Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Ồ ạt xuất khẩu than - Kỳ cuối: Châu Á đang “khát” than

Ồ ạt xuất khẩu than - Kỳ cuối: Châu Á đang “khát” than

Tháp làm mát bên trong một nhà máy nhiệt điện vận hành bằng than của Trung Quốc. Nhu cầu về than của nước này ngày một tăng mạnh - Ảnh: AFP
- Ồ ạt xuất khẩu than - Kỳ cuối: Châu Á đang “khát” than - TT - Than tuy không gây nóng sốt trên thị trường thế giới bằng dầu nhưng cũng đóng vai trò quan trọng trong cơn khát năng lượng hiện nay. Nhiều quốc gia ở châu Á từng là cường quốc về xuất khẩu than nay quay sang nhập khẩu trở lại.
Thống kê của Tập đoàn BP (Anh) cho thấy hiện Trái đất chúng ta có trữ lượng than khoảng 860 tỉ tấn (tính đến cuối năm 2010). Trong đó trữ lượng than tập trung nhiều ở những quốc gia như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Úc, Đức, Nam Phi, Ấn Độ.
Trung Quốc tăng cường nhập than
Theo Hiệp hội Than thế giới, từ năm 2000 đến nay nhu cầu tiêu thụ than trên thế giới tăng nhanh hơn bất cứ loại nhiên liệu nào. Những quốc gia sử dụng than nhiều nhất bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Tiêu thụ than ở những nước này chiếm 77% lượng than sử dụng trên toàn thế giới. Than nhiệt lượng cao được sử dụng trong nhiệt điện, còn than cốc được sử dụng chủ yếu trong sản xuất thép. Trong đó, Trung Quốc “đốt” hết một nửa trong số 6 tỉ tấn than tiêu thụ trên toàn thế giới (số liệu năm 2010). Quốc gia này đã thay đổi chóng mặt từ một nước chủ yếu xuất khẩu than thành một trong những khách hàng nhập than lớn nhất thế giới trong những năm qua.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính năm 2010 Trung Quốc nhập 177 triệu tấn than, sau Nhật Bản với 187 triệu tấn. Theo số liệu mới cập nhật tháng 11-2011 của Hiệp hội Hạt nhân thế giới, điện năng tạo ra từ than của Trung Quốc chiếm đến 80% sản lượng điện quốc gia trong khi thủy điện chỉ góp 15%. Điều này cho thấy nhu cầu về than của Trung Quốc rất lớn.
Số liệu của Tập đoàn BP về năng lượng thế giới năm 2010 cho biết trữ lượng than ở Trung Quốc là 114,5 tỉ tấn (62,2 tỉ tấn than antraxit và bitum). Cũng trong năm 2010, Trung Quốc sản xuất được 1,8 tỉ tấn than.
Còn theo Hiệp hội Than Trung Quốc, ba quý đầu năm 2011 Trung Quốc đã nhập 123 triệu tấn than, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu than chỉ 12,12 triệu tấn, giảm 19,7% so với năm ngoái. Như vậy, có thể thấy Trung Quốc ngày càng nhập nhiều than hơn để đáp ứng nhu cầu lớn về điện ở trong nước và hạn chế xuất khẩu than.
Trong khi đó, trữ lượng than của Úc chỉ có 76,4 tỉ tấn (năm 2010) với 37 tỉ tấn antraxit và bitum nhưng lại đứng đầu về xuất khẩu với 298 triệu tấn. Theo New York Times, năm 2010, một công ty Úc đã ký hợp đồng trị giá 60 tỉ USD với một tập đoàn nhà nước của Trung Quốc là Tập đoàn Phát triển năng lượng quốc tế, để cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của nước này từ năm 2013. Kèm theo đó là một khu phức hợp sản xuất than rộng lớn sẽ được xây dựng ở một vùng hẻo lánh của Úc.
New York Times cũng dẫn lời ông Vic Svec, phó chủ tịch Công ty than tư nhân lớn nhất thế giới Peabody Energy (Mỹ), nói họ đang lên kế hoạch vận chuyển nhiều than hơn nữa đến Trung Quốc. “Than là thứ năng lượng tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa nhờ vào nhu cầu năng lượng ở châu Á” - ông Svec nói.
Những nước có nguồn tài nguyên khoáng sản hạn chế như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có nhu cầu nhập than rất lớn. Năm 2010, Nhật nhập tới 187 triệu tấn than (đứng đầu) trong khi Hàn Quốc nhập 119 triệu tấn (đứng thứ ba).
Trữ lượng nhiều nhưng xuất ít
Trong số các nước có trữ lượng than hàng đầu thế giới, Mỹ đứng nhất với 237 tỉ tấn (trong đó 108,5 tỉ tấn than antraxit và bitum) và Nga đứng thứ hai với 157 tỉ tấn (49 tỉ tấn antraxit và bitum). Tuy nhiên, hai nước nhất nhì này lại chỉ đứng thứ ba và tư trong số các nước xuất khẩu than trong năm 2010. Theo IEA, Nga đứng thứ ba về xuất khẩu than với 109 triệu tấn (năm 2010), trong đó 95 triệu tấn là than đốt lò hơi. Mỹ đứng thứ tư với 74 triệu tấn, trong đó chỉ có 23 triệu tấn là than đốt lò hơi, còn lại là than cốc.
Tại châu Âu và Mỹ, than đã qua thời hoàng kim. Tiêu thụ than giảm nhiều trong những năm qua do bị tác động bởi các luật về môi trường và việc phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng thiên nhiên và năng lượng có thể tái tạo.
Ấn Độ cũng là quốc gia có nhu cầu về than đang tăng lên. Theo IEA, năm 2010 Ấn Độ nhập 90 triệu tấn than, trong đó 60 triệu tấn là than đốt lò hơi. Trữ lượng than của Ấn Độ cũng ở mức cao, khoảng 60 tỉ tấn, trong đó antraxit và bitum chiếm 56 tỉ tấn.
Đất nước Nam Phi xa xôi cũng là một nguồn cung cấp than đáng kể cho châu Á với 84 triệu tấn tính đến thời điểm hiện tại, theo Reuters. Mức xuất khẩu này cao hơn năm ngoái gần 20 triệu tấn. Trữ lượng than của Nam Phi còn khá nhiều, vào khoảng 30 tỉ tấn. Nam Phi cũng là nguồn cung cấp than cho Ấn Độ và Trung Quốc. Hệ thống đường sắt được cải thiện là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc xuất khẩu của Nam Phi tăng.
VIỆT PHƯƠNG

Ồ ạt xuất khẩu than - Kỳ 2: Sẽ phải nhập giá cao -TT - Về tình trạng sắp thiếu than nhưng vẫn ồ ạt xuất khẩu, ông Phạm Quang Tú - giám đốc văn phòng hỗ trợ tư vấn phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN - đã khẳng định nếu không sớm hạn chế xuất khẩu, VN sẽ phải trả giá đắt. Ông Tú nói: 
Khai thác than tại mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh) - Ảnh: Nguyễn Khánh
Năm 2011: TKV sẽ nhập khoảng 200.000 tấn than
Theo ông Vĩnh Như - giám đốc Công ty cổ phần Than miền Nam (thành viên của TKV), năm 2011 nhu cầu phía Nam ước sử dụng khoảng 2 triệu tấn than, dự kiến nhu cầu sẽ tăng trung bình 10%/năm trong các năm tiếp theo. Mức cầu này chưa tính lượng than mà các nhà máy nhiệt điện hiện đang đầu tư và sẽ đưa vào hoạt động trong các năm tới.
Theo tính toán chưa đầy đủ, hiện lượng than nhập khẩu của năm 2011 chiếm khoảng 10% tổng lượng than tiêu thụ trên thị trường khu vực phía Nam, tương ứng khoảng 200.000 tấn/năm. Số lượng này cũng chưa tính lượng than của Nhà máy nhiệt điện Formosa tự nhập khẩu trung bình trên 600.000 tấn/năm kể từ khi đi vào hoạt động đến nay.
TRẦN VŨ NGHI
- Chúng ta không đánh giá thấp vai trò của ngành than trong giai đoạn đầu phát triển của đất nước nhưng việc xuất khẩu thô khoáng sản, trong đó có than, theo tôi, đã hoàn thành sứ mệnh rồi. Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) có giải thích việc xuất khẩu là để bù lỗ than trong nước, để có tiền đầu tư nâng cao năng lực khai thác trong tương lai. Nhưng theo tôi, có nhiều biện pháp khác cần tính đến và Chính phủ cần phải tính toán lại.
Tâm lý doanh nghiệp bao giờ cũng muốn khai thác, tìm cách bù lỗ, tìm cách năm sau khai thác cao hơn năm trước, chạy theo thành tích. Như thế có thể có lợi cho một doanh nghiệp, nhưng tổng thể cả đất nước thì không lợi. Nhà nước phải cân đối lại.
Có hai quan điểm: thứ nhất là khoáng sản chưa chế biến sâu được thì để đấy, giá trị chắc chắn sẽ tăng; thứ hai là tận dụng ngay, lấy đó làm vốn. Tư duy thứ hai thường là của nước nghèo. Tôi nghĩ VN đã đến giai đoạn không đến nỗi phải đào hầm, đào mỏ, xẻ thịt tài nguyên bán mấy chục triệu tấn/năm như thế nữa.
* TKV muốn bán than vì cho rằng bán đã được giá khá cao, tới 300 USD/tấn. Nhưng sắp tới nhập thì có thể giá VN phải mua còn cao hơn nhiều?
- Tôi nghĩ đó là thực tế. Với giá 300 USD/tấn trong khi giá bán than trong nước chỉ khoảng 100 USD/tấn nên doanh nghiệp nào vào vị trí của TKV chắc đều muốn xuất khẩu nhiều cả. Nhưng tài nguyên có hạn, trong khi nhu cầu những năm tới, nhất là sau năm 2015 các nước đều biết là VN thiếu, năng lực khai thác của TKV không đủ. Nhà máy điện đã có rồi, không thể đóng cửa, trong khi than đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng mua.
Ai cũng hiểu không thể để mặc tình trạng thiếu điện nên tôi nghĩ các nhà quản lý cần cảnh giác việc nhập khẩu là rất khó khăn. Bán than được 300 USD/tấn không hẳn là mừng. Chúng ta đã có bài học trước đây giá dầu 70 USD/thùng, có người nói không bán đi đợi đến bao giờ. Nhưng nay mới thấy bán được giá đó vẫn quá thấp...
* Vậy theo ông, có cần hạn chế xuất khẩu than bằng biện pháp mạnh hơn?
- Tài nguyên của VN rất có hạn, ta đã khai thác khá mạnh thời gian qua. Nên biết giữ cái gì ta có, nhất là khi biết chắc sẽ thiếu. Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngừng cấp phép mới khai thác tài nguyên. Việc này không nên dừng ở các doanh nghiệp nhỏ.
Vì an ninh năng lượng thời gian tới, trước khi cấm hẳn xuất khẩu than, theo tôi, nên tiếp tục tăng thuế xuất khẩu than. Thuế xuất khẩu than mới được tăng 5%, lên 20%. Nhưng tôi cho rằng 20% với một tài nguyên như than vẫn là thấp, cần tiếp tục tăng. Nếu một doanh nghiệp tư mà khai thác than, bán được tới 300 USD/tấn thì tôi nghĩ Nhà nước đã điều chỉnh thuế, tăng huy động vào ngân sách rồi.
Cần tính toán tăng thu vì than là tài nguyên chung, không nên để chỉ một nhóm, một ngành được hưởng lợi trực tiếp, mà Nhà nước phải điều phối. Bên cạnh đó cần siết chặt, tăng chế tài để ngăn ngừa, chống việc xuất lậu than, gian lận số lượng trong khai thác, xuất khẩu than... Đây không chỉ là thất thoát của ngành than mà là thất thoát của quốc gia.
Trong một số hội thảo đã có chuyên gia cho rằng thất thoát trong khai thác, vận chuyển than rất lớn, có thể lên đến 30%. TKV cần cho xã hội biết chi phí và thất thoát từng khâu của mình.
* Nhiều ý kiến cho rằng việc xuất khẩu, khai thác hiện tại cần tính trên nhu cầu sắp tới của VN, nếu cứ vì nhu cầu đầu tư của ngành than thì sẽ không bao giờ dừng lại được?
- VN đang công nghiệp hóa, nhu cầu nhiên liệu, nguyên liệu mới ở bước khởi đầu, nên tiết kiệm phải là ưu tiên hàng đầu. Nếu nhìn vào quy hoạch điện 7 vừa được Chính phủ phê duyệt thì nhu cầu than cho phát điện thôi đã rất lớn. Năm 2015 sẽ phải nhập khoảng 6 triệu tấn, năm 2025 sẽ lên đến vài chục triệu tấn. Nếu cứ nói phải xuất khẩu để lấy tiền đầu tư mỏ mới thì đến lúc có năng lực rồi chúng ta còn than để khai thác nữa không? Mà lúc đó than liên quan đến điện, khả năng thiếu điện có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Khai thác than ngày càng khó
Chiều 1-12, trao đổi về việc VN ồ ạt xuất khẩu than, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn phân tích:
- Ở VN, nơi đang khai thác than nhiều nhất là bể than Quảng Ninh nhưng trữ lượng tại đây không nhiều. Trữ lượng than ở bể than Quảng Ninh hiện vẫn còn, nhưng việc khai thác đã bước vào giai đoạn ngày càng khó khăn. Bề mặt than ở bên trên đã được khai thác và muốn khai thác tiếp phải đào sâu xuống, nên để khai thác được chắc chắn giá thành sẽ ngày càng cao.
Ngay với bể đồng bằng sông Hồng được dự báo rất lớn, số dự báo lên tới 200 tỉ tấn. Nhưng nói thật đây mới chỉ là dự báo dựa trên cơ sở các lỗ khoan thăm dò dầu khí trước đây, còn hiện tại chưa có điều tra đánh giá cơ bản nên không có cơ sở nói là có trữ lượng lớn về than.
* Nhưng thưa ông, thực tế Việt Nam đã phải nhập khẩu than và TKV vẫn xuất khẩu hàng triệu tấn than. Điều này được lý giải như thế nào?
- Tôi khẳng định trong điều kiện khai thác than phục vụ nền kinh tế không đủ đương nhiên việc xuất khẩu than sẽ phải hạn chế, hạn chế tới mức tối thiểu. Vấn đề hiện nay có chuyện chúng ta đang đối mặt là giá thành than chúng ta bán cho các ngành kinh tế tiêu thụ trong nước được thực hiện dựa trên giá quy định của Chính phủ, giá bán không cao nên TKV cũng có những khó khăn.
Vì vậy, thời gian vừa rồi TKV có đề xuất Chính phủ được bán xuất khẩu một số loại than khi nền kinh tế của chúng ta tiêu thụ chưa hết, những loại than tốt mà chúng ta thấy tiêu thụ ở trong nước có giá không cao bằng giá xuất khẩu khi thị trường nước ngoài đang có nhu cầu cao và giá cũng cao hơn.
* Theo ông, chiến lược về tài nguyên khoáng sản của Việt Nam nói chung và tài nguyên than tới đây cần phải điều chỉnh như thế nào?
- Với việc xuất khẩu than thì đây chỉ là tạm thời. Còn với chiến lược tài nguyên khoáng sản trong đó có cả than, vừa qua Bộ Tài nguyên - môi trường đã có dự thảo trình Chính phủ. Chiến lược này sẽ khắc phục và chấn chỉnh những bất cập trong khai thác khoáng sản hiện nay.
Quan điểm của chiến lược thứ nhất là ưu tiên đầu tư cho điều tra cơ bản địa chất khoáng sản cả đất liền lẫn ngoài biển và hải đảo. Thứ hai, việc thăm dò khai thác khoáng sản cần phải được chế biến sử dụng có hiệu quả. Thứ ba, phải cân đối giữa việc khai thác với dự trữ khoáng sản nhằm phát triển ngành khai khoáng bền vững, đảm bảo lợi ích lâu dài của quốc gia.
Như vậy có nghĩa là chúng ta không thể khai thác khoáng sản bằng bất cứ giá nào, không phải chúng ta có nhiều khoáng sản mà cứ đào bới như trong thời gian qua.
XUÂN LONG thực hiện
Kỳ 1: Chuyển “núi” ra nước ngoài TT - Chín tháng đầu năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN đã xuất khẩu tới 12,5 triệu tấn than. Trong khi đó, các nhà máy nhiệt điện VN lại đang và sẽ phải nhập than với giá cao.

Khai thác than xuất khẩu tại Công ty than Mạo Khê, Quảng Ninh - Ảnh: NGUYỄN ĐÁN
Khai thác than xuất khẩu tại Quảng Ninh - Ảnh: NGUYỄN ĐÁN
Mặc dù có chủ trương hạn chế xuất khẩu tài nguyên dạng thô, đặc biệt VN đã phải nhập khẩu than, nhưng chín tháng đầu năm 2011 Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV) vẫn xuất tới 12,5 triệu tấn than. VN tiếp tục nằm trong top 5 nước xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới.
Một quan chức Bộ Tài chính mới đây đã phải thốt lên: tốc độ xuất khẩu như vậy là quá ồ ạt và bộ này đã phải tăng thuế xuất khẩu than vào tháng 9-2011, nhưng cả năm TKV vẫn có thể xuất khẩu đạt 16,5 triệu tấn...
Doanh thu cao nhờ bán than
Tại các mỏ than của TKV ở Quảng Ninh những ngày cuối tháng 11-2011, không khí khai thác vẫn sôi động để chuẩn bị hoàn thành mục tiêu năm 2011 khai thác 47,06 triệu tấn than nguyên khai (chưa chế biến), bằng 100,8% năm 2010.
Hầu hết công ty thành viên của TKV công nhân làm việc liên tục ba ca nhằm đảm bảo sản lượng khai thác. Với kế hoạch đặt ra từ đầu năm doanh thu lên tới gần 73.000 tỉ đồng (gần 3,5 tỉ USD), TKV vừa được xếp hạng là một trong những tập đoàn có doanh thu cao nhất VN, chỉ sau một số tập đoàn, tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Xăng dầu...
Theo Bộ Công thương, tính chung giai đoạn 2006-2010 TKV sản xuất và tiêu thụ bình quân mỗi năm 40-41 triệu tấn than sạch. Sản lượng khai thác của TKV liên tục tăng mạnh. Với số lượng than nguyên khai đào được ngày càng tăng, doanh thu từ than và giá trị xuất khẩu của TKV đạt được cũng rất lớn. Nếu như năm 2006 TKV mới thu được khoảng 15.300 tỉ đồng từ than thì năm 2009, tức sau bốn năm, doanh thu đã tăng hơn gấp đôi, lên tới trên 36.500 tỉ đồng.
Với tổng lượng than bán được năm 2010 là 42 triệu tấn, TKV cho biết đã xuất khẩu 18,7 triệu tấn. Tính chung năm 2010, tổng giá trị xuất khẩu than khoáng sản của tập đoàn này lên đến con số ấn tượng: 1,4 tỉ USD!
Theo một quan chức của TKV, rất khó có thể so sánh xuất khẩu than với các loại khoáng sản khác. Bởi khai thác than tạo ô nhiễm và khi khai thác xong trên bề mặt và dưới lòng đất các lò than rất khó khôi phục, trả lại nguyên trạng mà có thể phải mất cả chục năm sau cây cối mới xanh tươi trở lại.
Số lượng than khai thác mỗi năm lên tới trên 40 triệu tấn, theo quan chức này là đã đem ra khỏi lòng đất một lượng vật chất khổng lồ. Với lượng than xuất khẩu của TKV năm 2010 là khoảng 18,7 triệu tấn, một chuyên gia trong lĩnh vực khoáng sản ví von số lượng này tương đương mấy quả núi được chuyển ra nước ngoài...
Tăng thuế cũng không sao
Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng tốc độ xuất khẩu than như vậy là quá ồ ạt, trong khi chủ trương chung của Nhà nước là hạn chế xuất khẩu tài nguyên dạng thô, nên Bộ Tài chính đã phải tăng thuế xuất khẩu than từ ngày 11-9-2011 thêm 5%, lên mức 20%.
Ông Nguyễn Thành Sơn, giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, cho biết với những thông tin ông có được thì than TKV xuất khẩu chỉ một lượng nhỏ trong nước không dùng đến, còn lại ước tính phải đến 10 triệu tấn chính là loại than mà VN đang và sẽ phải nhập trong tương lai. Ông Sơn cho rằng TKV nên công khai tỉ lệ từng loại than xuất khẩu xem thực chất đang xuất khẩu loại than gì.
Đặc biệt, ông Sơn phân tích chất lượng than trong lòng đất cơ bản không thay đổi, vấn đề TKV khai thác được nhiều than đẹp để xuất khẩu còn do sử dụng công nghệ mới. Cũng có thể nói TKV đã chạy theo số lượng khi khai thác cả than lộ vỉa để tăng số lượng khai thác, tăng xuất khẩu.
Chuyên gia địa chất Lê Quang Cảnh, nguyên cán bộ Liên đoàn 3 Tổng cục Địa chất, cũng cho rằng hiện đối tác lớn mua than của TKV là Trung Quốc và họ mua chủ yếu để phục vụ nhu cầu không phải quá cao cấp. Theo ông Cảnh, Trung Quốc đã phải khai thác xuống rất sâu, giá thành cao nên họ cần mua than của VN. Tuy nhiên, chính vì thế VN nên tính việc xuất khẩu than với lợi ích lâu dài chứ không phải trước mắt.
CẦM VĂN KÌNH
Kỳ tới: Sẽ phải nhập giá cao
“Vừa xuất vừa nhập là bình thường”
Đồ họa: V.Cường
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Xuân Hòa, chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), thừa nhận nhập khẩu than không dễ, nhưng lại công nhận năm 2011 VN vẫn xuất khẩu than đá lớn bậc nhất thế giới. Ông Hòa nói:
- Số lượng than VN phải nhập khẩu sẽ bắt đầu tăng kể từ năm 2015. Theo quy hoạch, với số lượng nhà máy nhiệt điện, ximăng, thép hoạt động vào năm 2015 thì chúng ta sẽ phải nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn, sau đó tăng dần. Chúng tôi đang chỉ đạo và tiếp cận nhiều đối tác để bắt đầu xúc tiến chuẩn bị cho việc nhập khẩu than, cũng như để cán bộ công nhân viên quen dần.
* Năm 2009, TKV được đánh giá là nhà xuất khẩu than đá lớn nhất thế giới. Năm 2011, liệu TKV còn giữ vị trí này?
- VN là nước có trữ lượng than antraxit (than đá) lớn và chúng ta chủ yếu chỉ có than này. Năm 2011, chúng tôi có thể không đứng vị trí thứ nhất nhưng do các nước xuất khẩu loại than này không nhiều nên nếu không đứng vị trí thứ hai, thứ ba thì VN có thể vẫn nằm trong top 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo quy hoạch của Bộ Công thương, trong năm năm tới chúng tôi sẽ giảm xuất khẩu. Năm 2011 sẽ chỉ xuất 16,5 triệu tấn. Năm 2012 xuống khoảng 13,5 triệu tấn. Năm 2013 xuống khoảng 8 triệu tấn. Mức xuất khẩu sẽ ổn định ở 4-5 triệu tấn than vào khoảng năm 2015 và sau đó. Đó là theo quy hoạch, còn theo tôi một khi ta thị trường hóa được giá than thì ta có thể duy trì xuất khẩu vì than của chúng ta có giá trị rất cao, nếu đem đi đốt điện rất lãng phí. Nếu sau này giá than theo giá quốc tế thì phía Nam đi nhập khẩu than là có lợi, còn phía Bắc sẽ sản xuất đáp ứng nhu cầu miền Bắc và xuất khẩu sẽ hiệu quả hơn.
* Sắp phải nhập khẩu nhưng TKV vẫn xuất khẩu, theo ông, có vì lợi ích toàn cục hay chỉ vì lợi ích ngành than?
- Nhập khẩu là chuyện bình thường. Bây giờ cứ dùng than chúng tôi đang xuất khẩu khoảng 300 USD/tấn để đốt điện thì ta có chịu được giá đó không. Các nước như Trung Quốc sản xuất khoảng 3,5 tỉ tấn nhưng họ vẫn nhập hàng trăm triệu tấn than. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng nhập hàng trăm triệu tấn. Tất nhiên việc nhập sẽ không thể chủ động bằng sản xuất tại chỗ nhưng không thể nói không làm được.
* Thưa ông, tại sao ta không đợi đầu tư những nhà máy có thể dùng than chất lượng cao mà cứ xuất khẩu ngay?
- Đất nước đang giải quyết bài toán khoa học công nghệ thế nào để sử dụng hiệu quả tài nguyên. Như Nhật Bản họ mua than về sản xuất điện cực nhưng công nghệ đó đâu có ở VN. Trình độ khoa học công nghệ VN đang ở mức độ nào? Ngay từ bài học phổ thông đã thấy từ than có thể ra rất nhiều sản phẩm nhưng công nghệ ta còn yếu kém, dù tôi vẫn tin sắp tới ta sẽ phát triển công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên.
* Nhiều chuyên gia đề xuất Chính phủ dừng hẳn xuất khẩu than?
- Hiện chúng tôi đang bán than cho điện chỉ bằng khoảng 55% giá thành, chưa kể lợi nhuận định mức, chỉ bằng 25% giá than xuất khẩu. Tiền bù đắp lỗ để bán than giá thấp cho điện phải lấy từ than xuất khẩu. Bù đắp đâu nhỏ, năm 2011 khoảng 5.000 tỉ đồng, nếu không có gì thay đổi thì sang năm còn lớn hơn. Vậy tiền này sẽ lấy từ ngân sách hay là Nhà nước nên cho ngành than xuất khẩu để bù lỗ, chưa phải tăng giá? Bài toán này Chính phủ sẽ giải quyết và chúng tôi sẽ chấp hành tuyệt đối.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Đã nhập trên 9.500 tấn than
Tháng 6-2011, TKV đã cho công ty con nhập khẩu trên 9.500 tấn than đầu tiên từ Indonesia để chuẩn bị cho việc VN sẽ phải nhập khẩu nhiều  than từ năm 2015.
Ông Lê Minh Chuẩn, tổng giám đốc TKV, trong cuộc họp giao ban tại Bộ Công thương mới đây cho biết loại than nhập khẩu là than thô, khi nhập về phải sơ chế, chế biến. Giá nhập loại than này khoảng 73,6 USD/tấn, cộng cước vận chuyển 27 USD/tấn, tổng giá chỉ 106 USD/tấn - tương đương than cám mà VN đang xuất khẩu 108,6 USD/tấn. Nếu vận chuyển từ Hòn Gai vào Cát Lái chi phí mất 14 USD/tấn nên theo ông Chuẩn, nhập từ nước ngoài rẻ hơn khoảng 14 USD/tấn.
Từ lập luận trên, ông Chuẩn cho rằng vừa xuất và nhập khẩu than là rất bình thường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Sơn phân tích: lãnh đạo TKV tính giá than nhập khẩu rẻ hơn than trong nước là chưa tính đến các chi phí khác. Như nhập than từ Indonesia về giá cuối cùng là 108,6 USD/tấn, nhưng TKV đã quên không tính chi phí chế biến, sàng tuyển mất khoảng 10 USD/tấn.
Chi phí bốc than đã sàng tuyển đem đến các nhà máy khoảng 5 USD/tấn, chưa kể chi phí kho bãi, nhất là khi sàng lọc than quá kém phải loại ra... cũng khiến tăng giá thành. Vì vậy, ông Sơn cho rằng than nhập khẩu sau khi chế biến, chuyển đi có thể giá còn cao hơn cả giá than trong nước, các nhà máy điện sẽ khó ai dám mua than đó.
-Nguồn:
Ồ ạt xuất khẩu than – Kỳ 1: Chuyển “núi” ra nước ngoài --  (TT).


--Không thể để kéo dài chảy máu tài nguyên (Thiennhien).
Vừa được “phong” là kỳ quan, vịnh Hạ Long đã tăng gấp đôi phí tham quan (Petrotimes).  
-Đứt gãy ở Quảng Nam có trước khi xây thủy điện -16g chiều nay (1/12), đoàn công tác của Viện Khoa học công nghệ Việt Nam đã thông báo cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam biết tình hình động đất ở đây chưa quá nguy hiểm và khuyến cáo người dân không nên hoang mang lo sợ.-


Vì sao phải bịt tai khi qua hầm Thủ Thiêm? (Bee).----

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét