Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

Đảng Cộng Sản nói với người dân rằng “Hãy bay lên bầu trời tự do”, nhưng đảng đã trói chân trói tay người dân lại & Tìm mộ liệt sỹ bằng... “ngáp ruồi” - hay là "Cậu giời" Nguyễn Văn Liên

Minh Văn - Nhưng có nghĩa gì đâu?

dcs-hien-phap

Thế gian không có cái gì sinh ra vô nghĩa cả, mọi thứ vốn đều hữu ích đối với cuộc đời này. Không có cái gì tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ trạng thái vật chất này sang trạng thái vật chất khác mà thôi. Những vật vô tri vô giác còn có hữu ích, huống chi con người, vậy nên chúng ta sẽ hãnh diện khi được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho xã hội. Nhưng cũng bất hạnh và chua xót dường bao, khi mà những thứ sinh ra vốn hữu ích lại không được thực thi quyền lợi, mà lại còn bị giam hãm cầm tù. Thật là lãng phí và ngược đời biết bao?

Tại một vườn thú nọ, có hai mẹ con Lạc Đà được nuôi nhốt để cho khách đến tham quan. Cùng với nhiều loài vật khác, hai mẹ con chú chỉ được sống trong một không gian hạn hẹp với  hàng rào kẽm gai vây quanh. Hằng ngày, chúng chỉ được nhìn và khao khát thế giới tự do qua những chiếc gai sắt sắc nhọn và vô cảm.

Một hôm, chú Lạc Đà con hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, tại sao họ nhà Lạc Đà ta lại có chân dài như vậy?

Mẹ chú âu yếm trả lời:

- Những chiếc chân dài của họ nhà ta là để băng qua sa mạc mênh mông vạn dặm con ạ.

Đầy kiêu hãnh, Lạc Đà con hỏi tiếp:

Vậy những cái bướu thì sao hở mẹ?

Mẹ chú ưỡn ngực:

- Là để chúng ta có thể dự trữ năng lượng cho những chuyến hành trình đường xa, đến với những chân trời mới đầy ánh nắng mặt trời và hoa thơm cỏ lạ.

Niềm khát vọng ánh lên trong đôi mắt long lanh của Lạc Đà con, nhưng rồi chú chợt cúi đầu buồn rầu nói với mẹ:

- Nhưng tất cả những thứ đó có ý nghĩa gì đâu (đôi chân dài và cái bướu), khi mà chúng ta đang bị nhốt trong cái vườn cỏn con này?.

Câu chuyện khiến chúng ta không khỏi xót xa về những số phận bị cầm tù. Như cảm nhận được giọt nước mắt uất ức và bất lực của chú Lạc Đà con – một trái tim mới lớn đang khát khao vươn tới những chân trời hạnh phúc tự do.

Chúng ta cũng dành những giọt nước mắt mà xót thương cho triệu triệu người dân Việt Nam đang bị cầm tù. Một dân tộc đang bị giam hãm tư tưởng bởi chủ nghĩa Cộng Sản hư vô và chế độ độc tài bất nhân thối nát.  Một dân tộc đang bị cướp đi những quyền căn bản nhất của con người.

Mới đây đảng Cộng Sản tuyên bố sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. Họ nói rằng bản Hiến Pháp mới đã thể hiện được “hào khí ngàn năm của dân tộc và tinh thần dân chủ thời đại”. Trong khi đó họ vẫn giữ nguyên điều 4, khẳng định sự lãnh đạo duy nhất và tuyệt đối của đảng Cộng Sản. Hào khí dân tộc và tinh thần dân chủ của thời đại làm gì, khi mà Việt Nam vẫn là một chế độ độc tài và chìm đắm trong chủ nghĩa Cộng Sản phi nhân? Làm sao các giá trị tự do dân chủ có thể nở hoa kết trái trong một chế độ Cộng Sản giam hãm và cấm đoán tư tưởng con người?

Đảng Cộng Sản cho các tổ chức chính trị – xã hội tồn tại, nhưng lại do chính họ thành lập và quản lý. Bản chất của các hội đoàn là đại diện và bảo vệ quyền lợi cho những nhóm lợi ích xã hội, thể hiện quyền tự do con người. Nhưng tất cả những điều đó còn có nghĩa gì khi mà phải chịu sự kiểm soát và lãnh đạo của đảng Cộng Sản?

Ở Việt Nam thì ai cũng biết đến cái gọi là “Hội đồng nhân dân”. Về bản chất thì nó đại diện cho người dân, giúp họ giám sát mọi hoạt động của bộ máy nhà nước một cách dân chủ và hiệu quả nhất. Nhưng “Hội đồng nhân dân” này cũng do đảng Cộng Sản lập nên và nằm trong cơ cấu bộ máy nhà nước. Người đứng đầu hội đồng nhân dân bao giờ cũng là chủ tịch hoặc phó chủ tịch uỷ ban nắm giữ. Vậy thì sự tồn tại của “Hội đồng nhân dân” còn có ý nghĩa gì nữa, khi mà nó phải chịu sự chỉ đạo và giam lỏng của đảng Cộng Sản?

Cái gọi là “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” cũng vậy. Chức năng vốn có là đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Thế nhưng tổ chức này lại không được chính người lao động lập nên, mà do nhà nước quản lý và đảng lãnh đạo. Đó là nguyên nhân vì sao những người lao động ở Việt Nam bị đảng và nhà nước bóc lột mà không biết dựa vào đâu để mà đấu tranh.

Thật khó lắm thay, khi mà người dân Việt Nam muốn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước những bất công của chế độ.

Đảng Cộng Sản nói với người dân rằng “Hãy bay lên bầu trời tự do”, nhưng đảng đã trói chân trói tay người dân lại.
30/10/2013
© Minh Văn
© Đàn Chim Việt

Quảng Bình: “Ém” hàng cứu trợ bán lại cho dân

Sau hai cơn bão trong tháng 10-2013, người dân thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy nhận được khá nhiều hàng hóa và tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp... Nhưng một số mặt hàng cứu trợ sau đó đã bị cán bộ thôn thu lại đem bán cho chính người dân trong thôn khiến dư luận bức xúc.
Có mặt tại thôn này vào hạ tuần tháng 10-2013, chúng tôi được nhiều người dân bức xúc cho biết, sau cơn bão số 10, thôn được Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi CP Việt Nam hỗ trợ 90 suất quà, mỗi suất gồm: 1 chăn chiên, 1 màn tuyn, 5 kg gạo, 20 trứng gà, 5 cái xúc xích. Tuy nhiên, khi tiếp nhận, cán bộ thôn không phân phát hết mà giữ lại rồi đem bán cho người dân gần một nửa số quà nói trên với giá 130 nghìn đồng/suất. Theo họ, số tiền thu được từ việc bán những suất quà cứu trợ trên sẽ dùng để sửa lại nhà văn hóa thôn.
Những người mua lại số hàng cứu trợ ấy đã xác nhận việc này. Một phụ nữ khoe: “May nhờ quen biết với trưởng thôn và nhanh chân, còn không thì chẳng đến phần mình”. Đưa chúng tôi vào nhà, chỉ chiếc màn tuyn xanh đã treo lên sử dụng cùng chiếc chăn chiên màu đỏ, chị nói tiếp: “Đó là một số trong gói hàng cứu trợ gia đình mua được”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Công Quảng - Trưởng thôn Tân Hải - thừa nhận thôn có bán số hàng cứu trợ trên cho người dân, nhưng chỉ được khoảng 5 suất và chống chế: “Chúng tôi bán để có tiền vận chuyển hàng cứu trợ từ UBND xã về phát cho dân chứ chúng tôi lấy đâu ra tiền đưa hàng hóa về được. Trước khi bán đã có tổ chức hội nghị bàn bạc, thống nhất, thành phần tham gia gồm cấp ủy, ban điều hành thôn, các trưởng cụm... Tất cả đều nhất trí và có biên bản hẳn hoi”. Tuy nhiên, khi xem biên bản họp thôn (lập ngày 22-10-2013), chúng tôi thấy một số nội dung trong đó mâu thuẫn với lời ông Quảng. Cụ thể, trong biên bản thể hiện cấp ủy, ban điều hành thôn, các trưởng cụm đều thống nhất bán 42 suất quà với giá 130 nghìn đồng/suất.
Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo UBND xã Ngư Thủy Bắc nhưng chỉ nhận được sự bất hợp tác từ ông Nguyễn Thanh Thoảng - Chủ tịch UBND xã. Tay phì phèo thuốc lá ngay trong phòng làm việc của mình, ông Thoảng hỏi chúng tôi: “Các anh về thôn Tân Hải đã thông qua chính quyền chưa?”. Khi chúng tôi trả lời “chưa” thì chủ tịch lên giọng: “Nếu chưa thì chúng tôi không có gì để làm việc với các anh”. Phóng viên nhẫn nại hỏi thêm: “Việc chính quyền thôn Tân Hải bán hàng cứu trợ của dân, UBND xã có biết và tiến hành kiểm tra chưa?”, ông Thoảng miệng phà khói thuốc, đáp tỉnh bơ: “Tôi không cần trả lời các anh!”.
Phó chủ tịch UBND xã Trần Quang Cả chia sẻ: “Xã không biết sự việc xảy ra tại thôn Tân Hải. Chúng tôi sẽ sớm xác minh làm rõ, tránh gây bức xúc trong nhân dân”.
(congan.com.vn)

Mang sắc phục công an mà cứ “nóng lên là bắn”

CSGT bị thương trong vụ nổ súng tại trạm Suối Tre được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
'Tại xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, khi các bợm nhậu cự cãi nhau, công an đến xử lý và cũng xảy ra cự cãi. Rồi câu chuyện tiếp theo là bảy phát đạn bay ra từ họng súng của một công an xã.
Hậu quả của 7 phát đạn là nạn nhân Nguyễn Văn Trường bị gãy xương đùi trái, bị thương mắt cá chân phải, mẻ xương ống chân phải và bị thương phần mềm trước ngực. Chuyện xảy ra vào ngày 11.6.
Ngược ra miền Trung, ngày 17.9 vừa qua, Công an xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam đến nhà của công dân Lê Văn Nam còng tay anh này vì cái tội cãi nhau với vợ. Anh Nam phản ứng, tức thì súng nổ và anh Nam bị một viên đạn găm vào vai. Ghê thật, “nóng lên là bắn” kiểu như phim “chuông reo là tắm”.
Nhưng khủng khiếp nhất là vụ nổ súng chết người liên quan đến 3 sĩ quan cảnh sát giao thông trạm Suối Tre, huyện Long Khánh, Đồng Nai xảy ra ngày 22.9. Sau trận nhậu và hát karaoke là súng nổ và một mạng người đi liền tại chỗ, còn hai người bị trọng thương. Sự nóng giận có thể đi đến giết người và người đó là đồng đội, là cấp trên của mình.
Điểm qua ba vụ nổ súng trên để thấy rằng, tính mạng, sức khỏe của công dân bị đe dọa không phải do những kẻ côn đồ, cướp bóc, mà có khi lại từ người được giao trọng trách bảo vệ công dân, giữ gìn trật tự xã hội, mang lại sự bình an cho nhân dân.
Công an được trang bị súng để sử dụng khi cần thiết nhất. Súng chỉ nổ khi không thể còn cách nào khác để tự vệ hay trấn áp tội phạm, trong những tình huống nguy cấp. Thế nhưng, đã có không ít trường hợp đạn găm vào người khác không vì trấn áp tội phạm, không vì tình huống khẩn cấp, mà vì sự nóng giận của người cầm súng. Những người bị trúng đạn cũng chẳng phải cướp giật, côn đồ, mà là người dân lương thiện.
Xét cho cùng, trong khi tham gia giải quyết các vụ việc, nếu xảy ra xung đột với người dân, người dân có thể nóng giận, nhưng công an thì phải kiềm chế, bình tĩnh, xử lý các tình huống đúng chức trách và đúng pháp luật.
Dân có thể nóng với công an, nhưng công an không được nóng với dân.
Nhưng đáng tiếc không chỉ nóng, mà còn bắn. Đối với những trường hợp được nêu trên, cho thấy công an nhưng lại hung hãn như côn đồ. Một công dân bình thường cũng phải giữ phép tắc, chấp hành pháp luật, huống chi người mặc sắc phục công an, thực thi công vụ.
Từ những vụ “nóng lên là bắn”, vấn đề đặt ra là việc tuyển dụng con người mặc sắc phục công an. Được trang bị vũ khí nhưng kiến thức pháp luật hạn chế, khả năng ứng xử kém, tính tình lỗ mãng, coi thường người khác kiểu như ta đây là vua một cõi, chúa một làng thì đại nguy.
Ở nơi nào có những ông công an loại này thì hãy coi chừng!
Lê Thanh Phong
 (Lao động)

Tìm mộ liệt sỹ bằng... “ngáp ruồi”

Trò lừa tinh vi của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên

Năm 2008, báo NTNN từng có loạt 6 bài điều tra về những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các nhà ngoại cảm trong việc áp vong, gọi hồn và tìm mộ liệt sỹ.

Cho đến nay, câu chuyện này vẫn còn nguyên tính thời sự, vì thế Dân Việt xin đăng lại một bài viết về “cách” tìm mộ liệt sỹ của một người cũng tự xưng là “cậu” là “người Giời”. Đó là chân dung về nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên (tức cậu Liên), hiện trú tại thôn Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương)...

Đường đến nhà “cậu Giời”

Với “danh tiếng” đã nổi từ hơn chục năm nay trong “giới ngoại cảm”, thật không khó để tìm được về với nhà “cậu” Liên, trong vòng “bán kính 10km”, không ai, không biết tiếng “cậu”. Sau hành trình hơn 1 giờ 30 phút từ Hà Nội xuống Hải Dương, chúng tôi đã tìm được đến nhà “cậu” Liên. Nhà “cậu”, nói đúng hơn là “đại bản doanh” hành nghề của “cậu” toạ lạc ngay chính giữa thôn Mỹ Xá.

Đó là một khuôn viên khá hoành tráng, nhà được xây theo lối kiến trúc “Đông, Tây y kết hợp” khá nguy nga. Nhà “cậu” được chia thành rất nhiều khu, trong đó phần Hội trường (dùng để hành nghề và cho khách ngồi đợi” có diện tích rộng nhất (chừng 50m2), ngay cạnh Hội trường của “cậu” là điện thờ Thánh Bà (nơi khách đến sắm sửa hương hoa và đặt... tiền), nằm song song với Hội trường phòng ăn của “cậu”, còn nơi “ngoạ” của “cậu” được bố trí trên tầng 2.
Hàng ngày, Liên hành nghề ngay tại nhà riêng của mình ở Tứ Kỳ, Hải Dương với hàng trăm người đến đứng ngồi lố nhố (ảnh tư liệu chụp năm 2008).

Thấy chúng tôi vừa vào cổng, một thanh niên đã nhanh nhẹn chạy ra hỏi: “Các anh vào nhà “cậu” hả, anh gửi xe đây, rồi vào kia mua lễ”. Đã “giáp mặt” nhiều “đại gia” trong giới ngoại cảm, bói toán, nhưng chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng bởi dịch vụ “ăn theo” lộc của “cậu” Liên.

Ngay cạnh nhà “cậu” là một khu phục vụ cho khách ăn, nghỉ tại chỗ, kèm theo đó là dịch vụ mua sắm hương hoa, vàng mã... Ngoài ra, xung quanh nhà “cậu”, còn có đến 3-4 nhà khác cũng làm dịch vụ “ăn theo” tương tự với phương châm phục vụ ăn, nghỉ từ A đến Z. Thấy chúng tôi còn lơ ngơ, một “cò” ra nói ngay: “Nhà “cậu” đông khách lắm. Dù đi chữa bệnh hay tìm mộ, anh cũng cứ xác định phải ở lại đây một tuần. Có gì về bên nhà tôi nghỉ trước, giá cả phải chăng thôi”...

Quả đúng như lời “cò” này nói, một ngày như mọi ngày, nhà “cậu” lúc nào cũng lố nhố kẻ nằm, người ngồi. Kẻ đứng, người xì xụp thắp hương khấn vái... Lịch “làm việc” của “cậu” được bố trí rất rõ rằng, sáng từ 8h đến 11h, chiều từ 2h đến 5h. Từ thứ 2 đến thứ 6 là lịch tìm mộ liệt sỹ và tìm mộ nhân dân, thứ 7 và Chủ Nhật được “cậu” dành để chữa bệnh cho “bách tính”.

Ngày nào cũng vậy, trong nhà “cậu” luôn chật ních người chờ đợi (khoảng 100-200 người) chầu chực sẵn đợi đến lượt. Một khách đi chữa bệnh nói với tôi: “Ở đây, để đến lượt chữa bệnh thì phải đợi ít nhất 1 tuần, còn nếu muốn tìm mộ có khi phải đợi cả tháng đấy. anh cứ xác định tư tưởng đi”.

Một ngày của “cậu”

Ngày đầu tiên chúng tôi tìm đến nhà “cậu” đúng vào ngày thứ 7. Đây cũng là ngày “chữa bệnh” của “cậu”. Không khí trong những ngày như thế này thật ngột ngạt, bởi lượng bệnh nhân “đổ” về đây không bao giờ dưới 100 người, chưa kể người nhà đi theo.

Khác với Hoàng Thị Thiêm, “cậu” Liên có khả năng chữa bách bệnh. Để mục sở thị cái gọi là “chữa bệnh” của “cậu”, chúng tôi đã dành ra hẳn một ngày để được xem “cậu” chữa bệnh. Mỗi một buổi chữa bệnh (3 giờ), “cậu” chia làm 3 ca khác nhau.

Ca 1, ưu tiên chữa cho trẻ em từ 10 tuổi trở xuống. Ca 2, chữa bệnh về thần kinh và người già. Ca 3, cũng là ca “cậu” thường “kết” nhất: là bắt “vong”, diệt yêu, trừ tà.

"Cậu” có kiểu “hành sự” rất lạ, chẳng cần phải dùng các thiết bị hiện đại như xét nghiệm, chụp X-Quang, đo huyết áp, mà thường chỉ nhìn vào mặt bệnh nhân rồi hỏi dăm câu, ba điều, thỉnh thoảng có bệnh nhân được “cậu” bắt mạch. Chỉ cần như thế là “cậu” có thể “chẩn đoán” được bệnh của bệnh nhân.

Thường mỗi “ca” như vậy “cậu” khám trong chưa đầy 5 phút đã xong. Các bệnh nhân nhi thường được “cậu” chẩn đoán na ná như nhau: nào là mắc bệnh thận, nào là gan, sởi... rồi “cậu” bắt đi lấy thuốc.

Xong “ca” của các bệnh nhân nhi, “cậu” chuyển sang chữa cho những bệnh nhân bị bệnh thần kinh, các cụ già và một số thanh niên. Cũng giống như “ca” nhi, “cậu” chữa cho các bệnh nhân này rất nhanh, nhưng khác ở chỗ, “cậu” thường hỏi han về gia cảnh, “tiền sử” bệnh tật, rồi “xui” người nhà bệnh nhân về mua sắm lễ để tạ tội với thần linh.

Chứng kiến cảnh một “bệnh nhân” bị bệnh quai bị chúng tôi không khỏi sởn tóc gáy. Mới thấy bệnh nhân này vào, “cậu” đã phán ngay cho người mẹ của chàng thanh niên này, khi nói: “Nhà bà hết phúc rồi. Con bà không sống lâu được nữa đâu. Thằng này nhà bà bây giờ không ăn uống được gì nữa đâu. Tôi cố cầm cự cho nó 1 tuần nữa được thôi”.

Doạ xong bệnh nhân “cậu” cũng theo bài cũ bắt bệnh nhân đi mua 2 thang thuốc của nhà “cậu”, mặc cho bà mẹ của chàng thanh niên này lạy lụp để xin “cậu” cứu mạng.


“Ca” chữa bệnh hấp dẫn nhất phải kể đến là “chiêu” bắt “vong” giải bệnh của “cậu”. Những bệnh nhân “dính” vào “vong” thường là phụ nữ còn trẻ tuổi đã (hoặc) chưa lấy chồng bị “vong” nhập vào.

Chúng tôi xin lược lại một đoạn “bắt vong” của “cậu” cho một người con gái: “Thế mày theo nó về đây lâu chưa?”. “Bốn năm rồi!”. “Mày tên là gì” ?. “A Mính, ở Đài Loan”. “Cậu” nói này, “Thế mày có ngủ với nó không?, mày không cho nó ngủ với chồng nó à”...

Khác với kiểu “chữa” bệnh của Thiêm, Liên không dùng “bạo lực”, mà chỉ doạ mồm. Cũng sau một hồi “tra hỏi”, Liên viết vài câu chứ Hán nguệch ngoạc lên tờ giấy đỏ, rồi đốt tờ giấy đó đi. Tờ giấy này được Liên gọi là “lệnh”, Liên bảo: “Nào, mau nhận lệnh mà đi kẻo muộn giờ. Nếu không trước 7h tối sẽ không đi được nữa đâu”. Khi “chữa bệnh” hay “bắt vong”, Liên thường rất thích nói bậy, những từ tục tũi như “đéo, đ.” rất hay được Liên sử dụng, đặc biệt Liên rất thích nói đến chuyện ngủ, nghỉ giữa trai, gái...

Sự thật về “cậu” Liên!

Theo “lai lịch” ghi trong sổ hộ hộ khẩu của công an xã Ngọc Sơn, “cậu” Liên tên thật là: Nguyễn Văn Liên sinh năm 1963 tại thôn Mỹ Xá, có vợ là Bùi Thị Nhuần sinh năm 1963, cùng có đăng ký nghề nghiệp là: Làm ruộng.

Liên đã có 3 con (2 trai, 1 gái), con trai lớn sinh năm 1989, con thứ 2 sinh năm 1995 và con út sinh năm 2000. Vốn xuất thân nghèo hèn, Liên từng có một thời gian dài “công tác” trong nghề bán bún dạo. Cũng do hoàn cảnh khó khăn, nhà đông anh, em (7 người), nên Liên chỉ được đi học hết cấp II, về học lực và nhận thức, hiểu biết cũng bình thường hay gọi là chậm phát triển, cơ thể gày gò yếu đuối.

Từ năm 1977, Nguyễn Văn Liên bị đau ruột thừa suýt chết, sau lại bị nấm lao cóc và năm 1983 bị ngã gãy tay gần chết. Sau khi khỏi bệnh, Liên thấy sự hiểu biết của mình có chiều hướng phát triển, thông minh hơn trước. Ngoài nhận thức bình thường về cuộc sống của con người, Liên còn “nhận” được những thông tin khác thường từ thế giới của những người đã mất.

Một người dân ở đây cho biết: “Thằng này trước đây khổ lắm. Suốt ngày đạp xe đi bán bún, đến cái nhà còn chẳng có mà ở. Nhà nó thì đông anh, chị em. Liên bắt đầu “hành nghề” từ năm 1992, thì đến khoảng năm 1994, trước sự phản ứng dữ dội của dân làng, Liên đã bị lực lượng công an cưỡng chế.

Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Vũ Văn Túc - Trưởng Công an xã Ngọc Sơn cũng thừa nhận điều này. Ông Túc cho biết: “Những năm đầu chúng tôi không cho Liên làm, nhưng sau một thời gian được đi giáo dục, Liên về và lên Hà Nội học khoá học gì đó, rồi lấy giấy chứng nhận “ngoại cảm” về. Từ đó, chúng tôi không thể làm được gì Liên nữa”.

Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, Liên đã bỏ ra tới 200 triệu đồng để xây đường cho thôn Mỹ Xá, chưa kể Liên còn bỏ ra rất nhiều tiền của để công đức, xây dựng đình, chùa, nhà trẻ... ở đây.

Ngoài ra, Liên cũng có rất nhiều đất đai, trang trại lớn, đó cũng là lý do trả lời cho câu hỏi vì sao, ông “cậu” này lại có thể làm vương, làm tướng, tác oai, tác quái, lừa bịp nhân dân ở đây, mà không hề bị chính quyền địa phương “sờ” đến.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, thứ “thuốc Thánh”, mà Liên cho mọi người uống thực chất chỉ là một loại thuốc lá, trước đây thường được Liên cử người ra bờ sông chặt về và phơi ở sân đình làng. Mỗi “thang” thuốc mà liên cấp cho người bệnh có giá “rất bèo” (93.000 đồng/2 “thang”). Thế nhưng với số lượng lên tới cả trăm khách mỗi ngày, chỉ riêng tiền bán thuốc, Liên cũng thu về bộn tiền.

Tìm mộ liệt sỹ… từ xa

Lần thứ 2, chúng tôi quay lại nhà Liên là để được “cậu” giúp đỡ tìm mộ. Song thực sự, để được “giáp mặt” với “cậu”, mỗi người phải đợi ít nhất từ 1 tuần cho đến cả 1 tháng. Đầu tiên, khách đến phải ngồi đợi “cậu” tại “Hội trường”, rồi ghi tên người cần tìm trên một tờ giấy cuộn tròn. Mỗi buổi, “cậu” chỉ thu thêm 4-5 phiếu. Thu xong, “cậu” sẽ gói các phiếu đó lại và đợi đến các buổi khác, “cậu” gọi đến ai, người đó sẽ lên để “cậu” vẽ sơ đồ mộ trí, nơi cần tìm.

Chứng kiến cảnh “cậu” chỉ cho một người tìm mộ, chúng tôi không khỉ nực cười. Liên hỏi: “Anh tìm mộ cho anh trai hả. Được rồi, để tôi xem nào. Hồi trước, anh trai anh đóng quân ở Tây Nguyên có phải không?”. Người kia vội trả lời: “Không ạ. Ở Thừa Thiên- Huế cơ?”. Nghe xong, Liên liền quát: “Không cái mả mẹ nhà anh, Thừa Thiên- Huế cũng gần Tây Nguyên chứ sao!”. Thật hết biết, ngay một kiến thức địa lý sơ đẳng, Liên cũng không biết, lại đi bảo Thừa Thiên- Huế ở gần… Tây Nguyên.

Chứng kiến thêm, chúng tôi còn thấy cách tìm mộ của Liên rất kỳ quặc, cứ mỗi lần bắt được “sóng’ là Liên lại ngáp mồm to hết cỡ đến độ quả bóng tennis có thể chui lọt. Những lúc như thế, người nhà của Liên thường tự bảo là… Thánh về.

Vừa ngáp, Liên vừa phán, rồi chốc chốc điện thoại của Liên lại reo lên để… chỉ mộ từ xa. Hãy nghe một đoạn Liên chỉ mộ thì thấy rõ sự vô lý của nó. “Nhà chị tên là gì. Chị đi đến đâu rồi?, ở Đắk Lắk hử, thế thì bây giờ chị đi qua một cái mương nước, rồi sẽ gặp một ngôi nhà có một người tên là Nhàn rồi hỏi tiếp người này sẽ chỉ đường vào mộ cho…”. Cứ như thế, Liên “hướng dẫn” chỉ trỏ như đúng rồi.

Thực chất, tìm hiểu chúng tôi được biết, trước khi người nhà đi đã ghi rõ lại nơi hi sinh của thân nhân, sau đó Liên bắt đợi nửa tháng hoặc lâu hơn rồi mới chỉ chỗ tìm mộ. Cũng trong thời gian này, Liên cho “quân” đến khu vực đó trước để khảo sát, tìm hiểu đường đi rồi dựng lên mấy nhân chứng giả.

Sau đó, khi người nhà đi tìm thấy Liên nói vanh vách từng chi tiết thì tất nhiên ai cũng phải kinh hãi trước “khả năng” của Liên. Điều này đã được người dân nơi Liên sinh sống nói, bảo Liên nuôi rất nhiều kẻ chân gỗ như thế, mà Liên thường gọi những người này là người đi bắt “tần số” để tìm mộ liệt sỹ.

Theo rất nhiều người kể, thì gần đây tỷ lệ tìm được đúng mộ của Liên ngày càng thấp. Thấy vậy, Liên liền đưa ra thêm điều kiện, muốn tìm được mộ, người đi tìm phải là con trưởng trong gia đình. Điều kiện này không khác nào đánh đố mọi người, vì phần lớn những người đi tìm mộ, có mộ người thân bị thất lạc đã lâu, nay chỉ còn những người con út hoặc cháu đi tìm, vì con trưởng hoặc đã bị chết hoặc cũng đã già.

Theo nhiều người, trước đây Liên đã từng đi tham gia với câu lạc bộ tìm mộ liệt sỹ, nhờ thế Liên đã học hỏi được rất nhiều “kinh nghiệm”, cũng như “kiến thức” về tìm mộ. Tuy nhiên, có thể do “cậu” tìm cho nhiều người quá, nên loạn, “nhiễu”, dẫn đến việc tìm mộ ngày càng bị sai lạc.
Ngọc Lê
(Dân Việt)

Nhà ngoại cảm Bích Hằng chuyển lời vua Quang Trung

Cuối tháng 7 vừa qua, tại Bình Định đã diễn ra Đại lễ cầu siêu các liệt sĩ, đặc biệt là liệt sĩ nhà Tây Sơn. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã cảm nhận được tín hiệu từ hai cụ thân sinh vua Quang Trung, và cả Đức vua Quang Trung.

Trong những ngày cuối tháng 7, cùng với đồng bào cả nước làm lễ tri ân với những người đã ngã xuống hy sinh, những người đã sẻ chia xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại hoà bình cho đất nước, tại tỉnh Bình định, một đại lễ Cầu siêu cho các liệt sỹ đã hy sinh tại nơi đây, đặc biệt, những nghĩa sỹ nhà Tây Sơn đã được diễn ra rất trang trọng, với sự góp mặt của Nhà Ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.

Đến Bình định, chúng tôi đến ngay khu tưởng niệm anh em nhà Tây Sơn tại Làng Gò, cách Thành phố Quy Nhơn khoảng 50km, nơi có nhà thờ Tổ của Nhà Tây Sơn. Đó là một ngôi nhà thờ dòng họ giản dị năm gian như biết bao nhà thờ họ khác tại Việt với 3 ban thờ chính và 2 ban thờ nhỏ hai bên. Phía ngoài có mấy cây thị xanh tốt, chắc cũng có tuổi thọ trên trăm năm. Con đường đất nhỏ chạy ngang cửa đi vào khoảng sân rộng, xung quanh um tùm cỏ cây.
Các sư thầy tại đây đã sắp đàn lễ rất long trọng cho buổi lễ sẽ diễn ra trong hai ngày tới. Chúng tôi quỳ lạy trước bàn thờ Liệt tổ Liệt tông nhà Tây Sơn, kính mời các vị tiền hiền về dự đàn lễ cùng con cháu.
Bất ngờ nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cảm nhận được sự hiện diện của hai cụ thân sinh của Đức Vua Quang Trung, cô quay sang:
- Hai cụ nói rất hài lòng vì đàn lễ chuẩn bị long trọng, người đời thường nhắc đến tam kiệt Tây sơn. Nhưng thực ra các cụ có 4 người con trai, mà cậu con cả là Nguyễn Hoa, chỉ ở nhà với bố mẹ, khi mất lúc 19 tuổi không làm nên công trạng gì, có để lại một cậu con trai tên là Quang Hiển, được ông bà nuôi, các con nhớ ghi tên để khấn và kêu cho người con cả này. Hai cụ tiếc vì sự nghiệp nhà Tây sơn không được lâu dài.
Vua Quang Trung nói :
- Âu cũng là số mệnh rồi, việc này cũng đã được ghi trong áo bào vua Càn Long ban tặng:
Xa tâm chiết trục đa điền thử (có nghĩa là Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng, nhưng khi ghép chữ lại thì có nghĩa là Nguyễn Huệ sẽ mất năm Nhâm Tý)
Cho nên cũng không cần phải oán than nữa. Nhân dịp này ta cũng muốn mời nhạc phụ của ta là vua Lê Hiển Tông và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền đến dự đàn lễ này. Lúc sinh thời, chưa kịp mời nhạc phụ ta vào Quy Nhơn chơi.
Sau đó Vua Quang Trung nói: Nhạc phụ của ta cứ muốn ta mời cả anh vợ ta vào nữa. Ta không đồng ý ghi là Lê Chiêu Thống mà chỉ được ghi là Lê Duy Kỳ với tư cách là anh vợ thôi chứ không phải là là ông Hoàng đâu đấy.
Có người cứ hỏi ta về ngày mất, đúng là ngày cuối cùng của tháng 7, ngày 29 tháng 7, nhưng giỗ vào ngày 1/8 cũng được vì tháng 7 này là tháng thiếu, năm mất là năm Nhâm tý.
Bà thân sinh ra Hoàng đế nói rằng:
- Đàn lễ tuy đủ nhưng vẫn thiếu một thứ. Đó là một mâm trầu, được bày theo kiểu trong này, lá trầu có têm vôi. Vì trước đây, khi Ngọc Hân công chúa về làm dâu, nhà tôi cũng chưa kịp mang trầu cau ra để làm lễ hỏi, nay muốn mang trầu ra mời thông gia.
Xưa kia nhà ta cũng làm nghề buôn trầu nên trầu cau là thứ không thể thiếu được trong đàn lễ này. Ta cũng muốn có thêm một đĩa gừng cay và muối để ta dạy con cháu biết đoàn kết, bảo ban nhau..
Vua Quang Trung lại mong muốn:
- Nhân có nhạc phụ ta vào chơi, ta muốn khởi đàn lễ bằng một hồi trống trận và một màn múa võ Bình Định. Ngày xưa ta thích nghe Ngọc Hân hát Quan họ lắm, nếu thu xếp được một màn hát Quan họ cho song thân và quân sỹ của ta nghe thì ta thật toại nguyện.
Chỉ với vài lời dặn dò như vậy, chúng tôi đã nhận ra được mấy điều còn khiếm khuyết của việc chuẩn bị và vội chia nhau đi lo:
Anh Hà đi lo mời đoàn quan họ ở tận Bắc Ninh và đưa họ vào Bình Định, cô Hằng nhờ bên Bảo Tàng Quang Trung tiết mục trống trận và múa võ Bình Định, anh Quang lo hai mâm xôi và lợn quay để khao quân, tôi thì lo đặt thêm hoa kết theo kiểu Chàm , cổng chào hoa và ba mâm cau, các Thầy trị sự thì lo đôn đốc hơn 120 nhà Sư đến dự và hành lễ…
Sau đó chúng tôi đã được anh Thiện – Bí thư tỉnh Uỷ mời cơm và báo cáo toàn bộ công việc, Khi trở về phòng, ngã được ra giưòng thì đã gần 11 giờ đêm.
Sáng hôm sau, đàn lễ dành cho liệt tổ liệt tông nhà Tây sơn và lễ cầu siêu các liệt sỹ bắt đầu, mở màn bằng hồi trống trận hào hùng, sau đó là những màn múa võ đậm đặc chất Bình định. Những chàng trai, cô gái Bình định múa gậy, múa đao…. từng tràng vỗ tay nổi lên như sấm khi được thưởng thức hơn một tiếng biểu diễn võ thuật tràn đầy hào khí Tây Sơn. Rồi phần lễ tụng của các tăng ni phật tử.
Buổi chiều, đoàn Quan họ vào đến nơi, các diễn viên nói: bị huy động đi mà không biết là đi đâu, ra sân bay mới biết là đi Bình Định. Nói vậy thôi, nhưng các liền anh liền chị đều đã cháy hết mình với các điệu hát quê mình. Người dân Bình Định ngồi chật cứng để xem các tiết mục văn nghê đặc biệt này.
Chiều nay, đoàn của chị Loan Hà nội đã mang vào góp lễ thêm bao nhiêu hoa quả, bánh trái sẳn vật xứ Kinh bắc, vàng mã chất cao… Cũng may, tôi đã mang vào theo hai thùng gíây to đựng tiền vàng, hương trầm, quần áo bộ đội, các vật dụng mà bộ đội ta khi xưa rất thích như; điếu cày, thuốc lào, tam cúc, tú lơ khơ, tổ tôm… góp phần cho lễ vật thêm phong phú. Gạo khao quân đổ đầy các mâm…
Lễ cúng dược sư bắt đầu vào 1.30 sáng , chúng tôi cùng các sư thầy khấn chữa chạy các vết thương cho những người chết ở nơi trận mạc, những người bị đau đớn vì bệnh tật…
Đã chuyển sang rạng sáng ngày 27/7, ngồi quỳ lạy đọc kinh mà nước mắt rơi lã chã, nghĩ đến những máu xương của cha ông đã đổ xuống trên mảnh đất Việt nam để có ngày hôm nay, nghĩ đến những vết thương đang hành hạ các bạn tôi, những người đã tham gia tại các chiến trường ác liệt năm xưa, Các sư làm lễ cũng không ngừng đưa vạt áo lau nước mắt, tôi tin chắc trong số họ, ai cũng có người thân bị chết trận, bị thương tật trong chiến tranh, có người đã là trẻ mồ côi nương nhờ cửa Phật …đặc biệt ở khúc ruột miền Trung này. Nghĩ đến sự tàn khốc của số phận các quân sỹ Tây sơn: người bị truy sát, người bị quật mộ, người bị voi dày, người bị mạng thủ cấp giam trong ngục tối.. biết bao chua sót và bi ai của một thời oanh liệt…
Chúng tôi chỉ mong sao phần nào xoa dịu được các vết thương, những nỗi đau tan nát da thịt, những sân si, thù hận.. để dân Việt được yên vui trong thái bình vững bền.
Buổi lễ cầu siêu kéo dài đến chiều và kết thúc bằng một trận mưa to khủng khiếp, sau đó chúng tôi có sang đền Đô Đốc Bùi Thị Xuân cách đó chừng một km. Nơi đây vẫn hoàn toàn yên tĩnh chỉ lất phất vài hạt mưa bay không đủ ướt áo. Có lẽ các quân sỹ đều đã tập hợp tại đàn lễ hò reo và chứng đàn, chắc Đô Đốc cũng đẫ sang đó cùng các tướng sỹ rồi.
Đây là lần đầu tiên, một lễ cầu siêu hoành tráng dành cho quân sỹ nhà Tây sơn được tổ chức ngay tại mảnh đất địa linh đã sinh ra vị Hoàng Đế bách chiến bách thắng Quang Trung - người anh hùng của dân tộc Việt nam.
Lá cờ Đào năm xưa nay lại được kéo lên trên đỉnh cột với hình mặt trời vàng ở giữa bay phần phật, Hào khí Tây sơn lại một lần nữa được khơi dậy trong lòng người dân nơi đây.

Chùm ảnh cầu siêu (Phật giáo Bình Định):

(Phật tử Việt Nam)

Chánh thanh tra "bổ cuốc": "Tôi không có gì phải đáng tiếc"

Người cầm cuốc ( đội mũ đỏ) được cho là ông Hoàng - Chánh Thanh tra Sở Y Tế. Ảnh : T.Nguyên
Chiều 30-10, ông Nguyễn Văn Hùng - chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum - cho biết đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, Sở Y tế báo cáo về việc ông Nguyễn Đức Hoàng (chánh Thanh tra Sở Y tế) dùng cuốc đánh vào đầu người tranh chấp đất.
Trong khi đó, đại diện Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Kon Tum cũng cho biết đã tiếp nhận đơn tố cáo của gia đình người bị đánh là bà Phan Kim Uyên Trâm. Chiều cùng ngày, bác sĩ Đào Duy Khánh - phó giám đốc Sở Y tế Kon Tum - cho biết ông Nguyễn Đức Hoàng đã có báo cáo giải trình. Do hành vi ông Hoàng bị tố cáo không liên quan đến chuyên môn nên sở vẫn để ông Hoàng công tác bình thường.

Theo bác sĩ Đào Duy Khánh, trước ngày xảy ra xô xát ông Nguyễn Đức Hoàng có thông báo cho cơ quan biết ông được tòa án triệu tập với tư cách là cá nhân có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong một vụ tranh chấp đất đai tại đường Nguyễn Huệ (TP Kon Tum). Sáng 25-10 ông Hoàng không đến làm việc mà có mặt tại địa điểm xảy ra xô xát. Khoảng 10g ngày 25-10, một số người nhà của bà Trâm đến tận Sở Y tế phản ảnh việc ông Nguyễn Đức Hoàng đánh người. “Nghe thông tin ồn ào nên lúc đó tôi trực tiếp đến tận nơi xác minh xem sao. Lúc này tôi giải thích với người dân việc tranh chấp đất đai là việc của chính quyền nhưng dân đã phản ảnh thì sở sẽ ghi nhận và làm rõ vì dù sao ông Hoàng cũng là cán bộ của sở” - bác sĩ Khánh nói.

Hôm qua 30-10, ông Nguyễn Đức Hoàng vẫn có mặt tại Sở Y tế tỉnh Kon Tum làm việc bình thường. Ông Hoàng nói: “Tôi không có gì phải đáng tiếc cả, sự thật là sự thật. Ai rơi vào trường hợp đó lại không như thế, họ xô đẩy mình thì mình xô lại rồi nó trúng chứ không có gì đáng tiếc”.

Theo ông Hoàng, lúc xảy ra xô xát có rất nhiều người. Ông cầm cán cuốc và đứng giữa đám đông rồi cán cuốc va thế nào đó trúng bà Trâm. Khi được hỏi hình ảnh trong clip do người dân ghi lại cảnh ông Hoàng cầm cuốc cố tìm bà Trâm để đánh, ông Hoàng trả lời: “Người ta đưa lên rồi đổ cho tôi”. Ông Hoàng cũng nói từ lúc xảy ra sự việc đến nay ông chưa đến thăm hỏi gia đình bà Trâm và việc xô xát là việc của cá nhân ông, không liên quan gì đến lĩnh vực ông công tác.

Bác sĩ Đào Duy Khánh cho biết ông Hoàng là bác sĩ chuyên khoa I và từng trải qua nhiều cương vị khác nhau. Việc ông Hoàng xô xát với người dân bên ngoài là tranh chấp dân sự nhưng ông Hoàng là cán bộ, đảng viên trực thuộc sự quản lý của Sở Y tế Kon Tum nên sở sẽ xử lý đúng quy định, sai đến đâu xử lý đến đó. Hiện Sở Y tế Kon Tum đang chờ kết luận của Công an TP Kon Tum để làm cơ sở xử lý.
(Tuổi trẻ)

Chính thức xóa mô hình Tập đoàn Vinashin

Quyết định mới công bố của Bộ Giao thông Vận tải cho ra đời tổng công ty mới, với cái tên khác biệt trong giao dịch quốc tế - SBIC và chính thức xóa mô hình tập đoàn ở doanh nghiệp nhiều tai tiếng một thời.
Vinashin - những sai lầm tỷ đô
.
Bộ Giao thông Vận tải hôm nay công bố Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT về việc thành lập Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp từng được xác định là chủ lực của nền kinh tế nhưng mắc nhiều sai lầm trong đầu tư, kinh doanh và quản trị.
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy có tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation (SBIC) sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
8 công ty con gồm: Công ty Đóng tàu Phà Rừng; Đóng tàu Bạch Đằng; Đóng tàu Hạ Long; Đóng tàu Thịnh Long; Đóng tàu Cam Ranh; Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn và Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.
SBIC tại thời điểm thành lập có vốn điều lệ là 9.520 tỷ đồng. Các ngành, nghề kinh doanh chính của tổng công ty là đóng mới, sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; tái chế, phá dỡ tàu cũ. Ngoài ra, tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi. Đồng thời, SBIC hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép và các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Vinashin chấm dứt hoạt động kể từ ngày SBIC được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau khi được thành lập, SBIC có trách nhiệm kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Công ty mẹ - Vinashin.
Ngoài việc hoạt động đúng mô hình nhằm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên, SBIC còn phải thực hiện sắp xếp lại 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây theo hướng không duy trì trong cơ cấu tổng công ty. Trong đó, cổ phần hóa, bán chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp và bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.
Bộ Giao thông Vận tải cũng nhấn mạnh, bên cạnh những trách nhiệm trong việc chuyển đổi mô hình hoạt độn, Hội đồng thành viên SBIC phải tiếp tục tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu Vinashin đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được thành lập năm 2006 trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Vinashin được tổ chức theo mô hình cơ cấu công ty mẹ - con; công ty mẹ hoạt động theo dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chính phủ làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, những sai lầm trong 7 năm hoạt động theo mô hình tập đoàn gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng buộc Vinashin phải tái cơ cấu suốt 3 năm qua.
Gần đây, trao đổi với VnExpress.net, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết các khoản nợ của Vinashin đã cơ bản được tái cơ cấu. Bên cạnh đó, việc rút vốn, chuyển nhượng, sáp nhập... hàng chục doanh nghiệp cũng đã được tiến hành.
Ngọc Tuyên
(VnExpress) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét