Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Bài viết đáng chú ý: Vụ nổ súng ở Thái Bình - Nỗi day dứt về biên giới phía Bắc

Giọt nước tràn ly

Tu-sat-305.jpg
Người nhà Anh Đặng Ngọc Viết bên bàn thờ của Anh hôm 13 tháng 9 tại Phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình. Courtesy phatgiao.org.vn
Vụ một người bị thu hồi đất tự sát sau khi xông vào trụ sở UBND Thành phố Thái Bình nổ súng vào 5 cán bộ địa chính, làm chết một lãnh đạo gây thương tích cho 3 cán bộ khác, đã trở thành sự kiện nóng trên báo chí cho tới diễn đàn Quốc hội.
Người dân bị dồn vào đường cùng

Báo mạng Dân Trí ngày 12/9 đưa tin, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ông Nguyễn Hạnh Phúc liên hệ vụ việc ở Thái Bình với vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, để khẳng định việc thu hồi đất thực sự là một vấn nạn đầy phức tạp bức xúc.

Tuy vậy phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận để chốt lại Dự luật Đất đai sửa đổi vẫn có nhiều ý kiến giữ lại một nội dung từng gây tranh cãi gay gắt. Đó là việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội, nhưng sẽ bổ sung phân cấp thẩm quyền cho phép thu hồi và diện tích thu hồi theo thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng và Hội đồng Nhân dân.

GSTS Nguyễn Thế Hùng ở Đà Nẵng, một nhân vật tích cực với vấn đề phục hồi xã hội dân sự, nhận định về tình trạng giọt nước tràn ly liên quan đến vấn đề thu hồi đất đai, qua vụ Tiếng súng Hoa cải Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng cũng như vụ Đặng Ngọc Viết bắn lãnh đạo Địa chính rồi tự sát ở Thái Bình.

“Vụ việc vừa rồi đúng là đáng báo động, bởi vì người dân bị dồn vào đường cùng. Một số quan chức Nhà nước móc ngoặc với đại gia để họ bán đất ăn trên đầu trên cổ nhân dân, gây ra một làn sóng phẫn uất rất chính đáng và gọi là tức nước vỡ bờ. Cho nên phải thừa nhận sở hữu tư nhân và khi thu hồi đất phải trên cơ sở thỏa thuận giữa người dân và cơ quan thu hồi đất, bởi vì thỏa thuận thì người dân được đền bù chính đáng. Không có khoản tiền chênh lệch thì quan tham mới không chui vào đó ăn được. đó là một trong những cách hạn chế tham nhũng.”

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ở Hà Nội hôm 12/9, một ngày sau vụ ông Đặng Ngọc Viết tự sát sau khi bắn chết lãnh đạo Địa chính Thành phố Thái Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, chỉnh lý dự thảo Luật Đất Đai lần này cần phải quán triệt quan điểm các dự án có tầm quan trọng như thế nào mới thực hiện thu hồi đất, còn lại phải giải quyết theo các phương thức khác.

129tusat2_2d0f5-250.jpg
Tượng đài Quan Thế Âm Bồ Tát tại chùa Đông Sơn cách trụ sở UBND TP Thái Bình khoảng 20km, nơi Anh Đặng Ngọc Viết đã tự sát hôm 11 tháng 9 năm 2013. Courtesy NLD.
Trong dịp trả lời chúng tôi chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh ở Hà Nội nhận định, Hiến pháp Việt Nam 1992 qui định đất đai sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Qui định này mù mờ về chủ sở hữu cũng người đại diện chủ sở hữu. Theo Hiến pháp 1992 Nhà nước có quyền thu hồi đất để phục vụ mục tiêu quốc phòng an ninh và lợi ích công cộng. Nhưng Luật Đất đai lại bổ sung thêm là Nhà nước có thể thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế xã hội. TS Lê Đăng Doanh phân tích:

“Điều này quá rộng và không xác định rõ, cho nên dẫn đến việc thu hồi đất của nông dân và đền bù với một giá rất thấp rồi chuyển giao cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước và ăn chênh lệch giá đó, giá đất thì thường xuyên được đẩy lên rất cao cho nên làm cho giá bất động sản của Việt Nam tăng lên cao hơn rất nhiều lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Đấy là một vấn đề rất là gay gắt, cho nên hiện nay đang có nhiều phương án đưa ra để thảo luận.”

Báo Thanh Niên Online ngày 12/9 trích lời ông Đặng Ngọc Vinh, anh trai của ông Đặng Ngọc Viết cho rằng, hành động của em mình là do bức xúc quá lâu về chuyện đền bù giải tỏa đất của gia đình. Vẫn theo tờ báo, kết quả giám định pháp y khẳng định không phát hiện chất ma túy trong cơ thể Đặng Ngọc Viết, công an địa phương cũng xác nhận hoàn cảnh gia đình Viết rất éo le và Viết chưa từng có tiền án, tiền sự.
Giá đền bù không hợp lý

Theo báo mạng Đất Việt, người vợ sắp cưới của kẻ tự sát sau khi xả súng ở Thái Bình mà nhà báo ghi tên tắt là N.T.N cho biết, Đặng Ngọc Viết nhiều lần tỏ ra bức xúc vì đất của gia đình không được đền bù với giá hợp lý. Cụ thể đền bù 7 triệu đồng/mét vuông, trong khi giá thị trường hơn 10 triệu đồng/ mét vuông. Tờ báo ghi nhận, căn nhà và đất của Đặng Văn Viết ở Thành phố Thái Bình được áp giá đền bù gần 500 triệu đồng, nhưng Chính quyền không trả một lần và chia làm nhiều lần. Sau khi nhận được ba đợt, Đặng Ngọc Viết có nguyện vọng trả lại toàn bộ tiền đã nhận và yêu cầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Thái Bình chuyển sang hình thức cấp đất ở khu tái định cư, chấp nhận đóng thêm tiền như qui định, nhưng không được chính quyền chấp nhận.

Vụ bắn cán bộ địa chính và tự sát ở Thái Bình chỉ là một trong hàng chục ngàn vụ rắc rối có liên quan đến thu hồi đất đai và đền bù không thỏa đáng. Báo chí ghi nhận hàng trăm vụ biểu tình hoặc chống đối cưỡng lệnh thu hồi đất để chính quyền thực hiện các dự án có tính cách thương mại, như Ecopark Hưng Yên hoặc đơn lẻ nhưng gây tiếng vang lớn, như vụ nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng Hải Phòng.

LS Trần Vũ Hải ở Hà Nội, trong dịp trả lời Nam Nguyên cho rằng, vấn đề đất đai sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đã giúp cho nhiều địa phương thu hồi đất của người dân và đền bù không thỏa đáng. LS Trần Vũ Hải nhận định:

dnv-1-250.jpg
Công an điều tra hiện trường vụ nổ súng tại trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Thái Bình chiều ngày 11/9. Courtesy VTC.

“Người dân vẫn lo ngại là đến một ngày nào đó người chủ đất thực sự được coi là nhà nước lấy lại, thu hồi lại như hiện nay thì sao? Nếu đó là sở hữu tư nhân thì lúc đó anh muốn làm gì với tôi là phải trên cơ sở mua bán tức là trên cơ sở quan hệ thị trường, quan hệ giá trị chứ không phải là anh định đọat anh thu hồi anh cho rằng cái giá này là hợp lý, giá kia không hợp lý, tức là giá theo ý chủ quan của Nhà nước nhưng thực ra là ý chủ quan của một số quan chức địa phương thôi. Cho nên chúng tôi cho rằng, đất đai rõ ràng cần phải được nhìn nhận như là tài sản có sở hữu rõ ràng mà ở đây là sở hữu tư nhân.”

Câu chuyện thu hồi đất và nhà ở rồi đền bù thấp hơn giá thị trường dẫn tới sự sự kiện ông Đặng Ngọc Viết trút hết oán hận lên những người thực hiện chính sách thu hồi đất của địa phương. Ở đây cụ thể là Ban Lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quĩ đất Thành phố Thái Bình và Đội giải phóng mặt bằng.

Trong dịp trả lời Nam Nguyên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận định về nhu cầu cải tổ chính sách để thực hiện công bằng trong đền bù thu hồi đất.

“Nên giao việc định giá cho một tổ chức định giá, hội đồng định giá với những nhà chuyên môn thì họ định giá mảnh đất thu hồi, để người mất đất phải có một cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi cũ và việc tái định cư phải thực hiện trước khi thu hồi đất, họ phải có một cuộc sống ổn định không giống như thời gian trước thu hồi đất người dân phải ở những nơi không tốt. Chúng tôi đã góp ý kiến nghị Quốc hội qua rất nhiều cuộc hội thảo theo hướng giải quyết cho người dân như vậy thì nó sẽ hạn chế được những tranh chấp.”

Nếu trong Quí IV này Quốc hội Việt Nam thông qua bản Hiến pháp tu chính, thì đồng thời Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ được thông qua. Các chuyên gia dự đoán sẽ không có đột phá thay đổi qui định đất đai sở hữu toàn dân mà thực chất là sở hữu Nhà nước vì Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định. Tuy vậy, những người quan tâm hy vọng Luật Đất Đai sau khi sửa đổi sẽ hạn chế vấn đề thu hồi đất để thực hiện các dự án có tính cách thương mại, khả dĩ bảo vệ quyền lợi của người dân bị thu hồi đất với giá trị đền bù thỏa đáng.
Nam Nguyên, RFA
2013-09-13

Những bất cập trong sở hữu đất đai


Chỉ sau 24h đồng hồ, cái tên Đặng Ngọc Viết đã trở thành nổi tiếng. Điều mà trước đấy khó ai có thể nghĩ cái tên của người đàn ông 38 tuổi trú tại  phường Kỳ Bá, TP.Thái Bình đã được ghi tiếp theo cái tên anh em nhà họ Đoàn ở Tiên lãng - Hải phòng. Những người này có những cái chung, họ đều là những người phản kháng chính quyền ở vùng Duyên hải đồng bằng Bắc bộ và cùng là nạn nhân của việc thu hồi đất từ chính quyền.

Tức nước vỡ bờ

Sau vụ ông Đoàn Văn Vươn cùng anh em trong gia đình dùng vũ khí thô sơ để chống lại việc làm sai pháp luật của các viên chức nhà nước, khi sử dụng lực lượng công an, quân đội trấn áp để thu hồi diện tích đất và đầm nuôi cá mà họ, những người nông dân đã đổ biết bao mồ hôi công sức để khai phá. Khi ấy có lẽ nhiều người trong đó có tôi đã liên tưởng đến cảnh những con người hiền lành đó, một khi do uất ức khi bị cướp đất cướp nhà và bị dồn đến bước đường cùng thì việc họ cầm vũ khí đứng lên đáp trả. Bởi nó cũng là điều tất nhiên sẽ phải xảy ra đối với những con người bị dồn tới thế cùng đường. Vấn đề chỉ còn là lúc nào, sớm hay muộn mà thôi.

Chỉ có điều không ai ngờ một người đàn ông hiền lành, thật thà, chăm chỉ và rất yêu thương con cái ấy lại có thể manh động gây ra vụ xả súng kinh hoàng tại trụ sở UBND TP Thái Bình làm 2 cán bộ chết và 3 cán bộ khác bị thương. Có thể khẳng định vụ 5 cán bộ bị bắn nói trên thể hiện độ phức tạp của việc thu hồi đất đai phục vụ cho các công trình dưới danh nghĩa phát triển kinh tế và xã hội. Nguyên nhân chính là sự chênh lệch giá quá lớn giữa giá đền bù cho người sử dụng đất và giá trị thực của nó. Và nó cũng là lời giải thích vì sao ông Đặng Ngọc Viết sau khi nhận số tiền 500 triệu đồng (trả dần) đền bù cho 200 m2 đất mà vẫn không đủ chi phí để tái định cư. Người Việt có câu "An cư lập nghiệp" là thế, nghĩa là chỗ ở phải ổn định thì người ta mới có thể sinh sống làm ăn. Không hiểu các nhà quản lý, các nhà làm luật có biết điều đó hay không?

Câu trả lời là họ có biết, không những thế họ còn biết rất rõ và cũng rất lo. Bằng chứng là tại phiên họp UBTVQH chiều 12.9.2013, trong buổi thảo luận về dự luật Đất đai sửa đổi sau lần chỉnh sửa mới nhất, khi nhắc đến vụ nổ súng làm thương vong 5 cán bộ địa chính tại UBND tỉnh Thái Bình vừa xảy ra, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc liên hệ lại vụ chống đối cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn để khẳng định công tác thu hồi đất thực sự phức tạp. Như vụ ở Tiên Lãng, ông Phúc nhắc lại bài học khi thu hồi đất của người dân cần phải tính tới công sức quai đê lấn biển để hạn chế bớt những bức xúc của người dân. Đồng thời cảnh báo“Khi thu hồi đất, dù chưa đủ giấy tờ, thủ tục vẫn cần có hình thức đền bù nào đó cho người dân, dù là thấp hơn các trường hợp “danh chính ngôn thuận”, nếu không người dân dễ bức xúc dẫn tới hành vi chống đối giống như những vụ việc vừa qua”.

Đằng sau của việc thu hồi đất đai phục vụ cho các công trình dưới danh nghĩa phát triển kinh tế và xã hội hiện nay mà ai cũng biết là sự núp bóng của các nhóm lợi ích. Bằng cách thông qua sự câu kết giữa các quan chức nhà nước ở mọi cấp với các doanh nghiệp tư nhân để xà xẻo tài nguyên quốc gia và mồ hôi, xương máu của nhân dân. Mà mục đích là trục lợi cho cá nhân họ thông qua sự chênh lệch giá đất giữa giá thị trường và giá đền bù. Lỗ hổng này thì ai ai cũng biết, xong chính quyền nhà nước cứ làm ngơ hòng dung túng cho sự làm giàu của các quan chức nhà nước. Đó chính là lý do vì sao Luật đất đai (sửa đổi) còn cứ duy trí nguyên tắc đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý một cách bất di bất dịch. Thử hỏi rằng, nếu chấp nhận một phần đất đai thuộc quyền sở hữu của người dân theo thực trạng hiện tại, khi nhà nước hoặc các tổ chức muốn sử dụng thì thỏa thuận giá đền bù theo cách thuận mua, vừa bán. Điều này sẽ giải quyết triệt để việc ép dân trong việc thu hồi đất của các cấp chính quyền. Nhưng một điều trớ trêu là nếu làm như thế tuy có lợi cho nhân dân, nhưng thì làm sao quan có thể làm giàu được?

Theo GS. Tương Lai  cho biết, năm 1997 trong dịp báo cáo với ông Phạm Văn Đồng về tình hình bạo động và nổi dậy của nông dân Thái Bình, khi đó ông Phạm Văn Đồng nói rằng "Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những nhà cầm quyền hư hỏng, thoái hóa, biến chất, đè nén áp bức khiến dân không chịu được; và bên kia là dân không chịu được nên đã nổi dậy đấu tranh.". Chắc hẳn đến hôm nay những điều  ông Phạm Văn Đồng phát biểu vẫn còn nguyên giá trị.

Tấc đất tấc vàng
000_Hkg803181-250.jpg
Khu Phú Mỹ Hưng, TPHCM. AFP photo
Thời nào cũng thế, tấc đất luôn là tấc vàng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhất là ở cái buổi kim tiền ngự trị xã hội thì đất đai dường như hớp hết hồn của con người, đặc biệt là các đối tượng quan chức. Hơn nữa bây giờ ở Vietj nam không có gì tham nhũng để kiếm lợi lại ngon lành như ở trong lĩnh vực đất đai. Chỉ cần tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng đất một lần là có thể đổi đời con người. Thử hỏi bao nhiêu tỷ phú đô la người Việt mới giàu có ai không giàu lên từ kinh doanh hoặc liên quan đến đất đất đai? Một điều mà ai cũng biết, là tiền bạc cũng như vật chất không tự nhiên sinh ra, mà nó chỉ chạy từ túi người này sang túi người khác. Ở đây thì tiền bạc của hàng nghìn, hàng vạn những người dân oan, mất nhà, mất đất do sự bát cập của Luật đất đai lại chạy vào túi của một số ít người là quan chức và những kẻ thuộc các nhóm lợi ích. Lý do làm cho một số người giàu lên là như thế, đồng thời cũng chính là lý do để họ lobby để các kẻ có chức có quyền không chấp nhận để cho phép sở hữu đất tư nhân. Xin đừng mang cái lý luận cho rằng nguyên tắc đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý là biểu hiện của Chủ nghĩa Cộng sản để che dấu việc đem đất của người cày chia cho các nhà tư bản để trục lợi.

Từ xưa tới nay bất cứ nhà cầm quyền nào cũng phải lấy việc an dân làm trọng, bởi để bảo vệ được chế độ của mình thì buộc các chính quyền nhà nước phải có những việc nhân nghĩa mới có thể an dân. Mà chuyện đất đai thời nay đã từng được cảnh báo là tử huyệt của chế độ, chính vì thế lẽ ra nhà nước cần phải nghí̃ làm thế nào để vấn đề đất đai không trở thành mâu thuẫn đối kháng. Vì khi đó nó sẽ trở thành vấn đề nguyên nhân của sự đối đầu một mất một còn bùng nổ, mà hiện tượng ông Đặng Ngọc Viết là một điển hình trong việc một cá nhân người dân bị dồn vào đường cùng khi hết lối thoát. Khi ấy họ phải mang mạng sống của mình để đánh đổi với mạng sống của nhiều người khác để giải thoát. Nhưng ngược lại hình như chính quyền hiện nay quá tự tin, họ vẫn nghĩ rằng không thể có bất cứ thế lực nào có thể đảo ngược những gì họ muốn làm trong việc cai trị. Kể cả việc xâm phạm lợi ích của nhân dân lao động nói chung và những người nông dân một trong những thành phần luôn được coi là nền tảng của đảng CSVN từ trước tới nay.

Mọi vấn đề then chốt là ở Luật đất đai (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét thông qua. Đã đến lúc cần phải có sự thay đổi trong việc chấp nhận việc đa thành phần sở hữu đất đai. Không thể tiếp tục việc duy trì nguyên tắc đất đai sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý một cách mơ hồ, Mà thực chát là để duy trì một lỗ hổng của luật pháp, tạo điều kiện cho một nhóm nhỏ các quan chức lãnh đạo có thể thao túng và trục lợi. Còn nếu không thì những vụ việc phản kháng của người dân đối với chính quyền khi bất lực và hết lối thoát trong việc thu hồi đất đai. Mà điển hình như các vụ án Đoàn Văn Vươn trước kia và Đặng Ngọc Viết gần đây là những bài học lớn, cần phải ghi nhớ.

Cho dù cái tên Đặng Ngọc Viết sẽ ghi vào lịch sử của những người dân oan, nhưng dù sao đi chăng nữa thì sự mất mát cũng nghiêng về phía người dân lành. Điều đó có lẽ không ai muốn nó xảy ra cả.

Ngày 12 tháng 09 năm 2013.
  Kami
2013-09-13 
(RFA Blog's)

Vụ nổ súng tại UBND TP Thái Bình: Cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ động cơ gây án

Liên quan đến vụ nổ súng tại trụ sở UBND TP Thái Bình chiều 11-9 khiến 5 cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thái Bình thương vong, ngày 12-9, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có mặt tại Thái Bình để tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến sự việc.

Hung thủ tự sát tại chùa Đông

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình cho biết, Đặng Ngọc Viết (sinh năm 1971, trú tại số nhà 11, ngõ 345, tổ 48, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) là người nổ súng tại trụ sở UBND TP Thái Bình, làm 5 cán bộ thương vong chiều 11-9. Sau khi gây án xong, Viết một mình đi xe máy về quê gốc của mình ở xã Trà Giang, huyện Kiến Xương. Khoảng 18 giờ cùng ngày, hung thủ tạt vào chùa Đông để trú ngụ và xin cơm ăn. 30 phút sau, những người trong chùa giật mình khi nghe thấy tiếng nổ phát ra từ nơi Viết trú ngụ. Họ lại gần thì thấy Viết đã gục ngã và bất tỉnh cạnh chân tượng Quan Âm Bồ Tát.

Ngay sau đó, cơ quan chức năng có mặt và phát hiện Viết đã tự sát. Cơ quan điều tra xác định Viết đã vứt súng xuống hồ và sử dụng nam châm để tìm và lấy khẩu súng lên. Kết quả khám nghiệm của cơ quan điều tra cho thấy, người đàn ông tử vong chỉ do một vết bắn xuyên tim, nòng súng gí sát vào ngực trước khi bắn. Công tác khám nghiệm tử thi được tiến hành ngay sau đó.

Người gây án chưa có tiền án, tiền sự

Đó là khẳng định của Trung tá Lê Bá Thắng, Trưởng công an phường Kỳ Bá, TP Thái Bình với phóng viên Báo Quân đội nhân dân vào sáng qua (12-9). Viết và vợ là chị  Đặng Thị Thu, đã ly dị. Hiện chị Thu đang sống tại Liên bang Nga. Viết có hai con gái (một cháu 17 tuổi và một cháu 6 tuổi). Trước đây, Viết cũng từng sang Nga lao động, năm 2011 thì trở về nước. “Viết chưa có tiền án, tiền sự gì và rất hiền lành”, Trung tá Lê Bá Thắng cho biết. Trước thời điểm xảy ra vụ án, Công an phường Kỳ Bá nhận được tin báo có xảy ra vụ va chạm giữa Viết với một người dân tên Huệ ở cùng phố. Tuy nhiên, khi công an đến thì Viết đã bỏ đi.
Trụ sở UBND TP Thái Bình - nơi diễn ra vụ nổ sung kinh hoàng.

Theo công an tỉnh Thái Bình, sau khi xảy ra vụ nổ súng tại UBND TP Thái Bình, cơ quan điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án giết người, khởi tố bị can, ra lệnh truy nã và áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với Đặng Ngọc Viết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Viết được xác định là bị can duy nhất trong vụ án nhưng đã tự sát khi lẩn trốn. Vì lý do trên, cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ truy nã đối với bị can theo đúng quy trình tố tụng.

Chiều 12-9, chúng tôi có mặt tại lễ tang hung thủ Đặng Ngọc Viết. Tại đây, nhiều người không thể ngờ Viết dám mang súng vào tận UBND TP Thái Bình để sát hại cán bộ. Bà Nguyễn Thị Lý, người hàng xóm dự lễ tang cho biết: "Nghe tin Viết giết người, lúc đầu tôi không tin, vì Viết thường ngày là người hiền lành".

Gây án do mâu thuẫn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng?

Cuối buổi chiều 12-9, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc làm việc với Chánh văn phòng UBND TP Thái Bình Nguyễn Hải Trường. Ông Trường cho biết: “Đặng Ngọc Viết đã lựa chọn một ô đất tại Dự án khu tái định cư Kỳ Bá… sau đó về không thống nhất được với gia đình, Viết lại xin thay đổi sang diện nhận tiền. Viết đã nhận 500 triệu đồng, còn 50 triệu đồng nữa. Do Viết không có mặt tại địa phương nên vụ việc chưa được giải quyết”.
Vẫn theo Chánh văn phòng UBND TP Thái Bình, Dự án khu tái định cư xã Kỳ Bá làm để hỗ trợ người dân đất dịch vụ 5%. Chủ đầu tư của Dự án là UBND TP Thái Bình, dự án đã hoàn thành 95% kế hoạch. Ông Nguyễn Hải Trường cho biết thêm, giữa Đặng Ngọc Viết và các cán bộ Trung tâm quỹ đất bị sát hại không hề có tư thù cá nhân, thậm chí Viết cũng không biết mặt các bị hại. Năm cán bộ bị hại không trực tiếp làm dự án kể trên.

Khi phóng viên hỏi về diện tích, mức đền bù cụ thể cho diện tích đất bị thu hồi của hung thủ Đặng Ngọc Viết, ông Nguyễn Hải Trường cho rằng: Phóng viên cần đặt lịch công tác trước để Văn phòng bố trí cán bộ phụ trách phần việc trả lời cụ thể.

Thông tin từ người nhà hung thủ cho biết, nguyên nhân khiến Đặng Ngọc Viết xả súng vào 5 cán bộ là do mâu thuẫn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. Còn theo nguồn tin phóng viên có được, ban đầu, Viết định lấy tiền đền bù bằng tiền mặt, nhưng phía UBND TP không trả một lần mà chia ra làm nhiều đợt. Sau khi lấy được 3 đợt, Đặng Ngọc Viết muốn chuyển sang hình thức nhận đất ở khu tái định cư và trả lại tiền mặt đã nhận nhưng không được chấp thuận.

Tại buổi làm việc chiều 12-9 với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Hải Trường cho biết, UBND Thành phố vẫn làm việc bình thường. Ông Trường cũng cho biết, anh Vũ Ngọc Dũng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thái Bình (người bị thiệt mạng) là người hiền lành. Trong công việc chưa hề to tiếng với anh em, người dân.

Hiện, ông Nguyễn Thành Dương (sinh năm 1975, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố bị bắn vào mắt phải) vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Hai nạn nhân Vũ Công Cương (sinh năm 1990, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố bị bắn vào đầu), Bùi Đức Xuân (sinh năm 1975, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố bị bắn vào đầu) vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, sớm làm rõ nguyên nhân vụ việc.   
(QĐND)

Vụ xả súng tại trụ sở UBND TP Thái Bình qua lời nạn nhân sống sót

(Soha.vn) - Hung thủ bước vào phòng hỏi ông Dũng và ông Dũng ngồi xa xa có nói gì đó được vài phút thì bất ngờ bị vị khách rút súng bắn vào đầu ở cự ly khá gần...

Xung quanh vụ nổ súng kinh hoàng tại trụ sở UBND TP Thái Bình khiến cho ông Vũ Ngọc Dũng (SN 1962, PGĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP) tử vong và trong 4 cán bộ Trung tâm này bị thương, đang được cấp cứu tại bệnh viện.

Chiều ngày 12/9, tại Khoa gây mê và phẫu thuật, anh Bùi Đức Xuân, một trong 5 nạn nhân của vụ nã đạn tại trụ sở UBND TP Thái Bình, vừa trải qua cuộc phẫu thuật gắp đầu đạn sau đầu.

Nằm trên giường bệnh, vết thương mới được khâu xong vẫn đau, anh Xuân kể, chiều 11/9, khi anh đang ngồi cùng đồng nghiệp Vũ Công Cương, ông Vũ Ngọc Dũng (Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố) trong phòng làm việc thì một người đàn ông đột nhiên đi vào hỏi về vấn đề đổi đất lấy tiền gì đó.


Nạn nhân Bùi Đức Xuân tại BV Đa khoa Thái Bình trong chiều ngày 12/9.

Sau đó, người đàn ông này có hỏi ông Dũng và ông Dũng ngồi xa xa có nói gì đó, đang nói được vài phút thì bất ngờ bị vị khách rút súng bắn vào đầu ở cự ly khá gần.

"Hắn nói rất bình thường nhỏ nhẹ và không hung hãn nhưng sau khi hỏi vài câu liên quan đến đất đai gì đó với anh Dũng thì bất ngờ chĩa súng vào anh Dũng bóp cò, sau đó là Cương và tôi, khiến mọi người không ai kịp tránh. Sau đó hắn chạy đi luôn... ", anh Xuân nói.

Nạn nhân Cương còn trong trạng thái rất mệt mỏi, không thể trả lời phóng viên.



Nạn nhân Cương còn trong trạng thái rất mệt mỏi, không thể trả lời phóng viên.

Cũng theo anh Xuân cho biết, khi đó, bà Phạm Thị Lan Anh - PGĐ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thái Bình đang ngồi ở phòng bên.

"Trong lúc choáng váng, tôi thấy hắn bỏ chạy ra ngoài. Tôi chỉ biết chạy ra ngoài kêu, còn không biết phòng bên kia thế nào", anh Xuân cho hay.

Tại phòng kế bên, anh Nguyễn Thanh Dương cũng trở thành nạn nhân của phát súng tiếp theo khi bị bắn sượt qua sống mũi, rách mí mắt trái.

Riêng với bà Phạm Thị Lan Anh (Phó giám đốc trung tâm) lúc đó vội trốn dưới gầm bàn nên chỉ bị đạn sượt qua tai. Một người nữa kịp nấp sau chậu cây cảnh nên đã thoát khỏi đường đạn.

Theo bà Bùi Lan Anh, phó trưởng khoa gây mê và phẫu thuật cho biết, hai nạn nhân lúc vào viện với trạng thái hoảng sợ.


Bà Bùi Lan Anh, Phó trưởng khoa gây mê và phẫu thuật, BV Đa khoa Thái Bình.

"Nạn nhân Cương bị bắn vào thái dương đỉnh đầu bên trái còn anh Xuân bị thương vào vùng chẩm đầu. Hai nạn nhân trong tinh thần hoảng loạn. Sau khi làm các thủ tục, theo dõi, chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật và gắp hai viên đạn ở đầu của hai nạn nhân ra. Hiện tại, sức khoẻ của anh Xuân và anh Cương tiến triển tốt nhưng chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi", bà Lan Anh cho biết.

Treo cổ vì chưa nhận được tiền đền bù đất

Rạng sáng ngày 28/8, người dân khu vực Tùng Lâm (cũ, nay thuộc tổ 16, phường Hoà Xuân) đã chết lặng khi nhìn thấy anh Thành treo cổ trên cành cây thuộc khu đất của mẹ ruột.
Nạn nhân là anh Nguyễn Viết Thành (41 tuổi, ngụ tổ 16, phường Hoà Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). 
Gia đình anh Thành có 3 người con, con gái lớn vừa thi đỗ Đại học, đã đi nhập trường. Đầu năm 2010, khi không còn ruộng canh tác, anh chuyển sang làm nghề thợ mộc, vợ mở hàng quán nhỏ trước nhà bán buôn kiếm tiền hạy chợ, nuôi các con. Ngôi nhà vợ chồng anh nằm trên lô đất được mẹ ruột tách cho thuộc tổ 16.
Từ năm 2011, sau khi Ban quản lý dự án Khu liên hợp thể thao Hoà Xuân áp giá đền bù nhà ở, một số hộ xung quanh lần lượt đập dỡ để nhường đất cho Dự án và được bố trí về Khu E2 mở rộng cũng thuộc phường.

Thế nhưng nhà anh Thành và một số hộ khác do không có tiền “chạy đất” vào khu mới nên chưa thể đi được.
 Bà mẹ bên di ảnh người con xấu số
Bà mẹ bên di ảnh người con xấu số
Theo kết quả áp giá đền bù, gia đình anh được 700 triệu nhưng chỉ mới nhận được 230 triệu đồng. Sau đó, dự án bị “treo” và số tiền nhận tiếp theo không biết đến bao giờ mới có.
Cũng bắt đầu thời gian này, một số “cò” lần đến khu vực, tiếp cận với người dân để nhận “chạy” phiếu đất, “sổ xanh” “sổ đỏ” và giúp lấy hết số tiền đã đền bù… Anh Thành nôn nóng muốn có chổ ổn định cho gia đình, cũng làm theo một số hộ, bỏ ra 80 triệu đồng nhờ “cò” lo giúp có được phiếu đất “đẹp” và sớm.
Do tin tưởng, anh uỷ quyền luôn cho “cò” làm các thủ tục khác, nhưng thời gian chờ đợi đã lâu, tiền mất mà kết quả vẫn vô vọng.
Một ngày trước khi tự tử, thấy mẹ ruột mình đã có được “sổ xanh”, anh cũng lên Ban quản lý Dự án hỏi về số tiền đền bù của mình và được trả lời chưa có. Sau đó, anh Thành biết thêm một số hộ khác cũng đã có sổ xanh nên rầu rĩ nói như mếu với vợ:
“Chắc anh không lo được nhà ở cho mấy mẹ con em rồi. Phiếu đất chưa có, tiền đền bù cũng không được nhận hết, anh lại để mất thêm khoản tiền “cò””. Rồi cả cả ngày đó, anh tỏ ra thấp thỏm, bất an.
Được vợ động viên, anh Thành không nói gì. Đến tối anh vẫn giúp vợ trông coi đứa con nhỏ mới 1 tuổi, rồi đi ngủ. Nghi vấn chờ đến khuya, khi ai nấy say giấc, anh mới ra sau nhà mở cửa, lấy đoạn dây dừa dùng cột vật dụng trong nhà, mang sang khu đất nhà mẹ ruột bên cạnh và treo cổ tự tử trên cành cây.
Nhận định ban đầu từ công an cũng như người nhà, anh Thành treo cổ tự tử do nghĩ quẫn khi không lấy được phiếu đất và tiền đền bù giải toả, đã thế còn bị “cò” lừa, ăn chặn rất nhiều tiền.
Nơi anh Thành tự tử
Nơi anh Thành tự tử
Được biết, năm 2009 dự án bắt đầu triển khai, người dân nhanh chóng bàn giao phần đất ruộng, hoa màu. Nhưng đến lúc áp giá đền bù đất ở, thì không hiểu vì lý do gì mà dự án bị “treo”. Tiền đền bù, nhận phiếu đất nơi ở mới… cũng theo đó nhỏ giọt. Ruộng vườn đã mất, nghề nghiệp không có, người dân chỉ biết “ngồi nhà chơi” và “ăn” dần số tiền đã nhận từ trước. Song có một điều lạ, từ khi “cò” về hướng dẫn “đường đi nước bước”, một số hộ lại có được phiếu đất, nhận được tiền hỗ trợ làm móng xây nhà.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (72 tuổi, mẹ nạn nhân) cho biết: những đối tượng “cò” gặp rồi hướng dẫn đưa từ 30 đến 80 triệu đồng, cho một người phụ nữ tên Ngọc. Có đến 90% hộ dân ở đây nhờ “cò” đứng ra làm giúp thủ tục đền bù, có người còn tin tưởng ủy quyền luôn cho “cò” lo đi ký nhận tiền, nhận phiếu “cho nhanh” như trường hợp anh Thành.
Cũng vì uỷ quyền mà anh Thành và một số người mới bị “cò” chiếm đoạt số tiền lớn, dẫn đến sự việc đau lòng trên.
Trước đó, chiều 11/9 tại Thái Bình cũng xảy ra một vụ việc xôn xao dư luận khi một người đàn ông cầm súng xông vào UBND TP.Thái Bình bắn thẳng 4 cán bộ, rồi tự tử. Nguyên nhân do mâu thuẫn trong chuyện giải phóng mặt bằng ở địa bàn phường Kỳ Bá - TP. Thái Bình trong thời gian qua. 
(Đất Việt)

Gs Cao Huy Thuần: Chỉ có một phương thức duy nhất thôi, là dân chủ

LTS: Nhà thơ Nguyễn Duy có bài Nhìn từ xa… Tổ quốc: “Dù ở đâu vẫn Tổ quốc trong lòng, cột biên giới đóng từ thương đến nhớ”. Một nhà sử học cũng bảo: Cứ đi ra biển xa mà ngắm về dải đất liền của Tổ quốc, mới thấy cái rưng rưng xúc động của việc nhìn ngắm Tổ quốc từ xa, và nghiệm về dân tộc, về đất nước hình chiếc liềm trong thế giữ Biển Đông. Mừng ngày Độc lập, trên Sài Gòn Tiếp Thị số đặc biệt này, có những người Việt xa xứ chia sẻ những cảm xúc, những tâm sự của mình cho niềm mong mỏi thế nước mạnh hơn, dân ta ấm no hơn và tộc Việt mãi trường tồn. Đó là các học giả Cao Huy Thuần (Pháp), Vũ Minh Khương (Singapore), Lê Văn Cường (Pháp), Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Nguyễn Phương Mai (Hà Lan).

Từ nền độc lập nghĩ về văn hoá hoà bình

SGTT.VN - Từ Pháp, giáo sư Cao Huy Thuần chia sẻ những hoài niệm của chính ông, một nhân chứng lịch sử của thời khắc tháng 8. 1945. Ông có những trăn trở chân thành của mình đối với sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Máu ấy đỏ chung trên lá cờ của chúng ta, phấp phới như một mảnh hồn chung”. Ảnh: Trần Việt Đức

Thưa Giáo sư, cảm xúc của Giáo sư là thế nào khi nghĩ về ngày độc lập 2.9 của đất nước?

Tôi nghĩ đến bao nhiêu xương máu đã đổ ra để giành lại độc lập và bảo vệ độc lập. Bài quốc ca của chúng ta có câu: "Đường vinh quang xây xác quân thù". Đúng vậy. Nhưng đường vinh quang cũng xây xác bao nhiêu chiến sĩ, bao nhiêu thường dân, bao nhiêu máu của cả dân tộc, không phân biệt. Máu ấy đỏ chung trên lá cờ của chúng ta, phất phới như một mảnh hồn chung, nhắc nhở chúng ta đừng quên: độc lập ấy là máu của cả dân tộc từ Bắc chí Nam, vinh quang ấy là vinh quang của cả dân tộc từ Nam chí Bắc.

Ngày độc lập có gắn với kỷ niệm nào của Giáo sư không?

Tôi thuộc thế hệ những người được sống với nền độc lập 1945. Năm ấy, tôi 8 tuổi, kỷ niệm đầy ắp. Là nhi đồng Cứu quốc trong đội văn hóa của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tôi đi hát lưu diễn từ huyện này qua huyện khác, có khi cả tuần không về nhà, ghẻ lở khắp lưng vì không tắm rửa, vì ngủ sau sân khấu, vì ăn toàn mắm với cơm độn khoai.

Thay mặt thiếu nhi, tôi được vinh dự nhảy lên bục, hô hào toàn quốc kháng chiến, "thưa đồng bào, quân Pháp đã đổ bộ lên Tân Gia Ba", chẳng biết Tân Gia Ba là cái gì, ở đâu. Quảng Ngãi là đất màu mỡ của cách mạng, nhiều anh học trò của cha tôi xung phong vào Nam ngay từ khi mở mặt trận và chết ngay trong những trận đầu tiên, tuổi chưa tròn mười tám. Tôi đã chảy nước mắt với chiếc khăn tang quấn trên đầu chị vợ chưa cưới của một anh trong số đó. Chị đẹp làm tôi não nùng. Hình ảnh đầu tiên về chiến tranh trong ký ức của tôi là như vậy: chị đẹp, anh trẻ, và chiếc khăn tang.

Chiến tranh là bạo lực, hòa bình là pháp luật. Chiến tranh là sa trường, hòa bình là nghị trường. Chiến tranh là lạnh lùng của bộ máy, hòa bình là nồng ấm của hơi thở con người...

Lãng mạn chăng? Đúng vậy. Nhưng tôi đang nói đến bối cảnh đặc biệt của 1945 và không khí tiểu tư sản trí thức chung quanh tôi. Kháng chiến thuở đầu nhuốm đầy phong vị lãng mạn vừa trí thức vừa anh hùng. Xung phong vào Nam, các anh coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. "Một lần đi là không trở về", thiếu nhi chúng tôi cũng hát như các anh, tất cả đều là Kinh Kha qua sông Dịch. Từ giã người yêu, chẳng ai nồng cháy một cái hôn, chỉ lạnh lùng để khỏi vương vấn: "lạnh lùng vung gươm ra sa trường". Sự thực, tôi chẳng thấy ai đeo gươm, chỉ đôi khi thầm phục trái lựu đạn cài bên hông. Mà lựu đạn ấy cũng biết lãng mạn: có trái không nổ. Tôi nghe nói có nhiều anh chết khi xung phong chỉ vì lựu đạn không nổ. Nhưng sá gì! Các anh chết với nụ cười và bài hát trên môi: "Quyết chiến sa trường. Sống thác coi thường. Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai..."

Kháng chiến khởi đầu không thể hào hùng đến thế nếu thiếu đi cái chất lãng mạn anh hùng ấy trong dòng máu thanh niên trí thức, nếu thiếu đi những bài thơ trữ tình yêu người yêu nước trong balô của anh bộ đội. Ít nhất là trong vòng các anh thanh niên mà tôi biết lúc đó, có hai dòng máu lãng mạn chảy trong huyết quản: một dòng bắt nguồn từ tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn, một dòng bắt nguồn từ câu thơ trong Chinh phụ ngâm: "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt / Xếp bút nghiên theo việc đao cung". Tại sao tôi dám nói thế? Tại vì, từ huyện này qua huyện khác, tôi đã nghêu ngao một câu hát ấy mà về sau tôi không còn nghe ai hát nữa ngoài anh Trần Văn Khê: "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu/ Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân/ Sơn hà nguy biến, tiến ta tiến!/ Hèn thay đời nhàn cự, hèn thay vui yêu đương/ Lúc quê hương cần người, dứt đường tơ vương, giã nhà lên yên..."

Không Chinh phụ ngâm thì là gì? Tất cả là thơ. Kháng chiến là thơ. Mà làm gì anh bộ đội có những bài thơ hay thế trong ba lô nếu không có Tự Lực Văn Đoàn khai hoa nở nhụy cho thơ mới? Tất cả thanh niên trí thức chung quanh tôi thời ấy đều mang Nhất Linh, Khái Hưng, Xuân Diệu trong hơi thở. Tất cả đều là tình nhân của cô Loan, cô Thoa.

Tôi muốn nói thêm: cái chất lãng mạn anh hùng của thời 45 ấy truyền thừa cho đến các anh chị sinh viên miền Nam chúng tôi thời 63 và sau đó. Giọt máu - và bây giờ giọt nước mắt - mà các anh chị thấm vào trang sử thời ấy, các anh chị thử ngửi xem, có phải nó thơm mùi thơ, mùi văn, hương đồng gió nội rất lãng mạn? Nếu không phải thì tại sao các anh thích hát Trăng mờ bên suối ở những dịp nghiêm trang? Tất cả các anh thanh niên trí thức thời 45, tất cả, hoặc gần như thế, các anh chị sinh viên thời Huế-Sài Gòn năm xửa năm xưa, tất cả đều là thi sĩ dù có làm thơ hay không, bởi vì tất cả đều mang chất thơ của văn hóa Việt Nam trong máu. Đừng quên rằng cái lãng mạn của Tự Lực Văn Đoàn cũng là cái lãng mạn phản kháng. Phản kháng một tư tưởng cổ hủ xiềng xích tự do của con người. Chất thơ văn trong máu các anh chị buộc các anh chị phải phản kháng, từ 45 cũng như từ 63. Trước bạo lực, cường quyền, bất công, các anh chị không khuất phục. Như thế hệ trí thức 45 đã không khuất phục. Ngày 2.9 năm nay, tôi hướng về cái chí khí thanh niên đó.

Theo Giáo sư, vì sao một dân tộc từng ngẩng cao đầu trong những cuộc đấu tranh chống ngoại xâm để giữ nước, nhưng lại là một dân tộc quẩn quanh với mệt nhoài ở những chặng hòa bình tìm kế bứt phá vươn lên?

Chiến tranh có quy luật của chiến tranh. Hòa bình có quy luật của hòa bình. Trở về lại với bài quốc ca, năm 1945 chúng tôi hát: "Thề phanh thây uống máu quân thù" mà chẳng thấy gì ghê rợn. Bây giờ chúng ta hát: "Đường vinh quang..." Thế là "văn hóa" của chiến tranh đã khác với văn hóa của hòa bình rồi! "Mỗi ngày anh du kích giết được 3 thằng Tây, vậy 10 ngày anh giết được bao nhiêu thằng?", ấy là bài toán đố lớp tiểu học hồi 1950.

Bây giờ không ai ra toán kiểu đó nữa. Tuy vậy, chiến tranh vẫn chưa ra khỏi cái đầu và thực tế chính trị. Như một quán tính, chiến tranh vẫn đè nặng trên tư duy. Ta và địch vẫn mãi đánh nhau trong đầu óc, với căm thù, thủ đoạn và bạo lực, ngăn cản mọi suy nghĩ về sự cần thiết tất nhiên của cạnh tranh chung sống trong hòa bình. Có cần phải nhắc lại rằng chiến tranh không có văn hóa? Không ai nói "văn hóa chiến tranh". Chỉ có văn hóa hòa bình.

Đừng áp dụng quy luật của thời chiến vào giai đoạn của thời bình. Một bên là nước mặn, một bên là nước ngọt. Chiến tranh là chỉ huy, hòa bình là nghe ý kiến. Chiến tranh là mệnh lệnh, hòa bình là biện luận. Chiến tranh là đại bác, hòa bình là cây bút. Chiến tranh là sắt thép, hòa bình là tơ lụa. Chiến tranh là thù địch, hòa bình là đối thủ. Chiến tranh là cưỡng bức, hòa bình là thuyết phục. Chiến tranh là lý lịch, hòa bình là vua Trần xí xóa. Chiến tranh là bạo lực, hòa bình là pháp luật. Chiến tranh là sa trường, hòa bình là nghị trường. Chiến tranh là lạnh lùng của bộ máy, hòa bình là nồng ấm của hơi thở con người. Chiến tranh là nhất cực, hòa bình là đối trọng. Chiến tranh là con ó quắp mũi tên nơi móng, hòa bình là con bồ câu lông trắng, chân son, và mắt ôi là bồ câu.

Hòa bình mà cứ dùng khí giới của chiến tranh để đối thoại thì "văn hóa" ấy không phải là động lực của phát triển. Đó là cản trở phát triển. Cản trở về mọi mặt, mọi lĩnh vực.

Thách thức lớn nhất đối với việc phát triển đất nước hiện nay là gì, thưa Giáo sư?

Là chưa có tư duy hòa bình như tôi vừa nói.

Theo Giáo sư, trong giai đoạn hiện nay, cách thức nào hạn chế những thách thức đó để đưa dân tộc đi lên?

Chỉ có một phương thức duy nhất thôi là dân chủ. Ở đâu cũng vậy và ở thời nào cũng vậy, quyền lực lâu ngày của một chế độ sẽ hao mòn tính sắc bén với thời gian, người Pháp nói rõ hơn: le pouvoir s'use, ta có thể dịch là quyền lực bị lão hóa. Ngày xưa, khi mới đánh đuổi ngoại xâm và lên ngôi, ông vua thường là minh quân. Một đời, hai đời, vài đời, tính sắc sảo ban sơ dùi mòn đi, cuối cùng là hôn quân hắc ám. Giới tinh hoa quan chức không có động lực gì thúc đẩy để thay đổi, chỉ ham địa vị, cũng từ từ rữa nát theo ông. Tất cả chế độ chỉ dựa trên ông vua và hầu cận tả hữu mà vua thì hôn quân, quan thì nịnh thần, tất loạn, không Hồ Quý Ly thì Mạc Đăng Dung phải soán ngôi để thiết lập trật tự mới. Chế độ quân chủ ngày xưa không tìm ra được một nguyên tắc để ngăn cản tính lão hóa tất yếu của quyền lực, để quyền lực chuyển mình thay đổi trong hòa bình. Ngày nay, chính thể dân chủ có nguyên tắc, có kinh nghiệm để mài giũa lại quyền lực cho sắc bén, hữu hiệu, để quyền lực tự củng cố, tự sửa đổi. Ông Khổng Tử ngày xưa bảo thủ như vậy mà cũng nói: Học cũng như chèo thuyền nước ngược, không tiến tất thoái. Cai trị cũng vậy.

Nhân ngày độc lập, tôi cũng xin nói thêm, hay nói cho đúng, cũng xin hát thêm - hát những bài hát mà chúng tôi đã hát hồi 1945. Bài Bao chiến sĩ anh hùng tận cùng như thế này: "Thề phục quốc, tiến lên Việt Nam!/ Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam!/ Đài hạnh phúc đắp xây tự do!/ Việt Nam tranh đấu chống quân ngoại xâm".

Triệu người Việt Nam như một đều đang nói: chúng ta đang gặp ngoại xâm. Triệu người Việt Nam như một đều đang thề: thề phục quốc. Triệu người Việt Nam như một đều đang hô to: lập quyền dân. Triệu người Việt Nam như một đều đang ước mơ tự do, hạnh phúc. Chúng ta đang sống năm 2013 hay năm 1945?

Triết lý phát triển nào cho Việt Nam phù hợp với bối cảnh hiện nay, thưa GS?

Tôi xin mượn một chuyện khoa học để trả lời câu hỏi của anh. Hồi thế kỷ 18, nhiều nhà hóa học, nhất là Stahl, nghĩ rằng nếu cái bàn, cái ghế, bất cứ cái gì cũng có thể cháy được thì như vậy hẳn phải có một tố chất gì đó chung cho tất cả những vật thể có thể cháy ấy. Tìm tòi mãi mà không chiết ra được cái tố chất chung ấy, họ gọi cái chất hãy còn vô hình đó là phlogistique. Như thế cho đến Lavoisier. Lavoisier đảo ngược cách suy nghĩ. Chắc gì cái tố chất chung ấy nằm ở trong bản thề cáí bàn, cái ghế, mọi vật có thể cháy? Biết đâu nó nằm ở bên ngoài? Đảo ngược cách suy nghĩ như vậy, Lavoisier khám phá ra cái mà bây giờ trẻ con cũng biết: cái ấy là ôxy. Có ôxy thì cháy. Ôxy ở bên ngoài.

May mắn cho Lavoisier là rốt cục các nhà hóa học không còn kết án ông là diễn biến... khoa học. Không làm một cuộc đổi mới tư duy thì xin anh đừng nói phát triển.

Giáo sư có tin rằng mỗi dân tộc có một số mệnh riêng?

Tôi là Phật tử nên không tin ở số mệnh. Đạo Phật dạy tôi: tất cả đều do hành động của ta. Hành động tốt thì kết quả tốt, hành động xấu thì kết quả xấu. Các câu hỏi của anh là hành động. Trả lời của tôi là hành động. Nó nhỏ như hạt mưa. Nhưng triệu triệu hạt mưa thì chấm dứt hạn hán.

Lê Ngọc Sơn (thực hiện).
(SGTT)

Nguyễn Minh Đào - Mấy suy nghĩ về công tác dân vận trong tình hình mới

Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ra nghị quyết về Công tác dân vận trong tình hình mới (gọi tắt Nghị quyết Trung ương bảy). Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “… Công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Đó là quan điểm nhất quán của Đảng từ xưa đến nay, từng chặng đường cách mạng, nhất là những lúc gặp khó khăn, thử thách đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, Đảng thường ra chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận – còn gọi công tác quần chúng. Nghị quyết Trung ương bảy ra đời sau Nghị quyết Trung ương bốn “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” không lâu, trong bối cảnh tình hình đất nước và nội tình của Đảng nổi lên những vấn đề đáng quan ngại. Tinh thần và nội dung cốt lõi các chỉ thị, nghị quyết đó xưa nay như ông Lê Hiếu Đằng – nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, người nhiều năm làm công tác dân vận ở thành phố lớn nầy, phát biểu với phóng viên đài BBC rằng: Nội dung về dân vận mà hội nghị Trung ương bảy vừa nêu “không có gi mới, mà chỉ là bổn cũ soạn lại”. Ông nói thêm: “… Bao nhiêu năm qua vẫn là như vậy thôi… Tôi tin là sẽ không có bước tiến triển gì đâu… bằng chứng là lòng tin của quần chúng vào Đảng ngày càng sa sút hơn”.
Những năm đầu thập kỷ 90, tôi phụ trách khối dân vận tỉnh nhà, cùng anh chị em hoạt động trong khối có những buồn vui, trăn trở khi trót gánh lấy trách nhiệm mặt công tác “khó khăn”, “rắc rối” nầy. Từ những trải nghiệm trong thực tiễn hoạt động của mình, cho đến nay sau khi nghiên cứu Nghị quyết Trung ương bảy, tôi cho ý kiến ông Lê Hiếu Đằng là xác đáng. Và, tôi xin thẳng thắng nói rằng: Nghị quyết Trung ương bảy đề ra các nhiệm vụ, giải pháp công tác dân vận với những quan điểm chung chung, khái niệm trừu tượng, mơ hồ rất xa rời thực tế không thể thực hiện được!
Ngược dòng lịch sử, từ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Đảng tổ chức và lãnh đạo Mặt trận dân tộc thống nhất và các đoàn thể quần chúng làm “người lính xung kích” trên mặt trận công tác dân vận, cùng cán bộ, đảng viên của Đảng và các lực lượng vũ trang tuyên truyền vận động, tập hợp các tầng lớp quần chúng đoàn kết chung quanh Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp giành chánh quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và qua hai cuộc kháng chiến cứu nước thắng lợi mùa Xuân năm 1975 “non sông thu về một mối”, các đoàn thể hoàn thành vẽ vang sứ mạng lịch sử của mình. Nhưng, Đảng không giải thể các đoàn thể như đối với Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội, các đoàn thể - Đảng gọi là đoàn thể chánh trị - xã hội tồn tại trong hệ thống chánh trị, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, xây dựng, “đổi mới nội dung, phương thức tổ chức và hoạt động”, nhằm tiếp tục phát huy vai trò các đoàn thể giúp Đảng nắm dân, vận động nhân dân làm hậu thuẩn chính trị cho Đảng. Nhưng, bao nhiêu năm qua, với bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, tình hình công tác dân vận, tổ chức và hoạt động các đoàn thể vẫn không có chuyển biến tích cực. Vì sao?

Khi nước nhà bước vào thời kỳ mới, Đảng nắm chánh quyền, “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” hình thành, đường lối, quan điểm xây dựng phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước thể chế hóa bằng những qui định pháp luật, người dân “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước, được tự do làm những gì pháp luật không cấm. Nhưng, hiện nay không phải không có những chủ trương chánh sách không hợp lòng dân, cán bộ, đảng viên của Đảng, viên chức nhà nước, hay cán bộ các đoàn thể không thể tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân thi hành. Trên địa bàn dân cư đó đây xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, tranh chấp dân sự, hay phát sinh những “điểm nóng” về an ninh trật tự, hoặc người dân xung đột lợi ích với chánh quyền… tôi chưa nghe thấy có tiếng nói các đoàn thể. Vì vậy, trong đời sống xã hội vai trò các đoàn thể rất mờ nhạt, hoạt động thiếu sức sống, như “bánh xe thứ năm” trong “cổ xe” đất nước, người dân không muốn tham gia các đoàn thể, vì họ thấy chẳng đem lại lợi ích gì cho họ, nhiều nơi không tổ chức được các đoàn thể, hay nếu có cũng chỉ tồn tại trên danh nghĩa và hình thức. Cán bộ đoàn thể ăn lương nhà nước, hoạt động theo yêu cầu của nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, người ta cho đó là tình trạng “hành chánh hóa” không khắc phục được, càng làm các đoàn thể xa dân hơn. Những hoạt động mang “màu sắc đoàn thể” thường chạy theo phong trào, phô trương hình thức, cũng không thu hút được người dân tham gia rộng rãi. Do đó, các đoàn thể không có khả năng giúp Đảng nắm dân, thu phục lòng dân như trong thời kháng chiến.
Những năm làm công tác dân vận tỉnh nhà tôi nhận rõ thực trạng nầy, cùng anh chị em phụ trách các đoàn thể trong tỉnh cố gắng làm cái gì đó “bức phá” thoát ra, khẳng định vai trò, vị trí các đoàn thể trong đời sống xã hội mà không thể làm được! Tôi nghĩ, Đảng muốn nắm dân, tạo dựng niềm tin người dân với Đảng, không thể bằng tuyên truyền, giáo dục, vận động với lời nói chung chung, sáo rổng mà chỉ có những chủ trương, chánh sách hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại đáp ứng yêu cầu cuộc sống người dân, tạo điều kiện cho người dân được tự do làm ăn và được nói những gì họ muốn nói vì lợi ích của họ, không trái lợi ích đất nước. Mặt khác, Đảng phải chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, viên chức nhà nước gồm những người ưu tú, hết lòng phục vụ nhân dân, có tư cách đạo đức tốt, được nhân dân yêu mến, tín nhiệm, thải loại những kẻ thoái hóa, biến chất. Chỉ có như vậy và chỉ có như vậy, Đảng mới tạo dựng được niềm tin người dân đối với Đảng mà thôi!
Mới đây, Bộ Chánh trị cử ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chánh trị làm Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để khẳng định Đảng coi trọng vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bố trí một Ủy viên Bộ Chánh trị làm Chủ tịch chưa có tiền lệ, cho xứng tầm. Việc Bộ Chánh trị bố trí một ông Ủy viên Bộ Chánh trị đãm nhận vị trí nầy, tôi nghĩ dù là ông Nguyễn Thiện Nhân hay bất cứ ông nào khác, cũng không thể nhờ cái “mác” Ủy viên Bộ Chánh trị mà có thể nâng cao vai trò, vị trí Mặt trận Tổ quốc trong đời sống chánh trị của đất nước.
Tôi vừa đọc bài phát biểu của ông Tương Lai tại hội nghị UB TƯ MT TQ VN lần thứ VI tại Hà Nội ngày 5/ 9/ 2013, ông Tương Lai nói: “Vấn đề không phải chỉ ở việc cử một ủy viên Bộ Chánh trị sang làm chủ tịch Mặt trận, một ủy viên Bộ Chánh trị sang hay mười ủy viên Bộ Chánh trị sang cũng thế thôi, nếu Đảng không thay đổi nhận thức về vai trò, đúng hơn, về sứ mệnh của Mặt trận”.
“Đó là sứ mệnh tập họp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra được sự đồng thuận xã hội, điểm tựa vững chắc nhất của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Nói đến mặt trận là nói đến dân, là ý chí và sức mạnh của dân, là cái chân móng của một chế độ. Chân móng mà lung lay thì cả tòa nhà sụp đổ. Vậy mà ai cũng thấy rằng, hiện nay lòng dân không yên, niềm tin bị giảm sút, uy tín của Đảng bị lung lay nghiêm trọng”.
“…
“Tôi hy vọng rằng rồi đây, Mặt trận sẽ không tiếp tục thực hiện vai trò cây kiểng làm dáng, ăn theo nói leo với những lời tụng ca như đang và đã từng, mà là tiếng nói phản biện mạnh mẽ trong bối cảnh độc đảng…”.
“…
Bài phát biểu của ông Tương Lai tôi tán thành nhiều điểm, nhưng về ý kiến nầy, xin ông nhớ cho rằng: Mặt trận và các đoàn thể quần chúng nằm trong hệ thống chánh trị của chế độ, tôi hình dung như thân thể con người: Đầu là Đảng, mình là chánh quyền, tay chân là các tổ chức chánh trị - xã hội, ăn lương chánh quyền, hoạt động theo sự chỉ đạo của Đảng và yêu cầu của chánh quyền, nên “ăn cơm chúa phải múa tối ngày”. Tôi nghe có ai đó nói rất đúng rằng: “không ai có thể lấy đá ghè chân mình”. Chừng nào Mặt trận và các đoàn thể quần chúng còn ăn lương chánh quyền, còn phải đội “vòng kim cô” của Đảng và còn là “tay chân của Đảng”, thì mãi mãi vẫn như hiện nay, không bao giờ có thể làm được điều đó ông ạ!
Vậy phải làm gì để phát huy vai trò, vị thế Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng trong tình hình mới của đất nước? Vấn đề này tôi suy nghĩ cách nay hơn hai mươi năm, ngày nay tôi vẫn nghĩ vậy. Muốn làm được điều như ông Tương Lai nói, Đảng phải chấp nhận một cơ chế cho Mặt trận và các đoàn thể có vai trò độc lập trong cuộc sống, xác định Mặt trận và các đoàn thể là tổ chức xã hội của dân, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, quan hệ bình đẳng với tổ chức đảng và chánh quyền.
Để làm được như vậy, trước hết Mặt trận và các đoàn thể với sự hổ trợ của chánh quyền và sự đóng góp của đoàn viên, hội viên và quần chúng giới mình, từng bước vươn lên xây dựng ngân sách độc lập, tiến tới tự trả lương và trang trãi mọi hoạt động phí.
Phải tinh giản triệt để biên chế tổ chức cấp trên cơ sở, dành nguồn lực từ cán bộ đến vật chất, tài chính… tập trung cho cơ sở xã, phường, thị trấn đến khóm, ấp và bám rể trong dân cư.
Về tổ chức, phải đa dạng hóa theo nghề nghiệp hay sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân, phát triển các “hội đoàn”, “nghiệp đoàn” rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân. Hình thức và nội dung hoạt động trước hết hướng đến phục vụ lợi ích thiết thân của người dân, làm cho người dân gắn bó mật thiết với đoàn thể của giới mình.
Và, phải có tiếng nói phãn biện mạnh mẽ như ý kiến ông Tương Lai trước tổ chức đảng và chánh quyền về những vấn đề quốc kế, dân sinh. Đồng thời, vận động nhân bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ khi bị ngoại bang xâm hại.
Làm được như vậy, Đảng còn có thể dựa vào Mặt trận và các đoàn thể nắm dân, còn hơn là Mặt trận và các đoàn thể vẫn là “cây kiểng làm dáng” trang điểm bộ mặt chế độ./-
Ngày 13-9-13
Nguyễn Minh Đào
(viet-studies)

Quốc hội VN tổng kết bỏ phiếu tín nhiệm

Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội VN
Bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội Việt Nam

Các cuộc thăm dò tín nhiệm do Quốc hội Việt Nam thực hiện với các quan chức dân cử trong hệ thống hội đồng nhân dân các cấp và các chức danh cao cấp được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn cho thấy có ít quan chức bị tín nhiệm thấp.

Trong lúc đó, BBC nhận các nguồn tin nói việc lấy phiếu tín nhiệm với giới chóp bu trong Đảng Cộng sản sẽ không xảy ra tại Hội nghị Trung ương tháng 10, khác với dự kiến ban đầu.

Tổng kết công tác lấy phiếu tín nhiệm hôm 12/9, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam cho rằng các cuộc thăm dò tỏ ra "công khai, minh bạch, nghiêm túc và dân chủ".

Các cuộc bỏ phiếu cho thấy có một tỷ lệ rất thấp các quan chức quốc hội và lãnh đạo địa phương có tỷ lệ tín nhiệm thấp, theo trang tin điện tử của Chính phủ Việt Nam, hôm thứ Năm:

"Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không có người nào có tỷ lệ phiếu “tín nhiệm thấp” vượt trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội," tờ báo điện tử của Chính phủ cho hay.

Ở cấp Tỉnh, chỉ có 2 trường hợp quan chức có kết quả thăm dò thấp, trong khi ở cấp huyện, có 12 quan chức có kết quả thấp.

Hội đồng nhân dân tại 63 tỉnh, thành đã lấy phiếu tín nhiệm với 907 người, và chỉ có hai người 'tín nhiệm thấp' và 689 đạt 'tín nhiệm cao'.

Riêng ở cấp xã, hay còn gọi là cấp cơ sở, trên tổng số gần 53 nghìn người được lấy thăm dò, chỉ có 396 người có “tín nhiệm thấp”.

Các cuộc lấy tín nhiệm được Quốc hội Việt Nam tiến hành trong hệ thống nội bộ của mình, tuy không có kết quả thăm dò, kiểm chứng độc lập, song cũng xuất hiện ý kiến phê phán, chỉ trích chất lượng và cách làm của Quốc hội.

'Bất hợp lý'

"Chẳng hiểu tín nhiệm cao là thế nào và cũng không thể đánh giá, so sánh giữa 2 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm vì có quá nhiều tiêu chí."
Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Hôm thứ Năm, Báo Đầu tư dẫn lời giới chức cấp cao ở Quốc hội cho rằng việc thăm dò tín nhiệm với nhiều vị trí 'dân cử' như cách làm hiện tại của Quốc hội là vô nghĩa vì những người này không chịu trách nhiệm cá nhân, trong khi về cách làm, các tiêu chí thăm dò có thể là rối rắm.

“Những người giữ chức danh dân cử 'nói theo nghị quyết, làm theo nghị quyết, phát biểu theo nghị quyết' không chịu trách nhiệm cá nhân trước nhiệm vụ được giao và cũng không trực tiếp ra các quyết định, chỉ thị nên không nhất thiết phải lấy phiếu tín nhiệm”, ông K'so Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội được dẫn lời nói.

Theo ông Phước, với các quan chức trong hệ thống dân cử, chỉ nên "lấy phiếu tín nhiệm khi anh mắc khuyết điểm, sai phạm, vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước.”

Về các tiêu chí thăm dò, ông Phước được dẫn lời cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm theo 3 mức là 'tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp' là không cần thiết.

Tờ báo dẫn lời của ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng có bất hợp lý trong các tiêu chí và cách đánh giá.

"Chẳng hiểu tín nhiệm cao là thế nào và cũng không thể đánh giá, so sánh giữa 2 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm vì có quá nhiều tiêu chí,” ông Hiện được trích lời nói.

Tờ này còn dẫn lời của một Phó Chủ tịch Quốc hội, ông Huỳnh Ngọc Sơn, cho rằng cần cải tổ phương pháp đánh giá.

“Đi tiếp xúc cử tri, cử tri bảo, sử dụng 3 tiêu chí trong lấy phiếu tín nhiệm là dĩ hòa vi quý. Vì tính toán trên phương diện toán học thì gần như không có trường hợp nào đạt phiếu tín nhiệm thấp quá 2/3 (mức để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm). Vì vậy, chỉ nên sử dụng 2 tiêu chí là tín nhiệm và tín nhiệm thấp," Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ quan điểm.

Phiếu tín nhiệm trong Đảng?

Trong khi đó, một số nguồn tin nói với BBC rằng có thể kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm với các lãnh đạo cao nhất trong Đảng sẽ không diễn ra tại Hội nghị Trung ương 8 trong tháng 10.

Hồi tháng Sáu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri ở Hà Nội rằng Ban Chấp hành Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng bí thư trở xuống.

Ông Trọng nhấn mạnh đây là việc làm "cần thiết" và kết quả lấy phiếu sẽ được "công khai" cho người dân.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được cho rằng sẽ diễn ra tại Hội nghị Trung ương 8 trong tháng 10.

Tuy vậy, tin tức mới nhất từ Hà Nội nói có thể kế hoạch này sẽ bị hoãn lại.

Ý định để Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm với cả Tổng Bí thư và các thành viên Bộ Chính trị được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là bước đi "tạo được uy tín của Đảng, tạo được lòng tin của đảng viên và quần chúng".

Tuy vậy, nếu quả thực kế hoạch này bị trì hoãn trong tháng 10, nó dường như cho thấy Đảng không muốn việc lấy phiếu sẽ dẫn đến xáo trộn nhân sự trong thời điểm hiện nay.
(BBC)

QH cần 'quyết lại' điện hạt nhân


Có thể khẳng định cột mốc từ năm 2010, Điện hạt nhân (ĐHN) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chia rẽ dư luận ở Việt Nam. Nổi cộm là cách tuyên truyền “tô hồng” phản cảm về lời giải cho bài toán năng lượng quốc gia trong tương lai.

Đó là những ý tưởng nghịch mùa, góp phần kéo giảm uy tín của đảng và là cách thức nhanh nhất tạo nợ nần chồng chất lên đôi vai gầy oằn của gần 90 triệu dân nghèo.

Di chứng đau thương?


Khi Dự án ĐHN tượng hình và giới lobby thở phào nhẹ nhõm ngay thời điểm Quốc hội thông qua, thì ngoài đồng ruộng hay trong công xưởng, nhà máy, những đôi vai xương xẩu của nông dân, công nhân và cả dân tộc lại thêm trĩu nặng nợ nần.

Người dân có thể cảm thấy vui mừng và an ủi phần nào, nếu nợ nần mà phát triển kinh tế, văn hoá và an sinh xã hội. Đằng này, nợ nần chỉ để đem lại bất an, chết chóc và di chứng đau thương cho những thế hệ con cháu mai sau, là quá nhẫn tâm.

Những tiếng nói khả kính và trái tim lương tri luôn bị cơn lên đồng lấn át và trù úm. Một Việt Nam ngột ngạt, đáng thương và rừng rú mê man, mặc dù nhiều cánh rừng đã thực sự chết đi hoặc thoi thóp bởi lâm tặc đỏ.

Một Việt Nam vẫn chưa ra ngoài danh phận nước nghèo, phải cực khổ để thế giới công nhận nền kinh tế thị trường, những điệu cuồng vũ của các số liệu, báo cáo của Chính phủ khiến hoài nghi dâng cao. Trong khi, từ lâu Chính phủ đã đánh mất niềm tin với nhân dân ở nhiều lĩnh vực nóng sốt.

Một Việt Nam thang bậc tiền lương chỉ nhích nhắc chậm chạp, dự án xoá nhà tranh vách lá che mắt thế giới phải chắc mót từng đồng từng cắc, bê tông hoá đường nông thôn cũng nài dân nghèo chia sẻ, ngày Quốc khánh 2.9 cũng bấm bụng thôi rầm ran, hà cớ làm sao nhiều dự án tiền trăm tỉ, ngàn tỉ đô la vẫn hàng ngày hàng giờ mọc lên như nấm sau cơn mưa. Trong lúc nền kinh tế đang phải cắt giảm chi tiêu công, ngân khố quốc gia sắp bị viêm màng túi vì muôn mặt khó khăn, do năng lực quản lí.

Tình hình bức tranh toàn cảnh Việt Nam hơn thập niên đầu thế kỉ 21 ảm đạm kiểu nắng sớm mưa chiều, long đong và tật nguyền. Thậm chí loè loẹt son phấn, thích vòi vĩnh và mít ướt như con gái nhà giàu. Chẳng ai có thể ngờ, Việt Nam bước chân vào thế kỉ 21 với ngổn ngang tâm chấn, hơn là thong dong tâm hồn tiến lên CNXH nhuộm rực màu hồng lí tưởng.

Quốc hội cần khẩn trương “quyết lại”

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, người có hơn 30 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực điện và năng lượng hạt nhân, trong một lần trả lời phỏng vấn BBC từ Pháp quốc, đã tha thiết kêu gọi Chính quyền Việt Nam cấp tốc trưng cầu dân ý về điện hạt nhân. Ông cảnh báo điện hạt nhân là mối nguy hiểm ngàn đời, sẽ cắt đôi đất nước nếu có sự cố.

Có ý kiến còn quét cái nhìn nhạy cảm, chính đáng “xây ĐHN, đất nước dễ dàng thành con tin chính trị”. Xét về phần chìm của tảng băng, điều đó, không phải là không có khả năng xảy ra.

Trước đó, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học tên tuổi khẳng định Việt Nam không cần thiết có nhà máy điện hạt nhân. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió là thế mạnh của quốc gia nhỏ bé này, có thể thay thế nguồn điện cố hữu hiện nay. Bài học nhãn tiền từ các nước giàu và lời khuyên chân tình của bạn bè năm châu dành cho chúng ta, cơ quan nào ngó ngàng tới.


Nhật Bản là một trong các nước vận động xây nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam

Trong lúc Việt Nam tích cực đẩy mạnh tuyên truyền ĐHN đến người dân một cách phung phí và vấp phải làn sóng dư luận lên cao, thì cùng thời điểm trên, hàng loạt quốc gia tiên tiến trên thế giới đã quyết tâm dần loại bỏ nó, và hớn hở hướng tới nguồn năng lượng sạch, ít tốn kém, hiệu quả kinh tế cao.

Trong nước tiếng nói uy tín mở đường có Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, đã viết nhiều bài tâm huyết, từ khuyên can nhẹ nhàng đến mạnh mẽ dứt khoát không nên day dưa với ĐHN. Ông có câu nói nổi tiếng : “Ta chỉ yêu nước khi chịu hy sinh”.

Bên cạnh đó là tiếng nói của nhiều tầng lớp ưu tú của đất nước, đặc biệt là tiếng nói của những văn nghệ sĩ nổi tiếng người Chăm bản địa, cư trú nơi Dự án nguy hiểm đáp xuống. Riêng nhà thơ Inrasara đã có nguyên tập tiểu thuyết về điện hạt nhân, đến nay nhiều nhà xuất bản trong nước đã từ chối cấp phép.

Nhưng hình như cái thế phóng lao buộc phải theo lao là hiện tồn, ở vấn đề ĐHN của Chính phủ. Nhiều bài báo trong nước đưa tin tất cả đã dọn dẹp sẵn chỉ chờ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định mà thôi.

Có lẽ ông Thủ tướng đang rất đau đầu về làn sóng phản biện và phản đối. Trong một bài viết gần đây, nhà báo Thục Quyên nhận định: “ Một quyết định sai lầm dù đã được quốc hội thông qua vẫn là một quyết định sai lầm, cần bàn thảo lại và sửa đổi, ngay cả hủy bỏ”, “…và không ngừng thay đổi theo đà tiến triển của nhân loại , thay đổi những quyết định sai lầm có hại cho đất nước”.

Thiết nghĩ từ nay đến cuối năm, khi Quốc hội vào phiên làm việc cần kíp phải khẩn trương mở cuộc trưng cầu dân ý về ĐHN hoặc buộc phải “quyết lại” theo hướng có lợi cho hàng triệu người dân, cho túi tiền quốc gia đang mùa khó và cho uy tín ngày càng sa lầy của đảng.

Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một blogger người Chăm sinh năm 1980, đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam.
Đồng Chuông Tử
Gửi cho (BBC) từ Việt Nam

Gia đình kêu cứu về bản án 15 năm tù của nhà hoạt động ở Phú Yên


Nhà hoạt động Ngô Hào

13.09.2013
Thân nhân một nhà bất đồng chính kiến vừa bị tuyên án 15 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” cầu cứu công luận lưu tâm và lên tiếng về bản án mà họ cho là oan sai và vi phạm nhân quyền.

Nhà hoạt động Ngô Hào, 65 tuổi, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên án hôm 11/9 sau khi tham gia các hoạt động cổ súy đa đảng-dân chủ, kêu gọi quốc tế can thiệp cho các trường hợp tù nhân lương tâm tại Việt Nam.

Viện Kiểm sát Nhân dân Phú Yên nói từ năm 2008 đến 2012, ông Ngô Hào đã “tàng trữ, viết bài, phát tán và chuyển tiếp nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chế độ, nói xấu lãnh tụ” và liên hệ với các tổ chức phản động hải ngoại nhằm “lật đổ chính quyền”.

Trong thư gửi Liên hiệp quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế đề ngày 12/9, gia đình ông Hào kêu gọi can thiệp để giúp đòi lại những quyền cơ bản của công dân đang bị chính phủ Việt Nam xâm phạm.

Thư tố cáo nhà cầm quyền đã vu khống cho ông Ngô Hào tội “bịa đặt”, “nói xấu chế độ”, “lật đổ chính quyền” khi ông lên tiếng bênh vực những trường hợp bị áp bức tôn giáo như vụ của nhà hoạt động Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía hay nhờ đưa 14 tù nhân tôn giáo vào danh sách nhân quyền Liên hiệp quốc.

Truyền thông nhà nước nói phiên xử ông Hào diễn ra công khai với phần tranh tụng công khai.

Tuy nhiên, người nhà ông cho biết tham dự phiên tòa ngoài 3 thân nhân của bị can, toàn bộ là công an mặc sắc phục hay thường phục, và ông Hào không có luật sư cũng như không có cơ hội được lên tiếng để tự bảo vệ mình.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, vợ ông Ngô Hào nói với VOA Việt ngữ:

“Người ta buộc mình phải nhận, cho nên ông ấy không chịu. Ông Hào có nói ông có làm những chuyện như kêu gọi bảo vệ Trường Sa-Hoàng Sa, ủng hộ lời kêu gọi của Thích Quảng Độ kêu gọi thanh niên bảo vệ đất nước, kêu gọi thả 14 tù nhân chính trị. Họ nói ông Hào làm những chuyện không tốt với đất nước Việt Nam. Ông Hào không chấp nhận, ông không chịu.”

Ông Ngô Hào bị bắt từ tháng hai năm nay. Cùng tháng đó, tòa án tỉnh Phú Yên đã xử 22 nhà hoạt động khác thuộc Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn từ 10 năm tù đến chung thân về cùng tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền”.  

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam kết án gần năm chục nhà hoạt động về các tội danh liên quan đến chống nhà nước, khiến quốc tế thêm quan ngại về hồ sơ vi phạm nhân quyền của Hà Nội với chiến dịch leo thang đàn áp những tiếng nói đối lập hay chỉ trích nhà nước.
Trà Mi-VOA

Nỗi day dứt về biên giới phía Bắc

Trong bài viết này tác giả bác bỏ ý kiến của ông Vũ Dũng (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) khi ông này tuyên bố với báo chí rằng “hoàn toàn không có chuyện mất đất!”.Ông đã chứng minh rằng tại hai địa điểm (Thác Bản Giốc và Hữu Nghị Quan) mà ông Thứ trưởng đã dẫn chứng – và được ông đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng phụ họa, đều có chuyện di dời cột mốc và mất đất.
Đặc biệt là trong phần “phụ lục”, tác giả đã cho chúng ta biết thêm về một địa điểm khác tại Cao Bằng đã bị Trung Quốc lấn chiếm bằng cách “dời cột mốc từ trên núi cao xuống dưới chân núi”. Đó là cửa khẩu Ngọc Khê (Pò Péo)tại tỉnh Cao Bằng. Cửa khẩu này nằm gần nơi sông Quây Sơn chảy từ Trung Quốc sang đất Việt Nam, về phía thượng lưu của Thác Bản Giốc. Để độc giả dễ xác định vị trí của cửa khẩu này, tôi đã mạn phép đưa thêm một tấm bản đồ trích từ bộ Bản đồ Giao thông xuất bản năm 2004.
MAI THÁI LĨNH

Theo tin của báo giới: năm 2008 sẽ hoàn thành việc phân giới – cắm mốc biên giới trên đất liền Việt – Trung. Các quan chức ngoại giao ta đánh giá đây là một thắng lợi vĩ đại “trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Trung Hoa. Biên giới hai nước sẽ được ổn định bền vững, lâu dài”!Ổn định trong một thời gian thì có thể, còn bền vững lâu dài thì chưa hẳn.Bởi tư tưởng chủ đạo quán xuyến của những người cầm quyền Trung Quốc trước đây và hiện nay là bành trướng mở rộng lấn chiếm lãnh thổ các nước lân cận. Sự kiện họ ngang nhiên thành lập đơn vị hành chính cấp huyện Tam Sa bao gồm toàn bộ lãnh thổ – lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta ngay trong lúc các phiên họp vòng thứ 23 cấp Chủ tịch Uỷ ban liên hợp Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc đang diễn ra là một minh chứng. “Một thắng lợi vĩ đại!”, chắc phải xem xét lại một cách nghiêm túc nhận định này. Dư luận trong nước và ngoài nước cho rằng: Hiệp định biên giới đường bộ Việt Nam – Trung Quốc ký năm 1999 đã làm cho nước ta mất một phần không nhỏ lãnh thổ quốc gia. Ông Vũ Dũng – Thứ trưởng Bộ ngoại giao đặc trách vấn đề biên giới tuyên bố: “Hoàn toàn không có chuyện mất đất!” (Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 06/1/2008). Ông Nguyễn Lân Dũng – đại biểu quốc hội, thành viên của Ủy ban đối ngoại Quốc hội, cũng có ý kiến: “Tôi có đi một số điểm trên biên giới Việt – Trung, làm gì có chuyện mất đất!” Ông còn nói một cách mơ hồ: “Ông Vũ Dũng chắc không nhầm bởi vì ông đã theo dõi vấn đề này từ khi còn là cán bộ ngoại giao mới 22 tuổi, đến nay đã 57 tuổi giữ chức vụ thứ trưởng bộ ngoại giao!” Trong khi đó, nếu chúng ta chỉ chịu khó một chút, thăm hỏi bất kỳ một người dân địa phương nào ở những điểm cột mốc đã bị di dời, họ sẽ chỉ rõ địa điểm của cột mốc cũ.

Lãnh thổ biên giới quốc gia có bị mất hay không, không chỉ căn cứ vào vài lời tuyên bố của những quan chức mà phải xác định một cách rõ ràng, khoa học qua các tư liệu lịch sử của các triều đại phong kiến, thời Pháp thuộc, thời VNDCCH (trước năm 1979).

Biên giới trên bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc không phải chỉ đến năm 1999 với hiệp định về biên giới Việt Nam – Trung Quốc mới được phân giới cắm mốc. Nhiều tư liệu lịch sử đã cho thấy: ngay từ thời Tiền Lê – Lý – Trần “cương vực Bắc – Nam đã phân rõ”. Nếu như việc phân định ranh giới không rõ ràng thì làm sao trong các cuộc tranh chấp đất đai vùng biên giới như sử cũ đã ghi chép (ví như vụ năm 1083 – 1084 thời nhà Lý, vụ năm 1689 thời Hậu Lê …), vua quan nước Tàu lại chịu thua cuộc! Nếu cương vực hai nước không rõ ràng thì căn cứ vào đâu vua Lê Thánh Tông đã khẳng định: “một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự nhiên vứt bỏ đi được… kẻ nào dám đem một thước núi sông, một tấc đất biển ải của tổ tiên để lại làm mồi cho giặc thì kẻ ấy sẽ bị tru di!” Nếu không có sự phân giới mà hai quốc gia đều chấp nhận thì làm sao Triều Nguyễn (và sau này là chính quyền Pháp) có thể xây dựng các đồn binh trấn giữ trên biên giới ở những điểm hiểm yếu trên suốt dọc tuyến biên giới hai nước Việt – Trung? Nếu không có các cột mốc xác định đường biên giới hai nước thì dựa trên cơ sở nào bộ ngoại giao nước ta năm 1979 công bố sách trắng “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” và sách tư liệu về “Sự thật về biên giới Việt Nam – Trung Quốc”, trong đó tố cáo Trung Quốc đã lấn chiếm hơn 90 điểm, có điểm lấn sâu vào gần 6km trên dọc tuyến hơn 1300km biên giới (từ năm 1949 đến năm 1979); đơn phương vẽ lại bản đồ, chuyển dịch nhiều điểm trên biên giới về phía Việt Nam (trong đó có thác Bản Giốc ở Cao Bằng),…?

Việc phân giới cắm mốc theo hiệp định biên giới năm 1999 được quy định theo giới – mốc hiện trạng mà những cột mốc này lại bị “người anh em đồng chí vì tình hữu nghị vĩ đại” đã dịch chuyển, di dời vào sâu trong nội địa lãnh thổ nước ta trong thời gian hơn nửa thế kỷ qua thì làm sao tin được đất đai, sông núi mà Tổ tiên đã để lại cho chúng ta suốt trên dọc tuyến biên giới phía Bắc không bị xâm phạm, lấn chiếm!

Cũng trong tuyên bố ngày 6/01/2008 của ông Vũ Dũng và lời phụ họa của Ông Nguyễn Lân Dũng có đề cập đến hai điểm cụ thể là Thác Bản Giốc và Hữu nghị quan.

Về Thác Bản Giốc, theo ông Vũ Dũng thì phần thác cao (tức là phần thác có ba dòng chảy đổ từ trên độ cao khoảng 40m xuống phụ lưu của sông Quây sơn nằm bờ phía Nam sông Quây sơn) là thuộc Việt Nam, còn phần thác thấp (tức là thác ba tầng đổ xuống sông Quây sơn, nằm bờ phía Bắc của sông) là thuộc phía Trung Quốc – theo mốc 53 nằm phía trên thác. Khi nói đến thác Bản Giốc là nói đến thác ba tầng này.Các sách địa lý, du lịch của ta và của Pháp đều miêu tả và ghi hình ảnh phần thác này và đều khẳng định là thác của Việt Nam.Nếu phần thác ba tầng từ trước đã thuộc vào lãnh thổ Trung Quốc thì các nhà địa lý Pháp, Việt Nam không thể nào viết như vậy.

Xin được nêu thêm một vài dẫn chứng: Ngay sau khi hiệp định biên giới Việt Nam – Trung Quốc được ký kết, bộ địa chí Cao Bằng do cơ quan Tỉnh uỷ và UBND Tỉnh Cao Bằng tổ chức và biên soạn, cơ quan hiệu đính – thẩm định – nâng cao là trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, cơ quan xuất bản là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội (xuất bản năm 2000). Đoạn nói về thác Bản Giốc, tác phẩm trên viết như sau: ”Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, con sông Quây sơn bắt nguồn từ Trung Quốc đổ vào nước ta tại Pò Peo thuộc xã Ngọc Khê rồi chảy qua các xã Đình Phong, Chí Viễn, khi đến xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh dòng sông hiền hòa lượn quanh dưới chân núi Cò Muông rồi nghiêng mình chảy qua cánh đồng Đàm Thủy, băng qua bãi ngô rộng lớn trước làng Bản Giốc. Đến đây dòng sông được tách ra thành nhiều nhánh rồi đột ngột hạ thấp khoảng 35 mét tạo thành thác. Đó là thác Bản Giốc, thác xếp thành ba tầng với những ngọn thác lớn nhỏ khác nhau, với những tên gọi khác nhau là Quây Bắc, Lầy Sản, Ngà Moong, Ngà Chang, Ngà Vãi, Ngà Rằng, Thông Áng, … Quang cảnh ở đây đẹp đẽ, nên thơ, trong lành, tĩnh mịch của sông nước, rừng núi, mây mù chen lẫn với cảnh làng quê của đồng bào các dân tộc miền núi. Phía bờ sông bên kia là cột mốc 53 biên giới Việt Trung”.Tập sách ảnh giới thiệu Cao Bằng trong bộ sách Việt Nam đất nước con người do Thông tấn xã Việt Nam – Nhà xuất bản Thông tấn phối hợp với Sở thương mại Du lịch tỉnh Cao Bằng biên soạn – xuất bản năm 2004 đã giới thiệu ảnh phần thác ba tầng của Thác Bản Giốc với lời chú thích: “Thác chia thành ba tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Thác rộng đến 300m; những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi tạo thành một màn bụi nước trắng xóa.Ngay từ xa du khách có thể nghe thấy tiếng ầm ào của thác vang động cả một vùng rộng lớn …”.Như vậy cột mốc 53 hiện nay là cột mốc đã được di dời từ trên núi bên bờ Bắc sông Quây Sơn xuống giữa lòng sông trên đầu thác để lấn chiếm phần thác ba tầng và cũng chính là Thác Bản Giốc.

Tài liệu địa lý của thời Pháp thuộc ghi nhận: Thác Bản Giốc là thác đẹp nhất Đông Dương. Tài liệu địa lý – du lịch của Trung Quốc cũng ghi nhận: Thác Bản Giốc (họ gọi là thác Đức Thiên) là thác đẹp nhất của Trung Quốc và là một trong những thác đẹp nhất Châu Á. Phần thác ba dòng ở bờ Nam sông tuy cũng có vẻ đẹp riêng, nhưng chỉ vào loại trung bình trong hàng trăm thác ở các vùng rừng núi nước ta. Hơn mười năm nay Trung Quốc đã đầu tư lớn xây dựng các cơ sở hạ tầng để biến thác Bản Giốc (phần thác ba tầng họ lấn chiếm) thành điểm du lịch rất hấp dẫn. Những năm gần đây, họ mở cửa ở cột mốc 53 để thu hút khách du lịch (trong – ngoài nước) của Việt Nam. Ông Vũ Dũng nói: “Hàng triệu lượt khách du lịch đến thác Bản Giốc đều biết rõ điều này!” Đúng là khách đến tham quan du lịch thác Bản Giốc, hiện trạng của thác cũng dễ làm cho họ ngộ nhận như vậy. Họ đâu có được nghe giới thiệu về những tư liệu lịch sử và họ cũng ít có dịp tiếp xúc với người dân bản địa để tìm hiểu nguyên trạng của thác Bản Giốc, của cột mốc 53. Đến thác Bản Giốc hỏi bất cứ người dân nào (nhất là lớp từ tuổi trung niên trở lên) ở làng Bản Giốc, làng Thắc Then đều được họ cho biết rành rẽ toàn bộ thác Bản Giốc (cả bờ bắc – bờ nam) trước đây đều thuộc về Việt Nam; cột mốc 53 không nằm ở vị trí hiện nay mà ở trên núi phía bờ Bắc … Trong bài bút ký Cực Bắc bao nỗi lo toan của tác giả Đỗ Hoàng đăng trong Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) số tháng 1 năm 2008 có đoạn: “Khi tôi đến thác Bản Giốc gặp cụ Nông Văn Thà làm ruộng bên thác kể rằng: hồi cụ còn nhỏ, nhà cụ dựng ở bên kia thác Bản Giốc; cụ theo bố vào sâu cách thác đến 12km để làm rẫy…” (việc làm rẫy xa như vậy có thể là chuyện xâm canh, nhưng khoảng cách hơn 2km phía bờ Bắc trở vào thì không chỉ bà con bờ Nam mà cả bờ Bắc – nay là người Trung Quốc cũng xác nhận là đất Việt Nam)

Về Hữu nghị quan, ông Vũ Dũng nói: “Một số người hiểu nhầm là đường biên giới đi qua ải Nam Quan, thực ra trấn Nam Quan do Trung Quốc xây dựng vẫn thuộc Trung Quốc và theo các văn bản pháp lý lịch sử , đường biên giới luôn nằm phía nam ải Nam Quan. Còn vị trí cụ thể đường biên do hạn chế của điều kiện lịch sử, các văn bản về hoạch định và phân giới cắm mốc giữa Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc) có những điểm không rõ ràng. Đường biên giới được vẽ trên bản đồ tỉ lệ lớn từ 1/20.000 đến 1/500.000 có nghĩa 1 mm trên bản đồ tương đương với 20 – 500m trên thực địa. Hơn nữa địa hình trên bản đồ không hoàn toàn phù hợp với địa hình trên thực địa nên rất khó xác định hướng đi của đường biên giới tại các khu vực này…!

Cách giải trình trên đây của ông Vũ Dũng hơi lắt léo, vừa mơ hồ, vừa khó hiểu.Đường biên giới trên thực địa có thể không hoàn toàn phù hợp 100% với đường biên trên bản đồ. Sự chênh lệch này có thể xảy ra trên nhiều điểm trên toàn tuyến biên giới chứ sao lại chỉ ở những nơi hiểm yếu như khu vực Hữu nghị quan và sai sót ấy của bản đồ lại chỉ xê dịch về phía ta không về phía đất Tàu? Bản đồ đi kèm với hiệp định là do hai bên cùng thực hiện, đâu phải là do phía Tàu (nhà Thanh) vẽ mà họ vẽ thế nào cũng được? Cùng với bản đồ, trên thực địa còn có các cột mốc đánh dấu sự phân giới được hai nước thống nhất nên xác định đất vùng biên thuộc bên nào chắc không đến nỗi khó lắm, nếu đôi bên đều có công tâm!

Sử sách chẳng đã ghi chép chuyện tranh giành đất ở tám thôn thuộc Na Oa – Lộc Bình (Lạng Sơn) hơn 300 năm trước đó sao! Viên Tri Châu Tư Lang (Quảng Tây) tố cáo với tổng đốc Quảng Tây là Tri Châu, Lộc Bình lấn chiếm đất tám thôn vùng Na Oa.Tổng đốc Quảng Tây yêu cầu đốc trấn Lạng Sơn cử người hội khám. Khi ra hiện trường hỏi mốc giới, Tri Châu Tư Lang và Lộc Bình đều chỉ vào hòn đá có hình con sư tử trên núi. Viên quan nhà Thanh quở trách Tri Châu Tư Lang: “Mốc giới ở đây sao ngươi lại tranh xuống Na Oa? Ngươi cậy là người của Thiên triều muốn xâm chiến đất của An Nam sao?” Đất khu vực Hữu nghị quan, ngoài bản đồ còn có cột mốc biên giới kia mà! Dư luận dân ta không hiểu nhầm thắc mắc cửa khẩu Hữu nghị (Nam Quan) do ai xây dựng mà là đất đai khu vực phía Nam Hữu nghị quan có phải bị Trung Quốc xâm lấn? Cửa quan Hữu nghị cũng như nhiều cửa quan khác trên tuyến biên giới phần lớn đều do các triều đại Trung Quốc xây dựng. Các cửa quan ấy đều được thiết lập ngay trên đường biên giới của hai nước, phía Bắc cửa quan là đất Trung Quốc, phía Nam cửa quan là đất Việt Nam. Ở cửa khẩu Hữu nghị cũng vậy.Cửa khẩu Nam Quan (Hữu nghị) được xây dựng trên đường biên giới giữa hai mốc 18 và 19. Có lẽ dân ta không hiểu nhầm như ông Vũ Dũng nói. Phía Bắc cửa quan là đầu mối quốc lộ 322 của Quảng Tây và phía Nam cửa quan là đầu mối của quốc lộ 1A Việt Nam. Thời phong kiến và Pháp thuộc các cơ sở dịch vụ và đồn binh của mỗi nước đều thiết lập ngay sát cửa quan phía Bắc (Trung Quốc) và phía Nam (Việt Nam). Binh lính Trung Quốc canh giữ cửa Bắc, binh lính Việt Nam canh giữ cửa Nam. Nhưng hiện trạng ngày nay, toàn bộ khu vực phía Nam cửa quan vào sâu đất của ta đến 0,8km (điểm số 0 mới của đường 1A) đều thuộc đất Trung Quốc. Họ xây dựng nhiều tòa nhà đồ sộ trong khu vực này. Thực trạng này có phải lãnh thổ nước ta ở khu vực Hữu nghị quan đã bị xâm lấn nghiêm trọng hay không? Ông Vũ Dũng không giải đáp đúng vào điểm mấu chốt này mà đi nói vòng vo, lấp lửng!
Cũng trong bút ký “Cực Bắc bao nỗi lo toan”, nhà văn Đỗ Hoàng viết: “Năm 1973 khi tôi lên Lạng Sơn nhìn thấy Mục Nam Quan là của bộ đội mình đứng gác, nhưng tháng 5 năm 2006 vừa qua tôi cùng đoàn nhà văn Việt Nam ở Trung Quốc về qua cửa khẩu Lạng Sơn thì thấy cổng Hữu Nghị Quan và nhiều ngôi nhà xây từ thời Pháp đã ở bên đất bạn.
Tôi là người biết chữ Hán, nói được tiếng Bắc Kinh và biết chút tiếng Anh, nên tôi đọc được những dòng chữ mà Trung Quốc ghi lưu dấu ở các di tích này. Phía Trung Quốc không ghi sai dòng nào.Những tòa nhà nào Pháp xây họ đều ghi đúng như vậy.Đường biên lùi sâu vào đất ta đến năm, sáu trăm mét.

Đấy là điều không chỉ tôi mà nhiều người nữa cũng rất day dứt, băn khoăn, mặc dù tôi chỉ là một dân thường và tự nhủ: Mình như gái goá lo việc triều đình! Nhưng cổ nhân đã dạy “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (Nước nhà thịnh suy, một người dân cũng phải có trách nhiệm lo lắng bảo vệ), việc này luôn luôn bức xúc và canh cánh trong lòng tôi!

Việc ký hiệp định biên giới trên bộ năm 1999 Việt Nam – Trung Quốc có làm tổn hại đến quyền lợi thiêng liêng của Tổ quốc hay không; sự tổn hại ấy nhiều hay ít đang là nỗi day dứt, bức xúc, băn khoăn của nhiều người quan tâm đến vận nước – như tâm tư của nhà văn Đỗ Hoàng. Để giải đáp thỏa đáng nỗi băn khoăn, day dứt, bức xúc chính đáng này nên chăng nhà nước cần công bố nguyên văn bản hiệp định cùng bản đồ đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc mới được thiết lập, đối chiếu đầy đủ với các tư liệu lịch sử từ các triều đại phong kiến, Pháp thuộc, nhà nước Việt Nam DCCH – XHCN (từ năm 1949 đến 1990); những chú giải – giải thích xác đáng về những thay đổi lãnh thổ trên đường biên hiện trạng với đường biên lịch sử (như giải thích của chính phủ Pháp ở Đông Dương khi ký hiệp định biên giới trên bộ Pháp – Thanh)
Hàn Vĩnh Diệp (CLB Phan Tây Hồ)
(mùa xuân năm 2008)
PHỤ LỤC 1: Thác Bản Giốc
Ảnh 1: Toàn cảnh thác Bản Giốc trong sách Địa chí tỉnh Cao Bằng
 
Ảnh 2 : Thác Bản Giốc (phần thác ba tầng) trong sách giới thiệu Cao Bằng (trong bộ “Việt nam đất nước – con người” của VNTTX và Sở TMDL Cao Bằng)
 
Ảnh 3 : Cột mốc 53 trơ trọi trên đầu thác Bản Giốc
 
Ảnh 4 : Cửa khẩu 53 mở cho khách tham quan, du lịch từ Việt Nam được tự do sang bờ bắc (Trung Quốc)

PHỤ LỤC 2 :Cột mốc ở Ngọc Khê
Ảnh5: Cột mốc ở Ngọc Khê
 
Ảnh 6 : Đất Việt Nam thành đất Trung Quốc
 
Ảnh 7 (xem chú thích bên dưới)
Chú thích : Ảnh 5 là cột mốc ở cửa khẩu Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) – bên Trung Quốc là Pò Péo (Tĩnh Tây, Quảng Tây), trước ở trên đỉnh núi, sau bị dời xuống chân núi về phía ta, mặc nhiên toàn bộ khu vực hiện là đồn biên phòng TQ và bãi rộng có đống quặng (ảnh 6) trở thành đất TQ. Những năm 60, bãi đất này chính quyền ta giành làm địa điểm tập kết chở hàng viện trợ của TQ cho VN; lợi dụng việc ấy họ di dời cột mốc để xâm lấn lãnh thổ ta. Nếu chiếu theo cột mốc mới dựng trên hẽm núi bên trái thì hàng chục mẫu ruộng ở giữa cột mốc mới và bãi đất rộng trên đây sẽ bị mất về TQ (Ảnh 7)
 
Ảnh8 : Cửa khẩu Ngọc Khê (Pò Péo)
Trích bản đồ giao thông đường bộ năm 2004 (M.T.L.)

(BVN)

Khi ông Nguyễn Bá Thanh kêu "oải"

TRONG BUỔI LÀM VIỆC VỚI TAND TỐI CAO, ÔNG THANH THAN: "MẤY BỮA TRƯỚC THẤY KIỂU NÀY LÀ TÔI OẢI LUÔN. KIỂU NÀY CHẮC BAY TIÊU CẢ NĂM 2013..." 
Khi ông Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội, dân yêu bóng đá có một sự ví von đầy thâm thuý: Chảo lửa Mỹ Đình nóng hơn rất nhiều sự cuồng nhiệt ở sân Chi Lăng (Đà Nẵng) và "cầu thủ" quen khoác áo số 9 Nguyễn Bá Thành sẽ gặp rất nhiều thử thách. 
Thử thách thực sự cam go thế nào thì chắc ông Nguyễn Bá Thanh hiểu rõ hơn ai hết. Hai ngày trước, trong buổi làm việc với Toà án nhân dân tối cao, ông Thanh đã kêu oải. Cái sự oải của ông được khoanh vùng trong lĩnh vực giám định tư pháp đang còn ách tắc, nhưng cũng có thể rộng hơn nhiều vì ông Thanh đã dẫn lại câu nói châm biếm cửa miệng nổi tiếng của người dân Thủ đô: "Hà Nội không vội được đâu". 

Ông Thanh than: "Mấy bữa trước thấy kiểu này là tôi oải luôn. Kiểu này chắc bay tiêu cả năm 2013. Anh em nói vui Hà Nội không vội được đâu, thôi thì cũng biết thế". Ở Đà Nẵng, dưới thời lãnh đạo của ông, các nhân vật VIP nhất thành phố, thỉnh thoảng vẫn nhận được tối hậu thư của ông: Việc tồn đọng này các ông phải giải quyết trước ngày X, Y, Z, nếu không các ông sẽ bị xử lý. "Đừng để dân phải chờ dài cổ. Chậm trễ ngày nào là có tội với dân." Và dĩ nhiên, khi nhận tối hậu thư, chẳng có vị VIP nào dám nói: "Đà Nẵng không vội được đâu". Nhờ thế, Đà Nẵng nhanh chóng trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

Trở lại chuyện Hà Nội. Nhiều năm trước, khi dự án thoát nước trăm tỉ đồng ở Thủ đô vừa được hình thành, thì nó liền được kiểm nghiệm hiệu quả bằng một trận mưa lớn. Và dự án "hiệu quả đến nỗi" một tờ báo phải giật cái ít rất chua xót: "Tất cả đều thoát, trừ...nước". 
Vâng, nếu tiền của dự án thất thoát rất nhanh thì dĩ nhiên nước sẽ thoát rất chậm. Công thức này đã được kiểm nghiệm rất rõ không chỉ tại Hà Nội mà còn ở TP.HCM. Khi người dân hàng ngày vẫn vật lộn, ngụp lặn trong các phố ngập sau mỗi trận mưa, sau mỗi đợt triều cường, thì "dòng nước tiền bạc" lại thoát rất nhanh vào túi tham của ông Giám đốc Cty thoát nước (200 triệu đồng/ tháng).
Nhưng nếu dân gian chỉ quy trách nhiệm cho Hà Nội và TP.HCM thì oan quá. Ông Nguyễn Bá Thanh hẳn phải biết một câu cửa miệng khác được lưu hành trên toàn lãnh thổ Việt Nam, rất giống với câu của Hà Nội: "Muốn nhanh thì phải...từ từ". 
Đến đây, thì chúng ta có thể hiểu rõ vì sao ông Thanh kêu oải. Cái oải cơ chế. Thời gian vốn công bằng nhưng thời gian không chờ đợi ai cả. Người Thái, người Sing, người Mã và bây giờ là người Myanma sẽ không dừng lại, từ từ đợi ông bạn Việt Nam cùng sánh bước. 
Nói về nỗi lo tụt hậu của đất nước, nỗi lo "từ từ" trong phát triển, nỗi lo tiền bạc của nhân dân thì thoát nhanh và ách tắc thì vẫn ở lại, một nhà báo có thâm niên đã đề nghị chỉnh sửa "chính tả" rất tinh tế cái tít bài báo rất hay đã nêu ở trên.
Tít cũ: "Tất cả đều thoát, trừ...nước". Tít chỉnh sửa: "Tất cả đều thoát, trừ... NƯỚC".
(Soha.vn)

Kinh tế Việt Nam vì đâu nên nỗi?

Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu tiếp tục bơm tiền thì nhiều người vẫn có cơ hội níu kéo các hoạt động đầu cơ đang thua lỗ và “mặc kệ” các hoạt động kinh doanh chính yếu có hiệu quả của mình.
Sau 5 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và gần 7 năm kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng khá bi đát. Có ý kiến đánh giá Việt Nam đã không may vì phải chịu tác động của khủng hoảng toàn cầu...
Tuy nhiên, người viết cho rằng những rắc rối hiện nay của Việt Nam chủ yếu là do những vấn đề nội tại chứ không phải tác động từ bên ngoài. Một trong những vấn đề chính là khu vực trong nước đã từ bỏ việc tận dụng lợi thế, tập trung cho sản xuất kinh doanh sang đầu cơ tài sản trong bối cảnh “căn bệnh Hà Lan” đã làm tổn hại nghiêm trọng sức cạnh tranh của khu vực sản xuất.
Kỳ vọng quá mức và thay đổi hành vi
Trước khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã đạt được những sự cải thiện đáng kể, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết và có hiệu lực từ năm 2001.
Những lợi thế đã được phát huy, xuất khẩu gia tăng mạnh, nhất là những mặt hàng liên quan đến nông nghiệp và thủy sản hoặc thâm dụng lao động như da giày và dệt may.
Nhiều doanh nghiệp, nhất là khu vực dân doanh sau sự cởi mở của Luật Doanh nghiệp năm 2000, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ thực cho xã hội đã ăn nên làm ra với suất sinh lợi khá cao (vài chục phần trăm). Đây chính là nền tảng tạo ra mức tăng trưởng kinh tế 7-8% cho Việt Nam.
Khi gia nhập WTO, hầu hết người dân Việt Nam cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng các cơ hội sẽ được hiện thực hóa và Việt Nam sẽ có được tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan hơn. Những khoản tiết kiệm trong nước được mang ra cùng với một dòng vốn khổng lồ chảy vào Việt Nam đón đầu cơ hội.
Chỉ trong mấy tháng, chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng gần bốn lần và trong vòng hơn một năm, giá bất động sản cũng có mức tăng tương tự. Điều này có nghĩa rằng, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ “nở ra” nhanh chóng, trong một tương lai thấy trước.
Giá như các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội mở cửa, tiếp tục tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm thì kỳ vọng sẽ thành hiện thực. Kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn và giá trị chứng khoán và bất động sản tăng chóng mặt nêu trên sẽ trở nên hợp lý sau một thời gian.
Tuy nhiên, điều không may là hành vi của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã thay đổi. Nếu tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh hiện tại thì suất sinh lợi chỉ là hàng chục phần trăm, trong khi đầu tư vào các tài sản (cổ phiếu và bất động sản) thì con số có thể là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phần trăm. Một số người, trên thực tế, đã có được mức sinh lợi này
Khó có ai có thể cưỡng lại cám dỗ. Giá cổ phiếu và bất động sản tăng là thật, và lãi là thật. Thay vì tiếp tục tập trung các các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội, nhiều người đã “nhảy” vào chứng khoán và bất động sản, mà nói chính xác là đi đầu cơ tài sản.
Sự chuyển hướng đồng loạt đã tạo ra cầu đột biến cả về hàng hóa và nguồn nhân lực trong khu vực tài sản. Việc kiếm tiền quá dễ dàng làm cho việc trả lương và chi tiêu trở nên hào phóng hơn.
Từ những mức lương không đến nỗi nào trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh trước đây, nhiều người đã có được những mức lương hay thu nhập chỉ nằm mơ mới thấy.
Lúc này mọi người chỉ tập trung vào việc mua mua - bán bán, chứ không còn “chí thú làm ăn” như trước đây. Những cơ hội đã không được tận dụng, trong khi rắc rối ngày một nhiều hơn và để lại hậu quả ngày hôm nay.
Thêm dầu vào lửa
Sau khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã bị nhiễm “căn bệnh Hà Lan” (Dutch Disease) mà nó được hiểu là dòng vốn lớn chảy vào làm đồng tiền trong nước lên giá dẫn đến hàng hóa sản xuất trong nước trở nên đắt đỏ hơn so với hàng hóa của các nước khác. Hậu quả là khu vực sản xuất trong nước trở nên kém cạnh tranh hơn.
Nghiêm trọng ở chỗ là sự bất hợp lý trong các chính sách vĩ mô trong thời gian qua đã làm cho căn bệnh này trở nên trầm trọng hơn.
Đầu tiên phải kể đến sự bị động trong việc ứng phó với dòng vốn khổng lồ từ bên ngoài đổ vào Việt Nam trong năm 2007. Lúc bấy giờ, dường như Ngân hàng Nhà nước chỉ chú trọng làm một việc duy nhất là tung tiền đồng ra để mua USD mà “quên” mất các giải pháp trung hòa. Hậu quả là nền kinh tế bị “ngập lụt” tiền đồng. Lạm phát bắt đầu phi mã từ cuối năm 2007 và chạm mốc gần 30% vào cuối quý 1/2008.
Việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn. Lấy lý do ứng phó với khủng hoảng tài chính thế giới và suy giảm sản xuất kinh doanh trong nước, chính sách tiền tệ đã tiếp tục được nới lỏng.
Việc “cố gắng” ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát cao như cú đánh kép vào khu vực sản xuất trong nước. Trong gian đoạn 2006-2012, mức giá chung của cả nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp đôi, tỷ giá tiền đồng so với USD chỉ tăng 30% đã làm cho các sản phẩm nhập vào Việt Nam (máy tính, điện thoại của Apple chẳng hạn) rẻ hơn, trong khi gạo hay các sản phẩm khác của ta đắt đỏ hơn.
Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khốn khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc phải đóng cửa hay phá sản trong thời gian gần đây, cho dù họ không hề có những hoạt động đầu cơ tài sản.
Hơn thế, việc cho phép sở hữu các ngân hàng quá dễ dàng và thất thoát trong đầu tư và chi tiêu công do tham nhũng đã làm tăng tính “liều mạng” đầu cơ vào các tài sản. Ước muốn và khả năng giàu nhanh chóng mà không phải làm gì đã “thực tế hơn” đối với nhiều người.
Hậu quả là nhiều người trở nên “lười hơn”, chỉ muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, chứ không còn chí thú làm ăn như trước. Hơn thế, "căn bệnh Hà Lan" đã làm cho sản xuất trong nước kém cạnh tranh hơn nên có muốn thì cũng khó mà mở rộng hoạt động.
Một nghiên cứu gần đây của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright chỉ ra rằng, ba trong bốn động cơ của cỗ máy tăng trưởng Việt Nam gồm: khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế dân doanh và khu vực nông nghiệp đang gặp trục trặc. Chỉ có một ngoại lệ là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang ăn nên làm ra, do họ đã tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam và miễn nhiễm được với những tác động tiêu cực.
Do vậy, nếu bỏ khu vực FDI sang một bên và chỉ phân tích ba khu vực còn lại thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bi đát hơn nhiều, mà nguyên nhân chủ yếu là do ta chứ không phải do tác động từ bên ngoài.
Tiến thoái lưỡng nan
Trước khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã chí thú làm ăn, tận dụng được lợi thế của Việt Nam để tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội. Kết quả là các doanh nghiệp ăn nên làm ra, tăng trưởng kinh tế cao và tạo tâm lý lạc quan, hồ hởi cho toàn xã hội.
Ngược lại, sau khi gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã quay sang đầu cơ tài sản, bỏ bê các hoạt động sản xuất kinh doanh chính, dẫn đến thua lỗ và nợ xấu tăng cao.
Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu buông các hoạt động đầu cơ để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi (ví dụ dịch vụ taxi chẳng hạn) thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Tuy nhiên, khi đó phần mất từ hoạt động đầu cơ sẽ cao hơn rất nhiều phần được từ hoạt động kinh doanh, và chủ doanh nghiệp có khả năng sẽ trắng tay.
Do vậy, hành vi hợp lý của nhiều doanh nghiệp là tiếp tục tập trung nguồn lực để duy trì các hoạt động có tính đầu cơ với hy vọng thị trường tài sản sẽ “nóng” trong tương lai để không chỉ tránh được tán gia bại sản mà còn có cơ hội làm giàu trở lại. Lúc này, nợ xấu ở các ngân hàng khó mà giải quyết và nguồn lực không được dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự. Hậu quả là kinh tế Việt Nam tiếp tục khó khăn.
Hơn thế, còn một vấn đề rắc rối nữa là không đơn giản để một số người đã quen với mức thu nhập cao chuyển sang từ bỏ những hoạt động đầu cơ tài sản để quay lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, với mức thu nhập thấp hơn nhiều. Một người đã khẳng định được tên tuổi trong ngành tài chính cho rằng có khi Việt Nam phải mất cả một thế hệ doanh nhân nữa may ra mới làm lại được.
Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu tiếp tục bơm tiền thì nhiều người vẫn có cơ hội níu kéo các hoạt động đầu cơ đang thua lỗ và “mặc kệ” các hoạt động kinh doanh chính yếu có hiệu quả của mình.
Do vậy, thắt chặt tín dụng để buộc các doanh nghiệp phải cơ cấu lại có lẽ là giải pháp. Những người kinh doanh bất cẩn sẽ phải trắng tay, để những người có khả năng hơn tiếp quản và sử dụng các nguồn lực của xã hội hiệu quả hơn - đây chính là triết lý cơ bản của phá sản, hay sự phá hủy sáng tạo. Đương nhiên, đây chỉ là giải pháp cho vấn đề này và Việt Nam cần tiến hành ngay một sự cải cách sâu rộng, toàn diện và thực chất.
(VnEconomy)

Cỗ máy kiếm tiền và sự “tín nhiệm”

Nhân cách và kiến thức thì chỉ đẻ ra sự…kính trọng. Trong khi địa vị mới đẻ ra bổng lộc, mới đẻ ra rất nhiều thứ- biệt thự, xe hơi, nhà lầu, con cái du học ngoại quốc…

>>Sân chơi trẻ con, luật chơi người lớn
>> Ông Vũ Khoan luận về ba loại quyền lực

Đôi khi, trong xã hội, chúng ta lên án những người lớn tệ hại bắt trẻ em làm công việc của người lớn, để nuôi họ. Nhưng có một sự kiện, mà nếu suy nghĩ thật thấu đáo, sẽ thấy nó cũng từa tựa như vậy, dù kết quả của nó, được những người trong cuộc vô cùng hoan hỉ, phấn khích.

Khi trẻ em … “nuôi” người lớn

Đó là The Voice Kids 2013, còn được gọi là chương trình Giọng hát Việt nhí 2013 đã kết thúc. Quang Anh, thí sinh 12 tuổi chính thức đăng quang chương trình truyền hình thực tế GHV nhí mùa đầu tiên.

Chứng kiến Quang Anh biểu diễn tiết mục Đá trông chồng (nhạc sĩ Lê Minh Sơn), một ca khúc rất khó, không phải ca sĩ chuyên nghiệp nào biểu diễn cũng có thể lột tả hết cái bi thương của tình yêu người thiếu phụ trong điển tích Hòn vọngphu, thú thực, người viết đã hết sức kinh ngạc. Bởi giọng hát đầy nội lực với một phong cách đa dạng, “phiêu” như một nghệ sĩ thực thụ của một em học sinh mới 12 tuổi, cấp trung học cơ sở.

Nhưng khi cánh màn nhung của GHV Việt nhí 2013 khép lại, là lúc dư luận xã hội “kéo” ra bao vấn đề xung quanh sự kiện nổi bật này.

Về mặt bản chất, GHV nhí 2013 là một “phiên bản”, một bản sao của chương trình The Voice (dành cho người lớn) xuất hiện đầu tiên ở Hà Lan, năm 2010, hấp dẫn khán giả bởi những cách chơi khác biệt, ngay từ “vòng giấu mặt”…Rất nhanh chóng, The Voice được nhiều quốc gia du nhập. Và Việt Nam không là ngoại lệ.

Có điều, khi giành cho GHV nhí 2013, The Voice vẫn nguyên dạng là cuộc thi cho người lớn, rõ nhất là các ca khúc chọn để thi. Thật khó có thể tưởng tượng, những bé trai, bé gái, tuổi mới lên 10, 11, 12 có thể “phiêu” với những ca khúc, mà phải là người lớn đã từng trải mới ngấm sâu những sắc màu của con tim đời người: Đá trông chồng, Tìm về dấu yêu, Đêm gành hào nghe điệu hoài lang, Chiếc khăn Piêu…

Nói theo cách nói của GS Hồ Ngọc Đại, các ca sĩ nhí là những người lớn thu nhỏ. Dù cuộc thi cho thấy, các ca sĩ nhí thật sự tài năng.

Nhưng nó một lần nữa cho thấy, cái “nghèo nàn” vô cùng của ngành giáo dục và văn hóa trong trách nhiệm nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm và đời sống trẻ em. Sách truyện cho trẻ em đã thiếu. Đến các ca khúc cho trẻ em cũng chẳng thấy đâu, chưa nói là nó đơn điệu, nhàn nhạt, không giúp các em có thể bộc lộ hết tài năng đa dạng, đa phong cách.

Người viết cứ chờ đợi ý kiến của các nhà giáo, nhà giáo dục, nhà sư phạm, nhà tâm lý giáo dục xung quanh sự kiện này. Tuyệt nhiên không thấy. Hay các nhà cũng mải tham gia “vòng giấu mặt”… dạy thêm?

Chương trình GHV nhí 2013 chỉ cho thấy “sự giàu có” về những ý tưởng thương mại hóa của người lớn được khai thác một cách triệt để, khai thác một cách bài bản, thành thục. Và họ đã thành công. Với 280 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo cùng hàng triệu tin nhắn mà nhà sản xuất thu được. Quả thật, nói không ngoa, ở GHV nhí 2013, chính các em đã … nuôi người lớn.

Không chỉ thế, các em còn “nuôi” cả bệnh thành tích của người lớn.

Đó là vụ 02 công văn- số 1279 của Sở GD Thanh Hóa, công văn số 93 của UBND phường Đông Sơn – Thanh Hóa, nơi gia đình em Quang Anh cư ngụ, kêu gọi cán bộ, giáo viên, học sinh, nhân dân phường Đông Sơn nhắn tin bình chọn cho Quang Anh, vào đúng lúc cuộc thi đang gay cấn nhất.

Một điều bi hài về hình thức, ít ai phát hiện ra. Công văn của Sở GD Thanh Hóa cho biết, Quang Anh học lớp 6D, Trường THCS Lý Tự Trọng. công văn phường Đông Sơn cho biết, Quang Anh học lớp 7B, cùng trường này. Vậy, Quang Anh học cùng một lúc 02 lớp, 6D và 7B?

Còn trong thực tế, với 215.903 phiếu bình chọn, chiếm 43,37%, Quang Anh đã bất ngờ vượt qua Phương Mỹ Chi và Ngọc Duy để trở thành quán quânGHV nhí 2013 (http://ihay.thanhnien.com.vn , ngày 08/09). Liệu cái sự bất ngờ này có được sự tác động cũng bất ngờ nốt, của 02 cái công văn kia không? Dù không ai có thể phủ nhận Quang Anh quá tài năng trong cuộc thi chung kết?

The Voice Kids, giọng hát việt nhí, Quang Anh, Phương Mỹ Chi, truyền hình thực tế, bài hát trẻ em, bỏ phiếu tín nhiệm, minh bạch, Vũ Khoan
Quang Anh đăng quang GHV nhí mùa đầu tiên

Sau những hoài nghi xôn xao trên mạng, cuối cùng, câu trả lời công khai từ Sở GD Thanh Hóa, phường Đông Sơn- là có việc làm đó.

Công khai nhưng hóa ra không… minh bạch.

Bởi, sự cổ vũ mang tính chất cục bộ, địa phương đó cho thí sinh tỉnh mình, ở góc độ khác, là sự bất công với các thí sinh cũng tài giỏi không kém khác, ở đây là em Phương Mỹ Chi. Mà trong giáo dục, điều tối kị là sự thiếu công bằng với trẻ em. Không biết Sở GD Thanh Hóa có thuộc bài học tối thiểu về nguyên tắc và tính nhân bản của GD không?

Nếu cũng dựa vào phương pháp lấy số đông áp đảo, Sở GD t/p Hồ Chí Minh, và phường nơi em Phương Mỹ Chi sinh sống, cũng làm công văn cổ vũ cục bộ cho quyền lợi của Phương Mỹ Chi, chắc gì, Quang Anh đã thắng?

Nếu Quang Anh, sau khi trở về địa phương, những lùm xùm quanh vụ việc 02 công văn dù muốn dù không vẫn là sự “định hướng” bình chọn cho chiến thắng của mình, liệu em có bị tổn thương trong con mắt bạn bè?

Cũng có ý kiến ai đó cho rằng, việc kêu gọi bình chọn cho Quang Anh là điều hoàn toàn bình thường. Chính trên truyền hình trực tiếp, các MC cũng kêu gọi mọi người hãy cổ vũ, động viên và bình chọn cho người này, người kia theo mã số bình chọn cơ mà.(Người đưa tin, ngày 08/09)

Xin đừng đánh tráo khái niệm. Cái sự kêu gọi của MC trước màn hình bình chọn cho thí sinh mình yêu thích, là sự kêu gọi công bằng cho tất cả các thí sinh, hoàn toàn không mang tính cục bộ địa phương, chỉ ủng hộ thí sinh tỉnh mình, như 02 công văn thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Chưa kể, dưới con mắt nghề nghiệp, các luật sư phân tích rất có lý.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (TP.HCM): Công văn do cơ quan Nhà nước phát hành là một dạng văn bản hành chính  với mục đích giải quyết những vụ việc trong công tác quản lý Nhà nước. Việc kêu gọi ủng hộ bằng công văn Nhà nước làm mất đi tính khách quan của cuộc thi, dù đó là một chương trình giải trí, phần nào làm giảm sút tình cảm của khán giả dành cho thí sinh rất có tài năng thực sự đó.

Ông Bùi Tiến Đạt, Thạc sỹ luật, nghiên cứu sinh ĐH Macquarie, (Australia): Văn bản của cơ quan Nhà nước phải mang tính chất giải quyết việc công. Can thiệp vào việc tư là không đúng. Không những thế việc ra văn bản kêu gọi bình chọn này còn vi phạm nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh.

Bản chất của sự can thiệp thô bạo vào một cuộc thi mang tính giải trí này là gì? Nếu không phải là căn bệnh thành tích kinh niên, mãn tính, đã ngấm sâu quá trong tư duy và hành động của Sở GD và phường Đông Sơn (Thanh Hóa)

Không biết, ca sĩ nhí tài năng Quang Anh được chắp cánh đến đâu, nhưng chắc chắn, uy tín của sở, của phường trong vụ việc chả lấy gì làm hay ho này… “gẫy thẳng cẳng”!

“Ông đừng dây vào địa hạt của tôi”

Trước The Voice Kids 2013, ngẫu nhiên, cũng có một sự kiện về “bình chọn”, và cũng liên quan đến sự công khai, minh bạch. Đó là tại cuộc tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, vị quan chức lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng cho biết, sẽ có cuộc lấy phiếu tín nhiệm từ Tổng Bí thư trở xuống. Đây là vòng tiếp nối sự kiện lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội vừa qua. Mới đây, UBTVQH lại họp về chủ đề lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Khác chăng, đây là “sân chơi” của người lớn, của những quan chức lãnh đạo, quản lý dày dạn chính trường ở các cấp. Khác biệt nữa, sự bình chọn này không tìm năng lực “biểu diễn nghệ thuật”, mà tìm năng lực và phẩm cách lãnh đạo đáp ứng yêu cầu của nhân dân trên hành trình đất nước hội nhập.

Cách thiết kế ba tiêu chí: Tín nhiệm, tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp, với tất cả mạnh yếu, hay dở của “vòng nghị trường” trước đây, đang được bàn luận đa chiều, hẳn là kinh nghiệm tốt cho “vòng” bình chọn- lấy phiếu tín nhiệm sắp tới của cơ quan lãnh đạo các cấp. Nhưng ý kiến số đông cho rằng, tiêu chí chỉ nên có: Tín nhiệm và không tín nhiệm.

Cũng ngẫu nhiên trong tuần, có một cuộc “Luận về ba loại quyền lực” (Tuần Việt Nam, ngày 09/ 09) của ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng. Theo ông, ba loại quyền lực đó là: Địa vị, kiến thức và nhân cách, trong đó hai quyền lực sau có sức hấp dẫn đích thực hơn loại quyền lực thứ nhất.

Đó là nói về lý thuyết, là về văn hóa và giá trị đích thực của quyền lực.

Nhưng còn trong thực tế của xã hội không ít bất an hiện nay, chắc chắn, địa vị mới là quyền lực hấp dẫn nhất. Nếu không làm sao người dân từ quá lâu rồi, bức xúc vì nạn “mua quan bán tước”? Bởi nhân cách và kiến thức thì chỉ đẻ ra sự…kính trọng, trong khi địa vị mới đẻ ra bổng lộc, mới đẻ ra rất nhiều thứ- biệt thự, xe hơi, nhà lầu, con cái du học ngoại quốc…

Hiện thực xã hội như đang “phản biện” một cách thô bạo, vào quyền lực kiến thức và nhân cách- mà vị quan chức già khẳng định

The Voice Kids, giọng hát việt nhí, Quang Anh, Phương Mỹ Chi, truyền hình thực tế, bài hát trẻ em, bỏ phiếu tín nhiệm, minh bạch, Vũ Khoan
Ảnh minh họa

Đương nhiên, tiêu chí quan trọng của sự lấy phiếu tín nhiệm tới đây- phải là năng lực và nhân cách

Chính vì thế, chủ trương công khai, minh bạch tài sản các quan chức, đánh dấu bằng Nghị định 78/2013/NĐ-CP, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 05/09, thu hút sự quan tâm của các đối tượng trong diện phải công khai, minh bạch tài sản. Nhưng liệu có thu hút được sự quan tâm của người dân Việt đã quá nhiều thất vọng sau những hô hào chống tham nhũng?

So với quy định trước đây, Nghị định lần này có hai điểm mới nổi bật: Đó là “lược bớt” một số đối tượng phải kê khai (như giảng viên chính, bác sĩ chính, dược sĩ chính, thủ kho…), chỉ còn chín nhóm đối tượng. Bổ sung và làm rõ hơn các nguyên tắc xác định giá trị tài sản, thu nhập, giúp người có nghĩa vụ xác định tài sản và biến động tài sản kê khai một cách rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, người viết bài chú ý đến nhận định của bà Trần Thị Lan Hương, đại diện Ngân hàng Thế giới (Tiền phong, ngày 06/09): Cần phải giảm số người kê khai, tập trung lãnh đạo cấp cao, sau đó phải công khai trên báo chí cho người dân biết. Tiến xa hơn, người thân của lãnh đạo cấp cao như vợ, chồng; tài sản ở nước ngoài…, cũng phải minh bạch hóa.

Việc “khu biệt hóa” nhóm đối tượng có khả năng tham nhũng cao nhất, bảo đảm sự công khai, minh bạch trên mạng truyền thông là cách làm của nhiều quốc gia. Bởi đối tượng càng rộng, càng làm “loãng” đi sự kê khai, mà cuối cùng là… hòa cả làng. Người Việt vốn một điều nhịn, chín điều lành. Còn khi cả xã hội phải nhịn…tham nhũng, thì đất nước có còn an lành không?

Trong khi ý kiến của các chuyên gia quốc tế về phòng chống tham nhũng, liên quan đến việc phải công khai, minh bạch tài sản rất thẳng thắn, lại cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần cân nhắc đến khả năng xử lý hình sự hành vi làm giàu bất chính.

Ông Alan Bacarese, chuyên gia tư vấn quốc tế về phòng, chống tham nhũng, công tố viên cao cấp chống rửa tiền của Vương quốc Anh nhấn mạnh:

Bằng mọi cách phải lấy lại tài sản bất chính, không để những đối tượng tham nhũng hưởng lợi từ việc tham nhũng của mình. Phải trừng trị các quan chức tham nhũng như trừng trị tội phạm ma túy. Về bản chất đây là hai loại tội phạm rất nghiêm trọng.

Còn ông Jairo Acuna Alfaro, cố vấn chính sách Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cũng nhấn mạnh: Việt Nam cần cân nhắc tới việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. (Pháp luật t/p HCM, ngày 06/09). Sau nhiều năm điều tra và nghiên cứu ở Việt Nam, ông còn nhận thấy hệ thống pháp luật quy định về phòng chống tham nhũng vẫn rất lỏng lẻo, đặc biệt vấn đề hình sự hóa tham nhũng, về làm giàu bất chính.

Thực tế, những kẻ tham nhũng liệu có sợ sự công khai, minh bạch không, có sợ pháp luật không? Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH từng cho biết, có những lúc ông đã nhận được tin nhắn cảnh cáo còn “hình sự” hơn: Ông đừng có dây vào địa hạt của tôi.

Căn nguyên của thực trạng này là gì? Đó chính là chữ “đầu tiên- tiền đâu” luôn chạy trước cả …pháp luật. Là không có cơ chế xác minh tính trung thực của việc kê khai tài sản. Rút cục, mọi việc kê khai, công khai minh bạch tài sản, lẫn việc Thi đua học tập tấm gương đạo đức (liêm chính) của Bác Hồ, thực chất chỉ mang tính hình thức, đối phó, hời hợt.

Hiệu quả của việc công khai, minh bạch tài sản, thực chất gắn rất chặt với giá trị lá phiếu tín nhiệm sắp tới. Nếu như việc công khai minh bạch tài sản chỉ là làm cho có, như một quan chức của UB Pháp luật QH đã thốt lên, thì giá trị và chất lượng lá phiếu tín nhiệm đó có trọng lượng không?

Câu hỏi này, không thuộc về thẩm quyền trả lời của người dân.

Và những “thí sinh” nào sẽ đoạt giải quán quân, giải cao, với sự bình chọn tín nhiệm đây?

Đêm “chung kết” lấy phiếu tín nhiệm có thể không diễn ra trên tivi. Nhưng sự “bình chọn” về phẩm cách quan chức, bình chọn về hiệu quả của 04 chữ công khai, minh bạch đang đi vào đời sống dư luận, với tất cả những cung bậc, những dư âm hỉ nộ ái ố, mà chưa thấy tín hiệu lạc quan…

Kỳ Duyên
----------------------------------
Bài cùng tác giả:

Lương khủng, chất độc khủng và… tha hóa khủng
Những kẻ tham nhũng, nhóm lợi ích chính là “vật cản”, là chướng ngại vật to lớn trên hành trình phát triển.

Ấn tượng trong tuần: Hát ‘lót’ và lời xin lỗi muộn mằn
Người Việt mình được cái tính lạc quan, lúc nào cũng thích hài hước, thành thử các vụ việc rồi sẽ cứ na ná như Gala Gặp nhau cuối năm.
320 nghìn đồng tiền thưởng và chuyện tham nhũng mới
Vì sao, vật chất xã hội ngày càng đi lên, nhân tính lại đi xuống?
(Tuần VN)

TQ cảnh báo Mỹ về tranh chấp biển đảo

Chiến hạn Trung Quốc
Các chiến hạm Trung Quốc thao diễn quân sự trên Biển Đông

Chính phủ Trung Quốc cảnh báo Mỹ không hậu thuẫn tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng của Trung Quốc trong các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, theo hãng tin AFP.

Quan hệ Trung - Nhật đã trở nên xấu đi đáng kể từ khi Tokyo quốc hữu một số đảo thuộc quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, trên Biển Hoa Đông một năm trước đây.

Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ các vùng biển ở Biển Đông, bao gồm các vùng biển gần kề bờ biển của các nước láng giềng, làm dấy lên căng thẳng với Philippines và Việt Nam trong những năm gần đây.

Washington có các liên minh về an ninh với Tokyo và Manila, nhưng tuần này ông Vương Quán Trung, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cảnh báo các đối tác Mỹ đang ở thăm Trung Quốc rằng Hoa Kỳ phải xử lý các vấn đề một cách "thích hợp" để tránh làm hỏng "niềm tin chiến lược song phương".

"Các tranh chấp này không nên trở thành một vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và Trung Quốc hy vọng rằng Hoa Kỳ không trở thành bên thứ ba trong những vấn đề này", ông Vương nói với Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller, theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ở Bắc Kinh trên trang mạng chính thức.

Ông Vương yêu cầu Hoa Kỳ “duy trì một lập trường và chính sách nhất quán”, không “gửi tín hiệu sai” hỗ trợ hoặc thông đồng với các nước có liên đới.

Quân đội Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ và lợi ích hàng hải, mặc dù Bắc Kinh đã thực hiện kiềm chế trong khi đối phó với các tranh chấp, Thứ trưởng Vương nói thêm.

'Nghĩa vụ đồng minh'


"Đối với khu vực Đông của Biển Đông Trung Quốc và Biển Hoa Nam, chúng tôi nhắc nhở Trung Quốc rằng chúng tôi có nghĩa vụ thực hiệp hiệp ước đồng minh với một số bên liên quan"
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller
Ông Miller nói với ông Vương rằng Hoa Kỳ không khuyến khích việc sử dụng vũ lực nhưng cũng có "các nghĩa vụ hiệp ước” với một số quốc gia có xung đột với Trung Quốc, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên hồi đầu tuần này.

"Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng bất kỳ và tất cả các tranh chấp nào trên biển phải được giải quyết mà không có sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực," ông Miller nói.

"Đối với Biển Hoa Đông và Biển Nam Trung Hoa, chúng tôi nhắc nhở Trung Quốc rằng chúng tôi có nghĩa vụ thực hiệp hiệp ước đồng minh với một số bên liên quan."

Tàu Trung Quốc thường xuyên tuần tra gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông, và Bắc Kinh đã làm nhục Manila năm ngoái bằng cách kiểm soát khu bãi cạn tranh chấp Scarborough, chỉ cách Philippines 200 km.

Nhật Bản và Mỹ có một hiệp ước an ninh yêu cầu Washington hỗ trợ quốc phòng cho Tokyo nếu Nhật bị tấn công.

Hàng chục ngàn quân Mỹ cũng đang đồn trú ở quốc đảo này.

Hồi tháng Sáu, Philippines tuyên bố đang sắp xếp để các lực lượng quân đội Mỹ và Nhật Bản có thể tiếp cận với số đông hơn các căn cứ quân sự của mình, vì Manila đang tìm cách chống lại những gì mà họ cảm nhận như một mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc .

Hôm thứ Năm, Tân Hoa Xã đưa tin, một trong ba quan chức quân đội cấp cao nhất của Trung Quốc, ông Phạm Trường Long, khi thăm và kiểm tra các đơn vị hải quân, đã kêu gọi quân đội Trung Quốc "tăng tốc chuẩn bị cho các trận đánh trên biển."

Vị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Trung Quốc cũng kêu gọi "nâng cao các khả năng ngăn chặn và chiến đấu trên biển" của quân đội.
(BBC)

Dự án thương mại tự do Thượng Hải đe dọa vị thế Hồng Kông

Khu tài chính ở Thượng Hải, Ảnh chụp ngày 02/09/ 2013.
Khu tài chính ở Thượng Hải, Ảnh chụp ngày 02/09/ 2013. (REUTERS/Aly Song)

Ngày 23/08/2013, Bắc Kinh chính thức phê chuẩn việc thành lập tại Thượng Hải một « khu thương mại tự do », có tham vọng khiến thành phố này trở nên trung tâm thương mại, tài chính và hàng hải lớn nhất của Trung Quốc. Theo các chuyên gia, dự án này khiến thủ phủ kinh tế Trung Quốc trở thành đối thủ trực tiếp của khu kinh tế mở Hồng Kông. Kinh tế gia trưởng của ngân hàng Trung Quốc ANZ Liu Ligang nhận định, « trong hai hay ba năm nữa, nếu Hồng Kông không nỗ lực, đặc khu này sẽ đánh mất khả năng cạnh tranh trước vùng thương mại Thượng Hải ».

Dự án khu vực thương mại tự do Thượng Hải rộng gần 29 km² này bao gồm bốn khu tự do sẵn có (khu thương mại tự do Ngoại Cao Kiều, khu cơ sở hậu cần Ngoại Cao Kiều), sân bay quốc tế Phố Đông (Pudong) và cảng nước sâu Dương Sơn (Yangshan). Dự án dự kiến sẽ khởi sự trong tháng này. Theo hãng thông tấn AFP, một phác thảo dự án cho thấy khu thương mại tự do Thượng Hải bao gồm 19 lĩnh vực khác nhau, từ tự do hóa thương mại đến các đầu tư và dịch vụ tài chính.

Về mặt tài chính, dự án xây dựng vùng kinh tế mở Thượng Hải « ủng hộ » việc thành lập các ngân hàng ngoại quốc và các ngân hàng liên doanh với vốn đầu tư trong nước, cũng như các định chế tài chính tư nhân, với mục tiêu quốc tế hóa đồng yuan, hiện đang có ảnh hưởng ngày càng mạnh trong thương mại quốc tế. Từ trước đến nay, do lo ngại đầu cơ tài chính, Bắc Kinh kiểm soát rất chặt các luồng tiền tệ. Cụ thể là, các nhà đầu tư gặp phải đủ mọi cản trở khi đưa tiền vào và rút tiền ra khỏi Trung Quốc.

Bắc Kinh khẳng định mục tiêu làm cho nhân dân tệ trở thành đồng tiền được hoàn toàn tự do chuyển đổi, với một hệ thống tỷ giá hối đoái được thả nổi hoàn toàn, thay vì bị khống chế bởi Ngân hàng Trung ương với tỷ giá được xác định hàng ngày như hiện nay. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh cho phép chuyển đổi tự do đồng yuan trong nước. Thượng Hải, nhờ vậy, sẽ có khả năng trở thành khu vực đứng đầu trong việc hoán đổi đồng nhân dân tệ, thay cho vị trí của Hồng Kông hiện nay.

Theo tổ chức luật sư Pháp AXTEN, chuyên về luật thương mại, có cơ sở tại Thượng Hải, dự án Khu thương mại tự do Thượng Hải đưa ra hai biện pháp chưa từng có để khuyến khích đầu tư nước ngoài. Thứ nhất là, ngoại trừ một số lĩnh vực, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tại vùng này được hưởng các ưu đãi tương tự với các doanh nghiệp Trung Quốc và thứ hai là, Nhà nước bảo đảm đồng nhân tệ được chuyển đổi tự do.

Về cuộc đối đầu giữa Hồng Kông và Khu thương mại tự do Thượng Hải tương lai, lãnh đạo Ngân hàng Hồng Kông khẳng định : Hồng Kông có một lợi thế không thể phủ nhận được với nền dân chủ và Nhà nước pháp quyền, giúp cho đặc khu này tránh được các hỗn loạn chính trị và xã hội, bảo đảm được sự ổn định kể từ khi Hồng Kông được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.

Trong một cuộc trả lời báo giới, lãnh đạo ngân hàng trung ương Hồng Kông, Norman Chan, kêu gọi Hồng Kông không được « ngủ quên trong vòng hào quang », mà cần phải « hiện đại hóa trung tâm giao dịch tài chính » của mình, « sẵn sàng chuẩn bị để kháng cự lại các cú sốc trong tương lai, bất kể trong lĩnh vực nào ».

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, mới nhậm chức từ tháng 3/2013, coi dự án này là một trong các chính sách quan trọng hàng đầu của chính phủ. Trong một bài viết trên tờ Financial Times tuần này, Thủ tướng Trung Quốc khẳng định « sẽ khai thác các con đường mới để (tiếp tục) mở cửa Trung Quốc ra thế giới bên ngoài, và Khu thương mại tự do Thượng Hải là một thử nghiệm mang tính hoa tiêu ».

Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận định là chủ trương Khu thương mại tự do Thượng Hải có thể sánh với chính sách lập các đặc khu kinh tế mà Bắc Kinh lập ra trong những năm 1980. Khu thương mại tự do Thượng Hải mang lại hy vọng cải thiện tình trạng ảm đạm của cuộc cải cách kinh tế tại Trung Quốc hiện nay. Theo một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc, các cải cách hoa tiêu tiến hành thành công tại khu vực này có thể áp dụng tại nhiều thành phố khác và thậm chí trên cả nước.

Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và dẫn đầu về tăng trưởng, sau khi tiến hành mở cửa kinh tế trong vòng ba thập niên vừa qua. Theo nhiều nhà phân tích, trong thập niên gần đây, các cải cách bị giảm tốc dưới thời nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, bất chấp kêu gọi của các đối tác thương mại. Khu thương mại tự do Thượng Hải có thể được Bắc Kinh sử dụng như một bước đệm trên con đường đi tới một hiệp ước về đầu tư với Hoa Kỳ và thậm chí một quan hệ đối tác với TPP - Hiệp ước Thương mại xuyên Thái Bình Dương. Thoạt tiên Bắc Kinh chống đối TPP, vì coi đây là một sản phẩm của Mỹ. Nhưng mới đây Trung Quốc đã thay đổi thái độ. Thủ tướng Trung Quốc khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Đại Liên là Bắc Kinh có « thái độ rộng mở » trong vấn đề này.
Trọng Thành (RFI)
 

Tư duy độc lập - sáng tạo

Đăng bởi Hai Hoang Van vào Thứ bảy, ngày 14 tháng chín năm 2013


Độc lập là mục tiêu tối thượng mà mỗi chúng ta và mỗi dân tộc đấu tranh và hy sinh xương máu để đạt được. Dân tộc Việt Nam luôn luôn hy sinh để dành độc lập, và khi đất nước độc lập rồi thì hy sinh luôn độc lập bản thân, tư do chính trị và kinh tế. Từ đó các triều đại từ vua chúa cá thể đến vua tập thể nối nhau đối xử dân mình như nô lệ, còn thua cả nô lệ Phi châu trên đất Mỹ 300 năm trước. Các ông vua này tha hồ chà đạp nhân phẩm của nhân dân, tước hết mọi quyền sống của nhân dân. Hơn bao giờ hết ĐCSVN đã và đang tước hết mọi sức sống của nhân dân, tàn phá mọi sinh hoạt xã hội và truyền thống dân tộc, cuớp luôn quyền yêu nước và ép đặt tư duy mình (có không đây?) lên trên mọi tầng lớp xã hội. Đau đớn nhất là ngay chính đảng viên của ĐCSVN cũng bị cướp hết những quyền này.

Tư duy độc lập


Năm 2005 khi về Việt Nam thăm bà con, tôi thấy có quá nhiều rác: rác văn hoá từ Trung cộng, rác game bạo động, phim bạo động mà con nít 5-6 tuổi đã ngồi vào chơi, xem được rồi, đó là chưa kể rác trên đường phố. Tôi có nói chuyện này với 1 người bạn khi ấy đang làm bí thư một quận ở Saigon. Hắn bảo là không được quyền nói, không được quyền phê phán. Hỏi tại sao mình không có quyền xử lý rác. Hắn bảo phải chờ Nghị quyết đảng và chủ trương chính sách chính phủ. Xử lý rác mà phải chờ Nghị quyết đảng và chủ trương chính sách chính phủ? Thật hết nói. Ngay cả một bí thư quận cũng không có trách nhiệm, không có tư duy độc lập!

Một đứa bé từ khi chào đời đã biết đòi hỏi, đòi ăn bú, đòi thay tả, rửa đít tức là nó đang xây dựng tư duy độc lập của nó. Trong quá trình trưởng thành nhiều người trong chúng ta được đào tạo, được cho cơ hội để có một tư duy độc lập. Nhưng ác thay nhiều người được nuông chiều theo những truyền thống gia đình để lệ thuộc từ miếng ăn, đi đứng đến suy nghĩ, từ đó chẳng có lấy 1 tí tư duy độc lập nào cả. Có rất nhiều thí dụ.

Một bà mẹ luôn luôn bảo con dâu hay chính mình làm những món ăn ngon cho cậu quý tử. Bà mẹ cứ tưởng như thế là hay là tạo hạnh phúc cho con. Trên thực tế bà đã không cho cô con dâu và chính cậu con trai mình cơ hội để phát huy bản năng sinh tồn của mình, tài năng của mình. Và cậu con trai sẽ trở nên hư đốn, mất hết tư duy độc lập.

Một thanh niên 18,20 tuổi đời lúc nào cũng chỉ biết ngữa ta xin tiền bố mẹ, hay khư khư chờ gia tài để lại thì suốt đời hắn chỉ biết ăn bám, ăn hại.

Một người cha (hay anh) bảo là cha ông ta khi xưa phải triều cống thằng chó vua Tàu để đất nước khỏi bị xâm lăng, nay chúng ta cũng phải cung phụng Bắc triều, hay là phải chờ Trung cộng xụp đổ thì Việt Nam mới đổi ngôi, thì không xứng đáng dạy con mình.

Mặc cho thế hệ trước nghĩ sao, làm sao, thế hệ ta phải là thế hệ có tư duy độc lập. Được như vậy các thế hệ sau mới dành được độc lập từ mọi thế lực, cường quyền.

Con cái phải độc lập với cha mẹ, công nhân phải độc lập với chủ nhân/chính quyền, đảng viên phải độc lập với đảng, quốc hội/toà án phải phải độc lập với chính quyền/đảng, hiến pháp phải độc lập với mọi thế lực. Một khi dành được một số những độc lập này chúng ta sẽ có cơ hội có được độc lập thực sự, tự do và dân chủ thực sự.

Tư duy sáng tạo

Sáng tạo là khả năng tạo ra những cái mới chưa từng có trong tự nhiên hay trong xã hội. Để có thể sáng tạo thì bắt buộc phải có tư duy và phải là tư duy độc lập chứ không phải là tư duy rập khuôn, tư duy theo kiểu tư duy của người khác.

Phải đau buồn mà nói chúng ta không mấy ai có tư duy sáng tạo cả. Chúng ta chỉ copy của người đem về xài, có khi sửa đổi đôi chút rồi bảo là của ta: tư tưởng ông Hồ (hic!), tuyên ngôn độc lập, hiến pháp, chủ nghĩa bách thắng Mác-Lê, v.v... Lạ cái là chúng ta ít khi copy cái hay, cái cập nhật của người khác mà chỉ copy những thứ giết người hại dân như điều 4 HP, điện nguyên tử. Ông Hồ có sáng tạo không? ĐCSVN có sáng tạo không? Hỏi tức là trả lời.

Dân Tây dạy con cái tính độc lập ngay từ nhỏ. Một đứa bé mới biết đi ngã lên ngã xuống mà bố mẹ chỉ khuyến khích con mình đứng dậy, đi tiếp, hoàn toàn không bế bồng, dắt tay. Khi ra đường họ thường có 1 sợi dây như dây xích cột tay đứa con và đầu dây kia vào thắt lưng thế rồi để đứa nhỏ lửng thửng theo sau. Khi con đi học, họ chỉ nhắc nhở con làm bài, tuyệt đối không làm bài dùm con. Đến 18 tuổi họ làm sinh nhật cho con thật lớn rồi mời con ra khỏi nhà. Nhờ vậy dân Tây có được bản năng sinh tồn từ tấm bé, tư duy độc lập và sáng tạo hơn hẳn dân ta. Ta có làm được như họ không? Có lẽ phải chờ vài thế hệ nữa khi con người di cư lên các hành tinh khác rồi chúng ta mới mở mắt ra vì không còn ai để nhờ vả, vay mượn nữa.

Đảng không cho ta độc lập thì ta sáng tạo để được độc lập, chẳng hạn ta lập các hội đoàn trên internet. Các hội đoàn trên internet không bị luật pháp của quốc gia nào chi phối, cấm đoán được cả. Ta có thể lập hội hy sinh, hội ăn chay, hội dạy con, vân vân. Tôi không bảo bạn lập hội tự tử hay tự sát nhưng nếu bạn muốn thì đây là quyền của bạn. Hội tự nguyện chẳng hạn là hội làm việc tốt cho gia đình và xã hội, 1 ngày/1 lần, 1 tuần/1 lần, 1 tháng/1 lần, 1 năm/1 lần, vân vân. Hội trồng rau sạch cũng tốt thôi, đảng cấm được không nè. Ai có ý định lập hội và cần 1 blog, xin thư cho tôi ở anhtuanfp@hotmail.com, để trao đổi, nhớ đừng gởi thư rác nhé.

Phạm Anh Tuấn
Sydney, Úc, 14/09/2013

Ca sỹ Thanh Lam bị con dâu Thứ trưởng Bộ Công an đánh ghen

nhin-lai-lum-xum-giua-thanh-lam-va-the-voice
Vừa qua, ca sỹ Thanh Lam "hẹn hò" với Nguyễn Quốc Thu (Tổng Giám đốc công ty Dầu khí, SN 1963, nhà ở 77 Trần Hưng Đạo) tại nhà hàng Phù Đổng ở 67 Tô Hiến Thành thì bị Nguyễn Thị Bích Vân (Phó Tổng Giám đốc Công ty tài chính công nghiệp tàu thuỷ thuộc tập đoàn VINASHIN, SN 1963, hiện ở phòng 2302 nhà 24T1 phường Trung Hoà, Cầu Giấy) đi cùng một đối tượng bị nhiễm HIV đến đe dọa. Công an phường Lê Đại Hành đã kịp can thiệp. Nguyễn Quốc Thu là con trai út của tướng Hoàng Thao, nguyên thứ trưởng Bộ Công an.


(http://caunhattan.wordpress.com

Dự Luật Nhân Quyền Việt Nam 2013 của Quốc hội Hoa kỳ


Quốc Hội thứ 113, nhiệm kỳ 2013-2015. Bản viết ngày 9 tháng 9, 2013
(Đã được chuyển sang ủy ban Thượng Viện)

Quốc Hội thứ 113
Buổi Họp Thứ Nhất
Dự Luật số 1897.
Tại Thượng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ

Ngày 9 tháng 9, 2013

Đã nhận, đọc hai lần và chuyển sang Ủy Ban Đối Ngoại trong Thượng Viện.

DỰ LUẬT
Thúc đẩy tự do và dân chủ ở Việt Nam
Chương 1: Tựa ngắn và Mục Lục

(a) Tựa Ngắn của Dự Luật này có thể gọi là Luật Nhân Quyền Việt Nam 2013

(b) Mục Lục: Mục lục của Dự Luật này bao gồm:

Chương 1: Tựa ngắn và mục lục.
Chương 2: Tìm hiểu và mục đích.
Chương 3: Ngăn cấm tăng cường viện trợ ngoài mục đích nhân đạo cho chíng phủ Việt Nam.
Chương 4: Chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.
Chương 5: Ủy ban nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc.
Chương 6: Báo cáo hằng năm.

Chương 2: Tìm Hiểu và Mục Đích

(a) Tìm Hiểu - Quốc Hội xét thấy những điều sau đây:

(1) Quan hệ giữa Hoa Kỳ và CHXHCN Việt Nam gia tăng một cách đáng kể từ sau khi kết thúc cấm vận năm 1994 với mậu dịch giữa hai nước đạt gần 25 tỉ mỹ kim trong năm 2012.

(2) Sự chuyển tiếp của chính phủ Việt nam hướng đến tự do lớn hơn trong kinh tế và mậu dịch không đi đôi với tự do hơn trong chính trị và tiến triển đáng kể trong quyền căn bản của con người cho công dân Việt Nam bao gồm tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do liên kết và hội họp.

(3) Quốc Hội Hoa Kỳ đã đồng ý cho Việt Nam trở thành thành viên chính thức của World Trade Organization (WTO) năm 2006 dựa trên những cam kết là chính phủ Việt Nam đã và sẽ tiếp tục cải thiện nhân quyền.

(4) Việt Nam vẫn còn là một quốc gia độc đảng, thống trị và kiểm soát bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), và đảng này vẫn tiếp tục chối bỏ quyền của công dân muốn thay đổi nhà nước của mình.

(5) Trải qua những năm gần đây Quốc Hội Việt Nam đã có một vai trò năng động hơn như một diễn đàn đề cao mối quan tâm của địa phương, tham nhũng, tính không hiệu quả của nhà nước. Quốc Hội vẫn chịu sự định hướng của ĐCSVN, và ĐCSVN vẫn giữ sự kiểm soát trong việc đề cử trong các cuộc bầu cử toàn quốc và địa phương.

(6) Chính quyền Việt Nam nghiêm cấm đặt vấn đề công khai tính hợp pháp của quốc gia độc đảng, hạn chế tự do bày tỏ ý kiến, tự do báo chí, tự do liên kết và kiểm soát gắt gao việc tiếp cận internet và phương tiện viễn thông.

(7) Từ khi gia nhập World Trade Organization vào ngày 11 tháng 1 năm 2007, Chính Phủ Việt Nam đã tùy tiện bắt giữ, giam cầm nhiều cá nhân vận động ôn hòa cho tự do tôn giáo, dân chủ. Và nhân quyền bao gồm Linh Mục Nguyễn Văn Lý, luật sư nhân quyền Nguyển Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Cù Huy Hà Vũ và Lê Công Định, blogger Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Lê Văn Sơn.

(8) Chính Phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ, bỏ tù, giam lỏng kết án hoặc hạn chế những cá nhân trong việc bày tỏ ôn hoà bất đồng chính kiến hay tôn giáo.

(9) Chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ những lãnh đạo công đoàn và hạn chế quyền thành lập công đoàn độc lập.

(10) Chính phủ Việt Nam tiếp tục hạn chế tự do tín ngưỡng, hạn chế sinh hoạt của những tổ chức tôn giáo độc lập, đàn áp những cá nhân có tín ngưỡng bị chính phủ quy kết là đe dọa đến quyền hạn độc tôn của họ.

(11) Ngoài những báo cáo tiến triển trong việc mở thêm nhà thờ, đăng ký của những nơi hoạt động tôn giáo, Chính Phủ Việt Nam đã ngăn chặn hầu hết những hành động tích cực kể từ khi Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “Những Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt” từ tháng 11, 2006.

(12) Những nhà thờ Tin Lành không đăng ký của các sắc dân thiểu số, nhất là Người Thượng ở Trung và Tây Bắc Tây Nguyên phải cam chịu những ngược đãi do hành động của chính quyền Việt Nam bao gồm bị ép buộc bỏ đạo, bắt bớ, sách nhiễu, cắt phúc lợi xã hội mà mọi người dân được hưởng, tịch thu và phá hủy tài sản, đánh đập thô bạo và giết chóc.

(13) Đã và đang có xu hướng phản ứng bằng bạo lực từ phía Chính Quyền đối với những buổi cầu nguyện và biểu tình ôn hòa của giáo dân Công Giáo đòi lại tài sản của giáo phận bị chính quyền tịch thu. Ngưòi biểu tình bị sách nhiễu, đánh đập, bắt bớ và tài sản giáo hội bị phá hủy. Giáo dân Công Giáo tiếp tục phải đối diện với hạn chế trong việc chọn giáo sỹ, thành lập chủng viện và chọn nhân sự cho chủng viện, hạn chế quyền đi lại của cá nhân và đăng ký hoạt động tôn giáo.

(14) Trong tháng 5, 2010, tại Cồn Dầu thuộc giáo phận Đà Nẵng phải đối diện với bạo lực trong một đám tang khi công an cản trở việc chôn cất theo đạo; hơn 100 người bị thương, 62 người bị bắt, 5 người bị tra tấn và ít nhất có 3 người chết.

(15) Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất bị ngược đãi khi Chính Quyền Việt Nam tiếp tục hạn chế liên lạc và sự đi lại của các tăng thống giáo hội chỉ vì từ chối tham gia giáo hội do nhà nước bảo trợ. Chính Phủ hạn chế tự do bày tỏ, hội họp, và tiếp tục sách nhiễu, hăm dọa các tăng ni và các lãnh đạo của gia đình phật tử.

(16) Chính Phủ Việt Nam tiếp tục đàn áp tín đồ của các tôn giáo khác như Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo vì không được nhà nước công nhận hay liên quan đến những tổ chức bị nhà nước cấm. Sự đàn áp bao gồm tạm giam, bỏ tù, hay bị chính quyền theo dõi gắt gao.

(17) Nhiều người Thượng thiểu số và nhiều cá nhân khác vẫn bị giam cầm lâu dài bởi những bản án cho việc tham gia biểu tình ôn hòa từ năm 2001, 2002, 2004, và 2008. Nhiều người Thượng vẫn phải đối diện với hăm dọa, tạm giam, đánh đập, và cả cái chết do cán bộ chính phủ gây ra.

(18) Người dân tộc HMông ở phía bắc, tây bắc cao nguyên và cao nguyên trung phần Việt Nam cam chịu những hạn chế, tịch thu tài sản, ngược đãi, và bức hại do chính quyền Việt Nam.

(19) Chính phủ Việt Nam hạn chế người dân tộc Khơ Me Krom quyền tự do bày tỏ, hội họp, lien kết. tịch thu hầu hết các chùa phật Khơ Me, kiểm soát tất cả các tổ chức Đạo Phật Khơ Me Kaon và cấm hầu hết những chống đối ôn hòa.

(20) Chính phủ Việt Nam kiểm soát hầu hết các báo in và báo điện tử bao gồm việc tiếp cận Internet, phá nhiễu sóng của các đài phát thanh nước ngoài trong đó có đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia). Chính phủ đã bắt giữ và bỏ tù những cá nhân đăng, phát hành, gửi, hay phát tán tài liệu liên quan đến dân chủ.

(21) Ở Việt Nam những người bị bắt vì hành động liên quan đến chính trị và tôn giáo thường không được theo trình tự pháp lý và họ không được hoàn toàn tự do tiếp xúc với luật sư theo sự chọn lựa của mình, có thể bị xử kín, bị giam giữ nhiều năm không qua xét xử, hoặc bị tra tấn ép nhận tội mà họ không gây ra, hoặc ép vu cáo chính những người thủ lĩnh của mình.

(22) Việt Nam tiếp tục là quốc gia cung cấp cho công nghệ tình dục, hay ép buộc lao động đối với phụ nữ trưởng thành và thiếu nữ, là nguồn cung cấp lao động cả đàn ông lẫn phụ nữ thong qua hợp đồng lao động quốc tế mà trong đó họ phải mang nợ và bị ép làm việc. Việt Nam tiếp tục là điểm đến quốc tế của nạn buôn bán trẻ em và tiếp tục có tệ nạn mua bán trẻ em trong biên giới của mình.

(23) Có nhiều báo cáo cho thấy cán bộ và nhân viên Việt Nam tham gia vào, tạo điều kiện, bỏ qua, hay đồng lõa trong những trường hợp buôn người nghiêm trọng.

(24) Những chương trình định cư của di dân vào Hoa Kỳ bao gồm Chương Trình Định Cư Nhân Đạo cho cựu tù nhân chính trị (Humanitarian Resettlement Program), Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự (Orderly Departure Program), Chương Trình Tái Định Cư cho các thuyền nhân trở về (Resettlement Opportunities for Vietnamese Returnees Program), chương trình tái định cư đại trà cho thuyền nhân tại các trại tị nạn Đông nam Á, Chương Trình Tái Định Cư cho con lai (Amerasian Home Coming Act of 1988), và Chương Trình cho nhũng cá nhân cần bảo vệ đặc biệt (Priority One Refugee Resettlement) đã giúp giải thoát rất nhiều người gốc Việt đã trải qua những bức hại vì những liên quan đến Hoa Kỳ, và trong nhiều trường hợp sự liên quan đó là do qua người phối ngẫu, cha mẹ, hoặc những ngưới thân khác trong gia đình. Ngoài ra còn có những người bị bức hại do sắc tộc, tôn giáo, quốc tịch, xu hướng chính trị, hoặc là thành viên của tổ chức xã hội.

(25) Trong khi những chương trình kể trên thực hiện tốt vai trò của chúng, một số đáng kể người di dân gốc Việt trong đó có trẻ lai hội đủ điều kiện lại bị từ chối một cách bất công hoặc bị loại bỏ vì thù hằn hay cán bộ suy đồi của Việt Nam có làm việc trong chương trình, hay có những trường hợp do nhân sự Hoa Kỳ áp đặt những diễn giải cứng nhắc vào tiêu chí của chương trình. Ngoài ra chính phủ Việt Nam còn từ chối cấp hộ chiếu cho các cá nhân mà Hoa Kỳ đã quyết định hội đủ điều kiện nhập cư.

(26) Có báo cáo là Chính quyền Việt Nam đang gian giữ hàng chục ngàn người trong số đó có cả những người 12 tuổi tại những trại cai nghiện và đối xử với họ nhu những nô lệ lao động.

(27) Trong năm 2012, trên 150 ngàn người ký một thỉnh nguyện thư trên mạng kêu gọi chính quyền không khuếch trương mậu dịch với cộng sản Việt Nam vì lý do nhân quyền.

(28) Quốc Hội đã thông qua rất nhiều nghị định phản đối lạm dụng nhân quyền tại Việt Nam. Việc này cho thấy mặc dù quan hệ có nới rộng với chính phủ Việt Nam, nhưng không đồng nghĩa với việc chấp nhận những vi phạm nghiêm trọng về quyền căn bản của con người tại Việt Nam.

(b) Mục Đích: Mục đích của Đạo Luật này nhằm thúc đẩy sự phát triển tự do và dân chủ tại Việt Nam

CHƯƠNG 3: CẤM TĂNG VIỆN TRỢ NGOÀI MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO CHO CHÍNH PHỦ VIỆT NAM

(a) Viện Trợ.

(1) TỔNG QUÁT: Ngoại trừ những trường hợp nêu lên ở tiêu điểm (b), Chính Quyền Liên Bang không được phép viện trợ ngoài mực đích nhân đạo cho Chính Phủ Việt Nam trong tài khoá một năm vượt trên mức viện trợ cho những chương trình hiện hữu trong tài khóa năm 2012 ngoại trừ:

A. Đối chiếu với giới hạn của tài khóa 2014, Tổng Thống phải xác định và chứng nhận với Quốc Hội trong thời gian không quá 30 ngày sau khi Đạo Luật này được ban hành rằng những yêu cầu từ tiêu đề A đến G trong phân đoạn (2) sau đây được đáp ứng trong khoảng thới gian 12 tháng trở về trước ngày chứng nhận; và

B. Đối chiếu với giới hạn của những tài khóa trong những năm tiếp theo, Tổng Thống phải xác định và chứng nhận với Quốc Hội trong báo cáo mới nhất của hàng năm theo Chương 6 là những yêu cầu từ tiêu đề A đến G trong phân đoạn (2) sau đây được đáp ứng trong thời gian 12 tháng được báo cáo.(2)

C.

(2) Yêu Cầu: Những Yêu cầu trong phân đoạn này bao gồm

A. Chính phủ Việt Nam thực hiện những bước tiến đáng kể trong việc phóng thích tất cả tù nhân chính trị và tôn giáo từ các trại tù, trại tạm giam hay giam lỏng.

B. Chính Phủ Việt Nam thực hiện những bước tiến đáng kể trong việc:

(i) Tôn trọng quyền được tự do tín ngưỡng bao gồm quyền tham gia các hoạt động và tổ chức tôn giáo mà không bị can thiệp, sách nhiễu, hay có sự tham gia của chính quyền cho mọi tôn giáo; và

(ii) Trả lại các tài sản tịch thu từ các giáo hội và cộng đồng tôn giáo

C. Chính Phủ Việt Nam thực hiện những bước tiến đáng kể trong việc tôn trọng quyền tự do ngôn luận, hội họp và liên kết bao gồm trả tự do cho nhà báo, bloggers, nhà dân chủ và những nhà hoạt động công đoàn độc lập.

D. Chính Phủ Việt Nam thực hiện những bước tiến đáng kể trong thu hồi hay sửa đổi những điều luật kết tội bất đồng chính kiến ôn hòa, truyền thông độc lập, những hoạt động tôn giáo hợp pháp, các cuộc biểu tình hay tụ họp bất bạo động theo tiêu chuẩn và công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

E. Chính Phủ Việt Nam thực hiện những bước tiến đáng kể trong việc chấp nhận cho công dân Việt Nam quyền tự do và thông thoáng làm việc với cơ quan di trú Hoa Kỳ.

F. Chính phủ Việt Nam thực hiện những bước tiến dáng kể trong việc tôn trọng nhân quyền của công dân các sắc tộc thiểu số.

G. Bất cứ mọi cán bộ Chính Phủ Việt Nam hay bất cứ cơ quan tổ chức do chính phủ làm chủ toàn phần hay bán phần cấm đồng lõa trong việc buôn người nghiêm trọng, hoặc chính phủ Việt Nam phải có hành động chính đáng để kết thúc sự đồng lõa và truy tố trách nhiệm đối với các cơ quan đó.

(b) Ngoại Lệ:

(1) TIẾP TỤC VIỆN TRỢ VÌ QUYỀN LỢI QUỐC GIA – Không tùy thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam đáp ứng những yêu cầu nêu trong phân đoạn (a)(2) ở trên, Tổng Thống có thể bỏ việc ứng dụng của phần (a) cho bất cứ tài khoá nào nếu Tổng Thống xác định rằng tăng viện trợ ngoài mục đích nhân đạo sẽ thúc đẩy mục đích của đạo luật này hoặc trong phạm vi quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ.

(2) Quyền Miễn Chấp Hành- Tổng Thống có thể sử dụng quyền miễn chấp hành chi phân đoạn (1) đối với:

A. Tất cả viện trợ ngoài mục đích nhân đạo cho Việt Nam; hoặc

B. Một hay nhiều chương trình, dự án hoặc hoạt động của viện trợ.

(c) Định Nghĩa:

(1) VIỆN TRỢ NGOÀI MỤC ĐÍCH NHÂN ĐẠO: Cụm từ Viện Trợ Ngoài Mục Đích Nhân Đạo có nghĩa:

A. bất cứ khoản viện trợ trong Đạo Luật Viện Trợ Nước Ngoài năm 1961 không kể

(i) viện trợ khắc phục thiên tai

(ii) trợ cấp thực phẩm hay thuốc men

(iii) viện trợ khắc phục môi trường bị nhiễm chất độc màu da cam và những hoạt động y tế liên quan

(iv) Giúp tháo gỡ mìn và các hoạt động y tế liên quan và hoạt động giáo dục

(v) Giúp chống buôn người nghiêm trọng

(vi) Giúp chống đại dịch

(vii) Giúp ngưới tị nạn

(viii) Giúp phòng chống HIV/AIDS

B. Mua bán, tài trợ trong bất cứ điều kiện nào trong Đạo Luật Bán Vũ Khí

(2) BUÔN NGƯỜI NGHIÊM TRỌNG - Cụm từ buôn người nghiên trọng đã được định nghĩa trong Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Của Tệ Buôn Người năm 2000.

(d) Ngày Áp Dụng: Đạo Luật này được áp dụng khi được ban hành và sẽ được ứng dụng đối với trợ cấp Ngoài Mục Đích Nhân Đạo cho Chính Phủ Việt Nam cho tài khoá 2014 và những năm sau đó.

Chương 4: Chính Sách Ngoại Giao Cộng Đồng của Hoa Kỳ

(a) Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia) Phát Sóng Về Việt Nam- Quốc Hội nhận thấy Hoa Kỳ nên có những biện pháp chống nhiễu sóng của Đài Á Châu Tự Do do Chính phủ Việt Namm gây ra. Và Ban Trị Sự của Hệ Thống truyền thông không nên cắt giảm nhân sự, tài chánh, hoặc giờ phát sóng cho chương trình Việt Ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Ky (Voice of America) và Đài Á Châu Tự Do (Radio Free Asia) đồng hành với việc không cắt giảm chương trìng của những ngôn ngữ khác.

(b) Nhữnng Chương Trình Trao Đổi Giáo Dục và Văn Hóa Với Việt Nam- Quốc Hội nhận thấy mọi chương trình trao đổi Giáo Dục và Văn Hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nên hướng tới việc thúc đẩy tự do và dân chủ tại Việt Nam bằng cách tạo cơ hội cho công dân Việt Nam từ nhiều nghành nghề, góc độ thấy được cách hoạt động của tự do và dân chủ; và bảo đảm rằng những cá nhân có biểu hiện mong muốn tự do dân chủ được tham gia những chương trình này.

(c) Ủy Ban Nhân Quyền tại Liên Hiệp Quốc - Quốc Hội nhận thấy Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nên mạnh dạn phản đối, và khuyến khích các thành viên khác trong Liên Hiệp Quốc phản đối vị thế ứng cử của Việt Nam vào Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ bắt đầu năm 2014.

Chưong 5: Tự Do Tôn Giáo và Tệ Nạn Buôn Người

(a) Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt - Quốc Hội nhận thấy Việt Nam nên bị đưa trở lại danh sách Những Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt vì Tự Do Tôn Giáo chiếu theo điều 402(b) của Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Thế Giới ban hành năm 1998.

(b) Tiêu Chuẩn Tối Thiểu để Triệt Tiêu Tệ Nạn Buôn Người - Quốc Hội Nhận thấy Chính phủ Việt Nam không thực hiện được những tiêu chuẩn tối thiểu để triệt tiêu tệ nạn buôn người và không tạo được những bước tiến đáng kể để thực hiện. Việc xác định này phải được phản ảnh trong báo cáo hàng năm cho Quốc Hội chiếu theo chương 110(b) trong Đạo Luật Bảo Vệ Nạn Nhân Tệ Buôn Người ban hành năm 2000.

Chương 6: Báo Cáo Dịnh Kỳ Hàng Năm.

(a) Tổng Quát - Trong thời gian không quá 6 tháng kể từ ngày Đạo Luật này được ban hành và mỗi chu kỳ 12 tháng tiếp theo, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao phải nộp báo cáo cho Quốc Hội về những điểm sau đây:

(1) Xác định và chứng nhận của Tổng Thống cho các tiêu điểm tứ A đến G trong phân mục 3(a)(2) được đáp ứng nếu có

(2) Nếu Tổng Thống loại bỏ ứng dụng của phân đoạn 3(a) chiếu theo phân đoạn 3(b) trong khoảng thời gian cần báo cáo phải dựa trên những cơ sở sau:

(A) Sự loại bỏ phải xuất phát từ quyền lợi quốc gia

(B) Phần tăng của viện trợ ngoài mục đích nhân đạo cho Chính phủ Việt nam

(C) Chú thích và số tiền của từng khoản viện trợ chiếu theo phân mục 3(b)(1)

(3) Những cố gắng của Chính phủ Hoa Kỳ trong việc nâng cao sự tiếp cận của công dân Việt Nam với Đài Á Châu Tự Do.

(4) Những cố gắng để đảm bảo rằng những chương trình với Việt Nam có mục đích nêu trong chương 102 của Luật Nhân Quyền, Luật Người Tị Nạn, và những Luật Viện Trợ Nước Ngoài năm 1996 được làm theo qua trao đổi Giáo Dục và Văn Hóa.

(5) Danh sách của những người được tin là bị cầm tù, tạm giam, hay giam lỏng, tra tấn, hoặc bị bức hại do Chính phủ Việt Nam vì việc theo đuổi những quyền con người được quốc tế công nhận. Trong lúc thống kê danh sách này, Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao nên hành xử đúng bao gồm quan tâm đến sự an toàn, quyền lợi, của những người liên quan trong đó có người được nêu tên và gia đình của họ. Ngoài ra Ngoại Trưởng nên lên danh sách của những cá nhân và gia đình họ khi hội đủ điều kiện cần được bảo vệ qua chương trình tị nạn.

(6) Chú thích tiến triển của luật lệ Việt Nam bao gồm:

(A) Tiến trình hướng tới phát huy mới trong tổ chức cầm quyền theo định hướng dân chủ.

(B) Tiến trình của những thông tư, quy định, luật, và các đạo luật do chính phủ Việt Nam biên soạn và ban hành trong nước.

(C) Mức độ quảng bá của những quy điều, quy định, luật lệ, quyết định hành chánh và tư pháp, hoặc những việc làm liên quan đến tư pháp mà chính quyền ban hành và tạo điều kiện cho công dân tiếp cận.

(D) Mức độ quyết định hành chánh và tư pháp căn cứ qua các công văn dựa trên quy điều, quy định, luật lệ, và các căn cứ khác của Chính phủ Việt Nam.

(E) Mức độ mỗi người dân được đối xử công bằng dưới luật pháp bất kể quốc tịch, sắc tộc, quan điểm chính trị, những liên hệ của hiện tại hay quá khứ.

(F) Mức độ quyết định hành chính và tư pháp được độc lập với áp lực chính trị, can thiệp của chính quyền, và được tham khảo bởi cơ quan phúc thẩm.

(G) Mức độ luật lệ Việt Nam biên soạn và thực hành theo định hướng tiêu chuẩn quyền con người được quốc tế công nhận, luôn cả quyền bày tỏ trong Hiến Pháp Quốc tế về Quyền Dân Sự và Qưyền Chính Trị

(b) Liên Hệ Với Các Tổ Chức Khác- Trong quá trình soạn thảo báo cáo nêu trong phân mục (a) Ngoại Trưởng nên tìm tòi và giữ liên lạc với các tổ chức phi chính phủ, nhà hoạt dộng nhân quyền (bao gồm người Mỹ gốc Việt và người những nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam), nhận báo cáo và cập nhật từ những cá nhân và tổ chức này và đánh giá những báo cáo đó. Ngoại Trưởng cũng nên tham khảo với Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ cho những chương liên quan trong bản báo cáo.

Thông qua Hạ Viện Hoa Kỳ ngày 1 tháng 8, 2013

KAREN L. HAAS,

Thư Ký.
  Duy Hữu Mai chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét