Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Cảnh sát vũ trang VN có chế độ chính ủy - Từ 2 vụ chấn động, tới kỳ vọng chống tham nhũng?

Cảnh sát vũ trang VN có chế độ chính ủy

Việt Nam lập chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động

Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ được bổ nhiệm làm Chính ủy chỉ huy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, lực lượng vũ trang chống bạo loạn của công an Việt Nam.

Chiều 12/3, Bộ Công an Việt Nam tổ chức Lễ Công bố Quy định của Ban Bí thư về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ).

Đây là một quy định đặc biệt nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng cảnh sát vũ trang có nhiệm vụ “chống khủng bố, trấn áp bạo loạn vũ trang, gây rối an ninh trật tự”.

Thiếu tướng Đỗ Đức Kính, Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ và Trung tá Vũ Hồng Văn, Phó Tư lệnh CSCĐ được bổ nhiệm Chính ủy và Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh CSCĐ.

Hai chức danh này có quyền hạn cao nhất tại Bộ Tư lệnh CSCĐ.

Theo quy định mới, cấp chính ủy và phó chính ủy được lập ra ở cấp Bộ Tư lệnh và cấp trung đoàn; chức danh chính trị viên và phó chính trị viên được lập ở cấp tiểu đoàn, đại đội và đội đặc nhiệm; các đơn vị khác không bố trí chính ủy, chính trị viên.

Tin tức nói chế độ chính ủy sẽ được Bộ Công an Việt Nam sơ kết sau hai năm thực hiện.

Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nói việc triển khai chế độ chính ủy, chính trị viên là nhằm “tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng” đối với ngành công an.

Chế độ chính ủy, chính trị viên - với một người chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong đơn vị - vốn được thực hiện trong quân đội Việt Nam.

Được biết chế độ chính ủy, chính trị viên cho cảnh sát cơ động lần đầu được Bộ Chính trị thông qua khoảng giữa năm ngoái.

Theo thống kê chính thức, hiện Bộ Tư lệnh CSCĐ có 13.000 quân số, trong khi CSCĐ địa phương có 12.000 quân.
 
Đại tướng Trần Đại Quang hiện là Bộ trưởng Bộ Công an

Lực lượng này được phép trang bị vũ khí hạng nặng như B40, đại liên, xe bọc thép, xe chống bạo loạn.

Theo Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 23/12, lực lượng này lần đầu tiên sẽ được trang bị cả máy bay, tàu thủy.

Theo giải trình của Bộ Công an với Quốc hội, việc trang bị máy bay, tàu thủy chủ yếu nhằm "điều động lực lượng, vũ khí, công cụ hỗ trợ kịp thời".

Bộ Công an lấy dẫn chứng trong các vụ "bạo loạn" ở Tây Nguyên năm 2001 và 2004, và "cuộc gây rối an ninh, trật tự" tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên năm 2011, chính phủ Việt Nam đã điều động máy bay chở "vũ khí, công cụ hỗ trợ và lực lượng".

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua quy định "trong tình huống xảy ra bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh, cảnh sát cơ động được phép nổ súng trấn áp".

Tuy nhiên, việc nổ súng được quy định "phải tuân thủ những quy định để đảm bảo không ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và tính mạng, sức khỏe con người."

Pháp lệnh gồm 24 điều thông qua hôm 23/12/2013 cũng quy định lực lượng cảnh sát vũ trang này được quyền trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại để đảm bảo nhiệm vụ.

“Cảnh sát cơ động được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại,” điều 13 của Pháp lệnh ghi.
(BBC)

Từ 2 vụ chấn động, tới kỳ vọng chống tham nhũng?

Đôi lời: Sự kiện báo Người Cao Tuổi phát hiện tài sản khủng của cựu Chánh Thanh tra Trần Văn Truyền đã làm chấn động cả nước. Đây là cơ hội thuận lợi để cả nước ý thức cần phải làm gì để chống tham nhũng một cách triệt để, nhất là vấn đề nền tảng thể chế pháp lý, hiện đang tạo mảnh đất mầu mỡ cho tham nhũng, cần phải được cải cách. Tiếc thay, đúng vào lúc khí thế đang dâng cao, báo chí đang hừng hực với vô số bài viết hữu ích của các chuyên gia, nhân sỹ, trí thức, giới chức, đã bị buộc phải dừng lại. Chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả một trong những bài viết liên quan đến chủ đề trên.
——
TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức 
26 tháng tính từ khi bị cáo buộc từng trả lời chất vấn quốc hội tiểu bang không trung thực, 2 tháng tiếp đó buộc phải từ chức, chịu điều tra khởi tố tội vụ lợi, tới cuối tháng trước Cựu Tổng thống Đức Wulff  được Toà thành phố Hannnver tuyên trắng án; nhưng Viện Kiểm sát không chấp thuận, kháng án lên Toà phúc thẩm đầu tháng này; cùng lúc tại Việt Nam bùng nổ tin tài sản “khủng“ của Cựu Chánh Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Cả hai vụ chấn động đều khởi đầu bởi truyền thông, ở Đức từ Báo Bild còn được gọi báo “vỉa hè“, chuyên đưa tin ngắn đủ loại chủ yếu bằng hình ảnh, nhằm vào giới bình dân, có số lượng phát hành đứng đầu nước Đức; ở Việt Nam do báo Người Cao Tuổi vốn là tiếng nói các bậc trên tuổi “Tri thiên mệnh“, phần đa cao niên hưu trí hiếm ai còn “hàm hố“ tiền tài danh vọng.
Cả hai nhân vật đều thuộc hàng chính khách tầm cỡ, ông Trần Văn Truyền, 64 tuổi, từng Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Ủy viên Trung ương khóa IX, X, Đại biểu Quốc hội khóa X, XII, Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2007 – 2011. Wulff, 53 tuổi, trở thành Tổng thống thứ 10 CHLB Đức ngày 30.6.2010, trước đó giữ chức Thủ hiến Tiểu bang Niedersachsen 2003 – 2010, Chủ tịch đảng CDU Tiểu bang 1994 – 2008.
*“Dân chủ là để cho dân được mở miệng“
Định nghĩa mộc mạc trên xuất phát từ nguyên lý tạo hóa chỉ ban „miệng“ có chức năng biểu đạt những gì mình ý thức được cho riêng loài người để vượt lên trên động vật, và chỉ rõ điều kiện cần để có thể “mở miệng“ là nhà nước dân chủ. Chỉ khi đó, quyền tạo hoá mới trở thành quyền cơ bản tự do ngôn  luận, được hiểu là quyền phát ngôn đối với mọi hoạt động nhà nước và nhân sự của nó (chứ không phải phát ngôn trong cuộc sống thường nhật vốn diễn ra ở mọi quốc gia dù dân chủ hay không). Quyền đó cả Đức và Việt Nam đều hiến định, được các báo ở ta long trọng ghi nhận bằng tít phụ “Tiếng nói của…“, còn ở báo Đức được mặc định là quyền độc lập chuyển tải tiếng nói, thái độ, của mọi người dân đối với nhà nước họ. Độc lập ở đây hàm nghĩa như „tam quyền phân lập“, còn được gọi là quyền lực thứ 4 giám sát cả lập pháp, hành pháp, tư pháp; nếu nhà nước vi phạm sẽ bị chế tài. Giải thích lý do tại sao Tổng thống đương nhiệm Wulff  dù đã nhắn trước vào máy điện thoại Tổng Biên tập, vẫn không ngăn được bản tin báo Bild mở màn cho quá trình kết thúc sự nghiệp chính trị của mình, công bố ngày 13.12.2011: Wulff, lúc đương nhiệm thủ hiến tiểu bang Niedersachsen, ngày 25.10. 2008, đã vay tiền vợ của người bạn doanh nhân Egon Geerkens 500.000 Euro để mua nhà với lãi suất ưu đãi 4% thay vì 5% như bình thường và không thế chấp, nhưng 2 năm sau khi Nghị viện Tiểu bang chất vấn thì trả lời không dính dáng gì với doanh nhân này và cũng không công bố số tiền vay. Hành vi đó không chỉ liên quan tới uy tín, nhân cách chính khách cần trung thực “nói đi đi đôi với  làm“, mà quan trọng ở chỗ vi phạm Luật công chức Đức; mọi câu trả lời trước Quốc hội đều được coi là tuyên thệ; nếu sai quốc hội có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm. Sự kiện trên có thể đưa đến kết luận, nói tới chống tham nhũng, hay chống bất cứ sai trái gì liên quan tới quan chức đều cần đến tiền đề về quyền độc lập của truyền thông và luật điều chỉnh hoạt động quan chức bao hàm được mục đích đó.
Tiền đề trên ở ta có thể kỳ vọng, khi lần đầu tiên tài sản một cựu lãnh đạo cao cấp tầm cỡ, ông Trần Văn Truyền, được báo Người Cao Tuổi công bố có 1 biệt dinh cùng 4 căn nhà gỗ đặc biệt, giường đôi nhiều tỉ đồng ở Bến Tre, rộng trên 16.000m2 ước tính 24 tỷ riêng tiền đất, 1 căn nhà 300m2 được cấp hồi làm bí thư tỉnh ủy, 1 nhà 200m2 cấp 4  trước cổng chùa Bạch Vân, 3 cơ ngơi ở khu đô thị „5 sao“ Phú Mỹ Hưng, TP Hồ Chí Minh, nơi có giá tiền triệu đô la Mỹ, do người thân quản lí. Chênh lệnh quá vô lý giữa lương bổng, tài sản khai báo lúc đương chức và các nguồn cho tặng hợp pháp có thể có, so với tổng tài sản hiện tại khủng tới vậy, người dân không thể không ngờ vực vụ lợi tham nhũng.
*Nguyên lý “tôi và chúng ta“; chế tài đào thải
Phản ứng đầu tiên trước tin tức truyền thông, lẽ tự nhiên không ai trước người trong cuộc, và đó cũng là quyền bình đẳng trong tự do ngôn luận, không phụ thuộc chức quyền. Ông Truyền giải thích nguồn gốc tài sản, đất của con mua khi giá rẻ, đồ đạc do tích cóp nhiều năm, được giúp đỡ tài chính từ người thân, nhất là em gái nuôi. Wulff cũng vậy, phủ định tin tức cáo buộc trên báo Bild. Tuy nhiên mục đích nhắm tới của 2 nhân vật hoàn toàn khác nhau; ông Truyền sau khi khẳng định phần lớn nội dung tờ báo đưa không chính xác, không đúng sự thật, liền nâng quan điểm, “có thể sẽ gây kích động và khiến người dân mất niềm tin vào cán bộ“. Nghĩa là đồng nhất uy tín cá nhân ông Truyền (tôi) với danh tiếng đội ngũ cán bộ (chúng ta), rộng hơn nữa với cả chế độ. Hoàn toàn trái với thực tế được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, không hề gây kích động: “Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ đang bị suy giảm do tệ tham nhũng, lãng phí… của một bộ phận cán bộ, đảng viên“. “Trước đây chỉ một con sâu…, nay thì nhiều con sâu lắm… Tất cả là sâu hết thì chết cái đất nước này“. Không thể diệt được bất cứ bầy sâu nào cả khi không thể vạch lá tìm sâu từng con một. Vì vậy, điều kiện tiếp theo để chống tham nhũng, phải loại trừ được nguyên lý ngụy biện đồng nhất “tôi“ với “chúng ta“ bằng chế tài: Mọi cá nhân quan chức bất kể ai đều phải chấp nhận bị giám sát và trả lời trước công luận, nếu không sẽ bị đào thải thay thế bởi người đủ bản lĩnh đương đầu vốn trong hàng ngũ “chúng ta“ không thiếu.
Chế tài đào thải đó ở Đức đã buộc Wulff dù quyền lực đang đứng đầu đất nước vẫn phải tự chứng minh mình khi bị truyền thông ngờ vực  (nếu không muốn bị bỏ phiếu bất tín nhiệm kèm rủi ro khôn lường), chứ không phải ngược lại buộc người dân phải chứng minh ngờ vực vốn bất khả thi và lộn vai trò dân là chủ, quan chức là “đầy tớ“. Sau khi phủ định cáo buộc trên báo Bild, Wulff tỏ ra ân hận nhận lỗi cách mình hành xử gây cho người dân hiểu sai. Trước dư luận cáo buộc tiếp từng được các bạn doanh nhân bao đi du lịch, Wulff cho mời giới truyền thông tới văn phòng luật sư của mình xem hồ sơ các chuyến nghỉ phép và vay tín dụng đang bị ngờ vực; cho công bố trên Internet 6 trang tổng hợp ý kiến của mình trả lời 400 câu hỏi giới truyền thông gửi tới đòi giải trình. Khi báo “Berliner Zeitung” và “Frankfurter Rundschau”, đưa tin chiếc ô tô Audi thuộc thế hệ mới đưa ra thị trường do vợ chồng Wulff sử dụng không phải trả tiền từ hè 2011, Wulff cho luật sư riêng giải trình đó là tiêu chuẩn hãng Audi ưu đãi cho những nhân vật nổi tiếng không chỉ riêng mình. Trước thông tin của báo NDR, năm 2005, Wulff sử dụng máy điện thoại cầm tay của nhà làm phim Groenewold, lập tức luật sư của Groenewold cho công bố hoá đơn các cuộc gọi được chuyển đến Wulff thanh toán.
*Thực tiễn và nguyên lý đảng lãnh đạo
Trước tin tức chấn động truyền thông, “ngày 27/2 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre thống nhất sẽ có văn bản báo cáo gửi Văn phòng Trung ương Đảng. Tỉnh ủy cũng đã tập hợp các thông tin bước đầu, chờ ý kiến chỉ đạo từ  Trung ương (PLO/Khampha.vn)“. Lý do được ông Nguyễn Quốc Bảo, phó Bí thư Tỉnh ủy giải thích, ông Truyền sinh hoạt Đảng tại địa phương nhưng là đối tượng thuộc trung ương quản lý. Do vậy, Ban thường vụ Tỉnh ủy có văn bản đề nghị Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương sớm cho ý kiến chính thức để chấm dứt dư luận (TTO). Ở đây có 2 vấn đề, thứ nhất, ông Truyền là cựu cán bộ Đảng, nếu có vấn đề về Đảng sẽ thuộc thẩm quyền tổ chức đảng giải quyết. Hai, ông Truyền nguyên Chánh thanh tra Chính phủ thuộc hành pháp, nếu sai phạm, phải được pháp luật chế tài và do cơ quan công quyền xử lý. Hai nguyên tắc đó đều xuất phát từ nguyên lý ở ta là Đảng lãnh đạo (“quyết định chính sách“, “không thay nhà nước giải quyết từng vụ việc cụ thể“), nhà nước quản lý bao gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp, được phân nhiệm phối hợp; ở Đức cũng vậy nhưng trách nhiệm cụ thể hơn, đảng cầm quyền nhưng nằm trong và cùng tạo nên quốc hội, nhà nước vẫn quản lý với 3 nhánh quyền lực như ta nhưng phân lập trách nhiệm. Từ nguyên lý đã nêu, xem xét các phát biểu trên, dư luận sẽ nghĩ tới 2 khả năng cần được giải toả: hoặc Tỉnh không đủ năng lực tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cả về đảng lẫn chính quyền, đành đẩy lên trên (chính quyền điạ phương bất lực); hoặc thẩm quyền thuộc trung ương Đảng quyết định, các cấp cả đảng lẫn chính quyền chỉ thi hành, (vi phạm nguyên lý Đảnh lãnh đạo không làm thay nhà nước); và giả sử đúng như thế thì đồng nghĩa với đảng là một cơ quan quyền lực trên nhà nước, vi phạm nguyên lý nhà nước pháp quyền chỉ gồm 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cả 2 khả năng, với giả định qủa thực như thế, đều sẽ bất khả thi trong chống tham nhũng, nếu như  đâu cũng chờ „chỉ đạo từ trung ương“, trong lúc tham nhũng đã trở thành “giặc nội xâm đe doạ chế độ“, không phải một con sâu mà “cả một bầy sâu“, “người ta ăn của dân không từ một cái gì nữa“. Vì vậy, phân định, lượng hoá nội hàm khái niệm đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý trong thực tế điều hành đất nước ở mọi cấp bằng chế tài là điều kiện cần, nếu muốn tham nhũng được phòng chống tự động, kịp thời ở mọi cấp đảng và nhà nước.
Khác ta, ở Đức theo nguyên lý phân lập trách nhiệm, quy trình giải quyết ngờ vực Wulff diễn ra hoàn toàn tự động. Về lập pháp, chẳng chờ trung ương nào chỉ đạo, ngay khi vụ việc xuất hiện trên báo,  trưởng Đoàn nghị sỹ đảng Xanh đệ trình lên nghị viện tiểu bang Niedersachsen một bản danh mục 100 câu hỏi yêu cầu điều trần Tổng thống Liên bang Wulff liên quan tới các mối quan hệ kinh tế với giới doanh nhân. Đoàn nghị sỹ đảng SPD tiểu bang đòi đưa Wulff ra Toà án Tối cao Tiểu bang. Ở cấp Liên bang,  đoàn nghị sỹ đảng SPD gửi tới Ủy ban pháp luật Quốc hội 60 câu hỏi điều trần Wulff về những chi tiêu tài chính liên quan được dư luận phản ảnh. Chủ tịch CDU, Thủ tướng Merkel cảnh báo, sẽ còn nhiều câu hỏi nữa đặt ra cho Wulff, chờ đợi ông công khai thoả đáng. Còn Chủ tịch SPD tuyên bố: “Những gì các đời Tống thống đã hoàn thành trong lịch sử Đức 60 năm qua, Wulff hiện không thể tiếp tục“.

 ***Chính trị không thể thay công nghệ hành pháp
Đòi hỏi chính trị chỉ mới ở chủ trương diễn ra tại cơ quan lập pháp, vấn đề rốt cuộc được giải quyết hay không lại nằm ở chế tài trách nhiệm pháp lý đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp. Chống tham nhũng thắng hay thất bại không nằm ngoài nguyên lý đó. Ở Đức, do tính độc lập tự chịu trách nhiệm, các cơ quan hành pháp buộc phải tự hành động, nếu không sẽ bị chế tài tội bỏ mặc không hành xử. Cùng lúc với những cáo buộc xuất hiện trên truyền thông, Viện Kiểm sát Tiểu bang nhận được 4 đơn tố cáo Tổng thống tội đó, lập tức cho lục soát văn phòng và nhà riêng của phát ngôn viên Tổng thống để truy tìm manh mối. Wulff cũng hy vọng, Viện kiểm sát điều tra độc lập sẽ đưa ra được quyết định pháp lý thích ứng. Tới vụ cáo buộc ngờ vực vụ lợi tại lễ hội tháng 10.2008 ở Müchen, Wulff được nhà làm phim  Groenewold trả chi phí khách sạn cho cả 2 vợ chồng, đổi lại hứa bảo lãnh cho hãng của Groenewold vay 4 triệu Euro; do lời hứa liên quan tới chính phủ tiểu bang, lập tức thủ hiến đương nhiệm David McAllister đòi Wulff thủ hiến hồi đó, phải giải trình. Còn Viện kiểm sát Hannover không phải chờ bất cứ chỉ thị của ai, đệ đơn ngay lên Quốc hội Liên bang đòi hủy quyền miễn trừ đối với tổng thống để điều tra vì có đủ chứng cứ nghi vấn phạm pháp. Rốt cuộc ngày 17.02.2012, Wulff phải tuyên bố từ chức với lý do không còn được dân chúng tin tưởng để hoàn thành sứ mệnh tổng thống (nghĩa là không cần biết mình sai hay đúng, chỉ cần mất tín nhiệm trước dân chúng là phải từ chức). Mất quyền miễn trừ Wulff bị Viện kiểm sát cho điều tra, lục soát văn phòng, nhà riêng, khởi tố vụ án bị can, với cáo buộc tham nhũng khi tham dự lễ hội 2008 tại München được Groenewold nhận thanh toán tiền khách sạn, tặng quà, tổng cộng 759,30 Euro. Ngày 27.08.2013, Toà án Landgericht Hannover quyết định truy tố Wulff tội vụ lợi. Sau 22 phiên xét xử, nghe 45 nhân chứng, ngoài các liên đới, còn có cận vệ, nhân viên khách sạn Müchen, các cộng sự với Wulff hồi thủ hiến, và vợ;  ngày 27.2.2014, Toà tuyên Wulff vô tội và được bồi thường những thiệt hại do Viện Kiểm sát khám xét gây ra cho ông, với bằng chứng, số tiền bị cáo buộc quà tặng là số tiền phòng cho người trông con nhỏ của Wulff nằm ngoài hoá đơn phòng của Wulff, được Groenwold thanh toán nhưng Wulff đã trả lại khi nhận thấy.
Trong khi đó, tỉnh Bến Tre chỉ dừng lại ở trả lời báo chí, “anh Ba Truyền chỉ còn có 2 chỗ ở tại Bến Tre thôi, một căn nhà dưới phường 1, mua theo Nghị định 61. Còn chỗ thứ hai ở xã Sơn Đông, như báo chí phản ảnh…“ (lời Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng).
*Trách nhiệm cá nhân
Tương tự vụ Wulff, một khi có dấu hiệu ngờ vực, đương nhiên sẽ trở thành tâm điểm theo dõi của truyền thông, ông Truyền được đưa tin tiếp là vị “Tư lệnh ngành”, trước khi nghỉ hưu, từ tháng 3/2011 đến ngày 3/8/2011, đã ký quyết định bổ nhiệm kỷ lục gần 60 cán bộ cấp vụ, riêng ngày 3/8/2011 ký bổ nhiệm 22 người; trong khi nạn mua bán quan chức đang bức xúc xã hội, người dân không thể không đặt câu hỏi.
Khác với cách xử sự của Wulff, trả lời tờ Tri thức trẻ, từ chỗ đồng nhất “tôi“ với “chúng ta“ ở vụ thông tin tài sản khủng, ông Truyền đồng nhất tiếp trách nhiệm mình ký bổ nhiệm cán bộ thuộc về tập thể: “Tôi làm việc có nguyên tắc. Bổ nhiệm cán bộ là việc tập thể chứ tôi ở vị trí Tổng Thanh tra khi đó cũng chỉ là người thực hiện nhiệm vụ của mình theo pháp luật. Một mình tôi thì không thể làm gì được”. Thực tế này liên quan  tới công nghệ hành chính vốn quyết định trực tiếp tương lai một đất nước ổn định hay bất ổn, bất kể thể chế gì. Với công nghệ hành chính hiện đại, bất kỳ quyết định hành chính nào, trước đó đều phải lấy ý kiến mọi cơ quan công quyền, tổ chức có liên quan, cả chiều ngang lẫn chiều dọc, trên, dưới. Nhưng trách nhiệm thuộc về người ký quyết định hành chính đó, hoặc bị cách chức, hoặc truy tố tùy quyết định đó sai phạm tới đâu. Trong nhà nước pháp quyền không có khái niệm trách nhiệm pháp lý tập thể, bởi tập thể nào cũng có người đại diện chịu trách nhiệm pháp lý. Toà chỉ có thể tuyên phạt người chịu trách nhiệm pháp lý đó chứ không thể tất cả mọi người trong tập thể được. Chưa nói, tham nhũng lớn ngày nay 1 cá nhân không thể làm nổi. Vì vậy, nếu luật pháp không lấy cá nhân đại diện pháp lý làm đối tượng chịu trách nhiệm hình sự thì khó có thể chống nổi tham nhũng.
*Cơ sở pháp lý
 Tham nhũng được gọi là “giặc nội xâm“, nhưng không thể chống bằng súng đạn như chiến trường, thắng sống, thua chết, mà phải tuân thủ luật pháp. Liên quan  tới hành vi tham nhũng, ở Đức, thủ tướng, bộ trưởng bị giới hạn bởi Luật Bộ trưởng Liên bang BminG, gồm 24 điều, trong đó có điều 5 yêu cầu phải trình báo khi được tặng qùa và do chính phủ quyết định. Các Tiểu bang cũng vậy, như Luật Bộ trưởng Tiểu bang Niedersachsen, cấm nhận thưởng công, quà cáp liên quan tới chức vụ. Bộ trưởng cả Liên bang lẫn Tiểu bang còn bị điểu chỉnh bởi Bộ luật quan chức Đức, dài tới 147 điều, điều 71 quy định, kể cả sau khi mãn nhiệm, không được phép hay ủy quyền cho người khác nhận quà, hay lợi ích từ những người có liên quan đến chức vụ của mình. Như vậy cũng chưa đủ để chống tham nhũng, bởi đối tượng để tham nhũng là tài sản công có khắp nơi mọi lúc. Luật kê khai tài sản là cần  thiết, nhưng cũng chỉ có giá trị như 1 căn cứ pháp lý khi điều tra, tự nó không chống trực tiếp được tham nhũng, bởi người ta có thể mượn tên chủ sở hữu. Vấn đề nằm ở chỗ, tài sản tham nhũng để sử dụng chứ không phải chất kho, vì vậy pháp luật phải giám sát được mọi vận động tài sản có thể ngờ vực tham nhũng. Chẳng hạn, ở Đức tiền nằm im trong tài khoản cả tỷ Euro chẳng sao, nhưng chỉ cần rút hoặc cho vào tài khoản từ 10.000 Euro trở lên, ngân hàng phải tự động chuyển thông tin cho cảnh sát kinh tế lưu trữ. Đất đai sở hữu phải khai báo đóng thuế đất, Sở Tài chính biết ngay được số tiền đầu tư, và nếu ngờ vực sẽ kiểm tra những hoạt động làm ăn có số tiền đầu tư đó. Tiền đầu tư mở doanh nghiệp, mua bán chứng khoán, gửi tiết kiệm, cho tặng, thừa kế… đều phải báo cáo thuế, nghĩa là nếu tiền đó có nguồn gốc tham nhũng dù qua bao người vẫn để lại chứng cứ (lẽ dĩ nhiên còn tùy độ lớn). Sở Tài chính có trách nhiệm kiểm tra thuế, áp dụng phương pháp cân đối tài sản sẽ biết được nguồn gốc của nó sạch hay bẩn do tham nhũng hay lậu thuế…
Trường hợp tài sản ông Trần Văn Truyền, nếu ở Đức sẽ áp dụng biện pháp cân đối tài sản của ông, của những người tặng ông, của người bị nghi đứng tên tài sản, khi đó ngờ vực sẽ được khẳng định sai hay đúng. Phục vụ cho biện pháp đó cần văn bản luật thích ứng. Ở ta có văn bản lập pháp, Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11, và văn bản lập quy Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg, về kê khai tài sản. Nhưng chỉ riêng không quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc toàn bộ khối tài sản, không đưa ra chế tài đối với khối tài sản bất minh, thì việc điều tra tham nhũng với tài sản bất minh vẫn bất khả thi. Trong khi đó Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng đã coi tài sản bất minh là hành vi tham nhũng, lẽ ra phải được điều chỉnh bằng Bộ luật hình sự.
Tham nhũng chỉ xảy ra khi quan chức thực thi công vụ, nảy sinh trong bất cứ cấp ngành lĩnh vực nào, chứ không đặc thù ở đâu cả để có thể chỉ cần một văn bản luật là có thể giải quyết được. Vì vậy chống tham nhũng dù kêu gọi ý chí tư tưởng cao tới đâu, hay chỉ bằng một văn bản luật dù soạn thảo công phu tới mấy, cũng sẽ chỉ dừng trên giấy tờ, nếu không tạo lập được một hệ thống pháp luật tự nó có khả năng lấp mọi kẽ hở tham nhũng vụ lợi. Trách nhiệm đó trước hết thuộc về Quốc hội khi thông qua bất cứ văn bản lập pháp nào đều phải tính đến nguy cơ vụ lợi tham nhũng ! Hy vọng vụ chấn động về tài sản khủng của cựu Chánh Thanh Tra Trần Văn Truyền đủ tạo nên cú hích cần thiết cho một cuộc đột phá cải cách thể chế hướng tới một bộ máy nhà nước trong sạch !

Thế đối đầu Nga-Mỹ ở Ukraine

2 chiếc F-15C thao dượt với L-39 Albatros của Lithuani.Courtesy of defense.mil
Dân biểu Nga nhìn nhận

Sự hiện diện của quân đội Nga tại Crimea ngày càng lộ liễu. Sau khi Tổng thống Putin chối bỏ điều đó, thì một dân biểu Nga công khai nhìn nhận có một số đơn vị quân đội của Moscow hoạt động trong lãnh thổ Crimea, tuy không phải là một chiến dịch quy mô.

Nghe tường trình
Đằng sau sự lộ diện ồn ào của lực lượng dân quân mới thành lập là những quân nhân Nga, không mang quân hiệu, trong vai trò chỉ huy, chỉ đạo và tiếp vận cho những dân quân chưa được huấn luyện đầy đủ như một lực lượng quân sự chính quy. Nhiều nơi người ta thấy những binh sĩ rất có vẻ như thuộc một lực lượng đặc nhiệm của Nga, tuy không có cơ hội xác minh vì không được phép. Có báo chí cho biết có lúc binh sĩ Nga kín đáo xác nhận họ thuộc quân đội Nga, rất nhớ nhà, nhưng phải thi hành lệnh nghi trang để hoạt động ở Crimea.

Vận động Hoa Kỳ, tuyển mộ quân sĩ

Tại Washington, khoảng gần 3 giờ thứ tư, Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ sẽ tiếp kiến Thủ tướng lâm thời của Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk.

Hai chiếc F-`16 đầu tiên của Ba Lan, nhận năm 2006 - Courtesy of freerepublic.com
Phó Tổng thống Joe Biden cắt ngắn chuyến công du Trung Mỹ để về tòa Bạch Ốc tiếp đón Thủ tướng Yatsenyuk, chứng tỏ Hoa Kỳ muốn làm nổi bật vai trò của giới lãnh đạo mới tại Ukraine như những nhà lãnh đạo hợp pháp và chính đáng. Thủ tướng lâm thời của Ukraine đã làm việc như chong chóng ở Washington. Sau buổi hội kiến tại tòa Bạch Ốc, nơi Tổng thống Obama nghiêm khắc cảnh cáo Liên Bang Nga và cam kết hết lòng ủng hộ Ukraine, Thủ tướng Yatsenyuk thương lượng với Ngân hàng Thế Giới về một khoản nợ lâu dài lên tới 35 tỉ đô la, và chuẩn bị đi New York nói chuyện ở Liên Hiệp Quốc.

Trong khi Thủ tướng Yatsenyuk lên đường đi Mỹ thì Quốc hội Kiev ban hành lệnh thành lập lực lượng quân sự tự nguyện lên tới 60 ngàn quân, và đã có 20 ngàn người ghi tên đăng nhập. Ukraine có 135 ngàn quân chính quy so với quân số 845 ngàn của Nga, trang bị vũ khí hạt nhân. Vũ khí hạt nhân của Ukraine thì đã giao nạp cho Nga vào năm 1994, dưới sự cam kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Ukraine do Mỹ-Anh-Nga ký kết trong văn bản ngoại giao memorandum.

Không khai chiến

Quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov hôm qua tuyên bố Ukraine sẽ không mở cuộc chiến tranh để giữ lại hay lấy lại Crimea một khi nó rơi vào tay người Nga. Tổng thống Turchynov nói quân đội Ukraine quá ít ỏi về quân số so với quân Nga, sẽ không khai chiến để giành lại Crimea, không thể phơi sườn phía đông không được bảo vệ trước đạo quân đông đảo hùng mạnh của Liên Bang Nga; nhiều đơn vi chiến xa của Nga đã tập trung gần biên giới phía đông của Ukraine để khiêu khích hầu có cớ xâm lăng Ukraine, nhưng ông sẽ không mắc bẫy.

Ông Turchynov nói rằng thật không may là lúc này người Nga đã bác bỏ mọi giải pháp ngoại giao, từ chối mọi liên lạc ở cấp bộ trưởng ngoại giao và cấp lãnh đạo chính phủ.

Đó là lời kêu gọi của một nước yếu hơn về quân sự so với đối phương, xác nhận điều kiện tương quan đó để đòi đối phương giải quyết bằng chính trị, ngoại giao, bằng những giải pháp ôn hòa.

NATO điều động

Trong khi đó Hoa Kỳ và NATO điều động chiến hạm vào Hắc Hải và bố trí phi cơ chiến đấu ở Lithuania, Ba Lan.

Khu trục hạm Truxtun của hải quân Hoa Kỳ, trang bị hỏa tiễn điều khiển và hệ thống Aegis chống hỏa tiễn, đã vượt thủ đô Istanbul qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ để vào Hắc Hải. Hoa Kỳ nói hoạt động này là theo kế hoạch tập trận với Bulgaria và Romania đã có từ trước. Nhưng từ thứ

Khu trục hạm Truxtun vượt eo biển Bosphorus vào Hắc Hải - Internet file
sáu tuần trước 6 chiếc F-15 và 1 KC-130 của Mỹ cùng với 60 quân nhân không quân Hoàng Gia Anh đã đến Lithuania, nói là để tuần tiễu bảo vệ vùng Baltic. Rồi 12 chiếc F-16 cùng 300 quân nhân Mỹ đang đến Ba lan từ hôm thứ hai tuần này, và Hoa Kỳ nói là để huấn luyện hành động đáp ứng với cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Liệu có phải NATO đang chuẩn bị cho giải pháp quân sự?

Nếu là giải pháp quân sự thì Washington và EU đã công bố trước, nên đây chỉ là hành động biểu dương lực lượng để yểm trợ cho kế hoạch ngoại giao dành cho Ukraine. Nhưng song song với việc NATO điều động không lực ở Ba Lan và Lithuania, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã từ chối lời mời sang Moscow, nói chỉ đi Nga khi nào quân Nga rút hết khỏi Crimea và chính phủ lâm thời của Crimea hủy bỏ cuộc trưng cầu dân ý dự định vào chủ nhật 16 tháng 3 này.

Lực lượng không quân NATO được phối trí như vậy không phải để đối phó với cuộc tấn công của Nga, vì Bộ tư lệnh NATO không thể lập kế hoạch cho vài chục chiếc chiến đấu cơ tối tân đối phó với hằng trăm chiến xa và hằng ngàn quân bộ chiến có không quân, pháo binh yểm trợ, tràn qua biên giới Ukraine. Thứ hai, là hai đại cường Mỹ Nga không bao giờ muốn có chiến tranh với nhau, tuy rằng Nga rất có thể, nếu không nói là chắc chắn sẽ đem tung quân vào Ukraine nếu quân đội Ukraine tiến vào Crimea. Nga Mỹ Âu đánh nhau thì ai có lợi? Chỉ có Trung Quốc là ngư ông đắc lợi, hay là kẻ thợ săn tọa sơn quan hổ đấu, chờ cho hai cọp giết nhau là xuống lượm xác, hay chờ con nghêu cắn mỏ con sò thì tới lượm cả hai bỏ vô giỏ.

Vì thế, Tổng thống Ukraine đã tuyên bố trước rằng Kiev sẽ không động binh. Tuyển mộ lực lượng tự nguyện, vẫn theo lời quốc hội Ukraine, là để ngăn ngừa quân Nga tiến xa hơn khỏi Crimea vào lãnh thổ Ukraine.

Biện pháp khả dụng?

Không dùng được giải pháp quân sự thì liệu có giải pháp ngoại giao nào có thể áp dụng?

Trước hết, như đã nhắc trên, là văn bản ngoại giao "Budapest Memorandum on Security Assurances" năm 1994, tạm gọi là "Bản ghi nhớ Budapest về bảo đảm an ninh" ký kết giữa Nga, Mỹ, Anh và Ukraine năm 1994.

Đây không phải là một hiệp ước chính thức, mà chi là một lời cam kết của bốn nước nói trên, quan trọng nhất là ba nước Mỹ-Anh-Nga, cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, để xứ này yên tâm giao nạp hết vũ khí hạt nhân cho Liên Bang Nga, theo kế hoạch giải giới hạt nhân xứ Ukraine sau khi Liên Xô giải tán.

Văn bản có ghi là ba nước My Anh Nga sẽ không bao giờ đe dọa dùng võ lực để chiếm đóng hay xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ hay tính cách độc lập chính trị của Ukraine, không bao giờ khuyến dụ về kinh tế để khống chế Ukraine cho lợi ích của mình.

Nước Nga thì đã lập luận là họ không xâm lăng và xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, mà chỉ chuẩn bị bảo vệ người dân sắc tộc Nga ở nới đó nếu bị Kiev đàn áp bằng quân sự. Nhưng dù nói rằng chỉ xâm nhập một số đơn vị và chiến cụ, không mở chiến dịch quy mô, thì hành động đó cũng đã xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của nước khác.

Tuy nhiên vấn đề còn ở chổ văn bản ngoại giao này có tính ràng buộc theo công pháp quốc tế, nhưng lại không có tính cưỡng hành.

Hỏa tiễn phòng thủ khai hỏa - Courtesy of defensetalks.com
Đúng như vậy,nếu chỉ nói về bản Budapest memorandum. Nhưng trong văn bản đó ba cường quốc Mỹ-Anh-Nga đã cam kết thi hành điều khoản bất xâm lăng bằng cách áp dụng những nguyên tắc về toàn vẹn lãnh thổ và bất xâm lăng trong Hiệp ước Helsinki năm 1975. Đó là một hiệp ước thời chiến tranh lạnh do 35 quốc gia ký kết, trong đó có Liên Xô.

Bản ghi nhớ Budapest nhắc lại các điều khoản của Hiệp ước Helsinki, và điều cốt yếu ở đây là ba chữ "không can thiệp". Và nếu muốn đem pháp lý vào cuộc, thì ngoài bản ghi nhớ Budapest, còn nhiều văn bản pháp lý quốc tế khác có thể dùng để buộc Nga phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, trong đó có Hiệp ước về Ủy hội Helsinki và cả Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Những đòn bẩy khác

Thêm vào đó, ngoài pháp lý quốc tế Hoa Kỳ còn những đòn bẩy khác, như Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí hạt nhân mới, được Mỹ Nga ký kết tại Prague năm 2010, có hiệu lực từ tháng 2, 2011.

Nước Nga đang vất vả về kinh tế, Mỹ cũng còn chưa mạnh hẳn nhưng vẫn giàu tiềm lực hơn Nga. Nếu Hoa Kỳ từ bỏ cái New START để buộc Nga chạy đua võ trang, có lẽ chẳng bao lâu Nga sẽ kiệt sức trước, không khác gì cuộc chạy đua trong "chiến tranh các vì sao" giữa Liên Xô với Mỹ đã khiến Liên Xô tan rã.

Thêm nữa cũng còn việc dựng dàn lá chắn hỏa tiễn ở Đông Âu mà Tổng thống Obama đã từ bỏ vào năm 2009 thay bằng dàn Aegis phòng thủ trên chiến hạm ở Hắc Hải, đã được Tổng thống Putin hoan nghênh.

Nay liệu Tổng thống Obama có muốn đem dàn hỏa tiễn phòng thủ ở Ba lan với dàn siêu radar ở Cộng Hòa Tiệp ra trở lại để làm áp lực buộc Nga buông bàn tay vạm vỡ khỏi Crimea chăng?
Việt-Long
Theo RFA

Kịch bản chính trị dành cho Trung Quốc: Xấu hay rất xấu?

Sau vụ thảm sát ở Côn Minh, bầu không khí động loạn không chỉ áp chế xã hội mà cả với thể chế chính trị ở Trung Quốc. Những dấu hiệu ngày càng rõ nét về suy thoái kinh tế càng gợi cảm cho một cuộc khủng hoảng tương lai của đất nước “vĩ đại” này.

“Voi cưỡi xe đạp” – một hình ảnh mà giới quan sát phương Tây dành tặng cho Trung Quốc, xem ra đang mang tính linh ứng. Một lần nữa chúng ta cần phác ra những kịch bản biến động kinh tế - chính trị với độ dài trước mắt đến năm 2015 cho quốc gia vẫn đang say sưa với chủ thuyết “Trung Quốc trỗi dậy”.

* Kịch bản 1: Kinh tế ổn định, chính trị biến động nhẹ

Đây là kịch bản tối ưu mà những người luôn tự tôn với tư tưởng Đại Hán không thể kỳ vọng nhiều hơn cho một tương lai đầy bất trắc.

Ứng với kịch bản này, nền kinh tế duy trì được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 10%, GDP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 9-9,5%, thị trường bất động sản không bị vỡ bong bóng, phần lớn các chính quyền địa phương thu xếp trả được nợ cho ngân hàng. Sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc cũng được hỗ trợ bởi khả năng nền kinh tế Mỹ và thế giới không bị rơi vào suy thoái kép, ít nhất trong năm 2014.

Hiện tại, điều kiện kinh tế thế giới đang khá thuận lợi cho kinh tế Trung Quốc, và đây chính là một trong những hỗ trợ lớn lao để Trung Quốc còn tạm giữ được thăng bằng trên thế đu dây giữa tăng trưởng nóng quá khứ và nợ xấu hiện tại.

Tuy nhiên một thực tế không thể phủ nhận là khoảng chênh lệch giàu - nghèo và hố phân cách xã hội vẫn hầu như chưa được cải thiện, nếu không muốn nói là vẫn tiếp tục xu thế giãn rộng hơn. Do đó về mặt xã hội, vẫn tiếp tục xảy ra những cuộc khiếu kiện đất đai, đình công, biểu tình quy mô nhỏ như tình trạng hiện nay. Những mâu thuẫn tại các khu tự trị Nội Mông, Tây Tạng và đặc biệt từ Tân Cương vẫn tiềm ẩn và không loại trừ phát sinh xung đột với quy mô nhỏ và trung bình.

Với những điều kiện kinh tế - xã hội trên, không khí chính trị tiếp tục duy trì ở mức độ bất ổn nhẹ (như hiện nay). Trước mắt, Tập Cận Bình vẫn củng cố được quyền lực và thực hiện chiến dịch “diệt cả hổ lẫn ruồi” cùng kế hoạch cải cách trung hạn. Tuy nhiên, không loại trừ những cải cách này sẽ vấp phải sự phản ứng thù địch từ các nhóm lợi ích dày đặc trong giới quan chức cao cấp Trung Quốc, dẫn đến những âm mưu phản nghịch ngấm ngầm.

Đây cũng là trường hợp mà một giáo sư kinh tế chính trị học của Đại học Havard – Dani Rodrik – cho rằng “Kinh tế tốt không phải luôn là chính trị tốt” (Good economics need not always mean good).

* Kịch bản 2: Kinh tế suy thoái, chính trị biến động tương đối mạnh

Kịch bản này đang có một số dấu hiệu xảy ra khi trong hai năm 2012 và 2013, nền kinh tế Trung Quốc không còn duy trì được sự ổn định khi mức tăng GDP giảm xuống còn 6-7%. Trên thực tế theo giới phân tích độc lập, mức tăng GDP của Trung Quốc chỉ là 3-4%.

Thị trường bất động sản tuy vẫn chưa xuất hiện nhiều dấu hiệu vỡ bong bóng, nhưng nghịch lý là mặt bằng giá treo cao song nợ xấu của các chính quyền địa phương đối với ngân hàng cũng tăng lên. Một báo cáo vào cuối năm 2013 của chính Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã phải thừa nhận số nợ xấu của chính quyền địa phương không phải là 1.500 tỷ USD như công bố vào năm 2011, mà đã lên đến 3.000 tỷ USD.

Cùng với hiện tượng tư bản nước ngoài rút vốn khỏi thị trường tài chính, vận động đi ngang của thị trường chứng khoán mà không thể “cất cánh” như kỳ vọng, và nguy cơ vỡ nợ trái phiếu lẫn phá sản cận kề đối với một số tập đoàn và ngân hàng, Có khả năng bắt đầu từ năm 2015, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chính thức dặt chân vào giai đoạn suy thoái, dẫn tới suy thoái nặng nề trong một số năm sau đó cùng tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Ứng với những điều kiện kinh tế trên, làn sóng bất mãn xã hội vốn tích tụ nhiều năm nay có thể tăng lên, thậm chí tăng đáng kể. Có khả năng xuất hiện nhiều hơn số lượng các cuộc khiếu kiện đất đai, đình công, cùng biểu tình đòi quyền dân chủ. Nếu các hoạt động mang tính phản ứng xã hội này có mối liên hệ và cộng hưởng vào một thời điểm nào đó thì có thể dẫn đến những cuộc biểu tình phức hợp, tạo thành phong trào phản kháng mạnh mẽ đa thành phần với quy mô lớn, dẫn đến xáo trộn khá mạnh về không khí chính trị và cũng có thể dẫn đến xung đột với hình thức bạo động, bạo loạn với các cơ quan chính quyền và cảnh sát.

Nếu khả năng trên xảy ra, không có nhiều hy vọng để Bắc Kinh sẽ kiềm chế được hoạt động đòi tự trị, dân sinh và dân chủ tại các khu vực Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Hoạt động phản kháng này sẽ trở nên phức tạp hơn hẳn và có thể dẫn đến sự xung đột (bạo động, bạo loạn) ở quy mô lớn tại các khu vực này.

Kịch bản trên vẫn có thể xảy ra đối với Trung Quốc ngay cả trong điều kiện nền kinh tế thế giới không bị rơi vào suy thoái kép.

Đây là kịch bản đang có xác suất xảy ra cao nhất đối với Trung Quốc trong những năm tới. Tuổi thọ tối đa của đảng cầm quyền Trung Quốc ứng với kịch bản này sẽ chấm dứt vào những năm 2022-2023.

* Kịch bản 3: Kinh tế suy thoái, chính trị biến động mạnh

Trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép và kinh tế Trung Quốc cũng chịu hệ lụy tương ứng. Thị trường xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị hạn hẹp đáng kể. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc cũng giảm mạnh, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh. Khi đó, GDP Trung Quốc có thể giảm xuống còn 4-5% và lạm phát tăng vọt từ 15-20%. Tình hình này gần như chắc chắn sẽ làm cho bong bóng bất động sản bùng vỡ, giá bất động sản giảm rất mạnh (trên 50% hoặc hơn) với thanh khoản kém. Mặt khác, chính quyền địa phương gần như mất khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng, dẫn đến phản ứng dây chuyền về việc phá sản của một số ngân hàng lớn và làm chao đảo hệ thống tài chính quốc dân.

Những điều kiện kinh tế trên cũng là ngòi nổ cho các hoạt động phản ứng và phản kháng xã hội. Khiếu kiện đất đai, đình công và các biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ sẽ trở thành các phong trào diễn ra liên tục, quy mô tăng dần, lan rộng tại nhiều tỉnh và thành phố, hoàn toàn có thể dẫn đến xung đột mạnh với chính quyền. Không loại trừ sự kết hợp và cộng hưởng giữa các hoạt động phản kháng xã hội có thể dẫn tới yêu sách thay đổi thể chế chính trị, mà về thực chất có thể xem là “cách mạng hoa nhài” như đã từng xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông vào những tháng đầu năm 2011.

Những điều kiện kinh tế - xã hội và chính trị trên cũng là nhân tố kích thích các phong trào phản kháng rộng lớn ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông. Tương ứng với điều kiện đặc thù về lịch sử của các khu vực này, không loại trừ quá trình xung đột bình thường và tự phát có thể dẫn tới những cuộc xung đột vũ trang có tổ chức và gây nguy hiểm cho sự tồn tại của thể chế chính trị ở Trung Quốc.

Tuổi thọ tối đa của đảng cầm quyền Trung Quốc ứng với kịch bản này sẽ chấm dứt vào những năm 2019-2020.

Nhận định

Trong vài năm qua, khả năng tốt nhất (kịch bản 1) đã gần như trôi qua. Một cuộc “cách mạng” về thể chế kinh tế của Tập Cận Bình tại Hội nghị trung ương đảng vào tháng 11/2013 đã không thể làm được những mục tiêu mà ông ta nhắm tới: mở rộng cơ chế sở hữu đất đai, xóa độc quyền và cải cách hệ thống ngân hàng. Sau đó, vị tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước này đành phải quay lại phương pháp truyền thống: sáng lập một ủy ban an ninh quốc gia và tìm cách bóp nghẹt các hoạt động dân chủ và nhân quyền.

Chỉ còn khả năng cho hai kịch bản sau, ứng với nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm và luôn tiềm ẩn một cơn nguy biến về nợ xấu bất động sản và bong bóng tín dụng.

Dù chưa biết kịch bản 2 hay kịch bản 3 sẽ chiếm ưu thế, nhưng điều có thể chắc chắn là đảng cầm quyền ở Trung Quốc sẽ không thể hạ cánh mềm trong tương lai không quá xa.

Tương lai đó có thể kéo dài sự tồn tại của đảng cầm quyền Trung Quốc từ 7-10 năm, như một kết quả khảo sát vào năm 2013 của một cơ quan nghiên cứu Anh quốc.

Và tương lai không mấy sáng sủa như thế cũng có thể tác động đến tình hình Việt Nam, nhưng lại theo một khía cạnh mà đại đa số dân chúng và những người yêu chuộng dân chủ nhân quyền nước Việt đặc biệt mong muốn: một Trung Quốc đang chìm nghỉm sẽ khó có thể can thiệp sâu vào đời sống chính trị và nền kinh tế của người dân Việt.

Thậm chí Bắc Kinh cũng không đủ tiền và nhiệt tâm để cung cấp một “gói kích thích” đủ dày nào, ngay cả khi Hà Nội lâm vào khủng hoảng chính trị trong ít năm tới…

Phạm Chí Dũng

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Ghi chú: Mời xem lại bài “Kịch bản nào về những biến động trong lòng Trung Quốc?” đăng trên Bauxite VN ngày 26/7/2011 của cùng tác giả. Đây là bài viết đầu tiên của nhà báo Phạm Chí Dũng ở “Lề trái”, trước khi anh bị bắt khẩn cấp với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền” đúng một năm sau đó, vào tháng 7/2012.

Kịch bản nào về những biến động trong lòng Trung Quốc?


TS. Phạm Chí Dũng

Phần 1. Xu thế phản kháng trong lòng xã hội Trung Quốc

Vòng cung Tây – Bắc và cả nội địa
image
Bản đồ hành chính Trung Quốc

Khoảng một tháng sau vụ 1.000 người lao động nhập cư từ tỉnh Tứ Xuyên đổ ra đường phố thị trấn Tân Đường, tỉnh Quảng Châu phản ứng dữ dội với cảnh sát và các cơ quan công quyền, vào trung tuần tháng 7/2011, tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân cương lại một lần nữa xảy ra bạo động. Những người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ đã tấn công vào một đồn cảnh sát người Hán, làm thiệt mạng 2 cảnh sát và 2 con tin.

Dù hãng tin Tân Hoa xã của Trung Quốc tuyên bố vụ việc Tân Cương trên là hành vi của một nhóm khủng bố, nhưng chỉ có những người mơ hồ về chính trị mới không hiểu được những nguyên cớ thâm sâu về lịch sử trong quan hệ của người Hán với vùng tự trị này. Đó không chỉ là mâu thuẫn đơn thuần về địa giới hành chính mà còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như sự cách biệt đáng kể về chính sách mà người Hán được hưởng so với các sắc tộc thiểu số, sự lấn át về văn hóa và tôn giáo mà người Hán đã tạo ra đối với người Duy Ngô Nhĩ…

Tương tự như khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc, các khu tự trị Tây Tạng ở Tây Nam và Nội Mông ở phía Bắc đang trở thành những hiểm họa ngấm ngầm đối với tình trạng an ninh của người Hán sống tại những khu vực này và cả với thể chế chính trị mà Bắc Kinh đang cố gắng duy trì đến chừng nào có thể. Từ năm 2008 đến nay, những hiểm họa này đã có chiều hướng bùng phát và trở thành nguy cơ không hề nhỏ đối với một dân tộc có truyền thống tự tôn cực đoan như người Hán, thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

“Gây rối trật tự xã hội” là cụm từ mà các cơ quan tư tưởng và ngôn luận của Trung Quốc thường dùng để chỉ những vụ việc xảy ra ở Nội Mông, Tây Tạng và Tân Cương. Đó thường là những vụ phản ứng theo cách đập phá tài sản của cơ quan công quyền, làm rối loạn giao thông, đốt xe cộ… Nhưng đến khi tình hình trở nên căng thẳng hơn với những vụ người dân tấn công cảnh sát và công chức nhà nước, luồng thông tin tuyên truyền chính thống đã chuyển các vụ tấn công sang “hành động khủng bố”.

Nhưng lại có một mâu thuẫn rất lớn nằm trong chính cách tuyên truyền trên. Bởi nếu quy kết cho những người dân của ba khu tự trị thiểu số là khủng bố thì Tân Hoa xã làm sao giải thích được những vụ việc gần như tương tự cũng đã xảy ra ở ngay trong lòng Trung Quốc, do chính người Hán gây ra? Tại thành phố Phúc Châu, tỉnh giang Tây, một người đàn ông 52 tuổi đã cho nổ ba quả bom trước tòa hành chính thành phố. Trước đó, người đàn ông này đã bày tỏ tình trạng tuyệt vọng trên mạng Internet về việc không thể đòi bồi thường khi bị thu hồi đất đai. Tại thị trấn Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Nam, một vụ nổ nhắm vào một đồn cảnh sát đã làm cho đồn này bị phá hủy hoàn toàn, với một cảnh sát thiệt mạng và hai người khác bị thương. Cũng một người đàn ông đã cho nổ bom bên ngoài tòa nhà chính quyền địa phương ở thành phố cảng Thiên Tân làm ít nhất hai người bị thương. Tuy Tân Hoa xã nêu ra lý do hung thủ “muốn trả thù xã hội”, nhưng lại càng làm cho dư luận nghi ngờ về tính chất mù mờ trong tuyên truyền. Ở quy mô phản ứng rộng lớn hơn là vụ hàng ngàn công nhân nhập cư ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông đụng độ với cảnh sát địa phương, sau khi một công nhân nhập cư làm việc tại một nhà máy đồ gốm địa phương bị ông chủ đâm do cãi cọ về chuyện tiền lương, đồng thời cha của nạn nhân cũng bị đánh trọng thương.

Chẳng lẽ tất cả những vụ việc trên đều là hành vi khủng bố? Hoặc cứ giả định đó là khủng bố, thì rõ ràng đối tượng khủng bố không chỉ là những nhóm dân thiểu số mà còn bao gồm cả người Hán, hoạt động khủng bố không chỉ nằm ở những vùng xa xôi mà còn nổ ra ngay trong lòng Đại Hán. Vậy vì lẽ gì mà người Hán lại khủng bố chính đồng bào của mình?

Tất cả những vụ việc bị coi là khủng bố, mà thực chất là phản ứng của xã hội với chính quyền và cảnh sát, đã diễn ra khá đồng loạt trong khoảng thời gian tháng 5-6/2011. Đây cũng là thời gian đã diễn ra sự kiện biển Đông.

Chiến dịch đánh lạc hướng dư luận ra Biển Đông

Hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ rõ, khoảng thời gian tháng 5-6/2011 cũng chính là lúc những người mặc chiếc áo Đại Hán tỏ ra rất nhiệt tình trong việc tung ra các hoạt động gây hấn ở khu vực Biển Đông. “Đường lưỡi bò” là một cái cớ được dựng lên để các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển của Việt Nam và khiêu khích bằng chuyện cắt cáp tàu Việt Nam.

Cũng trong thời gian đó, như một mật lệnh được thông báo từ trước, làn sóng công phá Việt Nam nổi lên từ hoạt động của những nhóm biểu tình Trung Quốc, báo chí Trung Quốc, cũng như một chiến dịch hacker xâm lấn và phá hoại các website Việt Nam đã được tiến hành. Tất cả đều diễn ra một cách tuần tự và bài bản về hành động lẫn lời ăn tiếng nói. Tất cả đều như tuân theo một kịch bản có sẵn. Tất cả đều trở thành một kiểu cách “vừa ăn cướp vừa la làng” đến mức khiến cho công luận và dư luận người Việt phải phẫn uất và trở thành lý do chính đáng để khối người Việt yêu nước liên tục biểu tình phản đối âm mưu của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cuộc chiến về dư luận giữa hai quốc gia một lần nữa lại nổi lên.

Một hiện tượng rất đáng chú ý là trong phần lớn thời gian Trung Quốc can thiệp vào chủ quyền biển của Việt Nam và Philippines, số vụ việc “trả thù xã hội” trong lòng quốc gia này đã giảm hẳn. Ngay cả những nhân sĩ tiên phong của phong trào đòi quyền dân chủ như họa sĩ Ngải Vị Vị cũng lắng lại. Cùng với những biện pháp cương – nhu xen kẽ, dường như chính quyền Trung Quốc đã tương đối đạt được mục đích tạm ổn định tình hình chính trị - xã hội của họ.

Hiển nhiên là chiến dịch định hướng công luận và dư luận nhằm chỉ trích, lên án “Việt Nam vi phạm chủ quyền lãnh hải Trung Quốc” đã hướng dư luận trong nước ra Biển Đông, vô hình trung làm dịu bớt làn sóng bất mãn ở các khu tự trị lẫn bất bình từ lớp người có thu nhập thấp và từ giới trí thức tại Trung Hoa đại lục.

Cũng bởi thế, việc Trung Quốc chỉ dùng tàu hải giám để can thiệp vào vùng biển Việt Nam chứ không phải tàu quân sự, cùng những động tác khiêu khích và gây hấn dích dắc luân phiên, rất có thể nhằm mục đích kéo dài thời gian để kéo dư luận trong nước hướng về sự tranh chấp biển đảo, nhưng lại không chủ trương làm căng thẳng quá mức vấn đề tranh chấp. Minh họa điển hình cho chủ trương này là khi Philippines tỏ ra cứng rắn thì ngay lập tức Trung Quốc đã phải đấu dịu.

Từ chiến dịch tuyên truyền về tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc, chúng ta có thể rút ra một nhận xét là trong những điều kiện bình thường, khi mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với các nước láng giềng có liên quan đến quyền lợi của Trung Quốc chỉ mang tính va chạm cục bộ và nhỏ lẻ, Trung Quốc thường khá mặn mà với chiêu thức ngụy tạo những nguyên cớ để gây xung đột nửa vời, đồng thời sử dụng cơ quan tư tưởng và giới truyền thông để chuyển hướng dư luận trong nước ra nước ngoài. Trong những năm tới, những chiến dịch như vậy hoàn toàn có thể được lặp đi lặp lại, tất nhiên tùy điều kiện phát sinh mà nội dung và mục tiêu chiến dịch sẽ được thay đổi cho phù hợp hơn.

Cũng từ chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc, chúng ta có thể rút ra một đánh giá cơ bản về tình hình nội tại của quốc gia này. Vào những năm trước, giữa Trung Quốc và những quốc gia có liên quan đến khu vực Biển Đông cũng xảy ra va chạm, thậm chí xung đột, nhưng đã không diễn ra một chiến dịch tuyên truyền lớn như vừa qua của Trung Quốc. Đó cũng là khoảng thời gian mà tình hình chính trị Trung Quốc được xem là khá ổn định, không xảy ra các phong trào đòi quyền dân chủ của các nhân sĩ trí thức bất đồng chính kiến, cũng chỉ lẻ tẻ diễn ra một số phản ứng xã hội của những nhóm người dân khiếu kiện đất đai và hoạt động đình công. Nhưng đến nay, khi các sắc thái phản ứng xã hội đã trở nên gay gắt và dễ bộc lộ hơn nhiều, việc Trung Quốc phải tổ chức một chiến dịch tuyên truyền công phu cũng cho thấy tình hình chính trị và nhiều vấn đề xã hội của quốc gia này không thật sự tốt đẹp như họ thường tuyên bố.

Nói cách khác, hiện giờ chính quyền Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều mối lo nội tại. Vậy đó là những mối lo gì?

Ngay trước mắt, Trung Quốc đang phải đối mặt với ít nhất hai khó khăn rất lớn. Khó khăn thứ nhất thuộc về kinh tế như nạn lạm phát, sự sa sút trong tăng trưởng GDP, bong bóng của thị trường bất động sản. Khó khăn thứ hai là các vấn đề xã hội như tham nhũng, khiếu kiện đất đai và đình công, phân hóa giàu nghèo, kể cả làn sóng người giàu di cư ra nước ngoài.

Những khó khăn kinh tế

Vào quý 2/2011, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc vẫn đạt đến 9,5%, nhưng đà tăng đã bị giảm sút đôi chút so với quý 1/2011 (9,7%). Tình trạng chững lại của GDP đã gây nên sự lo lắng mơ hồ đối với các nhà quản lý kinh tế của Bắc Kinh khi vào giữa năm 2008 – thời kỳ gay gắt của khủng hoảng kinh tế thế giới - Trung Quốc vẫn đạt GDP trên 10%, còn vào năm 2007 tỷ lệ tăng trưởng GDP cao điểm là 13%. Do chính quyền bắt buộc phải liên tục nâng lãi suất cơ bản (từ cuối năm 2010 đến giữa tháng 6/2011 đã 5 lần nâng lãi suất cơ bản) để hạn chế lạm phát, tín dụng cho sản xuất cũng theo đó bị siết chặt, dẫn đến GDP giảm dần.

Trái ngược với đà giảm sút của GDP là đường biểu diễn tăng dần của tỷ lệ lạm phát. Nếu vào tháng 7/2010, tỷ lệ lạm phát ở Trung Quốc chỉ khoảng trên 3%, thì đến giữa năm 2011, lạm phát đã tăng hơn 6%. Lạm phát tăng khiến giá cả hàng hóa tăng theo và chính quyền trung ương buộc phải thắt bầu tín dụng, lại càng làm cho lĩnh vực sản xuất khó khăn hơn.

Một phần không nhỏ - khoảng 2,5-3% trong cơ cấu GDP – được đóng góp từ khu vực bất động sản. Trong giai đoạn 2009 – 2011, khu vực này đã tăng trưởng rất mạnh, tạo nên một mặt bằng giá mới cao hơn hẳn thời điểm sau khủng hoảng kinh tế 2008. Tuy nhiên với tình trạng giá nhà ở Bắc Kinh đã tăng đến hơn 8 lần từ năm 2005 đến nay, bất cứ người dân Trung Quốc nào cũng có thể nhìn rõ là giá nhà đất đã bị các công ty bất động sản đẩy lên quá cao, vượt quá xa sức mua và mặt bằng thu nhập của người dân có thu nhập trung bình và dưới trung bình. Do vậy, một khi giá nhà đất bị kéo xuống theo quy luật điều tiết tự nhiên, nguồn thu về bất động sản của các công ty bất động sản và các chính quyền địa phương tất yếu sẽ giảm mạnh, kéo theo đà giảm sút tiếp nối của GDP.

Riêng đối với chính quyền địa phương, nguồn thu về bất động sản thường chiếm khoảng 60% trong cơ cấu thu của họ, mà các chính quyền này lại đang mang nợ khoảng 2.200 tỷ USD đối với Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Do vậy nếu thu không đủ thì có khả năng nhiều chính quyền địa phương sẽ phải đối mặt với tình thế vỡ nợ và làm lây lan đến sự tồn vong của một số ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Sau giai đoạn khủng hoảng năm 2008 với mức tăng GDP có lúc thấp nhất chỉ còn hơn 6%, nền kinh tế Trung Quốc đã có một sự phục hồi khá thần kỳ khi dần lấy lại nhịp tăng trưởng mạnh mẽ vào thời kỳ năm 2006-2007. Khi đó, chỉ có rất ít ý kiến của chuyên gia nước ngoài tỏ ra quan ngại về tình trạng tăng trưởng quá nóng của đất nước này. Một phần khác, do kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc thường xuyên trên dưới 3.000 tỷ USD, đứng thứ hai trên thế giới sau Mỹ, nên khó có mối quan ngại nào có cơ sở. Thậm chí ngay cả khi thị trường bất động sản Trung Quốc tăng trưởng quá nóng, giới chuyên gia cũng chỉ dám đề cập đến bong bóng bất động sản chứ ít khi nói đến bong bóng kinh tế.

Song trong thời gian gần đây, những tổ chức phân tích độc lập của quốc tế như Moody và Fitch đã có cái nhìn khác hơn về kinh tế Trung Quốc. Theo Moody, tuy gần đây Trung Quốc đã phải công bố số nợ của các chính quyền địa phương là 1.650 tỷ USD, nhưng số liệu này còn thấp hơn ít nhất 500 tỷ USD so với con số thực tế.

Sự khác biệt giữa con số thống kê chính thức với thực tế vẫn luôn là một vệt mờ trong tính minh bạch của nền kinh tế. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường và Trung Quốc không phải chịu nhiều áp lực, vệt mờ này có thể chỉ nằm ở một góc nhỏ nào đó trong bức tranh kinh tế tổng thể. Nhưng nếu nền kinh tế bắt đầu xuất hiện những nhược điểm tồi tệ, vệt mờ đó rất có thể sẽ nhanh chóng trở thành một đám mây mờ có thể che lấp cả mặt trời Trung Hoa và góp thêm một yếu tố tiêu cực làm cho nền kinh tế mau chóng bị rơi vào tình trạng mất thăng bằng hơn.

***

Phần 2. Phân cực xã hội: an nguy lớn nhất của Trung Quốc

Trong Phần 1 – “Xu thế phản kháng trong lòng xã hội Trung Quốc”, bài viết đã tóm tắt thực trạng của hiện tượng phản kháng xã hội đang diễn ra trong lòng xã hội Trung Quốc, xuất phát từ các vùng tự trị Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông và từ cả một số tỉnh, thành phố trong nội địa. Đó chính là nguyên cớ chủ yếu dẫn đến chiến dịch của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước ra khu vực biển Đông thuộc Việt Nam.

Trong Phần 2, bài viết tiếp tục phân tích những an nguy nội tại mà Trung Quốc hiện phải đối mặt.

Ẩn số từ bong bóng bất động sản

Liên quan đến tính minh bạch của nền tài chính Trung Quốc, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody ước tính nợ xấu trong ngành ngân hàng Trung Quốc có thể lên tới 8 đến 12%, trong khi con số công bố chính thức chỉ là 1,2%. Còn nhớ vào đầu năm 2011, Fitch đã ước tính nợ xấu của Trung Quốc có thể chạm tới mức 30%. Với mức độ nợ xấu này, nhóm doanh nghiệp nhỏ - là nhóm mang lại khoảng 80% việc làm cho người Trung Quốc nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận với tín dụng - sẽ chịu tác động tiêu cực nhất.

Với những khó khăn hiện tại và thiếu minh bạch trong tài chính Trung Quốc, Moody và Fitch đã bắt đầu tính toán đến khả năng nền kinh tế quốc gia này rơi vào tình huống xấu hơn, thậm chí là tồi tệ hơn. Theo cách nhìn của các tổ chức này, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải chịu sự chấn động khi tốc độ tăng trưởng kinh tế dưới 7% - sẽ xảy ra khi lạm phát quá cao hay thị trường bất động sản bị đảo ngược về tăng trưởng. Nếu kinh tế Trung Quốc bị chấn động, chính phủ Trung Quốc sẽ phải chi tiêu mạnh tay cho các kế hoạch giải cứu, tái cấp vốn. Nhóm chính sách này sẽ tác động không nhỏ đến Đài Loan, Úc và Chilê.

Cách đây không lâu, Roubini, một chuyên gia thượng thặng của Mỹ, người đã từng dự đoán chính xác về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, đã tiên đoán Trung Quốc sẽ phải chịu một sự hạ cánh không an toàn (hay còn gọi là “hạ cánh cứng”) vào năm 2013 khi các khó khăn về lạm phát, sự sụt giảm của GDP, khả năng tan vỡ của bong bóng bất động sản cùng lúc tác động lên nền kinh tế Trung Quốc.

Khá tương đồng với Roubini, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch gần đây cũng đã cảnh báo có đến 60% khả năng Trung Quốc có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng ngân hàng từ giữa năm 2013 trở đi. Vậy tác nhân nào có thể tạo nên sự chấn động đối với hệ thống ngân hàng? Chỉ có thể là lĩnh vực đầu tư địa ốc với quá nhiều hình ảnh đầu cơ không giới hạn.

Hiện thời, một lý do khá dễ hiểu cho sự dao động kéo dài tại vùng đỉnh của mặt bằng giá nhà đất Trung Quốc là vẫn có những nhóm lợi ích tiềm tàng không muốn (hoặc chưa muốn) chỉ số giá địa ốc bị sụt giảm mạnh. Đó là các ngân hàng thương mại – nơi giữ cửa các món vay khổng lồ cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, và chính quyền các địa phương – những nơi có không khí tăng giá nhà đất nóng sốt. Tất cả đều liên quan đến nguồn thu thường xuyên, hợp pháp cũng như bất hợp pháp, của các tổ chức và cá nhân. Với lý do đó, điều đương nhiên là sẽ khó có một cuộc đổ vỡ ngay lập tức của bong bóng bất động sản ở Trung Quốc, mặc dù quả bong bóng này đã được định dạng từ lâu nay. Nguồn tín dụng sẽ tiếp tục được chảy vào một số doanh nghiệp bất động sản, dù có khắt khe hơn trước.

Do vậy, thị trường bất động sản Trung Quốc là một ẩn số lớn đối với tương lai nước này. Từ đầu năm 2011 đến nay, kinh tế Trung Quốc đã bị bao phủ bởi nguy cơ lạm phát. Việc chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ dù có hạn chế được tỷ lệ lạm phát nhưng lại dẫn đến giảm sức tăng trưởng – yếu tố vốn đang có xu hướng giảm. Mặt khác, việc thắt chặt tín dụng sẽ đương nhiên làm giảm đi sức cầu tiềm tàng đối với thị trường bất động sản và càng làm cho thị trường này khó tiêu thụ hàng hóa, trong bối cảnh doanh thu tại nhiều thành phố đang bị giảm sút trông thấy. Điều này đương nhiên càng làm cho khả năng trả nợ của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp bất động sản cho ngân hàng trung ương Trung Quốc vô vọng hơn.

Trong trường hợp ngược lại, bong bóng bất động sản trở nên hiện hữu thì hậu quả bùng vỡ của nó có thể làm sụt đến 3% GDP của Trung Quốc và sẽ tác động tức thì hệ thống ngân hàng nước này và dẫn tới những hậu quả xã hội khó lường.

Hố phân cực đã quá lớn

Tại Trung Quốc, hiện thực “hố đen” không chỉ tồn tại trong quan hệ cung – cầu bất động sản mà đã từ lâu tồn tại bởi mức chênh lệch giàu-nghèo lên đến 65 lần giữa 10% dân số có thu nhập cao nhất và 10% công dân có thu nhập thấp nhất tại Trung Quốc.

Trước khi con sóng phục hồi bất động sản hình thành vào giữa năm 2009, đa số người dân nước này đã phải thắt lưng buộc bụng để dành tiền mua nhà. Song khi con sóng ấy bất thần dâng cao, nó thật giống với một cơn đại hồng thủy lừng lững đổ ập xuống đầu người tiêu dùng – tầng lớp thấp cổ bé họng còn chưa kịp hoàn hồn sau cơn địa chấn khủng hoảng kinh tế năm 2008.

Cho đến nay, giới có thu nhập trung bình ở Trung Quốc vẫn không thể mơ tưởng đến một căn hộ dù là giá bình dân, vì sau đợt tăng bất động sản năm 2009-2010, cho đến nay sự thật đơn giản là bong bóng bất động sản Trung Quốc vẫn chưa chịu nổ. Sự xì hơi chậm chạp của nó, được chứng minh bởi chỉ có 9/70 thành phố có giá nhà đất giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm 2011, đã làm dấy lên sự công phẫn từ tầng lớp bình dân đối với giới đại gia địa ốc của nước này.

Cần nhắc lại, vào tháng 10/2009, những người giàu nhất của Trung Quốc đã được thống kê thành nhóm “10”. Trong số 10 đại gia có tài sản trên 4 tỷ USD ấy, có đến 7 người kinh doanh các lĩnh vực tài chính và bất động sản. Chỉ có ba đại gia khác thuộc về các ngành ô tô, linh kiện điện thoại, nhôm.

Vào tháng 8/2010, Tập đoàn tài chính Credit Suisse của Thụy Sỹ đã trở thành tổ chức phân tích độc lập đầu tiên nêu ra thực trạng về “quỹ đen” của giới thượng lưu Trung Hoa. Theo một nghiên cứu kéo dài nhiều năm của tập đoàn tài chính Thụy Sĩ này, các hộ gia đình Trung Quốc đã che giấu khoảng 9.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1.400 tỷ USD) không được công bố trong báo cáo thu nhập cá nhân. Số tiền khổng lồ này, chủ yếu bất hợp pháp hoặc hợp pháp nửa vời, tương đương với 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn đất nước Trung Quốc.

Credit Suisse cũng nhận định rằng hầu hết tài sản ngầm nằm trong túi các gia đình giàu, với nhóm 20% dân số giàu nhất sở hữu tới 81,3% của con số 1.400 tỷ USD. Lần đầu tiên, thế giới được biết đến Trung Quốc bằng vào một sắc mặt khác: tình trạng bất bình đẳng về thu nhập đã được đẩy lên rất cao.

Phản ứng xã hội lại đang đi trước những hậu quả về kinh tế. Các kế hoạch cung cấp nhà cho người có thu nhập thấp ngày càng xa vời trong thực tế. Một phần trong số đối tượng có thu nhập thấp ấy chắc chắn là những người dân có đất đã bị doanh nghiệp kinh doanh bất động sản “lấy cắp” khi chỉ đền bù cho họ 1/10 hay 1/20 cái giá trị mà lẽ ra chính họ phải được hưởng khi thị trường đạt đỉnh.

“Nước nghèo giàu có”!

Hãy khoan bàn đến vấn đề Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông – những khu vực bị người Hán kỳ thị - mà ngay cả nội tình giữa những người Hán với nhau cũng đang diễn ra sự kỳ thị trầm trọng.

Hố phân cách giàu nghèo quá lớn ở Trung Quốc đang dẫn đến thái độ được coi là “thù địch” của người nghèo đối với người giàu. Gần đây đã xuất hiện một khái niệm mới của giới phân tích phương Tây: Trung Quốc là một “nước nghèo giàu có” đầu tiên trên thế giới, được minh chứng bởi tình trạng người dân thì nghèo nhưng tổng khối lượng kinh tế của cả nước thì lại rất giàu.

Credit Suisse đã khẳng định thêm một sự thật khác rằng Trung Quốc là một trong những nước có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới, cao hơn nhiều so với công bố chính thức: nhóm 10% dân số giàu nhất có thu nhập bình quân đầu người 97.000 nhân dân tệ, tương đương 14.280 USD, cao gấp 65 lần so với nhóm 10% nghèo nhất. Trong khi đó, báo cáo từ Cục thống kê Trung Quốc đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ 23 lần (năm 2010). Còn trước đó vào năm 2008, cũng Cục thống kê Trung Quốc đã đưa ra tỷ lệ phân cách chỉ có 9 lần, trong khi một cuộc điều tra độc lập của giáo sư Vương Tiểu Lỗ thuộc Quỹ Cải cách Trung Quốc đã cho thấy khoảng cách này lên đến 25 lần.

Thực tế là tại nhiều vùng xa thành thị ở Trung Quốc, mặt bằng thu nhập bình quân của người dân vẫn còn rất thấp, những điều kiện sống và môi trường giáo dục, y tế, đi lại không được đảm bảo so với tất cả những gì tốt nhất mà giới giàu có được hưởng. Theo cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng Trung Quốc, đến cuối năm 2009, hơn 50 địa phương thuộc 3 tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc là Tây Tạng, Vân Nam và Tứ Xuyên vẫn chưa có dịch vụ ngân hàng. Điều này có nghĩa rằng người dân những nơi này không hề có các dịch vụ tài chính cơ bản. Chính vì thế, làn sóng người nhập cư vào các thành phố lớn ngày càng mạnh mẽ và tất nhiên cũng gây ra nhiều rắc rối cho chính quyền sở tại.

Hệ số Gini (thước đo mức phân phối thu nhập trong một xã hội) ở các vùng nông thôn đã tăng từ 0,35 lên đến 0,38 trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, cho thấy sự bất bình đẳng ngày càng tăng trong khu vực này. Theo chuẩn quốc tế, hệ số Gini ở mức 0,4 cho thấy sự bất bình đẳng ở mức nguy hiểm.

Những nguồn cơn của hố phân cực

Sự bức xúc và bất mãn của dân chúng cũng căn cứ vào vấn nạn ngày càng nhiều quan chức nhà nước tìm cách tuồn nguồn tiền có được từ tham nhũng ra tài khoản ngân hàng nước ngoài, gửi vợ con ra nước ngoài và đến lượt mình có thể sẽ “biến” ra nước ngoài một khi có điều kiện thuận lợi.

Một điểm trùng hợp cũng cần ghi nhận là tỷ lệ “quỹ đen” của giới nhà giàu Trung Quốc chiếm đến gần 1/3 GDP, lại bằng với giá trị tham nhũng tại quốc gia này – cũng khoảng 1/3 GDP. Nhà nghiên cứu Vương Tiểu Lỗ của Quỹ Cải cách Trung Quốc đã tìm ra con số tham nhũng lên đến 9.600 tỷ NDT (khoảng 1.500 tỷ USD). Với những quan chức nằm trong diện tham nhũng đậm đà như thế, hiển nhiên cách thức an toàn nhất của họ là đi theo xu hướng di cư của giới giàu có ra nước ngoài, vừa có thể rửa tiền bất chính, vừa an toàn hơn hẳn so với việc tiếp tục ở lại trong nước.

Vào tháng 6/2011, một công bố khá bất thường của Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cho thấy các quan tham Trung Quốc đã gửi ra nước ngoài đến 120 tỷ USD trong giai đoạn 1990-2008. Những địa chỉ được ưa chuộng gửi tiền là Mỹ, Australia, Canada và Hà Lan. Cùng với sự bốc hơi tài chính là sự bốc hơi về con người khi có đến 16.000 – 18.000 quan chức và nhân viên các công ty quốc doanh đã rời khỏi Trung Quốc.

Hiện tượng giàu đột biến ở Trung Quốc cũng kéo theo một hiện tượng xã hội ở quốc gia này: nhiều người nghèo đã công khai chỉ trích lớp người thượng lưu muốn rời khỏi Trung Quốc là “không có lòng yêu nước”.

Việc người giàu Trung Quốc di cư ra nước ngoài đã trở thành một hiện tượng xã hội từ năm 2006-2007. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, hiện tượng này tạm lắng đi. Nhưng sang năm 2009 và đến giữa năm 2010, giới giàu có Trung Quốc đã công khai bàn tán chuyện chỉ mất nửa triệu USD để có một tấm thẻ xanh ở Mỹ hay Canada.

Vào tháng 5/2011, một cuộc điều ra của công ty tư vấn Bain đã cho thấy có đến 60% người giàu Trung Quốc mong muốn định cư ở nước ngoài. Đây là số người giàu với tài sản bình quân trên 10 triệu USD. Trong số 2.600 người được điều tra, ít nhất có 10% gần như hoàn tất mọi thủ tục xuất cảnh. Theo Bain, càng giàu họ lại càng muốn ra nước ngoài. Đối với những ai đang có hơn 100 triệu nhân dân tệ, 27% đã rời Trung Quốc, còn 47% đang cân nhắc ra đi. Bến đỗ mới của những người này tập trung vào các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, Australia hoặc một số nước châu Âu.

***

Phần 3. Ba kịch bản về những biến động trong lòng Trung Quốc

Trong hai phần đầu, - “Xu thế phản kháng trong lòng xã hội Trung Quốc”, và “Phân cực xã hội: an nguy lớn nhất của Trung Quốc” - bài viết đã phân tích xu thế phản kháng xã hội xuất hiện trong lòng xã hội Trung Quốc và những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phản kháng, trong đó chủ yếu xuất phát từ hố phân cực giàu nghèo quá lớn. Cùng với vấn đề sắc tộc thiểu số ở vòng cung Tây – Bắc, đó chính là nguồn cơn có thể dẫn đến những biến động chính trị - xã hội trong lòng Trung Quốc trong 2-3 năm tới, được tác giả phân tích và dự báo trong Phần 3 của bài viết này.

Sự oán giận của người dân

Những hậu quả trầm trọng về kinh tế bao giờ cũng kéo theo ảnh hưởng lớn lao về xã hội, hằn đậm trong ý thức của tầng lớp “dưới đáy” một tư tưởng được coi là thù địch với lớp người giàu có – điều luôn có tiền lệ ở Trung Quốc. Rồi khi những hệ quả xã hội vốn không được giải quyết và lại có nguy cơ dẫn đến tình trạng xáo trộn và bùng nổ, khi đó tình thế của nền kinh tế mới thật sự trầm kha.

Trong quốc gia “nước nghèo giàu có”, rất nhiều người dân bị mất đất vào tay các doanh nghiệp bất động sản đã phải chứng kiến đất đai của họ bị thổi giá lên đến hàng chục lần so với giá đền bù. Đó cũng là điều mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã phải công khai thừa nhận là “sự oán giận của người dân” (có tác giả dịch là “sự căm phẫn của người dân”). Do đó không có gì ngạc nhiên khi liên tiếp trong những tháng gần đây, tại Trung Quốc đã xảy ra hàng loạt vụ biểu tình của người dân khiếu kiện đất đai, của giới sinh viên ở Nội Mông, của người nhập cư ở Quảng Châu và Quảng Đông, kể cả những vụ đánh bom vào các cơ quan công quyền ở Thiên Tân. Từ sau vụ Thiên An Môn năm 1989, bầu không khí xã hội đã một lần nữa trở nên căng thẳng với màu sắc đối đầu hơn là đối thoại.

Với vùng tự trị Tân Cương, rõ ràng tình hình mấy năm nay đã thoát khỏi tầm chế ngự của không khí đối thoại. Thực chất, đó là một cuộc bạo loạn vừa mang tính tự phát, nhưng cũng manh nha được tổ chức bởi các nhóm sắc tộc Duy Ngô Nhĩ. Gần hai trăm người chết của cả hai phía Duy Ngô Nhĩ và người Hán vào năm 2008 đã cho thấy tính trầm trọng đến thế nào của vụ xung đột này.

Cũng tương tự quá trình tích tụ từ lâu nay đối với người dân tộc thiểu số, hàng loạt vụ đánh bom của người Hán vào cơ quan công quyền và cảnh sát, điều trước đây chưa từng xảy ra, đã khẳng định điều mà Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo thừa nhận là “sự căm phẫn của người dân”, chứ chẳng phải là một cụm từ nào nhẹ nhàng hay né tránh như cơ quan thông tin Tân Hoa xã vẫn thường phát đi.

Trên tất cả, những vụ việc phản ứng của người dân, dù là người dân tộc thiểu số hay người Hán, đều xuất phát từ bất công xã hội được tích tụ theo thời gian và được đẩy lên quá ngưỡng chịu đựng của những nạn nhân bị trắng tay mà không nhìn thấy một tia sáng nào từ công lý.

Trong một số nghiên cứu về tình hình Trung Quốc, đa số các chuyên gia nước ngoài đều thừa nhận quốc gia này có hệ thống chính trị khá vững mạnh, trong đó xương sống của chế độ là sự trung thành của quân đội. Trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989, khi quân đội thi hành lệnh bắn vào sinh viên biểu tình, kể cả dùng xe tăng để nghiến nát người biểu tình, những hình ảnh kinh hoàng và dã man như thế đã được truyền đi khắp thế giới. Thế nhưng điều lạ lùng là sau đó sự kiện này đã được Bắc Kinh xoa dịu, còn mối quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa Trung Quốc với Mỹ và các nước khác lại trở về nhịp sinh hoạt bình thường trước đó.

Tuy nhiên từ năm 1989 đến nay, thời gian đã trôi qua gần một phần tư thế kỷ. Đó là một khoảng thời gian đủ dài để nhiều chuyện thay đổi. Khác hẳn với năm 1989, tình trạng phân hóa giàu nghèo hiện nay ở Trung Quốc đã trở nên quá trầm trọng, sự đan xen hoàn toàn không rõ rệt giữa đường lối “chủ nghĩa xã hội hài hòa theo kiểu Trung Quốc” với quá nhiều bất công kinh tế và xã hội mà chỉ thường diễn ra vào thời kỳ đầu của “chủ nghĩa tư bản dã man” đã dần biến xã hội Trung Quốc thành một thứ nhà kho lộn xộn về ý thức hệ. Trong bối cảnh lộn xộn đó, thật khó có được một đánh giá hoàn hảo về sự trung thành của quân đội, khi phần lớn sĩ quan và binh lính đều có gia đình và người thân liên quan đến sự thất vọng từ các bất công xã hội.

Văn Cầm Hải – một nhà văn và cũng là nhà nghiên cứu lịch sử ở nước ngoài – cho rằng chính sách ngoại giao lòng dân của Trung Quốc đã bị thất bại ở Tây Tạng. Trong một chuyến đến vùng Nội Mông, ông đã viết lại những ghi nhận của mình: “Tôi đã biết về sự nhẫn nhịn của người sa mạc qua một người bạn Mông Cổ mời tôi ăn thịt nướng trong đêm mưa ở Lan Châu – thủ phủ tỉnh Cam Túc. Anh ta khuyên tôi rằng, nếu muốn giết sói, hãy cho nó chạy và hú đến lúc nào nó quỵ xuống vì sức lực mà chúng bỏ ra!... Trung Quốc cần có một sự thay đổi tận gốc quan điểm lịch sử và thời đại về sức mạnh và sự tồn tại hài hòa của mình với thế giới. Nếu không thay đổi, dù có bỏ ra hàng tỷ đô la, dù có hào nhoáng kết nối với chính quyền bản địa bằng những thỏa thuận hay kiềm chế chính trị nhưng không thể nào mua được lòng dân, Trung Quốc sẽ quỵ ngã bởi chính sức mạnh hung hãn của mình, như hình ảnh con sói mà người Mông Cổ từng nói với tôi trong đêm mưa ở Lan Châu”.

Chính trị không phải tự thân vận động, cũng như các nhóm đòi quyền dân chủ ở Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được nguyện vọng của họ chỉ đơn thuần bằng những khẩu hiệu có vẻ như hơi trừu tượng và ít liên hệ đến đời sống hàng ngày của tầng lớp bình dân. Nhưng nếu chính trị bị tác động bởi nguyên cớ xác đáng là những bức xúc, bất mãn xã hội thì tự thân chính trị có thể bị thay đổi. Trong trường hợp Trung Quốc, bức xúc xã hội lại bắt nguồn từ đời sống kinh tế và thu nhập – điều quá khó để có thể thay đổi vào lúc này.

Ba kịch bản về những biến động trong lòng Trung Quốc

Vậy với những dấu hiệu và mầm mống đã và đang phát sinh trong lòng mình, liệu trong tương lai có thể xảy ra những kịch bản biến động nào ở quốc gia này?

Với chính thể Bắc Kinh, có lẽ yếu tố tiên quyết họ phải giữ bằng được là sự ổn định về kinh tế và làm dịu bớt những căng thẳng giàu – nghèo. Chẳng hạn vào tháng 7/2011, chính phủ Trung Quốc đã thông báo một kế hoạch đầu tư đến 138 tỷ nhân dân tệ (21 tỷ USD) trong 5 năm tới để tài trợ cho 226 dự án lớn tại Tây Tạng, tập trung vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên nền kinh tế Trung Quốc trong 2-3 năm tới lại phụ thuộc rất lớn vào ba ẩn số là chỉ số lạm phát, mức tăng trưởng GDP và độ bền vững của thị trường bất động sản. Theo cách nhìn của chúng tôi, đối với trường hợp Trung Quốc trong bối cảnh thế giới hiện nay, kinh tế sẽ là yếu tố mang tính quyết định đến chính trị tại quốc gia này.

Thời gian trung hạn từ năm 2011 đến 2013 sẽ quyết định việc nền kinh tế Trung Quốc có vượt qua được thử thách lớn hay không. Trong thời gian đó, sự biến thiên của 3 ẩn số kinh tế lạm phát, GDP và bất động sản sẽ tác động trực tiếp đến phản ứng xã hội và do đó sẽ dẫn dắt dây chuyền sang hệ quả chính trị. Nếu các ẩn số này trở nên xấu hơn, kế hoạch đầu tư của chính quyền trung ương cho các vùng tự trị cũng đương nhiên bị hạn chế nhiều, đồng thời có thể dẫn đến cả sự thay đổi về đường lối và thậm chí là thể chế chính trị.

Tùy vào mức độ biến thiên của ba ẩn số trên, trong khoảng thời gian 2011-2013 và có thể sau đó 1-2 năm, nội tại Trung Quốc có thể xảy ra một số kịch bản biến động được chúng tôi phân tích và dự báo dưới đây:

* Kịch bản 1: Kinh tế ổn định, chính trị biến động nhẹ

Nền kinh tế duy trì được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 10% trong năm 2011-2012, GDP tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 9-9,5%, thị trường bất động sản không bị vỡ bong bóng, phần lớn các chính quyền địa phương thu xếp trả được nợ cho ngân hàng. Sự ổn định của nền kinh tế Trung Quốc cũng được hỗ trợ bởi khả năng nền kinh tế Mỹ và thế giới không bị rơi vào suy thoái kép.

Có một khả năng là ngay cả trường hợp nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép, kinh tế Trung Quốc, với tiềm lực mạnh mẽ và dự trữ ngoại hối tốt, vẫn có thể giữ được đà tăng trưởng và kềm chế được lạm phát.

Tuy nhiên khoảng chênh lệch giàu – nghèo và hố phân cách xã hội vẫn chưa được cải thiện so với hiện trạng, hoặc còn phải mất nhiều năm nữa mới được cải thiện. Do đó về mặt xã hội, vẫn tiếp tục xảy ra những cuộc khiếu kiện đất đai, đình công, biểu tình quy mô nhỏ như tình trạng hiện nay. Những mâu thuẫn tại các khu tự trị Nội Mông, Tây Tạng và Tân Cương vẫn tiềm ẩn và không loại trừ phát sinh xung đột với quy mô nhỏ.

Với những điều kiện kinh tế - xã hội trên, không khí chính trị tiếp tục duy trì ở mức độ bất ổn nhẹ (như hiện nay). Đây cũng là trường hợp mà một giáo sư kinh tế chính trị học của Đại học Havard – Dani Rodrik – cho rằng “Kinh tế tốt không phải luôn luôn là chính trị tốt” (Good economics need not always mean good).

* Kịch bản 2: Kinh tế suy thoái, chính trị biến động tương đối mạnh

Nền kinh tế Trung Quốc không duy trì được sự ổn định khi mức tăng GDP giảm xuống còn 6-7%, chỉ số lạm phát tăng trên 10% trong năm 2011 và nặng nề hơn trong năm 2012, đồng thời thị trường bất động sản có dấu hiệu vỡ bong bóng, giá bất động sản giảm mạnh (trên 30%) và bắt đầu xuất hiện dấu hiệu tỷ lệ nợ xấu của các chính quyền địa phương đối với ngân hàng tăng lên.

Nền kinh tế thế giới rơi vào trạng thái suy thoái kép hoặc có dấu hiệu bị suy thoái kép.

Ứng với những điều kiện kinh tế trên, làn sóng bất mãn xã hội vốn tích tụ nhiều năm nay sẽ tăng lên đáng kể. Có khả năng xuất hiện nhiều hơn hẳn số lượng các cuộc khiếu kiện đất đai, đình công, cùng biểu tình đòi quyền dân chủ. Nếu các hoạt động mang tính phản ứng xã hội này có mối liên hệ và cộng hưởng vào một thời điểm nào đó thì có thể dẫn đến những cuộc biểu tình phức hợp, tạo thành phong trào phản kháng mạnh mẽ đa thành phần với quy mô lớn, dẫn đến xáo trộn khá mạnh về không khí chính trị và cũng có thể dẫn đến xung đột với hình thức bạo động, bạo loạn với các cơ quan chính quyền và cảnh sát.

Nếu khả năng trên xảy ra, không có nhiều hy vọng để Bắc Kinh sẽ kềm chế được hoạt động đòi tự trị, dân sinh và dân chủ tại các khu vực Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Hoạt động phản kháng này sẽ trở nên phức tạp hơn hẳn và có thể dẫn đến sự xung đột (bạo động, bạo loạn) ở quy mô lớn tại các khu vực này.

Kịch bản trên vẫn có thể xảy ra đối với Trung Quốc ngay cả trong điều kiện nền kinh tế thế giới không bị rơi vào suy thoái kép.

* Kịch bản 3: Kinh tế suy thoái, chính trị biến động mạnh

Trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép và kinh tế Trung Quốc cũng chịu hệ lụy tương ứng. Khi đó, GDP Trung Quốc có thể giảm xuống còn 4-5% và lạm phát tăng vọt từ 10-15%, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp phi mã. Tình hình này gần như chắc chắn sẽ làm cho bong bóng bất động sản bùng vỡ, giá bất động sản giảm rất mạnh (trên 50% hoặc hơn) với thanh khoản kém. Mặt khác, chính quyền địa phương gần như mất khả năng thanh toán nợ cho ngân hàng, dẫn đến phản ứng dây chuyền về việc phá sản của một số ngân hàng lớn và làm chao đảo hệ thống tài chính quốc dân.

Những điều kiện kinh tế trên cũng là ngòi nổ cho các hoạt động phản ứng và phản kháng xã hội. Khiếu kiện đất đai, đình công và các biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ sẽ trở thành các phong trào diễn ra liên tục, quy mô tăng dần, lan rộng tại nhiều tỉnh và thành phố, hoàn toàn có thể dẫn đến xung đột mạnh với chính quyền. Không loại trừ sự kết hợp và cộng hưởng giữa các hoạt động phản kháng xã hội có thể dẫn tới yêu sách thay đổi thể chế chính trị, mà về thực chất có thể xem là “cách mạng hoa nhài” như đã từng xảy ra ở Bắc Phi và Trung Đông vào những tháng đầu năm 2011.

Cũng cần tham khảo một đánh giá của giáo sư kinh tế và chính trị học Barry Eichengeen của Đại học California về cuộc cách mạng hoa nhài ở Bắc Phi: “Sự bất ổn chính trị đã bắt nguồn từ thất bại của chính quyền trong việc phân chia lợi tức một cách công bằng, đặc biệt đối với những giai cấp bị thiệt thòi trong xã hội là giới trẻ, nông dân và công nhân… Trong kinh tế, sự phân chia lợi tức quốc gia một cách công bằng cũng quan trọng không kém gì sự phát triển lợi tức”.

Những điều kiện kinh tế - xã hội và chính trị trên cũng là nhân tố kích thích các phong trào khả kháng rộng lớn ở Tân Cương, Tây Tạng và Nội Mông. Tương ứng với điều kiện đặc thù về lịch sử của các khu vực này, không loại trừ quá trình xung đột bình thường và tự phát có thể dẫn tới những cuộc xung đột vũ trang có tổ chức và gây nguy hiểm cho sự tồn tại của thể chế chính trị ở Trung Quốc.

Hiện thời, vẫn còn khá sớm để đánh giá về xác suất có thể xảy ra của từng kịch bản trên, cũng như về sự biến thái của 3 kịch bản trên thành nhiều kịch bản khác. Tuy vậy theo quan điểm phân tích của chúng tôi, 3 kịch bản trên vẫn là những khả năng cốt lõi với sự ảnh hưởng mang tính quyết định của các vấn đề kinh tế đối với vận động chính trị trong lòng xã hội Trung Quốc.

Liên quan đến Việt Nam, trừ kịch bản 3, khi chính quyền Trung Quốc sẽ phải toàn tâm tập trung các nguồn lực để đối phó với biến động trong nước, còn với hai kịch bản 1 và 2, khả năng Trung Quốc sử dụng phương án đánh lạc hướng dư luận ra bên ngoài lãnh thổ bằng cách tạo ra những vụ việc gây hấn, tranh chấp ở khu vực biển Đông và vùng biên giới liên quan với Việt Nam, vẫn có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào họ thấy cần thiết.
image
Cảnh sát và người dân đối đầu trong vụ biểu tình ở Lichuan ngày 9-6 - Ảnh: AFP
image Chiều 12.6, khu ngoại ô Zengcheng [Quảng Châu], cảnh sát chống bạo động phun hơi gas để giải tán đám đông công nhân nhập cư phản đối sự ngược đãi của những nhân viên bảo vệ đối với một phụ nữ trẻ bán hàng rong đang mang thai. Ảnh: Reuters
P.C.D.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét