Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Nói dối tràn lan đang trở thành vấn nạn xã hội - Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa để 'dằn mặt' Việt Nam - TQ muốn nắm ngành khai thác khoáng sản Việt Nam?

TQ muốn nắm ngành khai thác khoáng sản Việt Nam?

"Từ việc đầu tư này họ sẽ dễ dàng nắm ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam", TS Nguyễn Văn Ban lo ngại việc doanh nghiệp Trung Quốc mua lại giấy phép để khai thác khoáng sản của Việt Nam. 
 
PV:- Thưa ông, mới đây theo thông tin từ Cục địa chất khoáng sản (Bộ TNMT) cho biết, năm 2010 cả nước có 5000 giấy phép khai khoáng được cấp cho 2.000 doanh nghiệp nhưng nhiều giấy phép khai khoáng đã được bán cho doanh nghiệp Trung Quốc, ông có biết tình trạng này không, thưa ông?
 
TS. Nguyễn Văn Ban: - Theo tôi, thông tin Cục địa chất khoáng sản đã đưa ra thì chắc chắn đó là số liệu chính xác. Cá nhân tôi không quá bất ngờ trước những thông tin này. Theo tôi, trước đây, thông tin  này còn bị che giấu vì có thể tình trạng này xảy ra phổ biến ở các doanh nghiệp địa phương. 
Trung Quốc muốn đứng đằng sau điều hành hoàn toàn ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam
Trung Quốc muốn đứng đằng sau điều hành hoàn toàn ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam
PV:- Theo tường thuật trên một tờ báo lớn của Việt Nam, đại diện ngành khoáng sản Việt Nam đã  nói, nhiều giấy phép khai thác khoáng sản đã được bán cho doanh nghiệp Trung Quốc. Ông bình luận thế nào về thông tin này?
 
TS. Nguyễn Văn Ban: - Chắc chắn là luật pháp không cho phép. Việc mua bán giấy phép kinh doanh phải tuân thủ quy định rất nghiêm ngặt của luật doanh nghiệp. 
 
Tôi cho rằng, vị lãnh đạo đó muốn nhấn mạnh đến thực tế là các doanh nghiệp Trung Quốc đang núp bóng cá nhân hoặc những tổ chức người Việt đứng tên rồi rót tiền, điều hành phía sau. 
 
Khi đó, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư vốn, đầu tư công nghệ, thiết bị và kinh doanh.
 
PV: - Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được lợi gì từ sự đầu tư này? Và nếu để xảy ra tình trạng này, thiệt hại của Việt Nam sẽ thế nào?
 
TS. Nguyễn Văn Ban: - Trung Quốc là nước nghèo về khoáng sản, luôn tìm cách đi gom quặng thô của nhiều nước với giá rẻ về tự chế biến còn các doanh nghiệp Việt Nam lại thiếu tiền. 
 
Nắm bắt được điểm yếu này, Trung Quốc sẵn sàng đổ tiền để khai thác, tuy nhiên do vướng phải những quy định của pháp luật nên Trung Quốc phải ẩn danh dưới một cá nhân hoặc một tổ chức người Việt Nam để hợp thức hóa chuyện khai thác khoáng sản.
 
Vấn đề này cũng đã từng được nói tới khi nhà thầu Chalieco của Trung Quốc có sự hợp tác với TKV thực hiện khai thác boxit Tây Nguyên. 
 
Sự hợp tác gồm có 3 dự án, bao gồm cả thiết kế nhà máy luyện bột nhôm, mua trang bị và thiết kế xây dựng kỹ thuật. Chalieco trù tính hoàn tất nhà máy tuyển luyện bột nhôm trong vòng 2 năm.
 
Cùng đầu tư có nghĩa là Chalieco cũng phải bỏ tiền vào. Mà đã bỏ tiền vào tức là có cổ phần, có lợi nhuận cùng nhiều hình thức khác. Như vậy rõ ràng đây cũng là hình thức mà Trung Quốc đang muốn khống chế ngành công nghiệp chế biến nhôm của Việt Nam.
 
Tất nhiên khi bán giấy phép thì doanh nghiệp Việt phải nhìn thấy lợi họ mới làm nhưng có lợi như thế nào thì phải tìm hiểu kỹ. 
 
Nếu nhìn rộng ra rõ ràng sẽ thấy, từ việc đầu tư này họ sẽ dễ dàng nắm toàn bộ ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam. Khi đã đầu tư tiền, nghĩa là họ là chủ và họ có quyền điều hành ngành khai thác khoáng sản theo hướng có lợi cho họ.
 
PV:- Trong khi đó, ai cũng nói là xuất lậu khoáng sản, than  đã rất trầm trọng, kinh khủng, nhưng chẳng ai làm gì cả, tình trạng đó vẫn tiếp diễn, vậy phải giải thích điều này thế nào? Có  liên quan gì giữa hai thực trạng này không, thưa ông?
 
TS. Nguyễn Văn Ban: - Tất nhiên là có mối liên hệ. Đầu tiên phải nói tới tình trạng xuất lậu than, khoáng sản của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam TKV, mà con số lên tới gần chục triệu tấn than, bằng gần một nửa khối lượng than khai thác như vậy là số lượng rất lớn.
 
Trong ngành luyện kim màu thuộc chuyên môn của tôi, cũng diễn ra tình trạng tương tự. Tôi từng nghe những người làm việc ở các mỏ nói là nhiều trường hợp các đối tượng xuất lậu chở ra phao số 0 hoặc cho đi đường sông ra biển rồi sang TQ.
 
Với quặng sắt, hôm tôi lên Cao Bằng, các đồng nghiệp và một số lái xe tải nói lại là trước họ lái xe chở quặng qua các cửa khẩu, sau đó chủ trương thay đổi, việc xuất lậu đường bộ khó khăn, thì các đối tượng xuất lậu cho quặng đi đường sông ra biển rồi sang TQ.
 
Điều này cho thấy công tác quản lý quá yếu kém, tạo nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp móc nối tạo lợi ích nhóm. 
 
PV: - Vậy theo ông để ngăn chặn tình trạng này chúng ta phải làm gì?
 
TS. Nguyễn Văn Ban:- Phải làm nghiêm. Cùng với việc xiết chặt công tác quản lý thì cần phải truy trách nhiệm người quản lý ngành nếu để xảy ra sai phạm. Nếu làm được như vậy, chắc chắn sai phạm sẽ giảm.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
Hiếu Lam
(Đất Việt)

Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa để 'dằn mặt' Việt Nam

Trung Quốc tổ chức tập trận hải quân ở khu vực quần đảo Hoàng Sa là nhằm 'dằn mặt' Việt Nam, ngay trong dịp hàng trăm người biểu tình ở Hà Nội tưởng niệm các chiến sĩ hải quân VNCH hy sinh bảo vệ tổ quốc cách đây 40 năm.
Khu trục hạm Vũ Hán (mang số 169) (Wuhan) trang bị hỏa tiễn, dẫn đầu đoàn tàu tập trận. Chạy phía sau phía bên phải là khu trục hạm Hải Khẩu (mang số 171) (Haikou) (Hình: Quân sự Trung quốc)

Hôm Thứ Năm, Tân Hoa Xã cho hay đoàn chiến hạm của Hạm đội Nam Hải rời một căn cứ trên đảo Hải Nam ngày 20/1/2014 đi tập trận và tuần tiễu dương oai kéo dài 2 ngày tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, đã hoàn tất. Cuộc tập trận bao gồm tuần tra một số đảo, sử dụng các tàu chiến, tàu đệm khí đổ bộ (hovercraft) và cả trực thăng tham gia.

Khi loan báo cuộc tập trận hồi cuối tuần qua, Tân Hoa Xã không nói cuộc tập trận diễn ra ở đâu. Nguồn tin này chỉ nói rằng đoàn chiến hạm gồm có tàu đổ bộ lớn nhất của Trung Quốc (tàu đổ quân Trường Bạch Sơn), cùng hai khu trục hạm Vũ Hán (số 169) và Hải Khẩu (số 171). Cả ba tàu này đều là những chiến hạm lớn trang bị điện tử và võ khí tối tân nhất của Trung Quốc.

Nay thì nói rõ ra là tới vùng quần đảo Hoàng Sa để tập trận, quần đảo mà họ đã cướp của Việt Nam sau một trận hải chiến với hải quân VNCH ngày 19/1/1974, cách đây 40 năm. Bản tin trước chỉ loan báo đoàn chiếm hạm có 3 chiếc tàu mặt nước mang theo tàu đổ bộ đệm khí và trực thăng, nay thì nói rõ hơn là có sự tham dự của cả tàu ngầm.

Cuộc tập trận gồm cả đổ bộ chiếm đảo của lực lượng thủy quân lục chiến và chống tàu ngầm của 'địch.'

Hoàn Cầu Thời Báo, phó bản tuyên truyền của Nhân Dân Nhật Báo tại Bắc Kinh, nói rằng cuộc tuần tra và tập trận “chứng tỏ rằng quân đội Trung Quốc vẫn duy trì cảnh giác chống lại những tuyên bố (của các nước khác) về chủ quyền Biển Đông, đồng thời chứng tỏ sức mạnh lực lượng tàu ngầm được tăng cường”.

Bản tin Tân Hoa Xã ngày Thứ Năm 23/1/2014 thuật lời Hồ Đắc Hải, chỉ huy phó đội tàu tập trận nói trên khoe rằng một cuộc huấn luyện đổ bộ lính thủy quân lục chiến bằng tàu đệm khí kéo dài 20 phút “đạt được mục tiêu dự tính. Chỉ huy trưởng đoàn tàu là Khương Uy Liệt cũng lên đảo để tiếp xúc với lính trấn đóng trên đảo.

Cuộc tập trận và tuần tra của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cướp được 40 năm trước chỉ nhằm biểu diễn sức mạnh quân sự vào dịp nhiều cuộc tưởng niệm 74 chiến sĩ Hải quân VNCH đã bỏ mình vì nước khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước sự xâm lăng của Trung quốc.

Tại Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn, các cuộc triển lãm do nhà cầm quyền CSVN tổ chức có tính dè dặt và không dám vinh danh các chiến sĩ Hải quân VNCH trên chiến hạm Nhật Tảo (HQ 10) bị bắn trúng đạn của đối phương và chìm. Người dân thì đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng hải quân VNCH vị quốc vong thân, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa, ở tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội, đã bị nhà cầm quyền phá rối và giải tán.

Tuy nhà cầm quyền CSVN vẫn tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam với các bằng chứng lịch sử không thể tranh cãi, nhưng theo phân tích gia Gordon Chang viết trên tạp chí World Affairs ngày 23/1/2014 thì trên thực tế, nhà cầm quyền Hà Nội chỉ hành động tượng trưng, tuyên truyền đầu lưỡi, rất giới hạn.

Tuần tự trước sau, Trung Quốc đưa ra những tuyên bố, lệnh hành chánh để củng cố thêm mãi lời tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển đảo đã dùng sức mạnh đi ăn cướp mà có. Cái lệnh mới nhất có hiệu lực từ đầu Tháng Giêng 2014 là cấm tàu đánh cá “nước ngoài” hoạt động trong vùng biển “Tam Sa”, chiếm đến gần 80% Biển Đông, hoàn toàn không phải ao nhà của Bắc Kinh.

Trung quốc dùng quân sự hậu thuẫn cho tuyên bố chủ quyền. Hà Nội chỉ đưa ra phản đối suông. Phân tích gia Gordon Chang gọi hành động của Hà Nội là “phản công tượng trưng chống lại chủ trương bá quyền bành trướng của Trung Quốc”.

Một mặt xua đoàn chiến hạm xuống biểu diễn cơ bắp ở Hoàng Sa, Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa là việc Việt Nam tổ chức kỷ niệm trận hải chiến giữa Hải quân VNCH và Trung Cộng “gia tăng cơ hội làm mối quan hệ Bắc Kinh – Hà Nội bị trật đường rầy”.

Không biết tìm kiếm tin tức ở đâu hay chỉ dự đoán, tờ báo này còn cho rằng ở Việt Nam còn đang dự tính tổ chức kỷ niệm 35 năm cuộc chiến biên giới Hoa Việt (xảy ra năm 1979) mà Đặng Tiểu Bình tuyên bố là “dạy cho Việt Nam một bài học” vì đã đem quân giúp người dân Cam Bốt chống lại Khmer Đỏ diệt chủng nhưng lại là tay sai đắc lực của Bắc Kinh.

“Bây giờ khó mà có thể lạc quan về mối quan hệ Trung Quốc- Việt Nam vì một số lãnh tụ Việt Nam bầy tỏ công khai là họ sẽ ủng hộ các hoạt động tưởng niệm đánh đấu cuộc chiến Hoa-Việt 35 năm trước”, Hoàn Cầu Thời báo ngày 23/1/2014 viết.

Bởi vậy báo này cho rằng phía Việt Nam nhiều phần sẽ thúc đẩy chủ trương đòi lại quần đảo Hoàng Sa thành vấn đề tranh chấp quốc tế. Từ đó, tờ báo kêu gọi Bắc Kinh phải chuẩn bị tất cả mọi mặt từ ngoại giao, tuyên truyền, pháp lý đến những đụng độ bất ngờ trên Biển Đông.

Đồng thời Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa Hà Nội nên “hướng dẫn dư luận quần chúng tránh khêu gợi tinh thần quốc gia hơn nữa mà làm gia tăng căng thẳng quan hệ với Trung Quốc”.
  (Người Việt)
 

Nói dối tràn lan đang trở thành vấn nạn xã hội

TT - Một buổi tọa đàm theo đặt hàng của Bộ VH-TT&DL với chủ đề “Giáo dục với việc hình thành nhân cách, đạo đức con người, văn hóa VN trong bối cảnh toàn cầu hóa” đã diễn ra ngày 22-1 tại Hà Nội.
 
Nhiều người lớn đã “quên” vai trò làm định hướng cho trẻ nhỏ. Trong ảnh: cảnh sát giao thông xử phạt người chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Hồ Hảo Hớn (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Thuận Thắng
Buổi tọa đàm thu hút 47 đại biểu thảo luận ở các vấn đề liên quan đến giáo dục trong gia đình, nhà trường, xã hội đối với việc hình thành nhân cách của trẻ em VN.
Người lớn nói dối, trẻ em noi theo
Một điều tra tại châu Á cho thấy 55-57% các bậc cha mẹ không dành nổi thời gian một giờ/ngày cho con cái. Và điều đó cũng dẫn đến hệ quả việc giáo dục con cái họ được khoán trắng cho nhà trường. Như một tâm lý chung, cả xã hội đặt gánh nặng giáo dục thế hệ tương lai cho nhà trường, học sinh nặng gánh học hành, thầy cô giáo cũng nhiều áp lực. Theo các chuyên gia, nếu không dỡ bỏ gánh nặng này thì mãi mãi việc giáo dục nhân cách văn hóa con người VN sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn, không có lối ra.
Ông Hoa Hữu Vân

Bà Lê Thị Bích Hồng (phó vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ - Ban Tuyên giáo T.Ư) cho biết: “Một khảo sát đã được thực hiện trên đối tượng học sinh, sinh viên tại 30 trường học trong cả nước cho thấy một bức tranh cực kỳ nguy hiểm. Nói dối ngày càng tăng dần. Trẻ em nói dối ít, nhưng càng lớn càng nói dối nhiều hơn”.

Cùng quan điểm, nhà giáo Nguyễn Quang Kính (nguyên chánh văn phòng Bộ GD-ĐT) cho rằng nói dối tràn lan đang trở thành một vấn nạn của xã hội VN. “Đạo văn, tiêu cực thi cử mà gọi là bệnh thành tích thì vẫn là sang miệng quá. Nếu giáo dục không khắc phục được lỗi này thì không còn là giáo dục nữa. Nhà trường sẽ thế nào khi xung quanh xã hội nói dối nhiều quá. Nếu nhà trường không khai tử được bệnh nói dối này thì thật là một tai họa cho xã hội. Đến chỗ cần nói thật mà vẫn nói dối thì thôi rồi” - ông Kính nói.

Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra rằng nếu người lớn vẫn tiếp tục nói dối thì trẻ em tất yếu sẽ theo gương. Một chuyên gia đến từ Viện Khoa học giáo dục VN cho rằng: người lớn phải là tấm gương ở gia đình, nhà trường, xã hội nhưng việc này lại bị chính họ bỏ quên. Ông Bùi Văn Linh (phó vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên - Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng: ở ngã tư, đèn đỏ chỉ còn vài giây thì người lớn đã lao lên rồi, họ tước đoạt quyền của người khác một cách trắng trợn. Trên xe thì luôn luôn có trẻ em. Dĩ nhiên trẻ em sẽ nhìn vào hành động của bố mẹ để làm theo. Dù là việc nhỏ nhưng sẽ dẫn đến những thói quen, cách cư xử không hề nhỏ. Đó là một thực tế đáng báo động.

Hệ quả của một quá trình giáo dục

“Văn hóa xuống cấp, tâm lý bất an ngày càng lan rộng trong xã hội. Ngay giữa đời sống được coi là văn minh này thì có nhiều biểu hiện thô lậu, hoang dã, bạo lực tràn lan. Sáng nếu giở báo ra đọc thì cũng vẫn những câu chuyện này. Nếu lên báo mạng thì còn kinh hơn. Chúng ta đang sống trong giai đoạn mà mọi giá trị đều bị đảo lộn. Nói thì hơi ghê nhưng không quá chút nào” - nhà giáo Nguyễn Quang Kính nhấn mạnh.

“Trong nhà trường, tính cưỡng chế, áp đặt của giáo dục nhiều quá. Chúng ta hướng đến việc giáo dục con người độc lập nhưng thầy lại muốn trò học theo, nói theo, nếu nói chệch ra ngoài ý thầy thì sẽ bị điểm kém. Bệnh này không chỉ có ở nhà trường nhưng nếu nhà trường không thoát ra được thì hỏng bét” - ông Kính nói.

“Câu đầu tiên của rất nhiều ông bố bà mẹ hỏi khi con từ trường học về là hôm nay được mấy điểm. Cả xã hội coi trọng bằng cấp, thành tích và lao vào cuộc đua theo nó mà quên mất những điều đơn giản nhất, kể cả việc dạy cho đứa trẻ cách thưa gửi, chào hỏi. Còn ở trường, chương trình giáo dục đạo đức trong hơn 30 năm nay lãng quên giáo dục những điều thiết thân. Thầy cô dạy những điều quá lớn lao mà quên đi những vấn đề nhỏ nhất, đó là học về nhân cách. Để tình trạng như hiện nay cũng là hệ quả của một quá trình giáo dục dài trong gia đình và nhà trường” - ông Hoa Hữu Vân (Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL) khẳng định.

Theo nhà giáo Nguyễn Quang Kính, thực trạng này chỉ có thể thay đổi khi có sự thay đổi toàn diện trên các lĩnh vực: “Đổi mới giáo dục là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Muốn đủ thì phải đổi mới căn bản các lĩnh vực khác. Phải đổi mới rộng hơn mới giải quyết được vấn đề, nếu không chúng ta lại lâm vào tình trạng múa tay trong bị”.
HÀ HƯƠNG
(Tuổi trẻ)
 

Hyundai rút dự án, Toyota dọa rời Việt Nam

Tin không vui đầu năm 2014 khiến giới đầu tư hoang mang: tổ hợp Hyundai của Nam Hàn vừa chính thức loan báo, sẽ rút khỏi dự án xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai-Trường Hải.

Dự án nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai-Trường Hải, tọa lạc tại tỉnh Quảng Nam, được ký kết bằng một hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa tổ hợp Hyundai và công ty Trường Hải hồi tháng 11, năm 2011. Dự án đã được cấp giấy phép vào tháng 6 năm 2012. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ chính thức hoạt động từ đầu năm 2015.



Tổ hợp Hyundai của Hàn quốc đòi rút khỏi dự án xây dựng nhà máy tại Quảng Nam. (Hình: VietNamNet)

Theo VietNamNet, nhà máy đã được khởi công xây dựng từ sau ngày dự án được cấp giấy phép, hồi năm 2013. Tuy nhiên, vì khó khăn tài chính, dự án nói trên đã được triển khai một cách chậm chạp.

Có tin nói rằng, dự án xây dựng nhà máy sản xuất và chế tạo động cơ Chu Lai-Trường Hải đã gặp cản ngại vì một qui định mới của phía Việt Nam, ấn định tiêu chuẩn khí thải của các nhà máy sản xuất, lắp ráp, nhập cảng xe hơi, xe gắn máy tại Việt Nam.

Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã vận động cấp trên đồng ý để nhà máy Chu Lai-Trường Hải sản xuất và phân phối 100,000 động cơ diesel từ nay đến hết năm 2018.

Thông báo rút khỏi dự án được tổ hợp Hyundai thông báo cho phía Việt Nam trong một cuộc họp hồi đầu năm 2014 đã gây chấn động dư luận tỉnh Quảng Nam. Các cán bộ lãnh đạo tỉnh này cho biết, đã yêu cầu Hyundai tiếp tục dự án, nhưng chưa nhận được hồi âm.

Trong khi đó, báo Nhịp Cầu Ðầu Tư dẫn tuyên bố của nhà lãnh đạo công ty Toyota tại Việt Nam nói rằng, Toyota có thể rút khỏi ngành công nghệ xe hơi Việt Nam trong thời gian tới.

Nhịp Cầu Ðầu Tư dẫn lời ông Kyohei Hosono, tổng giám đốc Dream Incubator Việt Nam nói rằng, thuế xuất nhập cảng xe nguyên chiếc vào Việt Nam sẽ bằng 0% vào năm 2018. Khi áp dụng thuế suất này, giá thành xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ đắt hơn rất nhiều so với xe nhập cảng nguyên chiếc từ Thái Lan hoặc Indonesia. Lý do này được giải thích vì tỉ lệ nội địa hóa của ngành kỹ nghệ xe hơi tại Việt Nam chỉ vào khoảng 20-30%, trong khi tỉ lệ này ở Thái Lan là 90%.

Cũng theo báo Nhịp Cầu Ðầu Tư, việc Toyota rút khỏi Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra “hình ảnh xấu về vị thế cạnh tranh và môi trường đầu tư của Việt Nam đối với quốc tế.”
(Người Việt)

Dân biểu Hoa Kỳ ’bảo trợ’ các tù nhân lương tâm nhằm thúc đẩy nhân quyền

Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở Capitol Hill đang hợp tác để mang những hoàn cảnh của người bảo vệ nhân quyền trên thế giới ra trước ánh sáng bằng cách ‘bảo trợ’ các tù nhân lương tâm ở khắp nơi trên thế giới.
http://thtndc.info/wp-content/uploads/2011/12/Tu-Nhan-Luong-Tam.jpg

Hai mươi mốt dân biểu hạ viện đã đồng ý bảo trợ tổng cộng 19 nhân vật bảo vệ nhân quyền ở các nước Iran, Trung Quốc và một số quốc gia đàn áp khác trên thế giới. Các bức ảnh có thể xem tại đây.

Sự quan tâm nay đang ngày càng tăng lên giữa những mối lo ngại về cách thúc đẩy dân chủ vì chủ đề này đã bị thụt lùi lại phía sau so với thương mại, chống khủng bố và các ưu tiên khác trong vòng hai thập kỷ qua.

“Vấn đề này đã được thực hiện bởi Quốc hội và Chính quyền Reagan trong thập niên 1980″, Dân biểu Frank Wolf (Đảng Cộng hòa, bang Virginia), đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, nói với tờ The Hill.

“Mỗi lần Ngoại trưởng [George] Shultz (nhiệm kỳ từ năm 1982-1989) đến Moscow thì ông luôn gặp gỡ các gia đình của các nhà đối kháng tại Đại sứ quán Mỹ”.

Dân biểu Wolf và người đồng chủ tịch, Dân biểu James McGovern (Đảng Dân chủ, bang Massachusetts), hy vọng sẽ tái tạo lại khoảng thời gian tương tự như thời trước Chiến tranh Lạnh kết thúc khi bất đồng chính kiến là tên gọi quen thuộc với hầu hết các hộ gia đình ở Liên Xô. Họ đã phát động chương trình bảo trợ các nhân vật bảo vệ nhân quyền hồi tháng Mười hai năm 2012, kết hợp với Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ và Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ.

“Một ngày mà các tù nhân lương tâm bị giam cầm cũng đã là quá dài”, Robert George, Chủ tịch của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ cho biết.

“Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ mong muốn tiếp tục làm việc với Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos và các thành viên trong Quốc hội về Dự án Bảo vệ Tự do để làm tỏa sáng thêm những người đang bị cầm tù trên thế giới chỉ vì niềm tin của họ”.

Ông George hy vọng buổi điều trần đầu tiên của Ủy ban Tom Lantos vào đầu năm nay sẽ “tiếp thêm sinh lực” đối với những nỗ lực và “thu hút thêm sự quan tâm mới”. Dân biểu Chris Van Hollen (Đảng Dân chủ, bang Maryland), trở thành thành viên mới nhất tham gia chương trình khi ông bảo trợ Đỗ Thị Minh Hạnh, người đã lên tiếng bảo vệ công nhân lao động tại Việt Nam, sau khi mẹ cô tham gia trực tiếp buổi điều trân hôm 16 tháng Một, 2013.

Các nhà lập pháp tham gia chương trình cam kết sẽ sử dụng sức ảnh hưởng của họ để đấu tranh yêu cầu các nước trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Điều này có thể bao gồm các bài phát biểu trước Quốc hội lẫn trong các văn bản dự luật, tổ chức các cuộc họp ở thị trấn hoặc thành phố cũng như các buổi cầu nguyện nơi họ đại diện, và gây sức ép với Nhà Trắng cùng Bộ Ngoại giao để đặt vấn đề tù nhân lương tâm lên thành ưu tiên hàng đầu.

Một trong những ví dụ là Dân biểu Wolf đã nhiều lần kêu gọi Ngoại trưởng John Kerry gặp gỡ cha mẹ của luật sư nhân quyền người Trung Quốc, ông Cao Trí Thịnh. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Ông tin rằng nếu có thêm nhiều nhà lập pháp tham gia chương trình này thì sẽ gây thêm áp lực lên chính quyền Obama.

“Nếu Ngoại trưởng Kerry tốn 10 phút trong lịch trình của ông ấ yvà có được một bức ảnh cùng với vợ của ông Cao thì bạn có biết việc gì sẽ xảy ra tại Đại sứ quán [Hoa Kỳ] ở Bắc Kinh?”, Wolf nói. “Nó giống như một sắc lệnh – đây là vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Bạn có biết việc này sẽ ảnh hưởng đến chính phủ Trung Quốc như thế nào không?”

Trong số các tù nhân lương tâm thì có một vài người có tiếng hơn những người khác. Không ít hơn bốn nhà lập pháp bao gồm Dân biểu Trent Franks (Đảng Cộng hòa, bang Arizona), Bill Cassidy (Đảng Cộng hòa, bang Lousiana), Raul Labrador (Đảng Cộng hòa, bang Idaho) và Henry Waxman (Đảng Dân chủ, bang California) – tất cả đều bảo trợ Saaed Abedini, một hai công dân mang hai quốc tịch Hoa Kỳ–Iran bị kết án tám năm tù vì đức tin Kitô giáo.

Iran, Trung Quốc và Việt Nam hiện đứng đầu danh sách được các nhà lập pháp Hoa Kỳ bảo trợ, với năm tù nhân lương tâm ở mỗi nước. Nhưng các nhà lập pháp cũng sẵn sàng để đối đầu với các đồng minh của Hoa Kỳ: Dân biểu McGovern và Dân biểu Hank Johnson (Đảng Cộng hòa, bang Georgia) đã bảo trợ cho tù nhân lương tâm tại Bahrain. Những nhà lập pháp khác cũng bảo trợ các tù nhân lương tâm ở Ấn Độ và Pakistan.

Riêng chỉ có Dân biểu Lynn Jenkins (Đảng Cộng hòa, bang Kansas) là nhà lập pháp bảo trợ cùng lúc hai tù nhân lương tâm và cả hai người đều hoạt động vì mục tiêu tôn giáo: Alimujiang Yimiti – người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Tin lành ở Trung Quốc và Saeid Rezaie – lãnh đạo nhóm Baha’i ở Iran.

Dân biểu Wolf cho biết ông đã nhìn thấy các động tích cực trong việc bảo trợ các tù nhân lương tâm.

“Tôi đã từng nghe có tù nhân nói với tôi rằng khi người ta bảo trợ cho họ thì cuộc  sống trong tù của họ cũng được cải thiện đôi chút. Người cai tù cũng lo lắng khi thấy tất cả mối quan tâm ở bên ngoài dồn vào và buộc phải đảm bảo người tù lương tâm không bị đánh đập hoặc chắc chắn họ phải nhận được các thực phẩm cần thiết”, ông nói.

“Chúng ta thật sự đang giữ chìa khóa trong các trại tù”.

Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Julian Pecquet, The Hill
̆© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét