Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Ngày 07/11/2013 - Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới  
Ông Nguyễn Thanh Chấn - người vừa được tạm đình chỉ thi hành án chưng thân do có kháng nghị tái thẩm.

Cơ quan điều tra Việt Nam giỏi nhất thế giới

(LĐO) - Thứ tư 06/11/2013 21:45

Cho biết đã từng đọc một bộ hồ sơ tài liệu nặng tới 70 cân về vụ án Huỳnh Văn Nam ở Đồng Nai phạm tội cướp của giết người, bị tuyên án tử hình có dấu hiệu oan sai, nhưng gần có kết luận cuối cùng rồi thì bị án chết vì ung thư, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng những vụ án oan sai là thứ mà “bản thân ngành tư pháp cần rút kinh nghiệm rất lớn”.
Ông Nguyễn Đình Quyền nói: Lâu nay có những vụ người ta kêu oan thì phải xem xét một cách rất thận trọng. UB Pháp luật và UB Tư pháp giám sát rất nhiều, ví dụ khóa XII UB Tư pháp đã giám sát 75 vụ, đều được các cơ quan tư pháp chấp nhận kháng nghị để xét xử lại. Đó là chuyện bình thường. Việc kêu oan của Chấn tôi chưa kịp đọc, nó nằm trong các cơ quan khác mà không nằm trong cơ quan Quốc hội.
- Tỉ lệ án oan, ngành tư pháp cũng thừa nhận có một tỉ lệ oan nhất định?
- Cũng không thể tuyệt đối hóa được. Vấn đề bây giờ là tố tụng công khai, minh bạch và cần được phải đảm bảo trên thực tế, nhất là vào giai đoạn điều tra, truy tố, tạm giữ đối tượng.
Ngay trong “vụ án vườn mít”, nói đi nói lại nó rất phức tạp. Rõ ràng là có rất nhiều cơ quan có liên quan. Cơ quan điều tra, VKS, phải xem tất cả các giai đoạn của tố tụng xem có vi phạm gì không. Đó là lỗi của tất cả các giai đoạn điều tra, truy tố, nhất là xét xử.
Lâu nay người ta cứ nói án tại hồ sơ. Không phải. Án tại hồ sơ là anh phải đối chiếu với những tài liệu có trong hồ sơ và những cái thẩm vấn tại phiên tòa, ít nhất phải thông qua hoạt động thẩm vấn, đối chiếu những tình tiết khi phỏng vấn có ăn khớp với tình tiết ở hồ sơ hay không. Điều đó hết sức quan trọng. Người ta nói đó là niềm tin nội tâm của thẩm phán, nó liên quan đến xem xét, đánh giá chứng cứ.
- Cải cách tư pháp đã được thực hiện suốt từ năm 2005 đến nay, theo ông, từ đó đến nay tỉ lệ oan sai có giảm xuống không?
- Ngày càng giảm. Án oan hình sự phải sửa ít nhất. Nếu các vụ án hình sự ngày xưa tỉ lệ oan sai không phải nhỏ thì những năm gần đây án sai sửa có, nhưng án oan thì rất ít. Cân đối giữa tránh lọt, tránh oan theo tôi, cơ bản là tốt. Đặc biệt từ khi ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường thiệt hại cho hoạt động tố tụng, lại xuất hiện chiều hướng các cơ quan tố tụng lại quá thận trọng.
Điều đó là rất tốt, vì nó liên quan đến quyền cơ bản của công dân. Nhưng quá thận trọng thì lại xảy ra bỏ lọt tội phạm; tức là anh phải chắc chắn rồi thì anh mới áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Tỉ lệ án oan giảm, theo tôi, nguyên nhân khách quan là hoạt động tố tụng ngày càng được tiến hành dân chủ, công khai. Nhưng nguyên nhân chủ quan, rất quan trọng là các cơ quan tư pháp tăng cường thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường trách nhiệm, từng vị trí chức danh của điều tra viên, thẩm phán khiến quá trình tố tụng diễn ra chặt chẽ.
Bên cạnh đó, trình độ thẩm phán cũng ngày được nâng cao. Nhưng cái thiếu của thế hệ trẻ đó là kinh nghiệm. Xét xử đòi hỏi bề dày kinh nghiệm rất lớn. Kinh nghiệm phán đoán thì rất quan trọng, muốn được điều đó thì người ta phải được hành nghề nhiều.
- Nhiều bị cáo kêu trước tòa là bị bức cung, nhục hình, vụ án Nguyễn Thanh Chấn cũng vậy. Vì sao ở ta chưa cho lắp đặt camera giám sát ở các phòng hỏi cung?
- Ở ta chưa có. Bởi vì trong quá trình tố tụng hình sự ở Việt Nam, luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn bị tạm giữ chứ chưa nói tạm giam. Trong quá trình hỏi cung, luật sư cũng đều được tham gia. Vấn đề ở đây là vai trò của luật sư trong quá trình tố tụng hình sự cần phải được nâng cao.
Một điều nữa là về phía cơ quan công quyền, cơ quan điều tra phải tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền của mình trong việc bảo vệ thân chủ. Hiện trong các nhà tạm giam, tạm giữ luôn có chỗ ngồi của luật sư. Điều đầu tiên khi chúng tôi đi xuống giám sát là phải hỏi bao nhiêu luật sư vào đây, họ ngồi ở đâu. Quá trình hỏi cung, luật sư tham gia thế nào...
- Có người nói vụ án Bắc Giang đang đẩy lùi cải cách tư pháp. Quan điểm ông về vấn đề này?
- Những oan sai, nói như Bộ trưởng Bộ Công an thì là điều rất đáng tiếc. Nhưng cuộc cải cách tư pháp phải nhìn trên tổng thể. Không thể lấy cái cá thể mà đánh giá trong cả quá trình cải cách tư pháp. Vì tiến trình cải cách tư pháp ngày hôm nay ai cũng thấy dân chủ hơn, công khai hơn, minh bạch hơn, chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền con người hơn…
Còn ở đâu đó còn có những vụ việc nào đó vi phạm thì có những cá nhân - trong quá trình đánh giá chứng cứ và trách nhiệm - chưa được tăng cường đúng mức. Không thể lấy cái cá biệt để đánh giá cả quá trình cải cách tư pháp có vấn đề được.
- Bài học kinh nghiệm lớn nhất sau vụ án oan 10 năm tù này là gì, thưa ông?
- Đó là những thiết chế kiểm sát. Ví dụ, điều tra viên thì thiết chế đầu tiên là ông thủ trưởng cơ quan điều tra, phải thường xuyên xem xét đánh giá các hoạt động của điều tra viên.
Bên cạnh đó có thiết chế VKS thường xuyên kiểm sát các hoạt động tư pháp của điều tra viên và của thủ trưởng cơ quan điều tra. Quá trình thực hành công tố thì người này lại có sự kiểm sát lại. Tức là tất cả những thiết chế kiểm sát lẫn nhau phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Nếu bị buông lỏng sẽ dễ dẫn đến những sơ suất đáng tiếc.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Khóa trước, chúng tôi làm việc 1 tuần với FBI, thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta rất giỏi, vì công cuộc phòng, chống tội phạm của ta dựa vào nhân dân. Tuy nhiên, ở đâu đó năng lực vẫn còn thiếu kinh nghiệm, đặc biệt đối với thế hệ chuyển giao, được đào tạo nhiều hơn nhưng kinh nghiệm lại thiếu. Nên khi đánh giá chứng cứ, anh không tổng quát được.
(Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền)

GDP và “con đường mì gói”

Người Việt Nam tiêu thụ nhiều tỷ gói mì ăn liền mỗi năm
Sáng chủ nhật, bắt gặp những cặp đôi sinh viên ấy, không phải ở quán cà phê cóc ở một vỉa hè thơ mộng, mà xếp hàng ở trong một đoạn đường ngắn được tạo dựng bởi những kệ hàng xếp đầy mì gói của siêu thị. 
img-3
Đoạn nào siêu thị xếp mì gói, đoạn ấy thường tắc đường vào những ngày nghỉ. Sinh viên xa gia đình, công nhân các khu công nghiệp, dân thành thị, tất thảy đều phải trông cậy thứ thực phẩm này để để cắt giảm chi tiêu của bữa ăn sáng ở mức tối thiểu. Có lẽ hầu hết những người đang chất mì ăn liền vào giỏ mua hàng chẳng biết gì đến chuyện các chuyên gia đưa ra con số tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ vẫn đạt 5% và Chính phủ đánh giá nền kinh tế bắt đầu có những tăng trưởng ấn tượng! Hầu hết họ cũng không tham gia các cuộc họp cử tri để được nghe tận tai những gì các đại biểu Quốc hội nói và hứa sẽ đem các vấn đề của dân đến kỳ họp quan trọng nhất sắp diễn ra.
Tất cả chỉ chăm chú lựa chọn, đánh giá chất lượng, mùi vị và quan trọng nhất là giá cả, cố nhớ xem tuần trước, tháng trước, cũng gói mì, gói bún khô này giá bao nhiêu, nay giá có tăng nữa không.
Phát hiện nhãn hàng nào tăng giá, họ không chỉ thả hàng xuống kệ, còn mách nhau biết thông tin, giọng nói chất chứa sự bực bội và trĩu những lo âu.
Vì thế mà bên những kệ mì và thực phẩm ăn liền, lúc nào cũng đông đúc chật chội bởi khách hàng không vội vã. Một người hài hước đi qua bảo: Những nhà bán mì càng “đắt như tôm tươi” thì nền kinh tế càng đi xuống!
Một câu nói dân dã thôi, chẳng hàm ý gì đến con số GDP gánh theo bệnh thành tích, nhưng nó nói rõ thực trạng đời sống người dân ngày càng khốn đốn theo đà tăng giá, mà lại chỉ tăng ở những thứ không thể không xài tới trong đời sống hằng ngày của mỗi người nghèo.
Còn những thứ không thiết yếu với người nghèo thì không tăng. Này nhé, ti vi, tủ lạnh và muôn thứ sang trọng khác chỉ có càng ngày càng hạ giá. Những thứ thực phẩm hạng nhất và an toàn vệ sinh như thịt bò, thịt cừu nhập từ Mỹ, từ Úc đến hai năm nay chẳng thay đổi cắc bạc nào.
Những bia tươi, rượu ngoại, rau củ quả hạng nhất chất đầy các siêu thị thấy rõ vẫn giữ nguyên giá. Hàng hiệu cho các bà các cô thì nghe quảng cáo giảm giá đến 70% để kích thích tiêu dùng.
Ô tô cũng giảm giá. Khó khăn ở đâu không biết, chứ ngoài phố thì đã gần hết chỗ đậu xe bởi lượng người mua xe vẫn tăng. Và thế là người bình dân lại “hài hước” theo kiểu của mình: “Làm người giàu thời nào cũng sướng. Cái thời ai cũng khó, nhưng nếu túi anh đầy tiền, anh được mua sắm thoải mái hơn nhờ giá xuống”.
Nhưng người bình dân thì phải đứng ngoài cuộc, họ chẳng thể nhịn ăn uống, bắt con nghỉ học hoặc ngưng đi khám chữa bệnh, dù chi tiêu mỗi tháng của họ cũng ngang với giá của một chiếc ti vi hay cái tủ lạnh.
Người nghèo không biết gì đến GDP. Hằng ngày họ chỉ cọ xát với những phiên chợ nhóm họp vội vã, chẳng theo bất cứ qui tắc gì về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có lẽ thứ thực phẩm an toàn nhất họ mua được chính là những gói mì ăn liền đang gặp thời lạm phát bung ra chiếm lĩnh thị trường.
Gần đây, các chuyên gia phân tích việc tăng GDP ảo sẽ làm các nhà hoạch định chính sách ngây ngất vì thành tích, đưa ra các chính sách không đáp ứng được mục tiêu cải thiện kinh tế và an sinh xã hội.
Lộ trình đầu tư không đúng sẽ làm lạm phát tăng. Không khéo có ngày người nghèo còn nhầm lẫn, họ nghe GDP tăng thì không phấn khởi, lại hoảng hốt kêu rằng: “Thôi rồi, giá cả lại sắp tăng!”.
THIÊN THANH
Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Hà hơi tiếp sức cho “xác chết biết đi”?

 Nợ ngập đầu, dòng tiền eo hẹp bằng cách xin giãn nợ, hoãn nợ, cơ cấu lại các khoản trái phiếu, khoản tín dụng, bán cổ phần ở các công ty con… Nhiều doanh nghiệp (DN) bất ngờ công bố thoát khỏi gánh nợ đến hạn cả nghìn tỷ đồng.  Chuyên gia Lê Đăng Doanh cảnh báo, hoãn nợ, giãn nợ… cho các doanh nghiệp yếu kém là tiếp sức cho những “xác chết biết đi”. 
images1284553_co_cau_no_baodatviet.vn
Nợ cũ chưa trả lại thêm phần nợ mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Bao giờ các chủ nợ đòi được tiền?
Ngày 29/10, Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) bất ngờ công bố thoát khỏi gánh nợ đến hạn nhờ việc cơ cấu lại các khoản trái phiếu và các khoản tín dụng.
Đại gia đang bị khủng hoảng bất động sản vùi dập cho biết, khoản trái phiếu 350 tỷ đồng tại ngân hàng VIB đến hạn vào năm 2012 và 2013 được gia hạn đến 2014 và 2016. Các khoản nợ trái phiếu và tín dụng hàng trăm tỷ đồng tại Tài chính Điện lực, Chứng khoán Bảo Việt, Ngân hàng BIDV… đều được gia hạn, giãn nợ từ 1 đến 5 năm.
Tổng cộng NBB cơ cấu được 1.000 tỷ đồng tiền nợ và trái phiếu, chiếm khoảng 80% khoản vay của đơn vị này. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến ngày 30/6, tổng giá trị các khoản vay của NBB là hơn 1.200 tỷ đồng. Với việc được cơ cấu 1.000 tỷ đồng nợ và trái phiếu, 83% các khoản vay của NBB sẽ được gia hạn từ 1-5 năm.
Trước đó, NBB đã từng xin khất 1 năm trả nợ, lãi suất ban đầu của trái phiếu là 11,5%/năm, đến kỳ gia hạn năm 2012 sang năm 2013 đã tăng lên mức 18%/năm. Không chỉ xin kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu, nợ dài hạn, mà nợ ngắn hạn của Công ty cũng trong tình trạng tương tự.
Hạch toán là nợ ngắn hạn từ thời điểm 1/1/2012, tức là nợ phải trả trong thời hạn dưới 1 năm, nhưng đến thời điểm 30/6/2013, các khoản nợ (tín dụng) này hầu như không thay đổi. Con số 180 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu không thấm vào đâu so với hơn 400 tỷ đồng nợ ngắn hạn mà NBB đang có.
Trường hợp của ông Đặng Thành Tâm, người giàu nhất TTCK năm 2007 mới đây cũng đã đề nghị được xem xét cho phép được lùi thời gian trả tới cuối năm 2014 những khoản trái phiếu do các công ty mà ông Tâm làm chủ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp phát hành 1.700 tỷ trái phiếu.
Theo ông Tâm, do không lường trước được những khó khăn của nền kinh tế nên việc cam kết trả nợ đúng hạn là điều không thể thực hiện được.
Không dừng lại ở việc giãn, hoãn nợ, trường hợp khác là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HGA) đã thành lập Công ty Xử lý nợ xấu An Phú nhằm giúp công ty mẹ làm sạch báo cáo. Công ty An Phú vay tiền của công ty mẹ để thanh toán các khoản mua công ty con và các dự án không hiệu quả, đồng thời xây dựng tiếp hoặc bán dự án để thu tiền về cho công ty mẹ.
Đồng thời tách các công ty con ra khỏi công ty mẹ, bán bớt tài sản trong đó có 6 dự án thủy điện, mang về doanh thu hơn 2.099 tỷ đồng và giảm được dư nợ vay 1.876 tỷ đồng.
Nợ chồng nợ?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay các DN khó có khả năng thanh toán các khoản nợ nhất là các DN bất động sản khả năng thanh toán nợ càng thấp vì vậy ngân hàng và các DN nên thỏa thuận với nhau các biện pháp tạm hoãn hoặc xử lý các khoản nợ nhất định để tạo điều kiện cho các DN vẫn tiếp tục hoạt động.
Ông Doanh ví những DN yếu kém, khó có khả năng thanh toán nợ như những “xác chết biết đi” và cảnh báo: “Việc hoãn nợ, giãn nợ ở những DN có khả năng trả được nợ là cần thiết, cần xem xét trong từng trường hợp cụ thể không giãn nợ, hoãn nợ, cho vay tràn lan, nếu DN quá khó khăn cần phải tiến hành xử lý phá sản hoặc làm thủ tục thanh lý. Vì tìm cách tiếp sức cho các “xác chết biết đi” lúc bấy giờ nợ cũ không giải quyết được, thêm gánh nặng nợ mới, nợ chồng nợ”, ông Doanh nói.
Ông Doanh cho biết thêm, các ngân hàng cần phải tăng cường sự giám sát và minh bạch hơn. “Những người có trách nhiệm ở Ngân hàng biết rõ rủi ro nhưng vẫn cho vay vì họ sẽ có một số lợi ích cá nhân là nguyên nhân để ngân hàng gia tăng nợ xấu từ các DN”, ông Doanh nói.
Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM cho biết, các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dù có nợ xấu chưa trả được nhưng có phương án sản xuất kinh doanh khả thi sẽ vẫn được vay mới.
Ông Minh nói, đây là một trong những chủ trương nhằm giúp DN thoát khỏi khó khăn, có thể trả được những khoản nợ cũ, đồng thời cũng giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm. Quy định này cũng chỉ được áp dụng đến hết năm nay.
Nhưng, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng thừa nhận, việc này cũng có thể tạo ra thêm rủi ro cho ngân hàng nếu khách hàng không trả được cả nợ cũ lẫn nợ mới.
Nguyên Thảo
Theo Báo Đất Việt

Doanh nghiệp KÊU RẦM TRỜI vì bị TẬN THU



Chưa bao giờ số doanh nghiệp tham gia đối thoại với ngành Thuế và Hải quan lại đông đến như vậy. Cả hội trường Thống Nhất TP.Hồ Chí Minh không còn một chỗ trống. Nhiều người đành phải ngậm ngùi đi về vì hết chỗ, đồng nghĩa với bao tâm tư, suy nghĩ dự định suốt thời gian qua cũng đành gác lại chờ một dịp nào đó.
Trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, nhiều người cho rằng tại sao doanh nghiệp không lo làm ăn mà lại tới dự đông như thế. Tuy nhiên, nhiều người lại phản bác lại, có khó khăn, khổ sở thì người ta mới tới để kiến nghị, nêu khúc mắc để mong lãnh đạo tháo gỡ cho họ con đường làm ăn thuận lợi hơn, nhất là trong bối cảnh ảm đạm như hiện nay.

Hụt thu 21.000 tỷ đồng vì 66% doanh nghiệp làm ăn không có lãi

Tại Hội nghị này, các doanh nghiệp đã được nghe đại diện Bộ Tài chính báo cáo sơ bộ về tình hình kinh tế đất nước trong 10 tháng đầu năm. Theo dự báo của Bộ Tài chính thì tình trạng hoạt động không khả quan của các doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách. Tổng thu ngân sách tính đến tháng 10 chỉ đạt 70,1% dự toán năm, trong đó 2 nguồn thu quan trọng là thu nội địa chỉ đạt 68,5% dự toán năm, còn nguồn thu xuất nhập khẩu chỉ đạt 65,2% dự toán năm.
Dự báo nguồn thu ngân sách năm nay sẽ hụt thu khoảng 21 ngàn tỷ đồng. Sở dĩ như vậy là vì hiện có khoảng 66% doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và không có lãi. Thu ngân sách ở một số lĩnh vực sụt giảm nghiêm trọng, trong đó số thu từ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước âm hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái; thu từ các ngân hàng thương mại còn sụt giảm tới 14% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cũng rất may, bù vào đó là một số lĩnh vực nguồn thu ngân sách đã tăng lên, như thu ngân sách từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 18%, doanh nghiệp FDI tăng hơn 30%…

Xin cho doanh nghiệp được… thở

Tại phần đối thoại, hàng chục doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc lẫn phiền hà của ngành, lĩnh vực của mình trong quá trình hoạt động, nhất là các thủ tục về hải quan, thuế. Nhiều đại biểu cho rằng không phải tận thu là tốt, mà vấn đề đặt ra là khoan thư sức dân, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì tất yếu họ sẽ đóng góp nhiều cho ngân sách.
Đại diện Công ty Sữa Vinamilk cho biết, năm 2012 Công ty này đã nộp tới 2,9 ngàn tỷ đồng cho ngân sách, riêng 10 tháng đầu năm cũng đã đóng góp gần 3 ngàn tỷ đồng cho ngân sách.
Tuy nhiên, vấn đề doanh nghiệp thắc mắc là tại sao lại không được hoàn thuế GTGT khi doanh nghiệp đầu tư một nhà máy sữa bột tại Bình Dương với số vốn gần 2 ngàn tỷ đồng. Đến nay nhà máy này đã đi vào hoạt động từ lâu, doanh nghiệp cũng đã làm thủ tục, kê khai đầy đủ để xin hoàn thuế và đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan liên quan nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời, cũng như hoàn thuế cho phần này.
Cũng liên quan tới việc hoàn thuế GTGT, đại diện Công ty Minh Luân chuyên về nhập khẩu các loại máy móc nông nghiệp đặt vấn đề: “Tại sao cùng 2 cơ quan của Bộ Tài chính nhưng lại có 2 cách làm trái ngược nhau. Cụ thể, khi chúng tôi nhập các loại máy kéo cũ từ Nhật về để tân trang lại rồi xuất khẩu đi các nước khác thì Cục Giám sát Quản lý của Bộ Tài chính cho rằng đây là hàng tạm nhập tái xuất nên sẽ được hoàn thuế. Tuy nhiên, khi tới Hải quan lại cho rằng đây không phải là hàng tạm nhập tái xuất nên không được hoàn thuế… khiến chúng tôi rối như tơ vò, không biết đâu mà lần”.

Nhiều cải cách về hải quan, nhưng cần hoàn thiện hơn

Về lĩnh vực hải quan, nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện thủ tục hải quan điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đường truyền của phần mềm này rất yếu. Theo tính toán của đại diện các khu công nghiệp TP.Hồ Chí Minh thì có những tờ khai của doanh nghiệp Nhật Bản lên tới 45 triệu dòng, vậy mà tối đa hiện này đường truyền hải quan điện tử của ta chỉ truyền được khoảng 30 ngàn dòng. Như vậy, muốn khai bằng hải quan điện tử thì doanh nghiệp đó phải mất hơn 2 năm.
Ông Dương Minh Tâm – đại diện Công ty TNHH Huy Nam ở Kiên Giang cho rằng: Mục đích hải quan điện tử là rất tốt, nhưng nếu dừng lại ở tình trạng hiện nay thì vô hình trung đã làm khó và tốn kém cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa… Do vậy, cần tạo sự thông thoáng hơn, linh hoạt hơn để doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Thay mặt Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn- Thứ trưởng Bộ Tài chính đã lắng nghe, tiếp thu và giải đáp thẳng thắn nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn chưa được phía cơ quan này trả lời rõ, thậm chí vẫn còn nước đôi, nói cho có và một số vấn đề phải để xem xét theo lộ trình… khiến nhiều doanh nghiệp thấy vướng… vẫn hoàn vướng.
THEO BÁO PHÁP LUẬT VN
 

Ngớ ngẩn hay thông minh: Các nhà kiểm duyệt Việt Nam khiến ai cũng phải phỏng đoán


 Nhà chức trách Việt Nam luôn giám sát các hoạt động văn hoá, từ tranh biếm hoạ trên mạng cho đến các buổi hoà nhạc, về cả tình dục cũng như ngôn từ khích động.
Cuối tháng 10, blogger Đinh Nhật Uy trở thành nhà hoạt động đầu tiên ở Việt Nam bị kết án vì những nội dung đăng trên trang Facebook cá nhân, hay cụ thể hơn là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” thông qua Facebook (theo Điều 258 Bộ luật Hình sự). Uy phải nhận bản án 15 tháng tù treo và về mặt này thì anh may mắn hơn so với hàng loạt blogger, nhà văn và nhà hoạt động đã bị chính quyền tống vào trại giam hay các trung tâm phục hồi nhân phẩm mấy năm gần đây.
Tuy vậy, không chỉ các blogger và các nhà hoạt động mới chịu sự giám sát của chính quyền. Các hoạt động văn hoá, từ tranh biếm hoạ trên mạng cho đến các buổi hoà nhạc, cũng bị giám sát, về cả tình dục lẫn ngôn từ khích động bạo loạn.
Ngày 4.10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 102. Hai tuần sau, dịp cuối tuần trong thời gian diễn ra lễ tang vị anh hùng thời chiến, phần lớn các kênh truyền hình đóng cửa để thể hiện sự kính trọng. Bài báo lạ lẫm trên BBC bị chặn, tình dục – chứ không phải bạo lực – bị loại ra khỏi nhiều bộ phim nước ngoài mà người ta phát trong nước, còn phụ đề thì thường thay thế ngôn ngữ phản cảm bằng những từ ngữ vô hại hơn. Việc phát sóng truyền hình, bên cạnh cuộc sống về đêm và thú vui karaoke, về cơ bản bị xoá bỏ cho thấy mức độ kính trọng mà người ta dành cho vị tướng già, cũng như mức độ mà chính quyền vẫn kiểm soát nhiều phương tiện truyền thông ở Việt Nam. Kênh TV nào vẫn phát sóng thì phát những mộ phim cách mạng cũ.
Các blogger thường bị tống giam vì chỉ ra những khuyết tật của nhà nước. Các nhà báo phải đối mặt với rất nhiều hạn chế từ báo chí nhà nước. Người biểu tình phản đối và người rải truyền đơn hay tổ chức đình công cũng bị tống giam. Facebook, nay đã có thể truy cập, từng bị ngăn chặn âm thầm trong nhiều năm và hiện vẫn có nhiều trang mạng mà người ta phải vượt tường lửa để truy cập. Các tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders), Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), thậm chí cả Tổng thống Barack Obama, cũng đều lên án về tình trạng thiếu tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Nhưng, bạn có biết là bạn lại không thể viết về chuyện quan hệ tình dục qua đường miệng trên các tạp chí phụ nữ hay không? Nghệ thuật, âm nhạc, các ngôi sao nhạc pop, sách, tranh biếm hoạ, biếm hoạ trên mạng, blog, tin tức nước ngoài, tạp chí về phong cách sống, phụ đề TV, bài đăng báo, hoạt động nghiên cứu, kết quả nghiên cứu thị trường, đoạn phim bất lợi, ảnh chụp, lời bài hát, sự kiện tôn giáo, sách tôn giáo, lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch: tất cả đều bị nhà chức trách kiểm duyệt và giám sát chặt chẽ.
Đôi khi điều đó chỉ là việc bộ chủ quản phạt ca sỹ một khoản tiền nhỏ nhặt vì lộ nội y trong một buổi trình diễn vì điều này “không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của Việt Nam”. Những chuyện như thế được các tờ báo và trang mạng đăng tải vào những lúc thiếu tin quan trọng và không khỏi giúp cho ca sỹ kia thêm nổi tiếng.
Quá trình này diễn ra lẻ tẻ, đầy mâu thuẫn và mập mờ. Liệu có phải là nhiều quy định thiếu rõ ràng và thường không được áp đặt hòng khiến cho mọi người phải cảnh giác? Hay đây đơn giản chỉ là những nỗ lực chuệch choạc và đôi khi còn lạc lõng mà các quan chức Việt Nam vẫn thể hiện trên cả nước? Thật khó mà nói cho chính xác.
Có một thời các hoạ sỹ phải trình bản phác hoạ bức tranh mà họ đề xuất vẽ không chỉ trước khi chúng được phết sơn lên. Giờ đây mọi chuyện kém hà khắc hơn nhưng lại bất trắc hơn. Các phòng tranh vẫn cần sự đồng ý trước khi các cuộc trưng bày được phép diễn ra; đôi khi các phòng tranh còn không tổ chức một buổi tiệc triển lãm chính thức. Bởi một người trong giới từng nói là “không có quy định như thế”.
Quyết định 97 (tháng 9/2009) của Thủ tướng Chính phủ không hạn chế ngôn luận mà giới hạn hoạt động nghiên cứu trong phạm vi 317 chủ đề đã được đồng ý trước. Một trong những hiệu ứng tức thời nhất của nó là việc Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) phải tự giải tán để phản đối. 16 thành viên của IDS là các đảng viên và những trí thức nổi tiếng, không phải là những kẻ khích động quần chúng.
Trên lý thuyết, và thường diễn ra trong thực tế, tất cả các cuốn sách Tiếng Việt đều phải chịu kiểm duyệt. Theo một số người Chàm, những tín đồ Hồi giáo, ngay cả Kinh Koran khi được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở đây cũng phải được thẩm tra trước. Các cửa hàng sách ngoại văn cũng từng bị nhà chức trách ập vào kiểm tra, điều hiếm khi xẩy ra, chẳng hạn như cuộc kiểm tra đột xuất năm 2012 nhằm tịch thu các ấn bản về Việt Nam của nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet. Các cuốn sách này có in các bản đồ Biển Hoa Nam (South China Sea), vùng biển mà trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ liên miên giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn được nhắc đến một cách dứt khoát ở Việt Nam là Biển Đông.
Randy Slocum quản lý một hiệu sách tại một thị xã du lịch ở miền Trung Việt Nam. Ông thuật lại chuyện ông từng tìm cách nhập khẩu sách khi khai trương lần đầu tiên 7 năm trước. “Khi tôi nhập khẩu 3.000 cuốn sách, họ tịch thu 450 cuốn vì lý do ‘đồi truỵ và phản động’. Nếu bạn có thể tin thì đó phần lớn là các cuốn tiểu thuyết lãng mạn hài hước. Tuy nhiên, họ lại từ chối cung cấp cho bạn một danh sách về những gì bị cấm và họ từ chối giải thích tại sao một số nhất định lại bị tịch thu.” Đáng lưu ý là Slocum là nạn nhân của chính quyền tỉnh, chứ không phải một cánh tay hà khắc của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cơ quan chủ yếu chịu trách nhiệm giám sát nhiều mặt trong lĩnh vực văn hoá.
Lần duy nhất mà cơ chế kiểm duyệt văn hoá thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận quốc tế là khi Bob Dylan biểu diễn tại Tp Hồ Chí Minh năm 2011. Bob Dylan quên hát bài ‘Blowin’ in the Wind’, như thường xuyên vẫn vậy. Cả tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch lẫn nhà báo Mỹ Maureen Dowd đều chỉ trích ông gay gắt vì đã đầu hàng bộ máy kiểm duyệt của nhà chức trách cộng sản. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với các nhà tổ chức buổi biểu diễn lại cho biết là 100 bài hát, kể cả bài ‘Blowin’ in the Wind’, đã được duyệt. Dù sao thì nghệ thuật phúng dụ và sự thận trọng của Dylan có thể cũng khiến cho các nhà kiểm duyệt, những người mà ngôn ngữ thứ nhất không phải là Tiếng Anh, khó nắm bắt được ý nghĩa các bài hát.
Một nhà tổ chức nói: “Bạn phải hiểu rằng, những gì mà nhà chức trách tìm kiếm trên thực tế lại chỉ là sự dung tục và lời bài hát khiêu dục lộ liễu. Đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức chứ không phải chính trị.”
Trong khi các phóng viên tin tức nghiêm túc có thể phải đối mặt với nguy cơ bị bắt bớ vì đưa tin về tham nhũng thì ngay cả các tạp chí về phong cách sống hay tạp chí của người nước ngoài ở Việt Nam cũng phải hành xử thận trọng.
Ấn bản đầu tiên của tạp chí Cosmopolitan (Người Thành Thị), vốn bắt đầu phát hành bản Tiếng Việt với một công ty xuất bản sở tại vài năm trước, đăng tải một bài hướng dẫn hữu ích về tác dụng của rượu đối với hiện tượng cực khoái, minh hoạ qua đồ hoạ về tỷ lệ số cốc rượu vang với hình ảnh pháo hoa (hai hoặc ba cốc là liều lượng hoàn hảo; hình ảnh pháo hoa bắt đầu ít dần sau mức đó). Tiêu đề bài viết đề cập đến chuyện “yêu” (trong dấu ngoặc), chứ không phải tình dục.



Phổ biến hơn, trong lĩnh vực xuất bản này, người ta sử dụng những từ như “cậu nhỏ”, “tam giác” hay (bằng Tiếng Anh) “Mr Happy” (trong một bài viết về kỹ thuật quan hệ tình dục bằng miệng). Ngay cả khi những thuật ngữ y khoa chính xác được sử dụng cho các bộ phận cơ thể khác nhau, các nhà kiểm duyệt cũng vẫn từ chối thẳng thừng, với lý do là điều đó “quá nhạy cảm.”
“Nhiều khi chúng tôi cố trở nên khác biệt nhưng chính quyền lại không cho phép. Chị không thể viết như thế, điều đó không phù hợp với truyền thống (nguyên văn)”, một biên tập viên giấu tên giãi bày. Bà cho biết là trên Internet thì khác, rất nhiều người viết về tình dục.
Nhìn chung, những tạp chí như thế thu hút tầng lớp trung lưu có học. Đây chính là những người mà từ lâu các nhà tự do chủ nghĩa lạc quan trên khắp thế giới đã nhận định là sẽ ủng hộ hoặc một cuộc cách mạng hoặc một sự giảm dần hạn chế chính trị trong bất kỳ chế độ áp bức nào. Một tầng lớp trung lưu có học đang trỗi dậy cũng là niềm hy vọng của chính phủ trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, họ lại không được phép nhìn một hình xăm hay một chai rượu vang trong một cuốn tạp chí. Ngoại lệ ở ở đây là MỘT SỐ tạp chí đàn ông với những cô người mẫu gần như chẳng mặc gì, những hình ảnh không phải là hiếm gặp.
Ngay cả các tạp chí bằng Tiếng Anh cũng tỏ ra thận trọng. Các nhà kiểm duyệt Việt Nam có thể không để ý đến sự khác biệt tinh tế trong một bài giới thiệu quán bar (lưu ý số phụ nữ trẻ thân thiện đang sẵn sàng phục vụ bạn), nhưng một bài viết về những vấn đề mà các công nhân tình dục phải đối mặt lại đủ sức gây rắc rối khiến cho các biên tập viên phải né tránh.
Nội hàm của hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” (Điều 258) không bao giờ được định nghĩa rõ ràng nhưng trong thực tế chúng lại có thể là bất kể hành vi nào phê phán chính quyền. Nội hàm của hành vi “phá hoại truyền thống tốt đẹp của dân tộc” hay “không phù hợp với truyền thống Việt Nam” có thể là bất kể thứ gì từ kiểu tóc lố bịch của một ngôi sao nhạc pop cho đến thứ nghệ thuật phê phán chính quyền hay giới chóp bu một cách lộ liễu; nhưng trong bối cảnh được dành cho nhiều không gian tự do hơn ở đây, người ta lại thường vì thế mà thực sự thấy mình bối rối hơn và đôi khi còn trở nên bảo thủ hơn.
Nguồn: Index on Censorship, LÊ ANH HÙNG CHUYỂN NGỮ
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét