Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Hiến pháp được toàn dân phúc quyết sẽ thực sự là của nhân dân? & Một nghị định phản nhân quyền

SUY NGHĨ TỪ VIỆC TUYÊN BỐ TỪ BỎ ĐẢNG CSVN CỦA ÔNG LÊ HIẾU ĐẰNG

Thanh Gia
Sau bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh”, tuyên bố từ bỏ Đảng của Luật gia Lê Hiếu Đằng một lần nữa đặt ra thông điệp quyết liệt cho Chế độ và Chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.
Lời tuyên bố của ông cũng làm dấy lên một cơn bão trong truyền thông cả chính thống lẫn tự do ngoài lề. Đặc biệt là các trang mạng xã hội.

Với những người có hiểu biết, có tâm thật sự mong muốn một chế độ dân chủ, đa nguyên ở Việt Nam thì bằng tuyên bố này, ông Lê Hiếu Đằng được xem như ngọn cờ, một ngọn lửa  dù còn yếu ớt, bé nhỏ khơi dậy, đánh thức  những ý thức còn yếu hèn của một số đông những người chưa dám dấn thân hi sinh cho vận mệnh đất nước, dân tộc.
Một bộ phận khác, cũng tự nhận mình đã và đang đấu tranh vì một xã hội dân chủ, nhưng: hoặc là kém hiểu biết về chính trị, hoặc là thiếu đạo đức, thì mỉa mai, châm chọc … thậm chí xuyên tạc bằng những nhận xét rất chướng tai khi cho rằng chẳng qua ông Đằng vì lý do nào đó không thỏa mãn quyền lợi khi “chung mâm” với Đảng mà thế này, thế kia. Tương tự, có một phát ngôn của một bloger khá nổi tiếng rằng “đấu tranh dân chủ chỉ trông chờ vào thế hệ 8x, 9x chứ 7x trở đi thì vứt..”(!)
Về phía truyền thông chính thống của nhà nước, có lẽ lời tuyên bố của ông Đằng sẽ khơi lại một cuộc “đấu võ mồm” gay gắt hơn so với bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” trước đây rất nhiều. Và nhiều khả năng, với lời tuyên bố này ông Đằng sẽ phải đối mặt không ít hiểm nguy với cả đảng và bộ máy chính quyền vốn đã “khó chịu” với ông.
Nếu nói về khía cạnh quan hệ giữa ông Lê Hiếu Đằng với Đảng CSVN thì đây là cú “ngả bài” cuối cùng ông có thể làm. Hơn 40 năm tuổi Đảng và cả một quãng thời gian cống hiến với rất nhiều nhiệm vụ quan trọng của ông, chắc chắn không giúp ông giành được chiến thắng! Ông chỉ có thể thắng khi lịch sử Việt Nam sang trang và thắng bằng những người chung chí hướng của ông đi tiếp con đường đấu tranh dân chủ. 
Nói về ý nghĩa thì nhìn lại toàn bộ con đường sự nghiệp của ông, với hơn 40 tuổi Đảng, từng là một trong những cán bộ cao cấp của nhà nước đương thời thì ông thực sự là ngọn lửa thắp lên một ánh sáng mới. Theo tình hình hiện tại thì vẫn khó có khả năng sẽ có nhiều đảng viên khác noi gương ông. Điều này chỉ xảy ra khi có ít nhất một vài người nữa có tầm vóc tương đương hoặc hơn ông dám chấp nhận hi sinh để tiếp sức cho ngọn lửa mà ông đã đốt lên. Nếu không, nó cũng sẽ giống như vụ các trí thức hàng đầu Việt Nam tuyên bố giải thể  Viện IDS hay xa hơn là cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cố gắng lôi vụ án Năm Châu, Sáu Sứ ra yêu cầu Bộ chính trị xét xử nhưng bất thành.
Nếu xét về logic thì sau tuyên bố này, liệu có tiếp theo một tuyên bố Thành lập một đảng phái chính trị mới như ông từng bày tỏ? Điều mà vừa qua Đảng CSVN đã khẳng định là “không thể chấp nhận” khi chỉ đạo Quốc hội thông qua một bản Hiến pháp sửa đổi, phớt lờ mọi ý kiến của nhân dân.
Nếu đúng như vậy, chắc chắn sẽ có một lực lượng nhất định ủng hộ và tham gia, bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền. Nhưng quan trọng hơn cả là tùy thuộc đảng phái mới sẽ có cương lĩnh như thế nào, tổ chức ra sao, ai sẽ là gương mặt đủ sức thuyết phục để tập hợp cùng với ông để xóa đi những nghi ngại còn đặt ra, khích lệ và tạo dựng lòng tin đủ để mọi người dấn thân vào đảng mới khi biết rõ sẽ đối mặt không ít nguy hiểm và thiệt thòi?
Lịch sử thế giới đang trong giai đoạn chuyển qua những bước ngoặt, những xáo trộn lớn lao khi cuộc cạnh tranh vị trí siêu cường số 1 giữa Trung Quốc và Mỹ  vào gia đoạn quyết định. Những hệ lụy, nguy hiểm từ Trung Quốc với nhân loại toàn cầu thì ai cũng biết. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Trung Quốc chỉ có thể bại khi cái mặt nạ Cộng sản kiểu Trung Quốc bị lột xuống ngay chính trên đất nước Trung Quốc.
Lịch sử Việt Nam cũng đang đối mặt với một xu thế thay đổi chính trị tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai gần khi các mâu thuẫn nội tại đã bộc lộ quá nhiều mâu thuẫn mà trong đó Tuyên bố từ bỏ Đảng CSVN của ông Lê Hiếu Đằng là một ví dụ. Một nguy hiểm lớn hơn, đáng sợ hơn là Việt Nam đã và đang bị lệ thuộc vào sự chi phối của Trung Quốc quá nhiều! Đảng CSVN dù cố gắng đến đâu cũng không có đủ thời gian để lấy lại uy tín và sức mạnh để tồn tại lâu hơn. Lựa chọn tốt nhất là một cuộc cách mạng từ chính Đảng CSVN, một thỏa hiệp chính trị cho phép người dân tham gia vào vai trò chính trị một cách dân chủ, công bằng hơn là giải pháp tốt nhất nhưng lại mong manh gần như ảo tưởng nếu nhìn vào cách mà Đảng CSVN đã và đang thể hiện.
Tương lai đất nước, sự tồn vong của dân tộc phụ thuộc vào nhận thức và ý chí của mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam. Chỉ có một bàn tay khéo léo, đủ vững vàng chèo lái. Khơi lên và làm sống lại câu khẩu hiệu “đoàn kết đại đoàn kết” mà ông Hồ Chí Minh từng giúp CNCS hiện thân ở Việt Nam mới đủ sức thoát ra khỏi những nguy cơ, những kịch bản đen tối đang lơ lửng trên đất nước, mới đủ sức thay thế cho mô hình chính trị hiện nay ở Việt Nam.
Mỗi người – dù là ai – cũng nên suy gẫm và nhìn nhận một cách nghiêm túc trước những góc nhìn, những hi sinh như trường hợp của ông Lê Hiếu Đằng để lựa chọn một con đường ý nghĩa nhất, đúng nhất cho mình.

Suy nghĩ xung quanh việc ông Lê Hiếu Đằng tuyên bố công khai ra khỏi Đảng


Xin thành thật từ đáy lòng tôi chúc mừng ông Lê Hiếu Đằng đã tuyên bố công khai ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCS). Dù rằng trước đây tôi là người kịch liệt phản đối ông Đằng vì thiếu thực tế khi manh nha khởi phát ý tưởng ra đời một đảng mới với lời hiệu triệu các đảng viên từ bỏ Đảng cùng tham gia trong khi chính mình thì chưa đầu tầu gương mẫu và cũng chưa phác thảo sơ lược một cương lĩnh-hành động của một chính đảng ra làm sao. Theo thiển ý của tôi, ông Đằng nên viết lại cho chỉn chu và gửi cho cơ sở đảng nơi Ông gần đây từng sinh hoạt cho dù có thể lâu rồi Ông khi đi hội họp nữa!? Chứ không nên viết như tờ giấy nhắn nhủ gấp gáp và đôi chỗ còn viết tắt, thiếu dấu. Hoặc giả nếu có một nhóm trí thức, cựu chiến binh, nghệ sĩ…là đảng viên có ý định này thì nên viết một bài thật long trọng có tính tập thể nhằm khẳng định từ nay không còn có nghĩa vụ, trách nhiệm gì với ĐCS nữa nếu như không muốn viết đơn ra khỏi Đảng gửi cơ sở đảng nơi mình sinh hoạt lần cuối cùng. Đây là tính nguyên tắc, tổ chức nếu ai còn là dính dáng với ĐCS mà có ý định hoạt động xã hội, chính trị với tư cách một người tự do.
null
Tuyên bố công khai ra khỏi Đảng của ông Lê Hiếu Đằng. Nguồn : diendanxahoidansu.wordpress.com
Tuyệt đối không được dùng những hành vi xé/đốt thẻ Đảng hoặc tố khổ, tố ác Đảng nếu có là ở một bài phân tích độc lập hay lúc trà dư tửu hậu. Vì khi chúng ta xin vào thì chúng ta đã tự nguyện phấn đấu và cũng đã tuyên thệ trung thành trước Đảng kỳ, chân dung Hồ chủ tịch thì nay cảm thấy không phù hợp, không còn tình cảm với ĐCSVN nữa thì khi ra cũng nên “li dị” cho đàng hoàng và giữ lại những kỷ niệm một thời mình đã từng chiến đấu, hi sinh và trưởng thành khi gắn bó với ĐCS. Tôi nhớ hồi tôi sinh viên khi còn phấn đấu vào ĐCS, có một ông anh họ là cựu chiến binh chiến trường miền Nam từng nói với tôi “Bây giờ chú phấn đấu vào Đảng còn dễ chứ thời của anh là trả bằng máu, bằng tính mạng của chính mình trên chiến trường”.
Dĩ nhiên điều tôi viết ra đây có thể khiến những người là nạn nhân của chế độ Cộng Sản hay thuộc chế độ cũ VNCH cảm thấy khó chịu nhưng hết sức thông cảm vì cá nhân tôi hay những người như ông Lê Hiếu Đằng cái việc ra khỏi Đảng không phải là dễ dàng. Trong thực tế tôi biết ngoài xã hội hay trong chính họ hàng của tôi có những người không còn tha thiết với Đảng vì vấn đề lý tưởng nhưng họ bị ràng buộc vô hình bởi quá khứ, gia đình nên họ không có lối thoát. Họ không dám công khai viết đơn nêu rõ lý do nên đành âm thầm không sinh hoạt hoặc nại một lý do khác. Chẳng hạn cách đây vài tháng qua một nhân mối trong hội NO-U, một anh đã giới thiệu cho tôi một chú là cựu chiến binh, giáo viên trường tăng thiết giáp có suy nghĩ muốn công khai bỏ Đảng. Nhưng qua gặp gỡ, chú tâm sự thành thực “Đảng thì không còn tha thiết nữa nhưng còn nặng nghĩa tình nên cũng nhùng nhằng chưa dứt khoát”.
Qua đây, cũng nên hình thành một dạng hội tự phát của những người bỏ Đảng công khai mà tôi đã từng nêu lên Ý tưởng về CLB Huynh Đệ Lầm Đường Lạc Lối. Hội này nên khiêm tốn là một dạng như các loại hội thân hữu như đồng hương, đồng ngũ, đồng bệnh…thì hơn. Vừa là chỗ dựa tinh thần cho những người sắp ra/mới ra bị hụt hẫng vì tinh thần, bà con họ hàng/đồng nghiệp dị nghị, phân tích tình hình xã hội/chính trị nói chung hoặc thăm viếng-đỡ đần nhau như bản chất chung của các hội thân hữu. Vì không phải cứ ai ra khỏi ĐCS là có ý định hoạt động dân chủ hay tham gia một đảng phái/tổ chức chính trị khác. Ngay cả những người này nếu có ý định hoạt động chính trị thì về quan điểm, đường lối chưa chắc đã giống nhau, hoàn cảnh cá nhân khác nhau nên không thể đánh đồng nhằm tạo hậu thuẫn từ những người bỏ Đảng đứng sau lưng một vài cá nhân nào đó cho dù đó là thiện chí, tiến bộ. Hãy để sự quyết định cho mỗi cá nhân độc lập nếu cảm thấy phù hợp và tự nguyện đồng ý. Càng không thể coi những người bỏ Đảng là một hạt nhân nòng cốt nhằm qui tụ các thành phần/tổ chức khác vây quanh nhằm tạo thế “đôi công” với ĐCSVN. Xét về đường dài không có lợi cho đại cuộc Dân Chủ. Quan điểm của tôi là quan điểm chủ nghĩa Quốc Gia nên tôi luôn suy nghĩ lấy toàn cục làm trọng.
Tiện đây những ai đã từng ra khỏi Đảng dù công khai hay âm thầm nên thắp một nén tâm hương tưởng nhớ các tiền bối uyên thâm, nổi tiếng như học giả Nguyễn Kiến Giang và những người đã quá cố mà trong thời kỳ xét lại, chống Đảng tại miền Bắc và lẻ tẻ tại miền Nam sau 1975 chỉ vì qua điểm khác biệt mà ngộ nạn. Cá nhân tôi coi những người đó thực sự “xứng danh anh hùng” bị phân biệt đối xử, ghẻ lạnh của xã hội còn hơn cả những người đi tù vì đấu tranh dân chủ, người bỏ Đảng hiện nay. Vì những người này khi ra còn được một cộng đồng Internet chú ý, quan tâm và đỡ đần ít nhiều trong khi những người bỏ Đảng thời kỳ xét lại gần như là bên lề của xã hội vào thời kỳ đó. Cố nhiên còn những gương anh hùng khác không phải đảng viên ĐCS nhưng trong phạm vi này tôi chỉ đề cập đến trường hợp bỏ Đảng mà thôi.
Cuối cùng và một lần nữa xin chúc mừng ông Lê Hiếu Đằng đã trở thành một người tự do!
null
Tác giả đi viếng bác Nguyễn Kiến Giang (Nguyễn Thanh Huyên) vào chiều ngày 04/12/2013
Ghi chú: cảm xúc bài viết của tôi dựa trên 2 đường link sau:
1) TUYÊN BỐ từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam của ông LÊ HIẾU ĐẰNG – blog diendanxahoidansu
2) Ông Lê Hiếu Đằng bỏ Đảng Cộng sản – Báo BBC

Hiến pháp 2013 làm đảng viên cao cấp nhận ra bản chất của đảng CSVN


VRNs (05.12.2013) – Sài Gòn – Hôm qua, tại Sài Gòn, ông Lê Hiếu Đằng đã ra Tuyên bố bỏ đảng CSVN. Ông viết:
“Tôi tên LÊ HIẾU ĐẰNG là ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VN, hơn 40 tuổi đảng. Nay tôi tuyên bố 1công khai ra khỏi đảng CSVN vì:
ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân.
Tôi xin xác định đây là quyết định của tôi.
Ngày 04.12.2013
Lê hiếu Đằng”
Hình chụp bản viết tay này đăng lại t72 trang blog Xã hội dân sự
Hình chụp bản viết tay này đăng lại t72 trang blog Xã hội dân sự
Ông Lê Hiếu Đằng là luật gia, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên là phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung Ương Liên Minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Nguyên Tổng thư kí Uỷ Ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ở TP HCM. Ông là một trong các “lãnh tụ” sinh viên trước đây trong phong trào đấu tranh tại Sài Gòn và các đô thị Miền Nam trước 1975, thành viên Ban chấp hành Tổng hội sinh viên Sài Gòn và ĐH Luật Khoa. 
Đánh giá về xã hội và chính trị VN trước khi tuyên bố ra khỏi đảng CSVN, ông Lê Hiếu Đằng đã từng viết trong bài Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh …: “Có thời gian từ 1975 đến 1983 tôi là giảng viên Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ thuộc Khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Về phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê nin mà tôi hiểu được có một điều cơ bản là cơ sở hạ tầng (bao gồm cơ sở xã hội, cơ sở kinh tế, v.v.) như thế nào thì phản ảnh lên thượng tầng kiến trúc như thế đó. Sau một thời gian dài Đảng và nhà nước Việt Nam nhận chìm các tầng lớp nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam dưới chế độ quản lý kinh tế bao cấp, đi ngược lại tất cả qui luật tự nhiên, cop-pi mô hình kinh tế của Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản 100%. Dân chúng đói kém rên xiết. Các đợt cải tạo tư sản X1, X2 đã làm tan nát biết bao gia đình, làm dòng người vượt biên ngày càng nhiều và biết bao gia đình phải chết tức tưởi trên biển”.
Sau đó, cũng ở bài viết này, ông Lê Hiếu Đằng đã phân tích sự bất ổn và phi lý của một thể chế chính trị độc đảng đang làm đất nước càng ngày càng tệ hại hơn, từ đó, ông kêu gọi một số đảng viên CSVN, mà theo ông là có tâm huyết với dân tộc cùng nhau lập một đảng mới: “Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ xã hội, những Đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị ĐCS bức tử phải tự giải tán? Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này? Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm. Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta. Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa. Đây là một yếu tố sẽ làm cho xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, không có thế lực nào ngăn cản được. Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay”. 
Sau khi bài viết này được công bố, tức thời xuất hiện ba dòng suy nghĩ chính: một là ông Lê Hiếu Đằng là con chim mồi, để nhử những ai muốn “nổi loạn” lòi ra cho công an bắt; hai là những người hồ hởi tỏ ra ủng hộ, với suy nghĩ đảng mới đã được chuẩn bị công phu, và đây là lúc nó bắt đầu hoạt động; bà là để đợi xem. Số này đông hơn cả.
Những người hiểu rõ bản chất và bối cảnh của đảng CSVN hiện nay biết rõ, các lãnh đạo CSVN hiện nay không dám làm phép thử, vì sự giương oai nếu có ở đâu đó tại Việt Nam trong thời gian qua là sự huy động toàn lực lượng, chứ không phải tự nơi cũng đủ sức làm sự kiện lớn để đe dọa dân chúng như diễn tập ở Nghệ An lúc đang diễn ra Hội nghị TW 8 vừa qua, hay tại Hà Nội, trước lúc đảng CSVN ép QH thông qua HP 2013. Nên giả thuyết chim mồi không đủ sức đứng. Nhưng cũng thực tế, những gì ông Lê Hiếu Đằng suy nghĩ và viết ra chỉ là những suy nghĩ ban đầu của ông chứ chưa hề có một tổ chức đảng nào đã chuẩn bị sẵn sàng. VRNs được biết, ngay sau đó, có những người đã tự nguyện góp sức một tay cho ông thì ông đã tỏ ra mệt và không đủ sức làm việc lớn đó. 
Hôm qua, với Tuyên bố rời khỏi đảng CSVN, nhưng người theo dòng suy nghĩ thứ ba có thêm thông tin để tiếp tục “đợi xem”.
Sự việc ông Lê Hiếu Đàng ra Tuyên bố ngay sau khi QH thông qua bản HP 2013 hôm 28.11 vừa qua vừa lạc hậu, vừa bảo thủ độc tôn, vừa xa lạ với lợi ích quốc gia dân tộc, có thể chính là giọt nước tràn ly, thúc đẩy ông Lê Hiếu Đằng phải nói ra về đảng mà ông đã theo suốt 40 năm: “ĐCSVN bây giờ không còn như trước (đấu tranh giải phóng dân tộc) mà đang suy thoái biến chất, thực chất chỉ là đảng của những tập đoàn lợi ích, trở thành lực cản cho sự phát triển đất nước, dân tộc, đi ngược lại lợi ích dân tộc, nhân dân”.
PV. VRNs

Hiến pháp được toàn dân phúc quyết sẽ thực sự là của nhân dân?

 
Vừa qua, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn báo chí và cho rằng "Hiến pháp được thông qua với đồng thuận cao là tất yếu dân chủ, là kết quả của chân lý ý Đảng lòng dân". Đó là một sự nhìn nhận không đúng, nếu không phải là phản khoa học. Vì nguyên tắc nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số không phải lúc nào cũng đúng, khi cái đa số trong quốc hội ở Việt nam, một quốc hội giả tạo là một hình thức đa số chuyên chế.
Đối với những người quan tâm về chính trị, câu hỏi "Dân chủ là gì?" tưởng rằng chỉ là câu hỏi đơn giản và dễ có câu trả lời. Đây là một câu hỏi quan trọng, vì nếu không xác lập một hệ thống dân chủ một cách thực sự thì người ta không thể nhân danh nhân dân để khẳng định tính chính danh của mình. Nếu có thì đó chỉ là hình thức mạo danh để lừa dối. Dân chủ nếu nói ngắn gọn là "dân chủ là người dân làm chủ bản thân và xã hội". Câu trả lời này tuy chưa hoàn chỉnh, song phần nào nó cũng phản ảnh cho thấy khi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do dân lựa chọn thông qua hệ thống bầu cử tự do. Nghĩa là nhân dân là luôn trung tâm của mọi quyền lực và thông qua bầu cử.
Song không ít người chỉ nghĩ rằng có một cuộc bầu cử công bằng và tự do, qua đó người dân lựa chọn người đại diện cho mình vào quốc hội đã là thể hiện sự dân chủ. Nhưng họ không biết rằng nếu chỉ thỏa mãn với yêu cầu đó thì mới chỉ là khái niệm dân chủ đơn giản tồn tại trước chiến tranh thế giới thứ II. Nghĩa là quyền làm chủ của người dân chỉ tồn tại vài ba phút khi họ bỏ phiếu chọn đại biểu thực hiện quyền của họ trong quốc hội và ngay sau đó các đại biểu được nhân dân ấy lựa chọn ấy muốn làm gì thì làm. Nếu như thế, điều đó đã tạo ra cái mà người ta gọi là độc tài nghị viện một kẻ độc tài. Mà Adolfer Hitler là một kết quả điển hình đã làm khuynh đảo thế giới. Điều đó cho thấy chỉ riêng việc bầu cử không phải là một điều kiện đủ cho một nền dân chủ tồn tại. Mà dân chủ phải là một thể chế mà quyền thay đổi luật pháp và cơ cấu chính quyền thuộc về người dân. Trong hệ thống này, luật pháp được đặt ra do những đại biểu nhân dân thực sự được người dân bầu ra và quyền lực nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ bởi những cơ chế phù hợp tạo điều kiện cho người dân tham gia kiểm soát quyền lực.
Việc thông Quốc hội Việt nam thông qua bản Hiến pháp sửa đổi vừa qua cho thấy đó là thứ dân chủ giả hiệu, khi mà các đại biểu của nhân dân không phải là thực chất, mà họ được lựa chọn theo lối đảng cử dân bầu. Hơn nữa, trong một Quốc hội mà có tới hơn 90% đại biểu là đảng viên đảng CSVN hoạt động theo yêu cầu phải tuyệt đối tuân thủ các nghị quyết, quyết định của đảng thì không thể gọi là dân chủ. Hơn nữa đảng CSVN luôn bác bỏ các ý kiến khác biệt và coi đó là các tư tưởng thoái hóa, mà theo họ cần phải xử lý. Đó là lý do vì sao hầu hết các ý kiến đóng góp của nhân dân cho Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đều bị coi là ý kiến của thiểu số và không được chấp nhận. Nguyên tắc tiên tiến của dân chủ là ở chỗ dù phải là tôn trọng đa số nhưng vẫn biết lắng nghe ý kiến của thiểu số, chứ không chỉ dùng đa số để đánh bại thiểu số.
Hiến pháp cần phải hiểu là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Đồng thời Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng. Khi Hiến pháp là một bản Khế ước xã hội cơ bản nhất, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau và nó là nền tảng cho tất cả các thỏa ước (luật pháp) khác của cộng đồng. Hiến pháp không thể là một văn bản cụ thể hóa cương lĩnh của một chính đảng như hiện nay đảng CSVN đang tiến hành. Khái niệm cộng đồng ở đây là một khái niệm rộng, bao gồm tất cả mọi tầng lớp nhân dân, mọi giới, mọi nghề..., do đó không thể nhầm lẫn với khái niệm nhỏ hẹp trong phạm vi một đảng chính trị, chỉ đại diện cho một nhóm người có chung mục đích, lý tưởng và quyền lợi chung. Hiến pháp của một quốc gia thì phải là Hiến pháp một cách đúng nghĩa, Cương lĩnh của một đảng cầm quyền chỉ là văn bản thể hiện nhiệm vụ, lý tưởng chung của một nhóm người và bảo vệ quyền lợi của một tầng lớp, một giai cấp đó. Không thể lầm lẫn và lẫn lộn giữa hai khái niệm đó như chúng ta thấy được thể hiện trong bản Hiến pháp vừa được thông qua. Nếu không tách bách được sẽ dẫn tới tình trạng Hiến pháp sẽ hướng cho cả cộng đồng sẽ phải hy sinh quyền lợi của mình cho một bộ phận nhỏ đang nắm giữ quyền lực. Hay nói cụ thể hơn, đa số trong 90 triệu người Việt nam phải hy sinh quyền lợi của mình đã được hiến định để phục vụ cho số người khoảng 3% dân số, là những người là đảng viên đảng CSVN. Đây là một sự bất hợp lý vì đa số đã bị ép buộc phải phục tùng thiểu số.
Bởi vậy việc xử lý và tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân trong việc Sửa đổi Hiến pháp vừa qua cho thấy, đảng CSVN và chính quyền chưa thấy vấn đề Dân chủ luôn phải là là tiền đề của một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nó không thể bị lạm dụng để biện minh hay che dấu cho bất kỳ mục đích gì và phục vụ cho bất kỳ ai. Không thể có dân chủ trong một cơ chế mà mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội... đều là của đảng, do đảng và vì đảng như ở Việt nam hiện nay đang tồn tại. Dân chủ nhiều lúc đơn giản chỉ là biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt. Chứ không thể nhắc đến dân chủ trong khi chính quyền luôn đe dọa và sẵn sàng xử lý các ý kiến trái chiều như ta vẫn thường thấy.
Nhưng vấn đề đâu là ý kiến của đa số, đâu là ý kiến của thiểu số cũng là điều cần phải bàn. Không thể lấy biểu quyết đồng thuận cao của các đại biểu nhân dân giả mạo, trong một quốc hội với những khiếm khuyết đã nói ở trên để nói rằng đó là ý kiến của nhân dân. Nên nhớ, thể chế dân chủ luôn vận động và thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đó chính là sự xuất hiện của cơ chế kiểm tra- điều chỉnh và sự tham gia của người dân trong việc kiểm soát quyền lực của mình. Mà cụ thể ở đây là quyền phúc quyết của cử tri thông qua việc trưng cầu ý dân. Kết quả đó mới nói lên thực chất và điều đó đã được ghi nhận rõ trong Chương 7 Điều 70 khoản (c) của bản Hiến pháp nước Việt nam DCCH năm 1946. Đã ghi rõ "Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.". Điều đó đã khẳng định vai trò của người dân trong việc tham gia thực hiện quyền làm chủ của họ, trong vai trò người chủ thực sự của quyền lực nhà nước.
Vậy tại sao đảng CSVN không dám làm?
Một thời gian dài, đảng CSVN đã từ chỗ dần lấn át đến bắt chẹt để thâu tóm quyền lực tuyệt đối về tay mình. Và lấy toàn thể nhân dân làm con tin và dùng Quốc hội làm bình phong để thả sức tự tung, tự tác làm bất kể những gì mà họ muốn. Tới mức mỗi lần sửa đổi Hiến pháp gần đây đã bị coi là những bước thụt lùi, đưa thể chế chính trị lún sâu vào con đường độc tài. Điều đó dẫn tới hậu quả đang ngày càng dần bộc lộ trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục v.v... Khi mà kinh tế sa sút, đời sống của người dân khốn khó, đạo đức xã hội băng hoại và chất lượng giáo dục đang xuống cấp một cách trầm trọng. Điều mà người dân ai ai cũng biết. Nhưng lãnh đạo đảng CSVN vẫn cố tình diễn kịch và khẳng định điều mà chỉ nhắc đến thì ai ai cũng phải phì cười, đó là cái "Ý đảng là lòng dân". Điều mà thực hay hư thì không khó gì để kiểm chứng xem cái đó thực sự nó là bao nhiêu phần trăm. Nhưng con số phản ảnh cái "Ý đảng là lòng dân" nếu để đảng làm và dùng con số do Quốc hội của đảng bấm nút theo yêu cầu để tạo sự đồng thuận cao thì xin thôi. Vì nhiều người nghĩ rằng, cái Quốc hội Việt nam giả hiệu như hiện nay thì bỏ đi có khi lại có lợi cho dân cho nước hơn.
Cho dù vẫn biết rằng mọi bản Hiến pháp luôn có mục đích phục vụ cho nhóm người có thực quyền chi phối quyền lực nhà nước, việc bản Hiến pháp mới được Quốc hội Việt nam thông qua với kết quả 97,59% đồng thuận cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc nhân danh nhân dân trong cái công thức "Ý đảng là lòng dân" như phát biểu của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một luận điệu lừa dối, không thể chấp nhận được. Nó là vấn đề thuộc về đạo đức của con người, mà lẽ ra ở cương vị người đứng đầu đảng CSVN thì ông Nguyễn Phú Trọng không được phép phát biểu như vậy. Người ta sẽ đánh giá gì về sự trung thực và lòng tự trọng của đảng CSVN nói chung và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng?
Việc xác nhận ý đảng có là lòng dân hay lòng dân có là ý đảng hay không là vấn đề không khó xác định và có thể làm rõ sau khi Quốc hội đã biểu quyết thông qua. Bước tiếp theo là tiến hành lấy phúc quyết của nhân dân thông qua một cuộc trưng cầu dân ý sâu rộng, công bằng tự do và kiểm soát minh bạch đối với bản Hiến pháp vừa được Quốc hội bấm nút thông qua. Một việc làm không hề khó, tốn kém chi phí không nhiều và sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào đáng kể. Và nếu như có, đó chỉ là nỗi lo sợ sự thật sẽ được chúng minh của đảng CSVN.
Vấn đề là đảng CSVN có dám đối diện với sự thật hay không mà thôi.
Ngày 05 tháng 12 năm 2013
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

Một nghị định phản nhân quyền

Lê Diễn Đức
000_170337959-305.jpg
Chính quyền ngăn chặn facebook, ảnh minh họa.
AFP photo=>

Cùng với sự thông qua Hiến pháp sửa đổi vào ngày 28/11, tức Hiến pháp 2013, bản hiến pháp thể chế hoá cương lĩnh hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), một nghị định khác của Chính phủ được áp dụng từ ngày 15/01/2014.
Việt Nam có lẽ là quốc gia sản xuất các loại nghị định vô tội vạ nhất, cho dù rất thiếu thực tế và bất khả thi.
Điều 7, hành vi vi phạm trật tự công cộng, trong đó điểm "đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự", rất chung chung, mơ hồ. Khi triển hai thực hiệp thì "tụ tập hơn 5 người tại nơi công cộng để đưa kiến nghị đều phải xin phép" là một trong những ví dụ hết sức bất hợp lý của Nghị định 38/2005 vàNghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc tập hợp đông người.
Mặc dù cũng có cái gọi là quốc hội, cơ quan lập pháp, nhưng nghị định là thứ văn kiện dưới luật được chính phủ ban hành, mâu thuẫn và xung đột ngay với bộ luật khung Hiến pháp do chính họ tạo ra.
Điều 25 của Hiến pháp (HP) 2013 nêu rõ:
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Với các quyền biểu tình, tiếp cận thông tin, lập hội, ... quốc hội đã gian dối trì hoãn, không luật hoá chúng để đưa vào đời sống, trong khi đó lại cho ra các nghị định giới hạn và cấm đoán. Bộ luật khung, trở nên vô nghĩa!
Nghị định 174/2013/NĐ-CP áp dụng từ ngày 15/01/2014 là sự tiếp diễn của quy trình sản xuất này. Theo đó, các hành vi hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam và truyền bá tư tưởng phản động, nói xấu nhà nước trên mạng xã hội bị phạt từ 70 đến 100 triệu đồng.
Báo chí nước ngoài, ít đăng về Việt Nam như báo chí Ba lan cũng đưa tin này với những cái tít như "Nhà cầm quyền Viêt Nam dị ứng với việc nói xấu", "Phạt gần 5.000 USD cho việc phê phán chinh phủ", v.v...
Trước đó, vào ngày 15/07/2013 ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ký Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, công bố ngày 31/07 và có hiệu lực từ ngày 1/09/2013, trong đó quy định "những tài khoản được lập thông qua các mạng xã hội như Facebook sẽ chỉ được đăng thông tin của riêng cá nhân đó (...) Các trang cá nhân thì được phép đưa thông tin về những thứ của chính mình, không được dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước".
Trong bài "Nghị định bịt miệng xã hội" tôi đã viết:
"Nghị định 72/2013/NĐ-CP là một thứ văn bản ngớ ngẩn, nếu không phải là một hình thức bịt miệng toàn xã hội, tước đoạt những tiếng nói có thể cuối cùng".
Thế nhưng hàng loạt nghị định phản nhân quyền, tước đoạt thô bạo các quyền dân sự tối thiểu của công dân, cái nọ chồng lên cái kia, có vẻ vẫn chưa đủ cho bộ máy cai trị của nhà cầm quyền. Càng ngày càng thấy nhà cầm quyền lúng túng, hoảng loạn trong việc xiết chặt hơn đời sống chính trị của người dân trong hệ thống kiểm duyệt.
Không có một quốc gia bình thường nào áp đặt bộ máy cai trị lên đầu dân chúng rồi sau đó cứ mặc sức hoành hành, người dân chỉ biết cúi đầu cam chịu thân phận nô lệ, không có bất kỳ phản ứng nào.
Luật khung (HP 2013) Điều 4 chỉ rõ "Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình".
"Chịu sự giám sát" kiểu gì mà phê phán, chỉ trích và vạch ra những tệ hại, xấu xa trong quản lý, điều hành đất nước trên mạng xã hội thì bị phạt? Thế thì cái gọi là Hiến pháp dùng để làm gì? Tạo ra một bộ luật để cai trị dân mà lại đẻ ra cái nghị định phủ nhận nó? Có xã hội nào mà người dân không được nói tới cái xấu của nhà nước, không được chỉ trích các chính sách của chinh phủ và đảng cầm quyền? Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “người lãnh đạo là đầy tớ trung thành của nhân dân”, “Đảng phải chịu trách nhiệm... từ những cái như tương, cà, mắm, muối, cái kim, sợi chỉ. Một người dân đói là Đảng phải chịu trách nhiệm”, đó sao? Vật giá gia tăng, đời sống khó khăn, y tế, giáo dục sa sút, thất nghiệp, phá sản, cướp giật thường xuyên diễn ra, dân không được kêu à?
Hơn thế, ngồi vào ghế thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cho ra Nghị định này, ông Nguyễn Tấn Dũng không biết xấu hổ là gì ư?
Nói cho cùng, ra nghị định chỉ nhẳm mục đích đe doạ mà thôi, khó có khả năng thực hiện. Trên mạng xã hội, mà phổ biến nhất là facebook với khoảng 20 triệu người sử dụng, người ta vẫn chia sẻ thông tin, vẫn trích nguồn từ báo chí chính thống, vẫn vạch trần những trò mị dân, dối trá của nhà cầm quyền và bộ máy quan liêu, tham nhũng thối nát. Làm gì nhau? Chả lẽ đi soi mói và phạt tiền hàng triệu người? Nghị định 72/2013/NĐ-CP vì vậy đã khôg mang lại hiệu quả nào!
Sự phẫn nộ của người dân trước bất công và bất bình đẳng xã hội, trước các hiện tượng tham nhũng, rút ruột công trình của quan tham, khó có thể bịt kín và giấu giếm trong lòng. Nếu không có khả năng khác thì ít nhất dân chúng còn được quyền nói, được kêu, thậm chí chửi rủa. Trong đời sống hàng ngày, việc tự xử của người dân bất chấp luật pháp là thể hiện phản ứng trước một nhà nước mà pháp luật bị chà đạp.
Nghị định 174/2013/NĐ-CP, trong xu hướng này, cũng sẽ thế thôi, sẽ chẳng có tác dụng gì. Dân nói, dân bàn, dân kiểm tra là việc không thể cấm đoán, đe doạ, dù là nhà cầm quyền của bất cứ thể chế chính trị nào. Tự do ngôn luận là quyền tối quan trọng của con người.
(Lê Diễn Đức, 02/12/2013)
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

Nguyễn Hoàng Linh, Hoàng Hoa Khôi - Người chống “độc quyền chân lý”

Nguyễn Hoàng Linh - Hoàng Hoa Khôi
Theo Bauxite Việt Nam

1.(...) Vị trí của Đảng trong xã hội (...) là vấn đề gốc, không giải quyết đúng vấn đề này thì không thể nói tới bất cứ một sự cải thiện đáng kể nào trong quan hệ của Đảng và nhân dân, cũng như không thể nói một cách nghiêm túc tới vấn đề chỉnh đốn bản thân Đảng. (...) Để bảo đảm cho nhân dân thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng (sự độc quyền lãnh đạo của Đảng xét về mặt khách quan), thì không có gì hay hơn bằng việc thủ tiêu càng sớm càng tốt, càng triệt để càng tốt những đặc quyền của Đảng đối với xã hội. Và một lần nữa, không chỉ thủ tiêu những đặc quyền vật chất, mà quan trọng hơn cả, là thủ tiêu đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý. Từ những phân tích trên đây, xin có mấy kiến nghị cụ thể: - Xóa bỏ điều 4 trong hiến pháp qui định về mặt pháp lý vai trò lãnh đạo của Đảng trong xã hội, để cho các tổ chức Đảng và đảng viên không thể dựa vào ưu thế pháp lý của mình trong sự lãnh đạo, và sự lãnh đạo của Đảng chỉ dựa vào phương pháp thuyết phục. Tất cả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng không mang tính chất bắt buộc đối với các công dân về mặt pháp lý (trừ những trường hợp đã biến thành luật);
- Đảng không độc chiếm các cơ quan dân cử, các cơ quan lãnh đạo và quản lý xã hội; chỉ dành một tỉ lệ không quá 50% thành phần các cơ quan này cho đảng viên, như vậy sẽ tập hợp được những người ngoài Đảng ưu tú vào công việc quản lý đất nước; - Ban lãnh đạo các cấp, kể cả trung ương, tiến hành những cuộc đối thoại bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau với những người tiêu biểu cho các xu hướng khác nhau trong xã hội, cả với những người có ý kiến ngược với ý kiến của Đảng, không định kiến, không trù dập; - Tiến hành những cuộc tranh luận công khai trên báo chí về các vấn đề quốc kế dân sinh, không hạn chế tự do tư tưởng, chỉ với điều kiện không trái với hiến pháp và luật pháp được xây dựng thật sự dân chủ; - Các cơ quan thuộc bộ máy Đảng không được trực tiếp chỉ huy điều hành của những cơ quan, những tổ chức không thuộc hệ thống tổ chức của Đảng (cụ thể: ban tuyên huấn không trực tiếp chỉ huy báo chí, ban tổ chức không được trực tiếp quyết định công việc nhân sự…). - Cuối cùng, giải quyết tất cả những vụ án oan về tư tưởng và chính trị trước đây, sòng phẳng với những sai lầm của Đảng trong quá khứ; thật sự khôi phục đầy đủ các quyền công dân cho người bị oan ức; thực hiện hòa hợp dân tộc một cách chân thành. Tóm lại, Đảng lãnh đạo xã hội nhưng không đứng trên xã hội và chịu sự kiểm soát của xã hội”.
2. Một bài viết, một cách nhìn nhận vấn đề như trên, hoàn toàn có thể đưa vào cuộc thảo luận về sửa đổi Hiến pháp vừa diễn ra một năm qua, và hoàn toàn có thể thuộc vào hàng những quan điểm được coi là đổi mới, cấp tiến mạnh mẽ (để rồi, như đã có thể chờ đợi từ trước, rốt cục vẫn không được “tiếp thu”). Có điều, rất đáng để ý là thời điểm ra đời của bài viết thượng dẫn: tạp chí “Khoa học và Tổ quốc” số tháng 4/1990, tức là cách đây hơn 23 năm! Tác giả của nó đã đề cập thẳng thắn và không nhân nhượng tới một vấn đề trước nay vốn vẫn bị/được coi là cấm kỵ (taboo) ở Việt Nam: sự lãnh đạo độc tôn của Đảng. “Bàn về sự lãnh đạo của Đảng” chỉ là một trong số rất nhiều bài viết, chuyên luận - mà trong một chừng mực nào đó, có thể gọi là “đi trước thời đại” - của nhà hoạt động xã hội và chính trị, nhà nghiên cứu, học giả Nguyễn Kiến Giang, người vừa qua đời vào hồi 9h sáng ngày 2/11/2013 tại Hà Nội, hưởng thọ 83 tuổi. Tuy nhiên, “quả bom tấn” kể trên đã mang trong nó đầy đủ mọi yếu tố đặc trưng của “phong cách Nguyễn Kiến Giang”: điềm đạm, chừng mực mà không kém phần mạnh mẽ, uyên bác, nghiêm túc nhưng không kém phần sáng sủa. Và, không ít ý kiến của ông mang tính “tiên tri”, vượt nhiều người cùng thời và cùng cảnh ngộ với ông.
3. Trong một trao đổi cá nhân với Hoàng Khoa Khôi (1915-2009), người anh lớn, người thầy của nhiều anh em làm báo Đông Âu trong thể loại chính luận, bác có nói một câu khiến mình rất để ý: “Phải nói rằng ông ấy (Nguyễn Kiến Giang) có căn bản Marxist, nên những gì ông ấy viết khúc chiết, mạch lạc lắm, xem là biết ngay...”. Tạm bỏ qua nội dung lời khen ấy, phải nói rằng quả thực, Nguyễn Kiến Giang đã đắm mình trong những kinh điển Marxist và có lẽ vì vậy, là một trong số ít người ở Việt Nam thực sự thấu hiểu bản chất của trào lưu này. Trong đó, đáng tiếc, có cả khuynh hướng Stalinist (pha Maoist) mà ông từng là nạn nhân trong thời gian dài. Nếu trên cương vị một nhà nghiên cứu đứng đắn, Nguyễn Kiến Giang ý thức được những hạn chế của chủ nghĩa Marxist thì có lẽ những năm tháng dài chịu đại nạn “Xét lại chống Đảng” đã khiến ông hiểu quá rõ những tệ hại và không thể cải đổi cả về mặt thực tiễn lẫn lý thuyết của cái gọi là “CHXH hiện thực”. Từ đấy, kèm theo những hiểu biết sâu rộng của ông về lịch sử phong trào cộng sản thế giới, về văn hóa, xã hội, tâm linh và bản sắc Việt Nam, những kiến giải mang tính tiên phong từ mấy chục năm trước về thực trạng khủng hoảng của Việt Nam và lối ra khả dĩ, cũng như cảm quan chính trị của ông, tới nay vẫn chính xác và giữ nguyên giá trị.
4. Trích đoạn sau đây rút từ hồi tưởng của Hoàng Khoa Khôi trong chuyến về thăm “chui” thăm quê hương, lần đầu và cũng là cần cuối, sau 55 năm xa xứ, vào năm 1995. Trong chuyến đi ấy, ông đã có dịp gặp gỡ vào trao đổi chân tình với nhiều “kẻ sĩ” Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chính trị, mà Nguyễn Kiến Giang là một. Là tư liệu quý báu đối với người quan tâm và nghiên cứu lịch sử nước ta hậu bán thế kỷ 20, những ghi chép rất giàu thông tin và đặc sắc của Hoàng Khoa Khôi đã được biên tập và chỉnh lý, hiệu đính để chờ xuất bản thành sách. Tuy nhiên, sự ra đi của ông cách đây 4 năm tại Paris đã khiến mong muốn này không thể trở thành hiện thực. Xin gửi lời chia buồn chân thành tới anh Nguyễn Quốc Tuấn và gia quyến!
* Sau khi làm những việc lặt vặt buổi sáng và kéo nhau đi ăn điểm tâm, chúng tôi rời đường Lê Duẩn, tìm đến một phố nhỏ gần Quốc Tử Giám. Nơi có một ngõ cụt dẫn đến khu tập thể của công nhân xí nghiệp bao bì xuất khẩu. Đó là nơi ở của anh Nguyễn Kiến Giang, một trong những nạn nhân của vụ án “Xét lại chống Đảng” cách đây 30 năm. Nhiều người Việt ở hải ngoại đã biết đến anh từ dăm năm nay với hàng loạt bài viết của anh mà tôi cho rằng, có nội dung trước hết là thực sự “nhìn thẳng vào sự thật”. Từ khách sạn Việt - Mỹ, nơi chúng tôi nghỉ, đến nhà anh Nguyễn Kiến Giang chỉ mất độ 15 phút đi bộ. Đầu phố, cuối phố chỗ anh ở, đâu đâu tôi cũng thấy những đống gạch, ngói, vôi vữa, cả trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường. Trước khi Việt Nam hóa Rồng, có lẽ dân Hà Nội đang tập “thăng” bằng những tầng cao của các ngôi nhà. Nhìn cảnh ngổn ngang đó đây, tôi bỗng có ý nghĩ ngồ ngộ như vậy. Không chỉ ở Hà Nội, anh bạn cùng đi nói với tôi, Việt Nam đang trải qua sự bùng nổ về xây dựng. Công trường xây dựng ở khắp nơi, khiến tôi liên tưởng đến cảnh tượng tương tự ở Nam Tư cách đây mấy chục năm, khi tôi có dịp sang bên đó. Muốn xây mới tất phải phá cũ, nếu không lấy đâu chỗ mà xây. Có một điều mà chắc nhiều người đều nhận thấy, là kiến trúc của các ngôi nhà mới xây phần nhiều là lộn xộn, tùy hứng, phụ thuộc vào túi tiền và thẩm mỹ của chủ nhân của chúng. Mặt khác, nhìn những ngôi nhà xanh xanh, hồng hồng, những song cửa bằng sắt “kiểu Thụy Điển”, với những giò phong lan đung đưa trước gió, tôi còn nhận thấy dân Việt ta không cam chịu nghèo hèn. Ngôi nhà hai tầng của anh Nguyễn Kiến Giang không to lắm; thực ra đó là nhà một tầng được cơi nới lên hai tầng. Anh tiếp chúng tôi trong phòng khách rộng khoảng 12 mét vuông. Đồ đạc trong phòng cũng thuộc loại tầm tầm. Nhưng ấn tượng khá mạnh đối với tôi là chiếc giá sách đầy đặn của anh, khiến bức tường nơi để giá giống như một bức tường bằng sách. Anh ăn mặc giản dị, dáng người gầy nhưng vẫn lanh lợi. Với gương mặt vuông, trán cao, có phần hói, tóc thưa, anh có nhiều nét của một người thiên về cuộc sống suy tư hơn, tất nhiên anh không phải là người duy tâm. Nghe nói trước đây, khi còn học ở Trường Đảng cao cấp trực thuộc Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô, anh đã có những tư tưởng khác với tư tưởng chính thống ở trong nước. Biết điều đó là nguy hiểm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, anh vẫn về nước. Thế là sau những chuyến “đi thực tế” ở nông thôn, một hình thức kỷ luật quen thuộc đối với cán bộ, đảng viên không làm cấp trên vừa lòng, anh đã bị bắt. Có thể “vấn đề cán bộ” của ông Lê Duẩn (và ông Lê Đức Thọ) đã khởi đầu từ đây. Anh Nguyễn Kiến Giang tự tay pha trà, rồi với giọng Quảng Bình ấm áp, anh niềm nở mới chúng tôi uống trà. Tôi ngỏ ý hỏi, liệu anh có bị theo dõi không. anh nhẹ nhàng đáp: “Công an theo dõi tôi cũng dễ thôi. Nhà tôi ở trong ngõ cụt, họ chỉ cần ngồi đầu ngõ là biết ai vào nhà tôi”. Cửa nhà anh sát mặt đường, bước chân qua ngưỡng cửa là tới ngay lòng đường, ở ngoài có thể nghe thấy người trong nhà nói chuyện. Tôi đành từ bỏ ý định chụp ảnh và ghi âm cuộc nói chuyện của anh với chúng tôi. (Đó cũng là lý do trong cuốn sách này không có ảnh của Nguyễn Kiến Giang). Nguyễn Kiến Giang là người đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam - điều khoản khẳng định sự độc quyền lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản - từ khá sớm. Tôi không rõ có phải do tác dụng của những tư tưởng như của anh hay không, mà trong Hiến pháp sửa đổi năm 1992, hai chữ “duy nhất” trong Điều 4 đó đã biến mất. Nhưng trong nhiều bài viết của anh, tôi cho rằng, anh đã có những quan điểm khá xác đáng, có chừng mực và tương đối khách quan. Trong bài “Bàn về sự lãnh đạo của đảng” của anh cách đây năm năm, trong khi không khí khủng bố trong nước vẫn còn nặng nề, đã có đoạn viết: “Nhưng từ khi Đảng nắm được chính quyền một cách toàn vẹn, lúc đầu ở miền Bắc và sau đó ở miền Nam, trên cả nước, thì cách hiểu về độc quyền lãnh đạo đã biến đổi về tính chất của nó. Từ chỗ là một sự lựa chọn lịch sử khách quan, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng dần dần được hiểu và được thực hiện thành sự thống trị tuyệt đối của đảng trong mọi lĩnh vực đời sống, xã hội, thậm chí có khi cả đời sống cá nhân, thành “đảng trị” (partocracy). Đảng biến thành “đảng nhà nước”, thành một thứ “siêu nhà nước”... (*) Trong những bài viết về chủ nghĩa Marxist, về những trào lưu tư tưởng triết học trên thế giới, tôi cũng cho anh đã có những khám phá nhất định. Những khám phá đó, nếu tôi không nhầm, thì nó có nguồn gốc sâu xa từ những năm tháng anh học tập ở Liên Xô. Nơi đó, trong hàng chục năm, người ta cứ tưởng là thành trì bảo vệ đến cùng học thuyết của giai cấp vô sản. Rồi những khám phá đó được anh kiểm chứng, so sánh với thực tại trong những năm tháng anh “đi thực tế” và cả khi anh sống trong bốn bức tường của nhà giam. Trong bài “Vấn đề con người đang được đặt lại”, anh đã đưa ra một nhận định ngắn gọn, nhưng hàm súc: “Có những vấn đề tưởng chừng như đã được giải đáp xong xuôi lại bật dậy: “Con người là gì?”. (**). Rất đúng! Tất cả những biến tướng của chủ nghĩa Marxist, tính bất cập của nó cũng như tệ quan liêu, giáo điều đã dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt các nước XHCN, và bởi vậy những dị nghị đối với học thuyết này không phải là không có cơ sở. Suy cho cùng, sự việc đều xoay quanh vấn đề “con người là gì?”, hay “con người là ai?”. Cả Hà Sĩ Phu và Nguyễn Kiến Giang, tuy lập luận có nhiều điểm khác nhau, nhưng hai anh đều coi “con người” là trọng tâm các quan điểm của các anh. Từ góc độ này, có thể coi đó là một sự đồng điệu ngoạn mục về tư tưởng! Nguyễn Kiến Giang nói tiếp với chúng tôi: “Xã hội công dân đang hình thành ở Việt Nam. Nó sẽ lấn dần...” Tôi nghĩ anh có lý khi tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ của tôi với anh chị em văn nghệ sĩ ở cố đô Huế. Mặc dù bị đày ải chừng đó năm trời, phải chịu cái đau của thể xác đã đành, anh còn phải chịu đựng nỗi đau khôn tả về tinh thần. Tôi hiểu tâm trạng của con người đớn đau như thế nào khi danh dự bị tổn thương, nhân phẩm bị xúc phạm, bị cô lập với mọi người, bạn bè, họ hàng, bị xa lánh vì những người thân thiết sợ bị liên lụy, vợ con bị o ép, dị nghị. Trong xã hội “cộng sản” mang nặng màu sắc phong kiến ở miền Bắc Việt Nam vào những năm tháng đó, Nguyễn Kiến Giang và bao người khác cùng chung hoàn cảnh đã phải chịu một sức ép ghê gớm về tâm lý. Phải là một con người giàu nghị lực và có bản lĩnh thì mới đứng vững nổi trong cơn phong ba phũ phàng như vậy. Có điều, anh không hề thổ lộ với tôi về thái độ của anh đối với chính quyền mà tôi cho là nếu có, thì cũng là dẽ hiểu. Ngồi nghe anh nói, tôi quên cả chén trà đã nguội đi từ lúc nào. Đợi anh nhấp xong chén trà, tôi hỏi anh: “Ngoài anh là người phê phán chủ nghĩa Marxist, liệu trong giới trí thức có còn nhiều người tin vào chủ nghĩa đó không?”. Anh gật nhẹ: “Còn nhiều chứ!” Tôi hỏi: “Sao anh biết?” Anh đáp: “Tôi thường xuyên thảo luận với họ mà”. Tôi tò mò: “Họ là người như thế nào, có tâng bốc chế độ không hay là thành thật?”. Anh mỉm cười: “Họ là những người thành thật. Họ không đồng ý với quan điểm của tôi”. Tôi hỏi tiếp: “Thế tại sao họ không viết ra?”. Anh đáp: “Hình như họ vẫn chưa tin họ lắm. Qua những lần tiếp xúc với họ trong các trường đại học hay trong các buổi gặp gỡ, tôi biết được điều đó. Họ có lý luận của họ. Họ đang đi tìm đường lối của họ”. Cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài khá lâu. Trời đã xế trưa. Tôi mời anh cùng đi dùng cơm với chúng tôi. Anh ngỏ lời cám ơn và nói, anh đã hẹn với người khác rồi. Đồng thời anh mời chúng tôi trở lại chuyện trò với anh một lần nữa, vào chiều hôm sau. Tôi ngầm hiểu, không phải lúc nào anh cũng có được người tiếp chuyện lý thú như tôi. Tạm chia tay anh, chúng tôi đi về khách sạn. Y hẹn, chiều hôm sau chúng tôi lại đến gặp anh Nguyễn Kiến Giang. Cũng như buổi sáng hôm trước, chúng tôi trao đổi với nhau nhiều về chủ thuyết, về các sự kiện liên quan và về thời cuộc. Trung thành với nguyên tắc của những lần tiếp xúc do tôi tự đặt ra cho mình, tôi chỉ hỏi anh mà không tranh luận, vì tôi có gắng tìm hiểu tư tưởng của anh. Anh cho chúng tôi biết: chính quyền trong nước vẫn mời anh tham gia các buổi hội họp. các cơ quan văn hóa, xã hội hay triết học vẫn mời anh tới để tham khảo ý kiến. Chính quyền thường cho người tới thăm hỏi anh. Những ngày lễ tết họ cho công an mang quà cáp đến biếu anh. Họ còn mời anh viết bài để bày tỏ ý kiến. Có lần, anh hỏi lại: “Tôi viết nhưng các anh có đăng đâu mà viết?”. Họ nói: “Anh cứ viết. Nếu đăng được thì chúng tôi đăng. Nếu chưa đăng được thì chúng tôi sửa lại hoặc trả lại anh”. Anh nói tiếp: nếu như trước kia thì anh đã có thể bị tù vì những bài viết đó của anh. Tôi hiểu, chính quyền đã thay đổi chiến thuật. Một mặt họ dùng vật chất để câu nhử, xoa dịu, mặt khác họ vô hiệu hóa những người có tư tưởng khác với tư tưởng chính thống. Nhưng những cư xử thô bạo của họ đối với các anh thì họ lờ tịt đi. Thái độ đó vẫn là thái độ trịch thượng, bất công, nếu không nói là thiếu quân tử. Dường như để tự vệ đối với chế độ, anh nói với tôi rằng anh chỉ là một nhà tư tưởng, chứ anh không tham gia một tổ chức nào có ý đồ lật đổ chính quyền trong nước. Cuộc nói chuyện lần thứ hai của chúng tôi với anh Nguyễn Kiến Giang diễn ra khá lâu, nhưng tôi e rằng nếu kể ra nữa thì sẽ khá dài dòng và làm mệt óc bạn đọc. Càng trao đổi với nhau, chúng tôi càng thấy hào hứng và cảm thấy hiểu nhau hơn, đến nỗi hình như câu chuyện có vẻ khó có điểm dừng. Trời đã về chiều, chúng tôi đành xin phép cáo từ anh. Tiễn chúng tôi ra cửa, tay nắm chặt tay, anh xúc động nói với chúng tôi: “Thể chế này sẽ sụp đổ. Nó sụp đổ từ bên trong nội bộ Đảng. Nhưng nó cần có thời gian, chứ nó không sụp đổ ngay như nhiều người tưởng. Anh nhắn với anh em ở bên ngoài không nên nôn nóng, không nên tưởng nó sụp đổ ngay rồi thất vọng”. Tôi khẽ gật đầu rồi chào anh. Chúng tôi bước ra phố. Quang cảnh đời thực bên ngoài lại ập tới vây quanh chúng tôi. Xe đạp, xe máy chưa quen với luật giao thông, lượn vòng vèo, uốn éo, kẻ gồng, người gánh, chợ cóc, chợ xanh, hàng quán sang trọng có, úi xùi có, ngổn ngang, chềnh ềnh hai bên đường mà một bộ phim quảng cáo du lịch của nước ngoài đã coi những cảnh đó là những “mô-típ” ảnh hấp dẫn. Trời chạng vạng tối. Những chiếc đèn cao áp thủy ngân tỏa xuống mặt đường những vầng sáng xanh ngằn ngặt...
Ghi chú: (*) “Bàn về sự lãnh đạo của đảng” (Nhà xuất bản Trăm Hoa, Hoa Kỳ, 1993, tr. 72). (**) “Vấn đề con người đang được đặt lại (Một chủ nghĩa nhân văn mới sắp ra đời?” (sđd, tr.77)
N.H.L. – H.H.K.

Tóm lược báo cáo tình hình quyền con người của người đồng tính, song tính và chuyển giới ("LGBT") tại Việt Nam

Theo Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE)
Sau đây là toàn bộ nội dung phần phát biểu của đại diện Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tại phiên họp tiền kiểm điểm định kỳ toàn cầu (UPR) tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 27/11/2013. Đây là bản dịch tiếng Việt, bản gốc được trình bày bằng tiếng Anh.
Lời tuyên bố này đại diện cho Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) – một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số. Chúng tôi đã tham gia soạn thảo một báo cáo UPR chung của gần 60 tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam. Quá trình tham vấn được thực hiện thông qua sáu hội thảo chuyên đề và thảo luận nhóm, một chuyến thực địa và ba hội thảo tham vấn với tổng số 481 người tham dự.
Cùng với báo cáo chung, chúng tôi cũng đã gửi một báo cáo chuyên đề riêng về tình hình quyền con người của người LGBT tại Việt Nam, dựa trên những tài liệu nghiên cứu đã được công bố của iSEE và những thông tin được cung cấp trực tiếp với iSEE.
KHÔNG có một khuyến nghị nào để cập đến vấn xu hướng tính dục và bản dạng giới được đưa ra cho Việt Nam trong kỳ đầu tiên UPR của Việt Nam.
Tuyên bố này đề cập ba vấn đề chính:
- Quyền được thừa nhận trước pháp luật của người chuyển giới;
- Quyền được kết hôn của người đồng tính và người song tính; và
- Quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử với người LGBT.

1. Quyền được pháp luật công nhận

Theo Bộ Luật Dân sự Việt Nam, chỉ những người liên giới tính mới được phép làm phẫu thuật xác định lại giới tính. Người chuyển giới bị cấm xác định lại giới tính vì người chuyển giới được coi là “những người đã hoàn thiện về giới tính.”
Người chuyển giới tại Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Họ không thể thay đổi tên để phù hợp với thể hiện giới của họ. Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới cũng rất vướng mắc: họ mua, sử dụng hóoc-môn và thuốc, tiêm si-li-côn vào cơ thể mà không có sự tư vấn của bác sĩ, do pháp luật hiện hành đang cấm các cơ sở y tế thực hiện việc tư vấn này. Hậu quả là nhiều người chuyển giới đã chết do phản ứng thuốc.
Nếu một người chuyển giới làm phẫu thuật chuyển giới ngoài lãnh thổ Việt Nam thì người đó cũng không được thay đổi những thông tin về giới tính trên giấy tờ. Quy định này đã ngăn cản những người chuyển giới tại Việt Nam thụ hưởng những quyền dân sự cơ bản, nhất là khi phải xuất trình các giấy tờ nhân thân. Họ không thể đi máy bay, khó khăn tìm việc làm, tiếp cận các dịch vụ y tế, v.v.

2. Quyền được kết hôn và lập gia đình

Quốc Hội Việt Nam đang thảo luận một cách tích cực về việc loại bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người có cùng giới tính trong pháp luật hiện hành. Dù vậy, Việt Nam vẫn chưa công nhận các hình thức sống chung có đăng ký giữa những người cùng giới tính. Cũng do đó mà vấn đề con nuôi chung của cặp đôi có cùng giới tinh cũng chưa được công nhận. Công dân Việt Nam cũng không được phép kết hôn cùng giới với công dân của nước đã hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.
Việc pháp luật không thừa nhận gây ra nhiều khó khăn cho các cặp cùng giới sống chung với nhau, đặc biệt là trong vấn đề quyền đại diện, tài sản, thừa kế, phúc lợi xã hội, v.v. Những cặp đôi cùng giới cũng bị gia đình từ bỏ và chịu sự phân biệt đối xử của xã hội.

3. Quyền bình đẳng và không bị phân biệt đối xử

Hiến pháp Việt Nam năm 1992, sửa đổi năm 2001, ghi rõ “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Dù Việt Nam chưa từng hình sự hóa đồng tính và chuyển giới, nhưng cũng không có quy định cụ thể nào để bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT.
Trong pháp luật hình sự, người chuyển giới không được bảo vệ trong tội phạm hiếp dâm. Đã có trường hợp một người chuyển giới từ nam sang nữ là nạn nhân của hành vi hiếp dâm. Dù vậy, người hiếp dâm không bị truy tố, vì trên giấy tờ, nạn nhân vẫn là nam, mà pháp luật không công nhận việc một người nam có thể là nạn nhân của tội phạm hiếp dâm.
Nhiều người LGBT phải chịu đựng sự phân biệt đối xử như bị bắt nạt trong nhà trường, môi trường làm việc thiếu công bằng, bị từ chối bởi các cơ sở y tế, và đặc biệt là bạo lực gia đình.
Chúng tôi đánh giá cao những bước đi tích cực của Nhà nước Việt Nam trong những năm gần đây trong việc bảo vệ quyền của người LGBT. Dù vậy, vấn đề liên quan đến người LGBT vẫn không được coi trọng đúng mức. “Truyền thống” và “văn hóa” đôi khi vẫn được đem ra để giải thích cho sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng.

Chúng tôi đưa những khuyến nghị cho Nhà nước Việt Nam như sau:

- Sửa đổi Bộ Luật Dân sự theo hướng hợp pháp hóa quyền thay đổi họ tên để phù hợp với thể hiện giới, quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính, quyền được thay đổi thông tin về giới tính trên các giấy tờ pháp lý.
- Tiếp tục những bước tiến trong việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Chế định sống chung có đăng ký có thể được cân nhắc áp dụng cho những cặp đôi cùng giới, làm sao để đảm bảo họ có thể thụ hưởng những quyền và nghĩa vụ như những cặp đôi khác giới.
- Xây dựng luật về chống phân biệt đối xử nhằm đảm bảo sự bình đẳng cho tất cả mọi người. Công nhận xu hướng tính dục và bản dạng giới là những cơ sở cho việc chống phân biệt đối xử.
- Tiến hành những chương trình giáo dục tính dục và chiến dịch tăng cường nhận thức của công chúng nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử.
- Tuân thủ Bộ nguyên tắc Yogyakarta về những chuẩn mực của quyền con người trong mối liên hệ với xu hướng tính dục và bản dạng giới.
- Với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cần chủ động để hỗ trợ cho sự ra đời Nghị quyết thứ hai về Quyền của người LGBT tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC), tiếp sau Nghị quyết đầu tiên sáng kiến bởi Nam Phi.
Chúng tôi rất vui lòng được chia sẻ những chuyên môn của mình trong vấn đề này.
Xin chân thành cảm ơn.

Chọn "đại đế" hay "tàn bạo"?

Việc dạy sử nên khuyến khích tư duy phê phán, học tập từ phân tích, tranh luận, và tạo cách tiếp cận so sánh đa chiều hơn là ấn trẻ em vào quan điểm đơn chiều. Cùng là về Hoàng đế Ivan, nhưng ông vừa 'vĩ đại' lại vừa 'tàn bạo', tùy từng góc độ của người phán xét.
LTS: Đến Việt Nam trong chuyến thăm, làm việc theo lời mời của Nhà nước Việt Nam từ ngày 19 - 29/11/2013, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về các quyền văn hóa, bà FaridaShaheed tập trung tìm hiểu về quyền thụ hưởng nghệ thuật, sáng tạo và biểu đạt nghệ thuật và vấn đề về dạy lịch sử trong nhà trường. Một trong những nội dung bà từng đề cập được trong Báo cáo chuyên đề về viết sách sử và dạy sử trước Đại hội đồng LHQ tháng 7/2013.
Bà Farida cho rằng: "Một trong những vấn đề then chốt với Việt Nam ngày nay là có một không gian cho các cuộc tranh luận và biểu đạt những quan điểm khác nhau". Những hệ lụy quanh việc giảng dạy lịch sử không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã gặp phải.
dạy lịch sử, giáo dục, trẻ em, Liên hợp quốc
Bà Farida Shaheed (Giữa) Ảnh: Hoàng Hường
Khuyến khích tư duy phê phán
Một ví dụ rõ ràng liên quan đến vấn đề này, mà tôi rất quan tâm, là việc dạy môn lịch sử với chỉ một bộ  SGK.
Như đã đề cập trong báo cáo chuyên đề của tôi về viết sách sử và dạy sử trước Đại hội đồng LHQ (A/68/296), việc dạy sử nên khuyến khích tư duy phê phán, học tập từ phân tích và tranh luận, và tạo cách tiếp cận so sánh và đa chiều hơn là ấn trẻ em vào quan điểm đơn chiều.
Cách tiếp cận này đặc biệt cần sử dụng rộng rãi nhiều loại học liệu, bao gồm nhiều loại SGK của nhiều nhà xuất bản. Tôi khuyến khích nhiều bên liên quan ở VN tham khảo báo cáo này của tôi.
Tôi có ấn tượng tích cực rằng Chính phủ và xã hội dân sự hiện nay đang nỗ lực định nghĩa lại biên độ không gian cho những tiếng nói đa dạng có thể cất lên.Tôi khuyến nghị mạnh mẽ với Chính phủ mở rộng hơn không gian ấy, trên cơ sở Hiến pháp của các bạn cũng như các tiêu chuẩn quốc tế.
Đã đến lúc Việt Nam đảm bảo tự do nhiều hơn cho các biểu đạt nghệ thuật cũng như cho các tự do học thuật, và cho phép những tiếng nói đa dạng tìm được chỗ đứng của mình.
Trong một bản báo cáo tại Hội đồng LHQ, tôi đã đưa ra những khuyến nghị về việc dạy sử trong trường học. Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc giảng dạy và ghi chép lịch sử như tôi đã đề cập, không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã gặp phải.
Việc ghi chép lịch sử phải phản ánh được những câu chuyện, tư duy và trải nghiệm của nhiều tầng lớp, nhiều thành phần trong xã hội, chứ không chỉ phản ánh ý chí của một nhóm người nào đó; hoặc là từ một luồng thông tin nào đó mang tính chất (dù cho là) chính thống. Vì như vậy, chúng ta sẽ không có được một cái nhìn tổng quát, khách quan về lịch sử. Điều đó dẫn đến việc môn lịch sử không thực sự  mang lại ý nghĩa.
Hoặc: khi một nhóm người thiểu số có những cách ghi chép lịch sử khác với cộng đồng đa số. Nếu tiếng nói của họ cũng được lắng nghe, và câu chuyện của họ cũng được phản ánh trong lịch sử thì chúng ta sẽ có một bức tranh toàn cảnh và công tác giảng dạy tiếp cận lịch sử sẽ bao quát, toàn diện hơn. Đây là khuyến nghị của tôi, không chỉ cho riêng Việt Nam, mà cho tất cả các nước.
Có một vấn đề khác nữa, tại sao chúng ta luôn chỉ dạy lịch sử về các vấn đề chính trị, để cuối cùng lại thu gọn lại các cuộc chiến tranh hay quân đội? Năm bao nhiêu diễn ra cuộc chiến tranh nào? Giữa nước nào với nhau? Ai là người cầm quân? Ai thắng, ai bại? chia vùng lãnh thổ..vv..
Tại sao chúng ta không giảng dạy lịch sử với những góc độ như: văn hóa đã được phát triển như thế nào? Các phát minh khoa học kỹ thuật của con người ra đời và phát triển ra sao? Các hình thái biến đổi của kiến trúc, hay sự giao lưu giữa các dân tộc... Đó cũng là các hình thức vận động trong lịch sử thế giới. Như thế không chỉ lịch sử được phát triển toàn diện hơn, mà còn giúp con người xích lại gần nhau hơn. Đó mới chính là ý nghĩa cao nhất của lịch sử.
Mỗi nước có cách tiếp cận riêng
Nhiều nước đã có kinh nghiệm trong vấn đề này, ví dụ Brazil, họ đưa ra một quy tắc trong giảng dạy lịch sử: cứ nói về lịch sử của Braxin là phải có phần nói về thời kỳ nô lệ; hoặc đã nói về Brazil là dứt khoát phải nói về văn hóa - lịch sử của các nhóm dân tộc thiểu số và bản địa. Vấn đề này đã được tranh cãi rất nhiều. Cuối cùng Chính phủ đã đưa ra luật, quy định khi biên soạn - giảng dạy về lịch sử phải bao gồm những vấn đề nói trên.
Một quốc gia khác là Pakistan cũng tồn tại nhiều trường phái về diễn giải lịch sử. Có một vấn đề tranh luận rất lớn: Ivan đại đế hay Ivan tàn bạo? Cùng đề cập về một nhân vật trong lịch sử, nhưng từ những góc độ khác nhau.
Cùng là về Hoàng đế Ivan, nhưng ông vừa 'vĩ đại' lại vừa 'tàn bạo', tùy từng góc độ của người phán xét. Ivan tàn bạo vì ông tàn sát cộng đồng người Hồi giáo; nhưng ngược lại ông vĩ đại vì ông khiến cho cộng đồng Cơ đốc giáo phát triển.
Khi tôi hỏi những nhà giáo dục bản xứ: làm sao đưa lịch sử vào giảng dạy khi tồn tại những quan điểm trái ngược như thế? Họ nói rằng họ đưa cả hai trường phái vào giảng dạy.
Ngay tại hai quốc gia Châu Âu là Đức và Pháp cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau về lịch sử. Tuy nhiên họ đã vượt lên những khác biệt trong lịch sử để trở thành một cộng đồng đoàn kết để cùng phát triển.
Cộng hòa Liên bang Nam Tư cũng có cách ghi nhận lịch sử rất khác nhau. Họ đã cố gắng tìm ra được cách diễn giải sử sao cho công chúng có thể tiếp cận được. Với sự hỗ trợ của UNESCO, một số quốc gia ở Châu Phi có thể biên soạn tài liệu lịch sử với sự tham gia của nhiều thành phần, ở mọi tầng lớp trong xã hội.
Một ví dụ cực kỳ sinh động chính là xung đột giữa người Palestin và người Israel. Cuộc xung đột đã diễn ra rất lâu, và vẫn đang tiếp diễn. Để giải quyết vấn đề, những người viết sử chia sách ra làm ba phần: một phần viết sử từ góc độ của người Israel, một phần viết từ góc độ của người Palestin, phần còn lại để trắng để các sinh viên tự viết sử theo suy nghĩ riêng của họ.
Tất nhiên rất khó tìm được một giải pháp tốt nhất cho mọi tình huống và cho những quốc gia khác nhau. Tôi biết một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đang có những hoạt động để đưa ra cách tiếp cận lịch sử đúng đắn nhất.
Trích Báo cáo chuyên đề bà Farida Shaheed về viết sách sử và dạy sử (A/68/296)
A. Mục tiêu giảng dạy lịch sử
56. Các văn kiện quốc tế đưa ra những chỉ dẫn về các mục tiêu quan trọng của giáo dục. Điều 29 Công ước về Quyền trẻ em được các chính phủ cam kết là giáo dục nhằm hướng đến sự phát triển tối đa nhân cách, tài năng và tinh thần - thể chất của trẻ; tôn trọng quyền con người và tự do cơ bản, tôn trọng cha mẹ của trẻ, bản sắc văn hóa riêng, ngôn ngữ và các giá trị của quốc gia mà trẻ sinh sống hoặc quốc gia mà trẻ có nguồn gốc; và tôn trọng các nền văn minh khác; chuẩn bị cho trẻ em trách nhiệm cuộc sống trong một xã hội tự do, trong tinh thần hiểu biết, hòa bình, khoan dung, bình đẳng, và tình bạn giữa con người, dân tộc, quốc gia và tôn giáo bản địa.
57. Điều đáng lo ngại là cách dạy lịch sử không phải để chuyển tải thông tin đầy đủ về quá khứ mà điều được quan tâm nhất là cố gắng duy trì trật tự xã hội hiện nay dựa trên một thứ gọi là "thời hoàng kim". Nói rộng hơn, giảng dạy lịch sử được giao một nhiệm vụ chính trị, như thúc đẩy lòng yêu nước, tăng cường tự hào dân tộc và xây dựng bản sắc dân tộc, được xuất hiện khá phổ biến trong hầu hết các quốc gia. Đã đến lúc đặt câu hỏi về cách giảng dạy này, khi nó không đặt lịch sử như một ngành học.
58. Đó là sự thật, tuy nhiên, hoàn toàn ngắt kết nối chính trị ra khỏi giảng dạy lịch sử là không thể. Những ví dụ tích cực của cách này là dạy sử với mục đích giảm bớt xung đột giữa các cộng đồng, tạo âm hưởng hòa bình giữa các xã hội hay các nhóm chính trị và xúc tiến các nguyên tắc dân chủ dựa trên quyền con người. Những mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi chương trình giảng dạy bao gồm tư tưởng và phân tích cốt yếu, khuyến khích tranh luận, nhấn mạnh sự phức tạp của lịch sử và tạo điều kiện cho các phương pháp so sánh và tiếp cận.
C. Chính trị và lịch sử
62. Giảng dạy lịch sử thường bị giới hạn trong việc tường thuật chính trị, định hướng học sinh vào những xu hướng chính trị chiếm ưu thế. Hơn nữa, bản thân lịch sử chính trị lại thường có xu hướng tập trung vào các cuộc chiến tranh, xung đột, chiếm đóng và cách mạng. Nó dễ tạo ra cảm giác rằng những thời điểm hòa bình và ổn định là không quan trọng và thúc đẩy xu hướng giáo dục thiên về chiến tranh và quân sự. Khi những lĩnh vực lịch sử khác được giảng dạy, như lịch sử khoa học, máy móc và nghệ thuật; cũng như thông tin về sự tác động của các lĩnh vực đó lên xã hội và chính trị, con người sẽ học được sự phức hợp của quá khứ và hiện tại. Sự hiểu biết sẽ giúp con người đưa ra được những quyết định cho từng thời điểm và hoàn cảnh cụ thể, đồng thời khuyến khích hiểu biết về tầm quan trọng của các lựa chọn và trách nhiệm của họ.
63. Điều đặc biệt quan trọng là giảng dạy lịch sử là việc kết hợp cân bằng các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học và kinh tế, cùng lịch sử về cuộc sống hàng ngày, nhằm truyền đạt sự phức hợp của xã hội và những lý do khác nhau dẫn đến các sự kiện lịch sử.  Sự cân bằng cũng đòi hòi một góc nhìn rộng nhìn nhận đóng góp của con người vào nghệ thuật, khoa học và triết học.
  • Hoàng Hường (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét