Hăm bảy tháng giêng âm lịch năm nay trời bỗng đổ mưa tầm tã. Bữa nay, đúng vào ngày giỗ chung của những người lính Gạc Ma. Trên ban thờ liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm trong một căn nhà nhỏ ở Thái Bình, một đĩa khoai luộc được đặt trước di ảnh.

 Ở Lê Hồ, Hà Nam, 2 người anh của liệt sĩ Trần Văn Bảy mắt đẫm lệ đốt lên một nén nhang. Còn thuyền trưởng Vũ Huy Lễ ánh mắt ông xa xăm đâu đó. Trong góc vườn nhà, cây xương rồng mà ông mang về từ Trường Sa dường như trổ hoa. Rất đỏ.

Tính ngày âm là vừa đúng 26 năm. 6h sáng ngày 14.3.1988, sau khi tàu QH 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ bị lính Trung Quốc tấn công phía Gạc Ma, Tàu HQ 505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ vừa cắm cờ trên bãi đá Cô Lin cũng bị tấn công dữ dội.

Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc cũng như hệ thống điều khiển bị đạn 100 ly bắn ở cự ly gần, bốc cháy dữ dội. Điện mất, xuống đến tầng hầm thứ 2 đã nhìn không rõ bàn tay. Con tàu, thời điểm đó lớn nhất trong lực lượng hải quân, gần như bị mất lái xoay vòng vòng trong sóng to gió lớn trong khi tàu Trung Quốc gần như trút hết hỏa lực vào phía mạn phải.

“Lúc đó tôi bình tĩnh lạ lùng”- thuyền trưởng Lễ nhớ lại- tôi nói với anh em bằng mọi cách phải giữ tàu bởi nếu tàu chìm thì coi như là mất đảo.

Trong bóng tối đen kịt của tầng thứ 5, tầng đáy tàu, giữa thời khắc sinh tử, với đạn pháo bắn như mưa vào mạn tàu, những người lính hải quân vẫn bình tĩnh sửa máy.

15 phút đó dài như một thế kỷ.

Và con tàu nặng nề, bằng hệ thống lái cơ, từ từ quay mũi. Và trong cảnh lửa cháy đùng đùng, pháo bắn rát mặt, HQ 505 lao hết tốc lực ủi bãi Cô Lin để rồi sau đó, cả con tàu như một pháo đài khổng lồ án ngữ đảo đá.

Ngay khi giữ được Cô Lin, Thuyền trưởng Lễ quyết định hạ xuồng cứu sinh chạy sang Gạc Ma, cách đó chừng 4 hải lý để cứu đồng đội trong cảnh lính Trung Quốc vẫn không ngừng nã đạn.

“Sinh tử. Vâng, đó là sinh tử”- lời thuyền trưởng Lễ- nhưng đã là đồng đội thì lúc đó không ai nghĩ đến chuyện sinh tử nữa. 44 người, cả thương binh, tử sĩ đã được vớt đưa về tàu 505.

Câu chuyện đến đây thì chìm trong yên lặng. Không khó để biết rằng trong ánh nhìn xa xăm của người lính già là những hình ảnh bi hùng của 36 năm trước tưởng như vẫn còn ngay trước mắt.

Vòng tròn bất tử với những người lính tay không chống lại mũi súng và lưỡi lê. Thiếu úy Nguyễn Văn Phương, trước lúc ngã xuống đã muốn máu của mình tô thắm lá cờ. Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh, người thay thế giữ lá cờ, bị đạn xuyên qua bả vai. Tàu vận tải 605 với AK, B40 và DKZ chiến đấu cảm tử với những chiến hạm của quân Trung Quốc xâm lược được gắn pháo 100 ly. Và 64 người lính đã ngã xuống trong ngày 14.3 năm đó.

Ngay đêm 14.3, người thuyền trưởng đã điện về sở chỉ huy, với chỉ vài câu, rằng: Tàu còn, đảo còn và quyết tâm ở lại giữ đảo “dù phải hy sinh đến người cuối cùng”.

Tôi đã hỏi ông một câu gì đó, và nét kiêu hùng tưởng đã ngủ quên sau hai mấy năm bỗng trở lại trên khuôn mặt người thuyền trưởng giờ giản dị trong vóc dáng của một ông già hưu trí hiền lành: “Chú là thuyền trưởng. Làm sao chú có thể rời con tàu của mình được”.

Có ai đó, ở đâu đó, dường như đã nói đến một quy định bất thành văn của nghề đi biển, rằng Thuyền trưởng phải là người cuối cùng rời khỏi con tàu của mình. Với đối sánh: Rời đầu tiên khỏi con tàu sắp đắm chỉ có thể là những con chuột.

Vị thuyền trưởng già oai hùng ngày nào, một tay giữ đứa cháu 4 tuổi khỏi ngã xuống đất, nhớ lại: Tôi chỉ nói là ai xung phong ở lại giữ tàu. Và ai cũng xung phong cả. Anh em bảo “Thuyền trưởng ở lại thì em cũng ở lại”. Lính 125 mà”.

Vâng, lữ 125, những người lính của đoàn tàu không số đã làm nên những kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày ấy, họ lại tiếp tục không tiếc thân mình để giữ đảo.

Sau ngày 14.3, ông cùng với 9 người khác đã kiên trì bám trụ suốt 2 tháng sau đó.

Cuộc chiến chưa hề dừng lại sau ngày 14.3 khi khoảng thời gian sau đó tình trạng vẫn căng thẳng cực độ. Những người ở lại ngày ngày súng trong tay nằm phục trên boong, đêm đêm đốt đuốc đi đâm cá trong cảnh tàu Trung Quốc lượn vè vè sát đuôi tàu dọa quăng móc câu sang chiếm tàu và dùng loa gọi hàng, đe dọa đích thân thuyền trưởng Vũ Huy Lễ. Đó không còn chỉ là một cuộc đấu trí nữa.

Người vợ, trong suốt câu chuyện của chúng tôi, vẫn chỉ lẳng lặng ra ra vào vào, giống như đức hy sinh của bất cứ phụ nữ nước Việt nào khác.

Lẳng lặng khi năm 65, ông và những người đồng đội của đoàn tàu không số làm lễ truy điệu sống trước khi lao mình vào lòng biển với những chuyến đi cảm tử. Lẳng lặng trong từ trong cái nhìn tiễn chồng vào ngày 27 Tết năm đó ra đảo Đá Lớn để đến Cô Lin. Và lẳng lặng khắc khoải dò hỏi tin chồng khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam đưa tin những người lính đã anh dũng hy sinh.

Những người mẹ, người vợ. Có lẽ, họ chính là hậu phương vững chắc nhất để những người lính tiền tuyến có thể vững tâm chắc tay súng.

14.3 năm nay, Ban liên lạc tàu HQ 505 sẽ gặp mặt những người đồng đội ngày nào. Và hẳn nhiên những người lính sẽ nhớ về đồng đội của họ, những người 26 năm trước đã ngã xuống, bảo vệ tổ quốc bằng chính dòng máu của mình. Còn rất nhiều trong số họ xác thân vẫn còn đâu đó ngoài biển cả, dẫu nằm đâu thì cũng là trên đất Việt cả thôi.

Ánh mắt người anh hùng chợt trở nên xa xăm. Trong vườn nhà ông, có một cây xương rồng mang về từ Trường Sa. Bữa đó, dường như xương rồng đang trổ ra những bông hoa đỏ như máu.

Bài 2: Nước mắt nào hào hùng, nước mắt nào đau thương
  Đào Tuấn
  (Blog Đào Tuấn )
 

Google đang mã hóa việc tìm kiếm trên toàn cầu. Đó là điều tệ hại cho NSA và kiểm duyệt Trung Quốc.

H1
Washington Post
Tác giả: Craig Timberg và Jia Lynn Yang
Người dịch: Huỳnh Phan
12-3-2014
Google đã bắt đầu mã hóa thường xuyên việc tìm kiếm trên mạng (web search) thực hiện ở Trung Quốc, đặt ra một thách thức mạnh bạo mới đối với hệ thống hùng hậu của nước này về kiểm duyệt Internet và theo dõi người dùng cá nhân đang xem trực tuyến những gì.
Công ty cho biết, bước chuyển này là một phần của việc mở rộng trên toàn cầu về công nghệ bảo mật được thiết kế nhằm ngăn chặn việc giám sát của các cơ quan tình báo chính phủ, cảnh sát và các tin tặc mà với các công cụ có sẵn đầy rẫy họ có thể xem email, các tìm kiếm và các cuộc chuyện trò video khi nội dung đó không được bảo vệ an toàn.
Tường lửa Trung Quốc, như người ta thường gọi hệ thống kiểm duyệt của họ, từ lâu đã chặn việc truy tìm các thông tin mà họ cho là nhạy cảm về mặt chính trị. Việc Google ngày càng dùng thêm mã hóa có nghĩa là những nhân viên theo dõi chính phủ không thể phát hiện khi người dùng tìm kiếm các từ nhạy cảm, chẳng hạn như ” Đức Đạt Lai Lạt Ma” hay ” Thiên An Môn”, vì mã hóa làm cho chúng hiện ra dưới dạng chuỗi các con số và chữ cái không đọc được.
Trung Quốc – và các quốc gia khác, chẳng hạn như Ả Rập Saudi và Việt Nam, kiểm duyệt Internet ở cấp quốc gia – vẫn sẽ có thể chọn cách ngăn chặn hoàn toàn các dịch vụ tìm kiếm của Google. Nhưng các chính phủ này sẽ gặp phải khó khăn hơn trong việc lọc nội dung với các từ tìm kiếm cụ thể. Họ cũng sẽ bị rắc rối hơn trong việc xác định những người đang tìm kiếm thông tin về các chủ đề nhạy cảm là ai, các chuyên gia nói.
Bước phát triển này là hậu quả mới nhất (và có lẽ bất ngờ nhất) của việc Edward Snowden năm ngoái tung ra các tài liệu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ, chi tiết hoá mức độ giám sát Internet của chính phủ. Google và các công ty công nghệ khác đã đáp ứng bằng những khoản đầu tư to lớn mới trong việc mã hóa trên phạm vi toàn thế giới.
Các quan chức Trung Quốc đã không trả lời câu hỏi về quyết định của Google thường xuyên mã hóa tìm kiếm ở đó, nhưng bước chuyển đó có nguy cơ nhồi thêm căng thẳng từ lâu giữa công ty công nghệ cao này của Mỹ và quốc gia đông dân nhất thế giới.
“Dù nguyên do là gì, điều này sẽ giúp các cư dân mạng Trung Quốc truy cập được thông tin mà họ chưa bao giờ thấy trước đây”, Percy Alpha, người đồng sáng lập của GreatFire.org, một nhóm nhà hoạt động giám sát tường lửa Trung Quốc nói. “Đó sẽ là điều gây nhức óc cho các cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các công ty khác sẽ theo gương Google đưa việc mã hóa thành mặc định”.
Alpha, giống như các thành viên khác của nhóm này sử dụng một tên giả để tránh né chính quyền Trung Quốc, lưu ý rằng Google đã bắt đầu mã hóa trình tìm kiếm ở nước này hơn hai tháng sau khi GreatFire.org công khai thách thức công ty này làm điều đó trong một bài xã luận được tờ Guardian của Anh đăng hồi tháng 11.
Bài viết này tung ra để đáp ứng lại bài phát biểu của Chủ tịch điều hành Google, Eric Schmidt, trong đó ông nói: “Chúng tôi có thể kết thúc việc kiểm duyệt của chính phủ trong vòng một thập kỷ” qua việc mở rộng mã hóa. GreatFire.org cho biết Google không cần phải đợi tới10 năm mà có thể mã hóa tất cả các trình tìm kiếm ở Trung Quốc nhanh hơn nhiều.
Google phủ nhận rằng kích động của nhóm này đã ảnh hưởng tới quyết định triển khai công nghệ mã hóa ở Trung Quốc, qua việc nói rằng họ đã bắt đầu hồi tháng 2 vì những lý do không có liên quan. Công ty này cũng cho biết thêm rằng tất cả tìm kiếm thực hiện ở hầu hết các trình duyệt hiện đại sẽ được mã hóa trong những tháng sắp tới. Ngày hoàn thành cho việc triển khai trên toàn thế giới vẫn chưa rõ.
“Các tiết lộ hè năm ngoái đã vạch rõ nhu cầu tăng cường hệ thống mạng của chúng tôi. Trong số nhiều cải tiến chúng tôi đã thực hiện trong những tháng gần đây là việc đưa mã hóa trình tìm kiếm Google thành mặc định trên toàn thế giới”, người phát ngôn Niki Christoff cho biết trong một tuyên bố gửi qua email. “Điều này được xúc tiến dựa trên công trình của chúng tôi trong vài năm qua trong việc tăng số lượng các dịch vụ được mã hóa một cách mặc định và khuyến khích ngành công nghiệp này áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mạnh mẽ hơn”.
Phần lớn Google đã rút ra khỏi Trung Quốc đại lục năm 2010, chuyển nhiều hoạt động kinh doanh tới vùng Hồng Kông bán tự trị sau khi từ chối tuân theo lệnh kiểm duyệt trình tìm kiếm hoặc chuyển chúng tới các trang web ưa thích hơn –  điều mà đối thủ cạnh tranh còn ở lại vẫn làm.
Kể từ đó, tỉ lệ của Google trên thị trường tìm kiếm ở Trung Quốc đã giảm xuống thấp tới mức 5%, theo công ty nghiên cứu thị trường Tư vấn Marbridge đóng ở Bắc Kinh. Đại đa số người sử dụng Internet ở đó sử dụng công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc, ngay cả trên các điện thoại dùng hệ điều hành Android của Google.
Điều này có nghĩa rằng tác động của việc sử dụng mã hóa gia tăng của Google có thể chỉ giới hạn trong tầm với của nó vì những người sử dụng Google ở Trung Quốc – điển hình là những người am hiểu công nghệ và giới trẻ – thường đã biết cách qua vượt qua Tường lửa.
“Những người có hiểu biết kỹ thuật cao không thực sự cần một công cụ khác để né tránh kiểm duyệt,” Jason Q. Ng, tác giả của “Bị chặn trên Weibo: Điều gì bị ngăn trở trên Twitter phiên bản TQ (và vì sao?)” [“Blocked on Weibo: What Gets Suppressed on China’s Version of Twitter (and Why)] cho biết.
Google đã bắt đầu cho một số người dùng có thể chọn trình tìm kiếm được mã hóa năm 2010 và thực hiện việc bảo vệ tự động cho nhiều người sử dụng tại Hoa Kỳ năm 2012. Công ty bắt đầu mã hóa dòng thông tin truyền giữa các trung tâm dữ liệu của nó sau khi tờ The Washington Post và tờ The Guardian, dựa trên các tài liệu do Snowden cung cấp, năm ngoái đã tường thuật về phạm vi rộng lớn của Internet bị Cơ quan An ninh Quốc gia và các đồng minh của nó lén đọc. Microsoft và Yahoo ngay sau đó đã theo bước với các sáng kiến tương tự.
Ở các nơi khác trên thế giới, và đặc biệt ở những người sử dụng các trình duyệt cũ tìm kiếm mã hóa đã đến chậm hơn. Firefox, Safari và trình duyệt Chrome của chính Google cho phép mã hóa tự động, nhưng Internet Explorer thế hệ cũ của Microsoft – vẫn còn phổ biến ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới – thì chưa. Internet Explorer 6, ra mắt vào năm 2001 và không phù trợ tìm kiếm mã hóa của Google, sử dụng cho 16 % của lưu lượng truy cập Internet của Trung Quốc, theo NetMarketShare.com , tổ chức chuyên theo dõi việc sử dụng.
Bước chuyển đưa việc mã hóa thành thường lệ có thể châm ngòi phản ứng dữ dội từ chính quyền Trung Quốc vốn liên tục cải tiến Tường lửa để ngăn chặn dòng thông tin có nội dung không mong muốn và cũng để duy trì khả năng giám sát người sử dụng Internet ở Trung Quốc.
“Tường lửa là một mục tiêu luôn di động”, Richard Clayton, nhà nghiên cứu bảo mật máy tính cho các trường Đại học Cambridge, Anh, chuyên nghiên cứu việc lọc Internet của Trung Quốc cho biết. “Họ đang liên tục cải tiến”.
Kiểm duyệt đặt ra một chướng ngại cho các doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng để mở rộng ra quốc tế vì họ không có được tiếp cận đáng tin cậy tới các trang web với người xem toàn cầu, như là Facebook. Khó có thể xác định chính phủ sẽ chặn điều gì vào một ngày nào đó.
“Ở Trung Quốc, rất nhiều thứ giống như thế,” Jiang Tao, người sáng lập CSDN, một cộng đồng phát triển phần mềm Trung Quốc cho biết. “Bạn không biết điều gì bạn có thể làm, cái gì bạn không thể làm. Không ai nói cho bạn biết cả”.
Việc Google ngày càng dùng thêm mã hóa có thể đẩy Trung Quốc tới chỗ ngăn chặn hoàn toàn trình tìm kiếm của Google hoặc thậm chí tất cả các dịch vụ do công ty này cung cấp. Mặc dù Google có thị phần ở Trung Quốc nhỏ hơn rất nhiều so với ở những nơi khác trên thế giới, nó vẫn được các công ty quốc tế và một số người khác sử dụng rộng rãi, có nghĩa là có thể có những hậu quả kinh tế đối với việc ngăn chặn hoàn toàn.
Một chọn lựa khác sẽ là cái mà các chuyên gia gọi là “tấn công giữa đường” sẽ cho phép kiểm duyệt Trung Quốc chặn dòng thông tin được mã hóa và giải mã nó trước khi nó đi tới các máy chủ của Google. Đối với nhiều người sử dụng, một cuộc tấn công như vậy rất dễ thấy vì trình duyệt của họ sẽ cảnh báo rằng các thông tin liên lạc đã bị đọc trước khi đến người nhận của nó. Người sử dụng sẽ tuỳ nghi tiếp tục với truy vấn này, ngay cả khi biết đã bị tấn công giữa đường, tuy nhiên việc bảo mật nhờ mã hóa của Google không còn nữa.
Những người ủng hộ quyền riêng tư, từ lâu đã chỉ trích Google, nói rằng việc họ mở rộng sử dụng mã hóa sẽ không có tác dụng ngăn chặn việc chính công ti này theo dõi các cuộc viếng trên mạng, email và các truy vấn tìm kiếm của người sử dụng. Thông tin như vậy sẽ giúp công ti định hướng quảng cáo, nguồn doanh thu chính của họ.
“Việc chuyển tới mã hóa càng nhiều càng tốt là điều tốt, nhưng thực sự tôi nghĩ rằng Google chỉ phô trương thôi,” Jeff Chester, giám đốc điều hành của Trung tâm vì Dân chủ kĩ thuật số, một nhóm vận động có trụ sở tại Washington cho biết.
William Wan và Li Qi đóng góp cho bài viết này từ Bắc Kinh.

Một sự hiểu lầm tai hại


Nguyễn Hưng Quốc  -VOA

Chung quanh việc Nga xâm chiếm Crimea của Ukraine, và liên quan đến Vladimir Putin, Tổng thống của Nga, có một số vấn đề khiến giới bình luận chính trị Tây phương thắc mắc và bàn thảo nhiều nhất suốt mấy tuần vừa qua: Một, tại sao tình báo của Mỹ không biết trước được việc Nga xua cả mấy ngàn quân (sau đó là cả mấy chục ngàn) đến chiếm Crimea? Hai, tại sao giới lãnh đạo Tây phương, kể cả các tổng thống Mỹ, từ George W. Bush đến Barack Obama, đều có vẻ cả tin Vladimir Putin đến vậy? Đằng sau hai câu hỏi trên là một câu hỏi khác: Tại sao Tây phương, kể cả Mỹ, lại dễ bị Putin lừa đến như vậy?
Kiểm tra lại các bản tin tình báo gửi lên giới lãnh đạo Mỹ, ít nhất là ở Quốc Hội, người ta thấy tuy các tình báo biết rõ sự kiện Nga huy động khoảng 150.000 lính đến biên giới Ukraine nhưng hầu hết đều đánh giá khả năng Nga quyết định tấn công Ukraine rất nhỏ.
Giới chức tình báo Mỹ biện minh: họ vẫn thường xuyên cập nhật các tin tức họ thu lượm được tại Nga và Ukraine và liên tục báo cáo cho chính phủ nhưng việc đánh giá đúng ý đồ của các nhà lãnh đạo nước khác, như Nga, chẳng hạn, rất khó chính xác.
Nói cách khác, thành thực hơn: lần này mọi người từ tình báo đến chính khách đều nhầm. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, từ sau sự kiện 11 tháng 9 năm 2001, phần lớn ngân sách tình báo của Mỹ đều tập trung vào nỗ lực chống khủng bố, chủ yếu từ các quốc gia Hồi giáo hoặc ở những nơi các nhóm Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh. Nga không còn là một ưu tiên để theo dõi như thời Chiến tranh lạnh nữa.
Thứ hai, quan trọng hơn, hầu như mọi người đều không hiểu đúng bản chất con người của Putin.
Nhớ, vào tháng 6 năm 2001, trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa hai người, Tổng thống George W. Bush đã bày tỏ sự tin tưởng sâu đậm đối với Putin, người đồng nhiệm của ông ở Nga. Khi được các phóng viên hỏi tại sao, Bush tự tin đáp: “Tôi nhìn vào mắt ông ấy và thấy được tâm hồn của ông” (I looked in his eyes and saw his soul). Sự tự tin ấy, sau này, bị nhiều người chê là ngây thơ.
Nhưng không phải ai cũng thoát được sự ngây thơ ấy. Trước ngày Nga xua quân tràn vào Crimea, phần lớn các tờ báo có uy tín nhất tại Mỹ đều cho việc Putin điều động binh sĩ đến biên giới Ukraine chỉ là một trò hăm dọa. Các bài viết mang nhan đề kiểu “Tại sao Nga không xâm lược Ukraine” hay “Không, Nga sẽ không can thiệp vào Ukraine” hoặc “Năm lý do để mọi người đừng lo lắng thái quá về tình hình ở Crimea” xuất hiện đầy trên các mặt báo.
Xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phần lớn các học giả, các chuyên gia quân sự và chính trị nổi tiếng đều không tin là Nga sẽ tấn công Ukraine như điều họ đã từng làm đối với Georgia vào năm 2008.
Tại sao người ta dám khẳng định một cách chắc chắn như vậy?
Có ba lý do chính:
Thứ nhất, nền kinh tế của Nga hiện nay quá yếu để có thể chịu đựng nổi một cuộc chiến tranh như thế. Putin hẳn thừa biết là nếu lao vào một cuộc xâm lược như vậy, ông sẽ bị Mỹ và Tây phương trừng phạt, ít nhất về phương diện kinh tế. Việc buôn bán sẽ bị ngưng trệ, đồng rúp sẽ bị giảm giá, uy tín của Nga trên trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng; bao nhiêu tiền bạc đã đổ ra cho Olympic mùa đông tại Sochi vừa rồi như đổ vào biển, cuộc họp thượng đỉnh của khối Bát cường (8 group) được chuẩn bị vào tháng 6 sẽ hóa thành công cốc. Đó là chưa kể các nguy hại lâu dài: Về kinh tế, Nga phải cưu mang hơn 2 triệu người ở Crimea, trong đó 20% là người lớn tuổi; về an ninh, Nga sẽ phải đối diện với nguy cơ đánh du kích hoặc khủng bố của mấy trăm ngàn người Tatar vốn có truyền thống thù ghét Nga.
Thứ hai, nó lại không cần thiết: Ai cũng biết chính quyền Ukraine, sau cuộc cách mạng vừa rồi, đang đối diện với vô số thử thách: Nếu Nga không can thiệp, tự nó sẽ sụp đổ. Kinh tế Ukraine vốn đã gầy guộc, lại thêm nạn tham nhũng tràn lan, càng ngày càng quặt quẹo với lạm phát và nợ nần chồng chất. Mới tuần trước, tân Thủ tướng Ukraine ước chừng khoảng 37 tỉ Mỹ kim bị biến mất dưới thời Viktor Yanukovych. Hiện nay Ukraine cần ít nhất 25 tỉ Mỹ kim để trả nợ và bù đắp các thiếu hụt trong ngân sách. Trong khi đó số ngoại tệ họ dự trữ được chỉ còn có 12 tỉ.
Thứ ba, không những không cần thiết, nó còn có hại. Hai cái hại lớn nhất là: Một, nó làm cho Mỹ và Tây phương phải nhảy vào giúp Ukraine. Bình thường, không có sự uy hiếp của Nga, có lẽ Tây phương sẽ hờ hững với việc giúp đỡ Ukraine sau cuộc cách mạng vừa rồi. Tây phương đang phải đối đầu với các khó khăn của chính họ, nhất là ở các thành viên mới. Họ không đủ sức để cưu mang thêm một gánh nặng khác. Nếu Nga không tấn công Crimea, chắc chắn Mỹ và châu Âu không nhảy vào giúp Ukraine một cách nhiệt tình và tận tình như vậy. Hai, hành động hiếu chiến thô bạo của Nga làm cho dân chúng Ukraine trở thành đoàn kết hơn, yêu nước hơn và sẵn sàng chống trả Nga một cách mãnh liệt hơn. Quan sát dân tình ở Ukraine hiện nay, Chrystia Freeland cho là Nga đã thực sự thua trận.
Tất cả những điều ấy chắc chắn Putin và nhóm cố vấn của ông đều biết rõ. Ngay cả những người bình thường nhất cũng biết rõ. Vậy mà ông vẫn quyết định chiếm Crimea và có vẻ như sẽ đánh chiếm cả Ukraine. Tại sao?
Lý do đầu tiên có lẽ do Putin quá tự tin. Ông nghĩ là Mỹ sẽ không dám phản ứng gì cả. Một phần, vì Mỹ đã quá mệt mỏi với hai cuộc chiến tranh ở Iraq và ở Afghanistan, hơn nữa, họ phải tập trung đối đầu với Trung Quốc ở châu Á. Phần khác, ông cho là hầu hết các quốc gia Âu châu, những đồng minh thân cận nhất của Mỹ hiện nay, đều lệ thuộc vào nguồn dầu khí của Nga, lại có nhiều liên hệ kinh tế với Nga: Tất cả những nước ấy, vì quyền lợi của mình, không thể mạnh tay với Nga được. Khi Châu Âu khoanh tay, một mình Mỹ cũng chẳng làm gì được. Chính sách của Mỹ, ít nhất là dưới thời Obama, thường rất cẩn thận, tránh né mọi rủi ro; khi cần, họ chỉ lãnh đạo từ phía sau. Nếu châu Âu không đóng vai tiên phong, Putin tin là Mỹ cũng sẽ chỉ đánh võ mồm mà thôi. Mà kiểu đánh ấy thì ông chả ngán chút nào cả.
Lý do thứ hai, quan trọng hơn, là cách suy nghĩ và cách hành xử của Putin hoàn toàn khác với Tây phương. Khác đến độ bà Madeleine Albright, cựu ngoại trưởng Mỹ, cho là Putin bị hoang tưởng; phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho những lời lẽ của Putin về các âm mưu của Tây phương tại Ukraine là những sự hư cấu đáng giật mình nhất kể từ Dostoyevsky.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho Nga hành xử như những kẻ sống trong thế kỷ 20 hoặc thế kỷ 19! Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Obama mới đây, cũng đồng ý như thế khi cho dường như Putin đang sống ở một thế giới khác
Nhưng khác như thế nào? Khác ở ba điểm chính: Một, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề; hai, sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả sự khủng hoảng của kinh tế và sự cùng khổ của dân chúng để đạt được điều mình muốn. Nhưng sự khác biệt lớn nhất là sự nghi ngờ và căm thù đối với Mỹ và Tây phương. Putin thường nói là việc để cho chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, từ đó, làm tan rã khối Liên bang Xô viết trước đây là một sai lầm lớn nhất trong lịch sử nước Nga. Ông tự đặt cho mình sứ mạng là phục hồi lại đế quốc Nga bằng cách thu phục lại, và nếu cần, xâm chiếm các quốc gia láng giềng vốn thuộc Liên bang Xô viết trước đây. Trên con đường thực hiện giấc mộng ấy, ông xem cản trở chính là tham vọng bành trướng của Mỹ và châu Âu. Mỗi lần Liên hiệp Âu châu thu nạp một thành viên mới là một lần Putin giật mình căm hận. Ông không nhìn đó như một sự phát triển đáng mừng của lịch sử về hướng dân chủ hóa mà lại xem đó như một sự đe dọa. Trước những đe dọa ấy, ông phản ứng một cách quyết liệt, bất chấp những hậu quả về kinh tế, chính trị hay xã hội.
Tuy nhiên, ông lại quên thời thế đã đổi khác. Sự liều lĩnh của ông chỉ mang lại tai họa cho nước Nga.
Trước mắt, tai họa đầu tiên đến từ một yếu tố có lẽ Putin không nghĩ đến khi quyết định tung quân đánh chiếm Crimea: Khác với cuộc xâm chiếm Hungary vào năm 1956 và Czechoslovakia năm 1968, nước Nga hiện nay có một yếu tố mới có ảnh hưởng nhanh chóng và sâu sắc đến các quan hệ quốc tế: thị trường chứng khoán. Ngay ngày đầu tiên khi binh lính Nga xuất hiện trên đất Crimea, chỉ số thị trường chứng khoán bị rớt hơn 12%, làm bay mất 60 tỉ Mỹ kim và tỉ giá đồng rúp bị giảm đến mức kỷ lục.
Về lâu về dài, ngay cả khi chiếm được Crimea hoặc ngay cả toàn lãnh thổ Ukraine, nước Nga cũng sẽ phải chịu đựng những gánh nặng kinh tế hầu như vượt ngoài khả năng của họ. Hiện nay, Nga vẫn còn đang phải còng lưng ra tài trợ cho Abkhazia và South Ossetia họ chiếm được từ Georgia, và Transnistria từ Moldova. Ukraine, với những nợ nần và tham nhũng hiện nay, nếu lọt vào tay Nga, cũng sẽ trở thành một gánh nặng khủng khiếp. Đó là chưa kể Nga sẽ phải đối diện với các cuộc chống đối bằng vũ trang, dưới hình thức du kích hoặc khủng bố, của người Ukraine và đặc biệt, người Tatars.
Trong một bài viết mới đăng trên tờ The Washington Post, Henry A. Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ thời Nixon, có nêu lên một vấn đề hay: Một chính sách được kiểm tra không phải ở chỗ nó bắt đầu như thế nào mà ở chỗ nó kết thúc như thế nào.
Nhưng trong khi chờ cuộc xâm lược ấy kết thúc, không ai được quên bài học lần này: Cách suy nghĩ và hành xử của Putin hiện nay không khác gì mấy so với các nhà độc tài cộng sản trước đây. Thay tên đổi họ, ông vẫn không giấu được dòng máu của Stalin trong huyết quản.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ

Đại Vệ Chí Dị- Chuyển ngôi.

Nguoibuongio FB

Nước Vệ triều nhà Sản năm thứ 69.
Nạn đói kém không dứt, nạn đạo tặc cướp của giết người không giảm.
Mùa xuân năm ấy, nhà Sản nghị triều chuẩn bị nhân sự cho vương triều kế tục.
Chúa gọi con trai đầu đang giữ chức phó thượng thư vào phủ. Trưởng nam nhà Chúa tuổi 37 tuổi, tướng mạo béo tốt đẫy đà. Làm quan bấy lâu không có tiếng tốt cũng chẳng có tiếng xấu.
Chúa ra hiệu trưởng nam ngồi bênh cạnh, rồi bảo.
- Con phải về quê nhà mình, mai này cha dưỡng hưu cũng về đó. Đất ấy của nhà mình, các tỉnh xung quanh toàn là tâm phúc. Để con ngoài kinh thành khi cha không còn chức, e bọn miền Bắc chúng bách hại.
Trưởng nam hỏi.
- Thưa cha, ta không có người kế nhiệm cha đáng tin sao.?
Chúa thở dài nói.
- Giờ ta có Đàm Cận, nhưng tuổi còn trẻ, chưa vào hàng đại thần nghị chính, không thế đưa lên được. Chuyện đó còn mươi năm nữa. Cũng tại ta khi xưa dùng tổng quản phủ là Xuân Thọ, người miền Trung. Không ngờ hắn thay lòng đổi dạ, nhân lúc Vương Phủ tấn công ta mà nhăm nhe soán đạt ngôi. Sau này ta về lành ít, dữ nhiều. Chúng ta trụ ở đất nhà, đợi thời cơ khởi nghiệp. Khi xưa Chúa Nguyễn cũng từ đó mà làm nên 200 trăm năm nhà Nguyễn. Cơ sự nhà mình mai sau trông cậy vào thằng út, cha để con lộ mình sớm vì tưởng thế của cha còn vững dài, đó cũng là cái thiệt thòi của con.
Trưởng nam thưa.
- Phận làm con, cha mẹ đặt đâu ngồi đấy. Xưa nay cha bảo sao con làm vậy, không hề có ý hối tiếc. Vả lại con thích chuyên môn hơn là làm quan, mệt nhọc lắm cha à. Gia sản nhà mình đâu cần phải kiếm thêm làm gì nữa.
Chúa nghiêm mặt nói.
- Con không muốn kiếm vì cha muốn con giữ tiếng tốt. Nhưng tiền bạc trong thiên hạ là nội lực. Mình không thu về, kẻ khác cũng thu về. Khi kẻ khác có nội lực, nếu không ưa mình thì mình gặp họa. Cha vì phòng xa nên mới phải tận tâm , tận lực nắm mọi nguồn thu trong thiên hạ. Bá tính , quan lại nước Vệ ngày nay chỉ có chữ tiền mới khiến họ theo. Không thể nào bỏ qua chuyện ấy được là vì thế.
Trưởng nam lo lắng.
- Khi cha về, ai là người cha sẽ chỉ định kế vị. Cha có quyền đó mà.
Chúa lắc đầu.
- Nhưng giờ cha chưa biết tìm ai, ngôi vương xưa nay người Bắc nắm, ngôi chúa dành cho người Nam. Trong hàng ngũ tâm phúc của cha chưa biết tìm ai. Có lẽ cha sẽ tiến cử một phụ nữ có dáng vóc xinh đẹp, lấy hình mẫu bên Xiêm để giữ ngôi chúa. Cô ta người Nam, cũng là đại thần nghị chính, lại từng kinh qua giữ chức vụ kinh tế, con nhà dòng dõi công thần. Từng ấy làm cớ thì khó ai bác được. Vẻ ngoài của cô ấy khi bang giao các nước cũng đem lại sức sống mới cho nước Vệ, ý ta muốn quyết vậy. Nhưng e bọn miền Trung bị bọn miền Bắc kích động, ta đang phải ngừa chuyện đó.
Trưởng nam hỏi.
- Vậy ai sẽ làm vương.?
Chúa khoát tay nói.
- Chuyện này chưa rõ, còn tùy thuộc Vệ Kính Vương chọn ai. Nhưng dường như Kính Vương chọn Sáng Quyết đại thần nghị chính, tổng trấn kinh thành rồi. Con cứ nhận ấn tín, về cố hương ẩn mình, chờ đợi thế thời thêm lúc nữa.
Trưởng nam vâng lời, xin cáo từ. Về tư gia gọi gia nhân sắp xếp hành lý. Nhận ấn tín từ triều rồi về bản quán nhậm chức.
Nước Vệ vẫn không có thay đổi gì lớn. Người chết vì cái chết không đáng có vẫn chết. Bá tính nợ nần, túng thiếu vẫn nợ nần, túng thiếu. May chăng 20 năm sau thế tử út nhà Chúa trưởng thành, sự thay đổi có thể gọi là.

Tuyển người buôn lậu đi chống buôn lậu

Từng bị truy nã, chưa được xóa án buôn lậu nhưng một phụ nữ vẫn được tuyển dụng vào Chi cục QLTT tỉnh Bình Định
Đó là trường hợp của bà Vũ Thị Thu Hương (SN 1976), kiểm soát viên thị trường Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7, Chi cục QLTT tỉnh Bình Định.
Quan hệ mật thiết với lãnh đạo
Năm 2007, bà Hương nộp đơn xin việc đến Chi cục QLTT tỉnh Bình Định. Theo lý lịch tự khai, bà Hương ghi: “Lúc 12 tuổi còn đi học. Đến 15 tuổi nghỉ học, ở nhà phụ giúp gia đình cho đến nay (ngày nộp hồ sơ xin việc). Trình độ văn hóa: lớp 9/12”.
Lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Bình Định xem xét hồ sơ của bà Hương
Lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Bình Định xem xét hồ sơ của bà Hương

Chi cục QLTT đã ký hợp đồng lao động cho bà Hương làm tạp vụ. Khi có 2 tấm bằng bổ túc văn hóa và trung cấp kế toán, bà Hương được chuyển sang làm công tác văn thư, sau đó là nhân viên kế toán.
Tháng 4-2013, bà Hương tham dự kỳ thi và trúng tuyển công chức vào Chi cục QLTT do UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Ngày 13-9-2013, bà Hương về làm kiểm soát viên tại Đội QLTT số 7.
Theo nhiều cán bộ Chi cục QLTT, sở dĩ bà Hương được “ưu ái” là do có mối quan hệ khá “mật thiết” với một lãnh đạo chi cục vừa mới nghỉ hưu vào đầu năm 2014.
Sẽ hủy quyết định tuyển dụng
Đáng chú ý, đầu năm 1997, bà Hương từng bị bắt khi tham gia buôn lậu thuốc lá tại TP Quy Nhơn. TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt bà Hương 12 tháng tù giam. Trước khi chấp hành án, bà Hương bỏ trốn khỏi địa phương, sau đó bị bắt tại TP Đà Nẵng theo lệnh truy nã toàn quốc.
Bà Phạm Thị Sang, Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính Chi cục QLTT tỉnh Bình Định, xác nhận bà Hương có tiền án về tội buôn lậu nhưng cơ quan nhận do thấy hoàn cảnh của bà Hương đáng thương. Còn ông Mai Xuân Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Định, thừa nhận: “Phòng Tổ chức – Hành chính đã có khuyết điểm trong việc xem xét hồ sơ trước khi đề nghị lãnh đạo cơ quan nhận bà Hương vào làm hợp đồng, rồi sau đó đề nghị vào danh sách dự tuyển công chức”.
Hiện bà Hương vẫn chưa được xóa án tích. Theo Quyết định số 650 ngày 27-11-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, một trong những trường hợp không được dự tuyển công chức là đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của tòa án mà chưa được xóa án tích…
Ông Trịnh Xuân Long, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định, giải thích: “Theo quy định, người đăng ký dự tuyển công chức phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của những giấy tờ trong hồ sơ dự tuyển. Các trường hợp khai man, giả mạo hồ sơ sẽ bị hủy kết quả tuyển dụng và xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, nếu thật sự đến nay bà Hương vẫn chưa được xóa án tích thì Sở Nội vụ sẽ xem xét hủy quyết định tuyển dụng công chức”.
Yêu cầu báo cáo việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ
Sau khi Báo Người Lao Động ngày 12-3 có bài viết “Bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi về hưu”, Cục QLTT – Bộ Công Thương đã gửi văn bản yêu cầu Chi cục QLTT tỉnh Bình Định báo cáo danh sách lãnh đạo cấp đội/phòng được bổ nhiệm và luân chuyển trong 2 tháng trước khi ông Nguyễn Văn Hóa, nguyên Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Định, nghỉ hưu đồng thời gửi các văn bằng, chứng chỉ của những người được bổ nhiệm để Cục QLTT xem xét. Thời hạn báo cáo đến ngày 22-3.
Trước khi nghỉ hưu, ông Hóa đã ký quyết định bổ nhiệm, luân chuyển 29 cán bộ, nhân viên. Gần phân nửa quyết định trên là bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định.
Bài và ảnh: ANH TÚ