Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Bài viết đáng chú ý

Nghệ An họp báo về bất ổn tôn giáo


Cả công an và người dân đều cáo buộc phía bên kia gây ra thương tích

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An chiều ngày 10/9 có buổi gặp gỡ báo trong nước và lên án các tin tức 'có nội dung sai sự thật mang tính kích động, vu khống'.

Thông tấn xã Việt Nam nói ông Thái Văn Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Nghệ An đã chủ trì họp báo mà hãng thông tấn nói là để "chính thức thông báo tình hình, kết quả giải quyết vụ việc phức tạp xảy ra tại Giáo họ Trại Gáo, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc."

Hãng tin chính thức của Việt Nam nói:

"Tại buổi họp báo, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An khẳng định trong mấy ngày qua, trên một số trạng mạng điện tử và trang thông tin tổng hợp “Giáo phận Vinh” xuất hiện nhiều thông tin, bài viết, hình ảnh có nội dung sai sự thật mang tính kích động, vu khống về vụ việc xảy ra, làm cho chức sắc, giáo dân hiểu sai bản chất vụ việc và dễ bị lôi kéo tiếp tục có các hoạt động vi phạm pháp luật.

"Hiện các lực lượng chức năng trong tỉnh Nghệ An đang tiếp tục làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn huyện Nghi Lộc và xã Nghi Phương để chủ động ngăn chặn các hoạt động quá khích gây mất an ninh trật tự, nhằm ổn định tình hình.

"Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Thái Văn Hằng đề nghị các cơ quan báo chí thông tin về tình hình vụ việc phức tạp xảy ra tại Giáo họ Trại Gáo, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc một cách kịp thời, khách quan, trung thực, chính xác để người dân biết, hiểu đúng bản chất vụ việc, chấp hành đúng quy định của pháp luật; tránh để bị lợi dụng, xuyên tạc, kích động, xúi giục giáo dân làm những việc trái pháp luật, ảnh hưởng đến tình đoàn kết lương-giáo."

'Khách quan, trung thực'

Cổng thông tin điện tử của chính quyền Nghệ An cũng đưa tin về cuộc họp báo và nói Phó giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Hữu Cầu, người cũng là Thủ tưởng cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh, đã "thẳng thắn trả lời câu hỏi của một số nhà báo liên quan đến nguyên nhân dẫn đến vụ việc phức tạp liên quan đến tôn giáo ngày 3-4/9 tại xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc.
"Đề nghị các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú các báo trung ương ... đưa thông tin sự việc đến với bạn đọc một cách khách quan, toàn diện, trung thực, chính xác."
Phó chủ tịch Nghệ An Thái Văn Hằng
Tuy nhiên cổng thông tin của Nghệ An không cho biết ông Cầu đã nói gì trong họp báo.

Thay vào đó họ dẫn lời Phó chủ tịch Hằng nói về sự phát triển của tôn giáo ở Nghệ An với 70 nhà thờ mới được xây và hơn 100 linh mục được thụ phong từ năm 2005.

Ông Hằng cũng được dẫn lời "đề nghị các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú các báo trung ương ... đưa thông tin sự việc đến với bạn đọc một cách khách quan, toàn diện, trung thực, chính xác."

Công an Nghệ an đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh "gây rối trật tự công cộng, giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ" trong vụ ở Nghi Lộc.

'Kết quả thê thảm'

Xô xát giữa người dân với lực lượng công an tỉnh Nghệ An bắt nguồn từ sự việc diễn ra ngày 22/5 mà hai ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải bị cho là có liên quan.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 5/9 với BBC, Đức giám mục Nguyễn Thái Hợp cho biết vào ngày 22/5, đoàn xe chở gia đình của 14 thanh niên công giáo Nghệ An bị một số công an mặc thường phục chặn trên đường hành hương đến linh địa Trại Gáo, thuộc giáo xứ Mỹ Yên.

Xung đột sau đó đã xảy ra giữa hai bên, dẫn đến việc "hàng trăm" người dân vây đánh và bắt giữ ba người chặn đường họ.

"Đến khi họ đánh xong, đưa vào trong, mở cốp xe ra [những người chặn đường] thì mới thấy sắc phục và thấy giấy tờ công an," ông nói.

Vị Giám mục chính tòa của Địa phận Vinh có tuyên bố gửi đến giáo dân thuộc giáo phận Vinh, trong đó lên án "cách ứng xử bất nhân và những hành vi bạo lực dã man của cơ quan công quyền".

Một giáo dân tố cáo bị chính quyền đánh
Giáo phận Vinh tố cáo chính quyền đánh giáo dân

Trong tuyên bố dưới tựa đề “Thư chung”, Đức Giám mục cũng tố cáo nhà cầm quyền đã không thả hai giáo dân Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải như trong cam kết [của UBND xã Nghi Phương] đưa ra ngày 3/9, mà lại thay vào đó bằng cuộc trấn áp diễn ra vào ngày 4/9.

“Kết quả thê thảm là ít nhất 30 người bị thương, trong đó có cả phụ nữ và thiếu niên. Một số nạn nhân còn trong tình trạng nguy kịch tính mạng,” theo tuyên bố.
Trong khi đó trong bài đăng ngày 8/9, báo Công an Nghệ An gọi tuyên bố của Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp là sự “vu khống lực lượng công an”.

Tờ báo này cũng nói bản cam kết của UBND xã Nghi Phương được đưa ra “trong hoàn cảnh hàng trăm phần tử quá khích trong giáo dân” đã kéo đến trụ sở UBND “để bao vây, đe dọa, gây sức ép”, đồng thời cáo buộc “hàng trăm người” đã “tấn công lực lượng bảo vệ bằng những trận mưa đá, bằng gậy gộc, hung khí …”
(BBC)

Việt Nam : Các chức sắc tôn giáo lên tiếng về vụ Mỹ Yên

Lực lượng công an được huy động để đàn áp giáo dân Mỹ Yên ngày 04/09/2013.
Lực lượng công an được huy động để đàn áp giáo dân Mỹ Yên ngày 04/09/2013. (Ảnh giaophanvinh.net)

Hôm nay, 10/09/2013, một số chức sắc đại diện cho Công giáo, Tin Lành, Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo đã công bố Bản Lên Tiếng về vụ việc tại Giáo xứ Mỹ Yên, thuộc Giáo phận Vinh.

Trong Bản lên tiếng này, các chức sắc tôn giáo nói trên, trong đó có ông Lê Quang Liêm, Hội trưởng Phật giáo Hòa Hảo và linh mục Phêrô Phan Văn Lợi, hiệp thông với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh và toàn thể giáo phận này, nhất là với các nạn nhân giáo xứ Mỹ Yên trong vụ đàn áp ngày 04/09/2013. Họ chỉ trích chính quyền tỉnh Nghệ An đã không có thiện chí giải quyết vụ việc ngay từ đầu, mà còn rắp tâm trả thù giáo dân.

Các chức sắc tôn giáo ký tên vào Bản Lên tiếng nhắc lại là sau nhiều ngày giáo dân Mỹ Yên đòi trả tự do cho hai người bị bắt trái phép là Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải, chủ tịch xã Nghi Phương đã viết giấy cam kết sẽ thả hai người vào chiều ngày 04/09. Thế nhưng, vào hôm đó, khi giáo dân đến đón hai người bị bắt, thì đã bị hơn 500 công an, dân phòng, côn đồ… trang bị thuốc nổ, hơi cay, lựu đạn khói, chó nghiệp vụ xông vào tấn công. Nhiều người đã bị bắt về đồn. Ít nhất 30 người bị thương, trong đó có cả phụ nữ và thiếu niên, một số nạn nhân còn trong tình trạng nguy kịch tính mạng.

Theo các chức sắc Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo, đây “vừa là hành vi dối trá lật lọng, vừa là hành vi bạo lực trấn áp, vừa là hành vi tàn nhẫn ác độc” của chính quyền tỉnh Nghệ An. Bản lên tiếng của các chức sắc tôn giáo cũng lên án việc các báo đài ở Nghệ An đã có nhiều bài báo “sai sự thật”, “nhằm đầu độc công luận” về vụ Mỹ Yên.

Tòa Giám mục Xã Đoài ( Giáo phận Vinh) trong văn thư đề ngày 07/09 gởi đến Báo Nghệ An đã phản đối báo đài Nghệ An xuyên tạc sự thật về vụ Mỹ Yên. Nhưng Báo Nghệ An hôm nay đã đăng trên mạng bài trả lời văn thư của Tòa Giám mục Xã Đoài, khẳng định những thông tin mà báo này đăng tải là “hoàn toàn chính xác, đúng sự thật”, cho nên họ không có nghĩa vụ đính chính những thông tin đã đưa.
Thanh Phương (RFI)
 

Đào Tuấn - Khẩu súng bắn “giặc nội xâm” đang thiếu “đầu đạn- người tố cáo”

Nước mắt người tố cáo tham nhũng
14h15 chiều 22.8.2001, anh Đặng Vũ Thắng, người tố cáo tham nhũng tại Thảo Cẩm Viên Sài Gòn, đang cùng bạn bè ngồi tại quán Hương Dừa (Thủ Đức) thì nhận một cú điện thoại tới máy di động. Nghe xong, anh không ăn nữa mà ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi. 15 phút sau, Thắng mượn xe bạn về phòng làm việc ở Thảo Cầm Viên. Và đó là lần cuối cùng anh còn được gặp bạn bè.

Dưới cơn mưa tầm tã, anh bị những kẻ côn đồ do thủ quỹ Lâm Bích Thủy thuê “dằn mặt”, gần như băm nát cơ thể. Cẳng chân bị chặt. Thắt lưng bị chém. Ruột lòi ra ngoài. Phổi bị đâm thủng. Cơ hoành rách. Lá lách vỡ đôi. Đặng Vũ Thắng mất tới 4 lít máu và sau đó tử vong mà không nói được một lời.

Cái giá của việc “biết quá nhiều”, của những lá đơn tố cáo tham nhũng trong vụ Thảo Cẩm Viên, chính là tính mạng người tố cáo.

Có thể, vụ Thảo Cẩm Viên chỉ là một cá biệt trong việc trả thù bằng xã hội đen. Nhưng cá biệt trong một tình trạng không hề cá biệt là người tố cáo tham nhũng bị trả đũa tới nơi tới chốn, khi việc làm của họ, không chỉ là chống lại những tiêu cực của những người có quyền, có tiền, mà có khi còn đụng đến “nồi cơm chung” của những người hôm qua còn là đồng nghiệp. Một vị bí thư đảng ủy phường ngay tại thủ đô mất chức. Một cán bộ ở Hà Tiên bị “vụt gãy giò”. Một nông dân bị cắt điện suốt 19 tháng, bị xả nước ao cá. Và thậm chí, ngay cả một ĐBQH như ông Lê Như Tiến cũng nhận không ít tin nhắn hăm dọa, cảnh cáo “ông đừng có dây vào địa hạt của tôi”.

Vì sao người dân giờ đây ít tố cáo tham nhũng? Đơn giản là họ sợ bị trả thù. Và những trường hợp chống tham nhũng giống với việc “con giun xéo lắm cũng quằn”, hơn là người ta nhìn thấy cái xấu và tự giác chống lại nó, phê phán nó.

Ngày hôm qua, trong ngồn ngộn những con số, những tình trạng, những kê khai, những thành tích… còn có một dòng đánh giá, trong cáo cáo chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ. Nguyên văn: “Rất ít người dân tham gia tố cáo tham nhũng”.
Nhà báo Trần Quang Thành bị tạt acid mù mất một mắt,  vì tố cáo tham nhũng 22 năm trước
ĐBQH Dương Trung Quốc có lần phát biểu: chống tham nhũng của ta rất hoành tráng, súng nổ rất to, nhưng chẳng ai bị thương. Vì đạn bắn không có đầu.

Việc người dân ít tham gia tố cáo tham nhũng có thể hiểu là sự thắng thế của tình trạng không ít phổ biến, nói như ĐBQH Lê Như Tiến- là tâm lý “makeno” (mặc kệ nó), vô cảm, hoặc “ngậm miệng ăn tiền”, tức không động đến mình thì mình cũng không động đến”. Nhưng cũng có thể hiểu đó là một tín hiệu sự đầu hàng, của người ngay trước kẻ gian! Hoặc đơn giản hơn, đó là một thất bại khi khẩu súng bắn vào “giặc nội xâm” đang thiếu “đầu đạn- người tố cáo”.

Trong câu chuyện thời sự liên quan đến “Chị Nguyệt Hoài Đức”, có lẽ cả những người tố cáo và những người đang có ý định tố cáo tham nhũng đều sẽ không thể quên “những giọt nước mắt người ngay”, ngay trong lễ vinh danh. Những giọt nước mắt cho thấy nỗi cô đơn của người tố cáo kể cả khi họ làm đúng và chưa, chứ không phải là không, bị trả thù.

Rất muốn hỏi Tổng Thanh tra Chính phủ một câu, rằng vì sao hệ thống pháp luật để bảo vệ người tố cáo hoàn toàn không thiếu, trong khi thực tế xảy ra biết bao nhiêu tai bay vạ gió chỉ vì những người tố cáo đã làm đúng.

Và liệu cuộc chiến chống “giặc nội xâm” sẽ đi đến đâu khi “người ngay” vẫn phải sợ kẻ gian đến như thế!
Đào Tuấn
(Quê Choa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét