Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Đoàn Quý Lâm – Đừng vô cảm với tiêu cực đất đai nữa

Đoàn Quý Lâm
dsc01003.jpgSau ngày đất nước giải phóng, dường như chỉ có hai nỗi bức xúc khiến người dân tập trung phản đối (khiếu nại, tố cáo, biểu tình…) đông người, đó là tiêu cực đất đai và… sự xấc xược của Trung Quốc trong vấn đề biển đảo. Đã lâu lắm rồi mình không viết tiêu cực đất đai. Mấy bữa nay theo dõi vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, lại nhớ về những con người mắt ướt, cổ nghẹn uất vì mất đất, mất nhà mà mình từng tiếp xúc. Dù không phải là phóng viên phụ trách mảng nhà đất, số hồ sơ những vụ tranh chấp bất động sản mà mình nhận được cũng có thể chất đầy một ngăn tủ to, chỉ trong 5 năm bước vào nghề báo.
Ngồi đọc lại bài cũ trên SGGP mấy năm về trước, hình dung những cảnh khốn khó, tủi cực của người dân đằng đẵng khiếu nại đòi đất, niềm xót xa, thương cảm lại dâng lên. Không biết bây giờ, những bà Kiểu, ông Xiếu, cụ Ngọ… trong loạt bài “Hành trình 17 năm đòi lại ruộng của các lão nông” ra sao? (Báo Sggp ngày 31/07/2008). Từ đầu thập niên 90, hơn bảy chục hộ dân nơi này bị thu hồi đất khi họ đang say sưa với những mùa lúa. Họ nào biết làn sóng công nghiệp hóa, đô thị hóa mang trong mình những con quỷ tham lam đang ập đến sau lưng. Đất lúa của họ bị thu hồi với lời hứa trả lại sau khi xem xét tranh chấp. Nhưng rồi những thửa ruộng đó dần dần biến mất vào bên trong tường rào của các khu công nghiệp hay lặn mất dạng dưới nền móng hàng loạt khu dân cư, biệt thự. Đất chưa đòi lại được, tuổi ngày mỗi cao, sức ngày một kiệt, trí ngày một kém, mà nỗi bức xúc dồn nén ngày một to, liệu có sống nổi không?! Họ chỉ biết khóc và trông đợi ở báo chí. Nhưng, ba bài báo nào có giúp ích được gì ngoài một sự lên tiếng đồng cảm chia sẻ. Xôn xao được dăm bữa nửa tháng, chính quyền lại làm lơ; người dân lại đợi, trông, vô vọng. Thay cho tự hào, mình thấy hổ thẹn. Lực bất tòng tâm!
dsc01013.jpgCòn nhớ dạo mới vào nghề, hễ có vụ khiếu nại nào của bà con về tiêu cực đất đai mà mình bức xúc và thấy có thể phản ánh được là ôm hồ sơ đi chia với đồng nghiệp báo bạn, những mong giúp được dân. Thật ngây thơ! Khi đó, đã có những “xô nước” tạt vào lòng nhiệt thành của mình. Bạn bảo, tiêu cực đất đai đầy rẫy ra đó, đâu đâu cũng có, chuyện cũ mèm, ai thèm viết, viết sao xiết. Sếp bảo, thằng này có “vấn đề” hay sao mà hăng “đánh” đất đai thế! Sau này mới ngộ ra rằng, nhiều người đấu tranh bênh vực cho phía nào đó trong một vụ tranh chấp đất đai, thường là “có cái gì đó”, đúng là có vấn đề thật.
Tuy vậy, mong sao chúng ta không vô cảm với tiêu cực đất đai chỉ vì nó xẩy ra quá nhiều hay ai đó nghĩ rằng người viết có sự ăn chia. Nếu như báo chí quyết liệt vào cuộc phơi bày cái sai, cái mục đích bất chính trong việc thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng trước khi có vụ đối đầu bằng vũ khí nóng giữa nông dân Đoàn Văn Vươn với công an, chính quyền, thì rất có thể sự việc đáng tiếc này đã không xảy ra.
Khi nhìn thấy một chiếc xe hạng siêu sang, trị giá hàng triệu đô la, lăn bánh ngoài đường phố, nhiều người sẽ liên hệ đến bất động sản. Bất động sản đang mang lại sự siêu giàu cho một bộ phận và bần cùng hóa nhiều người khác. Nếu tiếp tục xem đó là điều bình thường, chúng ta cũng đừng quá sốc với hành động của Đoàn Văn Vươn.
Tác giả gửi cho Quê choa
(Bài vở gửi đăng QC là chủ kiến riêng của tác giả, không hẳn là chủ kiến của QC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét