Hôm nay 20/07/2013 sau khi lặn lội đến trại giam ở Nghệ An và chờ đợi
suốt một ngày từ sáng sớm đến cuối buổi chiều, bà Dương Thị Tân vẫn
không được cho tiếp xúc với chồng là ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu
Cày, đã tuyệt thực đến hôm nay là ngày thứ 28.
Chỉ có con trai bà Dương Thị Tân là Nguyễn Trí Dũng được gặp cha trong
vòng 5 phút. Điếu Cày sức khỏe rất suy kiệt, cho biết ông tuyệt thực để
phản đối lệnh biệt giam ba tháng vì ông không chịu ký vào bản nhận tội,
và sẽ tiếp tục tuyệt thực để đòi công lý cho dù có phải chết.
Vừa từ trại giam số 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An về
được hai phút, bà Dương Thị Tân cho RFI Việt ngữ biết như sau :
Tôi lặn lội gần hai ngàn cây số để đến được đất Thanh Chương, Nghệ An,
mà ngày 16 họ cũng đành đoạn để mẹ con tôi chờ hơn bốn tiếng đồng hồ ở
ngoài cổng, sau đó họ đuổi về. Đến ngày hôm nay tôi chờ từ 9 giờ sáng
cho đến tận 4 giờ chiều. Họ cũng giả vờ cho tôi qua cái cổng đấy. Mọi
hôm thì họ để tôi đứng ở ngoài, nhưng hôm nay trời mưa rất là to. Tôi
nghĩ là họ cho hai mẹ con tôi vào, nhưng tôi đâu biết là vào trong có
một cái phòng làm việc, họ giam lỏng tôi ở đấy. Họ giải thích vòng vo
việc này việc nọ, xong họ đi ra ngoài.
Chỉ có một mình cháu Dũng, tức con trai tôi được vào thăm bố, mà thời
gian thì cũng không lâu. Tôi nghĩ là tối đa được 5 phút, vì tôi ngồi đấy
với hai người kia được khoảng 15 phút thì tôi đã thấy con tôi ra rồi,
mà từ cái chỗ cháu vào gặp bố cháu là đi khoảng một cây số.
Từ hôm 16 đến giờ thì họ giở ra rất nhiều trò để bưng bít những thông
tin về việc ông Hải tuyệt thực. Cho nên khi vào gặp thì bố cháu nói ngay
là, cuộc gặp này sẽ rất ngắn, nên con lắng nghe bố đây - mặc dù sức
khỏe rất yếu, ông nói với giọng nói thều thào thôi. Chắc cô biết là khi
một người tuyệt thực tới gần ba chục ngày thì đâu còn sức lực nữa.
Anh nói là, bố tuyệt thực vì một cái quyết định biệt giam ba tháng. Lý
do là không ký vào bản nhận tội mà họ đưa cho. Tôi xin nhắc lại là việc
nhận tội hay không nhận tội thì tòa án đã kết tội ông Hải, và tất cả
những việc đó là của tòa án chứ không phải của công an trại giam. Bây
giờ ông Hải là người đi thi hành án thì không có nghĩa là bắt ông một
lần nữa lại nhận tội, khi vụ việc đã được xét xử công khai – theo như
người ta nói. Thế nhưng đến giờ này họ vẫn ép buộc ông Hải ký vào cái
bản nhận tội, mục đích là như thế nào thì tôi nghĩ công luận thừa sức để
phán xét.
Ông Hải không ký thì họ ra một quyết định biệt giam ba tháng. Trong khi
quy định của Bộ Công an thì không có biệt giam nào tới ba tháng. Mỗi một
lần bị kỷ luật phải biệt giam thì không quá mười ngày, và những trường
hợp bị biệt giam hoặc là có bệnh truyền nhiễm, hoặc là vi phạm kỷ luật
nhiều lần, lặp đi lặp lại, và một lý do gì đó nữa mà tôi không thể nhớ
để viện dẫn ra đây.
Nhưng ông Hải mới về trại giam này có hơn hai tháng, từ 26/4 cho đến hôm
nay - gần ba tháng – thì làm sao có thể vi phạm tái đi tái lại nhiều
lần ? Mà ông cũng không có bệnh truyền nhiễm để người ta có thể biệt
giam ông. Lệnh biệt giam ba tháng cũng hoàn toàn trái với luật pháp,
trái với quy định, mà luật pháp và những quy định do họ đề ra là của họ
chứ chúng tôi cũng không tự vẽ ra được.
Khi ông Hải nói đến đấy thì họ cắt, họ ồn ào nói là « Ông Hải không
tuyệt thực, Ông Hải không tuyệt thực ! ». Nhưng ông Hải vẫn kiên quyết
nói là « Bố tuyệt thực » - mặc dù giọng nói yếu ớt nhưng cực kỳ kiên
quyết. Ông nói là đơn ông đã gởi lên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An
ngày 24/6, tức là cách nay đã gần một tháng rồi, nhưng không thấy phản
hồi. Ông chỉ còn cách phản kháng duy nhất là tuyệt thực.
Và trước khi đứng lên ông nói rõ với con ông là bố sẽ vẫn thực hiện việc
tuyệt thực này cho đến khi có phản hồi chính thức từ Viện Kiểm sát tỉnh
Nghệ An. Nếu họ không đáp ứng, bố sẵn sàng chết chứ không thay đổi
quyết định.
Mặc dù cháu rất là đau xót khi thấy cái tình cảnh của bố cháu như thế,
cháu nói là bố phải nghĩ đến sức khỏe của mình. Nhưng ông Hải thì tôi
nghĩ là chắc tất cả bạn bè cũng như người Việt gần xa đều biết tính cách
của con người đó. Ông vô cùng cương trực và sẵn sàng thực hiện ý định
của mình, khi biết việc này là đúng đắn.
Câu nói cuối cùng của ông Hải là, con nói với mọi người, với mẹ con, bố
sẽ vẫn tiếp tục việc tuyệt thực nếu không có phản hồi của Viện Kiểm sát
Nghệ An. Có thể là bố sẽ phải chết, nhưng bố sẽ không từ bỏ quyết định
này. Đấy là toàn bộ những gì cháu thuật lại, và trong vòng năm phút ấy
thì chỉ có bố cháu nói thôi.
Cháu cố gắng lắng nghe, nhưng khi ông Hải nói, tiếng nói thì rất yếu ớt
nhưng xung quanh ông bốn người công an liên tục la hét, thậm chí nói lớn
để át đi cho cháu khỏi nghe, cháu phải áp tai vào. Và bên cạnh ông Hải
có hai tù nhân khác luôn luôn trừng mắt để hăm dọa con trai tôi.
Tôi không hiểu quy định nào cho phép tù nhân canh giữ tù nhân. Việc canh
giữ, giám sát thăm gặp là của cán bộ quản giáo chứ không phải của tù
nhân. Lại một lần nữa họ vi phạm quy định của chính ngành công an của
họ.
Xin nói một điều nữa là sức khỏe của ông Hải đang gần cạn kiệt. Ông ngồi
không thể thẳng người lên được, hai tay ông phải chống để đỡ lấy cái
đầu. Con trai tôi khi đi ra, câu đầu tiên nói với tôi là : « Con không
nhận ra bố con, mẹ ơi ! ». Hai hàng nước mắt cháu rưng rưng. Ông hoàn
toàn khác hẳn sau 28 ngày tuyệt thực – ngày hôm nay là đúng 28 ngày.
Tính mạng ông Hải đã nguy hiểm. Nguy hiểm đến mức con tôi lúc bấy giờ ra
cũng không thể nói được. Tôi vừa dừng chân khoảng hai phút thôi thì cô
gọi đó.
Tôi mong mỏi mọi người hãy cùng gia đình tôi lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ
mạng sống của ông Hải. Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hải luôn luôn bị
phân biệt đối xử, hành hạ rất dã man về thể chất cũng như tinh thần. Đây
là trại giam thứ mười mà ông Hải phải đi đến, và ở trại giam nào cũng
luôn luôn có bộ phận riêng biệt đàn áp ông Hải.
LS Nguyễn Văn Đài trả lời RFA ngay sau khi được thả ra
Như tin chúng tôi đã loan, luật sư bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài bị
công an bắt vào lúc 11 giờ 30 sáng ngày Thứ Bảy 20 tháng 7 với lý do ra
khỏi khu vực bị quản chế.
Hành động bất thường?
Luật sư Đài đã cho chúng tôi biết thêm chi tiết vụ bắt giữ này sau khi ông được thả ra vào lúc 8 giờ 30 chiều cùng ngày:
|
Luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân tại phiên tòa ở Hà Nội hồi năm 2007. File photo |
LS Nguyễn Văn Đài: “Như thường lệ chuyện chúng tôi đi thăm gia đình hay
mua sắm là việc hàng ngày. Trước đây tôi đã đăng ký với phường hàng
tháng những mục như đi khám chữa bệnh, đi nhà thờ, đi mua sắm vật dụng
gia đình thì không cần phải xin phép và họ vẫn cho phép tôi đi trong
suốt hai năm vừa qua. Sáng hôm nay khi tôi ra khỏi nhà thì thấy một nhóm
an ninh đã đứng đấy để họ canh tôi rồi và tôi đi đâu thì họ theo đấy
không có hành động nào để bắt giữ cả như trong suốt hai năm vừa qua.
Hai vợ chồng vào cửa hàng trong gần một tiếng đến khi trở ra thì
thấy một tốp an ninh của A67 họ chờ ngoài cổng và hai người đến xốc nách
tôi bỏ lên xe.
-LS Nguyễn Văn Đài
Vợ chồng tôi hôm nay đến thăm nhà ngoại vì bà cụ ngoại vợ tôi mất cách
đây hơn mười ngày nên mẹ tôi rất buồn chúng tôi muốn tới chơi với bà.
Trên đường đi vợ tôi muốn mua tặng bà cái áo trong ngày sinh nhật.
Hai vợ chồng vào cửa hàng trong gần một tiếng đến khi trở ra thì thấy
một tốp an ninh của A67 họ chờ ngoài cổng và hai người đến xốc nách tôi
bỏ lên xe họ đưa tôi về công an phường Hàng Bài để làm việc. Tại đó họ
không hỏi han bất kỳ điều gì cả họ chỉ yêu cầu tôi viết một tường trình
ngắn đi đâu và làm gì.
Trong biên bản họ có hai người làm chứng nói là tôi đã ra khỏi khu vực quản chế nên họ báo công an đến bắt.
Họ bắt tôi ngồi suốt từ gần 12 giờ trưa tới 4 giờ chiều sau đó họ mới
đưa tôi về phường là nơi cư trú để làm việc. Khi về tới nơi thì họ yêu
cầu tôi ký biên bản vi phạm. Ban đầu tôi chống lại nhưng sau đó do mệt
quá tôi chịu ký để ra về. Tuy nhiên tôi cũng tranh cãi suốt hai tiếng vì
họ cố tình viết thêm sự vi phạm của tôi vào biên bản. Cuối cùng họ chấp
nhận sửa lại biên bản và tôi ký trước khi ra về.”
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-07-20
Nhóm “Mở Miệng”: lịch sử văn học đẫm máu sắp lập lại?
Trong một bài viết mới nhất đăng trên tờ Quân Đội Nhân Dân có tên “Một
góc nhìn phản văn hóa và phi chính trị” tường thuật lại Hội nghị Lý
luận-Phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức xuất
hiện những bài tham luận chống lại một luận văn thạc sĩ của tác giả Đỗ
Thị Thoan, tức nhà văn Nhã Thuyên có tên “Vị trí của kẻ bên lề: Thực
hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”. Luận văn này được phó
giáo sư TS Nguyễn Thị Hòa Bình, trưởng Khoa Văn trường Đại học Sư Phạm
Hà Nội hướng dẫn.
Luận văn thạc sĩ này thuộc chuyên ngành văn học và có lẽ do đó trong hội
nghị Lý luận-Phê bình của hội nhà văn mới xuất hiện những phê phán gay
gắt, thậm chí ác độc đối với tác giả luận văn và lây sang cả những cây
viết trong nhóm Mở Miệng.
|
Nhóm “Mở Miệng”: Từ trái sang Bùi Chát, Khúc Duy, Lý Đợi, Nguyễn Quán, ảnh chụp năm 2006. Courtesy PhanNguyenBlog |
Ba mũi giáp công
Hai người có tham luận và ý kiến trong cuộc kết án này là nhà phê bình
văn học Nguyễn Văn Lưu tức tác giả Chu Giang và Giáo sư Phong Lê, nhà
nghiên cứu phê bình lý luận văn học được cho là có uy tín hiện nay.
Cách đây hai tháng tác giả Chu Giang đã viết nhiều bài trên Văn Nghệ
Thành phố Hồ Chí Minh kết án tác giả luận văn và nhóm Mở Miệng. Trong
một thời gian dài, những bài viết này rơi vào im lặng nhưng chợt sống
lại một cách bất ngờ trong một hội nghị được gọi là Phê Bình lý luận
khiến không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng tác động bức phá của nhóm
Mở Miệng ngày càng lan rộng trong giới sáng tác khiến cho chính hội Nhà
Văn Việt Nam sợ hãi sự bùng nổ sẽ làm tan vụn các định hướng từ bao lâu
nay trong sinh hoạt sáng tác của hội.
Tờ Quân Đội Nhân Dân trích dẫn một đoạn của Nhã Thuyên để cáo buộc tác
giả này đang có ý đồ hướng dẫn người đọc đi theo đường lối phản động của
tác giả:
“Mở Miệng, ở các thực hành thơ, đã là biểu hiện của sự giải phóng, trong
nỗ lực giải phóng của nghệ thuật Việt Nam đương đại. Trong sự so sánh
với truyền thống thơ của Việt Nam, Mở Miệng là một sự chối bỏ quyết
liệt, dù tôi không muốn nhìn nhận họ như một sự đại diện cho thế hệ,
nhưng họ đã lên tiếng đòi phá nốt những thành trì kiên cố của sự chuyên
chế, khi niềm tin vào chế độ và sự tự do đang có đã tan rã…” (tr. 104).
Để rồi bài báo kết luận ngay sau đó:
“Rõ ràng “đây là một bản luận văn trá hình mang nội dung chính trị phản
động”. Nó trá hình ở chỗ mượn cụm từ “góc nhìn văn hóa” để khảo sát một
hiện tượng văn học, nhưng thực chất để tung hô, cổ xúy cho một “thực
hành thơ bên lề” có tư tưởng chống đối cái trung tâm, cái chính thống,
chống lại định hướng, chống lại thiên chức phụng sự Tổ quốc, phụng sự
nhân dân của văn học và nhà văn.”
Thật khó mà nghĩ ra tại sao “chối bỏ quyết liệt, phá nốt thành trì
chuyên chế” lại là phản động? Như vậy không khác gì bêu rếu rằng nhà
nuớc này, nền văn học này đang là thành trì chuyên chế hay sao?
Nhân văn giai phẩm hai?
Nói với chúng tôi nhà phê bình Chu Giang tức Nguyễn Văn Lưu nhận xét về bài luận văn này:
“Thực ra đây là biểu hiện của một khuynh hướng muốn mượn văn thơ để làm
chính trị thôi, tất nhiên không có nghệ thuật nào tách ra khỏi hệ tư
tuởng chính trị cả thế nhưng dù sao cũng phải có cái tương đối của nó
nhưng trong luận văn của cô ấy nó hơi thô thiển không phải là một cái tư
tưởng nghệ thuật.”
Riêng Giáo sư Phong Lê, người mà bài báo mô tả: “hai lần lên diễn đàn đề
nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích
đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn” trần
tình với chúng tôi:
“Sự thật là thế này: điều ấy tôi biết được qua thành viên chủ trì cuộc
họp đó đó là anh Chu Giang. Anh này khảo rất sâu về luận văn đó và anh
sâu ngược lên về nhiều chuyện khác nữa và anh viết trên tờ Văn Nghệ
thành phố Hồ Chí Minh anh đặt vấn đê phải kiềm tra lại khoa văn Đại học
Sư Phạm vì sao lại đào tạo ra cái luận văn như thế. Tôi chưa được đọc
trong nội dung ấy tức nhiên là phức tạp, mỗi người một cách đánh giá
nhưng tôi nói rằng nếu như nội dung ấy đúng như anh nói thì nó phạm phải
một đìêu mà tôi cho là không thể giải thiêng được và xúc phạm đến Hồ
Chí Minh, xúc phạm nhiều chân lý, nhiều điều đáng lẽ phải tôn trọng. Đối
với tôi việc giải thiêng Hồ Chí Minh thì tôi không chấp nhận đựơc và
tôi nói nếu sự thực như thế thì hội nhà văn nên kiến nghị với Bộ Giáo
dục về việc phải xem lại cái nội dung của luận văn đó chứ tôi không bao
giờ nói công an cả. Câu chuyện này tôi biết ở trên họ đã bắt đầu “động”
rồi đấy. Sắp tới báo chí nó sẽ xuất hiện.”
Theo những thông tin mà chúng tôi có thì Giáo sư Phong Lê là một thành
viên trong hội đồng xem xét trường hợp luận văn này và nó sẽ bắt đầu
trong thời gian ngắn sắp tới. Điều mà Giáo sư Phong Lê gọi là “sắp tới”
ấy được nhà báo Phạm Thành diễn giải:
“Thật ra tâm địa của những người chơi nhóm Nhã Thuyên chúng nó còn xấu
xa đểu cáng hơn cả cái thời Nhân Văn. Tình chất của nó y chang thế thôi
bởi vì rõ ràng đây là một lĩnh vực nghiên cứu tác phẩm công bố trên một
phạm vi hẹp thế mà tự nhiên chúng nó la lên mà toàn dùng những ngôin gnữ
mật thám ngôn ngữ chó săn để định tiêu diệt người ta vì vậy tâm địa và
tính chất vụ việc nó cũng na ná như Nhân Văn Giai Phẩm.”
Từ tránh né đến nói dối
Theo bài báo thì sau khi vụ việc xảy ra Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và
Khoa Văn của nhà trường đã họp “rút kinh nghiệm”. Bài báo xác nhận trên
thực tế chưa ai bị xử lý bất kỳ hình thức kỷ luật gì. Thậm chí có người
còn phát biểu trên một số diễn đàn chính thống rằng phê phán bản luận
văn như vậy là kiểu “chụp mũ, quy kết” đã lỗi thời.
Tuy nhiên sự thật lại khác hẳn, Nhã Thuyên không được giảng dạy tại
trường và người hướng dẫn cô cũng bị mất luôn chức trưởng khoa. Ông Chu
Giang nói với chúng tôi:
“Nội bộ trong trường các cô làm với nhau thì ai mà biết được. Nhưng vừa
rồi cái khoa này có mời cô này về để chuẩn bị giảng dạy chính thức trong
trường. Chắc là cũng do hăng hái quá, phát biểu cái quan niệm của cô
quá khích cho nên sinh viên họ phản đối dữ dội thì các cơ quan pahỉ can
thiệp nên sự việc nó bị bùng ra chứ nếu không ai biết được bên trong nó
như thế.”
Nhà Báo Phạm Thành cho biết sự thật là cả hai đang trong tình trạng rất
khó khăn nhưng ông chia sẻ sự khó khăn của ngôi trường Sư phạm này khi
buộc lòng phải có biện pháp với hai người theo lệnh của Tuyên giáo:
“Mình đánh giá cao chỗ này, tức là trường đại học sư phạm nó đã đồng ý
cho Nhã Thuyên làm cái việc này và cử một giảng viên là cô Nguyễn Thị
Hòa Bình ra đề hướng dẫn cho Nhã Thuyên làm luận án tức là họ đã có cái
nhìn khoa học, và hành động cao cả. Còn bây giờ bị sức ép của tuyên giáo
mà buộc pahỉ cho thôi việc Nhã Thuyên, cách chức trưởng khoa của cô
Nguyễn Thị Hòa Bình thì cực chẳng đã phải làm. Mình đánh giá rất cao
trường Sư phạm lúc đầu đã chấp nhận cho làm cái việc này. Họ cũng muốn
đồi mới vì nghiên cứu thì không có vùng cấm.”
Theo Lý Đợi một thành viên của nhóm Mở Miệng cho biết nhóm được hình
thành từ ý tưởng của Bùi Chát, cái tên Mở Miệng lấy từ Thánh kinh: “Khởi
thuỷ là lời”, vào cuối năm 2000, nhóm xuất hiện chính thức từ năm
2001gồm có Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán và Bùi Chát. Lý do chính của
việc thành lập Mở Miệng là phản ứng lại vấn đề kiểm duyệt và cấp phép
xuất bản. Sau đó, thì cả nhóm muốn bình thường hoá việc tự do ngôn luận,
tự do sáng tác và xuất bản.
Bùi Chát kể lại, trong lúc cả bốn người còn rất trẻ (ngoài 20), mới tốt
nghiệp đại học, đầy nhiệt huyết và dự định trong việc cống hiến cho xã
hội, cho nghệ thuật... khao khát Mở Miệng càng thấy rõ sự phi lý, trì
trệ, sự cam chịu đến khó hiểu trong sinh hoạt văn hoá ở Việt Nam. Không
thể nào khác được, những người trẻ này đã phải quyết tâm để Mở Miệng.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức từ Hà Nội có những nhận xét ngắn về nhóm Mở Miệng như sau:
“Nhóm Mở Miệng tôi có thể nói theo cảm quan của tôi, thứ nhất là họ có
phản ứng với tính chất tâm lý. Ở Việt nam chúng ta sống bằng cảm xúc và
tâm lý là nhiều chứ chúng ta không sống bằng lý thuyết. Nhóm Mở Miệng
này phản ứng việc bị o ép, Mở Miệng là bung ra bật cửa bật phéc mơ tuya
đề mở cửa đề cho gió vào nhưgn họ không có một hệ lực trong hệ lý
thuyết. Đối với tôi nhóm Mở Miệng phản ứng một cái hệ trì trệ lâu năm mà
họ bật ra bằng cảm xúc và tâm lý nhưng họ chưa có đủ một lộ trình mỹ
học để thay thế cái cũ.”
Nhà báo Phạm Thành nhận xét:
“Nhóm Mở Miệng họ làm việc đó thật là tuyệt vời nhưng văn hóa Việt Nam
mình không chấp nhận vì đầy một lũ tiều nông, đầy một lũ du hủ du thực
làm văn chương nghhệ thuật cho nên nó cứ phân khu ra chuệyn này chuyện
kia. Nó phân khu ra cái này là văn minh, cái kia là không văn minh. Nó
cũng theo gót bọn hủ nho cậy mình có chữ ba lăng nhăng coi thường cái
nghề chân tay, coi thường người nông chỉ coi chữ nghĩa trên hết mà
thôi.”
Khi Hữu Thỉnh đọc thơ Lý Đợi
Để biết thêm điều gì đã làm cho nhóm Mở Miệng bị xem là phản động và lấy
văn chương kích động người đọc ra sao, mời quý vị nghe bài thơ mang tên
“chúng nói: “sông có thể cạn, núi có thể mòn” của Lý Đợi qua giọng đọc
của chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh:
“Chúng nó nói
Chúng nói
Sông có thể cạn
Núi có thể mòn
Chúng nói
Sông có thể cạn
Núi có thề mòn
Và tôi thấy chúng làm:
Chúng đuổi người đi đường
Chúng không cho người dân cất tiếng nói
Chúng bao vây và trấn áp người biểu tình chống xâm lăng
Chúng cho người trà trộn vào đám đông biểu tình để phá thối, gây chia rẽ
Chúng bảo chúng ta bị xúi giục
Chúng coi thường sự hiểu biết của nhân dân
Chúng bảo mất Hoàng Sa – Trường Sa không phải lo.
Hãy về nhà ngủ và tin vào Cộng sản và nhà nước.
(Tin chúng mày để hôm nay thấy Sài Gòn & Hà Nội đầy một lũ tay sai Bắc Kinh à?)
Chúng vu khống những người yêu nước là phản động
Chúng muốn chúng ta vĩnh viễn là nô lệ
Chúng đã lăng mạ lòng tự trọng dân tộc
Chúng đã phỉ nhổ vào lịch sử
Chúng đã đập bàn thờ tổ quốc
Chúng đã ném cứt vào xương máu những người đã chết cho quê hương
Chúng tóm cổ các nhà báo tự do
Chúng đe doạ, đánh đập văn nghệ sĩ
Chúng khủng bố các nhà trí thức
Chúng theo dõi điện thoại, email
Chúng hiếp dâm nhân quyền...
Và chúng nói tiếp, sau khi làm: “song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”
Quý vị vừa nghe ông Hữu Thỉnh đọc bài thơ của Lý Đợi. Dĩ nhiên ông đọc
lên để phê phán và kết án bài thơ này trong hội nghị của Hội Nhà Văn
Việt Nam nhưng có một điều nghịch lý là khi nghe bài thơ qua giọng đọc
hùng hồn của ông, người ta có cảm giác ông đang khen bài thơ, khen một
cách chân thành vì ngôn ngữ bài thơ sống động bất ngờ đã lái cảm xúc của
ông qua một hướng khác, hướng “Mở Miệng” ra để nói những lời chân thật?
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-07-20
Thông báo khẩn của Phong trào Con Đường Việt Nam
Kính gửi các cơ quan truyền thông trong ngoài nước,
Chúng tôi, những người Khởi xướng Phong trào Con Đường Việt Nam (PT CĐVN )khẩn cấp thông báo:
Ngày hôm nay, lúc 7 giờ sáng tại TP. HCM Việt Nam, công an đã bao vây
gia đình ông Trần Văn Huỳnh, thành viên Nhóm Khởi Xướng PT CĐVN và gia
đình bà Lê Đinh KIm Thoa, vợ ông Trần Huỳnh Duy Thức ngăn cản không cho
ra ngoài và cô lập mọi tiếp xúc.
Sự việc này xảy ra ngay sau khi ông Trần Văn Huỳnh gửi lá thư kêu oan
lần thứ 4 lên chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong tuần qua để một lần
nữa yêu cầu ông xem xét giải quyết trường hợp án tù oan ức của Trần
Huỳnh Duy Thức, con trai ông.
Sự
việc này cũng nhằm ngăn cản ý định của các thân nhân gia đình ông Trần
Huỳnh Duy Thức gồm ông Trần Văn Huỳnh, thân phụ và bà Lê Đinh Kim Thoa,
vợ cùng hai con của ông Thức muốn đến trực tiếp trình thư kêu oan tại
trước tư gia ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, đại biểu quốc hội mà
gia đình đã chuẩn bị thực hiện sáng hôm nay.
Do bị ngăn cản không ra được khỏi nhà, gia đình ông Trần Văn Huỳnh buộc
phải chụp hình trước bàn thờ mẹ của anh Trần Huỳnh Duy Thức vừa mất với
một khẩu hiệu yêu cầu trả tự do cho anh Trần Huỳnh Duy Thức.
Phong Trào Con Đường Việt Nam cực lực phản đối hành vi vô cớ sách nhiễu,
cô lập, giam lỏng này, yêu cầu chính quyền, an ninh địa phương lập tức
trả lại quyền sống sinh hoạt bình thường cho gia đinh các công dân Trần
Văn Huỳnh, Lê Đình Kim Thoa.
Chúng tôi khẩn báo thông tin này đến công chúng, các tổ chức truyền
thông và các tổ chức bảo vệ quyền con người trong ngoài nước để được
biết.
Mong tất cả những con người có lương tâm cùng chia sẻ với chúng tôi.
Ngày 20/07/2013
TM. Phong Trào CĐVN
Lê Quốc Tuấn
David Brown - Việt Nam trong hoàn cảnh trên đe dưới búa
Phải chăng chuyến đi vội vã đến Washington của chủ tịch nước Việt Nam là hậu quả từ sự thất vọng với Trung Quốc ?
Những nguyên thủ quốc gia thường mất vài tháng để tổ chức một chuyến
công du, nhưng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang của Việt Nam sẽ đến
Washington trong một thông báo rất ngắn và chỉ sau một cuộc gặp gỡ rõ
ràng là không vừa ý với phía Trung Quốc. Hay ông Sang và các đồng sự của
mình đã quyết định trả cái giá mà Mỹ từng đòi hỏi cho một quan hệ "đối
tác chiến lược" ?
Đầu tháng Sáu, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố với Uỷ ban Lập
Pháp rằng một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, đặc biệt là trong
việc mua bán vũ khí, sẽ đình lại cho đến khi có được một tình trạng "cải
thiện chắc chắn, liên tục và có thể chứng minh được về nhân quyền." Các
quan chức đã công khai một thông điệp mà các nhà ngoại giao Mỹ từng
lặng lẽ chuyển đến phía Việt Nam trong một vài năm. Phần lớn cuộc đối
chất trước quốc hội của họ đã không được chú ý ngoại trừ các phương tiện
truyền thông trực tuyến từng khơi dậy những ngọn lửa bất đồng chính
kiến tại Việt Nam.
Thật trùng hợp, công an Việt Nam vừa bắt giữ thêm một blogger nữa vào
ngày 13 tháng Sáu, kết tội Phạm Viết Đào là "lợi dụng quyền tự do ngôn
luận để làm suy yếu lợi ích của Nhà nước." Theo hãng tin AP, trong năm
nay 43 nhà bất đồng chính kiến đã bị giam cầm, con số gấp đôi so với
năm 2012. Hơn nữa, có bằng chứng cho thấy việc kiểm soát an ninh mạng
của công an Việt Nam đã triển khai công nghệ giám sát FinFisher - do
công ty Gamma International có trụ sở tại Anh chế tạo - để cài cấy các
phần mềm gián điệp vào trong máy tính và điện thoại thông minh của những
người truy cập vào các blog bất đồng chính kiến.
Hà Nội đã không vui vẻ chào đón các vận dụng chính trị của Mỹ về vấn đề
nhân quyền. Đảng tích cực bịt miệng những đòi hỏi cho phép Việt Nam tự
do dân chủ hơn, vì sợ rằng mục tiêu thực sự của Washington là nhằm lật
đổ chế độ.
|
|
Đàn áp blogger dường như để biểu hiện một chế độ nghiêng về phía Trung
Quốc, môt biểu hiện mà những người bất đồng chính kiến hết sức oán giận.
Trong nhiều năm qua, giới blogger bất đồng chính kiến đã thậm tệ phê
phán chế độ vì thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi của Việt Nam chống
lại người láng giềng khổng lồ của mình. Bằng chứng là việc từng bước
củng cố một tuyên bố "chủ quyền không thể tranh cãi" trên hầu hết Biển
Đông, bao gồm cả vùng biển ngoài khơi bờ biển của Việt Nam của Trung
Quốc.
Lực lượng hải quân và không quân của Việt Nam là không thể sánh với phía
Trung Quốc.Thay vì phải chịu rủi ro khi va chạm tranh chấp về các bãi
đá, rạn san hô - và có thể là các mỏ dầu khí - giới lãnh đạo Việt Nam đã
tìm cách hãm phanh sự xâm lược của Trung Quốc bằng cách tập hợp hỗ trợ
của các nước đối tác ASEAN và bằng cách dựng nên một "mối quan hệ chiến
lược" giả mạo với Hoa Kỳ cùng các cường quốc ngoài khu vực. Kết quả của
những nỗ lực ngoại giao như thế này đã là rất khiêm tốn. 10 thành viên
của ASEAN đã chỉ nói suông về "trọng tâm"các vấn đề khu vực, nhưng thất
bại trong việc thiết lập một mặt trận chung đối với yêu sách lãnh thổ
sâu rộng của Trung Quốc.
Trong khi đó, cảnh giác để không bị vận dụng lôi kéo vào việc bảo vệ các
đảo của Việt Nam hoặc Philippines, Hoa Kỳ đã nhấn mạnh rằng mình "không
đứng về phe nào" trong các tranh chấp lãnh thổ. Cũng lo lắng rằng một
siêu cường đang lên sẽ trả đũa trong các khu vực khác, Washington và hầu
hết thủ đô các nước ASEAN đều tránh xa những thách thức trực tiếp đến
quyền bá chủ của Bắc Kinh trên vùng biển nằm giữa Hồng Kông và
Singapore.
Các khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh dựa trên bằng chứng các chuyến
thăm đảo của ngư dân từ nhiều thế kỷ trước. Ngược lại, khẳng định chủ
quyền của Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam dựa trên Hiến chương
Liên Hợp Quốc về Luật biển và các luật quốc tế khác. Những nhà chăm sóc
chính sách ở Washington đồng ý rằng mớ bòng bong khiếu nại phải được
tháo gỡ bằng cách tham khảo những mệnh lệnh của luật pháp. Nhưng lập
trường này bị suy yếu bởi thất bại lặp đi lặp lại của Mỹ trong việc phê
chuẩn UNCLOS và sự thất bại của bốn quốc gia tuyến đầu ASEAN trong việc
giải quyết các mâu thuẫn với nhau. Một tình huống không mang lại gợi ý
nào cho Washington nếu Bắc Kinh tiếp tục nhích dần theo cái cách của
mình để đạt đến một sự việc đã rồi.
Khi căng thẳng gia tăng, người Việt Nam không cộng sản và một thành phần
quan trọng trong Đảng Cộng sản đã kêu gọi một liên minh kinh tế và quân
sự trên thực tế với Mỹ. Cũng đã có những tiến bộ về vai trò thành viên
của Việt Nam trong dự kiến quan hệ đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương
do Mỹ chủ động. Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo đảng vẫn còn hoài nghi về ý
định của Mỹ, các cuộc tham vấn với lực lượng vũ trang Mỹ đã mở rộng đáng
kể trong bốn năm qua. Ví dụ như, trong tháng Sáu, một thành viên cao
cấp bộ quốc phòng Việt Nam đã đi thăm các căn cứ Mỹ.
Cho đến tuần rồi, loại dây dưa quân sự với quân sự, được hình thành để
báo hiệu cho Bắc Kinh biết rằng Hà Nội đang có các chọn lựa của mình,
dường như đã đạt đến được những giới hạn tự nhiên của nó - các cuộc thăm
viếng hữu nghị và một chút ít về huấn luyện đào tạo trong các hoạt động
phi tác chiến như hoạt động tìm kiếm và cứu hộ. Một năm trước Việt Nam
đã từ chối đề nghị cho quân đội và tàu chiến Mỹ luận phiên đóng tại Việt
Nam của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.
Mùa xuân này, một lần nữa Bắc Kinh lại khoe khoang sức mạnh hàng hải của
mình. Trái với thường lệ, Hà Nội hầu như không phản ứng. Trong tháng
Năm, họ đã gji nhận có tính chiếu lệ một khiếu nại về cư xử thô bạo với
ngư dân Việt Nam và từ chối một tố cáo của PetroVietnam về việc tàu
Trung Quốc quấy rối một tàu khảo sát của công ty dầu khí nhà nước này.
Tại sao lại trở nên thông thoáng vào ngày 14, khi Hà Nội công bố chủ
tịch nước Sang sẽ đi thăm Trung Quốc chính thức.
Chuyến đi giữa tháng Sáu của Sang, cuộc viếng thăm đầu tiên của một nhà
lãnh đạo hàng đầu Việt Nam kể từ khi ông Tập Cận Bình nhậm chức chủ tịch
Trung Quốc trong tháng Ba, đã tràn ngập các nghi thức và ý nghĩa từng
tích lũy qua hơn một thiên niên kỷ của các sứ mạng như thế. Người Việt
Nam rất tự hào về truyền thống thành công chống xâm lược Trung Quốc.
Ngoài ra trong suốt lịch sử của mình, người Việt thường xuyên khiến
Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự chủ của Việt Nam bằng cách bày tỏ sự
tôn kính. Nhưng tháng trước, Hà Nội đã mạnh mẽ khấu đầu quỳ lạy.
Cuộc phối hợp của chuyến thăm Hoa kỳ cho thấy rằng mặc dù có những va
chạm, các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Trung
Quốc sẽ không phản bội một đảng cầm quyền giống như chính họ. Nếu có áp
lực căng thẳng bình thường trên "mối quan hệ chiến lược toàn diện" của
hai nước. Những chữ ký đã được gắn kết với một mớ thỏa thuận thông
thường.
Từ Bắc Kinh, dường như Sang chẳng mang được gì về, ngoài những lời
khuyên dạy. Tập hứa rằng Trung Quốc sẽ có "các biện pháp tích cực và
hiệu quả mạnh mẽ" nhằm thu hẹp 16 tỷ USD mất cân bằng trong hoạt động
thương mại song phương. Những hứa hẹn đó đã được đưa ra trước đây nhưng
chẳng có kết quả gì lớn lao. Về vấn đề Biển Đông, Sang chẳng có gì để
cho thấy ngoài thỏa thuận về một đường dây nóng để thảo luận về các sự
cố có liên quan đến ngư dân.
Bằng cách từ chối đề cập đến UNCLOS, mà cả hai quốc gia này đều đã ký,
và các quy định khác của pháp luật quốc tế làm nền tảng cho việc giải
quyết vấn đề lãnh thổ, Bắc Kinh bước ngược về sự đảm bảo đã cho Việt Nam
trong 20 tháng trước, khi Hà Nội đồng ý đàm phán song phương về các
tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, đảo mà Trung Quốc chiếm được từ
miền Nam Việt Nam vào năm 1974. Thừa nhận các cuộc đàm phán ấy đã không
đạt được tiến bộ gì cụ thể, Tập và Sang đã đồng ý phải tăng cường.
Quyết định gửi Sang đến Washington của Bộ chính trị cho thấy các nhà
lãnh đạo của Việt Nam đã bị lung lay bởi những gì Tập Cận Bình và các
đồng sự của ông nói riêng với Sang và sẵn sàng để hợp tác với Mỹ trên
một mối quan hệ quốc phòng thân thiết hơn. Một nhà bất đồng chính kiến
hàng đầu lẽ ra đã bị mang ra xét xử trước ngày thông báo chuyến đi
chính thức của Sang nhưng vụ xét xử bị hoãn lại vô thời hạn. Có thể các
nhà lãnh đạo Việt Nam hy vọng Tổng thống Barack Obama sẽ giải quyết vì
những cử chỉ làm đẹp trong nước như thế. Họ có thể nhầm nếu tin như vậy.
Như chính quyền thừa nhận trước Quốc hội hồi tháng trước, "người dân Mỹ
sẽ không ủng hộ việc nâng cấp mối quan hệ song phương mà không chứng
minh được sự tiến bộ về nhân quyền." Trong thực tế, Mỹ không cần một mối
quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn với Việt Nam để bảo vệ lợi ích của mình ở
biển Nam Trung Quốc. Mỹ có thể đủ khả năng để chọn con đường dài hơn và
chấp nhận các hoài nghi bất ngờ bằng cách đứng vững chắc về vấn đề nhân
quyền.
Với các cựu chiến binh Việt Nam John Kerry và Chuck Hagel hiện giám sát
chính sách ngoại giao và quốc phòng Mỹ, có thể đấy chính xác là những gì
Mỹ sẽ hành động.
David Brown/Asia Sentinel
Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ
(Tác giả David Brown là một nhà báo tự do, một nhà ngoại giao đã về
hưu của Hoa Kỳ, từng làm việc ở Việt Nam trong nhiều năm. Một cây bút
thường xuyên cho tờ Asia Sentinel. Ông viết bài này cho Trung tâm nghiên
cứu Yale về toàn cầu hoá.)
(X Càfe VN)
59 năm Hiệp định chia đôi đất nước và cuộc di cư từ Bắc vào Nam
Hiệp Định Genève chia đôi đất nước được ký ngày 20-7-1954 và liền sau đó
là cuộc di cư chưa từng có của gần một triệu người từ Bắc vào Nam. Tính
tới tháng 7 năm nay, 58 năm trời đã trôi qua. Trẻ thơ ngày ấy nay đã
thành người già. Cả dân tộc vẫn trông ngóng an bình và hạnh phúc trên
nửa thế kỷ. Nửa thế kỷ của chết chóc, tàn phá, chia ly. Nhân dịp này,
chúng tôi xin kể hầu độc giả về Hiệp Định Genève và ký ức về cuộc hành
trình tìm tự do của dân miền Bắc, trong đó có chúng tôi, để gọi là “ôn
cố tri tân”.
HIỆP ĐỊNH GENÈVE 20-7-1954
Cuộc chiến tranh giữa Pháp (với quân đội Quốc Gia VN tiếp tay) và Việt
Minh đã bước sang năm thứ 9 vào năm 1954. Lực lượng Việt Minh càng ngày
càng lớn mạnh từ khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa Lục năm 1949. Mao đã
giúp Hồ Chí Minh tổ chức và trang bị các đơn vị lớn đến cấp sư đoàn và
đại đoàn. Trong khi đó tướng Henri Navarre, tư lệnh lực lượng viễn chinh
Pháp tại Đông Dương, lại phạm lỗi lầm lớn về chiến lược. Ông đưa quân
đến đóng tại lòng chảo Điện Biên Phủ với ý định chặn đường quân Việt
Minh tiến sang Lào và nhử quân Việt Minh đến để tiêu diệt. Navarre không
ngờ Trung Cộng đã tiếp tế cho Việt Minh hàng ngàn đại bác và cao xạ
phòng không, đồng thời gửi nhiều tướng lãnh của Hồng Quân sang giúp việc
tham mưu và chỉ huy. Đường tiếp tế cho Điện Biên Phủ bị cắt, chỉ còn
trông vào không vận, trong khi không vận bị hạn chế khả năng hoạt động
vì thời tiết và hệ thống phòng không của địch. Điện Biên Phủ thất thủ
ngày 7-5-1954 là chuyện đương nhiên phải xảy ra.
Trước áp lực quân sự của Việt Minh, Pháp muốn điều đình để tìm lối
thoát. Việt Minh cũng sẵn sàng nói chuyện vì qúa mệt mỏi, bị tổn thất
nặng về nhân sự và hy vọng có thể chiếm được nhiều lợi thế trên bàn điều
đình. Các nước lớn cũng muốn giải quyết vấn đề Đông Dương cho xong sau
khi đã dàn xếp chấm dứt chiến tranh Cao Ly. Vì thế, một hội nghị quốc tế
về Đông Dương, trong đó vấn đề Việt Nam là chính, được triệu tập tại
Genève, Thụy Sĩ, ngày 8-5-1954. Đồng Chủ tịch hội nghị là Anh và Liên
Xô. Chu Ân Lai đại diện Trung Cộng. Phạm Văn Đồng đại diện Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa. Ngoại Trưởng Nguyễn Quốc Định cầm đầu phái đoàn Quốc Gia
Việt Nam. Sau ngày 7-7-1954, Bác Sĩ Trần Văn Đỗ, tân Ngoại Trưởng, được
Thủ Tướng Ngô Đình Diệm cử sang thay. Lào và Cao Miên cũng có đại diện
tham dự.
Về phiá chính phủ Pháp, vài ngày sau khi hội nghị khai diễn, Thủ Tướng
Laniel bị lật đổ. Tân Thủ Tướng Mendès France thuộc đảng Xã Hội lên cầm
quyền. Khi nhận chức, ông hứa với dân Pháp là ông sẽ đạt giải pháp cho
vấn đề VN trong 100 ngày. Nếu không, ông sẽ từ chức. Đích thân Thủ Tướng
Mendès France đi phó hội vì ông kiêm luôn chức bộ trưởng ngoại giao.
Điều này chứng tỏ quyết tâm tìm hòa bình của ông, nhưng cũng cho thấy
thế yếu của ông khiến đối phương gia tăng đòi hỏi, gây thiệt hại cho
quyền lợi của Pháp và của phe Quốc Gia VN.
Ngày 20-7-1954, Hiệp Ước Ngưng Chiến Tại Việt Nam được ký kết giữa Thiếu
Tướng Delteil, đại diện Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp tại Đông
Dương và Thứ Trưởng Quốc Phòng Tạ Quang Bửu, thay mặt Tổng Tư Lệnh Quân
Đội Nhân Dân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hiệp Ước Ngưng Chiến có 47
điều với nội dung chính như sau:
- Giới tuyến quân sự được ấn định từ cửa sông Bến Hải theo lòng sông đến
biên giới Lào-Việt (gần vỹ tuyến 17). Thiết lập khu phi quân sự rộng 5
cây số mỗi bên. Phiá Bắc giới tuyến do VNDCCH kiểm soát. Phiá Nam do
Pháp và chính phủ Quốc Gia VN.
- Việc rút quân, chuyển quân, vật liệu và dụng cụ quân sự của hai bên phải làm xong trong thời hạn 300 ngày.
- Trong thời hạn này, dân chúng được tự do chọn và chuyển đến vùng kiểm soát của bên này hay bên kia theo ý muốn.
- Trao trả tù binh và thường nhân bị giam giữ.
- Không được đem quân đội, nhân viên quân sự, võ khí vào VN. Có thể đổi
hay thay thế không qúa 50 người mỗi tháng. Không cho ngoại quốc lập căn
cứ quân sự.
- Thành lập Ủy Ban Liên Hợp hai bên để thi hành Hiệp Ước và Ủy Ban Giám
Sát và Kiểm Soát Quốc Tế gồm đại diện 3 nước Ấn Độ, Canada và Ba Lan.
|
Bỏ phiếu bằng tầu (bay) tại phi trường Gia Lâm |
Kèm theo Hiệp Ước Ngưng Chiến còn có Bản Tuyên Cáo Chung Kết không có
chữ ký của phái đoàn nào, nhưng được coi như tất cả các phái đoàn đều
thỏa thuận, trừ hai phái đoàn Quốc Gia VN và Hoa Kỳ. Hai phái đoàn này
công bố tuyên ngôn riêng.
Bản Tuyên Cáo Chung Kết có 14 điều. Quan trọng nhất là Điều 7 dự trù
tổng tuyển cử tự do tại VN vào tháng 7-1956, tức 2 năm sau ngày ký Hiệp
Định.
Điều 9 của Tuyên Cáo nói tới việc không chấp nhận những sự phục thù cá
nhân hay đoàn thể đã tham gia tranh đấu ở bên này hay bên kia.
Hiệp Ước ấn định như thế nhưng chẳng bên nào áp dụng nghiêm chỉnh, ngoài các điều khoản liên quan tới ngưng bắn và phân vùng.
Hiệp Định Genève 1954 là kết qủa của một sự dàn xếp giữa các đại cường
Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Cộng. Mỹ giữ thái độ không chống không ủng hộ.
Việt Minh và phe Quốc Gia đã ngậm đắng nuốt cay, bất lực nhìn những kẻ
khác quyết định số phận của mình. Không một phe VN nào muốn đất nước bị
chia đôi. Việt Minh nghĩ rằng họ đang kiểm soát được đa số lãnh thổ, trừ
các thành phố lớn. Nếu có một cuộc ngưng bắn tại chỗ, họ sẽ có nhiều
lợi thế. Phe Quốc Gia đề nghị quân hai bên rút về những vùng tập trung
tạm thời, dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp quốc, trong khi chờ đợi một
cuộc tổng tuyển cử tự do. Phe Quốc Gia có lợi thế riêng trong việc đang
kiểm soát những thành phố lớn, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, tất cả
các thành phố khác ở miền Trung và miền Nam, trừ Quy Nhơn nằm trong Liên
Khu 5 của Việt Minh. Ngoài ra, phe Quốc Gia cũng rất quan tâm tới sự an
toàn của giáo khu Phát Diệm. Khu này được Giám Mục Lê Hữu Từ thành lập
từ những năm 1946, 1947, được bảo vệ bằng một lực lượng quân sự riêng,
không cho Việt Minh đến quấy phá, cũng không cộng tác với Pháp. Nhiều
lãnh tụ Quốc Gia, trong đó có Ngô Đình Nhu, Lê Quang Luật… bị Việt Minh
truy bức và không muốn sống trong vùng Pháp kiểm soát, đã đến nương náu
tại khu tự trị Phát Diệm. Đến năm 1949, khu tự trị mới cộng tác với
chính quyền Quốc Gia vừa được thành lập.
Vì vậy, việc chia đôi đất nước khiến phe VN nào cũng bị thiệt hại. Hai
bên đều cố tranh đấu nhưng không thể thay đổi ý định của các đại cường.
Khi biết việc chia đôi đất nước là điều không thể tránh, đại diện Việt
Minh Tạ Quang Bửu đưa đề nghị lập giới tuyến ở vỹ tuyến 13 với ý định
đặt Huế và Đà Nẵng vào nửa phía Bắc. Dĩ nhiên Pháp và Anh không chịu.
Phạm Văn Đồng đề nghị nhích lên vỹ tuyến 16. Chu Ân Lai thỏa thuận với
Mendès France và Molotov phân vùng ở vỹ tuyến 17 để khai thông hội nghị
và áp lực Việt Minh phải chấp thuận. Dù phải nhận một giải pháp bất như
ý, trái với tham vọng của họ, Việt Minh phải làm bộ hân hoan ca ngợi
chiến thắng và hòa bình, trong khi bắt đầu sửa soạn đường lối hành động
cho tương lai: chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử được dự trù 2 năm
sau, và khi cần, sẽ phát động một cuộc đấu tranh võ trang mới để chiếm
miền Nam.
Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước là đòi hỏi và hy vọng của phe cộng
sản. Họ tính toán rằng tại miền Bắc họ có thể kiểm soát dân chúng hầu
như 100%. Ở miền Nam cũng vẫn có người ủng hộ họ, chưa kể những cán bộ
nằm vùng do họ gài lại sẽ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, phá
rối và cả tổ chức gian lận cục bộ trong cuộc bầu cử. Như vậy chắc chắn
họ sẽ có đa số phiếu và họ sẽ thống nhất đất nước dưới sự thống trị của
họ. Họ đã sốt sắng liên lạc với chính quyền miền Nam từ 1955 để hối thúc
thi hành tổng tuyển cử, kêu gọi các chính phủ đã tham dự hội nghị
Genève làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (danh xưng chính thức
của miền Nam từ 26-10-1955) để chính phủ này phải tôn trọng hiệp định,
nhất là điều khoản tổng tuyển cử. Khi VNCH quyết liệt từ chối, cộng sản
mở chiến dịch trên khắp thế giới tố cáo VNCH và Mỹ vi phạm hiệp định, có
tình kéo dài tình trạng chia đôi đất nước.
VNCH công bố chỉ chấp nhận tổng tuyển cử khi nào dân chúng cả hai miền
có tự do như nhau, có sự thông thương và tự do bỏ phiếu không sợ một áp
lực nào, dưới sự kiểm soát hữu hiệu của Liên Hiệp Quốc. Xét về thực tế,
lời biện minh này có cơ sở. Nhưng cũng cần xét thêm về mặt pháp lý để
xem việc từ chối tổng tuyển cử có vi phạm Hiệp Định Genève hay không.
Trước hết, Hiệp Định Ngưng Bắn chỉ do đại diện của Pháp và Việt Minh ký,
đại diện chính phủ Quốc Gia VN không ký. Phe Quốc Gia chỉ bị ràng buộc
về những gì liên quan tới quân sự, vì Quân Đội Quốc Gia được Quốc Trưởng
Bảo Đại tạm thời cho đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Quân Đội Viễn
Chinh Pháp tại Đông Dương (các thỏa ước quân sự 30-12-1949 và
30-12-1950). Pháp không có quyền quyết định nhân danh Quốc Gia VN về các
vấn đề có tính cách chính trị. Hành động trái nguyên tắc này phải được
coi là lạm dụng lòng tin (abuse de confiance).
Thứ đến, việc tổng tuyển cử được nói trong Điều 7 của Bản Tuyên Cáo
Chung Kết. Bản Tuyên Cáo này coi như được đương nhiên chấp thuận
(tacitement consentie) nhưng không có chữ ký của bất cứ phái đoàn nào.
Riêng hai phái đoàn Quốc Gia VN và Hoa Kỳ đã ra tuyên ngôn bầy tỏ sự
không đồng ý. Tuyên Ngôn do Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ công bố nói rõ:
“Việt Nam long trọng phản đối việc ký kết Hiệp Định cùng những điều
khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt
Nam yêu cầu Hội Nghị ghi nhận rằng Chính Phủ tự dành cho mình quyền hoàn
toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam
trong công cuộc thực hiện Thống Nhất, Độc lập và Tự Do cho xứ sở” (1).
Khi một chính phủ không ký văn kiện chung và công khai tuyên bố chống
lại nội dung của văn kiện đó, tại sao lại có thể bị kết án vi phạm hiệp
định, không tôn trọng cam kết?
CUỘC DI CƯ TỪ BẮC VÀO NAM
Chiếu điều 14, khoản d của Hiệp Ước Ngưng Chiến, dân chúng có quyền tự
do chọn vùng sinh sống trong thời hạn 300 ngày, dân miền Bắc đã lũ lượt
tìm cách vào Nam ngay sau khi Hiệp Định được ký kết. Dân các thành phố
Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng may mắn nhất, vì nếu muốn đi Nam, họ có thể
đi ngay từ thành phố của họ, không gặp trở ngại gì, lại có thể bán đồ
đạc, xe cộ, nhà cửa trước khi đi, dĩ nhiên với giá vừa bán vừa cho.
Trong khi đó dân ở các thành phố cộng sản đã tiếp thu, nhất là ở các
miền quê xa xôi, việc đi Hà Nội hay Hải Phòng để từ đó vào Nam không
phải là chuyện dễ dàng. Trước hết, họ phải bỏ lại tài sản, nhà cửa,
ruộng vườn. Kế đó, phải thoát được những ngăn chặn trá hình hay công
khai của Việt Minh. Dù vậy, khắp nơi, đặc biệt vùng đồng bằng Bắc Việt,
dân chúng vẫn kéo nhau đi Nam từng đoàn từng lũ, bất kể những khó khăn
và nguy hiểm.
Tôi đã được chứng kiến cảnh dân quê, đặc biệt từ Bùi Chu, Phát Diệm,
Ninh Bình, lũ lượt kéo nhau đến thành phố Nam Định, trên đường đi Hà Nội
để xuống Hải Phòng vào Nam. Theo Hiệp Định, Hải Phòng được chính quyền
Quốc Gia và Pháp cai trị thêm 300 ngày trước khi trao lại cho Việt Minh.
Mỗi ngày có hàng ngàn người đến tạm trú trong nhà chơi có mái của
trường Lê Bảo Tịnh, chung quanh nhà thờ, nhà xứ và nhà người quen. Họ
không tạo ra những vấn đề ăn ở, vệ sinh, trật tự. Họ ngừng ở Nam Định
như chỗ nghỉ chân hoặc đợi người nhà. Mỗi đợt chỉ tạm trú một hai đêm
rồi kéo nhau đi, nhường chỗ cho đợt khác. Họ tự lo việc ăn uống và dọn
dẹp. Chính quyền gửi đến nhiều cán bộ nam nữ gọi là giúp dân, nhưng thật
ra là để thuyết phục những người này quay về, đừng đi Nam nữa. Cán bộ
tỉ tê là tại sao lại bỏ cửa bỏ nhà, bỏ mồ mả ông bà tổ tiên để đi đến
nơi xa lạ, không biết tương lai sẽ ra sao. Họ còn dọa rằng chính quyền
tay sai của Pháp Mỹ trong đó rất hung ác, chuyên môn hứa láo và bóc lột
dân lành, rằng nay nước nhà đã độc lập rồi, chỉ hai năm nữa là tổng
tuyển cử thống nhất Nam Bắc, chẳng lẽ lúc đó lại bồng bế nhau về có phải
là phí phạm thời giờ, của cải và khó ăn khó nói với bà con ở lại. Nhưng
những người đã quyết đi không nao núng vì những lời tuyên truyền, dụ
dỗ. Có vài trường hợp dành giật, níu kéo giữa cán bộ và dân ra đi, khiến
Ủy Hội Quốc Tế có văn phòng ở Nam Định phải đến can thiệp. Nói chung,
những người đi sớm đều đi được vì cộng sản không dám làm mạnh lúc đó để
tỏ ra tôn trọng Hiệp Định. Ngoài ra, họ cũng chưa có kế hoạch ngăn cản
vì việc dân ùn ùn bỏ đi xảy ra qúa bất ngờ, ngoài sự ước tính của họ.
Thời gian sau, việc ngăn cản người đi Nam được thực hiện có bài bản. Ai
đi trễ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và cũng khó đi lọt.
|
Cuộc ra đi bằng tầu thủy tại Hải Phòng |
Sau ngày việt Minh tiếp thu Hà Nội, 9-10-1954, Hải Phòng trở thành nơi
duy nhất phải đến trên đường đi Nam. Vào thời gian cao điểm, tháng
4-1955, mỗi ngày Hải Phòng đón nhận khoảng 2,000 người đến từ các nơi.
Trong khi đó có trên 70,000 người đang đợi các chuyến tàu và máy bay.
Tàu của hải quân Pháp và Hoa Kỳ mỗi ngày chở hàng chục ngàn người vào
bến Sài Gòn. Khoảng 70 phi cơ quân sự Pháp, không kể máy bay của Air
Vietnam, được trưng dụng, lập cầu không vận chở dân di cư vào phi trường
Tân Sơn Nhứt. Ngày 26-5-1955, tàu Gascogne của Pháp là chuyến tàu cuối
cùng chở 888 người di cư tới Sài Gòn. Dân di cư từ Bắc vào Nam có
533,868 người đi đường biển, 243,657 người đi bằng máy bay. Nếu tính
luôn công chức, quân nhân và gia đình, thêm những người vượt tuyến bằng
phương tiện riêng, tổng số dân di cư lên tới trên 800,000 người.
Cuộc di cư 1954-1955 là cuộc bỏ phiếu bằng chân của trên 800,000 người
dân miền Bắc cương quyết rời bỏ chế độ cộng sản để đi đến vùng do chính
phủ Quốc Gia kiểm soát. Nếu dân được đi tự do, con số này sẽ cao hơn
nhiều. Nên nhớ rằng dân số miền Bắc lúc đó, tính từ vỹ tuyến 17 trở ra,
chỉ có khoảng 13 triệu người. Khi gần một triệu người bỏ đi, cộng sản VN
mới thấy dân không yêu họ như họ tưởng. Miền Bắc mất đi một tiềm lực
nhân sự lớn. Đa số dân có học và có khả năng cao về doanh thương và công
nghệ ở các thành phố lớn đều đi vào Nam. Ngoài ra, cộng sản còn bị mất
mặt về phương diện tuyên truyền. Vì thế họ phải ngụy biện rêu rao rằng
đa số người di cư là giáo dân Công Giáo, bị các cha cố tuyên truyền, dụ
dỗ đi Nam, số khác là những kẻ có quyền lợi gắn bó với Pháp và những kẻ
phản quốc theo gót thực dân đế quốc Pháp Mỹ. Lý do tôn giáo đúng một
phần nhưng vì đức tin, không phải vì dụ dỗ mê hoặc. Ngoài ra, giáo dân
dù chiếm phần đông cũng không phải là tất cả. Sự thực, dân miền Bắc đã
thấy tận mắt cách cai trị độc tài, tàn bạo, dối trá của Việt Minh, đã
nếm mùi tiền cải cách ruộng đất qua những cuộc đấu tố, dù mới chỉ là
những bước dạo đầu nhẹ nhàng nhưng đã đủ làm dân khiếp sợ. Họ đã thấy
chủ nghiã cộng sản vô thần đang được từ từ áp dụng, giết dần giết mòn
truyền thống văn hóa của dân tộc. Đó là lý do khiến người ta bỏ miền Bắc
di cư vào Nam. Bỏ hết để đi vào một miền đất chỉ hứa có tự do, không
hứa thiên đàng hạ giới. Số người di cư đã vượt qúa mọi dự đoán. Người
Pháp dự trù có 60,000 người. Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chỉ hy vọng
100,000. Thực tế đã có 860,000 người chạy cộng sản vào Nam (2).
Ngày 11-5-1955, Việt Minh tiếp thu thành phố Hải Phòng. Luật Sư Lê Quang
Luật, Đại Biểu Chính Phủ Quốc Gia tại Bắc Việt, rước một hộp đất miền
Bắc vào trong Nam, chấm dứt sự hiện diện của chính quyền Quốc Gia Việt
Nam tại miền Bắc.
Cuộc di cư 1954-1955 của gần một triệu người từ Bắc vào Nam vừa là một
gánh nặng vừa là một chiến thắng đầu tiên cho miền Nam. Số người đông
đảo này, tuy mới chỉ là một tảng băng nổi, đã chứng tỏ sự oán ghét của
nhân dân đối với chế độ cộng sản. Nó cung cấp nhiều bộ óc, nhiều bàn tay
để cùng đồng bào miền Nam xây dựng một xã hội tiến bộ vượt xa xã hội
miền Bắc. Nó đóng góp xương máu để bảo vệ miền Nam. Nó tạo sự thông cảm,
hòa đồng Bắc Nam qua tiếng nói, tập tục, hôn nhân, thức ăn thức uống.
Nói tóm lại, con người và văn hóa đồng bằng sông Hồng đã được đem vào
đồng bằng Cửu Long để hòa hợp thành một văn hóa mới: văn hóa Việt Nam
thống nhất. Không cần sự áp đặt bằng súng đạn như năm 1975.
CUỘC TRỐN CHẠY CỦA GIA ĐÌNH TÔI
Là dân thành phố ở lại sau khi Việt Minh đã tiếp quản Nam Định từ tháng
6-1954, gia đình tôi chưa có quyết định dứt khoát đi hay ở. Chúng tôi
nhiều lần sững sờ vì những vụ ra đi bất ngờ của những người thân quen.
Việc đi Nam được giữ bí mật, không ai nói với ai, đôi khi được giữ kín
với cả anh chị em ruột. Buổi sáng khi thức dậy, nếu thấy nhà hàng xóm
đóng kín cửa, không một tiếng động, không một bóng người, là biết nhà đó
đã đi rồi, đi rất sớm, bằng xe hàng hay bằng phương tiện nào khác lúc
trời chưa sáng hẳn. Lúc đó người ở lại vừa buồn vừa phân vân. Đi hay ở?
Đi thì phải bỏ lại hết và làm cách nào để có thể sống nơi xa lạ? Lịch sử
tái diễn với những cuộc vượt biên 20 năm sau.
Đến tháng 11-1954, bố mẹ tôi mới mới sửa soạn đưa gia đình di cư vào
Nam. Yếu tố quyết định là việc cán bộ kinh tế đòi xát nhâp xưởng tiểu
công nghệ của bố mẹ tôi vào công ty hợp doanh với nhà nước. Bố tôi biết
đây là thủ đoạn nhà nước kiểm soát trước rồi chiếm hữu sau. Sưu cao thuế
nặng đã bắt đầu đè trên tư nhân. Tôi có chiếc xe đạp “demi course” rất
nhẹ bằng duras do Đức sản xuất, chiếc xe tôi dùng đi học và đã đạp tới
tận Thái Bình để thu tiền hàng. Khi sửa soạn di cư, tôi đem chiếc xe
thân yêu ra bán ở chợ trời. Khi vừa ngã giá 800,000 tiền cụ Hồ với người
mua thì một cán bộ mặc sơ-mi nâu, đeo sắc cốt, xuất hiện ngay sau lưng
và đòi tôi đóng thuế 400,000. Tôi không bán nữa, đưa xe về để lại cho
một người bà con với giá thấp hơn, nhưng không bị mất tiền thuế cao đến
vô lý như vậy. Ngay lúc đó, tuy mới chỉ là một đứa con nít 14 tuổi, tôi
đã nhận ra thật khó sống với mấy ông Việt Minh này.
Gia đình tôi phải đi Hải Phòng làm hai đợt. Đợt đầu bố tôi dẫn tôi và
hai em trai đi theo. Mẹ tôi, chị họ tôi và hai em nhỏ phải đợi đi đợt
sau. Chúng tôi đi xe hàng lên Hà Nội rồi từ đó đi xe hỏa xuống Hải
Phòng. Hà Nội đã được Việt Minh tiếp thu từ tháng 10. Muốn đi Hải Phòng
phải có giấy phép vì là đi vào vùng địch còn kiểm soát. Rất may bố tôi
đã dự liệu và có giấy phép đi mua hàng. Địa điểm ranh giới giữa hai vùng
kiểm soát là ga Đỗ Xá thuộc tỉnh Hải Dương trên quốc lộ số 5. Tại ga
này, trước khi sang vùng địch kiểm soát, mọi hành khách đều bị lục xét
tỉ mỉ. Nhiều phụ nữ và trẻ em bị lột quần áo để khám xem có dấu vàng và
tiền Đông Dương Ngân Hàng trong người hay không. Vàng và tiền Đông Dương
bị tịch thu hết. Nhiều người khi bị lột hết vàng và tiền đã khóc lóc
quay về, không dám đi Nam khi chỉ có hai bàn tay trắng.
Bố tôi biết trước chuyện này nên đã nghĩ ra cách dấu vàng rất hiệu qủa.
Ông cho ba anh em chúng tôi đi guốc mộc. Mỗi chiếc guốc được dùi hai lỗ
xuyên chỗ đóng quai. Mỗi lỗ có một lượng vàng lá Kim Thành được cuộn lại
và luồn vào. Sau đó quai guốc được đóng lại bằng đinh và che lỗ. Bố tôi
còn lấy nước muối xoa trên đinh để làm cho đinh dỉ xét trông như đinh
cũ. Thế là ba anh em tôi với ba đôi guốc có thể mang theo 12 lượng vàng.
Chỉ khổ cho tôi phải canh chừng các em, một đứa 10 tuổi, một đứ 7 tuổi,
để chúng đừng tiết lộ bí mật và đừng đánh rơi guốc từ trên xe lửa.
Riêng bố tôi, ông còn đánh lừa cán bộ bằng một mánh khác. Ông cuốn giấy
bạc 100 đồng Đông Dương trong những điếu thuốc lá được rút ruột, rồi ấn
lại chút thuốc ở hai đầu. Ông bỏ 15 điếu thuốc có tiền vào vào phiá
trong bao thuốc thơm Du Kích hay Điện Biên, 5 điếu phiá ngoài là thuốc
thật. Ông tỉnh bơ rút thuốc hút trước mặt cán bộ, đôi khi còn mời cán bộ
hút một điếu cho vui. Nhờ có chút vốn liếng nhỏ mang theo, gia đình tôi
mới dễ xoay sở trong những ngày đầu đặt chân đế Sài Gòn.
Đến Hải Phòng, bố tôi giao chúng tôi cho một người anh họ của ông đang ở
trại tạm trú để nhờ bác trông coi chúng tôi trong khi bố tôi trở lại
Nam Định đón mẹ, chị và hai em tôi. Chúng tôi ở với bác và anh Thanh con
bác tại căng (camp) Hạ Lý nằm giáp ranh thành phố Hải Phòng. Đây là một
khu trại được dựng với hàng trăm lều vải lớn của quân đội, có thể cung
cấp nơi tạm trú cho hàng ngàn dân di cư trong thời gian làm giấy tờ và
chờ tàu hay máy bay chở vào Nam. Trong thời gian ở trại, chúng tôi được
phát gạo nhưng phải tự túc mua thức ăn. Bên cạnh trại, mỗi buổi sáng có
những người buôn thúng bán bưng đến bán rau, thịt cá và gia vị. Việc ăn ở
kể như tạm ổn. Đối với tôi chỉ có hai nỗi khổ. Một là lều vải nhà binh
tỏa hơi nóng, mùi vải bố rất ngột ngạt khi trời nắng và nền đất lầy lội
sũng nước khi trời mưa. Hai là sự mong ngóng từng giờ từng phút bố mẹ
tôi từ Nam Định đến đoàn tụ với chúng tôi. Tôi đã nghĩ nếu có chuyện gì
xảy ra khiến bố mẹ tôi không đi được, tôi sẽ dẫn các em trở về, không
thể đi Nam khi không có bố mẹ.
May mắn thay, chỉ một tuần sau, bố mẹ, chị và các em tôi đã đi lọt và có
mặt ở Hải Phòng. Bố tôi hú hồn vì thoát được bàn tay công an. Tối hôm
trước ngày bố tôi về lại Nam Định để đưa nốt gia đình đi đợt hai, loa
phát thanh của khu phố đã gọi rõ tên bố tôi và tố cáo bố tôi đi vào vùng
địch để nhận công tác gián điệp cho địch. Nghe tin này, bố tôi cùng gia
đình rời khỏi nhà ngay trong đêm. Sáng sớm hôm sau lấy xe đi Hà Nội
ngay. Công an không trở tay kịp nên bố tôi đã thoát và gia đình tôi mới
được đoàn tụ.
Ở Hải Phòng, bố tôi đưa mẹ con tôi đến ở nhờ nhà một người quen tại phố
Dinh. Trong thời gian lo giấy tờ và chờ đi Sài Gòn, chúng tôi có dịp
thăm viếng Hải Phòng, thành phố lớn thứ nhì của miền Bắc. Chúng tôi đi
thăm chợ Sắt, phố Khách, nhà hát lớn, đi lễ nhà thờ phố Dinh…, nhìn cảnh
thành phố đìu hiu chờ ngày đổi chủ.
Ngày 8-12-1954, chúng tôi được xe nhà binh chở từ điểm hẹn tại nhà hát
lớn Hải Phòng tới phi trường Cát Bi. Từ đó chúng tôi được máy bay cánh
quạt của Air Vietnam chở vào Sài Gòn. Lần đầu tiên tôi được đi máy bay,
được một cô chiêu đãi viên mời nước ngọt miễn phí. Nhưng vì ly nước có
“gaz”, tôi đã ói ra mật xanh mật vàng, quên cả nhìn xuống quê hương miền
Bắc để nói lời giã biệt.
59 năm đã trôi qua. Tôi vẫn chưa về thăm lại quê hương miền Bắc. Nếu
Trời cho có ngày tôi về được, thì chắc cây đa bến cũ con đò đã khác xưa!
Và người cũ sẽ còn lại ai?
Mặc Giao
——————————
Ghi chú:
(1) Tài liệu trích từ “Hiệp Định Genève 1954” của Nguyễn Anh Tuấn. Loại sách Tìm Hiểu Chính Trị. Sài Gòn 1964.
(2) Những con số ghi theo Huỳnh Văn Lang trong bài nói chuyện tại Westminster, Hoa Kỳ, 8/11/2008
(Đàn Chim Việt)
Hà Sĩ Phu - “Sâu” giữa đời, “sâu” trên mạng!
Tôi đang ngồi uống trà một mình thì một anh bạn nhà báo đến chơi.
- Dạo này anh vẫn vào mạng đọc thường xuyên chứ?
- Cũng tàm tạm, nhưng tin nhiều quá, chỉ đọc lướt để nắm đại thể, bài nào cần thiết thì ghi lại đọc sau.
- Bọn “sâu” trên mạng mở chiến dịch tấn công anh và nhóm Đà Lạt đấy?
- Thật hả, mình cũng nhận được những Email gửi vào hộp thư, chuyên bôi
xấu anh em dân chủ và châm chọc cố gây mâu thuẫn, đánh phá dân chủ.
Nhưng sự thật thì ít bịa thì nhiều, rồi suy luận, bóp méo. Có lần ông
Huệ Chi phát cáu lên, trả lời chúng nó: “Lần sau đừng gửi cho tôi nữa,
tôi không có thì giờ đọc những thứ này, hãy gửi cho cấp trên mà lĩnh
thưởng”! Mình thì mặc họ, việc họ họ làm!
- Nó lập cả một trang Web chuyên đánh phá các nhân vật dân chủ quen
biết, nhưng chẳng ai buồn xem nên nó cứ trích các bài gửi Email lung
tung, ai ngớ ngẩn cứ tưởng thật. Nó nhắc lại chuyện 10 năm trước về
Hương Ly con anh Quốc sang đài BBC, bảo Hà Sĩ Phu tấn công sau lưng anh
Quốc, chơi xỏ anh Quốc…
- Có gì đâu, chuyện Hương Ly sang đài BBC ai chẳng biết, cũng có đồn
đoán này nọ nhưng lâu rồi chẳng ai nhắc đến nữa, chẳng có gì phải dấu
diếm. Mình nhớ có ai đó gửi thư cho mấy người Đà Lạt, hình như gửi cả
anh Huệ Chi, hỏi chuyện đó. Mình nói thẳng: Khả năng Cộng sản có đánh
điệp viên vào BBC hay không thì có thể lắm, nhưng là ai thì sao biết
được, có khi phải vài chục năm sau mới kết luận được. Nhưng anh Quốc
chẳng phải chịu trách nhiệm gì về chuyện đó, Hương Ly nó là nhà báo nó
có sinh mệnh chính trị riêng.
- Họ bảo chụp được hơn 1000 Email trao đổi giữa các anh, in ra làm bằng chứng
- Nếu thế càng tốt, chỉ sợ nó thêm thắt bịa ra, chứ mình nhớ rõ ý mình
trong việc này là rất công bằng và bảo vệ anh Quốc, anh Quốc tuần nào
chẳng ghé thăm mình, có chuyện gì đâu? Mà này, bọn họ là ai mà được đột
nhập thông tin cá nhân dễ dàng thế nhỉ? Chỉ có mạng lưới “đen” của giới
có quyền mới được phép xâm phạm thư tín cá nhân ngang nhiên như vậy!
- Vâng, người tinh ý thì nhận ra ngay, giữa lúc đất nước đang có những
vấn nạn quá lớn, nhất là nguy cơ Bắc thuộc, hàng ngày có bao nhiều điều
cần quan tâm, lại có kẻ mở một trang Web chỉ chuyên một việc chĩa vào
những người dân chủ có uy tín thì biết ngay nó là của ai chứ cần gì bàn?
Vụ Hà Vũ tuyệt thực em nhớ anh có bài “Gửi người tuyệt thực trong tù”
rất sớm mà nó bảo nhóm Đà Lạt các anh im lặng, từ đó bình luận rằng Hà
Sĩ Phu lúc thì “lăng mạ, sỉ nhục Cù Huy Hà Vũ”, “đâm sau lưng” Cù Huy Hà
Vũ lúc thì “trơ trẽn”, “quay 180 độ”!
- Kệ xác nó, Dương Hà biết chuyện, đã viết thư cho mình: “Ai còn lạ gì
trò bẩn ấy hả chú, chú còn quan tâm đến là mắc miu chúng nó!”.
- Chúng nó hết sức khai thác bài “Giải mã” của anh để gây hiềm khích với nhóm 72.
- Chuyện ấy âm ỉ từ lâu, mấy lần mình cũng định nói thêm điều gì đó để
tránh hiểu lầm, nhưng nghĩ lại thấy không cần, cứ đọc kỹ bài là hiểu.
Mình khẳng định “chủ nghĩa Cộng Sản đã không còn là một chủ nghĩa chân
chính thì không thể có người Cộng Sản chân chính được”, nói thế không hề
có nghĩa hạ thấp vai trò của nhưng người CS tỉnh ngộ mà dân thường gọi
là những người CS nhưng mà tốt. Trái lại, mình rất quý cá nhân những
người đảng viên CS nếu trong quá khứ và trong hiện tại vẫn giữ bền một
lòng yêu nước thương dân, đó là những phẩm chất “người” cao quý còn lại
trong họ mà chủ nghĩa “giai cấp cực đoan” CS không thể tẩy não hết, nên
mình muốn khẳng định họ trên một thang giá trị cao hơn, bền vững hơn là
giá trị Con người, mình tôn vinh họ là những CON NGƯỜI CHÂN CHÍNH, NGƯỜI
VIỆT CHÂN CHÍNH chẳng cao quý hơn à? Chứ giữ danh hiệu “CS chân chính”
thì vẫn nằm trên thang giá trị Cộng sản là thứ giá trị đang rất bấp
bênh, sắp vứt đi rồi, chẳng vinh dự gì trước cộng đồng. Chống Pháp thắng
lợi là do sức mạnh dân tộc trong mỗi con người chứ ai biết chủ nghĩa CS
là cái quái gì?
- (ngắt lời) Thế mà nhiều người bây giờ hình như vẫn khoái danh hiệu CS
chân chính hơn là Con người chân chính hay Công dân chân chính mới lạ,
hình như thấy thế “sang” hơn?
- Chẳng có gì quan trọng, bạn bè gần gũi của mình toàn gốc CS cả đấy
thôi. Mà mình thì tẩy chay cái lý thuyết CS đến tận gốc, ai chẳng biết?
Cậu có nhớ mình vẫn nhấn mạnh “sự bắc cầu từ độc tài toàn trị đến dân
chủ cần tất cả các nhịp cầu, nhịp cầu nào cũng có vai trò của nó”? Khác
nhau nhưng vẫn ủng hộ nhau được chứ sao, tùy tửng việc. Mình vẫn thư từ
với mấy mấy ông CS thứ thiệt Lê Hiếu Đằng, Hạ Đình Nguyên, Hồ Hiếu,
André Menras…rất chân tình, thú vị, mỗi người một kiểu mới hay! Ai có
vai trò của người ấy, vấn đề là có phát huy được vai trò ấy cho cục diện
chung hay không, hay chỉ bám vào đấy làm lá bùa hộ mệnh?
Mình bảo trước đây yêu nước mà theo CS là nhận thức chưa đủ tầm để sàng
lọc một vấn đề ở tầm thời đại là nói cả dân tộc, nhiều dân tộc, trong đó
có mình, đó là xót xa tự phê chung cho cả thế hệ chứ chỉ trích riêng
ai? Mình bảo phê phán bạn cũng là phê phán mình mà!
Anh Quốc nói “Cả tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt, để đúc nên chính cỗ
máy này”, cái cỗ máy của sự “đểu cáng lên ngôi”, cả một “bầy sâu” chúng
nó lên ngôi hành hạ người lương thiện, nói thế cũng là tự nhận mình sai
lầm, mình dốt, mình bị lừa, mình không nhìn xa, nên trót làm điều có
hại chứ gì nữa, khác gì HSP, khác gì các anh Nhật Hải-Nhật Tấn đâu?
- Em có cảm giác cánh “sâu mạng” đang tập trung vào nhóm Đà Lạt, đặc biệt vào anh và anh Lĩnh,
- Mình và ông Lĩnh viết lý luận, lý luận thì phải đến tận gốc mới bật ra
chân lý! Nhưng bọn mình biết con đường hiện thực để đến chân lý nhiều
khi phải tiệm tiến, có khi vòng vèo, đâu có nóng vội được.
Ngay trong mấy người chúng mình cũng mỗi người một kiểu, nhiều điểm cũng
rất khác nhau, tranh luận với nhau nảy lửa, nên bị người ta lách vào,
châm chọc đủ kiểu mười mấy năm nay mà vẫn chơi với nhau thân thiết, nếu
bọn mình cực đoan thì đã chẳng chơi được với nhau. Biết mình bị tập
trung đả kích, bọn mình vừa nói đùa với nhau: Dễ thường trong “tổng cục
phản gián” người ta phải dành một “cục” cho mấy lão già Đà Lạt!
Mình bổ sung luôn: Trong đó có một “phân cục” để đối phó với Hà Sĩ Phu!
- Các anh “lãng mạn” phớt Ăng-Lê thế chứ họ nổi khùng lắm, em nhớ họ bảo
“HSP rõ ràng là tên “tội đồ”, là “bom nổ chậm” đấy, họ muốn tách anh ra
khỏi mọi người, không phải chơi đâu. Anh chỉ viết bài chứ làm gì đâu mà
họ thù anh dữ vậy? Bọn “sâu” trên mạng này đến lúc khùng hay sao mà
dùng chữ táo tợn như côn đồ?
Tôi không nhịn được cười:
- Lại thế nữa! Là “tội đồ” nữa thì khoái thật. Những anh bán nước hại
dân, những anh thiết kế và thực thi cái con đường khiến cho nước thì mất
dần độc lập, dân thì nghèo khổ mất dần tự do, rước voi Tàu về giày mả
tổ mới xứng là “tội đồ”, chứ mình chống lại những thứ ấy sao đứng vào
đấy được?
Cả hai chúng tôi cùng cười khoái, rót chút rượu vào cái chén hạt mít (chén của tôi chỉ láng vài giọt).
Anh bạn nâng ly: Thôi chúc anh cầm cự được với chứng huyết áp và cái
bệnh gút cho đỡ khổ cái thân già! Mọi việc đã có…“đảng và nhà nước lo”
hề…hề…
Đà Lạt 21-7-2013
Hà Sĩ Phu
(Dân Luận)
Quyền con người trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
Ở tất cả các quốc gia, chính sách đối ngoại luôn luôn liên quan mật
thiết đến chính sách đối nội và ngược lại. Đối với Đảng và Nhà nước ta,
nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, tôn trọng và bảo vệ
quyền con người, thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên các Công ước
quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập không chỉ là một mục
tiêu, mà hơn nữa còn là một động lực của sự phát triển đất nước. Chính
vì vậy mà trước Đại hội VI - Đại hội được xem là khởi đầu của công cuộc
đổi mới, năm 1982 Nhà nước ta đã gia nhập nhiều Công ước quốc tế về
quyền con người, trong đó có 2 công ước: “Công ước quốc tế về các quyền
dân sự, chính trị”, 1966; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội
và văn hóa”[1], năm 1966. Đây là hai công ước cơ bản quy định toàn diện
về các quyền con người.
Là một thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng quốc tế và của các
Công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã nội luật hóa các Công
ước quốc tế mà mình là thành viên vào hệ thống pháp luật quốc gia. Cho
đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về quyền con
người, trừ Công ước “Chống tra tấn”. Công ước này đang được Quốc hội
xem xét các điều kiện trước khi tham gia. Tuy nhiên những nội dung của
công ước này đã được quy định trong “Công ước quốc tế về các quyền dân
sự chính trị”, mà Việt Nam là thành viên. Có thể nói, cho đến nay, hệ
thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã tương thích với hệ thống công
ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc.
|
|
Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại về
quyền con người của Việt Nam theo nguyên tắc: Nhất quán; tích cực; có
trách nhiệm và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Là
thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia, đóng góp xây dựng và
có trách nhiệm trên nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền
con người. Việt Nam rất coi trọng cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ và
đã thực hiện nghiêm túc Báo cáo kiểm điểm lần đầu ngày 8-5-2009. Nhiều
đại biểu tham gia hội nghị đã đánh giá cao báo cáo của Việt Nam về tính
khách quan, trung thực và những sáng tạo của Việt Nam trong việc bảo đảm
quyền con người trong điều kiện của một quốc gia đang phát triển. Việt
Nam cũng đã chấp thuận và đang nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị
trong kiểm điểm đợt 1, nhằm tăng cường đối thoại theo cơ chế “Thủ tục
đặc biệt”. Từ tháng 7-2010 đến nay, Việt Nam đã đón 4 đại diện “Thủ tục
đặc biệt” của Liên hợp quốc về các vấn đề: “Dân tộc thiểu số”; về “đói
nghèo cùng cực và nhân quyền”; về “quyền được chăm sóc y tế”. Thời gian
tới, Việt Nam sẽ đón các đại diện “Thủ tục đặc biệt” về “Quyền giáo
dục”, “Quyền có lương thực”, “Quyền văn hóa” như đã cam kết trong các
công ước quốc tế về quyền con người, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét đón
thêm một số đại diện “Thủ tục đặc biệt” khác.
Trong quan hệ song
phương, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác, đối thoại với nhiều quốc
gia trên lĩnh vực quyền con người. Việt Nam có cơ chế đối thoại nhân
quyền hằng năm với nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, EU, Thụy Sỹ…Việt Nam
cũng có những đóng góp thiết thực đáng kể để tăng cường hợp tác về nhân
quyền trong ASEAN, đặc biệt trong quá trình thành lập và hoạt động của
Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và việc xây dựng Tuyên
ngôn Nhân quyền ASEAN, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại
Phnôm Pênh, tháng 11-2012.
Trong quan hệ với Hoa Kỳ, quyền con
người là một vấn đề xuyên suốt các thời kỳ lịch sử, từ những trang đen
tối trong chiến tranh đến những trang mới mẻ từ khi 2 nước thiết lập
quan hệ bình thường. Điều quan trọng là cho đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ
đã có chung điều kiện và nhận thức về nhiều vấn đề đa phương và song
phương. Chẳng hạn: Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên có trách nhiệm
của Liên hợp quốc và của các công ước quốc tế về quyền con người; nhân
dân Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có nhiều cựu chiến binh, mong muốn phát
triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, trước hết là về kinh
tế, văn hóa cho đến những vấn đề khác như an ninh, quốc phòng nhằm duy
trì hòa bình, ổn định trong khu vực, nhất là ở Biển Đông. Trên lĩnh vực
quyền con người, hai bên cũng đã đạt được những bước tiến nhất định, đó
là đã thiết lập được cơ chế đối thoại hằng năm giữa hai quốc gia trên
lĩnh vực này. Không phủ nhận rằng, cho đến nay hai bên vẫn còn nhiều
khác biệt về nhận thức, quan điểm cụ thể, nhưng cũng không thể phủ nhận
được rằng, trong các cuộc đối thoại, cả hai bên đã thể hiện một cách
thẳng thắn, cởi mở quan điểm của mình. Phía Việt Nam cũng đã ghi nhận
những vấn đề nhân quyền mà phía Hoa Kỳ nêu ra.
Trong thời đại
toàn cầu hóa, sự khác biệt về hệ tư tưởng, thể chế quốc gia không phải
là rào cản không thể vượt qua trong quan hệ giữa các nước. Thực tế cho
thấy, trên thế giới hiện tồn tại nhiều quốc gia với sự khác biệt về hệ
tư tưởng và thể chế chính trị. Chẳng hạn, các nước theo chế độ cộng hòa
tổng thống, cộng hòa đại nghị; các nước theo chế độ quân chủ, quân chủ
nghị viện; các nước theo chế độ dân chủ nhân dân…và cả nhà nước tôn giáo
(Vatican). Mặc dù có sự khác biệt nào đó nhưng cộng đồng quốc tế vẫn là
một thể thống nhất. Sự khác biệt nào đó về quyền con người giữa Hoa Kỳ
và Việt Nam là có thể hiểu được. Sự khác biệt đó bắt nguồn từ những đặc
thù về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển giữa hai quốc gia.
Đồng
thời, nhân đây cũng phải thẳng thắn nói rằng: Việt Nam đang phải đối
diện với những thế lực thù địch và những người mang quan điểm cực đoan,
cường quyền, mưu toan lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền nhằm lật đổ
chế độ xã hội và Nhà nước hiện hữu, chuyển sang mô hình dân chủ, nhân
quyền “ngoại nhập”. Chẳng hạn như người ta xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi
phạm quyền tự do ngôn luận báo chí, bắt bớ bỏ tù những người được gọi
là “bất đồng chính kiến” trong đó có các blogger; hoặc họ cho rằng Việt
Nam đối xử tàn bạo với các tôn giáo với bằng chứng là những vụ xét xử 14
người có đạo ở Nghệ An, 20 người ở Phú Yên hoặc đạo “Hà Mòn" ở Tây
Nguyên. Những người có nhận thức công bằng, khách quan thì không khó để
bác bỏ những lập luận và chứng cớ nói trên. Pháp luật của bất cứ quốc
gia nào cũng phải đồng thời bảo vệ nhân quyền và chế độ xã hội. Trong
điều kiện hiện nay, một số quốc gia luôn phải đối diện với các lực
lượng chính trị đối lập với sự trợ giúp của các lực lượng chính trị
cường quyền ở nước ngoài nhằm thay đổi chính phủ hiện hữu. Cái gọi là
hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo động” không nói lên bản chất chính trị, bất
hợp pháp của những kẻ mưu toan lật đổ chế độ xã hội. Bởi vậy, Luật Hình
sự Việt Nam có một số điều, như Điều 88, "Tội tuyên truyền chống Nhà
nước CHXHCN Việt Nam”; Điều 258, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích của Nhà nước…”; Điều 79, “Tội hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân”… nhằm ngăn cấm những hoạt động làm tổn hại đến
chế độ xã hội là điều đương nhiên.
Về những cáo buộc vô căn cứ
rằng Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, “đối xử tàn bạo” với các tôn
giáo, sự thật là những người có đạo bị đưa ra tòa xét xử không phải vì
họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, mà là vì họ vi phạm pháp luật.
Đúng hơn, họ đã lợi dụng quyền tự do tôn giáo để phục vụ ý đồ chính trị,
lật đổ chế độ xã hội, thậm chí còn có ý đồ thành lập quốc gia riêng của
họ. Chẳng hạn vụ án “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”. Tổ chức này
núp bóng doanh nghiệp hoạt động du lịch sinh thái, với tham vọng lớn:
Lật đổ nhà nước CHXHCN Việt Nam, thành lập “Nhà nước Đại Nam Kinh
Châu”.
Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta
về quyền con người như đã nói ở trên đều xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng
của Đảng, từ bản chất của chế độ ta. Nó hoàn toàn không phải xuất phát
từ sức ép nào đó của cộng đồng quốc tế hoặc của các lực lượng chính trị
đối lập trong và ngoài nước. Đường lối, chính sách nhất quán của Nhà
nước Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người xuất phát từ tôn trọng giá
trị nhân quyền phổ quát, đồng thời bắt nguồn từ truyền thống lịch sử,
văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc.
Đường lối, chính sách trên
lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam là tiếp tục hoàn thiện pháp luật,
các cơ chế bảo đảm quyền con người; bảo đảm cân bằng giữa các nhóm quyền
dân sự, chính trị với nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quan tâm
nhiều hơn đến nhóm người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng
bào các dân tộc thiểu số…, những nhóm trong xã hội dễ bị tổn thương, như
trẻ em, nữ giới, các dân tộc thiểu số... Việt Nam đặt lên hàng đầu yêu
cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng như là điều kiện cho
tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Hợp
tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người đối với Việt Nam không chỉ là
việc thực hiện các cam kết quốc tế, mà trước hết là tranh thủ các nguồn
lực về tinh thần, vật chất để phát triển đất nước, giữ vững và phát
triển chế độ xã hội. Bởi vậy Đảng và Nhà nước ta khẳng định, chính sách
nhất quán của Việt Nam là tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó có hợp
tác với Hoa Kỳ trên lĩnh vực quyền con người, bao gồm tiếp tục đối thoại
về nhân quyền, thu hẹp những bất đồng về nhận thức giữa hai bên, giải
quyết những vấn đề nhân quyền thiết thực trong đó có trách nhiệm của Hoa
Kỳ đối với nạn nhân trong chiến tranh, tìm kiếm, hồi hương hài cốt binh
sĩ, xử lý ô nhiễm chất độc đi-ô-xin.
ĐỨC THÀNH - THANH TRÚC
1]- Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, 2002. Tr 650
(Báo QĐND)
Hoàng Hưng - Phải thay đổi ngay cách cư xử với tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm
(Viết nhân lời kêu gọi trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Cầu, thỉnh nguyện
thư trả tự do cho 35 blogger, lời kêu cứu tính mạng Điếu Cày Nguyễn Văn
Hải đang tuyệt thực)
1/ Việt Nam không có tù nhân chính trị?
Nhà nước luôn luôn khẳng định nước này không có tù nhân chính trị, tù
nhân lương tâm, mà chỉ có người phạm pháp bị tù. Một sự ngụy biện giả
dối không ai tin nổi. Chỉ cần xem định nghĩa sơ giản nhất về tù nhân
chính trị trong Wikipedia tiếng Việt là đủ hiểu: “Tù nhân chính trị hay
Phạm nhân chính trị, chính trị phạm là một người bị giam giữ trong nhà
tù hay quản thúc tại gia do hình ảnh hay chính kiến, hành động của người
này bị chính quyền xem là đe dọa hay thách thức đến quyền lực của chính
quyền hay an ninh và chủ quyền quốc gia. Đây cũng là trường hợp một
phạm nhân chính trị bị giam giữ nhưng không qua xét xử công khai theo
đúng thủ tục pháp lý. Một tù phạm chính trị cũng có thể là tù nhân lương
tâm bị tước quyền tại ngoại hầu tra có bảo lãnh và quyền được tha theo
lời hứa danh dự. Trong nhiều án, tòa án sẽ đưa ra các chứng cứ ngụy tạo
để che giấu tính chất chính trị của vụ án để tránh bị quốc tế và dư luận
trong quốc gia đó lên án là vi phạm nhân quyền và đàn áp những người
bất đồng chính kiến”.
Bản thân tôi từng là một “tù nhân chính trị” nhưng sau đó bị bóp méo
thành tù hình sự. Ngày 17 tháng 8 năm 1982, tôi vừa đi lấy tập bản thảo
thơ Về Kinh Bắc do nhà thơ Hoàng Cầm chép tặng, thì bị công an dàn cảnh
“nghi ăn cắp xe đạp” để bắt giữ giữa đường, giải về đồn Hàng Bạc Hà Nội.
Tại đây, họ lục túi xách của tôi, lấy đi tập thơ và đọc lệnh: “Bắt và
khám xét khẩn cấp vì lưu truyền văn hoá phẩm phản động”. Tiếp đó, họ
khám nhà tôi và thu được một số trang nhật ký bằng văn vần có nội dung
nghi ngờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nghi ngờ “ngày mai tươi đẹp”
của đất nước. Trong tù, một điều tra viên cấp tá cáo buộc tôi vào tội
chính trị. Tôi cãi: “Tôi đâu có làm chính trị?”. Ông ta trả lời rất đơn
giản: “Những việc làm của anh không phải vì tiền, thì là vì chính trị
chứ gì nữa!”. Thế là tôi được đi “tập trung cải tạo”.
Trong
trại “cải tạo” Thanh Cẩm, Thanh Hoá, tôi bị giam ở dãy lán bên phải
(mật danh là dãy tù B) dành cho tù chính trị (người có tư tưởng “phản
động”, người chống đối chính quyền, người vượt biên, gián điệp Tàu,
người Tàu khả nghi ở ven biên phía Bắc sau sự kiện chiến tranh biên giới
Việt-Trung, sĩ quan công chức chế độ Sài Gòn) (không kể các tuyên úy
công giáo giam riêng ở khu lán trên cao mà tù gọi đùa là “khu Vatican”)
để phân biệt rõ với tù hình sự ở dãy lán bên trái (tù A) (hai mật danh
A/B có thể tôi lộn cái nọ sang cái kia, các bạn tù khác sửa lại giùm nếu
sai). Thế nhưng, khi ra tù sau 39 tháng, tôi nhận được tờ giấy “Ra
trại” với tội danh “lưu truyền văn hoá phẩm đồi trụy” (!!!). Họ cẩn thận
phòng xa lắm, lỡ sau này tôi có cơ hội “kiện cáo, xin xỏ” gì đó với
quốc tế, thì chẳng hề có bằng chứng mình là “tù nhân chính trị”.
Các ông anh của tôi trong vụ án “Xét lại chống Đảng” thập niên 1960 còn
không được cấp bất cứ giấy tờ gì chứng minh đã bị giam giữ. Bác sĩ Phan
Thế Vấn bị giam 5 năm + quản chế 6 năm, sau thống nhất được bạn cũ lúc
này là Giám đốc Sở Y tế Sài Gòn nhận vào làm việc, nhưng không qua nổi
Phòng Tổ chức chỉ vì anh không làm sao chứng minh được bằng giấy tờ thời
gian 11 năm ấy đã làm gì, ở đâu. Tức là “lý lịch không rõ ràng” (!!!).
Cho nên giờ đây, Trần Khải Thanh Thủy bị tù vì tội “hành hung”, Điếu Cày, Lê Quốc Quân bị tù vì tội “trốn thuế” thì quá dễ hiểu!
2/ Vì sao nhiều tù nhân chính trị hiện nay bị đối xử khắc nghiệt?
(Trường hợp Cù Huy Hà Vũ có một số tiện nghi trong tù là hết sức đặc
biệt, không hề đại diện cho điều kiện của tù chính trị nói chung mà
chẳng qua do gia thế của ông. Cũng hơi giống các cha tuyên úy trong trại
cải tạo có chế độ riêng, là nhờ thế lực của Vatican).
Có khả năng: Có những “cai tù” bản chất côn đồ muốn trừng trị những tù
nhân cứng đầu để ra oai. Nhưng nhiều cáo buộc của những người đã ra tù,
kể cả những hồi ký của các cựu “cải tạo viên”, đến cáo buộc của thân
nhân những người đang ở tù, khiến ta phải nghĩ đến một chủ trương nhất
quán từ cấp cao: Trừng trị những tù nhân chính trị vẫn giữ vững lập
trường, khí tiết để buộc họ phải đầu hàng, vừa chứng tỏ quyền lực của
nhà cầm quyền, vừa trừ mầm “hậu hoạ” khi họ ra tù.
Những người cộng sản Việt Nam trước đây là chính trị phạm trong nhà tù
thực dân, nhiều người đã bị tra tấn, hành hạ dã man; có thể vì thế đến
lượt họ cai trị, họ áp dụng lại “kinh nghiệm” nhà tù của thực dân? Hoặc
“trả thù đời” theo kiểu mấy ông bố bà mẹ lý luận với con cái: Đời tao
khổ cực, nay chúng mày khổ thế đã ăn thua gì?
Nhưng họ lại quên cái kinh nghiệm lớn lao này của chính họ: Đối với
những người có lý tuởng thì “gian lao rèn luyện tinh thần thêm hăng”!
Biết bao người đã biến nhà tù thành trường học? Biết bao người sau khi
ra tù đã vững vàng hơn, kiên định hơn, mưu lược hơn, chiến đấu hữu hiệu
hơn?
3/ Chính quyền độc tài có toan tính rất “cận thị”
Số người bất đồng chính kiến chiếm tỷ lệ quá nhỏ bé trong dân chúng, có
trùm chăn bóp cổ họ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến số đông! Toan tính quá
đát từ lâu với thời đại Internet! Những vụ chấn động toàn cầu Cù Huy Hà
Vũ tuyệt thực, Lê Quốc Quân chuẩn bị ra toà… vừa qua vẫn chưa làm họ mở
mắt hay sao?
4/ Ở các nước không độc tài, chính trị phạm nói chung được đối xử ưu ái hơn hẳn tù thường phạm.
Vì hai lý do: Xét về tình, họ không phạm tội ác gì hết, họ không phải kẻ
xấu xét theo tiêu chuẩn đạo đức luân lý, mà chỉ mang “tội” có niềm tin,
lý tưởng, chính kiến khác với đường lối chính thống hiện hành. Xét về
lý, họ chính là hạt giống chính trị của tương lai, chỉ cần đất nước có
sự thay đổi về đường lối, chính họ sẽ là thành phần lãnh đạo quốc gia.
Không hiếm tên tuổi những chính trị phạm sau này sẽ lừng lẫy thế giới
trong cương vị người đứng đầu nhà nước: Aung San Suu Kyi, Benazir
Bhutto, Benigno Aquino, Kim Đại Trọng, Nelson Mandela…
5/ Tóm lại: Phải thay đổi ngay cách cư xử với tù nhân chính trị, tù nhân
lương tâm. Kể cả thay đổi cách hành xử với những người bất đồng chính
kiến, “tù nhân dự bị” nói chung. Không thiếu gì cách văn minh, nhân đạo
để ngăn ngừa nguy cơ bạo loạn, lật đổ. Một trong những cách đó là đối xử
tử tế, tôn trọng luật pháp trong xử sự với lực lượng đối lập ôn hoà,
chỉ như thế mới có thể chứng tỏ cho nhân dân trong nước và dư luận quốc
tế thấy tính chính danh của một Nhà nước pháp quyền. Cần chỉ thị, giáo
dục lại cho các cai tù nhận thức mới này và cho phép một tổ chức xã hội
dân sự làm công việc của Uỷ ban Cải thiện Chế độ Lao tù từng làm dưới
chế độ mà chính quyền hiện nay thường miệt thị là “Ngụy quyền”. Nếu
không, e khó tránh bị lịch sử mai đây gọi là “Siêu Ngụy”.
Hoàng Hưng
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Tô Hải - Ai cười nổi cứ cười, tớ thì xin… chịu!
Chẳng
hiểu có phải vì mình quá già rồi nên hay có những suy nghĩ khó tính,
ngược đời khi không thể nhếch mép cười nổi trước những “trò cười rẻ tiền
cố ý” phát ra từ những cái miệng nhà quan (= trôn trẻ), từ những nghị
quyết, thông cáo, chỉ thị, nghị định, quy định…, của đủ loại chính khách
- chính khứa to nhỏ, đủ loại chính quyền cao thấp, đang ngày càng tỏ rõ
không u mê, lú lẫn tới mức ngớ ngẩn tâm thần thì cũng liều lĩnh, bạt
mạng, chửi cha toàn dân... bởi những “tuyên bố xanh rờn”, những “giải
thích lấy được”, những “dự thảo ngang ngược”, những đe dọa xử phạt đến
cả thái độ, đối xử của mọi cá nhân xẩy ra cả từ trong giường ngủ của mỗi
gia đình V. v... và v. v... (mà blogger HNC đã thống kê chưa đầy đủ),
lên tới .. 68 cái “sáng kiến đỉnh cao trí tuệ VN”!)
Thú thật là mình chỉ thấy tức, thấy nhục, thấy tiếc đời vì phải làm một
“thần dân bất lực” của những ông “vua cởi truồng” mà vẫn tưởng mình
đang mặc những bộ lễ phục ngàn vàng! Nhất là khi các vị ấy đăng đàn hoặc
hạ phóng xuống dân đen để phun ra những điều lú lẫn, điên loạn, thậm
chí nói trước quên sau, lắp ba, lắp bắp, nhấm nhẳng một hồi để rồi chẳng
nói ra được cái gì xất!
Và rõ ràng, các “trò vui rẻ tiền” đó đã thu hút không ít những cây bút (cả lề đảng) lao vào bình luận, góp ý, rôm rả!
Đặc biệt nổi lên khắp các trang mạng gần đây là: khai thác triệt để cái
tính khôi hài của “68 sáng kiến điên khùng” của các “đỉnh cao trí tuệ”
chưa từng thấy ở trên đời!
Hàng loạt những chuyện tiếu lâm bậy bạ, hàng loạt những tranh vẽ, những ảnh ghép khôi hài, những comment gây cười trước những tên hề cố tình gây cười vô duyên, trắng trợn y như đi bằng đầu mà chỉ... mặc áo nhưng …không mặc quần!
- Một cái đầu bà già răng rụng hết, lồng vào bộ ngực thiếu nữ to tổ
đùng đang bàn bạc cùng một bà già khác cố gắng đi thi đại học để tận
hưởng cái “ân xủng cộng thêm 2 điểm” cho bà mẹ Việt Nam anh hùng(*)…
- Một chuyện tiếu lâm về một anh chồng muốn “yêu” vợ -nhưng bị vợ từ
chối- đã đe dọa vợ “Nếu không đồng ý sẽ... 'quyết liệt'...” cho tới khi
vợ phải la lên "....." để rồi... sẽ bị mất 1 triệu tiền phạt, làm thủng
ngân sách của cả nhà theo như quy định!? Và bà vợ đành…'ô-kê!'
- Một em nhỏ dọa bố: sẽ báo công an đến bắt phạt bố 1 triệu đồng vì “bố đã cấm không cho xem tivi mà bắt đi làm bài“!
- Một bà 32 tuổi quảng cáo trên facebook: Cần một chàng trai khỏe mạnh
để có thể giúp mình có con từ nay đến cuối tháng 7/2014 để…kịp thời hạn
kẻo, sang tháng 8 là ...đúng tuổi 33… bị…cấm đẻ!
Và còn vô vàn những âm mưu làm “phân tán tư tưởng của không ít người ham thích chuyện vui”: hãy…”quên đi những chuyện quốc gia đại sự mà chĩa ngòi bút vào những lời nói, văn bản ngơ ngẩn, vô duyên…càng nhiều càng tốt” …. đã ít nhiều phát huy tác dụng!
Bằng chứng là đây:
Có mấy ai viết bài, bình luận, phê phán, vạch tội của những vụ tầy trời này:
BÁO TRUNG QUỐC:
"Đã thu phục một chư hầu đời nay chỉ cần 10 văn kiện hợp tác toàn diện"
Báo chí Bắc Kinh loan tải. “Chiến tranh ngoại giao Trung Quốc thắng lớn, chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc” - Nguồn: news.cntv.cn
"Dạ! Em xin thuần phục”
Không gì thuyết phục hơn!
Ngoài một bài của vị tướng ngoài 90 (Ng. Tr. Vĩnh), tuy quyết liệt
nhưng lại nghèo chứng cứ, ít lý luận ra thì ….không ai có tài liệu,
chứng cớ để vạch trần ra “cái sự đã rồi” này kể cả những điều đã công
khai trong bản tuyên bố chung như:
“mục 3 Điểm III ghi: “…tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ Đảng và Nhà nước…”.
Việt Nam được đào tạo cán bộ cho Trung quốc ư? Hay là chỉ Việt Nam đưa
người sang để Trung Quốc đào tạo cho trở thành cán bộ thấm nhuần tư
tưởng “thần phục Trung Quốc”? Điều này tướng Vĩnh cũng chỉ đặt được
những câu hỏi chứ không trích dẫn và phân tích, phê phán những chứng cứ
đã được công khai hóa như:
Theo
báo QĐND Online, lớp tập huấn này nằm trong chương trình giáo dục và
đào tạo cán bộ ở nước ngoài, theo tinh thần các Nghị quyết trung ương
đảng về giáo dục-đào tạo và Nghị quyết 618/NQ-ĐUQSTW tháng 10-2010 của
đảng ủy quân sự trung ương (nay là Quân ủy trung ương). Mỗi năm, Bộ quốc
phòng cử hàng trăm cán bộ đến các nước để giao lưu, trao đổi, tập huấn,
đào tạo nhằm tiếp thu những thành quả khoa học, kỹ thuật và học hỏi
kinh nghiệm, kiến thức mới của các nước trên thế giới. Nước ngoài ở đây
chủ yếu là Trung Quốc. Chỉ tính riêng theo Đề án 165 của Ban tổ chức
trung ương từ năm 2009 đến nay, đây là đoàn cán bộ quân đội thứ 6 được
cử sang tập huấn, học tập tại Trung Quốc...
Và đây nữa :
Phát
biểu tại buổi Lễ giao nhiệm vụ, trung tướng Nguyễn Văn Động yêu cầu tất
cả “các cán bộ được cử đi học đợt này (theo “Đề án 165”của Ban Tổ Chức
T.Ư) cần phải nghiên cứu sâu lý luận, tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn của
bạn để về nước vận dụng một cách sáng tạo, khoa học vào quá trình thực
hiện nhiệm vụ của đơn vị mình. Từng thành viên phải nêu cao tinh thần
trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong suốt
quá trình học tập để đạt được kết quả tốt nhất…, góp phần thắt chặt mối
quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, quân đội và nhân
dân hai nước”.
Vậy mà chẳng thấy có mấy người cùng góp sức thêm cho những vạch trần sự thật của ông tướng ngoài 90 này!?
Và sau khi trở về với một lô văn bản đã thỏa thuận ký kết nhanh chóng chưa được công bố, ngoài cái “Thông Cáo Chung đưa sự hợp tác toàn diện lên một tầm cao mới” thì… ngay lập tức:
Người anh em 4 tốt, đã“chơi cha” người đồng chí hướng bằng cách: Đâm vỡ
tàu cá của ngư dân Việt trên vùng biển mà cha ông họ đã kiếm sống từ
bao đời, chặt cờ Việt, và ra điều kiện cho tàu cá ta là “muốn sống thì hãy… cắm cờ Tàu cộng”!
Trong khi báo chí Đảng, đang chờ lệnh anh Huynh, chưa dám mở miệng thì:
Ông Võ Minh Vương, chủ tàu kiêm thuyền trưởng của 1 trong hai chiếc tàu cá lâm nạn vừa nói cho biết:
Họ
dùng dùi cui bắt chúng tôi cúi đầu, ai mà có hành động gì là bị đánh,
khiến nhức mình, nhức mẩy hết…Họ lấy hết trang thiết bị, dụng cụ đánh
bắt, hải sản bị lấy cũng hơn 1 tấn…Họ lên chặt 2 cây cờ của tàu tôi vứt
xuống nước. Tôi nhảy xuống lấy cờ lên thì bị họ đánh ngất xỉu luôn…
Còn
Blogger Hà Văn Thịnh từ cố đô Huế kể lại rằng: một người bạn được mời
dự Hội thảo về Biển Đông ở Quảng Ngãi cách đây ít lâu có tâm sự với ông
rằng “điều đau đớn và nhục nhã nhất là khi biết chuyện ngư dân ta, mỗi lần đi đánh bắt xa bờ, muốn sống, an toàn, phải treo cờ Tàu(!)?
Khi GS Hà Văn Thịnh hỏi tại sao chẳng thấy báo chí nói gì về chuyện
này, thì ông “bị ngộ tiếp” là cuộc “hội thảo đó có cho báo chí tham dự
đâu mà tin với tức!”.
Nhưng báo chí nào dám làm trái ý thiên triều khi :
…một số báo vừa nhận được tin nhắn từ điện thoại của ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo TƯ, yêu cầu ngưng đưa tin tiếp về việc ngư dân (Lý Sơn) VN bị TQ bắt giữ, đánh đập vừa qua…
Họ không biết hay cố tình coi thường cái thời đại Internet này rằng: không một chuyện dối trá, bịt miệng nào có thể còn có tác dụng như mấy chục năm trước?
Hay là họ quá kiêu hãnh, quá tự tin khi đã ký kết đối tác chiến lược
được với cả 3/5 nước của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc! Nên họ phớt lờ
hết mọi tin của các “lực lượng phản động” trên các báo chí nước ngoài,
các trang web, blog trong và ngoài nước đã cùng đua nhau đưa các tin về
nạn xâm thực của người Tàu trên đất Việt Nam.
Từ Cà Mâu, đến Lào Cai, Móng Cái, đâu đâu cũng thấy người Tàu, phố Tàu.
Không những ở thành phố mà còn ở cả những miền nông thôn Hà Tĩnh, Thanh
Hóa, Bắc Ninh, Hạ Long với những bức ảnh mà bất cứ người Việt nào cũng
càng nhìn càng thấy.. sôi máu! ….
Vậy
mà tuyệt đối không hề xuất hiện trên mọi tờ “báo anh Huynh”! Trái lại,
cùng thời gian xảy ra những chuyện hệ trọng liên quan đến vận mệnh sống
còn của Tổ Quốc, người ta lại tiếp tục tung ra những chuyện láo khoét,
bịp bợm, lừa đảo, dối trá nhân dân kiểu… muôn năm cũ:
1-/Rùm beng nhất là chuyện đảng ta ra tay chấn chỉnh đội ngũ theo đúng
nghị quyết 4 một cách… “giơ cao đánh khẽ” đến nực cười! Đây nè:
“Về
xem xét kết quả kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Khánh Hòa, Nghệ An: Ngoài các ưu điểm, trong chỉ đạo chưa thường xuyên,
kịp thời cụ thể hóa cơ chế quản lý tài chính đảng; chưa có biện pháp
quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm kinh phí hoạt động cho
các tổ chức cơ sở đảng, nhất là cấp xã, phường; có trường hợp chưa thực
hiện đúng quy định về cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảng; chưa quan
tâm đúng mức việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm
quá trình triển khai các quy định về quản lý tài chính đảng… Các đơn vị
được kiểm tra có khoản thu, chi chưa đúng chế độ. Ủy ban Kiểm tra T.Ư
yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Khánh Hòa rút kinh nghiệm về
những khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra; chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy
tăng cường kiểm tra, giám sát tài chính, nhất là đối với cơ quan tài
chính cấp ủy cùng cấp. Nghiên cứu chuyển đổi mô hình, cơ chế hoạt động
của Nhà khách Tỉnh ủy, Nhà in Báo Nghệ An; thực hiện đúng, đầy đủ các
quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đảng; xem xét, xử lý,
chỉ đạo xử lý các khoản chi chưa đúng quy định...
Và đây nữa:
Ngoài
ra, Ủy ban Kiểm tra T.Ư xem xét, kết luận giải quyết tố cáo đối với các
đảng viên là cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý. Theo đó, Ủy ban Kiểm tra
T.Ư kết luận, đơn tố cáo ông Vũ Văn Sơn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy
Hải Dương, nghỉ ốm dài ngày năm 2008, vẫn được công nhận là đảng viên đủ
tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là có thật. Nội dung tố cáo “khai
hồ sơ có 3 năm sinh (1957, 1958, 1959)”, qua kiểm tra, hồ sơ cán bộ,
đảng viên của ông Vũ Văn Sơn có hai năm sinh (1958 và 1959). Ủy ban Kiểm
tra T.Ư yêu cầu ông Vũ Văn Sơn nghiêm túc rút kinh nghiệm việc bỏ phiếu
đề nghị xếp loại đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,
trong khi bản thân nghỉ công tác dài ngày trong năm. Ủy ban Kiểm tra T.Ư
yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo cơ quan tư pháp của
tỉnh cùng ông Vũ Văn Sơn thực hiện các thủ tục pháp lý để thống nhất một
năm sinh trong hồ sơ theo quy định
Và đây nữa :
Đối
với các ông Nguyễn Huy Dự, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Điện
Biên Phủ; Nguyễn Đức Đuyện, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch
UBND TP.Điện Biên Phủ; Nguyễn Quang Sáng, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh
Điện Biên, nguyên Chủ tịch UBND TP.Điện Biên Phủ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư
quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách, vì đã vi phạm
trong quản lý, sử dụng đất đai.
Còn đây! một vụ tiêu cực dính líu tới cấp Bộ Trưởng được đưa lên giật tít lớn trên trang nhất Tuổi Trẻ 13/7/2013::
“Đơn
tố cáo ông Hà Hùng Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ký
quyết định bổ nhiệm một cán bộ thuộc cơ quan thi hành án dân sự tỉnh
Bình Thuận theo đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân
sự không đúng quy định là có cơ sở. Các nội dung khác không có cơ sở kết
luận. Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu ông Hà Hùng Cường kiểm điểm rút kinh
nghiệm trước Ban Cán sự Đảng;(!?) yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp chỉ
đạo kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên
quan; lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp cấp có thẩm quyền miễn nhiệm chức vụ
đối với trường hợp bổ nhiệm không đúng. Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu Ban
Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức kiểm điểm các ông: Huỳnh Tấn Thành,
nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Võ Duy
Quang, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Thuận, nguyên Cục
trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, do liên quan đến vụ việc trên. Quá
trình kiểm điểm, nếu tổ chức, cá nhân có vi phạm đến mức phải thi hành
kỷ luật thì phải áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm minh.
Kỷ luật hết sức…“nhân văn”! Toàn “rút kinh nghiệm” “ khiển trách”…!!!
Tin ngày 16/7: Toàn quốc không một cán bộ nào bị quá 50% phiếu “tín
nhiệm thấp”!!! Chỉ có hàng loạt Chủ tịch HĐNN, Bí Thư các thành
phố,Tỉnh Thành “tín nhiệm cao” đến 100% mà thôi!
Thế mới biết người ta “bảo vệ, xây dựng đảng” tài tình đến mức nào! Mở mắt ra chưa hỡi bọn…” thoái hóa”?
2-/Các thứ mị dân kiểu ông Nguyễn Sinh Hùng :
“Tôi nhiều năm làm lĩnh vực này trong ngành tài chính, Chính phủ
tôi thấy đau lắm. Dự án nào, cuối cùng Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch
theo tham mưu của các cơ quan cũng cứ điều chỉnh giá lên vùn vụt. Mà
không điều chỉnh không được vì chủ đầu tư, nhà thầu làm đúng luật hết.
Thế là luật dở hay luật đúng mà bắt không được. Các đồng chí phải thấy
được thực tế ấy để thay đổi”….(Thanh niên 14/7/2013)
3-/Hoặc giải thích kiểu “xoa đầu vỗ vai” con nít như:
Sẽ không có ai bị “rớt chức”, cũng sẽ không có vị lãnh đạo nào “lên
chức” sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, chắc chắn, mỗi lá phiếu
“tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, hoặc “tín nhiệm thấp” là một tác động, để
mỗi người tự “giật mình” nhìn lại cả một chặng đường lãnh đạo vừa qua
của mình. Toàn thể cử tri đang kỳ vọng sau đợt lấy phiếu tín nhiệm này
sẽ có những bước chuyển biến theo hướng tích cực trong từng vị lãnh đạo ở
các địa phương.
Hoặc để cho mấy đảng viên “tín nhiệm cao” nhiều nhất nhưng vô đảng leo
lên cấp chủ tịch, bí thư, đại biểu quốc hội sớm nhất lên lớp giảng dạy
cho toàn dân và các bậc cha chú về khát vọng ngàn đời của nhân dân Việt
Nam về chủ nghĩa xã hội!!! Điển hình là ý kiến của bà Quyết Tâm,
mác-xít-lê-nin-nít bẩm sinh, chủ tịch HĐND thành phố HCM đã thay mặt 7
triệu nhân dân Saigon mà tuyên bố:
Nhân dân Sài gòn kiên quyết giữ tên nước là Xã Hội Chủ Nghĩa với những lập luận như:
"Cũng có người phân tích yếu tố Xã hội chủ nghĩa chưa có hoặc đang
có nhưng chưa rõ nét, nhưng rõ ràng đường lối này là nhất quán, chúng ta
đang xây dựng đất nước theo định hướng này. Do vậy ý thức của người dân
thành phố mà thống nhất tên gọi nước Việt Nam hiện nay là hoàn toàn phù
hợp với mong muốn, nguyện vọng thực tế chúng ta đang xây dựng".
Và bà còn tin tưởng tuyên bố như đinh đóng cột rằng thì là:
"12 năm nữa, thu nhập bình quân TP.HCM vượt Bangkok năm 2010"!
Tuy cười không nổi về cái tài kinh tế xã hội chủ nghĩa của bà, nhưng
làm gì phải mất thời giờ bác bỏ những lời nói của những kẻ u mê nhưng có
quyền hành đang lên….nên mình cũng chỉ bỏ qua không thừa hơi luận chiến
….Thì
Đùng một cái... trên mọi phương tiện thông tin lề đảng, lề dân... thối um lên cái tin:
Đảng-Nhà
nước phong quân hàm cấp tướng cho một lô công an mới trong đó có tên
Đaị ca Đỗ Hữu Ca, Giám Đốc Công An Hải Phòng đại tá chỉ huy trận đán…
hợp đồng tác chiến các thứ quân (kể cả cẩu quân!) đánh thắng và tiêu
diệt … “cứ điểm nhà coi đầm tôm” của nông dân Đoàn Văn Vươn! …thì mình
không sao chịu nổi nữa! Sợ lại có người coi đây lại là dịp đùa vui mà
viết bài, vẽ tranh, bình luận tùm lum, mình phải ý kiến gấp về cái vụ
này:
-Đây là một cái tát mạnh nhất vào mặt chúng ta, vào mặt các bạn, vào
mặt tôi, vào mặt cả triệu triệu người dân và hàng vạn nhà báo (lề trái
cũng như lề phải) đã ngây thơ đứng về phía người nông dân vì đã quá tin
vào những lời kết luận “giả vờ”của ông thủ tướng là “việc cưỡng chế vừa qua đối với vụ Tiên lãng là sai hoàn toàn”.
Chỉ cần gõ vào Google mấy dòng “thủ tướng NTD kết luận về vụ Vinh Quang, Tiên Lãng”, lập tức có ngay 23.000 tư liệu (trong cũng như ngoài nước kể cả video clip) về vụ này mà mình trích vài câu sau đây:
“Quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp
luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp
luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên
Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm. Việc Lãnh đạo chính quyền địa
phương chỉ đạo phá nhà của ông Đoàn Văn Vươn là có dấu hiệu vi phạm pháp
luật hình sự cần phải được khởi tố, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm
minh”...
để thấy rằng toàn dân đã bị một cú rơ-ve vỡ mặt qua vụ thăng thưởng lên
cấp tướng cái ông đại tá xấu giai, xấu tính đã từng bị lên án nhiều
nhất nước này!
Cũng thêm một dịp để thấy được cái bộ mặt chai lì “không gì không dám
làm” của một nhóm người luôn nhất trí đồng lòng với nhau trước những sự
kiện có thể ảnh hưởng tới ngai vàng của từng người một trong triều đình
của họ!
Chẳng có 2 phe, 3 cánh gì xất! …Kệ mẹ thằng Google muốn ghi chép gì cứ
ghi! Kệ mẹ ai nghĩ sao thì nghĩ! Coi như tao chưa hề nói!
Và cũng là một dịp để nói lại cho rõ: Chuyện cưỡng chế, phá nhà anh Vươn là đúng đường lối của Đảng!
….Là… những điều anh Ca nói vê “trận đanh hợp đồng tuyệt đẹp, cần in
thành sách giáo khoa cho công an học tập cũng… tuyệt đối đúng!
…Là đừng có mơ tưởng hão sẽ có sự nương tay trong phiên phúc thẩm xét xử vụ Đoàn văn Vươn ngày 29/7 sắp tới đây!
Đau lắm! Nhục lắm! Tức lắm chứ trước cú lật mặt 180 độ này!
Và mình, một người luôn lạc quan, luôn pha trò ngay trong những thời
khắc gay cấn, ác liệt nhất trong 2 cuộc kháng chiến, luôn xử dụng chất
“tếu” trong những sáng tác âm nhạc (tập bài hát “Trường Lục Quân đang
cần lính đánh Tây, Tớ vội vàng bỏ nhà ra đi ngay”, ”Thày tu giết giặc”…
và trong các bài báo , những tham luận, những entries chính luận trên
báo, trên blog để người nghe, người đọc đỡ ngán ngẩm,…bỗng dưng không
sao cười nổi trước những trò cười không đúng chỗ, đúng lúc do cả “phe
ta” (vô tình!) và cả “phe nó” (cố tình) bày ra ?
Đừng
giận tớ, những người bạn ưa chuyện đùa giỡn với các “trò chơi chính
trị” ma trơi, ma xó của bọn họ! Tớ chỉ muốn nhắc một điều “Cẩn thận kẻo
mắc những cái bẫy vui đùa vô thưởng vô phạt do những con cáo trong chế
độ này nó bầy ra để ta lạc mục tiêu, đối tượng chính đó mà thôi! Cho nên
dù ai không thích, tớ cũng phải nói lại là:
TRONG LÚC NÀY ĐÂY, AI CƯỜI ĐƯỢC THÌ CỨ CƯỜI CÒN MÌNH THÌ XIN….CHỊU!
Tô Hải
-----------------
(*) Sáng
17/7/2013 VTV1 đã đưa tin: Bộ GDDT đã chính thức hủy cái “trò vui cho
thêm 2 điềm thi đại học cho các Bà Mẹ Anh Hùng”! Rõ ràng Chìa ra rồi lại
Rút vào như…chơi!
Nguồn: to-hai.blogspot.com
Nguy cơ Trung Quốc - Philippines đối đầu vũ trang
Cuộc đối đầu mới nhất giữa một đội tàu hiện đại của Trung Quốc và một
tàu cũ kỹ của Philippines tại một bãi cạn ở Biển Đông đang gây phương
hại đến tiến trình tiến tới một bộ quy tắc ứng xử. Với việc quân đội
Trung Quốc tiếp tục lấn tới bằng cách củng cố vị thế của họ ở Biển Đông
và Manila quyết không để mất cửa ngõ vào khu vực chứa đựng nguồn nhiên
liệu dồi dào chưa được khai phá, cả Trung Quốc và Philippines đều quyết
không lùi bước.
Bất chấp những nỗ lực gần đầy của khu vực nhằm tìm kiếm một bộ quy tắc
ứng xư ở Biển Đông (CoC), nguy cơ đối đầu vũ trang lại được dịp dấy lên ở
khu vực biển đầy nóng bỏng này. Căng thẳng giữa Trung Quốc và
Philippines đã tăng lên trong những tuần gần đây khi hai nước tranh
giành nhau quyết liệt bãi cạn Second Thomas. Đây thực chất là một nhóm
đảo và rạn san hô nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện
do Philippines chiếm đóng.
Gần một năm sau khi lực lượng bán quân sự của Trung Quốc và Hải quân
Philippines có cuộc chạm trán căng thẳng ở bãi cạn tranh chấp
Scarborough, bãi cạn Second Thomas nổi lên là một điểm nóng mới chứng
kiến sự đối đầu quyết liệt giữa Trung Quốc và Philippines.
Manila đã chiếm đóng bãi cạn Second Thomas bằng cách cho neo đậu cố định
một con tàu bệnh viện đã hoen rỉ có tên là BRP Sierra Madre sau khi nó
mắc cạn ở đây năm 1999. Từ cuối tháng 5, một đội tàu Trung Quốc, trong
đó có cả tàu khu trục của hải quân, bất ngờ bao vây nhóm lính thủy đánh
bộ nhỏ của Philippine đóng tại bãi cạn Second Thomas, làm dấy lên những
cáo buộc cho rằng Bắc Kinh cố tình phong tỏa, ngăn chặn đường tiếp tế
cho lực lượng Philippines ở đây.
Đáp lại, Manila đã phái một đội quân lính thủy đánh bộ mới với nguồn
tiếp tế về nhiên liệu, lương thực và nước uống mới đến bãi cạn
Scarborough. Vào ngày 21/6, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích Manila chiếm
đóng “bất hợp pháp” bãi cạn Second Thomas. Tiếp đó, vào 15/7, Bộ Ngoại
giao Philippines đã đưa ra tuyên bố 8 điểm, trong đó khẳng định sự khiêu
khích của Trung Quốc đã khiến nước này “không thể” tiếp tục theo đuổi
con đường đàm phán song phương về tranh chấp lãnh thổ. Ngay ngày hôm
qua, Bộ Ngoại giao Trung Quốc “phản công”, nói rằng họ không hài lòng
với việc Manila “đóng cửa với đàm phán”.
|
Trung Quốc ngày một lấn tới trong tham vọng độc chiếm Biển Đông. |
Trung Quốc tiến, Philippines quyết không lùi
Đối với người Philippines, duy trì sự kiểm soát bãi cạn Second Thomas
không chỉ là vấn đề "gìn giữ sự toàn vẹn lãnh thổ". Bãi cạn này còn là
cửa ngõ chiến lược để vào Bãi Cỏ Rong cũng thuộc quần đảo Trường Sa, một
khu vực giàu dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên. Chính vì lẽ đó, Manila
quyết không để tuột mất khu vực bãi cạn Second Thomas này. Một quan chức
quân sự hàng đầu Philippines từng tuyên bố sẽ chiến đấu đế người cuối
cùng để bảo vệ bãi cạn Second Thomas, không để nó rơi vào tay Trung
Quốc.
Ngoài việc đối đầu quyết liệt với Trung Quốc, Manila còn tìm cách thắt
chặt hơn nữa quan hệ chiến lược với Mỹ, trong đó có việc khả năng mở
đường cho binh lính Mỹ đến đóng tại nước này. Hồi tháng trước,
Washington đã bày tỏ sự phản đối quyết liệt với bất kỳ hành động dọa
dẫm, ép buộc nào ở Biển Đông. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Mỹ có
cuộc tập trận chung với Philippines.
Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách chiếm bãi cạn Second Thomas làm
bàn đạp tiến vào chiếm đóng Bãi Cỏ Rong chiến lược và giàu tài nguyên.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc đang ra sức củng cố vị thế của
nước này ở khu vực so với Philippines. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng
Trung Quốc được đưa ra cuối năm 2012, nước này có kế hoạch đẩy mạnh hoạt
động xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200
đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó
có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Động thái trên được hiểu là một nỗ lực nhằm tăng cường vị thế quân sự
của Trung Quốc trong khu vực, giúp các nhân tốhải quân và bán quân sự
của họ “thi triển” quyền lực một cách hiệu quả hơn ở các vùng biển tranh
chấp. Cùng lúc, Trung Quốc cũng thường xuyên tăng cường về tần suất và
cả quy mô của hoạt động đưa tàu hải giám và trực thăng hải quân đến khu
vực để giám sát.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, các hoạt động của họ ở vùng tranh chấp được
tuyên bố là để “thực thi quyền chủ quyền không thể tranh cãi” đối với
các khu vực ở Biển Đông. Và với quyết tâm chiếm bằng được khu vực bãi
cạn Second Thomas, Trung Quốc ngày một lấn tới. Một vị tướng Trung Quốc
từng công khai tuyên bố, nước này đang dùng chiến lược “cải bắp” để
chiếm bãi cạn Second Thomas. Theo chiến lược này, Trung Quốc sẽ “gói”
Second Thomas trong nhiều lớp tàu, từ dân sự đến quân sự, chặn nguồn
cung cấp hậu cần để buộc lính Philippines tự động phải rời khu vực này.
Mục tiêu của Bắc Kinh là dần dần tiến tới giành quyền kiểm soát trên
thực tế bãi cạn Second Thomas giống như bãi cạn Scarborough trước đây.
Gần đây, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã đạt
được sự nhất trí về việc tái khởi động các cuộc đàm phán về một bộ quy
tắc ứng xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong lúc này, giới chức Trung Quốc
và Philippines khẩu chiến với nhau dữ dội ngay từ trên bục phát biểu của
hội nghị ASEAN. Những diễn biến trong thời gian qua cho thấy, nguy cơ
đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Philippines đang bị đẩy lên cao bất
chấp tiến bộ đạt được tại hội nghị ASEAN-Trung Quốc.
(VnMedia)
Tỉnh giấc mơ vàng
Kể từ giữa tháng 4 cho đến cuối tháng 6 năm nay, vàng đã mất giá đến 17%
và vào ngày 27/6 gíá vàng đã chạm mức 1.186 USD/ounce, mức thấp nhất
trong vòng 30 tháng qua.
|
Nhiều người tranh thủ lúc vàng đang mất giá đã mua để cất giữ |
Ngân hàng Thụy Sĩ UBS – một ngân hàng rất uy tín trong lĩnh vực kinh
doanh vàng trên toàn thế giới – dự kiến năm 2013 giá vàng sẽ giảm đến
23%. Trong xu hướng này, UBS cũng đã điều chỉnh dự báo của họ về giá
vàng trong hai năm 2014 và 2015, theo đó giá vàng năm 2014 chỉ còn 1.325
USD/ounce và đến năm 2015 giá vàng có thể chạm đáy 1.200 USD/ounce.
(Một ounce vàng tương đương 31,1 gram, trong khi một lượng (lạng) vàng
tương đương 37,5 gram).
Vàng lao dốc?
Như vậy, những tiên đoán của các chuyên gia kinh tế vào đầu năm 2013
rằng một sự hồi phục của nền kinh tế thế giới sẽ đưa đến sự sụp đổ giá
vàng nay đã dần trở nên hiện thực, nhất là sau khi Ben Bernanke, Chủ
tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, tuyên bố cắt giảm 85 tỉ USD mỗi
tháng trong kế hoạch mua công trái của Chính phủ Mỹ, một động thái cho
thấy chính sách tiền tệ sẽ bớt nới lỏng hơn, đồng thời cho biết có thể
tăng nhẹ lãi suất đồng USD khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống dưới 7%.
Đang có những tín hiệu cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ mạnh mẽ hơn, trong khi lãi suất công trái Mỹ đang tăng.
Nhưng liệu giá vàng sẽ chỉ rơi xuống mức 1.200 USD/ounce trong năm 2015
như UBS dự báo? Kinh nghiệm thị trường cho thấy rằng kỳ vọng về sự xuống
giá của một loại sản phẩm được đầu cơ luôn tạo ra một áp lực tâm lý
cộng hưởng bầy đàn lây lan rất nhanh trên thị trường, khiến cho áp lực
đẩy giá xuống sẽ trở nên mạnh hơn và phi lý hơn.
Nếu điều đó xảy ra, không loại trừ kịch bản giá vàng thế giới có thể
tiến gần sát với giá thành sản xuất của nó, tức khoảng 1.000 USD/ounce.
Đâu đó đã có những lời khuyên được truyền tai trong giới kinh doanh vàng
quốc tế rằng mọi người nên sớm tỉnh giấc mơ vàng.
Người chậm chân có thể lâm vào hoàn cảnh trớ trêu “kẻ ăn ốc, người đổ
vỏ” và phá sản như chơi. Donald Selkin, người giúp quản lý 3 tỉ USD tài
sản với tư cách chiến lược gia thị trường của National Securities Corp.
tại New York trong tuần qua đã trả lời Bloomberg News rằng:
“Người ta đã nhận thức rằng vàng đã không còn được cần đến như một nơi
trú ẩn an toàn nữa. Lạm phát đã chấm dứt, mọi người đang nhìn về thị
trường chứng khoán và đang ngây ngất. Và họ tự hỏi: Mình cần vàng để làm
gì đây?”.
Thị trường vàng Việt Nam: thực và ảo
Nhưng tại thị trường vàng Việt Nam, mọi người vẫn đang chậm chân một
cách khó hiểu. Vào cuối tháng 6 vừa qua, khi giá vàng thế giới đang trên
đà giảm mạnh, người dân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn chen chân mua
vàng bất chấp mức giá chênh lệch trên 6 triệu đồng mỗi lượng so với giá
vàng thế giới (tương đương 24%), khi nghe tin tỷ giá đồng bạc Việt Nam
được chính thức điều chỉnh giảm 1% so với đồng đôla Mỹ.
Sự tuột dốc của giá vàng thế giới đang làm lộ rõ những nhược điểm của
thị trường vàng Việt Nam, những nhược điểm gây thiệt đơn thiệt kép cho
cả người tiêu dùng lẫn nền kinh tế.
Trên tiến trình phát triển kinh tế và khi thu nhập của người dân thành
thị tăng lên nhanh chóng, nhu cầu vàng trong nước gia tăng liên tục và
trở nên ảo. Gọi là ảo vì người ta không cần vàng để phục vụ nhu cầu có
thực như trang sức hay nguyên liệu trong công nghiệp mà chủ yếu làm nơi
trú ẩn giá trị.
Nhưng để thỏa mãn nhu cầu ảo này, nước ta đã bỏ ra gần 30 tỉ USD để nhập
khẩu hàng trăm tấn vàng trong hai thập niên qua, biến Việt Nam thành
nước có tỷ lệ dự trữ vàng trong dân so với GDP thuộc vào hàng cao nhất
thế giới (29%).
Không phải là không có lý do mà nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo từ
lâu về các tác hại của tình trạng vàng hóa nền kinh tế Việt Nam khiến
nguồn vốn tiết kiệm được của toàn nền kinh tế đã và đang bị “đông cứng”
dần.
Khi nguồn vốn khả dụng trong nước cần thiết cho đầu tư phát triển ngày
càng suy yếu theo tốc độ vàng hóa ngày càng tăng, nền kinh tế ngày càng
tùy thuộc nhiều hơn vào ngoại lực, nợ nước ngoài gia tăng.
Và một khi ngoại lực suy giảm do ảnh hưởng chung của suy thoái toàn cầu,
tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta buộc phải chững lại. Những
năm vừa qua đã kiểm chứng thực tế này. Hơn nữa, khi nhu cầu ảo về vàng
trong nước tăng lên mạnh, giá vàng trong nước cũng tăng lên theo kiểu
bong bóng.
Điều này khiến cho mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng
thế giới có xu hướng dãn rộng ra. Hiện tượng này gây thiệt thòi không
nhỏ cho người tiêu dùng Việt Nam và càng làm cho nghiệp vụ kinh doanh
vàng miếng tại Việt Nam trở nên quá béo bở.
Huy động vàng: bài học đắt giá
Một nước đang phát triển, cần vốn đầu tư lại có xu hướng vàng hóa nguồn
tiết kiệm trong dân của mình là một nghịch lý khó thể chấp nhận. Nhưng
đề xuất huy động nguồn vốn vàng trong dân vào hệ thống ngân hàng và kinh
doanh nó như một đồng bạc thứ hai, không những không phải là giải pháp
đúng mà còn khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn, gây rủi ro lớn cho
các ngân hàng.
Có một khác biệt giữa huy động tiền đồng và huy động vàng mà ít ai quan
tâm, một khác biệt mang tính nguyên tắc, vốn là cơ sở cho sự an toàn về
thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng thương mại.
Đó là Ngân hàng Trung ương khi thực hiện vai trò người cho vay ở giai
đoạn cuối nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thương mại
những khi cấp bách, chỉ có thể phát hành tiền giấy chứ không thể phát
hành vàng.
Trong thời gian qua, các ngân hàng thương mại huy động vàng trong dân
(ước lượng lên đến 160 tấn) rồi bán ra và dùng nguồn vốn đó vào những
mục đích kinh doanh khác nhau nhưng đều chịu lỗ lã nặng nề do giá vàng
quốc tế biến động khó lường.
Hậu quả là các ngân hàng thương mại đều lâm vào tình trạng khiếm hụt
thanh khoản vàng, không đủ vàng để hoàn trả cho người gởi vàng theo cam
kết ban đầu và không thể tự lo cân đối trạng thái vàng do những quy định
hạn chế gần đây.
Do vậy, chỉ riêng trong vài tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã
phải nhập khẩu và bán ra trên thị trường nội địa gần 40 tấn vàng, chủ
yếu nhằm giúp các ngân hàng thương mại cân đối trạng thái vàng. Công tác
“cứu trợ khẩn cấp” này khiến phải tiêu tốn hàng tỉ USD ngoại tệ dự trữ
quốc gia.
Đây chắc hẳn là một bài học kinh nghiệm đắt giá cho việc huy động tiền
gởi vàng. Chi phí phải trả cho việc bảo đảm uy tín cho các ngân hàng là
quá lớn so với chi phí in ấn tiền đồng. Đó cũng sẽ là một bài học cần
rút ra cho việc huy động tiền gởi ngoại tệ.
Cần sớm chấm dứt hiện tượng vàng hóa
Tình trạng vàng hóa hiện nay nguy hiểm hơn cách đây nhiều năm. Trước
đây, vàng còn được sử dụng như một phương tiện thanh toán cho những loại
hàng hóa có giá trị cao, như nhà đất, xe cộ. Khi thực hiện chức năng
thanh toán, ít ra vàng còn có chút hữu dụng cho sự vận hành và phát
triển của nền kinh tế.
Ngày nay, khi đồng bạc đã đủ sức đảm đương trọn vẹn chức năng thanh
toán, vàng chỉ là một nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của những thành
viên được ưu đãi hơn trong xã hội, làm nới rộng hơn khoảng cách giàu
nghèo. Đối với đồng bạc, vàng không còn là một người bạn đồng hành mà
trở thành một sát thủ.
Một chính sách về vàng đúng đắn phải đảo ngược thành công tiến trình
vàng hóa, bằng cách tạo nên những động cơ kinh tế mạnh mẽ, hấp dẫn người
dân sẵn sàng bán số vàng dự trữ lấy tiền đồng mang đầu tư hay chí ít là
gởi ngân hàng. Mong ước là thế nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại.
Cho dù có sự sắp xếp lại và hạn chế sản xuất vàng miếng, có việc chọn
lựa thương hiệu vàng miếng chính thức duy nhất… nhưng tất cả những động
thái đó vẫn không làm giảm sụt khối lượng dự trữ vàng miếng trong dân,
không làm giảm sụt khối lượng vàng miếng nhập khẩu.
Nhu cầu vàng ảo vẫn được thỏa mãn và đặc biệt trong thời gian nhá nhem
này, trước triển vọng siết chặt kinh doanh vàng miếng trong một tương
lai gần, nhu cầu ảo lại càng gia tăng, nhất là khi kỳ vọng giá vàng tăng
vẫn là kỳ vọng chung của cả giới kinh doanh vàng lẫn người tiêu dùng và
nhà đầu cơ vàng trong nước.
Sự lao dốc của giá vàng thế giới hiện nay có thể làm bong bóng giá vàng
trong nước tan vỡ và điều đó có thể là cơ hội lớn để nền kinh tế nước ta
chấm dứt nhu cầu ảo về vàng. Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong
nước và giá vàng thế giới sẽ thu hẹp lại theo quy luật thị trường.
Nhiều khả năng chúng ta cũng sẽ chứng kiến một điều đảo ngược khác, tích
cực hơn.
Để bình ổn giá vàng trong nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra mua lại số
vàng trong dân để củng cố dự trữ ngoại hối quốc gia. Đảo ngược được
tiến trình vàng hóa của nền kinh tế sẽ là một điều đáng mơước, một sứ
mệnh tuy khó khăn nhưng vẫn có thể khả thi với điều kiện mọi người chúng
ta cùng tỉnh giấc mơ vàng, cùng nhau biến số tiết kiệm khổng lồ đang bị
bất động thành nguồn lợi hữu dụng và hiệu quả không những cho bản thân
mà còn cho nền kinh tế đất nước.
HUỲNH BỬU SƠN
(DNSGCT)
UB Kiểm tra Trung ương làm việc với ông Hồ Xuân Mãn và nhiều người tố cáo
Từ ngày 16-20/7, đoàn kiểm tra Trung ương do ông Lê Hồng Liêm, Phó chủ
nhiệm UBKT TƯ dẫn đầu đã vào Huế làm việc với ông Hồ Xuân Mãn và nhiều
cựu chiến binh tố cáo khác để làm rõ các chi tiết liên quan đến việc
ông Mãn khai man thành tích.
Trong ngày 16/7, đoàn đã làm việc với ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Bí thư
tỉnh ủy TT-Huế - người bị tố khai man thành tích để được danh hiệu Anh
hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Tại buổi làm việc,
ông Hồ Xuân Mãn đã nêu một số ý kiến phản bác lại đơn tố cáo của các
cựu chiến binh - sau khi được đoàn kiểm tra đưa ra hồ sơ tố cáo ông từ
các cựu chiến binh ở Phong Điền. Đồng thời, ông Mãn cũng đưa ra một số ý
kiến, đề xuất cho đoàn kiểm tra giải quyết.
Ông Hồ Xuân Mãn đã có buổi làm việc với đoàn Kiểm tra Trung ương (Ảnh tư liệu)
Sau buổi làm việc với ông Mãn, đoàn đã làm việc với các cựu chiến binh
như ông Trần Văn Minh, nguyên bí thư xã Phong An 1972-1975, ông Nguyễn
Văn Hải, nguyên huyện đội trưởng Phong Điền 1972-1975; ông Trần Văn
Luyện, nguyên Bí thư huyện ủy Phong Điền 1974-1975; ông Võ Sĩ Đài,
nguyên huyện đội trưởng Phong Điền, ông Tạ Hồng Quang, nguyên bí thư
đảng ủy xã Phong Sơn…
Nội dung đoàn kiểm tra làm xoay quanh chủ yếu gặp những cựu chiến binh mà đoàn chưa gặp lần nào, nhằm xác minh thêm chi tiết từng nội dung trong đơn tố cáo về các trận đánh diệt Mỹ, diệt ác ôn của ông Hồ Xuân Mãn.
Nhiều cựu chiến binh khác đã lần đầu được đoàn làm việc trung ương gặp mặt
Trong sáng 20/7, nhiều cựu chiến binh mà đoàn chưa gặp đã đến trụ sở xã
Phong An, huyện Phong Điền - nơi đoàn đang làm việc với ông Tạ Hồng
Quang. Gồm các ông như Hồ Văn Nghĩa, nguyên Trưởng ban an ninh Phong
Điền 1969-1975; ông Lê Văn Uyên, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Phong Điền
1969-1975; ông Hoàng Quốc Pháp, nguyên tình báo Bộ Công an…
Các cựu chiến binh đã gặp đoàn và đề nghị xin được trình bày thêm về vụ
việc ông Hồ Xuân Mãn. Đoàn cũng trả lời sẽ gặp các cựu chiến binh chưa
gặp trong đợt này vào thời gian tới.
Đại Dương
(Dân trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét