Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Ngày 15/9/2013 - continue

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Vụ nổ súng ở Thái Bình có thể lại do vi phạm luật đất đai?

Ngày 13/9, Bộ Công an cho hay gia đình thủ phạm Đặng Ngọc Viết có hơn 180m2 đất bị thu hồi song "không thống nhất" được phương án bồi thường. Trong thời gian chờ giải quyết, Viết bắn 5 cán bộ giải phóng mặt bằng làm một tử vong, 3 bị thương.
 3 ngày sau khi xẩy ra vụ nổ súng bắt 5 người tại trụ sở UBND Tỉnh Thái Bình, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an công bố, 13h55 ngày 11/9, Đặng Ngọc Viết (42 tuổi, ở phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) đến Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố ở phường Trần Hưng Đạo. Viết dùng súng côn quay của Trung Quốc bắn đạn chì làm bị thương 4 người gồm: anh Vũ Ngọc Dũng (Phó Giám đốc Trung tâm), anh Nguyễn Thành Dương, anh Vũ Công Cương và anh Bùi Đức Xuân (cả 3 đều là cán bộ của Trung tâm).
Theo nguồn tin của VnExpress.net, một nữ Phó giám đốc Trung tâm do tránh kịp nên đạn chỉ sượt qua tai. Một nam cán bộ kịp nấp sau chậu cây cảnh và đã tránh được đường đạn. 20h ngày 11/9, anh Dũng tử vong.
Viết cầm súng bỏ trốn về xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, cách thành phố Thái Bình chừng 20 km. Khoảng 19h cùng ngày, Viết tự sát tại chùa Sơn Đông thuộc địa phận xã Trà Giang. Khẩu súng nghi phạm sử dụng được tìm thấy trong ao của chùa.
4 tháng trước, thành phố Thái Bình triển khai dự án khu dân cư tái định cư và công trình công cộng tại phường Kỳ Bá. Gia đình Viết bị thu hồi hơn 180 m2 đất. Trong quá trình Trung tâm phát triển quỹ đất Thái Bình lên phương án bồi thường, vấn đề đền bù của gia đình Viết "không thống nhất được". Trung tâm đang lập phương án trình UBND thành phố phê duyệt thì xảy ra sự việc.


viet-6443-1379072621.jpg
Tối 11/9, sau khi nổ súng ở trụ sở UBND TP Thái Bình khiến một người tử vong, Đặng Ngọc Viết đã đến Chùa Sơn Đông tự sát. Ảnh: HT.

Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến hành động bắn người của Viết, bà Bùi Thị Kim, mẹ vợ cũ của Viết kể, khoảng 2 tháng trước, Viết than phiền với bà phần lớn diện tích nhà tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, bị thu hồi và cho rằng việc đền bù chưa thỏa đáng. Viết muốn được áp giá đền bù như đất có sổ đỏ, dù nhà chưa được cấp sổ nhưng có chứng nhận của chính quyền là đất thổ cư, sử dụng từ trước năm 1993.
Khi việc này không được như mong muốn, Viết đồng ý nhận hơn 500 triệu đồng đền bù cho hơn 180 m2 bị thu hồi. Sau đó, Viết nghĩ lại. "Nó nói rất đau đầu về việc này, nhiều lần đem đơn, giấy tờ lên thành phố xin được nhận đất thay cho tiền nhưng không được giải quyết", bà nói.
Bố Viết là đối tượng chính sách đang ở nhờ vợ chồng người em ở quê. Viết sống  cùng người anh trai bị nhiễm chất độc da cam trong chính ngôi nhà nằm trong diện giải tỏa."Chắc nó lo cho con trai sau này không có nhà do tiền đền bù không đủ mua nhà mới nên sinh chán nản", bà đoán.

DSC-1797-6880-1379072621.jpg
Một con đường sẽ đi qua nhà Viết (nơi căng bạt trắng). Ảnh: PS.

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, căn cứ quyết định ngày 6/2/2013 của UBND TP Thái Bình, theo khung giá đền bù đợt 1, gia đình Viết nhận tiền hỗ trợ tài sản trên đất (một ngôi nhà ngói 3 gian) và các khoản hỗ trợ khác là 504 triệu đồng. Tiền đền bù bổ sung lần 2 là 55 triệu đồng. Cụ thể, 70 m2 được bồi thường 50% giá đất ở; hơn 110 m2 bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp. Tiền bồi thường hỗ trợ về đất hơn 300 triệu đồng; bồi thường hỗ trợ tài sản hơn 190 triệu đồng...
Trước giả thuyết Viết bức xúc do giá đền bù thấp, phần diện tích còn lại hơn 30 m2 khó xây nhà nên gây trọng tội, ông Nguyễn Hải Trường (Chánh văn phòng UBND thành phố Thái Bình) đã bác bỏ. Ông giải thích, giá đền bù được áp dụng chung theo quy định của nhà nước, không có chuyện cho nhà này cao nhà kia thấp.
Ông Trường xác nhận "đề nghị thay đổi phương án nhận đền bù của Viết đang trong quá trình giải quyết". Theo ông Trường, hiện phần lớn các hộ dân đã đồng ý với giá đền bù, mặt bằng đã được giải phóng tới 95%.
Dự án khu đô thị thuộc phường Kỳ Bá và phường Trần Lãm diện tích gần chục hecta, hiện giải quyết mặt bằng được khoảng 95%. Toàn bộ khu vực đất đã thu hồi được ngăn bằng hàng tường cao khoảng 2m, bên trong phân thành nhiều lô đất. Hệ thống đường nhựa, đèn cao áp đã hoàn thiện. Riêng đường đi qua nhà Viết còn dang dở.
(Tầm nhìn)

Hé lộ căn nguyên vụ nổ súng tại Thái Bình

Hi
Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ súng.

Một nạn nhân vụ nổ súng đang được điều trị tại bệnh viện.
Một nạn nhân vụ nổ súng đang được điều trị tại bệnh viện.

Bộ Công an vừa thông tin sơ bộ về vụ việc Đặng Ngọc Viết (SN 1971) bắn chết và bị thương nhiều cán bộ ngay trong trụ sở UBND TP Thái Bình.
Theo đó, nguyên nhân sự việc là do gia đình của Viết không thống nhất phương án bồi thường GPMB của chính quyền địa phương.
Theo nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an, vụ việc đối tượng Đặng Ngọc Viết (SN 1971) sử dụng súng bắn chết và bị thương nhiều cán bộ ngay trong trụ sở UBND TP Thái Bình do gia đình của Viết không thống nhất phương án bồi thường.
Mâu thuẫn xảy ra từ tháng 5/2013, UBND thành phố Thái Bình triển khai khu dân cư tái định cư và công trình công cộng tại phường Kỳ Bá, đã thu hồi 181,6m2 đất của gia đình Đặng Ngọc Viết, Trung tâm phát triển quỹ đất đang lập phương án trình UBND Thành phố phê duyệt.
Tuy nhiên, phương án bồi thường của chính quyền địa phương với phần đất của gia đình Viết không được gia đình này đồng thuận.
Mâu thuẫn trong việc bồi thường GPMB dẫn đến việc khoảng 14 giờ chiều ngày 11/9, Viết xông vào Trung tâm phát triển Quỹ đất TP Thái Bình nằm trong khuôn viên UBND TP Thái Bình bắn bị thương 5 cán bộ.
Các nạn nhân gồm: ông Vũ Ngọc Dũng (SN 1962, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố) bị thương tích ở đầu; ông Nguyễn Thanh Dương, (SN 1975, cán bộ trung tâm) bị thương phần mắt; anh Vũ Công Cương (SN 1990) và ông Bùi Đức Xuân ( SN 1975) cùng là cán bộ trung tâm cùng bị thương khá nghiêm trọng ở đầu.
Riêng bà Phạm Thị Lan Anh (SN 1977, Phó Giám đốc trung tâm) bị kẻ gây án bắn thẳng vào người nhưng rất may đạn đã sượt qua màng tai phải.
Sau khi đưa đến bệnh viện cấp cứu, đến 20h cùng ngày, anh Dũng đã tử vong.
Sau khi gây án, Đặng Ngọc Viết bỏ trốn, đến khoảng 19h cùng ngày, phát hiện Viết dùng súng tự sát tại chùa Đông Sơn, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương.
THEO DÂN TRÍ

Không ‘bung’ tham nhũng vì sợ mất uy tín


Chiều 13.9, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng do ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng thanh tra Chính phủ, dẫn đầu đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Bình Thuận và các sở, ngành liên quan.
Sau một tuần làm việc với các cơ quan nội chính, đoàn công tác ghi nhận Bình Thuận không có những vụ án tham nhũng lớn. Tuy nhiên, còn tình trạng để những vụ án kéo dài và việc xử lý sau thanh tra còn chậm. Theo thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng đoàn công tác, có những vụ án rất nhỏ, chỉ một tội danh, một bị can, nhưng các cơ quan tố tụng để kéo dài là do trình độ chuyên môn của một bộ phận cán bộ tố tụng cơ sở còn yếu. Ông Vương cũng chỉ rõ từng thiếu sót trong một vài vụ án tham nhũng còn kéo dài và yêu cầu Công an Bình Thuận lưu ý.

‘Cái gì cũng có chuyện để ăn’

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: “Phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Bây giờ xuất hiện tin nhắn, đơn thư nặc danh, một phần do chưa làm tốt việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng”. Về công tác đấu tranh phòng ngừa, ông Tranh nói: “Bây giờ tham nhũng vặt, cái gì cũng ăn; cái gì cũng có chuyện để ăn. Cứ có chính sách hỗ trợ là có thể xảy ra tham nhũng. Cho nên phải phát huy vai trò người đứng đầu đi kèm với trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng”.
Về các lĩnh vực xảy ra án tham nhũng tại Bình Thuận, ông Tranh đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh: “Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tham nhũng chưa cao, chưa rõ. Tham nhũng mới chỉ phát hiện ở một vài ngành. Vậy những ngành khác có tham nhũng hay không?”. Rồi ông Tranh nói tiếp: “Hiện nay, có hiện tượng người đứng đầu sợ mất uy tín ngành mình, nên không bung cái này ra”.
Ông Tranh cũng lấy ví dụ cụ thể việc thanh tra một đơn vị tại Ninh Bình, sau này Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm tại một ngân hàng lên đến hàng nghìn tỉ đồng, chuyển công an điều tra khởi tố. “Thanh tra chính là đầu vào của các vụ án tham nhũng. Sau thanh tra thấy có dấu hiệu tham nhũng là phải chuyển sang cơ quan điều tra ngay”, ông Tranh đề nghị. Tổng thanh tra Chính phủ cũng ghi nhận những kiến nghị của Bình Thuận và nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tại tỉnh này.
Theo Trưởng ban Nội chính Bình Thuận Châu Minh Sơn, từ năm 2010 đến tháng 7.2013, trên địa bàn xảy ra 19 vụ án tham nhũng; đã khởi tố 16 vụ và chuyển sang Viện KSND đề nghị truy tố 14 vụ với 22 bị can.

Giám sát 4 cơ quan tư pháp Đồng Nai

Ngày 13.9, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng do ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Đồng Nai. Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Đồng Nai là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nên cũng có vấn đề phức tạp, trong đó có các vụ việc tham nhũng đã được địa phương xử lý. Qua kiểm tra, giám sát nếu có thiếu sót, yếu kém sẽ cùng với T.Ư chấn chỉnh, khắc phục để hoàn thiện cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn”. Theo kế hoạch, từ ngày 13 đến 20.9, đoàn công tác kiểm tra, giám sát tại 4 cơ quan tư pháp cấp tỉnh gồm: Thanh tra, Công an, TAND và Viện KSND tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, đoàn còn kiểm tra giám sát tại Thành ủy TP.Biên Hòa, Huyện ủy H.Vĩnh Cửu.
THEO THANH NIÊN

Đề nghị xét tặng cột điện danh hiệu 'Công dân ưu tú'

Với mỗi người Việt Nam, có lẽ hình ảnh cột điện với những dây điện chằng chịt đã trở nên vô cùng quen thuộc. Cột điện nặng trĩu dây dợ không chỉ có ở nông thôn, những vùng kinh tế, hạ tầng cơ sở phát triển chưa cao mà còn đầy rẫy ở các thành phố lớn, nơi người ta vừa phát triển cáp ngầm vừa giăng dây điện như mạng nhện khắp nơi trên trời.

Và cứ thế, người ta mặc định việc dây điện như mạng nhện là vô cùng bình thường, ở đâu cũng có cho đến khi tỷ phú Mỹ Bill Gates đăng lên facebook của mình bức ảnh một cây cột dây điện chằng chịt ở Việt Nam và tỏ ý lo lắng trước nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở các nước đang phát triển. Bức ảnh ngay khi được đăng tải đã nhận được sự chú ý lớn của cộng đồng mạng trên thế giới với hàng chục nghìn lượt like, bình luận và chia sẻ.
Đề nghị xét tặng cột điện danh hiệu "Công dân ưu tú"

Và người ta bỗng giật mình nhận ra sự giống nhau đến kỳ lạ giữa hình ảnh cột điện gồng mình gánh đống 'mạng nhện' với người dân Việt Nam è cổ gánh đủ các loại thuế phí.

Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, người thất nghiệp tăng, lương người lao động thì bàn mãi vẫn chưa tăng, thậm chí Chính phủ còn xin hoãn, hoặc ít nhất là giảm tỷ lệ tăng. Ấy vậy mà các loại thuế phí có chịu nhìn ngó hay để ý đến thu nhập của người dân bao giờ đâu, loại nào tăng nhanh được thì cố gắng phi nước đại hết sức có thể, loại nào không nhanh thì cũng phải luồn lách đi lên cho 'bằng bạn bằng bè'.

Điển hình như mặt hàng xăng dầu tính toán theo chi phí trong tháng 5/2013, Nghị định 84 quy định một lít xăng hiện đang chịu 4 loại thuế và 3 loại chi phí. Tổng 7 loại thuế và phí này khoảng 9.000 đồng/lít, tương ứng 39% giá bán một lít xăng. Các khoản thuế, phí chưa tính thuế giá trị gia tăng khoảng 7.000 đồng/lít. Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp 860 đồng/lít và lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Nhìn cơ cấu giá thành có thể thấy doanh nghiệp và nhà nước đang chia nhau hơn 7.000 đồng/lít xăng.

Đấy là chưa kể thuế nhập khẩu xăng dầu hiện nay đang được áp dụng cơ chế không cố định, lên xuống theo quyết định của Bộ Tài chính. Vì vậy mà khi giá xăng dầu thế giới giảm, Bộ này không điều chỉnh giảm giá bán mà lại điều chỉnh tăng thuế để với mục đích bù lỗ cho ngân sách, doanh nghiệp...

Rồi thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, mỗi lít xăng người dân phải bỏ vài đồng cho vào quỹ này, nhưng việc sử dụng quỹ thế nào, còn nhiều hay ít thì người dân không được biết.

Rồi thì viện phí tăng gấp đôi, ba lần so với trước, trong khi chất lượng dịch vụ, bác sĩ không đổi, tình trạng quá tải bệnh viện thậm chí còn trầm trọng hơn, bệnh nhân vào viện với hy vọng sống thì lại tử vong nhiều hơn vì sự tắc trách, vô cảm của không ít bác sĩ, nhân viên y tế… Người ta còn kháo nhau có lẽ bác sĩ bận đếm phong bì, quà cảm ơn của bệnh nhân nên hay 'xao nhãng', ấy là cái sự đồn đại, còn sự thật thế nào có lẽ chỉ bác sĩ mới biết.

Đã khó khăn, mệt mỏi với hàng đống thuế phí, trong năm 2013 chúng ta lại tiếp tục phải gánh thêm phí bảo trì đường bộ. Thời phong kiến mọi thứ đều nghèo nàn chỉ có đò để sang sông thì phải trả thuế đò, giờ ta hiện đại hơn có cầu thì để được đi lại phải trả phí cầu đường. Phí bảo trì đã thu, đến thời điểm này đạt khoảng 3.600 tỷ đồng, nhưng tai nạn vì đường xấu vẫn diễn ra, ngày càng tăng, nạn nhân không được đền bù mà phải tự chịu vì ai bảo đường tốt không chọn, cứ nhằm đường xấu mà đi.

Với việc là biểu tượng chân thực cho việc người dân Việt Nam đang phải gánh nhiều loại thuế, phí, hình ảnh cây cột điện gồng mình gánh đống dây điện có lẽ chúng ta cũng nên tính đến việc phong cho cột điện danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú", vì gánh nhiều như vậy mà chẳng than phiền gì hết.

Việc này không những quảng bá hình ảnh dặc trưng của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới mà còn góp phần tuyên truyền cho mọi người Việt thấy được thái độ cần thiết đối với tình trạng thuế phí chồng chất leo cao hiện nay đó là cứ chịu khó mà gánh, đừng có than phiền bởi sẽ chẳng có tác dụng gì đâu.

Ngọc Lê
(Phunutoday.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét