Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Hiến pháp mới – cơ hội cuối cho một triều đại & Giáo dục: Liều thuốc thần của nền kinh tế

Hiến pháp mới – cơ hội cuối cho một triều đại

Hãy hỏi vì sao và do ai?
images822029_tuyentruyen1992 38 năm sau ngày đất nước thu về một mối, chưa bao giờ lòng dân Việt Nam ly tán như hiện thời. Hãy hỏi vì sao và do ai?

Một phần tư thế kỷ từ khi đất nước mở cửa kinh tế, chưa bao giờ xã hội và đời sống dân sinh lại bị các nhóm lợi ích tài phiệt và nhóm thân hữu chính trị lũng đoạn và siết nghẹt như hiện thời. Hãy hỏi vì sao và do ai?

Một thập kỷ sau Hiến pháp 1992 đã chỉ xác nhận nạn tham nhũng không giới hạn, đạo đức xã hội tột cùng nhiễu nhương, chính trị tiệm cận vùng đáy đạo lý, lòng dân và lòng người chỉ chực chờ bùng nổ. Hãy hỏi vì sao và do ai?

Sau 6 năm đất nước chìm ngập trong cơn khủng hoảng toàn diện, vẫn hầu như không có bất kỳ nội dung nào nhằm tránh thoát thảm cảnh xuống cấp ghê gớm về kinh tế, xã hội, chính trị và lòng dân được đưa vào dự thảo hiến pháp mới. Sự thay đổi lộ hình duy nhất chỉ đến từ phát ngôn của người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng: “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”. Hãy hỏi vì sao và do ai?

Chỉ một tháng trước khi kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII khai mạc vào tháng 10/2013, lần đầu tiên xã hội Việt Nam chứng kiến hành động người dân Đặng Ngọc Viết xả súng vào giới chức chính quyền. Hình ảnh đối kháng chưa từng có tiền lệ này lại diễn ra ngay tại Thái Bình - quê hương của Cách mạng và của truyền thống kháng chiến. Hãy hỏi vì sao và do ai?

Bất chấp vô số khuyến dụ của Đảng và Quốc hội về việc “tuyệt đại đa số nhân dân đồng tình với dự thảo sửa đổi hiến pháp”, vẫn không có bất cứ nội dung nào trong bản dự thảo mới nhất trình Quốc hội điều chỉnh về quan niệm sở hữu đất đai toàn dân - điều bị xem là nguồn gốc gây ra hàng chục ngàn cuộc khiếu kiện lớn nhỏ hàng năm, tạo ra một giai cấp tài phiệt dã man và khiến sinh sôi một tầng lớp dân oan khốn cùng trong xã hội Việt Nam đương đại, đẩy cao đến tột cùng trạng thái phẫn uất của người dân mất đất. Hãy hỏi vì sao và do ai?

Ngay cả cơ chế thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội - bị xem là nguồn gốc tội ác gây ra thảm cảnh nông dân bị đẩy đuổi khỏi đất đai và không kế sinh nhai, cũng bị quán tính vô cảm cùng tư tưởng quyền lợi đặc chủng thao túng Quốc hội, để đến nay vẫn không có bất kỳ điều chỉnh nào cho tình thế dân oan bớt thảm thương. Hãy hỏi vì sao và do ai?

Quốc hội là gì hở mẹ?

Gần bảy chục năm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chưa bao giờ dân tộc trượt gần với tình cảnh dân sinh rách nát, dân tình bần cùng, hỗn loạn xã hội cùng một cuộc khủng hoảng toàn diện và sâu sắc như hiện thời. Cũng chưa bao giờ những người nhân danh sự nghiệp “của dân, do dân, vì dân” lại nhắm mắt phủ nhận sự nghiệp lòng dân đến thế: nước nâng thuyền nhưng nước sẽ lật thuyền.

Một trong những nguồn cơn gây ra cuộc khủng hoảng xã hội mà có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị như thế chính là Hiến pháp năm 1992 - với quá nhiều bất cập và bất công về quyền con người, kinh tế và chính trị.

Nếu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, bản hiến pháp mới được thông qua theo tinh thần “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” và bất chấp rất nhiều ý kiến tâm huyết liên tục đóng góp từ đầu năm 2013 đến nay của giới nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, phản biện của các nhà nước và tổ chức trên thế giới…, tương lai của dân tộc sẽ càng có cơ hội bị chung quyết chỉ bởi một nhóm thiểu số đặc quyền và đặc lợi.

Tương lai và những đặc quyền đặc lợi ấy sẽ không có mặt nhân dân!

Tương lai và những đặc quyền đặc lợi ấy đã, đang và sẽ đi ngược lại lời dạy tiền nhân về “Lấy dân làm gốc”!

Tương lai và những đặc quyền đặc lợi ấy, trớ trêu thay, lại lộ diện trong tình cảnh nhà nước Việt Nam buộc phải nương theo xu thế dân chủ của cộng đồng quốc tế, sẽ càng mang tính bác bỏ đối với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết vào năm 1982!

Tương lai và những đặc quyền đặc lợi ấy sẽ là thảm họa cho đất nước trong không bao lâu nữa mà trách nhiệm thuộc về giới cầm quyền!

Tương lai cay đắng ấy chỉ có thể bớt màu u tối khi và chỉ khi các đại biểu dân bầu thấm thía tiếng lòng của các em bé “Quốc hội là gì hở mẹ?”.

Điều được xem là “cơ hội lịch sử” của Hiến pháp cũng là cơ hội cuối cùng cho một triều đại.

Vượt hơn rất nhiều ý nghĩa về sự tồn tại một thể chế, lịch sử dân tộc Việt Nam vẫn luôn chứng nghiệm không một chế độ chính trị nào có thể cất cánh với ít nhất một bản hiến pháp đổ nát.

Kiến nghị

Hoàn toàn thủy chung với ước nguyện cháy bỏng của tinh thần “lấy dân làm gốc” và quá nhiều bài học thấm thía từ lịch sử, tôi xin kiến nghị Quốc hội:

1. Dừng việc thông qua bản Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa XIII.

2. Kéo dài thời gian thảo luận về Hiến pháp đến cuối năm 2014 và thành tâm tổ chức nghiên cứu, tranh luận một cách thẳng thắn, nghiêm túc và công khai về những điều cơ bản của thể chế chính trị đang còn nhiều ý kiến khác nhau.

Quốc hội bổ sung quy định về việc hình thành tổ chức giám sát độc lập đối với toàn bộ quá trình thu thập ý kiến người dân, tổng hợp, soạn thảo và công bố văn bản dự thảo Hiến pháp. Tổ chức giám sát này bao gồm cả nhóm “Kiến nghị 72” với nhiều ý kiến đóng góp từ đầu năm 2013 đến nay.

3. Hiến pháp mới phải bảo đảm:

- Tôn trọng quyền con người một cách thực chất, theo đúng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

- Đa dạng hóa sở hữu đất đai; bổ sung hình thức sở hữu đất đai tập thể và sở hữu đất đai tư nhân.

- Trong thời gian chờ hiến pháp mới ban hành, Luật Đất đai cần bổ sung ngay quy định “Không thu hồi đất đối với các dự án kinh tế - xã hội”.

- Cải cách nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa; bỏ quy định kinh tế quốc doanh chủ đạo và bãi bỏ cơ chế độc quyền kinh tế.

- Xây dựng nhà nước pháp quyền và cơ chế tam quyền phân lập.

- Quy định lực lượng vũ trang chỉ trung thành với Tổ quốc.

4. Nhanh chóng ban hành Luật Biểu tình, Luật Lập hội và Luật Trưng cầu dân ý.

Myanmar!

Chỉ bị ngăn cách với Việt Nam bởi chưa đầy một trăm cây số đường biên giới với Trung Quốc, đất nước Myanmar đã thật sự chuyển mình và hồi sinh, bằng vào sự chuyển mình và thức thời của Tổng thống Thein Sein cùng tầng lớp điều hành chính trị thoát thai từ vài thập kỷ quân phiệt.

Ngẫu nhiên, Myanmar lại là một bài học đáng giá cho tương lai của Việt Nam, nếu giới điều hành chính trị Việt Nam đủ thức thời và biết cách tận dụng ít cơ hội cuối cùng.

Khi và chỉ khi Hiến pháp mới được sửa đổi hợp với lòng dân và bảo đảm các quyền cơ bản và quyền lợi của nhân dân Việt Nam, đất nước mới thật sự phát triển và thể chế chính trị mới có lý do để tồn tại.

Hoặc ngược lại!

Ngày 7 tháng 11 năm 2013

Người viết tâm thư

Phạm Chí Dũng

Cử tri, nhà báo

Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

ĐT: 01235459338

Email: vietleminhquan@gmail.com

Ghi chú: Tâm thư này được gửi đến Ủy ban thường vụ quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân TP.HCM

***************

Thư đề nghị chất vấn

Kính gửi: Thường trực Hội đồng nhân dân TP. HCM

Ngày 7/11/2013, tôi đã gửi bản tâm thư cho Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân TP. HCM, kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến dự thảo sửa đổi hiến pháp.

Căn cứ vào quyền chất vấn của cử tri theo luật định, tôi đề nghị được làm việc với đại diện của Hội đồng nhân dân TP. HCM về những nội dung tôi đã trình bày trong bản tâm thư đã gửi.

Mong sớm nhận hồi âm.

Xin chân thành cám ơn.

Ngày 7 tháng 11 năm 2013

Người đề nghị

Phạm Chí Dũng

Cử tri, nhà báo

Địa chỉ: 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh

ĐT: 01235459338
Email: vietleminhquan@gmail.com
  (BVN)

Thực chất việc biểu quyết sửa đổi Hiến pháp tại QH

image.jpg
Toàn cảnh buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 của Việt Nam hôm 21/10/2013.
AFP photo
Quốc Hội Việt Nam hiện đang nhóm họp để biểu quyết về việc sửa đổi Hiến pháp vốn ảnh hưởng đến vận nước dân tộc. Nhưng câu hỏi được nêu lên là thực chất diễn biến này ra sao?
Cản trở sự phát triển

Hồi đầu năm nay, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Sọan thảo Hiến pháp kiêm Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thay mặt giới lãnh đạo Hà Nội hô hào người dân hãy mạnh dạn góp ý cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mà “không có vùng cấm” nào.

Lời kêu gọi đó đã được người dân đáp ứng nhanh chóng, đặc biệt là nhóm 72 nhân sĩ, trí thức với Kiến nghị sửa đổi HP 1992 và Dự thảo HP 2013; rồi Tuyên bố của nhóm Công dân Tự do; Thư nhận định và góp ý sửa đổi HP của Hội đồng Giám Mục Việt Nam; Tuyên bố chung về HP của Nhóm Chức sắc tôn giáo cùng nhiều bản góp ý của tập thể, cá nhân trong và ngoài nước…

Từ Thanh Hóa, MS Nguyễn Trung Tôn cho biết:

“Trước đây chúng tôi cũng rất mừng vì có thể qua sự sửa đổi Hiến pháp thì phần nào đó, Hiến pháp VN sẽ thay đổi, và người dân sẽ có nhiều quyền hơn để rồi có thể góp phần xây dựng Tổ Quốc và đảm bảo sự công bằng xã hội.”

Nhưng rồi chuyện “không có vùng cấm” ấy đã nhanh chóng trở thành “có vùng cấm” khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mạnh mẽ chỉ trích những người góp ý, chẳng hạn như, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp… là “suy thoái tư tưởng, đạo đức” trong khi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh cáo về điều gọi là “tuyên truyền chống phá đảng và nhà nước”.

MS Nguyễn Trung Tôn lưu ý về vấn đề này:

“Vấn đề Quốc Hội đề ra việc sửa đổi Hiến pháp và lấy ý kiến toàn dân cũng chỉ là, một lần nữa, đảng CS tiếp tục dùng chiêu bài Hiến pháp để mị dân và lừa dối quốc tế. Nhưng thực ra chẳng có điều gì thay đổi cả.”

Giữa lúc kỳ họp thứ 6 của Quốc Hội khóa 13 này diễn ra trong 6 tuần, bắt đầu từ hôm 21 tháng 10 vừa rồi, để Quốc Hội biểu quyết về những vấn đề quan trọng, từ bản Hiến pháp mới, Điều 4 Hiến pháp, chế độ sở hữu đất đai cho tới bản chất của các lực lượng võ trang, thì, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý rằng “việc sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử”, và “hậu thế sẽ đánh giá Quốc Hội khóa 13 này làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc”.

Nhưng nói theo lời GS Jonathan London thuộc Đại học TP Hong Kong, “Quốc Hội Việt Nam sắp phê duyệt một bản Hiến pháp (gọi là) ‘sửa đổi’ mà không có một sự thay đổi cơ bản nào” trong khi thực tế cho thấy đảng và nhà nước ra sức duy trì thực trạng độc quyền, toàn trị.

Từ Huế, LM Phê-rô Phan Văn Lợi cho biết:
hp-305c.jpg
Bìa sách Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992.
“Chúng tôi nhận thấy rằng khi so sánh bản dự thảo cuối cùng mà Quốc hội đưa ra hôm 22 tháng 10 với bản dự thảo đầu tiên, theo chúng tôi nhận thấy không có gì thay đổi về cơ bản. Nên chúng tôi thấy cần lên tiếng một lần nữa cùng với những tiếng nói khác, không phải để Nhà nước nghe cho bằng để dân chúng thấy được rằng nhà cầm quyền, Quốc hội đã bác bỏ tất cả mọi ý kiến; đồng thời cũng để cảnh báo với người dân rằng nhà cầm quyền của Đảng cộng sản đã quyết tâm ra một hiến pháp phi dân chủ, chống lại nhân quyền và hoàn toàn không hợp lòng dân.”

LM Phan Văn Lợi dẫn giải cụ thể về bản dự thảo Hiến Pháp mà ông tin là sẽ được Quốc Hội chuẩn thuận vào cuối khóa họp này, qua đó, 120 điều mà Nhóm LM Nguyễn Kim Điền của ông tóm lược thành 5 điểm chính cho thấy những nội dung đó “chỉ có lợi cho đảng mà thôi”:

“Năm điều đó chúng tôi gọi là ưu quyền và độc quyền. Hai ưu quyền: một là về chủ thuyết Mác - Lê nin để khống chế tư tưởng của người ta; thứ hai là ưu quyền về kinh tế để có lợi cho Nhà nước, có lợi cho Đảng mà thiệt hại cho nền kinh tế của tư nhân và của người dân nói chung. Chúng tôi nêu ra 3 độc quyền của đảng Cộng sản: thứ nhất là độc quyền về chính trị tức độc quyền cai trị đất nước… Rồi độc quyền về mọi tài nguyên, đất đai… Thứ ba độc quyền về công lực, tức trong hiến pháp này, Nhà nước lần đầu tiên - mà trong Hiến pháp 1992 không có - đã yêu cầu quân đội và công an trung thành tuyệt đối với Đảng… Chúng tôi nêu lên 5 độc quyền và ưu quyền đó để thấy rõ bản chất Hiến pháp Việt Nam không có dành cho quyền con người.”
Người dân phải có quyền chọn người tài

Như vậy là xã hội Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục dưới “ánh sáng chỉ đường của chủ nghĩa Mác-Lê” dù Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây cảnh báo “đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”; đảng CS vẫn là lực lượng lãnh đạo xã hội, luật đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân; quân đội vẫn trung thành với đảng; không có chuyện tam quyền phân lập… Đó là chưa kể, cũng theo lời lãnh đạo đảng, “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng”…

Nhưng Giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Quản lý Kinh doanh Hà Nội, cựu Phó Thủ tướng, khẳng định “chủ nghĩa Mác – Lênin là sai lầm cả về lý luận và thực tiễn, là nguy hại, phải dứt khoát từ bỏ khỏi các văn kiện của đảng và nhà nước”, và “ghi chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội trong hiến pháp không những là sai lầm mà còn là lừa dối, là bịp bợm, khi cả thế giới đã từ bỏ, chôn vùi những học thuyết sai lầm này rồi

MS Nguyễn Trung Tôn cảnh báo rằng một khi người CS còn nắm quyền thì mọi hoạt động của họ đều chi phối tất cả lãnh vực xã hội:

“Cũng bởi người CS nắm quyền thì họ cũng độc quyền chiếm những vị trí lãnh đạo trong bất cứ cơ quan, ngành nghề nào. Và dưới sự điều khiển của đảng, các nhóm lợi ích phân chia nhau ghế, địa vị, vị trí lãnh đạo các nơi. Vì vậy mà Việt Nam không thể chọn được người có tài, đức. Tất cả vị trí đều được sắp xếp bởi tiền và bởi sự chỉ đạo của đảng, dẫn đến tình trạng những con người vô lương tâm, thiếu đạo đức vẫn có thể nắm giữ những vị trí quan trọng. Để giải quyết được dứt điểm tình trạng này thì Việt Nam phải lọai bỏ Điều 4 ra khỏi Hiến pháp và chấp nhận một xã hội đa nguyên, đa đảng, và người dân phải có quyền phúc quyết để chọn lựa người có tài, có đức lãnh đạo đất nước, dân tộc.”

MS Nguyễn Trung Tôn khẳng định rằng không phải hôm nay người dân Việt hy vọng gì ở đảng CS mang lại đổi thay cho đất nước. Nhưng ông nhấn mạnh điều mà dân tộc Việt Nam đang cần là chính sự thay đổi về nhận thức của họ, về bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân đối với bản thân và Tổ Quốc. Và điều đó mới hy vọng có thể mang lại thay đổi thật sự, để từ đó, một Hiến Pháp mới hoàn toàn, thực sự vì dân, vì nước, được ra đời khi đất nước có tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng.
Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-11-06

Tai họa của “thể chế hóa” nh­­­­­ững điều chưa biết: tâm linh và chủ nghĩa xã hội


Sự a dua hay là ẩn ức xã hội?

Bỗng dưng dư luận nổi đình đám về sự tranh cãi gay gắt xung quanh việc tìm mộ của những nhà “ngoại cảm”. Song song với sự kiện lớn đang diễn ra là cuộc bàn cãi gay cấn về sửa đổi Hiến pháp, rồi vội vã một cách đáng ngờ khép lại vào cuối tháng này, bởi sức ép của một quyền lực bất khả tri nào đó. Trước đó, đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gây nên một dư chấn bất thường rộng lớn, rồi sau đó xảy ra sự cố “cờ rủ” vội vàng bị thay bởi “cờ bay” để đón tiếp tướng Tàu. Các diễn biến dồn dập nói trên đã nhấn chìm Hội Nghị Trung ương 8, hay nó tự chìm, trong bế mạc ảm đạm chưa từng có tiền lệ. Trên nền bản nhạc nghe như loạn nhịp này, lại điểm xuyết những dấu lặng gây ngưng thở, như sự cố thẩm mỹ viện Cát Tường (các cấp đổ vấy lẫn nhau về trách nhiệm), dân chúng Quảng Ngãi tập họp đông đảo làm tắc quốc lộ phản đối khai thác cát gây sạt lở (Bí thư tỉnh đích thân đầu trần áo bỏ ngoài đứng xin lỗi nhân dân), bệnh viện làm chết trẻ em khiến người dân khiêng quan tài xuống đường, 6 xác trôi sông xuất hiện không nguồn gốc, bản án chưa từng có trên thế giới về tội viết facebook của Đinh Nhật Uy, các cuộc “tụ tập đông người” vẫn tiếp tục “ngoan cố” diễn ra từ Dương Nội, Văn Giang kéo tới Thủ đô, kinh tế thì lảo đảo như tay côn đồ đã quá chén, các chức sắc cao cấp thì bày tỏ “đau đớn” vì tham nhũng như nhắn nhủ với trời mây… Nhiều nữa, có thể nói là mọi mặt…

Toàn cảnh là một bức tranh loạn màu đầy trắc ẩn.

Và nó sẽ được treo lên trân trọng, khi “hoàn thiện” bộ khung bao “Hiến pháp mới”– một văn bản hạng hai “xinh đẹp” đứng sau Cương lĩnh Đảng!

Đám đông bất bình có mặt khắp nơi, mọi lãnh vực. Do thế lực thù địch nào xúi giục, hay do nội sinh? Là sự a dua, hay sự bung vỡ những ẩn ức có nguyên nhân?

Mỗi sự việc sẽ trôi qua và lắng xuống như trầm tích, như quy luật: mọi năng lượng không bao giờ mất đi, rồi sẽ chuyển hóa và bùng phát theo cách của nó.

Tâm linh và thể chế hóa

“Ngoại cảm”, hay muốn gọi là gì cũng được, thuộc về cái mà người ta gọi là “tâm linh”, là lãnh vực đang nằm ngoài tầm với của khoa học. Khoa học chỉ khẳng định những gì chứng minh được. Khoa học không hề phủ định những gì nó không chứng minh được. Việc khoa học là của khoa học, tâm linh là đời sống tín ngưỡng, là tinh thần hướng về cái thiện, siêu hình, vô tận, tỉ như hướng về Đấng Tạo Hóa, về Chúa Trời hay về Tiềm Năng chưa khám phá của con người trong mối quan hệ với năng lượng Cội nguồn của Vũ trụ… Nó có thể là tôn giáo, cũng không nhất thiết là tôn giáo. Nó đang hiện diện như là niềm tin của mỗi con người hay mỗi cộng đồng cư dân ở mỗi nơi trên trái đất. Nó đồng hành với cuộc sống và hòa nhập vào cuộc sống. Ít nhất nó làm cho cuộc sống thăng hoa, đẹp hơn, từ một cuộc sống đang quằn quại trong cái thảm cảnh “duy vật thô thiển và trần trụi” này.

Chỉ có những kẻ tự tin tới mức khùng điên mới phủ định tín ngưỡng nơi người khác. Nó đòi hỏi phải được tôn trọng. Vì thế mà có Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

Mặt trái của “tâm linh” có thể ẩn chứa trong tình trạng mê tín, mê muội, phản khoa học, có thể bị lợi dụng để làm ăn phi pháp, có hại cho cá nhân, cộng đồng. Nó cần được nhà nước quan tâm theo dõi với sự hiểu biết và thận trọng để làm sáng tỏ, ngăn chận những tác hại do sự lạm dụng gây ra. Những hoạt động tâm linh đem lại ảnh hưởng tốt cho cộng đồng, như đạo đức, sự lương thiện, vô hại, hoặc nó nâng đỡ cho tinh thần con người lúc yếu đuối tuyệt vọng.. cần được tôn trọng. Như thế, nhà nước phải đủ khách quan, sáng suốt và nhất là phải có những con người đủ lương thiện, không đam mê duy vật nhận lãnh công việc này.

Nếu hoạt động tâm linh được thể chế hóa bằng sự có mặt trực tiếp của nhà nước để nắm quyền điều khiển, như tổ chức Ngân hàng Chính sách Xã hội lập đội ngũ áo xanh áo đỏ…, thì lập tức các hoạt động trên bị biến dạng. Đơn giản như công việc từ thiện để quyên góp giúp đỡ thiên tai hoạn nạn, nhà nước đứng ra “ôm hết về mình”, tiêu cực liền xuất hiện, tham nhũng phát triển, và kết quả là người đóng góp của cải thiếu tin tưởng, giảm nhiệt tình, quan chức lại có lợi thêm, ngoài phần vật chất, là danh giá “của người ân ta”, lòng tự trọng biến mất, rước lấy sự khinh bỉ trong nhân dân. Đó là tai họa của sự “thể chế hóa” những lãnh vực không thuộc quyền lực của nhà nước. Chúng ta thấy các quan chức cao cấp đều có mặt, nói cười, giao du với các nhà ngoại cảm, tham gia các lễ lạc, cúng kiến đình đám, cầu an, cầu hồn, bằng khen giấy khen, gián tiếp tạo ảnh hưởng và khuynh loát các hoạt động này. Trong khi ở lãnh vực pháp quyền, thì họ lẩn tránh sự đối thoại công khai, bình đẳng, dân chủ về những chính sách quốc gia đang gây tranh cãi và bất đồng trong nhân dân. Họ bất chợt “tiếp xúc cử tri”, hỏi đáp qua rào, nhằm có hình ảnh để lên báo và nói điều mình muốn nói, theo cách một chiều và không lắng nghe, là một hình thái tuyên truyền kiểu loa phường thời chiến (để thông báo máy bay địch…), chứ không phải là lý giải và phản biện, trao đổi nghiêm túc theo cách của một xã hội văn minh.

Ở các quốc gia có “nhà nước pháp quyền”, các lãnh đạo của họ hành động ngược lại. Họ không tìm cách đánh bóng, PR mình, để tỏ ra “gần gũi” quần chúng, bằng cách mượn đường qua các tuyến “ngoại cảm, tiên tri” nào cả, trừ các lễ nghi chính thức của quốc gia. Họ đứng vững trên pháp quyền mà hành xử, có muốn quảng cáo bản thân thì cũng thông qua đối thoại với cộng đồng cư dân một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Nhờ thế, chính sách được bàn cãi thông suốt, trình độ dân trí - quan trí được nâng cao. Họ không ôm vào mình tất cả, không “xía” vào mọi chuyện, nhất là tín ngưỡng trong dân gian. Họ phân biệt rõ, cái nào là trách nhiệm và thẩm quyền nhà nước, cái nào thuộc về người dân, cái nào cần được bàn bạc thỏa thuận giũa dân và nhà nước, không đảo lộn Hiến pháp thành “bản văn triển khai” một cách ngang nhiên cương lĩnh của Đảng….

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh vừa lên tiếng: Quân đội “không can dự” vào việc tìm mộ theo ngoại cảm - tâm linh, quan điểm này xem như tạm ổn. Quân đội đã làm hết sức mình về trách nhiệm với liệt sĩ, phần bất lực còn lại thì phải thừa nhận là bất lực (đừng hứa tìm cho đến hết, không ai tin) để thân nhân có thể tìm kiếm theo cách của mình, theo tín ngưỡng của mình với sự giúp đỡ của quân đội. Sự giúp đỡ đó diễn ra trong đời sống cụ thể, không liên quan đến quyết định về tín ngưỡng của họ. Đó là cách thu xếp ổn thỏa nhất trong tình hình hiện nay.

Kênh truyền hình VTV là truyền thông nhà nước, đã nêu lên vấn đề tìm mộ của những nhà ngoại cảm theo cách phê phán thiếu thận trọng, thiếu khiêm tốn. Là tiếng nói của nhà nước – không phải của tư nhân – càng không nên có lời lẽ hồ đồ, khi dùng những từ ngữ rất “trâu bò”, như “vạch mặt”, “chỉ tên”, v.v. “Vạch mặt” rồi sẽ tới “rạch mặt”, “xẻo tai”, “chặt đầu”, “quăng sông”… gợi nên các hình ảnh của bọn xã hội đen - đỏ hôm nay, làm sống dậy những ký ức một thời rất đáng quên là đấu tố, giảm tô, cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm… Cái ngôn ngữ này nên biến mất, ít nhất phải bắt đầu trên hệ thống truyền thông mang danh nhà nước (dù có cho tư nhân thuê giờ làm ăn).

Việc thảo luận, bàn cãi những vấn đề về khoa học, tư tưởng, triết học, tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh hay ngoại cảm, nội cảm là chuyện của người dân, của xã hội, của những nhà nghiên cứu. Nhà nước chỉ đóng vai trò trọng tài – một trọng tài đứng đắn – nếu không, “sân bóng” trở thành nơi của “đồng bóng” hoành hành, nói rộng hơn biến đất nước thành một quốc gia đồng bóng.

Thể chế toàn trị có tham vọng cai trị toàn diện, ôm hết mọi thứ vào mình, triệt tiêu mọi khác biệt, chính nó sản sinh ra “thế lực thù địch” đang lớn nhanh qua tích lũy từng ngày từng việc, mà chẳng ai mong muốn, càng không phải ai xúi giục.

Đến lúc phải nhận ra sự cần thiết phải có xã hội dân sự để thực hiện thay cho nhà nước các nhu cầu xuất phát từ phía dân chúng. Nhà nước phải đủ sáng suốt làm người quan sát, giám sát để ngăn ngừa, xử lý những tiêu cực xảy ra. Đó là xu thế mà nhân dân đang đòi hỏi ở Hiến pháp, nhằm thực hiện một nhà nước pháp quyền để có một xã hội dân sự, và ngược lại.

Nhờ đó, nhà nước sẽ được là một nhà nước pháp quyền, thay cho một nhà nước nhân danh chủ nghĩa duy vật mà không tránh khỏi các hoạt cảnh đồng bóng.

Chủ nghĩa xã hội và thể chế hóa

Đây là chuyện rất dài nên cần nói thật ngắn.

Cựu Phó Thủ tướng Trần Phương hỏi: “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là cái gì? Ai trả lời? Không ai trả lời được!”. Không trả lời được là cái gì, thì làm sao đòi hỏi nó hoàn thiện, dù 101 năm nữa, nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Cuối thế kỷ này không biết nó có hoàn thiện không!”. Câu chẩn đoán thật buồn cười, sự bi hài đứng về phía ông.

Trước đây một luận điểm được nêu lên như một slogan thời thượng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Hãy bình tĩnh mà tự hỏi: Thế con người xã hội chủ nghĩa nó ra sao, và từ đâu ra?! Người ta nhớ ngay đến chuyện “ngụ ngôn” con gà và cái trứng.

Thể chế hóa, quy hoạch hóa về cái điều mà chưa ai biết rõ – bao gồm một nhóm người làm quy hoạch, lẫn chín mươi triệu người bị quy hoạch – không phải đã bắt nguồn từ một niềm tin rất “ngoại cảm - tâm linh” đó sao? Chắc là có nhiều người đang suy nghĩ, và có nhiều người đông hơn không còn muốn suy nghĩ về nó nữa.

Về ngoại cảm - tìm mộ thì nói theo ý Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: không can dự vào! “Cậu Thủy”, hay “Cậu Hỏa” nào đó, có ăn tiền bất chính thì kiên định lập trường mà đòi lại cho đủ, dùng pháptrị những kẻ có liên quan.

Còn cái ngoại cảm vĩ mô kia mới thật đáng lo hơn. Điều 4 Hiến pháp lẽ nào là một cái cột mốc được quy hoạch từ “ngoại cảm”, mang tính định mệnh của dân tộc, sẽ do một số ông bà nghị cà vạt, áo dài bấm nút quyết định sao? Bản văn dự thảo sửa đổi Hiến pháp được khẳng định là sẽ cương quyết “thông qua”, chỉ bởi vì người có ảo quyền nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố: “Tôi tán thành”, thì nhất định sẽ có sự tán thành!

Đơn giản thật vậy sao, hỡi áo dài, cà vạt?

Thời điểm này là thế kỷ 21 năm thứ 13 tháng áp chót.

5-11-2013
 Hạ Đình Nguyên
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

10 năm tù oan, sơ hở luật pháp hay con người?

nguyenthanhchan-danviet.vn-305.jpg
Ông Nguyễn Thanh Chấn, giữa, ngay sau khi được trả tự do hôm 04/11/2013.
Photo courtesy of danviet.vn
Sáng 4-11, ông Nguyễn Thanh Chấn , 52 tuổi, trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị kết tội cố sát với bản án chung thân đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao công bố Quyết định tạm đình chỉ thi hành án.

Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được trả tự do và chờ Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao xét xử lại theo trình tự tái thẩm sau 10 năm ngồi tù. Mặc Lâm phỏng vấn LS Trần Đình Triển để tìm hiểu thêm khía cạnh pháp lý của vụ án này. Nhận xét mức độ oan sai của vụ án, LS Triển cho biết:

Ở Việt Nam đây không phải là vụ duy nhất vì trước đây đã có những vụ tương tự. Tuy nhiên việc giam giữ người ta đến 10 năm nhưng nay cho rằng đây là sự oan sai thì theo tôi đánh giá một cách khách quan đó là sự đổi mới về công tác tư pháp đã dám nhìn thẳng vào sự thật, vì oan sai thì phải trả lại cho sự thật.

Tuy nhiên qua vụ việc này dư luận đang đặt ra hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất ai làm sai và xử lý như thế nào. Trong Bộ luật hình sự đã có quy định “tội ra các quyết định trái pháp luật” để xử lý những người thiếu trách nhiệm. Hoặc là cố ý mà không nhìn nhận đến nơi đến chốn mang sự oan khuất cho người khác. Tôi cho rằng qua sự việc này thì phải cân nhắc đến việc đó, nếu ai làm sai thì phải xử lý nghiêm minh.

Việc thứ hai là 10 năm thì hậu quả đối với một gia đình, một con người là vô cùng to lớn. Một đời người rất ngắn ngủi mà 10 năm họ bị giam giữ thì về phương diện nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xem xét để bồi thường như thế nào cho thỏa đáng với sự mất mát của họ để cho gia đình người ta an lòng.

Mặc Lâm:Thưa luật sư qua kinh nghiệm của ông chắc ông cũng thấy trong nhiều trường hợp cơ quan điều tra xét hỏi không cho phép bị can quyền có luật sư khi bị hỏi cung. Theo ông vấn đề này xảy ra do những quy định của luật pháp hay do nhân viên điều tra tự tiện quyết định như thế.
Một đời người rất ngắn ngủi mà 10 năm họ bị giam giữ thì về phương diện nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xem xét để bồi thường như thế nào cho thỏa đáng...  - LS Trần Đình Triển
LS Trần Đình Triển: Thật sự trong Bộ luật tố tụng hình sự cho phép luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra và luật sư có quyền cùng với điều tra viên tham gia xét hỏi đối với bị can bị cáo đang bị tạm giam. Luật sư được quyền nêu câu hỏi nhưng phải được sự đồng ý của điều tra viên, đấy là quy định của pháp luật.

Nhưng hiện nay với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia thì quyền của cơ quan Viện kiểm sát xem xét có cho luật sư  được tham gia từ giai đoạn điều tra hay không, chứ không phải bất cứ nhóm tội phạm nào luật sư cũng có quyền tham gia điều tra.

Hiện nay Liên đoàn Luật sư Việt Nam và một số cơ quan thẩm quyền đang đặt ra vấn đề xem xét lại một số vấn đề để chỉnh sửa thực trạng khách quan hiện nay. Ví dụ như khi người ta bị bắt tạm giam thì luật sư làm thủ tục không thể gặp được bị can bị cáo để họ ký giấy mời, lúc đó thân chủ của bị can đang bị tạm giữ làm giấy mời, khi đưa vào thì nhận được câu trả lời là bị can bị cáo không mời luật sư và có ký vào đơn mời. Vấn đề đặt ra là có phải họ tự nguyện hay không? Họ có bị bức ép hay không?

Kiến nghị của Liên đoàn Luật sư đặt ra là khi họ đang bị tạm giam, tạm giữ thì người thân của họ mời thì bên cơ quan điều tra phải cấp giấy chứng nhận bào chữa hoặc là cơ quan điều tra phải cử điều tra viên cùng với luật sư vào gặp bị can bị cáo để hỏi họ có mời luật sư hay không. Hay là nghi vấn do điều tra viên ý nọ ý kia nên họ không mời. Và cũng có khả năng là điều tra viên ép họ không được mời luật sư. Cả hai tình trạng này cần phải loại bỏ trong suy nghĩ và trong việc tiến hành tố tụng cần phải sửa đổi.

c63Ong-Chan-3-250.jpg
Ông Chấn bật khóc sau khi nhận quyết định được trả tự do. Photo courtesy of danviet.vn
Mặc Lâm:Trong nhiều vụ án oan sai nguyên do từ việc cung cấp chứng cứ để kết tội rất sơ sài và trong rất nhiều trường hợp chứng cứ không thể hiện được do bị cáo làm ra. Thói quen này bao gồm cả cơ quan điều tra làm sai lệch hồ sơ nữa, LS có ý kiến gì về hiện trạng này?
Về luật pháp thì hết sức nghiêm túc và quy định rất đầy đủ nhưng lâu nay tìm ra người làm sai quyết định khởi tố đối với người làm sai luật tố tụng thì chưa có. - LS Trần Đình Triển
LS Trần Đình Triển: Có những vụ án cơ quan tiến hành tố tụng người ta làm rất nghiêm túc. Cũng có những vụ có sơ xuất ví dụ như thiếu hồ sơ hay bỏ ngoài hồ sơ, hay tài liệu quan trọng hoặc thậm chí có những bút lục thực không có trong hồ sơ vụ án. Những trường hợp đó thì tùy theo tính chất, mức độ luật sư người ta có quyền kiến nghị kể cả bị can bị cáo khi biết được điều đó cũng có quyền kiến nghị để bổ xung vào hồ sơ. Còn nếu khi bị thất lạc mà tài liệu bị mất kể cả hồ sơ bổ xung cũng không khôi phục được và làm trái với vụ án thì trong bộ luật hình sự cũng có tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Về luật pháp thì hết sức nghiêm túc và quy định rất đầy đủ nhưng lâu nay tìm ra người làm sai quyết định khởi tố đối với người làm sai luật tố tụng thì chưa có.

Mặc Lâm:Trong trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn mặc dù chứng cớ không có nhưng tòa sơ thẩm và phúc thẩm vẫn phán quyết theo hướng suy đoán là có tội của Viện kiểm sát và cơ quan điều tra. Phải chăng tòa án đã vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội” của luật pháp Việt Nam?

LS Trần Đình Triển: Về lý luận trong bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam có một nguyên tắc, cho phép “suy đoán không có tội” chứ không phải “suy đoán có tội”. Nguyên tắc thì đã đề ra và mọi chứng cứ phải đánh giá một cách trung thực và khách quan tại phiên tòa ví dụ như lời khai của bị can bị cáo, người làm chứng…phải phù hợp với yếu tố khách quan khác có trong hồ sơ vụ án thì khi đó mới được coi là chứng cứ. Nếu việc đánh giá chứng cứ tùy thuộc vào mỗi điều tra viên báo cáo lên kết luận điều tra, rồi một kiểm sát viên lại làm thành cáo trạng để đưa qua Hội đồng xét xử. Tại cấp sơ thẩm thì phụ thuộc vào phiên tòa còn cấp phúc thẩm thì rất ít khi muốn thay đổi bản án của sơ thẩm. Nhiều khi như vậy dẫn đến sự đánh giá không khách quan và dẫn đến oan sai.

Mặc Lâm:Xin cám ơn LS Trần Đình Triển.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-11-05 

Dân oan biểu tình trước Mặt trận Tổ quốc

Sáng ngày 6 tháng 11,  khoảng 500 người dân 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên đang biểu tình trước cửa trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 46 Tràng Thi Hà Nội.
Sáng ngày 6 tháng 11, khoảng 500 người dân 3 xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên đang biểu tình trước cửa trụ sở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 46 Tràng Thi Hà Nội.
blog/diendanchinhtri
Mấy trăm nông dân thuộc ba xã Xuân Quan, Cửu Cao, Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên sáng nay lại phải kéo nhau đến văn phòng Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc tại 46 Tràng Thi, Hà Nội. Mục đích được cho biết nhằm yêu cầu cơ quan chức năng trung ương có ý kiến với các cấp chính quyền địa phương có biện pháp cụ thể ổn định trận tự tại địa phương trước những thành phần bất hảo công khai hoành hành tại đó.

Một người dân đi khiếu kiện trong đoàn cho biết như sau:

Hôm nay bà con đi độ khoảng 400-500 người thôi. Mục đích sang tại Mặt trận Tổ quốc là muốn họ giúp dân vì tình hình địa phương hiện nay rất phức tạp. Phức tạp là chỗ đất mà chúng tôi giữ lại để giữ nguyên hiện trường chờ đợi giải quyết, hiện nay họ cho máy múc, máy ủi rồi bơm cát vào khu đồng mà chúng tôi giữ. Đặc biệt nhất là nhóm gọi là xã hội đen cứ ngông cuồng dao kiếm trong đường làng. Dân chúng tôi không hài lòng chỗ đó. Bức xúc là ở chỗ đó. Đặc biệt nhất các cháu còn trẻ toàn là con em địa phương, và điều làm chúng tôi phải suy nghĩ là công an huyện bảo kê cho chúng làm như thế; nên chúng tôi không chấp nhận điều đó được.”

Trong khi đó tại phía nam, một hộ gia đình tại khu phố 8, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa từ hôm qua đến hôm nay 6 tháng 11 tỏ ra vô cùng bức xúc khi một đoàn công tác gồm các lực lượng chức năng đến đóng cọc phân mốc trên đất của gia đình này mà không có văn bản thông báo theo đúng qui định của pháp luật.

Một phụ nữ trong gia đình cho Đài chúng tôi biết sự việc như sau:

Tôi nói đây không phải là cưỡng chế mà là bức chế, vì không hề có thông báo, không hề có quyết định mà bây giờ bảo gia đình chúng tôi chống đối. Chúng tôi không nhận là chống đối mà dùng quyền lực áp bức gia đình tôi để đóng cọc mốc. Chúng tôi đã sống và canh tác trên mảnh đất này là 27 năm rồi. Tôi nói với anh công an khu vực, đây là quyền sử dụng, chỉ sau 6 tháng tôi là người có quyền sử dụng. Anh ấy có hỏi tôi rằng quan trọng là quyền sở hữu. Tôi nói nếu quyền sở hữu thì tôi đấu tranh kiểu khác chứ không nói bằng miệng như thế này. Không thông báo gì cả mà hiên ngang vào.

Lực lượng chiều hôm qua: cả công an, cả bộ đội và phường khoảng dưới 50 người. Lực lượng công an đông hơn 10 người với còng, súng… cùng với một xe thùng nữa. Lực lượng của phường cũng huy động đông hơn, có 4-5 chị em phụ nữ nữa. Theo như anh Châu bên hình sự thành phố nói là phạm nhân. Còn lực lượng bộ đội xuống khu vực ruộng nhà tôi khoảng trên 100 người. Tôi nghe người ta nói còn rải đều cách khu vực đóng cọc chừng 100 mét đổ ra, họ sợ gia đình chúng tôi khủng bố gì đó; nhưng gia đình chúng tôi trẻ già, lớn bé chỉ có hơn 10 người và đấu tranh bằng lời, đúng pháp luật, đúng sự thật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam báo cáo tại kỳ họp đang diễn ra tại Hà Nội rằng từ năm 2003 đến năm 2010, các cơ quan chức năng từ cấp địa phương đến Trung ương tiếp nhận và xử lý trên 1,2 triệu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó lĩnh vực đất đai chiếm đến 70%.

Trường hợp ba xã ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là một vụ lớn vẫn chưa được giải quyết và trường hợp của gia đình vừa nêu tại khu phố 8, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hẳn sẽ là một vụ mới nếu như vẫn tiếp diễn như lời người trong cuộc vừa cho biết.
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-11-06 

Giáo dục: Liều thuốc thần của nền kinh tế

Đôi khi người ta quên mất rằng sự bành trướng của ngành giáo dục Mĩ đã tạo ra một trăm năm phát triển.
Trong những buổi thảo luận về Nền kinh tế Mĩ giai đoạn tiếp theo với Giáo sư Larry Katz diễn ra vào tuần trước, ông đã tập tung nói về tác phẩm do ông viết chung với Giáo sư Claudia Goldin, với nhan đề Cuộc chạy đua giữa giáo dục và công nghệ (The Race Between Education and Technology). Nếu bạn chưa đọc cuốn sách thì bạn sẽ không hiểu được nhiều vấn đề trong nền kinh tế của chúng ta. Nếu bây giờ, sau khi đã được nghe nói về cuốn sách, mà bạn vẫn không đọc ít nhất là phần dẫn nhập của nó thì bạn nên lấy làm xấu hổ. Giáo sư Larry đã đưa ra một số nhận định căn bản. (Dưới đây là những nhận định mà tôi cho là quan trọng nhất, Giáo sư có thể nghĩ khác).
Thứ nhất, ít nhất 25% của sự gia tăng năng suất lao động – cũng có nghĩa là sự phát triển kinh tế của nước ta – trong suốt 100 năm qua (từ năm 1870 đến 1970) có liên quan trực tiếp với sự gia tăng số năm đi học trung bình của người Mĩ. Có nhiều khả năng là trên thực tế, đóng góp của giáo dục cho sự phát triển kinh tế lớn hơn rất nhiều, 25% là con số tối thiểu.

Thứ hai, trong suốt giai đoạn này, chẳng những kinh tế có tốc độ phát triển cao mà quyền bình đẳng cũng được cải thiện, mặc dù đã có những thay đổi cơ bản cả trong kinh tế lẫn công nghệ – sự thay đổi cũng lớn như những thay đổi mà chúng ta đã thấy trong 30 năm qua. Nói cách khác, chúng ta đã trải qua tất cả những chuyện này rồi. Nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục mà chúng ta đã giải quyết thành công những tác động của biến đổi công nghệ trong quá khứ. Không có lí do gì để lần này chúng ta không giải quyết được.
Thứ ba, những thay đổi cơ bản trong lĩnh vực giáo dục giai đoạn này diễn ta trong phong trào gọi là “phổ thông trung học”, tức là phong trào của những người dân bình thường, những người nhìn thấy rằng cơ sở cho thành công của cộng đồng là mọi người, không phân biệt giới tính, đều được đi học miễn phí.
Thứ tư, thời gian gần đây không có cuộc cách mạng nào trong lĩnh vực giáo dục có phạm vi rộng như phong trào “phổ thông trung học” và những thay đổi to lớn như thế – sự phát triển của hệ giáo dục sau phổ thông – không còn là miễn phí nữa. Chính vì vậy mà những thành tựu trong lĩnh vực giáo dục đã chậm lại, kinh tế phát triển chậm và bất bình đẳng gia tăng.
Cuối cùng, sự thụt lùi trong lĩnh vực giáo dục có thể là tác nhân quan trọng hơn trong việc gia tăng một cách nhanh chóng hiện tượng bất bình đẳng chứ không phải là việc tập trung thu nhập vào tay 1% những người giàu có nhất, như báo chí thường viết.
Trên cơ sở buổi thảo luận với Giáo sư Larry , tôi rút ra kết luận rằng thần chú của phong trào chính trị thành công tiếp theo ở Mĩ phải là sự phát triển bền vững, công bằng và đấy là mục tiêu hợp tình hợp lí.
Xin nói thêm. Trong một vài năm nữa chúng ta có thể bước vào giai đoạn phát triển kinh tế với tốc độ tương đối cao, trong một thời gian dài, đấy là nói nếu chúng ta thay đổi được đường lối của mình. Tôi đã viết về vấn đề này trong bài báo với nhan đề Phong trào Phục hưng của Mĩ.
Nhưng đây không phải là việc dễ. Nếu muốn có tốc độ phát triển trong 20 năm tới đây cao hơn tốc độ phát triền trong 20 qua, chúng ta phải làm một cuộc các mạng trong lĩnh vực năng suất lao động. Tốc độ phát triển kinh tế chủ yếu phải từ năng suất lao động – trong thập kỉ tới, khoảng 80% là do đóng góp của năng suất lao động, thay vì 35 đến 50% như trong ba thập kỉ vừa qua. Muốn giữ tốc độ phát triển như ba thập kỉ vừa qua, năng suất lao động phải tăng khoảng một phần ba. Nếu điều đó không xảy ra, thế hệ sinh ra trong thập kỉ trước sẽ trở thành những người chứng kiến sự gia tăng khoảng 60% thu nhập trung bình trên đầu người, như thế hệ những người sinh ra trong thập kỉ 60 từng chứng kiến.
Việc duy nhất chúng ta có thể làm nhằm gia tăng tốc độ phát triển của năng suất lao động là nâng cao trình độ học vấn của người Mĩ. Nhưng phát triển bền vững, công bằng không phải là mục tiêu mà hai đảng đang tập trung vào. Tái phân phối thu nhập mà phong trào tiến bộ hiện thời đang tập trung vào là việc làm không đúng chỗ, nhưng lại có lợi cho họ. Không đúng chỗ là vì có những biện pháp tốt hơn, có giá trị hơn nhằm đạt được cả bình đẳng hơn lẫn phát triển hơn; có lợi cho họ vì nó giúp người ta bỏ qua nhiều vấn đề khác. Phái hữu bị thị trường tự do ám ảnh – đấy còn là ý tưởng điên rồ, hơn vì họ hoàn toàn bỏ qua lịch sử phát triển kinh tế của nước Mĩ.
Cuộc cách mạng thật sự tiếp theo trong lĩnh vực giáo dục của Mĩ không phải là mở rộng đơn thuần hệ thống đã có sẵn. Nó phải là sự kết hợp của việc học tập và cấp chứng chỉ trong suốt cuộc đời, phải cố gắng dạy cho học sinh những phương pháp để họ có thể thường xuyên nâng cao kiến thức của mình, phải cố gắng giữ vững điều mà Giáo sư Larry Katz gọi là huấn luyện theo hoàn cảnh, đổi mới và củng cố hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng của chúng ta, biến internet thành hệ thống dễ sử dụng và hướng tới từng người học cụ thể, và những khoản chi phí dài hạn. Tôi cho là trong khoảng thời gian dài, mỗi năm cần chi từ 50 đến 75 tỉ USD, tức là một phần ba đến 0,5% GDP.
Không muốn nhắc đi nhắc lại những điều tôi thường nói, nhưng cánh cửa trước điều có thể gọi là chủ nghĩa tiến bộ mới hay phong trào bảo thủ mới đang rộng mở. Lúc đó những người cánh hữu cũ sẽ hướng tới nền kinh tế thị trường tự do và không bị kiểm soát. Còn những người cánh tả cũ sẽ hướng tới việc phân phối thu nhập. Nhưng công việc xây dựng xã hội có thể hoạt động được, trên cơ sở phát triển bền vững và công bằng, lại do những người muốn khát vọng của mình trở thành hiện thực thực hiện.

Bowman Cutter, Salon
Phạm Nguyên Trường dịch
* Bowman Cutter là một thành viên cao cấp và Giám đốc dự án kinh tế sau Mỹ tại Viện Roosevelt.
(TC Phía trước)

Ngô Đình Diệm - Bước đường từ Tri huyện lên Tổng thống

Giai đoạn lịch sử đầy biến động tại miền Nam từ năm 1945 đến năm 1975 gắn liền với tên tuổi Ngô Đình Diệm - Tổng thống đầu tiên của chính quyền Sài Gòn.

Khi tôi bắt đầu thực hiện loạt bài viết này, cũng là đúng 50 năm ngày hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị nhóm đảo chính quân sự bắn chết, 1/11/1963 - 1/11/2013.

Ngô Đình Diệm sinh ngày 3/1/1901, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha ông là Ngô Đình Khả, từng làm quan dưới triều Nguyễn. Sau khi Vua Thành Thái bị Pháp đày sang châu Phi, ông Khả trả ấn từ quan về quê làm ruộng. Một thuyết khác cho rằng, vì ông Khả không chịu ký vào đơn yêu cầu Thành Thái thoái vị, nên bị thực dân Pháp cách chức.

Ngô Đình Diệm bẩm sinh thông minh, đường học vấn lẫn chốn quan trường đạt nhiều thuận lợi. Năm 1921, khi mới 20 tuổi, ông tốt nghiệp Trường Hậu Bổ tại Hà Nội, được phong chức Tri huyện Hương Trà, sau đó chuyển sang làm Tri huyện Hương Thủy, Quảng Điền (Thừa Thiên Huế). Năm năm sau, năm 1926, ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Hải Lăng (Quảng Trị).

Năm 1929, ông nhậm chức Tuần vũ tỉnh Phan Thiết (Bình Thuận). Bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ lại dưới triều Vua Bảo Đại. Đó là năm 1933, khi Ngô Đình Diệm 32 tuổi, ông là Thượng thư trẻ nhất trong triều Nguyễn lúc bấy giờ.

Ngay khi nhậm chức, ông Diệm đề trình việc thành lập Viện Dân biểu với quyền hành pháp, nhưng chính phủ bảo hộ không thừa nhận. Tháng 7/1933, Ngô Đình Diệm từ quan để phản ứng lại sự phủ nhận Viện Dân biểu của Pháp.

Rời quan trường

Sau khi rời khỏi quan trường, Ngô Đình Diệm lui về ở ẩn, nhưng vẫn ngấm ngầm ủng hộ Hoàng thân Cường Để đang sống lưu vong tại Nhật với ý định thực hiện một cuộc cách mạng lật đổ Pháp hoàn toàn.

Suốt từ năm 1933 cho đến năm 1940, ông Diệm được coi là một nhân vật quá khích, xếp chung với Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam.

Có hai nhận định về ông Ngô Đình Diệm rất đáng lưu ý, nhận định này được đưa ra từ người Mỹ, những người vốn được xem là dựng lên Ngô Đình Diệm. "Ông ấy (tức Ngô Đình Diệm) là một con người luôn muốn được tất cả, hoặc không có gì", đây là tính cách nhất quán của ông Diệm từ khi ông làm quan cho đến lúc ông bị bắn chết, đúng nghĩa "được ăn cả, ngã về không". Và, "ông Ngô Đình Diệm là một con rối. Nhưng con rối ấy tự giật dây mình và giật dây luôn cả chúng ta". Điều này cho thấy, người Mỹ không xem ông Diệm là một kẻ bù nhìn, như bấy lâu nhiều người nhầm tưởng.

Khuya ngày 9/3/1945, người Nhật âm thầm thay thế vị trí của người Pháp tại An Nam. Thời điểm này, ông Diệm đang hoạt động tại Sài Gòn. Người Nhật thế chỗ người Pháp, ông Diệm rất hy vọng người Nhật sẽ đưa Hoàng thân Cường Để về để nắm giữ chính quyền, nhưng trái ngược với hy vọng của ông, người Nhật quay ngoắt sang ủng hộ Vua Bảo Đại. Bảo Đại mời ông Diệm làm Thủ tướng, nhưng ông từ chối. Sau cuộc thương lượng với người Nhật, ông Trần Trọng Kim ngồi vào vị trí này.

Ngày 17/4/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra mắt nhân dân với dàn nội các toàn là những bậc trí sĩ, thức giả đầy uy tín. Chính phủ do Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu, thừa về tinh thần dân tộc, khát vọng tự do, chính sách đổi mới nhưng lại thiếu nghiêm trọng về thực quyền.

Ông Ngô Đình Diệm.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Vua Bảo Đại thoái vị, Chính phủ Trần Trọng Kim tan rã theo. Rồi Pháp lại nhanh chóng tái chiếm Việt Nam, Bảo Đại tiếp tục được biến thành con cờ trong tay người Pháp.

Năm 1949, Hiệp định Élysée được ký kết, Bảo Đại thêm lần nữa mời ông Diệm đứng ra làm Thủ tướng thành lập nội các. Ông Diệm lại từ chối: "Tôi không tin người Pháp, lại càng không tin vào nền độc lập nửa vời mà người Pháp vẽ ra".

Sau lần từ chối này, ông Diệm cùng Giám mục Ngô Đình Thục và người em ruột là Ngô Đình Nhu thành lập đảng Xã hội Thiên Chúa giáo. Ông Diệm muốn xây dựng đảng này thành một đảng độc lập với tất cả các thế lực khác trong nước. Thời điểm này, ông trông chờ vào sự giúp sức của Mỹ.

Năm 1950, ông Diệm cùng ông Thục sang Nhật, tìm cơ hội xin diện kiến Thống tướng Douglas MacArthur, tuy nhiên Thống tướng Douglas MacArthur tiếp kiến ông Diệm, ông Thục rất lạnh nhạt và tỏ ý khiên cưỡng, hoàn toàn không có động thái cho thấy sẽ ủng hộ.

Thất bại trong cuộc vận động Thống tướng Douglas MacArthur, nghe theo lời khuyên của Wesley Fishel, giáo sư chính trị Đại học Michigan, ông Diệm sang Hoa Kỳ, dùng đủ mọi cách để tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Eisenhower nhưng cũng không thành công vì hai lẽ. Thứ nhất, Mỹ đang bận tham chiến tại Triều Tiên. Thứ hai, người Mỹ không muốn làm mất lòng người Pháp.

Điều may mắn nhất của ông Diệm vào thời điểm tuyệt vọng này, chính là vị Hồng y Spellman nảy sinh hảo cảm với ông Thục và đồng ý nhận lời làm trung gian giúp ông Diệm có cơ hội diện kiến với những nhân vật quan trọng trong chính quyền Hoa Kỳ.

Từ sự giúp đỡ của Hồng Y Spellman, ông Diệm đã tranh thủ được tình cảm của dân biểu Walter H. Judd, Thượng nghị sĩ Mike Mansfield. Đặc biệt là Thượng nghị sĩ John F. Kennydy rất nhiệt tình với ông Diệm.

Suốt trong những năm dài ở Mỹ, thi thoảng ông Diệm sang các nước châu Âu, như Bỉ, Ý, Pháp... nên ông có thêm nhiều kinh nghiệm hoạt động chính trị.
  (CAND)
 

Nguyễn Minh Đào - Kỷ niệm vui buồn ở thị xã Châu Đốc*


Năm 1983, tôi được cử đi học Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc – Hà Nội, chương trình lý luận nâng cao 6 tháng. Những bài học về chủ nghĩa Mác – Lênin và đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng tôi bỏ công nghiên cứu, cảm nhận chẳng khác “hái sao trên trời”, xa vời vợi thực tế cuộc sống, nhưng tôi không dám nói ra suy nghĩ của mình, vẫn cứ tin vào những tín điều mơ hồ mình học!
Tháng 8 năm 1983, tôi nhận quyết định làm bí thư Thị ủy Châu Đốc, vào thời điểm toàn miền Nam tập trung thực hiện chánh sách cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp quyết liệt. Đây là nhiệm vụ mới đầy khó khăn, thử thách đối với tôi. Là người đứng đầu Đảng bộ thị xã, tôi có trách nhiệm tiếp thu chủ trương, nghị quyết của Đảng, cùng tập thể lãnh đạo Thị ủy phổ biến quán triệt nội bộ và tổ chức thực hiện trong quần chúng, mong chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống, làm biến đổi thực trạng kinh tế - xã hội. Nhưng, càng dốc sức làm, tình hình càng tồi tệ, dân tình ngày càng bất bình, ca thán! Trước năm 1975, Châu Đốc là một thị xã sầm uất, người dân có mức sống khá sung túc, nay phố xá vắng lặng, tiêu điều, hàng hóa khan hiếm …, không biết từ đâu loan truyền câu thơ châm chọc: “Không có “bác” đời em cũng khổ - có “bác” rồi không có đồ mua”! Tôi thường xuyên tiếp xúc dân trong các cuộc hội họp, hoặc lẻ tẻ nghe phản ánh tâm trạng bức xúc và những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, đời sống… Tôi rất đau lòng cãm thấy có lỗi và xấu hổ với dân, đã gần mười năm chế độ mới không làm được gì đem lại lợi ích cho dân, ngoài những lời nói suông! Chính những chủ trương, chánh sách kinh tế - xã hội sai lầm mất lòng dân của Đảng, là nguồn cơn gây ra thực trạng bi đát nầy…!! Thời gian tôi công tác ở Châu Đốc, gia đình vẫn ở Long Xuyên đi lại như con thoi Long Xuyên – Châu Đốc, ngang địa phận huyện Châu Phú thấy cổng chào có câu đối đập vào mắt tôi như cái gai: “Áo ấm cơm no nhờ ơn Đảng – Nhà cao cửa rộng có Bác Hồ”. Không biết kẻ nào ngu xuẩn, trương câu đối đó vào thời điểm nầy? Thật là hài hước!
Năm 1984, tôi trực tiếp chỉ đạo “chiến dịch” đổi tiền lần thứ hai ở thị xã, thi hành lệnh cấp trên, tôi cũng như mọi cán bộ, đảng viên khác quyết tâm tổ chức thực hiện nghiêm túc. Ngày nay, nhớ lại việc mình làm thật lố bịch! Lệnh đổi tiền chỉ có tôi và chủ tịch thị xã nhận từ tỉnh một ngày trước, buổi chiều trước ngày “N” Ban thường vụ thị ủy mới được phổ biến và ngay sau đó tập họp cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ đến Văn phòng thị ủy phổ biến kế hoạch thi hành và cấm trại “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, kể cả thành viên Ban thường vụ thị ủy. Rạng sáng ngày “N” tung lực lượng xuống địa bàn phát loa phổ biến lệnh đổi tiền và định mức đổi tiền cũ lấy tiền mới mỗi hộ dân… Thật buồn cười cung cách “làm ăn” chụp giật, không minh bạch của các nhà lãnh đạo hoạch định chánh sách!! Đổi tiền lần nầy, tiếp theo đổi tiền lần trước năm 1976, cùng chánh sách cải tạo công thương nghiệp và nông nghiệp, giáng những đòn chí mạng vào tầng lớp trung lưu trong xã hội – một biện pháp vô cùng thất đức, xóa bỏ thức thì “giai cấp bóc lột”, san bằng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội – một trong những “tiêu chí” cơ bản của chủ nghĩa xã hội…!
Trước thực trạng kinh tế - xã hội thị xã quẫn bách không lối thoát, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi không biết làm thế nào đưa thị xã vượt qua mà không bị Đảng bắt tội “xé rào”. Hồi ấy, ở Châu Đốc có họp tác xã nông nghiệp Châu Long 1, được tỉnh công nhận là “tiên tiến”, nhờ “trùm mền” thực hiện “khoán hộ”, sản xuất phát triển khá, đời sống xã viên có phần được cải thiện. Trong lần đồng chí Đào Duy Tùng, ủy viên Bộ Chính trị về thăm thị xã, tôi hứng thú đưa đến họp tác xã để “khoe”. Sau khi nghe chủ nhiệm họp tác xã báo cáo quá trình xây dựng và phương thức quản lý kiểu “khoán hộ”, đồng chí quay lại hỏi tôi: “Làm như thế nầy thì tánh chất chủ nghĩa xã hội trong họp tác xã ở đâu…?”. Lời đồng chí Đào Duy Tùng làm tôi cụt hứng, càng thêm e dè! Nhưng vì trách nhiệm với đồng bào thị xã, tôi không thể khoanh tay ngồi chờ phép mầu từ trên trời rơi xuống, thấy mình cần phải làm gì đó…! Một hôm, về Văn phòng tỉnh ủy họp, tôi xin gặp riêng đồng chí Lê Văn Nhung (Tư Việt Thắng), bí thư tỉnh ủy, trong buổi chiều sau giờ làm việc, tôi nói với đồng chí: “Anh Tư ơi! Mình xây dựng chủ nghĩa xã hội là đem lại ấm no, hạnh phúc cho dân, nhưng làm kiểu nầy biết bao giờ mới đạt được điều đó anh Tư? Tôi thấy mình có lỗi với dân, dân tin mình, không khéo mình đánh mất niềm tin của dân…”. Đồng chí Tư Việt Thắng nhìn tôi nét mặt đượm buồn, chậm rãi nói; “Tôi cũng thấy như vậy, nhưng tỉnh là cấp trực thuộc Trung ương, không thể làm trái nghị quyết, chỉ thị Trung ương, Tư Đào ở cấp huyện, thực tế thấy cần phải làm gì cứ làm, nhưng phải khéo và từ từ thôi…!”.
Được bí thư tỉnh ủy bật đèn xanh, tôi như mở cờ trong bụng, báo lại Ban thường vụ thị ủy và đề xuất những việc cần làm trước mắt, nhằm làm dịu sự căng thẳng trong dân do chánh sách cải tạo gây ra, như cho tiểu thương đăng ký mua bán, các hộ tiểu - thủ công nghiệp được đăng ký sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thông thường, không buộc phải vào các tổ hợp hay hợp doanh với nhà nước. Trong nông nghiệp, các họp tác xã được tiếp tục “khoán hộ”. Ngoài ra, cho làm “thí điểm” đăng ký hành nghề thợ bạc (thợ kim hoàn), mua bán vàng và bán thuốc tây dưới hình thức “tổ họp”, nhưng thực chất là tư nhân v.v…
Sau khi triễn khai thực hiện những biện pháp “cởi trói” trên, không lâu chợ Châu Đốc người mua kẻ bán tấp nập, hàng hóa phong phú, đa dạng thị xã khoát trên mình bộ mặt mới. Khi tiếp xúc với dân ai cũng bộc lộ niềm vui, tôi cãm thấy vui lây với họ. Các đoàn khách trung ương và các tỉnh bạn đến thăm An Giang, gần như đoàn nào cũng lên Châu Đốc tham quan, mua sắm. Có người nói mĩa mai với tôi: “Chợ Châu Đốc của anh sao giống Hồng Kông quá!”. Có người lại hỏi: “Anh làm sao chợ búa mua bán sôi động vậy?”. Tôi trả lời: “Tôi chẳng làm sao cả, trước đây ta cải tạo công thương nghiệp cấm đoán gây ách tắc mọi thứ, nay chúng tôi để người dân được tự do làm ăn, buôn bán bình thường. Chỉ có thế!…”.
Nguyễn Minh Đào

[*] Trích Hồi ký của tôi, nhân thị xã Châu Đốc vừa nâng cấp thành phố thuộc tỉnh
(viet-studies) 

Hà Tường Cát - Vì sao Trung Quốc đột nhiên khoe tàu ngầm nguyên tử?

Báo Người Việt hôm Thứ Năm, 31 tháng 10, loan tin theo các cơ quan truyền thông quốc tế, Trung Quốc biểu dương sức mạnh tầu ngầm nguyên tử. Bản tin viết: “Bắc Kinh đang biểu dương sức mạnh hạm đội tầu ngầm nguyên tử của họ, qua việc các cơ quan truyền thông nhà nước hôm Thứ Ba cho hay đây là điều cần thiết để cho các quốc gia khác thấy khả năng tấn công của Trung Quốc trong khi các tranh chấp biển đảo ngày càng gia tăng”.
Một tàu ngầm nguyên tử lớp Jin 094 của Hải Quân Trung Quốc 
đang lặn xuống biển. (Hình: AFP/Getty Images)

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc công khai nói đến tiềm thủy đĩnh nguyên tử, điều mà trong 40 năm họ không bao giờ muốn nói rõ. Theo giải thích của truyền hình nhà nước CCTV, sự trình bày này là một phần nỗ lực làm trong sáng quân sự của Trung Quốc như Hoa Kỳ vẫn thường yêu cầu.

Nhưng Zachary Keck của tạp chí The Diplomat không tin lập luận ấy, ông cho rằng đây là một “sự biểu dương lực lượng”, đáp ứng nhu cầu răn đe của Trung Quốc trong tình thế có những tranh chấp khu vực với Nhật Bản và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Đầu tuần trước toàn thể những cơ quan truyền thông Trung Quốc đồng loạt loan tin về “sức mạnh đáng sợ mới của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc”: lực lượng tiềm thủy đĩnh nguyên tử. Những bài gần như giống hệt nhau được đăng trên các báo Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Thanh Niên, Global Times, Guangmin Daily, với khoảng 30 hình ảnh và đồ biểu trong đó có cả dự phóng tổn thất cho Los Angeles, Seattle nếu bị tấn công bằng hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử phóng đi từ tàu ngầm Trung Quốc. Tờ Global Times nói rằng tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc nay đã hoạt động ra ngoài khơi tới “dãy đảo số 2 của Thái Bình Dương” nghĩa là những hải đảo chạy dài từ đảo Honshu Nhật Bản xuống tới Papua New Guinea.

Tuy nhiên theo nhận định của những chuyên gia quân sự và phân tích viên quốc tế thì căn cứ trên nhiều yếu tố, động thái đột ngột của Trung Quốc có mục đích khoa trương tuyên truyền và mang ý nghĩa tâm lý hơn là chứng tỏ được giá trị quân sự đáng gờm của họ. Nhưng một số báo chí Tây Phương bị tác động bởi những tin tức ấy vẫn tỏ ra lo ngại về mối đe dọa hơn mức độ thực tế có thể có.

Tháng 11 năm ngoái trong bản phúc trình thường niên gởi tới quốc hội, ủy ban duyệt xét về kinh tế và an ninh Mỹ - Hoa đã nói là Trung Quốc có khả năng triển khai các hỏa tiễn Julang-2 nội trong vòng hai năm tới. Theo báo cáo này, tiềm thủy đĩnh nguyên tử lớp Jin (Tấn) mà Trung Quốc có 2 chiếc đã đưa vào hoạt động, có thể phóng JL-2, loại hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa tương tự như Trident của Hải Quân Hoa Kỳ.

Tình báo Hải Quân Hoa Kỳ ước lượng Trung Quốc có thể sẵn sàng 5 tàu ngầm kiểu này, tạo ra một lực lượng răn đe chiến lược gần như thường trực ngoài biển. Như vậy, Trung Quốc đã đạt tới trình độ bố trí được một hệ thống chân vạc về vũ khí chiến lược bao gồm hỏa tiễn liên lục địa đặt trên đất liền, hỏa tiễn đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay oanh tạc mang bom nguyên tử. Cho đến nay thực tế mới chỉ có Hoa Kỳ và Nga triển khai được đầy đủ bộ ba vũ khí ấy.

Trên lý thuyết, Hoa Kỳ biết đầy đủ những vị trí đặt hỏa tiễn trên đất Trung Quốc và có đủ tiềm lực để quét sạch trong đợt đánh chặn ngay khi xảy ra một trận chiến tranh nguyên tử toàn diện. Nhưng rất khó phát hiện vị trí của tàu ngầm cho đến khi hỏa tiễn đã được phóng đi, vì vậy tàu ngầm là vũ khí lý tưởng sử dụng cho đợt oanh kích thứ nhì. 

Tầm tác xạ tối đa của hỏa tiễn JL-2 là khoảng 4,500 dặm. Để bắn tới Los Angeles, tàu ngầm Trung Quốc cần phải đến một vị trí cách Hawaii khoảng 1,000 dặm hay vùng phía đông nam quần đảo Kurils. Còn nếu muốn bắn tới Washington D.C. tàu ngầm Trung Quốc cần đến gần bờ biển miền Tây Hoa Kỳ và Canada ít nhất là 1,500 dặm.

Cuộc chiến đấu của tàu ngầm từ trước đến nay vẫn là kiểu mèo rình chuột, vấn đề chủ yếu của một phía là lẩn trốn và phía đối phương là phát hiện ra địch. Tạp chí Popular Mechanics dẫn lời Hans Kristensen, phân tích gia của FAS (Hiệp Hội Khoa Học Gia Hoa Kỳ), cho rằng các tàu ngầm tác chiến của Hoa Kỳ sẽ bám sát các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc bất cứ khi nào những tàu này ra Thái Bình Dương. Chẳng hạn vệ tinh do thám hoạt động thường trực có thể dễ dàng nhận ra một tàu ngầm rời cảng, ngay cả từ căn cứ Du Lâm trên đảo Hải Nam, nơi tàu ngầm nằm trong đường hầm đào sâu vào bờ biển. Sự truy lùng sau đó dựa vào tiếng ồn từ động cơ và kiểu cách hoạt động quen thuộc của tàu ngầm như đã hiểu. Nếu chưa có một kiểu hiện đại hơn thì tàu ngầm lớp Jin là các tàu ngầm động cơ rất ồn dễ bị lộ.

Hoa Kỳ và Nhật Bản có nhiều phương tiện khác để canh chừng dọc duyên hải Tây Thái Bình Dương, bao gồm những dụng cụ cố định cũng như di động. 
Hải quân Hoa Kỳ đã có kinh nghiệm 60 năm trong việc theo đuổi các tàu ngầm nguyên tử chiến lược thời Chiến Tranh Lạnh, bằng thành tích ấy khó để tin là tàu ngầm Trung Quốc với nhiều đặc tính hãy còn kém xa tàu ngầm Liên Xô mà lại có thể lọt qua lưới.

Vả lại phát triển tàu ngầm nguyên tử chỉ có nghĩa là gia tăng khả năng tấn công bằng vũ khí không quy ước, chứ không phải nhằm về chiến thuật trong những cuộc xung đột thông thường. Về điểm này, Wang Xiaoxuan viết trên tờ China Daily: “Hoa Kỳ và Nga có những tiềm thủy đĩnh nguyên tử tân tiến nhất, rồi tới Anh và Pháp. Kỹ thuật của Trung Quốc còn thua kém tất cả bốn nước đó, nhất là về điện tử và hệ thống vũ khí. Do đó sẽ là ngờ nghệch nếu coi một thành viên yếu trong câu lạc bộ tàu ngầm nguyên tử có thể thành sự đe dọa”.

Đó là mới chỉ nói về mặt khả năng kỹ thuật, về số lượng hạm đội tàu nổi và tàu ngầm Trung Quốc cũng còn kém xa Hoa Kỳ. 

Trung Quốc có khoảng 70 tàu ngầm, đa số thuộc loại động cơ diesel-điện, số tàu ngầm nguyên tử chỉ khoảng 10 chiếc. Trong thập niên 1980, Trung Quốc bắt đầu phát triển tàu ngầm nguyên tử chiến lược, chiếc đầu tiên thuộc lớp 092 Xia (Hạ) có 12 ống phóng hỏa tiễn JL-1, loại hỏa tiễn này chỉ có tầm bắn giới hạn và nhiều lần thất bại trong các cuộc phóng thử nghiệm. Chiếc tàu ngầm lớp Xia đầu tiên đã cũ và lỗi thời mới được giải giới tuần này.

Sau đó đến tàu ngầm nguyên tử lớp 093 Shang (Thương). Tới 2010, Trung Quốc sản xuất loại tàu ngầm ngyên tử mới, lớp 094 Jin (Tấn) có 12 ống phóng hỏa tiễn JL-2. Gần đây Trung Quốc chế tạo tàu ngầm nguyên tử lớp 096 Tang (Đường) và theo dự đoán đã có 2 chiếc được đưa vào hoạt động.

Hải Quân Hoa Kỳ hiện có khoảng 90 tàu ngầm, tất cả đều sử dụng động cơ nguyên tử, thuộc 3 lớp chính là Los Angeles, Ohio và Virginia. Tàu ngầm lớp Ohio là tàu ngầm chiến lược chuyên dùng cho việc phóng hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa trong khi lớp Los Angeles và Virginia là loại tàu chiến thuật tác chiến có sứ mạng chính là tấn công chiến hạm hay tàu ngầm đối phương. Một số tàu ngầm này cũng mang hỏa tiễn bình phi để tấn công tàu địch hay oanh kích những mục tiêu trong đất liền. Khoảng hơn phân nửa số tàu ngầm này đặt căn cứ và hoạt động trong vùng Thái Bình Dương.

Tàu ngầm nguyên tử có ưu điểm là tầm hoạt động vô giới hạn và có thể ở dưới sâu lâu dài không cần nổi lên mặt biển đổi không khí. Nhưng nhược điểm của nó là động cơ rất ồn không êm bằng những tàu ngầm dùng động cợ quy ước kiểu như lớp Kilo của Nga. Vì vậy trong chiến đấu cận duyên, tàu ngầm nguyên tử không có lợi thế.

Hải quân một số nước Đông Nam Á bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam đến nay đều đã hay sẽ trang bị tàu ngầm loại động cơ quy ước mua của Nga và các nước Âu Châu. Những tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc chỉ được sử dụng vào mục tiêu chiến lược và không có vai trò trong cuộc xung đột nếu xảy ra trong vùng Biển Đông.

Tóm lại tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc chưa phải là mối đe dọa thực tế đáng kể đối với Hoa Kỳ ít nhất là trong tương lai nhiều năm nữa. Việc khoa trương khá đột ngột của họ có lẽ chỉ nhắm mục tiêu chứng minh tiến bộ khoa học kỹ thuật, một đường lối tuyên truyền mà Trung Quốc tích cực theo đuổi sau khi đã tiến lên vị trí một cường quốc kinh tế.

Mặt khác, nếu các tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc trong thực tế không đem lại sự gia tăng khả năng chiến thuật hải chiến, thì cũng gây được tác động tâm lý đối với các quốc gia trong khu vực và đó có thể là mục tiêu chính mà Trung Quốc nhắm tới trong tình trạng đang có nhiều tranh chấp.

Ngoài ra, về nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc cần lôi kéo sự ủng hộ của những phái diều hâu có tinh thần dân tộc cực đoan và việc đề cao sức mạnh quân sự là một phương cách làm vừa lòng các phe phái ấy. Trong vòng chưa tới một năm kể từ khi nắm vị trí lãnh đạo tối cao, người ta đã thấy Tập Cận Bình nhiều lần phát biểu trong chiều hướng này. 

Hà Tường Cát
(Diễn đàn) 

Bắt, khởi tố 19 cán bộ ngân hàng liên quan món nợ 1500 tỷ đồng ở miền Tây

Cty Phuong Nam

Sau 2 tháng khởi tố, bắt giam 12 cán bộ ngân hàng ở Sóc Trăng và Hậu Giang, Bộ Công an tiếp tục khởi tố thêm 7 người. Trong đó có 6 cán bộ bị tạm giam 4 tháng.

Hôm qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Ngân hàng An Bình chi nhánh tỉnh Bạc Liêu và ông Võ Văn Trương, Trưởng phòng Quan hệ khách hàng ngân hàng này. Cả 2 bị bắt về hành vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Cùng lúc này, tại Sóc Trăng có 4 cán bộ ngân hàng bị bắt. Trong đó, Ngân hàng Vietcombank chi nhán Sóc Trăng có Phó giám đốc Nguyễn Thị Bích Dung và Trưởng phòng khách hàng Lâm Quốc Tuấn. Ngân hàng Sacombank chi nhánh Sóc Trăng cũng có 2 cán bộ vướng lao lý là ông Lưu Quốc Cường (Phó giám đốc) và cán bộ cấp trưởng phòng Võ Việt Thắng.

Riêng cán bộ tín dụng Vietcombank chi nhánh Sóc Trăng là Huỳnh Thị Huệ bị khởi tố nhưng tại ngoại. Những cán bộ này đều bị điều tra cùng hàng vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo điều 179 Bộ Luật hình sự.

Trong lúc triển khai quyết định bắt tạm giam các bị can, Ngân hàng An Bình chi nhánh Bạc Liêu và Vietcombank, Sacombank chi nhánh Sóc Trăng (cùng trên đường Trần Hưng Đạo, TP Sóc Trăng) vẫn hoạt động bình thường, khách hàng ra vào giao dịch như không có gì xảy ra bởi người dân không thấy màu áo của cảnh sát.

Hai tháng trước, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển chi nhánh Sóc Trăng trên đường Trần Hưng Đạo (TP Sóc Trăng) cũng tiếp tổ công tác của Bộ Công an vào thực hiện lệnh bắt tạm giam Giám đốc Nguyễn Thế Thắng và Phó giám đốc Nguyễn Văn Xem. Ngoài ra, 3 cán bộ dưới quyền của ông Thắng là Trưởng phòng tín dụng Trần Văn Nhã, Trưởng phòng kiểm tra Vũ Văn Quang với chuyên viên Từ Quỳnh Ngân cũng bị bắt. Lúc này, ông Đỗ Hùng Sở, Giám đốc Sở Giao dịch Hậu Giang của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và 6 cán bộ liên quan bị khởi tố, bắt tạm giam.

Như vậy, đến thời điểm này có 19 cán bộ ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu bị khởi tố, bắt giam liên quan đến nợ nần tại Công ty cổ phần thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng).

Doanh nghiệp này nợ các ngân hàng trên 1.500 tỷ đồng và vừa được tái cấu trúc thành công.

Hàm Yên

Đàm Vĩnh Hưng bị Cục nghệ thuật biểu diễn cảnh cáo

D3T_1253_resize

Chiều ngày 6.11, Đàm Vĩnh Hưng đã chính thức nhận được công văn của Cục Nghệ thuật biểu diễn về hành vi cá nhân trong ngày Halloween.

Theo đó, nội dung chủ yếu là nhắc nhở Đàm Vĩnh Hưng nên biết điều chỉnh lại các phát ngôn, hành vi của bản thân. Công văn 918/NTBD-PQL ghi rõ: “Bằng văn bản này, Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) nghiêm khắc rút kinh nghiệm trước những hành động, phát ngôn không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong thời gian vừa qua. Chấp hành đúng quy định của pháp luật khi tham gia các hoạt động nghệ thuật và giữ đúng chuẩn mực đạo đức, hình ảnh của người nghệ sĩ trước công chúng.

Cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc tiếp theo nếu ông Huỳnh Minh Hưng tiếp tục có những hành động, phát ngôn không phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc và gây ảnh hưởng xấu khi xuất hiện trước công chúng, khán giả.

Cục Nghệ thuật biểu diễn thông báo để ông Huỳnh Minh Hưng được biết  và tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc và quy định của pháp luật.”

Công văn hỏa tốc mà Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi cho Mr Đàm
Công văn hỏa tốc mà Cục Nghệ thuật biểu diễn gửi cho Mr Đàm
Được biết, trong đêm tiệc Halloween 31.10, Đàm Vĩnh Hưng đã hóa trang thành một bác sĩ có bảng tên Cát Tường trên ngực. Ngay khi những hình ảnh của buổi tiệc được đưa lên các báo và trang tin điện tử, anh đã bị dư luận chỉ trích khi gợi nhớ lại vụ việc bác sĩ thẩm mỹ vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng. Đứng trước những ý kiến phê phán, anh cho biết: “Tôi cũng chẳng phải nhân vật mẫu mực gì, nhưng đây là lễ hội hóa trang mà, người ta phải được mặc cái gì mình thích chứ! Bao nhiêu người cũng mặc đồ này đồ kia sao mọi người không nói gì mà Đàm Vĩnh Hưng mặc thì lại la ó phản cảm này kia? Phải để cho tôi có cuộc sống riêng của tôi nữa chứ! Tôi mệt mỏi lắm rồi, chẳng quan tâm nữa, ai muốn nói gì thì nói!”. Đồng thời cũng chia sẻ mình sẵn sàng hợp tác với Cục Nghệ thuật biểu diễn nếu như hành động của anh là sai phạm.

Sau khi nhận công văn, Đàm Vĩnh Hưng đã rất thành ý khi không phản ứng mạnh mà đón nhận rất nhẹ nhàng cũng như cho biết là bản thân sẽ rút kinh nghiệm nhiều hơn trong các phát ngôn, hành vi sau này.

Trước khi xảy ra sự việc của Đàm Vĩnh Hưng, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã có 2 lần ra văn bản cấm biểu diễn với 2 cá nhân. Đầu tiên là Lê Thị Huyền Anh hay còn gọi là Bà Tưng (văn bản ra ngày 8.8.2013) khi cô gái này liên tục có những hành vi gây chú ý với các hành vi phản cảm. Điều này được thực hiện dựa trên Chỉ thị 65 của Bộ VH-TT-DL.

Tiếp đến là Lê Ngọc Phương Trinh, nghệ danh Angela Phương Trinh (văn bản ra ngày 3.9.2013) khi nữ diễn viên có màn biểu diễn múa cột khoe thân tại một quán bar ở Hà Nội. Cô bị xử phạt vì đã có hành vi trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, thiếu văn hóa trong biểu diễn, vi phạm Nghị định 79 Chính phủ.
 
Văn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét