Sự thật lịch sử và quyền lợi dân tộc
Năm 2007, trong khi tình hình quan hệ Việt-Trung vẫn tiếp tục có
những diễn biến phức tạp, được biết có một quyển sách do NXB Lao Động
vừa ấn hành xong thì có lệnh thu hồi. Sách này tập hợp những bài viết
của một tác giả chuyên khảo về sử địa-văn hóa Việt Nam và khu vực Đông
Á-Đông Nam Á, không có một lời nào chỉ trích Trung Quốc, nhưng chỉ vì có
một bài viết liên quan đến cuộc đăng quang năm 2000 của tổng thống
Trung Hoa Dân Quốc Trần Thủy Biển vốn bị Trung Quốc công kích kịch liệt
vì chủ trương “Đài Loan độc lập” của ông này. Việc thu hồi quyển sách
như vậy đã được thực hiện vội vã bởi một lý do khá mong manh, có lẽ xuất
phát từ những chuyện nhạy cảm về ngoại giao giữa hai bên tranh chấp.
Trước đó một năm, khi chủ biên-hiệu đính quyển Từ điển Lịch sử Trung Hoa
(NXB Thanh Niên, 2006) vốn được biên soạn căn cứ chủ yếu vào một sách
chữ Hán có đề tài tương tự do Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã ấn hành năm
1996, đến mục từ “Cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979”, chúng tôi
đã tự động bỏ bớt trước khi qua khâu biên tập chính thức của NXB, vì
biết đây thuộc vấn đề nhạy cảm, nội dung lại nói đại khái Việt Nam gây
hấn và Trung Quốc cần phải “dạy cho chúng bài học”… Tuy có thể viết lại
mục từ này theo một cách trình bày khác, trung thực hơn, nhưng suy đi
nghĩ lại, đã quyết định bỏ đi để khỏi sinh phiền. Thật ra, chúng tôi đơn
giản chỉ biên dịch thôi chứ chưa hẳn viết sử, nhưng trong một quyển
lịch sử Trung Quốc mà bỏ qua giai đoạn chiến tranh biên giới Việt-Trung
(các năm 1979, 1988…) thì rõ ràng là thiếu, và những người biên soạn như
vậy coi như cũng không làm tròn trách nhiệm đối với độc giả.
Nhắc lại vài câu chuyện nho nhỏ trên đây để bây giờ chúng ta cũng có
phần nào thông cảm với những người biên soạn sách giáo khoa về môn Lịch
sử, khi họ, vì những lý do tế nhị tương tự, cũng đã bỏ qua một nội dung
quan trọng khiến cho thế hệ trẻ ngày nay, hầu như không ai biết gì về
cuộc chiến tranh đó cả, hoặc chỉ biết một cách rất lờ mờ khi có ai tò mò
tìm đọc những bài viết không chính thức trên mạng Internet.
Nói “thông cảm” vì thật ra những người có trách nhiệm viết sử giáo
khoa chẳng phải hèn nhát gì mà không dám viết ra sự thật, nhưng có thể
do không được phép, hoặc do ảnh hưởng, cách suy diễn từ những chỉ thị,
hướng dẫn gì đó của cơ quan ban ngành cấp trên được phát ra theo một
quan điểm hay cách nhận thức nhất định nào đó của một số quan chức có
trách nhiệm hữu quan.
Thời gian mấy tháng gần đây, do tình hình diễn biến ngày một khác đi
trong mối bang giao Trung-Việt, sau một thời gian dài phía Việt Nam gần
như giấu giếm, cuộc chiến tranh Việt-Trung khởi từ tháng 2. 1979 mới
được khơi lại một cách công khai trên một số phương tiện truyền thông,
đi cùng với việc một số bậc thức giả đặt vấn đề cần phải đưa đầy đủ vào
sử sách những nội dung liên quan đến cuộc chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên
giới năm 1979 của nhân dân Việt Nam.
Cho tới nay, sách giáo khoa môn Lịch sử của Việt Nam chỉ có không đến
10 dòng viết về cuộc chiến tranh biên giới, mà theo GS Vũ Dương Ninh
(người tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa lịch sử hiện hành) thì cách
nay 7-8 năm, “đưa được chừng ấy dòng vào sách giáo khoa cũng là một sự
quyết tâm của các tác giả” (xem Tuổi Trẻ, 20.2.2013).
Ở đây có một vấn đề chung hết sức phức tạp đối với mọi người làm sử
trong bối cảnh lịch sử cụ thể hiện tại, đó là mối quan hệ giữa sự thật
lịch sử và quyền lợi dân tộc. Nếu việc nói lên sự thật như một đòi hỏi
tất yếu của khoa học lịch sử mà có phương hại cụ thể đến quyền lợi quốc
gia, trong điều kiện mối quan hệ đặc thù giữa hai nước như trong trường
hợp Trung Quốc với Việt Nam thì người viết sử có thể làm được những gì?
Nói chung, về cơ bản cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử.
Các sử gia Trung Quốc, vì những lý do thuộc về chính trị, có lẽ họ
cũng vấp phải những trục trặc ngoài ý muốn khi bắt buộc phải xuyên tạc
lịch sử theo ý đồ chính trị của nhà cầm quyền. Vài quyển lịch sử Việt
Nam do người Trung Quốc gần đây viết bằng chữ Hán, như Việt Nam thông sử
của Quách Chấn Đạc-Trương Tiếu Mai xuất bản năm 2001 đã cố ý giải thích
sai một số sự kiện lịch sử, như cho Việt Nam đã trở thành đất đai của
các vương triều Trung Quốc dưới thời Bắc thuộc, nên những cuộc nổi dậy
của Trưng Trắc, Lý Bí, Khúc Thừa Dụ… đều bất hợp pháp, là hành động phản
loạn nhằm thiết lập chính quyền phong kiến cát cứ, tách khỏi đại gia
đình đa dân tộc thống nhất Hoa Hạ (xem bài viết của Trần Nghĩa, Tạp chí
Hán Nôm, 2(63), 2004, tr. 64). Riêng trong cuộc chiến tranh biên giới
Việt-Trung, sự xuyên tạc còn trắng trợn hơn khi các sách giáo khoa môn
Sử cũng như các phương tiện thông tin tuyên truyền khác đều dạy cho học
sinh và mọi người Trung Quốc rằng “đường lưỡi bò” chín đoạn trên biển
Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc, còn Việt Nam là nước chủ động xâm lăng
Trung Quốc nên Trung Quốc cần phải tự vệ và “dạy cho chúng bài học”…
Ở đây, rõ ràng, vì quyền lợi dân tộc hẹp hòi mà đã cố ý bóp méo sự
thật lịch sử, bất chấp việc làm như thế chỉ có lợi cho ý đồ xâm lược
(chưa chắc thành công) mà không thấy cái hại lâu dài là sự giả dối vì
lợi ích chính trị nhất thời sẽ dần dần làm biến dạng những đức tính tốt
đẹp cố hữu của nhân dân Trung Quốc, thứ vốn xã hội cần thiết để dân tộc
Trung Quốc có thể xây dựng tương lai cho mình một cách bền vững mà vẫn
không cần xâm hại đến những dân tộc khác.
Sự bất ổn còn thể hiện ở chỗ có sự nhập nhằng giữa cái chính trị nhất
thời với những giá trị nhân bản lâu dài mà một quốc gia cần phải tạo
được cho công dân của mình thông qua các hoạt động văn hóa-giáo dục.
Cách làm sai lệch kiểu như trên, có thể nói, không đâu rõ rệt bằng ở
nhà cầm quyền Trung Quốc, chính vì thế Việt Nam nên rút bài học từ những
kinh nghiệm sai lầm này, trên cơ sở nhận thức rằng văn hóa-giáo dục bao
gồm những giá trị lâu dài gắn liền với sự thật chứ không phải với những
điều giả dối. Do vậy, khi tính chuyện đưa nội dung cuộc chiến tranh
biên giới Việt-Trung vào sách giáo khoa như nhiều người đang đề nghị thì
chúng ta cứ mạnh dạn làm sớm, nhưng tuyệt đối không làm theo cách tuyên
truyền giả dối kiểu Trung Quốc, nghĩa là chỉ cần viết trung thực, sao
cho học sinh nhận biết được sự thật lịch sử khách quan, để từ đó tự tìm
ra được nhận thức, thái độ ứng phó thích hợp.
Phải thành thật nhận rằng, trong quá khứ, khi hai nước còn thân thiện
với nhau, đường lối chính trị hóa triệt để học đường theo kiểu Trung
Quốc cũng có ảnh hưởng nhất định tới cách hành xử của Việt Nam trong một
số vấn đề thuộc phạm vi giáo dục. Nhớ lại hồi năm 1979, sau cuộc đụng
độ ở biên giới Việt-Trung, Bộ Giáo dục Việt Nam đã có văn bản chỉ thị
xóa bỏ trong sách giáo khoa văn học tất cả những bài học liên quan đến
văn học, văn hóa, đời sống Trung Quốc, như bài “Vịt Bắc Kinh” ở bậc tiểu
học, các bài về kinh Thi, Tây du ký… ở bậc trung học. Đến sau, khi hòa
hoãn trở lại, những bài học này mới được phục hồi. Việc làm có vẻ ấu trĩ
của một thời người ta hầu như không phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa
văn hóa-giáo dục với chính trị, và giữa những giá trị phổ biến nhân loại
với những lợi ích dân tộc nhất thời.
Trong khá nhiều trường hợp, sự chi phối của những quyền lợi chính trị
nhất thời đôi khi bất lợi khi đặt toàn bộ vấn đề lợi ích ở mức độ dân
tộc hay nhân loại trên một bình diện rộng lớn hơn, và công việc nghiên
cứu lịch sử vì vậy trước sau vẫn đòi hỏi tính trung thực, để giáo dục
công dân trong nước trước hết sự lương thiện rồi mới đến những phẩm chất
khác như yêu nước, yêu lao động…. Trong chiều hướng đúng đắn này, với
tầm nhìn xa về lợi ích lâu dài, ngay cả khi cần viện dẫn đến quyền lợi
dân tộc, chỉ trong trường hợp quyền lợi đó không chính đáng, phi chính
nghĩa, xâm hại đến quyền lợi các dân tộc khác, người ta mới cần đến việc
bóp méo sự thật lịch sử như Trung Quốc vẫn thường làm. Còn như đường
đường chính chính, không việc gì phải khổ sở uốn cong ngòi bút!
Cách viết sử trung thực-khoa học nói chung chỉ cần trình bày đúng các
sự kiện như chúng đã diễn ra trong quá khứ rồi kết nối lại thành một
trình tự dễ theo dõi mà không nhất thiết phải chêm thêm vào những lời
bình luận chủ quan theo hướng tuyên truyền.
Nhân nhắc đến những mâu thuẫn giữa Trung Quốc-Việt Nam trong vấn đề
chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, có liên quan đến cuộc hải chiến anh dũng
của quân đội VNCH năm 1974 chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, nhiều người khen
ngợi tập hồi ký Can trường trong chiến bại của Hồ Văn Kỳ Thoại là viết
khá tốt (tái bản lần thứ nhất ở Hoa Kỳ, năm 2007). Tôi không đủ khả năng
thẩm tra độ trung thực tất cả các sự kiện được kể ra trong cuốn sách
đó, nhưng phải thành thật nhận rằng, với tư cách là một đô đốc hải quân
chỉ huy cuộc hải chiến lúc bấy giờ, tác giả đã trình bày diễn biến cuộc
đụng độ Việt-Trung khá đầy đủ chi tiết, xứng đáng được dùng làm sử liệu
tham khảo. Còn ở những chuyện khác (ngoài cuộc hải chiến), tác giả cũng
chỉ tuần tự kể việc theo ký ức và theo một số tài liệu tham khảo dẫn ở
cuối sách, đặc biệt mặc dù thuộc “bên thua cuộc”, ông không hề có một
lời lẽ khiếm nhã nào đối với bên thắng cuộc, không vị nể ai mà cũng
không có ác ý với ai.
Năm ngoái, Hội Sử học Việt Nam có đặt vấn đề lập kế hoạch biên soạn
lại một bộ thông sử Việt Nam theo hướng trung thực hơn, vượt ra ngoài
những giới hạn của vấn đề ý thức hệ. Thiết tưởng đây là chiều hướng tích
cực đáng được thúc đẩy, và có thể nhân cơ hội soạn lại này, chỉnh sửa
ngay một số những sự kiện lịch sử sai lạc (như nói Mai Thúc Loan khởi
nghĩa năm 722 vì uất ức trong chuyện phải tham gia đoàn người gánh trái
vải nộp cống cho nhà Đường…, nói trong Lịch sử lớp 6, tr. 64; hay một số
nhận định chưa chính xác về triều Nguyễn, về Phan Thanh Giản, Trương
Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh…), đồng thời đưa thêm những nội dung mới lâu nay
kiêng kỵ vì những lý do chính trị này khác, như cuộc hải chiến bảo vệ
Hoàng Sa năm 1974, cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung những năm 1979,
1988…
Nếu đã có chính nghĩa đàng hoàng, thì sự thật lịch sử và quyền lợi
dân tộc, xét theo hướng lợi ích lâu dài, chẳng những không hề trái
nghịch mà còn thống nhất, dung hợp được với nhau một cách hài hòa, biện
chứng.
TRẦN VĂN CHÁNH/THEO VHNA
HẾT MIẾNG NẠC, các ông lớn BÁN MIẾNG XƯƠNG thế nào?
Các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) nhà nước đang trầy trật
thoái vốn đầu tư ngoài ngành, để kịp về đích đúng hạn trước năm 2015,
nếu không muốn bị… tuýt còi.
“Miếng nạc” bán trước
Nếu như trước năm 2013, kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các
TĐ, TCT gần như là con số 0, thì kết thúc năm 2013, tình hình đã khác.
“Đến thời điểm này, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam
(TKV) đã đi được khoảng 2/3 chặng đường thoái vốn đầu tư ngoài ngành,
khi đã hoàn tất thoái vốn tại: Tổng CTCP Bảo hiểm SHB-Vinacomin, CTCP
Phát triển đường cao tốc BIDV, CTCP Cảng hàng không quốc tế Long Thành,
CTCP Bảo hiểm Hàng không…”, ông Nguyễn Văn Biên, Phó tổng giám đốc TKV
nói và khẳng định, các thương vụ thoái vốn đều đảm bảo nguyên tắc bảo
toàn vốn.
Một số thương vụ có lãi, nhưng không phải do chênh lệch giá bán, mà
trong nhiều năm qua, TKV nhận được cổ tức từ các khoản vốn đầu tư.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố bán được 25,2 triệu cổ
phiếu tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho CTCP Xuất nhập khẩu tổng
hợp Hà Nội.
Trong thương vụ này, EVN bảo toàn được vốn khi bán được với giá bằng
mệnh giá, thu về 252 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN vẫn còn nắm tới 76.856.018
cổ phiếu ABBank, tương đương tỷ lệ sở hữu 16,02%.
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, sau khi được
Chính phủ cho phép bán toàn bộ hơn 11% vốn tại CTCK KIS Việt Nam, với
giá bằng mệnh giá cho cổ đông lớn nước ngoài tại CTCK KIS Việt Nam là
Công ty Đầu tư chứng khoán Hàn Quốc (KIS), Vinatex đang hoàn tất những
khâu cuối cùng để kết thúc thương vụ thoái vốn.
Như vậy, về cơ bản, Vinatex hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành,
qua đó đẩy nhanh quá trình xác định giá trị DN, để dự kiến chào bán cổ
phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong quý I/2014.
Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, các thương vụ thoái vốn thành công đến
thời điểm này, đa phần là những “miếng nạc” dễ bán, bởi so với tiềm năng
phát triển của DN, thì mức giá bán bằng mệnh giá là khá hấp dẫn với
những NĐT đã gắn bó từ lâu và nắm rõ giá trị DN.
Nói cách khác, với những khoản vốn đầu tư ngoài ngành mà có đối tác
đồng ý mua bằng mệnh giá, có nghĩa là bảo toàn được vốn, các “ông lớn”
đang ưu tiên bán sớm. Với những khoản đầu tư có nguy cơ bán lỗ, họ đang
đợi cơ chế, để không đối mặt với rủi ro bị truy trách nhiệm làm mất vốn
nhà nước…
“Khúc xương” chờ cơ chế
Tuy đã thoái xong phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành, nhưng ông
Biên cho biết, đến thời điểm này, giá trị các khoản đầu tư ngoài ngành
của TKV còn khoảng 400 tỷ đồng. Phần lớn giá trị của khoản đầu tư này
đang nằm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), phần còn lại tại
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS), CTCP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà
và một quỹ đầu tư chứng khoán. Trong số các khoản đầu tư ngoài ngành mà
TKV đang trầy trật thoái vốn, khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư phát triển
khu kinh tế Hải Hà, DN do Tập đoàn Vinashin chủ trì góp vốn, là khoản
“xương” nhất, bởi đối mặt với nguy cơ mất vốn.
Với EVN, việc bán được 25,2 triệu cổ phiếu ABBank chưa giúp giải tỏa
được gánh nặng thoái vốn tại ngân hàng này, bởi lượng cổ phiếu chuyển
nhượng thành công chỉ chiếm 25% tổng lượng cổ phiếu đang nắm giữ tại
ABBank. Với lượng cổ phiếu còn lại lên tới 76.856.018 cổ phiếu ABBank,
EVN cũng đang đau đầu tìm đối tác nhận chuyển nhượng.
Trong năm 2013, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đặt mục tiêu
hoàn tất thoái vốn tại CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG).
Tuy nhiên, Vinachem đã thất bại khi thoái toàn bộ 2,1 triệu cổ phiếu,
tương đương 6,13% vốn tại VIG, do thị giá cổ phiếu giảm dưới mệnh giá
quá sâu. Đến nay, Vinachem vẫn chưa tiết lộ kế hoạch tái thoái vốn tại
VIG.
Trong khi các khoản đầu tư ngoài ngành khá… ngon ăn, đã được các TĐ,
TCT thoái xong, thì nhiều khoản dù rất muốn bán, nhưng đang bế tắc do
lỗ, thậm chí lỗ lớn.
Để giải tỏa nút thắt này, tại Hội nghị của Chính phủ với các địa
phương bàn giải pháp phát triển kinh tế năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn
Ninh cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu bổ sung
cơ chế mới là: đối với các khoản đầu tư ngoài ngành đang lỗ và càng kéo
dài quá trình thoái vốn càng lỗ, làm mất vốn lớn, thì cho phép bán dưới
giá trị đầu tư ban đầu để thu hồi vốn.
Dự thảo Nghị quyết về vấn đề này đang được khẩn trương hoàn thiện, để trình Chính phủ xem xét ban hành trong quý I/2014.
THEO ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Chúng ta đã có những quyết sách đúng và cần thiết
Sau một năm tái lập Ban Kinh tế Trung ương, GS. TS Vương Đình
Huệ – Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – đã có
cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về những kỳ vọng của kinh tế
VN năm 2014.
Đánh giá những kết quả đạt được của năm nay phải nói đến sự điều hành
quyết liệt và kịp thời của Đảng và Chính phủ trong 3 năm qua. Từ chỗ
lạm phát tăng cao nay đã giảm xuống còn ở mức trên 6%, lãi suất giảm
mạnh, thanh khoản ngân hàng được kiểm soát, xuất khẩu đã có tốc độ tăng
trưởng đáng kể, thu hút các nguồn lực FDI, ODA năm sau cao hơn năm
trước, cán cân thanh toán tổng thể được cải thiện, dự trữ ngoại hối
tăng.
Hội nghị T.Ư 3 chỉ ra vấn đề mấu chốt của nền kinh tế (KT) phải đổi
mới một cách toàn diện và đồng bộ bằng việc tái cơ cấu, xác định 3 khâu
trọng tâm đột phá là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài
chính, ngân hàng và tái cơ cấu DNNN.
Ngoài trọng điểm là kết luận của Hội nghị T.Ư 8, Chỉ thị của Thủ
tướng Chính phủ, Nghị quyết của QH, Chính phủ đã phê duyệt các đề án
thành phần, tập trung vào các trọng điểm tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, xem
đây là khâu đột phá quan trọng trong cải cách KT. Điểm nổi bật lớn nhất
trong tái cơ cấu ngành năm qua là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và có
quyết sách lớn về vấn đề tam nông.
Trung ương tới đây sẽ sơ kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết 26 của
Hội nghị T.Ư 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để có những quyết
sách tiếp theo. Cái được tiếp theo là tập trung tháo nút thắt điểm nghẽn
của nền KT như tồn kho cao, nợ xấu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho
doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, chúng ta đã và đang tiến hành tái cấu trúc KT trong
bối cảnh nguồn lực thực còn hạn chế. Để giải quyết nhanh nợ xấu của
ngân hàng, năm qua chúng ta đã thành lập và đưa vào hoạt động Cty Quản
lý tài sản (VAMC). Đây là giải pháp cần thiết nhằm khơi thông sự vận
hành của hệ thống ngân hàng, đưa tín dụng ra nền KT.
Tuy vậy không phải không có ý kiến quan ngại cho rằng, đây là hình
thức chuyển nợ từ ngân hàng thương mại sang VAMC. Tôi cho rằng, về mặt
kỹ thuật thì là như vậy, nhưng quan trọng là chúng ta đã giải quyết được
bài toán cấp bách về cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại, tạo
điều kiện cho ngân hàng tiếp tục cho vay và giải ngân.
Tuy nhiên, nếu nghiêm khắc nhìn nhận, nền kinh tế vẫn chưa có tốc độ bứt
phá, một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội không đạt hoặc tăng chậm hơn dự
báo, thưa ông?
Đúng vậy, mặc dù đạt được những chỉ tiêu quan trọng, song bên cạnh
kết quả đạt được, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt như mong muốn. Đó là
tốc độ tăng trưởng GDP đạt thấp, tổng đầu tư toàn xã hội và giải quyết
việc làm chưa đạt mục tiêu, kinh tế vĩ mô phục hồi nhưng chưa vững chắc;
lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong thời
gian tới.
Đối với việc thực hiện đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các DNNN
cũng vẫn còn chậm và còn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có giảm nhưng vẫn
còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN còn khó khăn, DN giải thể
và ngừng hoạt động còn tăng. Trong năm tới, chúng ta tiếp tục củng cố
tính vững chắc kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát có mục tiêu. Qua đó,
cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát mới có
thể phục hồi sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2014 theo ông đánh giá kinh tế thế giới có sức bật gì và ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế VN?
Năm 2014, nhiều dự báo của các tổ chức tài chính quốc tế là kinh tế
thế giới sẽ phục hồi và tăng trưởng cao hơn năm 2013. Quỹ Tiền tệ quốc
tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu khoảng 3,5-3,6% (cao hơn so
với năm 2013 là 0,9%). Có 4 điểm đáng quan tâm: Một là, các nền kinh tế
hàng đầu vẫn tiếp tục có tăng trưởng, Trung Quốc, Mỹ tăng khoảng
2,5-2,6%.
Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozon) bắt đầu
khắc phục được nợ công, tăng trưởng dự kiến xấp xỉ 1%… Các chính sách
đầu tư trực tiếp nước ngoài, đảm bảo nợ công là ưu tiên được các quốc
gia giải quyết. VN là nền kinh tế có độ mở lớn, năm 2013, XNK lên tới
270 tỉ USD.
Do đó, tín hiệu hồi phục của kinh tế thế giới hồi phục cũng là tín
hiệu tốt cho kinh tế VN. Chúng ta cần phải tiếp tục triển khai 3 đột phá
chiến lược. Đó là tập trung đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao
thông. Dù trong điều kiện ngân sách khó khăn, tổng đầu tư cho giao thông
không được thấp hơn năm nay; đã xuất hiện những yếu tố tăng năng suất
lao động tổng hợp, không chỉ là yếu tố vốn và tiếp theo là đổi mới về
chất lượng nguồn nhân lực.
Đối với đề án tái cơ cấu nền kinh tế, mục tiêu 2015 phải có kết quả
cụ thể, tới đây vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn chắc chắn
sẽ nhanh hơn.
Trân trọng cảm ơn ông.
THEO LAO ĐỘNG
CHỌN MẶT GỬI VÀNG – CHUYỆN ĐỜI XƯA, CHUYỆN ĐỜI NAY
CHUYỆN ĐỜI XƯA
Trong lịch sử tồn tại của mình, mỗi khi gặp khó khăn, cần phải có
nhiều tiền, đảng Cộng sản Việt Nam thường dòm ngó đến số vàng dự trữ
trong mỗi gia đình người Việt Nam. Với quyền lực trong tay (bao gồm
chính quyền và quân đội) cộng với mưu sâu kế hiểm, họ nhiều lần khua
khoắng số vàng này của dân.
Thủ đoạn được dùng có khi là những
lời lẽ ngọt ngào về các lý tưởng cao cả tốt đẹp để người dân tự động móc
vàng trong túi ra (Tuần lễ vàng, Việt kiều hồi hương). Nhưng cũng có
khi là chiếm đoạt công khai bằng chính sách và bộ máy công quyền rồi
dùng báo chí tuyên truyền biện minh cho hành vi của mình rồi đổ lỗi cho
người khác (Cải tạo công thương, Đánh tư sản, 16 tấn vàng). Hoặc là dồn
người dân vào đường cùng rồi mở một lối thoát ra để ai muốn ra khỏi thì
phải nộp vàng (tổ chức vượt biên bán chính thức cho Hoa kiều, người xuất
cảnh phải giao nhà cửa, vàng, đá quý cho Nhà nước giữ).
Ở đây nhắc lại một số chuyện đời xưa của đảng Cộng sản liên can đến số vàng dự trữ trong tủ của người dân Việt Nam.
1. Tuần lễ vàng
Sau khi giành được chính quyền ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh phát động
tuần lễ vàng nhắm vào tầng lớp thương nhân và trung lưu ở các thành thị.
Cũng nhắc lại là ở thời điểm đó, các vùng nông thôn miền Bắc mới vừa
trải qua trận đói khiến hàng triệu người chết làm cho người dân nông
thôn gần như kiệt quệ, cho nên giới thượng và trung lưu chính là đối
tượng mà đảng Cộng sản muốn nhắm tới.
Qua tuần lễ vàng, chính quyền Hồ Chí Minh đã thu được 20 triệu đồng
và 370 kg vàng. Trong đó có những nhà tư sản đóng góp nhiều như ông bà
Trịnh Văn Bô đã hiến tặng hơn 5.000 lượng vàng, ông Đỗ Đình Thiện tặng
100 lượng vàng và 1 triệu đồng tiền đấu giá bức chân dung Hồ Chí Minh,
ông Nguyễn Sơn Hà tặng 10,5 kg vàng bạc, đá quý và còn rất nhiều người
khác nữa. Họ đóng góp cho Hồ Chí Minh với một niềm tin là tài sản, tiền
vàng của họ sẽ được dùng vào mục đích giành độc lập và kiến thiết đất
nước.
Nhưng thực tế thì sau khi gom vàng được của người dân, thì Hồ Chí
Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 đồng ý cho Pháp tái xâm lược
miền Bắc. Điều này đã đi ngược lại với lời tuyên bố độc lập của Hồ Chí
Minh ngày 2-9-1945.
Sự phản bội không chỉ dừng lại ở đó, sau khi nắm được chính quyền ở
miền Bắc năm 1954 và ở miền Nam sau năm 1975, đảng Cộng sản tiếp tục
thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp nhằm tịch thu toàn bộ cơ
sở sản xuất kinh doanh, tài sản và nhà cửa của những người thuộc tầng
lớp thương nhân mà rất nhiều người trong số họ đã đóng góp rất lớn cho
đảng Cộng sản trong những ngày đầu giành chính quyền.
2. Vàng của Việt kiều hồi hương
Vào khoảng năm 1960 – 1964, nghe lời kêu gọi của chính quyền VNDCCH,
Việt kiều ở Thái Lan và Tân Đảo (New Caledonia) hồi hương về miền Bắc.
Khi những Việt kiều mới đặt chân xuống cảng Hải Phòng, trong không khí
hân hoan chào đón, cán bộ chính quyền nói với họ rằng: Bà con có vàng cứ
gửi vàng cho Chính phủ giữ dùm, khi nào cần tiền để chi tiêu hoặc làm
ăn thì sẽ rút tiền ở Kho bạc địa phương nơi mình sinh sống, giá trị vàng
sẽ được quy đổi theo giá thị trường tại thời điểm rút,còn vàng thì để
Chính phủ dùng để xây dựng đất nước. Lúc đó họ là những người Việt xa xứ
lâu năm, chưa ai sống chung với cộng sản nên đã tin tưởng và giao hết
số vàng dành dụm lâu nay cho Chính phủ VNDCCH để nhận lại tờ giấy chứng
nhận gửi vàng. Họ nghĩ việc gửi tiền giống như kiểu gửi ngân hàng ở nước
họ sinh sống trước đây, khi nào cần thì rút lại tiền vì đó là tiền của
mình.
Sau này khi bị đưa về các vùng kinh tế mới ở miền trung du các tỉnh
Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa, các Việt kiều phải chịu đựng cuộc sống
rất cực khổ, thiếu thốn. Khi đó, họ muốn rút tiền ra để làm ăn, tiêu xài
thì chính quyền yêu cầu phải làm đơn xin được rút tiền thì mới giải
quyết. Lúc này vàng đang nằm trong tay của Nhà nước nên họ đành phải xin
xỏ, cạy cục mãi mới được phát lại những số tiền ít ỏi vì tiền khi đó đã
được quy đổi theo giá trị vàng với giá rẻ mạt do Nhà nước ấn định.
3. Vụ 16 tấn vàng, vừa ăn cướp vừa la làng
Sau năm 1975, khi nền kinh tế đất nước gặp khó khăn, nhiều người miền
Nam (bao gồm các nhân sĩ trí thức, cán bộ chính quyền và người dân) đã
đề cập đến việc dùng 16 tấn vàng trong ngân khố quốc gia Việt Nam Cộng
hòa để giải quyết khó khăn nhưng báo chí của bên thắng cuộc tuyên bố
rằng chính tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mang 16 tấn vàng ra nước
ngoài. Nhưng sau này họ đã im lặng thừa nhận khi mà những nhân chứng của
cả hai bên, thắng cuộc và thua cuộc như Bùi Tín (cựu đại tá QĐNDVN),
Nguyễn Văn Hảo (phó thủ tướng phụ trách kinh tế VNCH), Huỳnh Bửu Sơn
(chuyên viên phụ trách kho vàng, Ngân hàng Quốc gia VNCH), lên tiếng xác
nhận số vàng này đã được bàn giao cho bên thắng cuộc.
4. Thu vàng của người Hoa vượt biên bán chính thức
Sau các chiến dịch đánh tư sản ở miền Nam, đảng Cộng sản biết, dù đã
tịch thu hầu hết tài sản, máy móc, hãng xưởng nhưng các thương gia Hoa
kiều vẫn còn cất giấu rất nhiều vàng, đá quý và đôla. Một chiến dịch nữa
được tung ra để gom tiếp số vàng còn ở trong tay người Hoa đó là cho
phép họ vượt biên bán chính thức. Theo đó, chính quyền cộng sản sẽ lên
danh sách, cấp giấy phép đóng tàu, bán bến bãi đổi lại người Hoa phải
nộp vàng cho chính quyền. Tổng số vàng tiền thu được trong chiến dịch
này như sau: “Số tàu đã cho đi: 533; Số người đã đi: 134.322; Thu vàng:
16.181kg; Ngoại tệ: 164.505 đô la; Tiền ngân hàng VN: 34.548.138 đồng;
Một số tài sản khác: 538 ô tô, xe du lịch; 4.145 nhà và gian nhà 217”.
(Huy Đức, Bên Thắng cuộc, tập 1). Chỉ tính riêng số vàng đã hơn 16 tấn,
tức là nhiều hơn số vàng trong ngân khố quốc gia của Việt Nam Cộng hòa.
5. Tang vật là vàng trong các vụ án.
Hiện nay ở Việt Nam, trong các vụ án, khi công an tạm giữ các tang
vật là vàng thì bao giờ họ cũng ghi trong biên bản là kim loại màu vàng
chứ không ghi thẳng ra là vàng. Sau đó, khi trả lại tang vật cho người
dân thì vàng đó có thể biến thành vàng giả và công an sẽ không chịu
trách nhiệm gì hết vì biên bản đâu có ghi đây là vàng thật đâu, chỉ ghi
là kim loại màu vàng thôi mà. Nếu ai đó phản đối việc ghi vàng là kim
loại màu vàng trong biên bản thì công an nói là làm sao mà biết được đây
có phải là vàng thật không. Đây là một thủ đoạn cướp vàng quen thuộc
của công an nhà Sản.
6. Vụ 96 viên kim cương
Vào cuối thập niên 90, chính quyền Việt Nam vẫn còn duy trì quy định
cấm người xuất cảnh đi nước ngoài mang theo tài sản quý như vàng, đôla,
đá quý. Những tài sản đó phải gửi lại cho Nhà nước, khi nào hồi hương
thì Nhà nước sẽ trả lại. Đây là hình thức từng bước chiếm đoạt tài sản
của người dân vì hầu như rất ít Việt kiều hồi hương về Việt Nam và nếu
lỡ làm mất giấy tờ thì coi như Nhà nước lấy luôn.
Năm 1995, Bộ luật Dân sự Việt Nam được ban hành. Theo đó Nhà nước
Việt Nam công nhận quyền sở hữu tài sản của người dân và bắt đầu cho
phép người dân thực hiện các giao dịch dân sự như: thừa kế, mua bán, ủy
quyền, cho tặng…
Khi đó có một bà Việt kiều Pháp đã làm giấy ủy quyền cho luật sư Đào
Hoàng Mỹ đến Kho bạc Nhà nước TP.HCM nhận lại 96 viên kim cương mà bà đã
gửi lại cho Nhà nước trước khi xuất cảnh. Sau khi xuất trình đầy đủ hồ
sơ, vị luật sư này đã lấy lại được số kim cương này. Đến cuối năm đó,
khi cấp trên của Kho bạc kiểm kê kho quỹ mới phát hiện. Khi đó, chính
quyền TP.HCM tìm cách lấy lại bằng cách buộc tội luật sư Đào Hoàng Mỹ
chiếm đoạt tài sản. Nhưng với những bằng chứng pháp lý rõ ràng, chính
quyền TP.HCM đành nuốt hận và mở chiến dịch tấn công trả thù luật sư Đào
Hoàng Mỹ. Lúc đó báo chí đăng bài cho là bà Đào Hoàng Mỹ đã chiếm đoạt
96 viên kim cương của thân chủ, đồng thời chính quyền yêu cầu Đoàn luật
sư TP.HCM khai trừ bà ra khỏi Đoàn. Sau đó bà gia nhập Đoàn Luật sư Đắc
Lắc, chính quyền TP.HCM tiếp tục yêu cầu Đoàn Luật sư Đắc Lắc khai trừ
bà. Rồi họ thấy bà để bảng hiệu Luật sư Đào Hoàng Mỹ ở trước nhà, họ bắt
bà phải tháo xuống vì cho rằng bà không còn là luật sư nữa, bà đành sửa
bảng hiệu là Thạc sĩ luật Đào Hoàng Mỹ.
Đây là một thắng lợi hiếm hoi của người dân trong vô số trường hợp người dân bị trắng tay.
CHUYỆN ĐỜI NAY
Mấy hôm nay, báo chí bắt đầu đề cập đến chính sách của Chính phủ về
việc huy động vàng trong dân. Có lẽ là nhà Sản đang gặp khó khăn gì đó,
cần phải có nhiều tiền để giải quyết nên mới bàn tính việc lấy vàng của
dân. Mục đích thì vẫn như cũ nhưng hình thức thì có phần tinh vi hơn. Số
vàng nằm trong nghe nói đâu khoảng 500 tấn, tức gấp hơn 30 lần số vàng
của VNCH, mà lại nằm trong túi của những người đang ở trong vòng kiềm
tỏa của nhà Sản. Nếu nhà Sản không nghĩ cách thâu tóm số vàng này mới là
lạ.
Chỉ lạ một điều là, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là người huy
động nhưng các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ đứng ra nhận vàng của dân.
Như vậy, việc huy động vàng của dân được tách ra làm hai giao dịch
riêng biệt, độc lập nhau: một là các NHTM vay vàng của dân; hai là NHNN
vay lại vàng của các NHTM.
Với một bộ máy công quyền đầy rẫy tham nhũng và tiêu tiền ngân sách
phung phí như hiện nay, liệu NHNN sẽ có đủ vàng để trả cho các NHTM để
các NHTM trả lại vàng người dân hay không.
Một khi NHNN không có đủ vàng để trả lại cho các NHTM, dẫn đến việc
các NHTM tuyên bố phá sản, giải thể – kiểu Vinashin – thì ai sẽ phải trả
vàng lại cho người dân? NHNN sẽ vô can khi các NHTM tuyên bố phá sản.
Việc NHNN không trực tiếp đứng ra nhận vàng của dân thì NHNN sẽ không
phải chịu trách nhiệm về số vàng đã huy động của người dân. Người dân
chỉ có thể đòi các NHTM trả lại vàng, chứ không thể đòi NHNN được. Phải
chăng đây là cách gài thế để chuẩn bị cho việc quịt nợ – cướp vàng trong
tương lai.
Chưa hết, với vai trò quản lý nhà nước trong tay, NHNN hoặc cao hơn
là Chính phủ có thể thay đổi luật chơi bằng cách ban hành những luật lệ,
quy định có lợi cho phía chính quyền hơn là phía người dân. Rủi ro pháp
lý nếu xảy ra, gây thiệt hại cho người dân gửi vàng thì đó là việc giữa
người dân và các NHTM. Nếu muốn giải quyết thì người dân nộp đơn kiện ở
Tòa án và người dân sẽ bị sa vào mớ bùng nhùng không lối thoát của
những vụ kiện tụng.
Nhìn qua vụ án Huyền Như chiếm đoạt 5.000 tỷ đồng. Rõ ràng là cô ta
chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng gửi tại Ngân hàng Công
thương. Lẽ ra, NH Công thương phải có trách nhiệm trả lại tiền cho khách
hàng vì tiền đang do NH Công thương giữ. Đằng này, họ lại phủi trách
nhiệm, cho là Huyền Như chiếm đoạt tiền của khách hàng cho nên khách
hàng phải tự đi đòi Huyền Như trả nợ, còn NH Công thương thì vô can. Qua
vụ này, thấy được sự ngang ngược, bất công của hệ thống pháp luật Việt
Nam luôn muốn bảo vệ lợi ích cho chính quyền và các Ngân hàng (có vốn
của Nhà nước) bất chấp quyền lợi của người dân. Kịch bản này hoàn toàn
có thể lặp lại trong chính sách huy động vàng sắp tới của NHNN.
Một khả năng có thể xảy ra là NHNN có thể đứng ra bảo lãnh cho NHTM vay
vàng. Khi đó người dân cần đòi NHTM cho coi, hoặc nhờ luật sư xem xét kỹ
lưỡng, các điều khoản của việc bảo lãnh này để làm rõ phạm vi bảo lãnh
và nghĩa vụ bảo lãnh của NHNN tới đâu nhằm bảo toàn số vàng cho mình.
Còn nếu như NHNN không đứng ra bảo lãnh các khoản huy động vàng của
NHTM thì người dân tuyệt đối không nên giao vàng cho các NHTM. Và khi
đó, cái gọi là “NHNN ủy quyền cho các NHTM huy động vàng” chỉ là mớ giấy
lộn.
KẾT LUẬN
Ông bà mình có để lại cho chúng ta một câu rất chí lý, đó là “Chọn
mặt gửi vàng”. Câu này trở nên rất đúng trong tình hình hiện nay khi mà
có nhiều gương mặt lên tiếng kêu gọi người dân gửi vàng. Những gương mặt
đó xuất hiện kèm theo các chức danh và học vị rất là oai như là: Thủ
tướng, Thống đốc, Bộ trưởng, Giáo sư, Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế. Nhưng
bà con coi thử coi có gương mặt nào đáng tin để bà con gửi vàng không.
Các NHTM hiện nay có đáng tin cậy nữa không khi mà nguy cơ đổ vỡ của các
NHTM xuất hiện ngày càng nhiều. Liệu đến khi xảy ra chuyện, bị mất vàng
thì những gương mặt đang kêu gào huy động vàng hiện nay có khả năng
giúp người dân lấy lại được vàng không.
Tầng lớp người dân lao động đang vất vả kiếm sống không phải là đối
tượng của chính sách huy động vàng cho nên hệ thống tuyên truyền báo chí
sẽ hướng về thành phần trung lưu và thượng lưu. Một mặt họ sẽ đưa tin
đậm nét về các vụ cướp vàng làm cho những người đang giữ vàng sợ hãi
phải đem vàng đi gửi Ngân hàng, mặt khác họ sẽ ca ngợi về việc huy động
vàng sẽ mang lại ích nước lợi nhà… Nếu cần tăng sức hấp dẫn, NHNN sẽ
tăng lãi suất gửi vàng để đánh vào lòng tham của mọi người. Mọi người
cũng nên biết rằng, cho dù xảy ra nhiều vụ trộm cướp vàng đi nữa thì xã
hội cũng không thiệt hại nhiều bằng việc một NHTM nào đó tuyên bố phá
sản, không trả lại được vàng cho người dân.
Trước khi quyết định gửi vàng cho NH, mọi người cần đặt ra cho mình mấy câu hỏi:
- Ai là người vay vàng của mình và mình sẽ đòi ai trả lại vàng? Có ai
đứng ra bảo lãnh cho việc huy động vàng này không? Mức độ uy tín của
người bảo lãnh có cao không? Việc bảo lãnh cụ thể ra sao?
- Khi cần thì người dân lấy vàng ra có dễ không, làm sao bảo đảm được là
vàng mình nhận lại từ NHTM có đúng chất lượng như lúc mình gửi không.
Có khả năng người dân bị buộc phải nhận lại bằng tiền thay vì nhận bằng
vàng không?
- Cơ sở pháp lý cao nhất của việc huy động vàng là những văn bản pháp
luật nào? Ai ký, ai ban hành và ai có thể thay đổi hay hủy bỏ được những
văn bản đó?
- Vàng của mình sẽ được sử dụng như thế nào, cho mục đích gì? Ai sẽ là
người trực tiếp xài, ai phê duyệt và ai sẽ kiểm soát việc xài số vàng
này?
- Khả năng sinh lợi cũng như khả năng hoàn vốn của việc sử dụng số vàng như thế nào?
- Nếu các NHTM hay NHNN không trả vàng lại được thì mình sẽ dựa vào ai
hay công cụ pháp luật, cơ quan hay tòa án nào để đòi lại? Khả năng đòi
lại được có cao không? Nếu các NHTM tuyên bố phá sản thì mình sẽ làm gì?
Và cuối cùng bà con không nên quá chú trọng đến lãi suất mà người ta
trả cho mình cũng như đừng quan tâm đến các lý tưởng cao đẹp mà nhà Sản
rêu rao mà hãy nhìn lại những việc làm của nhà Sản trước đây để biết ý
họ muốn gì.
KIM HẰNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét