Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Ngày 31/12/2013 - Mất sạch 20.000 ha rừng là do thủy điện & Dân kiệt sức: Giá vẫn tăng mà lạm phát xuống thấp

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Dân kiệt sức: Giá vẫn tăng mà lạm phát xuống thấp

Trong khi lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, lạm phát năm 2013 là một thành tựu lớn, thị trường đã khá bình ổn thì các chuyên gia kinh tế lại khẳng định ngược lại, lạm phát không thấp, giá cả vẫn nhảy múa, còn tư duy độc quyền.

Giá biến động cho đẹp?

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, thị trường năm vừa qua khá bình ổn, cũng có thời điểm giá cả một số mặt hàng có sự biến động nhưng chỉ là “vẻ đẹp của giá trị hàng hóa”. Ví dụ như thuốc và giá dịch vụ y tế, học phí tăng cao là do thực hiện lộ trình thị trường hóa. Đặc biệt, với giá xăng dầu đã đã điều hành sát với thị trường hơn. Các đợt điều chỉnh giá, sử dụng Quỹ bình ổn đã được công bố công khai, cơ bản tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh, quản lý giá đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành như Bộ Tài chính với Bộ Y tế trong việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, với Bộ Giáo dục đào tạo với vấn đề học phí, ngoài ra đã có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương…
“Nhờ đó, việc điều chỉnh giá cả hàng hóa có mức độ phù hợp, không gây tác động đột biến lên CPI . Cả năm, CPI đạt 6,04%, đạt mục tiêu chính phủ đề ra”, bà Nga nhấn mạnh.
Trong khi lãnh đạo Cục quản lý giá tự hào với sự linh hoạt điều hành của mình thì TSKH Nguyễn Thị Hiền lại tỏ ra không hài lòng.
Bà Hiền đánh giá, với xăng dầu, tình trạng không ăn khớp với biến động giá thế giới tại mỗi lần điều chỉnh giá vẫn diễn ra. Kịch bản giảm ít, tăng nhiều vẫn như trước đây.
Theo bà, có 2 đợt điều chỉnh giá khó hiểu, là đợt tăng giá ngày 28/3 và giảm nhỏ giọt hôm 18/4. Đó là ấn tượng đậm nét cho những khiếm khuyết trong điều hành giá cả xăng dầu năm 2013. Với việc các Bộ định giá như vậy, mục tiêu thị trường hóa xăng dầu ngày càng xa vời.
Bình luận của TSKH Nguyễn Thị Hiền “trúng” với bản “tự phê bình” mới đây của Bộ Công Thương khi trình Thủ tướng nội dung sửa đổi Nghị định 84.
Bộ này tự phê bình rằng, cơ quan quản lý lạm dụng quỹ bình ổn, thuế, không hoàn toàn tuân thủ đúng biên độ điều chỉnh giá, không đúng với Điều 27 về nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu của Nghị định 84. Thậm chí, chính Bộ này cũng khẳng định, việc điều hành giá luôn trễ 30 ngày so với giá thế giới, nên có tình trạng giá thế giới và giá trong nước lệnh pha nhau, thậm chí ngược chiều nhau nên có thời điểm gây bức xúc trong dư luận.
TSKH Nguyễn Thị Hiền nói thẳng: “Năm 2013, giá độc quyền còn sống khỏe hơn cả các năm trước, nhưng lạ một điều là các cơ quan chức năng chống lưng cho độc quyền nhiều quá”.
Câu chuyện được vị chuyên gia kinh tế này bức xúc nhiều nhất là vụ tăng giá cước 3G với mức tăng khủng 400%, trong khi, bộ Thông tin truyền thông khẳng định tăng vậy là đúng và sẽ còn tăng lên nữa.

Giá vẫn tăng mà lạm phát thấp?

Ông Vũ Vinh Phú , Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Tp Hà Nội bình luận: “Nghe chừng có vẻ năm nay ta điều hành giá cả dễ dàng. Vì xăng dầu, điện, nước tăng như vậy mà CPI gần như chững, không tăng mấy”.
“Nhưng giá giảm thế nhưng sao sức mua lại không tăng mấy? Tổng mức bán lẻ hàng hóa, sau khi loại từ yếu tố giá, chỉ ở mức hơn 5,2- 5,5%, thấp hơn cả năm 2012”, ông Phú cho hay.
‘Ta cứ trông vào 500 mặt hàng điều tra thống kê thì không thể phản ánh được đời sống kinh tế xã hội thật sự. Bản chất CPI giảm năm nay là do 70% cầu giảm mà thôi”, ông Phú nói.
Ông Phú kể vừa rồi họp về thị trường bán lẻ, 9 vị giám đốc siêu thị đều than phiền chỉ bán được bằng năm ngoái, không ông nào nói tăng doanh thu, lợi nhuận.
“Rõ ràng, CPI thấp nhưng giá bán lẻ ngoài chợ vẫn cứ cao, có xuống đâu? Cứ đi theo 2 bà nội trợ đi chợ cóc thì mới hiểu rõ giá cả thực sự như thế nào? Các nghiên cứu phải sống với cuộc sống người dân, xem CPI diễn biến thực sự là thế nào? ” ông Phú nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, rất khó để đồng tình rằng, điều hành giá cả đã có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các bộ.
Cho đến nay, ngành sữa vẫn còn râm ran chuyện bi hài hai bộ Y tế- Tài chính đổ lỗi cho nhau vụ tăng giá sữa vù vù. Vì quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng sữa của Bộ Y tế mà sữa bị đổi tên, nghiễm nhiên lọt ra khỏi danh sách bình ổn, khiến Bộ Tài chính hết quyền kiểm soát. Chuyện chỉ khép lại khi đến Thủ tướng phải can thiệp, chỉ đạo 2 Bộ phối hợp giải quyết.
Nhìn lại thị trường năm qua, ngoài vụ giá sữa, cước 3G…, dấu ấn để lại còn là vụ giá điện bí mật tăng bất ngờ ngày 1/8 và sự khó hiểu khi từ chối trả lời về giá điện một cách lạnh lùng của Thứ trưởng Bộ Công Thương tại một cuộc họp báo ngành. Cuối năm nay, giá gas cũng tăng một lúc đột biến tới 20%…
Không thiếu câu chuyện giá cả để nói rằng, người tiêu dùng không thể hài lòng với một thị trường “bình ổn” như lãnh đạo Cục Quản lý giá đánh giá.
Nhìn rộng hơn, theo như lãnh đạo Tổng Cục Thống kê, chúng ta tưởng con số CPI 6,04% là thấp vì trước đây, đã quen với các con số cao hơn rồi. CPI năm nay không phải là thấp nếu so với các nước trong khu vực. Lạm phát ở Việt Nam chưa hề ổn định và sẽ cần cẩn trọng, cảnh giác ở năm 2014.
THEO Vietnamnet

Thứ trưởng nông nghiệp: Mất sạch 20.000 ha rừng là do thủy điện



Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, diện tích cao su vượt quá 100.000 ha không vượt quy hoạch của địa phương.
Mới đây Đà Nẵng đã ra tay xử lý “chuyện kỳ quặc”, xuất phát từ việc Sở Xây dựng cắt 5 ha rừng phòng hộ quốc gia để lập dự án. Đà Nẵng đã ra quyết định thu hồi và xử phạt 50 triệu đồng. Đồng thời cũng truy trách nhiệm cơ quan quản lý trực tiếp là Sở NN&PTNT, mặc dù đơn vị này trả lời không biết gì.
Ông đánh giá thế nào về chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đà Nẵng? Việc này có thể xử lý triệt để được không, tại sao?
Sở NN&PTNT là cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, tham mưu cho UBND thành phố thực hiện các chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, dù có thể việc phối hợp giữa các ngành ở địa phương chưa chặt chẽ trong việc khảo sát, phê duyệt dự án có liên quan đến chuyển mục đích rừng, tuy vậy Sở NN&PTNT vẫn có trách nhiệm kiểm tra các dự án có tác động đến rừng đảm bảo việc thực thi đúng pháp luật.
Bộ NN&PTNT chưa nhận được báo cáo đầy đủ về vấn đề này, qua thông tin của quý báo, tôi hoan nghênh địa phương đã tích cực chỉ đạo việc rà soát, giải quyết, xử lý kịp thời vấn đề quản lý, chuyển mục đích sử dụng rừng trên địa bàn.
Trước Đà Nẵng cũng đã có Đăk Lăk, Gia Lai đều có hành động tích cực, yêu cầu công an điều tra, đối với việc trồng rừng thay thế, thu hồi dự án trồng sai. Trong khi đa số các địa phương đều tích cực xử lý vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã đặt tới vấn đề điều tra và xử lý 100.000 ha rừng cao su vượt kế hoạch như việc Bộ trưởng đã thừa nhận chưa? Dự tính của Bộ như thế nào?
Không phải đến nay Bộ NN&PTNT mới chỉ đạo giải quyết những vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, công tác này là việc làm rất thường xuyên và kiên quyết của Bộ.
Chẳng hạn đã kiểm tra chỉ đạo các địa phương, trong đó có các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông… giải quyết nhiều trọng điểm xâm hại rừng; phối hợp với các bộ, ngành kiểm tra trên diện rộng về chuyển đổi rừng trồng cao su.
Để chấn chỉnh tình hình, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ một số biện pháp chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1685/CT-TTg ngày 27.9.2011 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ.
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu “tạm dừng cho phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên” để rà soát, đánh giá, đương nhiên những chủ dự án có sai phạm đã và tiếp tục xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia, đất để trồng cao su phải là đất rừng mới có đủ độ phì. Như vậy, Bộ sẽ khắc phục diện tích rừng bị phá vượt quy hoạch như thế nào, hay cũng như việc trồng rừng thay thế đối với các công trình thủy điện mà dư luận đã lên tiếng thời gian vừa qua?
Quy hoạch phát triển cao su quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2015 là 800.000 ha; theo báo cáo của các địa phương đến năm 2012 diện tích rừng trồng cao su đã có khoảng trên 900.000 ha.
Tuy nhiên, theo quy hoạch của các địa phương, thì diện tích cao su đã có về cơ bản là không vượt quy hoạch của địa phương. Tôi được biết, quy hoạch cụ thể của các địa phương được xác lập trên cơ sở các yếu tố kinh tế – xã hội, điều kiện đất đai trên địa bàn.
Theo quy định của pháp luật thì quy hoạch có nhiều cấp, trong đó quy hoạch cấp quốc gia có tính định hướng chiến lược cả nước, quy hoạch chi tiết trên từng địa bàn là rất quan trọng, và còn các quy định về quá trình xây dựng, phê duyệt từng dự án.
Về cơ bản, việc phát triển trồng mới cao su phải đảm bảo: về đặc tính sinh thái ”đất nào cây ấy”; sử dụng đất đai có hiệu quả nhất; chỉ được chuyển đổi rừng theo các tiêu chí chặt chẽ do Bộ NN&PTNT quy định. Quan điểm của Bộ là dứt khoát không được phá rừng trái pháp luật lấy đất trồng cao su.
Vậy 20.000 ha rừng chuyển mục đích làm thủy điện nhưng tới nay mới trồng lại được hơn 1.000 ha. Bộ NN&PTNT đã có kế hoạch trồng lại như thế nào? Và trách nhiệm của Bộ ra sao?
Từ năm 2001 đến nay, diện tích rừng mất đi do các nguyên nhân trên 334.000 ha, trong đó diện tích rừng chuyển mục đích làm thủy điện gần 20.000 ha.
Nhìn chung, các dự án được phê duyệt đã chuyển mục đích sử dụng rừng trong những năm qua đều chưa thực hiện trồng rừng thay thế một cách trực tiếp, mới có một số dự án thủy điện trồng được khoảng 1.600 ha.
Như tôi đã trao đổi trên đây, ngày 6.5.2013, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT, về việc quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân được phép chuyển mục đích sử dụng rừng phải có phương án trồng rừng thay thế với diện tích ít nhất bằng diện tích rừng được chuyển đổi.
Trường hợp tỉnh có rừng chuyển đổi không còn hoặc thiếu quỹ đất để trồng rừng thay thế thì phải bố trí trồng rừng thay thế ở tỉnh khác.
Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo riêng về vấn đề này; tiếp tục kế hoạch hóa tới từng địa phương, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định của Nhà nước.
Nhưng nhiều địa phương giờ kêu không còn quỹ đất để trồng bù rừng, thì sẽ trồng bù rừng ở đâu?
Bộ NN&PTNT chưa nhận được bất cứ văn bản nào từ UBND các địa phương báo cáo là thiếu quỹ đất để bố trí trồng rừng thay thế.
Theo kiểm kê đất lâm nghiệp của các địa phương, Bộ chưa thấy địa phương nào vì thiếu đất mà không thể trồng rừng thay thế.
Nếu giao địa phương tự trồng, tự giám sát ông có lo tình ngại tình trạng làm 1 báo cáo 10. Vì thực tế đã có hơn 20.000 ha rừng bị phá tới nay mới trồng lại được 1.000 ha?
Chúng ta có hệ thống pháp luật và cơ chế giám sát tương đối đầy đủ; riêng công tác nghiệm thu rừng trồng đã có quy định rõ ràng đối với từng công đoạn, được xã hội và cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện, đánh giá.
Tôi cho rằng, sự nghiệp lâm nghiệp chỉ thành công, khi được người dân, các cấp, các ngành nhất là ở cơ sở thực thực.
Trên thực tiễn, có thể ở đâu đó có sự gian lận, nhưng đó không phải là phổ biến, tất nhiên ai sai phải xử lý; nhưng tôi rất tin vào địa phương cơ sở, những người đã làm lên những thành tựu quan trọng trong việc phục hồi, phát triển, nâng độ che phủ rừng của đất nước ta những năm qua.
THEO ĐẤT VIỆT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét