Quốc Phương – BBC Tiếng Việt
Giáo
sư Chu Hảo kêu gọi đảng nên thực sự quyết tâm đổi mới triệt để và sâu
rộng nếu muốn tiếp tục tính chính đáng và duy trì lòng tin của người
dân.
Trao đổi với BBC nhân dịp bước sang năm mới 2012, Giáo sư Chu Hảo, ủy viên Hội đồng trung ương Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) cho rằng đảng cộng sản Việt Nam hiện vẫn còn “tính chính danh”.
Thế nhưng cựu quan chức này cảnh báo nếu đảng không “quyết tâm” đổi mới triệt để và sâu rộng, thì tính chính danh này và lòng tin của dân vào đảng sẽ mất đi.
Giáo sư Chu Hảo cũng phê phán cách thức của chính quyền và đặc biệt là chính phủ đã ứng xử với các tiếng nói phản biện của trí thức, nhân sỹ trong nước trong suốt năm 2011.
“Hầu hết các kiến nghị đều chưa được trả lời một cách đàng hoàng, lịch sự. Im thôi, chỉ nhận thôi, không trả lời. Điều đó không có lợi,” vị Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức thuộc (Vusta) đánh giá.
“Ưu tiên mở rộng thảo luận thẳng thắn, dân chủ. Nên có những sửa đổi căn bản đáp ưng yêu cầu của sự phát triển của đất nước; thì sự sửa đổi mới có tác dụng… Còn nếu cứ duy trì hoàn toàn nếp tư duy cũ; chỉ sửa chữa những điều lặt vặt; thì sẽ không hợp lòng dân”
Giáo sư Chu Hảo
Trước hết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Giáo sư Hảo cho rằng lãnh đạo đảng và nhà nước cần lưu ý:
“Ưu tiên mở rộng thảo luận thẳng thắn, dân chủ. Nên có những sửa đổi căn bản đáp ứng yêu cầu của sự phát triển của đất nước; thì sự sửa đổi mới có tác dụng và phù hợp với lòng dân.”
“Còn nếu cứ duy trì hoàn toàn nếp tư duy cũ; chỉ sửa chữa những điều lặt vặt thì sẽ không hợp lòng dân,” ông nói.
Về tinh thần cốt lõi của việc sửa đổi lần này với bản Hiến pháp ra sao, Giáo sư Chu Hảo cho biết:
“Càng trở lại với tinh thần dân chủ, cộng hòa, tinh thần toàn dân đoàn kết, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, không phân biệt giai cấp, đẳng cấp, người Việt Nam trong nước và ở ngoài nước; càng xây dựng được nền hành chính trong sạch và sáng suốt bao nhiêu, thì những tư tưởng chỉ đạo đó trong Hiến pháp sẽ càng là rường cột để xây dựng các luật pháp tiếp theo bấy nhiêu.”
Giáo sư Chu Hảo cho rằng vẫn nên tiếp tục đặt hy vọng vào ông Nguyễn Phú Trọng, người đã làm việc với Vusta năm qua.
“Luật về hoạt động của các đảng chính trị, các đoàn thể xã hội dân sự, chính trị ở trong một nước đang có tiềm năng phát triển như Việt Nam là một nguyện vọng chung của nhân dân.”
Trước câu hỏi, liệu đã đến lúc đảng cộng sản mạnh dạn trao lại những quyền cơ bản thực sự thuộc về nhân dân và các chủ thể xã hội, cũng như tách vai trò của đảng ra khỏi sự lãnh đạo của nhà nước, cựu Thứ trưởng Khoa học – Công nghệ bình luận:
“Tính chính đáng của đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều trong lòng dân. Lịch sử đã để lại những dấu ấn rõ ràng va được toàn dân thừa nhận về vai trò của đảng cộng sản đưa Việt Nam từ một nước không ai biết đến trở thành một nước độc lập. Đưa Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh, thống nhất đất nước.”
Tuy nhiên ông đưa ra cảnh báo nguy cơ mà đảng cộng sản đang phải đối diện trong tình hinh mới:
“Tính chính đáng của đảng vẫn còn nhưng nếu từ nay mà đảng không quyết tâm đổi mới như tinh thần đổi mới từ những năm 1980, đổi mới một cách sâu rộng, triệt để hơn nữa, thì sự lãnh đạo của đảng sẽ dần dần mất đi sự tin tưởng trong lòng dân.”
“Chỉ khi nào lấy lại sự tin tưởng đó, thì tính chính đáng của đảng mới được khẳng định.”
Giải tán hay không?
“Tôi có một nhận xét chung là những tiếng nói chung của giới tạm gọi là trí thức, những người hoạt động chính trị – xã hội đã nghỉ, các tướng lĩnh…, chưa được chú trọng một cách thật đầy đủ. Đặc biệt chưa có sự đối thoại”
Giáo sư Chu Hảo
Trước hết Giáo sư Chu Hảo đưa ra bình luận của mình về tư cách của “đội ngũ trí thức” trong nước những năm qua, dưới hàng chục năm lãnh đạo của đảng.
“Tầng lớp trí thức theo định nghĩa mà tôi hiểu chưa hình thành ở Việt Nam từ sau năm 1954 và sau năm 1975 ở Miền Nam.”
“Khả năng độc lập tư duy, khả năng dám bảo vệ chính kiến của mình, khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội chưa có nhiều. Và đó là điều đáng thất vọng.”
Giáo sư Hảo cho rằng chưa nhất thiết giải thể sự lãnh đạo của đảng với tầng lớp trí thức ở trong nước và đưa ra điều kiện đi kèm:
“Không nhất thiết. Nếu như đảng cộng sản Việt Nam mở rộng dân chủ và thực sự tôn trọng tự do học thuật, thực sự tạo ra những cơ chế dân chủ để thực sự phát huy sự năng động, sáng tạo tư duy, để có thể bảo vệ được những người có những ý kiến thiểu số, nhưng chưa hẳn đã là sai trong thời điểm hiện tại.”
“Rất có thể năm, mười năm, những ý kiến đấy lại là sáng giá. Thế thì những người có ý kiến khác với chính thống, có ý kiến trái ngược, phải tạo điều kiện cho người ta phát biểu.
Giáo
sư Chu Hảo nói nhiều kiến nghị của trí thức và các tầng lớp nhân dân
chưa được đảng, nhà nước trả lời và đối thoại một cách đàng hoàng,
nghiêm túc.
Với điều kiện này, Giáo sư Chu Hảo cho rằng có thể sẽ có giải pháp kép cho cả vị thế, tư cách của tầng lớp trí thức Việt Nam, lẫn sự tồn tại của đảng.
“Trong điều kiện ấy thì một đảng cũng được, hai đảng cũng được. Một đảng cộng sản Việt Nam cũng được nếu mà bảo vệ và tạo điều kiện ấy, thì sẽ tạo được một tầng lớp trí thức.”
Cuối cùng, Giáo sư Hảo nhận xét về cách thức ứng xử của lãnh đạo đảng, nhà nước và đặc biệt là chính phủ trong năm qua trước các ý kiến, kiến nghị phản biện của giới trí thức, nhân sỹ trong nước:
“Tôi có một nhận xét chung là những tiếng nói chung của giới tạm gọi là trí thức, những người hoạt động chính trị – xã hội đã nghỉ, các tướng lĩnh…, chưa được chú trọng một cách thật đầy đủ. Đặc biệt chưa có sự đối thoại,”
“Có nhiều ý kiến đã được tiếp thu, nhưng nhiều văn bản chính thức qua các kiến nghị gửi lên trên lại không được trả lời một cách công khai, đàng hoàng và theo cách xã giao. Trong thời gian tới đây “phải có chuyển biến” về sự tiếp thu và đối thoại,” Giáo sư nói với BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét