Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Tin ngày 21/3/2013 - Mối nguy hại của điều 4

Mối nguy hại của Điều 4

Ban Việt Ngữ vừa nhận một thư ngỏ của ông Nguyễn Hữu Hoàn gửi cho đại biểu Quốc hội khóa 13 đưa ý kiến một công dân về Điều 4 Hiến pháp mà Quốc hội đang tham gia soạn thảo. Chúng tôi nhận thấy đây là những ý kiến tích cực xây dựng của một công dân, nói lên sự trăn trở về tình hình chính trị của đất nước nên đã xin phép tác giả một cuộc phỏng vấn nhằm làm rõ hơn một vài góc cạnh trong bức thư ngỏ này. Cuộc phỏng vấn do Mặc Lâm thực hiện.
Mặc Lâm: Thưa ông Nguyễn Hữu Hoàn, chúng tôi vừa nhận được bức thư ông gửi cho đại biểu Quốc hội khóa 13 này nêu quan điểm của ông về điều 4 Hiến Pháp. Trước tiên xin ông cho biết điều gì đã thúc đẩy ông can đảm viết bức thư này trong khi truyền thông nhà nước đang tận dụng mọi cơ hội để bác bỏ những điều mà ông nêu lên trong bức thư?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Thực tế là ngày hôm nay tôi đến văn phòng đại biểu Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh để gửi bức thư này cho hai đại biểu và ngày mai tôi sẽ lên văn phòng Quốc hội phía Nam để tìm cách gửi cho mỗi đại biểu Quốc hội một lá thư như thế. Tôi đã in sẵn 500 bản và ký tên sẵn rồi chỉ còn điền tên và gửi nữa thôi.
Điều này tôi nghĩ chỉ đơn giản là ý kiến của công dân hơn nữa tôi cho là xã hội của ta bây giờ tuy chưa thật là dân chủ nhưng pháp luật đã quy định là dân chủ nên người dân có quyền có ý kiến của mình, miễn là ý kiến xây dựng. Có thể đụng chạm đến một vài cá nhân nào đấy nhưng tôi nghĩ điều đó là đương nhiên nhưng có trông luận mới ra vấn đề.
Mặc Lâm: Xin ông cho biết hiện nay ông đang công tác trong cơ quan nhà nước hay làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Trước đây tôi có công tác cho một số cơ quan nhà nước, hiện nay tôi đã nghỉ và làm giáo viên tự do. Tôi dạy toán là giáo viên tự do không thuộc cơ quan nào cả.
Mặc Lâm: Ông có phải là đảng viên Đảng Cộng sản hay không?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Dạ không, nhưng bố mẹ tôi đều là đảng viên. Trước đây tôi có tham gia Đảng Dân chủ một thời gian nhưng tại vì thời gian nó xa cách quá nên cũng thôi. Hiện nay thì tôi không tham gia với một đảng phái nào cả.

Áp phích treo ngay trụ sở bộ Công An, 44 Yết Kiêu, Hà Nội
Áp phích: Chỉ biết còn Đảng còn mình, treo ngay trụ sở bộ Công An, 44 Yết Kiêu, Hà Nội
Điều 4 là rào cản quá trình dân chủ hóa tại Việt Nam

Mặc Lâm: Xin ông cho biết việc phát biểu trong bức thư này căn cứ trên những gì mà ông đã thu thập được từ mái trường xã hội chủ nghĩa hay qua cuộc sống thực tiễn cũng như dư luận chung quanh mình?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Tôi cũng đã học qua chủ nghĩa Marx Lenin và học qua duy vật biện chứng và tôi biết cái gì là khách quan, là chủ quan. Tôi không đứng trên khía cạnh một đảng viên mà trên khía cạnh một công dân Việt Nam. Nhìn vấn đề và phát biều như thế tất nhiên có thể đúng có thể sai chưa kết luận được nhưng đó là chính kiến của tôi.
Mặc Lâm: Trong bức thư ngỏ này ông khẳng định điều 4 là rào cản lớn nhất ngăn trở mọi tiến bộ và phát triển của xã hội, chính trị và kinh tế Việt Nam, ông có thể cho biết thêm một ít chi tiết về lập luận này?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Tôi đã nói Điều 4 là chuyện hoàn toàn bất hợp lý. Nó là rào cản lớn nhất quá trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Rào cản lớn nhất là gì? Đảng lũng đoạn nhà nước, đấy là điều nguy hiểm nhất hiện nay. Thực tế mà nói đảng viên bây giờ cơ hội rất nhiều tôi không nói đa số nhưng mà nhiều kẻ cơ hội. Điều lệ Đảng quy định phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên nhưng thực tế các vị ấy làm ngược lại hết và đấy là điều hiển nhiên ai cũng phải thừa nhận. Ngay cả đảng viên nói trời nói đất gì thì nói cũng phải thừa nhận điều ấy. Đảng lũng đoạn nhà nước, thông tin thì một chiều. Hiện nay Việt Nam có khoảng 700 cơ quan báo đài tất cả đều theo tiếng nói của Đảng. Những tiếng nói phản biện như tôi rất ít, ít xuất hiện trên mặt báo.
Mặc Lâm: Trong bức thư ông xác định là Đảng Cộng sản không phải là đại biểu trung thành vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Xin ông cho biết vì sao ông có nhận định trái với ba triệu đảng viên hiện nay như vậy?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Theo tôi thì từ lúc đầu từ năm 1930 tới 1975 thì có thể nói Đảng Cộng sản là đại biểu trung thành với nhân dân nhưng từ năm 1976 tới giờ tuy trong điều lệ Đảng nói như thế, nhưng lúc làm cho thấy Đảng Cộng sản là một tập đoàn độc quyền lũng đoạn nhà nước, nên tôi không tin vào việc Đảng trung thành với nhân dân. Đảng chỉ vì quyền lợi tập thể của các đảng viên trong nước mà thôi.
Mặc Lâm: Trên các phương tiện truyền thông đại chúng đảng viên đang ra sức cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã có công trong hai cuộc kháng chiến cho nên không thể phủ nhận vai trò của Đảng qua điều 4 Hiến pháp, ông phản biện lập luận này như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Theo tôi thì Đảng vừa có công vừa có tội. Công thì rõ ràng rồi nhưng tội thì cũng rất nhiều. Thứ nhất là làm mất lòng tin của nhân dân. Lũng đoạn nhà nước, làm mất dân chủ. Đảng dùng độc quyền chính trị của mình khiến nhiều người có những ý kiến bất đồng, tiến bộ bị vùi lấp mất.
Mặc Lâm: Hiện nay cuộc tranh cãi về việc nên hay không nên bỏ điều 4 Hiến pháp vẫn xuất hiện hàng ngày trên báo chí lề phải cũng như trên mạng xã hội. Câu hỏi đặt ra là nếu Điều 4 chính thức bị gạch tên ra khỏi bản Hiến pháp thì đất nước được lợi ích gì?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Nếu như điều 4 bị bãi bỏ thì nhà nước sẽ thuộc về nhân dân, đó là điều quan trọng nhất. Không có một lực lượng nào đứng trên Quốc hội và đứng trên nhà nước. Như vậy những người lãnh đạo là những người do dân bầu ra một cách hợp pháp nhất và nhà nước sẽ dân chủ hơn. Tôi tin rằng không thể nói Đảng sáng suốt hơn dân mà phải nói dân bao giờ cũng sáng suốt hơn Đảng.
Mặc Lâm: Như ông vừa nói thì đất nước và nhân dân sẽ là người hưởng lợi trong khi đảng viên và những lãnh đạo tối cao không có bất cứ một lợi ích nào thì thử hỏi có thuyết phục lắm hay không khi khuyến khích họ từ bỏ nguồn lợi của mình?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Chính xác như thế. Cho nên tôi nghĩ rằng điều này rất khó ông ạ. Nó đòi hỏi sự đấu tranh lâu dài và bền bỉ. Sự tập hợp lực lượng của người yêu dân chủ. Có nghĩa là còn rất lâu dài.
Mặc Lâm: Xin được hỏi ông một câu cuối, ông có lo ngại khi biết sẽ bị áp lực từ chính quyền sau khi bức thư ngỏ này được gửi đi rộng rãi hay không?
Ông Nguyễn Hữu Hoàn: Tôi cũng có nghĩ đến nhưng tôi cũng tin là tiếng nói sự thật bao giờ cũng đúng. Chân lý có thể bị vùi lấp nhưng cuối cùng vẫn phải sáng tỏ, tôi không sợ điều ấy.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.
Thưa quý vị xin được nhắc lại ông Nguyễn Hữu Hoàn, năm nay 49 tuổi. Từ năm 1989 công tác tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại TP HCM, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, Trường Đại học Dân lập Văn Lang, Trường Đại học Dân lập Kỹ thuật Công nghệ, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vinhempich. Hiện nay là giáo viên tự do, sống cùng vợ và 2 con tại Quận 5 TP HCM, không có tiền án và tiền sự.
Trong thư ngỏ ông đã viết rõ ràng như vậy với mục đích cho các vị đại biểu Quốc hội hiểu và công nhận rằng ông là một công dân có đủ năng lực về trí tuệ, không có hận thù với chế độ và không phải là người suy thoái đạo đức, tác phong và lối sống.
Cám ơn quý vị đã theo dõi cuộc phỏng vấn này.
Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-03-20

TIN LÃNH THỔ

TIN TRÊN BLOG


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét