ họ Vương. Người sẽ đóng vai chủ tịch Quốc Hội là Trương Ðức Giang (Zhang Dejiang) không những cũng thuộc cánh vương tôn mà còn nằm trong “băng Thượng Hải“của Giang Trạch Dân từ trước năm 1989. Trương Ðức Giang đã được đưa từ Quảng Ðông về Trùng Khánh, thay thế Bạc Hy Lai khi tay này bị hạ bệ; để yên lòng cánh vương tôn, vì cả hai đều là con các “công thần đời trước.” Người cầm đầu Thượng Hải hiện nay là Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) tất nhiên cũng được đưa vào Thường Vụ để bảo vệ di sản của Giang Trạch Dân. Băng Thượng Hải đã thay đổi chiều hướng kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1990, bỏ rơi nông thôn và hướng về đô thị, do đó cũng chú trọng đến đầu tư xây dựng các công trình to lớn nhiều hơn là nâng cao mức sống của dân tiêu thụ. Một hậu quả là xã hội Trung Quốc ngày càng bất công, mỗi năm có hơn 100,000 vụ dân biểu tình khiếu nại. Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo đã thay đổi đường lối đó một phần, tha thuế cho nông dân và cải tổ hệ thống y tế cũng như quỹ hưu bổng để nâng cao mức sống ở nông thôn. Nhưng quyền hành thực sự đã vượt khỏi tầm tay của cả hai người được coi là lãnh đạo cao nhất.
Từ khi Ðặng Tiểu Bình chết đi không còn người nào nắm quyền duy nhất. Trong 20 năm qua, những người cầm đầu Trung Quốc không còn giữ quyền hành tuyệt đối như thời Ðặng Tiểu Bình nữa. Hiện nay có những phe cánh thành hình trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc và họ tìm cách gây ảnh hưởng trên chính sách quốc gia. Giang Trạch Dân đã phải chiều theo ý các “cố lão,” tức là các cụ già từng nắm quyền sau thời Mao Trạch Ðông; và sau khi về hưu chính Giang đã đóng vai một cố lão có ảnh hưởng mạnh nhất. Bên cạnh các ông già này, còn hai phe đảng rất mạnh. Một là những người nắm các doanh nghiệp và ngân hàng nhà nước họ muốn tiếp tục chính sách kinh tế cũ để bảo vệ vai trò độc quyền kiếm lời của họ. Do đó, họ cản trở việc cải tổ hệ thống ngân hàng; chống việc mở rộng lãnh vực kinh tế tư doanh; mà đó là hai điều thiết yếu cần phải cải tổ gấp để nước Trung Hoa thoát một cơn khủng hoảng kinh tế luôn luôn đe dọa. Phe cánh thứ hai là các tướng lãnh, họ không những muốn được giành cho thật nhiều tiền để trang bị vũ khí tối tân mà còn muốn lái chính sách ngoại giao của Trung Quốc theo hướng hiếu chiến, đặc biệt là trong việc bành trướng ảnh hưởng trong miền Ðông Nam Á. Cả ba phe cánh kể trên đều có khuynh hướng chống thúc đẩy cải tổ nhanh hơn, họ lấn át tiếng nói của những người có khuynh hướng muốn thay đổi, nhất là thay đổi về chính trị.
Với những phe cánh kể trên, người ta thường gọi là những “nhóm lợi ích,” việc phân bố địa vị trong Thường Vụ Bộ Chủ Tịch cũng trở thành một cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng và mua bán, trao đổi với nhau. Sau cùng quyền xếp đặt đã rơi vào tay Giang Trạch Dân; với chủ trương bảo thủ hơn cả. Cho nên, trong kỳ họp đại hội thứ 18 vừa qua, hai người được coi là thuộc phe cải tổ đã bị rớt không vào được ban Thường Vụ, là Uông Dương (Wang Yang), bí thư tỉnh Quảng Ðông và Lý Nguyên Triều (Li Yuanchao), nguyên trưởng ban tổ chức. Cả hai người này đều thuộc phe Hồ Cẩm Ðào, tất nhiên không được Giang Trạch Dân tin cậy.
Phe Hồ Cẩm Ðào đã xuống quá, cho nên ngay trong kỳ đại hội, họ Hồ đã phải nhường cả chức chủ tịch Quân Ủy Trung Ương cho Tập Cận Bình. Trước đây, khi Giang Trạch Dân đã lên cầm đầu đảng và nhà nước rồi, Ðặng Tiểu Bình vẫn nắm chức chủ tịch quân ủy. Giang Trạch Dân noi gương đó, ngồi mãi ở chức vụ này, hai năm sau khi Hồ Cẩm Ðào lên. Năm nay, Tập Cận Bình một lúc được trao cho ba chức vụ lớn nhất, cầm đầu đảng, nhà nước, và quân ủy. Cánh vương tôn đã lấn áp cánh đoàn phái.
Tập Cận Bình vốn là con ông cháu cha cho nên có thể tự tin hơn, và sẽ giành lấy nhiều quyền quyết định hơn. Nhưng với đa số ban Thường Vụ là tay chân Giang Trạch Dân, Bình cũng khó làm gì để thay đổi nguyên trạng. Ðiều ông ta hy vọng là trong 5 năm nữa, đến kỳ đại hội đảng thứ 19, năm thành viên thủ cựu nhất đều đến tuổi về hưu, vì tất cả hiện nay đều trên 64 tuổi. Năm nay Tập Cận Bình mới 59 tuổi, và tới năm 2017 ông ta có thể đã đủ thời giờ chuẩn bị cho lớp người do chính mình nâng lên.
Người dân Trung Hoa tiếp tục chờ đợi. Như họ vẫn quen nhẫn nhục chờ đợi. Trong khi đó, các công dân Internet không thể làm gì hơn là chế nhạo các phụ lão nắm quyền. Khi một đại biểu dự đại hội tuyên bố đã vỗ tay hăng hái quá đến nỗi tê cả hai bàn tay, một công dân mạng đã ví bà ta như những cán bộ Bắc Hàn chỉ biết vỗ tay. Một đại biểu thú nhận đã “khóc năm lần” vì cảm động khi nghe bài diễn văn của Hồ Cẩm Ðào, các thanh niên trên mạng đã nói đùa rằng nhiều người cũng khóc năm lần khi ăn phải ớt nhiều quá!
Lời chế nhạo trên mạng chính xác nhất có lẽ là của nhà báo Chúc Hoa Tân (Zhu Huaxin), tổng thư ký báo mạng Nhân Dân. Trước ngày đại hội, ông đã viết một bài bình luận kêu gọi cải tổ nhiều hơn, vì dân chúng đã chán lắm rồi. Ông ví đảng Cộng sản như ông vua không mặc quần trong chuyện cổ tích: “Người dân thường như chúng tôi đã biết hoàng đế không mặc cái quần cái áo nào hết. Chính hoàng đế cũng biết mình ở truồng. Ông cũng biết là chúng tôi biết. Vậy mà ông vẫn cứ bước đi như không có gì lạ cả!” Trong khi tổng thống Ðài Loan gửi bức điện chúc mừng đầu tiên đến ông Tập Cận Bình, mà không nhắc gì đến tấm gương Quốc Dân Ðảng đã dân chủ hóa Ðài Loan từ 25 năm trước, người dân Trung Hoa trong lục địa sẽ còn tiếp tục chờ đợi thêm ít nhất 5 năm nữa.

Trung Quốc : Bước Đại nhảy vọt và Nạn đói 1958-1961

Nạn đói tại Trung Quốc 1958-1961
Nạn đói tại Trung Quốc 1958-1961  -DR
Ba mươi sáu triệu người chết vì nạn đói hay bị bạo hành tại Trung Quốc trong suốt 4 năm (1958-1961) là kết quả của một cuộc điều tra tỉ mỉ, do nhà báo Dương Kế Thằng – phó tổng biên tập tờ Trung Hoa thường niên thực hiện.
Nhân dịp tác phẩm của ông mang tựa đề «Những tấm bia. Nạn đói lớn tại Trung Quốc, 1958-1961 », do nhà xuất bản Seuil, tại Pháp phát hành, tuần san Le Nouvel Observateur đã có buổi nói chuyện với tác giả để hiểu rõ mức độ tàn khốc của thảm kịch đó.
Theo tác giả bài viết, vào thời điểm Mao Trạch Đông lên cầm quyền vào năm 1949, đâu đâu cũng thấy những lời tuyên truyền tốt đẹp, đến mức mà tác giả cũng như bao thế hệ thanh niên lúc ấy đều tin rằng : Mao Chủ tịch là một vị thần ; chủ nghĩa cộng sản là thiên đường và phần còn lại của thế giới chỉ là địa ngục. Người ta tin vào huyền thoại đến nỗi mà ông xem cái chết của cha mình chỉ là một nỗi bất hạnh cá nhân. Không ai nghĩ rằng đó là hậu quả của chủ trương tập thể hóa và « Bước Đại nhảy vọt lên phía trước ». Thậm chí, cả bộ máy chính quyền lúc bấy giờ cũng tin tưởng một cách mù quáng vào chính huyền thoại do Mao đề ra, đến mức phải mất một thời gian rất lâu sau để mà đánh giá hết tai biến đó.
Tác giả cho biết, sau này khi đã trở thành nhà báo, ông mới có điều kiện tiếp xúc với các nguồn tài liệu quý và sự kiện Thiên An Môn 1989 xảy ra đã làm sáng tỏ những mối nghi ngờ của ông về Bước Đại nhảy vọt, vốn đã hình thành từ thời Cách Mạnh Văn Hóa về những năm tháng đầy ghê rợn của thảm kịch đó. Theo ông, lẽ ra người ta có tránh được thảm kịch, bởi vì nó xảy ra không phải là vì do chiến tranh, cũng không phải do thảm họa thiên nhiên, nhưng mà là do cả một hệ thống đã dựng lên bằng mọi giá.
Đảng Cộng sản đã hy sinh nông dân
Đối với tác giả, vấn đề là không phải do Mao Trạch Đông có chủ ý bỏ đói người dân, mà là Đảng Cộng sản đã quyết định hy sinh nông dân để thực hiện giấc mơ cường quốc của mình.
Việc trưng thu đất đai nông dân để đưa vào hợp tác xã năm 1958 đã đẩy nông dân vào trạng thái nông nô. Bếp ăn gia đình bị thay thế bằng những khu « nhà ăn tập thể », phó mặc sự sống còn của mỗi cá thể vào tay của vị quan chức nhỏ. Chính phủ trưng thu hầu như toàn bộ thu hoạch để tài trợ cho các dự án lớn, chỉ để lại cho nông dân một phần rất nhỏ, không đáng kể.
Trong khi các kho thóc của chính phủ đầy ắp, các khu nhà ăn tập thể lại bị đóng cửa do thiếu nguồn dự trữ. Hậu quả là nạn đói lớn đã xảy ra. Chính hệ thống chuyên chế đó đã cho phép Mao Trạch Đông triển khai điều không tưởng phi lý và đã để những chính sách sai lầm đó kéo dài bất chấp các tín hiệu báo động.
Đói khát làm cho con người mất nhân tính
Theo nghiên cứu của tác giả, nạn đói trong 4 năm đó thật là kinh khủng. Người ta đói đến mức đến cái vỏ cây cũng ăn, thậm chí là ăn cả xác người. Nhiều gia đình đào bới cả tử thi hay còn có chuyện giết cả người để ăn thịt.
Con người trở nên điên loạn và mất cả nhân tính. Chỉ cần ai đó phản đối việc trưng thu, hay đi mót hạt bắp xanh rơi vãi hay trốn đi ăn xin, là họ bị trừng phạt cho đến chết bằng những chiêu hành hạ rất tàn nhẫn. Trả lời Le Nouvel Observateur, tác giả cho rằng sự tàn bạo đó đã có từ thời cách mạng. Chính sự thù hận đã làm cho con người lúc bấy giờ trở nên điên cuồng, nhất vào những năm 1960. Người ta mất hết cả lý trí đạo đức. Tôn giáo, quan hệ gia đình và tình làng nghĩa xóm, tất cả đã bị phá hủy. Nhiều vị quan chức thương dân thì bị chụp mũ là « hữu khuynh » và bị đánh đến chết. Chính vì thế nhiều vị quan chức hiểu rằng tốt hơn hết họ cứ ra sức làm khổ nông dân.
Mao Trạch Đông là ý chí tối cao
Vấn đề ở chỗ là ngay trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, không ai dám lên tiếng phản đối. Đối với họ, đây không phải là thiếu dũng cảm mà là một sự thấm nhuần tư tưởng chuyên chế do Mao đề ra. Một số người còn tin tưởng Mao một cách mù quáng thậm chí khi đẩy đến chỗ phải tự tử mà vẫn hô to khẩu hiệu : « Chủ tịch Mao muôn năm ! »
Tác giả cho rằng yếu điểm của Mao Trạch Đông là ở chỗ ông rất ghét ý tưởng phát triển từng bước. Cần phải đốt cháy giai đoạn để tiến thẳng lên chủ nghĩa cộng sản, tăng gấp đôi mức sản xuất thép. Nhà nhà sản xuất, rừng cây bị đốn trụi để cung cấp cho các lò rèn gia đình, mà kết quả cuối cùng đạt được là con số không.
Những ai cản trở chủ trương Bước Đại nhảy vọt, như trường hợp ông Đặng Tiểu Bình, hay ông Lưu Thiếu Kỳ, sau này đều bị Mao trả thù trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa. Một cuộc cách mạng mà theo tác giả đánh giá là đã đạt đến đỉnh cao của cơn điên loạn.

Trung Quốc – Mỹ : Hai cường quốc cần phải tiến hành cải cách

Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ là hai cường quốc hàng đầu của thế giới. Chỉ có điều là vị trí đầu bảng Hoa Kỳ sẽ buộc phải nhường lại cho Trung Quốc. Thế nhưng, theo nhận định của tờ The Guardian – tại Luân Đôn, thì cả hai quốc gia cần phải tiến hành nhiều cuộc cải cách quan trọng để giải quyết các bất ổn trong nước. Đặc biệt là Trung Quốc, hiện đang gặp nhiều vấn đề về hệ thống nghiêm trọng, có nguy cơ cùng một lúc làm tăng trưởng chậm và làm chế độ lung lay. Chủ đề này đã được tuần san Courrier International trích dịch lại qua hàng tựa « Hai cường quốc cần phải cải cách ».
Trong cùng một tuần, cả thế giới đều biết đến ai là nhà lãnh đạo tương lai của hai cường quốc. Tuy nhiên, sự trùng hợp đó làm nổi dậy hai câu hỏi : Trong hai cường quốc, nước nào đang đi lên thành cường quốc ? Và tại quốc gia nào, khủng hoảng kinh tế và chính trị là sâu sắc nhất ? Điều nghịch lý xảy ra là câu trả lời cho cả hai câu hỏi đó, chính là Trung Quốc.
Đầu tiên hết, tác giả phân tích đến những sự khác biệt giữa hai cường quốc. Theo tác giả, khác biệt thứ nhất nằm ở chỗ sự minh bạch. Từ 5năm qua, Hoa Kỳ đã rơi vào trạng thái bất ổn. Ai cũng hiểu rõ là những bất ổn đó đến từ đâu. Trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống, mọi chủ đề đều được phơi bày trước công chúng, từ vấn đề nợ công, Quốc hội rơi vào bế tắc, luật thuế dài dằng dặc, cơ sở hạ tầng và trường học bị bỏ rơi, sự lệ thuộc nhiều vào nguồn dầu cung ứng từ nước ngoài và chi phối tài chính trong đời sống chính trị…
Ngược lại, tại Trung Quốc, không ai đánh giá được hết tầm mức quan trọng của các vấn đề, bởi một lẽ đơn giản là truyền thông trong nước không thể nào đề cập đến. Trong một nền tảng chính trị độc đảng, những ván cờ được che dấu dưới những bài diễn văn tư tưởng đã được mã hóa.
Bên cạnh đó, xã hội và kinh tế Trung Quốc phát triển quá nhanh chóng, có thể nói là nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Trong vòng có 30 năm, dân số Trung Quốc đã tăng thêm 480 triệu người. Hơn 50% dân số sống tại các khu đô thị. Với tình trạng đó, xã hội Trung Quốc đang sắp tiến đến gần hiện tượng gọi là « vòng xoáy Lewis » (một thuật ngữ do nhà kinh tế học Arthur Lewis đưa ra), nghĩa là xã hội sẽ ngày càng khan hiếm lượng nhân công giá rẻ đến từ các vùng nông thôn. Vì vậy, Trung Quốc nên quan tâm nhiều đến nhu cầu nội địa hơn, vì họ không thể nào trông chờ vĩnh viễn vào nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ.
Điểm khác biệt thứ hai thể hiện rõ trong cách thức bầu chọn lãnh đạo. Phương thức « Đại cử tri » tại Mỹ không có gì là bí mật. Còn tại Trung Quốc, lãnh đạo Đảng và Nhà nước được bầu chọn theo mô hình hình tháp, từ thấp đến cao. Ví dụ, trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 này, 2270 đại biểu bầu chọn ra 370 thành viên Ủy ban Trung ương Đảng (UBTW). Sau đó, các thành viên trong UBTW lại bầu chọn tiếp 20 vị thành viên trong Bộ chính trị. Cuối cùng, những người này sẽ chọn ra 9 vị (hay như bây giờ là 7 vị) trong Ban thường vụ, những người lãnh đạo chóp bu của Đảng và Nhà nước.
Có điều khác với bầu cử Mỹ, người dân chỉ biết tên người chiến thắng vào giờ chót. Còn tại Trung Quốc, các vị trí chủ chốt vốn đã được phân bổ từ trước thông qua các cuộc mặc cả và các thao túng sau hậu trường.
Cải cách triệt để
Theo tác giả bài viết, mối quan hệ giữa đồng tiền và chính trị là một rào cản có hệ thống, không chỉ ở tại Mỹ mà ngay cả tại Trung Quốc và ngay cả ở những nước Đông Âu.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của tác giả, tại Trung Quốc hơn bất kỳ chỗ nào khác, một cuộc khủng hoảng có thể làm chất xúc tác cho một sự cải cách hoặc là một cuộc cách mạng. Lấy ví dụ nếu là cải cách, theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ không khai thông cho một nền dân chủ theo kiểu phương Tây. Vì quyền lợi quốc gia, Đảng Cộng sản chỉ cần cải cách theo hướng mở rộng Nhà nước Pháp quyền hơn, minh bạch, an sinh xã hội tốt hơn và phát triển bền vững và tôn trọng môi trường hơn.
Cuối cùng, tác giả cho rằng vì quyền lợi chung của cả thế giới, cả hai cường quốc hàng đầu nên tiến hành các cải cách. Các vụ xung đột xảy ra gần đây trong khu vực châu Á – Tháo Bình Dương, giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ mang dáng dấp khiêu chiến đáng ngại đến mức thành sự đối đầu giữa các siêu cường. Tác giả nhắc nhở rằng một quốc gia không hài lòng, mất khả năng giải quyết các vấn đề trong nước thường có xu hướng trút sự giận dữ lên đầu các quốc gia khác.
Quyền lợi hỗ tương cần đạt đến
Cũng liên quan đến chủ đề này, tờ Foreign Policy tại Washington cũng có phân tích, được Courrier International trích dẫn lại qua bài viết đề tựa « Quyền lợi chung cần phải đạt ».
Theo tờ báo, với mô hình lãnh đạo « đồng thuận », trong mười năm qua, Trung Quốc đã không thể nào tiến hành các cải cách chính trị quan trọng, dù rằng nhiều lần thủ tướng Ôn Gia Bảo đã lên tiếng kêu gọi tính khẩn cấp của việc cải cách hệ thống.
Đồng quan điểm với tờ The Guardian, tờ báo Mỹ cũng cho rằng chỉ có khi nào có một cuộc khủng hoảng xảy ra thì lúc đó, nhà lãnh đạo mới mới có đủ bản lĩnh để có thể tiến hành một cuộc cải cách cần thiết nhưng cũng đòi hỏi nhiều hy sinh.
Về mặt kinh tế, tác giả cho rằng Bắc Kinh cần phải xem xét lại từ gốc đến ngọn. Nhận thức được mối nguy hiểm, nên chính quyền do hai ông Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo điều hành buộc phải chấp nhận một chiến lược mới là phát triển nguồn tiêu thụ nội địa, bớt lệ thuộc vào khu vực xuất khẩu và ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến cải tiến hơn và rẻ hơn.
Thế nhưng, theo tác giả, trở ngại lớn nhất chính là lối quản lý theo kiểu cũ đã quá ăn sâu vào trong máu của các nhà lãnh đạo từ phường xã cho đến tỉnh thành. Với kiểu thưởng phạt tùy theo mức đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế nước nhà,  các vị quan chức đã dùng hết quyền hành để phát triển cơ sở hạ tầng và tung ra nhiều dự án tốn kém. Trong ngắn hạn, thì những biện pháp đó cũng thúc đẩy phần nào mức tăng GDP, tạo việc làm cho người dân. Song song với sự phát triển đó, những hành vi trục lợi tại Trung Quốc cũng đã tăng theo.
Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi : tăng trưởng bừa bãi, cơ sở hạ tầng và công nghiệp chế biến phát triển vô tội vạ, tham nhũng ở mọi tầng xã hội, thiệt hại về môi trường vô hạn, bất bình đẳng gia tăng và căng thẳng xã hội ngày càng cao.
Một trở ngại khác cũng không kém phần quan trọng đó là số lượng doanh nghiệp nhà nước khổng lồ, vốn được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính phủ. Các doanh nghiệp đó được thiết kế như là những công cụ do Đảng điều hành và duy trì một mối liên hệ chặt chẽ với gia đình của các vị lãnh đạo cao cấp. Mối liên hệ tiền bạc và quyền lực chính trị đó là một trong những rào cản chính trong chiến lược kinh tế. Đó là chưa nói đến bộ máy công quyền nặng nề như thế thì khó có thể mà áp dụng được cải cách để chống tham nhũng.
Tuy nhiên, tờ báo cũng nhận định rằng một cải cách cơ cấu tại Trung Quốc cũng sẽ phục vụ một phần lớn cho lợi ích của Hoa Kỳ – nghĩa là những hình thức cạnh tranh bất bình đẳng giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại sẽ được thu hẹp lại.
Chính quyền Bắc Kinh sẽ phải mở rộng hơn nữa nền kinh tế, và gia tăng hơn nữa vai trò của nền thị trường và tạo nhiều chỗ hơn nữa cho các nhà đầu tư của Mỹ trong nhiều lãnh vực (như dịch vụ tài chính).
Giúp đỡ Trung Quốc chọn sự tăng trưởng bền vững và ít tàn phá môi trường hơn có thể sẽ giúp cho chính phủ Bắc Kinh tự tin hơn, cởi mở hơn với bên ngoài và tỏ ra có trách nhiệm hơn trong cách ứng xử trên sân khấu quốc tế. Đổi lại, Trung Quốc đầu tư nhiều vào nền kinh tế Mỹ và nắm giữ nhiều công trái của Hoa Kỳ. Do đó, Trung Quốc cũng sẽ có nhiều lợi nếu như Washington làm chủ được nợ công của mình.
Cuối cùng, tờ báo cho rằng quan hệ Mỹ – Trung sẽ bớt căng thẳng hơn nếu như hai quốc gia này cùng nghiêm túc tiến hành các cải cách.
Kinh tế Pháp : quả bom nổ chậm của châu Âu
Về kinh tế, tuần báo Anh The Economist đăng một hàng tít lớn gây sốc trên trang nhất « Nước Pháp : quả bom nổ chậm ngay trong lòng châu Âu ». Với hình ảnh những ổ bánh mì que, được buộc chặt bằng một dải băng mang màu cờ của Pháp, giống như là một bó thanh thuốc nổ, có gắn một ngòi nổ. Tờ báo giải thích vì sao nước Pháp trở thành một mối nguy hiểm lớn nhất cho khối đồng tiền chung châu Âu.
Theo The Economist, cho đến giờ Pháp vẫn có những điểm mạnh, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm lộ rõ những điểm yếu của nền kinh tế đất nước. Từ nhiều năm nay, tính cạnh tranh của Pháp đã mất dần ưu thế so với Đức, là bởi vì quốc gia này đã kịp tiến hành một loạt các chính sách cải cách lớn và cắt giảm các khoản chi tiêu.
Trong khi đó, do không thể phá giá đồng tiền để thúc đẩy tăng trưởng, Paris đã dùng đến chính sách tăng chi tiêu công để hỗ trợ tiêu thụ nội địa. Không như các quốc gia khác trong khối, cố gắng kìm hãm nợ công, chi tiêu công cộng của Pháp đôi khi chiếm đến gần 57% tỷ trọng của GDP, mức cao nhất trong khối liên hiệp châu Âu. Bởi vì, thâm hụt ngân sách đã có từ năm 1981, nợ công đã tăng từ 22% cho đến mức 90% như hiện nay.
Hơn nữa, theo The Economist môi trường kinh doanh và đầu tư tại Pháp ngày càng tồi tệ. Các doanh nghiệp Pháp bị bóp nghẹt bởi các quy định nghiêm ngặt về luật lao động và sản xuất-thị trường, nhất là mức thuế áp cho doanh nghiệp quá cao và các khoản đóng góp cho xã hội mà doanh nghiệp phải trả nặng nhất trong khu vực đồng euro.
Nhìn chung, tờ báo đã chỉ trích khá gay gắt chính phủ do đảng Xã hội cầm quyền, khi lên án họ là thiếu can đảm để tiến hành cải cách. Tờ báo dự đoán rằng « Nước Pháp có thể trở thành một mối nguy hiểm lớn nhất cho khối đồng tiền chung châu Âu. Khủng hoảng có thể sẽ đánh lên nước Pháp vào trong năm tới ».
Không biết là những dự đoán đó sẽ đúng ở mức độ nào, nhưng một điều chắc chắn là những lời chỉ trích gay gắt và có phần khiêu khích đó sẽ không làm cho chính phủ Pháp mấy hài lòng.

Như dòng nước ngược

Cuộc chạy đua, đầy kịch tính vào ghế Tổng thống Hoa Kỳ giữa Barack Obama - Mitt Romney, hai ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã kết thúc. Tổng thống Barack Obama một lần nữa trở thành ông chủ của Nhà trắng thêm 4 năm nữa. Cũng trong cuộc bầu cử này, theo kết quả được công bố: Đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục nắm đa số tại hạ viện, Đảng Dân chủ nắm thượng viện. Những người theo dõi nhóm cử tri gốc Việt mới ngộ ra rằng, các tổ chức chuyên hành nghề chống Cộng đã từng lợi dụng cơ hội cuộc bầu cử này để gây sức ép đối với các ứng cử viên Tổng thống và trở thành nghị sĩ hạ viện, thượng viện chỉ là một trò chính trị rẻ tiền, mình tự lừa dối mình mà thôi.
1- Nhằm lợi dụng cơ hội của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tháng 3-2012, các tổ chức chống Cộng tại Mỹ đã tổ chức cái gọi là “Chiến dịch vận động nhân quyền” rầm rộ tại Oa -sinh-tơn DC. Cuộc vận động nhằm ký tên vào “Thỉnh nguyện thư” để xin được vào Nhà trắng (!)bày tỏ ý nguyện Tổng thống gây sức ép với “chính quyền Cộng sản Hà Nội” thực hiện dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Và vào lúc “Chiến dịch Vận động nhân quyền” đạt đến đỉnh caob, người ta đã tung lên mạng rằng chỉ ứng cử viên nào ủng hộ vấn đề nhân quyền cho Việt Nam mới hy vọng giành được những lá phiếu của cử tri gốc Việt ở Mỹ. Nhiều cử tri có thiện chí với ông Obama đã bắt đầu lo lắng liệu cử tri gốc Việt có bỏ phiếu cho ứng cử viên da màu này nữa không?
Trong nhiều cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử hạ viện, thượng viện trước đây đa số cử tri gốc Việt chống Cộng thường bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa. Thế nhưng kết quả  nhiều cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua ở Mỹ cho thấy, hầu hết những cử tri gốc Việt đã có sự thay đổi về nhận thức trên lĩnh vực này. Tuy đến nay vẫn còn những kẻ muốn chính phủ mới gây “áp lực mạnh hơn với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để cải thiện nhân quyền, phục hồi dân chủ và trả lại tự do cho đồng bào trong nước”, thì tuyệt đại đa số cử tri gốc Việt, nhất là lớp trẻ đã và đang chuyển sang ủng hộ Đảng Dân chủ hoặc giữ quan điểm độc lập. Tiêu chí nhân quyền đã không còn là tiêu chuẩn quan trọng nhất mà là quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia… Đơn giản vì điều này liên quan đến làm ăn, sinh sống thường nhật của mọi người, không kể họ mang quốc tịch gì. Cử tri gốc Việt đã suy nghĩ như thế nào trong cuộc bầu cử này? Ngày nay nhóm cử tri gốc Việt cũng có chung quan điểm như cử tri Mỹ, họ quan tâm nhiều hơn đối với những vấn đề thiết thân của mình tại quốc gia sở tại. Nhiều người nói, họ bỏ phiếu cho những ứng cử viên nào đáp ứng được đời sống người dân, như công ăn việc làm, y tế, giáo dục, bảo tồn văn hóa của cộng đồng, giúp ích cho lợi ích cá nhân, cộng đồng của người Việt tị nạn.
2- Cũng có chung mục đích chớp cơ hội cuộc bầu cử Tổng thống để gây sức ép, mặc cả với ứng cử viên và các fan (người hâm mộ) của hai ứng cử viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, đầu năm nay những lực lượng cực hữu trong Hạ viện Hoa Kỳ trong đó có ông Crít Xmít (Chris Smith), nghị sĩ Cộng hòa tiểu bang Niu Giơ -xi (New Jersey), thành viên cao cấp của ủy ban Đối ngoại Hạ viện, được nhóm người Việt chống Cộng tích cực ủng hộ và tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) đã đệ trình “Dự luật nhân quyền Việt Nam”, có tên là: “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012” (The Vietnam Human Rights Act of 2012). Dự luật đã được Tiểu bang nhân quyền Hạ viện thông qua vào ngày 8-2 và ngày 11-9 đã được Hạ viện thông qua. Liệu Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 có được Thượng viện và Tổng thống thông qua đó vẫn còn là một ẩn số!
Nếu như trước đây nhiều người đã ảo tưởng rằng Hoa Kỳ có thể áp đặt quan điểm nhân quyền của mình cho Việt Nam thì ngày nay người ta có quan điểm cầu thị hơn - thừa nhận sự khác biệt nào đó giữa hai quốc gia trên lĩnh vực này. Những gì mà chính quyền Obama đã làm trước đây để thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam đã được ghi nhận như là một việc làm có trách nhiệm. Có người nói: “Ngay từ đầu khi tranh cử 4 năm trước, ông Obama ủng hộ nhân quyền ở Việt Nam, và ông vẫn làm thế. Mỗi khi đến Việt Nam, Ngoại trưởng Hillary Clinton đều nêu vấn đề nhân quyền”.
 Hơn nữa, với kết quả bầu cử hạ viện và thượng viện: Hai đảng nắm hai viện sẽ làm cho việc thông qua “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012” sẽ không thể đi đến hồi kết như nhóm nghị sĩ cực hữu của Đảng Cộng hòa mong muốn. Theo luật pháp Hoa Kỳ bước tiếp theo, văn bản này sẽ được đệ trình lên thượng viện. Và nếu được thượng viện thông qua, thì cuối cùng Dự luật muốn có hiệu lực, phải được Tổng thống phê chuẩn. Điều này là khó có thể xảy ra nếu Chính phủ mới của Hoa Kỳ vẫn muốn duy trì và phát triển quan hệ với Việt Nam.
Mặc dù hiện nay Việt Nam còn không ít những vấn đề về dân chủ và nhân quyền, như hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, (trong đó có Luật Đất đai); tình trạng phân hóa giàu nghèo có khuynh hướng mở rộng; tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa bị đẩy lùi… nhưng những thành tựu bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước ta là không thể phủ nhận. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Có thể nói, gần 70 năm qua, từ khi dân tộc ta giành được độc lập đến nay, tôn trọng và bảo đảm quyền con người là nội dung xuyên suốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta. Điều này xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng và thể hiện tính nhất quán trong chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nó hoàn toàn không phải xuất phát từ sức ép nào đó từ trong và ngoài nước.
Với Cương lĩnh, đường lối của Đảng, với truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, nhất định các quyền con người của nhân dân ta sẽ được bảo đảm ngày càng tốt hơn.

Phương Anh
(Báo QĐND) 

Những lá thư của Trần Huỳnh Duy Thức gửi từ trong tù ra (2)

Xuân Lộc, 27/02/2011
Kính thưa ba,
Như vậy là ba đã 79 rồi. Phúc nhà mình thật lớn nên ba vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Năm sau con sẽ mừng thượng thọ 80 cho ba. Con chắc rằng ba sẽ sống rất lâu cho con cháu được hạnh phúc và để tận mắt thấy được thành quả từ di sản của ba. Đã hơn 31 năm nhưng con chưa bao giờ quên lời ba dạy vào một chiều tối gần Tết Canh Thân ở khu vườn của dì Bảy. Ba dạy con phải học để trờ thành người tốt giúp ích cho nhiều người. Lời dạy đó luôn là hành trang theo con suốt bao năm qua, giúp con vượt qua mọi chông gai thách thức trong cuộc đời. Những ngày cuối năm Canh Dần vừa rồi con đã suy nghĩ về chặng đường đã qua. Nhiều thành công và không ít thất bại nhưng con vẫn bước về phía trước nhờ lời dạy đó. Càng ngẫm nghĩ con càng thấy nó không chỉ là một hành trang, mà là một di sản có thể truyền mãi về sau cho các thế hệ con cháu chúng ta mà không bao giờ phai giá trị. Nên con đã truyền di sản đó lại cho Trâm và Quân. Con tin rằng điều này không những giúp gia đình ta vượt qua được những khó khăn hiện nay mà sẽ còn làm rạng danh gia tộc. Hơn nữa, con tin vào phúc đức của gia đình mình sẽ hóa giải mọi kiếp nạn. Con chưa bao giờ thấy ba má nghĩ đến việc gì quyền lợi riêng của mình mà làm thấy lợi cho người khác chứ đừng nói là làm điều gì phương hại đến một ai. Dù điều này đã gây thiệt thòi rất nhiều trong cuộc sống nhưng nó lại tích được những phúc đức vô giá cho gia đình ta. Ông ngoại bà ngoại Trâm, Quân cũng vậy, cả đời chẳng bao giờ toan tính lợi mình thiệt người. Nên ba và cả nhà hãy yên tâm, dù trải qua những phong ba vùa rồi con có mất hết tất cả những gì làm được bao năm qua nhưng chỉ cần có di sản gia đình và phúc đức 2 bên nội ngoại thì con sẽ vẫn vượt lên và làm lại hơn những gì đã mất.
Mặt khác, con luôn tin vào những gì mình làm và không bao giờ mất hy vọng ngay trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Con tin những gì con làm sẽ được nhìn nhận theo đúng bản chất của nó. Những gì đã phải trải qua con thấy rất bình thường và gần như tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước. Giống như khoán 10 hay kinh tế thị trường trước dây vậy thôi, lúc khởi đầu những cách làm này đâu có được đánh giá đúng nên những người đi đầu đã phải chịu rất nhiều thiêt thòi. Nhưng thiệt thòi đó quá nhỏ so với những thành tựu nó tạo ra cho đất nước như hôm nay. Sự vận động bình thường của xã hội là như vậy, có rất nhiều ý kiến khách nhau, trái ngược nhau nhưng cái nào hợp với qui luật tất yếu sẽ được nhìn nhận cho dù đó không phải là 1 quá trình dễ dàng. Con không hối tiếc những gì mình đã làm và cũng không oán thán những gì con phải chịu đựng. Ngược lại con càng tấy tin tưởng sau đại hội XI. Báo cáo của BCHTW khóa X tại đại hội đánh giá rằng công tác đấu tranh chống diễn biến hòa bình chưa sắc bén; những phát biểu gần đây của các lãnh đạo cho thấy quan điểm về diễn biến hòa bình đang đi gần đến bản chất của nó. Một sự nhìn nhận đúng chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng sẽ không quá lâu nữa. Ủy viên BCT Tô Huy Rứa đã có đề cập tích cực đến “Con đường Việt Nam” trong buổi gặp báo chí đầu xuân được VTV đưa tin trong chương trình thời dự 19h00 ngày 9/2/2011. Những diễn biến gần đây trên thế giới cho thấy những gì con cảnh báo đã và đang xảy ra rồi. Nhưng con tin đất nước mình sẽ tránh được. Và đó chính là mong ước của con và vì đó mà con dấn thân. Vì đó mà gia đình phải vất vả. Xin ba và cả nhà hãy hiểu và tha lỗi cho con.
Ba kính yêu, con biết ba rất yêu thương con, tự hào về con. Nhưng ba không đồng tình với không ít những quan điểm và việc làm của con. Từ lúc con xa nhà đến giờ, đây là điều con băn khoăn nhất. Hồi còn ở B34, những lần đầu gặp Tân mà không có ba con đều hỏi “ba có giận anh không?”. Dù con cho rằng ý kiến trái ngược nhau trong gia đình là bình thường (nhưng con xin lỗi ba vì cách mà con thể hiện, con hứa sẽ không như vậy nữa), không phải là điều con băn khoăn. Mà con lo ba nghĩ con đã quên lời dạy, không làm việc có ích. Con mong qua thư này ba sẽ hiểu con nhiều hơn và tin rằng con không bao giờ làm khác với đạo đức gia đình. Những quan điểm khác nhau vẫn có thể cùng hướng đến một mục đích, một lý tưởng. Cho dù con có suy nghĩ không giống ba nhưng con khẳng định rằng chúng luôn hướng tới những điều tốt đẹp mà ba mong muốn. Nếu ba hiểu cho con như vậy thì con sẽ rất hạnh phúc và an lòng. Ba hãy tin rằng rằng con vẫn âm thầm thực hiện những điều ba mong ước, từ những chuyện nhỏ nhất. Chắc là ba không còn nhớ đâu, mùa Wold cup 1986 (Mexico) ba đang say sưa xem các trận cầu trên chiếc TV đen trắng cũ thì buộc miệng nói rằng giá như xem TV màu thì hứng thú biết mấy.Lúc đó con không nói gì với ba nhưng con đã tự hứa rằng ba phải được xem USA 90 bằng TV màu. Những đồng tiền đầu tiên con kiếm được sau khi ra trường cuối năm 1989 được dùng để mua chiếc TV màu đầu tiên về nhà. Và con đã được thưởng xứng đáng: ánh mắt vui sướng, hạnh phúc của ba tràn ngập của ba khi xem những trận bóng đá. Con ở nhà vẫn ít nói và không thích biểu hiện, giờ con thấy đây chính là thiếu sót. Đáng lẽ con phải trao đổi nhiều hơn để ba và cn nhiểu nhau hơn. Trướ đây con nghĩ rằng rồi cuối cùng ba sẽ hiểu cho con. Nhưng giờ con thấy tránh hiểu lầm là điều rất cần thiết. Con hứa sẽ thay đổi. Và con rất mong được ba hiểu và chấp nhận những sự khác biệt. Thật khó để những lứa tuổi khác nhau, thế hệ khác nhau có cùng suy nghĩ và cách làm như nhau. Nhưng con hoàn toàn có thể đạt được những gì ba cũng mong muốn bằng cách của con, phù hợp với lứa tuổi và thế hệ của con. Làm được những gì cha mẹ mong ước mà chưa làm được là cách báo hiếu con thấy có ý nghĩa nhất. Đó là điều con luôn tâm nguyện để làm sao ba má 2 bên thấy được thành quả từ di sản và đạo đức của gia đình để lại. Từ nhỏ ba đã để con để tự quyết định các vấn đề của mình ngay cả những quyết định đó có khác với ý ba. Còn bây giờ con mong ba hiểu rằng cho dù những khác biệt đó có lớn tới mức nào đi nữa thì nó vẫn dẫn tới những điều mà ba mong muốn. Con cũng vậy. Con biết ba luôn chấp nhận con, nhưng con sợ ba buồn vì nghĩ con đi ngược lại lý tưởng mà ba theo đuổi. Con luôn kính yêu ba, tôn trọng và thực hiện ước nguyện của ba.
Nhìn ba vẫn khỏe mạnh con thật vui. Nhưng ba đừng chủ quan, ba phải luôn giữ gìn sức khỏe nha! Má Long ỷ y đi xe suốt ngoài đường, hôm rồi bị ngã lúc đang cầm lái, phải vào bệnh viện. Long buồn và lo lắng lắm. Ở trong này không có gì làm tụi con lo buồn hơn chuyện sức khỏe của gia đình cả. Con mong ba bớt đi lại, dành thời gian cho nghỉ ngơi và nghiên cứu gia phả. Ba nên sắp xếp đi với Tân gặp bà cô tổ. Con không biết bây giờ có thể nhờ hộ tịch ở Tiền Giang tra cứu lại gốc tích của tên ông nội Trần Văn Thường và Trần Thị Thúy Thanh của bà cô ở Mỹ Tho xưa được không. Con nghĩ ba nên thử xem sao, có khi mình lại gặp may ba à. Còn lúc nào ba thu xếp được thì ba ghé thăm mẹ anh Long luôn nhen, con nghe nói cô ấy yếu và hơi bi quan. Sự thăm hỏi, chia sẽ, động viên của mọi người sẽ làm tinh thần cô ấy tốt hơn.
Con tạm biệt ba ở đây nha. Mong ba luôn sống vui, khỏe.
Con Thức
TB: Tân ơi, 8/3 này kéo chi Thoa, An, Trâm, Quân, Quỳnh Yến về thăm bà nội rồi bao cả nhà một chầu giùm anh nhá.

Trần Huỳnh Duy Thức
(Con Đường Việt Nam) 

Hoa Kỳ: ‘Đồng minh là nền tảng trong nỗ lực tái cần bằng tại châu Á’

Bangkok, Thái Lan – Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã hạ cánh xuống thủ đô Thái Lan, một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ, trong một chuyến đi cấp tốc đến châu Á. Chuyến đi này sẽ bao gồm cuộc gặp gỡ cấp cao với lãnh đạo Miến Điện và sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một tổng thống Hoa Kỳ đến nước này.

Tổng thống Obama bước ra Air Force One tại Sân bay Quốc tế Don Mueang ở Bangkok, Thái Lan hôm 18 tháng 11, 2012. Ảnh: AP/Carolyn Kaster
Chuyến đi của ông sẽ kết thúc ở Campuchia, nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, một diễn đàn mà Hoa Kỳ sử dụng để đẩy mạnh sự ảnh hưởng của họ trong khu vực.
Tổng thống Obama sẽ có mặt ở khu vực châu Á chỉ vỏn vẹn ba ngày, tranh thủ thời gian giữa các cuộc đàm phán Quốc hội về ngân sách vào hôm thứ Sáu và ngày nghỉ truyền thống trước Lễ Tạ Ơn vào ngày thứ Tư tới đây.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết rằng chuyến đi này rất quan trọng đối với nỗ lực của ông Obama nhằm tách khỏi sự chú ý từ Trung Đông sang trục châu Á, nơi mà tổng thống đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng của lực lượng quân sự Hoa Kỳ, cũng như ảnh hưởng kinh tế và chính trị – một phần nhằm đối trọng lại với sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhưng ngay cả khi ông công du đến châu Á thì mặt khác ông phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, giữa lúc bạo lực vẫn tiếp tục diễn ra giữa Israel và Hamas.
Tại Thái Lan, ông Obama đã được chào đón bằng thảm đỏ bởi các quan chức Thái Lan, từ cửa máy bay Air Force One đến đoàn xe của ông ở gần bên cạnh. Sau đó, ông cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thăm di tích lịch sử mang tính biểu tượng tôn giáo, Tu viện Hoàng gia Wat Pho.
Ông Obama cũng sẽ đến thăm Vua Bhumibol Adulyadej và gặp gỡ với Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh lại mối quan hệ lâu dài với Thái Lan, nhằm gửi một thông điệp tới các nước còn lại trong khu vực rằng: Vẫn có nhiều giá trị trong việc quan hệ với Hoa Kỳ.
“Đồng minh là nền tảng trong nỗ lực tái cân bằng của chúng tôi ở châu Á”, Ben Rhodes, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, cho phóng viên biết trên đường đến châu Á.
Thứ Hai này, ông Obama sẽ đến Myanmar, nước mà trong 18 tháng qua đã trải qua nhiều chuyển đổi từ các lãnh đạo quân sự tàn bạo sang nền dân chủ – vày chuyến thăm này nhằm tiếp tục khuyến khích các thay đổi cần thiết. Ông Obama có thể sẽ công bố thêm các viện trợ cho Miến Điện.
“Chúng tôi thấy tiềm năng to lớn trong mối quan hệ đó [Hoa Kỳ - Miến Điện], cả về những gì Hoa Kỳ có thể làm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ tại Miến Điện, nhưng cũng hiểu rằng Miến Điện là một nước quan trọng nằm trong một khu vực quan trọng, và có thể trở thành một đối tác của Hoa Kỳ theo cách mà mang lại những lợi ích rộng lớn hơn”, ông Rhodes nói. Hoa Kỳ đề cập đến tên đất nước là “Burma” vì họ chưa bao giờ công nhận chế độ độc tài quân sự đã đổi tên nước này sang Myanmar. Trước chuyến đi, các quan chức Hoa Kỳ cho biết họ không có kế hoạch thay đổi cách tiếp cận đó.
Một số tổ chức nhân quyền quốc tế nói rằng chính phủ Thein Sein cần phải làm nhiều hơn nữa để chứng minh sự thành thật trước chuyến viếng thăm của tổng thống. Họ chỉ trích những bạo lực sắc tộc dữ dội chống lại các nhóm thiểu số người Hồi giáo, tiếp tục bỏ tù các đối thủ chính trị và việc hiến pháp Miến Điện giữ 25% số ghế cho các thành viên quân đội trong quốc hội.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (trái) và Tổng thống Obama (phải) duyệt binh danh dự tại Bangkok, Thái Lan ngày 18 tháng 11, 2012. Ảnh: European Press Photo Agency
“Chuyến viếng thăm Miến Điện làm được rất nhiều điều: làm nên lịch sử, thúc đẩy cải cách, và đối trọng lại với Trung Quốc. Nhưng có một điều mà họ không làm là đưa ra các chiến lược thúc đẩy quyền con người”, John Sifton thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền [Human Rights Watch] nói. “Và đây là lý do tại sao chủ đề này rất quan trọng, tổng thống ít nhất cần đảm bảo để nhắc đến một số chủ đề này, chẳng hạn như việc trả tự do cho các tù nhân chính trị. Nếu không thể làm được thì chuyến thăm sẽ hoàn toàn là một mất mát rất lớn”.
Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng những bước tiến trong thời gian qua như gửi Ngoại trưởng Clinton đến Miến Điện, bổ nhiệm đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ trong 22 năm và nới lỏng các trừng phạt kinh tế – đã được đáp ứng cùng với các cải cách sâu rộng. Họ [lãnh đạo Miến Điện] cũng mong đợi nhiều từ chuyến thăm của Tổng thống Obama, trong đó sẽ bao gồm một bài diễn văn gửi đến nhân dân tại đây và thăm các nhà hoạt động dân chủ cũng như gặp gỡ lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi tại nhà bà, nơi bà từng bị quản thúc tại gia trong 15 năm.
Nhà Trắng cho biết thông điệp của ông Obama là tiếp tục kêu gọi nước này cải cách thêm nữa. “Đây là một thời điểm quan trọng mà chúng tôi tin rằng các lãnh đạo Miến Điện đã đi trên con đường đúng đắn, và quan trọng hơn nữa là chúng tôi không bỏ lỡ khoảnh khắc này để tiếp tục thúc giục họ tiếp tục thay đổi. Chúng tôi muốn làm cho tiến trình này không thể đảo ngược”, Danny Russel – Giám đốc Cấp cao về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết.
Các bước tiến của Miến Điện trong việc cải thiện mối quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia khác được xem như một thách thức đối với mối quan hệ mạnh mẽ truyền thống với Trung Quốc trong khu vực này. Tuy nhiên, trước chuyến thăm, một quan chức cấp cao Trung Quốc cho báo chí nước ngoài biết rằng Trung Quốc không nghĩ chuyến đi của ông Obama là mối đe dọa đối với họ.
“Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ không có ý đến đây để đe dọa Trung Quốc, và Trung Quốc cũng không có ý định để đặt ra các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ”, Thứ trưởng Ngoại giao Fu Ying cho biết hôm thứ Bảy.
Chuyến đi của ông Obama sẽ kết thúc ở Campuchia, một quốc gia khác với các hồ sơ nhân quyền đầy phức tạp. Nhà Trắng cho biết ông Obama không sẽ thăm nước này hoặc gặp gỡ với Thủ tướng Hun Sen, nếu Campuchia không phải là nước chủ nhà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và tổ chức cuộc họp Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.
Một làn sóng ngầm được cho biết là Hoa Kỳ đã nỗ lực ủng hộ các các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực để sử dụng diễn đàn đa phương này nhằm thiết lập một bộ quy tắc ứng xử đối với vấn đề  tranh chấp Biển Đông. Hơn một nửa tổng số thương mại thế giới đi qua vùng biển này, nơi mà Trung Quốc lên tiếng tuyên bố chủ quyền bao gồm hầu như tất cả diện tích và tranh chấp với các nước nhỏ hơn như Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Hoa Kỳ cho biết họ giữ thế trung lập đối với các tranh chấp nhưng muốn đảm bảo tự do đối với các tuyến đường vận chuyển. Trung Quốc đã từng lên tiếng rằng tranh chấp nên được giải quyết thông qua đàm phán song phương với các nước láng giềng nhỏ hơn, trong khi đó Hoa Kỳ ủng hộ cách giải quyết mang tầm vóc khu vực. Thực tế thì cơ hội giải quyết vấn đề này tại Hội nghị Thượng đỉnh có vẻ rất mỏng manh, đặc biệt giữa lúc Trung Quốc đang trải qua một quá trình chuyển đổi lãnh đạo. Bắc Kinh có thể cảm thấy rằng họ cần thiết phải tiếp tục chính sách mà nước họ đã đề ra liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Carlos Tejada và Enda Curran đã đóng góp thêm các chi tiết trong bài viết này.

Laura Meckler, WSJ

Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© Bản tiếng Việt  TCPT 

Long An: Tuyển nhầm 8 “con nghiện” con các lãnh đạo vào công an

Hình minh họa
Trong số các “con nghiện” vừa bị Công an tỉnh Long an loại ngũ trước khi được đưa về một số đơn vị, địa phương công tác này, có con út của 1 lãnh đạo công an tỉnh, con của lãnh đạo công an 1 huyện, 2 con của đội trưởng nghiệp vụ công an tỉnh, cùng con của lãnh đạo một số ngành khác…
Ngày 18-11, nguồn tin từ Công an Long An xác nhận, giám đốc công an tỉnh này đã ký quyết định loại ngũ 8 chiến sĩ nghĩa vụ công an chuẩn bị ra trường, do phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy khi đang tập trung học ở trung tâm.
Theo quy trình tuyển chọn vào lực lượng nghĩa vụ công an, tất cả các khâu kiểm tra, khám sức khỏe, xét nghiệm nước tiểu đều do bệnh xá Công an tỉnh Long An trực tiếp thực hiện. Thế nhưng, không biết bằng cách nào, 8 trường hợp này đã "lọt sổ" để nhận quyết định vào học tập  trung 3 tháng (từ tháng 9-2012), chuẩn bị được đưa về công an một số đơn vị, địa phương công tác.
Điều khá bất ngờ là trong số các “con nghiện” này có con út của 1 lãnh đạo công an tỉnh, con của lãnh đạo công an 1 huyện, 2 con của đội trưởng nghiệp vụ công an tỉnh, cùng con của lãnh đạo một số ngành khác…
Nguồn tin cũng cho biết để không bị phát giác, một số chiến sĩ này đã lấy mẫu nước tiểu của thanh niên khác thay thế nên bệnh xá không biết.

H.Minh
(NLĐO) 

Lần đầu tiên người Việt nam làm Tổng thư ký ASEAN

Việt Nam sẽ chính thức có đại diện làm Tổng thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017, kế nhiệm ông Surin Pitsuwan kết thúc nhiệm kỳ cuối năm nay.
Theo chương trình nghị sự, tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21 (18-20/11) diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia, các nhà lãnh đạo cấp cao của ASEAN sẽ chính thức xem xét chuẩn y đề cử Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh làm Tổng thư ký (TTK) ASEAN nhiệm kỳ 2013-2017.
Ông Lê Lương Minh là đề cử duy nhất cho vị trí trên, được các Ngoại trưởng ASEAN nhất trí ủng hộ tại hội nghị AMM45 hồi tháng 7 vừa qua, một điều kiện chắc chắn để các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN chuẩn y.
VietNamNet trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về vai trò ngoại giao mới tại ASEAN của Thứ trưởng Lê Lương Minh:
Thưa Bộ trưởng, ông Lê Lương Minh đã được đề cử theo nguyên tắc của ASEAN như thế nào?
Theo nguyên tắc của ASEAN, vị trí TTK ASEAN được đề cử luân phiên giữa 10 nước thành viên. Nhiệm kỳ của vị trí này kéo dài 5 năm. Như vậy, sau Thái Lan, đến lượt Việt Nam đề cử đại diện ra làm TTK ASEAN và quyết định cử Thứ trưởng Lê Lương Minh. Sau khi được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN chuẩn y đề cử, ông Minh sẽ chính thức nhận nhiệm vụ mới từ ngày 1/1/2013.
Như vậy, căn cứ tiến trình lịch sử hình thành khu vực cũng như quá trình Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện chính thức làm TTK ASEAN, thưa Bộ trưởng?
Đúng vậy. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện là TTK ASEAN. Nếu theo nguyên tắc luân phiên, 50 năm nữa Việt Nam mới lại có đại diện được bầu vào vị trí này.
Xin nói thêm, ngoài vị trí TTK, còn 4 vị trí phó TTK ASEAN. 2 người trong số đó sẽ được bầu theo nguyên tắc luân phiên, 2 người còn lại bầu trên cơ sở ứng cử cạnh tranh năng lực mở rộng cho tất cả các nước thành viên nhưng cũng theo nguyên tắc 4 phó TTK không được có 2 người cùng một nước. Và nếu TTK ASEAN là người của nước nào thì phó TTK không phải là người nước đó.

Đại sứ Lê Lương Minh (trái) và Tổng thư k‎‎ý LHQ Ban Ki-Moon
Các quan sát cho rằng ông Lê Lương Minh thực hiện vai trò ngoại giao mới vào một thời điểm quan trọng, nhiều thách thức của ASEAN, hiểu nôm na đó không phải là một giai đoạn có nhiều hoa hồng. Ông có chia sẻ gì về những thử thách của giai đoạn này?
Có thể nói, những gì Việt Nam tạo dựng trong ASEAN đã tạo cho chúng ta một vị thế để các nước thành viên tin cậy, tin tưởng khi thực hiện vai trò đại diện làm TTK ASEAN.
Tôi tin Việt Nam có đủ khả năng đảm nhiệm vị trí này, đặc biệt như bạn nói, ASEAN đang đứng trước một thời điểm quan trọng. Đó là ASEAN sẽ trở thành một Cộng đồng chung vào năm 2015, vì thế vai trò của TTK ASEAN rất quan trọng.
Tôi tin vào bản lĩnh, năng lực, kinh nghiệm ngoại giao đa phương hơn 30 năm của Thứ trưởng Lê Lương Minh, đặc biệt khi ông đã đảm nhiệm qua các công việc ngoại giao đa phương tại LHQ 7 năm qua, trong đó có những vấn đề lớn của quốc tế như duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các vấn đề xung đột ở các khu vực.
Dư luận quan sát cũng cho rằng sau ông Surin Pitsuwan, lựa chọn ông Lê Lương Minh kế nhiệm dường như là một sự lựa chọn sành sỏi của ASEAN khi ông Minh, với cương vị ngoại giao của Việt Nam tại LHQ, không chỉ tích lũy nhiều quan hệ mà còn cả những kinh nghiệm ứng xử, đặc biệt với các nước lớn. Mà ASEAN đang trở thành khu vực trung tâm ở châu Á - Thái Bình Dương với sự quan tâm đặc biệt của các nước lớn. Ý kiến của Bộ trưởng?
Góc quan sát đó cho thấy cái nhìn tốt về kinh nghiệm ngoại giao đa phương của ông Minh. Việt Nam đề cử ông Minh làm TTK ASEAN cũng chính bởi ông là nhà ngoại giao có kinh nghiệm ngoại giao đa phương lâu năm.
Trong đó, ông từng đảm nhiệm Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ ở New York 7 năm. Khi Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) 2008-2009, ông cũng đảm nhiệm vị trí đại diện của Việt Nam tại HĐBA LHQ, Việt Nam cũng từng có hai lần trong nhiệm kỳ làm Chủ tịch HĐBA LHQ.
Trước đó, ông từng làm ở phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy sĩ)… Ở những vị trí này, ông Minh từng trải qua những công việc, trao đổi phối hợp các nước lớn, các nước có vị trí quan trọng để tìm ra giải pháp cho những vấn đề khu vực, quốc tế.
Trong bối cảnh những vấn đề khu vực nổi lên, có ý kiến cho rằng, vai trò ngoại giao mới của Thứ trưởng Lê Lương Minh cũng là một thuận lợi để Việt Nam tranh thủ trong các vấn đề đối ngoại của đất nước?
Đã làm TTK ASEAN, tức trong vai trò viên chức quốc tế, ông Minh phải bảo đảm công việc, những lợi ích chung của các nước ASEAN. Lúc đó, ông là đại diện của ban thư ký ASEAN, tức là đại diện của 10 nước, không phải là đại diện riêng của Việt Nam trong ban thư ký ASEAN, cũng không phải là TTK ASEAN là của người Việt Nam. Với tư cách đó, ông phải là quan chức ngoại giao quốc tế, khu vực.
Rõ ràng, TTK của bất cứ nước nào bao giờ cũng có những vấn đề liên quan lợi ích, những vấn đề chính trị đối ngoại của quốc gia. Nhưng trên hết, ông Minh vẫn phải đảm bảo vai trò là một TTK của ASEAN.
Ông Lê Lương Minh sinh năm 1952, làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 12/2008.
Ông từng làm Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương Bộ Ngoại giao, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Văn phòng LHQ và các tổ chức quốc tế khác tại Genève.

Nguồn: Xuân Linh
(VNN) 

15 tỉ USD bất động trong vàng?

Vàng vẫn được nhiều người dân tích trữ.
Vài tháng trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị tờ Global Finance (Tài chính Toàn cầu) đưa vào danh sách 10 thống đốc yếu kém nhất thế giới.
Xem chất vấn tại Quốc hội mấy ngày vừa qua, tôi thấy Thống đốc Nguyễn Văn Bình là người trả lời chất vấn trúng nhất, khúc chiết nhất và rõ ràng nhất trong số các quan chức bị chất vấn, tất nhiên phải bỏ ra ngoài các câu trả lời của các quan chức vài tình tiết khôi hài như “nửa giải Nobel” hay “có câu trả lời rồi, nhưng để ở nhà” v.v…
Trong cuộc chất vấn thống đốc có rất nhiều câu hỏi đã liên quan đến vàng. Trả lời của thống đốc là rất rành mạch và rõ. Vàng không là hàng hóa thiết yếu. Không cần liên thông với quốc tế. Cũng chẳng cần bình ổn giá vàng. Chính vì muốn liên thông với quốc tế và muốn bình ổn giá vàng nên đã tạo khuyến khích cho đầu cơ vàng, cho vàng hóa nền kinh tế, cho nhập lậu và xuất lậu vàng (dưới nhiều danh nghĩa) gây mất ổn định tỉ giá, góp phần đẩy lạm phát lên v.v... Hoàn toàn đúng!
Giá vàng chênh nhiều so với giá thế giới (chênh khoảng 3 triệu đồng/lượng) chủ yếu là do các ngân hàng thương mại đã huy động vàng của dân, đã bán ra để lấy tiền đồng cho vay với lãi suất cao và nay phải mua vàng trong dân để trả cho người gửi. Ngân hàng Nhà nước không cho nhập khẩu, các ngân hàng phải mua nhiều vàng để trả cho dân, cầu về vàng tăng, cung thì không và giá tăng là điều dễ hiểu. Các nhà đầu cơ vàng trước đây đã trúng lớn, nay họ phải chịu thiệt cũng là chuyện bình thường trong kinh doanh. Tôi hoàn hoàn ủng hộ chính sách quản lý kinh doanh vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước và những kết quả như thống đốc trình bày là rõ. Có lẽ một năm sau sẽ còn ít câu hỏi, bức xúc về vàng so với thời gian quá độ này.
Tuy nhiên, vẫn phải tranh luận thêm về vài câu trả lời của thống đốc.
Mua vàng của người này để trả cho người khác thì tổng số vàng trong tay nhân dân không giảm đi hay tăng lên; tức là không “huy động” được một tí vàng nào để biến thành vốn kinh doanh qua các giao dịch này cả. Thế nhưng, ông thống đốc lại bảo các đại biểu Quốc hội rằng trong 6 tháng qua, các ngân hàng đã mua được 60 tấn vàng (tương đương 63 ngàn tỉ đồng) từ dân cư và coi đấy là thành tích “huy động” vàng để biến thành vốn. Đúng là các ngân hàng đã phải “bơm ra” khoảng 63 ngàn tỉ đồng để trả cho những người bán vàng và họ có thể sử dụng (một phần) số tiền đó vào hoạt động kinh tế, số vàng trong dân không thay đổi với các giao dịch mua để trả này của các ngân hàng thương mại. Nói cách khác, chẳng có “thành tích” huy động vốn “nằm chết” trong vàng nào cả.
Mà có đúng là vốn nằm chết, nằm bất động trong vàng (lên đến 15 tỉ USD) và cần phải huy động hay không?
Thống đốc đã trả lời rõ ràng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước quyết định không “huy động” vàng trong dân như trước kia đã khuyến khích (dân gửi vàng cho Ngân hàng Nhà nước như gửi tiết kiệm). Rồi Ngân hàng Nhà nước đã giải thích lại và thống đốc cũng khẳng định lại trong phiên chất vấn: Ngân hàng Nhà nước “huy động” theo cách mua vàng của dân. Để chữa cái sai trước kia thì cách nói “huy động” qua mua như vậy cũng được, nhưng tốt nhất là bỏ từ “huy động” ấy đi, mà chỉ dùng từ mua hay bán mà thôi. Đấy là cách làm đúng.
Làm như thế, hay như cách Ngân hàng Nhà nước đã làm trong 1 năm qua cũng chẳng phải là “bóp chết” thị trường vàng như chuyên gia- Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch đã chất vấn thống đốc. Chẳng nên sợ chuyên gia hay các đại biểu Quốc hội có thể do chưa hiểu nên dùng từ ngữ gay gắt mà phải làm mềm câu trả lời của mình đi. Chính vì thế, tôi nghĩ thống đốc nên bỏ hẳn từ “huy động vàng” khỏi tư duy của mình, dẫu Nghị định 24 vẫn bỏ ngỏ khả năng ấy.
Hệ thống bảo hiểm- nhất là bảo hiểm xã hội của chúng ta còn yếu kém. Người dân còn bất an. Và nhu cầu trữ vàng vẫn có do vàng bền lâu và có tính thanh khoản cao (dễ đổi ra tiền mặt) dưới bất cứ chế độ nào. Kinh tế ổn định, xã hội dân chủ văn minh, bất trắc giảm, người dân cảm thấy an tâm, tin vào sức mạnh của đồng tiền Việt Nam, thì nhu cầu dùng vàng làm của phòng thân sẽ giảm đi.
Để giúp bạn đọc hiểu dễ hơn, hãy xét trường hợp bất động sản. Tổng giá trị của các bất động sản ở các nước đang phát triển thường bằng 6 đến 7 lần tổng tín dụng. Tương tự với vàng, cũng nên hỏi sao không huy động số vốn khổng lồ đó cho hoạt động kinh tế? Tại Việt Nam, người ta dùng bất động sản để làm tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng để kinh doanh (đủ loại chứ không chỉ kinh doanh bất động sản). Tổng số khoản vay có tài sản thế chấp bằng bất động sản là khoảng 57% của tổng dư nợ. Số bất động sản này đã được dùng để tạo vốn kinh doanh, song số bất động sản còn lại là nhiều gấp bội.
Tất nhiên, người sở hữu vàng dễ hơn người có bất động sản, vì vàng dễ bán hơn và cũng dễ được chấp nhận làm tài sản thế chấp hơn.
Chính vì thế, hãy bỏ khái niệm “huy động vàng” đi và nói 15 tỉ USD “bất động”, “nằm chết” trong vàng là không đúng.

Nguyễn Quang A
(Lao động)  

Bộ mặt thật của nhà dân chủ cuội Lê Nguyên Hồng

lê nguyên hồng
Lê Nguyên Hồng
  • Kính gửi quý báo.
 Gần đây trên mạng lề trái, người ta thấy xuất hiện các bài viết của một nhà dân chủ chống cộng có tên là Lê Nguyên Hồng đăng trên blog của mình.  Qua tìm hiểu các thông tin trên mạng và được sự cung cấp các tài liệu lưu trữ của các phóng viên chuyên mảng nội chính trong tỉnh Yên bái. Ghép nối các sự kiện đã cho chúng ta thấy bộ mặt thật của Lê Nguyên Hồng, một kẻ đang khoác cái vỏ bọc tỵ nạn chính trị tại Thái lan từ hơn 4 năm gần đây. Trên thực tế, Lê Nguyên Hồng là một bị can, đang bị truy nã do hành vi cưỡng hiếp trẻ em dưới 13 tuổi.

Xin gửi quý báo bài viết để  đăng tải nếu được. Tôi xin cảm ơn quý báo.


T.A (Yên bái)
*
Được biết Lê nguyên Hồng, sinh ngày 01/05/1962 (tuổi chính xác) tại Thịnh Hưng, Yên Bình, Yên Bái (ViệtNam), có số chứng minh nhân dân: 060540948 do CA tỉnh Hoàng Liên Sơn  cấp (nay tách ra là tỉnh Lào cai và Yên bái). Lê nguyên Hồng đã từng phạm tội giao cấu với trẻ em vị thành niên, sau đó bỏ trốn và đã bị truy nã theo quyết định số 0481/CAYB -TN của cơ quan điều tra tỉnh Yên bái đầu năm 2007. Trước đó, vào khoảng năm 2000,  Lê nguyên Hồng là cán bộ công an huyện Yên bình, tỉnh Yên bái bị kỷ luật tước quân tịch đuổi ra khỏi ngành vì tội tham ô tài sản là tang vật của các vụ án lưu gửi trong kho vật chứng. Ra khỏi ngành, xong vẫn chứng nào tật ấy Lê nguyên Hồng vốn là một kẻ tham tiền, dám làm bất cứ việc gì để thỏa mãn cơn khát tiền. Và gã đã từng tham gia các vụ án buôn bán chất ma túy và đã trở thành một kẻ nghiện ma túy rất nặng. 
Điều đó, cũng chính là lý do vì sao năm 2003, cô Hà Hồng Nga, giáo viên dạy môn Vật Lý của trường phổ thông trung học Trần Nhật Duật Yên Bình, Yên Bái là vợ của gã đã làm đơn xin ly dị do không chịu nổi sự sa đọa, biến chất và hai bên đã thuận tình ly hôn ngày 18/1/2004 tại Tòa án nhân dân huyện Yên bình.

Lệnh truy nã bị can Lê Nguyên Hồng đăng trên báo Pháp luật TP. HCM
Sau thời gian kể trên, do bất mãn nên Lê nguyên Hồng đã ra nhập lực lượng dân oan với vai trò chống nạn tham nhũng trầm trọng tại Việt Nam, sự xuống cấp của đạo đức cán bộ nhà nước, đặc biệt là những hành động cướp ngày trắng trơn của cảnh sát giao thông đối với người dân, mà gã cũng tự nhận là một nạn nhân. Không những thế Lê Nguyên Hồng còn là một con yêu râu xanh, vào năm 2006 Lê Nguyên Hồng đã phạm tội giao cấu với cháu Hoàng Bích Nụ sinh năm 1994 là con gái một người bạn. Với thủ đoạn kể chuyện cổ tích cho cháu Nụ nghe, rồi mua kẹo để dỗ dành cháu Nụ để tiến hành hành động đồi bại với cháu bé khi đó mới hơn mười tuổi. Đến khi sự việc bị bại lộ, Lê Nguyên Hồng đã chấp nhạn đền bù cho gia đình cháu Nụ 20 triệu để được tha tội. Và khi chưa trả hết tiền bồi thường, vì xấu hổ với bà con xóm giềng nên buộc Lê Nguyên Hồng phải thu xếp âm thầm chạy vào Sài Gòn sinh sống dưới một cái tên giả và mở hàng cơm bụi tại số 65 Tuy Lý Vương Phường 12 quận 8. Sau đó do Lê Nguyên Hồng không thực hiện đúng như cam kết, gia đình cháu Nụ đã tiến hành trình báo công an. Biết tội danh của mình sẽ phải chịu một hình phạt nặng, do đó Lê Nguyên Hồnng nảy ý định sẽ trốn ra nước ngoài dưới dạng tỵ nạn chính tri. 
Do đó vào năm 2008, gã tìm cách liên hệ với nhà dân chủ kỹ sư Đỗ Nam Hải - Thành viên ban điều hành Khối 8406, và xin gia nhập tổ chức này. Tuy nhiên, do đó chỉ là một cái cớ để xin tỵ nạn chính trị, nếu khi trốn ra nước ngoài thành công nên việc này mới chỉ mang tính hình thức, không có bất kỳ văn bản nào xác nhận của Khối 8406. Đến giữa năm 2008, từ TP HCM Lê Nguyên Hồng đã trốn sang Campuchia xin tỵ nạn chính trị, song đã bị Cơ quan HCR tại Cam pu chia từ chối. Biết việc xin tỵ tạn tại đây sẽ khó khăn và sẽ khó được đáp ứng, Lê Nguyên Hồng đã tìm cách vượt biên từ Cam pu chia sang Thái lan qua ngả Congpongxom và vào Bang kok Thái lan làm hồ sơ người tỵ nạn. Do biết bằng chứng của mình với khối 8406 khó thuyết phục Cơ quan HCR (Cao ủy LHQ về người tỵ nạn) tại Bang kok, nên bắt đầu thời gian này Lê Nguyên Hồng quay sang viết blog chống nhà nước để lấy cớ chứng tỏ mình là nhân vật bất đồng chính kiến. Và từ đây vốn là một tay nghiện ma túy nên Lê Nguyên Hồng đã nhận thấy cái danh của Khối 8406 không có tích sự gì, nên gã đã bỏ khối 8406 mà gã từng nhận vơ để quay sang thờ phụng đảng Việt Tân hy vọng sẽ tạo được hậu thuẫn mới cho mình trong việc tỵ nạn.
Được biết những trường hợp như nhà dân chủ cuội Lê Nguyên Hồng sẽ rất khó được xem xét cấp phép đi tỵ nạn ở các nước thứ ba, vì các bằng chứng của nhà dân chủ cuội Lê Nguyên Hồng trước thời gian chạy trốn (vượt biên) hầu như không có gì. Do vậy, đã gần 5 năm song trường hợp của Lê Nguyên Hồng đã không được giải quyết, cho dù Lê Nguyên Hồng đến Thái lan trước giáo dân Cồn Dầu, hay ông Nguyễn Ngọc Quang những trường hợp đã được giả quyết đi định cư ở Mỹ. Và kể cả nếu được các thành viên của đảng VT ủng hộ, đi chăng nữa thì trường hợp này không dễ gì được chấp nhận, vì có nhiều biểu hiện thiếu minh bạch. Được biết cơ quan Công an Việt nam đã chuyển hồ sơ Truy nã đối với đối tượng Lê Nguyên Hồng cho cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Thái lan tiến hàm làm thủ tục trục xuất Lê Nguyên Hồng về Việt nam để xử lý theo pháp luật.

Thế Anh

(Báo Yên bái)

* Bài viết do tác giả gửi đến TTHN, chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng tính xác thực của thông tin. Nếu khẳng định là thông tin chính xác chúng tôi sẽ gửi trong tài liệu bổ túc hồ sơ người tỵ nạn Lê Nguyên Hồng Quốc tịch: Việt Nam - Số UNHCR: 22962 cho VP HCR (Cao ủy LHQ về người tỵ nạn) tại Bang kok (Ratch Damnern Rd.) để xem xét tước quyền tỵ nạn.

Độc nhất Việt Nam:Đem xe hơi đón khách ăn trứng vịt lộn

Mỗi lần muốn ăn trứng vịt lộn, chủ quán đem xe hơi 7 chỗ đến đón khách. Ý tưởng được vợ chồng anh Chính nghĩ ra và duy trì từ khi khai trương quán (năm 2011) đến nay.
Chiều nào chiếc xe hơi Innova 7 chỗ của quán Kim Thảo (Q.2-TP.HCM) cũng chuẩn bị đi đón khách. Anh Đặng Công Thành, nhân viên bán hàng của một công ty ở quận 2, cho biết anh là khách quen của quán từ hai năm nay. “Ban đầu tôi không tin chuyện người ta đem xe hơi đến đưa rước miễn phí để ăn hột vịt lộn, nhưng càng về sau tôi càng “nghiện” đến quán vì rất thích cách phục vụ và khuyến mãi độc đáo này”, anh Thành nói. Ý tưởng bán trứng vịt lộn tận dụng xe hơi của gia đình để đưa đón khách được vợ chồng chủ quán nghĩ ra và duy trì từ khi khai trương quán (năm 2011) đến nay. Chị Tính, chủ quán, cho biết mục đích của việc làm này để tạo thuận lợi và sự thoải mái cho khách hàng đến ăn trứng.

Đón khách bằng xe bảy chỗ vào quán trứng vịt lộn của vợ chồng anh Chính.

 “Vì nhiều lý do như kẹt xe, sợ khách hàng đợi lâu nên việc đưa đón khách đến quán chỉ gói gọn trong khu vực quận 2. Những nơi hơi xa quán có khi khách phải chờ gần 30 phút xe chúng tôi mới đến được”. Chị Tính nói thêm: “Khách rất hào hứng với dịch vụ này, mà cũng ít ai yêu cầu đưa đón nhiều lần nên chúng tôi không sợ lỗ tiền xăng xe. Nếu tính số lượng trứng bán ra nhiều hơn thì chi phí xe hơi đón khách cũng không đáng kể. Cái chính là để khách nhớ đến quán, nhớ đến chất lượng của trứng nơi đây”. Chị Tính cho biết lúc mới khai trương mỗi ngày quán chỉ bán được vài trăm trứng, nhưng hiện tại sức tiêu thụ ở quán chị mỗi ngày khoảng 1.400-1.500 trứng. Mỗi trứng giá 7.000 đồng, một khách gọi ít nhất hai quả.

Quán của chị Tính không chỉ bán cho khách lẻ mà còn phục vụ cả những công ty, nhà hàng có nhu cầu đặt tiệc bằng... trứng vịt lộn. Chị Tính kể: “Ở gần đây có vài công ty, mỗi lần nhân viên tổ chức sinh nhật là lại đến đây ăn tiệc. Và có lẽ tiệc hột vịt lộn này là nét độc đáo của chúng tôi”. Ngoài việc làm tài xế đưa đón khách, anh Chính, chồng chị Tính, còn dạy lái xe hơi miễn phí cho khách hàng ăn trứng vịt lộn nào có nhu cầu. Trong số những người đang ăn trứng ở quán, anh Hoàng Đức Minh là người được anh Chính dạy lái xe miễn phí. Anh Minh đã hoàn thành khóa học và giờ đang chuẩn bị thi lấy bằng.
(Tuổi trẻ)  

Toạ đàm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam: Tìm lại vị thế của nghề sư phạm

SGTT.VN - Ngày 20.11 không chỉ tôn vinh nhà giáo, mà tôn vinh cả nghề dạy học. Nhưng tự bao giờ, trong xã hội vẫn lưu truyền những phương châm chọn nghề thật đáng buồn: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, xê ra sư phạm”, “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”… Xin dành trang Giá trị sống kỳ này để ghi nhận ý kiến của những người đang làm công việc giảng dạy, quản lý và nghiên cứu phát triển giáo dục về việc làm sao tìm lại vị thế cao quý của nghề dạy học.
Nguyễn Trung vẽ.
TS Nguyễn Đức Lộc, khoa nhân học đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM
Đã là muối thì phải mặn dần lên
Tốt nghiệp phổ thông, nhiều học sinh giỏi không chọn sư phạm vì nhiều lẽ, một trong những nguyên nhân chính là mẫu hình mà xã hội đang tôn vinh phần lớn đề cao giá trị vật chất, hào nhoáng bên ngoài. Xã hội kim bản vị dẫn đến nhiều giá trị ảo lên ngôi, đời sống nhân văn bị mờ nhạt. Trường học lẽ ra phải là nơi gìn giữ đời sống nhân văn cũng đang bị tác động bởi xã hội thị trường, những giá trị tinh thần đang bị quy đổi thành tiền, trào lưu thương mại hoá giáo dục khiến mọi thứ trong giáo dục đều trở thành hàng hoá. Ngay cả phụ huynh cũng coi nhẹ nghề giáo, hình ảnh người thầy đang bị xuống cấp trầm trọng. Ngày 20.11, đa số phụ huynh chỉ nghĩ đến việc phải đi phong bì cho thầy cô, ít ai hướng đến thầy cô như hình ảnh tôn vinh, đáng trân trọng… Chính những điều đó dẫn tới thực tế các em không định hướng nghề nghiệp theo giá trị tinh thần.
Còn ở bậc đại học, một trong những lý do người trẻ không chọn ở lại giảng dạy là họ thấy mình không được trân trọng. Tốt nghiệp loại giỏi được giữ lại trường là một niềm vinh hạnh, nhưng vài năm gần đây, một hiện tượng rất lạ là nhiều sinh viên giỏi từ chối ở lại trường, mà chọn làm việc ở những công ty hoặc các lĩnh vực khác, để có thể thoả sức thể hiện, làm việc ngay. Còn ở lại trường, làm việc với các giáo sư, thầy cô, họ thường bị coi là người chưa trưởng thành, không được giao công việc đúng phẩm cách người thầy, cũng không được trợ giảng, mà chỉ làm những việc lặt vặt như giáo vụ, văn phòng, thư ký…
Chính điều đó làm mất đi sự đam mê tìm tòi chuyên sâu, không có thời gian đào sâu nghiên cứu. Cách nhìn của những người đi trước khiến cho thế hệ trẻ không thấy mình có tương lai. Với đồng lương mới ra trường từ 2 – 3 triệu đồng, không được hưởng gì thêm, làm sao đủ sống với mức sinh hoạt đắt đỏ hiện nay. Những giáo viên trẻ phải đối diện với khó khăn đủ thứ về tài chính, về cách nhìn xã hội, về đào tạo… nếu không đủ đam mê dễ rẽ lối đi sang ngành khác.
Giữa thực tế nhố nhăng này, hơn ai hết, mỗi người thầy phải nỗ lực tự thân để giữ đạo làm thầy, như nhà sư phải giữ giới, để học trò vẫn còn một chút niềm tin.
Giữa thực tế nhố nhăng này, hơn ai hết, mỗi người thầy phải nỗ lực tự thân để giữ đạo làm thầy, như nhà sư phải giữ giới, để học trò vẫn còn một chút niềm tin. Chúng tôi tự bảo nhau phải dạy và chấm bài nghiêm túc, nhưng nhiều lúc làm vậy phản ứng của sinh viên không thoải mái lắm đâu, vì họ đã quen với cách khác để tiến thân. Vượt lên những điều bình thường để giữ lại những giá trị nhân văn cũng khó lắm!
Đã theo nghề giáo, hãy cố gắng giữ những giá trị tốt đẹp trong hoàn cảnh xã hội chưa đúng, và phải chứng minh điều đó. Mỗi người một chút, hãy tự bảo vệ những gì mình tin là tốt đẹp, giữ lại những giá trị cốt lõi của môi trường giáo dục chính là tôn vinh nghề giáo một cách đúng nghĩa. Đã là muối, phải mặn dần lên.
Hoàng Tường vẽ.
Ông Giản Tư Trung, viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED)
Người thầy có tâm mới tạo ra học trò có hồn
Hầu như những nước có nền giáo dục tốt đều có đội ngũ giáo viên giỏi. Chỉ có thầy giỏi mới có trò giỏi. Một trong những nước có nền giáo dục phổ thông tốt là Phần Lan. Khi tôi tham quan đại học Helsinki, trường sư phạm danh tiếng Phần Lan, trưởng khoa giáo dục của trường cho biết sư phạm là một trong những ngành khó nhất ở nước này. Hàng năm, ứng viên vào các khoa kinh tế, kinh doanh chỉ khoảng một chọi năm chọi sáu, thì ở khoa giáo dục là một phải chọi với 20 hoặc hơn. Còn ở Pháp, ngành sư phạm bao giờ cũng có điểm chuẩn đầu vào cao nhất. Tại sao đầu vào ngành sư phạm của các nước lại tốt như thế? Xuất phát từ ý thức hệ xã hội luôn coi trọng nghề dạy học.
Ở ta, Nhà nước luôn hô hào “giáo dục là quốc sách”, nhưng lại chưa có chính sách thoả đáng để phát triển giáo dục, chưa có chế độ hợp lý với người thầy để họ thực hiện được vai trò của mình.
Nếu sản phẩm ngành sư phạm tốt thì tất cả các sản phẩm ngành khác cũng tốt theo và ngược lại, sản phẩm ngành này tệ sẽ kéo theo các ngành khác tệ hơn, vì con người là sản phẩm của giáo dục, ngành “công nghiệp mẹ”.
Trong phát triển đất nước, sư phạm là một ngành tạo ra sản phẩm phi lợi nhuận, nếu sản phẩm ngành này tốt thì tất cả các sản phẩm ngành khác cũng tốt theo và ngược lại, sản phẩm ngành này tệ sẽ kéo theo các ngành khác tệ hơn, vì con người là sản phẩm của giáo dục, ngành “công nghiệp mẹ”. Muốn có được người thầy tốt, bắt buộc phải thay đổi từ ý thức hệ. Chúng ta đừng trách lớp trẻ ngày nay sao thờ ơ, vô cảm, ích kỷ… Giáo dục là dạy làm người, chỉ những người thầy có tâm mới tạo ra được những học trò có hồn, chỉ có những người thầy được khai minh mới tạo ra những học trò khai minh, đó là quy luật.
Hoàng Tường vẽ.
PGS.TS Hồ Thanh Phong, hiệu trưởng đại học Quốc tế (đại học Quốc gia TP.HCM)
Cải tổ chính sách phải tập trung vào thầy cô bậc phổ thông
Trong lịch sử đất nước mình, từng có thời kỳ ngành sư phạm thu hút được nhiều học trò giỏi, điểm đầu vào rất cao. Ở miền Nam trước 1975 thì trường sư phạm bắt buộc phải thi vào chứ không ghi danh như một số trường khác, và chỉ chọn học sinh giỏi. Để trả lời câu hỏi vì sao học sinh ưu tú đã từng chọn học sư phạm, giờ lại khác đi, Nhà nước phải có những nghiên cứu xã hội thật bài bản. Vẫn biết không có lời giải nào là bất biến, vì hoàn cảnh, môi trường đã khác, nhưng phải tìm được nguyên nhân gốc rễ mới có lời giải mới, biện pháp mới.
Một đặc điểm rất khác là ngày nay, người đi học chọn trường để học, vì phải tự quyết định tương lai. Học để bảo đảm có việc làm mới lo được cuộc sống của mình và gia đình, học để thoả mãn ước mơ, phù hợp tâm huyết. Nếu Nhà nước coi giáo dục là quốc sách, phải bảo đảm nghề giáo đạt được những tiêu chí đó. Chính sách giáo dục phải thay đổi căn cơ trong đãi ngộ, tiền lương, điều hành giáo dục. Phải bảo đảm thu nhập của nghề giáo như bao nhiêu nghề khác, nếu thầy cô chạy vạy lo toan thì làm sao có thời gian nghiên cứu khoa học, làm sao khuyến khích lớp trẻ vào nghề giáo.
Hãy nhìn nhận việc dạy thêm của các thầy cô phổ thông một cách khoan dung hơn. Bản thân tôi ngày xưa cũng vất vả lắm, muốn kiếm đủ tiền mua sữa cho con cũng phải đi dạy thêm chứ đâu có cách nào khác.
Với tôi, thầy cô thời phổ thông là những người không bao giờ được quên, vì chính thầy cô là người khai sáng cho tôi, tôi luôn ghi nhớ, trân trọng. Nhưng thăm lại thầy cô, tôi thấy thầy cô vô cùng vất vả. Nghiên cứu cải tổ chính sách phải tập trung nhiều nhất vào đối tượng thầy cô bậc phổ thông, lực lượng khó khăn nhất, nhận lãnh trách nhiệm nặng nề nhất. Đây là giai đoạn hình thành và định hướng nhân cách trẻ thơ, đòi hỏi thầy cô phải bươn chải, phải dìu dắt, công sức bỏ ra lớn lắm. Hãy nhìn nhận việc dạy thêm của các thầy cô phổ thông một cách khoan dung hơn. Bản thân tôi ngày xưa cũng vất vả lắm, muốn kiếm đủ tiền mua sữa cho con cũng phải đi dạy thêm chứ đâu có cách nào khác. Tuy nhiên, mình mở lớp tại nhà, trò nào muốn đến thì đến chứ không phải ép các em tới học mới được điểm cao… Chống lại việc dạy thêm, phải xem xét nguyên nhân căn cơ là gì, đừng chống kiểu phần ngọn, nhất thời. Đánh giá kết quả học tập cũng phải dựa trên cả một quá trình, đừng vì bệnh thành tích mà ép cả thầy và trò phải “chạy” quá mệt mỏi.
Đã chọn nghề giáo, chẳng ai nghĩ mình sẽ làm giàu, họ chỉ cần đủ sống để yên tâm cống hiến cho xã hội. Thời buổi cạnh tranh quyết liệt, không chỉ nghề giáo, nghề nào cũng vậy, trăn trở, có tâm, biết làm việc hiệu quả mới tạo ra sản phẩm tốt được. Sản phẩm giáo dục vừa hữu hình vừa vô hình, đó là đào tạo con người, nên chăm chút cho sản phẩm này không chỉ bằng hành động mà còn bằng tất cả tâm tưởng. Phải thật hết lòng, đối xử bằng tình thương, khi có tình cảm mới có sự đồng cảm, tôn trọng giữa thầy và trò.
Hoàng Tường vẽ.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM:
Danh dự nhà giáo đang bị xúc phạm
Giới trẻ hiện nay, nhất là học sinh giỏi không chọn sư phạm vì nhiều lý do. Giả sử chúng ta có con và con đang chọn một nghề để học, chúng ta thường khuyên: hãy chọn nghề nào con thích, nuôi sống được gia đình, và con đường tiến bộ còn dài… Nếu nhìn vào thầy cô của chính mình, hẳn là các em rất ngần ngại, vì thấy ngay rằng nghề sư phạm không thể nuôi sống được gia đình.
Hiện có khoảng 50% số giáo viên từ bậc tiểu học đến THPT thu nhập 3 – 3,5 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả lương của người làm công tác đánh máy, lái xe... Đồng lương như thế đủ nuôi gia đình nhà giáo sống tại đô thị trong bao lâu: một tuần hay nửa tháng? Do phải sống mẫu mực, mô phạm để làm gương nên nhà giáo chân chính luôn vượt lên chính mình để “đói cho sạch, rách cho thơm”. Ngành sư phạm không hấp dẫn giới trẻ vì bề ngoài không hào nhoáng đã đành, nhưng cái cần bảo đảm nhất cũng không khả thi, nên có treo học bổng cỡ nào cũng khó thuyết phục được học trò.
Nhà giáo hiện nay có tâm tư rất nặng nề bởi nguồn thu nhập đã hạn hẹp sẽ càng hạn hẹp hơn và uy tín người thầy đang bị xúc phạm. Một cô giáo trẻ tiểu học hỏi hiệu trưởng mình: “Cô ơi, rồi đây dạy thêm có bị bắt không?” Cô hiệu trưởng thì lắc đầu ngao ngán vì tự nhiên bị đặt vào tình thế phải làm thêm việc bất khả thi là quản lý giáo viên ngoài nhà trường. Chính quyền thì lúng túng không biết phải duyệt cấp phép như thế nào, hậu kiểm ra sao, ai vi phạm thì ghép vào “tội” gì...
Nhà giáo lao động với cường độ cao một cách thầm lặng, dù được trả lương thấp nhưng đặc biệt coi trọng danh dự. Nhà giáo không chỉ cố tránh làm sai pháp luật mà còn tránh làm những việc dù rất bình thường với người khác nhưng “khó coi” với mình để tránh gây điều tiếng cho bản thân và cho ngành. Thế nhưng, làm sao không tâm tư khi nhà giáo và cả cấp trên của nhà giáo bị nhắc nhở công khai về việc dạy thêm. Có cô giáo, thầy giáo bị bắt và lập biên bản vì dạy thêm trước mặt học trò. Bẽ bàng cho nhà giáo chúng ta quá.
Nếu coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên tạo cho giáo viên một cuộc sống ổn định. Một đòi hỏi rất chính đáng và tối thiểu vậy mà mấy đời bộ trưởng của ngành “quốc sách hàng đầu” này chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được!
Nên đối xử với nghề giáo như những nghề khác. Bác sĩ có quyền mở phòng mạch tư thì nhà giáo cũng được làm ngoài để có thêm thu nhập từ nghề dạy học, để sống như một công dân lương thiện. Lương không đủ sống, nhà giáo đang đứng giữa hai ranh giới mong manh là phẩm chất và tiêu cực – nếu coi dạy thêm là hành vi tiêu cực. Pháp luật không cấm người làm thêm để có thêm thu nhập thì nên khuyến khích người lao động có thêm thu nhập từ chính nghề của mình, miễn thu nhập đó là chính đáng.
Nguyện vọng của các nhà giáo là được sống bằng lương để có thể toàn tâm, toàn ý dốc sức cho sự nghiệp giáo dục. Nếu coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên tạo cho giáo viên một cuộc sống ổn định. Một đòi hỏi rất chính đáng và tối thiểu vậy mà mấy đời bộ trưởng của ngành “quốc sách hàng đầu” này chưa ai làm được và chưa biết đến bao giờ mới làm được! GS.TSKH Vũ Minh Giang đã nhận định rất đúng: “Chính sách đối với nhà giáo phải được xem là thái độ chính trị đối với trí thức, đồng thời đó cũng là thái độ chính trị với tương lai của đất nước. Chính vì vậy cần phải có chế độ đãi ngộ xứng đáng với nhà giáo”. Nhà giáo là thuỷ thủ làm nhiệm vụ trên con tàu giáo dục. Lòng tự hào, vị thế của thuỷ thủ sẽ được nâng lên nếu được phục vụ không phải trên một con tàu cũ, thiết bị lạc hậu, chạy chậm mà lại đang lạc lối mà là trên một con tàu thiết kế hiện đại, tốc độ cao, có thuyền trưởng vững vàng và sáng suốt, biết tôn trọng thuỷ thủ. Khi đó tương lai của đất nước sẽ tươi sáng hơn.
Kim Yến
Sinh viên sư phạm nói gì?
Nguyễn Thị Nhung, khoá 38 ngành sư phạm vật lý, đại học Sư phạm TP.HCM:
Nhiều người ngại vào sư phạm, thậm chí chê vì những ngành kinh tế, kỹ thuật, y dược ra trường công việc tốt hơn... Tuy nhiên tham khảo ý kiến của gia đình và các thầy cô, em nghĩ quan trọng là mình thích ngành đang học hay không chứ ngành nào xã hội cũng cần, nếu ai cũng vì lý do thu nhập mà không học sư phạm thì còn ai dạy dỗ học trò. Sau thời gian học, em càng tin tưởng vào quyết định của mình.
Nguyễn Trần Thuỷ Tiên, ngành giáo dục thể chất, đại học Sư phạm TP.HCM:
Có nhiều lý do để người ta ngại thi vô sư phạm nhưng em thấy rõ nhất là thu nhập của giáo viên thấp hơn nhiều trong khi những ngành học khác ra trường có nhiều nơi tuyển dụng, thu nhập cao. Khi đăng ký thi vô ngành sư phạm, em cũng suy nghĩ nhiều và đã nhờ gia đình và thầy cô dạy giáo dục thể chất tư vấn. Bây giờ khi đã trải qua một thời gian học tập, em thấy lựa chọn của mình là đúng bởi ngành nào cũng cao quý. Tuy người ta hôm nay có thể chê ngành sư phạm nhưng ngày mai vẫn phải gửi con đến trường nhờ thầy cô dạy dỗ.

Gs Tương Lai - “Của tin gọi một chút này làm ghi”

Bản gốc lá thư của một người thầy giáo từng đứng trên bục giảng gửi học trò của mình nhân kỷ niệm 50 năm ngày ra trường của họ.
Các em thân mến,
Mới đấy thôi mà đã một nửa thế kỷ! Bao nhiêu nước chảy qua cầu!
“Thế sự du du nại lão hà” (Việc lớn chưa xong tuổi đã già), có lẽ tất cả chúng ta hôm nay đều có thể “Cảm hoài” với “nỗi lòng” của bậc tiền nhân thế kỷ XV.
Nói vậy vì người viết thư này đã cập kề tuổi 80 và trong các bạn ngồi đây thì tất cả đã U70, vài người đã vượt cái ngưỡng xưa nay hiếm. Cũng có thể tôi chủ quan, suy bụng ta ra bụng người, vì ngồi đây cũng có người đang tiếp tục “việc lớn” và con đường hoạn lộ vẫn thênh thang thì mong bỏ quá cho tôi, vì thế mà tôi chuyển từ “các em” sang “các bạn” là nhằm ý đó.
Với riêng tôi thì quả thật “việc lớn” chưa hề xong, chưa thể xong, mà quỹ thời gian còn lại thì quá eo hẹp, có thể tính từng ngày. Tôi còn nợ với cuộc đời nhiều quá, trong đó, riêng với các bạn hôm nay kỷ niệm 50 năm ngày ra trường thì món nợ lại quá lớn. Nói vậy là vì, vào buổi ấy, tôi đã sống hết mình trong niềm say mê lý tưởng cao cả với ngọn lửa trong trái tim Đancô để rồi chân thành và đầy thiện ý trao lại cho các bạn, những người mà tôi yêu mến rất chân thành, và rồi nhiều bạn cũng với niềm say mê đó đã dấn thân vào con đường rèn luyện, phấn đấu theo mẫu Paven Coocsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy” để đến lúc nào mới ngộ ra rằng cuộc đời thật không đơn giản như vậy. Điều này thì tôi đã từng nói với các bạn học sinh Chu Văn An Hà Nội niên khóa 1954-1955, khóa đầu tiên sau ngày “10 tháng 10 năm 1954″ nhân kỷ niệm 100 năm trường Bưởi xin được nhắc lại ở đây đôi dòng.
Và rồi hôm nay mỗi chúng ta đều như sống lại những kỷ niệm của một thời trai trẻ một đi không trở lại ấy, để hối tiếc cho những nhầm nhỡ đáng tiếc nhưng cũng vì vậy mà càng thêm trân trọng những gì đã trải qua. Đây là điều nằm sâu trong trái tim tôi và tôi nhắc lại ở đây những điều tôi đã từng tâm sự với vài người trong các bạn cũng như với lớp học sinh, sinh viên khác của tôi.
Đó là sự trân trọng một thời tuổi trẻ hừng hực khí thế “trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về” giải phóng Thủ đô. Chúng tôi may mắn có mặt trong “đoàn quân tiến về” ấy để rồi có dịp chia sẻ với các bạn những xúc động của tuổi trẻ Hà Nôi ngập tràn khát vọng về những cái gì rất mới lạ, rất thiêng liêng, tuy buổi ấy chúng ta chưa đủ trưởng thành về đường đời và về trí tuệ để hiểu đó là cái gì!
Trong sự “chưa trưởng thành” vừa lưu giữ những giá trị thật lớn lao sẽ đi mãi với chúng ta suốt cuộc đời, vừa tàn phai những xốc nổi cuồng tín của một thời ấu trĩ “cố tô vẽ để mà tin” để đến khi chúng ta tin mà “không cần tô vẽ nữa”, thì những giá trị ảo sẽ tan ra như bong bóng xà phòng dưới ánh sáng thật của cuộc đời.
Quả thật, cảm hứng tuôn trào của người nhạc sĩ thiên tài, tác giả của “Tiến về Hà Nội” ấy đã làm rung lên ý tưởng “Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần” thật đẹp biết bao, nó cũng là cảm hứng thăng hoa của cả lũ chúng tôi buổi ấy, miệng hát mà nước mắt giàn giụa trong niềm hy vọng trào dâng “Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa… Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay. Những xuân đời mỉm cười vui hát lên!”. Và rồi sự thật cay đắng về thân phận của chính người nhạc sĩ đã đem lại cảm hứng thăng hoa kia cho cả một thế hệ của một thời nhìn cách mạng như một mùa xuân với những sinh lực mới mà không biết rằng, chính M. Gorki, tác giả của “Bài ca chim báo bão” mà tôi sẽ nhắc lại dưới đây đã từng cảnh báo ngay từ những năm 1917-1918: “Cách mạng đã đánh đổ nền quân chủ, điều đó đúng! Nhưng điều đó có lẽ cũng có nghĩa rằng cuộc cách mạng đã mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng. Người ta không được phép tin rằng cách mạng đã chữa trị và làm phong phú cho nước Nga về mặt tinh thần“!Vì thế mà văn hào Nga đã cảnh báo: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi “Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”*
Chỉ có điều, thật khó để tách bạch rạch ròi trong hoài niệm cái gì là bong bóng, cái gì không bao giờ tàn phai nếu thiếu sự trung thực với chính mình. Lúc này đây, khi mà vận nước đang đặt ra những câu hỏi lớn cho những trái tim biết đập cùng nhịp với đất nước, những trái tim biết xót xa và trân trọng xương máu của lớp lớp người đã ngã xuống, trong đó có những bạn thân yêu của chúng ta hôm nay không có mặt, chả nhẽ lại không cần nữa những trái tim Đancô của M.Gorki từng thanh lọc tâm hồn và xáo động nếp nghĩ của chúng ta hơn nửa thế kỷ trước đây?
Liệu có phải ánh lửa từ “trái tim Đancô” ấy đã nâng chúng ta lên trên đôi cánh “Chim Ưng”, với với cảm hứng trào dâng “Vinh quang thay sự điên cuồng của những người dũng cảm! Sự điên cuồng của những người dũng cảm, đó chính là trí anh minh của cuộc đời! Ôi chim ưng dũng cảm!… những giọt máu nóng hổi của ngươi, như những tia lửa, sẽ lóe lên trong bóng đêm của cuộc sống và nhiều trái tim quả cảm sẽ cháy bùng lên vì niềm khao khát điên cuồng vươn tới tự do, vươn tới ánh sáng“.** Bằng cảm hứng thăng hoa ấy mà chúng ta biết coi thường một cuộc sống bằng lặng, an phận thủ thường của lũ chim lặng và bầy vịt băng khờ khạo “rên siết trước trận bão” vì “không sao hiểu nổi niềm khoái lạc trong chiến trận của cuộc đời, kinh sợ tiếng sấm của đấu tranh“. Để rồi xúc động thả hồn theo cảm hứng mãnh liệt của chim báo bão “kiêu hãnh bay lượn tựa hồ một ánh chớp đen. Khi sà xuống biển, cánh chạm ngọn sóng, khi lao vút lên mây như một mũi tên, chim cất tiếng kêu, và mây nghe thấu nỗi vui mừng trong tiếng kêu ngang tàng của chim báo bão. Trong tiếng kêu có niềm khao khát khao bão táp! Mãnh lực của phẫn nộ, lửa sáng của say mê và niềm tin ở chiến thắng”.**
Trong cảm quan và sự trải nghiệm, tôi đã tìm thấy khát vọng mãnh liệt ấy trong ánh mắt trong veo của những gương mặt tuổi trẻ hừng hực khí thế và niềm vui trên đường phố khi tôi gặp họ. Vào những phút giây ấy, tôi thấy tôi trẻ lại với khát vọng của Chim báo bão và quên hẳn là mình đã già với tâm nguyện:
Nếu tôi không cháy lên,
Nếu anh không cháy lên,
Nếu chúng ta không cháy lên
Thì làm sao
Bóng tối,
Có thể trở thành
Ánh sáng
(Thơ Nadim Hítmét, Cao Xuân Hạo dịch)
 Các bạn thân mến,
Gợi lại một vài hình bóng xưa cũ không nhằm ngoan cố ngụy biện cho những dại dột cả tin của một thời ấu trĩ, mà là để biết gìn giữ và khẳng định những nét đẹp không thể phôi pha trong vang bóng một thời thanh sạch và non tơ của một thế hệ đón chào bình minh của độc lập, tự do ra đời từ máu lửa của cuộc kháng chiến. Với tôi, đó là gợi lại trong suy tư và tự nhìn lại mà tự vấn, liệu có phải từ trên bục giảng, mình đã “xui dại” một thế hệ “cả tin” để rồi họ chưng hửng, ngơ ngác trước những sự thật phũ phàng của cuộc đời đầy bụi bặm và không thiếu lừa lọc, dối trá rồi vỡ ra rằng: “cách mạng” không “cách mạng” như người ta tưởng, và tệ hơn, như người ta nói! Càng không phải là “khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần“!
May thay, lời tự vấn ấy tôi đã nhiều lần tâm sự với nhiều thế hệ các bạn học sinh, sinh viên cũ của tôi, đều nhận được cùng một câu trả lời: Đó là một thời đáng nhớ sau khi đã thanh lọc, gạt bỏ những dại dột, xốc nổi rất dễ hiểu, và trong chừng mực nào đấy cũng rất đáng yêu, của sự vụng dại chân thành.
Vì, nói cho cùng, có những giá trị nhất thời được đánh bóng mạ kền nhưng khi được phơi ra dưới ánh sáng thật của cuộc sống đã sớm nhạt nhòa, han rỉ để cho những giá trị thật không cần tô son vẽ phấn của tính nhân bản đích thực, nền tảng của sự định hình tính cách con người, sẽ tự khẳng định ý nghĩa bền vững của chúng. Đấy là điều tôi nghĩ về thời trai trẻ của chúng ta, của tôi và của các bạn, để chân thành chuyển đến các bạn những suy tư và có thể cũng là những lời nhắn gửi thô thiển thành thật này.
Dù muốn dù không chúng ta đã cùng lên một chuyến tàu lịch sử, một chuyến tàu không có vé khứ hồi. Những sân ga rồi đây chúng ta còn có sức lướt qua, những nhà ga chúng ta sẽ đáp xuống, có thể có những bóng dáng quen thuộc, nhưng tuyệt đối không là những nơi chúng ta đã từng đi. Con đường phía trước chưa có bản đồ. Thế giới đã thay đổi. Những kinh nghiệm có sẵn không còn đủ cho hành trình đi về phía trước, những lời răn dạy cũ kỹ theo kiểu kinh nhật tụng lảm nhảm đang gây khó chịu cho chúng ta, không chỉ vì tuổi già khó tính, mà là vì sức trẻ trong tư duy của mỗi chúng ta. Cho nên, hoài niệm về những giá trị, những kỷ niệm đã qua là để chúng ta còn tiếp tục đi về phía trước khi mà tất cả đã “bảy mươi xuân”!
Xin hãy cầu chúc cho mỗi chúng ta vẫn giữ được sức trẻ trong tư duy để không chịu còng lưng do gánh nặng của tuổi tác hoặc sự níu kéo của tập quán cũ đang tiếp sức cho sự áp đặt của những khuôn mẫu cũ kỹ mà mối mọt đã đục ruỗng từ bên trong. Mong các bạn nhận ở tôi, một người bạn cũ rất trân trọng những kỷ niệm mà chúng ta đã có, lời chúc tốt đẹp gửi đến buổi gặp mặt “lịch sử” kỷ niệm nửa thế kỷ của tình bạn thân quý.
Về phần tôi, trong quỹ thời gian còn lại quá eo hẹp của mình, tôi vẫn tâm nguyện sẽ sống thế nào để khi ra đi có được sự thanh thản trong lương tâm. Những gì mình đã làm và sẽ làm chỉ là những giọt nước vô cùng nhỏ nhoi rỏ vào biển cả mênh mông của cuộc đời, sẽ không là gì cả trong sự mênh mông ấy, nhưng hãy cố là giọt nước trong lành chứ không là giọt nước đục.
Và cuộc đời cũng chỉ đơn giản thế thôi! Xin hãy nhận ở đây “của tin gọi một chút nay làm ghi”!

TP Hồ Chí Minh ngày 22.10.2012       

Tương Lai
(BVN)

Thủy điện Sông Tranh 2: 5.100 tỉ đồng và 40.000 sinh mạng

Trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất. Đến khi có thủy điện này, trong vòng 1 năm, từ ngày 3-11-2011 đến 15-11-2012, khu vực này xảy ra hơn 70 trận động đất

Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu được dư luận cả nước chú ý vào những ngày cuối tháng 3-2012, khi nơi đây xảy ra sự cố nước tràn qua thân đập, rò rỉ với lưu lượng lớn, sau đó là tình trạng động đất liên tiếp xảy ra ở huyện Bắc Trà My và dư chấn lan ra nhiều vùng lân cận.

Ở vị trí nguy hiểm

Trong khi các chuyên gia bắt đầu lên tiếng về những lỗi thiết kế, thi công thì tại cuộc họp ở Quảng Nam, ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban Quản lý dự án thủy điện 3, tuyên bố: “Hiện tượng rò rỉ nước của đập chính thủy điện Sông Tranh 2 là do có vấn đề về lỗi kỹ thuật “tắc đường ống thoát nước của các khe nhiệt” trong quá trình thi công”.

Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Quảng  Nam: “Việc đập chính thủy điện Sông Tranh 2 an toàn hay không chỉ có Ban Quản lý dự án thủy điện 3 biết rõ nhất nên phải công khai rõ ràng chứ không được giấu giếm nữa”. Nhiều chuyên gia cho rằng sai lầm đáng tiếc nhất của dự án thủy điện Sông Tranh 2 là đã đặt đập vào vị trí rất nguy hiểm, nơi giao điểm của nhiều đứt gãy và các họng núi lửa đang tái hoạt động.
Người dân huyện Bắc Trà My - Quảng Nam chạy ra khỏi nhà để tránh động đất. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Ngày 27-3, kỹ sư Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam, khẳng định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông cáo báo chí cho rằng đập chính thủy điện Sông Tranh 2 không có vết nứt, vẫn an toàn là vội vàng, thiếu khách quan và không thuyết phục.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ - ngành có thẩm quyền sớm kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý triệt để việc thấm nước qua đập chính thủy điện này, đồng thời kiểm tra tổng thể để đánh giá độ an toàn vận hành đập; lắp đặt hệ thống quan sát động đất và nghiên cứu chi tiết về các tai biến địa chất khác liên quan để đưa ra những kiến nghị thích hợp cho việc vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2.

Thần kinh thép cũng “chảy nước”

Trong khi việc khắc phục sự cố rò rỉ đang tiến hành thì tình trạng động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 lại gia tăng. Theo Viện Vật lý địa cầu, trước khi có thủy điện Sông Tranh 2, khu vực này chỉ xảy ra 8 trận động đất. Thế nhưng, sau khi có thủy điện, từ ngày 3-11-2011 đến 22-10-2012, khu vực này xảy ra 66 trận động đất (trong đó có 2 trận mạnh 4 độ Richter và 4,7 độ Richter;  riêng trận động đất ngày 22-10 có cường độ 4,6 độ Richter). Trong tuần đầu tiên của tháng 11-2012, có 10 trận động đất mức độ nhẹ; đến ngày 15-11, xảy ra động đất 4,7 độ Richter, dư chấn lan ra đến Đà Nẵng và Quảng Ngãi.
Tròn 1 năm, hơn 70 trận động đất xảy ra, làm sao người dân có thể yên tâm? Sợ động đất dẫn đến thủy điện vỡ, nhiều hộ dân xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My nằm phía dưới đập thủy điện Sông Tranh 2 đã dời nhà cửa vào rừng để ở. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam tại huyện Bắc Trà My vào ngày 30-9, vấn đề được bàn luận căng thẳng nhất chính là thảm họa ẩn chứa từ công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, đề nghị: “Không ai học được chữ “ngờ” do thiên tai hết. Không cho thủy điện Sông Tranh 2 tích nước và hủy bỏ thủy điện này”.

Nhìn lại diễn biến ở Sông Tranh 2, tại nghị trường QH, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Ở trong vùng luôn có động đất như vậy thì thần kinh thép cũng “chảy nước”, không tâm thần thì cũng điên loạn!”. 

Sinh mạng con người là vô giá

Khi người dân đã giảm lòng tin, không thể không nói đến trách nhiệm vì sao có cớ sự này và cách giải quyết để an dân. Bởi sinh mạng con người là vô giá, những thiệt hại hao tâm tổn trí, sinh hoạt đảo lộn của người dân khó tính ra bằng tiền. 5.100 tỉ đồng không thể so được với 40.000 sinh mạng người dân hạ lưu và các xã xung quanh.

Dư luận cả nước hoan nghênh quan điểm của lãnh đạo chính quyền, ĐBQH tỉnh Quảng Nam cùng nhiều ĐBQH khác khi luôn đặt quyền lợi người dân lên trên hết. Ngay từ những ngày đầu xảy ra sự cố, ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã khẳng định: “Chừng nào chưa có kết luận về sự an toàn của đập là còn nợ dân câu trả lời”.
ĐB Trần Xuân Vinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh: “Nhân dân tin tưởng Đảng, QH và Nhà nước sẽ không vì số vốn đã đầu tư cho thủy điện Sông Tranh 2 mà quên đi quyền được sống của con người”. ĐB Lê Bộ Lĩnh (An Giang) đưa tình huống động đất kích thích không chấm dứt và phương án xử lý chỉ có thể là phá bỏ đập hoặc di dời toàn bộ người dân trong vùng chịu ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc di dời toàn bộ người dân là điều rất khó thực hiện vì cần diện tích tái định cư lớn, kinh phí khổng lồ... “Đã xác định an toàn là số 1 thì cũng cần đến phương án phá bỏ đập thủy điện Sông Tranh 2, mặc dù sẽ mất trắng 5.100 tỉ đồng” - ông Lĩnh nói.

Kỳ tới: Ai chịu trách nhiệm?

Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỉ đồng, xây dựng từ tháng 3-2006, 2 tổ máy với tổng công suất 190 MW, dung tích hồ chứa nước khoảng 730 triệu m3, thiết kế cao hơn vùng hạ lưu 100 m.

Bộ trưởng cũng không yên tâm

Trả lời ĐB Ngô Văn Minh tại phiên chất vấn ngày 13-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết căn cứ trên các thông số kỹ thuật thì hoàn toàn yên tâm nhưng nếu có yếu tố đặc biệt, động đất cao hơn 5,5 độ Richter thì nghiên cứu tiếp. ĐB Ngô Văn Minh cho rằng câu trả lời của bộ trưởng là “không thấy yên tâm” Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng kết luận: “Những câu trả lời của bộ trưởng không làm ĐB Ngô Văn Minh yên tâm và tôi cũng chưa yên tâm”.

Ngay sau khi trả lời chất vấn trực tiếp trước QH, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận: “Nếu mình ngồi dưới đó thì mình cũng không yên tâm”.

Nhóm PV
(Người Lao động) 

Cô gái có đôi mắt có khả năng "siêu âm"

(Nguoiduatin.vn) - Đôi mắt của Natasha chính là "máy X-quang" tuyệt vời, chính xác hơn bất cứ thiết bị hiện đại nào khác.
Cô bé có đôi mắt X-quang
Natasha Demkina sinh năm 1987, sống ở thành phố Saransk (Nga) cũng như các cô bé bình thường khác, cô bé có một cuộc sống rất êm đềm. Cuộc sống êm đềm đó nhanh chóng qua đi, bởi khi Natasha lên 10, một trận đau ruột thừa suýt cướp đi tính mạng của cô bé. Trở về nhà sau ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng, cô bé Natasha vẫn vui tươi, sinh hoạt bình thường.
Cho đến một ngày, Natasha hét toáng lên khi đứng trước mặt mẹ: "Mẹ ơi, bụng mẹ có cái hạt đậu và cái vòi xếp nếp kìa. Cả cái quả gì đo đỏ đang cử động nữa". Quá hoảng sợ, mẹ Natasha lập tức đưa con đến bác sĩ. Vừa đến bệnh viện, Natasha lại khiến cho bác sĩ hoảng sợ theo khi cô bé mô tả các bộ phận trong cơ thể ông. Do còn nhỏ nên Natasha không thể dùng được thuật ngữ y học để kể tên từng bộ phận trong cơ thể. Cô bé chỉ biết mô tả thận là hạt đậu, ruột là chiếc vòi xếp nếp...

Natasha trong một buổi kiểm tra khả năng.

Các bác sĩ giỏi nhất trong bệnh viện đã tập trung tại phòng khám của cô bé và họ đều bối rối trước những gì cô bé nói. Điều đặc biệt là cô bé có thể chỉ ra vị trí chính xác của từng bộ phận cho đến những vết thương của một bác sĩ nào đó. Natasha có thể "siêu âm" từng nội tạng, xác định tình trạng bệnh tật cũng như nhận diện tế bào, vi khuẩn hoặc vi-rút trong cơ thể.
Qua nhiều lần thử nghiệm và kiểm tra, các bác sĩ cho biết, những chẩn đoán của cô nhiều lúc còn chính xác hơn bác sĩ có trang thiết bị y tế tiên tiến hỗ trợ. Mặc dù cô bé có thể thấy được nội tạng của người khác nhưng Natasha lại không thể "siêu âm" cho chính mình.
Tin tức về một cô bé có "đôi mắt X-quang" nhanh chóng lan rộng, thu hút sự chú ý của giới truyền thông cũng như các nhà khoa học. Họ tìm đến nhà cô bé để phỏng vấn và xin được nghiên cứu hiện tượng kỳ lạ này. Vì còn quá nhỏ, Natasha sợ hãi, không chịu gặp bất cứ ai ngoài người thân trong gia đình. Bị làm phiền quá nhiều, mẹ Natasha buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát và lực lượng an ninh trong vùng. Do có quá nhiều người tò mò, muốn gặp con gái, mẹ Natasha đành phải đi cùng con gái đến bất cứ đâu, kể cả trường học.
Còn Natasha không còn hoạt bát như trước, cứ im lặng không chịu nói chuyện, nhưng cô bé lại bỗng dưng tỏ ra rất hứng thú với các cuốn sách y học. Bất cứ lúc nào rảnh, cô bé lại lôi sách ra đọc, mỗi lần như vậy, mắt em lại ngời sáng với vẻ rất thích thú.
Đến năm 15 tuổi, Natasha bắt đầu hiểu ra mọi chuyện. Cô đã tự tìm đến bệnh viện, đề nghị được tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khả năng kỳ lạ của cô. Bản thân Natasha cũng muốn tìm hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra với mình. Các bác sĩ quá bất ngờ, liền liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng kỳ lạ của con người.
Tại đây, Natasha trải qua rất nhiều đợt kiểm tra, theo dõi sức khỏe cũng như các thử nghiệm. Tất cả các nhà nghiên cứu cùng đồng ý, khả năng chẩn đoán bệnh bằng mắt của Natasha đôi khi còn chính xác hơn cả những bác sĩ có trang thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ và trường hợp của Natasha đã được các nhà khoa học ở Anh, Nhật chứng nhận.
Natasha cho biết: "Tôi có thể điều chỉnh được cách nhìn của mắt. Nếu muốn xem thể trạng sức khỏe của ai đó, tôi có thể dễ dàng chuyển sang cách nhìn thứ hai trong tích tắc. Chỉ cần tập trung suy nghĩ, tôi có thể nhìn rõ toàn bộ cấu trúc trong cơ thể người, vị trí cũng như chức năng của các cơ quan. Thật khó giải thích làm thế nào tôi có thể nhận biết bệnh tật trong cơ thể. Các nội tạng có vấn đề đều sinh ra một loại phóng xạ, giúp tôi nhận ngay ra vị trí đang bị tổn thương. Tuy nhiên, cách nhìn thứ hai của tôi chỉ có tác dụng vào ban ngày mà thôi".
Đôi mắt X-quang thắng cả bác sĩ
Thông tin cô gái có đôi mắt nhìn xuyên thấu nhanh chóng lan rộng khắp nước Nga và vượt qua cả biên giới. Đầu năm 2004, sau khi tốt nghiệp trung học, Natasha được các chuyên gia y học mời đến London (Anh) để tham gia chương trình truyền hình trực tiếp với chủ đề "Những khả năng kỳ lạ của con người". Người được chọn để Natasha chẩn bệnh là bà Briony Warden, ký giả của tờ The Sun. Natasha không hề biết bà Warden đã từng bị đa chấn thương trong một vụ lật ô tô hồi cuối năm 2003. Natasha đã chẩn bệnh cho bà Warden trong tình trạng bà vẫn mặc nguyên quần áo.
Bà Warden kể lại: "Lúc đầu tôi còn hoài nghi cho đến khi cô ấy mô tả đúng các vết nứt trong cơ thể tôi, cứ như cô ấy đang xem phim X-quang của tôi vậy. Ban đầu, cô ấy nói đúng vùng lưng bị thương đang dần hồi phục. Cô ấy mô tả xương chậu của tôi mất cân xứng và còn chỉ ra bên phải có nhiều vết nứt. Khi nhìn vào hàm của tôi, cô ấy nói nhìn thấy "có vật thể lạ". Đúng thế thật. Tôi phải gắn một miếng kim loại bằng titan để nâng xương hàm sau tai nạn. Tuyệt nhất là lúc cô ấy phát hiện vết thương trong chân trái của tôi. Tôi ngạc nhiên vì cô ấy chỉ ra 2 đoạn gãy ở ống quyển và nói rằng nhìn thấy dấu vết của đinh, vít kim loại trong xương".
Cách đó hai tuần, chân bà Waren đã được "gia cố" lại với nhiều đinh vít. Natasha dù không nhìn thấy các vết sẹo trên da để lại sau đợt gia cố nhưng cô vẫn có thể nói được chính xác vị trí từng con vít, thậm chí, cô còn cho biết những vết sẹp do đinh vít để lại giờ đã phủ lớp mô mới.

Đôi mắt nhìn xuyên thấu của Natasha chính xác hơn bất kỳ chiếc máy chụp X-quang hiện đại nào khác.
Năm 2005, giáo sư Yoshio Machi của Đại học Tokyo, nổi tiếng là chuyên gia nghiên cứu các khả năng kỳ lạ của con người, đã mời Natasha sang Nhật thử nghiệm và đã công nhận khả năng của cô gái có "đôi mắt X-quang". Trong cuộc thử nghiệm lần này, Natasha phải trải qua nhiều đợt kiểm tra khả năng hơn nhưng tất cả đều thành công ngoài mong đợi.
Cô có thể nói rõ tình trạng của một bệnh nhân có khớp gối giả, một người có nội tạng nằm ở vị trí không cân xứng, một bệnh nhân bị vẹo xương sống dạng gợn sóng hiếm gặp. Khi đối chiếu hình vẽ của Natasha với phim chụp X-quang, các nhà khoa học lại càng ngạc nhiên hơn vì cả hai hoàn toàn giống nhau.
Khả năng của Natasha không chỉ dừng lại ở đó mà còn có tác dụng với cả các bức ảnh. Các nhà khoa học xứ Mặt trời mọc còn phải ngỡ ngàng khi Natasha có thể chẩn bệnh mà không cần gặp bệnh nhân, chỉ cần một bức ảnh của người đó.
Khi cô được cho xem tấm ảnh khổ nhỏ làm hộ chiếu của một người, cô nhanh chóng đưa ra kết luận: Người trong ảnh đang mắc bệnh gan. Chủ tấm hộ chiếu lúc đó khẳng định, người này mới khám bệnh cách đó 4 tháng và không hề mắc bất cứ một loại bệnh gì. Ngay lập tức, các nhà khoa học đưa chủ của tấm hộ chiếu đi xét nghiệm. Thật bất ngờ, người này đang ở giai đoạn đầu của bệnh viêm gan B.
Natasha biết khả năng đặc biệt của mình rất hữu ích với y học nên cô mơ ước trở thành bác sĩ để có thể hành nghề cứu người một cách danh chính ngôn thuận. Hiện tại, cô đang làm việc cho Trung tâm Chẩn đoán đặc biệt ở Thủ đô Moscow. Trong một lần chẩn bệnh, các bác sĩ đã kết luận một bệnh nhân nữ là đang mắc bệnh ung thư.
Tuy nhiên, sau khi Natasha sử dụng năng lực đặc biệt kiểm tra tình trạng của người này, cô chỉ nhìn thấy một u nang nhỏ lành tính mà thôi. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân này đi chụp chiếu lại và lần này, kết quả hoàn toàn âm tính, nữ bệnh nhân không hề mắc bệnh ung thư như chẩn đoán ban đầu.
Ngoài giờ làm thêm tại Trung tâm Chẩn đoán đặc biệt, Natasha đang tiếp tục theo học Đại học Y Moscow (Nga) để củng cố thêm kiến thức, giúp cho việc cứu người được chính xác và dễ dàng hơn.  

Tất cả vì mục đích cứu người
Natasha Demkina cho đến nay vẫn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Chưa một ai lý giải được tại sao Natasha lại có khả năng kỳ lạ này sau ca phẫu thuật viêm ruột thừa năm 10 tuổi. Sau một thời gian chẩn bệnh miễn phí, cô bắt đầu thu 13 USD cho mỗi lần chẩn đoán của mình và cô cho biết, tiền thu được sẽ góp một phần vào quỹ từ thiện. Natasha thực hiện chẩn đoán từ 10- 20 lần mỗi đêm vào các ngày trong tuần. Tất cả đều vì mục đích cứu người. Công việc này mang lại cho cô khoản thu nhập còn cao hơn thu nhập hàng tháng của những cán bộ Chính phủ sống ở thị trấn Saransk quê hương cô.        
An Mai
(Mysterious People) 

Những chương trình vũ khí tuyệt mật của quân đội Mỹ

Hình bên: TacSat-3 được trang bị hệ thống cảm biến siêu quang phổ bắt được bức xạ điện từ có thể phát hiện quả bom giấu ở ven đường trên trái đất.
Hàng năm, Lầu Năm Góc “tiêu xài” hết 10 tỉ USD! Phóng tay “ném tiền qua cửa sổ” là những nhà hoạch định kế hoạch của quân đội Mỹ đã dành số tiền đó vào việc âm thầm phát triển những vũ khí tinh xảo và chi cho những chiến dịch ngầm.
Năm 2011, khoản tiền có thể gọi là "quỹ đen" này còn phình ra khủng khiếp hơn so với năm 1987 của thời Chiến tranh lạnh, khi mà Tổ chức giám sát quỹ đen CSBA (Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược) bắt đầu thu thập những con số xác thực. Tổng chi phí hiện nay gây choáng váng bất cứ ai: 58 tỉ USD - số tiền đủ để trả cho toàn bộ 2 dự án bom nguyên tử Manhattan! Người ta sẽ thắc mắc: số tiền này đi đâu?
Sự thay đổi chiến lược
Theo Todd Harrison, nhà phân tích ở CSBA, các khoản chi cho những chiến dịch bí mật trong Ngân sách liên bang năm 2011 bao gồm 19,4 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển dành cho mọi lĩnh vực của quân đội (tài trợ cho CIA - bao gồm những chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái (drone) ở Afghanistan và Pakistan - nằm trong quỹ đen của Bộ Quốc phòng), 16,9 tỉ USD khác cấp cho hoạt động thu mua; và 14,6 tỉ USD cho "những chiến dịch và sự duy trì".
Theo Harrison, hạng mục sau cùng này ngốn tiền rất nhanh. Thực tế cho thấy nhiều công nghệ tuyệt mật hiện đang di chuyển từ phòng thí nghiệm đến chiến trường. Thực ra, sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, Lầu Năm Góc bắt đầu chuyển từ Chiến tranh lạnh sang kỷ nguyên của "chiến lược 2 cuộc chiến", tức là duy trì khả năng tiến hành đồng loạt 2 chiến dịch quân sự trọng yếu và bắt đầu tập trung vào cuộc chiến tranh không theo quy luật chống các cá nhân và các tổ chức.
Sự thay đổi chiến lược xảy ra đồng thời với sự thay đổi về đầu tư - bỏ qua công nghệ cho phép mở cuộc chiến quy mô lớn chống các siêu cường để hướng đến công nghệ giúp cho những nhà lập kế hoạch của quân đội săn tìm và diệt các mục tiêu. Giới quan chức Lầu Năm Góc công khai tuyên bố ước muốn của họ là sử dụng công nghệ cao để "giảm bớt thời gian tìm và diệt" trong những tình huống liên quan đến "các mục tiêu nhạy cảm về thời gian". Lãnh đạo của Bộ Chỉ huy tác chiến đặc biệt (JSOC) nói đến "kỹ thuật săn người công nghệ cao", còn quan chức không quân mô tả là “sự rút ngắn chuỗi tiêu diệt".
Lầu Năm Góc hiện đang phát triển những chiếc drone cực nhỏ (micro-drone) được thiết kế để điều tra những khu vực nguy hiểm khó tiếp cận. Thời gian qua, tờ Washington Post đã đưa tin CIA sử dụng những chiếc micro-drone nhỏ để săn lùng những phần tử cực đoan ở Pakistan. Và trong năm 2010, Lầu Năm Góc có Dự án Anubis - loại micro-drone do Viện nghiên cứu Không lực Mỹ phát triển. Những chiếc micro-drone như thế này trong tương lai được coi là vô cùng nguy hiểm bởi vì chúng được trang bị vũ khí hóa học và thậm chí chất nổ có khả năng tấn công mục tiêu chính xác. Loại micro-drone này có thể phát hiện và tiêu diệt một sát thủ bắn tỉa.

Chiếc máy bay do thám không người lái RQ-170 Sentinel của Lockheed Martin.

Dự án Anubis (tên gọi được đặt theo vị thần  của người chết Anubis của Ai Cập cổ đại) hiện đang hoàn thành, có nghĩa là nó sắp có mặt trên chiến trường trong nay mai. Lầu Năm Góc còn có ít nhất một chương trình nghiên cứu ưu tiên cao - đó là "The Clandestine Tagging, Tracking and Locating Initiative" (viết tắt cả hai là CTTL and TTL) vốn được phác thảo từ năm 2003. Chương trình dự kiến tiêu tốn khoảng 210 triệu USD trong quỹ bí mật giữa các năm 2008 và 2013, nhưng có thể nhận được tài trợ nhiều hơn nữa từ quỹ đen. Một quan chức Ủy ban Khoa học quốc phòng, một ủy ban dân sự cố vấn cho Lầu Năm Góc còn nói thêm rằng "giá cả không thành vấn đề"!
Những vũ khí tuyệt mật của quân đội Mỹ
Tham vọng giám sát chiến trường của Lầu Năm Góc không dừng lại ở những chiếc drone. Mục đích khác là hệ thống vệ tinh do thám có thể được phóng trong vòng vài ngày theo yêu cầu. Những vệ tinh này có ít nhất 2 lợi thế đáng kể so với những chiếc drone - chúng có thể lưu lại giữa không trung 365 ngày một năm và không phải lo lắng gì về vấn đề không phận quốc tế. Tiến hành theo dõi từ vệ tinh này đòi hỏi công nghệ hình ảnh cao tương tự như vệ tinh thử nghiệm TacSat-3 được Không quân Mỹ phóng trong năm 2009.
TacSat-3 được trang bị hệ thống cảm biến siêu quang phổ bắt được bức xạ điện từ có thể phát hiện thấy quả bom giấu ở ven đường trên trái đất. Đây là bước đầu hướng đến những vệ tinh có khả năng tìm và xác định mục tiêu con người. Lầu Năm Góc còn tốn hàng tỉ USD để phát triển những vũ khí có thể giải giáp hay làm bất lực con người, như dự án CHAMP - một nỗ lực phát triển vũ khí vi sóng lắp trên drone để thiêu cháy kẻ thù bằng điện tử. Ví dụ khác là Active Denial System, vũ khí lắp trên xe sử dụng vi sóng để đốt cháy da kẻ thù.
Voxtel, một công ty tư nhân ở Oregon, giới thiệu sản phẩm gọi là NightMarks - loại tinh thể nano thấy được bằng kính nhìn ban đêm và có thể giấu trong bất cứ thứ gì từ nước rửa kiếng cho đến mỡ bôi trơn. Có lẽ đề xuất đánh dấu mục tiêu tinh vi nhất là "bụi thông minh" - đó là những đám mây "bụi" là những bộ cảm biến cơ điện cực nhỏ có thể dán dính vào con người hay xe cộ. Hàng ngàn bộ vi cảm biến như thế này được rải cùng một lúc để tăng cơ hội ít nhất là một trong số chúng bám được mục tiêu.

Chương trình "Prompt Global Strike" - PGS (Tấn công chớp nhoáng toàn cầu).
Kris Pister, giáo sư Đại học California ở Berkeley - người nhận được tài trợ từ DARPA, Cơ quan nghiên cứu và phát triển trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ  - cách đây hơn một thập niên đã nghiên cứu "bụi thông minh" và có thể tạo ra những bộ vi cảm biến nhỏ cỡ hạt gạo! Vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu, giáo sư Kris Pister và đồng nghiệp hình dung loại "quả gai thông minh" có thể dính chặt vào người mục tiêu khi lướt qua người này, hay loại "bọ thông minh" có thể nhảy xổ vào mục tiêu. Nhưng Kris Pister nói: loại vi cảm biến tự hành này có lẽ còn chưa thực hiện được.
Người ta cho là cũng rất có thể tình báo Mỹ cố gắng phóng đại những công nghệ đánh dấu, theo dõi và tiêu diệt nhằm dọa dẫm kẻ thù. Nhưng có bằng chứng cho thấy Lầu Năm Góc đã cho triển khai công nghệ theo dõi cực kỳ tinh xảo. Năm 2009, tờ Guardian của Anh đưa tin: CIA đã trao cho những thành viên bộ tộc Pakistan những con "chip" cắm vào trong nhà của những tên phiến loạn để sau đó những chiếc drone nhận ra mà tấn công tiêu diệt. Một thông tin sau đó của NBC News cũng tiếp tục tiết lộ việc một thành viên bộ tộc Pakistan thừa nhận đã cắm những con chip cực nhỏ như thế để đổi lấy những đồng USD từ phía tình báo Mỹ.
"Chương trình tấn công chớp nhoáng toàn cầu"
Lầu Năm Góc gọi đây là chương trình "Prompt Global Strike" - PGS (Tấn công chớp nhoáng toàn cầu). Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thừa nhận Mỹ đã có được khả năng này: "Ngoài vũ khí hạt nhân răn đe ngày nay, chúng tôi còn có vài thứ mà trước đây ở thời đối đầu với Liên Xô chúng tôi không có. Về mặt công nghệ, khả năng tấn công chính xác trong vòng 1 giờ không có gì là phi thường. Khi rời khỏi khí quyển trái đất và du hành với tốc độ 15.000 dặm/giờ (24.140,16 km/giờ), một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể chạm đến bất cứ mục tiêu  nào trên thế giới trong vòng 30 phút.
Nhưng trên thực tế không đơn giản như vậy. Hệ thống quốc phòng của nước Nga được thiết kế đặc biệt để ngay lập tức dò thấy một ICBM được phóng đi tại bất cứ điểm nào trên thế giới và Chính phủ Nga chỉ mất khoảng vài phút để quyết định có nên trả đũa hay không. Do đó, trong khi hiện nay Washington và Moskva chưa tìm được cách nào để phân biệt ICBM thông thường với tên lửa mang đầu đạn hạt nhân thì việc bắn một ICBM đến Afghanistan với mục đích giết chết dù chỉ một người cũng có thể gây nên một cuộc chiến tranh hạt nhân!

X-51 WaveRider của Không quân Mỹ, sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm đạt đến tốc độ Mach 6.

Một giải pháp khác thay thế cho ICBM là vũ khí siêu thanh - tên lửa hành trình có khả năng du hành ở tốc độ nhiều lần âm thanh, nhanh hơn bất cứ vũ khí quy ước nào hiện nay. Những tên lửa này không phải rời khỏi khí quyển trái đất và có đường đạn rất khác với ICBM thế nên Nga khó thể lầm chúng với vũ khí hạt nhân. Lầu Năm Góc đã chú ý đến hai ứng viên không phải là ICBM cho chương trình PGS - một từ quân đội và một từ DARPA. Cả hai vũ khí này sẽ được phóng vào khí quyển từ rocket và sau đó chúng quay trở lại trái đất với tốc độ siêu thanh.
Ngoài những lựa chọn chính thức cho PGS, Lầu Năm Góc đang nỗ lực tiến hành nghiên cứu ít nhất 3 loại vũ khí siêu thanh và cận siêu thanh. Thứ nhất, X-51 WaveRider của không quân, sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm đạt đến tốc độ Mach 6. Thứ hai là dự án Lựa chọn cách mạng cho tấn công tầm xa chớp nhoáng (gọi tắt là dự án RATTLRS) của hải quân. Và cuối cùng là HyFly, máy bay phản lực khoang đốt đôi, do DARPA tài trợ. Tuy nhiên, có luồng dư luận cho rằng, những chương trình siêu thanh công khai của quân đội Mỹ chỉ nhằm che đậy cho chương trình bí mật gì đó mà thôi

Trang Thuần - Duy Minh tổng hợp
(CAND)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét