Tại sao dân chủ vẫn thắng:
Hình minh họa |
(Phê bình bài diễn thuyết “Chuyện hai chế độ chính trị” của Eric X. Li)
Tháng 10 22, 2013
Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh)
Bài liên quan: Eric X. Li: Chuyện hai chế độ chính trị
Đọc cả hai bài bằng bản PDF
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Đầu năm nay, nhà kinh tế học Yasheng Huang [Hoàng Á Sinh] (xem bài diễn thuyết TED Talk năm 2011 của ông) tranh luận với Eric X. Li [Lý Thế Mặc] trên tạp chí Foreign Affairs về một vấn đề tương tự bài diễn thuyếtTED Talk. TED Blog yêu cầu giáo sư Hoàng mở rộng lập luận của ông trong cuộc đối thoại tiếp tục diễn ra với Li.
Thử hình dung lẫn lộn hai phát ngôn sau đây của một bác sĩ chuyên về ung thư: 1) “Anh có thể chết vì ung thư” và 2) “Tôi muốn anh chết vì ung thư.” Khó mà nhận ra sự khác biệt căn bản giữa hai phát ngôn này. Phát ngôn thứ nhất là một lời tiên đoán – phát ngôn này nói rằng một việc có thể xảy ra với một số điều kiện nhất định (trong trường hợp này là chết nếu bị ung thư). Phát ngôn thứ hai là một sở nguyện, một ao ước, hay một ý muốn về một thế giới theo sở thích cụ thể của một người.
Ai lại có thể phạm một sai lầm căn bản khi nhầm lẫn hai loại phát ngôn này? Nhiều người lắm, trong đó có Eric X. Li, trong bài diễn thuyết TED Talk hôm nay. Đại luận thuyết của Marx đã ăn sâu vào đầu Li – và đầu tôi thời niên thiếu và thời thanh niên trong thập niên 1960 và 1970 – là một phát ngônchuẩn tắc. Khi Marx nảy ra những tư tưởng về sự tiến hóa của các xã hội loài người, trên thế giới chưa có một quốc gia nào giống chút đỉnh như chế độ cộng sản mà ông cổ xúy. Chế độ cộng sản theo hình dung của Marx không có quyền tư hữu hay bất cứ kiểu quyền sở hữu nào. Tiền cũng không có mặt trong chế độ đó. Phiên bản chủ nghĩa cộng sản của Marx chưa bao giờ, và rất có thể sẽ chẳng bao giờ, trở thành hiện thực. Marx “tiên đoán” dựa trên suy diễn; và những người kế thừa ông tiên đoán bằng cách áp đặt ước muốn của họ, được thực hiện bằng quyền lực và bạo lực.
Ngược lại, cái luận thuyết dường như được mớm cho Li khi ông là một “anh chàng hippie Berkeley” thì dựa trên kinh nghiệm thực tế của các vấn đề con người. Chúng ta đã có hàng trăm năm kinh nghiệm với dân chủ và hàng trăm quốc gia / năm có các quá trình chuyển tiếp sang dân chủ và cai trị bằng dân chủ. Phát ngôn cho rằng các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu lên là một phát ngônthực chứng – đó là một tiên đoán dựa trên dữ liệu. Trong thập niên 1960, khoảng 25 phần trăm các nước trên thế giới có chế độ dân chủ; tỉ lệ hiện nay là 63 phần trăm. Có rất nhiều trường hợp các chế độ độc tài chuyển sang chế độ dân chủ hơn là ngược lại. Những nước còn lại trên thế giới đã thể hiện rõ ràng ý muốn có chế độ dân chủ. Như Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) đã cho biết, trong 25 nước có GDP bình quân đầu người cao hơn Trung Quốc mà chưa tự do hay tự do một phần, 21 nước sống nhờ tài nguyên thiên nhiên. Nhưng đó là những ngoại lệ giúp chứng minh quy tắc – các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu hơn. Ngày nay không có quốc gia nào được xếp vào nhóm giàu nhất có chế độ toàn trị độc đảng. (Singapore là một trường hợp chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.) Dù Li có thích hay không, các quốc gia đó dường như đều có đích đến như nhau.
Các nền dân chủ có tham nhũng hay không? Li nghĩ vậy. Ông trích dẫn Chỉ số của Minh bạch Quốc tế (TI) để chứng minh quan điểm của mình. Số liệu TI cho thấy Trung Quốc có thứ hạng cao nhiều chế độ dân chủ. Cũng có lý.
Tôi luôn nghĩ rằng có hơi mỉa mai khi dùng số liệu về tính minh bạch để biện hộ cho một chế độ chính trị xây trên nền tảng mờ ám. Ngoài chuyện mỉa mai, nên nhớ rằng bản thân chỉ số TI là sản phẩm của chế độ chính trị mà Li quá coi thường – chế độ dân chủ (nói cho đúng là dân chủ kiểu Đức). Điều này nhấn mạnh một điểm căn bản – chúng ta biết rất nhiều về tham nhũng ở các chế độ dân chủ hơn chúng ta biết về tham nhũng ở các nước toàn trị vì các chế độ dân chủ, theo định nghĩa, có tính minh bạch cao hơn và họ có nhiều dữ liệu hơn về tính minh bạch. Tuy tôi tin những so sánh về tham nhũng giữa các nước dân chủ, việc so sánh một cách máy móc tham nhũng ở Trung Quốc với tham nhũng ở các chế độ dân chủ, như Li đã làm rất nhiều lần, là phạm sai lầm căn bản. Phương pháp của ông nhầm lẫn hai hiệu ứng – mức độ minh bạch của một quốc gia và mức độ tham nhũng của một quốc gia. Tôi không muốn nói là các chế độ dân chủ nhất thiết phải trong sạch hơn Trung Quốc; tôi chỉ muốn nói rằng cách Li dùng dữ liệu của TI không phải căn cứ để rút ra kết luận theo một trong hai hướng. Cách đúng đắn để rút ra kết luận về vấn đề này là nhận định rằng với cùng một mức độ minh bạch (và cùng mức độ về nhiều thứ khác, trong đó có thu nhập), Trung Quốc có – hay không có – tham nhũng nhiều hơn các chế độ dân chủ.
Chỉ cần một ví dụ đơn giản là đủ minh họa ý này. Năm 2010, hai doanh nhân Ấn Độ lập một trang mạng gọi là I Paid a Bribe (Tôi hối lộ). Trang mạng này kêu gọi người ta đăng nặc danh những trường hợp công dân Ấn Độ phải bỏ tiền ra để hối lộ. Đến tháng 8/2012, trang mạng này đã ghi nhận hơn 20.000 vụ tham nhũng. Một số doanh nhân Trung Quốc cố gắng bắt chước: Họ lập trang I Made a Bribe (Tôi hối lộ) và 522phone.com. Nhưng hai trang mạng này nhanh chóng bị chính quyền Trung Quốc đóng. Kết luận đúng ở đây không phải, theo như kiểu lập luận của Li, là Trung Quốc trong sạch hơn Ấn Độ vì Trung Quốc không có bài đăng trên mạng nào về các vụ tham nhũng trong khi Ấn Độ có khoảng 20.000 vụ được đăng lên.
Dù tôi rất tôn trọng công lao của Minh bạch Quốc tế, dữ liệu của tổ chức này rất kém trong việc xử lý điểm khác biệt căn bản về mức cảm nhận tham nhũng (perception of corruption) và mức độ tham nhũng thực sự xảy ra (incidence of corruption). Các chế độ dân chủ có tính minh bạch cao hơn – về những cái tốt và cái xấu của chúng – hơn các chế độ toàn trị. Chúng ta biết nhiều hơn về nạn tham nhũng ở Ấn Độ một phần vì chế độ Ấn Độ minh bạch hơn, và có một giới bình luận nhiều chuyện không ngại phê phán và chỉ trích chính phủ (và trong một vài trường hợp, gắn máy quay phim trong phòng khách sạn để ghi cảnh đưa tiền đút lót cho các chính khách). Ngoài ra, tham nhũng ở cấp thấp dễ quan sát hơn tham nhũng ở cấp cao nhất trong hệ thống tôn ti chính trị. Chỉ số TI phát hiện trò tham nhũng của một cảnh sát viên tên Barun ở Chennai dễ hơn là phát hiện tội tham nhũng của một ủy viên Bộ Chính trị tên Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Những yếu tố này, chứ không phải bản thân nạn tham nhũng, có thể giải thích phần lớn những khác biệt về thứ hạng TI giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Vẫn dùng số liệu của TI, Li thích chỉ ra rằng những nước như Indonesia, Argentina và Philippines vừa là chế độ dân chủ vừa khét tiếng về tham nhũng. Ông thường bỏ sót các dữ kiện quan trọng khi đề cập đến vấn đề này. Phải, các quốc gia này là những nền dân chủ, vào năm 2013, nhưng những nước này đã được cai trị bởi các nhà độc tài quân sự nhẫn tâm trong mấy chục năm trước khi chuyển sang dân chủ. Chính chế độ chuyên quyền của các quốc gia này đã sinh ra và dung dưỡng nạn tham nhũng. (Còn nhớ 3.000 đôi giày của bà Marcos?) Tham nhũng giống như ung thư, đã thành di căn và ăn sâu. Tuy ta có lý do hoàn toàn chính đáng để phê phán các nền dân chủ mới vì không kịp thời diệt tận gốc nạn tham nhũng, nhưng nhầm lẫn các khó khăn của việc chữa trị nạn tham nhũng ăn sâu với nguyên nhân sâu xa của nó thì cũng hệt như nói rằng một bệnh nhân ung thư bị mắc bệnh ung thư sau khi nhập viện để làm hóa trị.
Nhóm những kẻ tham nhũng trắng trợn nhất thế giới chỉ toàn những kẻ chuyên quyền. Theo một báo cáo của TI, tính đến năm 2004, ba lãnh tụ cầm quyền bòn rút quốc dân nhiều nhất là Suharto, Marcos và Mobutu. Ba nhà độc tài này đã cướp bóc tổng cộng 50 tỉ Mỹ kim từ người dân bần cùng ở nước họ. Đương nhiên các chế độ dân chủ không miễn dịch với nạn tham nhũng, nhưng tôi nghĩ họ phải cố gắng cật lực hơn nữa mới mong theo kịp những nhà độc tài này.
Li hết sức tin tưởng ở chế độ Trung Quốc. Trước hết ông lập luận rằng chế độ này được đa số dân chúng Trung Quốc ủng hộ. Ông trích dẫn một cuộc khảo sát của báo Financial Times nói rằng 93 phần trăm thanh niên Trung Quốc lạc quan về tương lai của họ. Tôi đã xem những mức đánh giá tín nhiệm cao này do Li và nhiều người khác dùng làm bằng chứng cho thấy chế độ Trung Quốc lành mạnh và vững vàng, nhưng tôi không hiểu tại sao Li lại dừng ở mức 93%. Sao không đi tới cùng, 100% luôn? Ở một nước không có tự do ngôn luận, yêu cầu người dân trực tiếp đánh giá thành tích của các vị lãnh đạo thì cũng giống như yêu cầu người dân làm bài thi chỉ có một lựa chọn trả lời duy nhất. Số liệu trưng cầu dân ý dành cho Erich Honecker và Kim Jong-un hẳn phải khiến các vị lãnh đạo Trung Quốc xấu hổ.
(Tôi cũng xin chú thích một chút để khuyến cáo về cách nên và không nên sử dụng số liệu khảo sát ở Trung Quốc. Tôi đã làm nhiều nghiên cứu khảo sát ở Trung Quốc, và tôi luôn thấy ngượng vì khó lý giải được các kết quả khảo sát. Ngoài các áp lực chính trị thường hướng các câu trả lời theo một chiều nhất định, một trở ngại khác là người trả lời khảo sát ở Trung Quốc đôi khi xem làm khảo sát giống như làm bài thi. Bài thi ở Trung Quốc có câu trả lời chuẩn, và đôi khi người trả lời khảo sát ở Trung Quốc điền vào mẫu khảo sát bằng cách cố gắng đoán xem câu trả lời “chuẩn” là gì, chứ không phải bày tỏ ý kiến của chính họ. Tôi thường khuyến cáo không nên sử dụng một cách ngây thơ số liệu khảo sát ở Trung Quốc.)
Li cũng ca ngợi khả năng thích ứng của chế độ chính trị Trung Quốc. Tôi xin trích:
“Giờ đây, phần lớn giới chính trị học cho rằng hệ thống độc đảng vốn dĩ không có năng tự sửa sai. Hệ thống đó không trường tồn vì không thể thích ứng. Quý vị thử xem thực tế thế nào nhé. Trong 64 năm điều hành quốc gia lớn nhất thế giới, các chính sách của Đảng đã có phạm vi rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại, từ tập thể hóa đất đai triệt để đến chủ trương Đại Nhảy vọt, rồi tư hữu hóa đất nông trại, rồi Cách mạng Văn hóa, rồi cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình, rồi đến người kế nhiệm Giang Trạch Dân thực hiện một bước tiến chính trị lớn là mở cửa cho phép doanh nhân tư nhân vào Đảng, điều không tưởng trong thời kỳ Mao cầm quyền. Như vậy, Đảng tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”
Giờ thử hình dung ta kể câu chuyện sau đây để tung hô “khả năng thích ứng” của Nga chẳng hạn: Nước Nga hay dân tộc Nga đều có khả năng thích ứng rất cao. “Các chính sách” của Nga đã có phạm vi “rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại”, từ trại tù gulag đến phong trào khủng bố đỏ của Stalin, rồi tập thể hóa, rồi kế hoạch hóa tập trung, rồi glasnost và perestroika, rồi tư hữu hóa, rồi chủ nghĩa tư bản bè phái, rồi chế độ dân chủ phi tự do dưới thời Putin, điều không tưởng trong thời kỳ Lenin cầm quyền. Như vậy, nước Nga “tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”
Tôi xin nói rõ và dứt khoát – cách Li lý giải về khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giống y hệt cách tôi nói về Nga. Điểm khác biệt duy nhất là Li nói đến một tổ chức chính trị – ĐCSTQ – còn tôi nói về một nước có chủ quyền.
Thính giả TED vỗ tay tán thưởng bài diễn thuyết của Li – nhiều lần là đằng khác. Nếu Li đã so sánh ví von về Nga, chẳng biết thính giả có còn tán thưởng nồng nhiệt nữa hay không. Lý do rất đơn giản: Thính giả TED hiểu tường tận tình hình xáo trộn, bạo lực và con số người chết cao ngất trời trong thời cai trị của Liên Xô. Trong cuốn sách của ông có nhan đề The Better Angels of our Nature (tạm dịch: Những thiên thần tốt đẹp hơn của bản chất con người chúng ta),[i] Steven Pinker trích dẫn kết quả nghiên cứu của các học giả khác cho thấy chế độ Liên Xô đã giết 62 triệu người dân của chính mình. Thiết nghĩ cái từ “sửa sai” có phần nói nhẹ đi mức độ biến đổi to lớn từ chế độ sát nhân, diệt chủng của Stalin sang nước Nga ngày nay tuy còn nhiều vấn đề và khó khăn nhưng dù sao vẫn có dân chủ.
Tôi không biết một anh chàng hippie Berkeley học gì ở trường, nhưng ở Cambridge, Massachusetts, nơi tôi đã học và nay theo nghiệp làm giáo sư, tôi đã học – và hiện nay dạy – hàng ngày rằng ngôn từ thực sự có ý nghĩa. Đối với tôi, tự sửa sai có ít nhất hai hàm ý. Thứ nhất, tự sửa sai là việc sửa sai do chính bản thân thực hiện. Đúng là các chính sách của Mao bị những người kế tục “sửa sai” hay thậm chí đảo ngược, như Li đã đề cập, nhưng nói đây là “sự tự sửa sai” nghĩa là sao? Những chính sách vô cùng tai hại của Mao vẫn còn trong những ngày xế bóng của ông ngay cả khi Mao Chủ tịch nằm liệt giường trong trạng thái thực vật, và người kế vị ông – lên nắm quyền thông qua một thay đổi gần như là đảo chính – chỉ dám sửa đổi các chính sách của Mao sau khi đã biết chắc Mao không sống nổi nữa. Nếu đây là một ví dụ của việc tự sửa sai, vậy đúng ra cái gì không phải là một hành động tự sửa sai? Gần như mỗi ví dụ thay đổi chính sách mà Li nêu ra trong bài diễn thuyết của mình đều được thực hiện bởi người kế vị người đã khởi xướng cái chính sách bị sửa đổi. (Trong nhiều trường hợp, thậm chí không phải do người kế vị liền sau đó.) Đây là một định nghĩa kỳ cục về việc tự sửa sai. Cái này có gồm kiểu tự sửa sai khi những bài toán làm sai mà tôi chưa sửa thuở nhỏ nay đang được con tôi sửa?
Nghĩa thứ hai của tự sửa sai liên quan đến hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa, chứ không chỉ là danh tính của người thực hiện chỉnh sửa. Một đứa trẻ 10 tuổi có thể tự nguyện sửa lỗi chính tả hay phép toán làm sai của mình, hoặc có thể đành phải sửa sau khi bị cô giáo quất mạnh mấy phát vào tay. Trong cả hai tình huống, danh tính của người chỉnh sửa là một – đứa học trò 10 tuổi – nhưng hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa lại khác hẳn nhau. Ta thường sẽ xếp tình huống thứ nhất vào loại “tự sửa sai”, còn tình huống thứ hai vào loại ép buộc, cưỡng bách, hay như trong trường hợp này, bạo lực. Nói cách khác, tự sửa sai hàm ý sự tự nguyện của người thực hiện chỉnh sửa, chứ không phải bị ép buộc hay cưỡng bách, không phải vì không còn cách nào hơn là phải chỉnh sửa. Yếu tố chọn lựa là một thành phần thiết yếu của định nghĩa về tự sửa sai.
Tôi xin cung cấp thêm vài chi tiết bị bỏ sót cho những ai vỗ tay tán thưởng khi Li gọi giai đoạn 64 năm của chế độ độc đảng ở Trung Quốc là giai đoạn của những trường hợp tự sửa sai nối tiếp nhau. Từ năm 1949 đến 2012, ĐCSTQ đã có sáu lãnh tụ tối cao. Trong sáu người này, hai vị bị phế truất một cách đột ngột và không kèn không trống (và một trong hai vị này bị hạ bệ mà không được xét xử đúng quy trình, thậm chí theo các thủ tục của chính ĐCSTQ). Một vị thứ ba mất hết quyền lực và bị quản thúc tại gia trong 15 năm cho đến khi chết. Vậy là 3 trong 6 vị không nắm quyền cho trọn nhiệm kỳ dự trù của họ. Hai trong số những người được Mao chọn kế vị chết trong khi tại chức, một người thiệt mạng trong một vụ nổ máy bay khi ông tìm cách trốn sang Liên Xô, còn người kia bị tra tấn đến chết và bị chôn với tên giả. À, tôi đã nhắc đến con số ước tính 30 triệu người đã chết do chủ trương Đại Nhảy vọt tai hại của Mao, và có lẽ là hàng triệu người đã chết do bạo lực của Cách mạng Văn hóa chưa nhỉ? Vả lại, bạn có biết Mao không những vẫn tiếp tục mà còn đẩy nhanh các chính sách Đại Nhảy vọt sau khi những bằng chứng về mức độ [tác hại] của nạn đói [thời kỳ 1958-1962][ii] đã rõ như ban ngày?
Li gọi những thay đổi chính sách này sau những biến động đau đớn này là “những hành động tự sửa sai”. Cách lý giải của ông là một thực thể gọi là ĐCSTQ, chứ không phải ai khác, thực hiện những thay đổi chính sách này. Trước hết, sở dĩ như vậy có phải là do chẳng có ai khác được phép có cơ hội thực hiện những thay đổi chính sách này? Thứ hai, lối suy nghĩ cứ chú trọng đến ai thực hiện thay đổi chính sách chứ không phải hoàn cảnh diễn ra thay đổi chính sách quả là không ổn. Ta thử mở rộng logic của Li thêm một chút nữa. Liệu chúng ta có phải định nghĩa lại Phong trào Độc lập Mỹ là một hành động tự sửa sai của người Anh? Hay có lẽ gọi việc nhượng quyền cai trị của đế quốc Anh cho Ấn Độ là một hành động tự sửa sai khác của người Anh? Liệu chúng ta có phải mô tả lại sự đầu hàng của người Nhật để kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai là hành động tự sửa sai của người Nhật? Đúng là có hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki và bao chuyện nữa, nhưng chẳng phải các đại diện của Nhật hoàng Hirohito đã ký Văn kiện Nhật Đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri hay sao?
Đã là búa thì nhìn gì cũng nghĩ là đinh. Li nhìn thấy các căn bệnh của các chế độ dân chủ ở khắp nơi – khủng hoảng tài chính ở Châu Âu và Mỹ, nền chính trị tiền bạc và nạn tham nhũng. Tôi đồng ý ngay là nền chính trị tiền bạc ở Mỹ là một vấn đề rất lớn và quả thật nó đang khiến cho chế độ như một cỗ máy hỏng nặng, không còn vận hành trơn tru. Nhưng ta nên hiểu thật rõ bằng cách nào và lý do tại sao nền chính trị tiền bạc là một cỗ máy hỏng hóc. Nó hỏng hóc chính là vì về cơ bản nó đối nghịch với dân chủ. Nền chính trị tiền bạc là hình thái lệch lạc của dân chủ. Nó phá hoại và làm mất giá trị một trụ cột chuẩn mực của dân chủ – một người một phiếu. Để nhất quán về logic, lẽ ra Li nên tung hô nền chính trị tiền bạc vì nó đưa Mỹ đi sang hướng của nền chính trị kiểu chuyên quyền mà ông quá say mê.
Điều này có thể là một tiết lộ gây sốc cho Li, nhưng các nền dân chủ Mỹ và Châu Âu không sáng chế ra khủng hoảng tài chính. Nhiều chế độ chuyên quyền đã trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế trầm trọng. Ví dụ như Indonesia năm 1997 và nhiều chế độ quân phiệt ở Châu Mỹ La tinh trong thập niên 1970 và 1980. Những chế độ chuyên quyền duy nhất không bị khủng hoảng tài chính rõ rệt là các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, như Romania và Đông Đức. Nhưng sở dĩ như vậy hoàn toàn là do họ không đáp ứng điều kiện tối thiểu để có khủng hoảng tài chính – là phải có một hệ thống tài chính. Những hậu quả của khiếm khuyết này thì ai cũng biết rồi – thay vì những trồi sụt lớn tuần hoàn theo chu kỳ, những nước này bị đình trệ kinh tế lâu dài. Một nhà đầu tư vốn mạo hiểm chẳng phát đạt nổi trong chế độ đó.
Li nói ông đã nghiên cứu khả năng đạt thành tích của các chế độ dân chủ. Ít nhất là trong bài diễn thuyết này, bằng chứng cho thấy ông đã nghiên cứu chưa được thuyết phục cho lắm. Không có bằng chứng nào cho thấy các quốc gia phải trả giá kinh tế vì có tính dân chủ. (Cũng nên lưu ý rằng cũng không có bằng chứng toàn cầu đáng thuyết phục cho thấy các chế độ dân chủ nhất thiết phải đạt thành tích tăng trưởng kinh tế tốt hơn các chế độ chuyên quyền. Có nơi có, có nơi không. Kết luận tùy từng trường hợp.) Nhưng về các lĩnh vực dịch vụ công, bằng chứng cho thấy các chế độ dân chủ nhỉnh hơn. Hai học giả David Lake và Matthew Baum chứng minh rằng các chế độ dân chủ ưu việt các quốc gia chuyên quyền về cung cấp dịch vụ công, chẳng hạn như y tế và giáo dục. Không chỉ các nền dân chủ lâu đời có thành tựu tốt hơn; mà cả các nước chuyển sang dân chủ cũng có cải thiện tức khắc về cung cấp các dịch vụ công này, và các nước quay trở lại với chế độ chuyên quyền thường bị sa sút.
Li đổ lỗi tình trạng tăng trưởng thấp ở Châu Âu và ở Mỹ cho dân chủ. Tôi hiểu tại sao ông có quan điểm này, vì đây là sai lầm phổ biến của những người quan sát hời hợt – Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 8 hay 9 phần trăm, còn Mỹ tăng trưởng với tỉ lệ 1 hoặc 2 phần trăm. Ông đang nhầm lẫn một hiệu ứng toán học của việc tăng trưởng thấp do cơ số lớn với một hiệu ứng chính trị của việc dân chủ kìm hãm tăng trưởng. Vì các quốc gia dân chủ thường giàu hơn và có GDP bình quân đầu người cao hơn nhiều, nên họ khó mà có tỉ lệ tăng trưởng bằng với các nước nghèo – và chuyên quyền – có GDP bình quân đầu người thấp hơn nhiều. Tôi xin đưa ra một so sánh ví von. Một cậu bé 15 tuổi có nhiều khả năng tự đi xem phim hay đi chơi với bạn bè hơn một cậu bé 10 tuổi vì cậu ta lớn tuổi hơn và trưởng thành hơn. Cũng có thể là cậu ta không lớn nhanh bằng cậu bé 10 tuổi vì cậu ta đã gần hơn với đỉnh của chiều cao con người. Quả là ngớ ngẩn nếu nhận xét, theo logic của Li, rằng cậu bé 15 tuổi lớn chậm hơn vì cậu tự đi xem phim.
Li nói rất rõ rằng ông ghét dân chủ, hơn là về các lý do khiến ông ghét dân chủ. Li bác bỏ dân chủ với lý do văn hóa. Trong bài diễn thuyết, ông khẳng định dân chủ là một khái niệm xa lạ đối với văn hóa Trung Hoa. Quan điểm này suýt nữa nghe buồn cười nếu không có những hàm ý gián tiếp. Như tôi vẫn hiểu xưa nay, vốn mạo hiểm là một khái niệm nhập ngoại nhưng dường như điều đó không cản trở Li theo nghiệp này và giàu lên nhờ nó. (Mà hình như “Eric” cũng là gốc gác nước ngoài phải không nhỉ? Tôi có thể sai về điểm này.) Ngược lại, Li có nhất nhất tôn trọng từng nguyên tắc của văn hóa và truyền thống Trung Hoa? Liệu Li có phản đối việc bãi bỏ tập quán bó chân của phụ nữ Trung Quốc?
Có một thực tế đơn giản là người Trung Quốc đã chấp nhận nhiều khái niệm và tập quán nước ngoài. (Xin nhắc một chút: đối với người Trung Quốc, chủ nghĩa Marx cũng Tây phương không kém Adam Smith.) Sẽ hoàn toàn chính đáng nếu ta tranh luận về những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào Trung Quốc nên chấp nhận, áp dụng hay phỏng theo, nhưng cuộc tranh luận này là về những tư tưởng mà Trung Quốc nên áp dụng, chứ không phải về việc liệu Trung Quốc có nên áp dụng bất cứ tư tưởng và tập quán nước ngoài nào hay không.
Nếu vấn đề là về những tư tưởng nào hay những tập quán nào nên áp dụng hay bác bỏ, thì khác với Li, tôi không cảm thấy đủ tự tin để biết chính xác những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào mà 1,3 tỉ dân Trung Quốc muốn theo hay muốn bác bỏ. Về mặt logic, một lập luận mang tính văn hóa để phản bác dân chủ không khiến người Trung Quốc không có được dân chủ, mà dẫn đến một phương hướng hành động để người dân Trung Quốc tự quyết định về các ưu điểm hay nhược điểm của dân chủ. Hơn nữa, nếu chính người Trung Quốc tự nguyện bác bỏ dân chủ, thì việc gì phải tốn kém quá nhiều nguồn lực để chống và cấm đoán dân chủ? Không có cách nào tốt hơn để tiêu xài số tiền này hay sao?
Cho đến nay cuộc tranh luận này chưa diễn ra ở Trung Quốc, vì muốn có cuộc tranh luận này thì trước tiên phải có chút ít dân chủ cái đã. Nhưng nó đã diễn ra ở những môi trường Trung Hoa khác, và kết quả của những cuộc tranh luận đó là giữa văn hóa Trung Hoa và dân chủ về căn bản không xung khắc nhau. Hong Kong, dù không có chế độ dân chủ bầu cử, có tự do báo chí và chế độ pháp trị, và chẳng có bằng chứng nào cho thấy nơi này rơi vào cảnh hỗn loạn hay vô chính phủ. Đài Loan ngày nay có một nền dân chủ đầy sức sống, và nhiều người Đại lục sang thăm Đài Loan thường ngạc nhiên khi thấy xã hội Đài Loan không chỉ có dân chủ mà còn tôn trọng truyền thống Trung Hoa hơn nhiều so với Đại lục. (Xưa nay tôi luôn cảm thấy những người tin rằng dân chủ và văn hóa Trung Hoa xung khắc với nhau là những người thầm ủng hộ độc lập cho Đài Loan. Họ không xem người Đài Loan là Trung Hoa.)
Quả thật bản thân Li đã chấp nhận một số cải cách chính trị thường được xem là “Tây phương”. Các tổ chức phi chính phủ thì được, và thậm chí đôi chút tự do báo chí cũng được. Ông cũng ủng hộ đôi chút dân chủ trong nội bộ Đảng. Đó đều là những bước đúng đắn để đạt đến chế độ Trung Quốc có tính dân chủ hơn chế độ của Mao, và tôi ủng hộ cả hai tay. Chúng tôi khác biệt ở chỗ tôi cho rằng quyền tự do bỏ phiếu và cạnh tranh đa đảng là những bước mở rộng tự nhiên và hợp lý của những cải cách ban đầu này, trong khi Li vạch một ranh giới rõ rệt giữa các cải cách chính trị đã diễn ra và những cải cách chính trị tiềm năng mà một số người trong chúng ta đã cổ xúy. Dù gắng hết sức, tôi vẫn không thấy có gì khác biệt trên nguyên tắc giữa những cải cách một phần này và những cải cách hoàn chỉnh hơn có bao gồm dân chủ.
Li có một cách kỳ lạ để phản đối dân chủ: Ông phản đối nhiều cơ chế vận hành của dân chủ. Đặc biệt, ông có ác cảm với việc bỏ phiếu. Nhưng vấn đề là bỏ phiếu chỉ là cách để thực thi dân chủ, và ngay cả Li cũng ủng hộ có đôi chút dân chủ. Ví dụ, ông ủng hộ dân chủ trong nội bộ Đảng. Được, tôi cũng vậy; nhưng làm sao ta thực thi dân chủ trong nội bộ Đảng nếu không có bỏ phiếu? Như vậy hơi giống như ca ngợi môn thể thao quần vợt nhưng lại lên án việc dùng vợt để chơi môn này.
Li chưa đưa ra được một lập luận mạch lạc và hợp lý cho các quan điểm của mình về dân chủ. Tôi ngờ rằng, dù tôi không có bằng chứng trực tiếp, có một phương án đơn giản – ủng hộ các cải cách mà ĐCSTQ ủng hộ và phản đối các cải cách mà ĐCSTQ phản đối. Làm bộ làm tịch như vậy thì cũng ổn, nhưng đó không phải là một lập luận có nguyên tắc về bất cứ điều gì.
Nói vậy, nhưng tôi vẫn tin rằng có một cuộc tranh luận quyết liệt về dân chủ là điều hoàn toàn lành mạnh và thực sự cần thiết – nhưng cuộc tranh luận đó phải dựa trên số liệu, dữ kiện, logic là lý luận. Theo tiêu chí này, bài diễn thuyết của Li chưa khởi xướng cuộc tranh luận đó.
Tuy nhiên, về mặt này, chế độ dân chủ và chế độ chuyên quyền không đối xứng nhau. Trong một chế độ dân chủ, ta có thể tranh luận và phê phán cả dân chủ lẫn chuyên quyền, như Li đã làm khi ông chê George W. Bush (tôi rất khoái chỗ này) và như tôi làm ở đây. Nhưng những người trong một chế độ chuyên quyền chỉ có thể phê phán dân chủ mà thôi. (Có tin kể rằng khi được thông báo có những người biểu tình la hét “Đả đảo Reagan” trước Nhà Trắng mà chính quyền Mỹ chẳng làm được gì với họ, Brezhnev nói với Reagan, “Có những người la hét ‘Đả đảo Reagan’ trên Quảng trường Đỏ và tôi sẽ chẳng làm gì với họ cả.”) Tôi chẳng có ác cảm gì với những người phê phán giới cầm quyền và tỏ ra nghi ngờ về dân chủ. Thực ra, khả năng làm được điều đó trong một nền dân chủ chính là sức mạnh của dân chủ, và một nguyên nhân quan trọng của tiến bộ nhân loại. Copernicus là Copernicus vì ông lật đổ, chứ không phải vì ông tái tạo thiên văn học Ptolemy. Nhưng với cùng tiêu chí đó, tôi quả thật có ác cảm với những người không thấy ưu điểm của việc cung cấp quyền tự do mà họ đang có cho những người hiện chưa có quyền tự do đó.
Giống như Li, tôi không thích giọng điệu cứu tinh mà một số người dùng để ủng hộ dân chủ. Tôi ủng hộ dân chủ vì những lý do thực dụng. Lợi ích quan trọng nhất của dân chủ là nó có khả năng chế ngự bạo lực. Trong cuốn The Better Angels of Our Nature, tác giả Pinker cung cấp những số liệu thống kê đáng kinh ngạc: Trong thế kỷ 20, các chế độ toàn trị gây ra 138 triệu cái chết, trong đó có 110 triệu ở các nước cộng sản. Các chế độ chuyên quyền làm chết thêm 28 triệu người nữa. Các chế độ dân chủ làm chết 2 triệu người, chủ yếu ở các thuộc địa của họ cũng như những vụ phong tỏa thực phẩm và đánh bom dân sự trong chiến tranh. Như Pinker đã đề cập, các chế độ dân chủ thậm chí gặp khó khăn trong việc xử tử những kẻ giết người hàng loạt. Theo lập luận của Pinker, các chế độ dân chủ có “một mớ bòng bong các giới hạn về thể chế, nên một vị lãnh tụ không thể chỉ việc hứng chí huy động quân đội hay dân quân dàn trải khắp nước rồi bắt đầu sát hại hàng loạt dân thường.”
Ngược lại với những điều dường như Li được chỉ bảo khi ông là một anh chàng hippie Berkeley, ý đồ của dân chủ không phải là dân chủ dẫn đến một cõi Niết bàn, mà là dân chủ có thể giúp ngăn chặn một địa ngục trần gian. Dân chủ còn nhiều, nhiều vấn đề. Chức năng bảo hiểm này của dân chủ – về giảm thiểu các thảm họa – thường bị lãng quên hoặc bị xem là đương nhiên, nhưng đây là lý do quan trọng nhất khiến dân chủ ưu việt hơn tất cả mọi chế độ chính trị khác từng được loài người phát minh cho đến nay. Biết đâu một ngày nào đó sẽ có một chế độ tốt hơn dân chủ, nhưng chế độ chính trị của Trung Quốc, theo cách diễn đạt của Li, không phải là một trong những chế độ đó.
Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh) là Giáo sư Kinh tế Chính trị và Quản trị Quốc tế tại Trường Quản trị Kinh doanh Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là nhà sáng lập cả Phòng Nghiên cứu Trung Quốc lẫn Phòng Nghiên cứu Ấn Độ ở trường Sloan của MIT. Các bài viết của ông đã đăng trên The Guardian, Foreign Policy, Forbes, và gần đây nhất là trên Foreign Affairs, nơi ông tranh luận với Eric X. Li về một chủ đề tương tự. Năm 2011, giáo sư Huang nói chuyện ở diễn đàn TEDGlobal về dân chủ và tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Nguồn: Yasheng Huang, Why democracy still wins: A critique of Eric X. Li’s “A tale of two political systems”, TED Blog, 1/7/2013
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra
Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh)
Bài liên quan: Eric X. Li: Chuyện hai chế độ chính trị
Đọc cả hai bài bằng bản PDF
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Đầu năm nay, nhà kinh tế học Yasheng Huang [Hoàng Á Sinh] (xem bài diễn thuyết TED Talk năm 2011 của ông) tranh luận với Eric X. Li [Lý Thế Mặc] trên tạp chí Foreign Affairs về một vấn đề tương tự bài diễn thuyếtTED Talk. TED Blog yêu cầu giáo sư Hoàng mở rộng lập luận của ông trong cuộc đối thoại tiếp tục diễn ra với Li.
Thử hình dung lẫn lộn hai phát ngôn sau đây của một bác sĩ chuyên về ung thư: 1) “Anh có thể chết vì ung thư” và 2) “Tôi muốn anh chết vì ung thư.” Khó mà nhận ra sự khác biệt căn bản giữa hai phát ngôn này. Phát ngôn thứ nhất là một lời tiên đoán – phát ngôn này nói rằng một việc có thể xảy ra với một số điều kiện nhất định (trong trường hợp này là chết nếu bị ung thư). Phát ngôn thứ hai là một sở nguyện, một ao ước, hay một ý muốn về một thế giới theo sở thích cụ thể của một người.
Ai lại có thể phạm một sai lầm căn bản khi nhầm lẫn hai loại phát ngôn này? Nhiều người lắm, trong đó có Eric X. Li, trong bài diễn thuyết TED Talk hôm nay. Đại luận thuyết của Marx đã ăn sâu vào đầu Li – và đầu tôi thời niên thiếu và thời thanh niên trong thập niên 1960 và 1970 – là một phát ngônchuẩn tắc. Khi Marx nảy ra những tư tưởng về sự tiến hóa của các xã hội loài người, trên thế giới chưa có một quốc gia nào giống chút đỉnh như chế độ cộng sản mà ông cổ xúy. Chế độ cộng sản theo hình dung của Marx không có quyền tư hữu hay bất cứ kiểu quyền sở hữu nào. Tiền cũng không có mặt trong chế độ đó. Phiên bản chủ nghĩa cộng sản của Marx chưa bao giờ, và rất có thể sẽ chẳng bao giờ, trở thành hiện thực. Marx “tiên đoán” dựa trên suy diễn; và những người kế thừa ông tiên đoán bằng cách áp đặt ước muốn của họ, được thực hiện bằng quyền lực và bạo lực.
Ngược lại, cái luận thuyết dường như được mớm cho Li khi ông là một “anh chàng hippie Berkeley” thì dựa trên kinh nghiệm thực tế của các vấn đề con người. Chúng ta đã có hàng trăm năm kinh nghiệm với dân chủ và hàng trăm quốc gia / năm có các quá trình chuyển tiếp sang dân chủ và cai trị bằng dân chủ. Phát ngôn cho rằng các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu lên là một phát ngônthực chứng – đó là một tiên đoán dựa trên dữ liệu. Trong thập niên 1960, khoảng 25 phần trăm các nước trên thế giới có chế độ dân chủ; tỉ lệ hiện nay là 63 phần trăm. Có rất nhiều trường hợp các chế độ độc tài chuyển sang chế độ dân chủ hơn là ngược lại. Những nước còn lại trên thế giới đã thể hiện rõ ràng ý muốn có chế độ dân chủ. Như Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) đã cho biết, trong 25 nước có GDP bình quân đầu người cao hơn Trung Quốc mà chưa tự do hay tự do một phần, 21 nước sống nhờ tài nguyên thiên nhiên. Nhưng đó là những ngoại lệ giúp chứng minh quy tắc – các quốc gia chuyển sang dân chủ khi họ giàu hơn. Ngày nay không có quốc gia nào được xếp vào nhóm giàu nhất có chế độ toàn trị độc đảng. (Singapore là một trường hợp chưa rõ ràng, còn nhiều tranh cãi.) Dù Li có thích hay không, các quốc gia đó dường như đều có đích đến như nhau.
Các nền dân chủ có tham nhũng hay không? Li nghĩ vậy. Ông trích dẫn Chỉ số của Minh bạch Quốc tế (TI) để chứng minh quan điểm của mình. Số liệu TI cho thấy Trung Quốc có thứ hạng cao nhiều chế độ dân chủ. Cũng có lý.
Tôi luôn nghĩ rằng có hơi mỉa mai khi dùng số liệu về tính minh bạch để biện hộ cho một chế độ chính trị xây trên nền tảng mờ ám. Ngoài chuyện mỉa mai, nên nhớ rằng bản thân chỉ số TI là sản phẩm của chế độ chính trị mà Li quá coi thường – chế độ dân chủ (nói cho đúng là dân chủ kiểu Đức). Điều này nhấn mạnh một điểm căn bản – chúng ta biết rất nhiều về tham nhũng ở các chế độ dân chủ hơn chúng ta biết về tham nhũng ở các nước toàn trị vì các chế độ dân chủ, theo định nghĩa, có tính minh bạch cao hơn và họ có nhiều dữ liệu hơn về tính minh bạch. Tuy tôi tin những so sánh về tham nhũng giữa các nước dân chủ, việc so sánh một cách máy móc tham nhũng ở Trung Quốc với tham nhũng ở các chế độ dân chủ, như Li đã làm rất nhiều lần, là phạm sai lầm căn bản. Phương pháp của ông nhầm lẫn hai hiệu ứng – mức độ minh bạch của một quốc gia và mức độ tham nhũng của một quốc gia. Tôi không muốn nói là các chế độ dân chủ nhất thiết phải trong sạch hơn Trung Quốc; tôi chỉ muốn nói rằng cách Li dùng dữ liệu của TI không phải căn cứ để rút ra kết luận theo một trong hai hướng. Cách đúng đắn để rút ra kết luận về vấn đề này là nhận định rằng với cùng một mức độ minh bạch (và cùng mức độ về nhiều thứ khác, trong đó có thu nhập), Trung Quốc có – hay không có – tham nhũng nhiều hơn các chế độ dân chủ.
Chỉ cần một ví dụ đơn giản là đủ minh họa ý này. Năm 2010, hai doanh nhân Ấn Độ lập một trang mạng gọi là I Paid a Bribe (Tôi hối lộ). Trang mạng này kêu gọi người ta đăng nặc danh những trường hợp công dân Ấn Độ phải bỏ tiền ra để hối lộ. Đến tháng 8/2012, trang mạng này đã ghi nhận hơn 20.000 vụ tham nhũng. Một số doanh nhân Trung Quốc cố gắng bắt chước: Họ lập trang I Made a Bribe (Tôi hối lộ) và 522phone.com. Nhưng hai trang mạng này nhanh chóng bị chính quyền Trung Quốc đóng. Kết luận đúng ở đây không phải, theo như kiểu lập luận của Li, là Trung Quốc trong sạch hơn Ấn Độ vì Trung Quốc không có bài đăng trên mạng nào về các vụ tham nhũng trong khi Ấn Độ có khoảng 20.000 vụ được đăng lên.
Dù tôi rất tôn trọng công lao của Minh bạch Quốc tế, dữ liệu của tổ chức này rất kém trong việc xử lý điểm khác biệt căn bản về mức cảm nhận tham nhũng (perception of corruption) và mức độ tham nhũng thực sự xảy ra (incidence of corruption). Các chế độ dân chủ có tính minh bạch cao hơn – về những cái tốt và cái xấu của chúng – hơn các chế độ toàn trị. Chúng ta biết nhiều hơn về nạn tham nhũng ở Ấn Độ một phần vì chế độ Ấn Độ minh bạch hơn, và có một giới bình luận nhiều chuyện không ngại phê phán và chỉ trích chính phủ (và trong một vài trường hợp, gắn máy quay phim trong phòng khách sạn để ghi cảnh đưa tiền đút lót cho các chính khách). Ngoài ra, tham nhũng ở cấp thấp dễ quan sát hơn tham nhũng ở cấp cao nhất trong hệ thống tôn ti chính trị. Chỉ số TI phát hiện trò tham nhũng của một cảnh sát viên tên Barun ở Chennai dễ hơn là phát hiện tội tham nhũng của một ủy viên Bộ Chính trị tên Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh. Những yếu tố này, chứ không phải bản thân nạn tham nhũng, có thể giải thích phần lớn những khác biệt về thứ hạng TI giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Vẫn dùng số liệu của TI, Li thích chỉ ra rằng những nước như Indonesia, Argentina và Philippines vừa là chế độ dân chủ vừa khét tiếng về tham nhũng. Ông thường bỏ sót các dữ kiện quan trọng khi đề cập đến vấn đề này. Phải, các quốc gia này là những nền dân chủ, vào năm 2013, nhưng những nước này đã được cai trị bởi các nhà độc tài quân sự nhẫn tâm trong mấy chục năm trước khi chuyển sang dân chủ. Chính chế độ chuyên quyền của các quốc gia này đã sinh ra và dung dưỡng nạn tham nhũng. (Còn nhớ 3.000 đôi giày của bà Marcos?) Tham nhũng giống như ung thư, đã thành di căn và ăn sâu. Tuy ta có lý do hoàn toàn chính đáng để phê phán các nền dân chủ mới vì không kịp thời diệt tận gốc nạn tham nhũng, nhưng nhầm lẫn các khó khăn của việc chữa trị nạn tham nhũng ăn sâu với nguyên nhân sâu xa của nó thì cũng hệt như nói rằng một bệnh nhân ung thư bị mắc bệnh ung thư sau khi nhập viện để làm hóa trị.
Nhóm những kẻ tham nhũng trắng trợn nhất thế giới chỉ toàn những kẻ chuyên quyền. Theo một báo cáo của TI, tính đến năm 2004, ba lãnh tụ cầm quyền bòn rút quốc dân nhiều nhất là Suharto, Marcos và Mobutu. Ba nhà độc tài này đã cướp bóc tổng cộng 50 tỉ Mỹ kim từ người dân bần cùng ở nước họ. Đương nhiên các chế độ dân chủ không miễn dịch với nạn tham nhũng, nhưng tôi nghĩ họ phải cố gắng cật lực hơn nữa mới mong theo kịp những nhà độc tài này.
Li hết sức tin tưởng ở chế độ Trung Quốc. Trước hết ông lập luận rằng chế độ này được đa số dân chúng Trung Quốc ủng hộ. Ông trích dẫn một cuộc khảo sát của báo Financial Times nói rằng 93 phần trăm thanh niên Trung Quốc lạc quan về tương lai của họ. Tôi đã xem những mức đánh giá tín nhiệm cao này do Li và nhiều người khác dùng làm bằng chứng cho thấy chế độ Trung Quốc lành mạnh và vững vàng, nhưng tôi không hiểu tại sao Li lại dừng ở mức 93%. Sao không đi tới cùng, 100% luôn? Ở một nước không có tự do ngôn luận, yêu cầu người dân trực tiếp đánh giá thành tích của các vị lãnh đạo thì cũng giống như yêu cầu người dân làm bài thi chỉ có một lựa chọn trả lời duy nhất. Số liệu trưng cầu dân ý dành cho Erich Honecker và Kim Jong-un hẳn phải khiến các vị lãnh đạo Trung Quốc xấu hổ.
(Tôi cũng xin chú thích một chút để khuyến cáo về cách nên và không nên sử dụng số liệu khảo sát ở Trung Quốc. Tôi đã làm nhiều nghiên cứu khảo sát ở Trung Quốc, và tôi luôn thấy ngượng vì khó lý giải được các kết quả khảo sát. Ngoài các áp lực chính trị thường hướng các câu trả lời theo một chiều nhất định, một trở ngại khác là người trả lời khảo sát ở Trung Quốc đôi khi xem làm khảo sát giống như làm bài thi. Bài thi ở Trung Quốc có câu trả lời chuẩn, và đôi khi người trả lời khảo sát ở Trung Quốc điền vào mẫu khảo sát bằng cách cố gắng đoán xem câu trả lời “chuẩn” là gì, chứ không phải bày tỏ ý kiến của chính họ. Tôi thường khuyến cáo không nên sử dụng một cách ngây thơ số liệu khảo sát ở Trung Quốc.)
Li cũng ca ngợi khả năng thích ứng của chế độ chính trị Trung Quốc. Tôi xin trích:
“Giờ đây, phần lớn giới chính trị học cho rằng hệ thống độc đảng vốn dĩ không có năng tự sửa sai. Hệ thống đó không trường tồn vì không thể thích ứng. Quý vị thử xem thực tế thế nào nhé. Trong 64 năm điều hành quốc gia lớn nhất thế giới, các chính sách của Đảng đã có phạm vi rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại, từ tập thể hóa đất đai triệt để đến chủ trương Đại Nhảy vọt, rồi tư hữu hóa đất nông trại, rồi Cách mạng Văn hóa, rồi cải cách thị trường của Đặng Tiểu Bình, rồi đến người kế nhiệm Giang Trạch Dân thực hiện một bước tiến chính trị lớn là mở cửa cho phép doanh nhân tư nhân vào Đảng, điều không tưởng trong thời kỳ Mao cầm quyền. Như vậy, Đảng tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”
Giờ thử hình dung ta kể câu chuyện sau đây để tung hô “khả năng thích ứng” của Nga chẳng hạn: Nước Nga hay dân tộc Nga đều có khả năng thích ứng rất cao. “Các chính sách” của Nga đã có phạm vi “rộng hơn bất ở nước nào khác trong ký ức cận đại”, từ trại tù gulag đến phong trào khủng bố đỏ của Stalin, rồi tập thể hóa, rồi kế hoạch hóa tập trung, rồi glasnost và perestroika, rồi tư hữu hóa, rồi chủ nghĩa tư bản bè phái, rồi chế độ dân chủ phi tự do dưới thời Putin, điều không tưởng trong thời kỳ Lenin cầm quyền. Như vậy, nước Nga “tự sửa sai theo cách khá đáng kể.”
Tôi xin nói rõ và dứt khoát – cách Li lý giải về khả năng thích ứng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giống y hệt cách tôi nói về Nga. Điểm khác biệt duy nhất là Li nói đến một tổ chức chính trị – ĐCSTQ – còn tôi nói về một nước có chủ quyền.
Thính giả TED vỗ tay tán thưởng bài diễn thuyết của Li – nhiều lần là đằng khác. Nếu Li đã so sánh ví von về Nga, chẳng biết thính giả có còn tán thưởng nồng nhiệt nữa hay không. Lý do rất đơn giản: Thính giả TED hiểu tường tận tình hình xáo trộn, bạo lực và con số người chết cao ngất trời trong thời cai trị của Liên Xô. Trong cuốn sách của ông có nhan đề The Better Angels of our Nature (tạm dịch: Những thiên thần tốt đẹp hơn của bản chất con người chúng ta),[i] Steven Pinker trích dẫn kết quả nghiên cứu của các học giả khác cho thấy chế độ Liên Xô đã giết 62 triệu người dân của chính mình. Thiết nghĩ cái từ “sửa sai” có phần nói nhẹ đi mức độ biến đổi to lớn từ chế độ sát nhân, diệt chủng của Stalin sang nước Nga ngày nay tuy còn nhiều vấn đề và khó khăn nhưng dù sao vẫn có dân chủ.
Tôi không biết một anh chàng hippie Berkeley học gì ở trường, nhưng ở Cambridge, Massachusetts, nơi tôi đã học và nay theo nghiệp làm giáo sư, tôi đã học – và hiện nay dạy – hàng ngày rằng ngôn từ thực sự có ý nghĩa. Đối với tôi, tự sửa sai có ít nhất hai hàm ý. Thứ nhất, tự sửa sai là việc sửa sai do chính bản thân thực hiện. Đúng là các chính sách của Mao bị những người kế tục “sửa sai” hay thậm chí đảo ngược, như Li đã đề cập, nhưng nói đây là “sự tự sửa sai” nghĩa là sao? Những chính sách vô cùng tai hại của Mao vẫn còn trong những ngày xế bóng của ông ngay cả khi Mao Chủ tịch nằm liệt giường trong trạng thái thực vật, và người kế vị ông – lên nắm quyền thông qua một thay đổi gần như là đảo chính – chỉ dám sửa đổi các chính sách của Mao sau khi đã biết chắc Mao không sống nổi nữa. Nếu đây là một ví dụ của việc tự sửa sai, vậy đúng ra cái gì không phải là một hành động tự sửa sai? Gần như mỗi ví dụ thay đổi chính sách mà Li nêu ra trong bài diễn thuyết của mình đều được thực hiện bởi người kế vị người đã khởi xướng cái chính sách bị sửa đổi. (Trong nhiều trường hợp, thậm chí không phải do người kế vị liền sau đó.) Đây là một định nghĩa kỳ cục về việc tự sửa sai. Cái này có gồm kiểu tự sửa sai khi những bài toán làm sai mà tôi chưa sửa thuở nhỏ nay đang được con tôi sửa?
Nghĩa thứ hai của tự sửa sai liên quan đến hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa, chứ không chỉ là danh tính của người thực hiện chỉnh sửa. Một đứa trẻ 10 tuổi có thể tự nguyện sửa lỗi chính tả hay phép toán làm sai của mình, hoặc có thể đành phải sửa sau khi bị cô giáo quất mạnh mấy phát vào tay. Trong cả hai tình huống, danh tính của người chỉnh sửa là một – đứa học trò 10 tuổi – nhưng hoàn cảnh diễn ra việc chỉnh sửa lại khác hẳn nhau. Ta thường sẽ xếp tình huống thứ nhất vào loại “tự sửa sai”, còn tình huống thứ hai vào loại ép buộc, cưỡng bách, hay như trong trường hợp này, bạo lực. Nói cách khác, tự sửa sai hàm ý sự tự nguyện của người thực hiện chỉnh sửa, chứ không phải bị ép buộc hay cưỡng bách, không phải vì không còn cách nào hơn là phải chỉnh sửa. Yếu tố chọn lựa là một thành phần thiết yếu của định nghĩa về tự sửa sai.
Tôi xin cung cấp thêm vài chi tiết bị bỏ sót cho những ai vỗ tay tán thưởng khi Li gọi giai đoạn 64 năm của chế độ độc đảng ở Trung Quốc là giai đoạn của những trường hợp tự sửa sai nối tiếp nhau. Từ năm 1949 đến 2012, ĐCSTQ đã có sáu lãnh tụ tối cao. Trong sáu người này, hai vị bị phế truất một cách đột ngột và không kèn không trống (và một trong hai vị này bị hạ bệ mà không được xét xử đúng quy trình, thậm chí theo các thủ tục của chính ĐCSTQ). Một vị thứ ba mất hết quyền lực và bị quản thúc tại gia trong 15 năm cho đến khi chết. Vậy là 3 trong 6 vị không nắm quyền cho trọn nhiệm kỳ dự trù của họ. Hai trong số những người được Mao chọn kế vị chết trong khi tại chức, một người thiệt mạng trong một vụ nổ máy bay khi ông tìm cách trốn sang Liên Xô, còn người kia bị tra tấn đến chết và bị chôn với tên giả. À, tôi đã nhắc đến con số ước tính 30 triệu người đã chết do chủ trương Đại Nhảy vọt tai hại của Mao, và có lẽ là hàng triệu người đã chết do bạo lực của Cách mạng Văn hóa chưa nhỉ? Vả lại, bạn có biết Mao không những vẫn tiếp tục mà còn đẩy nhanh các chính sách Đại Nhảy vọt sau khi những bằng chứng về mức độ [tác hại] của nạn đói [thời kỳ 1958-1962][ii] đã rõ như ban ngày?
Li gọi những thay đổi chính sách này sau những biến động đau đớn này là “những hành động tự sửa sai”. Cách lý giải của ông là một thực thể gọi là ĐCSTQ, chứ không phải ai khác, thực hiện những thay đổi chính sách này. Trước hết, sở dĩ như vậy có phải là do chẳng có ai khác được phép có cơ hội thực hiện những thay đổi chính sách này? Thứ hai, lối suy nghĩ cứ chú trọng đến ai thực hiện thay đổi chính sách chứ không phải hoàn cảnh diễn ra thay đổi chính sách quả là không ổn. Ta thử mở rộng logic của Li thêm một chút nữa. Liệu chúng ta có phải định nghĩa lại Phong trào Độc lập Mỹ là một hành động tự sửa sai của người Anh? Hay có lẽ gọi việc nhượng quyền cai trị của đế quốc Anh cho Ấn Độ là một hành động tự sửa sai khác của người Anh? Liệu chúng ta có phải mô tả lại sự đầu hàng của người Nhật để kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai là hành động tự sửa sai của người Nhật? Đúng là có hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki và bao chuyện nữa, nhưng chẳng phải các đại diện của Nhật hoàng Hirohito đã ký Văn kiện Nhật Đầu hàng trên chiến hạm USS Missouri hay sao?
Đã là búa thì nhìn gì cũng nghĩ là đinh. Li nhìn thấy các căn bệnh của các chế độ dân chủ ở khắp nơi – khủng hoảng tài chính ở Châu Âu và Mỹ, nền chính trị tiền bạc và nạn tham nhũng. Tôi đồng ý ngay là nền chính trị tiền bạc ở Mỹ là một vấn đề rất lớn và quả thật nó đang khiến cho chế độ như một cỗ máy hỏng nặng, không còn vận hành trơn tru. Nhưng ta nên hiểu thật rõ bằng cách nào và lý do tại sao nền chính trị tiền bạc là một cỗ máy hỏng hóc. Nó hỏng hóc chính là vì về cơ bản nó đối nghịch với dân chủ. Nền chính trị tiền bạc là hình thái lệch lạc của dân chủ. Nó phá hoại và làm mất giá trị một trụ cột chuẩn mực của dân chủ – một người một phiếu. Để nhất quán về logic, lẽ ra Li nên tung hô nền chính trị tiền bạc vì nó đưa Mỹ đi sang hướng của nền chính trị kiểu chuyên quyền mà ông quá say mê.
Điều này có thể là một tiết lộ gây sốc cho Li, nhưng các nền dân chủ Mỹ và Châu Âu không sáng chế ra khủng hoảng tài chính. Nhiều chế độ chuyên quyền đã trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế trầm trọng. Ví dụ như Indonesia năm 1997 và nhiều chế độ quân phiệt ở Châu Mỹ La tinh trong thập niên 1970 và 1980. Những chế độ chuyên quyền duy nhất không bị khủng hoảng tài chính rõ rệt là các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, như Romania và Đông Đức. Nhưng sở dĩ như vậy hoàn toàn là do họ không đáp ứng điều kiện tối thiểu để có khủng hoảng tài chính – là phải có một hệ thống tài chính. Những hậu quả của khiếm khuyết này thì ai cũng biết rồi – thay vì những trồi sụt lớn tuần hoàn theo chu kỳ, những nước này bị đình trệ kinh tế lâu dài. Một nhà đầu tư vốn mạo hiểm chẳng phát đạt nổi trong chế độ đó.
Li nói ông đã nghiên cứu khả năng đạt thành tích của các chế độ dân chủ. Ít nhất là trong bài diễn thuyết này, bằng chứng cho thấy ông đã nghiên cứu chưa được thuyết phục cho lắm. Không có bằng chứng nào cho thấy các quốc gia phải trả giá kinh tế vì có tính dân chủ. (Cũng nên lưu ý rằng cũng không có bằng chứng toàn cầu đáng thuyết phục cho thấy các chế độ dân chủ nhất thiết phải đạt thành tích tăng trưởng kinh tế tốt hơn các chế độ chuyên quyền. Có nơi có, có nơi không. Kết luận tùy từng trường hợp.) Nhưng về các lĩnh vực dịch vụ công, bằng chứng cho thấy các chế độ dân chủ nhỉnh hơn. Hai học giả David Lake và Matthew Baum chứng minh rằng các chế độ dân chủ ưu việt các quốc gia chuyên quyền về cung cấp dịch vụ công, chẳng hạn như y tế và giáo dục. Không chỉ các nền dân chủ lâu đời có thành tựu tốt hơn; mà cả các nước chuyển sang dân chủ cũng có cải thiện tức khắc về cung cấp các dịch vụ công này, và các nước quay trở lại với chế độ chuyên quyền thường bị sa sút.
Li đổ lỗi tình trạng tăng trưởng thấp ở Châu Âu và ở Mỹ cho dân chủ. Tôi hiểu tại sao ông có quan điểm này, vì đây là sai lầm phổ biến của những người quan sát hời hợt – Trung Quốc tăng trưởng với tỉ lệ 8 hay 9 phần trăm, còn Mỹ tăng trưởng với tỉ lệ 1 hoặc 2 phần trăm. Ông đang nhầm lẫn một hiệu ứng toán học của việc tăng trưởng thấp do cơ số lớn với một hiệu ứng chính trị của việc dân chủ kìm hãm tăng trưởng. Vì các quốc gia dân chủ thường giàu hơn và có GDP bình quân đầu người cao hơn nhiều, nên họ khó mà có tỉ lệ tăng trưởng bằng với các nước nghèo – và chuyên quyền – có GDP bình quân đầu người thấp hơn nhiều. Tôi xin đưa ra một so sánh ví von. Một cậu bé 15 tuổi có nhiều khả năng tự đi xem phim hay đi chơi với bạn bè hơn một cậu bé 10 tuổi vì cậu ta lớn tuổi hơn và trưởng thành hơn. Cũng có thể là cậu ta không lớn nhanh bằng cậu bé 10 tuổi vì cậu ta đã gần hơn với đỉnh của chiều cao con người. Quả là ngớ ngẩn nếu nhận xét, theo logic của Li, rằng cậu bé 15 tuổi lớn chậm hơn vì cậu tự đi xem phim.
Li nói rất rõ rằng ông ghét dân chủ, hơn là về các lý do khiến ông ghét dân chủ. Li bác bỏ dân chủ với lý do văn hóa. Trong bài diễn thuyết, ông khẳng định dân chủ là một khái niệm xa lạ đối với văn hóa Trung Hoa. Quan điểm này suýt nữa nghe buồn cười nếu không có những hàm ý gián tiếp. Như tôi vẫn hiểu xưa nay, vốn mạo hiểm là một khái niệm nhập ngoại nhưng dường như điều đó không cản trở Li theo nghiệp này và giàu lên nhờ nó. (Mà hình như “Eric” cũng là gốc gác nước ngoài phải không nhỉ? Tôi có thể sai về điểm này.) Ngược lại, Li có nhất nhất tôn trọng từng nguyên tắc của văn hóa và truyền thống Trung Hoa? Liệu Li có phản đối việc bãi bỏ tập quán bó chân của phụ nữ Trung Quốc?
Có một thực tế đơn giản là người Trung Quốc đã chấp nhận nhiều khái niệm và tập quán nước ngoài. (Xin nhắc một chút: đối với người Trung Quốc, chủ nghĩa Marx cũng Tây phương không kém Adam Smith.) Sẽ hoàn toàn chính đáng nếu ta tranh luận về những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào Trung Quốc nên chấp nhận, áp dụng hay phỏng theo, nhưng cuộc tranh luận này là về những tư tưởng mà Trung Quốc nên áp dụng, chứ không phải về việc liệu Trung Quốc có nên áp dụng bất cứ tư tưởng và tập quán nước ngoài nào hay không.
Nếu vấn đề là về những tư tưởng nào hay những tập quán nào nên áp dụng hay bác bỏ, thì khác với Li, tôi không cảm thấy đủ tự tin để biết chính xác những tư tưởng và tập quán nước ngoài nào mà 1,3 tỉ dân Trung Quốc muốn theo hay muốn bác bỏ. Về mặt logic, một lập luận mang tính văn hóa để phản bác dân chủ không khiến người Trung Quốc không có được dân chủ, mà dẫn đến một phương hướng hành động để người dân Trung Quốc tự quyết định về các ưu điểm hay nhược điểm của dân chủ. Hơn nữa, nếu chính người Trung Quốc tự nguyện bác bỏ dân chủ, thì việc gì phải tốn kém quá nhiều nguồn lực để chống và cấm đoán dân chủ? Không có cách nào tốt hơn để tiêu xài số tiền này hay sao?
Cho đến nay cuộc tranh luận này chưa diễn ra ở Trung Quốc, vì muốn có cuộc tranh luận này thì trước tiên phải có chút ít dân chủ cái đã. Nhưng nó đã diễn ra ở những môi trường Trung Hoa khác, và kết quả của những cuộc tranh luận đó là giữa văn hóa Trung Hoa và dân chủ về căn bản không xung khắc nhau. Hong Kong, dù không có chế độ dân chủ bầu cử, có tự do báo chí và chế độ pháp trị, và chẳng có bằng chứng nào cho thấy nơi này rơi vào cảnh hỗn loạn hay vô chính phủ. Đài Loan ngày nay có một nền dân chủ đầy sức sống, và nhiều người Đại lục sang thăm Đài Loan thường ngạc nhiên khi thấy xã hội Đài Loan không chỉ có dân chủ mà còn tôn trọng truyền thống Trung Hoa hơn nhiều so với Đại lục. (Xưa nay tôi luôn cảm thấy những người tin rằng dân chủ và văn hóa Trung Hoa xung khắc với nhau là những người thầm ủng hộ độc lập cho Đài Loan. Họ không xem người Đài Loan là Trung Hoa.)
Quả thật bản thân Li đã chấp nhận một số cải cách chính trị thường được xem là “Tây phương”. Các tổ chức phi chính phủ thì được, và thậm chí đôi chút tự do báo chí cũng được. Ông cũng ủng hộ đôi chút dân chủ trong nội bộ Đảng. Đó đều là những bước đúng đắn để đạt đến chế độ Trung Quốc có tính dân chủ hơn chế độ của Mao, và tôi ủng hộ cả hai tay. Chúng tôi khác biệt ở chỗ tôi cho rằng quyền tự do bỏ phiếu và cạnh tranh đa đảng là những bước mở rộng tự nhiên và hợp lý của những cải cách ban đầu này, trong khi Li vạch một ranh giới rõ rệt giữa các cải cách chính trị đã diễn ra và những cải cách chính trị tiềm năng mà một số người trong chúng ta đã cổ xúy. Dù gắng hết sức, tôi vẫn không thấy có gì khác biệt trên nguyên tắc giữa những cải cách một phần này và những cải cách hoàn chỉnh hơn có bao gồm dân chủ.
Li có một cách kỳ lạ để phản đối dân chủ: Ông phản đối nhiều cơ chế vận hành của dân chủ. Đặc biệt, ông có ác cảm với việc bỏ phiếu. Nhưng vấn đề là bỏ phiếu chỉ là cách để thực thi dân chủ, và ngay cả Li cũng ủng hộ có đôi chút dân chủ. Ví dụ, ông ủng hộ dân chủ trong nội bộ Đảng. Được, tôi cũng vậy; nhưng làm sao ta thực thi dân chủ trong nội bộ Đảng nếu không có bỏ phiếu? Như vậy hơi giống như ca ngợi môn thể thao quần vợt nhưng lại lên án việc dùng vợt để chơi môn này.
Li chưa đưa ra được một lập luận mạch lạc và hợp lý cho các quan điểm của mình về dân chủ. Tôi ngờ rằng, dù tôi không có bằng chứng trực tiếp, có một phương án đơn giản – ủng hộ các cải cách mà ĐCSTQ ủng hộ và phản đối các cải cách mà ĐCSTQ phản đối. Làm bộ làm tịch như vậy thì cũng ổn, nhưng đó không phải là một lập luận có nguyên tắc về bất cứ điều gì.
Nói vậy, nhưng tôi vẫn tin rằng có một cuộc tranh luận quyết liệt về dân chủ là điều hoàn toàn lành mạnh và thực sự cần thiết – nhưng cuộc tranh luận đó phải dựa trên số liệu, dữ kiện, logic là lý luận. Theo tiêu chí này, bài diễn thuyết của Li chưa khởi xướng cuộc tranh luận đó.
Tuy nhiên, về mặt này, chế độ dân chủ và chế độ chuyên quyền không đối xứng nhau. Trong một chế độ dân chủ, ta có thể tranh luận và phê phán cả dân chủ lẫn chuyên quyền, như Li đã làm khi ông chê George W. Bush (tôi rất khoái chỗ này) và như tôi làm ở đây. Nhưng những người trong một chế độ chuyên quyền chỉ có thể phê phán dân chủ mà thôi. (Có tin kể rằng khi được thông báo có những người biểu tình la hét “Đả đảo Reagan” trước Nhà Trắng mà chính quyền Mỹ chẳng làm được gì với họ, Brezhnev nói với Reagan, “Có những người la hét ‘Đả đảo Reagan’ trên Quảng trường Đỏ và tôi sẽ chẳng làm gì với họ cả.”) Tôi chẳng có ác cảm gì với những người phê phán giới cầm quyền và tỏ ra nghi ngờ về dân chủ. Thực ra, khả năng làm được điều đó trong một nền dân chủ chính là sức mạnh của dân chủ, và một nguyên nhân quan trọng của tiến bộ nhân loại. Copernicus là Copernicus vì ông lật đổ, chứ không phải vì ông tái tạo thiên văn học Ptolemy. Nhưng với cùng tiêu chí đó, tôi quả thật có ác cảm với những người không thấy ưu điểm của việc cung cấp quyền tự do mà họ đang có cho những người hiện chưa có quyền tự do đó.
Giống như Li, tôi không thích giọng điệu cứu tinh mà một số người dùng để ủng hộ dân chủ. Tôi ủng hộ dân chủ vì những lý do thực dụng. Lợi ích quan trọng nhất của dân chủ là nó có khả năng chế ngự bạo lực. Trong cuốn The Better Angels of Our Nature, tác giả Pinker cung cấp những số liệu thống kê đáng kinh ngạc: Trong thế kỷ 20, các chế độ toàn trị gây ra 138 triệu cái chết, trong đó có 110 triệu ở các nước cộng sản. Các chế độ chuyên quyền làm chết thêm 28 triệu người nữa. Các chế độ dân chủ làm chết 2 triệu người, chủ yếu ở các thuộc địa của họ cũng như những vụ phong tỏa thực phẩm và đánh bom dân sự trong chiến tranh. Như Pinker đã đề cập, các chế độ dân chủ thậm chí gặp khó khăn trong việc xử tử những kẻ giết người hàng loạt. Theo lập luận của Pinker, các chế độ dân chủ có “một mớ bòng bong các giới hạn về thể chế, nên một vị lãnh tụ không thể chỉ việc hứng chí huy động quân đội hay dân quân dàn trải khắp nước rồi bắt đầu sát hại hàng loạt dân thường.”
Ngược lại với những điều dường như Li được chỉ bảo khi ông là một anh chàng hippie Berkeley, ý đồ của dân chủ không phải là dân chủ dẫn đến một cõi Niết bàn, mà là dân chủ có thể giúp ngăn chặn một địa ngục trần gian. Dân chủ còn nhiều, nhiều vấn đề. Chức năng bảo hiểm này của dân chủ – về giảm thiểu các thảm họa – thường bị lãng quên hoặc bị xem là đương nhiên, nhưng đây là lý do quan trọng nhất khiến dân chủ ưu việt hơn tất cả mọi chế độ chính trị khác từng được loài người phát minh cho đến nay. Biết đâu một ngày nào đó sẽ có một chế độ tốt hơn dân chủ, nhưng chế độ chính trị của Trung Quốc, theo cách diễn đạt của Li, không phải là một trong những chế độ đó.
Yasheng Huang (Hoàng Á Sinh) là Giáo sư Kinh tế Chính trị và Quản trị Quốc tế tại Trường Quản trị Kinh doanh Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là nhà sáng lập cả Phòng Nghiên cứu Trung Quốc lẫn Phòng Nghiên cứu Ấn Độ ở trường Sloan của MIT. Các bài viết của ông đã đăng trên The Guardian, Foreign Policy, Forbes, và gần đây nhất là trên Foreign Affairs, nơi ông tranh luận với Eric X. Li về một chủ đề tương tự. Năm 2011, giáo sư Huang nói chuyện ở diễn đàn TEDGlobal về dân chủ và tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Nguồn: Yasheng Huang, Why democracy still wins: A critique of Eric X. Li’s “A tale of two political systems”, TED Blog, 1/7/2013
Bản tiếng Việt © 2013 Phạm Vũ Lửa Hạ & pro&contra
[i] Xem bài phỏng vấn tác giả giới thiệu sách ở đây. (N.D.)
[ii] Xem thêm về Nạn đói lớn ở đây. (N.D.)
[ii] Xem thêm về Nạn đói lớn ở đây. (N.D.)
Bùi Tín - Kẻ nhốt người hóa ra cũng bị nhốt
22.10.2013
Nhà chính trị lão thành Lý Quang Diệu, được coi là cha đẻ của nước
Singapore hiện đại, một thời được mời làm cố vấn cho các nhà lãnh đạo
Việt Nam khi bắt đầu đổi mới và hội nhập vào cuối thế kỷ trước. Ông vừa
ra mắt cuốn sách One man’s view of the world (Nhìn thế giới của một con người).
Cuốn sách có một đoạn ngắn nói đến Việt Nam. Ngắn nhưng rất bổ ích, rất đáng để những người lãnh đạo của Việt Nam tham khảo, cũng như rất đáng để mỗi ủy viên Trung ương đảng CS, mỗi đại biểu Quốc hội cùng mọi người Việt Nam suy ngẫm.
Chúng ta còn nhớ từ đầu năm 2011, nhân đại hội đảng CS VN lần thứ XI, «Ông già Lý» – như dân Singapore thường ông Lý Quang Diệu một các thân mật – đã trả lời phỏng vấn trên báo Straits Times tỏ ý nản lòng, thất vọng về Việt Nam, khi ông cho rằng những góp ý của ông ở Hà Nội những năm xưa đã không được lắng nghe và thực hiện. Hồi đó ông giới thiệu cho ông Võ Văn Kiệt và các đồng sự rằng muốn chống tham nhũng có hiệu quả, phải có 3 điều: pháp luật rất nghiêm (để không ai dám tham nhũng), tiền lương viên chức tạm đủ cho họ và gia đình (để không ai cần tham nhũng để sống) và dư luận xã hội trong sáng lên án mạnh tệ tham nhũng (để không ai nỡ tham nhũng do tự trọng). Nhưng VN đã không làm được cả 3 điều ấy, để cho quốc nạn nội xâm ấy trở thành một căn bệnh trầm kha đe dọa sự tồn vong của chế độ độc đảng, làm nhân dân căm giận, vì bất công xã hội là một điều rất đáng sợ, một nhân tố nguy hiểm cho mọi chế độ.
Qua quyển sách mới này, Ông Già Lý nói rõ thêm quan điểm của ông về Việt Nam. Ông nản chí, ông không góp ý kiến xây dựng gì nữa. Ông mất tin tưởng vào những người lãnh đạo hiện nay. Ông nói thẳng ra rằng họ đã không còn có khả năng đổi mới bản thân, đổi mới tư duy chính trị cho kịp thời đại. Ông có nhận xét thâm thúy «Họ là những kẻ bị cầm tù trong một ý thức hệ cũ» (imprisoned in an old ideology).
Ông Lý thú nhận:«Tôi không còn lạc quan như những lần đầu thăm nước này trong những năm 90. Giờ đây tôi tin rằng những người lãnh đạo VN kỳ cựu không thể khai phá với cái tư duy xã hội chủ nghĩa cố hữu». Ông khẳng định: « Những vị lãnh đạo lão thành cách mạng này làm cho Việt Nam trì trệ». Ông nhấn thêm rằng «chỉ khi nào các vị này không còn thì Việt Nam mới có thể đột phá theo hướng hiện đại hóa».
Đọc đến đây tôi bỗng như nghe thấy tiếng kêu của em Nguyễn Phương Uyên :«Đảng Cộng sản, đi chết đi». Tự đáy lòng em, đây không phải lời chửi rủa, mà là lời cầu mong, vì đảng không còn gì là động lực, đã hiển nhiên biến thành một chướng ngại ngăn chặn còn đường xây dựng một nước VN dân chủ hiện đại, phát thiển, hội nhập, với thành quả được chia chung cho toàn dân thụ hưởng.
Ông Lý nhận định: «Ở VN, các nguyên lão thăng tiến trong hệ thống đảng nhờ chiến tranh hiện giữ các vị trí trong chính quyền, thăng quan không phải giỏi giang trong quản lý kinh tế hay trong quản trị kinh doanh. Họ thăng tiến vì đã đào hầm, từ ngoài Bắc và trong Nam trong 30 năm dài, họ có ý chí nhưng thiếu tiềm năng ». Và ông chỉ ra nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này: «Vì họ bị ý thức hệ cũ cầm tù ».
Quả thật, họ bị cầm tù, và họ đã nhốt theo cả dân tộc. Tôi muốn góp thêm một ý: Họ tự nhốt mình vào nhà tù ý thức hệ Mác xít - Lê nin nít, Cộng sản, Xã hội chủ nghĩa của họ. Có ai bắt họ đưa vào nhà tù như họ đang làm với những chiến sỹ dũng cảm đòi tự do cho nhân dân đâu, như họ đã bỏ tù Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Lê Quốc Quân…
Đã có bao nhiêu người CS trót lầm lỡ chọn sai ý thức hệ Mác xít – Lê nin nít đã nhận ra sai lầm để đoạn tuyệt với nó. Đó là Gorbachev, là Havel, là Trần Độ, là hàng chục triệu đảng viên CS khắp các lục địa nhận ra sai lầm, đưa hàng trăm đảng CS của mình vào các nghĩa địa chính trị chỉ trong hơn 20 năm nay. Gần đây là Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Phạm Đình Trọng, là Lê Hiếu Đằng… và hàng ngàn, hàng vạn đảng viên CS nhạt đảng, chán đảng, bỏ sinh hoạt, bỏ đảng, nghĩ đến thành lập đảng khác có bản chất dân tộc, có gốc gác từ nhân dân, lương thiện, trong sạch, tự mình giải phóng khỏi nhà tù ý thức hệ.
Mong rằng Bộ Chính trị và Trung ương đảng CS, các đại biểu Quốc hội trong đó 90 % là đảng viên Cộng sản, sớm nhận ra thân phận tự nhốt mình trong nhà tù ý thức hệ cổ hủ trong hơn 80 năm qua để tự giải thoát, từ đó giải thoát cả dân tộc khỏi thân phận tôi đòi, nô lệ cho một học thuyết đã phá sản triệt để, đã bị coi là sai lầm lịch sử lớn nhất, là tội ác đẫm máu nhất của Thế kỷ XX.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Cuốn sách có một đoạn ngắn nói đến Việt Nam. Ngắn nhưng rất bổ ích, rất đáng để những người lãnh đạo của Việt Nam tham khảo, cũng như rất đáng để mỗi ủy viên Trung ương đảng CS, mỗi đại biểu Quốc hội cùng mọi người Việt Nam suy ngẫm.
Chúng ta còn nhớ từ đầu năm 2011, nhân đại hội đảng CS VN lần thứ XI, «Ông già Lý» – như dân Singapore thường ông Lý Quang Diệu một các thân mật – đã trả lời phỏng vấn trên báo Straits Times tỏ ý nản lòng, thất vọng về Việt Nam, khi ông cho rằng những góp ý của ông ở Hà Nội những năm xưa đã không được lắng nghe và thực hiện. Hồi đó ông giới thiệu cho ông Võ Văn Kiệt và các đồng sự rằng muốn chống tham nhũng có hiệu quả, phải có 3 điều: pháp luật rất nghiêm (để không ai dám tham nhũng), tiền lương viên chức tạm đủ cho họ và gia đình (để không ai cần tham nhũng để sống) và dư luận xã hội trong sáng lên án mạnh tệ tham nhũng (để không ai nỡ tham nhũng do tự trọng). Nhưng VN đã không làm được cả 3 điều ấy, để cho quốc nạn nội xâm ấy trở thành một căn bệnh trầm kha đe dọa sự tồn vong của chế độ độc đảng, làm nhân dân căm giận, vì bất công xã hội là một điều rất đáng sợ, một nhân tố nguy hiểm cho mọi chế độ.
Qua quyển sách mới này, Ông Già Lý nói rõ thêm quan điểm của ông về Việt Nam. Ông nản chí, ông không góp ý kiến xây dựng gì nữa. Ông mất tin tưởng vào những người lãnh đạo hiện nay. Ông nói thẳng ra rằng họ đã không còn có khả năng đổi mới bản thân, đổi mới tư duy chính trị cho kịp thời đại. Ông có nhận xét thâm thúy «Họ là những kẻ bị cầm tù trong một ý thức hệ cũ» (imprisoned in an old ideology).
Ông Lý thú nhận:«Tôi không còn lạc quan như những lần đầu thăm nước này trong những năm 90. Giờ đây tôi tin rằng những người lãnh đạo VN kỳ cựu không thể khai phá với cái tư duy xã hội chủ nghĩa cố hữu». Ông khẳng định: « Những vị lãnh đạo lão thành cách mạng này làm cho Việt Nam trì trệ». Ông nhấn thêm rằng «chỉ khi nào các vị này không còn thì Việt Nam mới có thể đột phá theo hướng hiện đại hóa».
Đọc đến đây tôi bỗng như nghe thấy tiếng kêu của em Nguyễn Phương Uyên :«Đảng Cộng sản, đi chết đi». Tự đáy lòng em, đây không phải lời chửi rủa, mà là lời cầu mong, vì đảng không còn gì là động lực, đã hiển nhiên biến thành một chướng ngại ngăn chặn còn đường xây dựng một nước VN dân chủ hiện đại, phát thiển, hội nhập, với thành quả được chia chung cho toàn dân thụ hưởng.
Ông Lý nhận định: «Ở VN, các nguyên lão thăng tiến trong hệ thống đảng nhờ chiến tranh hiện giữ các vị trí trong chính quyền, thăng quan không phải giỏi giang trong quản lý kinh tế hay trong quản trị kinh doanh. Họ thăng tiến vì đã đào hầm, từ ngoài Bắc và trong Nam trong 30 năm dài, họ có ý chí nhưng thiếu tiềm năng ». Và ông chỉ ra nguyên nhân cốt lõi của tình trạng này: «Vì họ bị ý thức hệ cũ cầm tù ».
Quả thật, họ bị cầm tù, và họ đã nhốt theo cả dân tộc. Tôi muốn góp thêm một ý: Họ tự nhốt mình vào nhà tù ý thức hệ Mác xít - Lê nin nít, Cộng sản, Xã hội chủ nghĩa của họ. Có ai bắt họ đưa vào nhà tù như họ đang làm với những chiến sỹ dũng cảm đòi tự do cho nhân dân đâu, như họ đã bỏ tù Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Đinh Nguyên Kha, Nguyễn Phương Uyên, Lê Quốc Quân…
Đã có bao nhiêu người CS trót lầm lỡ chọn sai ý thức hệ Mác xít – Lê nin nít đã nhận ra sai lầm để đoạn tuyệt với nó. Đó là Gorbachev, là Havel, là Trần Độ, là hàng chục triệu đảng viên CS khắp các lục địa nhận ra sai lầm, đưa hàng trăm đảng CS của mình vào các nghĩa địa chính trị chỉ trong hơn 20 năm nay. Gần đây là Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Phạm Đình Trọng, là Lê Hiếu Đằng… và hàng ngàn, hàng vạn đảng viên CS nhạt đảng, chán đảng, bỏ sinh hoạt, bỏ đảng, nghĩ đến thành lập đảng khác có bản chất dân tộc, có gốc gác từ nhân dân, lương thiện, trong sạch, tự mình giải phóng khỏi nhà tù ý thức hệ.
Mong rằng Bộ Chính trị và Trung ương đảng CS, các đại biểu Quốc hội trong đó 90 % là đảng viên Cộng sản, sớm nhận ra thân phận tự nhốt mình trong nhà tù ý thức hệ cổ hủ trong hơn 80 năm qua để tự giải thoát, từ đó giải thoát cả dân tộc khỏi thân phận tôi đòi, nô lệ cho một học thuyết đã phá sản triệt để, đã bị coi là sai lầm lịch sử lớn nhất, là tội ác đẫm máu nhất của Thế kỷ XX.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
VN và TQ: Một mô hình, hai tầm nhìn
Một chuyên gia người Việt trò chuyện với BBC về quá trình phát triển của Việt Nam trong ba thập niên qua.
Việt Nam thua Trung Quốc một tầm nhìn
Ông Vũ Minh Khương, tiến sỹ đại học Harvard và hiện là giảng viên Đại học Quốc gia Singapore, cũng giải thích lý do tại sao Việt Nam không thể đạt được những thành tựu như Trung Quốc dù hai mô hình kinh tế khá giống nhau, giải thích mối liên hệ giữa xã hội dân chủ và nền kinh tế, đồng thời chỉ ra đâu là hướng đi cho Việt Nam trong tương lai giữa bối cảnh đầy khó khăn hiện nay.
Chậm tiến vì chiến thắng
BBC: Vài thập kỷ sau 'Khai phóng', Trung Quốc đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và đang leo lên vị trí ngày càng cao trên chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng là quốc gia đã trải qua một quá trình tương tự dưới tên gọi 'Đổi Mới'. Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của Việt Nam so với Trung Quốc trong ba thập kỷ qua?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu cuộc cải cách khi mà tình thế phát triển kinh tế theo đường lối xã hội chủ nghĩa không thành công. Cho nên tính tiếp nhận một cuộc cải cách mới là rất cao trong dân chúng.
Thế nhưng đặc điểm cải cách của hai nước có những khác biệt nhất định.
Ở Trung Quốc họ có một tầm nhìn xa, muốn có một chương trình hiện đại hóa toàn diện để Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại vào trước năm 2050.
Việt Nam thì cải cách trên tình thế bí bách, bị Liên Xô cắt viện trợ và buộc phải tìm con đường đổi mới, cho nên cải cách mang tính chất thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện tại.
Hơn nữa, Trung Quốc thì trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa và xây dựng xã hội chủ nghĩa trước đó thì chưa để lại một thành quả gì mang tính thuyết phục trong việc nâng cao tính chính danh của đảng mình, cho nên họ buộc phải tạo nên một thành quả kinh tế kỳ vĩ.
Việt Nam thì có những chiến thắng huy hoàng trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nên có thể ỷ lại thắng lợi của những cuộc chiến tranh này để duy trì sự chính danh của mình, cho nên nhiều khi trong cải cách không triệt để, mà chỉ cốt đủ ăn đủ sống. Điều này tạo ra những khiếm khuyết rất căn bản cho cải cách sâu rộng ở Việt Nam.
Vì các đặc điểm đó, cho nên lãnh đạo Việt Nam chưa đủ tầm để xác định một chiến lược kỳ vĩ, chẳng hạn như đưa Việt Nam trở thành một đất nước hùng cường vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày độc lập của mình vào năm 2045 mà thường nặng về những xoay sở để đủ tồn tại, bởi lẽ cái chính danh của quá khứ cũng tạm đủ cho họ tồn tại trong một số thập kỷ tới.
Lợi thế của lạc hậu
Năng lực học hỏi của Đảng Cộng sản Việt Nam rất hạn chế; từ việc thu
hút nhân tài, đối sánh mình với thế giới ra sao, đến việc thử nghiệm
những chính sách dũng cảm, liên tục đổi mới và cải tiến, lắng nghe nhân
dân."
|
BBC: Người Nhật phải mất hơn 40 năm mới có được vị trí hiện tại trên chuỗi giá trị toàn cầu. Nam Hàn mất 30 năm, trong khi Trung Quốc chỉ tốn hơn 20 năm. Theo ông yếu tố nào dẫn đến điều này, và nó có ý nghĩa thế nào với Việt Nam?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Đặc điểm của các nước đi sau đó là phát triển kinh tế rất thuận lợi. Đây gọi là lợi thế của sự lạc hậu.
Khi mình khai thác lợi thế lạc hậu này bằng cách hội nhập nhanh chóng với thế giới, tiếp nhận công nghệ và kỹ thuật của thế giới để chuyển hóa vào nước mình, cộng với đầu tư nước ngoài thì có thể rút ngắn được khoảng cách phát triển rất nhanh.
Tuy nhiên vẫn rất phải coi trọng tiếp nhận kỹ thuật và tri thức công nghệ, chứ không chỉ đơn thuần là tiếp nhận vốn đầu tư.
Trung Quốc họ hơn mình ở cái đó. Họ rất chú trọng vấn đề nhập khẩu kỹ thuật .Nếu tính về tỷ lệ nhập khẩu kỹ thuật trên GDP thì Trung Quốc đã vượt Mỹ trong thập kỷ vừa rồi.
Còn Việt Nam hầu như không có số liệu, không coi trọng vấn đề này và chỉ loay hoay thu hút đầu tư nước ngoài ở bất kể dạng gì, thiếu một tầm chiến lược xa.
Cho nên ở Việt Nam, có những thành quả trong phát triển kinh tế rất đáng trân trọng, nhưng để có một tầm trỗi dậy của một dân tộc thì chưa có.
Dân chủ và kinh tế
|
BBC: Trở lại với câu chuyện thành công của Trung Quốc, khi Triệu Tử Dương tiến hành cải cách kinh tế, ông tin rằng cải cách kinh tế phải đi đôi với cải cách về chính trị. Ông có đồng tình với góc nhìn của Triệu Tử Dương hay không? Và theo ông, một nền dân chủ tác động tới nền kinh tế như thế nào?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Tôi nghĩ Triệu Tử Dương có những ý rất đúng. Nhưng tôi vẫn khâm phục Đặng Tiểu Bình bởi tầm nhìn của ông. Bởi vì ưu tiên chiến lược là phải biến Trung Quốc thành một cường quốc, các ý tưởng cụ thể thì có thể tham khảo ở nhiều nguồn khác nhau.
Tuy nhiên cải cách kinh tế phải luôn đi đôi với cải cách xã hội và cải cách chính trị thì mới đảm bảo cho kinh tế phát triển lâu dài, còn những bước đi cụ thể của từng nước thì cái đó là do từng nước quyết định.
Nhưng tôi nghĩ dân chủ là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển. Nước Nhật từ thời cải cách Minh Trị đã nhận ra vấn đề đó. Người dân phải có tiếng nói quyết định trong tất cả những vấn đề trọng đại của đất nước. Có như vậy họ mới gắn bó với công cuộc phát triển, có như vậy đất nước mới thu hút được nhân tài, có như vậy đất nước mới trỗi dậy được.
Thiếu dân chủ giống như một đền thờ thiếu ánh sáng, sẽ có nhiều chuột bọ lúc nhúc trong đó, không thể nào có một sức hút lớn cho một dân tộc, mà nhất là dân tộc có truyền thống văn hiến lâu dài như Việt Nam ta.
Khi nhiều thế hệ phải hy sinh mà không được đền đáp. Đó là điều chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ."
|
BBC: Nhân nói về dân chủ, ông đã sống và làm vệc ở đây nhiều năm. Singapore là một nền kinh tế thành công, quốc gia với GDP bình quân trên đầu người vào hàng cao nhất thế giới. Nhưng mặt khác, Singapore cũng bị chỉ trích là không có tự do báo chí, không có tự do biểu tình. Một số ý kiến gọi Singapore là "nền dân chủ kiểu phương Đông". Ông có bình luận gì về khái niệm "nền dân chủ kiểu phương Đông" này, và ông có cho rằng đây là mô hình mà Việt Nam muốn áp dụng trong tương lai không?
Tiến sỹ Vũ Minh Khương: Tôi đã sống ở Singapore hơn sáu năm. Từng ngày tôi đều cố gắng ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm và học hỏi.
Singapore không phải là hoàn hảo, nhưng có rất nhiều điều cho Việt Nam học tập.
Cái dân chủ tự do ở trong xã hội châu Á này thì phải hiểu rằng là tạo cho con người cái tự do phát huy cao nất năng lực của mình. Cái dân chủ nghĩa là nếu người ta mong muốn làm việc gì đó cho đất nước của mình thì họ hoàn toàn có quyền lập hội, lập tổ chức, thậm chí trở thành đảng đối lập hoặc tham gia vào chính đảng cầm quyền.
Cái hay trong xã hội dân chủ ở đây, là đảng cầm quyền - Đảng Hành động Nhân dân (PAP), rất lo bị mất ghế trong Quốc hội, cho nên luôn luôn tìm kiếm tài năng để thu nhập vào đảng của mình. Nếu để đảng đối lập giành được người đó thì họ phải có người giỏi hơn để có thể thắng cử được. Cho nên trọng dụng nhân tài, chiến lược phát triển và tranh thủ lòng dân là ý thức rất cao trong từng quan chức chính phủ ở Singapore, cho từng cán bộ đảng PAP ở đây.
Yếu tố dân chủ mà theo định nghĩa đó, thì tôi thấy rất mạnh mẽ ở Singapore này. Và cái đó, tôi mong từng ngày sẽ được người Việt Nam ta nghiên cứu, áp dụng. Đó sẽ là khởi đầu cho dân tộc Việt Nam trỗi dậy trong tình thế khó khăn và thách thức hiện nay.
Con đường tương lai
|
Tôi nhìn lại các điểm hạn chế trong phát triển của Việt Nam thì tôi thấy có ba điểm phải chú ý, hơn là mình nhìn vào một vài vấn đề kỹ thuật mang tính chất ngắn hạn hoặc là rất cụ thể như doanh nghiệp nhà nước hoặc là hệ thống ngân hàng.
Tôi nhìn thấy những vấn đề rất lớn, rất nổi trội mà Việt Nam thua kém rất xa so với Trung Quốc và với nhiều nước khác.
Thứ nhất là không có một chiến lược phát triển dài hạn để nhìn thấy đâu là sức mạnh của dân tộc mình, đâu là cơ hội và thách thức trên thế giới, đâu là mục tiêu mà chúng ta sẽ đi tới trong vòng vài thập kỷ nữa. Tất cả đều không rõ.
Thứ hai là năng lực học hỏi của Đảng Cộng sản Việt Nam rất hạn chế; từ việc thu hút nhân tài, đối sánh mình với thế giới ra sao, trong việc thử nghiệm những chính sách dũng cảm, trong việc liên tục đổi mới và cải tiến, lắng nghe nhân dân.
Những đặc điểm đó làm đất nước mình ngày càng tụt lùi.
Khi năng lực học hỏi được nâng lên, khi chiến lược phát triển kinh tế được hoạch định sắc bén và triệt để thì đất nước sẽ trỗi dậy. Khi đó những bài toán cụ thể như cải cách ngân hàng ra sao, cải cách doanh nghiệp nhà nước thế nào, hoặc thậm chí những vấn đề rất đơn giản như chống lại chuyển giá của các doanh nghiệp nước ngoài, thì mình đều có những tổ công tác đánh giá trên cái nhìn toàn cầu là tại sao lại như vậy? Ta có thể biến khó khăn thành cơ hội như thế nào ở đất nước mình?
Những điều này tôi nghĩ chúng ta phải nghiên cứu thấu đáo, trên tầm nhìn chiến lược, với năng lực học hỏi rất cao, mà cái cốt lõi là phải thu hút được nhân tài ở khắp nơi.
Tôi rất cảm kích trong đợt lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi thấy đây là một cuộc biểu dương lực lượng của vũ khí chiến lược Việt Nam, đó là tinh thần dân tộc người Việt Nam rất lớn. Đây chỉ là sự thể hiện một phần, một cuộc diễu binh lớn, một sự thể hiện để chứng mình rằng nếu chúng ta không xứng đáng với khát vọng lớn của dân tộc, chúng ta sẽ thất bại.
Đó là cái giá rất đắt, khi nhiều thế hệ phải hy sinh mà không được đền đáp. Đó là điều chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ.
Theo BBC
Vụ Án xét lại chống đảng - phần 1
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Xô viết Nikolai Kosygin (bên phải), Chủ tịch Đảng lao động Việt Nam Đảng Hồ Chí Minh (giữa) và Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Phạm Văn Đồng (phải) tại Hà Nội ngày 06/02/1965. (AFP photo)
Cho tới nay vụ án mang tên “Xét lại chống đảng” vẫn chưa bao giờ được
chính thức nhìn nhận trong hệ thống chính trị Việt Nam mặc dù gần ba
trăm nạn nhân của nó đã lên tiếng bằng nhiều cách.
Mặc Lâm tìm hiểu hồ sơ vụ án qua lời kể của nhân chứng, nạn nhân trực tiếp trong vụ án này nhằm soi rọi phần nào các oan khuất mà chế độ vẫn cố che dấu. Loạt bài được chia làm 4 phần, phần thứ nhất mang tên: Khi tượng đài bị đạp đổ.
57 năm trước khi phiên tòa xử biến cố đẫm máu này, ngày 23 tháng 10 năm 1956 vào lúc 9 giờ 30 sáng nhân dân Hungary đã lật đổ tượng đài Stalin trước khi cuộc nổi dậy chống Liên Xô bị xe tăng Liên Xô dìm trong biển máu.
Bốn tháng sau đó, một tượng đài khác của Stalin bị lật đổ ngay tại quê hương của lãnh tụ khát máu này. Nhưng lần này thì không phải là tượng đài bằng đồng ngoài công viên hay quảng trường Kremlin của Liên Xô mà là tượng đài trong lòng người cộng sản vốn bị nhồi sọ tâm lý tôn sùng lãnh tụ.
Cụm từ “tệ sùng bái cá nhân” được mang ra trước đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 tổ chức vào ngày 25 tháng 2 năm 1956 bởi Nikita Sergeyevich khrushchyov Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô đọc trong một cuộc họp kín, tố cáo sự sùng bái Stalin do lợi ích cục bộ và bên cạnh đó Khrushchyov cũng mạnh mẽ lên tiếng xác định lập trường sống chung hòa bình với các nước tư bản mà trước đó Stalin luôn coi là kẻ thù cần phải đấu tranh chống lại bằng mọi phương tiện.
Hà Nội kỷ niệm ngày sinh Lê Nin năm 1970. AFP photo
Ý tưởng mới mẻ này đã lan nhanh trong thế giới cộng sản và bốn năm sau đó, tháng 11 năm 1960 Đại hội Quốc tế Cộng sản tổ chức tại Liên Xô có 81 đảng cộng sản tham dự thì 70 đảng ủng hộ đường lối này của Khrushchyov, còn lại 10 đảng không đồng tình, dẫn đầu là Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đảng duy nhất đứng giữa không theo bên nào là Việt Nam lúc ấy còn giữ danh xưng Đảng Lao Động Việt Nam.
Đại tá Bùi Tín nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân cho biết hoàn cảnh lúc ấy:
Trong đại hội quốc tế đó thì mới bắt đầu chia rẽ. Tại đại hội đó có 70 đảng theo Liên-xô, gần 10 đảng theo Trung Quốc. Lúc đó đảng Lao động Việt Nam đứng giữa, rất thận trọng, tính đứng ra hòa giải chứ không chia rẽ nên không tuyên bố. Trong thời kỳ đầu ông Hồ Chí Minh tham gia có ý ngả về Liên-xô nhưng khi trở về năm 61-62 thì ngày càng bị Mao Trạch Đông rồi Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ lôi kéo. Viện trợ của Trung Quốc sau Điện Biên Phủ vẫn còn rất lớn cho nên theo quan điểm của ông Trường Chinh thì có phần ngả về Trung quốc.
Hồi anh Chính ở bên Liên Xô về thì anh ấy theo quan điểm của Khrushchyov. Khi anh ấy đang làm ở Viện Triết thì ông Trường Chinh gọi lên nói rằng Hoàng Minh Chính đi học ở bên ngoài về và bây giờ trong Bộ chính trị đang tranh cãi nhau về Liên Xô và Trung Quốc rằng có nên đi dự đại hội 81 của Đảng Cộng sản không? Bây giờ giao cho Hoàng Minh Chính tập hợp tài liệu viết một số ý kiến để trình bày với Bộ chính trị. Sau đó ông Chính về mời ông Hà Xuân Trường là thông gia của nhà tôi với ông Trần Minh Việt ( Phó bí thư thành ủy Hà Nội ) ba ông họp nhau lại cùng bàn bạc viết bài đó để mà trình bày cho Bộ chính trị về năm quan điểm của Khrushchyov và của Mao chống nhau như thế nào, và tại sao lại nên theo quan điểm của Khrushchyov.
Ông Trường Chinh hỏi rằng chuyện này có tiền lệ không? Ý ông ấy muốn hỏi là muốn giành độc lập tự do mà không cần đánh nhau, đổ máu, thì ông Chính trả lời là có. Mấy hôm sau họp Bộ chính trị với bài của ông Chính và Bộ chính trị nhất trí với bài viết này và chuẩn bị cử người tham dự đại hội đảng 81. Nhưng không ngờ chỉ ít lâu sau quan điểm ấy lại bị bác và quay lại với quan điểm của Trung Quốc.
CT Hồ Chí Minh (thứ 2 từ phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trên, trái) bàn về một chiến dịch quân sự ở Việt Nam vào năm 1950. AFP photo
Trước khi Đại hội 81 khai mạc thì phe theo Trung Quốc đã lập được Nghị quyết 9 với nội dung “Ðường lối đối nội, đối ngoại của đảng và nhà nước là thống nhất về cơ bản với đường lối đối nội đối ngoại của đảng và nhà nước Trung Quốc.”
Vốn là người ủng hộ nhiệt tình tư tưởng xét lại theo kiểu Liên Xô, Hoàng Minh Chính không chấp nhận sự Bắc thuộc này và ông đã nhanh tay tuồn văn kiện của ông viết có tên: “Về Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam” cho nhiều người ngay trong Hội nghị Trung ương 9, trong ấy có những bản được chuyển tới cho một số ủy viên Trung ương đảng.
Bà Lê Hồng Ngọc vợ của ông Hoàng Minh Chính nhớ lại việc này như sau:
Sau khi đi học Liên Xô về anh cũng có kể cho tôi nghe vài câu chuyện là anh rất tin tưởng vào đảng Cộng sản Liên Xô và muốn đảng mình theo đảng Cộng sản Liên Xô để đổi mới. Anh ấy cho rằng đảng mình sẽ có sự thay đổi cho nên là anh nói từ khi anh học ở Liên Xô cho đến khi về trong nước anh vẫn kiên trì nói lên cái quan điểm mà anh cho là đúng. Anh chống Trung Quốc, không bằng lòng với Trung Quốc.
Phe theo Trung Quốc gồm Lê Duẩn, Tổng bí thư, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam, Lê Đức Thọ, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng, cũng là người vẽ ra học thuyết chống chủ nghĩa xét lại của Liên Xô, Trần Quốc Hoàn Bộ trưởng Công an.
Trong khi đó nhóm lớn hơn ngả theo khuynh hướng thân Liên Xô như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ chính trị, chủ tịch Quân ủy, bộ trưởng Quốc phòng. Nguyên Ngoại trưởng Ung văn Khiêm, Ủy viên Bộ chính trị Dương Bạch Mai, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Trần Minh Việt, Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính.
Vụ án vẫn không thể khép lại sau cái chết của Tướng Giáp vào ngày 4 tháng 10 năm 2013 vì sau lưng ông vẫn còn nhiều người còn sống cần được minh oan, mà lớn nhất là cái chết của ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người con trai của ông là nhà văn Vũ Thư Hiên đã ngậm đắng nuốt cay nhiều năm trời trong các nhà tù mà không biết mình phạm tội gì đối với nhân dân, đất nước.
*Quý vị vừa theo dõi phần đầu của Vụ án xét lại chống đảng, mới quý vị theo dõi tiếp phần hai có tựa “Chống Đảng hay chống Tướng”trong phần kế tiếp.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-10-22
Mặc Lâm tìm hiểu hồ sơ vụ án qua lời kể của nhân chứng, nạn nhân trực tiếp trong vụ án này nhằm soi rọi phần nào các oan khuất mà chế độ vẫn cố che dấu. Loạt bài được chia làm 4 phần, phần thứ nhất mang tên: Khi tượng đài bị đạp đổ.
Khi tượng đài bị đạp đổ
Ngày 16 tháng 10 năm 2013, ông Bela Biszku, Bộ trưởng nội vụ Hungary, 92 tuổi bị tòa án Hungary truy tố tội “đồng lõa với những hành vi tội ác” vì đã ra lệnh hay bao che cho những hành động đàn áp sau khi quân Liên Xô dập tắt cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary giết chết hơn 50 người, đa số là sinh viên.57 năm trước khi phiên tòa xử biến cố đẫm máu này, ngày 23 tháng 10 năm 1956 vào lúc 9 giờ 30 sáng nhân dân Hungary đã lật đổ tượng đài Stalin trước khi cuộc nổi dậy chống Liên Xô bị xe tăng Liên Xô dìm trong biển máu.
Bốn tháng sau đó, một tượng đài khác của Stalin bị lật đổ ngay tại quê hương của lãnh tụ khát máu này. Nhưng lần này thì không phải là tượng đài bằng đồng ngoài công viên hay quảng trường Kremlin của Liên Xô mà là tượng đài trong lòng người cộng sản vốn bị nhồi sọ tâm lý tôn sùng lãnh tụ.
Cụm từ “tệ sùng bái cá nhân” được mang ra trước đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20 tổ chức vào ngày 25 tháng 2 năm 1956 bởi Nikita Sergeyevich khrushchyov Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô đọc trong một cuộc họp kín, tố cáo sự sùng bái Stalin do lợi ích cục bộ và bên cạnh đó Khrushchyov cũng mạnh mẽ lên tiếng xác định lập trường sống chung hòa bình với các nước tư bản mà trước đó Stalin luôn coi là kẻ thù cần phải đấu tranh chống lại bằng mọi phương tiện.
Sống chung hòa bình, một cải tổ khó chấp nhận
Hà Nội kỷ niệm ngày sinh Lê Nin năm 1970. AFP photo
Ý tưởng mới mẻ này đã lan nhanh trong thế giới cộng sản và bốn năm sau đó, tháng 11 năm 1960 Đại hội Quốc tế Cộng sản tổ chức tại Liên Xô có 81 đảng cộng sản tham dự thì 70 đảng ủng hộ đường lối này của Khrushchyov, còn lại 10 đảng không đồng tình, dẫn đầu là Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đảng duy nhất đứng giữa không theo bên nào là Việt Nam lúc ấy còn giữ danh xưng Đảng Lao Động Việt Nam.
Đại tá Bùi Tín nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân cho biết hoàn cảnh lúc ấy:
Trong đại hội quốc tế đó thì mới bắt đầu chia rẽ. Tại đại hội đó có 70 đảng theo Liên-xô, gần 10 đảng theo Trung Quốc. Lúc đó đảng Lao động Việt Nam đứng giữa, rất thận trọng, tính đứng ra hòa giải chứ không chia rẽ nên không tuyên bố. Trong thời kỳ đầu ông Hồ Chí Minh tham gia có ý ngả về Liên-xô nhưng khi trở về năm 61-62 thì ngày càng bị Mao Trạch Đông rồi Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ lôi kéo. Viện trợ của Trung Quốc sau Điện Biên Phủ vẫn còn rất lớn cho nên theo quan điểm của ông Trường Chinh thì có phần ngả về Trung quốc.
Trước những chuyển biến có tính cách bước ngoặc ấy, Trường Chinh đã giao cho ông Hoàng Minh Chính lúc ấy đang là chủ tịch Viện Triết học soạn thảo văn kiện đi dự đại hội Cộng sản quốc tế còn được gọi là Đại hội 81. Bà Lê Hồng Ngọc vợ ông Hoàng Minh Chính kể lại chi tiết về việc này:
Viện trợ của Trung Quốc sau Điện Biên Phủ vẫn còn rất lớn cho nên theo quan điểm của ông Trường Chinh thì có phần ngả về Trung quốc.
- Đại tá Bùi Tín
Hồi anh Chính ở bên Liên Xô về thì anh ấy theo quan điểm của Khrushchyov. Khi anh ấy đang làm ở Viện Triết thì ông Trường Chinh gọi lên nói rằng Hoàng Minh Chính đi học ở bên ngoài về và bây giờ trong Bộ chính trị đang tranh cãi nhau về Liên Xô và Trung Quốc rằng có nên đi dự đại hội 81 của Đảng Cộng sản không? Bây giờ giao cho Hoàng Minh Chính tập hợp tài liệu viết một số ý kiến để trình bày với Bộ chính trị. Sau đó ông Chính về mời ông Hà Xuân Trường là thông gia của nhà tôi với ông Trần Minh Việt ( Phó bí thư thành ủy Hà Nội ) ba ông họp nhau lại cùng bàn bạc viết bài đó để mà trình bày cho Bộ chính trị về năm quan điểm của Khrushchyov và của Mao chống nhau như thế nào, và tại sao lại nên theo quan điểm của Khrushchyov.
Ông Trường Chinh hỏi rằng chuyện này có tiền lệ không? Ý ông ấy muốn hỏi là muốn giành độc lập tự do mà không cần đánh nhau, đổ máu, thì ông Chính trả lời là có. Mấy hôm sau họp Bộ chính trị với bài của ông Chính và Bộ chính trị nhất trí với bài viết này và chuẩn bị cử người tham dự đại hội đảng 81. Nhưng không ngờ chỉ ít lâu sau quan điểm ấy lại bị bác và quay lại với quan điểm của Trung Quốc.
Trở mặt với đồng chí
CT Hồ Chí Minh (thứ 2 từ phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trên, trái) bàn về một chiến dịch quân sự ở Việt Nam vào năm 1950. AFP photo
Trước khi Đại hội 81 khai mạc thì phe theo Trung Quốc đã lập được Nghị quyết 9 với nội dung “Ðường lối đối nội, đối ngoại của đảng và nhà nước là thống nhất về cơ bản với đường lối đối nội đối ngoại của đảng và nhà nước Trung Quốc.”
Vốn là người ủng hộ nhiệt tình tư tưởng xét lại theo kiểu Liên Xô, Hoàng Minh Chính không chấp nhận sự Bắc thuộc này và ông đã nhanh tay tuồn văn kiện của ông viết có tên: “Về Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam” cho nhiều người ngay trong Hội nghị Trung ương 9, trong ấy có những bản được chuyển tới cho một số ủy viên Trung ương đảng.
Bà Lê Hồng Ngọc vợ của ông Hoàng Minh Chính nhớ lại việc này như sau:
Sau khi đi học Liên Xô về anh cũng có kể cho tôi nghe vài câu chuyện là anh rất tin tưởng vào đảng Cộng sản Liên Xô và muốn đảng mình theo đảng Cộng sản Liên Xô để đổi mới. Anh ấy cho rằng đảng mình sẽ có sự thay đổi cho nên là anh nói từ khi anh học ở Liên Xô cho đến khi về trong nước anh vẫn kiên trì nói lên cái quan điểm mà anh cho là đúng. Anh chống Trung Quốc, không bằng lòng với Trung Quốc.
Trước chủ trương hoà hoãn, sống chung hòa bình với thế giới tư bản của Khrushchyov, Việt Nam đứng giữa hai chọn lựa, nếu theo Liên Xô sẽ không hướng đến việc tham gia cuộc chiến với miền Nam bằng chiến tranh giải phóng, với xương máu và có thể làm cho Mỹ tham gia cuộc chiến. Nếu chọn Trung Quốc có nghĩa sẽ chọn học thuyết cứng rắn của Mao Trạch Đông tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt.
Sau khi đi học Liên Xô về anh cũng có kể cho tôi nghe vài câu chuyện là anh rất tin tưởng vào đảng Cộng sản Liên Xô và muốn đảng mình theo đảng Cộng sản Liên Xô để đổi mới.
- Bà Lê Hồng Ngọc
Phe theo Trung Quốc gồm Lê Duẩn, Tổng bí thư, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam, Lê Đức Thọ, Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng, cũng là người vẽ ra học thuyết chống chủ nghĩa xét lại của Liên Xô, Trần Quốc Hoàn Bộ trưởng Công an.
Trong khi đó nhóm lớn hơn ngả theo khuynh hướng thân Liên Xô như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ chính trị, chủ tịch Quân ủy, bộ trưởng Quốc phòng. Nguyên Ngoại trưởng Ung văn Khiêm, Ủy viên Bộ chính trị Dương Bạch Mai, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Trần Minh Việt, Bùi Công Trừng, Hoàng Minh Chính.
Thanh trừng hay xử lý nội bộ?
Năm 1967, hơn 40 nhân vật quan trọng bị bắt ở Hà Nội với cáo buộc đã theo đuổi chủ nghĩa xét lại. Việc bắt giữ Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh và tướng Đặng Kim Giang để ép hai ông này cung khai tội danh phản quốc áp đặt lên đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giáng một đòn nặng nề lên những người thân cận với ông. Vụ thanh trừng này được ông Nguyễn Minh Cần, Ủy viên Thành ủy Hà Nội và là Phó chủ tịch Ủy ban hành chính Hà nội, chủ nhiệm báo Thủ đô Hà nội, một người chọn ở lại Liên Xô khi vụ án diễn ra cho biết:Ông Võ Nguyên Giáp có phải đâu là người phản quốc, chống đảng. Ông là người rất có công với Đảng và rất có công với đất nước nhưng ông ấy không tán thành đường lối của Trung Quốc.Ông Võ Nguyên Giáp có phải đâu là người phản quốc, chống đảng. Ông là người rất có công với Đảng và rất có công với đất nước nhưng ông ấy không tán thành đường lối của Trung Quốc. Nhưng ông khéo lắm vì ông biết cái thế của ông. Vậy mà người ta cũng tìm cách gạt ra. Có thời kỳ ông phải đi làm cái việc mà người dân gọi là Đại tướng mà đi đặt vòng…họ đưa những người dưới tay của ông ấy lên để chỉ huy và kềm kẹp ông.
- Ông Nguyễn Minh Cần
Vụ án vẫn không thể khép lại sau cái chết của Tướng Giáp vào ngày 4 tháng 10 năm 2013 vì sau lưng ông vẫn còn nhiều người còn sống cần được minh oan, mà lớn nhất là cái chết của ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và người con trai của ông là nhà văn Vũ Thư Hiên đã ngậm đắng nuốt cay nhiều năm trời trong các nhà tù mà không biết mình phạm tội gì đối với nhân dân, đất nước.
*Quý vị vừa theo dõi phần đầu của Vụ án xét lại chống đảng, mới quý vị theo dõi tiếp phần hai có tựa “Chống Đảng hay chống Tướng”trong phần kế tiếp.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-10-22
Nguyễn Hưng Quốc - Tranh chấp quyền lực
22.10.2013
Lâu nay, ở Việt Nam cũng như ở ngoại quốc, hầu như ai cũng biết sự mâu
thuẫn gay gắt giữa ba người đứng đầu bộ máy cầm quyền tại Việt Nam:
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng; Trương Tấn Sang, chủ tịch nước; và
Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng. Những mâu thuẫn ấy được bộc lộ rõ rệt qua
các cuộc tranh chấp quyền lực kéo dài nhiều năm, thậm chí, như trong
trường hợp giữa Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng, kéo dài nhiều thập
niên, lúc cả hai còn là những cán bộ lãnh đạo cấp địa phương. Chúng
không có gì bí mật cả. Mọi người đều biết.
Tuy nhiên, liên quan đến các mâu thuẫn ấy, có một khía cạnh đáng chú ý hơn: Cách xây dựng và củng cố quyền lực của mỗi người. Có lẽ, một lúc nào đó, khi những người trong cuộc lên tiếng, chúng ta sẽ có bức tranh đầy đủ hơn về điều này. Còn bây giờ, nhìn từ bên ngoài, điều chúng ta có thể thấy được là những chiến lược chung.
Chiến lược ấy, ở Nguyễn Phú Trọng, là nhắm đến việc tập hợp các lực lượng bảo thủ và giáo điều trong đảng, những người còn tin tưởng vào sức mạnh và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội (so với chủ nghĩa tư bản); ở Nguyễn Tấn Dũng, là ban phát ân huệ để mua sự trung thành của quân đội và công an (bằng nhiều cách, trong đó, có cách phong tướng cho thật nhiều người, ví dụ, riêng cuối năm 2012, có đến 49 tướng công an mới!) và các giám đốc công ty quốc doanh, những nơi làm ăn béo bở nhất hiện nay.
So với Nguyễn Phú Trọng, chiến lược củng cố quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng coi bộ có hiệu quả hơn. Điều đó có thể thấy dễ dàng qua các cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai bên trong mấy năm vừa qua: Nguyễn Phú Trọng chỉ thắng ở vòng tranh chấp thuộc Bộ Chính trị (gồm, trước, 14 người; hiện nay, 16) nhưng lại thua Nguyễn Tấn Dũng ở cấp Trung ương đảng (bao gồm 175 người). Thua từ cuộc vận động thi hành kỷ luật đối với Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị Trung ương 6 (tháng 10/2012) đến cuộc vận động đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị trong Hội nghị Trung ương 7 (tháng 5/2013).
Thế còn Trương Tấn Sang? Trước, khi còn là Thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng, có vẻ như ông khá được lòng giới trí thức. Nhiều người cho ông có tâm huyết và viễn kiến, khao khát làm một cái gì đó hữu ích cho đất nước. Tuy nhiên, từ sau Đại hội XI, khi ông lên làm chủ tịch nước, dường như niềm tin ấy dần dần nguội lạnh. Người ta không còn hy vọng hay chờ đợi gì ở ông nữa. Trương Tấn Sang cũng không thể cạnh tranh với Nguyễn Phú Trọng trong việc tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng giáo điều vốn từ lâu vẫn nghi ngờ ông. Ông càng không thể cạnh tranh với Nguyễn Tấn Dũng ở hai mặt trận: một, với các cán bộ trong quân đội, công an và doanh nghiệp vì trong tư cách chủ tịch nước, vốn chỉ là hư vị, ông không có gì để ban bố ân huệ cho họ; và hai, với dân chúng miền Nam, quê gốc của ông, ông cũng bị Nguyễn Tấn Dũng, cũng là người miền Nam, tranh giành quyết liệt. Ngay cả khi Trương Tấn Sang có liên minh với Nguyễn Phú Trọng, ông cũng không thể thắng.
Bởi vậy, không có gì lạ khi mấy năm gần đây Trương Tấn Sang chuyển hướng sang vận động quần chúng, những người dân bình thường. Ông thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với cử tri, chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh. Ở các cuộc gặp gỡ ấy, bao giờ ông cũng tập trung vào một đề tài chính: chống tham nhũng. Khi hô hào chống tham nhũng, có lúc ông không ngần ngại chĩa mũi dùi thẳng vào Nguyễn Tấn Dũng, dưới cái tên đã đi vào lịch sử: “đồng chí X”. Hơn nữa, hầu như bao giờ ông cũng kêu gọi quần chúng chủ động và tích cực hơn nữa trong trận chiến chống lại tham nhũng – đôi khi được hiểu là chống lại “đồng chí X”.
Với những mục tiêu và chiến lược củng cố quyền lực khác nhau như vậy, khẩu khí của ba người lãnh đạo Việt Nam cũng khá khác nhau. Nguyễn Phú Trọng thường xuất hiện trong các hội trường với thính giả là các đảng viên, ở đó, ông lè nhè đọc các bài diễn văn cũ rích vốn thường được nghe trong mấy thập niên về trước, lúc chế độ Cộng sản chưa bị sụp đổ ở Liên xô và Đông Âu. Nguyễn Tấn Dũng thường xuất hiện trong các hội nghị với các cán bộ vừa có quyền vừa có tiền để huênh hoang báo cáo về các thành tích họ đã đạt được. Còn Trương Tấn Sang thường xuất hiện trong các cuộc họp mặt ở địa phương với áo sơ mi trắng có vẻ rất hiền lành và giản dị để nói về những thao thức của ông trước những vấn đề nghiêm trọng của đất nước.
Thật ra, trong cái gọi là “những vấn đề nghiêm trọng của đất nước” ấy, Trương Tấn Sang hoàn toàn né tránh những vấn đề bức thiết như quan hệ với Trung Quốc và vấn đề dân chủ hay nhân quyền ở Việt Nam. Ông chỉ tập trung chủ yếu vào một khía cạnh: tham nhũng.
Đóng vai tiên phong trong mặt trận chống tham nhũng, Trương Tấn Sang thường lặp đi lặp lại một số điểm: Một, ông hiểu và thông cảm với những bức xúc của quần chúng; hai, bản thân ông cũng bức xúc và sẽ sẵn sàng vứt bỏ mọi chức tước, trở về làm dân thường, sống một cách giản dị như mọi người khi ông cảm thấy không có cách nào thực hiện được ý nguyện của mình; và ba, kêu gọi mọi người tiếp sức với ông bằng cách can đảm tố giác bọn tham nhũng.
Nhắm vào các điểm ấy, có khi Trương Tấn Sang khá thành thực. Thành thực ít nhất ở hai điều. Thứ nhất, thừa nhận nạn tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam. Hình ảnh không phải chỉ một con sâu mà là “cả một bầy sâu” tham nhũng là của ông. Cách nói “làm gì cũng ăn hết trọi, loang lổ chỗ nào cũng có tiêu cực” cũng là của ông. Thứ hai, thừa nhận là đảng đã bế tắc trong việc chống tham nhũng: Họp hành, rất căng; chỉ thị, rất nhiều, nhưng tham nhũng vẫn hoàn tham nhũng; cuối cùng, ông kêu gọi: “mọi người cũng cần phải ra tay, chứ không còn cách nào”.
Dĩ nhiên, việc chuyển giao trách nhiệm chống tham nhũng từ các cơ quan chức năng sang quần chúng chỉ là một hình thức mị dân. Dân chúng tố cáo tham nhũng nhưng không có ai giải quyết hết thì sao? Hơn nữa, làm sao bảo vệ những người dân dám tố cáo tham nhũng? Thấp cổ bé miệng, mỗi lần tố cáo là một lần đối đầu với tai họa. Trương Tấn Sang cũng thừa biết, ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có cơ chế nào để bảo vệ người dân trong nỗ lực chống tham nhũng cả. Biết vậy, tại sao ông vẫn kêu gọi dân chúng vào một mặt trận mà ông biết chắc chắn sẽ vô hiệu? Thật ra, ông chỉ cần được lòng dân chúng mà thôi. Điều ông nhắm tới không phải là chống tham nhũng mà là tập hợp lực lượng cho ông.
Trước, không phải trong nội bộ giới lãnh đạo đảng không từng có các cuộc tranh giành quyền lực. Có. Hầu như lúc nào cũng có. Nhưng phần lớn chỉ tập trung trong nội bộ đảng viên, đặc biệt đảng viên cao cấp. Do đó, chúng nằm ngoài tầm mắt của dân chúng. Còn bây giờ, phạm vi để tranh thủ rộng hơn, không chỉ giới hạn trong Trung ương đảng mà lan ra mọi đảng viên, và thậm chí, cả quần chúng. Khi phạm vi tranh thủ mở rộng như thế, các thủ đoạn chính trị cũng trở thành lộ liễu hơn.
Trong chính trị, các thủ đoạn càng lộ liễu bao nhiêu càng mất tác dụng bấy nhiêu. Trong đó, cái mất lớn nhất là niềm tin.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, liên quan đến các mâu thuẫn ấy, có một khía cạnh đáng chú ý hơn: Cách xây dựng và củng cố quyền lực của mỗi người. Có lẽ, một lúc nào đó, khi những người trong cuộc lên tiếng, chúng ta sẽ có bức tranh đầy đủ hơn về điều này. Còn bây giờ, nhìn từ bên ngoài, điều chúng ta có thể thấy được là những chiến lược chung.
Chiến lược ấy, ở Nguyễn Phú Trọng, là nhắm đến việc tập hợp các lực lượng bảo thủ và giáo điều trong đảng, những người còn tin tưởng vào sức mạnh và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội (so với chủ nghĩa tư bản); ở Nguyễn Tấn Dũng, là ban phát ân huệ để mua sự trung thành của quân đội và công an (bằng nhiều cách, trong đó, có cách phong tướng cho thật nhiều người, ví dụ, riêng cuối năm 2012, có đến 49 tướng công an mới!) và các giám đốc công ty quốc doanh, những nơi làm ăn béo bở nhất hiện nay.
So với Nguyễn Phú Trọng, chiến lược củng cố quyền lực của Nguyễn Tấn Dũng coi bộ có hiệu quả hơn. Điều đó có thể thấy dễ dàng qua các cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai bên trong mấy năm vừa qua: Nguyễn Phú Trọng chỉ thắng ở vòng tranh chấp thuộc Bộ Chính trị (gồm, trước, 14 người; hiện nay, 16) nhưng lại thua Nguyễn Tấn Dũng ở cấp Trung ương đảng (bao gồm 175 người). Thua từ cuộc vận động thi hành kỷ luật đối với Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị Trung ương 6 (tháng 10/2012) đến cuộc vận động đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị trong Hội nghị Trung ương 7 (tháng 5/2013).
Thế còn Trương Tấn Sang? Trước, khi còn là Thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng, có vẻ như ông khá được lòng giới trí thức. Nhiều người cho ông có tâm huyết và viễn kiến, khao khát làm một cái gì đó hữu ích cho đất nước. Tuy nhiên, từ sau Đại hội XI, khi ông lên làm chủ tịch nước, dường như niềm tin ấy dần dần nguội lạnh. Người ta không còn hy vọng hay chờ đợi gì ở ông nữa. Trương Tấn Sang cũng không thể cạnh tranh với Nguyễn Phú Trọng trong việc tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng giáo điều vốn từ lâu vẫn nghi ngờ ông. Ông càng không thể cạnh tranh với Nguyễn Tấn Dũng ở hai mặt trận: một, với các cán bộ trong quân đội, công an và doanh nghiệp vì trong tư cách chủ tịch nước, vốn chỉ là hư vị, ông không có gì để ban bố ân huệ cho họ; và hai, với dân chúng miền Nam, quê gốc của ông, ông cũng bị Nguyễn Tấn Dũng, cũng là người miền Nam, tranh giành quyết liệt. Ngay cả khi Trương Tấn Sang có liên minh với Nguyễn Phú Trọng, ông cũng không thể thắng.
Bởi vậy, không có gì lạ khi mấy năm gần đây Trương Tấn Sang chuyển hướng sang vận động quần chúng, những người dân bình thường. Ông thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ với cử tri, chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh. Ở các cuộc gặp gỡ ấy, bao giờ ông cũng tập trung vào một đề tài chính: chống tham nhũng. Khi hô hào chống tham nhũng, có lúc ông không ngần ngại chĩa mũi dùi thẳng vào Nguyễn Tấn Dũng, dưới cái tên đã đi vào lịch sử: “đồng chí X”. Hơn nữa, hầu như bao giờ ông cũng kêu gọi quần chúng chủ động và tích cực hơn nữa trong trận chiến chống lại tham nhũng – đôi khi được hiểu là chống lại “đồng chí X”.
Với những mục tiêu và chiến lược củng cố quyền lực khác nhau như vậy, khẩu khí của ba người lãnh đạo Việt Nam cũng khá khác nhau. Nguyễn Phú Trọng thường xuất hiện trong các hội trường với thính giả là các đảng viên, ở đó, ông lè nhè đọc các bài diễn văn cũ rích vốn thường được nghe trong mấy thập niên về trước, lúc chế độ Cộng sản chưa bị sụp đổ ở Liên xô và Đông Âu. Nguyễn Tấn Dũng thường xuất hiện trong các hội nghị với các cán bộ vừa có quyền vừa có tiền để huênh hoang báo cáo về các thành tích họ đã đạt được. Còn Trương Tấn Sang thường xuất hiện trong các cuộc họp mặt ở địa phương với áo sơ mi trắng có vẻ rất hiền lành và giản dị để nói về những thao thức của ông trước những vấn đề nghiêm trọng của đất nước.
Thật ra, trong cái gọi là “những vấn đề nghiêm trọng của đất nước” ấy, Trương Tấn Sang hoàn toàn né tránh những vấn đề bức thiết như quan hệ với Trung Quốc và vấn đề dân chủ hay nhân quyền ở Việt Nam. Ông chỉ tập trung chủ yếu vào một khía cạnh: tham nhũng.
Đóng vai tiên phong trong mặt trận chống tham nhũng, Trương Tấn Sang thường lặp đi lặp lại một số điểm: Một, ông hiểu và thông cảm với những bức xúc của quần chúng; hai, bản thân ông cũng bức xúc và sẽ sẵn sàng vứt bỏ mọi chức tước, trở về làm dân thường, sống một cách giản dị như mọi người khi ông cảm thấy không có cách nào thực hiện được ý nguyện của mình; và ba, kêu gọi mọi người tiếp sức với ông bằng cách can đảm tố giác bọn tham nhũng.
Nhắm vào các điểm ấy, có khi Trương Tấn Sang khá thành thực. Thành thực ít nhất ở hai điều. Thứ nhất, thừa nhận nạn tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam. Hình ảnh không phải chỉ một con sâu mà là “cả một bầy sâu” tham nhũng là của ông. Cách nói “làm gì cũng ăn hết trọi, loang lổ chỗ nào cũng có tiêu cực” cũng là của ông. Thứ hai, thừa nhận là đảng đã bế tắc trong việc chống tham nhũng: Họp hành, rất căng; chỉ thị, rất nhiều, nhưng tham nhũng vẫn hoàn tham nhũng; cuối cùng, ông kêu gọi: “mọi người cũng cần phải ra tay, chứ không còn cách nào”.
Dĩ nhiên, việc chuyển giao trách nhiệm chống tham nhũng từ các cơ quan chức năng sang quần chúng chỉ là một hình thức mị dân. Dân chúng tố cáo tham nhũng nhưng không có ai giải quyết hết thì sao? Hơn nữa, làm sao bảo vệ những người dân dám tố cáo tham nhũng? Thấp cổ bé miệng, mỗi lần tố cáo là một lần đối đầu với tai họa. Trương Tấn Sang cũng thừa biết, ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có cơ chế nào để bảo vệ người dân trong nỗ lực chống tham nhũng cả. Biết vậy, tại sao ông vẫn kêu gọi dân chúng vào một mặt trận mà ông biết chắc chắn sẽ vô hiệu? Thật ra, ông chỉ cần được lòng dân chúng mà thôi. Điều ông nhắm tới không phải là chống tham nhũng mà là tập hợp lực lượng cho ông.
Trước, không phải trong nội bộ giới lãnh đạo đảng không từng có các cuộc tranh giành quyền lực. Có. Hầu như lúc nào cũng có. Nhưng phần lớn chỉ tập trung trong nội bộ đảng viên, đặc biệt đảng viên cao cấp. Do đó, chúng nằm ngoài tầm mắt của dân chúng. Còn bây giờ, phạm vi để tranh thủ rộng hơn, không chỉ giới hạn trong Trung ương đảng mà lan ra mọi đảng viên, và thậm chí, cả quần chúng. Khi phạm vi tranh thủ mở rộng như thế, các thủ đoạn chính trị cũng trở thành lộ liễu hơn.
Trong chính trị, các thủ đoạn càng lộ liễu bao nhiêu càng mất tác dụng bấy nhiêu. Trong đó, cái mất lớn nhất là niềm tin.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Giáo dục hay phản giáo dục?*
(Vài góp ý về sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 6)
Giáo
dục công dân là môn học rèn luyện kỹ năng sống, hành động, suy nghĩ,
ứng xử… đúng mực cho các thế hệ học sinh. Vì vậy, những vấn đề, hình
ảnh, bài viết... cần phải đúng chuẩn, bởi những ấn tượng tốt và không
tốt sẽ in sâu vào tâm trí các em trong nhiều năm sau. Tôi xin có vài đề
nghị thay đổi nho nhỏ cho sách này.
1. Trong bài 8, trang 18, truyện đọc “Bác Hồ với mọi người”, đã sử dụng ảnh Bác đang cho em bé ăn nhưng [Bác lại] hút thuốc. Có cháu hỏi: Trên đài, TV, báo chí luôn luôn tuyên truyền: hút thuốc có hại cho chính mình và những người xung quanh, tại sao Bác Hồ lại hút thuốc trước em bé? Thiết nghĩ, chúng ta có rất nhiều ảnh đẹp và quí về Bác, sao lại sử dụng ảnh này.
2. Trong bài 10, trang 23, truyện đọc “Điều ước của Trương Quế Chi”, trong bài có 17 câu thì đã có đến 15 câu từ “Quế Chi” được nhắc đi nhắc lại. Tại sao tác giả Hà Trang không dung đại từ “em” hay “bạn ấy”, “cô bé”… để giảm bớt tần số tên nhân vật xuất hiện quá nhiều trong một bài văn. Và tại sao những nhà biên soạn lại quá dễ dãi khi chọn một bài văn không tiêu biểu về cách hành văn cho sách giáo khoa? Hiện tượng này được lặp lại trong các bài “Tấm gương của một học sinh nghèo vượt khó”, tác giả Tuấn Tú, trang 26; bài “Cô gái vàng của thể thao Việt Nam”, tác giả “Báo Pháp luật và Đời sống số Xuân Nhâm Ngọ 2002”, trang 33. Tương tự như thế, trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, trong bài về Tạ Ngọc Ánh, trang 78, có 13 câu thì 7 câu được bắt đầu bằng cụm từ “tôi thích”, “tôi muốn”. Bài về Trịnh Xuân Minh cũng giống như thế. Nếu tôi là thầy giáo dạy văn, hay biên tập viên của báo, tôi không thể để một bài báo viết cẩu thả, cách hành văn nghèo nàn như thế xuất hiện trước người xem, người học.
3. Trang 41 dùng ảnh ông Nông Đức Mạnh là không thuyết phục. Là một lãnh đạo cấp cao của Đảng, ông phải là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam, dù ông còn làm việc hay đã về hưu. Nhưng khi chưa đoạn tang vợ, ông đã lấy con nuôi, người đã từng là bạn gái, em kết nghĩa của con trai. Ông bị chính con gái mình kiện. Nếu có cháu nào hỏi: Sao ông này là người vi phạm những nguyên tắc đạo đức mà con phải học tập? thì các bậc phụ huynh phải trả lời thế nào?
1. Trong bài 8, trang 18, truyện đọc “Bác Hồ với mọi người”, đã sử dụng ảnh Bác đang cho em bé ăn nhưng [Bác lại] hút thuốc. Có cháu hỏi: Trên đài, TV, báo chí luôn luôn tuyên truyền: hút thuốc có hại cho chính mình và những người xung quanh, tại sao Bác Hồ lại hút thuốc trước em bé? Thiết nghĩ, chúng ta có rất nhiều ảnh đẹp và quí về Bác, sao lại sử dụng ảnh này.
2. Trong bài 10, trang 23, truyện đọc “Điều ước của Trương Quế Chi”, trong bài có 17 câu thì đã có đến 15 câu từ “Quế Chi” được nhắc đi nhắc lại. Tại sao tác giả Hà Trang không dung đại từ “em” hay “bạn ấy”, “cô bé”… để giảm bớt tần số tên nhân vật xuất hiện quá nhiều trong một bài văn. Và tại sao những nhà biên soạn lại quá dễ dãi khi chọn một bài văn không tiêu biểu về cách hành văn cho sách giáo khoa? Hiện tượng này được lặp lại trong các bài “Tấm gương của một học sinh nghèo vượt khó”, tác giả Tuấn Tú, trang 26; bài “Cô gái vàng của thể thao Việt Nam”, tác giả “Báo Pháp luật và Đời sống số Xuân Nhâm Ngọ 2002”, trang 33. Tương tự như thế, trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, trong bài về Tạ Ngọc Ánh, trang 78, có 13 câu thì 7 câu được bắt đầu bằng cụm từ “tôi thích”, “tôi muốn”. Bài về Trịnh Xuân Minh cũng giống như thế. Nếu tôi là thầy giáo dạy văn, hay biên tập viên của báo, tôi không thể để một bài báo viết cẩu thả, cách hành văn nghèo nàn như thế xuất hiện trước người xem, người học.
3. Trang 41 dùng ảnh ông Nông Đức Mạnh là không thuyết phục. Là một lãnh đạo cấp cao của Đảng, ông phải là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam, dù ông còn làm việc hay đã về hưu. Nhưng khi chưa đoạn tang vợ, ông đã lấy con nuôi, người đã từng là bạn gái, em kết nghĩa của con trai. Ông bị chính con gái mình kiện. Nếu có cháu nào hỏi: Sao ông này là người vi phạm những nguyên tắc đạo đức mà con phải học tập? thì các bậc phụ huynh phải trả lời thế nào?
Kính đề nghị Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét, điều chỉnh sao cho các cháu nhận được những kiến thức có lợi cho tương lai của mình.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
Việt Nam: Sửa đổi Hiến pháp để Bảo vệ Nhân quyền
“Đây là cơ hội duy nhất trong cả một
thế hệ để thay đổi hiến pháp Việt Nam sao cho các quyền tự do cơ bản của
người dân được bảo đảm, ví dụ như quyền kêu gọi dân chủ hay thành lập
các công đoàn độc lập và các tổ chức chính trị độc lập. Quốc Hội không
nên chỉ thực hiện những thay đổi sơ bộ đối với một hệ thống pháp lý mang
nặng tính đàn áp, mà cần đáp ứng các yêu cầu của công chúng và bắt tay
vào cải tổ hiến pháp một cách cơ bản.
» Brad Adams, Asia director
|
(New York) – Trong một văn thư vừa gửi tới Chủ tịch Quốc Hội, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Quốc Hội Việt Nam cần đảm bảo bản hiến pháp sửa đổi của Việt Nam đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Quốc Hội Việt Nam đang xem xét và dự định sẽ bỏ phiếu về các nội dung sửa đổi hiến pháp trong phiên họp từ ngày 21 tháng Mười đến ngày 30 tháng Mười một năm 2013.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng các nghị viên Quốc Hội đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử và, bất chấp các yêu cầu của Đảng Cộng sản đang cầm quyền, nên sử dụng thời cơ này để mang lại những thay đổi có ý nghĩa cho một hệ thống hiến pháp và pháp luật vốn đã cản trở người dân Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản một cách có hệ thống. Lần gần đây nhất bản Hiến pháp Việt Nam 1992 được sửa đổi là vào năm 2001.
“Đây là cơ hội duy nhất trong cả một thế hệ để thay đổi hiến pháp Việt Nam sao cho các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo đảm, ví dụ như quyền kêu gọi dân chủ hay thành lập các công đoàn độc lập và các tổ chức chính trị độc lập”, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Quốc Hội không nên chỉ thực hiện những thay đổi sơ bộ đối với một hệ thống pháp lý mang nặng tính đàn áp, mà cần đáp ứng các yêu cầu của công chúng và bắt tay vào cải tổ hiến pháp một cách cơ bản.
Dù Việt Nam đang là một nhà nước độc đảng và Đảng Cộng sản kiểm soát quá trình nghị sự, nhưng theo luật việc sửa đổi hiến pháp thuộc thẩm quyền của Quốc Hội. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, một số nội dung sửa đổi hiến pháp được đề xuất chính thức có thể tạo những tiến bộ về nhân quyền. Cụ thể như, “nhân quyền” chỉ được nhắc tới một lần duy nhất, mang tính hình thức trong bản Hiến pháp 1992, nhưng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bản dự thảo lần này với cách thể hiện cho thấy rằng nhân quyền thuộc về tất cả mọi người ở Việt Nam, bất kể có phải là công dân Việt Nam hay không. Những tiến bộ khác trong bản dự thảo gồm có các điều khoản về phân biệt đối xử, về tiếp cận trợ giúp pháp lý, về xét xử công bằng, về cưỡng bức lao động và điều khoản thành lập Hội đồng Hiến pháp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều khoản loại trừ và các lỗ hổng pháp lý làm yếu đi đáng kể các nội dung về quyền con người cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và hội họp, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền. Dự thảo sửa đổi nội dung điều 4 Hiến pháp, vốn gây nhiều tranh cãi, lại nới rộng thêm điều kiện cho Đảng Cộng sản tuyên bố về quyền lãnh đạo đất nước – ghi nhận rằng Đảng này là “đội tiên phong” của không riêng gì “giai cấp công nhân” Việt Nam như trong Hiến pháp 1992, mà còn của cả “dân tộc Việt Nam”, khiến cho đa nguyên chính trị và bầu cử chính trị định kỳ thực chất trở nên bất khả thi.
Để thực hiện được một chương trình cải tổ thực thụ, bảo đảm các quyền tự do và nhân quyền cơ bản, bản hiến pháp phải đáp ứng được các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Việt Nam với tư cách là một quốc gia thành viên của các công ước, hiệp ước quốc tế về nhân quyền đồng thời đảm bảo khả năng thực thi pháp lý của các điều khoản đó trong lãnh thổ Việt Nam. Bản hiến pháp cần có các điều khoản quy định rằng bất cứ sự hạn chế nào đối với nhân quyền và quyền tự do chỉ có thể là điều kiện cần thiết trong một xã hội dân chủ, và không cho phép các cơ quan nhà nước hay tòa án được vi phạm các quyền con người đã được quốc tế công nhận.
“Nhân dân Việt Nam đang chất vấn một cách chính đáng rằng liệu một bản hiến pháp mới có mang lại thay đổi cho đời sống của mình hay chỉ là những ngôn từ đẹp đẽ trên giấy tờ”, ông Adams nói. “Có quá nhiều điều khoản loại trừ và lỗ hổng khiến người ta có thể thắc mắc rằng liệu việc sửa đổi hiến pháp lần này có phải chỉ đơn thuần là một bài toán về quan hệ công hay không. Nếu có ý định nghiêm túc về cải tổ, Đảng Cộng sản sẽ để cho Quốc Hội chứng minh rằng những kẻ hoài nghi đã nghĩ sai.”
Dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt Nam được chính thức công khai với công chúng và công chức nhà nước vào ngày mồng 2 tháng Giêng năm 2013, với việc công bố những nội dung dự kiến thay đổi so với bản Hiến pháp 1992 hiện hành. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, chính phủ đã mời người dân đóng góp ý kiến về dự thảo. Hàng chục ngàn người dân Việt Nam đã viết thư góp ý.
Những người dân Việt Nam có can đảm vận động để thay đổi hiến pháp đã trở thành đối tượng của một chiến dịch chính thức nhằm ngăn chặn những quan điểm không vừa ý nhà nước, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu. Điều này có vẻ là một nguyên nhân chính trong vụ bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân vào ngày 27 tháng Mười hai năm 2012, sau đó ông bị xử vào ngày mồng 2 tháng Mười vừa qua với mức án 30 tháng tù về tội danh trốn thuế ngụy tạo. Những người lên tiếng phê bình một cách ôn hòa khác, như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, blogger Nguyễn Hữu Vinh và nhà hoạt động Phật giáo Lê Công Cầu cũng là nạn nhân của chiến dịch này.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa thể hiện các dấu hiệu cho thấy họ nghiêng về giải pháp bớt tính đàn áp hơn trong vấn đề các quyền cơ bản của con người. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trong một bài phát biểu ngày 19 tháng Ba về sửa đổi hiến pháp rằng Đảng Cộng sản, nhà nước, và “mọi người dân” phải đấu tranh với các lời nói và việc làm không với tinh thần xây dựng, gây phương hại, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội.” Như để củng cố thêm ý tưởng này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trong ngày 27 tháng Ba rằng bản hiến pháp mới phải thể hiện được tâm nguyện của Đảng Cộng sản.
“Thật là hết sức hài hước khi mời công chúng đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi hiến pháp để rồi bỏ tù những người thể hiện quan điểm riêng của mình,” ông Adams nói. “Nếu bản hiến pháp mới thực hiện được một việc, việc đó phải là chấm dứt tùy tiện sử dụng pháp luật để bỏ tù những người lên tiếng phê bình một cách ôn hòa.”
Đinh Nhật Uy ra tòa ngày 29/10
Quá trình điều tra Đinh Nhật Uy hoàn tất từ tháng 8/2013
Tin từ luật sư cho hay blogger Đinh Nhật Uy sẽ ra tòa ngày 29/10
tới tại Long An vì tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo Điều
258 Bộ Luật hình sự.
Luật sư Hà Huy Sơn thông báo ông đã nhận được giấy mời tới trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Long An vào lúc 7:30 sáng ngày 29/10 để bào chữa cho Đinh Nhật Uy.
Một luật sư khác là ông Nguyễn Văn Miếng cũng nhận được giấy mời với nội dung tương tự.
Quá trình điều tra blogger Đinh Nhật Uy đã hoàn tất từ tháng Tám. Biên bản kết luận điều tra bị rò rỉ trên mạng cho thấy đa số các bằng chứng buộc tội được thu thập từ trang Facebook cá nhân của Uy và liên kết chia sẻ trên trang Facebook của người khác.
Đinh Nhật Uy, 30 tuổi, anh trai của Đinh Nguyên Kha, bị bắt tạm giam hôm 15/6 để điều tra về 'Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân' theo Điều 258 Bộ Luật hình sự.
Bản kết luận điều tra dài bảy trang do Đại tá Nguyễn Sáu, Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Long An, ký ngày 27/8.
Cơ quan điều tra xác định rằng từ ngày 21/11/2012 đến ngày 15/06/2013 tức thời điểm bị bắt, Đinh Nhật Uy đã "sử dụng máy vi tính kết nối mạng internet để thực hiện 58 lượt đăng tin trên trang Facebook cá nhân... Các tin đăng này có chứa nội dung hướng đến việc xâm hại các cơ quan Nhà nước, tổ chức và công dân..."
Ông Đinh Nhật Uy bị nói đã sử dụng trang Facebook cá nhân để "đăng tin có nội dung chỉ trích, phê phán, chế nhạo hoạt động của các cơ quan tư pháp; xúc phạm đến hai tổ chức kinh tế là tập đoàn Viễn Thông quân đội và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam".
"Nội dung tin đăng thậm chí đã bôi nhọ, xúc phạm đến một số cá nhân trong đó có lãnh đạo nhà nước."
Ông cũng bị cáo buộc đã để hiển thị tin dưới dạng công khai "nên bất kỳ người dùng Facebook nào cũng có thể liên kết vào xem nội dung".
"Kết quả kiểm tra các tin đăng do bị can thực hiện có hàng trăm lượt người dùng Facebook tham gia bình luận và liên kết chia sẻ."
Ngoài ra, theo bản kết luận điều tra nói trên, trang Facebook của Đinh Nhật Uy còn chia sẻ đường link tới các trang và blog khác, có nội dung "chống đối chính quyền , cổ vũ cho các hoạt động vi phạm pháp luật".
Ngoài các hoạt động trên mạng xã hội Facebook, Đinh Nhật Uy còn bị buộc là đã trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài là RFA, VOA và Radio Chân trời mới với nội dung "bênh vực Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên"
Đây là vụ án đầu tiên mà đa số tội trạng được thực hiện trên mạng xã hội Facebook, hiện theo một số thống kê đã có gần 20 triệu người sử dụng ở Việt Nam.
(BBC)
Luật sư Hà Huy Sơn thông báo ông đã nhận được giấy mời tới trụ sở Tòa án Nhân dân tỉnh Long An vào lúc 7:30 sáng ngày 29/10 để bào chữa cho Đinh Nhật Uy.
Một luật sư khác là ông Nguyễn Văn Miếng cũng nhận được giấy mời với nội dung tương tự.
Quá trình điều tra blogger Đinh Nhật Uy đã hoàn tất từ tháng Tám. Biên bản kết luận điều tra bị rò rỉ trên mạng cho thấy đa số các bằng chứng buộc tội được thu thập từ trang Facebook cá nhân của Uy và liên kết chia sẻ trên trang Facebook của người khác.
Đinh Nhật Uy, 30 tuổi, anh trai của Đinh Nguyên Kha, bị bắt tạm giam hôm 15/6 để điều tra về 'Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân' theo Điều 258 Bộ Luật hình sự.
Bản kết luận điều tra dài bảy trang do Đại tá Nguyễn Sáu, Thủ trưởng Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Long An, ký ngày 27/8.
Cơ quan điều tra xác định rằng từ ngày 21/11/2012 đến ngày 15/06/2013 tức thời điểm bị bắt, Đinh Nhật Uy đã "sử dụng máy vi tính kết nối mạng internet để thực hiện 58 lượt đăng tin trên trang Facebook cá nhân... Các tin đăng này có chứa nội dung hướng đến việc xâm hại các cơ quan Nhà nước, tổ chức và công dân..."
Ông Đinh Nhật Uy bị nói đã sử dụng trang Facebook cá nhân để "đăng tin có nội dung chỉ trích, phê phán, chế nhạo hoạt động của các cơ quan tư pháp; xúc phạm đến hai tổ chức kinh tế là tập đoàn Viễn Thông quân đội và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam".
"Nội dung tin đăng thậm chí đã bôi nhọ, xúc phạm đến một số cá nhân trong đó có lãnh đạo nhà nước."
Ông cũng bị cáo buộc đã để hiển thị tin dưới dạng công khai "nên bất kỳ người dùng Facebook nào cũng có thể liên kết vào xem nội dung".
"Kết quả kiểm tra các tin đăng do bị can thực hiện có hàng trăm lượt người dùng Facebook tham gia bình luận và liên kết chia sẻ."
Ngoài ra, theo bản kết luận điều tra nói trên, trang Facebook của Đinh Nhật Uy còn chia sẻ đường link tới các trang và blog khác, có nội dung "chống đối chính quyền , cổ vũ cho các hoạt động vi phạm pháp luật".
Ngoài các hoạt động trên mạng xã hội Facebook, Đinh Nhật Uy còn bị buộc là đã trả lời phỏng vấn đài báo nước ngoài là RFA, VOA và Radio Chân trời mới với nội dung "bênh vực Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên"
Đây là vụ án đầu tiên mà đa số tội trạng được thực hiện trên mạng xã hội Facebook, hiện theo một số thống kê đã có gần 20 triệu người sử dụng ở Việt Nam.
(BBC)
Bác sỹ 'vứt xác bệnh nhân xuống sông'
Bác sỹ Tường (áo trắng) đang chỉ chỗ vứt xác
Một bác sỹ thẩm mỹ bị tố cáo vứt xác nữ bệnh nhân xuống sông Hồng sau
ca phẫu thuật nâng ngực bất thành, theo công an thành phố Hà Nội.
Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự của Công an Hà Nội, nói bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, sinh năm 1973, bị bắt khẩn cấp để điều tra tối 21 tháng Mười.
Các báo nói nạn nhân là bà Lê Thị Thanh Huyền, sinh năm 1974, người đã tới Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường của ông Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực hôm 19 tháng Mười.
Tuy nhiên ca phẫu thuật bất thành khiến bà Huyền tử vong và ông Tường cùng một nhân viên đã chở xác bà ném xuống sông Hồng, báo chí dẫn lời công an Hà Nội nói.
Ông Tường cũng là bác sỹ Khoa ngoại của Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện người ta vẫn chưa tìm thấy xác của bà Huyền, vốn là trưởng phòng bán vé máy bay của Công ty du lịch lữ hành Sài Gòn, chi nhánh tại Hà Nội.
Công an cũng thông báo họ còn triệu tập 10 nhân viên của trung tâm Cát Tường trong quá trình điều tra.
Trước đó một người dân phát hiện xe máy của bà Huyền vẫn cắm nguyên chìa khóa trên đường Cổ Linh, quận Long Biên.
Trên xe máy cũng có túi xách với điện thoại mà người tìm thấy xe đã dùng để liên hệ với chồng nạn nhân, ông Nguyễn Hữu Huy, sinh năm 1973.
Sau khi điều tra, Công an Hà Nôi nói họ đã xác định được bà Huyền đã tới trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường hôm 19/10.
Ông Tường cùng các nhân viên đã hút mỡ từ bụng và bơm vào ngực bà Huyền trong ca phẫu thuật kết thúc lúc 16:00.
Nửa tiếng sau bà Huyền "có biểu hiện co giật, sùi bọt mép," theo Đài tiếng nói Việt Nam, và bác sỹ Tường đã tiêm cho bà Huyền một số thuốc.
"Đến khoảng 17h45, thấy [bà] Huyền tiếp tục có các biểu hiện khác thường như tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, các nhân viên đã thông báo cho bác sỹ Tường biết," VietnamNet đưa tin về các diễn biến tiếp theo.
"Bác sỹ Tường đã yêu cầu các nhân viên truyền dịch, tiêm thuốc chống sốc, cho thở ô-xy rồi quay về trung tâm, thực hiện các biện pháp cấp cứu cho [bà] Huyền.
"Vẫn thấy [bà] Huyền sùi bọt mép, khó thở, bác sỹ Tường đặt ống thở, tiếp tục cho thở ô-xy. Nhận thấy [bà] Huyền rơi vào trạng thái chết lâm sàng, bác sỹ Tường tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong.
"Sợ trách nhiệm, bác sỹ Tường đã cho một số nhân viên ra về, yêu cầu một số nhân viên khác thu dọn đồ đạc, chở sổ xách, máy tính, các dụng cụ khám chữa bệnh đi nơi khác cất giấu để nhằm xóa dấu vết.
"Đến tối, bác sỹ Tường sử dụng xe ô tô cá nhân, cùng nhân viên bảo vệ là Đào Quang Khánh mang xác chị Huyền xuống ô tô.
"[Ông Khánh đi xe Lead của chị Huyền, chạy lòng vòng qua nhiều nơi, còn bác sỹ Tường lái ô tô đi sau.
"[Hai ông] Tường và Khánh đi xe lên đê, ra đường Cổ Linh và để lại xe ở đây.
"Tiếp đó, [ông] Khánh lên ô tô cùng [ông] Tường chạy về cầu Thanh Trì. Đến giữa cầu, cả hai dừng lại, cùng khiêng xác chị Huyền ném xuống sông Hồng. Lúc đó khoảng 23h."
Công an Hà Nội thông báo rằng họ đã khởi tố vụ án và khởi tố, bắt khẩn cấp ông Nguyễn Mạnh Tường để điều tra về hành vi giết người.
10 nhân viên của Thẩm mỹ viện Cát Tường cũng đang bị thẩm vấn.
(BBC)
Đại tá Dương Văn Giáp, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự của Công an Hà Nội, nói bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, sinh năm 1973, bị bắt khẩn cấp để điều tra tối 21 tháng Mười.
Các báo nói nạn nhân là bà Lê Thị Thanh Huyền, sinh năm 1974, người đã tới Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường của ông Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực hôm 19 tháng Mười.
Tuy nhiên ca phẫu thuật bất thành khiến bà Huyền tử vong và ông Tường cùng một nhân viên đã chở xác bà ném xuống sông Hồng, báo chí dẫn lời công an Hà Nội nói.
Ông Tường cũng là bác sỹ Khoa ngoại của Bệnh viện Bạch Mai.
Hiện người ta vẫn chưa tìm thấy xác của bà Huyền, vốn là trưởng phòng bán vé máy bay của Công ty du lịch lữ hành Sài Gòn, chi nhánh tại Hà Nội.
Công an cũng thông báo họ còn triệu tập 10 nhân viên của trung tâm Cát Tường trong quá trình điều tra.
Ném xác xuống sông
Trang tin VietNamNet nói công an đã vào cuộc sau khi được người thân của bà Huyền thông báo bà mất tích.Trước đó một người dân phát hiện xe máy của bà Huyền vẫn cắm nguyên chìa khóa trên đường Cổ Linh, quận Long Biên.
Trên xe máy cũng có túi xách với điện thoại mà người tìm thấy xe đã dùng để liên hệ với chồng nạn nhân, ông Nguyễn Hữu Huy, sinh năm 1973.
Sau khi điều tra, Công an Hà Nôi nói họ đã xác định được bà Huyền đã tới trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường hôm 19/10.
"Vẫn thấy [bà] Huyền sùi bọt mép, khó thở, bác sỹ Tường đặt ống thở, tiếp tục cho thở ô-xy. Nhận thấy [bà] Huyền rơi vào trạng thái chết lâm sàng, bác sỹ Tường tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong."Trang tin của Đài tiếng nói Việt Nam cho biết bà Huyền tới trung tâm lúc 11h và việc phẫu thuật thẩm mỹ bắt đầu lúc 12h.
VietnamNet
Ông Tường cùng các nhân viên đã hút mỡ từ bụng và bơm vào ngực bà Huyền trong ca phẫu thuật kết thúc lúc 16:00.
Nửa tiếng sau bà Huyền "có biểu hiện co giật, sùi bọt mép," theo Đài tiếng nói Việt Nam, và bác sỹ Tường đã tiêm cho bà Huyền một số thuốc.
"Đến khoảng 17h45, thấy [bà] Huyền tiếp tục có các biểu hiện khác thường như tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, các nhân viên đã thông báo cho bác sỹ Tường biết," VietnamNet đưa tin về các diễn biến tiếp theo.
"Bác sỹ Tường đã yêu cầu các nhân viên truyền dịch, tiêm thuốc chống sốc, cho thở ô-xy rồi quay về trung tâm, thực hiện các biện pháp cấp cứu cho [bà] Huyền.
"Vẫn thấy [bà] Huyền sùi bọt mép, khó thở, bác sỹ Tường đặt ống thở, tiếp tục cho thở ô-xy. Nhận thấy [bà] Huyền rơi vào trạng thái chết lâm sàng, bác sỹ Tường tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp cứu, nhưng nạn nhân đã tử vong.
"Sợ trách nhiệm, bác sỹ Tường đã cho một số nhân viên ra về, yêu cầu một số nhân viên khác thu dọn đồ đạc, chở sổ xách, máy tính, các dụng cụ khám chữa bệnh đi nơi khác cất giấu để nhằm xóa dấu vết.
"Đến tối, bác sỹ Tường sử dụng xe ô tô cá nhân, cùng nhân viên bảo vệ là Đào Quang Khánh mang xác chị Huyền xuống ô tô.
"[Ông Khánh đi xe Lead của chị Huyền, chạy lòng vòng qua nhiều nơi, còn bác sỹ Tường lái ô tô đi sau.
"[Hai ông] Tường và Khánh đi xe lên đê, ra đường Cổ Linh và để lại xe ở đây.
"Tiếp đó, [ông] Khánh lên ô tô cùng [ông] Tường chạy về cầu Thanh Trì. Đến giữa cầu, cả hai dừng lại, cùng khiêng xác chị Huyền ném xuống sông Hồng. Lúc đó khoảng 23h."
Công an Hà Nội thông báo rằng họ đã khởi tố vụ án và khởi tố, bắt khẩn cấp ông Nguyễn Mạnh Tường để điều tra về hành vi giết người.
10 nhân viên của Thẩm mỹ viện Cát Tường cũng đang bị thẩm vấn.
(BBC)
Vì sao bác sỹ thẩm mỹ vứt xác nạn nhân?
Đến tối 22/10, nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền - được cho là đã chết sau khi phẫu thuật thẩm mỹ và bị ném xuống sông Hồng vẫn chưa tìm thấy xác, trong khi vào buổi chiều cùng ngày, giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (45 đường Giải Phóng, Hà Nội) đã khai nhận làm chết chị Huyền và mang xác vứt xuống sông để phi tang.
|
Manh mối từ chiếc Iphone 5
Vụ án được phát hiện vào lúc 23h ngày 19/10 khi anh Vũ Văn Tuấn (SN 1990, trú tại Q. Long Biên) trên đường về nhà, khi đến đường Cổ Linh (P. Thạch Bàn) thì phát hiện trên vỉa hè có một xe máy màu đen mang BKS 30K2 - 8747 đổ nghiêng trên vỉa hè trong tình trạng chìa khóa cắm vào ổ điện, xe tắt máy, ở móc xe có treo một túi xách nhỏ. Mở túi xách, anh Tuấn thấy có 2 thẻ ATM, một điện thoại Nokia màu đỏ và một điện thoại Iphone 5, một CMND mang tên Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, trú tại 36 Hàng Thiếc, Hà Nội). Thấy nhiều cuộc gọi lỡ trong chiếc điện thoại, anh Tuấn đã gọi lại vào một số máy thì đầu dây bên kia có người xưng tên Quân (là anh rể của Huyền).
Ngay trong đêm 19/10, anh Nguyễn Hữu Huy (SN 1973, trú tại Hàng Thiếc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là chồng của chị Huyền đã đến địa điểm có chiếc xe máy của vợ anh. Theo anh Huy, sáng ngày 19/10, chị Huyền có nói với gia đình đi có việc riêng nhưng đến đêm không thấy về nhà. Đến 22h đêm 19/10, mọi người trong nhà đã chia nhau đi nhiều nơi tìm kiếm nhưng không thấy, sau đó gia đình phát hiện sự việc qua thông tin anh Tuấn cung cấp.
Sau khi tiếp nhận lời khai của gia đình nạn nhân, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra và làm rõ nội dung vụ án. Đại tá Dương Văn Giáp - Trưởng phòng CSHS, CA TP Hà Nội cho biết, điều tra ban đầu cho thấy, sáng 19/10, do có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, chị Lê Thị Thanh Huyền (hiện đang là Trưởng phòng bán vé máy bay của Công ty du lịch lữ hành Sài Gòn tại Hà Nội) đã đến Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường để liên hệ làm phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ, nâng ngực. Trước đó chị Huyền đã đặt cọc 50 triệu đồng. Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết, bác sỹ Tường cùng 3 nhân viên của trung tâm gồm: Lê Thị Ngọc Vân, Bùi Thị Hoa và một y tá tên Thư tiến hành gây mê, sau đó hút toàn bộ mỡ ở phần bụng, nâng ngực cho chị Huyền.
Đối tượng Nguyễn Mạnh Tường ( áo trắng, giữa) tại hiện trường thực nghiệm điều tra
|
Chưa tìm được xác nạn nhân
Chiều 22/10, Đại tá Dương Văn Giáp cho biết, vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú tại Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi giết người. Đối tượng Tường hiện đang là bác sỹ của BV Bạch Mai (Hà Nội), kiêm Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ viện Cát Tường (cơ sở chưa được cấp phép hành nghề) trụ sở tại số 45 đường Giải Phóng, Hà Nội.
Theo lời khai, Tường đã dùng ống loại 50cc hút khoảng 11 ống bơm mỡ từ phần bụng rồi bơm vào ngực chị Huyền. Đến 16h cùng ngày thì ca phẫu thuật xong. Sau đó 3 nhân viên Vân, Hoa và Thư đưa chị Huyền ra phòng ngoài nằm nghỉ. Khoảng 30 phút sau chị Huyền có biểu hiện co giật chân tay, sùi bọt mép, thấy vậy bác sỹ Tường đã tiêm ngay thuốc chống sốc thì chị Huyền không có các biểu hiện nêu trên nữa. Nhưng đến khoảng 17h45 cùng ngày, phát hiện thấy chị Huyền có biểu hiện tím tái, huyết áp không đo được thì Tường tiếp tục yêu cầu nhân viên truyền dịch, tiêm thuốc chống sốc cho chị Huyền. Ít phút sau, chị Huyền rơi vào tình trạng chết lâm sàng, rồi tử vong. Sau khi thấy chị Huyền chết, vì sợ trách nhiệm nên Tường yêu cầu các nhân viên tại trung tâm thu dọn đồ đạc rồi chở sổ sách, các dụng cụ khám chữa bệnh đi nơi khác cất giấu để xóa các dấu vết.
Tối cùng ngày, Tường đã sử dụng ô tô cá nhân mang BKS 29A-4881 cùng với nhân viên bảo vệ là Đoàn Quang Khánh (SN 1996, trú tại số 4 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội) mang xác của chị Huyền xuống ô tô của mình đem đi phi tang. Lúc này, Tường lái ô tô còn Khánh chạy xe máy của chị Huyền. Khi đến khu vực đường Cổ Linh, Thạch Bàn, Long Biên thì Khánh bỏ lại xe máy của chị Huyền rồi leo lên ô tô của Tường. Sau khi chạy đến giữa cầu Thanh Trì thì Tường dừng xe lại rồi cùng Khánh khiêng xác chị Huyền ném xuống sông Hồng.
Sau khi thu thập đủ chứng cứ, sáng 22/10, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã có lệnh bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú tại Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi giết người và 10 nhân viên của trung tâm Cát Tường để tiến hành điều tra. Chiều cùng ngày, CQĐT cũng đã tiến hành thực nghiệm hiện trường. “Hiện cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội đã phối hợp với công an các địa phương: Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình để tìm xác nạn nhân. Trước mắt khi chưa tìm được xác của chị Huyền thì chưa thể làm rõ hơn các nguyên nhân tử vong của nạn nhân”, Đại tá Giáp cho biết.
Xem xét trách nhiệm của Bệnh viện Bạch Mai Trả lời câu hỏi của PV về trách nhiệm của BV Bạch Mai trong việc quản lý nhân viên khi để bác sỹ của mình mở thẩm mỹ viện khi chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp phép, Đại tá Giáp cho rằng, cơ quan CSĐT hiện chưa xác định được nhưng sẽ làm rõ việc này. “Chúng tôi khẳng định, cơ sở Cát Tường chưa có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ của Sở Y tế Hà Nội nhưng vẫn hoạt động từ tháng 4/2013 cho đến nay. Còn trách nhiệm của BV trong việc quản lý nhân viên, chúng tôi sẽ làm rõ trong thời gian tới”, ông Giáp nói. Giám đốc Nguyễn Mạnh Tường phạm tội gì? Giả định 1 là ông Tường có mâu thuẫn cá nhân lợi dung việc phẫu thuật thẩm mỹ để cố ý giết bà Huyền thì ông Tường chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự. Còn hành vi vứt xác xuống sông có thể chỉ là tình tiết tăng nặng mà thôi. Giả định 2 là ông Tường tắc trách trong nghiệp vụ dẫn đến bệnh nhân sốc phản vệ chết do có bệnh lý từ trước thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 99, Bộ luật Hình sự là tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Hành vi vứt xác xuống sông sẽ là tình tiết tăng nặng hình phạt khi cố tình phi tang che giấu hành vi phạm tội, những người liên quan có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. LS Lê Thiên Công ty Luật TNHH Lê và Liên Danh |
Đình Quang
Theo GTVT
Nhật Bản định sửa đổi hiến pháp chủ hòa, Trung Quốc nổi giận
Các thành viên của phong trào dân tộc 'Ganbare Nippon' diễu hành với quốc kỳ Nhật Bản gần đền thờ Yasukuni ở Tokyo, tháng 9/2013.
Henry Ridgewell
22.10.2013
TOKYO — Chính phủ Nhật Bản cho biết họ dự trù cho phép lực lượng tự vệ
nắm giữ một vai trò lớn hơn trong nền an ninh toàn cầu. Hiện nay, hiến
pháp chủ hòa của Nhật, được soạn thảo dưới sự giám sát của Mỹ sau thế
chiến thứ hai, chỉ cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang của nước này
cho những mục tiêu phòng thủ để bảo vệ an ninh quốc gia. Các kế hoạch
của Nhật đã gây ra sự tức giận ở Trung Quốc, là nước đang có một vụ
tranh chấp lãnh thổ gay gắt với Nhật Bản. Từ Tokyo, thông tín viên Henry
Ridgewell của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Hơn 100 nhà lập pháp Nhật hôm thứ 6 tuần trước đã đến thăm đền thờ Yasukuni ở Tokyo, là nơi thờ phượng hơn 2 triệu liệt sĩ Nhật, trong đó có những người phạm tội ác chiến tranh.
Chuyến viếng thăm đó đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu như sau.
"Chúng tôi, một lần nữa, nghiêm túc hối thúc Nhật Bản tuân thủ một cách nghiêm chỉnh những cam kết về sự phản tỉnh sâu sắc đối với lịch sử và thông qua những hành động thực tế để có được sự tin tưởng của các nước láng giềng ở Á châu và của cộng đồng quốc tế."
Những mối căng thẳng này đã xuất hiện trong lúc Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp với nhau về vấn đề chủ quyền của những hòn đảo nhỏ mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp quốc hội Nhật Bản hồi tuần trước, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết an ninh quốc gia là một trọng tâm chính của những nỗ lực cải cách chính sách.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói rằng nước ông không thể làm ngơ trước tình hình an ninh khu vực đang mỗi ngày một khắc nghiệt hơn và vì vậy ông sẽ áp dụng những chính sách an ninh và ngoại giao có tính chất thực tế.
Nhật Bản đã phát triển điều mà họ gọi là “lực lượng tự vệ”, nhưng an ninh tổng thể của nước này vẫn lệ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ.
Ông Hideaki Kase, một nhân vật nổi tiếng của phe dân tộc chủ nghĩa ở Nhật, nói rằng sự lệ thuộc đó bây giờ đã lỗi thời.
"Chúng tôi đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa cô lập ở Mỹ. Vì vậy chúng tôi không thể tiếp tục đặt sự tin tưởng 100% vào việc nước Mỹ sẵn lòng bảo vệ chúng tôi."
Ông Shinichi Kitaoka, cựu Đại sứ Nhật tại Liên hiệp quốc, là cố vấn cao cấp của Thủ tướng Abe. Ông cho biết so với Hoa Kỳ, sức mạnh tương đối của quân đội Trung Quốc đang gia tăng một cách nhanh chóng.
"Không phải chỉ có sự gia tăng nhanh chóng của ngân sách quốc phòng mà thôi. Những hành động của họ có đôi lúc mang tính chất bất thường và theo nhận định của chúng tôi, họ muốn dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng. Đó là một việc hết sức nguy hiểm."
Các chiến hạm của Nhật đang được bố trí ở ngoài khơi Somalia để tiến hành những hoạt động chống cướp biển. Nhưng hiến pháp Nhật không cho phép các lực lượng của họ đến giúp các chiếc tàu của những nước đồng minh trong trường hợp các tàu đó bị tấn công.
Cố vấn Kitaoka cho rằng Nhật Bản phải giải thích lại hiến pháp để loại bỏ sự cấm đoán mà họ tự áp đặt đối với quyền tự vệ tập thể.
"Nếu chúng tôi phải ứng phó với tất cả những mối đe dọa chỉ bằng sức mạnh của chính mình, thì có lẽ chúng tôi phải có một quân đội lớn. Vì thế cho nên, quyền tự vệ tập thể chẳng những là không nguy hiểm mà còn là một cách thức an toàn hơn để duy trì hòa bình."
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến công chúng hồi gần đây cho thấy chỉ có phân nửa cử tri Nhật Bản muốn sửa đổi bản hiến pháp chủ hoà, trong lúc có tới 90% các nhà lập pháp muốn sửa đổi.
Bà Takako Tsuchida, một cư dân ở Tokyo, cho biết bà phản đối việc sửa đổi hiến pháp.
"Tôi chống đối chiến tranh 100%. Nếu sửa đổi hiến pháp, tôi e rằng chiến tranh có thể sẽ lại xảy ra. Vì vậy tôi chống lại việc sửa đổi hiến pháp."
Thủ tướng Abe nhất mực cho rằng việc để cho Nhật Bản nắm giữ một vai trò lớn hơn trong lãnh vực an ninh toàn cầu sẽ có ích cho nền hòa bình của khu vực Á châu Thái bình dương. Nhưng các nước láng giềng của Nhật vẫn tiếp tục lo ngại là Tokyo vẫn chưa học được những bài học của quá khứ.
(VOA)
Hơn 100 nhà lập pháp Nhật hôm thứ 6 tuần trước đã đến thăm đền thờ Yasukuni ở Tokyo, là nơi thờ phượng hơn 2 triệu liệt sĩ Nhật, trong đó có những người phạm tội ác chiến tranh.
Chuyến viếng thăm đó đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu như sau.
"Chúng tôi, một lần nữa, nghiêm túc hối thúc Nhật Bản tuân thủ một cách nghiêm chỉnh những cam kết về sự phản tỉnh sâu sắc đối với lịch sử và thông qua những hành động thực tế để có được sự tin tưởng của các nước láng giềng ở Á châu và của cộng đồng quốc tế."
Những mối căng thẳng này đã xuất hiện trong lúc Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp với nhau về vấn đề chủ quyền của những hòn đảo nhỏ mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Phát biểu tại phiên khai mạc khóa họp quốc hội Nhật Bản hồi tuần trước, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết an ninh quốc gia là một trọng tâm chính của những nỗ lực cải cách chính sách.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản nói rằng nước ông không thể làm ngơ trước tình hình an ninh khu vực đang mỗi ngày một khắc nghiệt hơn và vì vậy ông sẽ áp dụng những chính sách an ninh và ngoại giao có tính chất thực tế.
Nhật Bản đã phát triển điều mà họ gọi là “lực lượng tự vệ”, nhưng an ninh tổng thể của nước này vẫn lệ thuộc vào mối quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ.
Ông Hideaki Kase, một nhân vật nổi tiếng của phe dân tộc chủ nghĩa ở Nhật, nói rằng sự lệ thuộc đó bây giờ đã lỗi thời.
"Chúng tôi đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa cô lập ở Mỹ. Vì vậy chúng tôi không thể tiếp tục đặt sự tin tưởng 100% vào việc nước Mỹ sẵn lòng bảo vệ chúng tôi."
Ông Shinichi Kitaoka, cựu Đại sứ Nhật tại Liên hiệp quốc, là cố vấn cao cấp của Thủ tướng Abe. Ông cho biết so với Hoa Kỳ, sức mạnh tương đối của quân đội Trung Quốc đang gia tăng một cách nhanh chóng.
"Không phải chỉ có sự gia tăng nhanh chóng của ngân sách quốc phòng mà thôi. Những hành động của họ có đôi lúc mang tính chất bất thường và theo nhận định của chúng tôi, họ muốn dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng. Đó là một việc hết sức nguy hiểm."
Các chiến hạm của Nhật đang được bố trí ở ngoài khơi Somalia để tiến hành những hoạt động chống cướp biển. Nhưng hiến pháp Nhật không cho phép các lực lượng của họ đến giúp các chiếc tàu của những nước đồng minh trong trường hợp các tàu đó bị tấn công.
Cố vấn Kitaoka cho rằng Nhật Bản phải giải thích lại hiến pháp để loại bỏ sự cấm đoán mà họ tự áp đặt đối với quyền tự vệ tập thể.
"Nếu chúng tôi phải ứng phó với tất cả những mối đe dọa chỉ bằng sức mạnh của chính mình, thì có lẽ chúng tôi phải có một quân đội lớn. Vì thế cho nên, quyền tự vệ tập thể chẳng những là không nguy hiểm mà còn là một cách thức an toàn hơn để duy trì hòa bình."
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến công chúng hồi gần đây cho thấy chỉ có phân nửa cử tri Nhật Bản muốn sửa đổi bản hiến pháp chủ hoà, trong lúc có tới 90% các nhà lập pháp muốn sửa đổi.
Bà Takako Tsuchida, một cư dân ở Tokyo, cho biết bà phản đối việc sửa đổi hiến pháp.
"Tôi chống đối chiến tranh 100%. Nếu sửa đổi hiến pháp, tôi e rằng chiến tranh có thể sẽ lại xảy ra. Vì vậy tôi chống lại việc sửa đổi hiến pháp."
Thủ tướng Abe nhất mực cho rằng việc để cho Nhật Bản nắm giữ một vai trò lớn hơn trong lãnh vực an ninh toàn cầu sẽ có ích cho nền hòa bình của khu vực Á châu Thái bình dương. Nhưng các nước láng giềng của Nhật vẫn tiếp tục lo ngại là Tokyo vẫn chưa học được những bài học của quá khứ.
(VOA)
Toàn cảnh vụ Dương Chí Dũng và những dấu hỏi
Toàn cảnh vụ việc tham nhũng của Dương Chí Dũng tại Tổng công ty
Vinalines lộ rõ nhiều nghi vấn như: việc trước khi cơ quan điều tra vào
cuộc báo chí đã có nhiều bài phản ánh nhưng lại bị gỡ xuống, Dương Chí
Dũng được bổ nhiệm chức vụ mới khi Vinalines đang bị điều tra, Dương Chí
Dũng bỏ trốn ngay trong ngày cơ quan công an có quyết định bắt tạm
giam....
- Công an truy tìm 4,4 triệu USD Dương Chí Dũng 'biếu' đối tác Nga
- Vì sao Dương Chí Dũng dám chỉ đạo mua ụ nổi 83M?
- Con gái Dương Chí Dũng vừa kết hôn với cấp dưới của bố
Sau khi báo chí phản ánh, cơ quan điều tra vào cuộc, ngày 14/10 vừa qua,
cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) – Bộ Công an đã hoàn tất Kết luận điều
tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Tháng 7/2011, Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) báo cáo doanh thu 6
tháng đầu năm lỗ hơn 600 tỷ đồng - con số báo lỗ đầu tiên sau sau 15 năm
hoạt động. Nguyên nhân lý giải việc thu lỗ được lãnh đạo tổng công ty
đưa ra là do việc sụt giảm giá cước vận tải biển, thời tiết không thuận
lợi, nạn cướp biển gia tăng…và phải gánh phần trách nhiệm được chuyển
giao từ đội tàu Vinashinlines sang. Để giảm bớt gánh nặng thua lỗ,
Vinalines đã chính thức có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị bán
tàu để cắt lỗ.
Đến cuối tháng 8/2011, những dấu hiệu tham nhũng ở tập đoàn Vinalines đã
được báo chí nêu bấn đề nhưng lại bị gỡ xuống sau đó. Các bài viết phản
ánh trường hợp hai chiếc tàu chở hàng trị giá hàng chục triệu đô la
“đắp chiếu”.
Đầu tháng 9/2011, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định chính thức về
việc thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử
dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).Việc
thanh tra sẽ diễn ra trong vòng 75 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công
bố quyết định thanh tra tại đơn vị (7/9), thời kỳ thanh tra bắt đầu từ
ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2010 đối với hoạt động đầu tư dài hạn của
Vinalines.
Ngày 14/11/2011, Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng gửi văn bản đề nghị
Cục Đăng kiểm VN cung cấp hồ sơ liên quan đến chứng nhận đăng kiểm ụ
nổi. Cụ thể, năm 2008 Vinalines đã mua ụ nổi và chuyển về VN, đưa lên đà
của Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin (Khánh Hòa) dưới sự
giám sát của RMRS. Sau đó, ụ nổi đã được Cơ quan Đăng ký tàu biển và
thuyền viên khu vực Sài Gòn cấp giấy chứng nhận tạm thời ngày 25/3/2011
với thông tin về Tổ chức RMRS do Vinalines cung cấp.
Ông Dương Chí Dũng
Tháng 1/2012, cơ quan CSĐT (C48) đã xác minh làm rõ dấu hiệu sai phạm
trong quá trình sửa chữa ụ nổi. Xác định 4 đối tượng Trần Hải Sơn - Tổng
giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, Trần Văn Quang -
Trưởng phòng Kế hoạch Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, Trần Bá
Hùng - cán bộ Hyundai Vinashin, Phạm Bá Giáp - Giám đốc Công ty Nguyên
Ân lập 2 bộ hợp đồng, chứng từ quyết toán khống chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng
chia nhau (theo kết luận của giám định viên Bộ Công thương).
Ngày 1/2/2012, C48 quyết định khởi tố vụ án tham ô tài sản, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 đối tượng trên.
Điều đáng nói, trong bối cảnh Vinalines đang bị thanh tra thông tin tham
nhũng, ông Dương Chí Dũng đã được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục hàng hải
Việt Nam. Theo đó, ngày 6/2/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số
142, cho ông Dương Chí Dũng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên
(HĐTV) Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), để Bộ trưởng GTVT bổ
nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Toàn cảnh vụ Dương Chí Dũng và những dấu hỏiỤ nổi 83M do Dương Chí Dũng mua về chỉ là đống sắt vụn. Ảnh: Tiền Phong
Mở rộng điều tra sai phạm ở Vinalines, ngày 17/5/2012, Cơ quan CSĐT, Bộ
Công an (C48) đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án. Đồng
thời ra quyết định khởi tố bị can về tội “cố ý làm trái...”, bắt tạm
giam đối với ông Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, hiện
là Cục trưởng Cục Hàng hải; ông Mai Văn Phúc - nguyên Tổng giám đốc
Vinalines, hiện là Vụ phó Vụ Vận tải; ông Trần Hữu Chiều - Phó tổng giám
đốc kiêm Trưởng ban QLDA Nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía nam.
Tuy nhiên, khi cơ quan công an đến nơi làm việc, nơi cư trú của Dương
Chí Dũng để tống đạt quyết định thì không thấy bị can. Chiều cùng ngày,
cơ quan điều tra xác định bị can đã bỏ trốn.
Ngày 18/5/2012, C48 ra quyết định truy nã đặc biệt trên toàn quốc đối với bị can Dương Chí Dũng.
Ngày 22/5/2012, cơ quan điều tra Bộ Công an đã họp báo thông báo kết quả
điều tra ban đầu vụ án tham ô tài sản, mở rộng điều tra sai phạm trong
việc lựa chọn nhà thầu mua ụ nổi 83M và lập, phê duyệt dự án xây dựng
nhà máy tàu biển phía nam xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
(Vinalines).
Theo kết luận điều tra ban đầu, trong việc mua ụ nổi 83M và phê duyệt dự
án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, lãnh đạo Vinalines có các sai
phạm sau: Tự ý quyết định đầu tư khi chưa được Bộ Giao thông vận tải cập
nhật dự án vào quy hoạch và chưa trình Thủ tướng CP xem xét quyết định.
Sau khi có kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, dư luận đặt dấu hỏi về
quy trình bổ nhiệm Dương Chí Dũng từ Chủ tịch HĐTV Vinalines lên Cục
trưởng Cục Hàng hải trong khi cơ quan chức năng đang thanh tra một số
sai phạm ở Tổng công ty này. Báo chí từ ngày 25/5/2012 tập trung khai
thác đề tài này. Báo Thanh niên ngày 29/5/2012 có bài “Làm sáng tỏ việc
bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng”…Đây cũng là tâm điểm tại phiên chất vấn kỳ
họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII.
Trả lời báo điện tử Vnxpress ngày 31/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
cho rằng: việc thanh tra Vinalines là theo kế hoạch chứ không phải thanh
tra đột xuất do có dấu hiệu sai phạm. Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
làm Cục trưởng Hàng Hải nhằm cứu Vinalines, giải quyết mâu thuẫn, đẩy
mạnh chiến lược biển và quá trình tái cơ cấu tập đoàn. Nếu không giải
quyết vấn đề nội bộ thì sẽ cản trở sự phát triển, nhất là trong bối cảnh
ngành vận tải đứng trước khủng hoảng.
Tại phiên chất vấn ngày 14/6/2012, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Bộ
trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng khẳng định, bổ nhiệm theo đúng thẩm
quyền, không trái với các quy định của Luật thanh tra. Ông Dũng bị khởi
tố vì vi phạm khuyết điểm từ năm 2007. Tuy nhiên, ông Thăng cũng xin
nhận trách nhiệm về việc này vì đã chưa sâu sát việc đánh giá, quản lý
cán bộ, còn nóng vội, chưa cân nhắc thời điểm bổ nhiệm.
Tại phiên chất vấn của họp UB Thường vụ Quốc hội sáng 22/8/2012, trước
chất vấn về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước của Thanh tra Chính
phủ, Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho hay, ông Dương Chí Dũng là Chủ
tịch Hội đồng thành viên và vị trí này do Thủ tướng bổ nhiệm, điều
động. Trong quá trình thuyên chuyển công tác vẫn chưa phát hiện vi phạm
nào, hơn nữa cơ quan thuyên chuyển cũng không tham khảo ý kiến thanh
tra. Do đó chúng tôi không có quyền can thiệp hay cản trở.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Nội vụ giải
trình vấn đề liên quan đến việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng.
Ngày 27/5, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: việc bổ
nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng thẩm quyền. Ngay sau khi dư luận lên
tiếng, Chính phủ đã tiến hành rà soát lại tất cả quy trình và thấy việc
này đúng quy trình.
Ngày 5/9, cơ quan công an đã bắt được Dương Chí Dũng (55 tuổi, trú tại
phường Thành Công, Hà Nội - nguyên cục trưởng Cục Hàng hải VN) sau 4
tháng lẩn trốn.
Ngày 14/10/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) – Bộ Công an đã hoàn
tất Kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Toàn bộ hồ sơ vụ án Dương Chí Dũng cùng 9 bị can khác tại Tổng Công ty
Hàng hải Việt Nam phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản
lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165-BLHS) và tội Tham ô tài
sản (Điều 278 – BLHS) đã được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
đề nghị truy tố theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Viện KSND, vụ án tại công ty Hàng hải Việt Nam
(Vinalines) là một trong thập đại án tham những lớn trong 10 năm qua và
được đưa ra xét xử cuối năm nay.
H. Minh
(Người Đưa tin)
Danh gia hay tổ quỷ
Một người hàng xóm chỉ ngôi nhà bốn tẩng trên đường Nguyên Hồng,nói với tôi:
- Nhà Dương Chí Dũng đấy.Trước ngày nào cũng tấp nập khách khứa ra vào,
toàn xe hơi bóng lọng. Đêm nào đèn cũng sáng rực cả bốn tầng . Bây giờ
suốt ngày cửa đóng im ỉm , ban đêm chỉ le lói ánh đèn vàng và thấp
thoáng một bóng người như bóng ma!
Cái bóng thấp thoáng như bóng ma ấy chính là cùa Pham Thị Mai Phương , vợ Dương Chí Dũng.
Những người hàng xóm kể: Vào buổi sáng ngày Dương Chí Dũng bỏ trốn, vẫn
thấy bà này sánh vai đi bách bộ, trên môi nở nụ cười tươi. Và 10 giờ đêm
ấy, ngôi nhà vẫn sáng đèn ,vẫn thấy hai người đi ra đi vào.
Trả lời phóng viên báo Vietnamnet, bà Phạm Thị Mai Phương bảo: “Tôi cảm
thấy choáng váng như bị sét đánh khi biết chồng mình phạm tội. Nhất là
khi biết chống mình làm liều vi phạm pháp luật để có tiền chiều bồ!”
Nếu vậy thì quả thật Dương Chí Dũng không hổ danh là thành viên trong
một gia đình từ bố đẻ đến các con đều là công an, giấu giểm giỏi hơn méo
giấu cứt! Tham những như thế, ăn chơi sa đọa như vậy, mà người vợ đầu
ấp má kề mấy chục năm không biết!
Bí mật của Dương Chí Dũng còn ở chỗ y leo rất nhanh lên các nấc thang
quyền lực , bằng trình độ kiến thức chắp vá, không muốn nói là học già
bằng mua.
Cũng như Nông Quốc Tuấn con trai Nông Đức Mạnh, Dương Chí Dũng đi hợp
tác lao động ở Cộng hòa dân chủ Đức. Ngày ấy phải đút tiền hoặc con ông ,
cháu cha mới được đi hợp tác lao động ở cái nước giàu nhất phe xã hội
chủ nghĩa ấy. Dương Chí Dũng thuộc dạng thứ hai, vì bố là Dương Khắc Thụ
giám đốc công an Hải Phòng.
Sau mấy năm lao động ở Đức, Dương Chí Dũng về nước, được bố trí ngay vào
văn phòng công đoàn cảng Hải Phòng. Từ cái văn phòng này, Dũng nhảy lên
ghế phó giám đốc, rồi giám đốc công ty nạo vét sông. Bấy giờ Dương Chí
Dũng mới bắt đầu học đại học , bởi theo quy định cán bộ cỡ đó trở lên
phải có bằng cấp!
Người ta mài đũng quần trên ghế giảng đường 5 năm liên tục , thi cử trầy
da tróc vẩy mới được nhận cái bằng cử nhân. Dương Chí Dũng thuộc bậc
“thiên tài”, vừa làm giám đốc, vừa học bổ túc ngắn hạn, mà có hẳn một
cái bằng tiến sỹ đỏ chót
Dù bằng cấp như vậy, nhưng xuất thân trong gia đình có quyền lực và sẵn
tiền, Dương Chí Dũng nhảy phắt lên chiếc ghế Tổng giám đốc Vinaline (
8-2005) rồi Chủ tịch hội đồng quản trị, Uỷ viên thường vụ Đảng ủy khối
doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy Vinaline ( 7-2011) Cục trưởng
hàng hài Việt Nam (2-2012)
Vừa nhảy lên cái ghế Tổng giám đốc Vinaline, Dương Chí Dũng đã vén “tay
đốt nhà táng”, mua hàng chục con tàu viễn dương già cỗi về mông má lại ,
hoạt động ì ạch, bỏ không, bị bắt giữ hoặc neo đậu ở nước ngoài dẫn đến
thua lỗ thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng Dương Chí Dũng chỉ bị rờ
tới khi cái gọi là “Dự án ụ tàu 83M” hiện nguyên hình là một đống sắt
vụn.
Dự án ấy lúc đầu dự toán 14,136 triệu đô la, Dương Chí Dũng đã nâng lên
19,5 triệu đô la, sau đó lại bồi tiếp lên tới 525 tỷ đồng, tương đương
26 triệu đô la. Số tiền khổng lồ đó được chia cho các hạng mục như mua
ụ, sửa chữa, vận chuyển, neo đậu...Theo kết quả giám định đã gây thiệt
hại của nhà nước 370 tỷ đồng bằng 70,4% tổng đầu tư dự án.
Có lẽ chưa có ai vừa liều lĩnh, vừa trắng trợn, vừa ngu dốt như Dương Chí Dũng trong trường hợp này.
Cái ụ nổi 83M sản xuất tại Nhật năm 1965. Hơn bốn mươi năm sử dụng nó đã
quá già nua , nên cơ quan Đăng kiểm Nga đã dừng phân cấp, nghĩa là
không cho phép hoạt động nữa. Năm 2006, Nakhoda, chủ nhân của ụ nổi 83 M
, chào bán với giá 5 triệu đô la, nhưng không ai mua. Ấy thế mà ma đưa
lối , quỷ dẫn đường , Dương Chí Dũng đã móc nối với Goh Hoon Seow , giám
đốc công ty môi giới AP , Singgapor làm trung gian, mua đống sắt vụn đó
qua công ty Global Success của Nga tại Hồng Kông, với cái giá 9 triệu
đô la. Nhiều ý kiến phản biện chất lượng và giá cả , nhưng Dương Chí
Dũng bỏ ngoài tai. Dũng chỉ đạo bọn Trần Văn Chiều, Mai Văn Phúc, Trần
Hải Sơn, Mai Văn Khang làm mọi cách hợp thức hóa các thủ tục, mua bằng
được ụ nổi đó. Cùng một lúc Dương Chí Dũng đóng ba vai chính : Chủ chi
tiền, chủ mua tàu,và người môi giới . Một kẻ lộng hành như thế, phản
biện chỉ là nước đổ đầu vịt! Hơn nữa, đâu chỉ mình Dương Chí Dũng, chung
quanh y, những kẻ phàm ăn như cá tra nhâu nhâu lợi dụng đục nước béo
cò.
Trong bản thỏa thuận ăn chia số tiền 9 triệu đô la , ký tại Hồng Kông,
ngày 7-7-2007, có 1,66 triệu đô la dành cho Dương Chí Dũng và đồng bọn.
Với trình độ chuyên nghiệp của giới Mafia quốc tế, ngay sau khi nhận
được 9 triệu đô la của Vinaline , giám đốc công ty Global đã ra lệnh cho
Goh chuyển ngược 1,66 triệu đô la cho công ty Phú Hải, Hải Phòng qua
ngân hàng UOB, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Phú Hải là công ty sửa
chữa tàu biển của Vinaline, do Trần Hải Sơn , một đàn em tin cậy của
Dương Chí Dũng làm giám đốc. Trần Sơn Hải đã biến 1,66 triệu đô la thành
những xấp tiền 500 ngàn mới rượi chở đến tận nhà cho Dũng.
Đằng sau mỗi tham quan đều thấp thoáng hình bóng đàn bà!
Trong giới quan chúc tham những Trung Quốc như vậy. Ở ta cũng thế. Những
vụ án tham nhũng và Scandal vừa qua, các bậc mày râu đều bị hệ lụy bởi
“đám chân dài”. Bùi Tiến Dũng PMU 18 tặng xe sang, Lê Ân tặng giường
ngoại, Huỳnh Phi Dung trao cả cơ nghiệp cho đứa con một tuổi của người
đẹp, và Dương Chí Dũng dùng tiền ăn cắp của nhân dân mua cho bồ nhí một
lúc hai căn hộ cao cấp bậc nhất Hà Nội. Đồng tiền bất chính chui tọt vào
cái túi càn khôn!
Ông Đinh La Thăng ,Uỷ viên trung ương đảng, Bộ trưởng bộ giao thông nhận
xét về Dương Chí Dũng : “ Trong ngành tất cả các đánh giá cán bộ cuối
năm và hàng năm, ông Dũng đều được nhận xét là rất tốt. Và thực tế cho
đến khi có kết luận của Thanh tra chính phủ, chúng tôi hoàn toàn không
nhận được bất kỳ thông tin gì từ thanh tra, công an hay đơn tố cáo ông
Dũng!”
Thế mới biết việc quản lý cán bộ đảng viên lỏng lẻo. Và hình như càng
lên cao lại càng lỏng lẻo. Những cơ quan nội chính, kiềm tra, thanh tra
và những đợt kiềm tra , thanh tra phải chăng chỉ là hình thức? Gía như
việc quản lý cán bộ đảng viên chặt chẽ, riết róng như công an theo dõi
dân, quản lý dân ở từng địa bàn , thì có lẽ không sảy ra những bất cập
như vậy.
Đã không phát hiện được Dương Chí Dũng phạm tội sớm, lại để y trốn ra
tận nước ngoài. Mỉa mai thay, những kẻ tổ chức cho tên tội phạm nguy
hiểm này chạy trốn lại chính là những sỹ quan công an sừng sỏ như Vũ
Tiến Sơn, Hoàng Trọng Thắng, Nguyễn Trọng Ánh, Dương Tự Trọng... từng
thề bồi gãy lưỡi tuyệt đối trung thành với đảng , thượng tôn pháp luật.
Trong những ngày qua, có tờ báo lề phài ca ngợi gia đình ông Dương Khắc
Thụ. Nào là “Danh gia vọng tộc”, nào là “ Một bức tượng đài”, nào là “
Niềm tự hào của đất cảng”. Có bài báo đề cao phẩm chất và tài năng của
Dương Tự Trọng, nào là “Hắc tinh của bọn tội phạm”, nào là “ Một người
có tâm thức, từng thuyết phục nhiều bậc cha mẹ đưa con phạm tội đầu thú”
Ô hay , thật hay đùa nhỉ? Một đại tá công an từng uốn ba tấc lưỡi thuyết
phục ngưới ta đưa con em ra đầu thú, lại cẩm đầu tổ chức đưa anh trai
mình trốn ra nước ngoài, khi biết anh mình đứng đầu một vụ án đặc biệt
nghiêm trọng là thế nào ? Tâm thức hay tâm đểu? Phải chăng Dương Tự
Trọng chỉ là kẻ lừa dối người khác để lập công?
Đề tổ chức cho anh ruột trốn ra nước ngoài , Dương Tự Trọng đã xử dụng
Trần Văn Dũng, biệt danh “Dũng Bắc Kạn”, một cộm cán giang hồ đất cảng.
Phải chăng với cương vị phó giám đốc công an Hải Phòng, Dương Chí Dũng
đã bị khuất phục, hoặc cố tình dung túng cho bọn tội phạm, như một hình
thức bảo kê và làm phương tiện đánh án lập công?
Một câu hỏi nữa cần đặt ra là, trong khi Dương Chí Dũng lẩn trốn ở
Campuchia , Dương Tự Trong hai lần bơm cho anh 24.000 đô la thông qua
Đồng Xuân Phong, tiền đó từ đâu ra?
“Danh gia vọng tộc”, “bức tượng đài”, “niềm tự hào của đất cảng”...tất
cả đã bị sụp đổ, đúng hơn, là danh hão, là cái mặt nạ tự rơi xuống cho
thiên hạ nhìn vào một tổ quỷ ! Âu cũng là nhân quả.
Trong quyết định truy nã quốc tế Dương Chí Dũng cùa Cơ quan cảnh sát
điều tra đã nói rõ: “ Đây là vụ án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng
cho nhà nước, có tính chất phức tạp, gây nhức nhối trong quần chúng nhân
dân, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ Viết Nam!”
Ấy thế mà bà Phạm Thị Mai Phương lại nói với báo chí rằng chồng mình chỉ
làm liều để chiều bồ! Và bà Băng Tâm, em gái Dương Chí Dũng, một sỹ
quan công an Hải Phòng lại làm những câu thơ mùi mẫm như sau :
“ Em đang cho anh vào tim
Sưởi cho tâm hồn dịu lại
Rũ tung những gì tê tái
Em khấn Phật rất lâu rồi!”
Sưởi cho tâm hồn dịu lại
Rũ tung những gì tê tái
Em khấn Phật rất lâu rồi!”
Gía như bài thơ ấy dành cho Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Đặng Ngọc Viết ở
Thái Bình và những dân oan thì có lẽ hợp tình hợp cảnh hơn. Một kẻ tham
nhũng và làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng của nhân dân, một kẻ dùng hàng
triệu đô la nuôi bồ nhí, một kẻ dối đảng và lừa cà vợ con mình thì Thần
Phật nào chứng mà khấn với cầu?
Hãy nhìn tận mặt đặt đúng tên bọn tội phạm : Tổ quỷ.
Minh Diện
(Blog Bùi Văn Bồng ) Chuẩn bị cho chặng đua nước rút thu ngân sách: Đụng đâu cũng thấy sai phạm!
Trong một nỗ lực nhằm chống thất thu ngân sách,
đặc biệt là khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng cho chặng đua nước rút của ngân
sách 2013, ngành thuế đang tập trung vào các “điểm nóng” gian lận thuế
với kết quả thanh tra sơ bộ cho thấy “đụng đâu cũng thấy sai phạm”.
Tổng hợp
(Sống Mới)
Ly kỳ dịch vụ “câu cá âm phủ” ở nghĩa trang
Trời về chiều, lác đác những “cần thủ” đã xuất hiện
bên hồ câu nằm ngay sát nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Họ nhanh chóng chuẩn
bị đồ nghề để bắt đầu buổi câu cá “thư giãn” khi xung quanh là hàng
nghìn ngôi mộ và một bãi rác lớn đang bốc mùi hôi thối. Đêm xuống, trong
không gian u tịch của “cõi âm”, giữa những ngôi mộ lổn nhổn, vẫn xuất
hiện cần thủ buông cần ngồi câu cá như những bóng ma!
Thú câu cá lạ lùng nơi nghĩa địa
Người Sài Gòn mê câu cá vì nó gắn với mảnh đất sông nước, nhiều kênh rạch này. Lựa thủy triều, những con cá lớn cứ thế ào ào bơi vào mấy con kênh trung tâm thành phố, cũng vì thế mà thú câu cá tự nhiên của người Sài Gòn ngày càng rầm rộ. Nhưng không như nhiều người chọn cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm hay xuôi về đến bến Bạch Đằng để bắt cần, thả dây… nhiều người lại chọn địa điểm có phần kì quặc là nghĩa trang Bình Hưng Hòa để làm nơi túc trực hôm khuya.
Thú câu cá lạ lùng nơi nghĩa địa
Người Sài Gòn mê câu cá vì nó gắn với mảnh đất sông nước, nhiều kênh rạch này. Lựa thủy triều, những con cá lớn cứ thế ào ào bơi vào mấy con kênh trung tâm thành phố, cũng vì thế mà thú câu cá tự nhiên của người Sài Gòn ngày càng rầm rộ. Nhưng không như nhiều người chọn cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm hay xuôi về đến bến Bạch Đằng để bắt cần, thả dây… nhiều người lại chọn địa điểm có phần kì quặc là nghĩa trang Bình Hưng Hòa để làm nơi túc trực hôm khuya.
Kinh doanh sôi động nơi “đất chết”
Được mệnh danh là nghĩa trang lớn nhất Sài Thành, ngày ngày “cõi
âm” Bình Hưng Hòa vẫn khó nhọc chứng kiến cảnh chen chúc mưu sinh của
người trần. Vô số các con đường lớn nhỏ xuyên qua nghĩa trang, bởi Bình
Hưng Hòa đã trở thành một khu dân cư đông đúc, với 300.000 người sinh
sống quanh đó. Giữa lổn nhổn những mộ, người nằm, kẻ ngủ, số khách bán
gà, chó, mũ bảo hiểm, kính mát đủ cả trong khi những đứa trẻ vô tư chơi
đùa bên mộ. Họ vẫn lầm lũi kiếm từng đồng bạc lẻ nơi “đất chết”. |
Mỗi ngày, có đến cả trăm lượt người tụ họp quanh chiếc ao nhỏ này,
người câu, người chờ, người lặng lẽ hóng mát… khi xung quanh là hàng
ngàn ngôi mộ.
Nhiều cần thủ mê cảm giác… rợn người thường gọi ao câu nằm ngay trong địa phận nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q. Tân Bình, TP. HCM) là “ao âm phủ”. Mỗi ngày, từ 2h chiều đến 9h tối, nhiều người lại rủ nhau đến đây câu. Dân quanh vùng và giới cần thủ thường gọi nơi đây với cái tên nghe có phần kì bí, đủ khiến người yếu tim lạnh sống lưng: “câu cá cõi âm”. Với diện tích khoảng 300m2, mặt tiền nằm trên đường Bình Long, ao câu này vốn là một vũng trũng dùng để trữ nước sau mưa cho cả vùng nghĩa trang rộng lớn.
Trước đây, nghĩa trang Bình Hưng Hòa có đến hai cái hồ lớn. Một cái nằm chính giữa ngay trung tâm nghĩa trang đã bị rút hết nước, cỏ mọc um tùm, còn cái hồ này thì chỉ bị rút bớt nước. Cứ mùa mưa đến, mưa lớn, nước từ nghĩa trang lại róc rách chảy về lênh láng. Chớp thời cơ, những chủ cần bắt đầu dựng lều, che dù, mắc võng đón cần thủ từ khắp nơi đến tìm thú vui thư giãn. Giá 30.000 đồng một giờ câu, cứ thế mà dần dần thu tiền của thiên hạ. Ông Tư (60 tuổi, chủ kinh doanh), một trong những người đã có sáng kiến mở ra dịch vụ “câu cá cõi âm” từ vài năm nay. Ông bảo, sống ở gần đây, thấy mỗi khi mưa xuống, hồ được “hứng” nước từ trên các ngôi mộ đổ về. Thấy hồ bỏ trống, nên ông đã nghĩ ra cách mua cá về thả rồi mở dịch vụ thuê cần và câu cá. Để phục vụ các cần thủ, ngoài ông Tư ra thì có vài hàng quán cũng mọc lên, bán những thứ đồ uống đơn giản như: cà phê, nước ngọt…
Nhiều cần thủ mê cảm giác… rợn người thường gọi ao câu nằm ngay trong địa phận nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q. Tân Bình, TP. HCM) là “ao âm phủ”. Mỗi ngày, từ 2h chiều đến 9h tối, nhiều người lại rủ nhau đến đây câu. Dân quanh vùng và giới cần thủ thường gọi nơi đây với cái tên nghe có phần kì bí, đủ khiến người yếu tim lạnh sống lưng: “câu cá cõi âm”. Với diện tích khoảng 300m2, mặt tiền nằm trên đường Bình Long, ao câu này vốn là một vũng trũng dùng để trữ nước sau mưa cho cả vùng nghĩa trang rộng lớn.
Trước đây, nghĩa trang Bình Hưng Hòa có đến hai cái hồ lớn. Một cái nằm chính giữa ngay trung tâm nghĩa trang đã bị rút hết nước, cỏ mọc um tùm, còn cái hồ này thì chỉ bị rút bớt nước. Cứ mùa mưa đến, mưa lớn, nước từ nghĩa trang lại róc rách chảy về lênh láng. Chớp thời cơ, những chủ cần bắt đầu dựng lều, che dù, mắc võng đón cần thủ từ khắp nơi đến tìm thú vui thư giãn. Giá 30.000 đồng một giờ câu, cứ thế mà dần dần thu tiền của thiên hạ. Ông Tư (60 tuổi, chủ kinh doanh), một trong những người đã có sáng kiến mở ra dịch vụ “câu cá cõi âm” từ vài năm nay. Ông bảo, sống ở gần đây, thấy mỗi khi mưa xuống, hồ được “hứng” nước từ trên các ngôi mộ đổ về. Thấy hồ bỏ trống, nên ông đã nghĩ ra cách mua cá về thả rồi mở dịch vụ thuê cần và câu cá. Để phục vụ các cần thủ, ngoài ông Tư ra thì có vài hàng quán cũng mọc lên, bán những thứ đồ uống đơn giản như: cà phê, nước ngọt…
Câu cá “thư giãn” tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa
Hầu hết những người đến đây câu cá vì tò mò hoặc tìm cảm giác lạ,
muốn đến câu thử một lần cho biết. Họ có thể là những người sống quanh
đó, hoặc cũng có khi vượt cả chục cây số chỉ đến đây thả câu, ngắm cần.
Hồ rộng nên vị trí câu cũng thoải mái, một số lựa chỗ sạch sẽ, thoáng
mát tránh xa khu mồ mả, số khác thì chọn nơi rác rưởi, dơ bẩn vì họ nghĩ
những nơi đó cá hay tập trung tìm mồi.
Cứ thế, giữa hàng nghìn ngôi mộ lớn nhỏ, bên cạnh là đống rác lớn bốc mùi, đôi khi một làn gió nhẹ thổi ngược cũng khiến cả không gian hôi thối khó thở. Thế nhưng, các cần thủ vẫn bình thản chờ cá đớp mồi. Xung quanh hồ, còn có rất nhiều người đứng xem, chỉ có một điều lạ là dường như những người này chỉ đi một mình, không ai quen ai. Mỗi người mỗi nét mặt, mỗi suy nghĩ trầm ngâm nhìn xuống mặt nước phẳng lặng. Đêm xuống, trong không gian u tịch của “cõi âm”, giữa những ngôi mộ lổn nhổn, vài bóng người vẫn vật vờ bên cần câu. Như thể đang chờ đợi một điều gì đó mơ hồ từ thế giới xa xăm.
Đi câu nhưng không dám lấy cá
Lân la hỏi chuyện vài cần thủ để hiểu rõ thực hư nguyên do họ chọn nơi nghĩa địa u linh này làm nơi thả cần, anh Lê Hữu Đạt, một vị khách thường xuyên của dịch vụ “câu cá cõi âm” cho hay: “Thì quanh vùng đâu có con sông nào sạch sẽ để câu đâu, không ra nghĩa địa thì đi đâu bây giờ”, vừa nói anh vừa quăng câu ra mãi phía giữa hồ. Anh bảo: “Cần thủ ở đây hầu hết là dân không chuyên, chỉ dùng lưỡi câu đơn chứ không cầu kì. Nhiều nơi khác, họ dùng lưỡi chùm, lưỡi dĩa, lưỡi lục… chẳng khác gì chích điện là mấy. Hồi đầu, thấy tôi bảo đi câu ngoài nghĩa địa, nhiều bạn trẻ còn đùa “có khi nào thấy cá bay bay chứ không phải bơi bơi không?” Nghĩ cũng hơi ghê. Nói thế chứ nhiều người sợ không dám thả cần chứ không nói đến chuyện ngồi câu”.
Có lẽ, vì hồ nằm ngay cạnh nơi “cõi âm” vốn nổi tiếng với nhiều câu chuyện siêu linh, kì bí, cho nên nhiều người cũng coi đó là lí do để đến đây tìm cảm giác lạ hoặc để… thư giãn, giảm căng thẳng. “Có nhiều người vì buồn chán chuyện gì đó cũng đến đây câu cá giải sầu, có đêm còn không chịu về mà đi thẳng vào nghĩa trang ngủ một giấc cho đến sáng. Còn việc mấy người câu cá cứ thẫn thờ ôm cần cả buồi chiều mà chẳng giật câu lần nào thì nhiều lắm. Có bận, một anh uống vài lon bia rồi bắt đầu ngà ngà say, bước đi lảo đảo chới với như có ai muốn đẩy họ xuống nước. May mà có mấy anh câu cùng tóm lại”, chị Hương, bán nước giải khát quanh bờ hồ, cho hay.
Cứ thế, giữa hàng nghìn ngôi mộ lớn nhỏ, bên cạnh là đống rác lớn bốc mùi, đôi khi một làn gió nhẹ thổi ngược cũng khiến cả không gian hôi thối khó thở. Thế nhưng, các cần thủ vẫn bình thản chờ cá đớp mồi. Xung quanh hồ, còn có rất nhiều người đứng xem, chỉ có một điều lạ là dường như những người này chỉ đi một mình, không ai quen ai. Mỗi người mỗi nét mặt, mỗi suy nghĩ trầm ngâm nhìn xuống mặt nước phẳng lặng. Đêm xuống, trong không gian u tịch của “cõi âm”, giữa những ngôi mộ lổn nhổn, vài bóng người vẫn vật vờ bên cần câu. Như thể đang chờ đợi một điều gì đó mơ hồ từ thế giới xa xăm.
Đi câu nhưng không dám lấy cá
Lân la hỏi chuyện vài cần thủ để hiểu rõ thực hư nguyên do họ chọn nơi nghĩa địa u linh này làm nơi thả cần, anh Lê Hữu Đạt, một vị khách thường xuyên của dịch vụ “câu cá cõi âm” cho hay: “Thì quanh vùng đâu có con sông nào sạch sẽ để câu đâu, không ra nghĩa địa thì đi đâu bây giờ”, vừa nói anh vừa quăng câu ra mãi phía giữa hồ. Anh bảo: “Cần thủ ở đây hầu hết là dân không chuyên, chỉ dùng lưỡi câu đơn chứ không cầu kì. Nhiều nơi khác, họ dùng lưỡi chùm, lưỡi dĩa, lưỡi lục… chẳng khác gì chích điện là mấy. Hồi đầu, thấy tôi bảo đi câu ngoài nghĩa địa, nhiều bạn trẻ còn đùa “có khi nào thấy cá bay bay chứ không phải bơi bơi không?” Nghĩ cũng hơi ghê. Nói thế chứ nhiều người sợ không dám thả cần chứ không nói đến chuyện ngồi câu”.
Có lẽ, vì hồ nằm ngay cạnh nơi “cõi âm” vốn nổi tiếng với nhiều câu chuyện siêu linh, kì bí, cho nên nhiều người cũng coi đó là lí do để đến đây tìm cảm giác lạ hoặc để… thư giãn, giảm căng thẳng. “Có nhiều người vì buồn chán chuyện gì đó cũng đến đây câu cá giải sầu, có đêm còn không chịu về mà đi thẳng vào nghĩa trang ngủ một giấc cho đến sáng. Còn việc mấy người câu cá cứ thẫn thờ ôm cần cả buồi chiều mà chẳng giật câu lần nào thì nhiều lắm. Có bận, một anh uống vài lon bia rồi bắt đầu ngà ngà say, bước đi lảo đảo chới với như có ai muốn đẩy họ xuống nước. May mà có mấy anh câu cùng tóm lại”, chị Hương, bán nước giải khát quanh bờ hồ, cho hay.
Hàng quán cũng mọc lên bán những thứ đồ uống đơn giản như: cà phê, nước ngọt…
Nhiều trẻ bị chết đuối dưới ao
Theo những người dân sống quanh đó, đã có rất nhiều vụ trẻ em bị
trượt chân mà chết đuối thương tâm dưới ao này. Ao Bình Hưng Hòa vốn
rộng, lại khá sâu, nhiều khoảng bờ là đất thịt trơn trượt nhưng tuyệt
nhiên không hề có hàng rào bảo vệ. Duy chỉ có một tấm biển nhỏ xíu cỡ
bằng gang tay cảnh báo cấm trẻ em xuống hồ. |
Nếu như ở các con sông, nhiều người đi câu để kiếm cơm mong có vài
con cá để ăn, để bán. Nhưng với “câu cá cõi âm” thì chỉ để cho vui, cho
thư giãn chứ tuyệt nhiên không ai dám mang về chứ đừng nói đến chuyện
ăn. Anh Đạt cho biết thêm, câu cho vui thôi chứ không ăn, cũng chẳng
mang về hay đem cho hàng xóm mình cũng ngại. Cho rồi, người ta ăn xong
vui miệng hỏi cá câu ở đâu, mình bảo câu trong “nghĩa trang” chắc họ hận
mình luôn quá. Thường thì cá câu được, anh và một số cần thủ mang qua
bán cho chủ câu với giá khoảng 20.000đ/kg rồi họ làm gì thì làm. Đang
nói, bỗng nhiên cần động, nhanh như chớp, anh Đạt giật xóc con cá đang
ngáp ngáp dưới lòng hồ rồi kéo lên. Con cá nhỏ nhảy tưng hửng trên nền
đất vì trót tham miếng mồi giả, sau một hồi giật lưỡi thì chết hẳn. Anh
quay sang nói tiếp chuyện: “Nói thế chứ, cá sống trong nước mồ, nước mả,
có cho tiền cũng không dám ăn”. Ra là thế, người ta tìm đến Bình Hưng
Hòa câu vì chẳng còn chỗ nào để câu nữa. Nhưng đi câu mà chẳng lấy cá,
ấy vậy mà ngày ngày, xung quanh hồ lúc nào cũng có khoảng chục cần thủ
trực chiến. Người vào, kẻ ra hiếm khi vắng khách.
Anh Đạt kể tiếp: Hồ câu ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng lạ như chính vị trí và dịch vụ câu cá ở đó. Mùa mưa thì nước lên rất cao, mùa khô thì không một giọt nước. Cá ở hồ câu hầu hết không phải là tự nhiên mà do các chủ câu tự thả xuống, lâu ngày tự sinh sôi rồi số lượng nhiều dần. Chủ yếu là loại cá tra, cá chim hay cá trê. Nhất là giống cá trê, lì lợm, lặng lẽ thường sống mãi dưới tầng đáy. Ai may mắn lắm mới câu được trê, con lớn cũng đến 1 ký. Nói mới nhớ năm 2011 rộ lên thông tin cá trê khổng lồ thích sống trong mộ người chết. Thậm chí còn có gia đình để mộ chôn lâu năm, khi bốc mộ phát hiện khoảng chục con cá trê sống chui rúc trong đó, con nào con đấy to bằng cả bắp tay, nặng 1,5 – 2kg. Nghĩ đến đó thôi cũng khiến tôi sởn gai ốc. Anh Bảy, một cần thủ đến từ Q. Tân Phú cho biết: “Cuối tuần rảnh rỗi, thỉnh thoảng tôi cũng sang đây câu. Đi một mình thôi chứ chẳng mang đâu có rủ được vợ đi cùng vì bả sợ, sợ ma sợ người sợ đủ thứ. Chứ riêng tôi thấy bình thường”. Thấy vậy, anh Phong, một “cần thủ” ngồi cạnh cũng tần ngần nói thêm: “Ở chỗ này, mỗi người mỗi nghề, nhưng đến đây thì đều như nhau hết”.
Anh Đạt kể tiếp: Hồ câu ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa cũng lạ như chính vị trí và dịch vụ câu cá ở đó. Mùa mưa thì nước lên rất cao, mùa khô thì không một giọt nước. Cá ở hồ câu hầu hết không phải là tự nhiên mà do các chủ câu tự thả xuống, lâu ngày tự sinh sôi rồi số lượng nhiều dần. Chủ yếu là loại cá tra, cá chim hay cá trê. Nhất là giống cá trê, lì lợm, lặng lẽ thường sống mãi dưới tầng đáy. Ai may mắn lắm mới câu được trê, con lớn cũng đến 1 ký. Nói mới nhớ năm 2011 rộ lên thông tin cá trê khổng lồ thích sống trong mộ người chết. Thậm chí còn có gia đình để mộ chôn lâu năm, khi bốc mộ phát hiện khoảng chục con cá trê sống chui rúc trong đó, con nào con đấy to bằng cả bắp tay, nặng 1,5 – 2kg. Nghĩ đến đó thôi cũng khiến tôi sởn gai ốc. Anh Bảy, một cần thủ đến từ Q. Tân Phú cho biết: “Cuối tuần rảnh rỗi, thỉnh thoảng tôi cũng sang đây câu. Đi một mình thôi chứ chẳng mang đâu có rủ được vợ đi cùng vì bả sợ, sợ ma sợ người sợ đủ thứ. Chứ riêng tôi thấy bình thường”. Thấy vậy, anh Phong, một “cần thủ” ngồi cạnh cũng tần ngần nói thêm: “Ở chỗ này, mỗi người mỗi nghề, nhưng đến đây thì đều như nhau hết”.
Khu nhà chứa xác vô thừa nhận nằm cô quạnh mãi phía trong cùng của
lò thiêu Bình Hưng Hòa. Tại đây, có những tình huống đau xót đến đắng
lòng, lại có những chuyện hãi hùng khiến người nghe lạnh gáy.
Đón đọc kỳ 4: Chuyện hãi hùng ở nhà giữ thi thể vô thừa nhận
|
An Nhàn – Phi Yến
(Đời sống & Hôn nhân)
Ông Đinh Đức Lập tiếp tục bị tố cáo nhiều sai phạm nghiêm trọng
Trong quá trình phát triển, báo Đại Đoàn Kết từ lâu đã có nhiều văn
phòng thường trú tại các địa phương. Một trong những văn phòng thường
trú khá lâu đời của báo là Văn phòng thường trú Trung Trung bộ có trụ sở
tại Đà Nẵng.
Một trong những sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực của chính quyền Đà Nẵng là
chuyển giao quyền sử dụng đất và hóa giá căn nhà số 82 Trần Quốc Toản
cho báo Đại Đoàn Kết với mục đích làm Văn phòng thường trú khu vực Trung
Trung bộ của báo. Ngày 19/7/2004 UBND TP. Đà Nẵng đã ra Quyết định số
5755/QĐ-UB chuyển quyền sử dụng đất tại số nhà 82 Trần Quốc Toản có diện
tích đất 100,70m2, diện tích xây dựng và diện tích sử dụng 95,30m2 cho
báo Đại Đoàn Kết – làm Văn phòng đại diện khu vực trung trung bộ với giá
tiền 674.483.400 đồng.
Thế nhưng, theo Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng, không hiểu sao số tiền
674.483.400 đồng nộp cho Sở Tài chính vật giá TP. Đà Nẵng lại không
đứng tên báo Đại Đoàn Kết nộp mà người nộp tiền lại là ông Phan Văn Anh
Vũ – Giám đốc Công ty CP xây dựng 79 (biên lai số 007724 ngày
27/7/2004).
Các sai phạm dây chuyền từ ông Trưởng văn phòng thường trú của báo Đại
Đoàn kết ở Đà Nẵng lúc đó (ông Trương Duy Nhất), cho tới các động thái
hợp thức hóa liều mạng của các tổng biên tập sau này trong đó có Đinh
Đức Lập khiến người ta có thể hiều rằng một số cá nhân lãnh đạo của báo
Đại Đoàn Kết đang cố tình lợi dụng danh nghĩa cơ quan báo chí của Mặt
trận để chơi ván bài “kinh doanh bất động sản” siêu lợi nhuận cho bản
thân mình bằng cách biến tài sản nhà nước thành của tư nhân với giá rẻ
như bèo.
Tuy vậy, cho đến ngày 20/2/2011 Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết vẫn khẳng
định quyền sử dụng đất và sở hữu căn nhà 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng là
của báo tại công văn số 12/CV/ĐĐK.BBT do Phó tổng biên tập Nguyễn Minh
Ngọc thay mặt Ban Biên tập ký gởi cho Công ty xây dựng 79, là một công
ty tư nhân có thỏa thuận hợp tác khai thác, sử dụng tòa nhà này với Văn
phòng thường trú Trung Trung bộ.
Thế nhưng, ngày 24/4/2011, ông Đinh Đức Lập – tổng biên tập báo Đại Đoàn
Kết đột nhiên đã ký một văn bản chuyển giao toàn bộ nhà và đất nói trên
cho một công ty tư nhân để nhận “bồi thường” cho báo Đại Đoàn Kết
1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng). Kể từ đó, báo Đại Đoàn Kết mất quyền
sử dụng công sản số 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng để làm văn phòng thường
trú mà phải đi thuê một trụ sở khác.
Biên bản ngày 20/4/2011 cho thấy, ông Đinh Đức Lập thừa nhận cơ sở thỏa
thuận cũng như nội dung hợp tác giữa báo Đại Đoàn Kết với Công ty 79
“theo các quy định của pháp luật thì nhiều nội dung thỏa thuận, một số
văn bản giấy tờ chưa hợp lý, tuy nhiên do tính chất lịch sử và yêu cầu
khách quan nên phải chấp nhận”. Đồng thời ông Lập cũng “cam kết không
còn khiếu kiện gì liên quan đến quyền sử dụng sở hữu nhà đất tại 82 Trần
Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng”. Nếu trong đất nước này ai ai cũng viện
dẫn “tính chất lịch sử và yêu cầu khách quan” như ông Lập để làm trái
pháp luật (trong trường hợp này là để bán rẻ công sản Nhà nước cho tư
nhân) thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Đáng nói là khi ông Đinh Đức Lập phát hiện những sai phạm trong việc
thanh lý tài sản Nhà nước, đã không “Bảo vệ, giữ gìn tài sản nhà nước”
theo Điều 6 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ;
không báo cáo cấp có thẩm quyền như luật định (Điểm b khoản 1 Điều 5
Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước quy định về Quyền, nghĩa vụ của
người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài
sản nhà nước) mà tự ý ký kết Biên bản thỏa thuận với Cty CP xây dựng 79.
Khi ký Biên bản (Xung quanh quyền sử dụng, sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc
Toản TP Đà Nẵng) ngày 20/4/2011, Ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo
Đại Đoàn Kết đã vi phạm Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà
nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số
55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) và Khoản 2
điều 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Số tiền 1 tỷ thu được từ
Cty CP Xây dựng 79 lẽ ra phải được hạch toán riêng, sau khi trừ đi chi
phí hợp lý liên quan, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác đối
với Nhà nước, báo Đại Đoàn Kết mới được sử dụng để phát triển hoạt động
sự nghiệp. Thế nhưng, số tiền 1 tỷ đồng này sau khi chuyển vào tài khoản
chung của cơ quan báo Đại Đoàn kết nay không biết đã được sử dụng như
thế nào?
Có lẽ cũng cần nói thêm là, công tác quản lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà
nước trong một thời gian khá dài sau đổi mới là một trong những lĩnh vực
phát sinh rất nhiều tiêu cực và là một điểm nóng của công tác phòng
chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Vì lĩnh vực này có
liên quan tới nhiều nguồn tài sản có giá trị rất lớn trong khi cơ chế
pháp lý để kiểm soát còn nhiều khe hở để các phần tử xấu dễ dàng lách
luật hoặc công khai làm trái rồi chạy tội bằng vật chính vật chất thu
được từ các hành vi bất chính này. Rất nhiều vụ án, nhiều vụ tiêu cực có
liên quan tới yếu tố cơ quan Nhà nước, cơ quan đoàn thể chính trị - xã
hội tranh thủ sự bất cập, lỏng lẽo của cơ chế pháp lý, đã lạm dụng công
sản, sử dụng lãng phí, tùy tiện, chuyển nhượng, hoặc bán nhà đất sở hữu
Nhà nước cho tư nhân núp bóng dưới rất nhiều hình thức nhằm qua mặt cơ
quan quản lý Nhà nước.
Sau đây là đơn của nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng tiếp tục tố cáo và phân
tích các sai phạm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng của ông Đinh Đức Lập
liên quan tới việc bán tòa nhà của báo Đại Đoàn Kết ở Đà Nẵng:
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN TỐ CÁO
(Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập thiếu trách nhiệm
trong việc quản lý sử dụng tài sản của nhà nước)
Kính gửi: - Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Tôi là: Nguyễn Mạnh Thắng – Nhà báo - Nguyên Phó Trưởng Ban Văn hóa – Nghệ thuật báo Đại Đoàn Kết
Nơi cư trú: xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.
ĐT: 098xxxx567
Kính thưa quý vị lãnh đạo!
Tôi xin được tố cáo ông Đinh Đức Lập - Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết với sai phạm: Thiếu trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng tài sản của nhà nước theo Điều 6 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ; Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính); Điều 5, Điều 6 và Khoản 2 điều 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, dựa trên các căn cứ dưới đây:
Căn cứ vào Thông báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng
về kết quả điều tra, xác minh đơn tố giác ngày 10/4/2013 của tôi, đối
với Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập trong việc “Vi phạm các
quy định về quản lý đất đai” tại trụ sở Văn phòng báo Đại Đoàn Kết trung
trung bộ số 82 Trần Quốc Toản, TP. Đà Nẵng.
Căn cứ Công văn số 12/CV.ĐĐK.BBT của Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết gửi Ban giám đốc Công ty CP xây dựng 79 ngày 20/2/2011.
Căn cứ Biên bản (Xung quanh quyền sử dụng, sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản TP Đà Nẵng) ngày 20/4/2011 giữa đại diện báo Đại Đoàn Kết (Tổng biên tập Đinh Đức Lập) và đại diện Công ty CP Xây dựng 79 (giám đốc Phan Văn Anh Vũ).
Căn cứ Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998.
Căn cứ Quy chế Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
Căn cứ Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Cụ thể:
Những sai phạm của báo Đại Đoàn Kết khi thanh lý tài sản nhà đất trụ sở làm việc cho Công ty CP Xây dựng 79.
Tại trang 2 và trang 3 Thông
báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã
xác minh quá trình mua bán nhà 82 Trần Quốc Toản – TP. Đà Nẵng như sau: Ngày 19/7/2004, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 5775/QĐ-UB cho phép bán và chuyển quyền sử dụng đất
thuộc sở hữu Nhà nước tại 82 Trần Quốc Toản, P. Hải Châu I, Quận Hải
Châu, TP Đà Nẵng có diện tích đất 100,70m2, diện tích xây dựng và diện
tích sử dụng 95,30m2 cho báo Đại Đoàn Kết – Văn phòng đại diện khu vực trung trung bộ với giá tiền 674.483.400 đồng. Thế nhưng, không hiểu sao số tiền 674.483.400 đồng nộp cho Sở Tài chính vật giá TP. Đà Nẵng lại không phải do báo Đại Đoàn Kết nộp mà người nộp tiền lại là ông Phan Văn Anh Vũ – Giám đốc Công ty CP xây dựng 79 (biên lai số 007724 ngày 27/7/2004).
Điểm C Khoản 1 Điều 4 Quy chế Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) quy định: “Nguồn kinh phí để chi trả tiền mua hoặc thuê nhà được bố trí trong dự toán Ngân sách hàng năm của cơ quan HCSN được cấp thẩm quyền phê duyệt”.
Điều 6 Quy chế Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ) quy định: “Trụ
sở làm việc của các cơ quan HCSN phải được sử dụng đúng mục đích, công
năng và tiêu chuẩn, định mức do Thủ tướng Chính phủ quy định. Các cơ quan HCSN được Nhà nước giao quản lý, sử dụng trụ sở làm việc nếu không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điểm a và d Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 14/1998/ NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ, tuyệt đối không được: - Sang nhượng hoặc góp vốn liên doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
để sản xuất kinh doanh, dịch vụ; - Cho thuê, dùng vào sản xuất kinh
doanh, dịch vụ, phân cho cán bộ công nhân viên làm nhà ở hoặc sử dụng
vào mục đích khác”.
Như vậy, ông Vũ nộp tiền với tư cách pháp nhân nào?.
Nộp tiền thay Đại Đoàn Kết từ 27/7/2004 nhưng phải đến 20/8/2004 (gần một tháng sau), ông Phan Văn Anh Vũ mới ký với ông Trương Duy Nhất Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB và sau đó là Phụ lục Hợp đồng ngày 27/9/2004 với nội dung: “Cty
xây dựng 79 bỏ số tiền 674.483.400 đồng nộp vào ngân sách theo quy
định, bỏ tiền đầu tư xây dựng ngôi nhà để được sở hữu sử dụng ngôi nhà
82 Trần Quốc Toản – Đà nẵng và cho phép Báo Đại Đoàn Kết – Văn phòng
trung trung bộ được sử dụng toàn bộ phần diện tích tầng 2 để làm trụ sở
trong thời gian 30 năm”. Như vậy, rõ ràng việc để ông Vũ nộp tiền
mua nhà công sản 82 Trần Quốc Toản, TP Đà Nẵng là có dụng ý từ trước
nhằm gây “thất thoát tài sản nhà nước” vào tay công ty tư nhân của báo
Đại Đoàn Kết.
Ông Trương Duy Nhất đã sai phạm khi cố ý làm trái quy định của pháp luật về xử lý tài sản không thuộc thẩm quyền của mình (ông Nhất chỉ là Trưởng đại diện một văn phòng chứ không đại diện cho báo Đại Đoàn Kết). Ông Nhất lại sai thêm khi tự ý ký Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB và sau đó là Phụ lục Hợp đồng ngày 27/9/2004 trước rồi mới làm Báo cáo gửi lãnh đạo Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết ngày 4/10/2004.
Ông Lê Quang Trang (Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết thời điểm năm 2004) đã ký Quyết định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004 về việc thực hiện Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB, có nội dung:
“Điều I:
Chấp nhận Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB ngày 20/8/2004 đã được ký kết
giữa văn phòng đại diện báo Đại Đoàn Kết khu vực Trung trung bộ đã ký
với Công ty 79.
Ông Trương
Duy Nhất – Trưởng văn phòng đại diện có trách nhiệm thực hiện Hợp đồng
đã ký kết, trong đó có việc làm các thủ tục hợp pháp để chuyển quyền sử
dụng đất và quyền sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng
cho Cty xây dựng 79.
Điều II: Ủy
quyền cho ông Trương Duy Nhất chịu trách nhiệm liên hệ với các cơ quan,
ban ngành có liên quan của thành phố Đà Nẵng để hoàn tất công việc theo
quy định tại điều I”.
Với Quyết
định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004 , Ông Lê Quang Trang đã vi phạm nghiêm
trọng Điều 4 và Điều 13 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại
các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Theo đó, thẩm quyền đệ trình việc thanh lý tài sản nhà đất, trụ sở làm việc của báo Đại Đoàn Kết thuộc Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam và sai phạm các trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản nhà nước.
Tại trang 3 Thông báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng cho biết: “Ngoài
việc mua bán thể hiện như trên, qua xác minh tại báo Đại Đoàn Kết còn
thể hiện: ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản – Đà Nẵng không có trong danh mục
tài sản của báo Đại Đoàn Kết”.
Như vậy, việc cố tình gây “thất thoát tài sản nhà nước” vào tay công ty tư nhân của ông Lê Quang Trang (đại diện báo Đại Đoàn Kết), đã vi phạm nghiêm trọng khoản 2 điều 16 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Theo đó, sau khi tiếp nhận tài sản từ UBND TP Đà Nẵng, báo Đại Đoàn Kết phải thực hiện việc ghi tăng tài sản và giá trị tài sản theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Những sai phạm của ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết
Tại trang 4 Thông báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng: “Khoảng
đầu tháng 1/2011, Trương Duy Nhất xin nghỉ làm việc tại báo Đại Đoàn
Kết, biển hiệu đề tên Văn phòng đại diện báo Đại Đoàn Kết khu vực Trung
trung bộ tại 82 Trần Quốc Toản – Đà Nẵng đã bị tháo gỡ. Ông Lập và sau
đó là ông Tuyền có vào Đà Nẵng để tìm hiểu tình hình, làm việc với Phan
Văn Anh Vũ – Giám đốc công ty xây dựng 79, ông Vũ yêu cầu thanh lý Hợp
đồng nguyên tắc số 64/TTB ngày 20/8/2004 và bồi thường thời gian sử dụng
mặt bằng còn lại cho báo Đại Đoàn Kết”.
Về việc này, ông Nguyễn Minh Ngọc (Phó Tổng biên tập, thay mặt Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết thời điểm 2011) đã có Công văn số 12/CV.ĐĐK.BBT ngày 20/2/2011 gửi Ban giám đốc Công ty CP xây dựng 79. Nội dung khẳng định: “Căn
cứ vào tất cả giấy tờ hiện có, báo Đại Đoàn Kết có quyền sở hữu nhà 82
Trần Quốc Toản – Thành phố Đà Nẵng (nhà công sản được Ủy ban nhân dân
thành phố Đà Nẵng chuyển quyền sử dụng đất cho báo Đại Đoàn Kết làm Văn
phòng theo Quyết định 5775/QĐ-UB ngày 19.7.2004 ). Việc công ty vô cớ gỡ
biển và đóng cửa Văn phòng của báo, một tờ báo có truyền thống 70 năm
từ ngày 15.1.2011 đến nay là một việc làm không hợp pháp và có thể gây
ra nhiều hệ lụy không tốt. Trước mắt, đã gây nhiều khó khăn cho hoạt
động của văn phòng và của tờ báo Đại Đoàn Kết, gây bất bình và búc xúc
trong cơ quan báo và dư luận không chỉ ở Thành phố Đà Nẵng”.
Tại trang 1 Biên bản (Xung quanh quyền sử dụng, sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản TP Đà Nẵng), ông Đinh Đức Lập (đại diện báo Đại Đoàn Kết) khi nói về các bản Hợp đồng nguyên tắc số 64/TTB của Văn phòng báo Đại Đoàn Kết tại Trung trung bộ ngày 20/4/2004 và Quyết định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004 của Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết cũng thừa nhận: “Theo
các quy định pháp luật thì nhiều nội dung thỏa thuận, một số văn bản
giấy tờ chưa hợp lý, tuy nhiên do tính lịch sử và yêu cầu khách quan nên
phải chấp nhận”.
Viện cớ “do tính lịch sử và yêu cầu khách quan nên phải chấp nhận”, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập đã ký Biên bản đồng ý nhận 1 tỷ đồng của Cty CP xây dựng 79 và cam kết không còn khiếu kiện gì liên quan đến quyền sở hữu nhà đất tại 82 Trần Quốc Toản Đà Nẵng.
Theo quy định tại điều 13 và điều 4 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) thì cấp có thẩm quyền đề nghị việc thanh lý trụ sở văn phòng của báo Đại Đoàn Kết thuộc Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Thế nhưng, ông Đinh Đức Lập khi phát hiện những sai phạm trong việc thanh lý tài sản Nhà nước, đã không “Bảo vệ, giữ gìn tài sản nhà nước” theo Điều 6 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ; không báo cáo cấp có thẩm quyền như luật định (Điểm b khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước quy định về Quyền, nghĩa vụ của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước) mà tự ý ký kết Biên bản thỏa thuận với Cty CP xây dựng 79.
Khi ký Biên bản (Xung quanh quyền sử dụng, sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản TP Đà Nẵng) ngày 20/4/2011, Ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết đã vi phạm Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) và Khoản 2 điều 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Số tiền 1 tỷ thu được từ Cty CP Xây dựng 79
lẽ ra phải được hạch toán riêng, sau khi trừ đi chi phí hợp lý liên
quan, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước,
báo Đại Đoàn Kết mới được sử dụng để phát triển hoạt động sự nghiệp. Thế nhưng, số tiền 1 tỷ này sau khi chuyển vào tài khoản chung của cơ quan không biết được sử dụng như thế nào?.
Kính thưa quý vị lãnh đạo!
Nhân đây, tôi cũng xin trao đổi đôi điều về bản Thông báo số 203/PC46 ngày 23/9/2013 của Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng. Trang 4, Bản Thông báo số 203/PC46 cho rằng: “UBND
TP. Đà Nẵng có Quyết định 5775/QĐ-UB ngày 19/7/2004 cho phép bán và
chuyển quyền sử dụng đất thuộc sở hữu Nhà nước tại 82 Trần Quốc Toản –
P. Hải châu I, Q. Hải Châu – TP Đà Nẵng cho Báo Đại Đoàn Kết – Văn phòng
đại diện khu vực Trung trung bộ. Căn cứ Khoản 2 Điều 1 Chương 1 Nghị định của Chính phủ số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 về quản lý tài sản nhà nước, thì: Nhà 82 Trần Quốc Toản không còn là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước”. Khi viết: “Nhà 82 Trần Quốc Toản không còn là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước” Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng đã cố tình “suy diễn” nhằm “gỡ tội” cho Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết. Sự thực, Khoản 2 Điều 1 Chương 1 Nghị định của Chính phủ số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 viết: “Tài
sản thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước đã chuyển giao quyền sở hữu cho
tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là tài sản thuộc sở hữu
của tổ chức đó”. Ở đây phải xác định rõ hai vấn đề. Một: Báo Đại Đoàn Kết có phải là Tổ chức chính trị - xã hội, hay là đơn vị Hành chính sự nghiệp?. Hai: Kể cả khi nhận mình là tổ chức chính trị - xã hội thì Báo Đại Đoàn Kết có quyền muốn bán trụ sở cho ai cũng được không cần chấp hành quy định của Nhà nước?.
Sự thực là Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã “lờ” đi không hề nhắc đến Điều 13 của chính Nghị định của Chính phủ số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 quy định về thẩm quyền thanh lý tài sản trụ sở nhà đất của báo Đại Đoàn Kết (ông Lê Quang Trang không có thẩm quyền). Cơ quan CSĐT Công an TP. Đà Nẵng đã “lờ” đi không hề nhắc đến Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo. Điều 2 Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC quy định: “Quy chế này áp
dụng cho việc xử lý thu hồi, điều chuyển, thanh lý tài sản nhà nước
giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, Tổ chức
chính trị, Tổ chức chính trị- xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội-
nghề nghiệp, các cơ quan ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam ở nước ngoài (gọi chung là cơ quan HCSN) quản lý, sử dụng”.
Như vậy, dù ở tư cách pháp nhân nào, việc mua, quản lý, sử dụng và thanh lý tài sản là trụ sở của báo Đại Đoàn Kết vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật Nhà nước (Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998; Quy chế Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 20 /1999/QĐ-BTC ngày 25/02/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính); Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban
hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ
Tài chính); Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước…). Do đó, việc
Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập phát hiện ra cái sai của
những người tiền nhiệm mà cố tình không báo cáo để cấp có thẩm quyền
đứng ra giải quyết là vi phạm nghiêm trọng điều 5 và điều 6 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Kính thưa quý vị lãnh đạo!
Qua đơn tố cáo này, tôi đề nghị quý vị lãnh đạo, cơ quan có thẩm quyền xử lý:
1. Ban Thường trực Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đảng ủy cơ quan Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam xem xét và sớm có hình thức kỷ luật thích đáng với ông Đinh Đức Lập – Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết trong sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản kể trên theo Điều 6 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ; Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính); Điều 5, Điều 6 và Khoản 2 điều 33 Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
2. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thu hồi lại:
- Số
tiền 1 tỷ đồng mà báo Đại Đoàn Kết thu từ việc sử dụng sai mục đích tài
sản được giao làm trụ sở làm việc theo Điều 3 Quy chế Quản lý việc xử
lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính);
- Thu hồi lại tài sản nhà đất Nhà nước giao cho báo Đại Đoàn Kết bị sử dụng sai mục đích theo Điều 14 Nghị định số 14 /1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998 của Chính phủ; Điều 2, Điều 4 và Điều 9 Quy chế Quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp (Ban hành theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội ngày 14 tháng 10 năm 2013
Người làm đơn
Nguyễn Mạnh Thắng
Mời tham khảo thêm các sai phạm có liên quan của ông Đinh Đức Lập TẠI ĐÂY
(Blog Hữu Nguyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét