Nghịch lý nông nghiệp Việt Nam
Xuất khẩu gạo mỗi năm của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD trong khi nhập khẩu
nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, lúa mì, đậu nành, bột cá…lên tới
hơn 3 tỷ USD. Đây là một nghịch lý của nông nghiệp Việt Nam. Nhất là
trong bối cảnh gạo xuất khẩu giá thấp nhất thế giới người trồng lúa
không có lãi, còn ngành chăn nuôi thì bên bờ vực phá sản vì giá thành
sản xuất cao hơn giá thị trường chấp nhận.
|
Nông dân Việt Nam thu hoạch lúa mùa. AFP photo |
Cần quy định cụ thể
Theo báo mạng Saigon Tiếp Thị, Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam vừa
kiến nghị dùng gạo làm nguyên liệu để tiết kiệm ngoại tệ. Được biết sản
lượng thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay khoảng 14 triệu tấn/ năm.
Trong số này phần nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thức ăn chăn nuôi
gồm 3,3 triệu tấn khô dầu đậu nành (đậu tương), 1,6 triệu tấn bắp (ngô);
2,4 triệu tấn lúa mì, 426.000 tấn bột xương, bột cá… giá trị nhập khẩu
nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm trị giá hơn 3 tỷ USD.
Trả lời chúng tôi, ông Lê Bá Lịch chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi
Việt Nam nói là gạo lức thuộc nhóm cung năng lượng, nên có thể thay thế
lúa mì, hay bắp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi:
“Có khả năng, tôi có thể khẳng định là việc đưa gạo lức vào thay một
phần ngô làm thức ăn cho heo gà là được. Bởi vì các công thức phải cân
bằng amino acid, cân bằng năng lượng, cân bằng đạm, khoáng thì hoàn toàn
có thể sử dụng được.”
Ông Lê Bá Lịch phân tích với giá gạo lức hiện nay 6.600đ-6.700đ/kg thì
rẻ hơn khá nhiều so với lúa mì và bắp nhập khẩu, chỉ riêng hai loại
nguyên liệu này trị giá nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD. Ông Lịch không trả
lời câu hỏi của chúng tôi là, các công ty nước ngoài sản xuất thức ăn
chăn nuôi ở Việt Nam sẽ chịu sử dụng nguyên liệu nội địa hay không, khi
chính họ cũng là nhà cung cấp nguyên liệu từ công ty mẹ ở chính quốc.
Tuy vậy ông Lịch nói đã có một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nội
địa sử dụng gạo lức. Ông nói:
“Hiện nay chưa có qui định nào để bắt buộc phải sử dụng nguyên liệu nội
địa. Nhưng mà Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam khuyến khích các nhà
sản xuất ưu tiên sử dụng nguyên liệu nội địa để khuyến khích sản xuất
nông nghiệp trong nước.”
Theo VietnamNet, cả nước hiện có 233 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi,
trong đó có 58 nhà máy thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy
chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng họ chiếm lĩnh tới 50% thị phần thức ăn chăn
nuôi Việt Nam. Riêng công ty CP Thái Lan, vừa sản xuất thức ăn chăn nuôi
vừa tổ chức chăn nuôi, chiếm 18% thị phần thức ăn chăn nuôi và 30% thịt
gà, 30% trứng gà và 7% thịt heo.
Nhận định về tình trạng ngành chăn nuôi bế tắc, người nuôi bỏ nghề vì lỗ
vốn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từ Hà Nội phát biểu:
“Về chăn nuôi thì Nhà nước đã để cho các nhà đầu tư nước ngoài khống chế
thị trường về thức ăn chăn nuôi và từ đó tạo nên nhiều sức ép đối với
người nông dân, cũng như bản thân họ tổ chức chăn nuôi ở Việt Nam biến
nông dân thành những người làm gia công cho họ và đặt mức giá rất thấp.
Tất cả những việc đó nó gây thiệt hại cho người nông dân, ngành chăn
nuôi bây giờ đang thực sự sống dở chết dở và tương lai hết sức đáng lo
ngại.”
Mối liên hệ chăn nuôi - trồng trọt
Ngoài chuyện kiến nghị sử dụng gạo lức làm nguyên liệu thay thế bắp và
lúa mì, báo điện tử Saigon Giải phóng ngày 25/6 trích lời ông Lê Bá
Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam nhận định, chăn nuôi
và trồng trọt có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. 2 năm nay, xuất khẩu
gạo luôn gặp khó khăn về thị trường và giá cả, vậy tại sao nhà Nước
không mạnh dạn tính tới chuyện chuyển đổi cây trồng, quy hoạch vùng cây
nguyên liệu cho nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi mà cũng là cách để
nâng cao thu nhập cho người dân.
Phần lớn tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam xuất xứ từ đồng bằng sông
Cửu Long, việc khu vực này chuyển đổi cây trồng như bắp, đậu nành để
cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi có mang tính khả
thi hay không. Giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nông
nghiệp miền Nam từ Saigon nhận định:
“Cũng rất khó chứ không dễ, tại vì đồng bằng sông Cửu Long trở ngại lớn
nhất là thủy lợi, kế hoạch bố trí thủy lợi chỉ cho trồng lúa thôi. Nếu
muốn trồng bắp thì phải có một vùng rất lớn qui hoạch trồng bắp chứ
không có lúa được. Nếu xen bắp-lúa thì nước tràn qua lại năng suất cây
bắp lai rất thấp, hiện nay chỉ được hơn 4 tấn/ha thay vì 8 tấn đến 9
tấn, đấy là điều trở ngại. Thứ hai về đậu nành nhu cầu rất lớn, cả nước
phấn đấu hết sức cũng chỉ được 300.000 héc-ta là hết mức. Trong khi sản
xuất đậu nành ở Brazil, Mỹ, Argentina thì trung bình 30 triệu héc-ta,
nói chung ở các nước đó lượng đậu nành hàng hóa lớn lắm.”
Theo lời Giáo sư Bùi Chí Bửu nói với chúng tôi, đồng bằng sông Cửu Long
tối đa chỉ có thể phát triển 100.000 héc-ta đậu nành. Ông cho biết đã
tính toán là có thể bỏ vụ lúa xuân hè, dùng một giống đậu nành bên Mỹ
nghiên cứu chịu được ngập chân rễ thì mới trồng được. Hiện nay đồng bằng
sông Cửu Long có 10.000 héc-ta đậu nành, có tăng gấp 10 lần thì cũng
chỉ đạt 100.000 héc-ta, vẫn không đáng kể so với nhu cầu. Việt Nam phải
có 1 triệu héc-ta đậu nành thì mới có thể khỏi phải nhập, hiện nay mỗi
năm nhập hơn 2 triệu tấn khô dầu đậu nành và 200.000 tấn đậu nành nguyên
hạt để chế biến thực phẩm, ép lấy dầu ăn và tận dụng khô dầu.
Giáo sư Bùi Chí Bửu phân tích, đậu nành ở Mỹ, Brazil hay Argentina có
thể được chính phủ nước họ ngầm trợ giá, mặc dù không công khai và thứ
hai là năng suất của họ rất cao, trung bình 4 tấn/ha. Ngoài ra có những
vùng ở Mỹ đạt 6 tấn/ha thời gian một vụ dài tới 4 tháng. Trong khi đậu
nành Việt Nam trồng xen canh trên đất trồng lúa cho nên yêu cầu của sản
xuất là 80 ngày thôi. Năng suất cao nhất của cây đậu nành ở Việt Nam là
3,5 tấn/ha còn năng suất trung bình toàn quốc khoảng 1,4 tấn/ha. Riêng
đồng bằng sông Cửu Long năng suất trung bình 2 tấn/ha cao nhất cả nước
trong điều kiện sinh trưởng 80 ngày.
Tuy vậy, Giáo sư Bùi Chí Bửu nhấn mạnh là đậu nành Việt Nam hiện nay và
trong tương lai không thể cạnh tranh về giá với sản phẩm nhập khẩu. Ông
nói:
“Giá thành là giá đầu vào chia cho năng suất, nếu năng suất cao lên thì
giá thành mới thấp và năng suất thấp thì không thể cạnh tranh với người
ta. Cho nên hiện nay các doanh nghiệp họ nhập có lãi hơn là mình làm
trong nước.”
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, bắp là nông sản có nhiều khả năng nhất
để nâng cao tỷ lệ nguyên liệu nội địa trong công nghiệp sản xuất thức ăn
chăn nuôi. Sản lượng bắp hiện nay của Việt Nam vào khoảng 4,8 triệu
tấn/năm với tổng diện tích canh tác khoảng 1,2 triệu hec-ta. Hai vùng
trồng bắp nhiều nhất là Tây nguyên và các tỉnh Bắc Bộ. Theo trang mạng
Bạn Nhà Nông, tại Việt Nam bắp là nguyên liệu chính để làm thức ăn chăn
nuôi cho chăn nuôi nhỏ của hộ nông dân và cả trong sản xuất thương mại,
làm thực phẩm cũng như cung cấp cho công nghiệp sản xuất rượu bia, dệt
và dược phẩm. Sản xuất bắp trong nước không theo kịp tốc độ phát triển
chăn nuôi. Lượng bắp nhập khẩu tùy thuộc vào cạnh tranh về giá với nguồn
nguyên liệu khác như lúa mì, tấm và bột khoai mì.
Nghịch lý trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam có lẽ sẽ phải mất
nhiều thời gian mới thay đổi được. Tình trạng xuất khẩu 3,4 tỷ đô la gạo
nhưng nhập khẩu 3 tỷ đô la lúa mì, bắp, đậu nành, bột cá với kết quả
nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo, cho thấy có những lổ hổng về chính sách
và việc thực hiện nó.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-06-28
Vụ “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình: “Nhóm lợi ích” tiếp tục “diễn trò”
Liên tiếp tung hỏa mù, đem lãnh đạo cấp cao ra “hù dọa”, đòi mở rộng,
xây dựng bến xe mới, đổ lỗi cho “nhu cầu đi lại của người dân”,… để
phản đối kế hoạch giảm tải bến Mỹ Đình là những “chiêu trò” mà “nhóm
lợi ích” sử dụng trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, càng tung nhiều “chiêu trò” càng cho thấy sự loanh quanh, cố thủ.
“Đánh bùn sang ao”
Bến xe khách Mỹ Đình bị “vỡ trận” do cấp phép cho quá nhiều xe vào khai
thác là một sự thực không thể chối cãi. Giống như một chiếc phà được
phép chở 800 người nhưng nhồi nhét lên 1.600 người, bến xe Mỹ Đình đã
vượt gần gấp đôi công suất thiết kế (từ 800 lượt xe/ngày lên đến gần
1.500 lượt xe/ngày). Đây là trách nhiệm của người quản lý, cấp phép,
người chịu trách nhiệm trực tiếp là ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.
Ấy vậy mà Sở GTVT Hà Nội vẫn cố tình “đánh bùn sang ao”, báo cáo cấp
trên sai sự thật và tìm mọi cách trối bỏ trách nhiệm, đánh lạc hướng dư
luận. Trong bản báo cáo gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND TP. Hà Nội,
Sở GTVT Hà Nội “biện hộ” nguyên nhân dẫn đến ùn tắc, mất ATGT tại khu
vực bến xe Mỹ Đình là do “nhu cầu đi lại của người dân ở khu vực quá
cao”, “khi nhu cầu không đáp ứng được sẽ hình thành xe dù, bến cóc”, do
công tác quản lý bến yếu kém để “xe dù tự do vào bến”… Tuyệt nhiên
không thấy Sở GTVT nhắc tới trách nhiệm của bản thân mình!
Để xảy ra tình trạng "vỡ trận" bến xe Mỹ Đình, nhưng Sở GTVT Hà Nội tuyệt nhiên không nhắc tới trách nhiệm của bản thân mình.
"Tung hỏa mù" nhằm đánh lừa dư luận
Theo điều tra của PV Dân trí, hiện có cả một “thế lực ngầm” đang
cố thủ đến cùng chống đối chủ trương giảm tải bến xe Mỹ Đình. Mục đích
của nhóm người này là để bảo vệ “lợi ích nhóm”, đi ngược lại với lợi
ích chung của Thủ đô.
Ngày 10/6/2013,
Hiệp hội Vận tải ô-tô Hà Nội lại có Công văn số 18/2013/HH-CV gửi Ban
Thường vụ Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đề nghị “hoãn việc điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải cho bến xe Mỹ Đình”
với những lập luận mập mờ, đánh tráo khái niệm, không có cơ sở khoa
học và pháp lý, tổ chức trên đã ngang nhiên đề nghị “ngừng việc giảm
tải bến xe Mỹ Đình và bố trí luồng tuyến theo hướng
Đông-Tây-Nam-Bắc”(!?).
Để chống lại kế hoạch giảm tải bến xe Mỹ Đình, nhóm người này “tung
tin” rằng kế hoạch trên là “vi phạm quy hoạch của TP. Hà Nội và của Thủ
tướng Chính phủ”, cần phải “mở rộng bến Mỹ Đình, xây dựng bến mới rồi
mới tính đến chuyện giảm tải”!?. Điển hình là trường hợp ông Bùi Danh
Liên- Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội với văn bản kiến nghị “lạ đời” mà
Dân trí đã phản ánh. Sau khi “diễn trò” “tung hỏa mù” nhằm “dọa” lãnh đạo TP. Hà Nội nhưng bị Báo Dân trí
và nhiều cơ quan báo chí khác "bóc mẽ", mới đây ông Liên lại đăng đàn
cho rằng những “lưu ý” về “quê” một số lãnh đạo cấp cao ghi trong văn
bản kiến nghị chỉ là “nội bộ”. Vậy là ông Liên lại tiếp tục “diễn trò”,
“nội bộ” gì khi văn bản được đóng dấu đỏ, ký tên gửi đi nhiều nơi?
Ông Liên lại tiếp tục “điệp khúc” cần mở rộng bến xe Mỹ Đình để phản đối kế hoạch giảm tải bến xe này.
Hãy nhìn vào con số này
Nếu không có đủ thông tin về tình hình hoạt động bến xe ở Hà Nội hẳn
nhiều người sẽ bị đánh lừa bởi yêu cầu “mở rộng bến Mỹ Đình, xây dựng
thêm bến mới”. Tuy nhiên, theo số liệu từ Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có 6 bến xe khách với tổng
công suất thiết kế trên 5.000 lượt xe/ngày. Trong khi đó, tại 6 bến xe
khách liên tỉnh vào những thời điểm cao nhất, tổng công suất mới chỉ
đạt khoảng 3600 lượt xe/ngày, tức còn có thể tiếp nhận trên 1.500 lượt
xe/ngày.
Như vậy, theo nhiều chuyên gia vận tải, vấn đề chính của Hà Nội là ở
khâu tổ chức, sắp luồng tuyến, vận tải khách một cách khoa học, hợp lý,
tránh tình trạng chồng chéo, bến thì thưa thớt, bến thì nhồi nhét, quá
tải. Việc luồng tuyến lộn xộn, “xe dù, bến cóc”, quá tải bến Mỹ Đình…
chỉ là sự thể hiện đỉnh điểm của việc không tuân thủ quy hoạch.
Tại công văn số 14/2013/HH-CV ngày 23/5/2013 của Hiệp hội Vận tải Hà
Nội gửi Văn phòng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, ông Bùi Danh Liên, Chủ
tịch Hiệp hội đã phải thừa nhận: "Việc nhượng "lốt", bán "lốt" giữa các
doanh nghiệp, Hợp tác xã vận tải là có thật, mỗi "lốt" có khi lên cả
trăm triệu đồng". Tuy nhiên ông Liên "lý luận" rằng: "Nhưng họ làm tay
bo giữa các đơn vị, là quan hệ dân sự..."
Bằng Kế hoạch số 735 chấn chỉnh vận tải khách liên tỉnh, sắp xếp lại
luồng tuyến xe khách, giảm tải bến xe Mỹ Đình ngày 3/6/2013, Sở GTVT Hà
Nội đã thực sự muốn thực hiện quy hoạch điều tiết vận tải theo hướng
Đông-Tây-Nam-Bắc do chính Sở ban hành cách đây 7 năm. Việc làm này đã
nhận được sự ủng hộ của đông đảo doanh nghiệp vận tải cũng như dư luận
báo chí.
Do đó, ý kiến “mở thêm bến mới, mở rộng bến Mỹ Đình rồi mới tính đến
chuyện giảm tải bến Mỹ Đình” thực sự là lạc lõng, thiếu cơ sở thực tiễn
và pháp lý, chỉ nhằm mục đích bảo vệ cho “nhóm lợi ích” đang hoành
hành cố thủ bấy lây nay.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghi ngờ có bảo kê của ngành giao thông Hà Nội
Sáng ngày 29/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban ATGT
Quốc gia bức xúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về ATGT
quý II/2013.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi sẽ kết luận Sở Giao thông –
Vận tải Hà Nội, Công an Hà Nội “bảo kê” cho các doanh nghiệp vận tải
nếu Hà Nội không chấm dứt tình trạng bến xe lộn xộn, taxi gian dối tranh
giành, lừa khách du lịch làm xấu hình ảnh thủ đô".
Cũng liên quan đến vụ việc trên, ngày 28/5, Văn phòng Chính phủ đã có
công văn hỏa tốc số 4293/VPCP-TTĐT gửi UBND TP. Hà Nội, Bộ GTVT, Ủy ban
An toàn giao thông Quốc gia nêu rõ:
Trong thời gian qua, một số báo (Đến nay Báo Dân trí đăng 13 bài liên
tiếp – PV) đăng loạt bài viết phản ánh tình trạng quá tải trầm trọng,
hiện tượng “xe dù”, “bến cóc” gia tăng và những bất cập trong việc cấp
phép các tuyến xe tại bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội), gây ảnh hưởng trật
tự an toàn giao thông khu vực, có biểu hiện tiêu cực tham nhũng...
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy
ban An toàn giao thông Quốc gia giao UBND TP. Hà Nội kiểm tra, làm rõ
sự việc báo nêu; Chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao
thông quốc gia có biện pháp xử lý triệt để những bất cập trong tổ chức
hoạt động của các bến xe khách trên địa bàn TP. Hà Nội, bảo đảm an toàn
giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn Thủ đô; báo cáo kết quả lên
Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, sau loạt bài điều tra công phu, bền bỉ của PV Dân trí,
đến nay vụ "vỡ trận" tại bến xe Mỹ Đình bước đầu đã được khắc phục. Tuy
nhiên, xung quanh vụ "vỡ trận" này vẫn còn nhiều "uẩn khúc", bất cập mà
Bộ GTVT, Ủy Ban ATGT quốc gia, UBND TP. Hà Nội cần khẩn trương vào
cuộc giải quyết dứt điểm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các
doanh nghiệp và hàng triệu hành khách sử dụng dịch vụ tại bến xe Mỹ
Đình.
|
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Bài và ảnh: Vũ Văn Tiến
(Báo Dân trí)
Từ cầu Nhật Tân đến hậu quả vốn vay nước ngoài
Mỗi khi kết thúc Hội nghị các nhà tài trợ, hàng chục năm qua, Việt Nam
luôn hoan hỉ loan tin viện trợ ODA (đa số là vốn vay) cho Việt Nam năm
sau tăng hơn năm trước với con số cam kết là hàng tỉ hàng tỉ USD, và lấy
đó làm thành tựu chính trị. Ai cũng biết Nhật Bản luôn dẫn đầu, là nước
cho Việt Nam vay tiền nhiều nhất và hầu hết ném vào các lĩnh vực phi
sản xuất trong đó lớn nhất là xây dựng – lĩnh vực có mức độ tham ô cao
nhất. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay này vẫn là đề tài cấm kỵ tại cả hai
quốc gia. Đã có một chút gợn sóng sau vụ PMU18, vụ hành lang Đông –
Tây, vụ sập cầu Cần Thơ song những con sóng này đã nhanh chóng bị giới
“buôn ODA” đứng sau dập tắp.
Nước Nhật hôm 25/6/2013 đã thực sự sốc bởi bài đăng tải trên nhật báo
Asahi Shimbun xung quanh câu hỏi về viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam.
Tác giả bài viết là giáo sư Ari Nakano (chuyên gia nghiên cứu hàng đầu
của Nhật Bản về Việt Nam). Câu hỏi lớn nhất đặt ra là hiệu quả của cái
gọi là “đối tác chiến lược” (bài báo để hai chữ này trong ngoặc kép)
giữa Việt Nam và Nhật Bản trong giai đoạn tới được các chính trị gia hai
nước đang miệt mài tô vẽ mà sau nó là nhiều chục tỉ USD tiền vay sẽ
được chia đều cho từng công dân Việt Nam trả nợ. Lo ngại lớn nhất được
tác giả đưa ra, minh chứng bằng dự án Bô-xít Tây Nguyên và dự án Nhà máy
điện nguyên tử Ninh Thuận, là sự thiếu minh bạch, không có sự tham gia
của người dân và các tổ chức phản biện độc lập. Vắng đi nền tảng này,
các khoản vay chỉ đơn thuần là cuộc tiêu tiền xa xỉ, không mang lại
những giá trị phát triển bền vững, thậm chí tổn hại đến lợi ích lâu dài
của nước đi vay.
|
|
Thật vậy, tại dự án cầu Nhật Tân, trước khi khởi công, hàng nghìn dân
ngay tại chân công trình chưa bao giờ được nghe tới cái tên, chứ chưa đề
cập chuyện được tham gia vào quá trình chuẩn bị dự án xây dựng cây cầu
tỉ USD này. Các công ty tư vấn của Nhật ăn theo khoản vay đứng sau đạo
diễn tất tật với các vai diễn xuất sắc của một số quan chức trong bộ máy
chính quyền Việt Nam. Thế là để hợp thức việc tiêu một khoản tiền khổng
lồ hàng tỉ USD, “tập đoàn lợi ích” – tạm gọi như vậy – bẻ cong quy
hoạch, vẽ ra các báo cáo rất hay về lợi ích của cái gọi là mạng lưới
giao thông mới với tâm điểm là cây cầu tỉ đô. Tập đoàn này thiết kế
nhiều chuyến thăm lẫn nhau cho các quan chức nhằm làm ra vẻ có tí “chính
trị” trong này. Nhiều đánh giá tác động, thuyết minh hiệu quả dự án
được vẽ ra như thật. Lộ liễu nhất là màn lấy ý kiến người dân chịu tác
động trong đó báo cáo rởm này loan ra rằng người dân nhất trí với các
phương án mà tư vấn thiết kế đề xuất (sự thật là hoàn toàn ngược lại).
Kịch tính nhất của show diễn nằm ở màn kết – ký kết Hiệp định vay vốn.
Chính trị gia hai bên cùng ký vào tờ giấy có giá trị tỉ đô rồi trao bút
cho nhau, sâm banh nổ bùm bụp, đằng sau là các con buôn ODA với vẻ mặt
vô cùng hoan hỉ. Cái nút chính của tờ giấy trên là: chỉ công ty của Nhật
Bản được làm tổng thầu của gói vay tỉ đô. Đấu thầu ư? Chuyện vặt. Ba
nhà thầu đều là quân xanh quân đỏ, “cổ cánh” với nhau thông thầu nâng
giá lên gấp 5-10 lần giá trị thực tế là xong. Chính trị gia nước vay
đứng sau sẵn sàng chấp nhận cái giá phi lý này. Thực tế là khoản này đã
được “vo” trước khi ký hiệp định.
Triển khai dự án. Về lý thuyết, máy móc, trang thiết bị, vật liệu, con
người, công nghệ là của Nhật với chất lượng Nhật, tiêu chuẩn Nhật nên
đơn giá cũng phải cao như ở Nhật. Trên thực tế, toàn bộ công việc đều
được ông tổng thầu Nhật giao cho các nhà thầu phụ Việt Nam và thi công
với giá Việt Nam, với công nghệ Việt Nam, con người Việt Nam, vật liệu
Việt Nam và... chất lượng Việt Nam. Các nhà thầu phụ Việt Nam, vốn đang
đói việc, lao vào giành hợp đồng thầu phụ như thiêu thân, thậm chí sẵn
sàng ký hợp đồng dưới giá thị trường để giữ quân, giữ máy – còn hơn để
không và chịu hao mòn. Thậm chí có đơn vị ký xong hợp đồng liền bán luôn
cho đơn vị khác kiếm tiền tươi thóc thật. Chất lượng công trình thì
tính sau, cốt giành hợp đồng cái đã. Có hạng mục mà thực hiện một mét
khối vật liệu trong công trình, đơn giá của tổng thầu Nhật được ký là
1000 USD, đến tay thầu phụ của Việt Nam chỉ còn ngót nghét 2 triệu VND
(xấp xỉ 100 USD). Tổng thầu Nhật không phải làm gì mà tự nhiên được
hưởng hơn 900 USD trên mỗi mét khối hạng mục này của công trình (ăn hơn
90%). Dĩ nhiên, khoản chênh này tổng thầu Nhật không ăn cả được mà phải
chia theo danh sách đã có.
Nhờ có cái danh sách ăn theo dài đằng đẳng trên mà cầu Nhật Tân được đội
lên gần 20.000 tỉ VND (gần 1 tỉ USD). Cùng là cây cầu vượt sông Hồng
(dĩ nhiên quy mô có khác nhưng không nhiều), cầu Vĩnh Tuy sử dụng nguồn
vốn trong nước chỉ tốn 3600 tỉ VND. Sau trượt giá và thất thoát đội lên
thành 5500 tỉ VND.
Một điều mà cả ta và Nhật đều giấu ở công trình cầu Nhật Tân là tỉ lệ
kinh tế nội hoàn (IRR – nếu tính chi tiết) thì hơn 50 năm công trình vẫn
chưa thu hồi được vốn. Tức, nó sẽ hỏng trước khi hoàn vốn. Nói cách
khác, làm cây cầu này chỉ mang lại giá trị âm, ngoại trừ được cái tiếng
là Việt Nam có cây cầu to nhất Đông Nam Á và cái túi của giới buôn ODA
cùng chính trị gia Việt được đút căng phồng. Hậu quả lâu dài là, cùng
với nhiều khoản ăn vay khác, cầu Nhật Tân đang góp phần đắc lực khiến
mỗi công dân Việt Nam dù mới chào đời đã được vinh dự khoác lên mình món
nợ nước ngoài giá trị 4 con số (con số này vẫn đang gia tăng năm sau
cao hơn năm trước).
Nguy hiểm hơn. Một cầu Cần Thơ, làm ăn bát nháo chỉ gây ra cái chết oan
uổng cho vài chục mạng. Một cầu Nhật Tân làm ăn bố láo chỉ đem lại thiệt
hại gần tỉ USD cho Việt Nam. Một nhà máy điện hạt nhân, với văn hóa ăn
xỗi ODA kiểu như trên sẽ giết chết nhiều triệu người, gây thảm họa lâu
dài không những đối với nước ta mà cả khu vực và thế giới.
Cầu Nhật Tân
(Blog Cầu Nhật Tân)
Nguyễn Thông - Thế này mà gọi là pháp luật ư?
Hoàn toàn tôi chả muốn thả chữ nào về vụ án xử mấy cô gái bán dâm và môi
giới bán dâm bữa qua. Chẳng qua tôi không muốn dính vào trò xử đó.
Nhưng báo chí thì cứ lồng lộn lên, báo in báo mạng, đài phát thanh,
truyền hình, cả chính thống lẫn không chính thống. Vậy mà cuối cùng cầm
lòng chẳng đậu. Nhưng dứt khoát không nói chi về "tội" của mấy cô gái
đó, chỉ nói chuyện tòa, chuyện báo.
Xứ ta hầu như ngày nào cũng mở tòa, ngày nào cũng kết án. Tội phạm
nhiều, luật hình lắm nên tòa bận rộn. Tuyên đúng người đúng tội là đương
nhiên, nhưng oan sai cũng chả thiếu. Cái cần xử kín thì hở toang toác,
vụ cần công khai thì lại dấm da dấm dúi. Nhìn vào chỗ thần công lý ngự
trị nhiều khi thấy cũng nực cười.
|
Ảnh của mạng kênh14.vn |
Giở lại vụ xử mấy cô gái trên. Tất nhiên các cô ấy phạm luật, mà đã vi
phạm thì phải chịu sự phán xét của pháp luật, nên tôi không có ý bênh họ
(phải nói trước ra như thế). Xứ ta cấm hành nghề mua bán dâm. VN chứ
không phải Hà Lan hay nước Đức. Không có phố đèn đỏ, chỉ luật đỏ thôi,
vượt lằn ranh thì ráng chịu. Nhưng...
Đối với người đàn bà, hầu hết khi chọn sự bán dâm để sống tức là đã chả
còn cách nào khác phù hợp với chính mình. Chấp nhận sự khinh rẻ của cộng
đồng, xã hội. Vì tham tiền, muốn hưởng thụ, lười lao động, ham muốn
thân xác, bị đẩy vào bước đường cùng... thôi thì đủ thứ lý do. Muốn lên
án họ thế nào cũng được. Những cô bán dâm nhưng vẫn cố ý giấu diếm tức
là trong họ vẫn còn chút mong muốn quay trở lại cuộc sống bình thường.
Vậy mà tòa nỡ lòng nào, báo chí truyền thông nỡ lòng nào phơi bày giữa
thanh thiên bạch nhật. Ừ thì để cảnh báo, để làm gương, để rút ra bài
học, để kẻ khác thấy mà chừa. Nhưng liệu có hồ hởi hăng hái tàn nhẫn
thái quá chăng khi chưa xử đã công bố ngày này ngày nọ lôi ra tòa, khi
xử thì mở cửa không khác gì tháo khoán cho người đến coi mặt bọn "đĩ"
(dư luận kháo như thế), mời đủ cơ quan báo chí truyền thông, muốn quay
phim chụp ảnh phỏng vấn cứ thoải mái. Phòng xử chật ních. Nhà báo đông
hơn kiến cỏ. Có cảm giác nếu xử trùm phát xít Hitler cũng không đến nỗi
thế. Mấy "cô gái sông Hương" ấy co ro nhưng con giun con dế giữa tòa,
trong vòng vây trùng điệp của những người có nhân cách hơn họ. Dù tòa có
tuyên án nhẹ, án treo, thậm chí trả tự do ngay sau đó thì cũng đã phăng
một nhát dao tàn nhẫn chặt nốt đường về của họ. Phụ giúp đắc lực cho
tòa là những anh chị nhà báo hăng hái kia, những người từng đọc leo lẻo
truyện Kiều "chữ trinh còn một chút này/Chẳng cầm cho vững lại giày cho
tan". Lôi người đàn bà đang mắc nợ nhân phẩm ra trước chợ người, liệu
tòa có chút băn khoăn nào không nhỉ? Dí cái ống kính máy ảnh vào tận mặt
người ta trong giới hạn cuối cùng của lương tâm, thử hỏi các nhà báo có
cảm thấy đắng chát lòng không nhỉ?
Giá như xử "mấy tên phản động" Hà Vũ, Điếu Cày, tòa lôi ra công khai thế
này, cho báo chí tung hoành tác nghiệp thế này để dân tình thấu hiểu
"tội lỗi của chúng" có phải hợp lý hợp tình không. Và ngược lại, với mấy
cô gái ấy, lôi toẹt vào cái phòng kín, cấm tiệt bọn báo chí, ngắt điện
tivi, thì dù án tuyên thế nào chăng nữa cũng vẫn có chút tình người.
Giật mình thu nhập của 70% dân số
Kết quả điều tra từ 2006 – 2012 có trên 20% số hộ giảm chi tiêu về lương
thực, thực phẩm. 50% số hộ được điều tra phải vay nợ để trang trải
trong cuộc sống và sản xuất. Trong đó tiền nợ chủ yếu là vay tư nhân,
còn nguồn vay từ ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%.
Đó là thông tin được TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (IPSARD)
Chia sẻ trong buổi hội thảo “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn
từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình (VARHS) ngày 27/6.
Thu nhập và chi tiêu của các hộ nông dân tăng trong giai đoạn 2006 –
2010 đang ngày càng giảm mạnh. Tiết kiệm của hộ gia đình nông thôn hiện
nay chỉ khoảng 5 – 8 triệu đồng/hộ/năm, chiếm từ 10 – 15% thu nhập của
mỗi hộ. Tiết kiệm của các hộ gia đình nông thôn (80%) được giữ dưới dạng
vàng hoặc tiền mặt và sử dụng cho mục đích dự phòng khi có rủi ro xảy
ra về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già, rất ít được tiết kiệm cho
mục đích đầu tư.
Nói về mức độ tăng thu nhập của hộ gia đình nông thôn đang giảm dần
trong những năm trở lại đây, ông Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính
sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) cho biết:
“Mặc dù 3 cuộc điều tra gần đây đúng vào thời điểm kinh tế Việt Nam và
Thế giới gặp khó khăn, nhưng nhìn chung mức sống của người dân được cải
thiện, bộ mặt nông thôn tiếp tục chuyển đổi tốt, sản xuất nông nghiệp
tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, càng về sau, đặc biệt cuộc điều tra năm
2012 cho thấy tốc độ tăng về thu nhập của người nông dân càng ngày càng
giảm, đặc biệt khó khăn diễn ra ở những nhóm nghèo nhất”.
|
Dù làm việc rất vất vả nhưng thu nhập của nông dân giảm mạnh những năm gần đây.
Ảnh: Quỳnh Anh |
Ông Sơn cũng cho biết thêm: “Thu nhập của người dân suy giảm khác nhau
giữa các vùng, rõ nhất là ở những vùng sản xuất hàng hóa lớn, cả đồng
bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long nơi mà sản xuất lúa, cà phê,
cá da trơn những năm vừa rồi đem lại thu nhập lớn cả cho nông dân và
doanh nghiệp. Những thay đổi lớn như hiện nay đang gây khó khăn cho cả
người sản xuất và kinh doanh, thêm vào đó có 2 nhóm sản xuất hết sức
quan trọng như nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm và nhóm chăn nuôi, gặp phải
khó khăn rất lớn suy giảm về thu nhập, sức mua trong nước giảm, thị
trường thế giới. Giá đầu vào tăng đặc biệt là thức ăn chăn nuôi, thêm
vào đó bệnh dịch cả cho gia súc và thủy sản”.
Xoay quanh mức thu nhập của hộ nông thôn giảm, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
cho biết, thu nhập từ nông nghiệp giảm dần, thu nhập từ tiền công tăng
nhẹ, thu nhập từ các hoạt động phí chính thức tăng lên. Tỉ lệ nghèo
không giảm trong giai đoạn 2010 – 2012 đi cùng với việc tăng số hộ tái
nghèo.
Những rào cản khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất được chỉ
ra là đất đai phân tán, manh mún; các yếu tố đầu vào trong sản xuất tăng
cao trong khi thông tin thị trường và chính sách hỗ trợ yếu. Vấn đề
tiêu thụ, chế biến và bảo quản nông sản là những vướng mắc lớn chưa thể
giải quyết.
Cũng tại hội thảo Thạc sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, cán bộ IPSARD chia sẻ:
Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các
thảm họa thiên nhiên, thiệt hại hàng năm do thiên tai là 1,5% GDP và
ảnh hưởng trực tiếp tới 9000 người. Trong đó mùa màng và chăn nuôi bị
ảnh hưởng nặng nề do thiên tai và dịch bệnh.
Từ số liệu nghiên cứu của (IPSARD) đưa ra, hiện có tới 50% số hộ gia
đình nông thôn chịu cú sốc về thu nhập, bà Nhàn cho biết: Sốc ở đây có 2
loại, thứ nhất là sốc tập thể tức là khi xảy ra cả làng cả huyện cả
tỉnh cùng phải chịu, thứ hai là sốc cá nhân chỉ từng gia đình bị, xảy ra
khi có người ốm đau, kinh doanh thua lỗ. Những bằng chứng thu thập được
chỉ ra nguy cơ tổn thương trước các cú sốc mang tính cá nhân đặc biệt
do vấn đề sức khỏe.
Kết quả điều tra từ 2006 – 2012 có trên 20% số hộ giảm chi tiêu về lương
thực, thực phẩm. 50% số hộ được điều tra phải vay nợ để trang trải
trong cuộc sống và sản xuất. Trong đó tiền nợ chủ yếu là vay tư nhân,
còn nguồn vay từ ngân hàng chỉ chiếm hơn 13%.
Ông Đặng Kim Sơn bày tỏ lo ngại, trong 3 năm 2010 – 2012, niềm tin của
người dân có phần thay đổi. Giới trẻ vẫn tiếp tục giữ vững lòng tin vào
tương lai nhưng lớp già, trung niên, chủ hộ, có một sự thay đổi đáng kể
trong niềm tin, họ lo ngại về tương lai cụ thể nếu năm 2008 tổng mức độ
niềm tin của người dân thuộc dân tộc Kinh và các dân tộc khác chiếm xấp
xỉ gần 90% thì năm 2012 giảm xuống còn 81%.
Qua đây ông Sơn khuyến nghị: "Phải thừa nhận nông nghiệp vẫn là mặt trận
hàng đầu giúp cho đất nước đi qua khó khăn trong tình hình hiện nay và
nông dân là lực lượng chủ lực trong quá trình đó. Đã đến lúc chúng ta
phải nhanh chống hỗ trợ cho nông nghiệp, giúp cho nông thôn phát triển
để nông dân có thể phục hồi sức lực để đứng vững, vượt qua khó khăn".
Phạm Thơm
(Infonet)
Khoa học Việt Nam trên đầu họng súng
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, khoa học Việt Nam đang được liên
kết chặt chẽ với các nhu cầu quân sự. Sự phát triển của khoa học ở đất
nước này, vì thế, dường như đang đứng trước một khúc quanh mới…
Ngày 22 tháng Tư, 2013, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Thượng tướng
Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu: “Chúng ta từng bước
hiện đại hóa quân đội. Khi hiện đại hóa quân đội phát triển ở mức cao
thì nó sẽ quay lại giúp phát triển kinh tế đất nước, ví dụ khoa học công
nghệ quốc phòng phát triển thì có điều kiện chia sẻ nguồn lực cho các
lĩnh vực khác” (1)
Những diễn tiến của khoa học Việt Nam gần đây diễn ra gần như phù hợp
hoàn toàn với những gì tướng Vịnh tuyên bố. Sự xuất hiện của giới quân
sự tại hội nghị triển khai Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch
do Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM tổ chức ngày 15 tháng Ba như một khúc
dạo đầu đẹp (2).
|
Sự có mặt của giới quân sự tại hội nghị triển khai Chương trình phát
triển công nghiệp vi mạch do UBND TPHCM tổ chức ngày 15/3. Ảnh: ICT NEWS |
Ba tháng trước đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã mạnh tay ký
Quyết định số 6358 ngày 14 tháng Ba, 2012 phê duyệt Chương trình phát
triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 – 2020
(3). Gọi là “mạnh tay” vì Chương trình này mang theo một sức nặng đáng
kế nguồn kinh phí khủng, lớn hơn bất cứ chương trình nghiên cứu khoa học
nào từ trước đến nay tại TPHCM – hơn 7500 tỷ đồng cùng những tham vọng
ngút trời. Xen lẩn vào mục tiêu phục vụ kinh tế-xã hội, Chương trình còn
đặt mục tiêu “Nghiên cứu, cung cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho
Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, giảm dần sự phụ thuộc và tiến đến
thay thế hoàn toàn các sản phẩm điện tử của nước ngoài”. Trong hơn 7500
tỷ đồng đầu tư, Chương trình đặt trọng tâm vào việc xây dựng một nhà máy
sản xuất chip điện tử tại Khu công nghệ cao TPHCM, diện tích 10ha, với
vốn đầu tư 6.600 tỷ đồng.
Trả lời báo chí trong nước, ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TPHCM,
Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM cho
biết “Mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch (Việt Nam) đạt 100-150 triệu
USD, góp phần tích cực cho việc đổi mới công nghệ quốc phòng và gia
tăng tính bảo mật trong an ninh quốc phòng.
Sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp vi mạch theo đó sẽ góp phần làm
giảm nhập siêu và kiềm chế lạm phát; nâng cao giá trị sản phẩm điện tử
trong nước với mức lợi nhuận từ 20-30%; tăng sức mạnh cạnh tranh của nền
kinh tế nhờ giảm chi phí phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng và
trong xuất khẩu, cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu (4).
Hoành tráng, nhưng giống như một lâu đài xây dựng trên cát… Một chuyên
gia trong lĩnh vực vi mạch (đề nghị không nêu tên do tính chất nhạy cảm
của vấn đề) phát biểu “việc chế tạo vi mạch với các điều kiện nước ta là
ảo tưởng, không thể hiện thực được do không thể thương mãi. Lý do là
chưa điều tra rõ ràng về đầu ra: Sản phẩm sản xuất xong bán đi đâu trong
khi chưa rõ giá cả, phẩm chất, đặc biệt khả năng sản xuất sản phẩm đa
dạng và số lượng theo đòi hỏi thị trường. Như vậy quyết định mấu chốt
ban đầu để có thể thành lập một nhà máy sản xuất vi mạch là do các nhà
kinh tế, kinh doanh chứ không phải của các nhà kỹ thuật. Ngày nay,việc
nghiên cứu, triển khai mà không gắn kết với kinh tế, công nghiệp sản
xuất sẽ dễ dàng bị “thui chột” nhanh chóng”.
|
Máy bay không người lái do này do Viện Công nghệ không gian nghiên cứu, chế tạo. Ảnh:ICT News |
Để dễ hình dung thực trạng của ngành vi mạch Việt Nam hiện nay, vị này
dí dỏm, “việc thiết kế thành công các phần mềm để chế tạo IC (chip điện
tử) giống như chúng ta đi được một quảng đường từ Sài Gòn đến Biên Hòa,
còn việc từ phần mềm đã thiết kế để tiếp tục chế tạo thành IC là một
quảng đường …từ Biên Hòa đến New York!”
Trong một nền kinh tế thị trường lành mạnh, ý kiến trên có thể được xem
là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, trong điều kiện Việt Nam, điều rõ ràng
là các phù thủy có thể phù phép biến ước mơ không tưởng thành điều có
thể – sự thành công của chương trình. Có thể thấy rõ điều này qua một
số ý kiến đề nghị nhà nước phải là khách hàng lớn nhất cho các sản phẩm
vi mạch này (5)!
Một sự kiện khác diễn ra ra gần đây là đề tài “Nghiên cứu chế tạo tổ hợp
máy bay không người lái phục vụ nghiên cứu khoa học”. Đề tài này do
Viện Công nghệ không gian thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt
Nam thực hiện (6). Đề tài được triển khai chính thức từ năm 2011 và tiến
hành bay thử vào ngày 3/5/2013. Kinh phí cho đề tài là 12 tỷ đồng. Sau
khi bay thử nghiệm, đã nảy sinh một cuộc tranh cãi giữa Quân chủng Phòng
không – Không quân với nhóm nghiên cứu khi quân chủng này cho rằng,
mình mới là cơ quan đầu tiên chế tạo máy bay không người lái ở Việt Nam.
Cuộc tranh cãi khiến Báo Quân đội Nhân dân đưa bài viết phàn nàn tình
trạng “giẫm chân lên nhau” trong quản lý nghiên cứu (7).
Trong những điều kiện trên đây, khó có thể nói rằng nền khoa học Việt
Nam sẽ phát triển lành mạnh dựa trên cơ sở niềm đam mê khám phá, truyền
cảm hứng sáng tạo, mong muốn có ích cho xã hội trên một tư duy hệ thống.
Cùng với đó là một thể chế nghiên cứu khoa học dựa trên sự minh bạch
thông qua việc công bố các bài báo khoa học, hay thủ đắc các bằng sáng
chế.
Cuối cùng, “sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền khoa học và
công nghệ của Việt Nam là một thất bại” như nhận định trong một Báo cáo
của ĐH Havard công bố vào năm 2008 vẫn chưa được thông suốt ở VN (8).
Và trên hết, tất cả những gì đã nêu có lợi cho ai?
Marian Witkiewicz, CTV Phía Trước
———————-
Chú thích nguồn:
1. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mua vũ khí chỉ để bảo vệ Tổ quốc [
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/544345/thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-mua-vu-khi-chi-de-bao-ve-to-quoc.html?page=3#ad-image-0].
Ý kiến của tướng Vịnh có thể là sự khởi đầu cho một mô hình, gọi là
tích hợp (công nghiệp) dân quân [civil-military integration (CMI), hay
(军民 融合)] đã được thực hiện ở Trug Quốc từ nhiều năm nay. Mô hình này
nhằm phá vỡ các rào cản tách rời các ngành công nghiệp quốc phòng của
Trung Quốc với hệ thống kinh tế và nghiên cứu dân sự, và đưa đến tích
hợp hiện đại hóa quốc phòng vào nền kinh tế đất nước. Những người chủ
trương mô hình này hy vọng tránh được lãng phí trong phân bổ nguồn lực,
cũng như cải thiện khả năng phát triển KH & CN ở cấp độ chiến lược
quốc gia.
© 2013 Tạp chí PHÍA TRƯỚC
Bước kế tiếp sau khi Hạ viện Mỹ thông qua Luật Nhân Quyền cho Việt Nam
Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện Mỹ ngày 27/6 thông qua Luật Nhân Quyền cho Việt Nam 2013 với tỷ lệ tán thành áp đảo.
Luật mang số hiệu HR 1897 do dân biểu Chris Smith đề xướng ngăn cản Hoa
Kỳ viện trợ không có mục đích nhân đạo cho Việt Nam cho đến khi nào Hà
Nội chứng tỏ tiến bộ cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền.
Đây là một trong những mục tiêu trong chiến dịch vận động của cộng đồng
người Việt đánh động sự lưu tâm của chính giới Hoa Kỳ hầu thúc đẩy cải
thiện nhân quyền tại Việt Nam.
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS đã phát động nhiều
cuộc vận động nhắm vào cơ quan hành pháp và lập pháp Mỹ với các cuộc
điều trần ở Hạ viện về thực trạng nhân quyền Việt Nam và các cuộc thảo
luận trực tiếp giữa cộng đồng người Việt và các giới chức, nghị sĩ Hoa
Kỳ mà cao điểm là Ngày Tổng Vận động hôm 4/6 khi hàng trăm người Việt từ
khắp nơi đổ về Quốc hội yêu cầu Washington chú trọng điều kiện nhân
quyền trong giao thương với Hà Nội.
Sau khi Luật HR 1897 được Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện thông qua, các mục
tiêu và các bước tiếp theo trong kế hoạch vận động 2013-2014 cho nhân
quyền Việt Nam ra sao?
|
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS |
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ, giám đốc điều hành BPSOS, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, cho biết thêm chi tiết :
Nguyễn Đình Thắng : Mục tiêu ngay trước mắt là đưa đạo luật này ra trước
toàn thể Hạ viện trước cuối tháng 10 để được biểu quyết thông qua với
đa số áp đảo, tạo triển vọng được thông qua ở Thượng viện.
VOA : Vì sao thời hạn đề ra là trước cuối tháng 10 năm nay ?
Nguyễn Đình Thắng : Vì chúng ta muốn luật được thông qua thật sớm nhưng
cũng muốn bảo đảm là khi nó được đưa ra toàn thể Hạ viện thì phải được
thông qua. Do đó, chúng ta cần thời gian để vận động thêm các dân biểu,
đặc biệt các dân biểu đảng Dân chủ.
VOA : Mục tiêu chung cuộc là luật này được thông qua ở Thượng viện để
chính thức có hiệu lực. Vậy kế hoạch vận động nhắm vào Thượng viện ra
sao ?
Nguyễn Đình Thắng : Chúng tôi đã bắt đầu tiếp xúc với một số thượng nghị
sĩ đặc biệt là ông Bob Menendez, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện
để thuyết phục ông nếu không ủng hộ thì ít ra cũng đưa luật ra để các
thượng nghị sĩ khác biểu quyết. Bước thứ hai là vận động từng vị thượng
nghị sĩ như cuộc vận động ở Hạ viện. Chúng tôi dự trù tháng 3 sang năm
tổ chức Ngày Vận động cho Nhân quyền Việt Nam lần thứ 3 và kỳ này sẽ tập
trung thật nhiều vào Thượng viện.
VOA : Đó là các kế hoạch vận động cho Luật Nhân quyền Việt Nam chính
thức có hiệu lực. Ngoài ra, trong khung làm việc chung của cuộc vận động
bắt đầu từ tháng 4 năm nay hiện đang tiếp diễn, còn những mục tiêu nào
đang được tập trung tới ?
Nguyễn Đình Thắng : Còn hai mục tiêu nữa. Hiện nay chúng tôi đang vận
động Hạ và Thượng viện đặt điều kiện chỉ cho Việt Nam vào Hiệp định Mậu
dịch Tự do Xuyên Thái Bình Dương (TPP-Trans Pacific Partnership) khi
Việt Nam chứng tỏ cải thiện nhân quyền cụ thể, bằng không, sẽ bị loại
trừ ra khỏi TPP. Mục tiêu này cận kề hơn Luật Nhân quyền cho Việt Nam.
Một mục tiêu nữa là đòi hỏi tổng thống Mỹ áp dụng ngay những biện pháp
chế tài đối với Việt Nam vì Hà Nội đã cưỡng đoạt tài sản của công dân
Hoa Kỳ. Vấn đề này cũng được kéo vào việc thương lượng TPP.
VOA : Trọng tâm anh nhắc đi nhắc lại là TPP. Cuộc vận động nhắm tới
việc làm thế nào để chính phủ Mỹ có thể áp lực Việt Nam hoặc cải thiện
nhân quyền hoặc bị loại ra TPP. Trong trường hợp Việt Nam bị loại sẽ ảnh
hưởng đến kinh tế Việt Nam mà thành phần bị thiệt thòi trực tiếp chính
là người dân Việt Nam. Anh phản hồi thế nào trước ý kiến này ?
Nguyễn Đình Thắng : Không, ngược lại. Hiện nay nhiều nhóm lợi ích khác
nhau đang vận động để không cho Việt Nam vào TPP cho đến khi Hà Nội thật
sự tôn trọng quyền của người lao động, có những công đoàn tự do và độc
lập của người lao động. Nếu mậu dịch Việt-Mỹ được gia tăng trong tình
trạng nhân quyền Việt Nam như bây giờ thì e rằng càng trầm trọng hơn nạn
công nhân bị bóc lột mà không có tiếng nói. Cho nên, không nhất thiết
khi phát triển mậu dịch thì người dân tự động sẽ được thoải mái hơn hay
được hưởng các lợi ích đó, mà nhiều khi có tác dụng ngược lại. Hiện ở
Việt Nam đang xảy ra tình trạng cưỡng bức lao động như đối với các tù
nhân và các cải tạo viên. Một khi có nạn cưỡng bức lao động như vậy, giá
thành sản phẩm của Việt Nam sẽ được thấp xuống, không cạnh tranh công
bằng với Mỹ.
Chúng tôi mong Việt Nam sẽ được vào TPP, nhưng phải có điều kiện. Bởi,
nếu không, sẽ xảy ra tình trạng y hệt như năm 2006. Khi tổng thống Bush
bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt về tự
do tôn giáo (CPC-Country of Particularly Concern) và cho Việt Nam được
hưởng quyền quan hệ bình thường với Mỹ một cách thường trực, lập tức xảy
ra các cuộc đàn áp rất nặng nề tại Việt Nam kéo dài tận ngày hôm nay.
Đó là tín hiệu sai lầm và nguy hiểm mà Hoa Kỳ đã nhắn cho Việt Nam. Cho
nên, chúng tôi muốn chặn lại ngay vì e rằng nếu không sẽ gia tăng đàn áp
tại Việt Nam.
VOA : Ngoài chiến dịch vận động tại Mỹ, BPSOS (Boat People SOS) cũng
có cuộc quốc tế vận kêu gọi mọi người trong và ngoài nước góp ý với Hội
đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc liên quan đến cuộc Kiểm tra Định kỳ Toàn
diện (UPR-Universal Periodic Review). Xin hỏi làm thế nào người dân
trong nước có thể góp ý với Hội đồng Nhân quyền ?
Nguyễn Đình Thắng : Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc muốn tạo cơ hội
để thường dân, các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, và các tổ chức tranh
đấu cho nhân quyền lên tiếng và cung cấp dẫn chứng, thông tin, tư liệu
để Hội đồng dựa vào đó thực hiện cuộc kiểm tra. Họ không muốn chỉ nghe
chính quyền Việt Nam mà nghe cả tiếng nói của người dân. Trở ngại lớn là
người dân trong nước không biết đến việc này và không biên soạn được
những báo cáo bằng tiếng Anh. BPSOS chúng tôi sẽ hỗ trợ dân trong nước.
Nếu họ muốn góp ý với Hội đồng, chúng tôi giúp duyệt xét lại hồ sơ và
dịch ra tiếng Anh.
VOA : Xin chân thành cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.
(VOA)
TBT Nguyễn Phú Trọng: "Vấn đề biển Đông, nếu không cẩn thận sẽ mắc phải âm mưu kích động"
"Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, các kênh ngoại giao song phương,
đa phương, chúng ta đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm giải quyết
vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật
pháp quốc tế. Với tinh thần độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ… phải xử
lý làm sao để giữ môi trường hòa bình. Nếu xảy ra va chạm, xung đột thì
tình hình đất nước thế nào? Còn môi trường hòa bình mà phát triển không?
Nếu không cẩn thận sẽ mắc phải âm mưu kích động”. Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã nhấn mạnh.
Chiều 28-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Đơn vị
bầu cử số 1, TP Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình để báo cáo kết quả
kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.
Tại buổi tiếp xúc này, nhiều cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 5
Quốc hội khóa 13 của Quốc hội, đặc biệt là công tác lấy phiếu tín nhiệm
đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cử tri đề nghị chỉ
nên lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức là tín nhiệm và tín nhiệm thấp,
hoặc không tín nhiệm.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe và giải đáp thắc mắc của bà con cử tri quận Ba Đình (Hà Nội). |
Qua lấy phiếu tín nhiệm, nhiều thành viên Chính phủ có phiếu tín nhiệm
thấp, Quốc hội đã phân tích nguyên nhân chưa, để các thành viên Chính
phủ rút kinh nghiệm, khắc phục. Cử tri kiến nghị, đối với đại biểu Quốc
hội cũng nên để cử tri nơi đại biểu Quốc hội đó cư trú được đánh giá
bằng phiếu tín nhiệm.
Nhiều cử tri khác này tỏ băn khoăn trước tình trạng suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ,
đảng viên chưa được đẩy lùi, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí
chưa đạt kết quả như mong muốn; đề nghị kiên trì thực hiện Nghị quyết
Trung ương 4 về xây dựng Đảng.
Cử tri cũng bày tỏ quan tâm về một số vụ việc liên quan đến quản lý đất
đai tại Đà Nẵng, hoạt động của Vinashin, Vinalines và đề nghị cho biết
đúng, sai thế nào? Xử lý đến đâu để cử tri và nhân dân cùng biết? Cử tri
cũng nêu quan điểm về xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong đó
có vấn đề đổi tên nước.
Lắng nghe ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các ý
kiến đóng góp chân thành của cử tri để phản ánh với Quốc hội, các bộ,
ngành chức năng.
Trước những quan tâm của bà con cử tri với tình hình biển Đông, Tổng Bí
thư cho biết, đây là vấn đề rất lớn và liên quan đến nhiều nước. Chúng
ta đã có Chiến lược về phát triển biển; Quốc hội cũng đã thông qua Luật
Biển.
Trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, chúng ta đều tham gia, khẳng định
rõ quan điểm, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ, vùng biển đảo của Tổ quốc, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình,
ổn định để xây dựng đất nước, không mắc vào âm mưu không lành mạnh.
“Đây là vấn đề liên quan đến nhiều nước, đến an toàn tự do hàng hải,
liên quan đến độc lập chủ quyền quốc gia, hòa bình ổn định trong khu
vực, cần xử lý bình tĩnh, tỉnh táo.
Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều hết sức coi trọng vấn đề này,
chúng ta đã có cả Chiến lược về biển, đảo; đã thông qua Luật Biển Việt
Nam; thành lập Ban chỉ đạo về biển Đông...
Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, các kênh ngoại giao song phương, đa
phương, chúng ta đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm giải quyết
vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp
quốc tế.
Với tinh thần độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ… phải xử lý làm sao để
giữ môi trường hòa bình. Nếu xảy ra va chạm, xung đột thì tình hình đất
nước thế nào? Còn môi trường hòa bình mà phát triển không? Nếu không cẩn
thận sẽ mắc phải âm mưu kích động”, Tổng Bí thư cho biết.
Về việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp
1992, Tổng Bí thư nêu rõ, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến gửi tới Ủy ban
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đây là sinh hoạt dân chủ trong đời sống
chính trị đất nước.
“Điều 4 của dự thảo là thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, khẳng định Đảng
Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời
là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại
biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và
của cả dân tộc”, Tổng Bí thư khẳng định.
Xung quanh những thông tin đề nghị đổi tên nước, Tổng Bí thư chia sẻ:
“Đã 37 năm rồi, có cần thiết đổi lại không? Thay đổi đặt ra nhiều vấn đề
phúc tạp”.
Đối với vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia
sẻ, cần phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. “Lấy phiếu
tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm, không chỉ tiến hành ở Quốc hội mà cả các
cơ quan Đảng.
Quan trọng là công tâm, khách quan, trong sáng. Kết quả vừa qua cơ bản
phản ánh đúng tình hình thực tế, những người đứng đầu các ngành then
chốt có số phiếu tín nhiệm thấp, cần cố gắng nhiều hơn, tự điều chỉnh,
cải tiến tốt hơn”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư khẳng định tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, đây là vấn đề chiến lược, một việc cụ
thể nhưng có tính chất chiến lược; Đảng có trong sạch mới lãnh đạo
được, có vững mạnh mới tiến lên được. Ông nói: “Việc kiểm điểm tự phê
bình và phê bình, lấy phiếu tín nhiệm chỉ là ngăn chặn, răn đe một bước,
còn nhiều biện pháp khác, trong đó có việc xây dựng cơ chế chính sách.
Sắp tới cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết quan trọng này, phải làm
thường xuyên, làm đi làm lại như “đánh răng, rửa mặt” hàng ngày. Tuy
nhiên, công tác xây dựng Đảng phải đặt trong tổng thể, chính trị ổn
định, đối ngoại phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, kinh tế-xã
hội phát triển bền vững, tính toán đầy đủ, toàn diện, biện chứng, làm
từng bước vững chắc”.
(GDVN)
VN phá giá tiền đồng, hỗn loạn giá vàng
Thị trường vàng trong nước liên tục chao đảo giá từng ngày, từng giờ trong những ngày qua.
Các tường thuật trong nước nói sáng 28/6, giá vàng SJC tụt xuống
mốc 34 triệu đồng một lượng, nhưng tới chiều tăng mạnh, lên gần
37 triệu đồng.
Trong ngày, Ngân hàng Nhà nước đã bán đấu thầu vàng miếng với
mức giá trúng thầu cao nhất là 35,5 triệu, thấp nhất 35,05
triệu đồng.
Hồi đầu tháng Năm, giá vàng có lúc lên tới khoảng 42,5 triệu
đồng một lượng, trong lúc tỷ giá hối đoái giữa tiền Việt Nam
với đồng đô la Mỹ khi đó là 20.828 đồng một đô la.
|
Ngân hàng Nhà nước nói việc phá giá nhằm "cải thiện cán cân giữa thanh toán và dự trữ ngoại hối" |
Báo tuoitre, bản online, dẫn lời ông Phan Dũng Khánh, một chuyên
gia phân tích đầu tư của công ty Maybank Kimeng VN, nói giá vàng
trong nước giảm là do áp lực mạnh từ giá vàng thế giới giảm,
trong lúc chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới thời gian
qua quá lớn.
Phá giá tiền đồng
Trong lúc giá vàng liên tục biến động, Việt Nam hôm thứ Sáu đã
phá giá tiền đồng ở mức 1% trong nỗ lực thúc đẩy quỹ dự
trữ ngoại hối và xuất khẩu.
Tuyên bố đăng trên trang mạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
nói rằng đô la Mỹ nay được mua ở mức 21.036 đồng một đô la, tăng
1% so với tỷ giá chính thức trước đó, 20.828 đồng, hãng tin AP
tường thuật.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nằm trong danh sách người có nhiều phiếu "tín nhiệm thấp".
Đây là lần phá giá tiền đồng của Việt Nam đầu tiên kể từ tháng 11/2011.
Tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước nói việc phá giá là một phần
trong kế hoạch của chính phủ nhằm "cải thiện cán cân giữa
thanh toán và dự trữ ngoại hối".
Mức thay đổi này, là thay đổi lớn nhất kể từ mức cắt kỷ lục
8,5% hồi tháng 2/2011, được đưa ra sau tuyên bố ngày hôm qua của
chính phủ theo đó nói nhập khẩu đã vượt xuất khẩu 1,4 tỷ đô
la trong nửa đầu năm nay.
Các số liệu chính thức cho thấy nền kinh tế tăng trưởng 4,9%
trong sáu tháng đầu năm so với một năm trước, và mục tiêu tăng
trưởng cả năm 5,5% của chính phủ "sẽ rất khó đạt được", hãng
tin tài chính Bloomberg dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Thống
kê Đỗ Thức nói tại Hà Nội ngày hôm qua.
Một số phân tích gia nói đồng tiền của Việt Nam đang được định
giá cao quá giá trị thực trong lúc hệ thống tài chính của
Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mức để có thể hoạt động tự
do mà không làm tổn hại tới nền kinh tế.
Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam được phép kinh doanh tiền
tệ với biên độ dao động 1% so với tỷ giá do ngân hàng trung ương
đưa ra.
Sự phát triển của kinh tế Việt Nam đã bị hụt hơi trong thời gian một thập niên qua.
Từng được coi là một trong những nền kinh tế đang lên nhiều
triển vọng nhất tại Á châu, kinh tế Việt Nam gần đây bị ảnh
hưởng do lạm phát cao và mức tăng trưởng chậm, trong lúc chính
phủ đang phải vật lộn trong việc cắt bỏ tính thiếu hiệu quả
của các công ty quốc doanh.
Cựu cố vấn kinh tế chính phủ, bà Phạm Chi Lan, nói rằng việc
phá giá sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của đất nước và đưa đồng
tiền Việt Nam tới sát giá trị thực trên thị trường.
(BBC)
Bản tin tiếng Anh
- Prudent monetary policy to stay (Washington Post)
- China's will continue to implement prudent monetary policies, but
will conduct preemptive adjustments and fine-tuning in an appropriate
way when necessary.
- China's telecom firms reveal 4G strategies (Washington Post)
- China's three telecom operators have laid out their strategies on the
development of fourth-generation, or 4G, mobile networks, as the
official issuance of 4G licenses is expected to happen soon.
- Hiring index signals further job weakness (Washington Post)
- An index measuring employers' hiring intentions for the third quarter
on the Chinese mainland will drop to 51.5, the lowest since the
beginning of 2010.
- Setting sail into uncharted waters (Washington Post)
- Putting your head into the center of the Dyson vacuum fan attracts
customers to your stand at a trade fair, Lars Petersen, general manager
of Jebsen Marine Division, told his young team members at the start of
the China (Shanghai) International Boat Show in mid-April.
- China 'most promising' in FDI (Washington Post)
- China moved up from the sixth to the third place in 2012 in terms of
outward foreign direct investment — after the United States and Japan.
- PBOC will act 'if necessary' (Washington Post)
- China's central bank said on Tuesday that it will intervene to adjust
market liquidity if necessary, following the nation's worst cash crunch
in a decade.
- New battle for 4G equipment market share (Washington Post)
- China Mobile Ltd has officially launched its largest tender ever for
the construction of its fourth generation (4G) network in China,
igniting a new battle among telecom gear makers for market share.
- Forty years of music with China (Washington Post)
- When the Philadelphia Orchestra performed in China in 1973, the
musicians found the audience's enthusiasm muffled. Forty years later,
they felt like they were performing for a crowd at a football game.
- King of Pop returns (Washington Post)
- Canadian troupe Cirque du Soleil is working with Michael Jackson's
former music and dance partners to bring the King of Pop's spirit and
energy to the Beijing stage in August.
- 'Kingdom of Bicycles' rises again (Washington Post)
- Xu Shima was 16 in 1980 and had to learn a trade. He chose bicycle
repair. Over the next two decades, it proved to be a wise decision. At
that time, China was known as the "Kingdom of Bicycles" and was home to
the world's largest army of cyclists.
- Li Na holds nerve to enter last-32 at Wimbledon (Washington Post)
- Sixth seed Li Na of China overcame a blip in second set and rallied
to beat Simona Halep 6-2, 1-6 and 6-0 to enter the third round at
Wimbledon Championships on Thursday.
- Lowdown on the high life (Washington Post)
- A new film based on a best selling author Guo Jingming 's novel
idealizing materialist lifestyles reflects his super-rich value system -
or does it?
- Cooling off, the traditional way (Washington Post)
- While the rest of the world swelters as the mercury shoots up, China
keeps cool with the help of ancient practices that have been passed down
for countless generations.
- Anti-drug campaigns around China (Washington Post)
- Anti-drug campaigns drew public attention nationwide before
International Day Against Drug Abuse and Illicit Trafficking, which is
June 26.
- Public interests Party's top priority (Washington Post)
- President Xi Jinping has asked senior Party leaders to play a leading
role in improving governance, reaching out to the people and exercising
frugality.
- Senior Party leaders ordered to broaden vision (Washington Post)
- Chinese President Xi Jinping has ordered members of the Political
Bureau of the Communist Party of China (CPC) Central Committee to deepen
their understanding of both the domestic and international situation.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét