Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Vai trò của trí thức miền Bắc sau 1975 - Các “ông chủ” lũng đoạn ngân hàng Việt Nam

TRUNG CỘNG HIỆN NAY CÓ PHẢI LÀ NƯỚC TIÊU BIỂU CHO TRIẾT LÝ, VĂN HÓA, VĂN MINH ĐÔNG PHƯƠNG ?

Chu Chi Nam 
Trong một thời gian dài tăng trưởng, với 2 con số, kinh tế Trung cộng hiện nay, nếu tính theo tổng sản lượng, thì đứng thứ nhì trên thế giới, với 8 358,4 tỷ $, chỉ sau Hoa kỳ với 15 684,8 tỷ, trên Nhật 5 959,7 tỷ, trên Đức 3 399,6 tỷ.
Một số người thiên về kinh tế, cho rằng kinh tế là quyết định tất, đã vội đưa ra những dự đoán tương lai: trong một thời gian ngắn, kinh tế Trung cộng sẽ vượt Hoa kỳ về tổng sản lượng. Hơn thế nữa họ cho rằng Trung Cộng sẽ là đệ nhất cường quốc về nhiều mặt và từ đó cho rằng Trung cộng đạt được mức độ phát triển hiện nay là nhờ vào nền triết lý, văn hóa, văn minh Đông phương.
Có phải thế không ?
Xin trình bày sơ qua về triết lý, văn hóa, văn minh, để có một khái niệm, rồi chúng ta cùng nhau trả lời cho câu hỏi trên:
Không ai phủ nhận rằng văn minh Đông phương được tiêu biểu bởi những nước như Ai cập, Tàu, Ấn độ v.v… ; và văn minh Tây phương bắt đầu bằng Hy lạp, La mã, rồi tới Anh, Pháp, Đức, Hoa kỳ.
Triết lý, chúng ta có thể định nghĩa nhiều cách khác nhau, nhưng chúng ta có thể định nghĩa một cách ngắn gọn, giản tiện và dễ hiểu là cách suy tư, cách nhìn, và từ đó đưa đến cách hành xử, cách sống của một người, một cộng đồng dân tộc.
Từ suy nghĩ, ý tưởng, tư tưởng, đi đến triết lý; từ triết lý, đi đến hành động, văn hóa, văn minh. Chính vì vậy triết học giữ một vai trò rất quan trọng cho một cá nhân, hay một quốc gia, dân tộc. Nghĩ làm sao, hành động làm vậy. Một con người có một triết lý bi quan, thì thường bi quan. Một quốc gia dân tộc chấp nhận một quan niệm triết lý bạo động, thì hay gây hấn chiến tranh, chiến tranh không những với nước ngoài, mà ngay chính trong lòng quốc gia đó.
Văn hóa, văn là đẹp, hóa là biến hóa. Biến cái gì thành đẹp, đó là văn hóa. Chữ Tây phương, văn hóa là «  la culture « có nghĩa là chống lại cái gì là thiên nhiên (la culture est ce qui contre la nature). Một cục đá, đó là thiên nhiên, nhưng chúng ta đẻo gọt thành một bức tượng, đó là văn hóa. Chữ văn hóa Tây phương còn có nghĩa là trồng trọt. Một cánh đồng là thiên nhiên, chúng ta cày xới, trồng cây để lấy hoa quả, đó là văn hóa.
Sau này người ta còn định nghĩa văn hóa từ nhiều góc cạnh khác nhau:
Như Aristote (384 – 322 trước Tây lịch), nhà hiền triết Hy lạp, đã định nghĩa văn hóa là những ngôn từ để trang điểm trong trường hợp giàu có và cũng là những ngôn từ để an ủi trong lúc nghèo khổ, hoạn nạn.
Edouard Herriot (1972 – 1957), nhà văn, nhà chính trị Pháp, đã định nghĩa văn hóa là « cái gì còn lại sau khi đã quên hết ». Thật vậy, như chúng ta đọc sách, chúng ta đã thấm nhuần và quên, cái còn lại là những cái gì thuộc về chúng ta, thì cái đó là văn hóa.
Văn minh, văn cũng là đẹp, minh là chiếu sáng. Cái gì đẹp và nhiều người biết tới là văn minh. Nhiều người cho rằng văn hóa chỉ về tinh thần, văn minh thiên về vật chất. Không hoàn toàn như vậy. Như khi nói đến văn minh Ai cập, người ta nói đến kim tự tháp. Kim tự tháp không phải chỉ là những tảng đá ghép lại, mà trong đó có cả một công trình toán học, thiên văn học v.v… Cũng như vạn lý trường thành của Tàu, không phải chỉ là những bức tường xây lên, mà cả là một tính toán chiến lược quân sự nhằm ngăn chặn những đoàn quân đến từ phía bắc, mà người Tàu trước đây gọi là « Rợ Hung nô ».
Trong lịch sử nhân loại, có thời kỳ văn minh đá đẽo, văn minh đá mài; con người với trí khôn của mình vào lúc đó, đã biết lấy cục đá, đẽo  hay mài nó để làm dụng cụ xử dụng cho mình.
Có người lại nghĩ văn minh Tây phương bắt nguốn từ văn minh Đông phương. Điều này không phải hoàn toàn sai. Như ta đã biết, văn minh Tây phương bắt đầu từ Hy lạp, rồi truyền qua La mã, tới Âu châu trong thời kỳ Âu châu bị cai trị bởi người La mã. Nhưng nói đến triết học, văn hóa, văn minh Hy lạp, người ta không thể không nói đến những tên tuổi như Thalès, Pythagore, Socrate, Platon, Aristote v.v…
Thalès de Milet (625 – 546 trước Tây lịch), nhà tóan học, triết gia, thiên văn Hy lạp. Ông đã mang từ Ai cập, từ Babylone (Trung Đông) về Hy lạp những nguyên lý toán học để tính chiều dài của một đường thẳng bị cắt bởi những đường song song, điều mà người Ai cập đã biết tính và đã dùng từ lâu để xây kim tự tháp. Về thiên văn ông đã tính được nhật thực và nguyệt thực; về triết học ông cho rằng nguyên tố đầu tiên của vũ trụ là nước.
Pythagore, sống vào khoảng thế kỷ thứ VI, tức 500 trước Tây lịch, người ta không rõ năm sinh và năm mất của ông, cũng là một nhà toán học, triết gia. Chúng ta biết nhiều nhất về ông khi chúng ta học trung học, đó là định lý Pythagore, theo đó, trong một hình tam giác vuông, nếu chúng ta biết hai cạnh, thì chúng ta có thể tính được cạnh thứ ba, qua công thức : tổng số bình phương 2 cạnh thì bằng bình phương cạnh huyền. Ông là thủy tổ của những quan niệm triết học có tính cách khoa học sau này, cho rằng tất cả đều qui về khoa học, nói đúng hơn là toán học, vì tất cả đều tương xứng với một con số.
Hai người này, người ta không có những tài liệu sử chính xác, nhưng có giả thuyết cho rằng cả hai đều đã du lịch qua những nước Trung Đông và Ai cập.
Có nguời nói, nếu không có những nhà khoa học, toán học, triết lý trên thì không có văn minh Tây phương. Điều này không phải là sai.
Thêm vào đó, chúng ta cũng đừng quên là chữ viết với mẫu tự A, B, C, D v.v… của người Tây phương, là đến từ Trung đông, vùng Mésopotamie, mà người Việt chúng ta gọi là vùng văn minh Lưỡng Hà, đến từ vùng đồng bằng 2 con sông Euphrate và Tigre, nói rõ ra là vùng thuộc nước Irak, Syrie, Liban, Palestine ngày hôm nay.
Triết học là cách sống làm sao cho có hạnh phúc, hòa hợp với chính mình, với người chung quanh và với môi trường; chữ « Philosophie « của Tây phương gồm 2 chữ, « Philo « là thích, « Sophie « là «  sagesse «, là «  harmonie «  có nghĩa là sự khôn khéo, biết điều, biết sống và sự hài hòa.
Chính Pythagore đã đưa ra định nghĩa chữ « Philosophie « của Tây phương. Người ta gọi ông là một nhà hiền triết ( le sage), nhưng ông từ chối, ông trả lời lại rằng : « Tôi không phải là một nhà hiền triết, tôi chỉ là người đi tìm và thích sự hiền triết, tức sự khôn khéo, biết điều, biết sống hạnh phúc và  hài hòa ( la sagesse).
Còn văn hóa tiếng Tây phương, như trên đã nói, là « culture «  có nghĩa là chống lại thiên nhiên: con người khi đi qua một con rạch, một khe đá, bị thiên nhiên ngăn cản, liền suy nghĩ ( tư tưởng), tìm kiếm cách chống lại, biết tìm cách bắc gỗ để đi qua, sau đó làm thành cái cầu, và nếu những con cầu này được xây lớn lên, trở nên vĩ đại và đẹp đẽ, chiếu sáng ( minh ) vì nhiều người bắt trước và làm theo, thì nó trở thành văn minh.
Cũng như chúng ta xây hàng rào hay tường quanh nhà để có sự kín đáo và an ninh; nhưng khi những bức tường này trở nên to lớn, dài cả ngàn cây số, vĩ đại, đến nỗi người ở ngoài không gian cũng thấy, thì nó trở thành văn minh. Ngày hôm nay người ta nói đến văn minh Tàu, ngoài nhiều thứ khác, người ta không thể quên vạn lý trường thành.
Từ đó, khi nói đến triết học, văn hóa và văn minh Đông Tây, ngoài những đặc thù sẽ được bàn đến sau, nhưng về căn bản, nó đều giống nhau, vì nó do con người nghĩ và làm ra; mà con người dù là Đông hay Tây, dù là da vàng, da đỏ, da trắng, da đen, đều có những nhu cầu về vật chất và tinh thần giống nhau. Ai sinh ra dù ở đâu, da màu gì, khi đói cũng cần phải ăn, khi khát phải uống, khi lạnh phải mặc áo hay lấy một vật gì che thân, khi nghe một bản nhạc hay đều thích thú, khi ăn một món ngon, có thể khác biệt sơ về gia vị, chỗ này cay hơn, chỗ kia ngọt hơn, nhưng khẩu vị, vì là con người, cũng tương tự giống nhau.
Về tinh thần cũng vậy, ai cũng muốn được tự do, những quyền căn bản của mình được tôn trọng, có ai sinh ra dù ở vùng nào đi nữa, dù da màu nào chăng nữa, lại muốn những quyền của mình bị cấm đoán, bị đánh đập một cách vô duyên cớ ? -  Chắc chắn là không.
Những người đưa ra lý lẽ viện vào tính cách đặc thù của mỗi vùng, mỗi dân tộc, rồi đưa ra luận điệu là những quyền căn bản của con người khác nhau, tùy từng vùng, tùy theo phong tục tập quán, tùy theo văn hóa văn minh, để rồi cấm đoán hoặc ngăn chặn những quyền căn bản này. Họ đàn áp, khủng bố dân, đây là luận điệu phản con người, phản tiến bộ, phản lại dân tộc, là luận điệu của những kẻ độc tài muốn kéo dài đặc quyền, đặc lợi của mình. Khi nói đến vi phạm nhân quyền, ngoài những nước độc tài khác ở Phi châu, Trung Đông, Nam Mỹ, người ta không thể không nói đến hai nước Trung Cộng và Việt Nam.
Thường hễ độc tài là đi đôi với tình trạng thiếu văn minh, chậm tiến, tham nhũng, hối lộ. Tuy nhiên có người cho rằng Việt Nam và Trung cộng hiện nay đâu có chậm tiến,  nhất là Trung cộng.
Thực ra thì tình trạng phát triển của Trung cộng hiện nay vẫn kém xa các nước văn minh khác. Thật vậy, nếu ngày hôm nay chúng ta tới Sài gòn, Hà nội, Bắc kinh hay Thượng hải, chúng ta chỉ ở những hotel mắc tiền, đầy đủ tiện nghi, thì chúng ta thấy quả thật là «  phát triển, văn minh «, nhưng nếu chúng ta đi ra xa, thì nhiều nơi dân chúng vẫn nghèo khổ, lầm than. Và điều nguy hiểm, đó là con người sống dưới chế độ cộng sản, không biết trong lòng họ có là cộng sản hay không thì không biết, nhưng quan sát, chúng ta thấy họ «  chẳng văn hóa, văn minh » chút gì: vô kỷ luật, xô bồ, nhất là vô cảm, không còn tình người, thờ ơ trước những cảnh thương tâm, cần giúp đỡ, như giúp một cụ già bị té hay một em bé bị nạn. Điều này chúng ta cũng chẳng cần đi xa, chúng ta chỉ cần dở một vài tờ báo Việt cộng hay Trung cộng thì chúng ta thấy muôn vàn cảnh vô cảm, vô lương tâm, và hơn nữa tàn ác như con giết bố mẹ vì tiền, như cảnh một em nhỏ ở Trung cộng, bị xe đụng, thay vì chạy lại giúp đỡ, người đi đường thì thờ ơ, kẻ chạy xe lại tiếp tục cán lên để chạy qua, kết quả là khi một người quét đường báo cho gia đình biết thì em đã bị trọng thương và mất mạng.
Cho nên nói rằng Trung cộng hiện nay tiêu biểu cho văn minh Đông phương là không đúng.
Những nước ít nhiều tiêu biểu cho nền văn minh Đông phương hiện nay có thể nói là Nhật bản và Nam Hàn, những nước vẫn còn giữ được văn hóa cổ truyền tốt đẹp của mình và đồng thời biết thu thập, gạn lọc cái hay cái đẹp của người, khác hẳn Trung cộng và Việt cộng đã thu nhập vội vã cái cặn bã của văn hóa, văn minh Tây phương, xoá bỏ vội vàng những điều hay, cái tốt cổ truyền để biến xã hội thành ra như ngày hôm nay.
Hiện nay, với khoa học, kỹ thuật, internet, thế giới có khuynh hướng đi đến một sự tổng hợp triết lý, văn hóa, văn minh, vì những thứ này, về bản chất căn bản, nó giống nhau, nó đến từ những nhu cầu, bản năng căn bản của con người, dù bất cứ ở đâu, màu da thế nào, và nó có tính cách thế thứ, trao truyền từ đời này qua đời khác, mang tính cách thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai.
Triết lý, văn hóa, văn minh đối với một con người, cũng như đối với một cộng đồng, quốc gia, dân tộc, chúng ta có thể ví như một cái cây : quá khứ là rễ cây, hiện tại là thân cây, tương lai là cành lá. Rễ cây phải ăn xâu vào lòng đất để hút nhựa, thân cây phải to lớn để chuyển nhựa, cành lá phải rườm rà để hút tinh khí của thập phương.
Những lời kêu gọi hoàn toàn vứt bỏ quá khứ, kiểu như K. Marx, nếu không nói quá, thì là những lời kêu gọi của những người lãng mạn, không tưởng, nếu nói hơi quá, thì là những lời kêu gọi của những kẻ « điên « , hay còn « ấu trĩ « . Một cái cây mà cắt bỏ rễ cây, thì làm sao có thể sống còn.(1)
Như Marx viết: «  Chủ nghĩa cộng sản vứt bỏ mọi chân lý muôn thuở, vứt bỏ tôn giáo và đạo đức thay vì cải cách chúng, và như vậy, nó chống lại tất cả những hình thái văn minh, phát triển lịch sử trước đó. » (K. Marx –và F. Engels – Manifeste du Parti communite – trang 51 – nhà xuất bản www.librio.net – 1998).
Cũng như một cái cây, mà vứt bỏ cành lá, như đối với một dân tộc, tìm cách ngăn cấm những tư tưởng hay, mới lạ, từ bên ngoài, thì cái cây đó cũng như dân tộc đó không thể lớn mạnh được.
Vạn lý trường thành là một bước tiến của văn minh Tàu, nhưng đồng thời cũng là một bước cản. Nước Tàu bị tụt hậu là một phần vì chính sách bế quan tỏa cảng của những triều đình phong kiến. Nhưng bức trường thành nguy hiểm nhất chính là bức trường thành tâm linh, tự cô lập mình, giới chính quyền tìm cách cô lập dân tộc mình, trên phương diện thông tin, tư tưởng. Ngày hôm nay, 2 chế độ cộng sản là Trung cộng và Việt cộng, tìm cách bế quan tỏa cảng trên phương diện này, trở về chính sách «chủ nghĩa dân tộc cực đoan « , thì quả là một hành động điên rồ, trong thời đại văn minh tri thức điện toán hiện tại. Chỉ cần ngồi trước chiếc máy điện toán, nhích con chuột là biết tin tức khắp nơi.
Cái khôn ngoan của một con người hay của một dân tộc là quay về quá khứ để giữ lấy những điều hay của chính mình và bỏ đi những cái  dở, cũng như biết mở rộng cánh tay đón nhận những tinh hoa của thế giới bên ngoài. Đừng nên làm theo kiểu cộng sản Việt Nam, theo đúng lời dạy của Marx : «  Người cộng sản chối bỏ tất cả những nền văn minh trước họ «, chủ trương :«Trí phú hào đào tận gốc, trốc tận rễ » hay Mao trạch Đông: «  Khổng tử là con chó giữ nhà cho chế độ phong kiến «, hoặc : «  Trí thức không giá trị bằng cục phân «; mà nên làm như người Nhật biết đón nhận những cái hay của Khổng tử, tôn trọng trí thức. Nói như một nhà tư tưởng, bác học Nhật hiện nay, ông Yoshikawa Kojiro: « Quyển sách Đàm thoại của Khổng Tử là một trong những quyển sách vĩ đại nhất của thế giới.«  ( Theo Les Entretiens de Confucius – trang 5- nhà xuất bản Gaillimard – Paris 1987 – Bản dịch từ tiếng Tàu của Pierre Ryckmans).
Một nhà nghiên cứu về văn minh Đông phương, nhất là văn hóa Tàu, ông Jean – Luc Domenach, có nói :
«  Tiếc rằng những người như Trần độc Tú, Mao trạch Đông v.v…, trình độ văn hóa không cao, sống dưới thời kỳ cuối của triều đình Mãn Thanh, bị liệt cường xâu xé, cho rằng văn hóa Tàu kém văn hóa Tây phương, không nắm vững cái hay cái dở của văn hóa Đông phương và Tây phương, vội vứt bỏ văn hóa Đông phương, nhập cảng lý thuyết Mác Lê, cặn bã của văn hóa Tây phương «. Thật vậy, lý thuyết Mác Lê chỉ là cặn bã của văn hóa Tây phương, người Tây phương đã vứt bỏ, ngay vào thời K. Marx còn sống: hiện nay tại vùng Trèves, Đức quốc, sinh quán của K. Marx, có dựng một bức tượng của Marx, nhưng ở dưới chân có hàng chữ: «  Nơi đây là nơi sinh quán của K. Marx, nhưng chúng tôi không chấp nhận tư tưởng của ông. »
Nhà đại văn hào Pháp, ông Victor Hugo ( 1802 – 1885), có thể nói là người đồng thời với Karl Marx ( 1818 – 1883), có nói về cộng sản:
«  Bắt con đại bàng thành con chim chích, buộc con thiên nga làm con vịt trời, bỏ tất cả mọi người vào trong một giỏ để xóc, để cho ai cũng như ai. Đó là cộng sản. Và đó cũng là điều mà tôi không thích. »
Một bằng chứng rõ ràng nhất là những dân tộc Tây phương chối bỏ lý thuyết của Marx, nhất là giai tầng trí thức, không chủ trương thực hiện « cách mạng cộng sản », trong khi đó chính Marx cho rằng lý thuyết «  Cách mạng tất yếu «  của mình chỉ có thể thực hiện được tại những nước kỹ nghệ tân tiến. Marx ngồi chờ cách mạng tất yếu ở những nước này. Lúc đầu ở Anh, sau đó quay sang hy vọng ở Đức. Nhưng cách mạng tất yếu không xẩy ra, rồi Marx chết.
Có những người bênh vực cho Trần độc Tú, Mao, Hồ, Lê Duẫn, trước sự chỉ trích «  Trình độ sơ học yếu lược » của những người này, cho rằng nhìn trong lịch sử Tàu và Việt Nam, những người như Hán cao Tổ, lập lên nhà Hán, Chu nguyên Chương, lập lên nhà Minh ở Tàu ; và Lê Lợi, lập lên nhà Lê, ở Việt nam, những người này trình độ học vấn cũng không cao.
Có phần đúng nhưng phần sai rất lớn: Đó là những người như Hán cao Tổ, Chu nguyên Chương, Lê lợi không đặt lại, chống lại và hơn thế nữa không phá hủy cả một nền văn hóa, văn minh cổ truyền, như những người cộng sản đã làm. Hán Cao Tổ, có người khuyên ông nên dùng những người có học để kiến quốc. Lúc đầu ông trả lời: «  Ta chỉ cần một thanh gươm và một con ngựa cũng đủ chinh phục toàn thiên hạ, ta đâu có cần sĩ phu ! « Vị quân sư đáp lại : «  Thưa Bệ hạ, để lấy thiên hạ thì Bệ hạ cần một thanh kiếm và một con ngựa. Nhưng để bình thiên hạ thì Bệ hạ cần những sĩ phu. »
Sau đó, Hán cao Tổ đã nghe lời khuyên này, không những dùng giới sĩ phu mà còn phục hồi, phát huy truyền thống văn hóa, văn minh Tàu, hoàn toàn ngược lại với Mao và Hồ.
Có ngưới lại nói: Ngày hôm nay nước Tàu đang phục hồi lại tư tưởng Khổng tử, cho thành lập cả 400 viện nghiên cứu Khổng, không những ở xứ Tàu, mà trên toàn trên thế giới. Thực ra thì chính sách «  Phục hồi tư tưởng Khổng «  có tính cách bênh vực, bảo vệ đường lối phi nhân, phản dân tộc của chính quyền đương thời nhiều hơn là quảng bá tư tưởng « Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín «  của Khổng và Nho giáo.
Nếu nói đại diện và tiêu biểu cho triết lý, văn hóa, văn minh Đông phương, chúng ta phải nói đến Nhật bản, và gần đây là Nam Hàn.
Nhiều người nghĩ là nước Nhật được canh tân với thời Minh Trị Thiên hoàng vào giữa thế kỷ thứ 19. Thực ra tinh thần canh tân của Nhật đến rất sớm, có thể nói từ thế kỷ thứ 6, với hoàng tử Shotoku, với Hiến pháp Shotoku, trong đó có câu : «  Anh đừng nghĩ rằng anh tất nhiên là tài giỏi ( les sages), và người khác tất nhiên là ngu dốt ( les sots), chúng ta đều là người bình thường ( les gens normaux). »
Hoàng tử này đã thực hiện cuộc tổng hợp tam giáo của Nhật :
Thần giáo theo truyền thống của Nhật, Nho giáo và Phật giáo.
Nước Nhật đã nhập cảng tư tưởng « Tri hành đồng nhất «  của Vương dương Minh từ Tàu vào thời nhà Minh (1368 – 1644), trong khi đó chính quyền phong kiến của Tàu chối bỏ tư tưởng của ông.
Nói đến sự phát triển của Nhật ngày hôm nay, có rất nhiều lý do, nhưng trong đó có lý do địa lý, văn hóa chính trị. Đó là nhờ nước Nhật gồm nhiều hòn đảo, không phải là một lục địa, nên chính quyền phong kiến của Nhật đỡ bị tập trung hơn là Tàu và Việt nam. Đấy lại chưa nói đến quan niệm của Arnold Toynbee (1889 – 1975), theo đó «  Sự thách thức lịch sử «  (le défi historique) là động lực chính của văn minh. Theo ông, một dân tộc trở nên văn minh là vì nó gặp những khó khăn, tất nhiên phải là những khó khăn « có thể vượt qua « , chứ không phải là những khó khăn không thể vượt qua, như dân tộc Eskhimo, và từ dân tộc đó, phát sinh ra được một giai tầng thiểu số có đầu óc phát minh, sáng kiến, thì dân tộc đó trở nên văn minh, và ngược lại khi sức sáng tạo của giai tầng này bị giảm xuống, thì văn minh đó bắt đầu xuống dốc. Ông không nghĩ như Oswald Spengler (1880 – 1936), người Đức, triết gia, lý thuyết gia về lịch sử, có cái nhìn hơi bi quan về lịch sử. Trong quyển Le Déclin de l’Occident ( Sự xuống dốc của Tây phương), Spengler ví một nền văn minh như cơ thể một con người, những tế bào rồi cũng có ngày bị chết, thì một nền văn minh cũng vậy . Ngược lại Toynbee lạc quan hơn, ông tin có sự tái tạo. Trong quyển Nghiên cứu về văn minh ( L’Etude de l’histoire), ông phân biệt trên thế giới này có 21 nền văn minh.
Nước Nhật có một thách thức lịch sử rất lớn, đó là thiên nhiên khắc nghiệt, đất không những là sỏi đá, mà còn có núi lửa, động đất, nhưng dân Nhật thời nào cũng vậy, đều có thể tạo ra một giai tầng sĩ phu trí thức có óc sáng tạo, can đảm, dẫn dắt dân Nhật vượt qua những khó khăn thử thách.
Nói như vậy, tôi không có ý nói dân Tàu là một dân tộc không thông minh bằng dân Nhật. Ngược lại đây là một dân tộc thông minh rất sớm. Một dân tộc đã phát minh ra kim chỉ nam, thuốc súng, lụa, với đầu óc tỷ mỉ ngồi quan sát con rận và thấy lúc nào nó cũng nằm theo hướng kim chỉ nam, một dân tộc có đầu óc tưởng tượng và kiên nhẫn đến mức độ dám nghĩ lấy những sợi tơ nhỏ tý do con tằm nhả ra rồi dệt thành vải. Dân tộc này không phải là không thông minh. Chúng ta nhớ là vào thời kỳ Tần thủy Hoàng ( 221 – 206 trước Tây Lịch), dân Nhật còn chưa văn minh, nếu không nói là còn lạc hậu. Nhờ những người được lệnh của Tần thủy Hoàng đi kiếm « thuốc trường sinh bất tử » ở ngoài khơi không dám trở về đã trốn qua Nhật và đã dạy dân Nhật đánh cá voi. Hiện nay còn lại di tích những miếu thờ những người này. Chỉ tiếc cho nước Tàu, và dân Tàu là chế độ độc tài quân chủ phong kiến kéo dài quá lâu, giết chết ý chí tiến thủ, phát minh sáng kiến của người Tàu.
Về Nam Hàn, đây là một nước tôn trọng triết lý, văn hóa, văn minh cổ truyền và biết thâu nhận gạn lọc những cái hay cái đẹp từ bên ngoài không thua gì Nhật bản. Nam Hàn đã được coi là một nước phát triển từ thập niên 80, riêng ngành giáo dục, nước này có thể nói hơn cả những nước tân tiến. Theo một cuộc trắc nghiệm trình độ văn hóa tổng quát những người thợ chuyên môn được thực hiện bởi Tổ chức những nước phát triển trên thế giới (OCDE), thì thợ thuyền Nam Hàn đứng đầu. Với một diện tích là 99 274 Km2, dân số là 50 triệu dân, tổng sản lượng quốc gia là 1129,6 tỷ $, sản lượng tính theo đầu người hàng năm là 30 800,5 $, gấp 3 Trung cộng, hơn 8 lần Việt Nam.
Để nói đến sự phát triển của một quốc gia, dân tộc, nói như một nhà xã hội học, chúng ta chỉ cần đến một vài thành phố chính, nhìn cách ăn mặc, cách cư xử, tinh thần tôn trọng luật pháp công cộng, thì chúng ta rõ. Hay một cách khác, chúng ta có thể đưa ra một vài dữ kiện chính, cũng đủ tiêu biểu: Không ai chối cãi rằng hiện nay một trong những ngành khoa học kỹ thuật tân tiến nhất là máy điện thoại cầm tay, thế mà hãng Samsung của Nam Hàn đã đứng đầu trên thế giới về số lượng bán ra, trên cả hãng Applel của Hoa kỳ, trên cả hãng Nokia của Phần Lan. Về phim ảnh, phim ảnh Nam Hàn không thua gì thế giới, dân Việt Nam và nhất là giới trẻ đã say mê phim Hàn quốc. Ngay cả ngành xe hơi, vào năm 2012, hãng xe Hundai, mặc dầu mới vào thị trường quốc tế, nhưng đã có vị trí quan trọng, theo thứ tự, hãng Toyota ( Nhật), với số xe bán ra thị trường là 9 880 000 cái, hãng Général Motor của Mỹ ( 9 800 000), hãng Volkswagen của Đức (8 500 000), hãng Renault – Nissan (Pháp) với 8 000 000, hãng Hundai của Nam Hàn với 7 500 000.
Nhiều khi chỉ cần một sự kiện nhỏ cũng đủ nói lên nhiều ý nghĩa: như việc dùng biểu tượng Kinh Dịch cho lá cờ quốc gia Nam Hàn, ở giữa có một vòng tròn chia làm 2 phần biểu tượng cho quan niệm âm và dương, xung quanh là bốn quẻ chính ( Càn, Khôn, Khảm, Ly).
Kinh Dịch là quan niệm về triết lý, vũ trụ, nhân sinh quan đã ảnh hưởng lâu đời ở Tàu và những nước chung quanh như Hàn quốc, Nhật Bản, Việt nam, theo đó vạn vật, vũ trũ và ngay cả xã hội con người biến chuyển theo cách tương tác, bổ xung, như câu : «  Hữu vô tương sinh, âm dương tương hòa, dài ngắn tương khuynh, cao thấp tương hình « , trái với quan niệm Biện chứng pháp của K. Marx, theo đó vạn vật và cả xã hội con người biến chuyển theo Biện chứng pháp (Đề – Phản Đề – Tổng Đề).
Một sự kiện được coi là Đề, rồi có một sự hiện khác chống lại, được gọi là Phản Đề, tiêu diệt Đề, đưa tới Tổng Đề. Cứ như thế mà biến chuyển. Đây là sự biến hóa theo cách triệt tiêu. Từ đó Marx áp dụng vào xã hội loài người, đưa ra quan niệm giai cấp và nghĩ rằng giai cấp này (Phản Đề) phải triệt tiêu giai cấp kia (Đề) để làm nên giai cấp khác (Tổng Đề), đưa ra quan niệm đấu tranh giai cấp, cùng kết luận : lịch sử nhân loại là lịch sử của bạo động, chiến tranh, đấu tranh giai cấp, như ông mở đầu bản Tuyên ngôn thư Đảng cộng sản.
Lấy cái bất bình thường làm cái bình thường, đấu tranh giai cấp là một lời kêu gọi nội chiến triền miên, nên xã hội cộng sản là một xã hội luôn bất ổn, cộng thêm vào đó Marx chủ trương bãi bỏ quyền tư hữu, có nghĩa là bãi bỏ một nguyên động lực chính thúc đẩy con người làm việc, vì Marx sai lầm cho rằng quyền tư hữu có thể bãi bỏ, nhưng thực tế quyền tư hữu chỉ có thể chuyển nhượng, như chúng ta đã thấy trước đây và hiện nay ở những nước cộng sản còn lại, quyền tư hữu đang ở trong tay dân, sau những cuộc đánh tư bản mại sản, thì chuyển nhượng sang đảng đoàn cán bộ. Đó là những lý do chính khiến chế độ cộng sản, áp dụng triết lý của Marx, bị thất bại.
Có người cho rằng 2 chế độ của Trung cộng và Việt cộng đâu còn là cộng sản mà là tư bản. Thực ra vẫn còn là cộng sản vì Hiến pháp của 2 chế độ này vẫn còn ghi rõ «  Lấy lý thuyết Mác Lê làm nền tảng cho chế độ. « , còn theo tư bản là theo cái cặn bã của tư bản, làm bất cứ chuyện gì để có tiền, không có luật lệ, đạo đức, ngay cả giết người, như trường hợp sữa có chất Mélanine, đầu độc cả trăm ngàn trẻ em ở Trung cộng và trên thế giới, theo đúng câu nói của Đặng tiểu Bình : «  Mèo trắng hay mèo đen, không cần biết, miễn là mèo bắt chuột. ».
Quan niệm đấu tranh giai cấp, bạo động lịch sử, mới nhìn thì thấy có lý, nhưng suy nghĩ về lâu về dài thì không, vì Marx đã lấy cái gì bất bình thường làm cái bình thường. Bình thường con người ai cũng thích sống hòa bình, chỉ khi nào bất đắc dĩ, bất bình thường, con người mới dùng tới bạo động.
Ngay cả lịch sử một quốc gia, dân tộc cũng vậy. Chúng ta lấy thí dụ điển hình là lịch sử 2 dân tộc Pháp và Đức. Người ta có thể nói 2 dân tộc này là một trong những nguyên nhân chính của 2 cuộc Thế Chiến, nhưng đó chỉ là bất bình thường, còn bình thường thì 2 dân tộc này vẫn muốn sống trong hòa bình.
Trở về với trường hợp Nam Hàn: Chỉ cần lá cờ quốc gia cũng đủ nói lên sự kiện Nam Hàn xứng đáng tiêu biểu cho triết lý, văn hóa, văn minh cổ truyền Đông phương. Cho nên quan niệm xã hội biến hóa theo « Tương tác, bổ xung « , vẫn đúng hơn là quan niệm «  Biến hóa theo Biện chứng triệt tiêu. »
Có người nói đọc Kinh Dịch rất là cam go, khúc mắc, làm sao người dân có thể hiểu nổi. Đồng ý, nhưng dựa vào Kinh dịch làm quốc kỳ, đây chỉ là một biểu tượng, tôn trọng giá trị tốt đẹp của triết lý, văn hóa, văn minh cổ truyền. Hơn thế nữa chúng ta cũng đừng coi thường dân Nam Hàn, từ ngày đầu tiên Tướng Park Chung Hy lên nắm quyền năm 1961, ông đã ý thức rất rõ là tương lai, rường cột của quốc gia là giới trẻ, và giáo dục tốt giới trẻ là nhiệm vụ đầu tiên của quốc gia. Nên ông đã bổ nhiệm một Hội Đồng cải cách giáo dục, bao gồm các trí thức bác học, học giả Đông Tây, kim cổ, của mọi giai tầng, mọi ngành, mọi giới, cùng nhau bàn luận và soạn thảo ra một kế hoạch cải cách giáo dục sâu rộng, từ chương trình tiểu học cho tới đại học, nâng đỡ ngành giáo dục, khuyến khích thầy cô, tôn trọng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, tự trọng mình, trọng người, nêu cao tinh thần danh dự, làm một cuộc tổng hợp hài hòa giữa cũ và mới, tôn trọng những giá trị cổ truyền dựa trên tinh thần triết lý đông phương, Khổng, Lão, Phật, nhưng cũng sẵn sàng mở vòng tay đón nhận những điều mới lạ, tiến bộ của thế giới bên ngoài: tinh thần tôn giáo Thiên chúa, Tin lành và tinh thần khoa học v..v… Chính vì vậy mà từ lâu Nam Hàn đã có một đội ngũ trí thức cán bộ, chuyên viên nổi tiếng trên thế giới, đi đâu làm việc cũng chịu khó, học hỏi, nghiên cứu và có trách nhiệm. Bằng chứng hiện nay là 2 cơ quan quốc tế lớn nhất thế giới, Liên Hiệp quốc và Ngân hàng thế giới, đều do 2 người Nam Hàn điều khiển, một người hoàn toàn Hàn quốc, một người quốc tịch Mỹ gốc Hàn. Cũng như việc bầu người con gái của tướng Park Chung Hy lên làm tổng thống Nam Hàn hiện nay, chứng tỏ dân tộc này có một sự trưởng thành chính trị văn hóa rất cao. Họ chỉ trích Park Chung Hy là người độc tài. Điều này người con gái ông khi ra tranh cử cũng thừa nhận, hứa không chủ trương độc tài, nhưng bà nói rõ bố bà là một người yêu nước, nền giáo dục và kinh tế hiện nay của Nam Hàn là do ông ta đặt nền móng. Dân Nam Hàn đã ý thức được điều đó và đã bầu cho bà.
Vào năm 2 008, thế giới bị khủng hoảng kinh tế, trong đó có Âu châu, thường là những nước rất kiêu hãnh, dẫn đầu bởi Pháp, chỉ thích cho người khác những bài học, thế mà đã phải nhún nhường, gửi một phái đoàn vừa chính trị vừa chuyên gia, dẫn đầu bởi một vị cựu thủ tướng, sang Nam Hàn để nghiên cứu học hỏi cách thức làm sao nước này thoát khỏi khủng hoảng mau lẹ và hữu hiệu.
Chúng ta cũng đừng quên là ngay từ thời Park Chung Hy, ông đã chủ trương chống tham nhũng tuyệt đối. Từ đó đến nay Nam Hàn được coi là một trong những nước trong sạch trên thế giới. Một thí dụ điển hình: Một vị cựu tổng thống Nam Hàn, có dính dáng tới vấn đề tham nhũng, không phải ông, mà là một người trong gia đình, chỉ với số tiền 50 000 $. Khi có bằng chứng rõ ràng, ông đã đi lên một ngọn núi cao, rồi nhảy xuống tự tử. Đó là tinh thần danh dự và trách nhiệm. Trong khi đó những nước chung quanh, giới lãnh đạo lúc nào miệng cũng rêu rao: « Cần kiệm liêm chính « , cho dán biểu ngữ, bích chương đầy đường. Nhưng vẫn tham nhũng hối lột từ trên xuống dưới, không phải 50 000 $, mà là 500 000 hay 5 000 000 $. Không còn một chút liêm sỉ, danh dự và trách nhiệm !
Người xưa có nói câu : « Nhân vô liêm sỉ hà như vật dã !«,  Người không có liêm sỉ thì chỉ bằng con vật ! Vì vậy, nói là đại diện, tiêu biểu cho triết lý, văn hóa, văn minh Đông phương, người ta có thể nói đến Nhật và Nam Hàn, chứ không phải Trung cộng và Việt cộng, vì Nhật bản và Nam Hàn biết tôn trọng triết lý, văn hóa, văn minh Đông phương, và đồng thời biết mở rộng cánh tay đón nhận những cái hay, cái đẹp của người một cách biết suy nghĩ, gạn lọc, chứ không phải như kiểu Trung cộng và Việt cộng vội vã nhập cảng cặn bã của văn minh Tây phương, từ cộng sản tới tư bản.
Đây cũng là câu trả lời cho một số nhà kinh tế kiêm xã hội học cho rằng những nước theo tư tưởng triết lý Phật, Khổng, Lão, không thể phát triển được về kinh tế.
Những nước không thể phát triển về kinh tế xã hội, qua kinh nghiệm suốt thế kỷ 20 vừa qua, cho chúng ta thấy, đó chính là những nước vứt bỏ triết lý, văn hóa, văn minh cổ truyền, vội vã nhập cảng tư tưởng, triết lý cộng sản của Marx.
Một thí dụ điển hình và còn hiện đại, đó là chúng ta so sánh tình trạng phát triển giữa nam Hàn và Bắc Hàn, theo lý thuyết của Marx. Bắc hàn hiện nay không những đàn áp dân, mà dân năm nào cũng bị nạn đói.
Thực ra, mô hình tổ chức xã hội của Marx, sau được tăng cường bởi Lénine, Staline, chỉ là một hình thái chế độ quân chủ phong kiến. Nhưng chế độ quân chủ phong kiến xưa kia còn có liêm sỉ, tự trọng, giai từng sĩ phu, trí thức, quan lại còn liêm khiết, nghĩ đến dân. Ngày nay với chế độ quân chủ phong kiến cộng sản, thì hoàn toàn ngược lại: vô liêm sỉ, tham nhũng từ trên xuống dưới, chỉ nghĩ đến cá nhân, gia đình và đảng đoàn. Người ta có thể nói chế độ quân chủ phong kiến độc tài còn kéo dài cho tới nay dưới những chế độ cộng sản còn lại, Trung cộng, Việt cộng, Bắc Hàn và Cu Ba.
Ông Tiền kỳ Minh, con của ông Tiền kỳ Thâm, cựu Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của Tàu, ông Minh có du học qua Mỹ thời kỳ thập niên 90, trong thời gian ở Mỹ, ông có viết quyển sách Mặt trời chiếu sáng nhiều ở phương Đông hay ở phương Tây. Theo ông, vấn đề chiếu sáng nhiều ở Đông hay ở Tây không quan trọng ; việc quan trọng là dân tộc Tàu bị đàn áp, chèn ép bởi những chế độ độc tài quá lâu, trong đó có độc tài cộng sản, mặc dầu ông không nói rõ ra, vì ai cũng hiểu tựa đề quyển sách là để trả lời câu khẩu hiệu của Mao: « Mặt trời chiếu sáng nhiều ở phương Đông «  hay « Đông phương hồng «.
Bởi lẽ đó, khi nói về triết lý, văn hóa, văn minh và vội vã cho rằng Trung cộng và Việt cộng hiện nay là tiêu biểu cho Đông phương, thì không đúng, đó chỉ là căn bã của văn minh Tây phương.
Paris ngày 12/03/2014
Chu chi Nam

Vai trò của trí thức miền Bắc sau 1975 [1]

Nguyễn văn Lục – Đanchimviet

http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2014/03/vai-tro-tri-thuc-e1394172232786.jpg
Ảnh minh hoạ. Nguồn: AFP
Ung dung ta nói điều ta nghĩ
Cúi ngửa theo người quyết chẳng theo
Nguyễn Trãi
Có hai điều cần được khai triển minh bạch ở đây.
Thứ nhất chữ miền Bắc tôi dùng ở đây để chỉ chung  những người cộng sản- mà gốc gác có thể ở Huế- Quảng Trị- Bình Định. Trí thức cộng sản như thế có thể để chỉ cả những trì thức trong Nam từng theo cộng sản như trường hợp Đào Hiếu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lữ Phương, Vũ Hạnh v.v.. Đó chỉ là một cách gọi cho gọn và tiện.
Thứ hai chữ trí thức, tôi hiểu một cách rộng rãi, thoáng đạt mà nó thể hiện ngay trong ý nghĩa câu thơ của cụ Nguyễn Trãi: Ung dung ta nói điều ta nghĩ. Dám nói điều ta nghĩ, đó là thái độ trí thức đấy.
Vì thế đối với tôi, cụ Nguyễn Trãi là một người trí thức tiêu biểu vì dám nghĩ, dám có tư tưởng, dám đặt vấn đề mà không không sợ quyền lực.
Nói như thế, có nghĩa tôi đặt nhẹ các vấn đề bằng cấp, vấn đề về nghiệp vụ, về khả năng chuyên môn của người trí thức. Nó có thì càng tốt mà không có cũng được.
Nói như thế cũng có nghĩa tôi coi những nhà văn như Nguyên Ngọc- Dương Thu Hương, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên là những người trí thức tiêu biểu của miền Bắc- mặc dầu trình độ nghiệp vụ chuyên môn của họ có thể chưa học hết bởi vì họ tham gia kháng chiến từ hồi còn trẻ. Điều này trên thực tế cũng đúng vì một số đông các nhà trí thức miền Bắc không có điều kiện học hỏi. Trừ một thiểu số tốt nghiệp đại học trong nước hoặc được đi học ở liên Xô hoặc các nước XHCN khác.
- Trí thức hiểu theo nghĩa dân giả
Đối với người dân thường thì hễ có bằng cấp là được xếp vào loại trí thức. Ngay cả bằng giả, bàng mượn, bằng mua như bây giờ.
Cũng vậy, sau 1975 sự so sánh về cái được gọi là trí thức giữa hai miền chủ yếu là dựa trên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Dư luận thường cho rằng bác sĩ ’ ngụy’ thì giỏi hơn nhiều phần so với bác sĩ ‘giải phóng’. Sự so sánh ấy đi đến độ coi một bên là bác sĩ bên kia chỉ đáng là y tá..
Người ta- theo nghĩa kẻ chiến thắng cũng như kẻ thua cuộc đều hiểu ngầm- tìm đến bác sĩ ‘Ngụy’ để chữa trị. Cái gì mang nhãn hiệu ‘Ngụy’ thì có nghĩa là tốt hơn. Từ thuốc men, quần áo, vật dụng, nhà cửa, đồ dùng, xe cộ, vật liệu, vật tư dĩ chí đến con người. Một viên thuốc Aspirine được mấy anh bộ độ vào Nam công tác, khuân vác vất vả đến rất tội nghiệp. Viên thuốc có dược liệu rất tốt, nhưng bề ngoài thì xấu xí, viên thuốc bở lắm. Lái buôn thuốc trong Nam mua cả lố giá rẻ, mang về chắc có trộn thêm bột mì, cho vào các loại máy dập tối tân. Viên thuốc nay bề ngoài trắng, cứng nhắc, bẻ không được và nay mang nhãn hiệu Aspro, bọc trong vỏ Alumium. Giá bán có thể gấp nhiều lần hơn viên Aspirine nguyên thủy.
Rõ ràng người ta mua cái nhãn.Cái nhãn ấy tuy bề ngoài chẳng là gì cũng làm tụt giá những hào quang của sự chiến thắng.
Nhưng quan trọng hơn cả, nó làm mở mắt nhiều người- Trong đó đặc biệt có Bùi Tín và Dương Thu Hương. Dương Thu Hương viết rằng  bà đã phải khóc khi nhìn thấy đất miền Nam khác hẳn sự tuyên truyền của miền Bắc.
Không kể những người như Hoàng Văn Chí, Xuân Vũ, đã phản tỉnh trước đây. Sự phản tỉnh sớm của ông Bùi Tín và bà Dương Thu Hương  tôi cho là tiêu biểu nhất mở đầu cho nhiều trí thức tiến bộ khác sau này.
Nhưng tôi nghĩ phải công bằng dành cho họ thời gian chuyển đổi- cần từng bước—từng giai đoạn lột xác- từng giai đoạn trăn trở- để chứng tỏ đó là thái độ can đảm và chân thực của một người trí thức.
Nếu lột xác ngay có thể được hiểu đó chỉ là thái độ trở cờ- thứ chủ nghĩa cơ hội-. Điều mà nhiều người không muốn điều đó.
Cho nên những người tỏ ra nghi ngờ thái độ thay đổi của bà Dương Thu Hương hay ông Bùi Tín và đòi hỏi sự thay đổi 180%- đòi hỏi sự dứt khoát quá nhanh- rồi nêu ra vấn đề thực hay giả- hoặc vội đưa ra những lời cảnh cáo- đều vội vã, chủ quan rơi vào chủ nghĩa giáo điều.
Rồi tiếp theo nào là đồng hồ hai cửa sổ và hằng trăm thứ đồ dùng khác kìn kịt khuân về Bắc như những món quà quý giá nhất.
Võ Văn Kiệt  và giới trí thức miền Nam
Đến bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên ‘ngụy’ đều có trình độ chuyên môn bảo đảm..Ông Võ Văn Kiệt là người khôn ngoan, sáng suốt đã biết dùng ‘chất xám’ trong Nam, trong vai trò cố vấn về kinh tế mà sau này được gọi là ‘ Nhóm chiều thứ sáu’. Khi ra làm Thủ tướng , ông đã kéo hai chuyên viên miền Nam ra Bắc làm việc bên cạnh ông, trong đó có ông Lâm Võ Hoàng.[1]
Trường hợp Lâm Võ Hoàng và nhóm Chiều Thứ Sáu
Sau này, ông Lâm Võ Hoàng được ông Võ Văn Kiệt cho đi tham quan nước ngoài như Pháp, Canada,Ý( Rome), từ 05-01-1996 đến 12-02-1996, trong bản Tường Trình do em ông Lâm Võ Hoàng cung cấp cho tôi.. Mở đầu tờ trình, ông Lâm Võ Hoàng viết:
Kính thưa anh Sáu, xin gửi đến anh Sáu ba tập sách nhỏ, tôi vừa viết xong, để đánh dấu lòng tri ân của tôi đối với một trong rất nhiều nghĩa cử có ý nghĩa nhất của anh Sáu, trong quá trình tôi có may mắn được anh Sáu tạo điều kiện tiếp tục phục vụ đất nước, trong buổi đầu, tưởng đâu ‘ tàn Đời’.[2]
Xin lưu ý đến chữ Tàn Đời như một lời tri ân và cũng như một lời phê phán chế độ ấy.
Qua câu chuyện ông Lâm Võ Hoàng, nhìn lại những gì xảy ra sáu 1975, tôi thấy cái sai lầm lớn nhất của chính quyền miền Bắc là tự loại trừ một ‘ Chiến lợi phẩm’ quý giá nhất của miền Nam là họ đã vứt tất cả cá chất xám miền Nam-đi cải tạo- không dùng- không tin-bỏ sọt rác-.
Chiến thắng xong, họ chỉ lo cái thiển cận, cái trước mặt, lo thu góp của cải, tài sản, kho tàng, tịch thu nhà cửa, tịch thu nguyên liệu, hãng xưởng, vũ khí chất đầy xe chở về miền Bắc.
Đó chỉ là một cuộc hôi của thiển cận vì đã không nghĩ đến cái vốn làm ra của ấy.
Phải mất bao nhiêu công của mới đào tạo được đội ngũ trí thức ấy trong chính quyền, trong hành chánh, trong thương mại và ngay cả trong quân đội miền Nam?
Và khi những thành phần này ra Hải ngoại, người ta mới hiểu đúng mức giá trị trí thức miền Nam trong việc Hội nhập ở xứ người.
Huy Đức, trong sách Bên Thắng Cuộc có viết rằng: bằng cấp ở Liên Xô được cho điểm 1, ở Pháp 0,9 và ở Mỹ chỉ được 0,8. Chỉ dựa trên cơ sở chính trị, họ đánh giá sai lầm như vậy.[3]
Và cũng vì thế, có những trí thức miền Nam thiện chí sẵn lòng hợp tác với chính quyền mới đều không được trọng dụng như quý ông  Chu Phạm Ngọc Sơn, Châu Tâm Luân, Dương Kích Nhưỡng, Phạm Biểu Tâm, Phạm Hoàng Hộ, Trần Ngọc Ninh người trước kẻ sau đều tìm cách cuốn gói ra đi.
Sự thiển cận để cho chính trị xen vào nên không lạ gì trước tình trạng xuất huyết chất xám, người ta đã điều từ miền Bắc vào một kẻ vô học tiêu biểu nhất của miền Bắc- ông Đỗ Mười-, năm 1978, ông này có nhiệm vụ cào bằng, cải tạo xã hội miền Nam như miền Bắc mà ông đã làm trước đây ở miền Bắc. Ông cho rằng: Chỉ cần 3 ngày đào tạo xong. Kỹ sư ba ngày, bác sĩ ba ngày, giáo sư ba ngày!! Dĩ nhiên, ai cũng hiểu đây chỉ  là một cách nói của một người ít học!!
Tình trạng lo hôi của sau 1975, nó nhắc tôi nhớ đến nước Pháp của De Gaullle, sau chiến tranh thế giới thứ hai. Người Pháp lo gỡ toàn bộ trang bị máy móc nhà máy sản xuất xe hơi của Đức kìn kịt trở về Pháp. Trong khi nước Mỹ lo thu phục nhân  tài- giới trí thức ưu tú hàng đầu của Đức- mời về những vị trị then chốt trong giảng dậy và nghiên cứu hàng đầu của Mỹ.
- Nguyễn Trọng Văn đánh giá trí thức miền Bắc: Vô sản và vô học
Cũng vì thế mà ngay cả trong lãnh vực khoa học nhân văn cũng cho thấy sự tụt hậu về nhiều mặt của trí thức miền Bắc. Sự tụt hậu so với miền Nam hẳn là có. Chương trình giáo dục của miền Nam –  từ trung học, nhất là ở bậc đại học là theo chương trình của Pháp hay một phần của Mỹ-. Bằng cấp được nhận là tương đương.
Nguyễn Trọng Văn- mặc dầu đi theo phe cộng sản- nhưng Nguyễn Trọng Văn vốn tính bạo nói đã nhận xét thẳng thừng: Họ chẳng những là người vô sản mà còn vô học nữa.[4]
 Những phát ngôn rất tùy tiện như cho rằng trí thức miền Nam ở lại theo chủ nghĩa 3N: 3 N theo giải thích của Nguyễn Trọng Văn là: Ngu, Nghèo và Nhát.[5]
Một lần khác, năm 1980 trong dịp kỷ niệm 5 năm sau ‘Giải Phóng’, Nguyễn Trọng Văn có dịp đọc một tham luận về tình hình trí thức miền Nam sau 1975. Ông đã chơi chữ và dùng ba chữ Là. Thoạt đầu, trí thức miền Nam coi cách mạng Là Mình. Sau hai năm coi cách mạng chỉ còn Là Bạn. Và sau 5 năm coi cách mạng là Là Thù Nghịch.[6]
Đây là một nhận xét xúc phạm đến nhiều người. Xúc phạm cả đến trí thức từ hai phía. Trí thức miền Nam có bao nhiêu người coi Cách mạng Là Mình?
Sự xúc phạm như thế thường xảy ra từ hai phía.
Viết ra bao giấy mực cho vừa?
Nhưng tôi cũng không quên một điều là trên tờ Đất Nước, Nguyễn Trọng Văn đã lần lượt đưa lên giàn phóng tố cáo trí thức miền Nam như Nghiêm Xuân Gồng, Mai Thảo, giáo sư Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Khắc Hoạch, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Sỹ Tế mà ông gọi chung là những ảo tưởng của người cầm bút miền Nam. Riêng Trần Thái Đỉnh với những nhận xét của Nguyễn Trọng Văn có tính ác ý rõ ràng về những bài biên khảo về triết Hiện sinh của ông này.
Đặc biệt có hai bài dành cho Nguyễn Văn Trung là: Triết học hiện sinh và những người cầm bút ở miền Nam trên tờ Đất Nước, số 2 và một bài: Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung, trên Bách Khoa, số 264.
Chưa kể, một đánh phá có tính cách chủ định với cuốn: Phạm Duy đã chết như thế nào, Văn Mới, 1971 mà tôi đã có bài viết trả lời.
Sau đó, ông còn đề cao một vài người có xu hướng theo bên kia như Nhất Hạnh, Thái Lãng, Nguyễn Tường Giang và một nhà thơ vô danh nào đó có tên Nguyễn Lê Tuân với nhan đề: Chào Mừng anh em ruột thịt.
Về Nhất Hạnh, ông viết: Trước thơ văn của nhất Hạnh, những viên ‘Kim cương chói lòa cái tuyệt vời, tuyệt đúng, tuyệt đẹp’ của Sáng Tạo, Văn Nghệ, Thế Kỷ 20..trở thành những bong bóng sà phòng của trẻ con.[7]
Về Nguyễn Trọng Văn, tôi xin phép được sử dụng đúng chữ của ông quen dùng. Đó là chữ Con Hoang. Ông chính là Thứ Con Hoang của Miền Nam và sau này trở thành đứa con hoang vô thừa nhận của người cộng sản.
Ông là thứ Unwanted cả từ hai phía. Phía người Quốc gia lắm lúc trộm nghĩ phải coi ông như một người phản bội. Ông cứ theo cộng sản cũng được và đành chấp nhận. Nhưng theo mà chửi miền Nam thì lại là chuyện khác. Rải rác trong nhiều bài viết, ông coi miền Nam như một ổ đĩ điếm.
Khi lần đầu tiên về VN, tôi đến nhà ông trong cư xá Sĩ quan Chí Hòa.. Ngay trước nhà có một khoảng trống lớn thì nay mọc lên rất nhiều quán cà phê đủ loại.  Việc đầu tiên trước khi hỏi thăm nhau, tôi nói: cậu trước đây chửi miền Nam chỉ là ổ điếm thì nay trước nhà cậu không phải chỉ một ổ, mà nhiều ổ. Nhận xét ấy làm Nguyễn Trọng Văn cười- cười đến sặc sụa- cười không ngớt- sau đó cái cười trở thành như mếu. Văn chảy nước mắt. Nỗi giận hờn tự nhiên biến mất thương cho một thằng trí thức miền Nam mê muội. Nhưng rồi chứng nào vẫn tật ấy.
Phía người cộng sản, họ coi ông như một thứ cò mồi giai đoạn như một thứ củi mục cần loại bỏ.
Và chính ông đã tự xếp mình vào thành phần có Bốn Cái Không:
- Không cộng sản: ông không vào đảng nhưng cũng không chống cộng.
- Không Quốc gia, nhưng không chống đảng phái Quốc Gia
- Không tôn giáo nào, nhưng không bao giờ chống tôn giáo
- Không theo Mỹ, cũng không chống Mỹ.[8]
Vậy thì Nguyễn Trọng Văn là ai? Đứng ở đâu trên đất nước miền Nam?
Từ căn bản, cần nhìn nhận cộng sản là một điều xấu
Để cho bài  tham khảo này có cái lô-gic căn bản, nhờ đó giải thích, cắt nghĩa được thái độ của người trí thức miền Bắc. Xin bắt đầu bằng một tiền đề khẳng định mà tính nội hàm chứa đựng ngay cả kết luận.
Tôi khẳng định bản chất của chế độ Cộng sản là một điều xấu.
Có thể khẳng định le Mal est communiste. Đó là một một cái xấu không từ bên ngoài, không nhất thời, không chen lẫn điều xấu lẫn điều tốt mà là một điều xấu tự bản chất.
Định đề này như một tiền đề đồng thời như một kết luận như một nguyên lý. Các trí thức miền Bắc nếu không xác định rõ được điều này thì sẽ có quan điểm mơ hồ, có những nhận định lưỡng giá hay nước đôi (Ambiguité). Như có một số vị cho rằng- trường hợp ông Lê Hiếu Đằng- : Đảng cộng sản mới đầu là lý tưởng, là tốt sau này là suy thoái..Hoặc đa số trí thức tin tưởng rằng có thể sửa sai, cải thiện cái Đảng ấy.
Đó là những tư tưởng  hão huyền như một cách tự dối mình.
Đó có thể là phản tỉnh mà chưa phản kháng.
Đó có thể là lẫn lộn giữa lý thuyết và thực tế, giữa bản chất và hiện tượng, giữa cái được gọi lá quyền lợi cá nhân vá cái nhân danh quyền lợi tập thể.
- Trí thức miền Bắc như vợ bé của chế độ
Họ quản lý giới trí thức miền Bắc từ cái bụng lên cái đầu. Quản lý cái dạ dầy là quản lý được cái đầu của trí thức miền Bắc…Nói ra thì phiền, nhưng cái lụy của trí thức miền Bắc là bắt đầu từ cái Hộ Khẩu.
Vì thế, trí thức XHCN được coi như ‘ vợ bé của chế độ’ được ve vuốt tán tỉnh, được cho ăn, cho uống mà không bao giờ chính thức cưới làm vợ.
Sở dĩ chúng ta có thể đi đến một kết luận chắc nịch, cộng sản là một điều xấu bởi vì xét lịch sử cái Đảng ấy đã trở thành họa cho nhân loại chỉ sau các chế độ phong kiến và Phát Xít.
Lịch sử các nước như Liên Xô và Trung Quốc dưới chế độ cộng sản là những cuộc tắm máu người dân vô tội. Con số nạn nhân lên đến hằng triệu và nhiều trục triệu. Tội ác chồng chất không thể tính hết được.
Chẳng hạn, từ năm 1958 đến 1962, Mao Trạch Đông đã làm chết cả 10 triệu người. Nó là một trong những tội ác giết người tập thể lớn nhất của nhân loại.(Most deadly mass killings in human history). Bước nhảy vọt làm cho 45 triệu người dân Trung Hoa chịu đói khát, dánh đập, tù đầy đến chết với những cảnh ăn thịt trẻ con ghê rợn.
Nếu ai đã có dịp đọc cuốn sách của Frank DiKotter thì sẽ thấy kinh hoàng , rởn tóc gáy. [9]
Mao đã để lại nhiều câu nói thời danh như: Cách mạng không phải là một bữa tiệc.
 Xấu tự bản chất là một điều xấu đã trở thành một vô thức tập thể, đã trở thành da thịt của chế độ, trở thảnh máu huyết của cơ chế vận hành một cách máy móc không chuyển đổi được.
Nó tạo thành bằng những tư tưởng đã khuôn đúc, đã hoàn chỉnh. (Idées toutes faites). Cho nên nó không chấp nhận bất cứ ý tưởng nào ở bên ngoài nó.
Những ý kiến- những góp ý- những phản biện đều bị bỏ ngoài tai.
- Cộng sản là thứ chủ nghĩa giáo điều. Đó là thứ tôn giáo mà không có tôn giáo
Mà ai còn tin rằng có thể góp ý, có thể sửa sai Đảng thì đó là một ảo tưởng trí thức- tự đánh lừa mình.
Họ sửa sai thì được- sửa sai nhiều lần- mỗi năm mỗi sửa- hai mưới năm ba mươi năm vẫn tiếp tục sửa-.
Chẳng những thế, khác nó còn được coi là chệch hướng và tệ hại hơn nửa trở thành thù địch có thể bị thanh toán, khai trừ hoặc tù đầy.
Nhưng họ lại chống lại những tham vọng sửa sai và họ quy cho cái tội: Chủ nghĩa xét lại như trường hợp Hoàng Minh Chính. Bài học Hoàng Minh Chính với tư tưởng: Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam đã bị còng tay gây họa lây cho khoảng 200 người khác.
Nhưng những người trong cuộc biết rõ rằng, chính Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đều mặc nhiên, minh nhiên ủng hộ Hoàng Minh Chính.
Và nói cho cùng, bắt Hoàng Minh Chính thì đồng thời cũng phải bắt giam từ Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh đến cả Hồ Chí Minh.
Cũng vì thế cộng sản là một điều xấu tự thân ( En soi)- một điều xấu phổ biến. Phổ biến tại Liên Xô, tại Trung Cộng, tại Đông Âu cũ, tại Bắc Hàn và tại Việt Nam.
Gương của Bắc Hàn những ngày gần đây với những tin tức được tuồn ra bên ngoài nghe mà rùng rợn.
Tại Việt Nam trước đây chỉ xấu một nửa phía Bắc. Sau 1975 cả nước nhuộm xấu.
Hằng triệu người đã ngã gục. Nó đã đưa cả một dân tộc chìm đắm trong những cuộc cách mạng đẫm máu do những tính toán và những quyết định sai lầm.  Nó phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Nếu có điều chi khác biệt giữa các nước cộng sản như Trung Hoa hay Bắc Hàn với Việt Nam là có sự khác biệt về mức độ chứ không có sự khác biệt về bản chất.
Bản chất là xấu giống nhau, mức độ thì khác nhau vì ít hay nhiều.
Tên của những tên đao phủ đó là Staline, Mao Trạch Đông, Fidel Castro và xin dám lần đầu nêu tên Hồ Chí Minh.
Vì thế, ngay đến Hồ Chí Minh cũng phải được nhìn lại và phải được xếp chung danh sách những tên đồ tể thế giới.
Không có lý do chính đáng nào để tách HCM ra khỏi danh sách ấy cả.
Chế độ ấy gây ra chết chóc sinh mạng con người thì lãnh đạo phải là kẻ sát nhân.
Sở dĩ điều xấu ấy vẫn tồn tại, vì nó là một điều xấu được che đậy  bởi bạo lực và tuyên truyền. và không có giải pháp hoặc một cố gắng cải thiện từng phần, từng vấn đề. Đã bao nhiêu năm rồi, số phận đất nước Việt Nam đã chìm đắm trong giấc mơ cộng sản?
Ta có thể nhận ra điều xấu ấy, nhưng lại không nhận ra được ai là thủ phạm
- Chính vì những giải pháp ôn hòa, thỏa hiệp hoặc huyễn tượng về một chế độ cộng sản có thể cải tiến đã kéo dài sinh mệnh chính trị của cộng sản ở Việt Nam
Nhiều trí thức miền Bắc đã nuôi dưỡng, vỗ béo nuôi nó trong nhiều năm nay.Nói ra không ai tin hoặc không muốn tin. Nói ra thì khó chịu, không bằng lòng. Nhưng thực tế nó là như vậy.
Nhiều trí thức chân chính của miền Bắc đã tự thú như vậy: Hoàng Ngọc Hiến nói đến thứ Văn Học phải đạo. Minh Châu đã khuất bóng mỉa mai một thứ văn học Minh Họa. Lại Nguyên Ân gọi là Tao Đàn, Nguyên Ngọc gọi là Tụng Ca.
Vẫn lại một Dương Thu Hương gọi: thực chất là một lớp công chức thuộc địa.[10]
Ít nhiều họ là những tên lính canh của CNXH.
Vì thế, ngày nay nhiều tác giả đã bàn đến cái Loyal Opposition như sẽ đề cập đến sau này. Dương Thu Hương đề cập đến cái Quy chế của sự nhầm lẫn. Phạm Thị Hoài nêu trường hợp giáo sư Chu Hảo để gián tiếp nói tới: Thái độ lạc quan vô tận của một số lớn trí thức miền Bắc.
Chỉ nói tóm tắt là tội của chế độ cộng sản cũng gián tiếp- một cách nào đó- cũng là trách nhiệm của giới trí thức miền Bắc.
Bởi vì im lặng là đồng lõa với tội phạm.
Sự phản kháng tiêu cực của đa số thầm lặng là nguy hiểm nhất
Đây là chủ đề thứ hai cần nắm vững.
Chính vì giới trí thức miền Bắc đã thất bại trong việc không loại trừ được cái nguy cơ của cộng sản- không tìm ra được giải pháp thay thế- tạo ra tình trạng trì trệ và sự suy thoái đến hiện nay đã làm nảy sinh ra một số hiện tượng tiêu cực nơi phần đông dân chúng.
- Nhân dân làm chủ biến thành lạm phát dân chủ
Cái hiện tượng tiêu cực trong dân chúng đã phá nát cơ cấu của một xã hội dân sự trong một thể chế hành chánh lành mạnh, ổn định và trật tự. Nó đã biến một cái quyền bịa đặt trở thành sự lạm phát dân chủ. Đó là thứ chủ nghĩa mạnh ai nấy làm, mạnh nấy sống, sống chết mặc ai.
Chưa bao giờ cái khẩu hiệu Nhân dân làm chủ trở thành lố bịch và tai hại như ngày này!!
Trí thức miền Bắc trong tình huống hiện nay như một cái bề mặt đẹp của một tòa nhà sụp đổ. Họ trách nhiệm về sự sống còn ấy nếu cứ tiếp tục không dám nhìn thẳng vào sự thật, không có can đảm dùng cú đạp cho tòa nhà ấy sụp xuống để xây cái khác..
Đó là thân phận khó xử của nhiều người trí thức hiện nay. Bỏ thì thương, vương thì tội. Cứ nấn ná, chần chờ, viện cớ này cớ nọ để mua thời gian.
Nay đã đến lúc thời gian không thuộc về họ nữa.
Họ và Đảng cộng sản đã nhiều phen đồng lõa với niềm xác tín vĩ đại ngay cả trong những sai lầm của họ.
Người ta đã không nhận thức được rằng cái phản ứng của đa số thầm lặng chính là nguyên nhân làm cho xã hội sa đọa nhất. Cái đa số thầm lặng mà cơ may phản biện hầu như không có thì sự phản kháng là những phản ứng tiêu cực.
Điều này xem ra vô hại đối với kẻ cầm quyền, nhưng lại là những đà cản bước tiến và xói mòn xã hội. Vốn liếng xã hội dân sự mỗi ngày mỗi tiêu hào. Một người không sao- 10 người cũng không sao. Nhưng triệu người và hàng chục triệu người cùng một phản ứng tiêu cực thì sức phá hoại là không lường được.
Và ngày nay, người ta mới dần hiểu được sự phản kháng này nó tai hại như thế nào.
Đó là sự vô trách nhiệm toàn diện, trên toàn xã hội, trên mọi tầng lớp dân chúng, nhất là trên giới trẻ. Đó là sự thản nhiên( Indifférence) trước bất cứ tình huống nào của một con người hay một xã hội vô cảm.
Nó phô diễn bằng những hành động phi nhân tính- giết người tàn bạo- giết người một cách tùy tiện vô cớ-hay bằng những cớ nhỏ nhặt không đáng kể như đi ăn trộm một con chó- .
Tóm lại giết người một cách gratuit.
Luật rừng để đương đầu với chế độ toàn trị.
Không có sự so sánh nào nổi bật hơn là một bên thì chính quyền xử dụng luật lệ một cách vô tội vạ với bàn tay sắt. Như tù đầy, bắt bớ, hành hạ, đánh người đánh chết.
Một bên dân chúng hiện nay là sài luật rừng để hành xử với nhau. Giết người vô tội vạ, cần chém là chém, cần giết là giết, cấn ăn cắp, ăn cướp là ăn cướp.
Người ta đi tìm thuốc chữa, tìm đủ nguyên nhân, đổ cho giáo dục, đổ lẫn cho nhau- trước đây đổ cho tàn dư văn hóa đồi trụy Mỹ-Ngụy, nay Mỹ Ngụy không còn nữa thì đổ cho ai- trước đây đổ cho chiến tranh nay không còn chiến tranh thì đổ cho ai.
Thực chất, điều xấu ấy nó nằm sẵn trong cơ cấu của cơ chế cộng sản, trong một vòng xoáy của cái Trục của điều xấu (Axe du mal)- Một cái cercle vivieux-. Một cái vòng xoáy luẩn quẩn không lối ra. Hoặc triết lý một chút thì đó là một thứ bệnh dịch hạch mà bất cứ ai cũng có thể vừa là nạn nhân, vừa là nguyên nhân của sự gây bệnh.
Nhưng cái con vi trùng của bệnh dịch hạch ấy là Đảng cộng sản. Triệt tiêu, loại bỏ cái đảng ấy là triệt tiêu con vi trùng thì mọi sự trở lại tình trạng bình thường.
Nguyên tắc là không sửa, không chữa mà hủy bỏ, triệt tiêu. Không ai đi chữa một con vi trùng cả.
Những người lãnh đạo cộng sản đã tưởng rằng có thể dùng bạo lực cưỡng chế và yên trí rằng họ đã thành công.
Thành công theo nghĩa ổn định, dẹp yên chỉ là cái nhất thời. Vì không phải lúc nào xử dụng bạo lực cũng có kết quả, vì nó là con dao hai lưỡi như kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm.
Nhưng nhiều khi phải nhiều năm sau, người ta mới nhận ra hậu quả của sức cản tiêu cực nó như thế nào..
Và đối với kẻ viết bài này thì chế độ cộng sản đã lung lay, đã có nguy cơ sụp đổ, chỉ vì những sức cản tiêu cực này.. Và nếu nói theo ngôn ngữ của giáo sư G.Chang tiên đóa rằng, nước Tàu sẽ sụp đổ trong cuốn sách The coming collapse of China (2001)
Đó là sự thờ ơ của dân chúng, đó là sự bất cần, sự thiếu trách nhiệm, sự thiếu niềm tin của dân chúng..
Lãnh đạo nói, dân chúng không nghe.
Đảng nói một đàng, dân chúng làm một nẻo. Càng nhiều luật lệ, càng nhiều thúc ép, càng thêm rắc rối. Đó là một cái cây đã rỗng ruột. Một bộ máy đã ì ạch, đã en panne.
Đảng là một cơ cấu đã mục ruỗng.
Có một con mắt của dân nhìn rõ được chân tướng của Đảng. Họ nhìn những cán bộ mất bản chất để nhận ra được cái cơ cấu Đảng mục ruỗng đó. Không phải cứ bắt giam tù, không phải cứ tống xuất, không phải cứ triệt tiêu tài sản, không phải cứ bịt mồm bịt miệng bằng những biện pháp dùi cui, bằng hệ thống công an trị thể lý là xong.
Chưa bao giờ cộng sản thành công trong việc cầm tù được tư tưởng người khác. Và xin nói thẳng, họ cũng chưa bao giờ có thể cải tạo được những người tù cải tạo trước 1975. 300 ngàn người tù cải tạo sau nhiều năm cải tạo thì họ vẫn là người tù cải tạo. Chỉ có khác, trước đây là một nỗi nhục thì nay có thể là một niềm vinh dự. Điều mà Mai Thảo gọi Dương Nghiễm Mậu sau nhiều năm sống dưới chế độ cộng sản đã tạo cho mình: Một bản lĩnh chói lòa.
Đã có được bao nhiêu trí thức miền Bắc có được bản lĩnh chói lòa như thế. Phải chăng đó là Dương Trung Quốc chăng?
Họ chỉ đạt được một kết quả ngoài mong muốn là đào sâu thêm sự hận thù. Hận thù chồng chất. Sau nảy có muốn nói gì đi nữa- như hòa hợp hòa giải-cũng không ai nghe nữa.
Thời của cộng sản nay đã chấm dứt. Nay chúng ta đang bước vào thời kỳ đồ đểu.
(Còn tiếp)

[1] Lâm Võ Hoàng có viết nhiều bài báo, sau in dưới dạng photocopy như cuốn: Những bài viết trên báo Công giáo và Dân Tộc. Nhóm Chuyên viên ‘ Chiều thứ sáu’.
[2] Lâm Võ Hoàng, Tờ Trình Thủ tướng chính phủ, 1996
[3] Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, trang 174
[4] Đây không phải là lần thứ nhất, NTV dám ăn nói ngang ngược như thế. Trước tình trạng một số trí thức vượt biển, bỏ trốn ra nước ngoài mỗi ngày một đông. Ông Võ Văn Kiệt đã tìm cách vớt những người này khỏi cảnh tù tội.. Và trong một buổi nói chuyện với giới trí thức thành phố, ông khuyên họ không nên vượt biên. Ông nói; trong thời hạn một năm mà nếu chính quyền này không làm được gì thì sẽ để các anh tự do ra đi. Nguyễn Trọng Văn đã đứng lên phát biểu : Nếu trong vòng một năm mà không làm được gì thì chính quý vị lãnh đạo phải ra đi, chứ không phải chúng tôi..Câu nói này nếu được phát biểu trong một xã hội dân chủ thì cũng không có gì là quan trọng. Nhưng trong hoàn cảnh miền Nam lúc bấy giờ được coi là thách thức nặng nề Rất may một lần nữa, gặp ông Võ Văn Kiệt là người hiểu biết không chấp. Sau đó, Nguyễn Trọng Văn hầu như không còn cơ hội cầm bút nữa. Câu chuyện này cũng được Huy Đức viết đầy đủ trong Bên Thắng Cuộc.
[5] Thuận Văn, Vài lời về lẽ công bằng và xác thực, Talawas, 30.06.2008, bài 26
[6] Nguyễn Trọng Văn. Nhưng cũng kể từ đó, Nguyễn Trọng Văn bị treo bút. Câu chuyện này cũng được Huy Đức viết đầy đu trong Bên Thắng Cuộc.
[7] Nguyễn Trọng Văn, Đất Nước, số tháng 11, 1968
[8] Nguyễn Trọng Văn, Ba người ban, Talawas ngày 9-6-2008, loạt bài số 20
[9] Frank Dikotter,  Mao’s great Famine, The History of China’s most devastating Catastrophem, 1958-1962, 2010
[10] Trăm hoa vẫn nở trên Quê Hương, bài viết của Thân Trọng Mẫn, tràng 29
© Nguyễn Văn Lục
© Đàn Chim Việt

Vai trò của trí thức miền Bắc sau 1975 [2]

Nguyễn văn Lục -Đanchimviet


Ảnh minh hoạ (internet)
Ảnh minh hoạ (internet)
Lấy trí nhân mà thay cường bạo
Lấy đạo nghĩa mà thắng hung tàn
Nguyễn Trãi
Tôi không có chủ tâm nhìn lại quá khứ để tự hành hạ mình và gián tiếp hành hạ người khác. Tôi cũng không có chủ tâm tìm cách phê phán hay hạ nhục những người đã có thời ở phía bên kia mà tôi đã nêu tên tuổi, đã đưa ra những sự việc trong phần bài trước. Đó chỉ là những việc cần phải nói, cần phải viết cho nhu cầu sự thật.
Tôi cho rằng, ở một góc độ nào đó – một góc độ ẩn khuất mà có thể bản thân không hiểu được – ở một thời điểm nhất định trong một hoàn cảnh nhất định – họ đã tin tưởng và chọn lựa. Sự chọn lựa từ một hoàn cảnh theo ý nghĩa của J.P Sartre: Con người là con người từ một hoàn cảnh. ( L’homme-en-situation). Chính hoàn cảnh quyết định con người là thế này hay thế kia.
Nói theo nghĩa đời thường thì: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Nhưng nói theo triết lý của trường phái Tự Do – nói như nhà tư tưởng F.A. Hayek – tác giả cuốn sách: The road to Serfdom(Đường về nô lệ) có thể đó là sự sai lầm chân thật của họ, dù đó là những sai lầm rất nặng nề.[1]
Người ta thường nói: Đường xuống hỏa ngục thì đầy những kẻ thiện chí!!
Sự đồng cảm ở đây với những người vừa kể trên của người viết bài này trở thành chân lý của đời sống.
Bằng chứng là nay nhiều người trong số họ cũng ngao ngán vỡ lẽ kiểu Nguyễn Văn Trung: dấn thân vào cách mạng là một thứ đầu tư phá sản.
Mà khi biết ra được thì đã trễ.
Nhiều người nay khi tóc đã bạc – nhìn lại cuộc đời tranh đấu cho một lý tưởng – coi như họ đã hoang phí cả cuộc đời tuổi trẻ vào một thứ ảo tưởng như trường hợp Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, Ngô Công Đức, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Cao Lập.
Như thế, phải nhìn nhận có một thứ sai lầm chân thật.
Nhà thơ Vân Hải trong truyện ngắn Người cùng làng mở đầu bằng hai câu thơ như một hối tiếc cho cả một thời:
Khi biết mình ngu dại
Tóc trên đầu bạc phơ.[2]
Và tâm trạng hối tiếc ấy cũng được cả những người trí thức miền Bắc mà tên tuổi không thiếu như Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín và hằng trăm người khác không tiện liệt kê hết.
Nhìn lại cảnh tượng đất nước hiện nay trong vòng mấy chục năm qua – kẻ còn chút lòng – không khỏi động não thì hóa ra không phải con người.
Năm 1975, người cộng sản miền Bắc thừa hưởng một nửa phần nửa đất nước miền Nam – dù có chiến tranh – hầu như nguyên vẹn. Nó cho thấy một tiềm năng của một xã hội có triển vọng tân tiến, một xã hội dân sự có khung hình pháp lý dân chủ, tự do.
Họ chỉ cần bỏ ra chút xíu cái phần còn lại là tạo dựng được một thể chế chính trị cởi mở – xây dựng trên tự do, dân chủ.  Và sẽ có một nước Việt Nam ngang hàng với các nước lân bang như Đại Hàn, Singapore v.v… về mọi mặt.
Họ đã không làm được. Tự hỏi vai trò người trí thức miền Bắc đã làm được gì trong khoảng thời gian ấy?
1. Họ đã làm được cái việc là phá nát miền Nam
Ngồi nhìn lại cái ngày 30 tháng tư, cái ngày mà tựa đề một bài hát của người cộng sản hát nhai nhải trên đài phát thanh: Bão Nổi Lên Rồi. Quả thật đó là cơn bão đến cấp số 9 tàn phá miền Nam. Nó quét sạch trên đường đi của nó nhà cửa, tài sản vật chất, ngay cả của chìm của nổi, vốn liếng văn hóa, tinh thần tôn giáo và nhất là niềm tin và tương lai con người.
Tai họa của cơn bão ấy, chúng tôi đã chịu một mình.. Không một ai dơ tay ra đỡ chúng tôi hoặc lên tiếng.
Thế giới bên ngoài tạm thời bị cô lập không một ai biết điều gì đang xảy ra ở miền Nam trong những năm tháng ấy.
Có lẽ chưa ai nghĩ đến điều này – và đây là lần đầu tiên được đặt ra – Những người trí thức miền Bắc, họ ở đâu, họ nghĩ gì và thái độ họ ra sao?
Nói chung có thể họ vui mừng và chấp nhận chiến thắng ấy như một điều vinh dự – trong đó những năm tháng khốn khổ nay có thể được đền bù. Những biện pháp xảy ra sau đó như đánh tư sản mại bản, chiến dịch triệt tiêu văn hóa đồi trụy và nhất là chính sách phân biệt ngụy quân, ngụy quyền và chính sách tập trung cải tạo là một điều tất yếu phải xảy ra thôi.
Người miền Nam nay được coi là ngụy quân ngụy quyền – họ mất cái căn cước là người quốc gia vì chủ nghĩa lý lịch. Nếu có gọi họ là người vô tổ quốc cũng không hẳn là sai.
Cái tâm trạng chung là buồn và bất lực. Và cảm giác mất quê hương.
Dù sau này ông Võ Văn Kiệt có nghĩ rằng sau ngày giải phóng, có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn – Câu nói đó cũng không vì thế mà thay đổi được tình thế.  Câu nói đó trên thực tế cũng hoàn toàn sai. Trừ một thiểu số người đã chót theo cộng sản, số còn lại đều buồn.
Tại sao lại buồn, đó là điều mà những người trí thức miền Bắc cần tìm hiểu.
Sau năm 1975, nhiều bất hạnh đã xảy đến cho miền Nam nói sao cho hết.
Chính vì không chịu đựng nổi liên tục ngày này qua tháng nọ – mỗi ngày mỗi hà khắc – mỗi ngày thấy sự bất công phi lý – mỗi ngày thấy tương lai vô định mà họ mang nỗi nhục ấy phải liều mình ra đi.
Hành lý mang theo không phải tiền bạc mà là cái đầu – một ý chí quyết vươn lên làm lại cuộc đời – và một trái tím rướm máu.
2. Sự đối kháng của người dân miền Nam
Trước sự bóc lột tận xương tủy, sự chà đạp lên phẩm giá con người một cách thô bạo nhất, thái độ dân miền Nam là gì? Suy từ thân phận của tôi ra, tôi nghĩ rằng mình như con cá nằm trong chậu, không lối thoát.
Sự đối kháng của người dân miền Nam là hoàn toàn tiêu cực: sự bất lực, sự chán nản, sự ê chề, sự nhục nhã, sự chịu đựng và cuối cùng là trốn chạy, là chọn sự ra đi thay vì ở lại đối đầu.
Trí thức miền Bắc thì chọn lựa thái độ chính trị con Đà Điểu. (La politique d’Autruche), quay mặt làm ngơ để cho chính quyền muốn làm gì thì làm
Việc ra đi là một bước đường cùng, tìm trong cái chết một lẽ sống. Ra đi hay là chết  là quyết tâm không thể sống chung. Đó là sự đối kháng quyết liệt nhất, sự phủ nhận toàn diện sự hiện hữu của chế đố ấy, sự không khoan nhượng.
Cho đến bây giờ, tôi tin chắc một cách xác tín rằng – ngay những thành phần trí thức tiến bộ nhất của miền Bắc cũng như giới lãnh đạo miền Bắc chưa hiểu đầy đủ hết ý nghĩa của việc ra đi này. Phải là người trong cuộc – phải là nạn nhân của chế độ ấy mới hiểu hết được. Ngay cả những người ra đi trước 1975 và những người ra đi ở thời điểm 1979 cũng đã có khoảng cách về nhận thức và kinh nghiệm sống  rồi.
Xem lại những đoạn phim về hình ảnh người vượt biển với bao gian nan mới thấy hết được sự tàn bạo của kẻ tự nhận là chiến thắng.
Xin ghi lại hình ảnh một trong những cảnh đau thương đó. Vụ chìm tầu ở Cát Lái. Bến Phà Cát Lái, gần Thủ Đức đã xảy ra vụ chìm tầu rất là thương tâm.. gồm gần 300 người chết đuối không thoát ra được. Đây chỉ là một vụ trong 9 vụ chìm tầu khác được chính quyền cộng sản thu tiền và cho phép ra đi công khai được gọi là: Đi bán chính thức. Việc ra đi như thế nhằm chủ yếu vào người Tàu gốc Việt. Nhưng sau này thì các cuộc ra đi bán chính thức phần lớn là người Việt Nam, mang giấy tờ giả là người Việt gốc Hoa.
Sau vụ chìm tầu, phải mấy ngày sau mới trục được tầu lên và các xác chết đã phình thối. Được biết có nhiều xác chết mẹ con còn ôm dính lấy nhau không gỡ ra được. Người ta đành để như thế chôn cả hai mẹ con trong một quan tài..Tôi cũng có người bạn đồng nghiệp bị chết ở Vũng Tầu, khi xác chết trôi vào bờ thì cả người bị cá rỉa không còn nhìn ra hình dạng người nữa.
Được tin này, chúng tôi cũng là người sắp trốn đi theo diện Phương Án II thấy rụng rời. Tin đồn tầu chìm này lan rộng ra khắp Sài Gòn làm nao núng không ít những người cũng sắp ra đi. Và chỉ hơn một tháng sau đó, tôi cũng ra đi như thế. Thật biết là cái chết gần kề mà như thể có động lực gì bí ẩn vẫn thúc đẩy ra đi, coi cái chết sao nhẹ thế!!
Đây là những vụ buôn người không hơn không kém cũng như sau này buôn gái sang Đài Loan, Đại Hàn.
Không có việc gì mà người cộng sản không làm.
Tất cả những chính sách bất nhân, vô nhân đạo ấy đều được kẻ chiến thắng – ngay cả đối với thành phần trí thức tiến bộ nhất của chính quyền cộng sản – coi như những biện pháp chính đáng phải thi hành. (Mesures légitimes).
Thật ra nó chỉ là Cái chính đáng của kẻ chiến thắng [3]. Họ nói không biết ngượng.
Người trí thức cộng sản đề cập đến vấn đề nhận thức luận kiểu này họ gọi đó là thái độ  là duy ý chí. Biết như thế mà họ vẫn nhắm mắt tin tưởng, nhắm mắt rêu rao một cách phi lý. Về điểm này, lại một lần nữa, F.A. Hayek coi đó là một thái độ khinh miệt trí thức con người. của một lớp người “chuyên nghề buôn bán qua lại các ý tưởng”.[4]
Trong khoảng thời gian ít nhất 15 măm, toàn dân miền Nam chịu đựng những trù dập, những biện pháp được coi như trả thù của kẻ chiến thắng mà người ta bắt buộc phải làm như vậy và không thể làm khác được.
Trong suốt những năm ấy, người ta không nhận được bất cứ tín hiệu phản kháng chính thức nào của nạn nhân cũng như của thành phần trí thức tiến bộ!!
Đó là một thời gian dài một bên chịu đựng, một bên áp đặt mà không một ai nhận thức ra được sự bất công tàn bạo trong mối tương quan giữa kẻ chiến thắng và kẻ chiến bại.
Sau 38 năm nhìn lại, người ta dần dần mới nhận thức rõ được đó là sự say mê điên cuồng chiến thắng, tiếp theo là sự bất lực và yếu kém trong quản lý và nhất là sự vô trách nhiệm vô giới hạn (Irresponsabilité illimitée) từ trên cao đến xuống thấp đã đưa đất nước đến bên bờ vực thẳm.
Vì thế, cho đến nay không biết ai là người trực tiếp trách nhiệm về những tội ác đổ trên đầu con dân miền Nam.
Từ 1975-1990, con dân miền Nam bị rơi vào tình trạng tâm sinh lý bất động co dúm lại mà không có một phản ửng nhỏ dù là tự vệ (Immobilisme convulsionnaire).  Mặc cho kẻ chiến thắng bạo hành.
Thế giới bên ngoài không biết đến. Trí thức, nhà văn phía bên kia im lặng đồng lõa!
Đã hẳn ở bình diện cá nhân, người ta cũng còn gặp gỡ được những người cộng sản có một tấm lòng như trường hợp các ông Võ Văn Kiệt, Tạ Bá Tòng, Nguyễn Hộ (quan tâm tới một số trí thức miền Nam đi học tập) hay Tống Văn Công (Người đã lo lắng quan tâm đến hoàn cảnh của họa sĩ Chóe sau khi đi cải tạo về)[5]. Ông cũng là người sau này, xin ra khỏi Đảng)
Và muộn màng hơn nữa có các ông Bùi Tín kết án việc đi học cải tạo và Phạm Xuân Nguyên bênh vực việc cho tái xuất bản sách của Dương Nghiễm Mậu.
Tôi cũng chia sẻ một cách sâu xa con người của ông Bùi Tín khi “giải phóng” xong miền Nam, ông rất hả hê vì đã trả được những món nợ các cháu con bà chị đã hy sinh tại chiến trường Huế, Quảng Trị v.v…
Và ít ra ông là một trong những trí thức hiếm hoi lên tiếng công khai phê phán nhà nước trong các vụ cải tạo, vụ chèn lấn các tôn giáo v.v…[6]
Nói cho cùng, họ chỉ nói lấy được.
Nhắc lại một lần nữa. Họ không biết ngượng. Nói thẳng là có sự khinh miệt giữa kẻ thắng – người thua. Họ khinh miền Nam vì họ thắng. Miền Nam khinh miệt lại vì họ ngu dốt quá.
3. Giải trừ những huyền thoại về đế quốc Mỹ xâm lược và vai trò Giải Phóng miền Nam cũng như những ngữ từ có ý miệt thị.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam giữa đôi bên – ngoài võ khí giết người – ngoài việc  ám sát thủ tiêu các viên chức xã ấp – ngoài việc giật mìn phá hoại cầu cống đường xe lửa, đường bộ – còn một trận chiến các danh từ.
Danh từ đủ loại cỡ lớn, cỡ nhỏ đủ loại như chiến tranh xâm lược, bọn Thực dân mới, bọn lính đánh thuê, bán nước, chống Mỹ cứu nước, Giải phóng miền Nam, Mỹ-Ngụy, Mỹ-Diệm, Mỹ-Thiệu, bọn ngụy quân, ngụy quyền, thứ văn hóa phản động, đồi trụy v.v.. Tất cả được đơn giản hóa, tóm gọn đến cực kỳ như những khẩu lệnh.
Nó tiêu biểu trong một tuyển tập truyện ngắn của Bảo Ninh, Hà Nội lúc không giờ:
Năm 2000:
‘Chỉ một minh Tú, một tay mọt sách, nguyên sinh viên trường Tổng Hợp là không ngại rúc vào đó, ngụp lặn lục tìm trong bụi, tha về phòng một bao tải nặng chịch những cuốn tiểu thuyết chưa bị mối xông. Nhưng bởi tất cả đều rặt một nòi thối tha mục nát văn chương chống Cộng, chữ nghĩa tối tăm, mờ ám, nội dung láo toét, ít ai kiên nhẫn đọc nổi quá nửa trang, chất giấy lại không hợp để vấn thuốc và khổi thì quá nhỏ để gói bọc một thứ gì, thành thử đống sách của Tú chẳng mấy ai buồn ngó, dù rằng nó cứ vơi đi. Người ta thấy các mẩu vụn của những Chu Tử, những Xuân Vũ, những gì đó nữa quanh chỗ đựng điếu cầy và trong nhà bếp, trong nhà cầu’.
Cái nhìn về miền Nam một cách xàm tấu như vậy riết nhiều người coi như sự thật, thành chân lý, thành đúng quá không cần bàn cãi nữa.
Họ tuyên truyền là số một, không ai hơn họ.
Họ hô hào: Nhà nhà, người người – ba đảm đang – phải hy sinh tất cả để vào giải phóng đồng bào ta trong Nam đang bị cùm kẹp bởi Mỹ -Ngụy. Cái khẩu hiệu trên nó giống và tương tự như sự nhận xét của  F.A Hayek. Ông gọi là sự ngu dốt riêng đã tạo sự khôn ngoan chung[7].
Nay nó đã biến thành một thứ kiến thức vô thức tập thể – Người người nói – Nói mỗi ngày – nói mọi nơi – trong đám đông, trong học tập. Và không ai bảo ai, nó được kích động bằng những tràng pháo tay.
Và chẳng may có ai nói khác đi – Đích thị kẻ đó là phản động. Đó cũng là câu chuyện được kể trước đây trong sách Quốc Văn Giáo khoa thư lớp Đồng Âu kể rằng: Có một người đi đường bị một con chó cắn và sủa mãi. Ông tức điên lên và nghĩ ra được cái kế, ông hô to: Chó dại, chó dại. Dân làng tưởng thật đã đổ xô ra và cầm gậy gộc đập chết con chó.
Chúng ta nên tội nghiệp con chó hay nên tội nghiệp những người đã ngu dại nghe lời xúi bậy đập chết con chó?
Cho nên cũng chẳng lấy gì làm lạ khi thấy giới trí thức miền Bắc im lặng, đồng lõa trước những biện pháp của chính quyền cộng sản ở miền Nam sau 1975 và những biện pháp ấy được coi là chính đáng vì họ quá bị tuyên truyền, bị nhồi sọ, bị bịt mắt.
Sự tuyên truyền ấy ngày này qua tháng nọ biến họ có những suy nghĩ có điều kiện như một thứ phản xạ máy móc cực đơn giản và cực độ về lẽ phải trái. Ta phải, địch sai. Ta yêu nước, địch bán nước. Nói theo triết lý trong Kim Dung thì có kẻ chính, kẻ tà.
Người cộng sản là bàng môn chính phái còn miền Nam là bàng môn tả đạo.
Điều ấy được cũng chứng tỏ trong một bài viết của Lý Chánh Trung, ông cho rằng: Ông là một trí thức miền Nam mà sau 18 tháng học chủ thuyết Mác Xít-Lênin, mặc dầu ông đã theo học nghiêm túc, viết lách cũng không tệ lắm, tư tưởng cũng không tồi lắm, nhưng mấy lần thi chỉ đạt điểm trung bình. Chỉ có lần chót, chắc nhờ sự can thiệp của một cán bộ nào đó, tôi mới được điểm trung bình khá. Trong khi các cô sinh viên – học trò ông – cười nói: Thầy viết như thế này thì làm sao đạt điểm cao được như tụi em được, vì thầy viết theo ý thầy, còn em viết “y chang” như sách, sách viết như thế nào thì trả bài “y chang” như vậy  [8].
18 tháng theo học triết lý Mác Xít-Lênin, Lý Chánh Trung vẫn chưa thuộc bài. Phải biết nói như con vẹt.
Vấn đề của chúng ta ngày hôm nay – nhất là trí thức miền Bắc – là chúng ta cần biết tẩy não, giải trừ tất cả những  điều do tuyên truyền bịa đặt, do nói dối trá, do che dấu quá lâu..Và sự thật sẽ giải phóng chúng ta. Nhiều người trí thức có thể không đồng ý với tôi, nhưng đó vẫn là sự thật!!
Chẳng lẽ quý vị cứ tiếp tục ăn bánh vẽ mãi sao!!
_______________
[1] F.A, Hayek, The road toSerfdom Đường về nô lệ, Phạm Nguyên Tường dịch, nxb Tri thức, trang 407
[2] Vân Hải, Chuyện người cùng làng, trang 15
[3] Về điểm này, sau 4 năm sống dưới chế độ ấy, tôi nhận ra lối lý luận của người cộng sản là lối lý luận thiếu tri thức luận. Tức là thiếu phê bình-. nói huỵch tẹt là lý sự cùn. Họ nói thế nào cũng được..Trong những buổi học tập chính trị kéo dài trên cả năm trời-. Họ, những cán bộ miền Bắc, ra rả chửi chế độ tư bản bóc lột, bần cùng hóa người lao động, biến họ thành tay saivv. Họ đưa trường hợp công nhân Đại Hàn chỉ hưởng có 400 đô la- một tháng. Như vậy là bóc lột công nhân. Họ thừa biết là công nhân viên nhà nước lúc bấy giờ lương bổng được 30 đô la một tháng đã là niềm mơ ước rồ.
[4]  F.A. Hayek, Đường về Nô Lệ, Pham Nguyên Tường, trang 406
[5] Chóe, Nguyễn Hải Chí, Tử tội, Tủ sách Tiếng Quê Huong xuất bản. Ai chưa có dịp đọc, xin mời đọc. Chóe  được ông Tống Văn Công giúp cho làm Báo Lao Động mới với nhiệm vụ trình bày tờ báo. Họa sĩ Chóe qua đời ngày 12-3-2003, sau 3 tháng sang Mỹ chữa bệnh.
[6] Xem Thành Tín, Mặt Thật, Hồi ký chính trị, các trang 215-218.
[7]  F.A. Hayek, Đường về nô lệ, Phạm Nguyên Tường dịch, nxb Tri Thức, trang 413
[8] Lý Chánh Trung, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 13-11-1988

Tưởng năng Tiến – Ngoài Cửa McDonald’s

Hình:internet
Ngày 29 tháng 12 năm 2012, báo Dân Trí đi tin:
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính Phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trật Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2012), sự kiện lịch sử trọng đại và kỳ tích có một không hai - biểu tượng chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam...

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không là một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vàng chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta. Chiến thắng đó đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; tạo ra cục diện mới để quân và dân ta thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.

Theo cách nói của Phạm Đình Trọng thì đây (chả qua) là một kiểu ăn theo và ăn mày dĩ vãng:
 Bộ máy tham nhũng làm cho chính quyền suy yếu, nhân dân oán giận, lòng người li tán. Trong tình thế đó, đưa Hồ Chí Minh ra, đưa những năm tháng đánh giặc hào hùng ra, đưa sự hi sinh to lớn của đồng bào chiến sĩ ra để ru ngủ nhân dân quên đi những nhức nhối hiện tại, để chính quyền tham nhũng núp bóng, ăn theo vinh quang của quá khứ mà tồn tại. Đó là sự ăn mày dĩ vãng!

Nhà văn của chúng ta tuy nói không sai nhưng cũng không hẳn đã hoàn toàn đúng. Giới lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay, đôi lúc, cũng có viễn kiến về tương lai đó chớ. Bằng chứng là vào tháng ngày 8 tháng 2 vừa qua, gần như tất cả báo chí trong nước đều hân hoan thông báo:
Sáng 7/2/2014, McDonald’s đã chính thức cắt băng khánh thành nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam, ở địa chỉ 2 – 6Bis Điện Biên Phủ, quận 1 (ngay khu vực vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm thuộc phường Đa Kao). Nhà hàng có 2 tầng, với tổng diện tích hơn 1.300 mét vuông, có sức chứa hơn 350 chỗ ngồi, nằm độc lập trên một khuôn viên rộng gần 3.000 mét vuông.
Cùng lúc, biên tập viên Duc Hanh của AFP cũng có bài viết (Communist Vietnam gets first taste of the Big Mac) với đôi câu dẫn nhập – xem chừng – có hơi có đôi chút mỉa mai:
Bốn thập niên sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt, hệ thống thức ăn nhanh khổng lồ McDonald’s của Mỹ đã mở cửa hàng đầu tiên vào hôm thứ Bẩy tại quốc gia cộng sản này, nhằm lôi cuốn lớp trung lưu mới nổi ra khỏi cơm gạo và bún phở.” (Four decades after the Vietnam war ended, US fast-food giant McDonald's opened its first restaurant in the communist country Saturday, aiming to lure a rising middle class away from rice and noodles).
Riêng Báo Mới (số ra cùng ngày) còn có ghi  thêm chi tiết, in bằng chữ đậm, về giá cả:
Giá một chiếc burger cỡ lớn làm nên thương hiệu của McDonald's có tên là Big Mac sẽ có giá 85.000 đồng. Mức giá này tương đương với gần 4 USD, thấp hơn so với tại Mỹ tuy nhiên lại cao hơn so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Philippines hay Malaysia.
Đã lâu, tôi không có dịp trở lại Á Châu nên không biết giá cả và mức sinh hoạt của các nước trong khu vực ra sao, chỉ xin ghi lại đây vài đoạn ngắn trong bài viết (Nghiệt Ngã Phận Đời Làm Công Nhân Tối Về Bán Dâm) của nhà báo Khánh Hoà – đọc được trên tờ Dân Việt, hôm 16 tháng 02 năm 2014 – để rộng đường dư luận:
Rời bỏ quê lên thành phố lập nghiệp với mong ước có một cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng nghiệt ngã thay, nhiều bạn trẻ đi làm công nhân đã bị vướng cái vòng luẩn quẩn nơi phố phường hoa lệ là thu không đủ chi. Tiền lương công nhân trung bình khoảng trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng dường như là quá ít so với cuộc sống thị thành, nhất là thời gian gần đây, mọi thứ đều tăng giá một cách chóng mặt.

Cũng vì đồng lương eo hẹp mà đa phần công nhân đều phải làm tăng ca, ăn uống dè sẻn, chi tiêu tằn tiện cũng như luôn phải sống trong những căn phòng trọ tồi tàn. Ngoài ra, họ phải gửi con ở những điểm giữ trẻ tự phát với vô vàn những rủi ro, bất hạnh có thể ập xuống bất cứ lúc nào...

Nhiều công nhân phải đi bán cả máu mình để có tiền. Ảnh và chú thích của Khánh Hoà, Dân Việt.
 Hiện nay, chuyện những người công nhân đi làm phải tăng ca ban đêm đã là rất bình thường, thậm chí nhiều người còn mong mỏi xin được tăng ca, được làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống nhưng vì tình hình kinh tế chung đang trong giai đoạn suy thoái nên nhiều nơi, công ty chỉ hoạt động cầm chừng, có muốn tăng ca cũng không có.


Thế nên, những công nhân này, ban ngày đi làm, chiều tan ca về thì đàn ông lại xách xe đi chạy xe ôm ở mấy ngã ba, ngã tư hòng kiếm thêm vài chục ngàn đồng. Ngoài ra, nhiều người phải nhận hàng về nhà làm thêm ban đêm hoặc đi bốc vác, phụ bồi bàn ở các quán ăn, quán cà phê ban đêm với mong muốn kiếm thêm chút đỉnh. Riêng với những công nhân nữ, dù biết là tội lỗi, là nhục nhã nhưng nhiều người vì miếng cơm, manh áo vẫn nhắm mắt đưa chân để làm cái việc nhơ nhuốc là đi bán dâm, như một cứu cánh duy nhất trong cơn cùng quẫn...
Theo Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 10 KCN và 3 KCX đang hoạt động với khoảng gần 300.000 lao động, số lượng công nhân đến từ các tỉnh thành khác chiếm đa số. Mức lương trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng; nhưng mức chi tiêu lại khá tốn kém khiến nhiều công nhân rất chật vật với cuộc sống.


Với tiền lương hàng ngày chỉ vừa vặn đủ mua một cái bánh Big Mac thì bán máu, hay bán dâm để kiếm thêm thu nhập là chuyện ... chẳng đặng đừng. Điều may mắn, và an ủi – nghĩ cho cùng – là thân xác mình vẫn còn ... có giá. Cuộc đời, như thế,  mới chỉ “sắp” đến bước đường cùng thôi. Đến tận bước đường cùng, không còn gì để bán được nữa, mới phải đành phải sống nhờ vào lòng từ thiện của kẻ khác – theo như lời kêu gọi (Thân Nhân Liệt Sĩ Khó Khăn Cần Giúp Đỡ) đọc được vào ngày 13 tháng 2 năm 2014, cũng trên diễn đàn Dân Việt:
 Đó là gia đình bà Hà Thị Thủy, 74 tuổi, trú tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng (An Dương, thành phố Hải Phòng)... Thời kỳ chiến tranh, bà là thanh niên xung phong. Bà gặp và kết hôn cùng ông Nguyễn Văn Viền là bộ đội.
Ông Viền hy sinh năm 1968, khi con gái vừa mới sinh. Bản thân bà là người ngoại tỉnh, gia cảnh lại neo đơn không có anh em ruột thịt, bà phải gửi con nhỏ về quê Nam Định cho mẹ già chăm sóc. Bà lăn lộn kiếm tiền gửi về cho mẹ nuôi con gái.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Hà Thị Thủy hoặc bà Vũ Thị Hải - Trưởng văn phòng đại diện Báo Nông Thôn Ngày Nay tại Hải Phòng - số 31 Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng, ĐT: 0903212789; hoặc Báo Nông Thôn Ngày Nay - 13 Thụy Khuê, Hà Nội, tài khoản 1506311002117, chi nhánh Ngân hàng NNPTNT Tây Hồ, Hà Nội.
Mấy thế hệ nhà bà Thủy đang phải sống chung trong căn nhà nhỏ.
Ảnh Trần Phượng. Nguồn: Dân Việt.
 Sự hiện diện của hệ thống McDonald's - Điện Biên Phủ giữa Sài Gòn, với giá gần 4 Mỹ Kim một cái Big Mac, khiến cho hoàn cảnh của bà Hà Thị Thủy không chỉ thêm rõ nét khốn cùng mà còn pha lẫn thêm ít nhiều cay đắng. Cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước và quyết tâm đánh cho Mỹ cút” đã lấy đi mạng sống của ông chồng, cùng những năm tháng thanh xuân của bà Thuỷ – rõ ràng – không cần thiết gì cho lắm.
Ngày trước những thiếu nữ Thanh Niên Xung Phong như bà Thuỷ được hệ thống truyền thông của nhà nước CHXHCN Việt Nam ưu ái mệnh danh là “những bông hoa trong tuyến lửa,”  “những bông hoa nở giữa chiến trường” hay “những cành lan trong rừng cháy.”  Giờ đây,  cánh hoa tàn trong ngõ hẹp hay quả chanh khô Hà Thị Thuỷ (theo như cách nói của đời thường) chỉ còn là một con số không tròn trĩnh: không không chế độ, nghĩa là không lợi tức, nên phải kêu gọi đến lòng bác ái của tha nhân.

Mai hậu, nếu Đảng CS vẫn tiếp tục cầm quyền, con cháu của bà Thủy (e) cũng khó mà có dịp bước chân vào một tiệm ăn, để thưởng thức một cái Big Mac giá 4 M.K. Số tiền này bằng lương hàng ngày của một công nhân và (dám) tương đương với trợ cấp hàng tháng cho một gia đình có thân nhân là liệt sĩ.
Đã có lúc Đảng và Nhà Nước thiết tha kêu gọi toàn dân hy sinh mọi thứ để “chống Mỹ cứu nước” và “đánh cho Mỹ cút” nhưng khi làm hoà (và làm tiền) với kẻ thù thì đây lại là chuyện riêng, chỉ dành cho của một giới người: tầng lớp trung lưu khá giả mới (new rising middle wealthy class) mà phần lớn đều là C.C.C.C (con cháu các cụ) hết.
People at the McDonald's opening in Ho Chi Minh city on February 8, 2014. Ảnh: AFP
 Thiên Đường Xã Hội Chủ Nghĩa, có lẽ, chỉ mở rộng cửa cho giới người này. Kỳ dư, dân chúng đều phải đứng ngoài. Không chỉ ngoài cửa thiên đường mà còn ngoài cửa cả McDonald’s.
  (Diễn đàn Thế kỷ) 

Các “ông chủ” lũng đoạn ngân hàng Việt Nam

Hệ thống ngân hàng thương mại ở Việt Nam có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào vì bị các ông chủ lũng đoạn trong khi Ngân hàng Nhà nước bó tay, không thể kiểm soát. 
13 bị cáo trong vụ án tham nhũng, lừa đảo tại Chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Cựu giám đốc chi nhánh này mới bị kết án tử hình vì giả hồ sơ, giúp 2 hai công ty tư nhân chiếm đoạt của ba ngân hàng khoản tiền lên tới 930 tỷ đồng. (Hình: Kiến Thức)

Đó là nhận định của một chuyên gia kinh tế trong cuộc trò chuyện với báo điện tử VnEconomy. Chuyên gia yêu cầu ẩn danh này khuyến cáo, “cần đưa ngay các ông chủ tư nhân ra khỏi ngân hàng”. Chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, nợ xấu (những khoản nợ đã cho vay nhưng không có khả năng thu hồi) của hệ thống ngân hàng tiềm ẩn nhiều mối họa khôn lường.

Ngoài nợ xấu phát sinh từ những khoản vay của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có khá nhiều tập đoàn tư nhân, công ty tư nhân đang biến hệ thống ngân hàng thành “con tin” vì liên tục tạo ra các dự án để vay tiền bù đắp cho sự thiếu hụt vốn. Những tập đoàn tư nhân, công ty tư nhân này thường thuộc quyền sở hữu của các ông chủ ngân hàng. Không ít ông chủ lấy tiền tay trái cho tay phải vay.

Trong cuộc trò chuyện, chuyên gia kinh tế yêu cầu ẩn danh cho rằng, với thực trạng như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khó mà có thể cải cách hệ thống tổ chức tín dụng. Ông này tiết lộ rằng, một số công ty kiểm toán quốc tế từng cho ông ta biết là đã tìm hiểu về những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam. Họ thấy dòng tiền của những tập đoàn này đều tắc.

Đa số đang tồn tại nhờ nguồn tiền vay từ các ngân hàng. Trong khi các số liệu về những khoản vay rất mù mờ, thiếu minh bạch. Thành ra, ít ai biết các ông chủ ngân hàng thương mại đang rút tiền dân chúng tiết kiệm để gửi cho họ, rót cho những công ty do họ lập ra thế nào.

Những cảnh báo vừa kể tương đồng với nhận định của một chuyên gia kinh tế khác: ông Trần Du Lịch - Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội của Sài Gòn. Ông này chia các doanh nghiệp tại Việt nam thành ba loại. Một loại chỉ làm ăn với ngành nghề chính, có hiệu quả và nay đang được các ngân hàng ve vãn, mời vay tiền. Một loại khác là những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đã cố gắng cầm cự, đang quyết tâm phục hồi hoạt động. Loại thứ ba đã chết hẳn do kinh doanh theo kiểu “đứng núi này, trông núi kia”, dính sâu vào bất động sản, tạo ra những khoản nợ xấu khổng lồ đối với hệ thống ngân hàng, chỉ cần một tập đoàn, công ty loại này sụp đổ là ngân hàng… đi luôn. Nhiều ông chủ ngân hàng không chịu “chôn” các tập đoàn, công ty vốn đã chết của mình mà tiếp tục cho vay để lấy vốn vay trả các khoản nợ đang thiếu.

Sốt ruột trước những rủi ro tiềm ẩn, có thể trở thành tai họa bất kỳ lúc nào, ông Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia kinh tế khác, bảo rằng, để chấm dứt tình trạng các ông chủ đang lũng đoạn hệ thống ngân hàng, cần cương quyết yêu cầu họ thoái vốn, “mời” họ ra khỏi ngành ngân hàng.

Ông Trần Du Lịch khuyến cáo, tình trạng các ông chủ lũng đoạn ngân hàng là “tồn đọng thuộc về lịch sử”. Không thể làm mạnh vì sẽ “vỡ cả hệ thống”. Thành ra cần “mời” các ông chủ này ra ngoài ngồi. Không làm được như thế thì không thể cải cách hệ thống tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên ông Vũ Đình Ánh, một chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Bộ Tài chính, không tán thành những ý kiến vừa kể. Ông Ánh khẳng định, chính quyền không thể dùng các biện pháp hành chính để loại bỏ các ông chủ ở một số ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước vốn được giao trọng trách giám sát, thanh tra thành ra có trách nhiệm phải nắm được tỷ lệ sở hữu thực sự của các cổ đông/nhóm cổ đông nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng tiền của dân vào những dự án riêng.

Theo ông Ánh, Việt Nam hiện chỉ có hơn 100 tổ chức tín dụng, không kể những ngân hàng thương mại mà chính quyền nắm cổ phần chi phối, số ngân hàng thương mại hoạt động hoàn toàn bằng vốn của tư nhân chỉ có 37, thành ra việc kiểm soát sẽ không quá khó khăn. Nếu Ngân hàng Nhà nước không kiểm soát được thì Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm. 
(Người Việt) 

BỌN PHẢN ĐỘNG CHỚ HOANG TƯỞNG PHÁ HOẠI TÌNH ĐỒNG CHÍ HAI NƯỚC VIỆT – TRUNG

...cc : Giới thiệu cùng Bà con bài viết dở hơi của tay Việt gian say rượu quấy phá Bà con làm Kỷ niệm cuộc chiến chống quân xâm lược Trung cộng 1979 ở Hà nội- Dân VN có những tên như thế này thì MẤT NƯỚC CHƯA??? -Cọng với dân Trung cộng qua đây như những bài viết trên mạng đã dẫn chứng thì QUỐC GIA VIỆT NAM CÒN HAY ĐÃ BỊ TRUNG CỘNG CHIẾM ĐÓNG???

http://danluan.org/files/u1/sub03/1780930_589298284498200_636801411_o.jpg

Hình của Việt gian Trần nhật Quang- Chép trên Net -Hả họng rất lớn.

Trần nhật Quang FB

Thằng Trần An Quốc và bọn phản động nghe đây:
Ở Trung Quốc cũng có những thời kỳ, bên cạnh lý tưởng XHCN kiên định, thì những tư tưởng phản động nổi lên xen kẽ, như chống Liên xô, lôi kéo Việt Nam chống Liên xô, hay những sai lầm CNXH cực đoan, không tưởng, bè phái đấu đá, bá quyền nước lớn v.v…Song lẫn trong những mớ hỗn độn, tạp nham phản động ấy, lý tưởng XHCN vẫn hiên ngang, vững trãi đến tận hôm nay trở thành thống soái ở Trung Quốc. Cuộc chiến tranh biên giới 1979 là hậu quả của tư tưởng phản động bá quyền nước lớn hoành hành trong giới lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ, do tên tội phạm chiến tranh Đặng Tiểu Bình cầm đầu và lũng đoạn. Nhưng không phải lực lượng chân chính trong Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, tất cả đều bị Đặng Tiểu Bình lừa bịp, họ không đồng tình với tư tưởng phản động của Đặng xâm lược Việt Nam. Ngay sau khi Đặng về hưu năm 1990, ban lãnh đạo Đảng CSTQ đã lập tức chủ động mời ban lãnh đạo Việt Nam họp hội nghị Thành Đô 1990, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, xúc tiến Hiệp định phân định lại rõ ràng và bình đẳng biên giới trên bộ và trên biển giữa hai nước, xác lập lại quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống lâu đời trên tình đồng chí, bạn bè láng giềng, đối tác…Từ đó, không một tiếng súng nào nổ trên biên giới, hải đảo nữa (đã 26 năm kể từ 1988), không một m2 đất đai biên giới biển đảo nào bị xâm phạm nữa. Tuy nhiên, giống như Việt Nam, trong nước Trung Quốc cũng vẫn có bè lũ phản động phá hoại quan hệ giữa hai Đảng CS và hai Nhà nước CS. Chính bọn phản động này gây hấn với Việt Nam như cắt cáp thăm dò dầu khí, bắt giữ ngư dân, phá hoại tài nguyên, kinh tế Việt Nam bằng những trò bẩn thỉu như mua cây thuốc cả rễ, mua móng trâu bò v.v…làm đau đầu ban lãnh đạo cấp cao TQ theo kiểu “Trên bảo dưới không nghe”. 24 năm nay, quan hệ hai nước Việt – Trung là đúng đắn, việc gây hấn của bọn phản động TQ chỉ là trò vặt vãnh, không thể kích động đối đầu hai Đảng CS, hai nước XHCN đồng chí anh em. Nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đều tuyệt đối tin tưởng đường lối ngoại giao – quốc phòng của Đảng và Chính phủ, bọn phản động trong và ngoài nước Việt Nam, bọn phản động trong và ngoài nước Trung Quốc không thể kích động, xúi đểu được hai Đảng CS, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, vì bọn phản động trong nước Việt Nam và bọn phản động trong nước Trung Quốc chỉ là lũ yếu ớt, rác rưởi, cặn bã mà thôi.
- Hai đảng Cộng sản và Nhân dân hai nước Việt – Trung cùng tăng cường cảnh giác, không để bọn phản động và tư tưởng phản động của chúng ngóc đầu dậy ở Trung Quốc, gây chiến tranh xâm lược Việt Nam như những năm 1974 – 1988 lặp lại nữa ! Đã 24 năm rồi và mãi mãi !
- Tình đồng chí XHCN, CSCN Việt – Trung muôn năm !
- Bọn phản động trong nước Việt Nam, bọn phản động trong nước Trung Quốc và bọn phản động Quốc tế chớ xuyên tạc Việt Nam “nô lệ” Trung Quốc và hù dọa Trung Quốc “thôn tính” Việt Nam ! Chớ hoang tưởng và giả vờ hoang tưởng !

Thêm cảnh báo về hiểm họa đập Don Sahong đối với Cam Bốt và Việt Nam

Nguồn cá trên sông Mêkông sẽ bị đe doạ cạn kiệt vì những con đập như Dong Sahong tại Lào.
Fishing at rapids in Siphandone area  -@international rivers  – Nguồn cá trên sông Mêkông sẽ bị đe doạ cạn kiệt vì những con đập như Dong Sahong tại Lào.

Trọng Nghĩa  -RFI

Phải hủy bỏ ngay lập tức kế hoạch xây dựng đập thủy điện Don Sahong ở miền Nam Lào vì công trình này sẽ tác hại nghiêm trọng đến thủy sản, đa dạng sinh học và sinh kế người dân tại Cam Bốt và Việt Nam. Một tổ chức phi chính phủ Cam Bốt, đã kêu gọi như trên vào hôm qua, 13/03/2014. Lời kêu gọi này được chú ý vì đây là một hiệp hội vừa đi thị sát địa điểm xây con đập trở về.
Trong một cuộc họp báo tại Phnom Penh, Diễn đàn các Tổ chức Phi chính phủ về Cam Bốt NGO Forum đã tố cáo việc chính quyền Lào đã không đề ra được một giải pháp nào khả dĩ chấp nhận được trên bình diện khoa học để đảm bảo là cá vẫn có thể di chuyển giữa hai vùng thượng và hạ Mêkông một khi con đập được hoàn thành.
Don Sahong là đập thủy điện thứ hai trên dòng chính sông Mêkông ở vùng hạ nguồn mà Lào muốn xây dựng, sau đập Xayaburi. Trong hai ngày 11-12/03 vừa qua, Ủy hội sông Mêkông đã đến thị sát nơi con đập sẽ được xây, chỉ cách biên giới Cam Bốt 1,5 cây số. Diễn đàn NGO Forum là tổ chức phi chính phủ Cam Bốt duy nhất được mời cùng đi.
Phát biểu với báo chí, ông Tek Vanara, giám đốc điều hành NGO Forum xác nhận là họ đã yêu cầu chính phủ Lào đình hoãn ngay lập tức kế hoạch xây dựng đập Don Sahong vì Vientiane đã không thực hiện cuộc điều tra về tác động môi trường xuyên biên giới, đặc biệt trên nguồn thủy sản.
Ông Vanara tiết lộ là nhân chuyến thị sát, tập đoàn Malaysia xây dựng đề án là Mega First Berhad đã không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng khoa học nào về khả năng cá có thể vượt qua con đập thông qua hai con kênh nông hơn và hẹp hơn con sông.
Ủy hội sông Mêkông đã tổ chức chuyến thị sát lần thứ hai địa điểm xây đập Don Sahong sau khi Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên WWF đã bác bỏ bản Đánh giá Tác động Môi trường do tập đoàn Malaysia xây dựng con đập thực hiện, gọi đấy là một công trình phản khoa học và thiếu bằng chứng.
Chính phủ Lào tuy nhiên đã coi bản đánh giá này là đèn xanh cho phép họ khởi động công trình. Có mặt trong buổi họp báo hôm qua, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào, ông Viraphone Viravong, đã tiếp tục bảo vệ việc xây dựng đập Don Sahong.
Các hiệp hội bảo vệ môi trường tại Cam Bốt cho biết là từ ngày 28 đến 30 tháng Ba tới đây, biểu tình sẽ diễn ra ở các tỉnh Stung Treng, Kompong Cham và Kratie để phản đối kế hoạch xây đập Don Sahong cũng như tất cả các con đập trên dòng chính sông Mêkông.

Giật mình cầu treo được néo bằng... dây chun, dây lạt

Dân Việt - Chiếc cầu treo Pan xuống cấp, người ta phải dùng các loại dây thun, dây thừng… để néo những thanh gỗ làm lan can cầu...

Chiếc cầu treo bản Pan, xã Phú Xuân, huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa) bắc qua dòng sông Mã, nối từ Quốc lộ 15A qua các bản Mí, Phé và Bá (xã Phú Xuân), hiện nay đã, đang xuống cấp khá nghiêm trọng. Do cầu xuống cấp nên người ta phải dùng các loại dây thun, dây thừng… để néo những thanh gỗ làm lan can cầu.





















Dây chun, dây lạt... được dùng để buộc thanh gỗ lan can cầuChiều 13.3, ông Hà Hồng Quản - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết: Chiếc cầu treo bản Pan được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2002. Đến năm 2009, cây cầu bị xuống cấp, nên UBND huyện Quan Hóa hỗ trợ theo vốn sự nghiệp giao thông của tỉnh 300 triệu đồng, để thay ván lát mặt cầu.

“Tuy nhiên, hiện nay các thanh gỗ hai bên lan can cầu đã bị hư hỏng rất nặng. Nhiều thanh ray dọc cầu cũng đã bị đứt nên phải hàn. Bên cạnh đó, hệ thống dây chằng từ hai bên cáp xuống thành cầu bị yếu nên đến mùa mưa bão, nước sông Mã dâng cao, bà con không dám qua lại vì chiếc cầu rung, lắc quá mạnh”- ông Quản nói.

Cũng theo ông Quản, vài năm trở lại đây, năm nào xã cũng phải chi ngân sách từ 10-15 triệu để tu sửa cầu. Có năm nhiều nhất, UBND xã phải chi tới 43 triệu đồng để tu sửa cây cầu treo này.

“Xã chúng tôi có 1.900 nhân khẩu ở 5 bản thì phía bên bờ hữu sông Mã đã có tới 1.200 người ở 3 bản. Mỗi ngày có hơn 200 em học sinh các cấp đến trường, hàng trăm lượt người và xe máy chở hàng hóa phải qua chiếc cầu này. Cách đây mấy hôm, ngành giao thông của tỉnh, huyện cũng đã về kiểm tra độ an toàn của chiếc cầu này. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, thì chiếc cầu đã xuống cấp nhiều hạng mục, cần phải tu sửa. Chúng tôi cũng đã đề nghị đoàn kiểm tra sớm có kế hoạch tu sửa lại chiếc cầu, hoặc nếu được thì mong Nhà nước đầu tư xây dựng một cây cầu cứng cho địa phương, vì sắp tới mùa mưa, bão rồi”- ông Quản đề nghị.

Dưới đây là một số hình ảnh của cây cầu treo Pan:
 

Cầu treo Pan, xã Phú Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa
Rất nhiều người qua lại
trong đó có cả học sinh
Cây cầu đã và đang xuống cấp
Những thanh gỗ lan can cầu mục rỗng
Dùng gốc luồng thay thế
Dùng dây lạt để buộc vào thành cầu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét