Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Vài suy nghĩ về Biển Đông - Quốc hội và Chính phủ đồng tâm SIẾT Tập đoàn Nhà nước

Quốc hội và Chính phủ đồng tâm SIẾT Tập đoàn Nhà nước

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vừa đưa ra yêu cầu đối với Kiểm toán Nhà nước phải đẩy mạnh kiểm toán quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2014. Thông tin trên tờ Tuổi trẻ nêu rõ, phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu Kiểm toán Nhà nước cần tập trung kiểm toán quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng thương mại lớn.
Thông điệp này một lần nữa minh chứng cho sự quyết tâm cải tổ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bởi suốt thời gian qua “vết nhơ” mà không ít đơn vị gây ra đã để lại thiệt hại cho nhà nước, cho dân và nền kinh tế.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong Hội nghị tổng kết năm 2013 của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) rằng: năm 2014 PVN phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu với trọng tâm cổ phần hóa. Tái cơ cấu nhân lực lao động, nâng cao năng lực quản trị, sản xuất, xây dựng lại đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm, đạo đức.
“Đừng để xảy ra việc gì mang tai tiếng cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), không chỉ là uy tín của PVN mà còn là uy tín của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Các đồng chí đã thấy có bao nhiêu vụ việc xảy ra, tuy là con sâu làm rầu nồi canh”, Thủ tướng nhắc.
Cũng quan điểm này, Thủ tướng liên tục có chỉ đạo tới các bộ, ngành phải cương quyết với các tập đoàn, tổng công thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp.
Ông cũng nói rõ sắp xếp cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của công cuộc cải tổ tái cơ cấu. Do vậy: “Sắp xếp, bố trí cán bộ không tốt thì không tái cơ cấu được gì hết. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu thoái vốn nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ:”Cái nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản đi, lần này phải kiên quyết”.
Và cũng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt này, trong các buổi gặp gỡ tại các ngành, doanh nghiệp, Thủ tướng liên tục đưa ra những thông điệp chỉ đạo phải sát xao việc tái cấu trúc, thoái vốn. Từ tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đều phải: “đẩy nhanh cổ phần hóa các đơn vị, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành; đồng thời kiện toàn bộ máy và năng lực quản trị…”.
Còn với “ông lớn” EVN, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng chỉ đạo: “Cần quản lý chặt chẽ vốn và tài sản của Tập đoàn, củng cố các Ban quản lý dự án để đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và theo Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung nguồn vốn cho các dự án điện cấp bách, nhất là các dự án điện với mục tiêu bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam”.
Theo đó, Phó thủ tướng chỉ đạo, trong năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần lưu ý thực hiện tốt các nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện như một số năm trước đây.
Tập đoàn kinh tế nhà nước bắt đầu “khởi động” từ 2005. Một trong các mục tiêu được xác định của tập đoàn là: Tập trung đầu tư và huy động các nguồn lực hình thành nhóm công ty có quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực then chốt, cần phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đây, hàng loạt tập đoàn được thành lập từ việc quy gộp nhiều tổng công ty, tạo ra thời kỳ “nở rộ” kinh tế tập đoàn.
Tuy nhiên, việc nhiều tập đoàn kinh tế gây hệ lụy, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước đang gây “dị nghị” về kinh tế tập đoàn.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế, trong đó trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Chính phủ chủ trương giản lược số tập đoàn cùng với sửa đổi Nghị định theo hướng siết chặt quản lý, làm rõ quyền hạn và nghĩa vụ của các tập đoàn.
Trong năm 2014, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ tiến hành 186 cuộc kiểm toán, trong đó kiểm toán tại 42 doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước, 36 dự án đầu tư…
Theo Báo Đất Việt

Phải giải tán ngay trận đồ ngân hàng


Chính ngân hàng đã gây tắc nghẽn kinh tế VN mấy năm qua với ‘trận đồ bát quái’ do lợi ích nhóm ngân hàng lũng đoạn cần phải được chấm dứt ngay.

Nghemp3
Chính ngân hàng đã đang làm ‘tắc nghẽn’ nền kinh tế trong suốt mấy năm qua, và nhà nước cần phải có biện pháp xử lý các ‘trận đồ bát quái’ của lợi ích nhóm ngân hàng để cải tổ kinh tế Việt Nam, theo phân tích gia kinh tế từ Việt Nam.
Nguyên nhân đầu tiên của việc làm tắc nghẽn nằm ở số lượng nợ xấu rất lớn, tiếp theo là hiện tượng ‘sở hữu chéo’ phổ biến trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam, theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
“Trái với thông lệ quốc tế và luật pháp ở nhiều quốc gia khác, ở Việt Nam lại cho phép các công ty, các tập đoàn được đầu tư vào ngân hàng, rồi các ngân hàng đó lại lập ra các công ty tài chính, lại đầu tư trở lại với các tập đoàn này, doanh nghiệp kia,” nhà phân tích nói với BBC hôm 23/1/2013 từ Hà Nội.
“Cho nên việc sở hữu chéo như trận đồ bát quái và hết sức phức tạp,
“Và trong sở hữu chéo đó, rất có thể là có vốn ảo, tức là vốn không có thực, anh lấy vốn của người dân gửi vào ngân hàng, rồi anh lấy tiền đó đầu tư đi, rồi anh bảo rằng đấy là vốn của anh, rồi anh lại quay lại đầu tư lại”, Tiến sỹ Doanh nói và cho rằng việc xử lý tệ nạn này là hết sức quan trong.

‘Người nhà Thủ tướng kinh doanh’

“Trong sở hữu chéo đó, rất có thể là có vốn ảo, tức là vốn không có thực, anh lấy vốn của người dân gửi vào ngân hàng, rồi anh lấy tiền đó đầu tư đi, rồi anh bảo rằng đấy là vốn của anh, rồi anh lại quay lại đầu tư lại”
TS Lê Đăng Doanh
Ngoài ra, vẫn theo kinh tế gia này, Việt Nam cần xem lại hệ thống tiêu chuẩn quản lý, kiểm soát ngân hàng vốn lâu nay không cập nhật theo chuẩn quốc tế.
Ông nói: “Hiện nay, trên thế giới người ta đã theo hệ tiêu chuẩn Basel 3, từ thành phố Basel của Thụy Sỹ, đã có những quy định quy chuẩn rất rõ rằng về hệ thống ngân hàng, báo cáo, phải giải trình, phải chứng từ thế nào, thì hiện nay Việt Nam chưa thực hiện được…,
“Những tiêu chí về nợ xấu, về hạch toán của Việt Nam, hiện nay đang còn khoảng cách rất xa.”
Mở đầu cuộc trao đổi hôm thứ Năm, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh bình luận về những điểm bất thường đằng sau các vụ xử án ngân hàng trong năm vừa qua, đặc biệt là những ‘điểm lạ’ phía sau vụ án lừa đảo khách hàng ở Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, làm thất thoát ít nhất 4.000 tỷ đồng.
Nhà phân tích cũng đề cập vấn đề lợi ích nhóm khuynh loát ra sao hệ thống ngân hàng, tài chính ở Việt Nam, vấn đề tham nhũng nhà nước với một bô phận quan chức chính phủ ở nhiều ngành, nhiều cấp.
Tiến sỹ Doanh cũng đáp lại câu hỏi của BBC, ở phần cuối, về việc liệu người lãnh đạo nội các chính phủ để thành viên gần gũi trong gia đình của mình tham gia làm ăn, kinh doanh trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính như thời gian vừa qua có hợp luật lệ không và Thủ tướng có nên để như vậy hay không.
THEO BBC

“Thành tích” ngân hàng

Trong chuyến “vi hành” cuối năm tại 2 tỉnh Tây Bắc là Điện Biên và Lai Châu, có vô số những dữ liệu tưởng chừng trái ngược nhau được đặt lên bàn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi tỉ lệ nợ xấu ngân hàng bình quân cả nước vào khoảng 4%, thì tại hai tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo – khoảng 38%, gấp 3-4 lần mức bình quân chung của cả nước (trên dưới 10%) này – tỉ lệ nợ xấu ngân hàng chỉ chiếm lần lượt là 0,82% (ở Lai Châu) và thậm chí chỉ có 0,29% (ở Điện Biên).
Và trong khi nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được phân nửa nhu cầu vay vốn, thì tỉ lệ tăng trưởng tín dụng năm 2013 trong các báo cáo của các tỉnh này lại rất cao, lần lượt là 16% và 19%.
Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời Thống đốc, rằng: “Trong khi cả nước đang phải đau đầu với nợ xấu, thì tại đây nợ xấu lại rất nhỏ như vậy”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sau đó “đúc kết một góc nhìn”. Nguyên văn: “Càng những tỉnh nghèo, càng cho thấy người dân và doanh nghiệp vay vốn và trả nợ ngân hàng rất có trách nhiệm”.
Một góc nhìn không sai, cho dù chính xác thì phải là: Càng người nghèo càng sợ nợ, và càng nghèo, càng khó có khả năng “được nợ”! Hôm qua, anh nông dân K’Song ở Ðác Nia, Gia Nghĩa (Ðắc Nông) đã xuất hiện trên báo với câu chuyện buồn của những người nông dân “sinh ra đã trót nghèo”.
Năm 2013, do không có vốn đầu tư chăm sóc vườn cà phê, K’Song được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ðắc Nông cho vay 20 triệu đồng diện hộ sinh sống ở vùng khó khăn. 20 triệu đồng, chỉ đủ mua phân bón một đợt. Vẫn thiếu vốn cho ít nhất 2 đợt bón phân kế tiếp, K’Song mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ra các ngân hàng thương mại để thế chấp vay vốn. “Phía ngân hàng trả lời là không có tiền”.
Bất đắc dĩ, người nông dân khốn khổ phải vay lãi tư nhân với lãi suất 5%/tháng. “Cao quá, nhưng nếu không có vốn đầu tư thì vườn cà phê sẽ rụng trái, khô cành, chết dần, không chỉ thất thu năm nay mà các năm sau cũng mất trắng, nên tôi chấp nhận vay 40 triệu đồng”- người nông dân nói.
Thế nhưng, tai họa kép đã giáng xuống đầu K’Song ngay sau đó khi cà phê mất mùa, 2ha chỉ thu được 2,5 tấn càphê nhân, trong khi giá liên tục giảm, giờ chỉ còn 34.000 đồng/kg.
Dù cho giá thấp tới “đáy”, nhưng thu được hạt cà phê nào về, K’Song đều phải bán hết hạt đó, để bớt đi một ngày “lãi mẹ đẻ lãi con”. Và sau một năm đổ mồ hôi, nhà K’Song không còn hạt càphê nào, không biết lấy gì để nuôi con cái ăn học, không một đồng vốn lận lưng cho tương lai.
Nông dân, người nghèo chắc còn thắc mắc rất nhiều, rằng: Vì sao khi nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ đáp ứng được phân nửa nhu cầu vay vốn, mà tỉ lệ tăng trưởng tín dụng lại cao. Và nợ xấu cũng như vậy: “Rất ít, rất thấp” phải là vấn đề, chứ không thể coi là thành tích của ngân hàng ở những nơi có nhiều người nghèo nhất.
Vì thế, cái tam đoạn luận của Thống đốc, bên cạnh kết cục trách nhiệm trả nợ “rất có trách nhiệm” của người vay, còn phải là trách nhiệm của những người giữ tiền đang để xảy ra tình trạng: Người nghèo lại hoàn nghèo sau một năm đổ mồ hôi, vì không thể vay được nguồn vốn ngân hàng lẽ ra phải ưu tiên dành cho họ.
Theo Lao động

Tỷ giá USD/VND: Lịch sử đang lặp lại


Ngân hàng Nhà nước vẫn đang “đỡ” tỷ giá USD/VND trong mùa cao điểm chuyển đổi, để gián tiếp hỗ trợ cho xuất khẩu.

Thị trường ngoại hối đang đón cái Tết thứ ba liên tiếp của cùng một xu hướng.
Sáng nay (23/1), lần đầu tiên trong gần nửa năm qua, mức giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại đã chính thức về ngang bằng giá mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Quãng 10h sáng nay, hai đầu mối thanh toán xuất nhập khẩu lớn là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đều lần lượt hạ tiếp giá USD trên biểu niêm yết.
Theo đó, lần đầu tiên trong gần nửa năm qua, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại mới giảm về mức 21.100 VND. Dù rất ổn định suốt thời gian qua, dù mức giảm không lớn, nhưng diễn biến này là đáng chú ý trên thị trường ngoại hối cận Tết Nguyên đán, cũng như khởi đầu của năm 2014. Đó là các ngân hàng đã chính thức rút tỷ giá về ngang mức mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Diễn biến trên cho thấy cung ngoại tệ đang tăng trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước đang mua vào ngoại tệ nhiều hơn và cũng là người cầm chịch diễn biến của tỷ giá.
Lãnh đạo chuyên trách của Vietcombank cho VnEconomy biết, liên tục từ đầu tháng 1/2014 đến nay, đầu mối này đều đặn bán ròng ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước; quy mô bán có tuần lên tới trên 200 triệu USD.
Lãnh đạo quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận, đây là khoảng thời gian cơ quan này mua vào mạnh và gia tăng nguồn lực dự trữ ngoại hối. Mức độ mua vào được ông so sánh với những kỳ cao điểm trước Tết Nguyên đán 2012 và 2013.
Lịch sử đang lặp lại. Xu hướng chuyển đổi USD sang VND thể hiện rõ cận Tết hai năm trước. Riêng quý 1/2013, mức độ mua vào của Ngân hàng Nhà nước là rất lớn, ước tính tới khoảng 3 tỷ USD.
Cận Tết năm nay, cả thành viên thị trường và lãnh đạo chuyên trách Ngân hàng Nhà nước đều chung ghi nhận, ngoại tệ trên liên ngân hàng dồi dào, thậm chí có cả tình huống Ngân hàng Nhà nước xem xét hạ giá mua vào. Tuy nhiên, mức giá mua vào 21.100 VND của Sở Giao dịch vẫn được giữ nguyên, được giải thích ở khía cạnh giữ ổn định thị trường, kích thích gia tăng dự trữ ngoại hối và đặc biệt là “đỡ” tỷ giá để tránh một sự sụt giảm mạnh hơn mà ảnh hưởng bất lợi tới xuất khẩu.
Như đề cập ở bài viết trước, có nhiều nguyên nhân và yếu tố đang tác động đến tỷ giá USD/VND, riêng những ngày này nổi bật là yếu tố mùa vụ; người dân và đặc biệt là các doanh nghiệp chuyển đổi vốn phục vụ nhu cầu thanh toán, chi trả lương thưởng dịp Tết.
Khớp với nhu cầu đó, trên thị trường liên ngân hàng những ngày gần đây, giá USD giao dịch ở mức khá thấp, ở khoảng 21.085 – 21.090 VND; trạng thái thấp hơn giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước đã kéo dài từ đầu 2014 đến nay. Nguồn cung VND khan hơn và nhu cầu tăng lên đẩy lãi suất trên thị trường này tăng khá mạnh. Như trong ngày 22/1, lãi suất qua đêm tăng tới 1,2%/năm, lên 5,2%/năm.
Như vậy, một lần nữa, lịch sử đang lặp lại trên thị trường ngoại hối, thể hiện ở diễn biến của tỷ giá USD/VND, xu hướng chuyển đổi và hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước. Những diễn biến này sẽ tiếp tục thể hiện trong những phiên giao dịch cuối tuần này và đầu tuần tới để bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo VnEconomy

Hơn nửa ngành quản lý quỹ đang lỗ lũy kế

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đầu tuần này đã đưa ra danh sách cập nhật tình hình hoạt động của 47 công ty quản lý quỹ, trong đó có 7 công ty đã ngừng hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc bị kiểm soát đặc biệt. Nhưng ngay cả trong số 40 công ty hoạt động bình thường còn lại mà UBCK liệt kê, có tới 23 công ty đang có lỗ lũy kế, thậm chí lỗ lũy kế rất lớn.

Tình trạng lỗ được thống kê theo báo cáo gần nhất được công bố trên website của các công ty, chủ yếu là tính đến cuối QIII/2013 hoặc tính đến bán niên 2013.

Trong những công ty này có cả hai cái tên phổ biến trên thị trường là QLQ Manulife Việt Nam và Vinawealth. QLQ Manulife Việt Nam tính đến 30/9/2013 đã lỗ lũy kế 25 tỷ đồng trên vốn điều lệ 53 tỷ đồng, trong khi đó, Vinawealth tính đến 30/6/2013 lỗ lũy kế tận 26,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ xấp xỉ 40 tỷ đồng.
21 công ty còn lại chủ yếu là những công ty quy mô nhỏ, không có mấy tiếng tăm trên thị trường kinh doanh quản lý quỹ. Và cũng một phần lớn trong số này dường như càng kinh doanh lại càng lỗ.
2 công ty lỗ gần hết vốn điều lệ là QLQ Đối tác Toàn cầu và QLQ Sao Vàng. Cụ thể, tính đến 30/6/2013, QLQ Đối tác Toàn cầu lỗ lũy kế 41,4 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 50 tỷ đồng. QLQ Sao Vàng tính đến 30/6/2013 lỗ lũy kế gần 20 tỷ đồng trên vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Tuy nhiên cả hai công ty này đều đã được bán lại cho chủ mới trong năm 2013 và hầu như đang bắt đầu lại hoạt động kinh doanh của mình.
6 công ty lỗ lũy kế nửa vốn điều lệ là QLQ SGI (tính đến 31/12/2012), QLQ Hợp Lực Việt Nam, QLQ Đầu tư chứng khoán Phú Hưng và QLQ Sài Gòn (tính đến 30/6/2013), QLQ VIPC (tính đến 30/9/2013) và QLQ Đầu tư An Phát (tính đến 31/12/2013).
Riêng QLQ Đầu tư SGI, theo số liệu gần nhất, có thể tải được trên website của Công ty vào ngày 31/12/2012, đã lỗ lũy kế hơn 35 tỷ đồng, chiếm 2/3 số vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Riêng trong năm 2012, Công ty lỗ 190 triệu đồng. Hiện website của công ty đang trong quá trình xây dựng lại.
Cả 4 công ty QLQ Hợp Lực Việt Nam, QLQ Phú Hưng, QLQ An Phát và QLQ VIPC đều không có một đồng doanh thu nào từ hoạt động kinh doanh, và đều cùng tiếp tục lỗ nặng thêm từ 800 triệu đồng – 1,4 tỷ đồng trong kỳ báo cáo.
Chỉ duy nhất QLQ Sài Gòn đã tạm cải thiện hoạt động trong 6 tháng đầu năm với lợi nhuận 2,4 tỷ đồng, giúp giảm số lỗ lũy kế xuống 18,2 tỷ đồng trên vốn điều lệ 43,8 tỷ đồng.
7 công ty lỗ lũy kế 1/3 vốn điều lệ là QLQ Đầu tư chứng khoán An Bình, QLQ Đầu tư chứng khoán An Phúc và QLQ Thăng Long (tính đến 30/9/2013), QLQ Quốc Tế, QLQ Việt Tín, QLQ Đầu tư chứng khoán Thái Dương và QLQ Đầu tư chứng khoán Đông Á (tính đến 30/6/2013).
Trong số này cũng chỉ có duy nhất 1 công ty là QLQ Thăng Long đã tạm thời cải thiện với khoản lãi 943 triệu đồng trong 9 tháng đầu năm 2013.
QLQ An Bình trong 9 tháng đã lỗ thêm gần 1 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế của Công ty lên 9,5 tỷ đồng trên vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Đồng cảnh ngộ, QLQ An Phúc lỗ thêm 3,5 tỷ đồng trong cùng thời gian.
QLQ Đông Á lỗ thêm 2,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2013, nâng lỗ lũy kế lên 9,6 tỷ đồng, QLQ Thái Dương lỗ thêm 1,1 tỷ đồng, QLQ Việt Tín lỗ thêm 757 triệu đồng và cũng không thu được đồng doanh thu nào trong kỳ. Cũng trong thời gian này, QLQ Quốc Tế lỗ thêm 60 triệu đồng.
6 công ty đang lỗ lũy kế nhẹ hơn là QLQ Đầu tư chứng khoán Phương Đông (tính đến 31/12/2013),  QLQ Việt Cát, QLQ Kỹ Thương (tính đến 30/9/2013), QLQ Đầu tư chứng khoán Việt Long, QLQ Lộc Việt và QLQ Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (tính đến 30/6/2013).
Trong những công ty này có những công ty vẫn làm ăn có lãi trong năm 2013, nhưng đã đột ngột suy giảm kết quả kinh doanh trong các kỳ báo cáo 2013. QLQ Kỹ Thương trong 9 tháng đã lỗ nặng tận 5,6 tỷ đồng, khiến Công ty lỗ lũy kế hơn 3 tỷ đồng tính đến 30/9/2013. Tương tự, QLQ Việt Cát lỗ 1,4 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2013 và QLQ Sài Gòn – Hà Nội lỗ 2,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013 khiến hai công ty chuyển từ có lãi thành lỗ lũy kế.
Ngược lại, QLQ Việt Long lại cải thiện đáng kể trong nửa đầu năm 2013 với khoản lãi 3 tỷ đồng, giúp giảm lỗ lũy kế xuống 7,86 tỷ đồng.
Còn lại QLQ Đầu tư chứng khoán Phương Đông và QLQ Lộc Việt là những công ty tiếp tục lỗ thêm trong các kỳ báo cáo gần nhất.
Theo Đầu tư chứng khoán

Vài suy nghĩ về Biển Đông


Không quốc gia nào có kinh nghiệm nhiều với Trung Quốc như Việt Nam. Thể giới có thể học được gì từ kinh nghiêm của Việt Nam? Ngược lại, Việt Nam có thể học được gì từ thế giới và các nước trong khu vực về cách đề cập tình trạng của ngày nay? Đối với Việt Nam, việc duy trì một quan hệ ổn định và thân thiện tối thiểu với Bắc Kinh đã và đang đặt ra những thách thức khó khăn và không ngừng nghỉ.
Từ trước đến nay, dù nghĩ gì về Trung Quốc và dù bị Trung Quốc cái đó cái kia, hai nước Việt-Hán đã và sẽ tồn tại cạnh nhau. Các lãnh đạo của Việt Nam đã biết từ đầu rằng trở thành kẻ thù của một quốc gia có nguồn lực khổng lồ là không khôn khéo. Song, từ trước đến nay, dân Việt Nam không bao giờ hy sinh quyền lợi chính đáng của đất nước. Nếu có thì mất nước ngay.
Chúng ta cần xác định rõ, Việt Nam và toàn khu vực cần và hưởng lợi từ một mối quan hệ ổn định và hòa bình với Bắc Kinh. Dù vậy, toàn khu vực và toàn công đồng Thái Bình Dương đang đối mặt với một hoàn cảnh báo động xuất phát từ việc Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông.
Vấn đề đặt ra là Hà Nội và toàn công đồng quốc tế có thể làm gì khi những đòi hỏi từ Bắc Kinh ngày càng trở nên không thể đáp ứng nổi? Khi chiều hướng và cách hành xử của các ngài ở Bắc Kinh là chà đạp luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền và quyền lợi của các quốc gia láng giểng một cách trắng trợn như vậy? Đây chính là vị trí không thoải mái mà Hà Nội đang phải đối mặt ngày hôm nay; một vị trí mà, bất chấp nguồn gốc xác thực của nó, và bất chấp phương châm “bốn tốt, 16 chữ vàng” vẫn phải đối mặt và đề cập. Đúng chuyện này không chỉ là riêng của lãnh đạo Việt Nam mà của cả Châu Á Thái Bình Dưong.


Chuyện không thế nào chấp nhận được

Xin nhắc lại, trong những thập kỷ 70, 80, 90 Bắc Kinh đã lấy những biển đảo thuộc chủ quyền chính đáng của Việt Nam từ lâu một cách bạo động và hoàn toàn bất hợp pháp. Và xin nhắc lại, trong những năm găn đây, Bắc Kinh đã tuyến bố một cách hoàn toàn bất chính đáng là hầu hết lãnh thổ trong Biển Đông Nam Á thuộc chủ quyền của họ. Gần đây nhất, trong mấy tuần vừa rồi, chính quyền Trung Quốc ở Hải Nam và ở Bắc Kinh đã công bố ý định của họ là thực thi những tuyên bố chủ quyền không hợp lệ trên gần như toàn bộ khu vực biển Đông. Khu vực được đề cập đến trong những tuyên bố không có thật này bao gồm những hòn đảo và mỏm đá đang tranh chấp, một phần đặc khu kinh tế 200 hải lý của các quốc gia lân bang, và vùng biển quốc tế. Tuyên bố rằng tất cả những tàu đánh cá không phải của Trung Quốc đều phải xin phép chính quyền Trung Quốc để được hoạt động tại vùng biển quốc tế là hoàn toàn bất hợp pháp. Như nhiều nhà phan tích đã nêu rõ, nếu tuyên bố này được thực thi, điều này tương đương với cướp biển nhà nước.
Đối với Việt Nam, Philippine, và các nước khác, sự từ chối ngầm của Bắc Kinh đối với những tranh chấp về đảo, mỏm đá, và biển là hết sức đáng tiếc cũng như là bất hợp pháp. Song, khẳng định thế không thể nào giúp Việt Nam tìm được một giải pháp. Vậy giải pháp ở đâu?
Trong một kịch bản tốt nhất có thể thì Bắc Kinh sẽ dần rút lại những tuyên bố ngoại cỡ của mình và làm việc hướng tới một thỏa thuận đa phương trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và vì thịnh vượng của khu vực.
Rất tiếc là vào lúc này có vẻ rất khó tưởng tượng một thay đổi như thế. Hiện nay, không có quốc gia nào có thể một mình thuyết phục Bắc Kinh ứng xử hợp lý hơn, và tuân thủ luật pháp hơn trong hành vi của mình. Vì thế có nhiều người cho rằng đã đến lúc phải có một nỗ lực có sự phối hợp của nhiều quốc gia, bất chấp sự khăng khăng của Bắc Kinh rằng thương thảo đơn phương là đủ để giải quyết vấn đề. Theo quan điểm này, trong tình trạng hiện này, thương thảo đơn phương không phù hơp khi toàn khu vực đang bị đe dọa.
Hãy quay lại với Hà Nội. Lãnh đạo Việt Nam có thể làm gì, khi họ phải đối mặt với những tuyên bố vô lý từ bên ngoài và những đòi hỏi ngày càng tăng của người dân trong nước đòi lên tiếng? Trong quá khứ, Việt Nam đã phải luôn luôn đối phó với nước hàng xóm hung hăng một mình, qua những cuộc thương thảo bí mật và bắt tay cá nhân, thậm chí không có sự tham gia của ngành ngoại giao Việt Nam. Trong lúc mà con ruột của Nguyễn Cơ Thạch đang ngồi ghế Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, trong lúc mà những quan hệ quốc tế của Việt Nam đã phát triển rất mạnh, thời đại của những bí mật và dọa dẫm đã đi vào quá khứ chưa? Câu trả lời, phải nói, là chưa rõ.
Dù muốn tìm hiểu những thách thức chung của Hà Nội và các nước trong khu vực về quan hệ quốc tế với Bắc Kinh, cũngh phải thừa nhận vị trí của Việt Nam, ngay bên cạnh Trung Quốc, tất nhiên có những bảo hàm đặc biệt, cũng như sự phức tạp trong nội bộ Đảng Công Sản Việt Nam đối với Trung Hoa. Từ bên ngoài, những dân thường rất khó nắm bắt những quan điểm, phương án đạng được bàn luận ở Hà Nội hiện nay. Vì thế, đến bây giờ, rất khó cho bất cứ ai cả để hiểu sâu về những vấn đề cụ thể, đặc biệt trong bối cảnh những cuộc thảo luận công khai về hồ sơ Biển Đông gần như bị cấm.
Thông điệp chính thức rõ nhất về chiến lược khư vực của Việt Nam lại chưa rõ lắm. Rất có thể đó là bài phát biểu của Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Shangri-la vào năm ngoái ở Singapore. Trong dịp đó, Thủ tướng đã phát biểu một cách hùng hồn với các nhà lãnh đạo khu vực về sự cần thiết cho một kỷ nguyên của “niềm tin chiến lược”. Mặt khác, đối với những người ngoài khu vực Đông Nam Á, và thậm chí những người trong khu vực có đầu óc hoài nghi, ‘chiến lược’ này nghe có vẻ mơ hồ, không khác gì sự kêu gọi một tình hàng xóm láng giềng hòa thuận. Có chăng là, bốn chữ ‘niềm tin chiến lược’ phản ánh nhận thức của Hà Nội và toàn thế giới cần có một tình thế cả tôn trọng lẫn giữ thể diện mà không biện hộ đối với Bắc Kinh trước mặt những căng thẳng trong khu vực đang leo thang. Ngôn ngữ ngoại giao là như thế.
Dạo này, ta cũng có thể hỏi, ‘niềm tin chiến lược’ của Việt Nam sẽ có nghĩa gì khi nó hoàn toàn đối ngược với chủ trương “sự không rõ ràng chiến lược” (strategic uncertainty) và hành vi đế quốc mà Trung Quốc đang áp dụng ở mọi lĩnh vực và nhất là ở trên biển? Nếu sự tin tưởng đã mất thì chiến lược sẽ ra sao?
Toàn thể giới nhìn rõ ràng rằng những căng thẳng đang bộc lộ xung quanh vấn đề vùng biển Đông Nam Á chủ yếu là do những hành động đáng lo ngại của Bắc Kinh gây ra. Nếu đây là điều mà Bắc Kinh cho là “sự trổi dậy hòa bình”, chúng ta đều có nhiều lý do để lo lắng nữa.
Làm sao giúp Bắc Kinh nhìn thấy và nhận thức những điều này và thay đổi đường lối? Không có cách nào dễ dàng cả. Dù Hà Nội có lên án tuyên bố bất chính đáng của Trung Quốc về việc ‘phải xin phép đánh cá,’ một phản ứng như thế rất khó có thể có hiệu quả.
Đúng vậy, dạo này càng nghe những người hỏi, làm sao để Bắc Kinh phải đối mặt với một diễn đàn đa phương? Hoặc các quốc gia Thái Bình Duơng hợp lực thúc ép Trung Quốc chịu quyết định của toà án quốc tế. Xin nhấn mạnh, mục tiêu chẳng phải là ngăn chận lại Trung Quốc, mà là sống trên một thể giới với tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định, hợp pháp. Thế thôi.
Để đề cập vấn đề một cách thực tiễn đã có một số người cho rằng Hà Nội nên hoán đổi những nhận định khó có thể phòng vệ như “chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể bàn cãi” và “tất cả những hoạt động nước ngoài trên những khu vực này nếu không có sự chấp thuận của Việt Nam là trái phép và vô căn cứ” sang một chính sách rõ ràng hơn để thu thập sự ủng hộ rộng lớn hơn từ những nhà họ giả trong khu vực Động Nam Á hoặc bên ngoài, tạo nền tảng cho một chính sách chung cho các nước Đông Nam Á và khu vực.
Liên quan đến nó, có quan điểm là trước khi đề cập đến những đòi hỏi bất chính đáng của Bắc Kinh, Việt Nam phải sớm giải quyết những tranh chấp với Philippine, Malaysia, v.v. trước đã. Cũng có nhiều người khuyên nên đem vấn đề này đến UNCLOS, một hiệp định mà Bắc Kinh đang loan báo sẽ rút khỏi nếu bị tiếp tục lên án. Và có rất nhiều dân thường ở Việt Nam đã và đang muốn đống một vài trò tích cực để bảo vệ đất nước. Dù tôi không ửng hộ việc không cho dân bày tỏ vọng sự quan tâm của họ, tôi hy vọng dân thường Việt Nam hiểu phải tránh những hành vi chủ nghĩa quốc gia cực đoan như ta thấy ở một số nước.
Nếu những phương nêu trên chưa hấp dẫn, còn có những bước đi khác nữa. Có người cho rằng Hà Nội nên tỏ rõ với Bắc Kinh rằng họ sẽ không bắt tay hợp tác quân sự với bất kì quốc gia nào gây bất lợi cho những mối bận tâm chính đáng của Bắc Kinh (như đòi chủ quyền trên gần hết Biển Đông Nam Á), nhưng Hà Nội sẽ sẵn sàng hỗ trợ hay tham gia các liên minh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bao gồm sử dụng hoà bình lãnh thổ hàng hải quốc tế trong khu vực. Để đầy mạnh mục tiêu đó, Hà Nôi nên phát triển mạnh hơn nữa những mối quan hệ trọng yếu, với Mỹ, Nam Hàn, Nhật, v.v. Đồng thời, tiếp tục nỗ lực nữa để tìm được với Bắc Kinh một giải pháp cả hai bên và các bên khác có thể chấp nhận được; và sẽ giữa hữu nghị và hợp tác toàn diện với điều kiện là không có hậu quả bán nước hay hy sinh những quyền lợi quốc gia.
Chúng ta đang sống trong một thế giới càng ngày càng nhỏ bé hơn. Và toàn khu vực Đông Nam Á Thái Bình Dương đang ở một ngã ba đường. Tuyên bố chủ quyền bất chính đáng về những lãnh thổ biển quốc tế không thể chỉ được xem như là một vấn đề song phương cũng như việc coi quá nhẹ luật quốc tế trong việc tiếp cận tranh chấp khu vực. Toàn công đồng đang bị đê dọa.
Việt Nam là một quốc gia biển. Và dân Việt Nam, cũng như dân ở bán đảo Triều Tiên sẽ sống bên cạnh Trung Quốc mãi. Hỏi tôi, muốn có một vị trí mạnh hơn, Việt Nam nên nỗ lực để theo con đường của Hàn Quốc càng sớm càng tốt. Một nước văn minh, pháp quyền, dân chủ, và có ửng hộ của quốc tế sẽ luôn luôn sống an toàn hơn, tự tin hơn. Khiêu khích, ảo tưởng, mất tính xây dựng? Hy vọng là không.
THEO Jonathan London

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét