Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

GS. Tương Lai - Vì sao lòng dân chưa an & Định nghĩa lại nhân dân trong hiến pháp

GS. Tương Lai - Vì sao lòng dân chưa an

Nhân đọc phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn thị Quyết Tâm được trích đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 25.10.2013

Quả thật đã khá lâu trên mặt báo "chính thống" mới thấy xuất hiện những ‎ý kiến thật lòng từ một người giữ trọng trách trong bộ máy cầm quyền nói về lòng dân đúng với nghĩa như nó vốn có. Chính vì thật lòng nên mới đặt ra được câu hỏi khá thiết thực " làm cách gì để đo được lòng dân". Cũng vì thật lòng mà dám quyết liệt phê phán sự bằng lòng với kiểu đánh giá "trong nước kinh tế - xã hội ổn định, đó là một đánh giá đúng" nhưng xem ra đó lại là lẩn tránh sự thật, vì "không thấy được những yếu tố bất ổn ở trong lòng sự ổn định đó thì chúng ta sẽ giống như ngủ mê". Người đánh thức sự "ngủ mê" ấy lại là bà Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội.
Không thể "ngủ mê" khi mà nền kinh tế của ta có nguy cơ tụt hậu so với cả Campuchia và Lào nếu không đổi mới quyết liệt như cảnh báo của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi tốc độ tăng trưởng của ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt, Mianma là ví dụ nổi bật : tăng từ 5,6% năm 2011 lên 7,6% năm 2012. Ngủ mê sao được khi nguy cơ “vỡ trận tài chính” trong năm 2014 và rồi triển vọng trung hạn 2013-2015 cũng không mấy sáng sủa. Làm sao còn "mê ngủ" khi mà kinh tế của ta đang "mò đáy" và tê liệt vì các doanh nghiệp thi nhau phá sản hay đóng cửa từ 2011. Nạn thất nghiệp gia tăng vũ bão (tỷ lệ thất nghiệp được một số giới cho là trên 10% thay vì con số chính thức là 2%) gây ra các tệ nạn xã hội đáng báo động...Đó là những điều đã đặt ra tại hội thảo mùa Thu của Ủy ban kinh tế Quốc hội (26-27/9/2013) ở Huế .
Rõ ràng không thể ngủ mê trước quy luật nghiệt ngã của kinh tế, gắn liền với sự tụt hậu là miếng bánh nhận được chia sẽ ít hơn trong thế giới hội nhập và theo sau nó là vấn nạn về việc làm và an sinh xã hội. Chẳng những thế, sẽ không đủ nội lực để bảo vệ Tổ quốc mà mỗi thước núi, tấc sông đều thấm đẫm máu của bao thế hệ Việt Nam trong khi kẻ thù đang trăm phương nghìn kế nhằm nuốt trọn Biển Đông, đè bẹp ý chí của một dân tộc từng là sức cản ngăn chặn không cho chúng bành trướng thế lực xuông vùng Đông Nam Á.
Để "đánh thức" đừng "ngủ mê" nữa, bà nghị sĩ đòi hỏi "sự nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm , một vấn đề mang tính "kinh điển" khi bàn về đạo lý và quyền lực. Một vấn đề thật là hóc búa và e là điều không tưởng đối với "một bộ phận không nhỏ" đang ngày càng phình to ra tỷ lệ thuận với quá trình đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Mà thật ra, điều này chẳng có gì khó hiểu, từ thế kỷ 19, người ta đã đúc kết thành quy luật rồi : quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối [power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely" Lord Acton]. Corrupt trong tiếng Anh còn có nghĩa là tha hóa. Ông Tổng bí thư thì diễn đạt điều này một cách nôm na trong tiếp xúc cử tri quận Ba Đình ngày 27.9.2013 là : “Tham nhũng lớn có, tham nhũng vặt cũng nhiều. Chỉ ra khỏi nhà đã thấy cái gì cũng cần tiền, không tiền là việc không “trôi” khiến người dân rất khó chịu, ngột ngạt”.
Sự "khó chịu, ngột ngạt" mà ông Tổng Bí thư nói chính là điều bà Chủ tịch HĐNDTPHCM băn khoăn đặt ra câu hỏi : "chúng ta đang ngày càng vùng vẫy trong những khó khăn đến mức nghẹt thở như vậy? Báo cáo cứ nhận khuyết điểm, nghe có vẻ như thành thật lắm nhưng có lẽ chưa có sự nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm nên chưa có được giải pháp hiệu quả để xoay chuyển tình thế chăng? "Báo cáo" nói ở đây là "Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội".
Thế nhưng chuyện "nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm" để "xoay chuyển tình thế" chắc nhà chính khách hôm nay không chỉ đặt ra cho riêng Chính phủ! Thì chẳng phải là chuyện "không có một cơ chế nào để đo lòng dân trước và sau khi đưa ra một chính sách có liên quan đến các tầng lớp nhân dân", thì cơ chế đó phải được quyết định từ đâu nếu không từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà thực chất là từ Bộ Chính trị BCHTƯĐCSVN? Đừng quên rằng, trước khi Quốc hội họp, mọi việc đã được quyết định từ Hội nghị BCHTƯ lần thứ 8 vừa bế mạc. Cái "cơ chế" mà bà đại biểu QH đặt ra, trước hết cần nói đến cái "cơ chế" sinh ra từ cái quy trình này. Cái mà nhà sử học người Anh thế kỷ 19 đúc kết "quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng [tha hóa] cũng tuyệt đối" chính là cái "cơ chế" nảy sinh từ cái "quy trình" này đây! Quy trình của một chế độ toàn trị.
Hãy bắt đầu từ cái lớn nhất là Hiến Pháp cho dù ngài Tổng Bí thư đã tuyên bố cái còn lớn hơn là "Cương lĩnh"của Đảng, thì trên nguyên lý được Tuyên bố trước quốc dân đồng bào và trước cả thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2.9.1945,"nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á" như vẫn được rao giảng, thì vẫn khẳng định đó là"cơ quan có quyền cao nhất của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".[Chương III, Điều thứ 22, Hiến pháp 1946]. Thế rồi hôm nay, khi bản Hiến Pháp sửa đổi sắp được Quốc hội thông qua, bản Hiến pháp mà Ông Tổng Bí thư cho rằng "nội dung dự thảo về cơ bản đã rất tốt", "... sửa những cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh và tạo được thống nhất cao còn cái còn ý kiến khác nhau thì chưa nên sửa...Tôi thấy tất cả nội dung này đã đáp ứng được tư tưởng đó. Tôi tán thành”. Cụ thể hóa chỉ dẫn của ông TBT, ông trưởng Ban biên tập Dự thảo Hiến pháp sửa đổi nêu rõ Bản dự thảo Hiến pháp trình QH đã "phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát cương lĩnh của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị".
Thế nhưng, hôm thứ tư, 23.10.2013, báo DÂN TRÍ, Diễn đàn dân trí Việt Nam thì lại chạy một cái tít rất đậm : “Hiến pháp chung chung, dễ bị lạm dụng, dân còn bất an”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa sau khi thiết tha đề nghị :" Quốc hội sẽ ghi nhận những đóng góp của nhân dân đối với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp" thì vạch rõ : "Bởi nếu những kiến nghị và đóng góp này không được tiếp thu thì đó là một lãng phí rất lớn đối với tinh hoa và trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân đã gửi gắm vào Quốc hội. Điều đó cũng thể hiện việc chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội để đẩy đất nước lên một tầm phát triển cao hơn, thông qua việc đổi mới về hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế ..."
Đại biểu Nghĩa nêu cụ thể những bất cập của Hiến pháp vưa được trình QH : "Trong bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi có một số câu chữ bị sửa đi so với Hiến pháp năm 1992. Theo nhận định của tôi, việc sửa chữa này đã làm giảm bớt đi sự bảo vệ của quyền tự do dân chủ chứ không phát huy hơn...các quyền con người thì không có thể nói rằng là phải theo khuôn khổ luật pháp, bởi để đảm bảo quyền con người chúng ta sẽ ban hành một số đạo luật, nhưng vì gắn vào cái đuôi “theo quy định của pháp luật” thì Hiến pháp đã bị hạn chế bởi một cơ sở pháp lý thấp hơn....Có những chỗ sửa chữa nhìn vào có vẻ vô hại nhưng sau này áp dụng thì sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng để hạn chế quyền tự do dân chủ của nhân dân...Hiến pháp không nên đặt vấn đề thành phần kinh tế nào là chủ đạo, bởi như vậy là đã hiến định việc phân biệt đối xử. 20 năm qua, việc hiến định phân biệt đối xử này đã mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế.
Tiếp theo vấn đề được cho là "lớn nhất" ấy, vấn đề "Luật đất đai", một vấn đề đang bức xúc trong tâm trạng quần chúng nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ, tạo nên sự bất ổn xã hội kéo dài, cũng sẽ được đưa ra QH biểu quyết thông qua trong kỳ họp này. Nỗi ám ảnh khiếu kiện về việc nhà nước thu hồi đất vẫn phủ bóng lên đời sống xã hội và lan tỏa trên diễn đản và trong các buổi thảo luận của các đoàn đại biểu QH. "Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật" như điều 54 trong Dự thảo gây lo ngại sẽ tiếp tục đẩy tới khiếu kiện. Sự cần thiết bỏ cái đuôi “do luật định” theo đại biểu Nguyễn thị Quyết Tâm "là vì trên thực tế có thể có văn bản pháp luật dễ làm cho người thi hành lạm dụng, lợi dụng làm giàu bất chính, và điều đó làm cho dân bất an".
Làm sao mà "an" được khi "trong cả thế giới chỉ có mỗi Việt Nam là dùng khái niện "thu hồi đất" như TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nêu lên trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Sửa Luật Đất đai: Cơ chế thu hồi và định giá đất” ngày 18/10 do VnEconomy tổ chức. Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì nói rõ : "Với tư cách của một chuyên gia, bản thân tôi mong muốn Luật Đất đai sắp tới cũng như các luật khác phải có quy định quy hoạch chỉ được phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư nơi có đất. Đây cũng là một quy định được thấy trong hệ thống luật pháp của hầu hết các nước công nghiệp phát triển". Ông khẳng định :" Trong Luật Đất đai sắp tới, tôi cho rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất là tìm được cơ chế xác định thật khách quan giá đất phù hợp thị trường để tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất. Nếu không làm được việc này, thì chắc chắn, khó giảm được lượng khiếu kiện của dân".
Rõ ràng là, chênh lợi ích giữa thu hồi đất và cơ chế thỏa thuận bồi thường với doanh nghiệp, người dân sẽ lại khiếu kiện. Nhưng thu hồi đất không nêu rõ trong Hiến pháp, để luật định cũng dễ bị lạm dụng, người dân lại bất an…Đó là một trong những vấn đề được đặt ra trong phiên thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, diễn ra ngày 23.10.2013 như báo Dân Trí phản ánh. Vậy thì tại sao cả "đại vấn đề" như vậy chưa lý giải được mà người ta vẫn kiên quyết cho là "tốt rồi"?
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia của Liên Hiệp quốc, từng tham gia Tổ Tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt trước đây đặt thẳng vấn đề : "Dùng chữ "quyền sử dụng" thay cho "quyền sở hữu" và hy vọng người ta hiểu khác đi cho dân nhờ. Quyền sử dụng là gì và khác với quyền sở hữu ở chỗ nào thì không thấy ...đả động tới. Nhưng tôi nghĩ là không bây giờ thì mai sau việc chấp nhận đa sở hữu về đất trong đó có sở hữu tư nhân là chuyện đương nhiên. Nếu làm sớm thì dân đỡ khổ và nhà nước và đảng đỡ bị khinh ghét. Thực chất trong lịch sử ngoài đất thuộc nhà nước/vua chúa, đất đai hầu hết là thuộc tư nhân (tư nhân hay tập thể) nhưng bị nhà nước cưỡng đoạt sau cách mạng. Ngoài ra, tôi cũng không thể hiểu được tại sao nhà nước này chấp nhận sở hữu tư nhân về mọi phương tiện sản xuất có lợi cho người giầu nhưng lại chống việc giao sở hữu tư nhân lại cho dân chúng, phần lớn thuộc nông dân nghèo, là người chủ thực sự của chúng.
Tiến sĩ Việt phân tích tiếp : khi Hiến pháp viết đất là sở hữu toàn dân thì đó là phiếm chỉ vì đó chỉ là sở hữu của nhà nước, không có sự có mặt của toàn dân về mặt pháp lý ở đây, chỉ có nhà nước làm quyết định (mà toàn dân chẳng có quyền gì). Cơ bản nếu hiểu đúng, thì "quyền sử dụng" đất chỉ là hợp đồng nhà nước cho dân thuê đất, và trong thời gian hợp đồng (dù 10,20,50,100 năm) người dân có quyền sử dụng theo hợp đồng, sau đó phải trả lại.
Quyền sở hữu như thế rất khác quyền sử dụng. Quyền sở hữu có một số quyền sau: Quyền kiểm soát (control) việc sử dụng, quyền cấm người khác xâm phạm, quyền được hưởng mọi lợi ích kinh tế và phi kinh tế mà nó mang lại, quyền chuyển sở hữu (bán, cho không) cho người khác. Các quyền này ở bất cứ nước nào cũng bị hạn chế bởi luật pháp quy hoạch (đất nông nghiệp không được đem xây nhà cho thuê chẳng hạn), lợi ích công, v.v..
Nếu muốn tránh việc nhà nước tùy tiện lấy lại hợp đồng thì dân chúng phải có quyền sở hữu tư nhân. Nhà nước hoàn toàn có quyền lấy đất vì lợi ích chung theo luật được gọi ở nhiều nước là "eminent domain". Đối với đất tư nhân, luật các nước đều cho phép nhà nước có quyền trưng dụng vì mục đích công ích, kể cả nhằm mục đích phát triển kinh tế chung. Luật này được gọi là eminent domain. Giá mua là do nhà nước và người bị thu hồi đồng ý với nhau. Nếu không đạt được sự đồng thuận thì nhà nước vẫn có quyền mua, nhưng cá nhân được quyền đưa vấn đề ra tòa án để yêu cầu xử lý dựa trên hai điểm: a) có thực sự là vì lợi ích chung không và b) giá đền bù có hợp lý không, dựa vào đánh giá của chuyên gia đã có quá trình và kinh nghiệm đánh giá tài sản mà hai bên đưa ra. Quan tòa sẽ là người quyết định cuối cùng. Do đó cần có luật về eminent domain.
Tuy nhiên cái khó ở VN là dù có luật, cũng không thể có công lý nếu tòa án không độc lập. Dù sao nếu quá trình này được chấp nhận thì vẫn là bước tiến so với tình hình hiện nay... Cho nên việc chấp nhận sở hữu tư nhân không cản trở mục đích phát triển kinh tế nói chung như nhiều nhà lý luận ở Việt Nam đang dùng để chống việc chấp nhận nhiều hình thức sở hữu đất đai.
Quả là xót xa khi một nhà bình luận nước ngoài, ông Jonathan London viết : "Kết quả không bất ngờ của quá trình này là Quốc Hội CHXHCNVN đã quyết định tiếp tục không nghe gì ngoài những tiếng dội từ quá khứ. Thay vì thực sự xem xết lại những hạn chế của mô hình cũ, QH sắp phê duyệt một hiến pháp “sửa đổi” mà không có một sự thay đổi cơ bản nào.
Từ những dẫn giải và phân tích hai vấn đề về Hiến pháp và Luật đất đai nói trên, nếu nói là lòng dân bất an thì phải chăng đây là một trong những "bất an" lớn nhất hiện nay? Nỗi day dứt thật lòng của đại biểu QH Nguyễn thị Quyết Tâm "Lòng dân bây giờ thật sự bất ổn trên nhiều góc độ lắm. Những cái không công bằng, những cái không minh bạch trong chính sách làm người dân không tin tưởng. Phải có giải pháp, mà quan trọng nhất là phải có cơ chế để đo được lòng dân. Vì nói cho cùng, lòng dân là một trong ba yếu tố đảm bảo ổn định chính trị xã hội - đó là sự đồng thuận xã hội " cần phải được đặt vào trong tổng thể nói trên.
Làm sao có "đồng thuận xã hội" khi mà hơn 77% vụ khiếu kiện liên quan đến quyền sở hữu đất đai mà đạo luật cao nhất, cơ bản nhất lại không tường minh về chuyện này? Liệu có phải không thể tường minh vì vướng vào một trong những vấn đề then chốt nhất của ý thức hệ, điểm tựa "bât di bất dịch" của thể chế hiện hành. Nếu để mất cái này cũng có nghĩa là mất "chủ nghĩa xã hội", một ảo ảnh đang cố tạo dựng thành một hiện hữu như kiểu gợi hình ảnh giếng nước ảo trong sa mạc nhằm làm dịu cơn khát đang đốt cháy sức lực khách lữ hành.
Thật ra thì chuyện sở hữu được xem là nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản được "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản " do C.Mác và Ph Angghen soạn thảo từng tuyên bố rành rọt "Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất này là : xóa bỏ chế độ tư hữu" đã phá sản từ lâu rồi. Chính tác giả của bản Tuyên ngôn đã từng nhiều lần khuyến cáo việc "về nhiều mặt phải viết khác đi", "việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời và do đó không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II"*[ tức là chương đưa ra "công thức duy nhất" dẫn ra ở trên. TL] . Những câu này viết năm 1872. Đến năm 1888 được nhắc lại và nhấn mạnh rằng "vì tình hình chính trị đã hoàn toàn thay đổi và sự tiến triển lịch sử đã làm tiêu tan phần lớn những đảng được kể ra trong đó. Tuy nhiên, "Tuyên ngôn là một tài liệu lịch sử mà chúng tôi không có quyền sửa."*
"Tài liệu lịch sử" ra đời cách nay đã 165 năm [tính từ 1848] , thế giới đã trải qua bao biên động dữ dội thế mà cứ khư khư bám lấy nó, biến nó thành giáo điều phải học thuộc lòng thì không trì trệ và "ngột ngạt" mới lạ! Chính Nguyễn Ái Quốc ngay từ năm 1924 đã thẳng thừng tuyên bố : "không thể cấm bổ sung "cơ sở lịch sử" của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại" **. Vì thế Nguyễn đòi hỏi "xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông"**.
May thay, từ Đổi Mới với Đại hội VI chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó sở hữu tư nhân, trao quyền tự chủ sản xuất và kinh doanh về cho hộ kinh tế gia đình nông nghiệp, tạo nên cục diện mới, vượt qua bờ vực của sự sụp đổ. Vậy là, bằng hành động thực tế, người cộng sản Việt Nam đã từ bỏ "công thức duy nhất" vốn là nguyên lý cơ bản nhất của ý thức hệ XHCN! Nhưng cũng chính ở đây lại nổi rõ lên cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cũ và mới, giữa bảo thủ, giáo điều với tiến bộ và sáng tạo. Chưa lúc nào mà mệnh đề về phép biện chứng được Hégel nêu ra “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá" lại được thể hiện sinh động đến thế trong đời sống của xã hội ta! Cái "trạng thái cũ đang suy đồi" hiện lên bằng xương, bằng thịt, đi lại nói cười, rao giảng, thuyết lý, lừa mị, trấn áp...thôi thì thiên hình van trạng. Mà cái "trạng thái" ấy duy trì được là do " được tập quán thần thánh hoá”!
Khi bà đại biểu QH Nguyễn thị Quyết Tâm nhận ra rằng "chúng ta đang ngày càng vùng vẫy trong những khó khăn đến mức nghẹt thở như vậy" thì phải cố tìm cho ra cội nguồn của sự "nghẹt thở" ấy trong "cuộc chiến đấu khổng lồ" mà Hồ Chí Minh nêu trong Di Chúc : "chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi", khi mà cái "cũ kỹ, hư hỏng" vẫn đang ngự trị trong đời sống, đang tác oai tác quái nhằm duy trì được ngày nào hay ngày ấy cái "trạng thái cũ" được khoác cái áo kiên định đi theo con đường Bác đã chọn mà thực chất là phản lại tư tưởng Hồ Chí Minh. Không chống lại được trạng thái cũ đang suy đồi vì người ta không thể và cũng không dám "động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dừa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân" để "giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này"** như Hồ Chí Minh đã căn dặn. Không thể và không dám làm như vậy, điều ấy thật dễ hiểu.
Một chế độ toàn trị chỉ có thể duy trì sự tồn tại của nó bằng sự quay lưng lại với đòi hỏi dân chủ và quyền con người, quyền công dân trong một nhà nước pháp quyền đích thực. Dứt khoát không chấp nhận tam quyền phân lập, dứt khoát không lập tòa án hiến pháp, kiên quyết duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, duy trì điều 4 của Hiến pháp v.v... là diễn biến logic của việc quyết bảo vệ chế độ toàn trị cho dù biết rằng, sớm muộn thì sự sụp đổ là không thể tránh khỏi khi đi ngược lại với quy luật phát triển của cuộc sống.
Chính ở đây thể hiện quá rõ một cuộc khủng hoảng lý luận triền miên tiếp theo sự sụp đổ của hệ thống XHCN! Và rồi chỉ còn lại "thành trì " gồm Bắc Triều Tiên [với cha con cháu chắt nhà họ Kim], Cuba [với anh em ông Phiđen], Trung Quốc [với Mao "nghìn năm công tội" của những cuộc thanh trừng đẫm máu chưa bao giờ dứt trong bộ máy cầm quyền mà vụ Bạc Hy Lai đang nóng hổi chắc chắn chưa là vụ cuối cùng của cuộc tranh bá đồ vương], Lào và Việt Nam. Điều mà bà đại biểu "nghe có vẻ như thành thật lắm nhưng có lẽ chưa có sự nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm" cần phải truy tìm nguyên nhân từ cuộc khủng hoảng lý luận triền miên này. Vậy mà chưa bao giờ những người giữ trọng trách "cầm cân nảy mực" công khai và minh bạch thừa nhận để huy động trí tuệ của dân tộc cùng góp sức vượt qua.
Chỉ xin gợi ra đây một chuyện vừa trớ trêu vừa bi hài minh họa cho sự khủng hoảng đó : trong khi "kiên định lập trường theo con đường đã chọn" thì những nhà chiến lược, nhà ngoại giao, nhà kinh tế của ta lại đang ra sức thuyết phục và tìm mọi cách để các nước tư bản công nhận Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường đích thực mặc dầu trên văn bản chính thống thì luốn có cái đuôi "định hướng XHCN" đi kèm ! Liệu có phải ai đó đang lâm vào cảnh : "Cờ đang dở cuộc, không còn nước. Bạc chửa thâu canh, đã chạy làng"? Vậy thì có cần "tự vấn lương tâm" ở đây không nhỉ khi "lương tâm là yếu tố cốt yếu của lý trí thực hành" mà Aristot, nhà hiền triết cổ đại và Kant, nhà triết học lớn nhất của thời cận đại đều khẳng định.
Vậy là cái "cơ chế để đo được lòng dân" khi mà "lòng dân bây giờ thật sự bất ổn trên nhiều góc độ lắm" mà nữ chính khách bức xúc nêu lên rút cục lại phải bắt đầu từ đâu?
Liệu có phải từ sự khủng hoảng về lý luận dẫn đến sự rối loạn trong hoạt động thực tiễn khi mà đã có cả rừng luật và văn bản dưới luật nhưng luật rừng lại đang được thực hiện phổ biến? Rồi chuyện dân tự xử vì không còn tin ở luật pháp như việc đập chết người ăn trộm chó [mà riêng năm nay đã có 10 người trộm chó bị dân đập chết] cho đến chuyện công an cùng với chủ đầu tư sử dụng côn đồ để trấn áp người dân biểu tình khiếu kiện giữ đất đang có xu hướng ngày càng bạo liệt. Không thể nào liệt kê ra đây "những bất ổn trên nhiều góc độ" nên chỉ giới hạn ở hai vấn đề Hiến pháp và Luật đất đai, những "vấn đề của vấn đề" đang tích tụ hàm lượng lý luận và thực tiễn cần phải được tập trung giải quyết. Đó cũng là hai vấn đề mà Quốc hội sẽ biểu quyêt thông qua trong kỳ họp này. Lòng dân "an" hay "bất an" tùy thuộc vào chuyện lớn này.
Đó chính là lý do để người viết bài này trân trọng ghi nhận những ý kiến sâu sắc và mạnh mẽ của người nữ đại biểu Quốc hội về nỗi bất an của lòng dân.
Sự sâu sắc và mạnh mẽ của một nữ chính khách bỗng ngẫu nhiên gợi lên liên tưởng về cung cách ứng xử của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đối với đám trí thức rởm mà bà chúa thơ Nôm ấy réo gọi là "lũ ngẩn ngơ" chỉ quen "Ong non ngứa nọc châm hoa rữa, Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa" thì hãy "lại đây cho chị dạy làm thơ" [hay làm chính khách]. Người kỳ nữ ấy cũng chỉ mặt bọn chỉ quen ăn theo nói leo không được một tích sự gì : "Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông, Chúng bảo nhau rằng ấy ái uông !
Rồi đây các đại biểu QH sẽ bấm nút biểu quyêt thông qua Hiến pháp và Luật Đât đai, những vân đề liên quan mật thiết đến chuyện an dân, liệu có nên bắt chước bản lĩnh của thiên tài kỳ nữ Xuân Hương mà cảnh báo chuyện phải cực kỳ thận trọng việc thò tay bấm nút rằng :
"Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay"
Ngày 26.10.2013
GS. Tương Lai
__________________
* C.Mác và Ph. Angghen toàn tập. Tập 18. NXBCTQG. Hà Nội, 1995, tr.128 và Tập 21, tr.524.
**. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1. NXBCTQG. Hà Nội, 1995, tr.465, tập 12, tr.505
(Quê Choa)

Tạ Dzu - Định nghĩa lại nhân dân trong hiến pháp

Kể từ năm 1945 đến nay, nhà nước CSVN đã đưa ra bốn bản hiến pháp khác nhau nhưng chưa bao giờ người dân được quyền tham dự vào việc quyết định sinh mệnh chính trị của mình thông qua tiến trình phúc quyết hiến pháp. Nhân dân dưới chế độ cộng sản chỉ là công cụ và phương tiện phục vụ cho ý đồ cầm quyền của đảng. Nhân dân chưa bao giờ là đối tượng phục vụ, là thực thể lẽ ra phải là chủ nhân ông đất nước, có quyền lực thực sự.

Do đó, cần phải định nghĩa và đặt lại vai trò của nhân dân trong hiến pháp.

‘Dân’ trong Nhân dân

Dân, là người trong mỗi xã hội riêng biệt. Do phân bố địa lý, hòan cảnh lịch sử và văn hóa khác biệt, người dân tại mỗi quốc gia mỗi khác nhau. Do đó, ‘dân’ mang tính đa nguyên tương đối. Muốn thế giới ổn định, phải tôn trọng tính đa nguyên của (các) dân (tộc). Chủ nghĩa cộng sản đã hòan toàn sai lầm khi chủ trương xóa bỏ dân tộc để mơ ước tiến đến đại đồng quốc tế. Họ không nhìn ra và phá vỡ quy luật đa nguyên tương đối này. Trên bình diện quốc gia, chính quyền cũng phải tôn trọng tính đa nguyên giữa các giai tầng quốc dân. Chủ trương chỉ công nhận giai cấp công nhân hay những người được đảng cộng sản chấp nhận, cũng phá vỡ quy luật đa nguyên của dân.

Một cách thông thường, nhân dân được hiểu là tất cả mọi người dân trong một nước – toàn dân hay quốc dân. Từ điển tiếng Việt của người cộng sản định nghĩa nhân dân là “khối người đông đảo làm nền tảng cho một nước…” không mang ý nghĩa toàn dân. Nó là thuật ngữ mang ý nghĩa chính trị, thuộc phạm trù ý hệ Mác Lê. Nhân dân, theo những người cộng sản, không phải toàn dân mà “… gồm các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Những tầng lớp ấy, do giai cấp công nhân lãnh đạo, cùng tham gia chính quyền…” như Trường Chinh xác nhận trong dịp báo cáo trước Đại hội 2.

Điều này nêu lên ba quan điểm về nhân dân của người cộng sản.

Thứ nhất, theo gót Mao Trạch Đông, Trường Chinh cũng quy định có bốn giai cấp họp thành nhân dân nhưng không đưa ra tiêu chuẩn ổn định để xác định giai cấp tính. Chẳng hạn thế nào là tiểu tư sản và tư sản dân tộc? Tại sao rất nhiều tư sản dân tộc theo đảng từ những ngày đầu mà bị phản bội, bị truy tố trước tòa án nhân dân hoặc bị âm thầm thủ tiêu dã man không ai biết đến? Tại sao Giang Trạch Dân lại cho phép hàng ngũ đại gia tư bản - những kẻ trên lý thuyết phải bị tiêu diệt - trở thành đảng viên theo thuyết “ba đại diện” của ông ta?

Thứ nhì, theo lý thuyết, giai cấp công nhân lãnh đạo tất cả các giai cấp khác; trên thực tế, chỉ những kẻ đại biểu mới được đứng trong hàng ngũ này. Đảng cộng sản tự phong cho mình là đại biểu của giai cấp công nhân. Mặc nhiên, chỉ có đảng mới thực sự lãnh đạo không chỉ ba giai cấp còn lại, mà cả những ai không được may mắn quy định nằm trong bốn giai cấp trên.

Thứ ba, mặc dù thòng thêm câu “cùng tham gia chính quyền”, nhưng đại biểu những giai cấp còn lại không thực sự có thực quyền. Những người ngoài đảng lại càng không. Điều 3 Hiến pháp 1980 định nghĩa nhân dân như sau: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chủ tập thể là nhân dân lao động bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa và những người lao động khác mà nòng cốt là liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Theo định nghĩa này thì nhân dân không phải là toàn dân. Ngay cả những người cùng một giai cấp được công nhận trước kia cũng bị phân biệt rõ rệt: Cùng là nông dân, nhưng nông dân tập thể được đứng trong hàng ngũ nhân dân; nông dân cá thể thì không. Cũng vậy, trí thức “Xã hội Chủ nghĩa” được nhìn nhận, trí thức “suông” thì không (*).

Đầu thập niên 90, do sự lung lay tận gốc rễ của chủ nghĩa cộng sản với sự sụp đổ của các chế độ cộng sản Đông Ấu và Liên Xô, CSVN đành phải đổi mới nội dung nhân dân nơi điều 2 Hiến pháp 1992: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.

Quy định này không còn phân biệt tính chất nông dân (cá thể và tập thể) và trí thức (XHCN và không XHCN) nữa. Nhưng trong điều 4 ngay sau đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động lại được nhấn mạnh như lực lượng chính trong nhân dân. Do đó, “nhân dân” vẫn mang tính chuyên quyết, chỉ vì quyền lợi và sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam, không vì quyền lợi và sự tồn tại của toàn dân. Họ luôn mập mờ và trí trá trong quy định nhân dân. Khi cần, họ sẵn sàng lôi kéo những thành phần ngoài đảng, thậm chí thuộc giai cấp đối nghịch đứng chung hàng ngũ nhân dân; lúc không cần, người cộng sản sẵn sàng loại bỏ không thương tiếc (*).

Đây là cách nhìn và hành động của những nhà nước thiếu văn minh, của những chính quyền độc tài mà luôn hô hào dân chủ giả dối.

Trong một chế độ dân chủ, nhà nước, được toàn dân trao thẩm quyền điều hành các hoạt động xã hội, phải tạo điều kiện cho mỗi cá nhân, các giai tầng và xã hội dân sự phát huy hết khả năng, sinh hoạt hòa hợp nhịp nhàng, thúc đẩy cả xã hội tiến bộ và phát triển.

Vai trò của nhà nước hiện đại, theo quan niệm mới, nghiêng nhiều về quản trị và điều hành (managing) thay vì cai trị, lãnh đạo (ruling). Mọi người dân ngày càng được khuyến khích tham dự vào đời sống chính trị chung. Đây là nền dân chủ với nội dung mới - nền dân chủ toàn dân và trực tiếp (empowered, parcitipatory democracy).

Chỉ khi nào đại diện toàn dân từ các địa phương được chính người dân cử vào cơ quan quyền lực cao nhất là quốc hội, chứ không phải bao gồm toàn các đảng viên cộng sản, thông qua đầu phiếu tự do, thì tính đa nguyên của dân mới được bảo chứng. Quốc hội phải hoạt động độc lập với đảng nhằm bảo đảm tính trung thực của các quyết định do quốc hội đưa ra liên quan tới đời sống hàng ngày của dân. Đảng phải sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp cho phép, quy định trong hiến pháp được toàn dân phúc quyết. Đây là điều quan trọng trong việc xác định chức năng giữa đảng và nhà nước, giữa vai trò thiết kế chính sách (chính) của ngành lập pháp và quản trị hành chánh (trị) của ngành hành pháp. Như vậy, lập pháp là quyền của dân, hành pháp thuộc về chính quyền, tư pháp đứng độc lập.

Quan hệ giữa nhà nước và quốc dân phải là quan hệ hỗ tương hợp tác, thông lưu trên dưới, đối lập mà thống nhất, không phải là lãnh đạo một chiều từ trên xuống. Nhân dân phải được tự do, trực tiếp tham dự vào các sinh hoạt chính trị thông qua những đại diện do chính họ bầu lên, cùng nhà nước thiết kế và thực hiện (chấp hành) dân sinh, chứ không chỉ là đặc quyền của các đảng viên cộng sản, dễ trở nên lạm dụng quyền lực đi đến độc tài chuyên chế. Thực thi được điều này thì đó mới là một chính quyền văn minh, tôn trọng người dân và được toàn dân tin tưởng, kính trọng, không cần sử dụng bạo lực mà vẫn giữ được ổn định xã hội.

Dân chủ phải gắn liền với dân chứ không phải với đảng. Xây dựng hiến pháp mà không gắn với (toàn) dân khiến đảng luôn phải dối trá, lúc nào cũng tìm cách lừa bịp dân.

Vào đầu tháng 10, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong tư cách đại biểu quốc hội đã gặp gỡ cử tri các quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm, tuyên bố rằng dự thảo Hiến pháp được tuyệt đại đa số người dân đồng tình. Nhưng ngay sau đó, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng đã công bố kết quả cuộc khảo sát có tên gọi Chỉ số Công lý 2012, cho thấy 65.4% dân chúng Việt Nam không biết cũng như không tham dự vào kế hoạch sửa đổi hiến pháp. Chỉ số Công lý 2012 đã chứng minh ông Trọng dối trá. Không người dân nào, ngoại trừ các đảng viên Đảng CSVN, được tham gia vào tiến trình dự thảo hay phúc quyết hiến pháp. Đảng CSVN đang sửa đổi hiến pháp là nhằm biện minh cho sự cầm quyền của họ chứ không cho toàn dân.

Ngày 19 tháng 11 năm 1863, khi đến thăm mặt trận tại Gettysburg, Tổng thống Hoa Kỳ, A. Lincohn, đã tuyên bố rằng chính phủ là “của dân, do dân, vì dân”. Định nghĩa này giúp người dân hiểu dễ dàng và giống nhau. Chính quyền Mỹ không cần phải quy định ai là (nhân) dân, ai không. Câu nói đơn giản đó khiến mọi người hiểu rõ ràng rằng chính quyền là do (toàn) dân lập ra, bằng bầu cử tự do, dựa vào dân và để phục vụ dân, chứ không phải để cai trị dân. Chính vì không phân biệt giai cấp, lấy toàn dân làm nền tảng và là cứu cánh, hiến pháp Hoa Kỳ cho tới nay chưa phải thay đổi, chỉ cần tu chính.

‘Nhân’ trong Nhân ân

Nhân, là con người trong dòng lịch sử nhân loại nói chung. Dù thuộc dân tộc nào, con người cũng là nhân. Ở đâu, có mầu da nào, mang quốc tịch nào, con người đều phải được tôn trọng nhân phẩm như nhau, có quyền con người như nhau. ‘Nhân’ mang tính nhất nguyên tuyệt đối.

Để công nhận một cuộc hôn nhân mới, một gia đình mới giữa hai người nam và nữ, xã hội nào cũng có nghi thức nhằm ra mắt, giới thiệu hai người với cộng đồng. Đó là tính nhất nguyên của nhân. Tổ chức đám cưới như thế nào, mời bao nhiêu người, cô dâu thay bao nhiêu chiếc áo, họ hàng và bạn bè mừng tiền mặt hay tặng phẩm cho đôi trẻ, mang tính đa nguyên, khác nhau tùy mỗi dân tộc, mỗi xã hội.

Trong tương quan giữa mình với người khác, nhân loại luôn chọn lựa cách ứng xử phù hợp với đời sống con người, phù hợp với nhân tính nhất, gọi là nhân đạo - đường sống, lối sống người. Dù ở chân trời góc biển nào, con người cũng hành xử như thế, cổ đại cũng như hiện đại, tuy mức độ có khác nhau tuỳ vào tri thức ở giai đoạn đó, nhưng luôn là lối sống tương hợp với nhân tính, dần rời xa vật tính. Dù trong nhiều thời kỳ lịch sử, con người đã (và đang) có nhiều hành động, tư tưởng xa rời nhân tính, nhân đạo, nhưng rồi, qua thời gian tiến hóa, con người lại sửa sai và trở về với nhân đạo.

Qua quá trình sống hàng ngàn năm, chục ngàn năm như thế, con người dần tìm ra bảng giá trị chung mà mọi người, mọi dân tộc đều thấy hợp lý.

Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, con người thức tỉnh ra, thấy cần phải sống hòa hợp với nhau hơn thay vì gây chiến. Trong thời đại toàn cầu hóa, mỗi dân tộc lại thấy ra hai con đường sống: không chỉ đời sống quốc dân của dân tộc, mà còn có đời sống quốc tế của dân tộc nữa.

Giao thoa giữa các nền văn hóa, việc làm ăn buôn bán, du lịch thăm thú nhau giữa các quốc gia, càng làm cho mọi người thấy tầm quan trọng của những gía trị chung buộc phải tôn trọng, mới dễ tạo nên sự ổn định toàn cầu.

Hiện tại, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nói về quyền con người và nền chính trị dân chủ đích thực, tham gia bởi toàn dân chứ không chỉ còn là công việc của đảng phái, là những giá trị phổ quát, thành tựu văn minh chung của toàn thể nhân loại. Với giá trị chung đó, các chính quyền độc tài, trong đó có cả Trung Quốc và Việt Nam đã ký vào bản Tuyên ngôn, không thể biện luận dối trá rằng nhân quyền của chúng tôi khác với nhân quyền Tây phương, nhằm tước đoạt quyền làm người của dân.

Nhà nước nào càng đi gần với bảng giá trị chung và tôn trọng người dân, xã hội của nhà nước đó càng phát triển trong hòa bình và ổn định.

Hiến pháp dựa vào toàn dân với những giá trị chung của nhân loại thì lâu bền; dựa vào đảng và những người được đảng công nhận là nhân dân sẽ sớm bị đào thải. Hành động chỉ công nhận nhân dân theo định nghĩa của đảng còn tạo ra phân biệt đối xử, gây chia rẽ mọi tầng lớp quốc dân, không thể đưa đất nước đến phát triển và ổn định lâu dài.
 
Tạ Dzu

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
--------------------------------------------
(*) Trần Thanh Hiệp (2012). Việt Nam Trên Đường Đi Tới Tương Lai Dân Chủ Hóa. Paris: Tủ Sách Thái Bình Dương, pg 11-13.

Chủ tịch quận Tây Hồ đạo diễn các dự án lấy đất của dân phường Nhật Tân

Để lo xa cho quãng thời gian sau khi hạ cánh (sẽ nghỉ hưu năm 2014), cựu Thượng tá Công an Nguyễn Phúc Quang (Quang “đầu to”, hiện là Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ) đã thiết kế một số “đường băng” khá công phu. Cụ thể, ngay khi đương ghế Chủ tịch quận, đồng chí có sáng kiến đẻ ra Ban Quản lý Hồ Tây rồi hăng hái tự mình kiêm luôn “sếp” của Ban này. Đã từ lâu, đồng chí Quang ấp ủ dự án Thủy cung vui chơi giải trí đệ nhất Hà Thành ngay sát Hồ Tây và khi có điều kiện thuận lợi (nếu sửa đổi luật) sẽ cho bung ra mở casino và nhà thổ mại dâm nhằm thu bộn tiền. Từ lâu, đồng chí rất thèm thuồng khu đất vàng giáp Hồ Tây tại cụm 3 phường Nhật Tân (thôn Nam – từ Trại Vịt tới Chùa Sách) rộng hàng chục héc-ta nơi có hàng trăm hộ dân đang sinh sống hợp pháp. Muốn làm chủ khu đất này, Quang “đầu to” phải đẻ ra các dự án để tiện “thu hồi” đất của dân.


http://www.congan.com.vn/dulieu7/TratTu-XaHoi/07_13/10nhattan2.jpg
Lô đất đang lấy làm dự án trường Mầm non Nhật Tân 2
Dự án trường Mầm non Nhật Tân 2

Sau bao lần đưa quân dọa cưỡng chế lấy đất của dân, sáng thứ Năm 17/10/2013 UBND Quận lại họp đốc thúc GPMB dự án Mầm non 2 Nhật Tân và quyết tâm “ra quân” một lần nữa nhằm thực hiện Quyết định số 1905 ngày 8/7/2013 của UBND quận Tây Hồ. Theo QĐ này, ngày 15/10/2013, công tác GPMB phải hoàn tất. Tuy nhiên, nhân dân đã chống đối kịch liệt vì UBND quận Tây Hồ có nhiều khuất tất, tiêu cực. Cụ thể, theo phản ánh, cuộc họp lấy ý kiến của nhân dân ngày 4/7/2012 do UBND phường Nhật Tân triệu tập, thành phần gồm đại diện Ban Quản lý dự án quận Tây Hồ, Phòng Quản lý đô thị, Phòng TN&MT, UBND phường Nhật Tân và các vị là Phó Chủ tịch HĐND phường… đã ký vào biên bản thống nhất địa điểm lập dự án xây dựng trường Mầm non Nhật Tân 2. Tuy nhiên, trong những thành phần đại diện của khu dân cư nêu trên có những người không thuộc diện có đất bị thu hồi? Hơn nữa, nhân dân cho biết, trước đó các tổ trưởng tổ dân phố không có cuộc họp nào để thông tin về dự án cho nhân dân trong cụm nên không được nhân dân ủy quyền bằng văn bản. Mặt khác, phường Nhật Tân hiện đã có 2 cơ sở trường mầm non đạt chuẩn quốc gia chỉ cách nhau vài trăm mét, với tổng diện tích 4.292m2, mới sử dụng hết 1/2 công năng thiết kế, nên việc xây dựng thêm một cơ sở nữa là không cần thiết và lãng phí.
Hôm 26/3/2013, theo chỉ đạo của quận, UBND phường Nhật Tân đưa cán bộ và phương tiện xuống khu vực Mẫu 9 để “công tác” mà không thèm thông báo cho dân, tự tiện xâm nhập khu dân cư trái phép. Nhân dân phản đối thì đồng chí Chủ tịch UBND phường chửi thề: “Bắt mẹ nó hết đứa nào dám chống. Chúng mày tuổi gì mà đòi được ở đây”. (chú thích: “tuổi” là tiếng lóng mà bọn đầu gấu, xã hội đen thường dùng để chỉ tư cách, vị thế). Các cụ cao tuổi cho biết mức độ hách dịch của tụi cường hào, ác bá mới này còn hơn gấp nhiều lần bọn lý trưởng, chánh tổng thời thực dân, phong kiến xưa kia. Nhân dân vô cùng hoang mang trước cung cách hành xử kiểu lưu manh của chính quyền quận Tây Hồ và phường Nhật Tân.
Chưa dừng lại, sáng 4/5/2013, UBND quận Tây Hồ và UBND phường Nhật Tân tiếp tục huy động lực lượng gần 200 cán bộ đem theo xe cứu thương, cứu hỏa, xe chở phạm nhân… đến khu vực đòi cưỡng chế, ép dân để cắm mốc.
Hỏa mù che đậy tiêu cực
Một mặt đàn áp cưỡng chế người dân, mặt khác, chính quyền lại tung các quả hỏa mù nhằm đánh lạc hướng dư luận nhằm che giấu tiêu cực. Ngày 18/5/2013, UBND phường Nhật Tân có Công văn số 136/UBND-ĐCNĐ gửi các cơ quan ngôn luận, nêu rõ trình tự thực hiện dự án, văn bản liên quan của các sở: Quy hoạch Kiến trúc; Xây dựng… Rà soát lại, việc thực hiện dự án của UBND quận Tây Hồ và UBND phường Nhật Tân rất có vấn đề. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện rà soát quỹ đất để đảm bảo mỗi phường có ít nhất hai trường mầm non. Mặc dù Nhật Tân đã có 2 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia với tổng diện tích 4.292m2 nhưng UBND quận vẫn “mượn gió bẻ măng” đẻ ra Dự án trường Mầm non Nhật Tân 2 nhắm vào đúng khu đất vàng tại cụm 3, phường Nhật Tân nằm ngay mặt đường Lạc Long Quân và kề Hồ Tây.
Quận bắt UBND phường Nhật Tân ban hành Công văn số 365/UBND-ĐCNĐ ngày 3/8/2011 do ông Nguyễn Quang Ngọc ký gửi UBND quận Tây Hồ đề xuất vị trí dự kiến trường Mầm non Nhật Tân (không có số 2) rất mập mờ tại khu vực Mẫu 9, cụm 3. Nhìn vào đó, ai cũng nghĩ phường Nhật Tân chưa có trường Mầm non. Song nó lại được UBND quận Tây Hồ lấy đó làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Ngày 22/3/2012, UBND quận Tây Hồ gửi Công văn số 195/UBND-QLĐT tới Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (QHKT), đề xuất các địa điểm xây dựng trường mầm non và các công trình khác, trong đó khu đất cụm 3 phường Nhật Tân 2 có diện tích khoảng 12.500m2, quận đề xuất xây Trường Mầm non Nhật Tân 2, Trung tâm giáo dục thường xuyên quận, trụ sở làm việc của Ban quản lý Hồ Tây. Tại văn bản số 893/QHKT-P6, Sở QHKT xác định: Theo Quyết định số 47/2001/QĐ-UB ngày 29/6/2001 của UBND thành phố Hà Nội, phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ, khu này được xác định chức năng đất Nhà văn hóa. Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu này lại được xác định là đất làng xóm đô thị hóa. Rõ ràng, quy hoạch đã được điều chỉnh bởi quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nên nếu có điều chỉnh lại quy hoạch (cho dù cục bộ) thì không thuộc thẩm quyền của UBND Q.Tây Hồ, cũng như của thành phố Hà Nội.
Để trí trá thêm với ý đồ đen tối, UBND phường Nhật Tân được quận giao chủ trì cuộc họp “lấy ý kiến nhân dân” ngày 4/7/2012, thành phần gồm đại diện Ban quản lý dự án quận Tây Hồ, Phòng Quản lí đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính – Kế hoạch, UBND phường Nhật Tân và các ông bà Phó chủ tịch HĐND phường, Trưởng ban công tác Mặt trận phường, Tổ trưởng tổ 20 cụm 3, Tổ trưởng tổ 19 cụm 3… Những ông bà này đã ký vào biên bản thống nhất địa điểm lập dự án xây dựng Trường Mầm non Nhật Tân 2 tại khu mẫu 9, cụm 3. Thật trớ trêu, các ông bà này lấy tư cách gì để đại diện cho nhân dân ký văn bản đồng thuận, trong khi họ không phải đối tượng bị ảnh hưởng (không có đất bị thu hồi)? Vậy mà, tại Công văn số 635/UBND-QLDA ngày 17/7/2012, UBND quận Tây Hồ dựa vào đó để báo cáo sai sự thật với UBND TP.Hà Nội rằng 100% nhân dân đồng thuận.
Thực tế UBND Q.Tây Hồ không làm đúng các quy định của pháp luật, mà còn báo cáo sai sự thật.
Tiêu cực tiếp nối tiêu cực
Sau khi nhận được Công văn báo cáo số 635/UBND-QLDA của UBND quận Tây Hồ về việc “toàn dân đồng thuận” với địa điểm xây dựng, ngày 14/8/2012 UBND TP.Hà Nội có Công văn số 6292 do Chánh văn phòng Nguyễn Thịnh Thành ký, truyền đạt ý kiến của đồng chí Ủy viên Trung ương Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội: “Giao Sở QHKT xem xét, chấp thuận địa điểm để nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng các trường mầm non theo đề nghị của UBND quận Tây Hồ…”.
Vin vào đó, ngày 24/10/2012 UBND quận Tây Hồ ban hành QĐ số 3122/QĐ-UBND, do đ/c Nguyễn Phúc Quang, Chủ tịch quận ký, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường Mầm non Nhật Tân 2 với tổng mức đầu tư 124 tỉ 405 triệu 306 nghìn đồng, bằng tiền ngân sách của quận. Điều đáng nói, quyết định này chỉ căn cứ vào các văn bản chủ trương mà không phải văn bản phê duyệt của cấp trên. Như vậy, QĐ của UBND quận Tây Hồ là vượt thẩm quyền, trái quy định của pháp luật. Hơn nữa, việc phê duyệt dự án, chủ trương xây dựng… không được công khai tại khu dân cư, nơi dự định triển khai dự án, thể hiện không minh bạch, trái với quy định về trình tự, thủ tục triển khai các dự án. Có thông tin bên trong cho biết, sau khi có mặt bằng, quận sẽ ra một quyết định khác để chuyển đổi mục đích sử dụng, giao đất lại cho Ban Quản lý Hồ Tây. Mọi chuyện thế là xong. 
Ngoài ra, ngay sát khu đất này, Quận và Thành phố đang đạo diễn một vụ lấy đất động trời khác rộng gần 3 héc-ta của hơn 100 hộ dân (chúng tôi sẽ viết trong điều tra sau). Dư luận nhân dân phường Nhật Tân và quận Tây Hồ đang rất bức xúc. Từ lâu, đồng chí Nguyễn Phúc Quang đã ấp ủ dự án vui chơi giải trí đệ nhất Hà Thành tại khu vực này do Ban Quản lý Hồ Tây làm chủ đầu tư (Ban mà đồng chí vẫn sẽ làm sếp sau khi thôi Chủ tịch quận vào năm sau). Vừa rồi, Quốc hội lại gióng lên chuyện sửa luật để hợp pháp hóa cờ bạc và mại dâm. Tận dụng quỹ thời gian vàng ít ỏi còn lại trên ghế Chủ tịch quận, đồng chí huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm “quyết liệt, quyết tâm” hơn nữa trong việc lấy đất của dân bằng mọi cách và mọi giá để có được gần 3 héc-ta đất vàng phục vụ ý tưởng điên rồ nói trên.
Cầu Nhật Tân

Một cuộc kiểm tra, truy thu 10 ngàn tỷ tiền thuế

nợ thuế, chuyển giá, FDI, truy thu thuế…

Nhựa Bình Minh chỉ là một trong số hàng nghìn doanh nghiệp bị dính án truy thu thuế. Kết quả tổng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế năm 2013 của Bộ Tài chính cho biết, số thuế sẽ phải thu hồi về ngân sách là 9.628 tỷ đồng.
Bộ Tài chính vừa cho biết, tính đến hết quý III, ngành thuế đã hoàn thành thanh tra thuế tại 5.404 doanh nghiệp và kiểm tra xong việc chấp hành pháp luật thuế đối với 34.634 đơn vị.
Hiện nay, vẫn còn 979 doanh nghiệp đang thanh tra thuế và 2.629 đơn vị đang tiến hành kiểm tra về thuế.
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh lại. Các doanh nghiệp phải giảm khấu trừ thuế đầu vào, đầu ra tổng số tiền là 628 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh cũng đã giảm lỗ tới 7.970 tỷ đồng.
nợ thuế, chuyển giá, FDI, truy thu thuế…
Kết quả là, số thuế tăng thu qua cuộc tổng thanh tra, kiểm tra này là 9.628 tỷ đồng, góp phần giải tỏa bớt khó khăn cho ngân sách đang thiếu hụt. Con số tăng thu này tương ứng gần 3% so với tổng thu nội địa 9 tháng vừa qua.
Trong đó, các doanh nghiệp có vi phạm đã bị buộc truy thu thuế 5.643 tỷ đồng, truy hoàn hơn 200 tỷ đồng và phải nộp phạt hơn 2.040 tỷ đồng. Cùng đó, tổng số thuế đã điều chỉnh tăng, giảm, ấn định thuế đối với các doanh nghiệp có vi phạm là 1.744 tỷ đồng.
Đến hết tháng 9, các doanh nghiệp đã nộp hơn 6.679 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng số thuế phải nộp. Trong đó, số thuế mà doanh nghiệp đã nộp do bị truy thu, truy hoàn, phạt là 4.935 tỷ đồng, đạt 87% tổng số thuế bị truy thu, truy hoàn và phạt.
So với cùng kỳ năm trước, tổng số thuế đã nộp bổ sung của doanh nghiệp tăng 11%.
Theo cơ quan thuế, nằm trong số trên là có 122 doanh nghiệp FDI vừa bị phát hiện chuyển giá vừa qua với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp bị truy thu hơn 214 tỷ đồng. Trong số này, riêng tập đoàn Keangnam Vina đã bị truy thu lên tới 95,2 tỷ đồng, đứng đầu khi chiếm tới 44% tổng số thuế bị truy thu của tất cả các doanh nghiệp chuyển giá.
Nhiều doanh nghiệp có máu mặt, thương hiệu nổi tiếng cũng bị truy thu thuế. Vụ việc được báo giới xới lên gần đây nhất là vụ công ty Nhựa Bình Minh, bị truy thu 117 tỷ đồng.
Trước đó báo cáo tới Chính phủ, bộ Tài chính đã cho biết năm nay, cân đối thu chi ngân sách đang rất khó khăn. Riêng khoản thu về thuế đã sụt giảm nghiêm trọng, như thuế giá trị gia tăng chỉ thu đạt 65,5% dự toán, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 57,9% dự toán, thuế thu nhập cá nhân chỉ đạt 67,2% dự toán. Trong khi cùng kỳ các năm trước, tỷ lệ hoàn thành thu thuế thường trên 70-80% khi hết quý III.
Các doanh nghiệp kinh doanh có lãi chỉ chiếm có 34,2%. Còn lại, có tới 65,8% số doanh nghiệp, tương ứngg hơn 201 nghìn doanh nghiệp bị lỗ, không có khả năng nộp thuế thu nhập.
Vì vậy, Tổng cục thuế đã thành lập Ban chỉ đạo chống thất thu, đôn đốc thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2013, tăng cường rà soát chống buôn lậu, trốn thuế, nợ thuế.
Phạm Huyền
(VNN)

Hai người giúp dân oan bị công an Hà Nội bắt và đánh đập

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiều hôm qua, 25/10/2013, hai nhà hoạt động trợ giúp dân oan người H’Mông là anh Trương Văn Dũng và Lê Thiện Nhân đã bị công an phường Thụy Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội, bắt giữ và đánh đập dã man.

Hai nhà hoạt động này đã đến trụ sở công an phường Thụy Khuê để xin lại những đồ đạc của dân oan H’Mông bị thu giữ khi công an phường này cưỡng bức họ về địa phương vào đêm 23/10 rạng sáng ngày 24/10/2013. Đó là những đồ đạc mà các nhà hoạt động đã quyên góp để giúp đỡ những dân oan người H’Mông.

Đang có mặt ở Hà Nội để lo về vụ kiện Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, chị Bùi Thị Minh Hằng, cũng là một nhà hoạt động chuyên trợ giúp dân khiếu kiện, chiều qua đã đến công an phường Thụy Khuê để hỏi thông tin về hai người bạn đang bị giữ, nhưng chị cũng bị công an bắt vào đồn.
Thanh Phương (RFI)

Biển Đông : Nhật sẵn sàng yểm trợ Đông Nam Á đối phó với Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẵn sàng phản công ngoại giao chống lại chiến lược "thô bạo" của Trung Quốc - REUTERS /Koji Sasahara
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẵn sàng phản công ngoại giao chống lại chiến lược "thô bạo" của Trung Quốc - REUTERS /Koji Sasahara

Thụy My (RFI)
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Wall Street Journal hôm nay 26/10/2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết sẵn sàng cứng rắn hơn trước Trung Quốc, trong trường hợp Bắc Kinh đe dọa sử dụng vũ lực để đạt được các mục đích ngoại giao trong khu vực Châu Á.

Quan hệ giữa hai chính quyền Tokyo và Bắc Kinh đã xấu đi từ đầu năm nay, chủ yếu do việc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông.Thủ tướng Nhật - mà quyết định đầu tiên khi lên cầm quyền là tăng ngân sách quốc phòng, lần đầu kể từ 11 năm qua - đã nói rõ là muốn đóng một vai trò tích cực hơn cho hòa bình và ổn định khu vực, được ông gọi là « chủ nghĩa hòa bình tích cực ». Tokyo còn dự định tổ chức một cuộc tập trận trên biển và trên không vào tháng 11, có thể là nhằm chứng tỏ với Bắc Kinh khả năng bảo vệ các hòn đảo của mình.

Ông Shinzo Abe nói với Wall Street Journal là trong những cuộc tiếp xúc gần đây với các nhà lãnh đạo trong khu vực, ông đã nhận ra rằng các láng giềng Châu Á trông cậy vào Nhật Bản để có thể tiến hành phản công ngoại giao chống lại chiến lược của Trung Quốc, được đánh giá là ngày càng thô bạo.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết : « Một số quốc gia lo sợ là Trung Quốc toan tính dùng vũ lực để thay đổi nguyên trạng, chứ không thượng tôn pháp luật. Nhưng nếu Bắc Kinh chọn lựa con đường này, thì họ sẽ không thể tìm ra được lối thoát một cách hòa bình ».

Ông Shinzo Abe nói thêm : « Như vậy Trung Quốc không nên hành động như thế, và rất nhiều nước trông cậy vào Nhật Bản để bày tỏ quan điểm trên một cách dứt khoát. Những quốc gia này hy vọng nhờ đó mà Bắc Kinh sẽ bắt đầu có những động thái có trách nhiệm hơn trong cộng đồng quốc tế ».

Ngoài việc xung đột với Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc còn dấn sâu vào tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam và Philippines, với những hành động hung hăng, lấn lướt những nước láng giềng nhỏ yếu hơn.

Nhân vật số 4 Bộ Chính trị Trung Quốc loan báo cải cách "chưa từng thấy"

Ông Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) từng là Bí thư thành ủy Thượng Hải (Ảnh : REUTERS)
Ông Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng) từng là Bí thư thành ủy Thượng Hải (Ảnh : REUTERS)


Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng), nhân vật số 4 trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc báo trước là những cải cách kinh tế và xã hội « chưa từng thấy » sẽ được loan báo nhân Hội nghị toàn thể dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới. Tân Hoa Xã hôm nay 26/10/2013 cho biết như trên.

Hội nghị trung ương tháng 11 là cuộc họp kín giữa 200 ủy viên trung ương Đảng, là hội nghị thứ ba kể từ khi Tập Cận Bình chính thức trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc vào tháng Ba.

Theo truyền thống, Hội nghị trung ương lần thứ ba là dịp để ê-kíp lãnh đạo mới của Trung Quốc thông báo những cải cách quan trọng về kinh tế. Ngược lại trên lãnh vực chính trị, các nhà quan sát không chờ đợi sẽ có những thay đổi quan trọng.

Tân Hoa Xã trích lời ông Du Chính Thanh khẳng định : « Lần này các cải cách sẽ rất rộng rãi, đi vào chiều sâu, và sẽ là những cải cách chưa từng có nhằm khuyến khích các chuyển đổi sâu sắc trong kinh tế, xã hội và các lãnh vực khác ».

Hiện có rất ít quan chức cao cấp đưa ra lời bình luận về Hội nghị trung ương tháng 11. Trong hội nghị này, Tập Cận Bình sẽ khẳng định ý hướng điều chỉnh lại nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại, tập trung cho tiêu dùng nội địa thay vì chú trọng đầu tư và xuất khẩu.

Hôm qua, Trung Quốc đã đưa ra lãi suất chỉ đạo mới cho các tổ chức tín dụng. Đây là một giai đoạn mới trong quá trình tự do hóa lãnh vực tài chính, với mục đích giảm bớt tình trạng mất cân đối đang đè nặng lên nền kinh tế thứ nhì thế giới.

 Thụy My (RFI)

Đức điều lãnh đạo tình báo sang Mỹ


Pháp và Đức đã thể hiện rõ sự bất bình trước cáo buộc nói Mỹ theo dõi lãnh đạo và công dân của mình

Đức cho biết sẽ cử các lãnh đạo tình báo cấp cao sang Washington để "thúc đẩy" quá trình điều tra cáo buộc nói Mỹ theo dõi thủ tướng nước này, bà Angela Merkel.

Các lãnh đạo phụ trách tình báo trong và ngoài nước sẽ có buổi đối thoại với Nhà Trắng và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), người phát ngôn chính phủ Đức cho biết.

Trước đó, Đức và Pháp nói hai nước này muốn Hoa Kỳ phải ký một quy ước không do thám trước cuối năm nay.

Các lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng việc thiếu đi niềm tin có thể sẽ gây tổn hại cho cuộc chiến chống khủng bố.

Ngoài cáo buộc nghe lén điện thoại của bà Merkel, NSA còn bị loan tin là đã theo dõi các cuộc gọi của hàng triệu công dân Đức và Pháp.

Vào thứ Sáu, 25/10, Tây Ban Nha cũng đã cho triệu hồi đại sứ Hoa Kỳ để yêu cầu giải thích và thể hiện sự bất bình trước tin nói công dân nước này cũng bị theo dõi.
"Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đối thoại với các đồng minh ... Chuyến công du của phái đoàn Đức sang Mỹ trong những tuần tới là bằng chứng cho điều đó"
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Jen Psaki, thừa nhận những tiết lộ này, vốn hầu hết bắt nguồn từ người rò rỉ thông tin Edward Snowden, đã "gây căng thẳng với một số đồng minh" của Mỹ.

"Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đối thoại với những đồng minh nói trên. Chuyến công du của phái đoàn Đức trong những tuần tới sang Mỹ là bằng chứng cho điều đó," bà nói thêm.

Bà Psaki cũng tiết lộ cuộc điều tra về công tác thu thập thông tin tình báo của Hoa Kỳ, được Tổng thống Obama khởi xướng, sẽ xem xét ảnh hưởng của những hoạt động này tới chính sách đối ngoại.

"Đội ngũ những chuyên gia cao cấp từ bên ngoài ... sẽ xem xét cách thức để chúng ta có thể duy trì niềm tin từ công chúng cũng như xem xét ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của những hoạt động theo dõi, nhất là trong thời đại mà công chúng có thể tiếp cận ngày càng nhiều thông tin hơn," bà nói.

Vào thứ Sáu, 25/10, trang web của NSA không thể truy cập được trong nhiều tiếng đồng hồ. Nhiều nhóm hacker sau đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm tấn công trang web.

Tuy nhiên người phát ngôn của NSA, bà Vanee Vines, sau đó cho biết nguyên nhân vụ việc là do trục trặc trong lúc tiến hành cập nhật trang web theo dịnh kỳ.

"Tin nói trang web không truy cập được do bị tấn công gây nghẽn là không đúng sự thật," bà nói.

'Hạt giống của sự bất tín'


Bộ Ngoại giao Mỹ cho biêt sẽ tiếp tục đối thoại với các đồng minh để giải quyết bất đồng về chương trình do thám

Người phát ngôn chính phủ Đức, ông Georg Streiter, không nêu cụ thể thời điểm chuyến đi của phái đoàn tình báo Đức sang Washington, nhưng cho biết chuyến đi được sắp xếp trong một thời gian khá ngắn.

"Tôi chưa thể nói điều gì sẽ được đưa ra, do ai và theo hình thức thế nào", ông nói với các phóng viên.

"Nhưng quý vị sẽ sớm được biết những thông tin trên, vì chúng tôi đang nỗ lực hết sức để tiến hành điều này một cách nhanh chóng".

Bà Merkel đã thể hiện rõ sự bất bình trước các cáo buộc về chương trình do thám của Mỹ mà truyên thông Đức đưa ra trước đó khi đến Brussels vào thứ Năm, 24/10 để dự hội nghị thượng đỉnh châu Âu.

Phát biểu trước các phóng viên, bà nói "một khi hạt giống của sự bất tín đã được gieo, nó sẽ không có ích cho sự hợp tác ... và khiến điều này trở nên khó khăn hơn."

Bà cũng nói sẽ "nỗ lực hết sức để tiến tới một sự hiểu biết chung trước cuối năm nay về sự hợp tác giữa các cơ quan tình báo Đức-Mỹ và Pháp-Mỹ, để tạo khuôn khổ cho sự hợp tác."

Trong một cuộc họp báo vào thứ Sáu, 25/10, bà Merkel nói cả Berlin và Paris sẽ lần lượt thúc giục Washington tiến tới một thỏa thuận "rõ ràng, trên tinh thần của một khối đồng minh."

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói mục đích của giải pháp này là để "làm sáng tỏ quá khứ và thiết lập một khuôn khổ cho tương lai để chấm dứt những hoạt động theo dõi không được kiểm soát."

Tuyên bố chung


NSA bị cáo buộc nghe lén điện thoại của 35 lãnh đạo khác trên thế giới

Giới quan sát nói có thể các nước đang muốn tiến tới một thỏa thuận tương tự thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo dưới tên gọi 'Five Eyes' mà Hoa Kỳ đã ký với Anh quốc, Úc, New Zealand và Canada sau Thế chiến thứ Hai.

Thủ tướng Anh David Cameron tái xác nhận "quan hệ đối tác đặc biệt" giữa Anh quốc với Hoa Kỳ về vấn đề an ninh, nhưng cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp và Đức: "Tôi hiểu điều các nước khác muốn làm, và tôi nghĩ là Tổng thống Obama cũng vậy," ông nói.

Tuyên bố chung từ các lãnh đạo châu Âu vào thứ Sáu, 25/10, nói những rắc rối liên quan đến công tác tình báo đã "gây quan ngại sâu sắc" trong người dân châu Âu.

Các lãnh đạo châu Âu "coi trọng quan hệ đối tác gần gũi giữa châu Âu và Hoa Kỳ và đánh giá cao mối quan hệ đó," đồng thời "nhấn mạnh công tác thu thập thông tin tình báo là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố."

Tuy nhiên, tuyên bố này cũng nói: "Sự thiếu vắng niềm tin có thể làm tổn hại đến những hoạt động hợp tác cần thiết trong lĩnh vực thông tin tình báo."

Hiện có tin NSA cũng theo dõi điện thoại của 35 lãnh đạo khác trên thế giới.
Tuy nhiên Nhà Trắng nói Hoa Kỳ không hề nghe lén điện thoại của Thủ tướng David Cameron.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Caitlin Hayden, vào thứ Sáu, 25/10, cho biết những cuộc hội đàm của thủ tướng Anh quốc "chưa bao giờ và sẽ không bao giờ bị Hoa Kỳ theo dõi."
(BBC)
 

Thủ tướng đang xem xét việc ông Dũng "lò vôi" tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương

"Thủ tướng Chính phủ đang xem xét đơn và sẽ giải quyết theo đúng quy định của Luật Tố cáo" - Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết hôm 26.10.
Về vụ việc ông Huỳnh Uy Dũng gửi đơn tố cáo ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lên Thủ tướng Chính phủ, chiều nay (26.10), người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Quan điểm của Chính phủ trước hết là rất hoan nghênh tất cả những công dân và doanh nghiệp phản ánh những điều không phù hợp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước hay có những góp ý, tố cáo mang tính xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đang xem xét đơn và sẽ giải quyết theo đúng quy định của Luật Tố cáo. Chính phủ cũng sẽ xử lý nghiêm các cá nhân có liên quan nếu phát hiện có sai phạm để đảm bảo môi trường đầu tư thật sự lành mạnh.
Ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là Dũng "lò vôi" - trái) và ông Lê Thanh Cung - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Liên quan tới vấn đề dư luận đang bức xúc hiện nay khi báo chí phát hiện nhiều nhà ngoại cảm lừa đảo trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ đang yêu cầu các bộ ngành liên quan kiểm tra, cụ thể là Bộ Công an và Bộ LĐTBXH kiểm tra và báo cáo. “Nếu phát hiện có vi phạm phải xử lý rất nghiêm vì đây không chỉ đơn thuần là vụ việc lừa đảo kinh tế mà nó liên quan tới vấn đề tâm tư, tình cảm của người còn sống với những người đã hi sinh xương máu vì tổ quốc”, Bộ trưởng Đam khẳng định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét