Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Lượm lặt - SỨC LAY ĐỘNG CỦA “DẬY MÀ ĐI”

CHÍNH TRỊ-PHÁP LUẬT
- GS Tương Lai: SỨC LAY ĐỘNG CỦA “DẬY MÀ ĐI” (DĐXHDS).
- Nguyễn Khắc Mai: Về ẩn dụ “hổ” và Tham nhũng (DĐXHDS).
KINH TẾ
VĂN HÓA-THỂ THAO

GIÁO DỤC-KHOA HỌC
XÃ HỘI-MÔI TRƯỜNG
QUỐC TẾ 

SỨC LAY ĐỘNG CỦA “DẬY MÀ ĐI”

Tương Lai
1Có lẽ những chàng trai cô gái say sưa hát bài “Dậy mà đi” để chào đón Đinh Nhật Uy buộc phải được trả tự do tại Tòa án Long An hôm 29.10.2013 không biết và cũng không cần biết rằng bài đó ra đời từ trong nhà tù thực dân năm 1941, khi đất nước còn nằm trong xiềng xích nô lệ. Bài thơ làm trong nhà tù thuở ấy tự nhắc nhở :
    “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi  lần ?
Huống đường đi còn lắm bước gian truân
Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu
“!
Thế rồi một phần tư thế kỷ sau, lời thơ được biến tấu thành ca từ của một bài hát cùng tên với điệp khúc “Dậy mà đi, dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi” ra đời trong phong trào đấu tranh chống chế độ Sài Gòn của sinh viên và thanh niên Miền Nam những năm 1966- 67. Để rồi hôm nay, lớp trẻ cháy bỏng khát vọng tự do, dân chủ lại đang hát vang khúc ca đòi bẻ gãy những xiềng xích mới.
Lịch sử đang đi những bước oái oăm!
Câu hát năm nao bỗng như một lời tiên tri “Đây chưa phải trận sau cùng chiến đấu“. Nếu cứ cho đó là một câu “tiên tri” thì câu “tiên tri” ấy đang biến thành lời giục giã cho cuôc chiến đấu mới ” Ai nên khôn không khốn một lần” rồi trào dâng thành một làn sóng dập dồn : “Hát cho dân tôi nghe, tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát cho đêm thiên thu…Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên…”.
Thế rồi, “ tiếng hát tung cờ ngày nào” giờ đây vang lên để vạch mặt những kẻ nhân danh lá cờ ấy để tròng một thứ xiềng xích mới lên cuộc sống của đất nước. Xiềng xích ấy đang đè nặng lên tâm tư của cả một dân tộc vốn hiểu rõ chân lý‎ không có gì quý‎ hơn độc lập tự do. Những kẻ nhân danh lá cờ ấy đang đặt những gông cùm mới lên cuộc sống của tuổi trẻ yêu nước không cam chịu cúi đầu trước bọn xâm lược phương Bắc thực thi chủ nghĩa bành trướng Đại Hán.
Những kẻ đang cúi đầu trước bọn xâm lược lại đang đang cắm chính lá cờ ấy trên nóc nhà tù, trại giam nhan nhản khắp cả nước để uy hiếp, trấn áp những người yêu nước, bóp chết khát vọng dân chủ, tự do và quyền con người, nhằm củng cố cho một chế độ toàn trị phản dân chủ, phản tiến hóa đang bị lung lay từ chân móng. Lá cờ ấy đang bị hoen ố bởi những hành động đáng xấu hổ mà chế độ toàn trị phản dân chủ này đang gây ra cho cả dân tộc, xúc phạm đến anh linh những thế hệ Việt Nam đã nằm xuống để bảo vệ mảnh đất thiêng của tổ quốc mà vì điều thiêng liêng ấy, cả núi xương, sông máu đã phải đổ ra. Thế hệ trẻ hôm nay quyết không để cho lá cờ ấy bị hoen ố. Sức lay động của tiếng hát “Dậy mà đi” khởi nguồn từ đó.
Tiếng hát đón chào Đinh Nhật Uy, từ tòa án Long An bước ra là để tuyên bố trước toàn thế giới một chuyện đáng xấu hổ : Việt Nam có lẽ là nước đầu tiên một công dân bị bỏ tù vì đã sử dụng Facebook, một trong những thành tựu văn minh mà loài người có được từ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, trước hết là công nghệ thông tin! Đương nhiên Viện Kiểm sát và Tòa án tỉnh Long An gắng gượng viện dẫn bằng được những điều khoản này nọ để ghép “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo khoản 1 Điều 258, BLHS cho Đinh Nhât Uy. Luật sư Hà Huy Sơn đã bác bỏ tất cả những điều đó và đòi ” trả tự do ngay tại phiên tòa cho ông Đinh Nhật Uy“.
Thật ra,với Tòa án của môt chế độ toàn trị quen với những bản án “bỏ túi” thì lời lẽ và luận cứ của luật sư chỉ là vật trang sức rẻ tiền,họ bỏ ngoài tai. Họ không thể tuyên Đinh Nhật Uy vô tội và do đó phải được trắng án, phải được bồi thường. Bước đi oái oăm của lịch sử đang dẫm lên vết nhơ này. Chúng ta muốn xây dựng một nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn“, nhưng chế độ toàn trị phản dân chủ này đang làm ngược lại mong muốn đó. Nó đang phản bội lại lý tưởng cao đẹp của những người từng “dậy mà đi” trên con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Vì vậy mà hôm nay, tuổi trẻ lại đang phải “hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên…”.
Bản án dành cho Đinh Nhật Uy rồi cũng sẽ là bản án dành cho những người có lương tri, lương năng đang và sẽ sử dụng những thành tựu của văn minh để làm cho cuộc sống văn minh hơn, đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn. Họ, trước hết và chủ yếu là một thế hệ mới của những người đấu tranh cho dân chủ mà internet là công cụ rất tiện ích và có tiềm năng rất lớn . Họ lại là những người rất trẻ, đủ lòng dũng cảm và trí sáng tạo để thể hiện khát vọng của họ. Họ dùng blog và mạng lưới xã hội để trao đổi thông tin và bày tỏ tình cảm, ý nghĩ của mình, điều mà chế độ toàn trị rất kiêng kỵ! Kiêng kỵ như người ta đã từng kiêng kỵ “xã hội dân sự dân sự”.
Một nhà nước pháp quyền đàng hoàng sẽ không thể kết tội Đinh Nhật Uy. Bởi, nếu vậy thì rồi, 32 triệu người sử dung internet [nếu đúng như người ta loan báo để đánh bóng thành tích] đều có nguy cơ bị Điều 258 của Bộ Luật Hình sự cho vào tù bất cứ lúc nào. Nhưng không thể không dằn mặt và răn đe một trào lưu đang như những dòng suối nhỏ đổ ra sông lớn mà sức cuộn chảy của nó không một bờ bao, một con đê nào ngăn chặn nổi. Thêm vào đó, dòng sông đang xuôi về biển cả, sóng đại dương đang tiếp sức cho tốc độ bứt phá của dòng sông cuộc sống. Dư luận quốc tế đang là một sức ép hiện thực mà nhà nước toàn trị này phải tính toán.
Đó là sức cộng hưởng của phong đào dân chủ trong nước từ bản Tuyên bố về thực thi quyền dân sự và chính trị của giới trí thức nhân sĩ trong và ngoài nước, kết hợp với những sáng kiến của giới trẻ trong đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cùng với những bàn chân nổi giận của người nông dân mất đất rầm rập xuống đường, tạo thành một nội lực to lớn để được tiếp sức của cộng đồng quốc tế, bao gồm chính giới có mối quan hệ nhà nước với nước ta, giới đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền thế giới và mạng lưới truyền thông quốc tế thường xuyên theo sát diễn biến tình hình ở Việt Nam .
Bước đi oái oăm của lịch sử cũng đang thể hiện ở thế giằng co chưa ngã ngủ từ đối nội cho đến đối ngoại mà cái sức cộng hưởng nói trên đang in đậm dấu ấn. Dấu ấn ấy hiện rõ trong ứng xử của người cầm quyền trong thế “tiến thoái lưỡng nan“, “đi thì cũng dở, ở không xong” trước bao áp lực vì đang “nhả chẳng ra cho, nuốt chẳng vào” những lợi ích phe nhóm khi mà những lợi ích ấy lại được đặt lên trên lợi ích của tổ quốc, lên trước lợi ích và khát vọng của toàn dân. Từ một sự kiện vụ án Đinh Nhật Uy, khởi đầu cho việc xử lý mạng lưới internet đầy bất trắc đối với một chế độ toàn trị trước một xã hội đang tỉnh thức, gây nên sự ngột ngạt trong đời sống của mọi tầng lớp nhân dân đang đối diện với bao khó khăn về kinh tế và an toàn xã hội.
Không hiểu điều này có nằm trong cái mà ông Tổng bí thư nọ cảm thấy”ngột ngạt” khi ông nói với cử tri quận Ba Đình ngày 27.9.2013 không, chứ ngay từ đầu thế kỷ XX thì các cụ ta trong phong trào “Duy tân” đã thốt lên rằng : “Văn minh là thế giới nào. Mà ta chìm đắm trong hào dã man“! Xin nhớ cho là tòa án của chế độ thực dân đã tửng xử vụ án “Đồng Nọc Nạn”, rồi chính quyền Sài Gòn trước 75 đã không thể không nể trọng các luật sư biện hộ và đấu tranh cho công lý. Và hồi ấy, “ma tà”, “lính kín”,”sen đầm” chưa phải tổ chức một bộ máy côn đồ du thủ du thực đông đến vậy để huy động vào việc đàn áp dân chúng. Bọn côn đồ này đánh người nhân danh công an, trước mắt công an, được công an khuyến khích, cổ vũ mà chuyện đánh đập dã man gây thương tích công dân Lưu Trọng Kiệt hay chuyện hành hung bloger Lâm Bùi trước cửa Tòa án Long An hôm rồi chỉ là  một trong vô vàn những ví dụ!
Nhưng bạo lực chỉ có thể là cách giải khát bằng thuốc độc. Bạo lực không khuất phục được tuổi trẻ, ngược lại, đang đổ thêm dầu vào lửa, ngọn lửa của sự phẫn nộ và ý chí đấu tranh. Cũng chính vì vậy, sức lan tỏa của bài hát “Dậy mà đi” các bạn trẻ đang hát kia đang thổi một làn sinh khí vào đời sống ngột ngạt mà xã hội đang phải chịu đựng. Xin được phép trích ra đây những lời gan ruột của bloger Lâm Bùi, người  bị hành hung để chứng minh cho điều ấy :
“Cái đau này không phải vì là thể xác, mà là ở tâm hồn…đau vì nhà cầm quyền thay vì lắng nghe dân, tôn trọng dân, thì luôn dùng quyền lực, dùng bạo quyền để trấn áp người dân. Coi lợi ích đảng phái phe nhóm lớn hơn Dân Tộc, lớn hơn Tổ Quốc…và coi dân là kẻ thù, là thù địch. Sau phiên tòa, dù rằng Đinh Nhật Uy được hưởng án treo, được phóng thích tại tòa, nhưng đó vẫn là một bản án, một bản án bất công và Uy đã phải bị giam cầm oan uổng hơn 4 tháng trời.
Đảng vẫn muốn cai trị bằng quyền lực để phục vụ cho mình, bằng sự dối trá để đầu độc người dân, bằng những điều luật mà mỗi người dân, mỗi người như chúng ta đây, khi muốn thể hiện cái Quyền Con Người chính đáng của mình…thì bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành những Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang, Nhật Uy, Nguyên Kha…và nhiều…tại sao?Hãy lên tiếng, và hãy cứ lên tiếng, vì chúng ta là con người…chúng ta không phải là những con cừu.
Chúng ta không kêu gọi lật đổ hay tranh giành, chúng ta chỉ muốn họ thay đỗi, hãy xóa bỏ những điều luật không đúng, sai trái, hãy tôn trọng quyền con người của mỗi người công dân…hãy thay đổi cả chúng ta và cả họ…hãy thay đổi…thay đổi vì Việt Nam cho Việt Nam.
Đẹp biết bao, cao cả biết bao ý chí của tuổi trẻ, nguồn sinh lực bất tận của dân tộc! Chính họ chứ không phải ai khác đang thúc đẩy lịch sử đi tới, đang góp phần viết nên những trang sử mới của cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do, tiếp tục sứ mệnh của cha anh từng đổ máu cho sự nghiệp giành độc lập của tổ quốc. Vì, họ hiểu rằng, độc lập mà không có dân chủ và tự do, không có nhân quyền thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì cả.
Ngày 31.10.2013

Về ẩn dụ “hổ” và Tham nhũng

Nguyễn Khắc Mai
Trên diễn đàn Quốc hội, mấy ngày vừa qua đã vang lên những nghị luận, lên án, tìm nguyên nhân tham nhũng và chống tham nhũng. Đã từng có ý kiến ví tham nhũng như hổ. Ẩn dụ ví tham nhũng như cọp dữ, có gây được ấn tượng, cái to lớn, dữ dằn, làm người ta hình dung tầm vóc quan trọng của tham nhũng và vấn đề chống tham nhũng. Ông nghị ấy nói, lâu nay đánh tham nhũng như đánh ruồi. Một vị khác, trước khi đi họp, gặp mặt cử tri, đã nói tham nhũng như ghẻ ngứa, rất khó chịu.

Nói chung, người ta cố tìm những thao tác ngôn từ để gây ấn tượng. Tầm cỡ lãnh đạo quốc gia, mà chỉ nghĩ được tham nhũng như ghẻ ngứa, ở thập kỷ thứ hai của Thế kỷ 21, thì mô hình tư duy quả nhiên là quá đơn giản, nó nói lên cái tầm cảm giác, tức là bậc thấp nhất của tri thức, chưa đạt tới tầm khái quát, có ý nghĩ về triết lý và tư tưởng. Lãnh đạo quốc gia chỉ mong chờ ở cảm tính may ra chỉ phù hợp với xã hội đơn giản, thủ công nghiệp!
Nay xin nói về ẩn dụ “hổ”. Nói tham nhũng như hổ có ba điều lạc hậu.
Một là loài hổ hiện nay là loài quý, hiếm, phải chăm lo, bảo vệ. Nó đã trở thành tên tuổi trong sách đỏ  của thế giới.
Hai là trong tâm thức của người Việt  xưa, do sợ hãi, mà coi nó như một lực lượng siêu nhiên phải thờ phụng. Nếu ví tham nhũng như hổ hóa ra chỉ còn cách thờ phụng nó hay sao.
Thứ ba là, người ta đã liên hệ hổ với tham nhũng đã hơn hai ngàn năm nay. Khổng  tử từng kể câu chuyện “Hà chính”, như sau: Một người đàn bà đến dựng nhà ở bìa rừng nhiều hổ báo. Có người hỏi, sao lại đến ở một nơi nguy hiểm như vậy. Bà trả lời “thà ở với hổ báo còn hơn ở với hà chính.” Khổng tử kết luận “hà chính mãnh ư hổ”, nghĩa là hà chính còn bạo ngược hơn cả hổ báo”. (xem thiên Đàn cung sách Lễ ký).
Những ví von, ẩn dụ như vậy, chỉ làm người có chút lương tri, hiểu biết phải nhếch mép, đau lòng. Tham nhũng xưa gắn với chế độ phong kiến. Thường khi những minh quân nỗi dậy, dựa vào dân, nổi can qua trị tham nhũng. Rồi sau một hồi, con,cháu suy đồi, lại tham nhũng, lại phải đứng lên lật đỗ. Ở thời đại mới, trong chủ nghĩa tư bản, người ta tìm ra giải pháp hữu hiệu (nhất hiện nay) trong việc xây dựng một chế độ chính trị dân chủ, tam quyền phân lập, Nhà nước đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của nhân dân, của xã hội. Thế mà tham nhũng vẫn còn xảy ra. Có điều dù Tổng thống, dù Thủ tướng hay bất kỳ ai, trước sau đều bị luật pháp và nhân dân vạch trần và trị tội, báo chí ta vẫn thường đưa những tin như vậy.
Nhà nước ta và đảng CS cầm quyền hiện nay hãy “đi tới tận cùng ngôn cú “ – nghĩa là trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đường lối, chính sách, tư duy…hãy đi cho đến tận cùng. Đừng suy nghĩ nửa vời, đừng tư duy hời hợt. Đặc biệt là không đánh tráo khái niệm, để lừa dối ru ngủ mình và đánh lừa người khác.
Chỉ có một con đường cải cách thể chế chính trị, xóa bỏ chuyên quyền, độc đoán, trao quyền thật sự cho Dân, thật lòng tôn trọng Dân quyền… Còn như làm những việc ấy thế nào, ngay lịch sử hiện đại của nước ta cũng từng có kinh nghiệm. Vấn đề là như C.Mác nói, có sám hối thành tâm hay không. Bởi nếu sám hối thành tâm thì có cơ cứu rỗi.
Hãy quyết tâm và quyết chiến để xóa bỏ “hư hỏng cũ kỹ” như CT Hồ Chí Minh từng di chúc, may ra có thể tạo dựng được Đảng cầm quyền và Nhà nước trong sạch, hữu hiệu, thật sự vì Nước, vì Dân./.
Nguyễn Khắc Mai
(Ông già ở Ô Đồng Lầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét