Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Vì sao việc Sửa đổi Hiến pháp phải kết thúc nhanh chóng? & Phan Thị Bích Hằng có lừa bịp hay không?

Vì sao việc Sửa đổi Hiến pháp phải kết thúc nhanh chóng?


Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ được QH biểu quyết thông qua vào sáng 28-11-2013 tới đây và có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch nước chính thức công bố. Thông tin này cho thấy vấn đề Sửa đổi Hiến pháp sẽ kết thúc và nó đã khiến cho nhiều người thất vọng. Cũng có lẽ bởi việc Sửa đổi Hiến pháp là chuyện (vài) chục năm mới có một lần, và không dễ gì có những cơ hội quan trọng như vậy mà không giải quyết được vấn đề gì thì thật là đáng tiếc.
Hiến pháp là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng. Vì thế nên việc Sửa đổi Hiến pháp có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong khi trên thực tế, công việc này của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội trên thực tế đã lâm vào sự bế tắc không có lối thoát, buộc phải kết thúc. Chứ không phải hoàn tòan như phỏng đoán của một số người khi cho rằng đảng CSVN và chính quyền coi thường, không quan tâm đến 26 triệu ý kiến đóng góp cho Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, khiến Hiến pháp mới tới đây sẽ hầu như giữ nguyên theo băn Hiến pháp cũ. Với các vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ kinh tế, chế độ sở hữu… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992.
Từ Đại hội đảng CSVN lần thứ XI (1.2011), việc Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đặt vấn đề chính thức là cần phải sửa đổi, với lý do có nhiều bất cập không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước cần thiết được sửa đổi. Suốt từ đó đến nay, việc Sửa đổi Hiến pháp cũng có nhiều thăng trầm khi lên, khi xuống theo xu thế mạnh, yếu của các phe trong nội bộ đảng CSVN. Có ý kiến cho rằng, thực tế Hiến pháp đang sử dụng không hề có những bất cập không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong khuôn khổ của đảng, phải được sửa đổi như họ nói. Bằng chứng là nếu xem "toàn văn Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp năm 1992" thì thấy các vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ kinh tế, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, lý do của việc Sửa đổi Hiến pháp lần này của chính quyền Việt nam không ngoài mục đích tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong đảng cũng là một trong những ý kiến đáng quan tâm. Mà bắt đầu từ việc bớt quyền của người đứng đầu chính phủ (Thủ tướng) để tăng quyền cho người đứng đầu nhà nước (Chủ tịch Nước) phải được hiến định cụ thể. Vì thế, ngay từ đầu đã có những nhận định cho rằng việc Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do chính quyền tổ chức chỉ là một trò lừa bịp, một cái bánh vẽ và kết cục sẽ không có bất kể sự thay đổi lớn nào. Nghĩa là mọi thứ vẫn giữ nguyên.

 Khi xem các nội dung trong toàn văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 so sánh với Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt nam năm 1992 (Bản sửa đổi năm 2001) sẽ thấy những có sửa đổi là rất ít và không quan trọng. Cụ thể, theo bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, những vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với dự thảo ban đầu.Về các nội dung liên quan đến nền kinh tế, vẫn tiếp tục khẳng định là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Về việc thành lập hội đồng hiến pháp, đây là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào dự thảo. Còn về nội dung sửa đổi bao gồm một số vấn đề cũng đã được tiếp thu, chỉnh sửa. Đó là mức độ giới hạn quyền con người, quyền công dân (điều 14) đã được chỉnh lý như sau: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.” Hay điều 6 cũng được tiếp thu, sửa thành “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước.” Cuối cùng là vấn đề gây nhiều tranh cãi liên quan đến thu hồi đất, khoản 3 điều 54 đã được chỉnh lý lại là “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

 Qua đó sẽ thấy việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này không hề suôn sẻ và đã gặp nhiều trở ngại. Trong đó là vấn đề tư duy, ý thức hệ đã gò bó khiến cho việc sửa đổi Hiến pháp gặp nhiều trở ngại trong vấn đề lập pháp. Và trong bối cảnh hiện tại chưa có điều kiện chín muồi cần thiết cho một cuộc cải cách lần thứ 2 để tạo tiền đề cho việc Sửa Hiến pháp. Song một ván đề quan trọng hơn cả là do mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo về đường lối. Đó là những lý do buộc phải kết thúc việc Sửa đổi Hiến pháp một cách nhanh chóng, cho dù về thực chất việc làm này hầu như không thu được các thay đổi đáng kể.

Tại sao lại nói như vậy?

 1. Sự bất cập của thể chế chính trị
Thực tế cho thấy với thể chế chính trị hiện nay, khi ý thức hệ cộng sản vẫn là nền tảng thì việc Sửa đổi Hiến pháp không dễ mà có thể sửa một cách đầy đủ, đáp ứng mong muốn của hệ thống chính trị hiện tại. Nguyên tắc chung, muốn Sửa đổi Hiến pháp trên nền tảng của thể chế chính trị cũ thì bắt buộc phải có các tiền đề cải cách cụ thể. Ví dụ, sau Đại hội đảng CSVN lần thứ VI, khi Việt nam chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ tập trung, quan liêu, bao cấp, sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Về mặt kinh tế, đó là một cuộc cải cách và đó là tiền đề để thông qua ban hành Hiến pháp 1992. Còn lần Sửa đổi Hiến pháp lần này thì hoàn toàn không có tiền đề lớn và cụ thể để mở đường cho thấy sự cần thiết phải cải cách. Mặt khác, khi ý thức hệ cộng sản với khái niệm Chủ nghĩa Xã hội của Marx- Lenin vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các văn kiện chính trị và đã ăn sâu vào tư duy của những người lãnh đạo cộng sản. Đặc biệt vấn đề Hiến pháp đã bị biến tướng, được coi là bản sao và có tầm quan trọng sau Cương lĩnh của đảng. Trong hoàn cảnh việc quản lý nhà nước theo mô hình trục dọc từ trên xuống, mà đảng cộng sản cầm quyền đứng trên hết, kể cả Hiến pháp. Đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến việc sửa đổi Hiến pháp không tiến hành được.

Một khi đảng và chính quyền không thừa nhận thiết chế tam quyền phân lập, không cho phép các cơ quan lập pháp - hành pháp - tư pháp kiềm chế, đối trọng nhau theo nguyên tắc kiểm soát và điều chỉnh. Thêm nữa, đó là sự bất nhất trong các chương, mục của bản Hiến pháp thiếu sự đồng bộ nên đã dẫn tới nảy sinh các mâu thuẫn. Ví dụ, khi họ khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân nhưng lại không để quyền lập hiến thuộc về nhân dân, không chịu cho dân quyền phúc quyết Hiến pháp. Điều mà như ta thấy ở các nước phát triển, khi quyền lập hiến thuộc về nhân dân hoặc thuộc về một cơ qua lập hiến do dân bầu, thì lúc đó quyền lực các nhánh lập pháp - hành pháp - tư pháp mới ngang bằng nhau được. Cũng như về kinh tế, cái tư duy sở hữu toàn dân đã khiến cho Hiến pháp buộc phải duy trì kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, một sự bất cập trong hệ thống kinh tế thị trường tự do, bình đẳng... Cũng thế, “sở hữu toàn dân” là khái niệm chính trị, song không xác định ai là người có quyền thực sự - dẫn đến tình trạng rất lúng túng trong quản lý trên thực tế v.v... Những ví dụ sự bất cập như thế này chỉ là một vài tồn tại vô số những điều bất cập còn hiện hữu trong Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp, khó mà liệt kê được hết.

2. Đánh mất niềm tin của nhân dân

 Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, theo quan điểm của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp luôn cho rằng bản dự thảo đã thể hiện được nguyện vọng của đông đảo người Việt Nam. Song trên thực tế, việc tiến hành sửa đổi Hiến pháp là "đầu voi đuôi chuột", khi ý kiến đóng góp rất nhiều và đã có nhiều phương án được đưa vào trong các dự thảo (trước), thể hiện một sự tiếp thu nhất định. Nhưng kết cục thì bản dự thảo cuối cùng sẽ được trình ra Quốc hội lại gần như trở về xuất phát điểm ban đầu. Đặc biệt là vấn đề một tỷ lệ lớn dân chúng không biết đến việc sửa đổi Hiến pháp. Theo kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số Công lý 2012” do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, thì 42.4% dân chúng Việt Nam không biết gì về Hiến pháp hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp. Với 57.6% còn lại – những người biết hiến pháp là gì hoặc đã từng nghe nói tới Hiến pháp thì có tới 23% không hề biết Việt Nam đang tổ chức góp ý sửa đổi Hiến pháp. Nếu so với các cuộc vận động tuyên truyền lấy để ý kiến người dân tham gia đóng góp ý kiến rầm rộ ở tất cả các địa phương với các khoản chi ngân sách tới hàng trăm tỷ đồng. Và các kết quả tốt đẹp thu được trong cả một quá trình vừa qua. Thử hỏi thái độ tiếp thu của Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội đối với hàng triệu các ý kiến kiến nghị của quần chúng nhân dân như thế nào?

 Đó là lý do đã khiến cho việc Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho dù sẽ kết thúc mà không hề có những khác biệt cơ bản so với bản Hiến pháp 1992 (Sửa đổi 2001) như nhiều người kỳ vọng. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, vì Hiến pháp là luật gốc, việc sửa đổi lần này nếu không có gì mới đối với các vấn đề hệ trọng như: chế độ chính trị, tên nước, vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cầm quyền, bản chất lực lượng vũ trang, chế độ kinh tế, chế độ sở hữu toàn dân… đều không thay đổi so với bản Hiến pháp năm 1992. Nó sẽ mang lại nỗi thất vọng lớn và sự mất niềm tin của dân chúng. Một động lực phát triển quan trọng của đất nước và sự ổn định của chế độ, nếu không còn nữa thì sẽ cực kỳ nguy hiểm.
 3. Mâu thuẫn trong vấn đề TPP
 Có lẽ đến thời điểm này, khi cuộc đấu đá trong nội bộ đảng đang ở thế bất phân thắng bại. Khi người ta đang không biết ai, hay phe nhóm nào trong đảng đang cầm lái quốc gia, thì việc tổ chức Sửa đổi Hiến pháp ngày càng bộc lộ sự nguy hiểm. Khi chính quyền đã vô tình đã lôi kéo dân chúng vào trò chơi chính trị mang tính lừa lọc, nói một đằng làm một nẻo nếu càng để lâu sẽ càng ngày càng đánh mất niềm tin. Đặc biệt, trước cam kết muốn tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đưa ra trong chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng 7.2013 và những tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng gần đây khi khẳng định việc Việt nam cam kết sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài trong vòng năm năm tới. Vì thế bằng phía lãnh đạo đảng CSVN đang bằng mọi cách phải kết thúc nhanh chóng, đẩy việc sửa Hiến pháp vào việc đã rồi, để cản trở không để việc Việt nam đang cố gắng tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành hiện thực. Sở dĩ như vậy cũng vì Hiệp định TPP có những ràng buộc ảnh hưởng và tác động lớn đến các vấn đề nhạy cảm về chính trị. Như quyền lập hội là một ví dụ, là mối đe dọa quyền lực lãnh đạo của đảng CSVN hiện nay.
 Kết
 Cho đảng CSVN và chính quyền có muốn sửa đổi Hiến pháp cũng không thể sửa được, nếu một khi không có sự đột phá để tiến hành cải cách thể chế chính trị làm tiền đề cho việc việc Sửa đổi Hiến pháp. Vì ai cũng biết tiền đề chung của cải cách Hiến pháp là cách mạng, thông qua đó để thay đổi thể chế chính trị. Nhưng nếu đảng CSVN một lần nữa bằng cách tự diễn biến, tự thay đổi thể chế chính trị thông qua một cuộc cải cách tương tự như cải cách kinh tế mà họ đã tiến hành thành công cách đây hơn 20 năm thì đấy là sự lựa chọn thông minh và sáng suốt nhất. Nó sẽ tạo tiền đề cho sự cạnh tranh chính trị lành mạnh giữa các tổ chức chính trị khác nhau. Với các tiềm lực hiện có về mọi mặt, thì khả năng tiếp tục cầm quyền của họ (đảng CSVN) là chắc chắn. Và sẽ có không dưới trên 60% lực lượng dân chúng sẽ giành cho họ sự ủng hộ.
 Đấy là lối thoát và giải pháp khả dĩ hơn cả, bằng không thì họ sẽ buộc phải đưa bản Hiến pháp Sửa đổi trở về vị trí ban đầu của nó trước khi sửa đổi để chờ thời cơ, khi có đầy đủ điều kiện chín muồi cần thiết cho một cuộc cải cách. Điều đó cho thấy việc sửa đổi Hiến pháp là một việc làm không dễ nó đòi hỏi sự thống nhất nhiều mặt, trong mọi lĩnh vực có liên quan mang tính xuyên suốt. Ngay cả trong lần này, thực tế đã chứng minh Đảng CSVN và chính quyền có quyết tâm sửa đến mấy, có muốn sửa cũng không thể sửa đổi được. Qua đó cho thấy trình độ và khả năng lập pháp của các thành viên Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội là rất thấp, họ đã không lường được hết các trở ngại sẽ nảy sinh trong quá trình Sửa đổi Hiến pháp ở thời gian ngắn - Một văn bản pháp luật Mẹ, có thể dùng tới hàng trăm năm.

 Ngày 01 tháng 11 năm 2013
Kami 
(Kami's blog)

Minh Nguyễn - "Về Sửa đổi Hiến pháp năm 1992" (*)

Cuối năm 2012, Bộ Chánh trị chỉ đạo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. Chung quanh việc tổ chức thực hiện chủ trương nầy có nhiều chuyện để nói... ! Ngày 28 tháng 01 năm 2013 Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh mời tôi dự cuộc họp đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp. Tôi đọc lướt một xấp tài liệu họ gởi đến, phân vân không biết có nên tham dự không? Cuối cùng, thấy mình không thể né tránh, tôi viết thư gởi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đề ngày 27 tháng 01 năm 2013, đến cơ quan Mặt trận tỉnh giao thư mà không tham dự cuộc họp.
Tôi trích dẫn nội dung chính như sau:
“…
“Thưa các đồng chí!

“Tôi đọc Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chánh trị và Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội các đồng chí gởi đến. Chỉ thị của Bộ Chánh trị đoạn mở đầu viết: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chánh trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chánh trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân…”.
Thế nhưng, ở mục 3 Bộ Chánh trị chỉ thị Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương: “…phối họp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta”. Nghị quyết của Quốc hội cũng có hai đoạn nội dung tương tự.
“Tôi không hài lòng cách đặt vấn đề như trên, có cảm giác các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta không tin người dân, như bác sĩ “nhìn đâu cũng thấy vi trùng”, một mặt muốn người dân tham gia ý kiến đóng góp rộng rãi “phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết”, mà lại răn đe “đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ”! Là cán bộ của Đảng, đã trở về cuộc sống đời thường như mọi người dân, tôi thật sự không biết phải đóng góp ý kiến như thế nào, nếu nói thẳng, nói thật những điều tâm huyết trong lòng, nhưng không phù họp – thậm chí khác biệt 180 độ với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 các đồng chí gởi đến, thì đó có phải là hành vi "lợi dụng dân chủ" không? Làm sao phân biệt được đâu là tiếng nói trung thực và đâu là hành vi "lợi dụng dân chủ"? Như tôi, cả cuộc đời gắn bó với Đảng mà còn e dè bày tỏ với Đảng những suy nghĩ thật trong lòng mình, vì không khéo sẽ bị quy chụp “lợi dụng dân chủ” chống Đảng thì sao?! Nếu là người dân bình thường họ còn e dè, ngần ngại đến đâu?
“Cụm từ tương tự như vậy tôi thường thấy xuất hiện trong các văn kiện của Đảng và chánh quyền, có phải để răn đe, chụp mũ và trừng phạt những ai có tiếng nói khác với Đảng và chánh quyền? Như vậy, sao có thể gọi là “phát huy quyền làm chủ” được? Tôi nghĩ, nước ta có luật pháp, “Mọi công dân sống theo Hiến pháp và pháp luật”, bất cứ ai có hành động phạm pháp, gây phương hại lợi ích quốc gia, dân tộc sẽ bị tòa án xử lý “đúng người, đúng tội”, cần gì “đánh đòn gió” để mang tiếng chế độ ta thiếu dân chủ?!
“Tôi không muốn nói gì thêm nữa, nhưng đây là công việc hệ trọng của đất nước, với tư cách công dân và từng là thành viên ban lãnh đạo tỉnh nhà, tôi không thể thoái thác trách nhiệm của mình. Vậy, xin bày tỏ ý kiến của mình như sau:
“Tôi nhận thấy bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 so sánh với Hiến pháp năm 1992, tinh thần và nội dung căn bản không khác, chỉ sửa đổi “ngọn ngành”, “râu ria” không đáp ứng được yêu cầu tình hình mới và ý nguyện người dân. Tôi đề nghị bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên viết lại, sau khi tổ chức “trưng cầu dân ý” một cách nghiêm chỉnh, thu thập ý kiến rộng rãi mọi công dân Việt Nam trong nước và đồng bào ở nước ngoài. Trên cơ sở đó xây dựng bản Hiến pháp sửa đổi hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại và phải dành thời gian cần thiết để hoàn thành việc nầy, không có gì phải làm gấp gáp, vội vã.
“Tôi có đọc bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” trên mạng internet của 72 vị cán bộ lão thành, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi của đất nước và được hơn 6.500 người dân các giới trong và ngoài nước ký tên hưởng ứng (tính đến đầu tháng 3 năm 2013). Tôi rất tán thành bản kiến nghị nầy nên cũng đã ký tên hưởng ứng.
“…
"Trong lời phát biểu được truyền hình toàn quốc hôm 25/2/2013 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, ông lên án các ý kiến kiến nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp, thực hiện thể chế chánh trị đa nguyên, phi chánh trị hóa quân đội… Ông nói: “Các đồng chí phải lãnh đạo việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo Hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy. Vừa rồi đã có các luồng ý kiến có thể quy vào được là “suy thoái” tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa! Xem ai có tư tưởng muốn bỏ điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không, muốn đa nguyên đa đảng không, muốn tam quyền phân lập không, muốn phi chính trị hóa quân đội không. Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Như thế là “suy thoái” chứ gì nữa? Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể thì đó là cái gì? Cho nên, các đồng chí phải quan tâm xử lý những cái này.”
"Phát biểu của ông Trọng bị một số cán bộ lảo thành, nhân sĩ, trí thức, nhà báo… lên tiếng không đồng tình ngay sau đó. Đáng chú ý là nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, phóng viên báo Gia đình và Xã hội viết bài trên blog cá nhân phãn bác những quan điểm của ông Trọng, anh cho là không phù hợp, không đại diện ý muốn của bản thân anh và người dân… Ngày hôm sau anh Kiên bị sa thải và còn bị đe dọa truy tố. Tôi khâm phục lòng dũng cãm của anh Kiên, tin rằng trong cuộc đấu tranh nầy anh không đơn độc!
"Tôi rất bất bình hành động “ma giáo” – xin lỗi, buộc lòng phải dùng từ nầy, của các nhà lãnh đạo “Đảng của mình” nói một đàng làm một nẻo! Tôi có đọc bài viết so sánh ông Nguyễn Phú Trọng giống Mao Trạch Đông giữa những năn 1950, muốn củng cố vị thế chánh trị độc tôn của y, phát động chiến dịch “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, khuyến khích mọi người nói ra nhiều quan điểm khác nhau về các vấn đề của Trung Quốc lúc đó. Họ Mao khôn khéo nắm bắt được tất cả những người có quan điểm khác biệt, ít lâu sau phát động chiến dịch “Diệt cỏ dại”, nhằm tiêu diệt hết đối thủ chánh trị, bảo đảm vị thế độc tôn của y. Hơn nửa thế kỷ sau, Đảng Cộng sản Việt Nam phát động “lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp”, đông đảo đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài đã hâm hở nói ra những điều bức xúc, hệ trọng của đất nước. Sau khi thấy “trăm nhà đua tiếng”, ngày 25/2/2013 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu “diệt cỏ dại”!

Minh Nguyễn
___________
(*) Tên một tiết nhỏ trong tập Hồi ký của tôi đang viết.
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 2-11-13

Tiếng chuông cảnh tỉnh của đồng chí Tổng

TIENG CHUONG CANH TINH

Các báo chính thống của ta ngày 24 tháng 10 vừa qua đưa tin: Trong kỳ họp quốc hội đang diễn ra, tại cuộc thảo luận ở tổ, đồng chí Tổng Bí Thơ Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ:

“… XÂY DỰNG CNXH CÒN LÂU DÀI LẮM. ĐẾN HẾT THẾ KỶ NÀY KHÔNG BIẾT ĐÃ CÓ CNXH HOÀN THIỆN Ở VIỆT NAM HAY CHƯA.”

Rất nhiều người đã bàn về lời giáo huấn này. Đa số tỏ ra thất vọng. Có một số còn thể hiện sự hoang mang cực độ.

Còn tui, lúc đầu tui cũng choáng lắm. Nhưng với bản chất luôn trung thành tuyệt đối và vô điều kiện với Đảng, mà nói cụ thể hơn là với đồng chí TBT, cộng với khả năng thích ứng rất nhanh với những thay đổi trong quan điểm của các đời TBT khác nhau, tui thấy vô cùng cám ơn ĐỒNG CHÍ ĐƯƠNG KIM TBT ĐÃ MỞ MẮT CHO CHÚNG TA.

Trước đây, vào các năm 1950, 1960, dân ta và dân các nước XHCN khác luôn coi Liên Xô là thiên đường cọng sản. Lúc đó, chúng ta ai cũng hình dung rằng chỉ một chút nữa thôi là dân Liên Xô sẽ được sống trong chế độ “hưởng theo nhu cầu”, hưởng tùy thích, hưởng bao nhiêu cũng được, muốn cái chi cũng có, còn mằn thì cũng tùy thích, thích mằn bao nhiêu thì mằn, không thích mằn thì thôi. Còn các nước đàn em như Đức, Hung, Việt, Triều, Cu,… thì lên CNCS chậm hơn vài chục niên, tức là đến khoảng 1980-1990 thì cũng sẽ được làm và hưởng đều theo ý thích. Sau đó, không hiểu vì sao đợi vài chục năm nữa cũng chưa thấy ông anh LX có CNCS. Mãi đến khoảng 1974 mới thấy đồng chí TBT lúc đó của LX là Bét Nép chi đó tuyên bố LX đã bước vào thời kỳ “CNXH phát triển”. Hơi thất vọng, nhưng cũng hổng đến nỗi, vì sau “CNXH phát triển” thì sẽ đến thời kỳ bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất cho CNCS rồi. Như vậy, chắc khoảng 1990 thì LX có CNCS.

Việt Nam chúng ta đi sau nhưng tiến nhanh hơn. Năm 1977, về thăm hợp tác xã toàn xã ở Định Công, Thanh Hóa, đồng chí TBT lúc đó tuyên bố: “CNCS đây rồi!” Tất nhiên không nên hiểu nghĩa đen là mô hình HTX đó đã là CNCS. Nhưng dù sao thì đồng chí ấy nói dzậy có nghĩa là mô hình đó sẽ nhanh chóng đem CNCS đến cho dân ta. Nghĩa là lúc đó ta đã ở ngưỡng cửa của thiên đàng.

Đùng một cấy, cuối 1991, Liên Xô tan rã, chấm dứt hy vọng tiến lên CNCS của 240 triệu dân thuộc 15 nước cộng hòa xô-viết!

Dân ta bấy giờ không ít người hoang mang. Nhưng rồi niềm tin vào CNCS lại được các đồng chí lãnh đạo củng cố. Và không chỉ động viên suông, các đồng chí còn ra tay trừng trị tất cả những kẻ nào dám có ý lung lạc tinh thần nhân dân, làm giảm lòng tin vào CNXH và CNCS.

Nhưng đến giờ thì đồng chí đương kim TBT đã đi một bước quyết định. Bằng tuyên bố nói trên, đồng chí gián tiếp nhắn nhủ dân ta rằng ĐỪNG TRÔNG CHỜ CÓ CNXH VÀ CNCS!

Vì sao tui nói dzậy? Là vì: Nếu chưa từng có những lần mừng hụt trước đây thì câu nói của đồng chí Tổng phải được hiểu khác; đó là xác định tư tưởng rằng phải phấn đấu rất lâu dài mới có CNXH hoàn thiện, còn CNCS thì còn phải đợi lâu hơn. Nhưng vì đã có bao nhiêu lần thời hạn đạt đến CNCS bị kéo dài, tưởng đến nơi rồi lại hóa ra là chưa, thậm chí còn rất xa, nên câu nói này của đồng chí Tổng rõ ràng là ĐỂ MỌI NGƯỜI VỨT BỎ HẲN CHÚT HY VỌNG HÃO CUỐI CÙNG! Rõ ràng, sự cảnh tỉnh này là một cái ơn vô cùng to lớn mà dân ta phải khắc cốt ghi xương!

Nói vậy tức là các đời TBT trước là sai chăng? Hay là các vị ấy dối dân? Tui nghĩ các đồng chí ấy không bao giờ dối dân đâu. Chẳng qua là nếu lúc đó làm nhân dân mất lòng tin thì xã hội tan rã mất, và bà con ta sẽ đi theo các thế lực thù địch hết. Bây giờ thì bà con ta được thử thách rồi, biết rằng dù có lên CNCS hay không thì cũng phải một lòng đi theo Đảng; Đảng dẫn lên CNCS hay dẫn đi mô thì Đảng cũng tuyệt đối đúng, và không theo Đảng là chết, nên đồng chí ý nói thẳng ra vậy, để bà con ta hết mơ mộng hão vào các thứ chủ nghĩa chi chi.

Quả thật là vĩ đại!

Năm trước, đồng chí Góc Ba Chốp của LX cũng đã tuyên bố CNCS là hão huyền. Nhưng tuyên bố thẳng như rứa, người nghe bị sốc, đa số không ưa. Nay, đồng chí Tổng của ta, với tư cách là lý luận số Một của nhân loại, lại kết hợp cái thâm thúy của người phương Đông, nói bóng gió là ĐỪNG HY VỌNG VÀO CNCS, bằng câu đã dẫn ở trên, làm người  ta ít bị sốc hơn nhiều. Đúng là “liệu pháp ngấm dần” hữu hiệu hơn “liệu pháp sốc” rất nhiều.

Đội ơn đồng chí Tổng. Đồng chí Tổng muôn năm!

MICHAEL LANG
(Blog Đào Hiếu)

Việt Nguyễn - Bác cả Trọng

tong-bi-thu-phat-bieu_copy

Từ mấy tháng nay, thỉnh thoảng lại nghe bác cả Trọng, TBT của Đảng, phát ngôn củ chuối. Ở Vĩnh Phú, nói chuyện với cán bộ, ông cho những người góp ý kiến cho sữa đổi hiến pháp là “suy thoái, cần phải xử lý“.

Đầu tháng 10 nay, ông lớn tiếng rằng “Hiến pháp ở dưới cương lĩnh của Đảng“. Vừa mới rồi, ông lại bình thản tuyên bố trước cử tri Hà nội, rằng “đến cuối thế kỷ này cũng chưa có CNXH hoàn thiện“. Có phải từ độ bà tổng thống Brazil, từ chối không cho ông vào nhà, vì sợ ông nói quàng nói xiên, ảnh hưởng uy tín. Ông hận, rồi đâm hoảng mà thành ra như người mất trí. Chứ người bình thường chẳng ai dám nói như ông. Hay ông cậy mình là đầu đảng, là Vua của VN, nên ông muốn nói gì thì nói. Tôi đồ là cả hai, nhưng có vẻ nghiêng về sự hoảng loạn nhiều hơn. Ông thấy uy tín của mình bị tan nát, quyền lực của Vua bị gặm nhấm, lấn lướt. Sau những cố gắng Tắm rửa, rồi bắt mạch kê thang, để trị bệnh cho mình và bọn cận thần, nhưng chả thằng nào chụi uống thuốc của ông. Ông đặt ra 19 điều răn, nhằm chỉnh đốn băng đảng của ông, cũng chả ăn thua. Trình độ và tầm nhìn của ông ngày một hạn hẹp, trong mớ lý luận củ mèm, mà ông được người ta tâng lên hàng tiến sỹ. Cực chẳng đã, ông gọi bí thư Đà Nẵng ra thủ đô, giúp ông diệt trừ yêu quái. Của đáng tội, vị bí thư này miệng cũng mắc đầy quai, không sao há ra được, nên đành phải tê liệt. Đến nay thì ông bí thật sự, nhìn quanh mình, rặt một lũ cơ hội, ăn hại đái nát.

Bản chất ông là hiền lương, giá như ông chỉ làm ông giáo làng, cùng lắm là làm nghiên cứu ở một viện nào đó, thì hợp với phẩm chất và tạng người của ông. Bây giờ ông là Vua, trăm họ trông chờ vào ông, vận mạng xã tắc trong tay ông. Ông lo sợ mình là hôn quân, vì đã giở hết ngón nghề và phẩm hạnh mà không diệt bớt được cái bộ phận không nhỏ trong đảng của ông, đang ngày đêm đục khuyết, phá nát cái quốc gia này. Bởi không còn cách giải quyết nên ông quẩn trí, ông nói lời gan ruột, nhưng với vị trí của ông, nó hại ông.

Sau cái đận ở Vĩnh phú, bị công dân Nguyễn Đắc Kiên, mắng cho tơi tả. Rồi bản kiến nghị công dân với cả chục nghàn chữ ký, như cái vả vào mặt ông Với quyền sinh sát trong tay, ông có thể khiến công dân Kiên chết không toàn thây, nhưng ông đã không làm thế mà âm thầm chịu trận. Chứng tỏ ông còn nhân ái hơn chán vạn người, chứ phải tay người khác thì công dân Kiên không thoát khỏi mấy bao cao su đã qua sử dụng.

Tôi nhớ hồi mới nhận vương miện, ông có lẩy câu Kiều.

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn.

Khuôn thiên có biết vuông tròn cho chăng?


Chứng tỏ ông cũng biết đánh giá mình, và lo lắng cho trách nhiệm lắm. Nhưng rõ là lực bất tòng tâm. Nền tảng lý luận mà ông đang theo đuổi, đã phá sản trên phạm vi toàn thế giới từ vài chục năm nay. Đường hướng thực tiễn mà ông và đảng của ông bắt cả dân tộc VN di theo, đang đưa đất nước với hơn 90 triệu dân đến chổ bế tăc, và lệ thuộc.

Nguy cơ sụp đổ thể chế thì ông đã nhìn thấy, nhưng lý do lụn bại thì ông không chịu hiểu. Cái bằng tiến sỹ chính trị học, cả lũ trợ lý thân cận của ông đã khiến ông không thể nào nhận ra chân lý mà người bình thường nào cũng biết. Đó là cởi bỏ cho dân tộc VN khỏi ách độc quyền giáo điều cộng sản. Bằng cách thực thi dân chủ đa nguyên, tôn trọng các quyền tự do căn bản của công dân.

Cái đảng của ông còn độc đoán, còn nắm quyền lãnh đạo, là do đứng ngoài pháp luật, không phải chịu trách nhiệm trước những sai lầm của mình. Được duy trì bằng bạo lực và nỗi sợ hãi của dân chúng, chứ không phải bằng sự tín nhiệm của nhân dân sau mỗi kỳ bầu cử. Đến bây giờ, ông và đảng của ông đang bằng mọi cách giữ lấy quyền lực của mình, cưỡng ép quyền lãnh đạo này vào cả hiến pháp quốc gia.

Rất nhiều nhân sỹ, trí thức, và các hội đoàn lên tiếng góp ý cho đảng của ông và cá nhân ông, hãy buông tha cho dân tộc VN khỏi sự tha hóa của đảng cộng sản VN. Nhưng trả lời cho sự đóng góp này bằng sự thù địch và những bản án tù. Các lực lượng trấn áp của Đảng, khi bị nhân dân chất vấn vì những hành vi trái luân thường đạo lý, bí quá thì đổ tại thi hành mệnh lệnh cấp trên. Còn như ông và đảng của ông, sẽ đổ trách nhiệm cho ai khi mình làm sai, dĩ nhiên là phải trả lời bằng khủng bố với những ai dám vạch ra điều đó.

Tiếc rằng các cá nhân và hội đoàn đang đấu tranh với đảng CSVN, bằng phương châm bất bạo động. Ông mãi yên tâm mình không bị đe dọa hay ám sát. Đảng của ông cứ yên tâm mà lãnh đạo, có làm hại dân, hại nước thì cũng bị chửi mắng chút thôi, có làm gì được nhau đâu!.

Việc ông kiên định lý tưởng của mình, cũng như tín ngưỡng của công dân, đấy là quyền tạo hóa cho con người, chả ai có quyền xâm phạm nó cả. Nhưng ông nhân danh quyền lãnh đạo quốc gia mà ép buộc dân chúng phải tuân theo cái lý tưởng cộng sản và con đường đi lên CNXH, mà chính ông cũng đã phủ nhận. Như thế là u mê, là tội lỗi.

Mọi người cũng biết rằng, trong tình hình hiện tại, chả ông làm vua, người khác trong đảng của ông làm vua cũng thề thôi, chẳng có gì tiến bộ hơn cả. Dân chúng vẫn lầm than, quan quyền vẫn làm giầu bằng lũng đoạn và tham nhũng, các tập đoàn kinh tế của nhà nước vẫn là nơi phá hủy tiềm năng kinh tế của đất nước, là sân sau cho cán bộ nhà nước cướp cạn tài sản của nhân dân. Tệ hại hơn, đem đất đai, biển đảo của tổ tiên dâng hiến cho Tầu cộng, đặt dân tộc trước họa nô lệ. Tất cả những yếu kém của đất nước, hiểm họa của dân tộc, trước mắt và trong tương lai đều do tội lỗi của đảng CSVN cầm quyền mà ra cả. Mà hiện tại là người đầu đảng, ông phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử. Là người có lương tri, có trách nhiệm, và hiền lương, nhưng không dám vượt lên chính mình, bứt phá khỏi những giáo điều u muội của chủ nghĩa công sản.

Ông không có khả năng chèo lái con thuyền VN tới bến bờ tự do, no ấm.  Ông đừng cố gắng làm thêm những điều ông đang tin tưởng, như thế chỉ làm hại tổ quốc, làm hại nhân dân mà thôi. Ông hãy rời ngôi báu của mình, tạo cơ hội cho những thay đổi cần kíp, tránh đổ máu, tránh thù hận. Còn đảng cộng sản của ông hãy đi chết đi, như lời cô gái Phương Uyên nguyền rủa. Chỉ có như thế thì vận hội, mới đến với dân tộc VN.

© Việt Nguyễn
© Đàn Chim Việt

Phan Thị Bích Hằng có lừa bịp hay không?


Mấy hôm nay, một vấn đề đã và đang được dư luận và cộng đồng FB đặc biệt quan tâm là Chương trình "Trở về từ ký ức" do nhà báo Thu Uyên và nhóm PV Đài truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện. Qua phóng sự, một vấn đề gây “sốc” nhất là việc nhà ngoại cảm (NNC) Phan Thị Bích Hằng tìm hài cốt của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên. Tuy nhiên, qua giám định của Viện pháp y quân đội thì đó chỉ là mảnh sành vụn, nắm đất và một chiếc răng lợn. Sau chương trình, đã có khá nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả ý kiến của “những người trong cuộc”… 
 
Tôi có xem Chương trình "Trở về từ ký ức" và theo dõi khá nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này, trong đó có ý kiến của các ông, bà: Vũ Thế Khanh (Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng UIA); Nguyễn Phúc Giác Hải (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người); Phạm Minh Hạc (Đại tá, nhà báo Hàn Vũ Thụy (Phó chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lí thuộc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người - Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam); Quan Thị Lê Lan (Phó chủ nhiệm thường trực Bộ môn Cận tâm lý, chỗ ông Thụy); GS Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người); Luật sư Trần Đình Triển; Đại tá - TS Đỗ Kiên Cường; Thạc sĩ Thôi miên Y khoa Nguyễn Mạnh Quân; NNC Phan Thị Bích Hằng; nhà báo Thu Uyên…
 
Theo đó, cô Bích Hằng nói: “Họ (VTV) mới nhìn vào một góc của sự thật, giống như con voi, họ mới nhìn thấy cái vòi mà đã đưa ra những phán đoán không đúng. Tất cả sự thật sau này sẽ được chứng minh còn đến giờ phút này tôi chỉ cảm thấy hơi đáng tiếc cho sự vội vàng, hồ đồ của họ”. Trong khi đó, các ông, bà: Thế Khanh, Giác Hải, Vũ Thụy, Lê Lan… lại “phản pháo” kịch liệt với những ngôn từ to tát, như: “Nói Phan Thị Bích Hằng như vậy là vô trách nhiệm” (ông Thế Khanh); “Nói NNC Phan Thị Bích Hằng lừa bịp là một sự xúc phạm” (ông Giác Hài); “Việc dựa vào 1-2 vụ việc không chính xác rồi “đánh” vào NNC Bích Hằng là thiếu khách quan, khoa học; … là sự phỉ báng cực kỳ vô luân” (ông Vũ Thụy)… Thế nhưng, ngược lại Ths Nguyễn Mạnh Quân thì tuyên bố: “Nếu NNC nào tìm mộ liệt sĩ đúng 3%, sẽ dâng cho họ toàn bộ tài sản, danh dự, cả Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên. Còn nếu họ tìm không đúng 3%, thì sẽ … cắt lưỡi NNC!”. Còn Đại tá - Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường thì khẳng định: “Cần cấm giới ngoại cảm hành nghề. Bất cứ ai tuyên bố có khả năng tiên tri, thấu thị hoặc áp vong, họ chính là kẻ lừa đảo, cho dù là lừa đảo chủ ý… Ngay cả ông tiến sỹ giám đốc UIA hoàn toàn không biết ngoại cảm là gì, cho dù ông rất hăng hai nghiên cứu và tung hô giới ngoại cảm”… 
 
Trước hết, tôi lấy làm lạ trước những phát biểu “đao to, búa lớn” của các ông, bà: Thế Khanh, Giác Hải, Lê Lan, Vũ Thụy,,, và cả cô Bích Hằng. Bởi lẽ, Chương trình "Trở về từ ký ức" không hề có câu nào quy chụp cho Bich Hằng là lừa bịp, mà chỉ nêu lên cụ thể việc Bích Hằng tìm hài cốt của đ/c Phùng Chí Kiên, nhưng qua giám định của Viện pháp y quân đội thì đó là mảnh sành vụn, nắm đất và một chiếc răng lợn. Nếu cô Bích Hằng và các ông bà Thế Khanh, Giác Hải, Vũ Thụy, Lê Lan… muốn thanh minh thì tốt nhất là họ nên chứng minh cụ thể hài cốt của đ.c Phùng Chí Kiên mà cô Bích Hằng “tìm thấy” là có thật, chứ không phải mảnh sành, nắm đất hay răng lợn. Đồng thời, cũng xin thưa, để thanh minh cho việc làm của mình, cô Bích Hằng và các ông, bà nói trên “lập luận” về cái gọi là xác xuất của NNC nhiều khi chỉ chính xác 60-70% và đúng được 30-40% là tốt rồi. Nhưng, xin lưu ý một điều, trước khi “tìm” được hài cốt của đ.c Phùng Chí Kiên, cô Bích Hằng cho biết, bằng năng lực của mình đã “gặp” và “nói chuyện” với đ.c Kiên, đồng thời được đ.c Kiên “chỉ dẫn” nên mới tìm được cái “đầu lâu” (không răng) và sau đó là 01 chiếc răng. Vậy, việc Viện Pháp y Quân đội xác định: Hài cốt được cho là của đ.c Kiên mà cô Bích Hằng “tìm thấy” là mảnh sành, nắm đất và chiếc răng lợn là sao? 
 

Cũng xin lưu ý, trước đó, trong cuộc tìm kiếm mộ của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, cô Bích Hằng cũng cho biết là “gặp”và “nói chuyện” với Lý Thường Kiệt, song kết quả ngôi mộ đó không phải mộ Lý Thường Kiệt, mà là mộ người khác (?).

Nhân đây, cũng xin đề cập đến một số cuộc “nói chuyện với người cõi âm” mà cô Bích Hằng thực hiện tại tỉnh Bình Định, trong đó có 2 cuộc “gặp” và “nói chuyện” với thân sinh của Vua Quang Trung và 3 anh em Tây Sơn Tam Kiệt: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Một cuộc “nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng diễn ra tại Bình Định cuối tháng 7.2011 và một cuộc diễn ra gần cuối tháng 11.2011.

Trước hết, xin được nói ngay rằng, cũng giống như các cuộc “nói chuyện với người cõi âm” để tìm mộ, trước khi về Bình Định, cô Bích Hằng đã tìm hiểu, đọc một số sách và tài liệu sử liên quan đến Nhà Tây Sơn và 3 ngài Tây Sơn Tam Kiệt. Trên cơ sở đó, cô Hằng đã chọn lọc những chi tiết “độc” để “phán” và làm cho những người xung quanh phải tin. Tuy nhiên, đối với những người tỉnh táo và có kiến thức về lịch sử thì dễ dàng nhận thấy ngay là kiến thực lịch sử của cô Bích Hằng khá “lơ mơ”, hầu như chỉ “nói dựa” và “độ chế lịch sử” theo kiểu “đầu Ngô, mình Sở” rất tùy tiện. Tôi xin phân tích một số trường hợp mà cô Bích Hằng thực hiện “nói chuyện với người cõi âm” như sau:

A- CUỘC “NÓI CHUYỆN” CỦA CÔ BÍCH HẰNG VỚI 2 VỊ THÂN SINH CỦA 3 ANH EM TÂY SƠN VÀ VUA QUANG TRUNG:

1- Trong cuộc “nói chuyện” với 2 vị thân sinh của Vua Quang Trung, cô Bích Hằng cho biết: “Hai cụ nói người đời thường nhắc đến Tam kiệt Tây Sơn, nhưng thực ra các cụ có 4 người con trai, mà cậu con cả là Nguyễn Hoa, chỉ ở nhà với bố mẹ, khi mất lúc 19 tuổi không làm nên công trạng gì, có để lại một cậu con trai tên là Quang Hiển, được ông bà nuôi, các con nhớ ghi tên để khấn và kêu cho người con cả này…”.
Quả thật, khi nghe cô Bích Hằng “phán” điều này, hầu hết những người xung quanh, nhất là các đ/c lãnh đạo tỉnh Bình Định đều “rụng rời chân tay” và “khiếp vía”. Bởi lẽ, lâu nay dân Bình Định hầu như chỉ biết đến 3 anh em Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (trong đó Nguyễn Nhạc là anh Hai, Nguyễn Huệ thứ Ba và Nguyễn Lữ thứ Tư).

Thực ra, việc Nhà Tây Sơn có mấy anh em đã từng có những ý kiến khác nhau. Giống như người dân Bình Định, nhiều tài liệu đều cho rằng Nhà Tây Sơn có 3 anh em. Tuy nhiên, một số nguồn tư liệu lại cho rằng gia đình Vua Quang Trung không chỉ có 3 anh em, mà có khá đông anh em và thứ tự cũng khác nhau (Nhạc thứ 2, Lữ thứ 3, Huệ thứ 4). Một tài liệu của các nhà truyền giáo phương Tây thì ghi tên Nguyễn Lữ là “Đức Ông Bay” (thứ Bảy), còn Nguyễn Huệ là “Đức Ông Tam” (thứ Tám). Đáng lưu ý, tại Hội thảo “Tây Sơn – Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung” (tổ chức tại TP Huế vào đầu tháng 6.2008), từ nguồn tư liệu của triều Thanh, một nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thiết cho là nhà Tây Sơn có ít nhất 4 anh em trai, anh đầu là Nguyễn Quang Hoa. Chi tiết này dựa vào bản “kê khai lý lịch” của Nguyễn Quang Hiển gửi quan chức triều Thanh khi đi sứ vào năm 1790. Thế rồi, dựa vào thông tin này (thông qua báo chí và mạng), cô Bích Hằng đã “nhét vào miệng” của vị thân sinh Vua Quang Trung để “phán”. Bởi lẽ, thực ra, thông tin trên chỉ là 1 trong những giả thuyết về gia đình 3 anh em Tây Sơn và cũng chỉ là 1 tài liệu tham khảo. Hơn nữa, cũng xin lưu ý, bản “kê khai lý lịch” của Quang Hiển cũng có thể là “đồ giả” đánh lừa nhà Thanh. Vì ngay đến vua mà Quang Trung cũng “dám” cho Phạm Công Trị đóng giả để thay mình đi sứ kia mà.

2- Cô Bích Hằng cho biết, Vua Quang Trung nói: “Âu cũng là số mệnh rồi, việc này cũng đã được ghi trong áo bào vua Càn Long ban tặng: Xa tâm chiết trục đa điền thử (có nghĩa là Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng, nhưng khi ghép chữ lại thì có nghĩa là Nguyễn Huệ sẽ mất năm Nhâm Tý). Cho nên cũng không cần phải oán than nữa”.

Về cái chết của Vua Quang Trung có nhiều giả thuyết và “câu chuyện chiếc áo bào” cũng là 1 giả thuyết, (thậm chí đậm chất giai thoại). Theo đó, nhiều tài liệu sử đều ghi là vua Quang Trung chết vì “bạo bệnh” (không cụ thể là bệnh gì); còn tác giả Hoa Bằng thì cho rằng ngài chết vì bệnh “huyết vựng”. Gần đây, các nhà nghiên cứu Y học đã phân tích và cho rằng: Nguyên nhân cái chết của Quang Trung là do xuất huyết não dưới màng nhện, dẫn đến viêm phổi sặc.

Thế nhưng, cô Bích Hằng lại “nhét” câu chuyện chiếc áo bào “vào miệng” Quang Trung. Bởi lẽ, nếu đúng như vậy thì hóa ra Quang Trung đã “biết” việc Càn Long “ban tặng” áo bào? Và, nếu vậy thì Quang Trung phải oán thù Càn Long chứ sao lại bảo “Cho nên cũng không cần phải oán than nữa” (?).

3- Cô Bích Hằng cho biết, Vua Quang Trung nói: “Nhân dịp này ta cũng muốn mời nhạc phụ của ta là vua Lê Hiển Tông và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền đến dự đàn lễ này. Lúc sinh thời, chưa kịp mời nhạc phụ ta vào Quy Nhơn chơi…”. Sau đó Vua Quang Trung nói: “ Nhạc phụ của ta cứ muốn ta mời cả anh vợ ta vào nữa. Ta không đồng ý ghi là Lê Chiêu Thống mà chỉ được ghi là Lê Duy Kỳ với tư cách là anh vợ thôi chứ không phải là là ông Hoàng đâu đấy” (?)

Ô hay, sao Lê Chiêu Thống (tức Lê Duy Kỳ) mà lại là anh vợ Vua Quang Trung, thưa cô Bích Hằng? Xin thưa, Lê Duy Kỳ là cháu nội Vua Lê Hiển Tông và gọi công chúa Ngọc Hân bằng cô ruột. Vì vậy, Vua Quang Trung phải gọi Lê Chiêu Thống (Lê Duy Kỳ) là cháu vợ, chứ sao lại là anh vợ? Tội quá cô Bích Hằng ơi!

4- Theo cô Bích Hằng, Vua Quang Trung nói tiếp: “ Nhân có nhạc phụ ta vào chơi, ta muốn khởi đàn lễ bằng một hồi trống trận và một màn múa võ Bình Định. Ngày xưa ta thích nghe Ngọc Hân hát Quan họ lắm, nếu thu xếp được một màn hát Quan họ cho song thân và quân sỹ của ta nghe thì ta thật toại nguyện…”

Lạ nhỉ? Cô Bích Hằng lại “nói dựa” rồi. Bởi lẽ, cái gọi là “trống trận Quang Trung” hay “trống trận Tây sơn” cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguồn gốc, xuất xứ ra đời. Thậm chí, có ý kiến cho rằng “trống trận Quang Trung” hay “trống trận Tây sơn” là do người đời sau này “sáng tác” (mang tính biểu diễn) để ca ngợi công đức của Quang Trung và nhà Tây Sơn. Điều đáng nói, cô Bích Hằng “cho” Quang Trung nói “Muốn khởi đàn bằng màn múa võ Bình Định” ư? Ô hay, cô Hằng có biết 2 chữ “Bình Định” xuất hiện khi nào không? Địa danh này là do nhà Nguyễn đặt sau khi đã “bình định” được Nhà Tây Sơn và đất Tây Sơn. Tội nghiệp quá cô Bích Hằng ơi!

B- CUỘC NÓI CHUYỆN CỦA CÔ BÍCH HẰNG VỚI 3 NGÀI “TÂY SƠN TAM KIỆT”:

Có khá nhiều điều vô lý, thậm chí nhiều đoạn muốn … cười chảy nước mắt, cười … vỡ bụng. Tuy nhiên, do “cuộc nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng lần này khá nhiều và khá dài nên chỉ xin đề cập đến vài vấn đề. (Xin quý vị cô, bác, anh chị và các bạn đọc nội dung cuộc nói chuyện này ở phần dưới).

1- Trước hết, xin thưa, việc cô Bích Hằng “mời” được 3 đ/c Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ “lên nói chuyện” tại đất Tây Sơn - Bình Định là điều thật lạ! Bởi ngay nhiều đệ tử nhà phật cũng từng “băn khoăn,thắc mắc” rằng: Thấy cô Bích Hằng hình như cũng là Phật tử nhưng hình như cô không hiểu về giáo lý nhà Phật. Bởi lẽ, cô Bích Hằng “gặp” và “nói chuyện” được với thân sinh của Vua Quang Trung và cả 3 ngài Tây Sơn Tam kiệt, vậy có nghĩa là họ những oan hồn còn vất vưởng vì chưa siêu thoát hay sao? Mặt khác, Tây Sơn không phải là đất của Quang Trung và Quang Trung sau khi băng hà được chôn tại đất Phú Xuân chứ đâu có phải ở Tây Sơn (đất của Nguyễn Nhạc) mà cô Hằng “gặp” được Quang Trung? Hơn nữa, cô Bích Hằng không biết rằng, sinh thời, 3 đ/c Nhạc, Huệ, Lữ mặc dù “cùng chi bộ” nhưng mất đoàn kết nghiêm trọng, thậm chí từng “Huynh đệ tương tàn”, vậy làm sao cùng một lúc có thể “cùng nhau lên nói chuyện” với cô được? Đáng lưu ý, qua “cuộc nói chuyện”, 3 đ/c Thái Đức Nguyễn Nhạc, Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ giống như nhìn thấy hết từng con người, từng đ/c trên “trần gian Bình Định” (cả chức vụ, công việc), từng cảnh vật, thậm chí “chỉ đạo” từng vị trí, từng câu, từng chữ câu đối liễn, để tỉnh Bình Định xây dựng Đàn tế Trời - Đất (?).
2- Theo cô Bích Hằng, Hoàng Đế Quang Trung nói: “Về nghi lễ thì hỏi Đông Định Vương (Nguyễn Lữ) vì chú ấy là người chữ nghĩa nhất nhà và chú ấy là người thụ nho giáo… Ba anh em ta theo ba môn phái võ giờ đã mai một, đó là: - Thái Đức Hoàng Đế: Hùng Kê Quyền; - Quang Trung Hoàng Đế: Yến Phi Quyền; - Đông Định Vương: Miên Quyền (còn gọi là nhu quyền)”. Còn Thái Đức Hoàng Đế thì nói: “Chú Lữ vốn nho nhã, mềm yếu nên chú luyện nhu quyền. Đây là môn quyền học của người Miên nên gọi là Miên Quyền” (?).

Ô hay! Cũng lạ nhỉ cô Bích Hằng! Nguyễn Lữ đâu có “thụ nho giáo”? Sinh thời, ông đi tu theo đạo Hồi Bani (Islam Bani) nên mới gọi là “Thầy Tư Lữ”. Đồng thời, lâu nay dân Bình Định đều biết Hùng Kê Quyền là do Nguyễn Lữ sáng tạo ra, chứ đâu phải Nguyễn Nhạc? Ô hô! Quả là kiểu nói dựa và suy diễn, lắp ghép tùy tiện.

3- Sinh thời, Quang Trung rất coi trọng chữ Nôm và yêu cầu phải sử dụng nó như Quốc ngữ. Vậy mà cô Bích Hằng lại “cho” Quang Trung “chỉ đạo” nói và viết toàn chữ Hán, tiếng Hán, như: “Sơn Hà Xã Tắc”, “BẢO SƠN THIÊN ẤN”; “Vạn cổ anh linh chiêu Việt địa”; “Thiên thu hiển hách đối Nam sơn”… Thậm chí, Bích Hằng còn “cho” Quang Trung giải nghĩa mấy từ tiếng Hán rất… tào lao, như: “Đàn này phải bố trí theo thế, các ngươi có biết thế gì không? Đó là thế “Thiên - Địa - Nhân”. Thiên là Trời, Địa là Thần và Nhân chính là con người” (?). Hu hu!

4- Theo cô Bích Hằng, Hoàng đế Quang Trung nói: “Trước khi cho các ngươi lui, ta dạy rằng: muốn xây dựng sự nghiệp trước tiên phải có LỰC, khi đã có LỰC mới tạo được THẾ, nếu không có LỰC và THẾ thì có TÂM cũng không làm được gì nên 3 anh em ta lúc nào cũng đan xen vào nhau. Ba anh em ta cũng có lúc khích khẩu nhưng chưa bao giờ tương tàn…” (?). Cô Bích Hằng “cho” Quang Trung nói vậy là trái với lịch sử rồi. Xin thưa, lịch sử cho biết: Một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho Nhà Tây Sơn sụp đổ nhanh chóng là do nội bộ lục đục và “mất đoàn kết nghiêm trọng”. Nhiều nguồn sử liệu cho biết, Nguyễn Nhạc không chỉ thông dâm với em dâu của mình (vợ Nguyễn Huệ), mà còn cản trở bước đi của em mìn. Theo đó, trước những chiến công và thắng lợi của Nguyễn Huệ ở Bắc Hà, nhất là sau khi Nguyễn Huệ được Vua Lê ban thưởng đất đai và gả công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Nhạc buộc Huệ phải quay trở vào Phú Xuân, sau đó cử 1 đội quân tinh binh ra Bắc Hà để “nắn gân” cậu em. Nguyễn Huệ cũng không vừa, viết Hịch kể tội Nguyễn Nhạc, rồi đem 6 vạn quân vào vây thành Quy Nhơn và nã pháo vào trong thành. Cho đến khi Nguyễn Nhạc lên thành than khóc mới chịu rút quân. Thậm chí, một số nguồn sử liệu còn cho biết, khi Quang Trung qua đời, một phái đoàn của Thái đức Hoàng đế ra Phú Xuân để viếng đã bị “ách” lại. Không chỉ có vậy, con cháu của Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ sau đó trở nên thâm thù đến mức giết hại lẫn nhau…

5- Theo cô Bích Hằng, Đông Định Vương (Nguyễn Lữ) nói: “Nhà Tây Sơn Tam Kiệt đúng ra là Tây Sơn Tứ Kiệt nhưng trời không cho tất cả, không thể là “tứ tử trình làng” nên còn có tam kiệt thôi… Tất cả ba anh em ta đều yểu thọ…”.

Lạ nhỉ! Thực ra trong 3 ngài Tây Sơn Tam kiệt chỉ có Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ bi coi là “yểu thọ”. Nhưng, riêng Nguyễn Nhạc thì không thể gọi là “yểu thọ”. Bởi lẽ, trong số 3 ngài, tuổi của Nguyễn Nhạc cách khá xa so với Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Theo đó, Nguyễn Nhạc là thứ Hai, còn Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ tới thứ Bảy, thứ Tám. Nên nhớ, Nguyễn Nhạc có con gái lớn gả cho Vũ Văn Nhậm. Và, nhiều tư liệu sử đều ghi nhận Nguyễn Nhạc qua đời khi đã già yếu.

6- Về việc xây dựng Đàn tế Trời – Đất (đang triển khai ở Tây Sơn – Bình Định), theo cô Bích Hằng, Hoàng đế Quang Trung nói: “Ta có 2 lộc là 2 chiếc Quyền Trượng giao cho họ Trần ( Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV) và họ Nguyễn (Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định) để lo việc này cho trọn vẹn…”.

Cũng theo cô Bích Hằng, Đông Định Vương thì nói: “Con cháu nhà Tây Sơn đều chết yểu nên nơi Đàn Tế nhà Tây Sơn ở dưới chân Đàn phải xin tuổi hạc, tuổi quy, xin thọ như hạc, trường thọ như quy. Nơi 4 góc ở 4 chân Đàn ai có đủ phúc thì người đó được đặt quy. Nay ta ban cho:

+ Đối với Trần Bắc Hà (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV): thuyền lương của nhà Tây Sơn trao hết về tay ngươi, hiện nay ngươi đang cầm thuyền lương xã tắc, thì ngươi cũng được phép đặt một con.
+ Đối với họ Nguyễn Hữu Luân (Công ty Phương Trang Đà Lạt - Lâm Đồng) : mệnh ngươi mong manh lắm nên cho ngươi đặt bên Thanh long 1 con quy.
+ Đối với quan đầu tỉnh Nguyễn Văn Thiện (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định): lấy ấn thì đặt 1 con quy ở bên Bạch hổ.
+ Còn 1 con nữa dành cho quan Lê Hữu Lộc (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) đặt ở cửa hậu.

Mỗi lần lên Đàn phải một bên rung chiêng, một bên thúc trống”…

Lạ quá! Nếu đúng đây là lời của Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ thì quả là quá “siêu”! Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ đã mất cách đây trên 220 năm (Quang Trung mất năm 1792, còn Đông Định Vương mất năm 1787) thì làm sao có thể biết đươc họ, tên, chức vụ, nghề nghiệp của các ông: Trần Bắc Hà, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Hữu Luân, Lê Hữu Lộc đang sống và làm việc trên “cõi trần tục”? Trong đó, ông Nguyễn Hữu Luân ở tận Lâm Đồng mà sao Đông Định Vương cũng biết? Và, làm sao Đông Định Vương “đánh giá phẩm chất đạo đức” của những người này một cách chính xác rằng họ “có đủ phúc” để “cho phép” đặt con quy tại công trình xây dựng Đàn tế Trời - Đất ở Bình Định? Nếu ý kiến trên của Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ là có thật thì sao 2 ngài không “chỉ” luôn vị trí mộ (hay chỗ ở) của ông, bà song thân, cùng với mộ của 3 ngài Tây Sơn Tam kiệt, nhất là mộ của Quang Trung? Vì suốt mấy chục năm nay, các nhà khoa học, nhà sử học đã phải tốn công, tốn sức nghiên cứu, tìm kiếm, tổ chức hàng chục, hàng trăm hội thảo để tìm mộ các ngài?
 
Nhân đây, cũng xin hỏi thẳng các ông, bà Vũ Thế Khanh, Nguyễn Phúc Giác Hải, Phạm Minh Hạc, Hàn Vũ Thụy, Quan Thị Lê La… và các ông, bà ở UIA, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người; Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, rằng: Nội dung cuộc “nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng và thân sinh của vua Quang Trung và ba ngài Tây Sơn Tam kiệt mà tôi đã nêu ở trên liệu có đúng sự thật? Nếu đúng thì “cơ chế”, cách thức, kỹ năng “nói chuyện với người cõi âm” thế nào? Nhân tiện xin hỏi riêng ông Vũ Thế Khanh, rằng: Ông từng “khoe”, bên cạnh việc “phát hiện” các NNC, ông còn có khả năng đào tạo NNC đến mức có thể áp vong? như thế nào? Ngược lại, nếu vấn đề trên là không đúng thì có thể nói Phan Thị Bích Hằng là lừa bịp?

Cũng xin lưu ý, theo các ông, bà ở UIA, Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người; Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người thì cô Bích Hằng là NNC giỏi nhất,có năng lực nhất (?). Vậy qua 2 câu chuyện cô Bích Hằng “nói chuyện với người cõi âm” ở Bình Định, liệu năng lực thực sự của cô Bích Hằng ở mức nào và các NNC Việt Nam khác thì còn ở mức nào?...

Cuối cùng, xin mời quý cô, bác, anh chị và các bạn đọc thêm nội dung “cuộc nói chuyện với người cõi âm” của cô Bích Hằng và thân sinh Quang Trung, cùng ba ngài Tây Sơn Tam kiệt.
…………………………………………………………………………………………………………………
TRÍCH LƯỢC THÔNG TIN VỀ CUỘC ĐÀM THOẠI GIỮA NHÀ NGOẠI CẢM PHAN THỊ BÍCH HẰNG VỚI THÂN SINH CỦA BA ANH EM TÂY SƠN VÀ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG
(TẠI BÌNH ĐỊNH VÀO CUỐI THÁNG 7.2011)

Cuối tháng 7.2011, tại Bình Định đã diễn ra Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ và các anh hừng nghĩa sĩ nhà Tây Sơn. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cho biết đã “gặp” và “nói chuyện”với hai cụ thân sinh ba ngài Tây Sơn Tam kiệt và cả Hoàng đế Quang Trung.
Theo đó, trước bàn thờ Liệt tổ Liệt tông nhà Tây Sơn, cô nói:

- Hai cụ nói rất hài lòng vì đàn lễ chuẩn bị long trọng. người đời thường nhắc đến Tam kiệt Tây sơn. Nhưng thực ra các cụ có 4 người con trai, mà cậu con cả là Nguyễn Hoa, chỉ ở nhà với bố mẹ, khi mất lúc 19 tuổi không làm nên công trạng gì, có để lại một cậu con trai tên là Quang Hiển, được ông bà nuôi, các con nhớ ghi tên để khấn và kêu cho người con cả này. Hai cụ tiếc vì sự nghiệp nhà Tây sơn không được lâu dài.

Tiếp đó, cô Bích Hằng cho biết, Vua Quang Trung nói: - Âu cũng là số mệnh rồi, việc này cũng đã được ghi trong áo bào vua Càn Long ban tặng: Xa tâm chiết trục đa điền thử (có nghĩa là Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng, nhưng khi ghép chữ lại thì có nghĩa là Nguyễn Huệ sẽ mất năm Nhâm Tý). Cho nên cũng không cần phải oán than nữa. Nhân dịp này ta cũng muốn mời nhạc phụ của ta là vua Lê Hiển Tông và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền đến dự đàn lễ này. Lúc sinh thời, chưa kịp mời nhạc phụ ta vào Quy Nhơn chơi.

Sau đó Vua Quang Trung nói: - Nhạc phụ của ta cứ muốn ta mời cả anh vợ ta vào nữa. Ta không đồng ý ghi là Lê Chiêu Thống mà chỉ được ghi là Lê Duy Kỳ với tư cách là anh vợ thôi chứ không phải là là ông Hoàng đâu đấy.

Có người cứ hỏi ta về ngày mất, đúng là ngày cuối cùng của tháng 7, ngày 29 tháng 7, nhưng giỗ vào ngày 1/8 cũng được vì tháng 7 này là tháng thiếu, năm mất là năm Nhâm tý. Bà thân sinh ra Hoàng đế nói rằng:

- Đàn lễ tuy đủ nhưng vẫn thiếu một thứ. Đó là một mâm trầu, được bày theo kiểu trong này, lá trầu có têm vôi. Vì trước đây, khi Ngọc Hân công chúa về làm dâu, nhà tôi cũng chưa kịp mang trầu cau ra để làm lễ hỏi, nay muốn mang trầu ra mời thông gia. Xưa kia nhà ta cũng làm nghề buôn trầu nên trầu cau là thứ không thể thiếu được trong đàn lễ này. Ta cũng muốn có thêm một đĩa gừng cay và muối để ta dạy con cháu biết đoàn kết, bảo ban nhau..

Vua Quang Trung nói tiếp: - Nhân có nhạc phụ ta vào chơi, ta muốn khởi đàn lễ bằng một hồi trống trận và một màn múa võ Bình Định. Ngày xưa ta thích nghe Ngọc Hân hát Quan họ lắm, nếu thu xếp được một màn hát Quan họ cho song thân và quân sỹ của ta nghe thì ta thật toại nguyện…
…………………………………………………………………………………………………………………

THÔNG TIN GHI CHÉP TỪ CUỘC ĐÀM THOẠI GIỮA NHÀ NGOẠI CẢM PHAN THỊ BÍCH HẰNG VỚI BA ANH EM TÂY SƠN TAM KIỆT TẠI BÀN THỜ HOÀNG ĐẾ QUANG TRUNG
- BẢO TÀNG QUANG TRUNG HUYỆN TÂY SƠN
(17h00 NGÀY 26/11/2011, TỨC MÙNG 1/11 NĂM TÂN MÃO)

+ Nhà ngoại cảm (NNC) Phan Thị Bích Hằng:

- Xin Đức Hoàng Đế cho chúng con biết vị trí mà hiện nay tỉnh Bình Định đã cho thiết lập một bục lớn để tối nay hành lễ, trước hết vị trí đó có phải núi Ấn mà xưa kia thiên đình đã rao ấn cho nhà Tây Sơn không? Con xin Hoàng Đế cho chúng con được biết?

Đây là toàn bộ hình thái chung, đây là toàn cảnh khu vực. Chúng con biết hôm nay là ngày 1/11 năm Tân Mão còn lý do vì sao thì chúng con không biết. Con tấu lạy Đức Hoàng Đế. Hoàng Đế bảo con phải lấy nước ở 5 núi, 9 sông, chúng con nghe xong con có truyền đạt lại cho quan đầu tỉnh là Nguyễn Văn Thiện (hiện đang là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - VH) đã triển khai lấy đủ đất ở 5 núi: Mẫu Sơn (Lạng Sơn), núi Ba Vì (Hà Nội), núi Đại Huệ (Nghệ An), núi Bạch Mã (Huế), núi Chúa (Kiên Giang) và 9 sông: Kỳ Cùng (Lạng sơn), sông Đà (Hòa Bình), sông Hồng (Hà Nội), sông Lam (Nghệ An), sông Gianh (Quảng Bình), sông Hương (Huế), sông Côn (Bình Định) sông Cửu Long và sông Sài Gòn.
+ Hoàng Đế Quang Trung:

- Các ngươi có biết ngày hôm nay là ngày gì không? Việc này để Thái Đức huynh trưởng của ta nói cho biết. Ngày 1/11/1771 Tân Mão niên cách đây 240 năm đúng vào giờ Dậu chuyển sang giờ Hợi thì Thái Đức và thầy Chương (đúng ra là thầy Trương, tức Trương Văn Hiến. Bà Bích Hằng nói tiếng Bắc nên “biến” thành Chương) đã làm lễ tế ở trên đỉnh của Hòn Ấn. Các ngươi có biết vì sao ta tề tựu các ngươi về đây vào ngày hôm nay không? Cái chính là đúng 240 năm thì hào khí Tây Sơn được đánh thức dậy. Và hôm nay các ngươi có biết các ngươi còn thiếu gì không, ta chưa thấy các ngươi để chỗ nào để châm đuốc cả. Các ngươi có biết tục của người Thượng mỗi khi tế lễ phải đốt 3 ngọn đuốc thật lớn để tế thần lửa.

Đây là đàn trung tâm nằm ở giữa. Bên phải đi vào phía tả thanh long là nhà của Ban quản lý và phía hữu bạch hổ là nhà thờ các tướng Tây Sơn. Ta lưu ý các ngươi:

- Thứ nhất: Về nghi lễ thì hỏi Đông Định Vương vì chú ấy là người chữ nghĩa nhất nhà và chú ấy là người thụ nho giáo.

- Thứ hai: Sắp đặt như thế nào đó là việc của Thái Đức Hoàng Đế, dù sao Thái Đức Hoàng Đế cũng là huynh trưởng của ta. Dù ta là Hoàng Đế nhưng đối với Thái Đức Hoàng Đế ta chỉ là Bắc Bình Vương, ta chưa bao giờ nhận là là Hoàng Đế với Thái Đức cả.

- Thứ ba: Chọn người, dùng quân là việc của ta:

Ta khá khen các ngươi đã tìm được Hòn Ấn, tìm được đúng nơi thầy Chương và Thái Đức Hoàng Đế đã từng đến vào ngày 10/06 Tân Mão, Thầy Chương và Thái Đức Hoàng Đế đã được lệnh trên Thiên xuống và khi đến đó nhận được cái ấn. Khi có một tiếng sét đánh xuống thì thầy Chương và Thái Đức Hoàng Đế đã nhìn thấy chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Vậy các ngươi đã nhìn thấy chữ “Sơn Hà Xã Tắc” để ở đâu chưa? Các ngươi chỉ nói hình thái chung vậy nhưng ở bên trong các ngươi định đặt cái gì? Các ngươi đã có ý chưa? Ta cũng khá khen việc bố trí bên Bạch Hổ là nơi thờ tự các tướng lĩnh Tây Sơn như thế là đúng. Bên này để chữ “Nhân” để cho mọi người đến. Đàn này phải bố trí theo thế, các ngươi có biết thế gì không? Đó là thế “Thiên - Địa - Nhân”. Thiên là Trời, Địa là Thần và Nhân chính là con người. Bố trí thế này, Nhân phải lùi xuống, thấp hơn, Địa cao hơn một chút và Thiên là cao nhất. Ở ngoài vào thì các ngươi ghi gì đây? Đông Định Vương hỏi là các ngươi ghi gì đây? Ngọ Môn vẫn là Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ. Đông Định Vương dạy việc này để ta, các ngươi định rằng cứ để nhìn thế này hay sao? Vậy thì bút để đi đâu, giấy các ngươi để chỗ nào? Các ngươi phải có nhà, nhà phải có tên. Vậy không thể gọi đây là Đàn Tế Trời được, không đúng. Phải ghi ở trên đàn Thiên có chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Trên án thờ có hình cái ấn, trên ấn có chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Đây là ý của Đông Định Vương.

Lùi xuống chỗ dưới Ngọ Môn cổng chính có một bức hoành, ở đó ghi chữ là “BẢO SƠN THIÊN ẤN”; nghĩa là “nơi này là ngọn núi quý có ấn của Trời”. Ta có 2 lộc là 2 chiếc Quyền Trượng giao cho họ Trần ( Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV) và họ Nguyễn (Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định) để lo việc này cho trọn vẹn.

Phía trước Ngọ Môn trụ bên tả thanh long ghi hàng chữ: “Vạn cổ anh linh chiêu Việt địa”; bên hữu bạch hổ ghi hàng chữ “Thiên thu hiển hách đối Nam sơn”.

Ba cửa sau do hậu thế các ngươi tùy ý tự tác, mỗi người được quyền ghi một câu. Nên nhớ trước khi lên Đàn Tế Trời phải có ba bậc, mỗi bậc khi tế lễ phải đốt một ngọn đuốc. Các ngươi có hiểu thần Ma Ní là gì không? Nhà Tây Sơn lập nên nghiệp nhờ người Thượng, nên phải suy tôn thần của người Thượng (Ma Ní). Nhân: phải làm đồ cúng tế cỗ bàn bình thường. Địa: phải có lễ mặn. Thiên: phải có bông, trái quả đầy đủ.

Ta chỉ cho họ Nguyễn (có lẽ là Nguyễn Văn Thiện?) biết thủy bao sinh dưỡng vậy ta rất lấy làm hoan hỉ về có hồ bán nguyệt nhưng phía bên này còn thiếu thác nước. Tháp thác thiên vương phải có ở bên Thanh Long. Vận mệnh nhà Tây Sơn ứng với những năm có số 7. Dẹp loạn kết thúc vào năm 1777. Năm huynh trưởng ta nhận được ấn là 1771, vậy thì phải xây tháp 7 tầng, tầng trên có thác nước hồ lô chảy tràn nước xuống. Ta không theo đạo Phật, thờ nho giáo nên không xây 9 tầng, ta không phải là Trời nên không xây 13 tầng, chỉ xây 7 tầng, bên tháp của ngài thờ nghĩa quân tức là quân sĩ đối xứng tháp phải cao hơn đàn tế và cao hơn tầm người đứng tế.

Phải có sân để luyện quyền, tiền hoặc hậu đều được. Ta giao cho quan đầu tỉnh phải có trách nhiệm bố trí việc này. Ba anh em ta theo ba môn phái võ giờ đã mai một, đó là:

- Thái Đức Hoàng Đế: Hùng Kê Quyền.
- Quang Trung Hoàng Đế: Yến Phi Quyền.
- Đông Định Vương: Miên Quyền (còn gọi là nhu quyền).
Kết hợp ở thế tam tam thụ thụ:
Hùng Kê Quyền là Lực.
Yến Phi Quyền là Thế.
Nhu quyền là Tâm.
Muốn làm gì cũng phải có tâm, thế, lực.

+ Thái Đức Hoàng Đế nói:

- Chú Lữ vốn nho nhã, mềm yếu nên chú luyện nhu quyền. Đây là môn quyền học của người Miên nên gọi là Miên Quyền. Giữa cái nóng dận của ta với tính quyết liệt của chú Huệ thì phải có cái nhu của chú Lữ. Ba thế của Tây Sơn Tam Kiệt là như thế. Nhưng sẽ không làm nên cơ nghiệp nếu 3 anh em không kết hợp sẽ thành độc lư thương.

+ Đông Định Vương:

- Các người đặt Đàn Tế Trời ở đó là chí lý lắm. Đúng là Tây khởi nghĩa, Bắc thu công, đúng như thầy Chương đã dạy. Ở phía sau, hướng Bắc đặt một cái bàn gọi là bàn hạ lộc dành cho bá tánh muốn vào lễ phải đi qua cửa này. Y phục trang nghiêm, phẩm hàm mũ mão chỉnh tề thì đi cửa trước. Còn tất cả mẹ xa, con đỏ, lê dân trăm họ, cổ cày, vai bừa vừa đi làm đồng về cũng có quyền đi vào đàn thờ nhưng phải đi phía sau. Dù có quan trường phẩm hàm đến đâu khi về nhà vẫn là cha, là chồng, là con. Đây cũng có nghĩa là Bắc thu công.

Nếu do địa hình dốc không thể đặt bàn hạ lễ tế được thì phải có lư hương để cắm hương.
Ta chưa thấy các ngươi dương kỳ ở đâu. Vậy các ngươi phải đặt cột cờ ở phía trước đàn trung tâm.

+ Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng:
 
- Vừa rồi chúng con có làm lễ cầu siêu vào ngày 14/10 Âm lịch và làm lễ hoàn mãn cho đô đốc Bùi Thị Xuân tại Đền thờ Đô đốc. Chúng con xin ngài cho biết Đô đốc có hoan hỉ không ạ? Cũng tại Đền thờ Đô đốc anh Trần Bắc Hà có mang về một đôi voi bằng gỗ đang đặt ở ngoài thềm đền thờ. Vậy Đô đốc có hoan hỉ không, có phạm gì không ạ? Đôi voi để ở đó có được không?

+ Đông Định Vương:

- Nhà Tây Sơn ở đâu có voi ở đấy. Voi là hình ảnh luôn gắn liền với nhà Tây Sơn nên Đô đốc rất hoan hỉ, con gái Đô đốc sắp thành ngài rồi đấy.

Ở đây (Đền thờ Đô đốc) là nơi cho con người dương thế nhiều hơn. Họ chỉ đến đây để ngó nghiêng nên nơi đây không phải là nơi để tĩnh tâm, nặng lòng tưởng đến nhà Tây Sơn. Ơn cha có rồi, nghĩa mẹ có rồi, các ngươi đã về làm lễ ở Gò Lăng nên ta lấy làm cảm kích. Các ngươi còn nghĩ tới cả chuyện đoàn tụ cho Đô đốc và hoàn thi hài cho Đô đốc việc đó ta cảm kích lắm lắm, còn hơn cả 9 bậc phù đồ.

Nhưng ơn cha, nghĩa mẹ đã có đủ, còn thiếu công thầy và ta đau lòng mỗi khi nghĩ về thầy Chương rất dầy công dạy dỗ 3 anh em ta nhưng không có nơi nào để thắp một nén nhang tưởng niệm thầy Chương. Vậy thì hãy lập một bát hương để cho thầy Chương. Nếu nhà Tây Sơn có làm nên sự nghiệp mà quên thầy Chương thì chẳng phải là vong ân bội nghĩa lắm sao?

Thầy đi theo nhà Tây Sơn, thầy mang tiếng là bất hiếu vì cha thầy theo chúa Nguyễn. Bây giờ nhà Tây Sơn lại quên thầy thì có phải là nhà Tây Sơn bất hiếu, bất nghĩa, bất nghì luôn không? Các ngươi hãy giúp Tây Sơn Tam Kiệt trọn nghĩa với thầy. Đây cũng là trọn đạo.

Phải lập bát hương riêng của thầy, trên triều là đạo vua tôi, khi về nhà là đạo thầy trò, nên ta vẫn phải quỳ lạy thầy. Nên vẫn phải có bàn thờ riêng của thầy. Đạo luật không cho phép bàn thờ riêng của thầy được cao hơn Hoàng Đế nhưng phải có bàn thờ riêng.

+ Thái Đức Hoàng Đế:

- Vào năm chúa Nguyễn Phúc Thuần vẫn còn ở Gia Định thì ta và thầy Chương đã lên hòn núi mà xưa kia anh em ta vẫn gọi là hòn Vải để bàn sự nghiệp lớn. Lúc chúng ta lên tới nơi thì có mây đen vần vũ, mưa gió sấm sét, sau khi hết thì có ánh chớp, khi thầy trò ta lên theo nơi có ánh chớp thì thấy có ấn của Trời ở đó. Đó là ấn mang chữ “Sơn Hà Xã Tắc”. Vì vậy ta nhớ ngày đó là ngày mùng 10 tháng Mùi năm Tân Mão, ngày đó là ngày Tân Mão. Nên hôm nay khi các ngươi về đây đúng vào ngày này ta lấy làm hoan hỉ, sau 240 năm mà hào khí Tây Sơn được sống lại. Ba quân tướng sĩ cảm kích các ngươi lắm.
+ Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng:
 
- Xin cho chúng con nhắc lại câu chữ Ngài vừa dạy để thực hiện cho chính xác ạ.
 
+ Đông Định Vương:

- Nếu sai đi một nét thì nghĩa nó khác đi.

BẢO SƠN THIÊN ẤN: ở Ngọ Môn.

VẠN CỔ ANH LINH CHIÊU VIẸT ĐỊA: bên thanh long.

THIÊN THU HIỂN HÁCH ĐỔI NAM SƠN: bên bạch hổ.

TÂY KHỞI NGHĨA BẮC THU CÔNG là câu sấm truyền của thầy Chương khi sự nghiệp chinh phục ở phía Bắc thành công thì sự nghiệp mới khải hoàn, trọn vẹn, giang sơn thu về một mối.

Nhà Tây Sơn Tam Kiệt đúng ra là Tây Sơn Tứ Kiệt nhưng trời không cho tất cả, không thể là tứ tử trình làng nên còn có tam kiệt thôi. Tất cả ba anh em ta đều yểu thọ. Con cháu nhà Tây Sơn đều chết yểu nên nơi Đàn Tế nhà Tây Sơn ở dưới chân Đàn phải xin tuổi hạc, tuổi quy, xin thọ như hạc, trường thọ như quy. Nơi 4 góc ở 4 chân Đàn ai có đủ phúc thì người đó được đặt quy.

Nay ta ban cho:

+ Đối với Trần Bắc Hà: thuyền lương của nhà Tây Sơn trao hết về tay ngươi, hiện nay ngươi đang cầm thuyền lương xã tắc, thì ngươi cũng được phép đặt một con.

+ Đối với họ Nguyễn Hữu Luận: mệnh ngươi mong manh lắm nên cho ngươi đặt bên Thanh long 1 con quy.

+ Đối với quan đầu tỉnh Nguyễn Văn Thiện (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định): lấy ấn thì đặt 1 con quy ở bên Bạch hổ.

+ Còn 1 con nữa dành cho quan Lê Hữu Lộc (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) đặt ở cửa hậu.

Mỗi lần lên Đàn phải một bên rung chiêng, một bên thúc trống.

+ Hoàng đế Quang Trung:

- Trước khi cho các ngươi lui, ta dạy rằng: muốn xây dựng sự nghiệp trước tiên phải có LỰC, khi đã có LỰC mới tạo được THẾ, nếu không có LỰC và THẾ thì có TÂM cũng không làm được gì nên 3 anh em ta lúc nào cũng đan xen vào nhau. Ba anh em ta cũng có lúc khích khẩu nhưng chưa bao giờ tương tàn. Nhưng ta tiếc rằng đến đời con thì không giữ được đạo lý đó. Lúc nào ta cũng trân trọng huynh trưởng, dù sau này ông có thoái lui làm vương thì lúc nào trong lòng ta ông cũng là Thái Đức Hoàng Đế nên các ngươi phải nhớ điệp văn bao giờ cũng là Thái Đức Hoàng Đế đầu tiên rồi mới đến Quang Trung rồi Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Các ngươi đừng đặt Quang Trung lên trên ta lấy làm hổ thẹn với huynh trưởng của ta./.
 
Viết Hiền
Theo blog Văn Công Hùng 

Jonathan London - Mâu thuẫn và đồng thuận

Như đã cho biết, hôm kia và hôm qua tôi đã tham dự một hội thảo thường niên với tên gọi “Cập nhật về Việt Nam”. Năm nay, chủ đề hội thảo là “Mâu thuẫn và đồng thuận” do BTC nhất trí với nhà tài trợ. Tôi đã trình bầy về tình hình chính trị ở Việt Nam. Ngày mai tôi sẽ trình bày tiếp bằng tiếng Việt cho một số người bạn Việt Nam ở Melbourne, trong đó có nhiều người Việt hải ngoại và học sinh Việt Nam đang du học tại đây.
Tại hội thảo, tôi đã lắng nghe nhiều bài thuyết trình. Trong đó những bài hay nhất đã đề cập đến những vấn đề nổi bật đối với các thể chế mất hữu hiệu của Việt Nam như hiến pháp, đất đai. Sau hai ngày hội thảo, người tham gia đã thảo luận về kết quả của hội thảo. Tôi cũng như một người khác có quan điểm là chủ đề “Mâu thuẫn và đồng thuận” không phù hợp.
Sao vậy? Xã hội nào cũng có mâu thuẫn, cũng như cạnh tranh xã hội. Cả hai yếu tố đó là cơ bản. Vậng, cũng có thể và nên phấn đấu có những đồng thuận xã hội. Nhưng, quan trọng hơn cả là những ‘đồng thuận’ không thể thực hiện qua một phương diện áp đạt. Nếu mong muốn có một xã hội hoàn toàn hài hòa thì bạn phải suy nghĩ lại. Suy nghĩ như thế là nguy hiểm lắm (ví dụ như Đức Quốc Xã, Bắc Triều Tiên hiện nay, Khmer Đỏ, TQ… v.v).
Vấn đề của bất cứ xã hội nào là tìm cách để cân bằng những mâu thuẫn xã hội với sự hợp tác xã hội. Ở đây sự hợp tác cũng phải thực chất, không thể giả dối được. Vấn đề ở Việt Nam hiện nay là những thể chế chính trị hình thức của đất nước không thể đáp ứng được như cầu của xã hội mà chỉ có thể phục vụ lợi ích của một số nhóm xã hội.
Đúng ra, Việt Nam có mâu thuẫn và có đồng thuận. Vấn đề là những mâu thuẫn không được bàn luận một cách dân chủ. Trong khi đó, đồng thuận mà Việt Nam có hiện nay là chỉ trong vòng một nhóm 16 người mà thôi. Tôi thấy chưa được.

Jonathan London
Melbourne, Úc
  (Xin lỗi ông )

Giáo dân ở VN viếng ông Ngô Đình Diệm


Lễ viếng Tổng thống Ngô Đình Diệm tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ngày 1/11

Ngày 1/11, hàng chục người đã công khai đến viếng mộ cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm nhân 50 năm ngày mất của ông tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Lái Thiêu, Bình Dương.

Thông tin từ trang chuacuuthe.com cho biết buổi lễ có sự góp mặt của các giáo dân ở miền Nam và do cha Antôn Lê Ngọc Thanh chủ trì.

Blogger Nguyễn Hoàng Vi, người đi dự buổi lễ, nói với BBC trước đó đã nhận được thông báo về thời gian và địa điểm tổ chức lễ viếng từ linh mục Thanh.

Lực lượng an ninh đã có mặt để theo dõi và giám sát, nhưng không gây khó dễ gì cho khoảng 50-60 người đến dự, blogger này cho biết thêm.

Hình ảnh được đăng tải trên tài khoản Youtube của Dòng chúa Cứu thế Việt Nam cho thấy nhiều giáo dân và các cha xứ đứng chắp tay và mang theo hoa, vây quanh phần mộ của ông Ngô Đình Diệm và em trai ông, Ngô Đình Nhu.

Trong bài phát biểu được ghi hình, linh mục Thanh cũng lên tiếng phản đối cách nhìn về Tổng thống Diệm trong chương trình lịch sử của Việt Nam ngày nay.

"Hiện nay, trong chương trình môn sử thuộc bậc đại học cũng như trung học, khi nhắc đến ông Diệm, họ vẫn lên án ông là một người độc ác và phản quốc," ông nói.

"Tuy nhiên, cả các học sinh cũng lười biếng nghiên cứu, tìm hiểu, cuối cùng làm cho xã hội nối tiếp nhau cả một sự gian dối".

"Khi nhà cầm quyền không dám đối diện và trung thực với sự thật lịch sử thì sẽ làm cho đất nước Việt Nam ngày càng trở nên gian dối và băng hoại nhân cách con người, vì nhân cách con người không thể xây dựng khi không có nền móng.”

'Chấp nhận cái chết'

Linh mục Thanh cũng nói Tổng thống Diệm đã chống lại lời khuyên đánh phủ đầu các tướng lĩnh muốn đảo chính và chấp nhận cái chết của mình.

"Biến cố chúng ta kỷ niệm ngày hôm nay là ngày ông Ngô Đình Diệm, và cố vấn Ngô Đình Nhu bị sát hại vì chủ trương tuyệt đối không cho một quân ngoại bang nào được quyền chi phối đất nước Việt Nam," ông nói.

"Bối cảnh khi đó là người Mỹ muốn đưa quân vào, nhưng ông Diệm nói rõ là chúng tôi rất cần những người cố vấn, nhưng để lo liệu cho đất nước chúng tôi thì phải là người Việt."

"Vài ngày trước khi Tổng thống bị sát hại, ông Vỹ, một người thân cận với Tổng thống, đã xin lệnh đánh phủ đầu những nhóm [muốn đảo chính]".

"Tổng thống trả lời tại sao lại lấy quân Việt Nam đi đánh quân Việt Nam?"
"Chết thì đã sao, không thể vì mình mà để huynh đệ tương tàn, quân đội náo loạn, quốc gia ngày càng suy kiệt."

Đi tìm sự thật

"Là một người sinh sau năm 75, tôi học lịch sử về Tổng thống thì không có một ấn tượng gì tốt về ông hết. Có những sự thật về Tổng thống không như những người trẻ được học từ sách sử của mái trường xã hội chủ nghĩa."
Blogger Nguyễn Hoàng Vi
Blogger Nguyễn Hoàng Vi nói lý do cô dự lễ viếng vì muốn "đi tìm sự thật" về Tổng thống Ngô Đình Diệm.

"Là một người sinh sau năm 75, tôi học lịch sử về Tổng thống thì không có một ấn tượng gì tốt về ông hết," cô Vi nói.

"Có những sự thật về Tổng thống không như những người trẻ được học từ sách sử của mái trường xã hội chủ nghĩa."

Blogger cho biết nhóm của cô bắt gặp tại lễ viếng một cụ già 90 tuổi, người năm nào cũng đi từ Biên Hòa xuống viếng mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm nhân ngày giỗ của ông.

"Ông nói là ông biết ơn Tổng thống", blogger này thuật lại. "Chắc chắn rằng k‎‎ý ức của ông cụ đó về Tổng thống Diệm phải rất tốt đẹp, ông mới không ngại đường xa và tuổi tác để đến viếng như thế."

"Tôi nghĩ rằng lớp trẻ nên đi tìm hiểu sự thật ngoài những gì mình được học, được đọc, qua những nhân chứng còn sống tới bây giờ như cụ già mà tôi gặp trong buổi lễ ngày hôm qua."
(BBC)
 

Tại sao tưởng niệm ông Ngô Đình Diệm?



Tổng thống Ngô Đình Diệm được cho là người có quan điểm chống lại sự chỉ đạo của Hoa Kỳ

Ngày 02/11/2013 là ngày tròn 50 năm ngày ông Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa, và bào đệ của ông là Cố vấn Ngô Đình Nhu, bị sát hại trong cuộc đảo chính năm 1963.

Và trong những ngày này tại Mỹ, Pháp và một số nước khác, cộng đồng người Việt Nam – trong đó có không ít người Công giáo – đã và sẽ tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện cho họ.

Riêng ở Việt Nam vào trưa ngày hôm nay (01/11), các Cha Dòng Cứu Thế cũng đã dâng lễ tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, ở Lái Thiêu, để cầu nguyện cho hai ông. Và có thể, trong các Thánh lễ ngày mai ở Việt Nam và như nhiều nơi khác, cũng có nhiều người nhắc tên và cầu nguyện họ.

Trong 50 năm qua đã có vô số tài liệu, bài viết bằng tiếng Anh, tiếng Việt, tiếng Pháp (của người Việt cũng như người nước ngoài, thuộc nhiều chính kiến khác nhau) về ông Ngô Đình Diệm, về cuộc đời, sự nghiệp hay về gia đình của ông. Trong số đó, có không ít ý kiến cho rằng ông là một vị tổng thống độc tài, bất lực và chế độ tổng thống của ông là chế độ gia đình trị.

Dư luận chung cũng không có ấn tượng tốt về ông, sự nghiệp của ông và gia đình ông, đặc biệt kể từ khi hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu giữa thành phố Sài gòn vào tháng 6 năm 1963. Biến cố ấy làm cho dư luận thế giới và người Miền Nam lúc ấy nói riêng có thêm ác cảm với ông và nó cũng là một lý do quan trọng dẫn đến sự thất bại của Đệ nhất Cộng hòa do ông thiết lập.

Việc ông bị ám sát hụt hai lần trước đó và bị đảo chính rồi bị ám sát năm tháng sau vụ tự thiêu ấy cũng chứng tỏ rằng ông có không ít kẻ thù, trong đó có những người từng là thuộc hạ, gần gũi với ông.

Hơn nữa, ông và gia đình ông bị nhiều người – trong đó có những ‘người thắng cuộc’, những người không cùng chung chuyến tiến với ông – ghét và bôi nhọ một phần vì ông và gia đình là những người chống Cộng, là những người ‘bại trận’.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ông bị tất cả mọi người ghét bỏ hay không ai nhìn nhận, tôn trọng ông và những đóng góp của ông. Việc hàng năm và đặc biệt năm nay có nhiều người, nhiều nơi tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện cho ông chứng minh điều đó.

Câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có người yêu mến và tôn trọng ông?

Một người liêm khiết
"Dù có thể có nhiều học giả, các nhà nghiên cứu không đánh giá cao về ông, nhưng đa số đều nhận định rằng ông là một người trung thực, đạo đức, liêm khiết."
Dù có thể có nhiều học giả, các nhà nghiên cứu không đánh giá cao về ông, nhưng đa số đều nhận định rằng ông là một người trung thực, đạo đức, liêm khiết.

Trong cuốn ‘Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam: 1950-1963’, xuất bản năm 2006, Seth Jacobs – một trong những học giả nước ngoài viết khá nhiều về ông Ngô Đình Diệm và cũng có cái nhìn không mấy thiện cảm về ông – vẫn thừa nhận rằng ông là một người trong sạch, vô vị lợi. Vì theo tác giả này, thậm chí sau khi trở thành tổng thống, ông vẫn sống một cuộc sống khổ hạnh.

Một bài viết của James MCAllister và Ian Schulte có tựa đề ‘The Limits of Influence in Vietnam: Britain, the United States and the Diem Regime, 1959–63’, được đăng trong tạp chí Small Wars and Insurgencies, năm 2006, cũng cho rằng ông Diệm là một người liêm khiết, đức hạnh.

Theo cựu Ðại tá Lý Trọng Song – nay là Phó tế vĩnh viễn (thường được gọi là Thấy Sáu Song), hiện đang giúp tại Cộng đoàn Công giáo London và người đã từng làm cận vệ cho ông Ngô Đình Diệm trong Phủ Thủ tướng và Phủ Tổng thống từ năm 1954 đến 1956 – ông là một người có lối sống rất đơn sơ, nghèo khó. Chẳng hạn, giường ngủ của ông chỉ là một cái divan (một tấm ván) trải bằng chiếu, không có nệm.

Có thể ngày hôm nay có không ít người cảm phục ông Diệm vì họ tìm ở nơi ông những đức tính đó – đặc biệt khi họ đọc và biết được tham nhũng đang trở thành quốc nạn tại Việt Nam.

Cũng theo cựu Đại tá Song, ông Diệm là một người có đầy đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín vì ông xuất thân từ một gia đình hiếu học, làm quan và chịu nhiều ảnh hưởng của cả Công giáo và Nho giáo.

Ông có đời sống khổ hạnh một phần cũng vì trong những năm 1940 và 1950, ông đã từng sống trong các đan viện tại Bỉ và Pháp. Một chi tiết được Thầy Sáu Song nêu ra để giải thích tại sao ông Diệm không lập gia đình – một điều nhiều người đặt câu hỏi về ông – là vì ông Diệm đã đi tu trong dòng Ba của dòng Benedicto, một dòng khổ tu ở Bỉ. Và vì đã khấn trong dòng này, ông không nghĩ tới chuyện lập gia đình và chỉ biết ‘thờ phượng, kính mến Thiên Chúa và lo cho quốc gia, dân tộc’.

Các tài liệu viết về ông, đặc biệt sách vở, báo chí nước ngoài, đều nhấn mạnh rằng ông là một người Công giáo đạo hạnh, thánh thiện. Đây cũng là một lý do tại sao trong những ngày này người Công giáo tưởng nhớ và cầu nguyện cho linh hồn ông – người có Tên Thánh là Gioan Baotixita (hay John Baptist theo tiếng Anh).

Hơn nữa, ông và ông Nhu bị ám sát vào ngày 02/11 – đúng ngày Giáo hội Công giáo tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người đã qua đời. Vì vậy, đâu đó có những Thánh lễ cho ông cũng là chuyện bình thường và là việc nên làm.

Một người yêu nước
Hàng năm vẫn có người đến viếng mộ Tổng thống Ngô Đình Diệm trong nước
Một điểm khác về ông đều được nhiều người công nhận đó là ông là một người yêu nước, yêu dân tộc. Chẳng hạn, trong cuốn ‘Patriots and Tyrants: Ten Asian Leaders’ xuất bản năm 1999, Ross Marlay và Clark Neher, nhận định rằng cả ông và Hồ Chí Minh đều là những người yêu nước nồng nàn. Có điều định mệnh, thời cuộc và chính kiến đã biến họ thành kẻ thù của nhau.

Một chi tiết được các tài liệu đề cập đến khi viết về ông đó là việc ông từ chức Thượng thư Bộ lại (gần tương đương với chức Thủ tướng) trong chính phủ Bảo Đại năm 1933 để phản đối việc Pháp không tiến hành những cải cách cần thiết để trao thêm quyền tự trị cho Việt Nam.

Trong bài ‘Vision, Power and Agency: The Ascent of Ngô Ðình Diệm, 1945-54’ – được coi là một trong những nghiên cứu quan trọng, trung thực về ông Ngô Đình Diệm – được đăng trên Journal of Southeast Asian Studies, Edward Miller nêu rằng trong thời gian ông Diệm nắm quyền (1954-63), có nhiều người ở Việt Nam và những nơi khác mô tả ông như là một con rối của Mỹ được Washington đưa lên nắm quyền và giúp đỡ nhằm thực hiện những mục đích của Mỹ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Nhưng theo tác giả này, các tài liệu được viết từ những năm 1960 trở về sau đều nhấn mạnh việc ông nhất quyết từ chối những lời khuyên của Mỹ và không muốn chịu sự chỉ đạo của Mỹ. Việc ông và chính quyền Mỹ cuối cùng chia tay nhau là một ví dụ.

Cựu Đại tá Lý Trọng Song cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Diệm chỉ muốn nhận viện trợ của Mỹ chứ không chịu sự áp đặt, can thiệp của Mỹ và nhất quyết từ chối cho lính Mỹ vào Miền Nam Việt Nam vì ông cho rằng cho quân đội nước ngoài chiếm đóng trên lãnh thổ Việt Nam làm cho chính phủ của ông mất chính nghĩa.

Cũng theo người cựu cận vệ này, ông Diệm là một người yêu dân, yêu nước, yêu dân tộc vì nếu không ông có thể chọn ra nước ngoài và tránh bị ám sát. Ông nhắc lại rằng trước những ngày diễn ra cuộc đảo chính, Đại sứ Mỹ ở Sài gòn lúc đó là Henry Cabot Lodge gọi điện thoại cho ông Diệm và ‘nói rằng nếu ngài muốn an toàn thì tới Tòa đại sứ’ và ông Diệm đã trả lời ‘đây là đất nước của tôi, tôi không đi đâu hết’.

Hơn nữa, cũng như Edward Miller nêu lên trong bài báo của mình, trong những giai đoạn 1945-54 ông bôn ba ở ngoại cũng chỉ vì muốn tìm con đường giúp đất nước thoát khỏi ách đô hộ của Pháp và giành tự do, độc lập. Trong cuốn sách của mình, Seth Jacobs cũng nêu lên rằng có thể người dân Miền Nam không thích ông như họ tôn trọng ông và khâm phục tinh thần dân tộc mạnh mẽ nơi ông.

Giai đoạn khó khăn
"Đâu đó có nhiều ý kiến cho rằng ông là một người độc tài. Nhưng nếu so sánh ông, chính phủ ông với những chế độ cầm quyền ở Đông Á, Đông Nam Á hay ở Miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn ấy, chưa chắc ông đã độc tài hơn những chế độ đó."
Ngoài ra, dù muốn hay không cũng phải thừa nhận rằng ông là một người có tầm nhìn, có tài. Nếu không ông chẳng bao giờ có thể trở thành Thủ tướng, Tổng thống và lập nên nền Đệ nhất Cộng hòa.

Nhưng trong thời năm nắm quyền của ông, miền Nam Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, cũng như bất cứ quốc gia nào trong thời đầu hậu thuộc địa, phải đối diện nhiều khó khăn.

Những khó khăn đó một phần do tích cách, quan điểm hay chính con người ông tạo nên. Chẳng hạn Ross Marlay và Clark Neher nêu rằng ông ‘là người không thực cho một hoàn cảnh không thể’. Theo hai tác giả này là một người Công giáo nhiệt thành ông lại lãnh đạo một đất nước đa phần Phật giáo và những đức tính của ông lại trở thành những nhược điểm hủy hoại ông.

Cựu Đại tá Lý Trọng Song cũng cho rằng vì ông quá thánh thiện, nhân từ ông bị nhiều người khác lợi dụng, ám hại.

Rồi bối cảnh miền Nam Việt Nam, Việt Nam và thế giới nói chung lúc ấy cũng không dễ dàng gì để có thể xây dựng một thể chế vững mạnh, hiệu quả, một xã hội dân chủ, tự do và một đất nước hòa bình, phát triển trong một thời gian ngắn.

Nhưng chỉ trong một thời ngắn ít hay nhiều ông đã làm được một số việc quan trọng. Chẳng hạn, như Đại tá Lý Trọng Song nêu lên, ông đã giúp dẹp được các phe nhóm, đảng phái gây bất ổn cho Miền Nam lúc đó. Theo Seth Jacobs đây cũng là một thành công của ông được người Miền Nam ghi nhận.

Và trên hết, như Edward Miller nhận định, việc anh em ông bị lật đổ không thể chứng minh được rằng những ý tưởng, dự định của họ là luôn xấu, vô hiệu. Sau biến cố 1963, Miền Nam Việt Nam thay đổi tổng thống, chính phủ liên miên và mọi chuyện càng tệ hơn.

Đâu đó có nhiều ý kiến cho rằng ông là một người độc tài. Nhưng nếu so sánh ông, chính phủ ông với những chế độ cầm quyền ở Đông Á, Đông Nam Á hay ở Miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn ấy, chưa chắc ông đã độc tài hơn những chế độ đó.

Đặt ông trong bối cảnh như vậy, ít hay nhiều để thấy rằng cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm và Đệ nhất Cộng hòa ông thiết lập không tệ như mọi người nhận định, mô tả hay được nghe.

Đó cũng là một lý do đâu đó có nhiều người Việt hải ngoại tổ chức tưởng niệm, cầu nguyện và công nhận đóng góp của ông trong những ngày này.

Đoàn Xuân Lộc
Gửi cho (BBC) từ Global Policy Institute, London
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một trí thức Công giáo hiện làm nghiên cứu tại Viện Global Policy, London.
 

Thống đốc Bình có biết?

- Dạ thưa chị! Chúng em cũng chỉ nghĩ đến liệt sỹ thôi chị ạ. Việc làm của chúng em xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” chị ạ. Có linh hồn liệt sỹ chứng giám cho tấm lòng chúng em trong sạch chị ạ!....
Nguyễn Hoàng Phương, Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nhắc đi nhắc lại với nhà báo Thu Uyên, Chủ nhiệm chương trình “Trở về từ ký ức” của VTV như vậy.
Khuôn mặt chữ nãi méo xẹo , nhợt nhạt, mắt sụp xuống và môi đãi ra, nhìn phì nộn và trơ tráo hệt như một tên ăn trộm bị bắt quả tang. Bộ dạng ngây ngô như “Con cáo giả cừu” trong truyện ngụ ngôn của Jean de La Fontain !
Đồng điệu với vai diễn lố bịch ấy là Phó Tổng giám đốc khuôn mặt ngắn xám xịt, và mấy cán bộ của ngân hàng ngồi kề bên. Ai đã từng nhìn những khuôn mặt vênh váo trên ghế bành trong phòng lạnh ngân hàng, hoặc hừng hực hơi men trong các cuộc nhậu đổ quan xiêu đình, chắc sẽ hiểu thế nào la sự đổi mầu của loài bò sát kỳ nhông. Nhưng kỳ nhông chỉ đổi được màu da, không đổi được giọng nói như những quan chức ngân hàng chính sách xã hội khi họ đến gặp nhà báo năn nỉ đừng đưa vụ lừa đảo tỉm hài cốt liệt sỹ lên TV.
"Cậu Thủy" (áo trắng, bìa trái ảnh) 
nghe đọc lệnh bắt - Ảnh: Bùi Thanh
Thu Uyên hỏi:
- Anh có thể cho biết tiền chi cho nhà ngoại cảm từ khoản nào không?
- Dạ thưa chị ! – Lại ngoan ngoãn dạ thưa - Cán bộ công nhân viên góp 4 ngày lương mỗi năm ạ! Công đoàn, được sự chấp thuận của đảng ủy, đã ra nghị quyết như thế ạ. Để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sỹ ạ! Thưa chị ,tất cả đều là tình nguyện ạ!
Hơn 10.000 cán bộ, công nhân viên Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã thực hiện cái nghị quyết “Uống nước nhớ nguồn” ấy, đã tình nguyện đóng góp mỗi quý một ngày lương để xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Có lẽ chẳng ai băn khoăn tiếc rẻ khi làm một nghĩa cử như vậy. Ngược lại sẽ rất vui vì đã góp phần xoa dịu bớt nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Bây giờ không hiểu hơn 10.000 đoàn viên công đoàn Ngân hàng chính sách xã hội có biết, và tâm trạng của họ ra sao, khi tiền họ bỏ vào cái quỹ ấy lại chui vào túi kẻ lừa đảo mang danh nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Thủy , tức “Cậu Thủy”?
Có lẽ không khỏi choáng. Bởi một lần nữa niềm tin lại bị đánh cắp.
Nhưng xót xa hơn vạn lần là thân nhân liệt sỹ.
Chiến tranh đi qua mấy chục năm rồi , hàng vạn người mẹ, người vợ, người con vẫn ăn không ngon, ngủ chưa yên, bởi chưa biết chồng ,con,cha, anh ,em mình còn ở nơi nào. Trái tim luôn thắt thỏm! Một khoảng trống vô mình khó lấp đầy khi chưa tìm được hài cốt người thân! Giờ này con ở đâu? Giờ này anh ở đâu? Giờ bố ở đâu? Giờ này ...Những điệp khúc nhói lòng.
Ai đã từng là thân nhân liệt sỹ chắc hiểu được tâm trạng ấy, tâm trạng kết tinh từ nỗi xót xa đằng đẵng tháng ngày . Trong tâm trạng ấy, ngày tháng luôn ngóng chờ tin, dù chỉ như một đốm lửa lóe lên cũng tràn trề hy vọng tìm được hài cốt người thân. Trên dãy Trường Sơn bạt ngàn , giữa những cánh đồng mênh mông Nam bộ, trong rừng thốt lốt Campuchia, hay lưng chừng cao nguyên Pô-lô-ven nước bạn Lào...
Trong tâm trạng ấy, dù ở tận chân trời góc bể nào thân nhân liệt sỹ cũng sẽ tới, để mang về , dù chỉ là một nắm đất nơi người thân đã nằm chờ mấy chục năm qua. Bao nhiêu bà mẹ cố sống thoi thóp để chờ giờ phút đó.
Mẹ đã ứa nước mắt vì vui sướng bất ngờ, trái tim già nua thổn thức khi các “Thiên thần áo xanh nõn chuối” ( Màu đồng phục của Ngân hàng chính sách xã hội) bảo với mẹ rằng , con mẹ ở chỗ này, chỗ kia và ngày mai, ngày mốt sẽ trở về với mẹ trong màu cờ Tổ Quốc. Và toàn bộ chi phí cho cuộc tìm kiếm , quy tập ấy do Ngân hàng chính sách xã hội của chính phủ bỏ ra , để đền ơn đáp nghĩa!
Mẹ đâu ngờ , bọc trong lá cờ Tổ Quốc màu máu đỏ rực ấy, không phải là xương con mẹ, cũng không phải xương đồng đội nó, thậm chí không phải xương người, mà là xương bò, xương lợn , là những thứ ngụy tạo của bọn khốn nạn táng tận lương tâm.
-Tội ác này không thể dung thứ!
Ông Mẫn Bá Tiến , em trai liệt sỹ Mẫn Bá Phùng đau đớn thốt lên.
Anh trai ông sinh năm 1947, nhập ngũ năm 1966 , hy sinh năm 1968. Bố mẹ ông mấy chục năm day dứt vì chưa tìm được hài cốt con. Lúc sắp qua đời hai cụ trăn trối lại cho ông : “ Cố gắng tìm xương cốt của anh mang về nơi chôn rau cắt rốn!”
Thực hiện di nguyện của cha mẹ , gia đình ông đã tìm kiềm nhiều năm nhưng chưa biết hài cốt liệt sỹ Mẫn Bá Phùng ở đâu.
Thế rồi có người mách bảo ông tìm đến “ Cậu Thủy”. Cùng ở thị trấn Chờ, ông Tiến đã nghe danh “ Cậu Thủy” có tài nhìn xuống lòng đất gọi hồn người chết. Thỉnh thoảng đi qua ngõ nhà “ Cậu Thủy” ông gặp người ra vào. Ông nghe nói “Cậu Thủy” đã được nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ tìm mộ liệt sỹ ..
Biết tin gia đình ông Mẫn Bá Tiến nhờ “ Cậu Thủy” tìm mộ liệt sỹ Mẫn Bá Phùng , ông Lê Văn Tiến, nguyên trưởng công an thị trấn Chờ can ngăn.
Ông Tiến kể : “ Tôi cùng nhập ngũ với anh Phùng , cùng hành quân vào chiến trường Đông Nam bộ. Ngày ấy thỉnh thoảng đi lấy gạo chúng tôi vẫn gặp ngau. Đúng ngày 22-4-1972 tôi nhận được tin anh Phùng đã hy sinh trong một trận đánh lớn ở miền Đông Nam bộ. Hết chiến tranh trở về, tôi được biết anh hy sinh năm 1968 theo giấy báo tử cùa đơn vị”
Ông Lê Văn Tiến không lạ gì nhân thân Nguyễn Văn Thủy. Từng là một sỹ quan công an bị sa thải, Nguyễn Văn Thủy đã có tiền án phạm tội lừa đảo và cướp đoạt có vũ khí, bị xử phạt 10 năm tù. Cũng tội danh ấy, vợ y là Mẫn Thị Duyên bị tù 12 năm. Năm 2005 được ra tù, hai vợ chồng chuyên hành nghề cúng bái. Đã nhiều lần ông Lê Văn Tiến cảnh cáo và xử phạt hành chính Thủy, Duyên về hành vi lừa đảo và mê tín dị đoan . Với một kẻ như vậy thì trời phật nào chứng mà bảo được ơn trên ban cho xứ mệnh tìm mồ mả giúp đời?
Dù vậy ông Lê Văn Tiến không can ngăn được gia đình liệt sỹ Mẫn Bá Phùng, và cuộc tìm kiếm đã được “Cậu Thủy” thực hiện trót lọt.
Hài cốt liệt sỹ Mẫn Bá Phùng được tìm thấy ở Đắc Lắc. Giữa một cánh rừng già, bên cạnh con suối. Cậu Thủy cắm nhang , bào đào 40 cm sẽ thấy hài cốt. Đúng y như vậy. Đào 40 cm là thấy xương, thấy di vật. Một đôi dép cao su Trung Quốc, 5 cái cúc áo, một chiếc bình tông. Chiếc bi đông móp méo, han rỉ, có hàng chữ châm bằng đinh, cách đánh dấu mà ngày xưa những người lính giải phóng thường làm : “Mẫn Bá Phùng F7 H Bắc”.
Những mẩu xương khó xác định nhưng những di vật thì chỉ cần tỉnh táo một chút là biết ngụy tạo. Đôi dép cao su Trung Quốc còn rất mới. Dòng chữ “Mẫn Bá Phùng F7 H Bắc” trên chiếc bi đông cũng mới khắc . Vô lý hơn là liệt sỹ hy sinh ở miền Đông nam bộ lại chôn ở Tây Nguyên?
Ông Lê Văn Tiến nói:
- Tôi kiên quyết không sang dự lễ truy điệu . Sang lễ xương trâu xương bò thì tôi thấy có lỗi với anh Phùng!”
Không chỉ riêng ông Lê Văn Tiến nhận ra bộ mặt lừa đảo của Nguyễn Văn Thủy.
Khi “ Cậu Thủy” vào khai quật ba ngôi mộ tập thể ở Bình Long , ông Nguyễn Văn Mãng, phó giám đốc Sở lao động thương bình - xã hội Bình Phước , và cán bộ chiến sỹ Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ K72, Bộ chỉ huy quân quân sự tình cũng phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Ông Mãng kể: “ Chúng tôi biết họ lừa. Bởi điểm khai quật là một cánh rừng cao su đã ba lần khai thác , trồng đi trồng lại. Những bộ hài cốt tìm thấy quá dễ dàng, ngay gốc cây cao su chết, ở độ sâu 30 cm . Nếu đó là hài cốt liệt sỹ chôn từ trước giải phóng , thì qua ba lần cày xới để trồng lại cao su làm gì còn? Thế rồi có liệt sỹ hy sinh ở Bến Cát , Bình Dương, hài cốt lại ở đây, cách nhau 100 km. Trớ trêu hơn là hai liệt sỹ hy sinh cách nhau hai năm chung một huyệt mộ và có liệt sỹ hy sinh năm 1975, nhưng di vật chôn kèm là một huy hiệu ghi năm 1975...
Khi nhận bàn giao 15 bộ hài cốt, Bộ chỉ huy quân sự và Sở lao động thương binh –xã hội kiểm tra ADN, thì không phải xương người. Có khúc xương Nguyễn Văn Thủy nói là xương liệt sỹ, mang rửa sạch thấy hai đầu trám bằng xi măng đen , ở giữa nhồi cát trắng...!”
Những bằng chứng như vậy vẫn không làm gì được Nguyễn Văn Thủy. Cái mặt ngắn ngủn dán cặp kính râm dấu hai con mắt tròn như mắt cú vẫn nhâng nhâng. Thủy rất tự tin và thái độ rất xấc xược. Ông ta quát nạt mọi người , đuổi cán bộ chiến sỹ K72 ra khỏi khu vực khai quật. Cậu Thủy làm trời như vậy vì chung quanh được bao bọc toàn một màu áo xanh nõn chuối,- màu của tiền nhân danh nhân danh Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam!
Nhưng đi đêm có ngày gặp ma! Cái mặt nạ của Nguyễn Văn Thủy bị xé nát khi ông ta bày trò lừa đảo ở Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị.
Đại tá Trần Minh Thanh nói với báo VNEXEPRESS:
- Nếu hôm đó tôi không yêu cầu anh em khai quật bằng tay thì thất bại. H ay nếu cứ để người của phía Ngân hàng chính sách xã hội nhảy vào cất bốc cũng sẽ không lật tảy được vụ việc. Khi chúng tôi đào bằng tay ở ngoài nơi nhà ngoại cảm chỉ , thì không thấy gì. Còn đào tại vị trí ông ta chỉ thì có hiện tượng lạ như đất rất mềm, rễ cây tràm bị đứt khô, có lẫn lá tràm xanh trong đất... nên chúng tôi xác định ngay là lừa đảo.
Thì ra Nguyễn Văn thủy đã cho người tới đây năm sáu tháng trước để bí mật chôn sẵn xương trâu, xương lợn, yểm sẵn những chiếc lọ Penicinin ghi tên liệt sỹ và những di vật ngụy tạo. Cách bài binh bố trận kỹ lưỡng và quy mô, không chỉ một vài người có thể làm được.
Mỗi bộ hài cốt giả Nguyễn Văn Thủy được Ngân hàng chính sách xã hội trả 75 triệu đồng. Chỉ một đêm ở Đắc Lắc, Thủy tìm được 42 “bộ hài cốt” ẵm gọn hơn 3tỷ, và theo thông tin ban đầu, tới ngày 27-10-2013, Nguyễn Văn Thủy đã được Ngân hàng chính sách xã hội chi trà 7,9 đồng cho 105 bộ hài cốt giả.
Gần tám tỷ đồng chi cho 105 bộ hài cốt liệt sỹ giả!
Hãy nghe lời thanh minh của Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam :
- Chúng em chỉ nghĩ đến các liệt sỹ! Chúng em không hề biết những việc làm của ông Nguyễn Văn Thủy. Chúng em đã bị lừa chị ạ !
Ô hay, các vị bịt tai nhắm mắt hay sao mà không nghe dư luận?
Hơn thế,Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Bình Phước đã có công văn nói rõ sự việc Nguyễn Văn Thủy lừa, nhưng các vị vẫn ép phải đưa “hải cốt liệt sỹ” vào nghĩa trang!
Vì cái gì nhỉ? Hay là có sự ăn chia với nhau rồi, há miệng mắc quai? Vì cái gì mà một bầy áo xanh nõn chuối bao quanh “Cậu Thủy”, hết nhập đồng vật vã như điên dại, hết quỳ lạy như phát cuồng, là lăn xả vào đào bới, bốc hốt? Vì cái gì mà từ Tổng giám đốc đến Chủ tịch Công đoàn ngân hàng o bế “Cậu Thủy” ? Vì cái gì mà tìm tòi, moi móc mấy cựu chiến binh ra làm chứng ? Thật mỉa mai khi có người hàm hồ, rằng từng chỉ huy trận nọ, trận kia, cấp tiểu đoàn. trung đoàn , khi thực tế lúc bấy giờ họ mới là tiểu đội phó? Phải chăng chỉ vì tấm lòng đối với những chiến sỹ hy sinh vì nước?
Hãy lột cái mặt nạ ra, đừng giả nai nữa, lố bịch lắm.
Mấy bữa nay ngôi nhà ba tầng lầu , kiến trúc theo kiểu biệt thự, trước cổng có hai con sư tử đá , trên nóc cổng có hai con rồng vàng chầu mặt nguyệt, giữa sân có hòn đá phong thủy, trên tầng lầu có điện thờ thần linh, của vợ chồng Nguyễn Văn Thủy ở thị trấn Chờ không người ra vào. Ngôi nhà này với chiếc xe Toyota Land Cruiser và nhiều tài sản khác , Nguyễn Văn Thủy đã mua bằng tiền bán những bộ hài cốt liệt sỹ giả cho Ngân hàng chính sách xã hội. Đừng nói Ngân hàng chính sách xã hội bị Nguyễn Văn Thủy lừa. Kẻ bán và người mua cùng một duộc lừa dân .
Gần 8 tỷ đồng mua 105 bộ hài cốt liệt sỹ giả.105 lá cờ Tổ Quốc bọc những mẩu xương trâu, xương lợn . 105 bọc xương trâu , xương lợn chôn chung trong Nghĩa Trang với các anh hùng liệt sỹ đã bỏ mình vì nước!
Nguyễn Văn Thủy và đồng bọn không chỉ xúc phạm 105 liệt sỹ mà xúc phạm anh linh hàng triệu liệt sỹ. Không chỉ làm nhục 105 gia đình thân nhân liệt sỹ mà làm nhục toàn thể nhân dân Việt Nam.
Nhân danh người lính, nhân danh một gia đính có 8 liệt sỹ, tôi, người viết bài này, hỏi ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Trung ương đảng, Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội một câu, chỉ một câu đơn giản, là: “Ông có biết việc này không, có hiểu đạo lý đó không?”.
Nếu biết thì ông có nên tiếp tục ngồi trên cái ghế đó không?
 Minh Diện
(Blog Bùi Văn Bồng )

Nguyễn Hưng Quốc - 'Cậu Thủy' và 'Cậu Hồ'

Hằng ngày, tôi vẫn vào các tờ báo mạng ở trong nước, từ lề phải đến lề trái, để đọc tin. Có điều, hầu như chưa bao giờ tôi mở các bản tin về những chuyện như “tâm linh” hay “ngoại cảm”. Với tôi, chúng đều thuộc loại nhảm nhí, không đáng mất thì giờ: vô ích, hơn nữa, còn có thể gây cảm giác bức bối khó chịu: vô duyên. Vậy mà, tình cờ, sáng nay, một người bạn lại hỏi tôi về “Cậu Thủy”. Tôi ngơ ngác, không biết gì cả. Anh mới kể vắn tắt về các “thành tích” của “cậu”. Thấy thú vị, về nhà, tôi vào internet để… làm quen với “cậu”.

“Cậu” tên thật là Nguyễn Văn Thúy, quê ở thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh, sinh năm 1959, năm nay 54 tuổi. Trước, “cậu” làm công an; sau, không biết vì lý do gì, “cậu” về làm dân. Quen thói cũ, làm dân, “cậu” cũng không chịu sống một cách lương thiện: Cậu tàng trữ vũ khí quân dụng và lừa đảo hết người này đến người khác. “Cậu” và vợ “cậu” bị bắt và ở tù hơn 10 năm. Được thả về, mấy năm sau, “cậu” bỗng nổi tiếng là một nhà ngoại cảm xuất sắc và càng ngày càng giàu.

Cái giàu của “cậu” có thể nhìn thấy ngay ở ngôi nhà “cậu” ở: Nhà ba tầng, xây theo kiểu biệt thự, trên nóc có hai con rồng chầu; trước cổng, có hai bức tượng sư tử bằng đá trắng lớn sừng sững rất uy nghi. Trong nhà, nghe nói, các vật dụng đều thuộc loại đắt tiền.

Tiền ấy từ đâu ra?

Trước hết là từ khách hàng của cậu, những người muốn tìm hài cốt hoặc mồ mả của thân nhân. Suốt mấy chục năm chiến tranh, số người chết mà không tìm thấy xác hoặc xác bị vùi vội vã đâu đó trong rừng hoặc trên đồng hoang khá nhiều. Sau chiến tranh, một số người bị tù hoặc bị cải tạo chết và bị lấp dối giá đâu đó dưới lớp đất nông cũng không ít. Thân nhân những kẻ bất hạnh ấy không ngừng tìm kiếm. Cách tìm kiếm được báo chí trong nước quảng cáo nhiều nhất là nhờ các nhà ngoại cảm, trong đó, có “Cậu Thủy”.

Nghe nói khách hàng của “cậu” đông đến độ, lúc nào cũng nườm nượp; nhiều người, muốn gặp cậu, phải ăn chực nằm chờ trước nhà “cậu” cả đến mấy ngày trời. Khi gặp, “cậu” yêu cầu ghi tên người chết muốn tìm để “cậu” gọi âm binh tìm kiếm hoặc nhờ “Mẫu” chỉ giúp. Sau khi đã được “âm binh” báo cáo, “cậu” cho thuê xe chở gia đình khách hàng đi tìm mộ. Toàn bộ chi phí xe cộ và tài xế cho chuyến đi, khách hàng phải trả, khoảng năm bảy chục triệu. Cuối cùng, sau khi tìm được mộ thân nhân rồi, khách lại phải “hậu tạ” cho “cậu” một số tiền nữa. Nói chung, theo dư luận, muốn đến gặp “cậu”, người ta phải chuẩn bị ít nhất là 150 triệu đồng!

Thứ hai, một số cơ quan nhà nước cũng nhờ “cậu”, trong đó, được đề cập đến nhiều nhất là Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cơ quan này đã nhờ “cậu Thủy” tìm kiếm hài cốt và mồ mả của các liệt sĩ. Dĩ nhiên là “cậu” làm được ngay. Tổng cộng, “cậu” tìm được 105 bộ hài cốt; mỗi bộ, được trả 75 triệu đồng; như vậy, “cậu” bỏ túi cả thảy được 7.9 tỉ đồng (khoảng gần 400.000 đô la). Các hài cốt được “cậu” tìm, sau đó, được mang về cải táng trong Nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh một cách long trọng để mọi người thấy rõ là đảng và chính phủ không hề quên ơn những người con đã hy sinh thân mình cho… cách mạng!

Nhưng mới đây, một số nhà báo, sau nhiều năm âm thầm điều tra, đã tiết lộ một sự thật khủng khiếp: những cái gọi là hài cốt ấy chỉ là xương heo hay xương bò mà “cậu” Thủy đã thuê người chôn sẵn. Chưa hết. “Cậu” còn khôn ngoan chôn theo một số bình tông (“bidon”, bình đựng nước) có khắc tên nguệch ngoạc cũng như một số đôi dép cao su. Có điều phần lớn các bình tông cũng như dép cao su ấy còn khá mới. Nhưng không sao. Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn nhắm mắt trả tiền cho “cậu”. Miễn là có cái xương nào đó mang về cải táng trong Nghĩa trang liệt sĩ để thân nhân của họ an tâm và đồng bào khắp nơi đến thắp nhang kính vái!

Trước những sự thật được vạch trần không thể chối cãi được đó, ngày 28 tháng 10 vừa qua, công an đã đến còng tay “cậu Thủy”. Những ngày sau đó, báo chí khắp nơi nhao nhao chửi bới “cậu” là nhà ngoại cảm dỏm (ý là có những “nhà ngoại cảm” thật?).

Riêng tôi, đọc, tôi lại thấy thương “cậu”. Đương nhiên là “cậu” có lỗi, trước hết và chủ yếu là có lỗi với thân nhân những người đã chết. Những người ấy chắc phải thương bố/mẹ/chồng/vợ/con của mình lắm nên trong bao nhiêu năm không ngừng tìm kiếm; đến khi cầm được bộ xương heo/bò ngỡ là hài cốt của người thân, hẳn họ mừng rỡ vô cùng. Đến lúc nhận ra được sự thật, không biết họ sẽ đau đớn đến độ nào? Nhưng dù vậy, tôi vẫn thương “Cậu Thủy” vì, nghĩ cho cùng, tội của “cậu” cũng chả có gì đặc biệt.

Ở Việt Nam, trong thế kỷ 20 vừa qua, có một “nhà ngoại cảm” khác lừa dối nhiều người và nhận được nhiều tiền thưởng bất chính hơn “cậu Thủy” nhiều: Đó là “Cậu Hồ”.

“Cậu Hồ” cũng có tài sai khiến rất nhiều âm binh. “Cậu” cũng có “Mẫu” chỉ vẽ từng đường đi nước bước. “Cậu” cũng đem nhiều xương heo, xương bò, xương chó… ra lừa dân chúng để mọi người tin đó là thánh tích hay xá lợi của các bậc thần linh rồi sì sụp cúi lạy. “Cậu Thủy” chỉ làm 105 bộ hài cốt liệt sĩ giả; “cậu Hồ” chế tạo không những hài cốt liệt sĩ giả mà cả hài cốt quốc tổ giả và thần thánh giả; không những chỉ quy tập trong các nghĩa trang mà còn dựng sừng sững trong các cung điện, lâu đài, dinh này phủ nọ hết sức lộng lẫy và nguy nga. Nhiều bộ xương đến bây giờ vẫn còn ngọ nguậy và phóng uế tùm lum. “Cậu Thủy” chỉ lừa được một dùm người trong có sáu năm; “Cậu Hồ” thì lừa được cả thiên hạ trong gần một thế kỷ.

“Cậu” nào cũng dỏm. Nhưng nghĩ cho cùng, so với “cậu Hồ”, “cậu Thủy” chỉ là một thằng nhóc khôn lỏi. Có gì mà phải làm ầm ĩ chứ? Thôi, tha cho “cậu” ấy đi mấy bạn công an ạ.

Đồng môn và đồng chí với nhau cả mà.
 
Nguyễn Hưng Quốc
  (VOA)

Đào Tuấn - Chuyện 3 viên tướng

Những viên tướng phải chịu trách nhiệm đến cùng trước những gì mình nói, trước những gì quân sĩ mình làm.
 
Bác gái tôi, một người vợ liệt sĩ tóc đã bạc trắng sau hơn 30 năm chờ tin chồng tối qua đã khóc khi đọc được ở đâu đó lời hứa của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh “Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cho đến bao giờ tìm hết thì thôi”.

Vâng, bao lâu cũng sẽ tìm. Khó mấy cũng phải tìm. Và tìm đến bao giờ hết thì thôi.

Có thể, dư luận quan tâm đến lời khẳng định “Bộ Quốc phòng chưa bao giờ phối hợp với nhà ngoại cảm”.

Có thể, những người đóng thuế sẽ dõi mắt đến nguồn gốc số tiền 75 triệu hay 7,9 tỷ mà một ngân hàng đã chi cho những “Cậu Thủy”- “nhà ngoại cảm xương heo” vừa “nhập kho”.

Có thể, lương tri xã hội đang phẫn nộ khi sự bất lương dưới cái danh tâm linh, ngoại cảm, đang dùng xương thú Bắc Ninh hay bi đông Chợ Lớn để làm giả hài cốt của những nghĩa sĩ trận vong.

Nhưng những bà mẹ, những người vợ của ngót 500.000 liệt sĩ còn chưa tìm thấy xác thân đã chờ đợi lời hứa, chờ đợi sự cam kết này suốt mấy chục năm qua. Tiếng súng, dường như đã dứt trên giải đất hình chữ S này từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Thông điệp của Tướng Thanh, có lẽ cũng đã khiến biết bao nhiêu người mẹ, người vợ rơi nước mắt tối qua. Rớt nước mắt vì tủi thận, rớt nước mắt vì thương cảm, và cũng rớt nước mắt vì biết rằng Tướng Thanh, cũng là một người lính, chắc chắn chẳng bao giờ bỏ đồng đội của mình. Xã hội có thể đảo điên, niềm tin có thể có lúc khủng hoảng, nhưng không ai, không bao giờ, không ở đâu, người ta được phép nghi ngờ tình đồng đội của những chiến binh đặt sự sống chết trên đầu ngọn giáo.

Những viên tướng đã liên tục xuất hiện trong những ngày qua để nói về những vấn đề của thời bình, với một điểm rất dễ nhận thấy, là bằng sự thẳng thắn, tự tin kiểu “nhà binh”.

Nhớ hôm trước, Tướng Chung, Giám đốc Công an Thành phố, trả lời báo giới về vụ Cát Tường, đã khẳng định như đinh đóng cột rằng: “Cơ quan công an quyết tâm là phải tìm thấy, bằng mọi giá phải tìm thấy… Chưa bao giờ có vụ nào mà cơ quan công an không tìm được xác”.

Một sự tự tin, trong hoàn cảnh suốt gần 2 tuần qua, xác nạn nhân vẫn như bóng chim tăm cá. Một sự tự tin, bắt đầu từ thái độ trách nhiệm, như một liều thuốc an thần mang tính chất giải tỏa cho những dấu hỏi chung mang tính xã hội. Nhất là trong bối cảnh tình hình tội phạm đang ở vào cái thế khó “số bắt vào đã hơn số mình đặc xá”, còn nhà thù thì “có phải mở ra mãi được đâu”, như xác nhận của một viên tướng khác.

Tuần của những viên tướng được kết lại bằng việc một viên tướng bị trảm giữa trận tiền, ngay trong đêm. Đó là HLV đội tuyển U23 quốc gia Hoàng Văn Phúc, sau một trấn đấu mà một đứa trẻ con bắt đầu tập đá bóng cũng thấy là “có mùi”.

Những người theo chủ nghĩa hoài nghi thì đặt câu hỏi về một “cuộc chiến cung đình” tại VFF mà viên tướng tên Phúc, vô phúc, chỉ đóng vai trò con tốt. Nhưng chẳng có âm mưu nào cả khi trước mắt dân chúng là một trận hòa như bán độ. Chẳng có cái gì gọi là “toan tính” khi thể thao đáng lẽ phải là nơi nêu cao tinh thần cao thượng.

Một viên tướng nhà binh cam kết trách nhiệm với những đồng đội đã mất của mình, một viên tướng bảo an cam kết trừng trị đích đáng một cái ác để đem đến cái thiện, thì không có lý gì một viên tướng như ông Phúc có thể kêu một chữ “Oan”.

Chỉ giá như ông Phúc nhìn trận hòa đó như một nỗi nhục. Chỉ giá như viên tướng đó đàng hoàng ký tên vào lá đơn có trong đó hai chữ từ chức để chịu trách nhiệm đến cùng trước những gì mình nói, trước những gì quân sĩ mình làm.
  Đào Tuấn
  (Blog Đào Tuấn )

Chuyện từ chức và văn hóa chính trị

Tất nhiên, không phải cứ có vụ việc gì xảy ra trong lĩnh vực mình phụ trách thì quan chức phải nghĩ ngay đến việc từ chức. Tuy nhiên, điều người ta thấy là ở nhiều nước, chỉ cần một cây cầu gãy là ông bộ trưởng giao thông đã có thể tuyên bố từ chức để nhận trách nhiệm vì đã để xảy ra sự cố trong hệ thống do mình phụ trách, mặc dù có thể ông ta không có trách nhiệm trực tiếp trong việc xây dựng hay vận hành chiếc cầu ấy. Ở ta thì có lẽ đó là chuyện trong mơ.
“Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”, “Cần sự góp sức của toàn xã hội”… Thường nghe các quan chức của ta phát biểu như vậy khi xảy ra những vụ việc, sai phạm nghiêm trọng khiến công luận bức xúc. Và rồi bắt đầu kịch bản đổ lỗi: ngành dọc đổ cho địa phương, cấp trên đổ cho cấp dưới, bộ đổ cho sở, sở đổ cho phòng. Trái bóng trách nhiệm cứ thế lăn, ngày càng mù mờ, thậm chí cuối cùng trách nhiệm không còn biết là của ai, mà là của “toàn xã hội”.

Tất nhiên, trong nhiều trường hợp, xã hội có thể có tác động lên hành xử của con người trong bộ máy công quyền. Nhưng xã hội là một khái niệm quá rộng để có thể nói là phải chịu trách nhiệm về hành xử của một con người trong bộ máy. Bởi khi được tuyển dụng vào làm việc trong bộ máy, được đặt để vào một vị trí nào đó, họ đã được giao nhiệm vụ, với quyền hạn và trách nhiệm tương đối rõ ràng, với những điều phải làm và những điều phải tránh, không được làm.
Chuyện y đức là một chuyện như vậy. Bác sĩ cũng là một con người, sống trong xã hội này họ cũng chịu sự tác động của xu hướng chạy theo đồng tiền bằng mọi giá, tác động của sự suy đồi đạo đức xã hội nói chung. Nhưng, là người được đào tạo và được giao nhiệm vụ cứu người, họ phải nắm chắc đâu là việc phải làm và đâu là những giới hạn không thể vượt qua. Một khi vi phạm giới hạn ấy họ phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc làm của mình. Còn với quan chức lãnh đạo ngành y, một nhiệm vụ không thể thoái thác là làm thế nào để mọi bác sĩ và nhân viên trong ngành của mình luôn tuân thủ y đức vì đó là lẽ sống của nghề. Không làm tròn nhiệm vụ đó, họ không thể đổ cho ai khác.
Nhưng tiếc thay, chúng ta đã chứng kiến điều ngược lại, đó là đổ lỗi cho xã hội nói chung và đổ lỗi qua lại sau những vụ việc chấn động liên quan đến ngành y vừa qua . Không ai nghĩ mình phải gánh trách nhiệm cá nhân, không ai nghĩ đến việc từ chức.
Nếu việc biết từ chức là một thứ văn hóa thể hiện thái độ trách nhiệm cá nhân của quan chức đối với việc làm sai trái hoặc chỉ là không đúng mực của chính mình hoặc của thuộc cấp trong hệ thống do mình phụ trách thì ngược lại, việc không biết hoặc không dám từ chức gắn liền với một thứ văn hóa chính trị trong đó trách nhiệm cá nhân không được đề cao, mọi sai trái, yếu kém đều được đổ cho tập thể, mặc dù khi có thành tích thì người ta vẫn có thể vơ vào cho riêng mình để tiếp tục thăng quan tiến chức.
Đó là một thứ văn hóa chính trị gắn liền với cơ chế trong đó quan chức chủ yếu chỉ phải chịu trách nhiệm trước tổ chức, trước cấp trên đã cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm họ chứ không phải trước người dân. Trong thứ văn hóa chính trị ấy, người dân nhiều lúc cảm thấy mình đứng ngoài những quá trình chính trị chính thức mà họ không sao tác động tới được. Sự bất bình của họ, nếu có, cũng không tác động gì được tới sự vận hành của những quá trình ấy. Hệ quả là, nói theo ngôn ngữ lý thuyết văn hóa chính trị, tính tham dự của người dân và lòng tin của họ vào hệ thống chính trị, nhân tố chủ yếu trong văn hóa chính trị, dựa trên sự thỏa mãn ngày càng nhiều các giá trị vật chất (như sự an toàn kinh tế và thân thể) và hậu vật chất (như sự bình đẳng xã hội) ngày càng suy giảm.
Như vậy, việc thiếu dũng cảm nhận lãnh trách nhiệm cá nhân, thiếu văn hóa từ chức của quan chức trước những sai phạm nghiêm trọng cuối cùng chỉ làm tổn hại cho văn hóa chính trị của cả hệ thống. Để có được lòng tin của người dân, một hệ thống với văn hóa chính trị lành mạnh phải dám đối diện và nhận lãnh trách nhiệm đối với những yếu kém, sai phạm của chính mình.

Đoàn Khắc Xuyên
(Người đô thị

Người Việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự công bằng

Người Nhật xếp hàng trong các điểm dịch vụ công cộng là điều cả thế giới nhìn nhận là một nét văn hóa đặc biệt không phải đâu cũng có. Nhất là sau vụ thảm họa kép năm ngoái, toàn thế giới không chỉ được nghe đồn đại, hay đọc đâu đó mà được chứng kiến thực tế và mọi dân tộc khác đều phải ghen tị với việc xếp hàng này.

Trong cuộc sống hàng ngày, tại các bến xe lửa, trước cửa toa tàu là hai hàng người đứng hai bên cho người trên tàu xuống và lần lượt lên. Nếu không hết, người còn lại kiên nhẫn chờ chuyến tới và họ không chen lấn hay phàn nàn điều gì.

So với người Nhật, tại sao chúng ta ít xếp hàng? Hay nói cách khác, người Việt chúng ta có xếp hàng không? Và có được như người Nhật không?

Tôi sinh ra khi chiến tranh gần kết thúc và lớn lên trong giai đoạn bao cấp, giao thời mở cửa rồi đến kinh tế thị trường hiện nay. Tôi còn nhớ câu chuyện vui về xếp hàng phát chẩn (cho tiền, gạo những người bị tai nạn) thời xưa: “Số tôi thật không may, hôm trước đi nhận phát chẩn đứng cuối hàng nên khi đến lượt thì hết. Hôm qua đi sớm, họ lại phát từ cuối hàng lên và đến nơi cũng hết. Hôm nay, tôi cố gắng đứng giữa hàng, khổ nổi, họ phát từ hai đầu lại và… cũng hết khi đến lượt tôi”.

Trong thời bao cấp, dù muốn hay không mọi người đều phải xếp hàng, tuy nhiên việc xếp hàng dần dần có tiêu cực trong đó, có sự xí chỗ, có sự bán chỗ đã “xếp gạch” và điển hình hơn những người nhà, thân quen sếp sẽ có được các cách lấy hàng mà không phải xếp hàng.

Thời gian đó, ở các bến tàu, bến xe, việc có được một vé đi xe khách trước đây rất vất vả, phải xếp hàng từ rất sớm trước khi xe chạy cả ngày. Nhưng người có mối quan hệ, quen biết sếp… sẽ bỗng nhiên chen ngang và lấy hết suất vé, đành quay về chờ chuyến khác và mọi người đều phải sống chung với chuyện đó.

Việc này tồn tại đến tận bây giờ. Các loại vé xe, vé tàu, vé thể thao, vé sự kiện nghệ thuật… đều có sự chen ngang. Hay gần đây, chúng ta biết nhiều việc xếp hàng xin cho con đi học từ mẫu giáo, cấp một mà báo chí nhiều lần thông tin. Trong làm ăn kinh tế, nếu xếp hàng chờ đến lượt để có dự án, chắc mọi người sẽ phì cười vì phi thực tế hiện nay.

Tôi không ví dụ thêm nữa, chắc các bạn cũng hiểu trước nay, xưa kia và hiện tại thì người Việt Nam đều xếp hàng, chen ngang và mất chỗ diễn ra khắp nơi, mọi lĩnh vực, mọi hình thái, trong cả giáo dục, nghiên cứu khoa học đến nông dân bán hàng hóa… 


Hàng nghìn người chen lấn, xô đẩy để giành ăn sushi miễn phí tại Hà Nội. Ảnh: Jenny

Vậy nó nói lên điều gì? Đó là lòng tin của việc xếp hàng. Tôi dẫn chứng không đi quá xa về quá khứ, nhưng có thể nói: trong mỗi con người Việt Nam, lòng tin đạt được từ xếp hàng quá thấp, không ít thì nhiều, nhiều người có kinh nghiệm trả giá từ xếp hàng, bị chen ngang. Chính điều này khiến họ phải chủ động tranh chỗ, chen lấn nhau trong xếp hàng?

Trong cơ quan, thay vì xếp hàng chờ đến lượt, nhiều người đã chủ động “chạy” trước để xen ngang, tác động quan hệ để đạt được cái mình mong muốn, từ tâm lý này, tạo niềm tin vào xếp hàng đi xuống.

Với người Nhật, họ tin tưởng, biết chắc chuyến tàu tiếp theo sẽ đến và họ sẽ lên được tàu. Tin tưởng chắc chắn phần họ mong đợi trong xếp hàng sẽ đến và họ yên tâm xếp hàng, mọi người đều đồng thuận trong văn hóa này.

Người Việt Nam khi ra nước ngoài, hầu hết cũng xếp hàng và theo trật tự của nước sở tại, nghĩa là họ cũng tin cậy và kiên nhẫn với hàng mình đợi. Người nước ngoài đến Việt Nam, cũng có nhiều người lái xe máy phóng vèo vèo, vượt đèn đỏ, xếp hàng cũng chen lấn, tại họ ư? Chắc chắn khó mà lý giải được!

Như vậy, không phải ý thức của người dân Việt Nam chúng ta kém, không phải chúng ta không muốn xếp hàng, hay người Việt Nam chúng ta không kiên nhẫn. Chúng ta có thể thấy từ các hệ quả của xen ngang trong hàng đợi trong cuộc sống, từ các nhà quản lý “con ông cháu cha”… đã dẫn đến mất lòng tin để phải xếp hàng.

Bạn sẽ làm gì khi xếp hàng mà không tin là mình sẽ nhận được kết quả? Chen lấn, xô đẩy, đút lót, chạy chọt… làm sao cho mình đến được đích trước người khác. Và thế là chúng ta không xếp hàng được như người Nhật?
 
Đặng Vân Phúc 
  (VNExpress)

Không bỏ lúa vụ ba mà còn tăng diện tích

lua1-305.jpg
Nông dân chăm sóc lúa ở ĐBSCL, ảnh chụp năm 2013. RFA

Trái ngược với khuyến cáo của giới khoa học và thực tế làm lúa không thể làm giàu, Bộ Nông Nghiệp-Phát triển Nông thôn kiến nghị tiếp tục mở rộng diện tích lúa vụ ba lên 1 triệu héc-ta trong 7 năm sắp tới.
Sản xuất trong mùa lũ

Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục làm lúa vụ ba trong đê bao khép kín hoặc những nơi thích hợp. Đây là một phần nội dung dự thảo về quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ 3 (thu đông) đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Hồi đầu tháng 9 đã có những thông tin là sẽ giảm sản lượng lúa từ năm 2014 và những năm tiếp theo. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm dần sản xuất lúa vụ ba, song hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các hoa màu khác. Nhưng đến nay thì đã thấy rõ hơn về việc quan điểm ủng hộ cây lúa vẫn còn chi phối tư duy các nhà tham mưu chính sách.

Như vậy, trên thực tế đồng bằng sông Cửu Long sẽ chưa giảm sản xuất lúa nói chung và vẫn làm hai vụ lúa chính gồm đông xuân hè thu và vụ thứ ba là thu đông. Riêng vụ xuân hè cũng là vụ ba ở một vài nơi, thì không được khuyến khích.

PGS-TS Phạm Văn Dư, cục phó Cục trồng trọt phát biểu từ Cần Thơ:

“Vấn đề giảm diện tích vụ ba thì thật ra chúng tôi không đề ra cái đấy. Vụ ba vẫn là vụ chúng tôi nghĩ rằng nó cho chất lượng lúa gạo tốt nhất chỉ thua đông xuân. Thứ hai là nó có thể làm giống cho vụ đông xuân khá tốt.”

Vấn đề tăng thu nhập cho nông dân qua làm ba vụ lúa một năm được Bộ NN-PTNT đưa vào dự thảo quy hoạch. Theo đó qua điều tra vùng Tứ gíac Long Xuyên và Đồng Tháp Mười vào thời điểm 2009, nếu một héc-ta trồng hai vụ lúa thì người nông dân có lãi từ 20,6 triệu đồng tới 21,2 triệu đồng/héc ta. Cùng diện tích đó nếu làm ba vụ lúa mức lời của nông dân từ 28,2 đến 28,7 triệu đồng/héc ta.

Từ thập niên 1990 theo chủ trương của Chính phủ, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển hàng chục ngàn km đê bao khép kín để ngăn lũ. Từ đó nông dân các địa phương đã sản xuất vụ lúa thứ ba trong mùa lũ bên trong hệ thống đê bao này. Theo Bộ NN-PTNT năm 2013 các tỉnh vùng đồng băng sông Cửu Long đã canh tác tới 800.000 héc-ta lúa thu đông vượt qui hoạch khoảng 100.000 héc-ta.

lua22-250.jpg
Đồng lúa ở ĐBSCL, ảnh chụp năm 2013. RFA PHOTO.
Giới khoa học từ nhiều năm nay phản biện việc sản xuất vụ ba bên trong đê bao khép kín vì cho rằng lợi bất cập hại. Theo nhà nông học Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng trường Đại học Tân tạo Long An: sản xuất vụ ba trong đê bao thì tất nhiên đồng ruộng không được lũ bồi đắp phù sa, không được nước lũ tẩy rửa làm vệ sinh, phát sinh dịch bệnh. Sau vài năm, lượng phân bón thuốc trừ sâu sử dụng phải gia tăng để có năng suất. Nói chung sản xuất vụ ba trong đê bao lợi nhuận không nhiều nhưng tác hại lại không nhỏ. GSTS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh:

“Cái mọi người không thấy, để đạt năng suất mong muốn nông dân bón phân nhiều hơn, nhưng thực tế phân đó không được hấp thu hữu hiệu. Nghiên cứu của Viện lúa Quốc tế cho thấy, chừng 60% phân đó bốc hơi thành khí ammonia hoặc oxýt nitơ, là hai loại khí nhà kính rất là độc, nó làm trầm trọng thêm sự biến đổi khí hậu. Tất cả những thứ này người ta không thấy, họ chỉ thấy có thêm hạt lúa, nhưng theo tôi làm lúa với bất cứ giá nào thì không phải là thông minh lắm.”
Thêm vụ ba mới thoát nghèo?

Theo quan điểm của Bộ NN-PTNT trình bày trong dự thảo qui hoạch được Saigon Times đưa tin ngày 26/10/2013, khoảng 80% hộ nông dân đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trồng lúa dưới 1 héc ta. Do vậy làm thêm một vụ lúa có thể giúp người nông dân thoát nghèo; cũng theo nghiên cứu của Bộ, hộ dân có 1,5 héc ta trồng lúa hai vụ thì mới chỉ đủ ăn, làm thêm vụ ba mới có thể tích lũy.

Những người nông dân đang làm vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long nói gì, khi đồng hành với chính quyền địa phương và Bộ NN-PTNT trong sản xuất lúa vụ ba.

“Dân ở đây đồng tình làm vụ ba, nhất là vụ ba lợi nhuận cao hơn vụ nhì. Biết rằng từ khi làm vụ ba nó mất đi cái màu mỡ mặc lòng, nhưng mà công ăn việc làm của bà con ở địa phương được thoải mái hơn.”

Bộ NN-PTNT lập luận là làm vụ ba không những tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp các dịch vụ máy cày, máy gặt, lò sấy tăng hoạt động. Cho nên vừa là tạo công ăn việc làm, vừa giúp thu hồi vốn nhanh hơn cho những nông dân có đầu tư vào lãnh vực này.

Trả lời Đài ACTD, TS Dương Văn Ni, chuyên gia môi trường học Đại học Cần Thơ nhận định rằng, nông sản trong đó có lúa gạo đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhưng phải xem nên sản xuất ở đâu và sản xuất như thế nào để không gây tác hại môi trường. TS Dương Văn Ni nhận định:

“Có nhiều vùng khi mà giữ nước thấp quanh năm như vậy thì các mương, kinh rạch bên trong vùng đó nó bị ô nhiễm trầm trọng và người dân không thể sử dụng nước mặt này được, bắt buộc người ta phải sử dụng nước ngầm. Chuyện bơm nước ngầm lên càng nhiều thì làm cho bên trong đê mặt đất lún sụt càng nhanh hơn. Thứ hai nữa là trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều vùng mà nguồn nước ngầm bị ô nhiễm hóa chất như thạch tín, như vậy nó cũng ảnh hưởng sức khỏe người dân.”

Bộ NN-PTNT đang soạn Dự thảo Quy hoạch phát triển sản xuất lúa vụ 3 tức vụ thu đông, theo đó một trong những cách tăng thu nhập cho người nông dân là phải tăng vụ, tăng năng suất. Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2015 diện tích lúa vụ 3 của đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 830.000 héc-ta và đến năm 2020 sẽ ở mức trên một triệu héc-ta.

Đối với vấn đề tiếp tục sản xuất lúa vụ ba trong đê bao chống lũ, TS Dương Văn Ni từ Cần Thơ phát biểu:

“Nếu chúng ta nhìn một cách tổng thể, chuyện tăng một vụ lúa được bao nhiêu, lời lỗ bao nhiêu so với cái mà chúng ta phải trả giá cho cả một vùng rộng lớn. Đặc biệt chúng ta nhìn toàn cục cho vùng đồng bằng sông Cửu Long thì chúng ta sẽ thấy rằng đôi khi làm thêm lúa vụ ba ở những vùng ngập sâu như vậy không phải là giải pháp bền vững cho tương lai.”

Câu chuyện Bộ NN-PTNT kiến nghị duy trì sản xuất lúa vụ ba ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời còn tăng diện tích vụ này lên 1 triệu hec-ta vào năm 2020 có vẻ gây ngạc nhiên lớn. Đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu gạo giá thấp đầy khó khăn, cũng như kỳ vọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang các loại cây có giá trị cao hơn.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-11-01 

Hậu Giang: Chuyện buồn của những cô gái xuất ngoại lấy chồng

(Dân trí) - Không kham nổi cuộc sống khổ cực bên nhà chồng, nhiều cô dâu Việt phải bỏ trốn về quê, việc ly hôn cũng gặp nhiều khó khăn, kéo theo đó là những đứa con lai khó hòa nhập với cuộc sống nơi quê mẹ.
Xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) được xem là một trong những địa phương có trào lưu lấy chồng nước ngoài nhiều nhất ở tỉnh Hậu Giang. Theo thống kê của chính quyền địa phương xã cho biết, từ khoảng năm 1999 đến nay, toàn xã có gần 300 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, nhiều nhất là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc… 

Bỏ trốn về quê vì nhà chồng nghèo hơn nhà mình

Tiếp chuyện với PV Dân trí, ông Trần Văn Quen - cán bộ Tư pháp xã Vị Thắng - cho biết, tình hình phụ nữ ở địa phương lấy chồng nước ngoài gia tăng qua các năm. Theo ông Quen, thời gian qua, việc lấy chồng nước ngoài thường theo phong trào và chủ yếu là vì kinh tế. “Có tình trạng ông này thấy nhà kế bên có con đi lấy chồng nước ngoài gửi tiền về cho cha mẹ trả nợ, xây nhà, mua xe nên cũng bắt mối gả con gái đi nước ngoài. Cứ thế hết nhà này đến nhà khác nên có một thời cũng rôm rả lắm”, ông Quen nói.

Cũng theo ông Quen, qua thống kê cho đến giờ có khoảng 60% phụ nữ ở địa phương lấy chồng nước ngoài có cuộc sống khá tốt, còn lại hầu như là gặp nhiều trắc trở. Trong đó, có nhiều chị em phụ nữ phải bỏ trốn về quê nhà vì không chịu được cảnh sống quá khó khăn ở bên nhà chồng.

Ông Quen cho hay, chỉ tính riêng trong năm 2013 có 21 trường hợp phụ nữ địa phương lấy chồng nước ngoài. Trong đó có 9 trường hợp lấy chồng Trung Quốc và hầu hết những trường hợp này đều gặp bất hạnh. “Khi tổ chức đám cưới thì thấy bên nhà trai cũng khá lắm nhưng khi qua bên nhà chồng, một số chị em mới biết sự thật là nhà chồng nghèo hơn nhà mình nên không kham nổi cuộc sống bên đó, vì thế đã bỏ trốn về quê nhà”, ông Quen cho biết.

Đơn cử như chị T.T.N.G (ngụ ấp 9) mới lấy chồng Trung Quốc hồi tháng 4/2013. Khi qua bên đó mới biết nhà chồng ở tận miền núi xa xôi nghèo khổ nên chị G. đã bỏ trốn đến 2 lần mới về được Việt Nam. “Chị G. có đến UBND xã để xin làm thủ tục ly hôn nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Hiện chị này cũng không ở nhà mà đi làm ở tận Bình Dương”, ông Quen thông tin.

Hay như trường hợp của chị T.T.M.T lấy chồng Hàn Quốc từ năm 2009 cũng bỏ về nhà 1, 2 năm nay. Trường hợp của chị N.T.C (ngụ ấp 12) cũng lấy chồng Hàn Quốc, sau đó bỏ trốn về quê từ năm 2006. Chị T.T.N lấy chồng Trung Quốc từ năm 2007 cho đến nay chưa một lần được về thăm nhà, do nhà chồng quá nghèo, không có tiền về quê.

Ông Quen cho biết, đa số chị em lấy chồng nước ngoài khi bỏ về đều đi làm ăn xa, một phần vì mặc cảm, phần vì cuộc sống quá khó khăn. Hầu hết những chị em này cũng gặp khó khăn trong vấn đề làm thủ tục ly hôn. Khi bỏ trốn về quê, chị em đều tay trắng, không có giấy tờ gì nên ngành chức năng khó giải quyết ly hôn. Từ đây kéo theo một số hệ lụy, trong đó có vấn đề con lai.
Cô dâu Phạm Thị Trúc (quê tỉnh Hậu Giang) đã chết bên nhà chồng ở Hàn Quốc.
Cô dâu Phạm Thị Trúc (quê tỉnh Hậu Giang) đã chết bên nhà chồng ở Hàn Quốc.

Những đứa con lai ngoài hộ khẩu

Ông Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng - cho biết, qua thống kê trên địa bàn xã hiện có 11 đứa trẻ là con lai. Những đứa bé này đều có giấy khai sinh mang quốc tịch nước ngoài, do đó, khi về sống ở Việt Nam đều nằm ngoài hộ khẩu gia đình.

Trường hợp của chị T.T.M.T. lấy chồng Hàn Quốc, khi bỏ về Việt Nam mang theo một đứa con gái khoảng 5 tuổi. Sau đó, bên nhà chồng có qua bắt lại nhưng gia đình bên chị T. không chấp nhận. Cháu bé này cho đến nay vẫn không thể nhập hộ khẩu bên nhà ngoại được vì mang quốc tịch nước ngoài.

Việc không ly hôn được cũng đã làm khó cho cuộc sống gia đình của nhiều chị em phụ nữ khi muốn đi bước nữa. Như trường hợp của chị N.T.X (ngụ ấp 6) lấy chồng Hàn Quốc, trốn về quê cũng đã 5 năm nay. Sau đó chị X. lấy một người đàn ông Việt Nam làm chồng, sinh một người con nhưng cháu phải mang họ mẹ. Cán bộ Tư pháp xã cho biết, do chị X. chưa ly hôn với người chồng nước ngoài nên chưa đủ điều kiện để làm thủ tục khai sinh mới cho con với người đàn ông sau.

Cũng theo ông Quen, những đứa con lai ở địa phương khi đi học hiện nay chỉ là tạm thời cho biết chữ mà thôi. “Gia đình lấy giấy khai sinh của các cháu dịch ra tiếng Việt rồi gửi đi học ở một số trường tiểu học. Nhưng các cháu học xong tiểu học thì không thể học tiếp lên cấp 2 vì các cháu không có hộ khẩu. Ngoài ra, các cháu cũng không được hưởng những chế độ như trẻ em Việt Nam. Đây là những cái khó khăn đối với trẻ em lai hiện nay” - ông Quen nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, ông Quen cho biết, việc lấy chồng nước ngoài là quyền của mỗi cá nhân, địa phương không thể cấm. Tuy nhiên, để đảm bảo hạnh phúc, các cô gái phải tìm hiểu thật kỹ hoàn cảnh bên nhà chồng trước khi kết hôn. Ông Quen cũng nhấn mạnh, đừng coi những cuộc hôn nhân với người nước ngoài là cách kiếm tiền bởi rất có thể sau khi cưới sẽ vỡ mộng.

Địa phương cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có cơ chế giải quyết ly hôn cho những trường hợp nêu trên một cách thuận tiện nhất. Về tình trạng trẻ em lai, địa phương cũng kiến nghị Nhà nước sớm ban hành những văn bản pháp luật như về nhập khẩu, thủ tục học hành tạo điều kiện cho những đứa trẻ có cuộc sống tốt nhất.
Huỳnh Hải

"Ve sầu thoát xác" để xóa lỗ, vứt nợ

Từ việc thua lỗ chồng chất, nợ hàng chục nghìn tỷ đồng, một số doanh nghiệp bất ngờ thoát lỗ, hết nợ khi lột xác thành một cái tên hoàn toàn mới.
Ve sầu thoát xác
Ngày 31/10/2013, Bộ Giao thông - Vận tải chính thức thông báo việc chuyển Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên. 
Từ một doanh nghiệp (DN) thua lỗ chồng chất, nợ trên 80.000 tỷ đồng, Vinashin lột xác thành một DN hoàn toàn mới, không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng. Ngành nghề chính vẫn là đóng mới tàu thủy, hoán cải tàu thủy, tư vấn, thiết kế tàu thủy…
Ngoài ra, tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi
Đồng thời, SBIC hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép và các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Tái cấu trúc Vinashin là vấn đề nóng không chỉ với dư luận trong nước, nay đã có hướng giải quyết. Trong ngành chứng khoán, tuy ở phạm vi hẹp hơn, nhưng câu chuyện tái cấu trúc đã và đang diễn ra mạnh mẽ.
Thương vụ hợp nhất Công ty chứng khoán (CTCK) MBS (Công ty CP chứng khoán MB) và VIT là một ví dụ. Với khoản lỗ lũy kế trên 500 tỷ đồng của MBS, hợp nhất với một CTCK khác là cách tốt nhất để định giá lại vốn chủ sở hữu, điều chỉnh vốn điều lệ, xóa hết lỗ lũy kế, để MBS bắt đầu lại. 
Một số CTCK có lỗ lũy kế lớn khác, đặc biệt là SBS ( Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín, quý I, lỗ lũy kế hơn 1.400 tỷ đồng), đã từng tính phương xóa lỗ bằng cách giảm vốn điều lệ, nhằm đưa Công ty về “vạch xuất phát”.
Điểm chung của 3 trường hợp trên là tổ chức “mẹ” của các DN không muốn cắt đứt “đứa con” của mình.
Tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), phương án giữ MBS hay không, khi công ty này lâm vào cảnh lỗ nặng hồi cuối năm 2011 đã từng được đặt lên bàn cân. 
Cuối cùng, Ngân hàng mẹ quyết định giữ lại CTCK vì định hướng chiến lược của Ngân hàng là trở thành tập đoàn kinh tế, trong đó có một mảng kinh doanh là chứng khoán.
Khoản nợ hơn 80.000 tỷ đồng Vinashin để lại cho nền kinh tế không tự nhiên mất đi, rất nhiều chủ thể, trong đó cả ngân hàng, đã “mất nghiệp” từ sự chìm xuồng của Vinashin.
Khoản nợ hơn 80.000 tỷ đồng Vinashin để lại cho nền kinh tế không tự nhiên mất đi, rất nhiều chủ thể, trong đó cả ngân hàng, đã “mất nghiệp” từ sự chìm xuồng của Vinashin.
Với Vinashin thì sao? Thông điệp từ Bộ Giao thông - Vận tải không nói gì đến mục tiêu mà Tổng công ty được hình thành sau quá trình tái cấu trúc Vinashin phải đạt được.
Khoản nợ Vinashin để lại cho nền kinh tế không tự nhiên mất đi, rất nhiều chủ thể, trong đó cả ngân hàng, đã “mất nghiệp” từ sự chìm xuồng của Vinashin. 
Mãi luẩn quẩn
Theo các chuyên gia, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty không thể áp dụng hình thức “bình mới rượu cũ”, "Ve sầu thoát xác" bằng cách sáp nhập hoặc đơn giản như gộp các đơn vị thành một khối. Làm như vậy không thay đổi được bản chất sự việc. Với tư duy đấy, nếu tiếp tục sẽ mãi luẩn quẩn.
GS Chu Văn Cấp, nguyên Viện trưởng Kinh tế Chính trị, cho rằng để tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trước tiên cần thực hiện việc minh bạch thông tin. Khi thông tin không minh bạch, mọi thứ sẽ nằm trong vùng tối.
Cùng đó cần tăng cường vai trò giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài. Sự đổ vỡ của Vinashin, Vinalines cho thấy rất rõ điều này. “Muốn đổi mới và phát triển DNNN, chúng ta không nhất thiết phải lập nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước”, GS Cấp nói.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, qua đây, cũng cần rút kinh nghiệm, bỏ bớt những cái tên tập đoàn. “Vừa qua thí điểm tập đoàn nhưng cách làm chỉ là tập trung các công ty con lại mà đôi khi, lĩnh vực hoạt động lại không dính dáng gì đến nhau”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.
Hương My
(Đất Việt)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét