Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Tiếp tục chủ đề ra khỏi Đảng - Đảng cộng sản sợ ai? & Giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan, ai hưởng lợi?

Phản ứng việc ông Lê Hiếu Đằng bỏ đảng

Ông Lê Hiếu Đằng
Ông Lê Hiếu Đăng tuyên bố ly khai Đảng Cộng sản vì đảng này đã 'biến chất', 'tư lợi'

Diễn biến một quan chức lãnh đạo thuộc Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam có hơn 40 năm tuổi Đảng vừa tuyên bố chính thức ly khai với Đảng Cộng sản thu hút sự quan tâm trong dư luận.

Hôm 05/12/2013, ông Huỳnh Ngọc Chênh, cựu phóng viên của tờ Thanh Niên chào đón tin ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ra khỏi Đảng và nói:

"Chuyện ra khỏi Đảng của ông rất cần thiết, nó tạo ra một tiếng vang, nhất là trong thời điểm này, khi mà Đảng vừa ra Hiến pháp bắt toàn dân phải đi theo và đặt toàn dân dưới quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng," ông Chênh lên tiếng từ Sài Gòn.

Theo blogger này, việc ông Đằng ra khỏi Đảng khác với nhiều trường hợp ly khai khác trước đây vì theo ông Chênh ông Đằng từ bỏ đảng trên tư cách là một quan chức và người có nhiều năm đóng góp cho chế độ, nhưng đã quyết định từ bỏ các công danh, lợi lộc.
"Cho đến nay vẫn chưa có luật về thành lập và đăng ký các đảng, còn Đảng viên Đảng CSVN muốn rời khỏi đảng thì đó là quyền mà trong điều lệ Đảng CSVN cũng đã cho phép, cho nên cái điều ấy là điều bình thường. Còn việc họ có lập được đảng hay không thì đấy lại là một vấn đề khác"
TS Lê Đăng Doanh
Ông Huỳnh Ngọc Chênh nói thêm: "Ông là người của Đảng, đang hưởng bao nhiêu quyền lợi thì ông lại tuyên bố bước ra khỏi Đảng, thì nó sẽ có những tác dụng lớn để Đảng xem lại đường lối của mình."

Hôm thứ Tư, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TPHCM, công bố trên mạng Internet một văn bản tuyên bố ông rời bỏ Đảng Cộng sản và cho biết nguyên nhân.

"Tôi tên Lê Hiếu Đằng là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, hơn 40 tuổi đảng," tuyên bố viết.

"Nay tôi tuyên bố công khai ra khỏi đảng CSVN vì: ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân."

Tiếp nhận tin này, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, cho rằng đây là một quyết định mà ông Đằng đã dự kiến trước.

Vị tướng nói với BBC hôm thứ Năm từ Hà Nội: "Đấy chỉ là quyết định cá nhân của cụ ấy, chứ không có gì đặc biệt. Bởi vì cụ ấy đã tuyên bố lần trước là thành lập một đảng mới,

"Thì đây là ý của cụ ấy muốn ra đảng để thành lập một đảng mới, lúc trước cụ ấy đã có ý kiến như thế rồi, bây giờ người ta phản ứng cụ ấy, thì cụ ấy xin ra Đảng thôi."

Cũng hôm thứ Năm, trả lời câu hỏi liệu đảng viên đảng cộng sản rời bỏ đảng này để ra ngoài thành lập đảng mới có bị coi là phạm pháp ở Việt Nam hay không, Tiên sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nói:

"Cho đến nay vẫn chưa có luật về thành lập và đăng ký các đảng, còn Đảng viên Đảng CSVN muốn rời khỏi đảng thì đó là quyền mà trong điều lệ Đảng CSVN cũng đã cho phép, cho nên cái điều ấy là điều bình thường. Còn việc họ có lập được đảng hay không thì đấy lại là một vấn đề khác...

'Chưa hề đăng ký'

Ông Lê Hiếu Đằng
Ông Lê Hiếu Đằng đề nghị chính quyền VN chấp nhận đa đảng, đa nguyên và kêu gọi lập chính đảng mới

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Doanh, chính Đảng Cộng sản đã được thành lập mà chưa hề đăng ký ở đâu cả.

Ông nhấn mạnh: "Việt nam chưa có luật về đảng và bản thân Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không hề có đăng ký, và cũng chưa hề có một cái luật về Đảng Cộng sản Việt Nam."

"Bình thường ở các nước, một đảng được lập ra thì sau đó phải đăng ký để hoạt động, và như ở nước Đức thì nếu Đảng đó có được trên 5% phiếu được bầu vào Quốc hội, thì sẽ được có những chế độ giúp đỡ về tài chính, rồi ủng hộ các hoạt động của họ trong khuôn khổ Nghị viện và ở ngoài xã hội."

Cũng hôm 05/12, blogger Nguyễn Lân Thắng nói với BBC về việc ông Đằng 'bỏ đảng'. Ông đưa ra bình luận từ Hà Nội:

"Trước hết tôi xin chúc mừng ông Lê Hiếu Đằng đã trở về với nhân dân. Những việc của ông Lê Hiếu Đằng làm từ trước tới nay gây ra rất nhiều tranh cãi, và chính bản thân tôi tôi cũng chưa thể tin được ông khi mà ông vẫn còn đứng ở trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản."
"Trước hết tôi xin chúc mừng ông Lê Hiếu Đằng đã trở về với nhân dân. Những việc của ông Lê Hiếu Đằng làm từ trước tới nay gây ra rất nhiều tranh cãi, và chính bản thân tôi tôi cũng chưa thể tin được ông khi mà ông vẫn còn đứng ở trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản"
Blogger Nguyễn Lân Thắng
Theo blogger này diễn biến bỏ đảng của cựu quan chức Mặt trận Tổ quốc là 'một chuyện rất lớn' và cũng 'sẽ có 'một tác động rất lớn về mặt xã hội'.

"Và (việc này) tác động chính đến những người Đảng viên vẫn đang còn nấn ná, vẫn đang còn chưa chịu dứt mình ra khỏi những danh vọng, những quyền lợi ở Đảng Cộng sản và tôi nghĩ đây sẽ là một bước ngoặt rất lớn để thay đổi xã hội Việt Nam."

Hôm thứ Năm, blogger Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng đang có những dấu hiệu làm thay đổi bản chất của Đảng Cộng sản, ông nói:

"Số lượng có thể tăng lên, nhưng cái chất thay đổi và sự tồn tại của đảng này không phải là sự tồn tại của đảng cộng sản, mà nó là một đảng gì đó mà giới mới vào sẽ dần dần hướng vào hướng đó và sẽ đặt lại tên gì đó, nếu như họ còn tiếp tục tồn tại."

Vào tháng Tám năm nay, ông Lê Hiếu Đằng đã bày tỏ quan điểm trong một bài viết được công bố rộng rãi trên mạng đề nghị Việt Nam chấp nhận chế độ đa nguyên đa đảng và kêu gọi thiết lập một chính đảng mới.

Quan điểm của ông nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều giới, trong đó là các nhà tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền và vận động cho nhà nước pháp quyền cùng xã hội dân sự, tuy nhiên ông cũng đã gặp phải sự công kích mạnh mẽ từ truyền thông do Nhà nước quản lý, với một số ý kiến gọi quan điểm của ông là 'chệch hướng', 'lệch lạc' hay 'tha hóa tư tưởng'.
(BBC)

Nhà báo Phạm Chí Dũng xin ra khỏi đảng

phamchidung
TS Phạm Chí Dũng (thứ 2 bên phải) cùng bạn hữu trong một chuyến đi Long An thăm hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trước đây.
Nhà báo, nhà văn, tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng đã chính thức viết đơn xin ra khỏi đảng cộng sản Việt Nam.
Trong một tâm thư gửi đi từ thành phố Hồ Chí Minh hôm nay thứ Năm 05/12/2013, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết sở dĩ ông quyết định ra khỏi đảng là vì “Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản”.

Được biết, nguyên là một cán bộ kỳ cựu công tác tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM, ông Phạm Chí Dũng là tác giả của nhiều bài phân tích, bình luận được đăng tải trên các website trong và ngoài nước thời gian gần đây.

Dưới đây là nguyên văn bức tâm thư và đơn xin ra khỏi đảng của ông Phạm Chí Dũng mà Đài Á Châu Tự Do có được.
Tâm thư từ bỏ Đảng

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 12 năm 2013

Tôi là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, viết tâm thư này nhằm khẳng định một quyết định khó khăn trong đời mình:

Tôi chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng, được đào tạo từ môi trường quân đội và nhiều năm công tác trong hệ thống chính quyền, đảng cùng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, tôi đã từng tràn đầy nhiệt huyết đóng góp cho một đất nước xã hội chủ nghĩa công bằng và bác ái. Với trách nhiệm của một đảng viên, tôi đã chưa từng tham nhũng hoặc bị sa đọa lối sống.

Song tất cả những gì mà Đảng Cộng sản thể hiện vai trò “lãnh đạo toàn diện” trong ít nhất một phần tư thế kỷ qua đã khiến cho tôi, cũng như nhiều đảng viên khác, đi từ thất vọng đến tuyệt vọng về lý trí lẫn tình cảm.

Kết quả của cơ chế “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản, mà thực chất là tư tưởng một đảng cố hữu, chính là nguồn cơn sâu xa và nguồn dẫn trực tiếp khiến cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng không thể khác hơn là thảm cảnh như ngày hôm nay.

Chưa bao giờ tham nhũng lại trở thành một quốc nạn ngập ngụa từ cấp trung ương đến tận cơ sở, từ trắng trợn đến vô liêm sỉ và dã man đến thế. Chưa bao giờ các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm thân hữu chính trị, cũng như sự cấu kết giữa hai nhóm này lại biện chứng và sâu đậm đến mức bất chấp dân tình đến như vậy. Cũng chưa bao giờ hố phân hóa giàu nghèo trong xã hội ta lại thê thiết và tàn nhẫn như hiện thời.

Những độc đoán về chính trị đã tất yếu dẫn đến hậu quả nạn độc quyền, đặc quyền và đặc lợi, trục lợi. Hậu quả ấy đã đẩy nền kinh tế vào thế vong tồn và cạn kiệt hầu hết các nguồn tài nguyên của đất nước. Cuộc trục lợi không thương tiếc đó đã, đang và sẽ dồn ép hậu quả khủng khiếp của nó lên đầu 90 triệu người dân Việt và toàn bộ lực lượng vũ trang.

Chính vào lúc này, nền kinh tế Việt Nam đang đặt một chân vào vực thẳm khủng hoảng, và chỉ cần thêm ít năm nữa thôi, cơn ung hoại sẽ lan ra toàn thân để không thể một liều thuốc đặc trị nào còn tác dụng.

Ung hoại kinh tế lại đang phá nát cơ thể đạo đức xã hội. Xã hội suy đồi toàn diện. Chưa bao giờ đạo lý và văn hóa người Việt, dân tộc Việt lại trở nên thảm thương và bĩ cực như giờ đây. Tình người và mối dây ràng buộc lỏng lẻo còn lại giữa con người với nhau luôn và sẽ phải đối mặt với nguy cơ cắn xé lẫn nhau.

Ai và cơ chế nào đã gây ra thảm cảnh không thể cứu vãn như thế? Trong tâm trạng tuyệt vọng của một đảng viên, những người như tôi đã phải nhận chân rằng điều được xem là sự “lãnh đạo toàn diện” của Đảng Cộng sản đã thất bại, thất bại một cách cố ý và quá cay đắng. Không những không hướng đến tinh thần công bằng và bác ái, làm tròn nghĩa vụ một nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, Đảng Cộng sản hiện thời chỉ còn mang bóng hình và hơi thở của các nhóm lợi ích.

Lời thề trung thành với Đảng Cộng sản của tôi đã bị thực tế đau đớn thẳng thừng phủ nhận.

Đảng và những người như tôi, tất cả đều sinh ra từ nhân dân và vì nhân dân. Nhưng một khi Đảng đã không còn đại diện cho quyền lợi của đại đa số người dân, vì sao chúng tôi phải tiếp tục trung thành với Đảng?

Có sinh có diệt, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ắt phải thấy quy luật trời đất đó đang ứng nghiệm vào chính họ. Bởi thái độ vô cảm, vô trách nhiệm và tư tưởng tư hữu bất chấp dân sinh, rất nhiều đảng viên cao cấp đã đẩy xã hội vào tâm thế phản lại ý nghĩa thiêng liêng của Tổ quốc.

Đã đến lúc những người như tôi cần nhận chân rằng vai trò của Đảng Cộng sản không phải là vĩnh viễn. Cũng không thể gìn giữ lòng trung thành tuyệt đối với một lý tưởng chỉ còn là câu chữ cửa miệng.

Không nhằm mục đích chống Đảng, tôi thành tâm cho rằng thái độ từ bỏ Đảng Cộng sản là một trong những con đường ngắn nhất để gần gũi hơn với nhân dân và quyền lợi người nghèo.

Trong tận cùng tâm thức, một công dân tốt có ý nghĩa hơn nhiều so với một đảng viên tồi.

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

-------------------------
                                                                      Đơn xin ra Đảng
Kính gửi:     Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Tôi là Phạm Chí Dũng, đảng viên từ năm 1993, hiện công tác và sinh hoạt đảng tại Viện Nghiên cứu phát triển, trực thuộc Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Tôi làm đơn này đề nghị Đảng ủy Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM hướng dẫn thủ tục và giải quyết cho tôi được ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lý do: Tôi tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của tôi khi vào Đảng. Do vậy tôi không còn phù hợp với vai trò và nghĩa vụ một đảng viên trong Đảng Cộng sản.
Trân trọng.
Phạm Chí Dũng
TP.HCM ngày 05 tháng 12 năm 2013
(RFA)

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Bỏ đảng Cộng sản để trở thành công dân tự do đấu tranh


Hôm nay 05/12/2013, luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản.

Người đảng viên hơn 40 tuổi đảng đã từng bị chính quyền Việt Nam Cộng Hòa kết án tử vì những hoạt động đấu tranh trong thời chiến đầy gian khổ trước đây. Nay khi đảng Cộng sản đang trên đỉnh cao quyền lực lại quyết định rời bỏ vì theo ông, đảng bây giờ thực chất là của các tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản và đi ngược lại quyền lợi của lợi ích dân tộc.
Cũng như lời đề nghị thành lập đảng Dân chủ Xã hội trước đây, tuyên bố rời bỏ đảng Cộng sản Việt Nam của luật gia Lê Hiếu Đằng một lần nữa đã gây bão dư luận. Hôm nay trên các mạng xã hội đã có rất nhiều lời bàn tán về sự kiện này.

Từ giường bệnh tại bệnh viện 115 ở Thành phố Hồ Chí Minh, luật gia Lê Hiếu Đằng dù đang phải chống chọi với căn bệnh nan y, vẫn cố gắng trả lời RFI Việt ngữ. Xin quý thính giả vui lòng thông cảm về chất lượng âm thanh của cuộc phỏng vấn.

RFI : Thưa anh, vì sao anh quyết định rời bỏ đảng Cộng sản Việt Nam ?

Trong bài viết khi nằm trên giường bệnh, về việc bỏ đảng có một thời gian tôi chưa làm được, bây giờ phải làm. Đó là hệ quả tất yếu thôi. Còn lý do bỏ đảng là vì bây giờ đảng không còn như thời kỳ giải phóng dân tộc nữa, mà trở thành một nhóm lợi ích đặt quyền lợi của gia đình, của cá nhân lên trên, chứ không phải quyền lợi của đất nước, của Tổ quốc. Đảng trở thành sức cản cho sự phát triển của đất nước, tiền của của dân bị lãng phí không biết bao nhiêu.

Điều làm tôi đau lòng nhất là người dân mất đất, mất ruộng, phải ly hương, ly tán, trong khi họ là những người chịu hy sinh rất nhiều trong chiến tranh. Thế bây giờ thì ai phản bội ai ? Rõ ràng là các ông ấy phản bội nông dân, phản bội dân tộc Việt Nam. Nói chung là phản bội lại những gì đã hứa hẹn trước kia.

Khi tôi vào đảng, tôi hy vọng là sau khi giải phóng dân tộc rồi thì sẽ xây dựng một chế độ tốt đẹp hơn. Nhưng bây giờ chế độ lại tồi tệ hơn xưa, mọi thứ đều xuống cấp, từ giáo dục, y tế cho đến đạo đức con người. Đảng Cộng sản trở thành sức cản của đất nước, của dân tộc, mà thực chất đây chỉ là tập đoàn lợi ích thôi. Thành ra tôi nghĩ phải từ bỏ, vì nếu là thành viên của đảng dù sao cũng là trách nhiệm. Trở thành một người công dân tự do để đấu tranh.

Chứ còn chủ nghĩa xã hội thì nó đã tanh bành ở Liên Xô rồi, nước nào người ta cũng đã từ bỏ…
RFI : Thưa anh, anh có nuối tiếc khi từ bỏ một tổ chức mà mình đã cống hiến bao nhiêu năm tuổi thanh xuân không ?

Tất nhiên là mình cũng thấy tiếc, nhưng không thể nào không từ bỏ được vì nó xấu xa. Chứ nếu vẫn còn là thành viên thì mình phải có trách nhiệm, vì vậy rút ra để trở thành công dân tự do để đấu tranh cho chủ quyền, dân chủ, bảo vệ môi trường.

Đó là ba yếu tố thực chất, chứ còn chủ nghĩa xã hội cuối thế kỷ này như thế nào thì ai cũng biết. Trong khi con cái mấy ông (lãnh đạo) đi các nước tư bản, mấy ông lại bắt cả dân tộc phải đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là một con đường chẳng có lối ra, và ngay trên quê hương sinh ra nó người ta đã chối từ, đã phủ nhận.

RFI : Còn những đảng viên khác thì sao, và anh có nhắn nhủ gì với những người đang đấu tranh cho dân chủ không ?

Nhiều đảng viên người ta cũng thất vọng. Nhiều người trong đảng cũng rất tâm huyết, nhưng vì lý do gia đình hoặc những lý do khác…Tôi nghĩ nếu ai cũng vì lý do gia đình, vì lợi ích cá nhân mà không đặt lợi ích đất nước lên trên thì đất nước này sẽ đi về đâu ?

Do đó tôi hy vọng sau khi tôi từ bỏ đảng, thì những người khác cũng sẽ hưởng ứng.
 
RFI : Không chỉ trong đối nội, có lẽ cũng có những thất vọng về đối ngoại, như cách đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông ?
 
Đúng vậy. Chính sách của ta nó nhu nhược, nói cách khác là hèn yếu trước sự hung hãn của bọn bành trướng Bắc Kinh. Thật ra nguy hiểm nhất là hiện nay Trung Quốc đã tràn lan khắp nơi, điển hình là ở huyện Kỳ Anh ở Nghệ An. Biển Đông thì còn lúc này lúc kia, chứ còn trên đất liền có biết bao nhiêu là nhân viên quân sự cũng như dân sự Trung Quốc. Tội lỗi là để xảy ra như thế.

Tôi nhắc lại, tôi từ bỏ để không còn trách nhiệm là một đảng viên của đảng nữa, mà là một công dân tự do. Khi ra khỏi đảng, tôi được tự do đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ; bảo vệ nhân quyền và dân quyền ; bảo vệ môi trường. Đó là những vấn đề thiết thực đối với người Việt, chứ còn cái thứ chủ nghĩa xã hội rất là mơ hồ.

RFI : Tức là dù đang trên giường bệnh, nhưng anh vẫn bức xúc khi cả dân tộc phải đi theo một chủ nghĩa mà tương lai có vẻ vẫn còn mù mịt ?

Đúng rồi, một tương lai mù mịt, chẳng đi đến đâu cả.

RFI : RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, kính chúc luật gia sức khỏe.

Luật gia Lê Hiếu Đằng trò truyện với Bauxite Việt Nam về quyết định ra khỏi Đảng Cộng sản

Sáng hôm nay, 5/12/2013, chúng tôi đến thăm Anh Lê Hiếu Đằng tại bệnh viện 115. Theo nguyện vọng của Anh, BVN có cuộc trò chuyện thân tình mặc dù Anh đang trở bệnh. Sau đây là bản ghi âm cuộc trò chuyện ấy do chúng tôi văn bản hóa gần như nguyên vẹn nhằm gửi đến bạn đọc xa gần. - Bauxite Việt Nam

BVN: Thưa anh, sáng sớm hôm nay thế giới mạng đã lan truyền rất nhanh lời tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam của anh sau hơn 40 năm ở trong đảng. Anh có thể cho biết vì sao anh chọn thời điểm này tuyên bố ra khỏi đảng?

LHĐ: Việc tôi tuyên bố ra khỏi đảng là hệ quả tất yếu của bài viết của tôi trước đây khi nằm trên giường bệnh. Nhưng do hoàn cảnh, do gia đình mà mình chưa thực hiện được. Nhưng bây giờ đã đến lúc thấy cần phải làm. Mình đã tuyên bố thì việc đầu tiên là chính bản thân mình phải ra khỏi đảng đã, rồi đến những người khác sẽ xem, nếu thấy việc làm của mình mà chính đáng họ sẽ hưởng ứng. Với lại bây giờ thấy đảng đã tệ hại quá đi. Vừa rồi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp tôi thấy đi ngược lại hoàn toàn nguyện vọng, ý kiến của nhân dân. Tình hình kinh tế xã hội ngày càng xuống cấp, không thể nào chấp nhận được một cái đảng như vậy. Mình là một thành viên của đảng, dù sao mình cũng có trách nhiệm. Bây giờ mình ra khỏi đảng thì mình không còn trách nhiệm gì nữa. Mình là một công dân tự do. Với tư cách là một công dân tự do, mình có phạm vi hoạt động rộng rãi hơn, không bị vòng kim cô ràng buộc, mình có thể hoạt động rộng rãi, có thể sử dụng được tất cả các quyền công dân để mình đấu tranh.

BVN: Thực ra có không ít đảng viên muốn bỏ đảng nhưng không biết vì lý do gì mà họ vẫn lần lữa không chịu ra, hoặc chỉ lẳng lặng bỏ sinh hoạt mà không tuyên bố ra khỏi đảng. Cũng có những người tâm huyết nói với nhau cần đợi một thời điểm thích hợp sẽ cùng tuyên bố ra đảng. Anh nghĩ thế nào về tâm sự ấy?

LHĐ: Về thời điểm nào thích hợp thì tôi cho rằng thời điểm này là thích hợp rồi. Chế độ này đã quá tệ, mọi lĩnh vực đều xuống cấp không thể nào cứu vãn được, mà các ông ấy vẫn chỉ đặt lợi ích của các tập đoàn, của gia đình và bản thân chứ không còn đặt lợi ích của đất nước lên trên. Nhất là đối với người nông dân, cụ thể là vấn đề ruộng đất, người dân đã rất cực khổ mà mấy ông ấy vẫn rất vô cảm, có thể nói không có chút xúc động gì, không sửa chữa được gì hết mà còn tệ hại hơn. Vì thế tôi thấy không còn có thể chịu đựng được nữa.

BVN: Như vậy có nghĩa rằng lâu nay các đảng viên có tâm huyết, các nhân sỹ trí thức vẫn cứ kiên trì chờ đợi xem đảng, hay nói đúng ra là bộ phận lãnh đạo của đảng, có tiếp thu những ý kiến xây dựng chân thành, mở ra con đường dân chủ hóa đất nước hay không, nhưng cho đến lúc này thì họ đã hoàn toàn thất vọng, không thể còn trông cậy vào sự sửa chữa của đảng nữa?

LHĐ: Đúng thế. Thời cơ vàng là sự sửa đổi Hiến pháp và Kiến nghị của 72 nhân sỹ trí thức, lẽ ra anh phải chú ý để có thay đổi, để tạo được không khí dân chủ, mà cơ bản nhất là chuyển một nhà nước chuyên chế, nhà nước toàn trị thành nhà nước dân chủ, để hòa vào dòng chảy của thế giới. Mà thế giới hiện nay đang chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, làm những việc thiết thân với con người hơn với CNXH rất xa xôi, mơ hồ không bao giờ có được, nói như ông TBT chờ 100 năm nữa vẫn chưa có được. Thế thì tại sao lại bắt cả dân tộc phải chờ đợi? Bản thân các ông ấy đều cho con cháu đi Mỹ, đi Châu Âu du học, tức là đi theo Chủ nghĩa Tư bản, thế mà lại bắt cả dân tộc đi theo CNXH chẳng ra cái gì cả. Nó xa xôi, nó chỉ là hứa hẹn suông. CNXH đã tan tành trên ngay quê hương nó là Liên Xô. Lẽ ra mấy ông phải mở mắt ra chứ thế mà cứ nhắm mắt mà đi theo. Như thế chứng tỏ các ông ấy chỉ đặt quyền lợi của bản thân lên trên chứ không quan tâm gì đến quyền lợi của đất nước của dân tộc.

BVN: Cũng có người nghĩ rằng thực chất thì đảng này đang xây dựng CNTB, tất nhiên là CNTB man rợ, CNTB thân hữu. Trong khi đó cứ tuyên bố theo CNXH, chủ nghĩa Mác-Lê nin, nhưng thực ra chỉ cốt để duy trì sự độc tôn, độc trị. Cũng có biện luận rằng làm như thế là để giữ ổn định cho xã hội, nếu bây giờ tuyên bố bỏ CNXH thì xã hội sẽ loạn. Cho nên họ cứ tuyên bố như thế nhưng thực chất thì họ đang tự động chuyển sang CNTB. Vậy thì có nên cứ lẳng lặng ủng hộ quá trình ấy hay là cần phải vạch ra cho rõ ràng, phải phê phán, phản đối, phải ra khỏi đảng?

LHĐ: Đối với dân tộc, nói cái gì phải nói cho rõ ràng. Nói gì thì nói, CNTB man rợ nó còn tệ hơn trước đây. Tại sao anh lại không theo CNTB văn minh? CNTB cũng có mặt khiếm khuyết của nó nhưng lẽ ra phải không duy trì CNXH, CN Mác Lê-nin. Bây giờ có cái tệ hại là cứ dọa người dân là xã hội xáo trộn. Nhưng thực ra đôi lúc có sự xáo trôn một ít cũng rất cần thiết.

BVN: Con đường đấu tranh để chuyển hóa đảng cộng sản, chuyển hóa xã hội sang dân chủ bây giờ đã khác; ai cũng thấy là không thể dùng vũ lực lật đổ đảng cộng sản, mà phải chuyển hóa một cách ôn hòa theo con đường mà đảng vẫn lên án là “diễn biến hòa bình”. Có phải vì thế mà gần đây anh đã tham gia Ban cố vấn của Diễn đàn Xã hội Dân sự? Anh có thực sự tin rằng phát triển xã hội dân sự là lối ra tốt đẹp cho đất nước hay không?

LHĐ: Bây giờ không hy vọng gì đảng và nhà nước thay đổi. Phải có yếu tố tác động đến mấy ông, phải xây dựng một xã hội dân sự mạnh đủ sức hạn chế quyền lực, tạo áp lực để mấy ông phải thay đổi. Bản thân tôi là đảng viên, cũng có nhiều bạn bè thân thiết, những đảng viên, những người lãnh đạo không cao lắm nhưng cũng là bậc trung, họ có những nhận thức tiến bộ, thấy được vấn đề, không mù quáng. Chỉ có những người chóp bu, ông nào cũng có lợi ích, có lĩnh vực để chia chác nhau làm cho đất nước khốn khổ vậy. Nông dân là lực lượng chủ chốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa rồi, lẽ ra họ phải được hưởng nhiều, bây giờ họ lại khổ nhất. Chỉ có quan chức và bà con của quan chức là hưởng lợi nhiều. Đa số người dân thì rất khổ, phải ly hương phải đi tìm sự sống. Cái này không thể chấp nhận được.

BVN: Vừa rồi theo anh nói có những đảng viên ở cương vị khá nhận thức được vấn đề nhưng cũng có nhiều người, nhất là những người ngoài đảng thắc mắc trong hàng mấy triệu đảng viên có phải những người có nhận thức tiến bộ chỉ là thiểu số, nếu không phải như thế thì tại sao đa số đảng viên lại không lên tiếng? Có phải là những đảng viên thường không có tiếng nói, không có tác động gì tới đường lối của đảng, tức là họ cũng nằm trong bộ phận bị trị mà như thế không hề đúng với cương lĩnh của đảng?

LHĐ: Đúng rồi. Tôi là đảng viên trong nhiều năm, sinh hoạt trong chi bộ tôi thấy các đảng viên, chi bộ, các cấp ủy chẳng có ý nghĩa gì, chỉ có mấy ông Bộ Chính trị, chóp bu quyết định thôi. Ban chấp hành Trung ương họp chẳng có ai dám nói gì đâu. Vừa rồi Quốc hội thông qua Hiến pháp chỉ có 2 người không bỏ phiếu thì có thể nói Quốc hội này là phản động, không phản ánh được ý chí nguyện vọng của nhân dân, nhất là vấn đề ruộng đất.

BVN: Nhân việc anh tuyên bố ra khỏi đảng, anh có gì nhắn nhủ với các đồng chí cũ của anh, tức là các đảng viên đảng cộng sản?

LHĐ: (Lặng im giây lát rồi vừa nói vừa khóc) Tôi có nhiều bạn bè là đảng viên, thực ra bây giờ tôi ra khỏi đảng rồi, không còn sinh hoạt đảng nữa. Lẽ ra bây giờ phải đoàn kết nhau lại để đấu tranh, phải có dũng khí, nếu ai cũng sợ cho bản thân mình, sợ cho bản thân gia đình mình thì đất nước sẽ ra thế nào, đất nước này ai lo? Thành ra tôi thấy thế này là không được, vì lợi ích cá nhân, gia đình, mà quên lợi ích đất nước thì không được, tôi thấy thế thì quá tệ hại.

BVN: Ngoài ra anh còn muốn thông qua diễn đàn Bauxite Việt Nam để nhắn nhủ điều gì nữa?

LHĐ: Tôi muốn nhắn anh chị em đảng viên trong đảng còn tâm huyết thì không có thời điểm nào thuận lợi bằng thời điểm này để tỏ thái độ để đấu tranh. Nếu bây giờ cứ nói tình hình lúc này chưa chín muồi, hoặc là chưa đúng lúc, thì bao giờ mới đúng lúc, mới chín muồi? Chính mình phải tác động để tình hình chín muồi chứ không lẽ ngồi chờ sung rụng à? Quan điểm ấy rất là tiêu cực, mọi người phải tích cực lên, đấu tranh mạnh mẽ, kể cả không sợ bắt bớ tù đày. Chỉ có kẻ yếu mới thích bắt bớ tù đày. Nếu mạnh thì phải đối thoại. Thí dụ như trường hợp của tôi chưa có ai đến đối thoại với tôi. Tôi nói thêm bây giờ chính là lúc của nhân sỹ trí thức. Bao giờ cũng vậy, xã hội nào cũng vậy, thời kỳ nào cũng vậy, nhân sỹ trí thức phải đi đầu, phải giương cao ngọn cờ đấu tranh, phải dũng cảm, đừng có sợ. Bây giờ là mình phải phá tan không khí sợ hãi mà bao nhiêu năm, từ năm 1954 đến giờ, do mấy ông tạo nên. Bây giờ tôi thấy, ai cũng sợ, cái gì cũng sợ. Sợ ma, sợ quỷ, sợ cái quái quỷ gì… Mình là con người tự do, mình sợ cái gì. Mình không sợ vì mình là chính nghĩa, và như vậy mình làm việc đúng thì không thể ai nói gì, làm gì được mình hết. Đừng có nói chưa chín muồi. Tôi hy vọng nhân sỹ trí thức đừng có đặt vấn đề chưa chín muồi hoặc là chưa đúng lúc. Chín muồi là do tác động của xã hội dân sự. Xã hội dân sự mạnh lên thì sẽ có tác động. Mà muốn xã hội dân sự mạnh thì nhân sỹ trí thức phải làm.Vậy thôi.

BVN: Xin cảm ơn anh và xin nhanh chóng truyền tải tất cả những lời tâm sự chân thành và tha thiết của anh đến bạn đọc của Bauxite Viêt Nam và qua đó sẽ gửi đến rộng rãi những người dân trong xã hội, kể cả những đảng viên và những người lãnh đạo của đảng. Một lần nữa cảm ơn anh và xin chúc anh chóng phục hồi sức khỏe.
(BVN)

Giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan, ai hưởng lợi?

034_3036419-305.jpg
Nông dân Thái Lan đang thu họach lúa hôm 19/4/2013
AFP photo
Giá gạo xuất khẩu và tiêu dùng nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long đang tăng cao. Tuy nhiên nông dân hầu như đã bán hết lúa với giá thấp còn doanh nghiệp lại nói gạo tồn kho không đủ cho xuất khẩu.
Thị trường lên giá thì hết lúa

Gạo xuất khẩu của Việt Nam từ trước đến nay đều chào giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan từ vài chục tới một hai trăm đô la mỗi tấn. Tuy vậy trong những ngày đầu tháng 12 này, Việt Nam chào giá cao hơn cả Thái Lan lẫn Ấn Độ khoảng 10 USD/tấn. Theo trang mạng lúa gạo quốc tế Oryza, Việt Nam chào gạo 5% tấm với giá 420-430 USD/tấn so với mức giá 410-420 USD từ Thái Lan và Ấn Độ.

Từ vụ hè thu qua thu đông mà hiện đã vào cuối vụ, đa số nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải bán lúa với giá huề vốn hoặc có lời chút đỉnh. Nguyên nhân được cho là vì Hiệp hội Luơng thực Việt Nam bế tắc đầu ra xuất khẩu và 2 lần hạ chỉ tiêu xuất khẩu. Sau đó lúa bắt đầu nhích dần lên do có thông tin Trung Quốc mua của Việt Nam tới 3 triệu tấn gạo, trong đó 1,8 triệu là chính ngạch và 1,2 triệu mua tiểu ngạch ngang qua biên giới.

Nông dân đồng bằng sông Cửu Long xót xa vì tình trạng mỗi khi thị trường lên giá thì họ đã hết lúa. Một người làm lúa ở Cần Thơ, nơi thu hoạch lúa thu đông đã qua hơn một tháng, phát biểu:

“Nông dân làm cuối mùa bán hết rồi, giấc này lúa lên ai hưởng lợi chứ nông dân đâu có được gì. Lúc bán giống 4218 được 4.600 đ một kg lúa tươi bây giờ lên tới 5.800-5.900đ, nông dân mất biết bao nhiêu tiền, mỗi tấn mất 1,3 triệu làm nhiều lúa thì nhân lên còn nhiều nữa mà nông dân đâu phải dễ kiếm được đồng tiền.”

Hiệp hội Lương thực Việt Nam giải thích giá gạo tăng cao hơn Thái Lan chỉ là nhất thời, sau khi Việt Nam trúng thầu hợp đồng chính phủ bán cho Philippines 500.000 tấn gạo và áp lực mất giá đồng baht do tình hình bất ổn ở Thái Lan. Theo các chuyên gia, Việt Nam phải chào giá cao vì giá thành các loại gạo xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh, trong khi giá gạo tiêu thụ trên thị trường nội địa cũng tăng trung bình hơn 1.000đ mỗi kg, mức cao nhất trong năm nay.

Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia nghiên cứu thị trường và giá cả từ Hà Nội phân tích:

“Trong tháng 11 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng mặt bằng chung chỉ tăng 0,34% nhưng trong đó nhóm lương thực thực phẩm tăng cao nhất. Vừa qua có thiên tai lũ lụt đặc biệt ở miền Trung; thứ hai có xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, xuất tiểu ngạch rủi ro rất lớn nhưng giá tương đối cao so với giá thế giới. Chính 2 nhân tố đó vừa rồi làm cho giá lương thực trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó giá lương thực của Việt Nam phụ thuộc một trong những yếu tố quan trọng là giá thế giới vì Việt Nam xuất khẩu tương đối nhiều. Trong thời gian vừa qua giá thế giới giảm, trong xuất khẩu có ảnh hưởng nhất định và có một số nước không thực hiện hợp đồng với Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh vừa qua trận bão Haiyan tàn phá rất lớn làm cho nhu cầu về lương thực của Philippines rất là cao. Chính vì vậy họ lập tức phải ký hợp đồng khẩn cấp ngay để đáp ứng nhu cầu thị trường Philippines. Trong bối cảnh như vậy nguồn  cung gạo của Việt Nam chưa sẵn sàng, tình hình đó làm cho khả năng cung cầu về gạo tương đối căng thẳng và chính vì vậy nó cũng là một nhân tố tác động làm tăng giá lương thực vừa qua ở Việt Nam.”
Số liệu không chính xác
000_Hkg7792506-250.jpg
Một nông dân Việt Nam. AFP photo
Câu chuyện thị trường lúa gạo cuối năm 2013 có một số sự kiện đáng chú ý, trong tháng 9 và tháng 11 vừa qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) 2 lần hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2013 từ 7,5 triệu tấn xuống 7 triệu tấn rồi giảm thêm chỉ còn 6,7 triệu tấn. Lúc trước Chủ tịch VFA nói là do bị cạnh tranh, thiếu thị trường xuất khẩu và giá gạo xuống quá thấp. Nhưng thời gian sau đó, VFA lại nêu ra một nguyên nhân khác là bị thiếu gạo để xuất khẩu vì các doanh nghiệp đã bán cho Trung Quốc 3 triệu tấn gạo, trong đó có tới 1,2 triệu tấn gạo đi qua con đường tiểu ngạch. Thông tin này bị giới chức Bộ Công thương phủ nhận trên Thông tấn xã Việt Nam ngày 6/11/2013. Theo đó, gạo xuất tiểu ngạch qua biên giới qua số liệu Hải quan tính đến ngày 15/10/2013 chỉ trên 330.000 tấn. Bộ Công thương vẫn dự báo có khoảng 1,4 triệu tấn gạo tồn kho sẽ chuyển qua quí 1/2014.

Đối với sự chênh số liệu rất lớn giữa Bộ Công thương và VFA, Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:

“Thường thường nhà nước có đánh thuế ở mức độ nào đấy, xuất qua tiểu ngạch độ rủi ro tương đối lớn và trốn tránh thuế người ta dễ thực hiện hơn. Đặc biệt trong bối cảnh vừa rồi, thị trường Trung Quốc có nhu cầu gạo rất lớn và xuất khẩu qua đấy chắc chắn có lợi hơn đối với các thị trường khác. Chính vì vậy lượng xuất tiểu ngạch tương đối là lớn. Chúng ta biết rằng xuất khẩu mặt hàng gạo tuy rất là lớn đúng là không thể giấu được, nhưng mà thường thường người ta trốn tránh đi bằng nhiều con đường, nhiều cách khác nhau.”

Theo Cục Trồng trọt, sản lượng lúa gạo năm nay không thấp hơn năm ngoái, lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu vẫn khoảng 7,3 triệu tấn. Cuối vụ hè thu VFA còn đề xuất kéo dài thời gian mua tạm trữ, nhưng không được chính phủ chấp nhận. Nay VFA đưa tin lo ngại thiếu gạo xuất khẩu sau khi trúng thầu hợp đồng tập trung 500.000 tấn gạo của Philippines.

Những số liệu mâu thuẫn dẫn tới những dự báo như hỏa mù rất khó hiểu.

VFA gần như độc quyền xuất khẩu gạo, mang tiếng rất nhiều vì vấn đề mua tạm trữ hưởng ưu đãi vốn vay. Thành viên VFA mua thấp bán cao, hoặc mua thấp bán thấp cũng đều được hưởng lợi, trong khi nông dân làm lúa có cuộc sống bấp bênh. Tình trạng này khiến cho đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về nhóm lợi ích lúa gạo ăn hớt lợi nhuận của nông dân.
  Nam Nguyên, phóng viên RFA 
2013-12-05

Trần Ngọc Thành - Đảng cộng sản sợ ai?

Lực lượng nào làm đảng cộng sản sợ?

‘’Cuốc Hội’’ của đảng cộng sản Việt Nam đã kết thúc vở diễn tốn kém hơn 40 ngày, với màn cuối thông qua Hiến pháp 486 phiểu thuận và 2 không bỏ phiếu. Các ‘’đại biểu” do ‘’ dân cử” đã nhập vai ăn ý dưới chiếc gậy chỉ huy của bộ chính trị: Báo cáo, giải trình, chất vấn, trả lời, phỏng vấn, quay phim, truyền hình trực tiếp giống y trang Quốc Hội của các nước dân chủ Âu, Mỹ.

Màn hạ. Tổng Trọng thở phào, ‘’thật sự vui mừng và xúc động” vì vở diễn đã thành công(!). Nợ công lên tới 95% GDP; Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nợ 1,35 triệu tỷ đồng,… đã có 87 triệu con dân và các thế hệ con cháu gánh chịu đâu phải chuyện của đảng và Cuốc Hội. Điều 4 vẫn giữ nguyên, 87 triệu con dân, dưới con mắt đảng vẫn là 87 triệu con cừu, là thức ăn dự trữ để đảng ‘’trường tồn”.

Tại sao các đại biểu cuốc hội đã bình thản bấm nút dù đất nước đang lao xuống vực thẳm?

Có hai lý do:

1-      Sự tồn tại của đảng cộng sản  gắn liền với  quyền lực và túi tiền của họ. Trong con mắt họ, Đất Nước là bản thân họ,  gia đình, con cháu họ.

2-      Lực lượng đối lập chưa làm họ bận tâm, chưa đe doạ trực tiếp đến cái ghế của họ, ít nhất họ có thể ngồi rung đùi hoặc ngủ gật vài  ba khoá nữa. Khi đã hạ cánh an toàn với của chìm của nổi kếch sù, đất nước là của Tàu hay của ai đối với họ không quan trọng.

Đây là điều thực tế để mỗi một chúng ta, những người tranh đấu vì tương lai đất nước, sau khi chờ đợi và thất vọng vì kết quả bỏ phiếu của cái Cuốc Hội này phải bình tĩnh, suy xét và trao đổi kỹ càng để rút ngắn thời gian tranh đấu, tránh được thảm hoạ cận kề cho Dân tộc Việt Nam.

Một thực tế đã xẩy ra, gần hai năm qua nhiều hình thức tranh đấu của  các bạn trẻ, của  một số Trí thức đã phát triển mạnh so với nhiều năm trước: Nhóm NoU, Nhóm Blogger phản đối 258, nhóm phản đối sửa đổi Hiến pháp 72; Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục, Tuyên bố của Hội Đồng Liên Tôn, Sự lên tiếng mang tính cá nhân của một vài cán bộ đảng lão thành. Nhưng Bộ Chính Trị đảng, BCH Trung ương và Cuốc Hội vẫn kiên định và thản nhiên bấm nút cho cái Hiến pháp mà họ đẻ ra để áp đặt cho Dân Tộc Việt Nam.

Vậy, vài câu hỏi tiếp đặt ra:

Đảng Cộng sản sợ ai? Lực lượng nào lật đổ được chế độ cộng sản?

486 đại biểu bấm nút vì họ sợ mất ghế, mất quyền lợi, chứ khộng sợ những người tranh đấu.

Tại sao họ không sợ những người tranh đấu?

Vì những người tranh đấu chưa đủ mạnh để họ sợ.

Sức mạnh nào uy hiếp quyền lực của họ? Làm thế nào để tạo ra sức mạnh?

Tại Việt Nam sức mạnh đó đã có chưa?

Đây là những câu hỏi nghiêm túc để mỗi người suy nghĩ và thảo luận.

Đã có những ‘’Sách giáo khoa” về tranh đấu bất bạo động qua những cuộc cách mạng dân chủ Đông Âu, Bắc Phi, của phong trào Otpor tại Serbia, kể cả bài học cách mạng tháng 10 Nga và cách mạng tháng 8.1945.

Tôi đồng tình với bài viết của tác giả Vũ Đông Hà: ‘’Sức mạnh của sợ hãi”, sức mạnh của đám đông” đã đăng trên Danlambao.

Tại Việt Nam  đã có sức mạnh đó.

Tại Việt Nam đã có lực lượng uy hiếp quyền lực của đảng cộng sản.

Nhưng, những người tranh đấu chưa vận dụng được  sức mạnh đó.

Biết vận dụng nó, chúng ta có thể đánh đổ chế độ độc tài trong tương lai rất gần.

Ba nguồn sức mạnh tại Việt Nam hiện nay: Công Nhân, Dân Oan, Cộng đồng Công Giáo.

1-    Công nhân

15 triệu công nhân Việt Nam thực tế là những con người hiền lành, họ chăm chỉ, nhẫn nại làm việc để  nuôi sống  bản thân và gia đình, họ không hiểu biết đến chính trị, không quan tâm đến ‘’chính trị”. Nhưng, khi sức lao động của họ bỏ ra bị bóc lột thái quá, bị làm nhục, bị quỵt lương, bị lừa dối, họ có thể chấp nhận một lần nhưng không thể chịu nhục nhiều lần và họ đã vùng lên chống lại giới chủ bằng những cuộc đình công. Đó là thái độ chính trị, hành động chính trị.

Chống lại giới chủ tức là chống nhà cầm quyền trong phạm vi xí nghiệp, nhà máy. Vì giới chủ là sản phẩm của nhà cầm quyền bằng những hợp đồng béo bở với sức lao động công nhân rẻ mạt.

Cho đến nay, tại Việt Nam đã có gần 5000 cuộc đình công của công nhân. Có nhiều cuộc đình công trên 10 ngàn, 15 ngàn, 20 ngàn người tham gia. Hãy nhìn hình ảnh của những cuộc đình công với sức mạnh hào hùng, nhưng  tại sao họ chỉ giới hạn trong phạm vi xí nghiệp? tại sao họ không xuống đường sánh vai với những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng?

Chỉ cần một, hai nhà máy với vài chục ngàn công nhân cùng xuống đường với Trí thức, với tuổi trẻ thì đảng cộng sản có huy động côn đồ từ cả nước để đối phó cũng sẽ bị vô hiệu hoá.

Cần phải thẳng thắn trao đổi rằng, phần lớn những người tranh đấu trong và ngoài nước coi thường công nhân , không chú ý đến họ, coi thường học vấn, coi thường trình độ của họ. Nhưng, thử hỏi rằng ai trong chúng ta đã tổ chức được những cuộc chống đối có 10, 15, 20 ngàn người tham gia.

Hàng chục năm qua họ tranh đấu rất cô đơn. Có hàng ngàn cuộc đình công thắng lợi, nhưng cũng có hàng ngàn cuộc đình công bị đàn áp, thậm chí công nhân bị thương, bị đánh chết.

Đã có hàng trăm trường hợp bị ngộ độc tập thể  với hàng trăm, hàng ngàn nạn nhân là công nhân. Nhưng chẳng có tổ chức hay cá nhân tranh đấu nào trong nước lên tiếng ủng hộ họ, bênh vực họ.

Cần phải đến với họ, giúp đỡ họ, vì, trước hết họ cũng là con dân Việt Nam, họ là tầng lớp đáy của xã hội, với mọi chính sách khốn nạn của chế độ độc tài (tăng giá xăng, giá điện, giá sinh hoạt,…) họ là nạn nhân bị ảnh hưởng nhiều  nhất.

Nhìn vào từng cá nhân đơn lẻ, họ là những con người yếu ớt, thiếu trình độ học vấn. Nhưng cả khối quần chúng ấy hợp lại, nó có sức mạnh vô biên. Khối quần chúng ấy có chung số phận, chung hoàn cảnh, chung việc làm, hàng ngày sát cánh bên nhau. Khối quần chúng ấy rất dễ tiếp cận.

Đến với họ khi họ đình công, khi họ bị ngộ độc thức ăn, khi họ bị giới chủ hành hạ, bị quỵt lương.

Đến với họ với những lời động viên và cho họ biết nguyên nhân của mọi nguyên nhân tại sao họ bị bóc lột, tại sao họ khổ. Họ hiểu, và chắc chắn họ sẽ không để cho những Trí thức yêu nước xuống đường đơn độc. Họ sẽ làm tròn trách nhiệm công dân khi Tổ Quốc lâm nguy.

Cuộc tranh đấu của giới Trí thức Ba Lan là một bài học quý giá: Năm 1968, giới Trí thức và sinh viên Balan đã tổ chức một cuộc bãi khoá toàn quốc chống chế độ cộng sản, dù có hàng chục ngàn người tham gia nhưng không được giai cấp công nhân ủng hộ, cuộc đấu tranh bị đàn áp và  thất bại nặng nề.

Từ thất bại đó, giới trí thức Balan hiểu rõ lực lượng nào, giai cấp nào sẽ đập tan chế độ cộng sản. Năm 1976, khi làn sóng đình công của công nhân nổ ra khắp cả nước, Trí thức Balan đã thành lập ‘’Uỷ Ban Bảo Vệ Công Nhân”. Những Trí thức hàng đầu như giáo sư Geremek, J. Koron, Mazowiecki, A. Michnik, v,v… đã quan tâm đến công nhân, đã xuống các nhà máy giúp đỡ công nhân, giúp họ thảo yêu sách tranh đấu đòi quyền lợi, giúp họ tổ chức đình công, quyên góp gây quỹ ủng hộ đình công,…

Năm 1980, ‘’Công Đoàn Đoàn Kết” ra đời, Chủ Tịch là L. Welesa, một thợ điện, nhưng đằng sau là những Trí thức làm cố vấn. Trí thức Ba Lan không lập đảng chính trị mà tất cả các tổ chức tranh đấu từ trường Đại hoc, bệnh viện, công sở, nhà máy đều mang một tên chung là ‘’Công Đoàn Đoàn Kết”. Khẩu hiệu bất diệt của họ có giá trị muôn đời: MUỐN TỰ DO, PHẢI ĐOÀN KẾT, và Đoàn Kết đã đập tan chế độ cộng sản tại Đông Âu và Liên xô. (Hãy xem lại: ‘’Từ Đoàn Kết Đến Tự Do-You Tube phần I,II,III,IV)

Công Nhân công ty Mỹ Phong đình công.
Công Nhân công ty Mỹ Phong đình công.
Công nhân đình công đòi tăng phụ cấp.
Công nhân đình công đòi tăng phụ cấp.
Gần 20 ngàn công nhân Cty Linh Trung 1 đình công.
Gần 20 ngàn công nhân Cty Linh Trung 1 đình công.

1200 công nhân công ty Wondo Vina bị ngộ độc thức ăn.

1200 công nhân công ty Wondo Vina bị ngộ độc thức ăn.

        2 - Dân Oan,

Nếu không có chính sách cướp đất trắng trợn của đảng cộng sản, Việt Nam sẽ không có Giai Cấp Dân Oan”. Dân oan đã lớn mạnh thành giai cấp. Họ cũng là những nông dân, những tiểu thương hiền lành, chất phác, cũng sợ sệt, yếu đuối. Họ bị đảng cướp đất, cướp nhà, vứt họ ra đường. Ước vọng sinh tồn đã giúp họ trở thành con người mạnh mẽ. Họ có mặt khắp nơi, trên mọi miền đất nước, nhưng thường tụ hội tại Hà Nội và Sài Gòn. Họ không còn gì để mất. Con đường sống của họ là tranh đấu.

Họ đã bày tỏ thái độ chính trị và hành động chính trị.

Chúng ta đã quan tâm đúng mức đến lực lượng này chưa? Sao chúng ta không kết nối với họ được?

Hàng ngàn dân oan Văn Giang, Hàng ngàn dân oan Dương Nội, Hàng ngàn dân oan Hà Tây sao không kết nối được với nhau, sao không phối hợp hành động, không ứng cứu nhau kịp thời khi bị đàn áp? Sao không kết nối được dân oan cả nước? Sao lại để 6 dân oan Văn Giang tranh đấu đơn độc với lũ côn đồ đội lốt công an?

Nếu coi cuộc tranh đấu vì Đất Nước là đúng đắn, không tuỳ hứng, không phải là hình thức trang trí cho lý lịch bản thân thì mỗi người  cần phân tích và trả lời nghiêm túc cho những câu hỏi đó, nếu không, đừng trách những ông quan bấm nút trong hội trường Cuốc Hội.

do 1
do 2
do 3
do 4

3-    Cộng Đồng Giáo Dân.

Đây là cộng đồng mà tôi luôn ngưỡng mộ và hy vọng. Chính sách hận thù tôn giáo, đàn áp tôn giáo của cộng sản đã làm cho cộng đồng Công Giáo đoàn kết chặt chẽ hơn. Nhà Chung, Thái Hà, Tam Toà, Cồn Dầu, Mỹ Yên,… đã làm cho đồng bào công giáo nhìn rõ hơn mặt thật của đảng cộng sản. Tôi không phải là Giáo Dân nhưng tôi rất hãnh diện khi nhắc tên những Người như Linh Mục Ngô Quang Kiệt, Linh Mục Cao Đinh Thuyên, Linh Mục Nguyễn Thái Hơp, Blogger Nguyễn Hữu Vinh,…

Nếu đức  Giáo Hoàng Gioan Phaolo đê nhị  (John Paul II) người Balan còn sống thì cộng sản Việt Nam chắc không dám lộng hành với cộng đồng Công Giáo như hiện nay.

Câu nói của Đức Giáo Hoàng John Paul II khi về thăm Tổ Quốc đã khích lệ cộng đồng Công Giáo Balan:   ‘’Các Con đừng sợ”;

”Hãy hiện lên linh hồn của Chúa và tái sinh Mặt Đất. Mảnh đất này.”

Chừng nào còn chế độ cộng sản độc tài thì đức tin tôn giáo còn bị hành hạ, chắc chắn Cộng đồng công giáo sẽ đồng hành cùng Dân Tộc tranh đấu cho đức tin, cho một xã hội công bằng.

cg1

cg2
  
cg3


Ba lực lượng trên là những lực lượng khiến đảng cộng sản phải khiếp sợ.

Làm thế nào để phát huy được sức mạnh đó, kết nối được sức mạnh đó là câu hỏi cho những người tranh đấu nghiêm túc.

Thật ra, từ khi thấy được sức mạnh của công nhân qua những cuộc đình công từ những năm đầu của thế kỷ 21, một số anh chị em trong nước như luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Thị Công Nhân, anh Nguyễn Khắc Toàn, Chị Trần Khải Thanh Thuỷ, anh Lê Trí Tuệ,… đã chú ý đến lực lượng này và thành lập tổ chức để giúp đỡ và bênh vực quyền lợi của công nhân. Ngày 20.10.2006 Công Đoàn Độc Lập Việt Nam đã ra mắt. Ngày 27.10.2006 tại sảnh đường Quốc Hội nước Cộng Hoà Ba Lan đã diễn ra cuộc  Hội thảo Quốc tế về ‘’Quyền của Người Lao Động tại Việt nam” . Hội Nghi quy tụ gần 70 đại biểu và khách mời khắp thế giới: Mỹ, Canada, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Tiệp, Úc, và Uỷ Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN được thành lập. Luật sư Lê Thị Công Nhân, khách mời của cuộc Hội thảo bị giữ tại sân Bay nội bài và bị cấm xuất cảnh. Ngày 7.01.2007 Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông do anh Đoàn Huy Chương làm chủ tịch cũng được thành lập.

Tuy nhiên, sau khi được gia nhập WTO và tổ chức hội nghị APEC tại Hà Nội, đảng cộng sản đàn áp khốc liệt những người sáng lập Nghiệp Đoàn. Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Đoàn Huy Chương lần lượt vào tù, một số người phải lánh nạn, Bạch Ngoc Dương, Trần Văn Hoà,… phải sang Mỹ tỵ nạn, Lê Trí Tuệ bị mất tích tại Căm Pu Chia, anh chị em tranh đấu cho quyền lợi của Người Lao động phải bí mật hoạt động và gây dựng phong trào. Gần 4 năm trước, Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng lại bị bắt vào tù vì giúp đỡ cho 10 ngàn công nhân nhà máy Mỹ Phong, Trà Vinh tổ chức đình công bảo vệ quyền lợi.

Nguy hiểm và khó khăn, nhưng giai cấp công nhân cần có tổ chức độc lập của mình để tranh đấu bảo vệ quyền lợi. ‘’Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do” đã ra đời (Hợp nhất các tổ chức tranh đấu vì quyền lợi của công nhân), đã nạp đơn và đang chờ xét làm thành viên của Nghiệp Đoàn Lao Động Thế Giới (ITUC).

Dân Oan cũng cần có người đại diện của mình để kết nối, hỗ trợ và tranh đấu với nhà cầm quyền.

Thời gian qua nhiều anh chị em tranh đấu trong nước đã đến với dân oan, cuộc tranh đấu của dân oan đã được khích lệ, nhưng vì nhiều lý do, sức mạnh tranh đấu của khối này vẫn chưa được phát huy.

Nếu giai cấp công nhân và dân oan được chú ý đúng mức, nếu kết hợp được sức mạnh của ba khối Công Nhân, Dân Oan và Cộng Đồng Giáo Dân chế độ độc tài cộng sản đã tiêu tan, anh chị em Trí thức, các bạn trẻ sẽ không cô đơn khi xuống đường thể hiện trách nhiệm của mình trước Tổ Quốc, trước Dân Tộc.

Lực lượng  tranh đấu hải ngoại:

Những năm qua, Cộng đồng Người Việt hải ngoại, các tổ chức, các đảng phái tranh đấu hải ngoại đã hỗ trợ lực lượng trong nước bằng nhiều hình thức. Hiệu quả đến mức nào tuỳ theo  cách nhìn và cách đánh giá của từng người.

Theo cá nhân tôi, với tiềm năng như vậy, các Tổ chức tranh đấu hải ngoại đáng lẽ yểm trợ trong nước tốt hơn, hiệu quả hơn. Nguyên nhân? Mọi người đều biết, nhưng khó có thể khắc phục, kể cả bây giờ. Thiếu đoàn kết, đố kỵ, không thống nhất khi hành động đã làm phân tán lực lượng và giảm lòng tin đối với cộng đồng.

Các tổ chức, đảng phái đã lẫn lộn mục tiêu tranh đấu trước mắt và mục tiêu tranh đấu lâu dài. Trước mắt: Cần tập trung, đoàn kết mọi lực lượng và thống nhất hành động để đập tan chế độ độc tài. Khi chế độ độc tài không còn, lúc đó hãy cạnh tranh trong việc lãnh đạo đất nước, xây dựng xã hội dân chủ. Thế nhưng, dù chế độ cộng sản vẫn đang hiện diện, cả dân tộc đang bị kìm kẹp, các tổ chức, đảng phái đã cạnh tranh lẫn nhau, tranh dành ảnh hưởng kể cả trong và ngoài nước. An ninh cộng sản đã lợi dụng điều đó để chia rẽ, đánh phá.

Những anh chị em dấn thân trong nước chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, bị đàn áp, bị tù đày, bị cô lập, bị phong toả mọi  đường làm ăn sinh sống. Gia đình và bản thân anh chị em vô cùng cực khổ. Đáng lẽ họ phải được chi viện vật chất tối thiểu để sống, và hoạt động. Nguồn chị viện đó từ hải ngoại  rất hạn chế so với yêu cầu của anh chị em trong nước.

Phải chăng cộng đồng người Việt hải ngoại quá nghèo, không có khả năng? Không đúng. Vì hàng năm bình quân có trên 10 tỷ usd kiều hối gửi về nước. Những năm qua, nhiều tổ chức từ thiện, nhà chùa chỉ trong một đợt ngắn đã quyên góp được hàng chục, hàng trăm ngàn đô la. Mới đây nhất, trong một, hai ngày, VOICE  do  Ls Trịnh Hội tổ chức đã quyên góp được trên 200 ngàn đô la giúp nạn nhân bão Hải Yến tại Philipin.

Cộng đồng người Việt hải ngoại không tin các tổ chức, các đảng phải.

Đề nghị thành lập một ‘’Quỹ yểm trợ dân chủ” độc lâp. Thành phần đứng tên và ban điều hành gồm những nhà hoạt động có uy tín trong các lĩnh vực: văn hoá, khoa học, xã hội, tôn giáo cả trong và ngoài nước . Ví dụ trong nước: Hoà Thượng Thích quảng Độ, Linh mục Phan Văn Lợi, cụ Lê Quang Liêm, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Ls Lê Thị Công Nhân, Blogger Nguyễn Hữu Vinh; Ở Hải ngoại có nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh, nhạc sỹ Nam Lộc, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhạc sỹ Việt Dũng, Ls Trịnh Hội, nhạc sỹ Trúc Hồ, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng,.. Khi những vị này đứng tên gây quỹ, người cho tiền tin tưởng đồng tiền của họ sẽ được chi đúng mục đích và không bị đảng phái, tổ chức nào lợi dụng. Mỗi khi gây quỹ, các tổ chức, đảng phái cùng vận động và hỗ trợ. Với niềm tin đồng tiền bỏ ra sẽ góp phần vào việc sớm dân chủ hoá Đất Nước, đồng bào sẽ không ngần ngại khi trút hầu bao.

Phối hợp hành động.

Hiện nay,  một công việc mà anh chị em tranh đấu trong nước , các tổ chức đảng phái hải ngoại có thể phối hợp hành động:

Để cứu nền kinh tế ‘’định hướng XHCN” đang sụp đổ, đảng cộng sản đang ra sức vận động để gia nhập ‘’Hiệp Ước Thương Mãi xuyên Thái Bình Dương”( TPP).

Nếu nền kinh tế sụp đổ, đảng cộng sản sẽ chết.

Một trong những điều kiện mà các đối tác đặt ra cho Việt Nam là Việt Nam phải có công đoàn độc lập.

Nếu nhà nước cộng sản buộc phải công nhận công đoàn độc lập thì đây là một cơ hội lớn cho giai cấp công nhân Việt Nam. Thời gian rất gấp rút.

Mong các lực lượng tranh đấu trong và ngoài nước vì mục đích chung cùng phối hợp hành động.

Thưa các anh chị, các bạn trẻ,

Là người tranh đấu, là người hành động, trước hiện tình Đất Nước, sau  cái ‘’ngày tang khốc cho Dân Tộc Việt Nam” như lời của nhà văn Võ Thị Hảo, tôi nêu quan điểm của mình như một ý kiến để cùng thảo luận, cùng suy ngẫm, nhằm tìm hướng đi và hành động đúng, rút ngắn thời gian cho cuộc đấu tranh.

Warszawa,02.12.2013.
© Trần Ngọc Thành
© Đàn Chim Việt

Sự Kiện Tôi Tự Do và Tọa đàm Hiểu và Hành động vì Quyền con người bị hoãn

Sự kiện "Ngày hội Tôi Tự Do và Hội thảo Hiểu và Hành động vì Quyền Con Người" dự định tổ chức tại Hà Nội ngày 7/12/2013 đã bất ngờ bị hoãn "do một số điều kiện khách quan bất khả kháng", Ban Tổ Chức vừa mới cho biết. Đứng sau sự kiện này là các mạng lưới PPWG, GENCOMNET, GPAR, EMWG, SRA, CDG và các tổ chức của thanh niên như Tổ chức Hành động vì tương lai (A4F), Câu lạc bộ Join & Join của nhiều bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội, Câu Lạc bộ Nhà xã hội học tương lai ở trường Đại học công Đoàn, nhóm Bách Việt của các sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội và Tổ chức 6 Cộng hoạt động vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Lời mời tham gia Ngày hội này được đưa ra vào ngày 2/12 trên Facebook, và chưa đầy 3 hôm đã có gần 800 người đăng ký tham dự.

sukientoitudo.jpg

Được biết, Ngày hội Tôi Tự Do kỳ này có sự tham gia của rất nhiều tổ chức khác nhau cùng tôn vinh những giá trị của quyền con người. Sẽ có quầy thông tin, trò chơi, vẽ tranh, mini-talk nhạc sôi động, du ca đường phố... từ 9h sáng tới 18h tối tại Nhà văn hóa Học sinh Sinh viên gần Hồ Thiền Quang, Hà Nội. Các bạn trẻ sẽ cùng nhau tìm hiểu về 30 quyền con người được nêu trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, và trả lời câu hỏi: Bạn có quyền gì và ai là người có trách nhiệm thực hiện quyền này?

Thiết nghĩ đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa cho các bạn trẻ ở Hà Nội, và nó cũng rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của xã hội văn minh, khi mà người dân phải biết các quyền cơ bản của mình và của mọi người để cùng nhau tôn trọng nó, nhất là khi Việt Nam vừa được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, và chủ tịch nước Nguyễn Sinh Hùng khi ký chứng thực Hiến Pháp mới đã tuyên bố: "Hiến pháp một lần nữa khẳng định tư tưởng bất diệt của dân tộc Việt Nam là đề cao quyền con người, quyền làm chủ của nhân dân, phản ánh giá trị cao quý, bản chất dân chủ tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội." Việc nó bị hoãn vì "một số điều kiện khách quan bất khả kháng" là một điều hết sức đáng tiếc. Các thông tin về sự kiện này trên internet đã bị xóa, rất may trên trang FB của Con Đường Việt Nam có lưu lại lời mời của sự kiện (xem dưới đây).

Để bù lại, các tổ chức xã hội dân sự khác như Mạng Lưới Blogger Việt Nam, Con Đường Việt Nam v.v... đang có những hoạt động chuẩn bị kỷ niệm ngày Nhân Quyền Quốc Tế 10/12/2013 sắp tới thật trọng thể. Mời độc giả Dân Luận đón đọc về các sự kiện này trong thời gian sắp tới!

* * *
NGÀY HỘI 'TÔI TỰ DO' VÀ HỘI THẢO 'HIỂU VÀ HÀNH ĐỘNG VÌ QUYỀN CON NGƯỜI'

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Và bạn có biết ngoài quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ra, mỗi người còn có đến 30 quyền được quy định trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, và theo luật pháp từng quốc gia, mỗi công dân quốc gia đó lại có vô số những quyền khác.

Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi:

Quyền con người là gì và tại sao phải có quyền?

Bạn có những quyền gì và ai là người có trách nhiệm thực hiện quyền?

Hãy đến với Ngày hội Tôi Tự Do và Hội thảo Hiểu và Hành động vì Quyền con người để được:

- Tìm hiểu về các quyền con người qua các trò chơi, các hoạt động tập thể: vẽ tranh, biểu diễn thời trang…

- Nói chuyện, lắng nghe những chia sẻ và có thêm thông tin về quyền con người, tầm quan trọng của quyền con người

- Hiểu thêm về một số nhóm quyền và quyền của các nhóm thiểu số để tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng quyền bình đẳng.

- Cùng trò chuyện về sự cần thiết và cách thức nâng cao nhận thức cũng như giáo dục về quyền con người.

Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Nhân quyền Thế giới 10/12, và tôn vinh dấu mốc lịch sử là Việt Nam được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016.

Đến với chương trình, bạn sẽ được hòa mình cùng với

- Hàng trăm học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội

- Đại diện đến từ các tổ chức xã hội dân sự,

- Đại diện của cơ quan nhà nước;

- Đại diện của giới truyền thông;

- Các cá nhân quan tâm khác;

Tham gia các hoạt động chính:

BUỔI SÁNG: ngày hội “Tôi tự do” (vào cửa tự do)

- Triển lãm: “Con đường tự do” của các nhóm/tổ chức về quyền con người

- Nhạc kịch và thời trang “Tôn trọng sự khác biệt”

- Ca nhạc “Cho bạn, vì bạn” với sự tham gia của nhóm Sign In

- Vẽ tranh tường “Độc lập, tự do, hạnh phúc”

- Trò chơi “Cuộc đua kỳ thú” xuyên suốt chương trình với phần thưởng hấp dẫn và có giá trị

BUỔI CHIỀU:

- Hội thảo Phổ biến kiến thức về quyền con người

- Khách mời của chương trình có:

• Nhà văn Trang Hạ - nhà văn nổi tiếng với những trang viết sắc sảo về con người và phụ nữ;

• Anh Lương Thế Huy – một người hoạt động xã hội tích cực vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới

• Chị Thu Lành – một người hoạt động năng nổ với các phong trào của sinh viên học sinh

• Chị Nghiêm Kim Hoa – một chuyên gia trong lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam

- Và thưởng thức buffet pizza miễn phí.

* Địa điểm, thời gian và cách thức đăng ký:

• Ngày hội Tôi Tự Do khai mạc lúc 9:00 sáng thứ 7 ngày 07/12/2013

• Hội thảo Hiểu và hành động vì quyền con người sẽ bắt đầu lúc 14:00 đến 18:00 thứ 7 ngày 07/12/2013

• Địa điểm: Nhà văn hóa Học sinh, sinh viên và rạp Thanh Niên – Số 37, Trần Bình Trọng

Lưu ý: Để tham gia chương trình Hội thảo Hiểu và Hành động vì Quyền con người, bạn vui lòng đăng kí qua link sau: http://tinyurl.com/dangkihoithaonhanquyen

Thời hạn đăng ký: 24h00 ngày 05/12/2013

Chương trình được tổ chức bởi các mạng lưới PPWG, GENCOMNET, GPAR, EMWG, SRA, CDG và các tổ chức của thanh niên như Tổ chức Hành động vì tương lai (A4F), Câu lạc bộ Join & Join của nhiều bạn sinh viên trên địa bàn Hà Nội, Câu Lạc bộ Nhà xã hội học tương lai ở trường Đại học công Đoàn, nhóm Bách Việt của các sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn Hà Nội và Tổ chức 6 Cộng hoạt động vì quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Mọi thắc mắc xin liên hệ: Đinh Y Ly
Email: dinhyly@gmail.com
ĐT: 0974.756.129
Theo FB Con Đường Việt Nam

Từ chuyện lòng tốt bị đánh cắp theo xe bia Tiger bị nạn


Mảnh vỏ chai bia nằm vương vãi sau vụ tai nạn.
Chiếc xe tải chở bia Tiger gặp nạn tại vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa - Đồng Nai, cả ngàn thùng bia đổ ra đường và câu chuyện tiếp theo sau mới là đại nạn.
Xe lạc tay lái nhưng không có người chết và bị thương, bia bị đổ ra đường hoàn toàn có thể nhặt lại được để sắp xếp chở đến địa chỉ cần giao. Cho nên, tai nạn xảy ra mà an toàn. Cái không an toàn chính là lòng tốt của con người đã bị “tai nạn” tử vong từ lâu rồi.

Chuyện là ở chỗ, khi bia đổ ra đường, hàng chục, rồi hàng trăm người xông vào hôi của. Họ đánh cả xe ba gác tới để chở bia, có người leo vào xe để lấy luôn cả những thùng bia chưa rơi ra trước sự bất lực của tài xế. Mặc cho tài xế và phụ xe van lạy, những kẻ cướp vẫn không động lòng trắc ẩn. Họ không cần biết anh tài xế đó sẽ phải gánh hết toàn bộ hậu quả, phải sửa chữa xe, phải đền bù số bia bị mất cho chủ hàng.

Đây là một vụ ăn cướp đúng hơn là một vụ hôi của. Ăn cướp công khai, ăn cướp tập thể, ăn cướp mà không biết mình đang là kẻ cướp. Họ tự biện minh cho mình rằng họ chỉ nhặt của rơi.

Giữa tháng 10 vừa qua, một người đàn ông bị cướp tại TPHCM. 50 triệu đồng mệnh giá 500.000 đồng của ông bị giằng co rơi ra đường. Ông đã chống lại được 4 tên cướp để không bị mất tiền, nhưng ông không thể chống lại một đám đông xông vào cướp tiền của ông rơi trên đường. Ông bất lực nhìn tiền của mình bị cướp, mà những kẻ cướp đó nhân danh là người lương thiện chỉ tình cờ nhặt được của rơi.

Còn nhiều vụ tương tự như thế. Người ta lao vào hôi của khi có đám cháy, khi có tai nạn giao thông xảy ra.

Trong những vụ cướp được gọi là hôi của này, có người lớn và có cả trẻ em tham gia. Có những người đem tài sản cướp được về nhà như một thành tích và con cái họ sẽ được giáo dục về cái thành tích “làm người” của họ. Quá nguy hiểm.

Còn nạn nhân của các vụ lợi dụng người khác lâm nạn để cướp của công khai này vừa bị mất tài sản vừa bị mất niềm tin vào xã hội mà họ đang sống. Khi con người ta bị mất niềm tin vào tha nhân, vào cộng đồng thì họ sẽ khó có thể đối xử tốt với chính cộng đồng đó.

Cái xấu, cái ác cứ thế mà xâm chiếm lấy xã hội cho đến khi lòng tốt, tình người không còn đất sống.

Những gì vừa xảy ra cho thấy con người cấu xé, cướp giật nhau để kiếm sống. Thậm chí, không phải để kiếm sống mà chỉ vì thói quen, vì quán tính của cái xấu, cái ác trong con người. Cũng cần phải nghiền ngẫm một câu hỏi, tại sao hôm nay chúng ta rêu rao nhiều giá trị đạo đức, nhưng cũng là lúc mà lòng nhân ái, tình người bị xem thường nhất, thiếu vắng nhất.

Có thể chỉ ra cụ thể ai là người chịu trách nhiệm về một lĩnh vực, một ngành kinh tế nghèo nàn, giáo dục, y tế lạc hậu, hạ tầng giao thông yếu kém. Nhưng thật khó để chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm về một nền đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp trầm trọng hiện nay.
  Lê Thanh Phong
  (Lao động)

Mỹ 'không công nhận vùng phòng không'

Bà Marie Harf
Mỹ từng yêu cầu Trung Quốc hủy thiết lập ADIZ

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington yêu cầu Bắc Kinh không thực hiện vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới thiết lập.

Bà Marie Harf có họp báo với giới phóng viên nước ngoài hôm thứ Tư 4/12 tại Washington DC sau khi Phó Tổng thống Joe Biden tới Trung Quốc.

Bà Harf lặp lại lập trường của Hoa Kỳ, rằng nước này "không công nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc mới thông báo thiết lập".

Nữ phát ngôn viên này nói danh sách yêu cầu mà phía Trung Quốc đưa ra đối với các máy bay nước ngoài khi vào khu vực ADIZ là "không phù hợp với thực tế hàng không quốc tế".

Bà Harf cũng tuyên bố hành động của Trung Quốc "là hành động có tính khiêu khích cao" và có khả năng góp phần gây ra những tính toán sai lầm và sự cố trong khu vực.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc hủy các yêu cầu thủ tục cũng như các đòi hỏi đã đưa ra.

Trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo Trung Quốc, Phó Tổng thống Joe Biden cũng đã đề cập 'thẳng thắn' tới chủ đề ADIZ.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Biden nói vùng phòng không của Trung Quốc đã gây quan ngại ở châu Á.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc khi tường thuật về phát biểu của Phó phát ngôn viên Mỹ cho rằng Mỹ đã "giảm giọng điệu".

Tờ China Daily nói thay vì đòi hỏi hủy ADIZ như trước, bà Harf chỉ nói Mỹ yêu cầu không thực hiện nó.
(BBC)

Người Tây Tạng 'bị thế giới làm ngơ'

Damian Grammaticas
Phóng viên BBC, Trung Quốc

Mặt trời lên và nhiệt độ khoảng âm 20 độ C. Tiếng tụng kinh của các vị sư vẩn vương trong thung lũng phủ tuyết trắng.

Chúng tôi ở trên vùng núi cao lô nhô, hướng về phía cao nguyên Tây Tạng. Khắc nghiệt và rất đẹp, vùng nằm bên ngoài Tây Tạng này cũng là nơi có tới sáu triệu người Tây Tạng sinh sống.

Một vị sư quét tuyết khỏi những bậc thang dẫn tới một cái phù đồ nhỏ (nơi giữ xá lợi của Phật). Người Tây Tạng cuộn mình trong chăn để chống rét, tay nâng bánh xe pháp luân.

Xa hơn ở phía trườn đồi, sương sớm treo lơ lửng trên những mái ngói sơn vàng của các thiền viện.

Rải rác khắp thung lũng của vùng núi cao là các thiền viện lưu giữ cách sống của người Tây Tạng.

Các nhà sư trong bộ áo cà sa màu vang đỏ dần tiến ra để làm lễ cầu kinh sáng, trong khi các phụ nữ mang theo tràng hạt đi xung quanh thiền viện, rồi phủ phục xuống đất.


Người Tây Tạng lo lắng khi tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài

Từ khi các nhóm lính Trung Quốc được điều động tới kiểm soát Tây Tạng hơn nửa thế kỷ trước, và đức Đà Lai Lạt Ma bỏ xứ đi xa, các thiền viện thưa vắng hẳn đi.

Và đã nhiều tháng qua, báo chí bị chặn lại không được vào vùng Tây Tạng do căng thẳng sôi sục ở khu vực này.

Chúng tôi lọt vào mà không bị phát hiện. Trung Quốc không muốn có sự can thiệp của người nước ngoài ở vùng này.

Các vị sư mà chúng tôi tiến đến gần đều tỏ ra lo lắng, Trung Quốc đã tăng cường theo dõi ở đây.

Một vị sư trẻ lắc đầu tỏ ý không muốn nói chuyện; nhà sư khác xua xua chúng tôi, hoặc có người thì rút vào bên trong. Có nguyên nhân khiến họ cẩn trọng như thế.

Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát, không chỉ ở các thiền viện mà còn ở toàn bộ các hoạt động khác của đời sống và văn hóa người Tây Tạng.


Các thiền viện là nơi lưu giữ văn hóa và cuộc sống của người Tây Tạng

Sự chán nản cũng dần lớn lên trong lòng người Tây Tạng. Và có cảm giác rằng, kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính ở thế giới bên ngoài, đặc biệt là phương Tây, họ cũng không còn muốn giải quyết hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc nữa.

Điều mà các quốc gia muốn là xâm nhập được vào thị trường và tài chính Trung Quốc

Thế nên người Tây Tạng đành chọn cách phản đối cực đoan, tự thiêu mình. Con số người tự thiêu trong ba năm qua được cho là đã lên tới hơn 120 người, nhằm phản đối sự cai trị của Trung Quốc trên quê hương họ.

Một số người được cho là đã kêu gọi đức Đà Lai Lạt Ma trở về khi xảy ra những vụ tự hủy hoại bản thân.


Người Tây Tạng thấy mình bị phân biệt đối xử, bị coi là 'da đen hơn và bẩn hơn'

Có thể đó là hành động tuyệt vọng, nhưng Trung Quốc nói những người tự thiêu là do bị Đà Lai Lạt Ma xúi giục, thậm chí trả tiền.

Lo sợ sự việc sẽ ngày càng lan rộng, Trung Quốc lại càng mạnh tay hơn, bắt giữ, thậm chí bỏ tù người Tây Tạng bị cáo buộc giúp đỡ những người đã tự thiêu.

Ngọn cờ của những người cầu kinh bay lất phất bên ngoài ngôi nhà của người đàn ông đã tự kết liễu đời mình. Chúng tôi tìm đến gia đình ông, nhưng được yêu cầu phải giữ bí mật tên tuổi.

Anh trai ông nói người cha có hai con nhỏ ấy không hề nhận được tiền của Đà Lai Lạt Ma. Chỉ nhắc tới điều đó thôi, ông nói, cũng là sự sỉ nhục.

Ông cho biết chính quyền đã đến tra hỏi nhiều lần. Họ muốn biết vì sao em ông lại tự đốt mình, nhưng tất cả những gì ông có thể trả lời là em trai mình là người tốt, hành động vì lương tâm. Người Tây Tạng, ông nói thêm, đã nản rồi.

“Tôi thường thấy người Tây Tạng bị coi là thấp hèn,” ông giải thích. “Tôi rất buồn về điều này.

“Người Tây Tạng vào thành phố tìm việc thường bị coi là da đen hơn và bẩn hơn những người khác; chúng tôi bị đối xử phân biệt. Tôi tin là mình bị cư xử khác biệt.”

Ông nhấn mạnh rằng gia đình ông không bị chính quyền trả đũa. Nhưng cha mẹ ông rõ ràng là rất lo lắng về việc nói chuyện với phóng viên nước ngoài.


Người Tây Tạng sợ văn hóa của mình sẽ bị phai nhạt

Ở vùng núi trống trải đầy gió, nơi người chăn gia súc chăm sóc cho những con bò Tây Tạng đen lốm đốm các sườn đồi, không có nhiều việc làm cho người Tây Tạng.

Trung Quốc nói sẽ thay đổi điều này, sẽ cho xây đường sá, mang thịnh vượng tới. Nhưng phát triển lại là một nguyên nhân gây mâu thuẫn khác.

Giữa tháng Tám năm nay xảy ra một cuộc biểu tình ở trung tâm Tây Tạng bởi nhiều người lo lắng rằng môi trường sẽ bị ảnh hưởng do các hoạt động khai thác khoáng sản. Nhiều người Tây Tạng thấy tài nguyên của mình đang bị Trung Quốc khai thác kiếm lời.

Đáp trả của Trung Quốc cho sự phản kháng, vì có quá nhiều người Tây Tạng tham gia biểu tình, khá mạnh tay. Nhóm người Tây Tạng lưu vong nói cảnh sát ập tới, bắn khói cay và dùng dùi cui điện dẹp đám đông biểu tình.

Ở ngôi làng khác, chúng tôi thấy một phụ nữ đang chất cỏ dự trữ cho gia súc. Bà nói với tôi rằng đã có năm, sáu vụ tự thiêu ở thiền viện gần nhà bà.
Bà không muốn cho chúng tôi biết tên nhưng nói có đàn áp xảy ra sau các vụ tự thiêu đó.

“Chúng tôi thấy rất áp lực. Bắt bớ xảy ra, cảnh sát đến và bắt giữ người.
“Các gia đình còn không biết người thân của mình bị mang đi đâu.”


Người Tây Tạng thấy nản vì có lẽ thế giới giờ chỉ lo tới mối lợi kinh tế với Trung Quốc

Không xa đó, người Tây Tạng đi vòng quanh một khu mộ, quay bánh xe luân hồi. Một nhóm phụ nữ lớn tuổi cúi mình trước tòa phù đồ, siết chặt tay. Rồi họ phủ phục xuống, cầu nguyện.

Sau vụ đàn áp và cấm đưa tin, các vụ tự thiêu có vẻ đã ít xảy ra hơn.

Nhưng những điều không được nhắc tới là mối bất bình ở đây: người Tây Tạng lo sợ rằng họ đang bị gạt ra ngoài lề, văn hóa dần mất đi, bị buộc làm cho im lặng, trong khi đó thế giới ngoảnh mặt đi.
(BBC)
 

“Chân dài” phủ đầy quán xá (Haiz, thời xưa có đến nỗi thế này...)

(CATP) Quần áo mỏng manh, làn da trắng hồng, nhiều cô gái tiếp thị sản phẩm đã có mặt khắp phố phường. Không chỉ tại TP.Hồ Chí Minh mà trào lưu “em út” này còn hiện diện tại khắp các tỉnh, thành.  
KHÓI THUỐC MỜ NHÂN ẢNH

Những bóng hồng làm nghề giới thiệu thuốc lá thì ở Sài Gòn xuất hiện cách đây khoảng chục năm. Thời gian qua, do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, “đội quân” này thêm nở rộ tại các phố cà phê.

Một chiều đầu tháng 12, mưa tầm tã. Tại quán cà phê Nhật Nguyệt 1 (ngay ngã tư Trường Sơn - Cửu Long, Q10), cô gái tên Phương Anh đi tới đi lui giữa các bàn để giới thiệu thuốc lá. Phương Anh liến thoắng trong ánh nhìn của quý ông đang ngồi tán gẫu, nhâm nhi cà phê muộn. Các quý ông tập trung về cô gái cao khoảng 1,7 mét, điệu đà trên đôi giày cao gót cùng chiếc váy ngắn màu xám cũn cỡn đang là mốt của các cô gái tiếp thị.

Vén những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt trắng xinh, Phương Anh (29 tuổi, nhà ở đường An Dương Vương, Q6) cho biết cô là nhân viên của Công ty Vân Hậu (đóng tại đường Trần Xuân Soạn, Q7). Công ty của cô đang tiếp thị ba loại thuốc lá. Trung bình mỗi ngày, những cô tiếp thị phải đứng một quán. Nếu bán hết tám gói thuốc lá sẽ nhận lương ở mức một, tương ứng với năm triệu đồng/tháng. Mức hai là phải bán hết 12 gói/ngày, lương sáu triệu đồng/tháng. Mức ba là 15 gói/ngày, tương ứng với số lương bảy triệu đồng. Công ty chia ra nhiều mức khác nhau, bán càng được nhiều thì lương càng cao.

Chỉ tay qua phía bên kia đường là quán Nhật Nguyệt 2, Phương Anh bảo: “Bạn em đứng ở quán bên kia. Thu nhập cũng sống được. Lúc đầu em ngửi mùi thuốc lá không quen nhưng riết chịu đựng được. Nhiều quán diện tích nhỏ, khách đốt thuốc và nhả khói nhiều quá, đứng cách khoảng một mét cũng không nhìn rõ mặt nhau”.

Hôm sau, chúng tôi gặp lại Phương Anh trong một quán nhậu ốc cạnh đường Thành Thái, gần tòa nhà cao tầng của Mobifone (Q10). Vẫn với bộ váy màu sẫm, Phương Anh cầm cây thuốc lá liên tục mời chào. Thay vào những câu nói tử tế như ở quán cà phê, khách nhậu lại buông những lời khó nghe với một cô gái làm tiếp thị để mưu sinh.

Hôm khác, đang ngồi uống cà phê ở quán Ô Cấp, đường Hạ Long (TP.Vũng Tàu), nhìn ra bãi tàu cánh ngầm, tôi giật mình trước những cô gái đẹp như tiên, tươi cười mời mua thuốc lá. Các cô đều trắng trẻo, nói có duyên và mặc cũng rất mát mẻ. Một cô trong nhóm giới thiệu tên là Sen (21 tuổi, quê ở phường Đô Vinh, TP.Phan Rang - Tháp Chàm), đang là sinh viên Trường đại học Hùng Vương. Vì công việc tiếp thị có lương cũng khá cao, làm việc bán thời vụ nên cô đã gắn bó được một thời gian dài. Khi có “chiến dịch” quảng cáo ra các tỉnh miền Đông Nam bộ, cô cùng các cộng sự lại thuê xe 12 chỗ ngồi đi Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình  Thuận. Sáng các cô đến quán cà phê mời chào, trưa về nghỉ một tí, chiều lại ra quán đến tối mịt mới về.

Phương Anh (bìa phải)    Tiếp thị miếng dán laptop
 Theo lời rủ rê của Sen, tôi về khách sạn mà nhóm của cô đang thuê ở mỗi khi xuống phố biển. Cả nhóm có một nhóm trưởng và tài xế là nam giới, còn lại toàn là các cô gái trẻ trung, sinh năm 1992 trở lại, phần nhiều là sinh viên. Trong đêm tối mịt mù, các nữ sinh làm nghề tiếp thị thuốc lá mời tôi “đấu tửu” ở bãi Sau (phường Thắng Tam). Khi đã ngà ngà, Sen mới cởi mở: “Em nói dối cha mẹ làm nghề này để kiếm tiền đi học, mua sách vở, đóng nhà trọ. Mỗi tháng cũng được bốn, năm triệu đồng. Làm nghề ngửi mùi thuốc lá cả ngày chỉ mong sao sau này lấy chồng không hút thuốc lá”. 
Một lần ngồi ở quán cà phê cóc đầu đường Bảo Khánh, nhìn thẳng ra bờ hồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tôi được một cô gái tiếp thị thuốc lá chào mời. Cô tên là Hương, sinh viên năm 1 Trường đại học Điện Lực, nghe Hương nói đóng ở tận huyện Từ Liêm. Hương nhẹ nhàng giới thiệu quê ở Tuyên Quang. Đúng như danh đồn “chè Thái gái Tuyên”, Hương được trời phú cho nhan sắc rất mặn mà của tuổi mới lớn. Trong chiếc váy ngắn xinh đẹp, Hương thoăn thoắt len giữa màn khói trắng mờ ảo quanh các bàn. 
CHÂN CÀNG DÀI, VÁY CÀNG NGẮN 
Ngoài nghề tiếp thị thuốc lá, nhiều công ty đã tuyển các giai nhân trẻ để quảng cáo công nghệ nano dán lên màn hình laptop, điện thoại di động... Đang ngồi ở quán ăn tại quận Bình Thạnh, tôi được hai cô gái xinh như mộng giới thiệu về sản phẩm này, giá 135 nghìn đồng. Một nữ nhân viên cầm theo cái iPad, lấy tay quẹt quẹt màn hình để biểu diễn tính tiện ích của giấy dán. Các cô gái này cũng mặc váy, khoét sâu phần cổ áo, lộ ra làn da trắng bóng. Phía đuôi váy thì siêu ngắn. Phương Quyên, một nữ nhân viên tiếp thị chia sẻ: “Buổi sáng em đi học, chiều tối mới tranh thủ làm thêm, không có nắng và cũng nhẹ nhàng hơn nhiều nghề khác”. 
Rời TP.Hồ Chí Minh, tôi ra các tỉnh miền Trung và ngỡ ngàng trước nhiều cô tiếp thị bia rất chuyên nghiệp. Tại một quán ốc gần bờ kè Tuy Hòa (TP. Tuy Hòa), khi đang ngắm cầu Đà Rằng (một trong những cây cầu dài nhất miền Trung - PV) và núi Nhạn (biểu tượng của tỉnh Phú Yên), tôi bị một giọng nói làm mê hoặc. Cô gái tự giới thiệu tên là Thủy, tiếp thị cho một loại bia có nhà máy ở Đà Nẵng. Dãy quán nhậu ở đây cứ chia mỗi cô “coi” một quán. Khi uống loại bia này, quán sẽ tổng kết hóa đơn sau khi nhậu xong. Khi đã lâng lâng, nhiều quý ông cứ nhìn chằm chằm vào thân hình bốc lửa của cô gái. Mỗi khi cô tiếp thị cúi người gắp đá lạnh, khui bia thì những cặp mắt háo sắc lại dừng lại ở chung một điểm. 
Tới TP.Quy Nhơn thì phố nhậu cạnh đường Nguyễn Tất Thành nối dài, dẫn ra ngã ba Đống Đa ngày mỗi đông quán xá dành cho ma men bởi giá cả rất bình dân. Tại quán H., chúng tôi bị một nhóm tiếp thị bia mời chào túi bụi. Các cô đều có dáng người hấp dẫn, váy ngắn màu đỏ chói chang. Nhiều ông say quá, “làm càn” định ôm hôn cô gái nhưng bị té ngã sau cái né bất ngờ của người đẹp. Có ông xin số cô gái đẹp nhưng cô gái khôn quá nên chỉ cho số khuyến mãi, thành ra ông khách hôm sau sực nhớ thì gọi xong chỉ nhận được tín hiệu tò tí te. 
Trong nghề PR, ngoài những người đẹp uốn éo đi lại trong các buổi họp báo, tổ chức sự kiện, triển lãm xe hơi thì còn đó những nhọc nhằn vây phủ quanh các chân dài “hạng hai” ở khắp các quán xá. Họ đang dùng thân hình và giọng nói để kiếm sống giữa thời buổi thóc cao gạo kém này.
AN HÒA
(CATP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét