Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Dương Chí Dũng, chuyện đằng sau những danh hiệu giả tạo - Thông điệp gửi lại từ cuộc sống- TBT Nguyễn Phú Trọng: Ban Nội chính phải giữ mình cho sạch - Hồ Chí Minh từng đấu tranh đòi có báo chí tư nhân

Dương Chí Dũng, chuyện đằng sau những danh hiệu giả tạo

"Phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta có nhiều khuyết điểm trong việc đề bạt, điều động, bổ nhiệm ông Dũng vào các vị trí công tác mà ông ta đã đảm nhận." Luật gia Nguyễn Trương Tín, Đại học Luật TP.HCM chia sẻ.
 
Vậy là phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử bị cáo Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đã khép lại với mức hình phạt cao nhất là tử hình dành cho bị cáo Dương Chí Dũng.
Có người hỏi tôi với mức án nghiêm khắc như vậy, tội phạm tham nhũng và xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có giảm đi không? Tôi trao đổi rằng số lượng loại tội phạm nào đó tăng hay giảm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, việc xử lý nghiêm khắc những người phạm tội chỉ là một trong những yếu tố đó mà thôi. Trên cơ sở nghiên cứu tổng thể về tội phạm học mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất.
 
Dương Chí Dũng, chuyện đằng sau những danh hiệu giả tạo - Ảnh 1
Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa.

Tội phạm tham nhũng và tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội ngày càng tinh vi và phức tạp. Thông qua vụ án Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác, công tác cán bộ, quản lý vốn nhà nước, thi đua, khen thưởng cần được đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc. Nếu không khắc phục được những khuyết điểm về các công tác này thì hệ lụy tiêu cực cho xã hội sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Sai càng nhiều càng lên chức

Như báo chí đã đưa tin, trước khi làm lãnh đạo ở Vinalines, ông Dũng đã từng quản lý Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco) và công ty này đã thua lỗ nặng. Tháng 8/2005, ông Dũng được bổ nhiệm vào chức Tổng giám đốc Vinalines, đến tháng 7/2011 được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.
 
Bên cạnh đó, ông Dũng còn được bầu làm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy Vinalines. Đến đầu tháng 2/2012, sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, ông Dũng được điều động, bổ nhiệm vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
 
Dương Chí Dũng, chuyện đằng sau những danh hiệu giả tạo - Ảnh 2
Dương Chí Dũng nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ Cục trường Cục Hàng hải VN 
 
Việc sai phạm của ông Dũng như thế nào đã được mổ xẻ trong phiên tòa sơ thẩm vừa qua và sẽ được tiếp tục làm sáng tỏ trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Nếu sai phạm của ông Dũng đúng như nhận định của bản án sơ thẩm thì chúng ta cần xem lại cơ chế đề bạt, điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Dũng nói riêng và công tác cán bộ nói chung, để rút kinh nghiệm và khắc phục trong tương lai.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta có nhiều khuyết điểm trong việc đề bạt, điều động, bổ nhiệm ông Dũng vào các vị trí công tác mà ông ta đã đảm nhận. Dùng phương pháp suy luận ngược và sử dụng mệnh đề “nếu… thì…” ta có: “Nếu làm tốt công tác cán bộ đối với ông Dũng thì hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra như ngày hôm nay”. Mỗi một sai lầm chúng ta đều phải trả giá, cho dù sai lầm đó ở mức độ lớn hay nhỏ. 

Trước khi được bổ nhiệm vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, theo như lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời báo chí thì ông Dũng đều hoàn thành tốt công việc, không có sai phạm gì. Câu hỏi đặt ra là thật sự ông Dũng đều hoàn thành tốt công việc, không có sai phạm gì trong các cương vị mà ông ta đảm trách tại thời điểm trước khi điều động, bổ nhiệm hay không?

Theo quy trình, trước khi đề bạt, điều động, bổ nhiệm cán bộ vào một vị trí nào đó, đặc biệt là sắp xếp họ vào vị trí công tác mới thì phải tìm hiểu kỹ một số nội dung như: ở cương vị cũ anh có hoàn thành tốt công việc chuyên môn hay không, năng lực quản lý của anh như thế nào, đạo đức, lối sống cũng như tinh thần đoàn kết nội bộ ra sao… Không ít trường hợp muốn đề bạt, điều động, bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện thủ tục thăm dò, lấy phiếu tín nhiệm tại cơ quan cũ và cơ quan mới để đảm bảo tính dân chủ.

Trong trường hợp này, Vinalines có nhiều sai phạm trước đó, tại thời điểm bổ nhiệm, Vinalines đang bị thanh tra, ông Dũng có nhiều dấu hiệu sai phạm nhưng lại được quyết định điều động, bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải là sự vội vàng quá mức cần thiết. Và rất may là sau đó, sai phạm của ông Dũng đã được kịp thời phát hiện, xử lý. Nếu không thì trên cương vị mới, không biết là ông ta có thêm sai phạm gì đặc biệt nghiêm trọng nữa không.

Kiến nghị truy trách nhiệmChỉ là hình thức

Vốn nhà nước bị chiếm dụng, bị thất thoát, bị sử dụng không đúng mục đích với số lượng lớn ở Vinalines trong một thời gian dài thì các cơ quan liên quan có chịu trách nhiệm gì không?

Trong các năm bị thua lỗ thì Vinalines đã hạch toán báo cáo đều có lãi, cụ thể năm 2007 lãi 943 tỉ đồng, 2008 lãi 1.272 tỉ đồng, 2009 lãi 342 tỉ đồng, 2010 lãi 114 tỉ đồng. Sau này, thanh tra phát hiện sai phạm rồi chuyển cho cơ quan điều tra, kết luận việc hạch toán lãi trong các năm bị thua lỗ là do sự lừa dối, phù phép của ông Dũng cùng nhiều người khác, nhưng ở đây dấu ấn về trách nhiệm của các chủ thể liên quan đã khá rõ.

Việc để Vinalines phù phép lỗ thành lãi trong các năm làm ăn thật sự thua lỗ là có không ít trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Kiểm toán nhà nước.

Tòa án cấp sơ thẩm đã khẳng định: Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có chức năng quản lý ngành, phối hợp với cơ quan khác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines; còn Bộ Tài Chính là cơ quan quản lý ngành có chức năng cùng cơ quan khác có chức năng giám sát, việc quản lý sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines.

Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sai phạm nếu có. Việc đánh giá và kiến nghị của tòa án cấp sơ thẩm là thuyết phục. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy các kiến nghị đó đôi khi chỉ là hình thức và thường sẽ đi vào quên lãng bởi thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát và thiếu sự quyết liệt cũng như không có cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được kiến nghị.

Theo quy định của pháp luật, Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán tài sản công, kiểm tra chi tiêu, đánh giá báo cáo tài chính các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, giúp tài chính nhà nước minh bạch, hạn chế tham nhũng.

Trong một thời gian dài, ông Dũng cùng các đồng phạm đã sai phạm ở Vinalines thì Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm gì không? Không kiểm toán hay có kiểm toán nhưng do năng lực chuyên môn yếu kém nên không phát hiện được sai phạm, hoặc thiếu trách nhiệm trong việc kiểm toán để dẫn đến sai phạm ngày càng trầm trọng hơn? Mặt khác, thanh tra nhà nước có trách nhiệm gì không trong việc để sai phạm xảy ra trong một thời gian dài ở Vinalines?

Dường như kết luận điều tra của cơ quan điều tra, cáo trạng của viện kiểm sát cũng như bản án sơ thẩm của tòa án không hề quan tâm đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan này là chưa toàn diện.

Đằng sau những danh hiệu giả tạo

Một trong những cơ sở để đề bạt, điều động, bổ nhiệm ông Dũng vào các vị trí công tác chính là năng lực chuyên môn, năng lực quản lý cũng như đạo đức, lối sống của ông Dũng. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã từng khẳng định rằng: “Trong ngành tất cả các đánh giá cán bộ cuối năm và hàng năm, ông Dũng đều được nhận xét rất tốt”.

Điều đó chứng tỏ rằng hàng năm ông Dũng đều được phân loại, bình xét là chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc về mặt chính quyền, là đảng viên xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ, là đoàn viên công đoàn xuất sắc, là lãnh đạo giỏi… Và cuối cùng, những danh hiệu ấy đều là những thứ giả tạo, do lừa dối hoặc do sự áp đặt quyền lực mà có.

Nếu vậy thì có phải ông Dũng quá tài giỏi khi lừa dối, qua mặt cả tập thể Vinalines; lừa dối, qua mặt cả cấp trên của mình; lừa dối, qua mặt cả các tổ chức chính trị, đoàn thể khác; lừa dối, qua mặt cả Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước… để có được những danh hiệu hảo huyền ấy và từ những danh hiệu đó mà lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải lấy làm cơ sở cho việc đề bạt, điều động, bổ nhiệm ông Dũng vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải?

Hoặc là vì cả nể nhau, sợ bị trù dập, hay chấp nhận cảnh “sống chung với lũ” mà những người biết sai phạm của ông Dũng nhưng không dám nói thẳng, không dám đấu tranh chống tiêu cực. 

Hoặc những người biết sai phạm của ông Dũng nhưng không nói lên sự thật bởi lẽ chính họ cũng có lợi trong việc im lặng dẫn đến năm nào ông Dũng cũng được đánh giá là hoàn thành rất tốt nhiệm vụ. 

Ở một khía cạnh khác, việc ông Dũng hoàn thành rất tốt công việc hằng năm không loại trừ có sự "độ lượng" từ... cấp trên.

Trong khi đó, Vinalines làm ăn thua lỗ triền miên, phải được Bộ Tài chính cho phép giảm khấu hao, chênh lệch tỷ giá được phân bổ giãn ra, là điền kiện để ông Dũng cùng các bị cáo khác báo cáo cơ quan cấp trên và cơ quan có thẩm quyền là có lãi nhưng thực chất thì các năm đều làm ăn bị thua lỗ.

Mặt khác, nội bộ Vinalines có mâu thuẫn, mất đoàn kết trầm trọng nhưng ông Dũng vẫn được đánh giá hàng năm là rất tốt nên được đề bạt, điều động, bổ nhiệm vào những chức vụ cao trong cơ quan Đảng cũng như Nhà nước.

Trên đây là những bình luận, phân tích bước đầu của chúng tôi hậu phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Chí Dũng cùng đồng phạm. Xử lý nghiêm đối với tội phạm tham nhũng cũng như tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là một hướng đi đúng theo quan điểm của Đảng và Nhà nước. 

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nghiên cứu cội nguồn, nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến sai phạm để có những giải pháp phù hợp trong công cuộc phòng, chống tham nhũng mà toàn thể dân tộc Việt Nam đang mong đợi.

Bản thân người viết cho rằng công tác cán bộ, công tác quản lý vốn nhà nước, công tác thi đua, khen thưởng là những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết trong công cuộc phòng, chống tham nhũng bên cạnh những hình phạt thích đáng cho những ai xem thường pháp luật, vì đồng tiền, vì tư lợi bất chính mà quên đi những trọng trách cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.

Nếu chúng ta không tìm ra được những nguyên nhân cốt lõi, những khuyết tật đích thực để giải quyết thì cho dù mức án cao nhất là hình phạt tử hình cũng chỉ giải quyết được hiện tượng chứ bản chất của vấn đề vẫn không bị thay đổi.
(Một Thế Giới)

Thông điệp gửi lại từ cuộc sống

Dương Tự Trọng đang bị lôi ra trước vành móng ngựa
Tin tức từ đại án tham nhũng chỉ xác nhận lại những gì bàn dân nói đến một hiện trạng sống của quan chức đem công quỹ đánh bạc, đút lót tới hàng triệu USD. Hiện trạng xì ra tại một phiên tòa xử, đến nhanh hơn mọi lời đồn thổi từ nhiều năm nay, rất trần trụi, trắng trợn, thực ra với những người suy ngẫm nhiều về đất nước này, ngán ngẩm tới nỗi chẳng còn gì để nói. Nhưng với số tín đồ ngước mắt nhìn lên bục giảng, tin công bố đánh thức họ lờ mờ vỡ vạc ra điều gì về sự sa đọa của nhóm người ở tầng cao hơn mình không sao tiếp cận nổi đang hùa nhau ăn theo, ở tầng cao nhất phát động ngày càng nhiều đợt giáo dục quần chúng “sống, chiến đấu lao động và học tập theo”. Tập thể cấp cao ăn theo, họ cần một nhà nguyện để đọc kinh giả tảng, và bây giờ đất dưới bục giảng của một vài vị pháp sư rùng rùng vỡ lở, đó là nội dung thông điệp. Thông điệp từ vụ án Dương Chí Dũng gửi xã hội mang hiệu ứng domino.

Một hiệu ứng domino đổ theo hướng về bất lương, và táng tận.
Ngay lập tức trên báo chính thống có những bài viết lập luận về “lý”“tình”. Người viết viện dẫn bình luận của Khổng Tử trong Tứ Thư. Căn cứ vào những hàm ý gửi gắm, ta sẽ có hình ảnh ông Dương Tự Trọng sa vào vòng lao lý vì trọng chữ “nghĩa” và bởi sống rất có “tình”, mà “pháp luật vốn rất vô tình”. Các bình luận ở dưới bài báo, dĩ nhiên qua sàng lọc, thật ngạc nhiên, đồng thanh bày tỏ tình cảm chí thiết với con người “bổn phận với nước nhà anh luôn làm xuất sắc [...] vì tình riêng anh sẵn sàng chịu thiệt thân để cứu anh. Người như vậy tuy phạm tội nhưng đầy nhân cách”.

Tờ Petrotimes của ông Nguyễn Như Phong cho đăng bài của Hoàng Chiến Thắng, còn dành những lời có cánh cho con người “vẹn tài vẹn tâm”, “tính cách có phần nghệ sĩ, sống phóng khoáng”. Tác giả viết: “Với tài năng và sự tận tụy, nhiệt tâm với công việc cùng với danh tiếng vốn có, ông sẽ lại thăng tiến và kỳ vọng giữ những chức vụ quan trọng hơn nữa trong ngành công an”, “[…] ông Trọng, còn đam mê nghệ thuật và thích làm thơ”. Và theo diễn giải của tác giả, ông Trọng chỉ là người sa ngã vì quá trọng chữ “tình”. Petrotimes đăng ý kiến của độc giả về bài báo; chả hiểu sao bài báo này đã khiến độc giả lã chã nước mắt bày tỏ lòng cảm phục và kính trọng đối với ông Dương Tự Trọng. Người đọc coi ông là tấm gương và sẵn sàng làm như vậy trong hoàn cảnh của ông, như thể đều dập chân vẫy chào ông hẹn người có nụ cười anh hùng hào sảng sớm quay trở về. Họ cảm phục tác giả thấm đẫm nhân văn, đầy tình cảm và tinh thần vị tha.

Về con người ông Dương Tự Trọng, tôi không phản bác các ứng xử vị tình của ông nếu như ông chỉ một mình đưa anh đi chạy trốn và chịu đựng hậu quả. Vượt ra phạm vi đó, huy động cả bộ máy công quyền thừa hành vào việc giúp đào thoát là sự lạm dụng quyền lực, do đó là hành vi phạm pháp, ở nhà nước văn minh nào cũng bị truy tố vậy thôi. Hơn nữa điều hành người xã hội đen vào cuộc, càng không thể chấp nhận nổi, bởi ở các quốc gia thực sự là nhà nước pháp quyền, các cơ quan điều tra cấm chỉ nhân viên quan hệ chén chú chén anh với các loại đầu gấu, xã hội đen. Người ta đã cười về sự vị tình vô nguyên tắc, từ tình “anh em”, tình “đồng chí”, không một rào cản lụy ngay vào tình “đồng bọn”“đồng đảng”. Những hành động vượt rào của viên sĩ quan công an, tự nó bôi xóa lên, màu gì thì khỏi phải nói, cái “vẹn đức vẹn tài” mà tác giả Hoàng Chiến Thắng và độc giả Petrotimes ca ngợi.

Lẽ nào có sự mâu thuẫn không thể khắc phục được giữa tình và lý. Hay đặt vấn đề theo một cách khác: sự tận tâm đối với pháp luật sẽ bắt buộc mọi người có nghĩa vụ tuân thủ đều phải hy sinh nhiều hoặc tất cả những gì thuộc về đạo đức?

Chúng ta nên nhớ đạo lý làm người ở Tứ Thư, các bộ luật và bộ máy tư pháp của nhà nước phong kiến thời Hồng Đức, cũng như của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều không đáp ứng được chuẩn mực của một nhà nước dân sự - pháp quyền. Tùy mức độ thân thế và huyết thống, chuẩn mực đạo lý nó tùy nghi cho cách diễn giải và đánh giá khác nhau. Tùy vị trí quyền lực và tiền tài, các điều luật ở các nhà nước quân chủ chuyên chế và chuyên chính vô sản, hay cộng sản chỉ là một tên gọi khác, được áp dụng tùy tiện một cách hà khắc hoặc nương nhẹ khác nhau. Giống nhau là ở chỗ các nhà nước ấy chối từ quyền bình đẳng cho mọi người dân. Chỉ có vua quan hay lãnh đạo, công chức bên trên và đám đông bên dưới còn lại là thần dân, không hơn, không kém. Bộ luật và bộ máy thi hành pháp luật ở hai thể chế luôn có bản song trùng đi kèm, mang tính nước đôi, giống nhau trong bản chất ở tính độc đoán. Cho nên ta không ngạc nhiên những ngày tiếp sau đây, bộ máy tư pháp, công an hóa đến tận chân răng, sẽ còn loay hoay với việc khởi tố vị Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, bởi hàng năm nay Đảng vẫn còn chưa tìm ra danh tính, diện mạo đồng chí X. Bộ Chính trị từ khi ra đời đóng thay vai trò Tòa án Hiến pháp, ngay sau Hội nghị trung ương VI, đã thống thiết đề nghị một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị mãi mà vẫn không được Ban Chấp hành Trung ương chuẩn thuận.

Các bài báo trên với cách dẫn giải và các ý kiến bình luận được đăng tải, rất thiếu lý lẽ thuyết phục. Nội dung dẫn giải và cả bình luận của độc giả trên báo chính thống cùng loại trừ hai yếu tố pháp quyền và công dân, hơn nữa đều tố giác một sự thực đau đớn: Nhà nước Việt Nam hiện nay không phải là nhà nước pháp quyền, ý thức người dân Việt Nam về quyền và trách nhiệm công dân của mình chưa chín độ, và người dân Việt Nam chưa trưởng thành, bởi dưới chính quyền 65 năm nay từ chối nhân quyền phổ quát, người dân ta chưa bao giờ được làm công dân thực thụ.

Nhưng nhiều người duy cảm hãy nhớ rằng cái bộ luật Hồng Đức đòi hỏi xử nặng những kẻ tố giác người thân của mình nào có đảm bảo tính nhân văn? Cũng như không thể bừa bãi gọi cách bao che cho nhau vì tình đồng chí là nhân văn được. Xét trong tương quan với một hệ thống khác, pháp luật ở một nhà nước dân chủ - pháp quyền theo mô hình văn minh phương Tây, không triệt tiêu những giá trị thuộc về đạo đức. Một nghi can bị điều tra có quyền từ chối không khai báo gì về thân nhân của mình ở cấp thân quyến nhất (cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng). Điều tra viên hay công an có trách nhiệm phổ biến cho họ về quyền đó, vì điều tra là việc của công an hay cơ quan điều tra. Gặp những trường hợp như vậy, công an/điều tra viên còn khuyên nghi can không nên khai báo về thân nhân của mình. Nếu so sánh như vậy, nền tư pháp của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với thực tế xúi giục con tố cha, vợ tố chồng từ hồi Cải cách ruộng đất vẫn chà đạp quyền công dân tới ngày hôm nay, và trong công tác điều tra, chưa kể bức cung bạo hành, với sự chia rẽ và vùi dập quan hệ gia đình gây nhiều oan khuất, còn phải làm rất nhiều điều hệ trọng mới đảm bảo được tính chính đáng cho một đòi hỏi về đạo đức. Nhưng xét thật sâu xa, khía cạnh đạo đức chỉ được đề cập, nếu như nó đảm bảo sự tham gia bình đẳng cho mọi thành viên xã hội thuộc mọi thành phần và sắc tộc. Vì lẽ đó, nhiều nhà nước dân chủ phân chia các nhánh quyền lực, cạnh bên Hành pháp và Lập pháp (cũng như truyền thông, báo chí) dành một chỗ đứng độc lập cho ngành Tư pháp, nơi công an, với một trong các chức năng là cơ quan điều tra, được phân bổ vị trí thừa hành rất rõ ràng. Viện Công tố chịu trách nhiệm toàn bộ vụ việc từ khâu điều tra khi phát hiện tình tiết cấu thành tội phạm, tới khởi tố, xét xử và thi hành án. Nhất là trong khâu điều tra, Viện Công tố (là Viện Kiểm sát Nhân dân ở Việt Nam hiện nay) có chức năng yêu cầu mọi cơ quan chính quyền và cung cấp thông tin, huy động toàn bộ các cơ quan điều tra như công an, hải quan, cơ quan truy thuế vụ, v.v. vào cuộc. Như vậy, với tư cách là cơ quan điều tra, công an, còn có nhiều chức năng rất cần thiết cho xã hội xin miễn bàn tới ở đây, chỉ được phép hoạt động dưới sự điều hành của Công tố viện. Riêng phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng ở Việt Nam cho ta thấy một bộ máy tư pháp công an hóa đến mức quái gở: tòa xử một sĩ quan công an với đại diện bên công tố (Viện Kiểm sát) đeo hàm sĩ quan công an. Nhân chứng tại tòa khai ra một viên chức cấp cao của Bộ Công an, và sự đưa hối lộ nghi còn dính dáng tới Bộ trưởng Bộ Công an. Kết thúc phiên tòa, thẩm phán ngồi ghế chủ tọa đã kết án Dương Tự Trọng bằng một bản án nghiêm khắc nghiêng theo một "quyết tâm chính trị" hơn là luật pháp, và, căn cứ vào tình tiết mới xuất hiện đã làm đơn chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu truy tố bởi nghi vấn (ông Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ) nhận hối lộ và làm lộ bí mật nhà nước.

Động đến cấp lãnh đạo Bộ Công an, "quyết tâm chính trị" sẽ phải chùng xuống vì ở thể chế này, việc truy cứu trách nhiệm ông Ngọ sẽ gặp rất nhiều rào cản. Đơn giản vì người đứng đầu ngành tư pháp Việt Nam hiện nay, hai ông Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đều là tướng cấp cao của ngành công an đưa sang cả. Khả năng công an cao cấp sẽ được hưởng quy chế miễn trừ là rất cao, như thể họ là một “lực lượng lạ” trong lòng dân tộc, vì công an đã có lời thề trung với Đảng, công khai diễn phớ ra phương châm “còn Đảng còn mình”.

Đáng lẽ có thể dân sự hóa ngành tư pháp được đảng hóa và công an hóa toàn thể, và hoàn thiện luật pháp phù hợp với trào lưu văn minh, Hiến pháp sửa đổi vào năm 2013 đã duy trì điều 4, như vậy từ chối nhân quyền và bóp nghẹt những ý kiến đóng góp của nhân sĩ và trí thức mang tính bùng nổ từ cuộc vận động góp ý sửa Hiến pháp 1992, rất quan trọng cho cải cách tư pháp.

Những vòng xoáy từ trước PMU đã tạo lên vòng xoáy to và mạnh mẽ Vinashin và Vinalines tệ hơn ở sức phá hoại. Ông Tổng Bí thư, sau khi giật lại quyền chỉ đạo Ban Nội Chính Trung Ương, lại tiếp tục vận động chỉnh đốn quay vòng và kêu gọi sống theo làm theo. Sự thuyết pháp giả hay thật của ông rồi đó sẽ phù phép ra một vòng xoáy lốc tàn hại khác của tham nhũng. Đằng sau hậu trường bưng bít đang bung xung vì những cuộc đấu đá ở tầng cao nhất, hé từ màn xử Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng, người ta ngửi thấy sặc sụa hơn khí vị của sòng bài.

Thiếu vắng một bước đột phá từ hành động chứ không phải từ lời nói, thực tế thảm hại của nền chính trị Việt Nam sụp đổ không có lý do gì trì hoãn. Bắc Hàn còn có thể trưng mẽ một thủ đô hoành tráng và bom nguyên tử. Trung Quốc có thể phô trương thành tựu kinh tế trong 30 năm qua, và ý Đảng của họ còn chiêu mộ được lòng dân dưới tinh thần của một chủ nghĩa dân tộc hung hãn đến mức phát xít. Việt Nam bốn mươi năm sau cuộc chiến vỗ ngực thắng cuộc không có gì để an ủi nhân dân. Bên một lăng xây, chưa chắc làm mát lòng người nằm trong linh cữu, ngổn ngang một đống những công trình dở dang từ trung ương đến địa phương là sản phẩm của một nền kinh tế vòng vo định hướng giữ manh mối làm giàu bất chính, đang đến hồi vỡ nợ và sạt nghiệp.

Nhiều người nhận định, chính quyền Việt Nam đang tiếp tục chính sách đi dây mạo hiểm giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc và phương Tây. Xét thực tế thi hành chính sách phi dân chủ, nói một đằng làm một nẻo, tôi cho rằng, nhà nước này còn đi dây với Nhân dân nữa, chừng nào người dân bị tước bỏ quyền chủ sở hữu không có chỗ đứng trên ruộng vườn và không có quyền làm công dân tự do biểu lộ ý kiến khác trong ngôi nhà tổ quốc của mình. Họ, những người chưa làm chủ ruộng vườn, xuống đường đòi lại lãnh thổ cha ông bị cướp đoạt, ngày 19.01.2014, thêm một lần bị chính những người đồng bào tiếp tay cho ngoại bang, chính là công an kết hợp với côn đồ, lẽ ra phải bảo vệ cho cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra tốt đẹp, xúm vào quây hành hung và đánh đập.

Thế thì ông Thủ tướng ra cái thông điệp đầu năm với những kêu gọi “đổi mới thể chế, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân” mà làm gì. Thông điệp chỉ đại diện cho lợi ích một nhóm, chà đạp quyền lợi toàn dân, không khác gì các nghị quyết, dứt khoát không bao giờ đi vào cuộc sống. Mặc nhiên đối lại, từ những mối lở loét trên cơ thể của một thể chế phi nhân xì ra nhiều bức bối, cứ như từ những thúc hối, muốn hay không, cuộc sống còn gửi trả lại rất nhiều thông điệp.
Phạm Kỳ Đăng
(Dân luận)

TBT Nguyễn Phú Trọng: Ban Nội chính phải giữ mình cho sạch

Cán bộ, đảng viên Ban Nội chính Trung ương phải gương mẫu đi đầu, giữ cho mình trong sạch, liêm chính, kiên quyết đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng.
Sáng 23/1, tại Hà Nội,làm việc với Ban Nội chính Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của Ban từ khi thành lập đến nay, phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2014 - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh việc tái lập Ban Nội chính Trung ương là nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng; thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước tạo sự chuyển biến mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với các lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh chung với các lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương.
Tổng Bí thư khẳng định Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng đồng thời thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
 
Tổng Bí thư đề nghị cần nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của Ban Nội chính Trung ương, cơ quan tham mưu của Đảng về công tác nội chính, công tác phòng, chống tham nhũng.
 
"Ban Nội chính Trung ương là tai mắt, là bộ óc của Đảng về lĩnh vực này", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
 
Tổng Bí thư yêu cầu cần nắm rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương, là cơ quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất những chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật (trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng); một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và phòng, chống tham nhũng; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính. 
 
Ban Nội chính có nhiệm vụ đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án. 
 
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và những năm tiếp theo, Tổng Bí thư lưu ý Ban Nội chính Trung ương với tư cách là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cần chú ý cả phòng và chống, cả ở Trung ương và địa phương; tiếp tục xem xét, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, trọng điểm; nghiên cứu, đề xuất, chủ trì và phối hợp xây dựng pháp luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng.
 
Tổng Bí thư lưu ý, Ban Nội chính Trung ương phải là cơ quan mẫu mực về các mặt, có quan điểm chính trị tư tưởng vững vàng, nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, tổ chức chặt chẽ, hoạt động nền nếp, đoàn kết thống nhất cao, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. 
 
Cán bộ, đảng viên Ban Nội chính Trung ương phải gương mẫu đi đầu, giữ cho mình trong sạch, liêm chính, tâm huyết, trách nhiệm, say mê, đặc biệt là phải có bản lĩnh, có dũng khí, bảo vệ cái đúng, phê phán bác bỏ cái sai, kiên quyết đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng; có trình độ, hiểu biết toàn diện, nhất là về cơ chế, chính sách.
  (Lược theo TTXVN)

Vụ kêu oan rồi tự vẫn trong trại giam: Ban nội chính yêu cầu làm rõ thương tích của nạn nhân

Chiều 23-1, tại buổi gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Thái Học, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, cho biết
Đã báo cáo Ban Nội chính Trung ương vụ chị Trần Thị Hải Yến (31 tuổi, ngụ thôn Phước Lương, xã An Cư, huyện Tuy An, Phú Yên) chết trong nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An chiều 7-10-2013.
Cũng theo ông Học, trong sáng 23-1, ông đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên phải làm rõ các khiếu nại của gia đình chị Yến về quyết định không khởi tố vụ án hình sự vụ chị Yến tự vẫn, cũng như làm rõ các vết thương trên người chị này.
Theo cha mẹ chị Yến, khi tham gia chứng kiến khám nghiệm tử thi, anh rể chị Yến đã yêu cầu và cơ quan khám nghiệm đã ghi rõ vào biên bản các thương tích trên người nạn nhân: “Có vết bầm trên mặt bên trái và bên phải, một vết bầm trên trán, vết bầm ở môi trên và môi dưới, phía sau đỉnh đầu có một vết sưng to nhô lên, cửa mình có ra máu, đôi bàn chân có vết trầy xước và bầm”. Tuy nhiên, trong kết luận nguyên nhân cái chết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên không đề cập đến các thương tích này mà chỉ nói chết do ngạt cơ học vì treo cổ tự tử. “Phải xem xét gia đình nói các thương tích trên cơ thể Yến như vậy có đúng hay không, trong biên bản giám định pháp y có đúng hay không. Nếu có thì phải làm rõ các thương tích này do đâu, có quan hệ thế nào đối với nguyên nhân gây ra cái chết. Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan CSĐT, VKS phải giải quyết, trả lời” - ông Học nói.
Cũng theo ông Học, hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đang làm rõ việc truy tố, xét xử chị Yến có oan hay không. Do vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên vừa gia hạn thêm hai tháng…
Như chúng tôi đã thông tin, sau khi tòa hủy án sơ thẩm vì không có căn cứ buộc tội, chiều 7-10-2013, Công an huyện Tuy An tống đạt quyết định gia hạn tạm giam đối với chị Yến thì ba tiếng đồng hồ sau chị chết trong buồng tạm giam trong tư thế treo cổ. Sau đó, Công an tỉnh Phú Yên rút hồ sơ lên để điều tra lại.
(PLTP)
 

Xã hội dân sự nhìn từ bạn trẻ trong nước

16-305.jpg
Các Bloggers có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để yêu cầu trả tự do cho những học viên đã đi học xã hội dân sự ở Philippines trở về còn bị tạm giữ hôm 6/10/2013. Citizen photo
Diễn đàn Bạn trẻ có mục đích nối kết tất cả những người Việt Nam trẻ tuổi khắp nơi trên thế giới để cùng nhau bàn luận về những vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam trong hiện tại, nêu lên ý kiến của những người trẻ tuổi về tương lai của một nước Việt Nam mà mọi người đều mong muốn rằng phát triển trong dân chủ và thịnh vượng.

Kính Hòa:Xin chào quý vị khán thính giả cùng các bạn trẻ nghe đài, câu chuyện được chúng tôi thảo luận tại diễn đàn hôm nay là vấn đề các hội nhóm dân sự được thành lập bên trong Việt Nam trong năm vừa qua.

Xin chào tất cả các thính giả của đài Á Châu Tự Do, có mặt tại phòng thu của đài Á Châu Tự Do hôm nay là hai bloggers đến từ Việt Nam là nhà báo Phạm Đoan Trang và anh Nguyễn Anh Tuấn. Xin chào hai bạn.

Đoan Trang: Chào anh Kính Hòa.

Anh Tuấn: Chào anh Kính Hòa và quý vị khán thính giả.

Kính Hòa:Đầu tiên xin hai bạn chia sẻ một chút về chuyến đi có thể gọi là khá dài này ở nước ngoài.

Anh Tuấn: Thưa anh chuyến đi này là nhân sự kiện UPR tức là đợt kiểm định nhân quyền phổ quát sẽ tổ chức tại Geneva. UPR bắt đầu bằng các báo cáo của các nhóm hội trong nước gửi cho Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc và tiếp theo là việc viếng thăm các sứ quán tại Hà nội của các nhóm hội trong nước. Bây giờ chúng tôi đại diện cho các nhóm hội đó có một cuộc vận động, và cuộc vận động này đầu tiên diễn ra ở Mỹ. Mỹ là thành viên của Hội đồng nhân quyền và sẽ tham gia giám sát UPR. Sau khi rời Mỹ thì chúng tôi đến Brussels bên Bỉ để có các cuộc gặp với Nghị viện châu Âu cũng như các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Và cuối cùng thì sẽ dừng chân ở Geneva và tổ chức một sự kiện bên lề là Vietnam Day mời các phái đoàn ngoại giao các nước đến tham gia, cung cấp thông tin cho họ để họ chất vấn chính quyền Việt Nam, và sau cùng sẽ tham gia phiên chất vấn tại trụ sở của Hội đồng nhân quyền.
Nhà nước kiểm soát chặt chẽ

Kính Hòa:Cảm ơn Anh Tuấn. Vừa rồi Tuấn có nói đến các hội nhóm ở Việt Nam. Theo tôi biết thì trong năm 2013 vừa qua có một sự phát triển mạnh của… chúng ta có thể gọi là xã hội dân sự Việt Nam. Các bạn có thể nói rõ hơn về việc này?

Đoan Trang: Khái niệm xã hội dân sự theo tôi thì khá là mới ở Việt Nam, cá nhân tôi nghe nói đến nó vào năm 2006. Những năm gần đây thì nghe rộ lên nhiều trên báo chí nhưng vẫn là truyền thông không chính thống, còn một chính sách nào đấy thực sự của nhà nước để thúc đẩy xã hội dân sự thì chưa có.

Kính Hòa:Tức là Đoan Trang nói về cái luật lập hội ở Việt Nam cho đến bây giờ vẫn chưa ra đời đó phải không?

Đoan Trang: Dạ vâng, Luật lập hội thì nhiều lần đem ra bàn thảo, nâng lên đặt xuống vẫn chưa được thông qua. Ngoài ra còn có các nghị định khác nhằm kiểm soát các tổ chức dân sự ví dụ như nghị định 45. Đó là về mặt luật, còn trên thực tế thì báo chí cũng không được khuyến khích đưa tin, viết bài về xã hội dân sự. Lấy điển hình như tờ báo tôi làm là Pháp luật TP HCM từng bị xử lý vì một bài viết mang tên là “Chung tay xây dựng xã hội dân sự”. Cái tít ấy nó nhạy cảm hay sao đó.

Đó là nói chuyện luật. Trên thực tế ở Việt Nam rất khó nhóm họp lại, khó thành lập tổ chức. Tổ chức dân sự gọi là phi chính phủ ở Việt Nam có rất là nhiều nhưng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước, nhất là các tổ chức có yếu tố nước ngoài, có làm việc với quốc tế. Gần như là có một phận công an riêng để quản lý. Cách quản lý của họ thì tôi cũng không được rõ nhưng đại khái là họ thu thập thông tin về các tổ chức đó, họ tìm hiểu hoạt động của các tổ chức phi chính phủ có yếu tố nước ngoài, khi cần thì cũng gây sức ép này khác.

Đó là các tổ chức phi chính phủ được thành lập có giấy phép. Nhưng từ năm 2011, tại Việt Nam có thêm cái mảng là các tổ chức dân sự thành lập tự phát không có giấy phép gì cả. Ví dụ như một tổ chức khá nổi tiếng trên truyền thông lề trái là Câu lạc bộ bóng đá No-U. Nó ra đời chính thức từ 30/10/2011, nhưng tiền thân của nó là hàng loạt các nhóm hội bí mật thành lập trên Facebook, trong đó có nhóm thành lập vào ngày 10/8/2011 trong một cuộc biểu tình. Anh em bị bắt nhiều quá, những người còn lại hô hào thành lập nhóm để đi tiếp tế. Tôi nghĩ rằng đó là tiền thân của xã hội dân sự theo đúng nghĩa của nó, có nghĩa là tự phát, tự làm việc với nhau, tự thỏa thuận không có sự can thiệp, sự quản lý của nhà nước. Đấy là từ năm 2011, đến giờ thì cái mảng xã hội dân sự ngầm này ngày càng mạnh hơn, đặc biệt là nửa cuối năm 2013 tyhif có rất nhiều nhóm ra đời.

Kính Hòa:Được biết là năm vừa rồi Đoan Trang cũng là một trong những người khởi động nhóm phản bác điều luật 258 của bộ luật hình sự. Theo các bạn thì nhóm 258 có thể được gọi là một hoạt động của xã hội dân sự không?

Đoan Trang: Vâng ạ theo tôi thì nó là một hoạt động của xã hội dân sự tức là nó theo tinh thần tự nguyện đến với nhau, tự thỏa thuận, không có sự quản lý của nhà nước. Nó không phải là cánh tay nối dài của đảng và nhà nước.

Kính Hòa:Theo Tuấn thì hiện nay nhà nước Việt Nam nhìn các nhóm thành lập tự phát này như thế nào?

Anh Tuấn: Như anh đã biết thì những nhà nước theo mô hình toàn trị như Việt Nam thì người ta ái ngại và không khuyến khích những nhóm hội nằm ngoài tầm kiểm soát của người ta.

Kính Hòa:Theo một tổ chức dân sự trong nước là chương trình sách hóa nông thôn thì với tình hình hiện tại, với luật lệ hiện tại thì xã hội dân sự vẫn hoạt động có hiệu quả. Theo hai bạn thì ý đó có chính xác không?

Anh Tuấn: Thưa anh theo tôi nghĩ thì với khuôn khổ pháp lý hiện tại thì một xã hội dân sự đích thực, hoạt động hiệu quả, đạt đầy đủ các tiêu chuẩn của xã hội dân sự đúng nghĩa thì là không có. Trong khuôn khổ pháp lý hiện tại thì mặt dù Hiến pháp đã hiến định quyền lập hội của người dân nhưng luật về lập hội vẫn chưa có, đã 20 lần dự thảo mà vẫn chưa có. Khuông khổ bây giờ vẫn là nghị định 45 với các thủ tục rất rườm rà, đăng ký chẳng những với sở nội vụ địa phương rồi còn với Bộ nội vụ với rất nhiều giấy tờ nhiêu khê.
xhds-250.jpg
Ba bạn trẻ Phạm Trần Quân, Trương Quỳnh Như và Bùi Thị Diện, chụp ảnh tại Philippines khi đang theo học về Xã hội dân sự hồi đầu tháng 10. Citizen photo.
Tôi có biết về nhóm sách hóa nông thôn chổ anh Nguyễn Quang Thạch. Thông thường thì các nhóm hội người ta hay dựa vào tư cách pháp nhân của liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam mà đứng đầu là một ủy viên trung ương đảng. Tức là nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính quyền.

Tôi vẫn tin là nhu cầu hiện nay cần một khuông khổ pháp lý rộng hơn, luật về hội cởi mở hơn, thuận tiện hơn để cho các nhóm hội thành lập và hoạt động.

Kính Hòa:Nhưng mà nếu chúng ta lấy kết quả để đánh giá hiệu quả thì rõ ràng là chương trình sách hóa nông thôn cũng có kết quả của nó, và như vậy thì với tình hình luật lệ hiện tại thì vẫn có thể làm tốt hơn, đúng không?

Anh Tuấn: Tôi nghĩ có hai điểm. Thứ nhất tôi đánh giá rất cao nhóm sách hóa nông thôn và phải nói là họ đạt được những kết quả tuyệt vời, rất nhiều ý nghĩa đối với xã hội Việt Nam. Nhưng mà nếu mình có một khuông khổ pháp lý tốt hơn như luật về các tổ chức phi lợi nhuận như nhiều nước có thì chắc chắn công việc của nhóm sách hóa nông thôn thuận tiện hơn nhiều và kết quả cũng tốt đẹp hơn.

Thứ hai là việc đem sách đến các vùng sâu vùng xa trong tình hình hiện nay thì nó không nhạy cảm như những việc có liên quan đến nhân quyền.

Một xã hội dân sự mà phát triển đầy đủ trọn vẹn thì nó phải bao quát hết các lĩnh vực, chẳng những là khai dân trí mà còn phải cả lĩnh vực nhân quyền, dân quyền. Tôi nghĩ là mình không thể lấy một kết quả cụ thể của việc sách hóa nông thôn để mình để biện minh rằng khuông khổ pháp lý hiện nay đã đầy đủ, dã ổn thỏa, mà mình phải nhìn toàn cảnh hơn là còn nhiều lĩnh vực vẫn còn khuyết những nhóm dân sự được đăng ký và hoạt động trong vòng pháp luật.

Đoan Trang: Tôi cũng đồng ý với Tuấn và cũng muốn bổ sung thêm là khi chúng ta đánh giá một công việc nào đấy thì chúng ta phải dựa vào mục đích của các việc chúng ta làm là gì. Chúng ta có thể nói nó thành công hay không khi chúng ta biết nó đáp ứng bao nhiêu phần trăm cái mục đích chúng ta đề ra.

Là một người quan sát từ bên ngoài thì tôi thấy là công việc phổ cập sách ở nông thôn nó khó thành công, khó tạo được một phong trào đọc sách ở nông thôn, cũng như là phát triển văn hóa đọc ở nông thôn nếu mà nó thiếu sự hổ trợ, một nền tảng tức là nó cần nhiều điều kiện khác, Ví dụ như là muốn cho trẻ con nông thôn đọc sách thì từ lớp một, thậm chí mẩu giáo khi dạy cho trẻ con học chữ cho đến cấp 1 cấp 2 thì thầy cô giáo, nhà trường, đã phải khuyến khích học sinh đọc sách rồi. Những bài thi, kỳ thi phải tự đọc sách thì mới thi được.

Cũng phải xem những đầu sách nữa, chẳng hạn như quyển Trại súc vật mà đưa về (cười) thì chắc là không được khuyến khích rồi.

Thành ra nếu chúng ta nói rằng với khuông khổ pháp luật hiện nay mà đã có xã hội dân sự rồi, chúng ta hài lòng rồi thì tôi thấy không đúng lắm. Chúng ta muốn đi đến tận cùng của vấn đề, muốn cho mọi việc nó có trách nhiệm, đi đến cùng thì chúng ta phải đòi hỏi hơn thế nữa, cần nhiều điều kiện hơn thế nữa.

Kính Hòa:Rất tiếc là do thời gian hạn chế nên câu chuyện của Kính Hòa cùng Đoan Trang và Anh Tuấn tạm dừng tại đây. Xin mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp câu chuyện diễn đàn của ba chúng tôi trong chương trình tuần sau về Các hoạt động dân chủ bên trong Việt nam hiện nay. Xin tạm biệt.

Kính Hòa rất vui mừng đón nhận mọi bạn trẻ Việt Nam từ khắp năm châu tham gia Diễn đàn bạn trẻ. Các bạn có thể gửi yêu cầu tham gia Diễn đàn cùng với địa chỉ email, số điện thoại liên lạc đến kinhhoa@rfa.org hoặc vietweb@rfa.org hay có thể gọi vào hộp thư thoại tại số: 202-530-7775, hoặc liên lạc đến https://www.facebook.com/kinhhoa.rfa Kính Hòa sẽ liên lạc ngay với các bạn.
Tạp chí Diễn Đàn bạn trẻ xin tạm dừng nơi đây. Hẹn gặp lại các bạn vào tuần sau. Kính Hòa chào tạm biệt.
  Kính Hòa, phóng viên RFA 
2014-01-23

Hồ Chí Minh từng đấu tranh đòi có báo chí tư nhân

Hồ Chí Minh từng đấu tranh đòi có báo chí tư nhân và lên án loại báo chí “do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển” 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó chính là nói về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Trong các bản Hiến Pháp của Việt Nam, từ lần đầu năm 1946, cho tới nay, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí vẫn luôn được ghi nhận.
Vậy, báo chí và tự do báo chí theo quan điểm của Hồ Chí Minh là như thế nào?

Trên tay tôi là cuốn sách “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương” do NXB  Sự thật xuất bản năm 1962, gồm các bài viết của tác giả Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) trong những năm 1921-1926. Trong Lời giới thiệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Ban chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng cộng sản VN) ghi rõ như sau: ”Đây là những tài liệu lịch sử vô cùng quý báu đã được Đảng cộng sản Liên Xô giữ gìn chu đáo mấy chục năm nay với tinh thần quốc tế vô sản cao cả và gần đây đã gửi cho Đảng ta”.
Năm 1962 này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang là nhà lãnh đạo cao nhất ở Miền Bắc. Như vậy, có thể khẳng định những bài viết của ông được giới thiệu trong cuốn sách là có thật, khách quan. 
 Trong cuốn sách này có 19 bài viết của Nguyễn Ái Quốc, nội dung đề cập nhiều vấn đề về đời sống xã hội tại Đông Dương trong thời kỳ thuộc Pháp. Như các bài: “Đời sống kinh tế”, “Độc quyền ăn cướp”, “Thuế khóa”, “Chính sách ngu dân”, “Chế độ báo chí”, “Công lý” … Ở đây, tôi muốn nói về bài “Chế độ báo chí”.
Trong bài viết này, thật bất ngờ (vì hiện nay có thấy Nhà nước cho in lại hay nhắc tới đâu), Hồ Chủ Tịch đã mạnh mẽ lên án chế độ báo chí ở Việt Nam thời kỳ giữa thế kỷ XX là “kỳ dị quá đến nỗi khó mà tin được”.
Hồ Chủ Tịch viết: “ Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở các nước châu Âu hay châu Á khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy”.
Qua đoạn viết trên, không cần đến bằng giáo sư tiến sỹ về chủ nghĩa Mác Lê, ai cũng có thể thấy rất rõ quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí như sau:
-         Báo chí phải bao gồm báo do cá nhân thành lập (báo chí tư nhân).
-         Nền báo chí của một quốc gia phải có các tờ báo thuộc nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn học … như ở các nước châu Âu, châu Á khác, “chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng”.
-         Loại “báo do chính quyền thành lập do bọn tay chân điều khiển, chỉ nói chuyện nắng mưa, tán đương những kẻ quyền thế đương thời ….vv” là loại báo chí “đầu độc người ta”. 
Cùng bài viết trên, trong bài “Những yêu sách của nhân nhân Việt Nam” đăng ở trang cuối cuốn sách, Hồ Chí Minh đã “đề đạt” tới chính phủ Pháp những yêu cầu sau:
-         Ân xá toàn thể chính trị phạm Việt Nam.
-         Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
-         Tự do lập hội và tự do hội họp.
Đến nay, sau hơn 40 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, có thể thấy nền tự do báo chí của Việt Nam vẫn chưa được như mong muốn và sự tranh đấu của ông.
Đảng cộng sản Việt Nam không cho phép báo chí tư nhân hoạt động, phải chăng là vì như lời của một cán bộ cấp cao về tư tưởng văn hóa của Đảng từng nói là: “Việt Nam không có nhu cầu báo chí tư nhân”?
Xin được nhắc lại và kính chuyển quan điểm về báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.  
Ghi chú:
Thời điểm viết bài báo trên (1921-1926), Hồ Chí Minh trên 30 tuổi, đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác, biết rõ về nền báo chí ở châu Âu – nơi từ lâu đã có báo tư nhân.
Tháng 7-1921, bản thân Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc) đã tham gia thành lập “Hội liên hiệp thuộc địa”. Hội này đã ra tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria). Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài báo trên các tờ Người cùng khổ, Nhân đạo … - phản đối chính sách, đả phá nhà cầm quyền Pháp rất mạnh mẽ. 
Thời gian năm 1962, ở Miền Nam VN từ lâu đã hình thành nền báo chí tư nhân, phát triển mạnh mẽ, với rất nhiều tờ báo, nhà xuất bản tư nhân hoạt động công khai, hợp pháp. Đặc biệt có cả những tờ báo có tư tưởng phản chiến, thậm chí chống chế độ Sài Gòn …như Tin Sáng, Điện Tín …vv. 
Luật sư Trần Hồng Phong
Công ty luật hợp danh Ecolaw - 843 Lê Hồng Phong, quận 10, HCMC
Mobi: 0903 782 092
(Quê choa)

Vì sao Chủ tịch Công ty Địa ốc Dầu khí bị bắt?

Bắt chủ tịch Công ty địa ốc Dầu khí, ông Hoàng Ngọc Sáu

Thông tin ban đầu được biết, hành vi sai phạm của ông Sáu có liên quan đến dự án Linh Tây tại Thủ Đức, Tp.HCM.
Ngày 17/1, Cơ quan An ninh điều tra –Bộ Công an đã có Thông báo về việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Dầu khí (PVL), về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự.
Công CP địa ốc Dầu khí tiền thân là Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam, thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư bất động sản, hiện Công ty này đang niêm yết 50 triệu cổ phần trên sàn HNX với mã chứng khoán PVL.
PVL được xem là công ty địa ốc có nhiều bê bối nhất trong các đại gia địa ốc, khi thị trường chứng khoán, bất động sản gặp khó khăn, cổ phiếu PVL liên tục rớt giá vì công ty luôn có kết quả kinh doanh bết bát nhiều quý, lũy kế 3 quý năm 2013 PVL đã lỗ tới hơn 22 tỷ đồng. Tài chính gặp vấn đề các dự án bất động sản mà đơn vị này là chủ đầu tư tiêu biểu như dự án Linh Tây, dự án Petro Vietnam Landmark Tower (Tp.HCM) và dự án Nam Đàn Plaza (Hà Nội)...
Thông tin ban đầu được biết, hành vi sai phạm của ông Sáu có liên quan đến dự án Linh Tây tại Thủ Đức, Tp.HCM. Ban đầu dự án được thiết kế chỉ cao 18 tầng, nhưng sau đó ông Hoàng Ngọc Sáu đã trình HĐQT Công ty nâng lên 22 tầng. Dù chưa được cơ quan chức năng phê duyệt nhưng ông Sáu vẫn cho tiến hành triển khai công trình cao 22 tầng.
Bên cạnh đó, ông Sáu có liên quan đến việc thuê 1000m2 làm sàn giao dịch BĐS tại phường An Phú với giá thuê 8.720USD/tháng, thời hạn thuê trong 5 năm. Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy việc cho thuê này không có thật.
Với dự án Petro Vietnam Landmark, đây là dự án mà PVL gặp vấn đề rắc rối đã nhiều năm nay với nhóm khách hàng khoảng 40 người. Đến nay, mặc dù đã xây xong phần thân tòa nhà, nhưng công trình đã chậm giao nhà 2 năm so với Hợp đồng mà PVL đã ký với khách hàng. Đa phần khách hàng đã đóng 85-100% giá trị căn hộ.
Cực chẳng đã, đã có rất nhiều lần nhóm khách hàng này “tố” lên cơ quan chức năng cũng như căng băng rôn đòi nhà đối với PVL nhưng đến nay công trình chưa thể giao nhà, thậm chí nhiều khách hàng tại Tp.HCM còn kéo ra Hà Nội (trụ sở PVL) để phản đối chủ đầu tư.
Nhiều khách hàng đã đặt thẳng vấn đề liệu đây có phải là màn kịch của PVL và PVCland khi cả 2 công ty đều thuộc Tập đoàn Dầu khí? Trong khi khách hàng đóng 80% thì PVL mới thanh toán cho PVCland 63% giá trị hợp đồng (PVL mua lại căn hộ của PVCLand rồi bán cho khách hàng), vậy số tiền còn lại tại sao PVL không đóng tiếp cho PVCland để hoàn thiện dự án? Được biết, năm 2011 PVL đã hạ giá bán căn hộ dự án này từ 23,8 triệu đồng/m2 xuống còn 15,5 triệu đồng/m2 để thu hồi vốn.
Theo đại diện của PVL thì hiện nay còn cần khoảng 200 tỷ đồng nữa mới có thể hoàn thiện được dự án bàn giao cho khách hàng. Trong khi đó, nguồn lực tài chính của công ty thì không có, dự án thì đã “cầm cố” ở ngân hàng, do vậy, công trình vẫn chưa có lối thoát. HĐQT Công ty đang tính toán đến phương án phải “nhờ vả” đến Tập đoàn. Còn đại diện PVC Land cho rằng, dự án này chủ đầu tư cũng đang phải lỗ và phải bán tài sản để xây tiếp.
Không kém phần rắc rối, bê tối liên quan đến PVL đó là dự án Nam Đàn Plaza trên đường Phạm Hùng (sát cạnh Keangnam). Đây là dư án Tổ hợp công trình TTTM, văn phòng và nhà ở được xây trên khu đất 9.584m2. Sau 11 năm được giao đất, dự án này lại có số phận hết sức éo le và liên tục đổi vận…
Tháng 10/2002 Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất và giao cho công ty Xuyên Thái Bình Dương ( này là CTy CP Địa ốc dầu khí Viễn thông) làm nhà tang lễ. Đến 2006 Hà Nội cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu đất này từ dự án Nhà tang lễ thành dự án Nam Đàn Plaza. Năm 2009 Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã duyệt điều chỉnh quy hoạch và phương án thiết kế, đến tháng 11/2009 thì dự án được chấp thuận đầu tư
Hiện nay, khu đất đang là bãi để xe, trụ sở điều hành công ty, năm 2012 Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị thu hồi hoặc gia hạn quyết định giao chủ đầu tư dự án.
Trong nhiều năm thay đổi về các thủ tục đầu tư thì dự án này cũng liên quan đến nhiều bê bối trong việc hợp tác đầu tư, chuyển nhượng cổ phần. Để đầu tư vào dự án, PVL đã thành lập công ty liên kết với Công ty Xuyên Thái Bình Dương là CTCP địa ốc dầu khí Viễn Thông, hiện đang là chủ đầu tư dự án, PVL nắm 27,99%.
Do dự án này gặp một số khó khăn, nên PVL đã có chủ trương thoái vốn. Theo bản công bố thông tin bất thường vào tháng 8/2010, PVL cho biết, đã bán phần vốn tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho CTCP Xây dựng Minh Ngân với trị giá hơn 191 tỷ, và Minh Ngân đã trả 100 tỷ cho PVL, còn lại 91,7 tỷ chưa trả đến 28/4/2010 theo hợp đồng là hết thời hạn nhưng Minh Ngân đã quá hạn trả nợ 3 tháng, PVL đã gửi nhiều công văn đề nghị thanh lý Hợp đồng và hoàn lại tiền cũng như cổ phần, nhưng Minh Ngân vẫn không thanh toán theo cam kết. Sau đó, PVL đã “tố” Minh Ngân ra tòa và cơ quan điều tra C46.
Cũng liên quan đến việc chuyển nhượng vốn này, trong việc điều tra vụ án Lê Hòa Bình và đồng bọn lừa bán đất tại dự án Thanh Hà Cienco 5, cơ quan điều tra đã phát hiện ra sai phạm của cựu chủ tịch Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam, Đào Duy Phong trong việc giao dịch mua cổ phần Công ty Xuyên Thái Bình Dương.
Trong vụ xét xử Lê Hòa Bình vào đầu tháng 12/2013 vừa qua, cơ quan điều tra đã làm rõ Lê Hòa Bình và đồng phạm sử dụng hơn 398,4 tỷ đồng (từ tiền lừa đảo, chiếm đoạt gần 800 tỷ) vào các mục đích khác nhau, trong đó chi 264,2 tỷ đồng để mua 24 triệu cổ phần tại CTCP Dịch vụ xuyên Thái Bình Dương.
Thông qua sự môi giới của bị cáo Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình tìm gặp lãnh đạo PVP Land đặt vấn đề mua lại toàn bộ cổ phần tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Để hưởng lợi cá nhân 10 tỷ đồng, Đào Duy Phong, cựu Chủ tịch HĐQT PVP Land đã chỉ đạo nguyên giám đốc PVP Land bán hơn 12 triệu cổ phần với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế cũng như Nghị quyết của HĐQT.
Nhật Nam
(Trí Thức Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét