Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Chế độ góp phần tạo nên ‘tội phạm’? - CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974

LM H Tuấn - Đảng là cha, là mẹ & Nhân dân mồ côi!

LM H Tuấn
Theo Dân Làm Báo

Câu chuyện về Đảng là đạo đức, là văn minh thì lâu nay nghe ra rả, nhưng Đảng là Mẹ thì mới được ông Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn ấn hành vừa mới đây trên báo Quân đội Nhân dân (QĐND) [1].
Thực ra thì đối với một người trưởng thành từ trong quân ngũ, là một Đảng viên khi tròn 18 tuổi thì việc Đảng hóa thành niềm tin, cuộc sống, lý tưởng, thành đạo đức, văn mình, là mẹ vĩ đại trong thời điểm chiến tranh loạn lạc... không có gì là lạ.
Nhưng khi người Đảng viên ấy khoác trên mình màu áo của một quân đội với danh xưng QĐND sau cuộc chiến và được nuôi bởi những đồng thuế của dân thì cái việc Đảng hóa đó trở nên kệch cỡm, thô bịch và đầy chất nịnh bợ, tôi tớ.
Vì Đảng hóa như vậy nên ông đã nhầm lẫn phán chắc nịch: “Không có Đảng thì không có Quân đội nhân dân Việt Nam”. Vì sao?
- Thứ nhất, trong tiến trình của Lịch sử, đội quân nhân dân luôn tồn tại, và nó được tổ chức bởi các Đảng phái ban đầu, nếu như không có Đảng Cộng sản thì sẽ có Đảng Quốc dân, Đảng Lập hiến, Đảng Thanh niên, Phục Quốc hội [2] hay bất kỳ Đảng phái nào sẽ tổ chức thành lập đội quân. Cái quan trọng là, đội quân đó được nhân dân nuôi dưỡng, bao bọc ra sao từ quá khứ cho đến hiện tại? Và đội quân của người Cộng sản với 34 người hôm đó (tôi xin lấy mốc mà người Cộng sản như ông Trung tướng đang nhìn nhận) sẽ ra sao nếu không nhận được điều đó từ nhân dân?... Kể cả khi đội quân ấy hoạt động vũ trang - bán vũ trang, chính trị từ thời Việt Bắc lập chiến khu cho đến Mậu Thân 68, tổng tấn công 74-75?
- Thứ hai, đội quân Nhân dân ngày hôm nay, đội quân mà ông tự hào là Đảng cho ra đời thì những chàng trai - cô gái tuổi đôi mươi đó lại từ dân mà ra, và hầu hết đều là những người dân-không-đảng-phái, họ gia nhập đội quân như là phương cách góp phần bảo vệ giang sơn, bảo vệ xóm làng, chống lại ngoại xâm chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ bảo vệ Đảng Cộng sản cả. Nó cũng giống như khi Nguyễn Ái Quốc đọc được bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanité) vào tháng 7/1920 ông cho rằng, đây là con đường giải phóng chúng ta nhưng không phải ông hiểu về Mác, về Lênin mà ông đơn thuần bị thu hút bởi yếu tế dân tộc & thuộc địa mà bản sơ thảo nhắc đến, cũng như việc ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp cũng là vì Đảng hứa một cách cụ thể là từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa. [3]
- Thứ ba, việc đem công lao sáng lập trong quá khứ để buộc quân đội phải theo Đảng trong hiện tại & tương lai nó cũng hợm hĩnh như việc đem công lao lãnh đạo làm nên thống nhất lãnh thổ 1975 để biện hộ cho việc duy trì quyền lãnh đạo độc tôn, để biện hộ cho sai lầm, để biện hộ cho khuyết điểm không thể sửa chữa nỗi của Đảng trong thời kỳ hòa bình vậy. Làm việc đó khác nào phỉ nhổ vào lịch sử, đem Lịch sử ra đổi chác thưa ông Trung tướng?
Nếu ông trung tướng cho rằng, đội quân hiện nay là do Đảng lập nên, do Đảng lãnh đạo và bảo vệ Đảng - không tách rời khỏi Đảng là tất yếu. Vậy thì xin nói lại các quan điểm mà các ông đang trốn tránh:
- Một là, đội quân hiện nay các ông cố tình đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, rồi dùng nó như 1 công cụ bảo vệ tổ chức Đảng Cộng sản thì tốt nhất, các ông nên đổi tên là Cấm vệ quân Đảng Cộng sản đi.
- Hai là, nếu đội quân hiện nay là từ Đảng mà ra và các ông mặc nhiên buộc trung thành, biến nó thành đội quân bảo vệ Đảng thì tốt nhất, các ông nên lấy quân hằng năm từ gần 4 triệu Đảng viên của mình. Tương tự các phí duy trì cho đội quân này cũng nên lấy từ tiền Đảng phí thay vì thuế nhân dân.
Ông trung tướng cho rằng, bảo vệ Đảng chính là tăng cường năng lực cho Đảng bảo vệ Tổ quốc, do đó quân đội ta đã viết nên và tô thắm truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân”; “Trung với nước, hiếu với dân”. Tôi cho là phải, vì ít nhất ông đã không bỏ quên yếu tố Nước đối với Quân đội. Tuy nhiên:
- Việc đưa quân đội Quốc gia biến thành của riêng cho Đảng cộng sản. Rồi cố gán ghép bằng khẩu hiệu “trung với Đảng, hiếu với Dân” là một sự đánh tráo nham nhở. Một quốc gia với một đội quân chỉ có một mệnh lệnh duy nhất là Bảo vệ lãnh thổ, cương vực quốc gia trước nguy họa từ bên ngoài. Nếu đội quân buộc phải bảo vệ Đảng như là một điều kiện cần và đủ để đảm bảo an ninh quốc gia thì khi Đảng của các ông bị phân hóa, bị suy yếu, bị chia bè-cánh, đội quân đó có đủ sức để đảm nhiệm các mệnh lệnh linh thiêng như trên? Hay là các viễn cảnh Loạn 12 sứ quân lại tái diễn thời hiện đại?
- Đưa quân đội quốc gia (vốn để bảo vệ cho một cộng đồng lớn người) trở thành một đội quân bảo vệ cho một nhúm người với sứ mệnh đặt ngang hàng để buộc đội quân đó phục tùng mọi mệnh lệnh của Đảng, coi nhiệm vụ của Đảng là nhiệm vụ của quân đội, coi hiểm họa của Đảng là hiểm họa của quân đội thì Quân đội đó có còn là một quân đội của Dân, của Quốc gia nữa không? Có xứng đáng để tên là Quân Đội Nhân Dân Việt Nam nữa không? Có xứng đáng để hát một cách tự hào là “Vì Nhân dân quên mình, mình nhân dân hy sinh nữa hay không?” [4].
Sau khi dẫn dắt người đọc, ông lộ rõ ý đồ là muốn đánh thẳng vào những quan điểm về việc muốn QĐND Việt Nam phải trung lập, tách ly ra khỏi lãnh đạo của ĐCS bằng việc nhân danh đạo lý: “Đối với thế hệ chúng tôi và những lớp người đi trước, Đảng, Bác Hồ, nhân dân là cha, là mẹ; Quân đội nhân dân Việt Nam là con của Bác, của Đảng, của dân. Đạo lý người Việt Nam không cho phép ai từ bỏ cha mẹ. Bất kỳ ai đòi quân đội từ bỏ sự trung thành với Đảng, với Bác Hồ là đều trái đạo lý, trái lịch sử. Chúng tôi, những người đã trải qua, hoặc đang trong quân ngũ, mang đạo lý của dân tộc, không chấp nhận quan điểm đó.”
Lần này, tôi cho rằng, ông thực sự mê muội. Vì sao?
- Vì một lần nữa ông lấy cái quan điểm, cái quá khứ của chính ông áp đặt vào thế hệ của ông để rồi ông cho rằng ai cũng coi “Đảng, Bác Hồ, nhân dân là cha, mẹ” mà lại quên rằng, khi những người thế hệ như ông, trước ông và sau ông gia nhập vào đội quân đó, phần lớn họ chỉ có một nguyện vọng duy nhất: Cầm súng, bảo vệ quê hương - xóm làng. Ông đòi hỏi người ta trân trọng lịch sử, nhưng ông lại đem lịch sử thế hệ ra để đổi chác.
- Vì trong một xã hội, nếu duy trì sự gắn bó mật thiết như giữa quân đội với Đảng như cha-mẹ-con thì nghiễm nhiên, quân đội đó trở thành những công cụ tốt nhất để bảo vệ chế độ đó. Ở một mức độ cao hơn, khi quân đội hòa với độc đảng là một thì thể chế chính trị sẽ trở thành chính quyền độc tài quân sự (quân phiệt hóa).
- Vì sau khi ông cố gắng thêm chữ Nhân dân sau “Đảng” (tổ chức của ông), sau “Bác Hồ” (lãnh tụ của ông), ông đi đến một kết luận thật trung thực: “Bất kỳ ai đòi quân đội từ bỏ sự trung thành với Đảng, với Bác Hồ là đều trái đạo lý, trái lịch sử.” Xin hỏi ông trung tướng với chức vị đầy mình rằng:
+ Từ bao giờ đạo lý dân tộc lại gắn với sự trung thành đối với 1 Đảng phái?
+ Từ bao giờ đạo lý dân tộc lại gắn liền với một người lãnh đạo?
+ Từ bao giờ Lịch sử lại sai trái khi người dân không còn trung thành với Đảng, với Bác Hồ?
- Vì hiện nay, ĐCS Việt Nam đang trở thành một cái động chứa nhóm lợi ích, những kẻ bòn vét tài nguyên quốc gia cũng như vét kiệt nguồn lực con người. Nó đang chuyển thành trở thành một khối đối lập đối với lợi ích nhân dân Việt Nam, thế hệ Việt Nam mai sau. Thế mà ông vẫn kêu gào đòi đội quân từ dân ra, ăn thuế dân phải tiếp tục trung với Đảng. Khác gì Nhân dân ngu muội, tự mài vũ khí giết mình, con mình, cháu mình trong tương lai?
Nói dễ hiểu hơn một chút là, không biết ông trung tướng có siêng đọc báo - xem đài không? Nếu có hẵng ông sẽ biết tin Kim Jong-un (lãnh tụ Triều Tiên) đã ra lệnh cho các binh sĩ tiền tuyến phải "trung thành", sẵn sàng trở thành những “viên đạn, quả bom người” để bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên. Ông trung tướng có hiểu được cái mệnh lệnh mà Kim Jong-un đưa ra với cái mệnh lệnh trung với Đảng mà ông và những người như ông đang cố bảo vệ, tuyên truyền không ạ?
Tóm lại, mệnh lệnh cao nhất của Quân Đội là BẢO VỆ QUỐC GIA & TRÁNH LÀ DỤNG CỤ CỦA BẤT KỲ ĐẢNG PHÁI NÀO CẢ. Vì thế, Quân Đội Nhân Dân phải Trung với Quốc Gia, Hiếu với Nhân Dân. Chỉ có như thế, Quân đội mới tránh việc phân mảnh khi mà nội bộ Đảng Cộng sản bị phân hóa thành các thế lực khác nhau bởi vì tính thống nhất Đảng phái chỉ mang tính tạm thời, không phải là vĩnh viễn. Vì “quyền lực mà không có lòng tin của nhân dân thì chẳng là gì cả (Catherine II)” thưa ông Trung tướng!
Cuối cùng, xin gửi ông và những người như ông một câu chuyện ngụ ngôn thời Liên Xô:
Sĩ quan Liên Xô nói chuyện với một tân binh:
- Ai là cha của anh?
- Dạ, nguyên soái Stalin ạ!
- Sao lại như vậy được?
- Thì người ta vẫn nói nguyên soái là cha già của dân tộc đấy thôi!
Sĩ quan rất ngạc nhiên nhưng đành phải thừa nhận tân binh có lý. Ông ta hỏi tiếp:
- Thế ai là mẹ của anh?
- Dạ, Liên Xô ạ!
- Thế có nghĩa là thế nào?
- Thì người ta vẫn nói Liên Xô là mẹ của tất cả các dân tộc…
Trả lời của tân binh làm viên sĩ quan khoái trá. Với niềm hy vọng lớn lao, anh ta hỏi tân binh bằng giọng thân mật:
- Thế cậu muốn trở thành người như thế nào?
- Dạ, thưa, em muốn thành đứa mồ côi ạ!
LM H Tuấn
danlambaovn.blogspot.com
___________________________________________

Chú thích

[1] qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/234591/print/Default.aspx
[2] vi.wikipedia.org/wiki/Danh_sách_đảng_phái_chính_trị_Việt_Nam
[3] bacho.camau.gov.vn/gioithieu/cuocdoihoatdong/23-dautranh.html
[4] vov.vn/Van-hoa/Am-nhac/Nhac-si-Doan-Quang-Khai-ke-chuyen-Vi-nhan-dan-quen-minh/300083.vov

Những phát ngôn bi hài của quan chức Việt Nam

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-12-26
tong-bi-thu-305
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hôm 24/10/2013.
Courtesy ANTD


Năm 2013 được xem là năm có nhiều phát ngôn gây sốc của quan chức cao cấp Việt Nam. Nổi trôi cùng thế sự những người theo dõi thời cuộc nén tiếng thở dài theo kiểu cười mà buồn.

Lạ lùng nhất?

Đứng đầu danh mục những phát biểu chính trị trong năm 2013 được dư luận cho là lạ lùng nhất và gây chấn động nhất là của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trên mạng Internet ngày 24/10/2013, báo chí lề phải trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên đã đưa tin về sự kiện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Khi góp ý về Lời nói đầu của Hiến pháp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xác định: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa Xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa….” Ông Trọng đã phát biểu như vậy khi muốn sửa sai các câu chữ trong Lời nói đầu của Hiến pháp, liên quan đến việc xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam và công cuộc đổi mới đất nước. Độc giả các báo chắc hẳn đầy suy tư trăn trở vì với sự nhận định của Tổng bí thư như thế, nhưng Đảng Cộng sản lại kiên quyết độc quyền lãnh đạo đất nước đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa và hiến định hẳn hoi.
Nhận định về phát biểu gây sốc được xếp hạng bậc nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội phát biểu:
Ông Trọng xét về khía cạnh người dân là ông ấy nói đúng! Vì sự yêu thích chủ nghĩa xã hội ấy, ai cũng nhìn thấy nó là một thứ không tưởng không thể xây dựng được.
-Đỗ Việt Khoa
“Trong thời gian qua thì những người quan tâm đến chính trị của đất nước cũng ngạc nhiên nhiều về các phát biểu của các quan chức ở Việt Nam. Trong đó thì đúng là câu của ông Nguyễn Phú Trọng về việc ‘đến hết thế kỷ 21 này không biết có chủ nghĩa xã hội hay chưa’ thì cũng là một sự thật. Thực tế tôi có thể nói rằng lời ông Trọng xét về khía cạnh người dân là ông ấy nói đúng! vì sự yêu thích chủ nghĩa xã hội ấy, ai cũng nhìn thấy nó là một thứ không tưởng không thể xây dựng được.”
Ông Nguyễn Phú Trọng còn có một lời phát biểu nữa cũng thuộc loại gây sốc khi ông nhận định về vấn nạn tham nhũng của Việt Nam: “Đến Đường Tăng đi lấy kinh cũng phải hối lộ. Bước chân sang nước phật đã phải hối lộ…Cho nên chúng ta phải xem xét, bĩnh tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt… ”Tổng bí thư đã phát biểu những lời vừa nêu trong dịp tiếp xúc cử tri Hà Nội vào ngày 7/12/2013. Mạng xã hội đã phản ứng khá gay gắt về phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng, trong khi báo chí Nhà nước thì lại trích dẫn để tán dương quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư.
Theo tiểu sử, ông Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội trước khi trở thành Giáo sư Tiến sĩ. Do vậy dư luận phật tử khá bất bình về cách ví von thiếu hiểu biết và khó chấp nhận của ông. Phật tử Phúc Thịnh có bài trên trang Blog Xuân Diện Hán Nôm giải thích là: “Đường Tăng trao bát vàng trước khi nhận kinh Phật là diệt trừ Tư tình, diệt trừ Tư sản, loại bỏ mọi của cải và danh vọng thế tục, diệt cái cội nguồn của tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến, chứ không phải là vấn đề tham lam, hay hối lộ gì ở nơi nước Phật.”

Ấn tượng nhất?

11731349-03-250
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng ngày 18/12/2013 tại Hà Nội. Courtesy sbv.gov.vn
Sau Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đọc báo cũng ghi nhận phát ngôn được cho là ấn tượng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo VnExpress, VnEconomy phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng được tổ chức ngày 18/12/2013 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định dứt khoát độc quyền xuất nhập khẩu vàng.
Trao đổi với chúng tôi nhà giáo Đỗ Việt Khoa góp ý kiến:
“Đấy là một phát biểu mà tôi cho là gây sốc, trước kia người ta ngấm ngầm làm còn bây giờ công khai nói độc quyền cho nhà nước. Như thế là anh đã không tôn trọng đúng qui luật thị trường, trong khi anh lại đòi các nước, đòi phương tây phải công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Cái này là mâu thuẫn không thể được, chúng tôi chỉ là những người dân thấp cổ bé họng nhưng chúng tôi cũng nhìn thấy.”
Về chính sách độc quyền vàng được tái khẳng định bởi Thủ tướng Chính phủ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long từ Hà Nội nhận định:
“Về quan điểm ông Thủ tướng nói là quyền của ông ấy. Nhưng khi ông đi ra thế giới thì trong điều kiện hội nhập mọi hoạt động phải tuân thủ thông lệ quốc tế. Độc quyền xuất nhập khẩu vàng, Ngân hàng Nhà nước đứng ra với tư cách là một người kinh doanh vàng thì hoàn toàn không phù hợp với thông lệ, không phù hợp chức năng của cơ quan quan lý tiền tệ của một đất nước. Với 8.000 tỷ chênh lệch giá đưa vào ngân sách, ông ấy nói là để làm lợi cho quốc gia. Theo cá nhân tôi, đã là một nền kinh tế thị trường thì phải tuân thủ qui luật với những chuẩn mực của nó, đồng thời phải chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, chứ không thể nhà nước lấy tất cả những phần đó. Ở đây vô hình chung người bị thiệt là doanh nghiệp và người tiêu dùng, họ không được hưởng lợi khi giá thế giới xuống thấp mà có sự chênh lệch rất cao giữa giá thế giới và giá trong nước trên thị trường vàng. Cái chênh lệch đó ông ấy lại độc quyền xuất nhập khẩu để bán lấy lãi mà ông nói phục vụ ngân sách nhà nước. Tôi thấy việc này chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của ba chủ thể trong một nền kinh tế thị trường là nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.”
Năm 2013, người đọc báo cũng ghi nhận sự kiện được gọi là Thủ tướng tự sướng khi ông công bố thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1960 USD/ năm. Theo báo chí lề phải, Thủ tướng đã rất phấn khởi khi khi phát biểu tại Diễn đàn Quan hệ Đối tác Phát triển tổ chức ngày 5/12/2013  tại Hà Nội là GDP đầu người của Việt Nam đã tăng 23% so với năm 2012.
Thời gian đó, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể là Tiến sĩ Nguyễn Quang A có nhận định:
“Cái việc ‘tự sướng’ với các con số là một truyền thống lâu đời ít ra cũng phải ít ra mấy chục năm của Việt Nam này rồi. Người ta chỉ thích các con số mà không biết đàng sau những con số đó ý nghĩa thực của nó như thế nào. Thí dụ cái gọi là tăng trưởng GDP, con số đó có thể có nhiều ý nghĩa nhưng xét về thu nhập của người dân lấy GDP hàng năm chia cho 90 triệu người dân để ra con số thu nhập đầu người một nghìn mấy (1960 USD) thì nó không thực sự là người dân được hưởng.”

Gây sốc nhất?

Tác giả những phát ngôn gây sốc trong tốp đứng đầu của năm 2013 còn phải kể tới Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Theo Lao Động Online ngày 15/11/2013, khi bị chất vấn về vấn đề quy hoạch thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu: “Quy hoạch thủy điện mang tính đặc thù…Đây là của cả nước chứ không riêng của Chính phủ, hay của Bộ Công thương. Chúng ta đang nói về chúng ta, chứ không nói về chính phủ về bộ ngành này, bộ ngành khác.” Phát biểu này đã làm nóng nghị trường, hầu hết đại biểu đều băn khoăn bức xúc không biết Bộ trưởng Công thương đang nói về cái gì.
TT Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu. Đó là, chức Thủ tướng của tôi là do Đảng phân công, tôi không xin ai cả. Như vậy hình như họ không cần nhân dân, họ không cần đến dư luận.
-Đỗ Việt Khoa
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội nhận định:
“Tôi cho rằng phát biểu này cũng theo một kiểu mô thức rất phổ biến hiện nay, đó là cứ vòng vèo rồi lẩn tránh trách nhiệm cụ thể của mình. Đây là một hiện trạng xấu do cơ chế hiện nay sinh ra. Chúng ta cũng thấy là ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng phát biểu mà theo tôi là câu nói sốc hơn mọi người. Đó là, chức Thủ tướng của tôi là do Đảng phân công, tôi không xin ai cả. Như vậy hình như họ không cần nhân dân, họ không cần đến dư luận. Đảng là ai là cá nhân nào thì chúng tôi cũng không biết được. Những cách nói mập mờ đó có thể mới nghe qua không để ý nhưng với những người có tuổi, giới trí thức quan tâm đều rất là xót xa cho hiện trạng ở Việt Nam hiện nay, như vậy là người ta không dám nhận trách nhiệm thậm chí đổ vấy trách nhiệm.”
Một trong những nhân vật có phát ngôn gây sốc cũng được liệt kê trong tốp 10 là bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Theo Kienthuc.net.vn, sau vụ việc gây chấn động ngành y là 3 trẻ sơ sinh tử vong ở Quảng Trị sau tiêm vắc xin viêm gan B hồi vào hạ tuần tháng 7/2013 bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã hăng hái phát biểu: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin sẽ xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật…”
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nhận định:
“Tôi công nhận rằng phát ngôn của bà Bộ trưởng Y tế được mọi người xếp vào dạng phát ngôn gây sốc thì cũng hợp lý. Hài hước nhất là lỗi vắc xin xử vắc xin…Người đứng đầu là Bộ trưởng Y tế phải chịu trách nhiệm cái đó. Ở đây bà ấy lại đổ cho người khác, đây là hiện trạng chung chung ở Việt Nam, khi gặp vấn đề khó người ta phát biểu loanh quanh rồi cuối cùng người ta lại đổ vấy trách nhiệm cho nhau, chứ ít có ai chịu trách nhiệm thực sự.”
Bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là tâm điểm của báo chí qua phát ngôn gây sốc không chỉ một lần của mình. Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 13 diễn ra hồi tháng 6/2013, khi trả lời các nhà báo về vấn đề quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, bà Bộ trưởng Y tế đã trả lời rằng: “Thiếu giường bệnh  thì…phải hỏi Nhà nước”.
Ghi nhận từ nghị trường cũng gom nhặt được phát ngôn khá bi hài của ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Liên quan đến vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn mà dư luận bàng hoàng về cách làm việc của ngành Công an và Tòa án, nhưng ông Quyền lại nói với báo chí: “Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước chúng tôi làm việc với FBI 1 tuần, thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta rất giỏi, vì công cuộc phòng chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân.”
Vừa rồi là những phát ngôn gây sốc, phát ngôn ấn tượng của các quan chức cao cấp Việt Nam. Năm nào làng báo lề phải, lề trái cũng gom góp được nhiều phát ngôn ấn tượng của các quan chức Việt. Và như nhà giáo Đỗ Việt Khoa, một người miệt mài tranh đấu cho sự công khai minh bạch thì sang năm 2014 và sau nữa, sẽ tiếp tục có những phát ngôn gây sốc, chừng nào Việt Nam chưa cải cách thể chế chính trị của mình.
http://www.youtube.com/feature=player_embedded

CIA theo dõi sát trận Hoàng Sa 1974

Bốn mươi năm trước, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa, đánh bật lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa đồn trú tại đó và chiếm đóng quần đảo này từ đó.

Trận hải chiến kéo dài chưa tới hai ngày dẫn đến việc Trung Quốc chiếm trọn quyền kiểm soát quần đảo này.

Điện tín của CIA cũng theo dõi phản ứng từ Bắc Việt khi đó

Bị ràng buộc bởi Hiệp định Paris, Hạm đội 7 Mỹ nằm ngoài khơi Thái Bình Dương không can thiệp một chút gì vào cuộc chiến này cả, nhưng điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ không quan tâm: Hồ sơ bạch hóa của CIA cho thấy họ theo dõi trận chiến và tường trình lên tổng thống Mỹ mỗi ngày.

Không phải tới năm 1973 Mỹ mới theo dõi tình hình Hoàng Sa.

Hầu hết những động thái trước đó của Trung Quốc liên quan đến quần đảo này đều được CIA ghi nhận, kể cả lời tuyên bố đường lưỡi bò 12 hải lý năm 1958.

Những thông tin này được tóm tắt trong bản Central Intelligence Bulletin (“CIB”), một bản tin tình báo hàng ngày của CIA nộp cho Tổng thống và các viên chức cao cấp.

Gia tăng hoạt động

Ngày 16 tháng 6 năm 1971, một bản CIB báo tin Bắc Kinh gia tăng hoạt động trong vùng quần đảo Hoàng Sa:

“Những đoàn công voa hải quân từ Yu-lin (Du Lâm) trên đảo Hải Nam hiện tới Hoàng Sa thường xuyên, nhất là Woody Island (đảo Phú Lâm), một trong những đảo lớn nhất trong nhóm. Bảo vệ đoàn tàu chủ yếu là tàu khu trục, là tàu chiến lớn nhất trong hạm đội Nam Hải của Trung Quốc.”

Bản CIB này cho biết Trung Quốc “đang xây một bến đậu, vét một con kênh, xây một cây cầu, và dựng nhiều tòa nhà mới trên đảo.”

Bản CIB cũng khuyến cáo là trong tình trạng nhiều nước cùng tranh chủ quyền Hoàng Sa, những hoạt động xây cất này củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Hồ sơ CIA cũng nhận xét rằng Trung Quốc từ nhiều năm đã giữ một đài truyền thông và quan sát trên đảo Phú Lâm và ngư dân Trung Quốc dùng Hoàng Sa làm nơi trú ẩn và lấy tổ yến.

Tới tháng 1/1974, giao tranh xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam Cộng Hòa tại Hoàng Sa.

Bản tin CIB đề ngày 18/1 (giờ Washington, tức 17/1 giờ Việt Nam) báo động là “Trung Quốc và Nam Việt Nam có thể đã giao tranh hôm 16/1 vì Trung Quốc chiếm đảo Robert Island (đảo Hữu Nhật).

Sài Gòn (ý nói CIA tại Sài Gòn) báo cáo là binh sĩ Nam Việt Nam bắn vào phía Trung Quốc khi những người này dựng lều và cắm cờ trên đảo. Phía Nam Việt Nam cũng cho rằng quân Trung Quốc đã đổ bộ xuống hai đảo nữa trong nhóm đảo Lưỡi Liềm (còn gọi là Nguyệt Thiềm).”

Chiến hạm Nhật Tảo của VNCH đã tham gia bảo vệ Hoàng Sa
Bản tin CIB nhận xét rằng trước trận giao tranh này, vụ đụng độ duy nhất trước đó là năm 1959 khi phía VNCH bắt một số ngư dân Trung Quốc trong nhóm đảo Lưỡi Liềm và vài ngày sau thả họ ra.

Đến hôm sau, bản tin CIB ngày 19/1 báo tin “lực lượng Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh trên một hòn đảo của Hoàng Sa, đươc cho biết là Duncan Island (đảo Quang Hòa). Bản tin này, với nhiều đoạn còn chưa được bạch hóa, đưa tin rằng có 74 thủy quân lục chiến Việt Nam đổ bộ lên đảo và “bị khoảng hai đại đội Trung Quốc bao vây.”

“Phía Nam Việt Nam báo tin có 3 thủy quân lục chiến bị giết và 2 bị thương, và hiện đã rút lực lượng ra khỏi đảo.”

Bản tin ngày 21/1, tóm tắt trận hải chiến, ghi nhận “quân đội Trung Quốc và Nam Việt Nam giao tranh hôm qua (tính ra là ngày 19/1) trong ngày thứ nhì, với phía Trung Quốc chiếm trọn phần kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.”

Bản tin này, đi kèm một trang bản đồ Hoàng Sa, trích lời “phát ngôn viên Nam Việt Nam” cho biết:





Một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam 'lúng túng' trước trận chiến Hoàng Sa"
“Phía Trung Quốc sau khi không kích vào sáng hôm qua thì tiếp theo với cuộc đổ bộ vào các đảo Pattle, MOney, và Robert (Hoàng Sa, Quảng Ảnh, Hữu Nhật). Các lực lượng hải và không quân của Sài Gòn đã được lệnh rút ra khỏi vùng này, và phía Nam Việt Nam đã bỏ lại quân đội trên đảo. Trong số người bị bỏ lại là một sĩ quan liên lạc người Mỹ, thuộc văn phòng tùy viên quốc phòng (DAO).”

Một số tài liệu khác cho thấy viên sĩ quan này khi đó đã giải ngũ, và trở thành một nhân viên dân sự của DAO tên là Gerald Kosh, sau đó có viết báo cáo chi tiết về trận chiến nộp cho Bộ binh Hoa Kỳ.

“Cho tới gần đây,” bản tin viết tiếp, “phía Nam Việt Nam chỉ duy trì sự hiện diện trên đảo Hoàng Sa. Sự xuất hiện của binh sĩ Sài Gòn trên các đảo lân cận có thể đã kích thích cho hoạt động quân sự của Bắc Kinh.”

Tới ngày 29/1, bản tin CIB cho biết Trung Quốc bắt đầu trả tù binh, khởi đầu với Gerald Kosh và năm quân nhân VNCH bị thương, sẽ được chuyển cho Hồng thập tự tại biên giới Hong Kong ngày 31/1.

CIA cũng quan tâm đến một chi tiết do một sĩ quan Việt Nam nói với phóng viên Washington Post, cho rằng vài ngày trước trận hải chiến, VNCH quan sát tàu chiến Liên Xô đi qua vùng biển này.

Bài báo này khiến CIA phải kiểm chứng lại, và trả lời trong một bức điện gửi từ trung tâm điều hành Operation Center của CIA đến phòng Situation Room của Nhà Trắng.

Bức điện tín đề ngày 23/1 bác bỏ chi tiết này và viết, “Không một chiếc tàu chiến Xô-viết nào đến gần quần đảo Hoàng Sa từ sau tháng 11 năm ngoái, dù có một tàu tuần dương, một tàu khu trục, và ba tàu ngầm đi băng qua biển Nam Hải (biển Đông) trên đường đến Ấn Độ Dương.

Liên Xô lo Trung Quốc

Hải quân Xô-viết tỏ ra đặc biệt không quan tâm đến vụ Hoàng Sa: Tàu Xô Viết neo ở biển Nam Hải để thu thập tình báo vẫn theo dõi căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Subic Bay, Philippines, thay vì sự việc ở Hoàng Sa.”

Bản đồ Hoàng Sa của Hoa Kỳ ghi nhận hoạt động xây cất từ phía TQ

Trong khi CIA tường thuật là cả Việt Nam Cộng Hòa lẫn Trung Quốc đều khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa, thì một bức điện tín khác đề ngày 21/1 cho rằng Bắc Việt Nam “lúng túng” trước trận chiến này.

Bức điện tín trích báo chí Pháp cho hay “nguồn tin được phép nói” (authorized sources) của Hà Nội phát biểu rằng giữ gìn chủ quyền lãnh thổ là một “nghĩa vụ thiêng liêng” của mọi quốc gia, nhưng ngược lại cũng cho rằng “những tranh chấp nhiều khi phức tạp đối với lãnh thổ và ranh giới giữa hai nước láng giềng cần được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng.”

Liên Xô, ngược lại, không ngại ngần dùng trận chiến này để bêu xấu Trung Quốc.

Bản tin CIB ngày 21/3/1974 cho rằng: “Bộ máy tuyên truyền của Moscow đã dùng sự kiện Hoàng Sa và việc Trung Quốc ủng hộ phiến quân ở Miến Điện để lợi dụng sự nghi ngại truyền thống của Nam và Đông Nam Á đối với Trung Quốc.”

Bản tin này cũng cho rằng “Moscow có thể cũng lo ngại rằng việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa là bằng chứng của một sự hiểu ngầm giữa Bắc Kinh và Washington về khu vực.”

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà báo Vũ Quý Hạo Nhiên ở California, Hoa Kỳ. BBC sẽ tiếp tục đăng tải các bài về chủ đề hải chiến Trường Sa và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Xem thêm: 'Thái độ của Mỹ sau trận Hoàng Sa 1974', và 'Hà Nội im lặng nhưng không đồng tình'
Vũ Quí Hạo Nhiên
Theo BBC

Trọng Thiện - Học từ sự sụp đổ của Nho giáo

Trọng Thiện
Theo Diễn Ngôn

Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa truyền thống của Trung Quốc, đặc biệt giới trí thức tinh hoa. Văn hóa Nho giáo coi lễ là cách quản lý gia đình và xã hội, nên sự phục tùng được đặt lên hàng đầu. Trong gia đình, con trái ý cha mẹ là con bất hiếu. Ở cấp quốc gia, quân trái ý vua là bất trung. Những hành vi này trở thành nền tảng giá trị đạo đức trong xã hội cũng như triết lý trong cai trị của nhà nước phong kiến. Trong quá khứ, khi xã hội khá đồng nhất thì lễ đã rất thành công trong sắp đặt xã hội và duy trì vai trò quản lý của nhà nước.

Ảnh: khi chiếm vị trí độc tôn cũng là lúc Nho giáo tự chôn mình (nguồn: internet)
Suốt một thế kỷ qua, Việt Nam đã trải qua những biến động lịch sử, văn hóa và chính trị to lớn. Các tư tưởng triết học phương Tây nhanh chóng thâm nhập vào Việt Nam trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta. Cùng với sự tan rã của triều đình phong kiến, các giá trị truyền thống như lễ đã bị vỡ vụn. Chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ sự đổ vỡ của Nho giáo. Theo nhà văn hóa, nhà sử học Trần Trọng Kim, một tư tưởng đã thống trị Việt Nam hơn 2000 năm mà bị đạp đổ nhanh chóng là do nhiều nguyên nhân nội sinh, cũng như ngoại sinh dưới đây.
Thứ nhất, Việt Nam ta xưa tôn sùng Nho giáo, cho là chính đạo độc tôn. Luân lý, phong tục, chính trị, bất cứ việc gì cũng lấy Nho giáo làm cốt. Tuy nhiên, các học thuyết về tôn giáo hay chính trị cũng tuân theo cái lẽ huyền bí của trời đất. Khi chiếm vị trí độc tôn, không ai dám phê bình đến, không dám sửa đổi nữa, lâu ngày thành cái vỏ cứng, rồi cứ khô dần đi. Khi đó, Nho giáo không có cái sinh khí sinh hoạt hàng ngày làm cho ngày càng mới thêm, càng tươi tốt thêm, thì tất là cái tinh thần mất mòn đi, sau chỉ còn cái xác không mà thôi.
Thứ hai, bỏ qua việc tiếp thu đôi khi hời hợt, thấy cái vỏ chứ không thấy cái hồn, nhiều trí thức người Việt cứ quen tiếp thu thụ động, theo cái khuôn nhất định của tiền nhân để lại. Việc phải trái hay dở thế nào, cũng chỉ ở trong cái khuôn đó, chứ không chệch ra ngoài được. Mặc trời đất vận động, xã hội biến đổi, họ vẫn thuận theo lễ, nể sợ bề trên nên sự phê bình phản biện càng ngày càng hẹp lại, thậm chí không dám cất tiếng, chỉ phù họa với ý của bề trên.
Thứ ba, do coi Nho giáo là tư tưởng độc tôn nên không biết có cái tư tưởng gì khác nữa mà so sánh cái hơn, cái kém. Trí thức chỉ sáng tác văn chương, học thuộc chữ nghĩa trong cái lồng Nho giáo và nghĩ rằng mình đã thấu hiểu và thuận theo thiên lý. Vì không tìm hiểu rộng ra ngoài Nho giáo, nên đất nước rất kém về khoa học kỹ thuật cũng như nền kỹ trị xã hội. Đến khi thời thế biến đổi, bỗng chốc tư tưởng phương Tây tràn vào, mà nhất là cái thế lực ấy lại mạnh hơn và năng động hơn, thì làm thế nào mà đứng được? Người trong nước lúc đó như đang ngủ mê, thức dậy, ngơ ngác không biết xoay xở thế nào. Lúc đầu tìm cách kháng cự lại, sau thấy càng cựa bao nhiêu lại càng bị đè bẹp bấy nhiêu, thế bất đắc dĩ mới đành chịu bẹp.
Từ bài học lịch sử chúng ta phải thấy việc tôn sùng bất cứ một điều duy nhất nào đó sẽ dẫn đến xơ cứng, suy kiệt và thụt lùi. Nó ngăn cản xã hội sáng tạo trong tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho vấn đề của mình. Điều này cũng được chia sẻ bởi Albert Einstein khi ông nói “vấn đề không thể được giải quyết bằng lối suy nghĩ cũ, lối suy nghĩ đã tạo ra chính vấn đề đó.”

Chế độ góp phần tạo nên ‘tội phạm’?

Tiến sỹ Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho BBC Việt ngữ từ London
Dương Chí Dũng, Bạc Hy Lai và Chang Song-thaek sau khi thất sủng
Các ông Dương Chí Dũng, Bạc Hy Lai và Chang Song-thaek đều thất sủng

Năm 2013, Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam – ba nước có chế độc độc đảng và là ba quốc gia ‘cộng sản’ trong số ít quốc gia ‘cộng sản’ còn lại trên thế giới – có một số ‘vụ án’ lớn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Giữa tháng 8, ở Trung Quốc ông Bạc Hy Lai, một chính trị gia nổi tiếng và một thời đầy quyền uy, bị kết án chung thân.

Vào giữa tháng 12, ở Bắc Hàn, ông Chang Song-thaek, người chú (dượng) nhiều quyền lực của lãnh tụ Kim Jong-un, bất ngờ bị hành quyết.

Vào hai tháng cuối năm, Việt Nam xử và ra bốn bản án tử hình cho lãnh đạo hai doanh nghiệp nhà nước – gồm Dương Chí Dũng, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao những ‘vụ án’ như vậy lại xảhay ra tại ba nước này?

Những ‘vụ án’ như thế có thể diễn ra tại những quốc gia đa đảng, dân chủ và tự do như Anh hay Mỹ?

Vụ Chang Song-thaek

Trên danh nghĩa Bắc Hàn là một nước ‘cộng sản’ và ‘xã hội chủ nghĩa’ do Đảng Lao động Triều Tiên độc quyền lãnh đạo. Về đường hướng, quốc gia này vừa theo chủ nghĩa Mác-Lênin vừa dựa trên thuyết Juche (Chủ thể) – một thuyết đề cao sự độc lập, tự cường được Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) khởi xướng.

Dưới sự cai trị của gia đình họ Kim trong suốt 65 năm qua – từ Kim Il-sung qua Kim Jong-il và hiện giờ là Kim Jong-un – Bắc Hàn hiện là một quốc gia nghèo nhất và cũng có hồ sơ nhân quyền tồi tệ nhất thế giới.

Ông Chang Song-thaek
Ông Chang Song-thaek bị xử tử tức thì sau khi thất sủng

Khó có ai biết được thực sự điều gì đã xẩy ra trong quốc gia đầy bí ẩn ấy. Nhưng việc ông Chang – người được coi là đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Kim Jong-un tiếp nhận, nắm giữ và củng cố quyền lực từ khi cha mình chết vào cuối năm 2011 – bị hành quyết cho thấy sự tàn bạo của Kim Jong-un và chính quyền Bắc Hàn.

Sự kiện này chứng tỏ rằng trong một quốc gia độc tài và tàn ác như vậy một nhân vật một thời đầy quyền uy như ông Chang cũng có thể bị thất sủng, hành quyết bất cứ lúc nào.

Mới chỉ cách đây không lâu, ông Chang còn là cánh tay phải của Kim Jong-un. Giờ ông bị đối xử còn tệ hơn ‘một con chó’.

Một chuyện như thế chắc chắn sẽ chẳng bao giờ xảy ra trong một quốc gia văn minh, dân chủ.

Hơn nữa, nếu sống ở một quốc gia dân chủ và tự do khác, chắc ông Chang cũng không cần phải ‘tạo phản’ và nếu ông có những hành động ‘phản bội’ lãnh đạo của mình, chắc ông cũng không phải chịu một kết cục bi thảm như vậy.

Vụ Bạc Hy Lai

Một người khác cũng một thời đầy quyền uy nhưng cuối cùng không chỉ mất hết mọi chức quyền mà còn bị tù tội là ông Bạc Hy Lai – cựu Bí thư Trùng Khánh, ủy viên Bộ chính trị.

Khác hẳn với Bắc Hàn, trong những thập kỷ vừa qua Trung Quốc đã có những cải cách, cởi mở và đạt được những thành tựu kinh tế vượt bậc, đưa quốc gia này trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới.
"Cũng như ở Bắc Hàn, những người có đặc quyền, đặc lợi ở Trung Quốc thường là những ai có liên hệ với chế độ. Chang Song-thaek là con rể của Kim Nhật Thành và là chú của Kim Jong-un. Trong khi đó, Bạc Hy Lai là con trai Bạc Nhất Ba, một trong Bát đại nguyên lão của Đảng cộng sản Trung Quốc."
Hơn nữa, hoàn toàn trái ngược với kiểu lãnh đạo ‘cha truyền con nối’ có dáng dấp phong kiến của Bắc Hàn, vai trò lãnh đạo ở Trung Quốc được Đảng Cộng sản bầu lên và nhiều người khác nhau được trao quyền lãnh đạo.

Nhưng cũng giống Bắc Hàn, Trung Quốc là một quốc gia ‘cộng sản’, ‘xã hội chủ nghĩa’ và độc đảng. Nếu Bắc Hàn theo chủ nghĩa Mác-Lênin và thuyết Chủ thể của Kim Nhật Thành, Trung Quốc dựa vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng của Mao Trạch Đông.

Cũng như ở Bắc Hàn, những người có đặc quyền, đặc lợi ở Trung Quốc thường là những ai có liên hệ với chế độ. Chang Song-thaek là con rể của Kim Nhật Thành và là chú của Kim Jong-un. Trong khi đó, Bạc Hy Lai là con trai Bạc Nhất Ba, một trong Bát đại nguyên lão của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Mối liên hệ này đã giúp ông Bạc Hy Lai thăng tiến trên con đường chính trị của mình. Trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, ông được xem là một ứng viên sáng giá cho một trong chín ghế của Ban thường vụ Bộ chính trị – cơ quan quyền lực cao nhất tại Trung Quốc.

Nhưng, cũng giống như Chang Song-thaek, trong một thời gian ngắn ông Bạc bất ngờ bị thất sủng và bao tham vọng chính trị của ông biến thành mây khói.
Trong phiên tòa kéo dài tới năm ngày tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vào tháng 9 vừa qau, ông bị kết án tù chung thân và tịch thu hết tài sản.

Ông Bạc Hy Lai tại tòa
Ông Bạc Hy Lai từng là ứng viên vào thường trực Bộ Chính trị

Nếu sống trong một đất nước dân chủ, tự do – nơi lãnh đạo được dân công khai, dân chủ bầu lên, chứ nhờ lý lịch hay dàn xếp phe phái chưa chắc ông Bạc được nắm chức vụ quan trọng.

Nếu làm chính trị trong một quốc gia minh bạch, có tự do báo chí – nơi đó mọi hành động của các chính trị gia luôn bị dám sát, theo dõi – chắc chắn ông Bạc cũng không có cơ hội hay dám phạm những tội như các tội ông bị kết án.

Và nếu có, chắc ông đã bị phát hiện và truy tố ngay từ đầu, chứ không phải đợi đến khi ông nhăm nhe một vị trí cao.

Hơn nữa, nếu ở một quốc gia nơi đó pháp luật nghiêm minh, rõ ràng chắc chính ông và nhiều người khác cũng không phải nghi vấn có âm mưu gì đó trong việc ông bị thất sủng và thanh trừng.

Vụ Dương Chí Dũng

Không có vụ án nào liên quan đến giới lãnh đạo cao cấp xẩy ra tại Việt Nam trong năm 2013. Nhưng Việt Nam đã cho xét xử hai vụ án lớn với những bản án nặng được đưa ra, trong đó có án tử hình dành cho ông Dương Chí Dũng – một trong hai cựu lãnh đạo của Vinalines bị kết án tử hình.

Khác với Chang Song-thaek và Bạc Hy Lai, dù có cha và em làm trong ngành công an, ông Dương Chí Dũng không phải là người nhiều quyền uy hoặc có liên hệ mật thiết nào đó với các công thần của chế độ.

Chức vụ cao nhất của ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines và Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam.

Ông Dương Chí Dũng (thứ hai từ trái sang)
Ông Dương Chí Dũng từng là Cục trưởng Hàng hải

Nhưng nếu xem xét kỹ sẽ thấy có không ít tương đồng giữa ‘vụ án’ Dương Chí Dũng với ‘vụ án’ Chang Song-thaek và đặc biệt ‘vụ án’ Bạc Hy Lai.

Cũng giống như Bắc Hàn và đặc biệt Trung Quốc, Việt Nam là một quốc gia ‘cộng sản’, theo đường hướng ‘xã hội chủ nghĩa’ – theo đó các doanh nghiệp nhà nước được hiến định nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Trong một cơ chế như vậy, các tổng công ty hay doanh nghiệp nhà nước luôn có nhiều đặc quyền, đặc lợi và lãnh đạo những doanh nghiệp này cũng có nhiều cơ hội để tham ô hay làm giàu bất chính.
"Và việc ông Dũng vui mừng về việc được bổ nhiệm Cục trưởng Cục hàng hải cách đây chưa đầy hai năm nhưng giờ phải đối diện với án tử hình cho thấy – cũng giống như trường hợp Chang Song-thaek và Bạc Hy Lai – trong một thể chế chính trị như Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam, một cá nhân hôm nay được ‘làm quan’, được hưởng nhiều quyền lợi, bổng lộc nhưng mai có thể bị tước hết mọi thứ, thậm chí cả sự tự do, mạng sống của mình."
Ông Dũng chắc chắn đã không có cơ hội để ‘tham ô’ như ông bị cáo buộc, kết án nếu như Vinalines không được trao những đặc quyền hay trở thành một miếng đất béo bỡ cho những người như ông Dũng khai thác, lợi dụng.

Vì nếu có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, sòng phẳng, hay phải từ chính mình tìm kiếm nguồn vốn, hoặc phải đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn để mới có thể cạnh tranh với các đổi thủ khác hay có thể tồn tại, phát triển, chắc chắn ông Dũng và những quan chức khác tại Vinalines không đi ‘tham ô’ như thế.

Trước khi bị khởi tố không lâu, vào tháng 2 năm 2012, ông Dũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Hàng hải và một buổi lễ công bố quyết định ấy đã được tổ chức rầm rộ với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải Đinh La Thăng.

Chắc chính ông Dũng và nhiều người khác vẫn còn nhớ tấm hình ông Dũng tươi cười cầm một bó hoa rất lớn đứng cạnh ông Thăng trong ‘lễ’ công bố quyết định đó.

Chỉ được bổ nhiệm làm một Cục trưởng mà tổ chức đón mừng linh đình như vậy chứng tỏ rằng chức vụ đó mang lại cho đương sự không ít quyền lợi.

Một ‘buổi lễ’ tốn kém và rầm rộ như vậy chắc chắn sẽ chẳng bao giờ diễn ra tại các nước thực sự tự do, dân chủ, minh bạch – nơi những người công quyền được chọn nắm giữ các chức vụ, vị trí vì năng lực chứ không phải vì có quan hệ hay ô dù.

Và việc ông Dũng vui mừng về việc được bổ nhiệm Cục trưởng Cục hàng hải cách đây chưa đầy hai năm nhưng giờ phải đối diện với án tử hình cho thấy – cũng giống như trường hợp Chang Song-thaek và Bạc Hy Lai – trong một thể chế chính trị như Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam, một cá nhân hôm nay được ‘làm quan’, được hưởng nhiều quyền lợi, bổng lộc nhưng mai có thể bị tước hết mọi thứ, thậm chí cả sự tự do, mạng sống của mình.

‘Sản phẩm’ của chế độ?

Trường hợp của Bạc Hy Lai và đặc biệt vụ Chang Song-thaek với vụ án của Dương Chí Dũng không giống nhau vì ba quốc gia và cả nhân vật này đều có nhiều khác biệt.

Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ba trường hợp này không có những tương đồng.

Nhờ liên hệ với chế độ và nhờ cơ chế, cả ba nhân vật từng có rất nhiều đặc quyền, đặc lợi.

Nhưng môi trường và cơ chế như vậy cũng là con dao hai lưỡi vi nó góp phần đẩy đưa họ vào con đường ‘phạm tội’ – ‘tạo phản’, ‘tham nhũng’ và ‘tham ô’.

Vì những ‘tội’ ấy họ bị tước hết mọi quyền lợi và phải đối diện với tù chung thân, án tử hình.

Chang Song-thaek, Bạc Hy Lai và Dương Chí Dũng ít nhiều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình vì làm chính trị hoặc kinh doanh tại Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt Nam không phải ai cũng phải đối diện kết cục bi thảm như họ.

Nhưng nếu sống trong một quốc gia đa đảng, dân chủ, tự do và luật pháp thực sự công minh, chưa chắc ba người đó đã có được những đặc quyền đặc lợi và cũng chưa chắc rơi vào tình trạng bi thảm hiện nay.

Và do đó, ba trường hợp này cũng đặt ra câu hỏi phải chăng cơ chế của Bắc Hàn, Trung Quốc và Việt cũng góp phần tạo nên những vụ như ‘vụ án’ của Chang Song-thaek, Bạc Hy Lai và Dương Chí Dũng?

Bài thể hiện quan điểm của tác giả hiện sống tại Anh Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét