Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

HOT - TIN NÓNG TRONG NGÀY

 "Đũa Thần" ở đâu?

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5, Tống bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị.

“Không phải cứ lập Ban chỉ đạo là xoay chuyển ngay được tình hình như “một chiếc đũa thần”. Bởi vì, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Trong đó, vai trò của các đồng chí Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, quản lý của các ngành, các cấp là cực kỳ quan trọng. Mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng hãy là một chiến sĩ tiên phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh này”.

Nhưng, sau Hội nghị Trung ương 6, cán bộ đảng viên và nhân dân trong cả nước bị “dội gáo nước lạnh”, quá bất ngờ. Và khi đó, người ta mới nghiệm ra rằng “đũa thần” khó kiếm lắm, mà tính tiên phong của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng cũng bị mất tiêu luôn. Đọc và suy nghiệm, thấy TBT biết khả năng chống tham nhũng không mấy dễ dàng, cho dù Ban Chỉ đạo PCTN có thuộc Bộ Chính trị do TBT giữ chức Trưởng  ban cũng chưa chắc làm ra tấm ra miếng gì.

Khi con người ta thiếu bản lĩnh, không chí quyết thì chẳng làm được việc gì có chất lượng, huống hồ chống được tham nhũng tràn lan như dịch sâu thì càng là việc khó, cần phải thể hiện quyết tâm bản lĩnh rất cao. Vì vậy, ông cũng tinh khôn rào trước đón sau: “… đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài”…
Vâng, biết là “khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài”. Cả nước biết rồi, tham nhũng nổi lên và thấy rõ ít nhất cũng hơn 20 năm nay, 4 nhiệm kỳ Đại hội Đảng đều thấy nêu sang sảng trong Nghị quyết là “kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng”. Nay còn xác định lâu dài chắc thế hệ 10X hiện nay đã thành cố nội rồi mà tham nhũng càng dầy thêm tham nhũng, kẻ tham nhũng vẫn là ẩn số: “đồng chí X”, rồi “các đồng chí Y,Z, W…”  trong phương trình mà những người giải quên hết, hoặc cố tình bỏ qua công thức…(?!).
    
Còn khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức Thủ tướng thay ông Phan Văn Khải (từ nhiệm trước nhiệm kỳ 1 năm), đã hứa một câu xanh rờn: “Làm Thủ tướng, khong chống đựơc tham nhũng thì tôi xin từ chức!”. Nay, bước sang nhiệm kỳ thứ hai rồi, tham nhũng càng lấn sâu, thủ đoạn tinh vi, cấu kết nhóm lợi ích càng chặt chẽ, khó giằng ra lắm! Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng không làm gì có hiệu quả, cho nên Đảng cầm quyền không chịu được, mới bàn cách: “Thôi, tốt nhất để Đảng làm, vì Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện”. Chỉ riêng động thái đó cũng thấy rằng phòng chống tham nhũng dù Ban Chỉ đạo chuyên trách đã gần 10 năm hoạt động hầu như không phòng  được gì và cũng không chống được ai, nhất là các vụ lớn, cán bộ có chức quyền cao, làm thất thoát của nhà nước hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, lại sinh ra nợ xấu kìm hãm, gây ách tắc cho nền kinh tế, kéo lùi sự nghiệp đổi mới. Thế mà ngay như kỷ luật Đảng coi như’chịu trách nhiệm về chính trị” mức nhẹ hều là khiển trách cũng không có, nói gì đến từ chức?
    
Hóa ra, Thủ tướng chỉ là “nói dzậy mà hổng phải dzậy”, có thấy ai từ chức đâu. Hơn nữa, qua 129/175 lá phiếu tại Hội nghị Trung ương 6 mới rồi, người ta càng thấy rõ là ông TBT NPT nói cũng không sai: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm”.

Vậy nên, cái “đũa thần” mà TBT đã nêu không ở đâu xa. Đó là lòng dân, là thực thi dân chủ một cách thực sự có hiệu quả cao, là Nhà nước pháp quyền - ”sống là làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” – như pa-nô, khẩu hiệu đỏ rực. Đó là thực hiện nghiêm nguyên tắc điều lệ Đảng, kỷ cương phép nước, có bản lĩnh tự chủ, tự quyết, không thỏa hiệp với bất cứ ai hoặc làm theo sự chỉ đạo của bất kỳ thế lực nào….
    
Nếu không làm được như thế, “đũa thần” dù muốn cũng không thể có, vì Phật, Bụt đâu có giao đũa thần cho những người mà ngay như cầm quyền cũng không biết cách cầm cho chắc ăn, không biết tôn trọng “thực tế khách quan”, không xem xét “khách quan, khoa học, biện chứng”, tùy tiện làm theo ý chủ quan, theo sự cạn suy của mình…(chắc Phật nghĩ: Giao đũa thần cho người không biết quý sự thần diệu của sức mạnh đoàn kết toàn dân, sức mạnh công lý, lẽ phải, không khéo bị bọn gian tham ăn cắp đem bán chuyển thành vàng, ngoại tệ).
    
Còn tính tiên phong, nhắc lại như TBT nêu lên: “Mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng hãy là một chiến sĩ tiên phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh này”. Rõ là họ đã rất tiên phong.  Tiên phong trong việc bỏ lá phiếu cho xong, rồi về, tiếp tục củng cố “trận địa tham nhũng” để khi cần là kịp thời phản pháo, trả đũa lại ai chống tham nhũng. Chỉ có dzậy và chỉ dzậy, không mong gì hơn. Vì thế, trời sinh ra tiếng gáy của con gà trống sau khi đã sung sướng phạch, phạch trên lưng con gà mái, nhảy lên chỗ cao nhất trên đụn rạ: “Đời-có-thế-mà-thôi (!).
Bùi Văn Bồng
(Blog BVB)

 

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Xin nhận trách nhiệm trong quản lý thị trường vàng (nhận trách nhiệm mồm thì ... ai chả nhận được)

(SGTT) - “Tôi xin thay mặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN), xin nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin truyền thông các chính sách quản lý của Nhà nước về quản lý thị trường vàng, do vậy có nhiều thông tin hiểu không chính xác, phần nào gây nên những lo lắng, bất ổn về thị trường này”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình mở đầu phần trao đổi với các đại biểu trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 31.10. 
Cũng trong phần trình bày của mình, người đứng đầu ngành ngân hàng đã ba lần nhấn mạnh về trách nhiệm, khuyết điểm trong quản lý thị trường vàng. 
Đã mua vào 13 tỉ USD
Người đứng đầu ngành ngân hàng xin nhận khuyết điểm còn một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng. 
Theo Thống đốc, thời gian qua, giá vàng thế giới tăng cao, kéo thị trường vàng trong nước tăng giá. Trong bối cảnh nền kinh tế của chúng ta bị vàng hóa (ước tính nền kinh tế chúng ta đang dự trữ khoảng 300 – 400 tấn vàng, tương ứng 15 – 20 tỉ USD), mỗi khi thị trường vàng biến động đã ảnh hưởng đến tỷ giá, làm lạm phát tăng cao, tạo ra bất ổn kinh tế vĩ mô. 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chống vàng hóa và USD hóa, NHNN đã xây dựng đề án, xác định 2 mục tiêu: làm sao để biến động của giá vàng không ảnh hưởng đến tỷ giá và đẩy lùi vàng hóa nhằm huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội. Đề án gồm ba bước: xây dựng khuôn khổ pháp lý; chấm dứt huy động, cho vay vàng và chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua bán. Đến nay đã thực hiện được 2 bước và hiện bắt đầu chuyển sang bước 3.
Sau 5 tháng thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, đến nay đã đạt một số kết quả: giá vàng trong nước tuy vẫn chênh với giá thế giới tới 3 triệu đồng/lượng, nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng và tỷ giá vẫn ổn định. “Những ngày gần đây, NHNN vẫn mua được ngoại tệ cho quỹ dự trữ ngoại hối”, Thống đốc nói và cho biết thêm, do việc người dân không đổ xô đi mua vàng, hiện tượng vàng hóa đã được chặn đứng, các ngân hàng thương mại thời gian qua đã mua lại 60 tấn vàng từ nền kinh tế, như vậy cũng có nghĩa một lượng vốn tương ứng 60 tấn vàng (xấp xỉ 3 tỉ USD) đã được chuyển thành vốn VND phục vụ phát triển kinh tế xã hội. “Tính chung lại, từ đầu năm đến nay, chúng ta đã mua được 10 tỷ USD và 60 tấn vàng”, Thống đốc cho thông tin. 
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngân hàng một lần nữa xin nhận khuyết điểm còn một số tồn tại trong quản lý thị trường vàng, nhất là trong công tác thông tin, tuyên truyền về việc độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Theo đó, từ 25.5, tất cả các công ty dập vàng miếng chấm dứt dập vàng miếng, mà chỉ có NHNN được độc quyền dập vàng miếng SJC. Sở dĩ NHNN chọn vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền của Nhà nước là bởi 90% lượng vàng miếng trên thị trường là của thương hiệu này, do vậy sẽ hạn chế được lãng phí.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng khẳng định, từ sau 25.5, tất cả các vàng miếng thương hiệu khác SJC vẫn được lưu hành bình thường, NHNN không bắt phải chuyển đổi từ vàng miếng này sang vàng miếng khác. Mặt khác, trong trường hợp người dân có nhu cầu chuyển đổi từ vàng thương hiệu khác sang thương hiệu SJC, NHNN thậm chí sẵn sang ứng trước vàng SJC, chuyển đổi sau; đồng thời tiếp tục tháo gỡ những vấn đề phát sinh. 
Xử lý được tồn kho, sẽ giải quyết được 6% nợ xấu? 
Liên quan đến các biện pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, Thống đốc cho biết ngành ngân hàng đã thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, với số tiền được khoanh nợ, giãn nợ từ tháng 4 trở lại đây là 36.000 tỉ đồng được khoanh nợ, giãn nợ; những khoản dư nợ có lãi suất trên 15% chiếm tỷ lệ 80% trong tổng dư nợ tín dụng, từ 15.7 đến nay đã giảm xuống chỉ còn 20%. Ngành ngân hàng vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương, các bộ, ngành để tháo gỡ cho doanh nghiệp. 
Để tiếp tục xử lý nợ xấu, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế, Thống đốc cho rằng, việc xử lý hàng tồn kho cực kỳ quan trọng. Người đứng đầu ngành ngân hàng băn khoăn: “Các báo cáo thể hiện hàng tồn kho hiện còn khoảng 20%, nhưng chưa nói rõ là tồn kho của cái gì, nếu của tất cả hàng hóa trong nền kinh tế thì là quá lớn” và phân tích: giả sử trong cơ cấu GDP của nước ta, lượng hàng hóa sản xuất chiếm 50%, 50% còn lại là dịch vụ. Với tỷ lệ hàng tồn kho 20%, thì sẽ tương ứng với 4% nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng. Nếu chúng ta giải quyết được nợ đọng 90.000 tỷ đồng trong tín dụng bất động sản (cũng phần lớn do tồn kho quá lớn), thì sẽ giải quyết thêm được 2% nợ xấu nữa. “Với con số hơn 8% nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng, nếu giải quyết được phần tồn kho như tôi đã phân tích, thì nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã xử lý được tới 6%”, Thống đốc tính toán. 
Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết đã đề nghị các ngân hàng phải tự xử lý nợ xấu; kiên quyết cuối năm nay, nếu ngân hàng nào không trích lập dự phòng rủi ro sẽ không cho chia cổ tức. 
Sẽ tăng lương ngay từ 2013
Lương tối thiểu sẽ được tăng ngay trong năm 2013 thay vì xin lùi lại lộ trình. Đó là đề xuất mới nhất của Chính phủ được bộ trưởng bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết trong phiên thảo luận sáng nay (31.10).
Tuy nhiên, cũng theo ông Huệ, mức tăng lương sẽ thấp hơn so với dự kiến trước đó, do phải tính toán, cân đối lại ngân sách, trong đó tập trung vào giảm chi, kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.
Theo tính toán của bộ Tài chính, để đảm bảo tăng lương tối thiểu như lộ trình (mức tăng từ 1.050.000 đồng lên 1.300.000 đồng từ 1.5.2013), ngân sách cần tới 60.000 – 65.000 tỉ đồng, chưa kể phụ cấp công vụ năm 2012 trong điều kiện nguồn thu ngân sách đặc biệt khó khăn. Do vậy, trước đó, Chính phủ xin lùi lại lộ trình thực hiện.
Tiếp thu các ý kiến thảo luận ở tổ, tại hội trường, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tăng lương tối thiểu ngay trong năm 2013, cụ thể là từ 1.7, mức tăng 100.000 đồng, từ 1.050.000 đồng hiện nay lên 1.150.000 đồng. Ông Huệ cho biết, sẽ có khoảng 8,3 triệu lao động, người hưởng lương hưu, các đối tượng chính sách sẽ được hưởng mức lương tối thiểu mới. Tổng số tiền để tăng lương trong 6 tháng cuối năm 2013, theo tính toán của bộ Tài chính là 20.700 tỉ đồng (tương đương khoảng 1 tỉ USD), trong đó trung ương cần 18.400 tỉ đồng; địa phương cần 3.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm nay, nguồn thu rất khó khăn, nên Chính phủ đã thống nhất không nên tăng thêm các khoản dự toán thu, thay vào đó sẽ phải tiết kiệm chi để đảm bảo bố trí được nguồn tăng lương.
Cụ thể, sẽ giảm chi đầu tư công xuống còn 170.000 tỉ đồng; ngân sách trung ương cũng sẽ tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Chính phủ cũng đề nghị phát hành 55.000 – 60.000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ trong năm 2013, trên cơ sở cân đối kế hoạch phát hành cả giai đoạn 2012 – 2015. Chính phủ cũng đề nghị giảm hoàn thuế GTGT, các địa phương phải tập trung tăng thu để đảm bảo nguồn phục vụ tăng lương.
Thảo Nguyễn

Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh: "Có những khoản nợ không phải xấu mà rất xấu"

Ông Nguyễn Bá Thanh tại phiên họp ngày 31/10
Ông Nguyễn Bá Thanh tại phiên họp ngày 31.10

Bí thư thành ủy Đà Nẵng đề nghị NHNN phải bóc tách và xác định nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty là bao nhiêu thì mới có biện pháp giải quyết hữu hiệu. 

Phát biểu trong phiên họp của Quốc hội sáng nay 31/10, đại biểu Nguyễn Bá Thanh đến từ Đà Nẵng (Bí thư thành ủy Đà Nẵng) cho biết, NHNN cần phải tập trung giải quyết nợ xấu.
Nhưng trước hết là phải phân loại nợ xấu, bóc tách được nợ xấu của các tập đoàn , tổng công ty là bao nhiêu, của hệ thống là bao nhiêu thì mới có biện pháp hữu hiệu.
Ông Nguyễn Bá Thanh còn nhấn mạnh, có những khoản nợ không phải xấu bình thường mà rất xấu, có thể hoàn toàn mất.
Ông Thanh lấy ví dụ, một khu đất giá 200 tỷ, người ta nâng lên 800 tỷ đến 1 nghìn tỷ, rồi định giá bán 600 tỷ,đến bây giờ bán chưa được 100 tỷ, mất đứt 500 tỷ, đó là nợ xấu.
Hay như ở các tập đoàn, tổng công ty, nếu không bóc tách được nợ xấu thì không thể giải quyết được tình hình. Ông lấy ví dụ như dự án Xi măng Cẩm Phả do Vinaconex làm chủ đầu tư, vốn đầu tư 6.089 tỷ đồng với công suất mục tiêu 2,3 triệu tấn/năm, nhưng sau 3 năm hoạt động, lỗ tới 1.259 tỷ, đó là nợ xấu.
Vấn đề hàng tồn kho, nhiều nhất vẫn là đất, nhà, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc.
Đối với lĩnh vực bất động sản, cần phân loại các dự án, nếu có khả thi thì giãn nợ, khoanh nợ, làm cho thị trường ấm lên mới giảm được tồn kho và nợ xấu.
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng có ý kiến về vấn đề kinh doanh xăng dầu. Theo ông, thời gian qua báo chí phản ánh rất nhiều, nhân dân kêu ca rất nhiều, đại biểu quốc hội cũng nói nhiều nhưng vẫn không có chuyển biến.
Vấn đề tạm nhập tái xuất nếu có lợi cho đất nước thì làm, còn nếu để thiệt hại, lợi ích nhóm thì không nên, mà phải có phương án điều hành khác.
Việc điều hành giá xăng dầu tránh tiêu cực, ông Thanh có 3 đề xuất đó là: Phải siết chặt hoạt động tạm nhập tái xuất; chia nhỏ thị phần (có doanh nghiệp chiếm hơn 60% thị phần hiện nay) và giảm thời gian dự trữ lưu thông 30 ngày xuống 15 ngày.
Thời gian dự trữ 30 ngày là một kẽ hở lớn và Bộ tài chính không thể kiểm soát được vấn đề này.
Thành Hưng
(TTVN)

 Những khuất tất trong việc bắt Doanh nhân Lê Đình Quản

Chưa bao giờ mình thấy em trai Lê Quốc Quyết viết một điều gì cả. Cả nhà là doanh nhân, các anh em chỉ lo làm ăn kinh tế, chỉ có mình là đam mê chút chính trị xã hội. Nhưng cùng với quá trình xây dựng CNXH hơn nửa thế kỷ qua thì tai họa và thử thách không bao ngừng rơi xuống gia đình. Tất nhiên, thử thách đến cũng đã làm cho gia đình ngày một tốt hơn. Các anh em yêu thương, đùm bọc và gắn bó với nhau hơn. "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ". Có lẽ vậy, đây lần đầu tiên Lê Quốc Quyết viết đôi dòng trên Facebook đã được lề trái đặt tít, đưa tin và sau đó Anhbasam điểm lại. Mình cũng vô tình xem được nên mang về đây.

Sáng nay đông đúc công an bấm chuông, đập cửa nhà mình. Mình nghĩ lí do chính là hôm nay xử hai nhạc sỹ có một số bài hát yêu nước. Mình đang cố thủ trong nhà thì được tin em mình-Lê Đình Quản bị bắt với lệnh tạm giam 03 tháng với cáo buộc trốn thuế.

Về Quản em mình: Không lang bạt như mình, đã lấy vợ, có một cháu gái chưa đầy hai tuổi. Nếu thì ai đã từng quen biết gặp gỡ đều biết rất hiền lành chỉ lo làm ăn và đi nhà thờ đọc kinh, cầu nguyện. Sáng nay vừa nhắn tin Quản bị bắt cho anh bạn luật sư thân tình, có quen biết gia đình mình và biết rõ về Quản. Anh ấy nhắn ngay mấy câu như sau:

"Mẹ kiếp, quá tàn ác !"

Luật thuế người có thu nhập cao có từ năm 1994, đến khoảng năm 2000 có thuế thu nhập cá nhân. Nguyễn Thanh Phượng sinh năm 1980, đến 2002 mới tốt nghiệp đại học, lúc đó đã có thuế TNCN. Vậy nó đã đóng bao nhiêu thuế TNCN trước khi bỏ tiền thành lập các công ty mà nó là cổ đông sáng lập?

Câu hỏi tương tự với nhiều người khác là các đại gia hiện nay.

Thử hỏi có những đại gia nào đã đóng thuế đầy đủ trên con đường hình thành sự giàu có?

Lấy đâu ra tiền lập công ty thứ nhất?

Những công ty sau đó, đã đóng bao nhiêu tiền mà có nhiều cổ tức để trở nên giàu có như vậy? "

Đó là câu nói của anh bạn luật sự. Nhưng việc em mình và công ty thì mình biết rõ là chúng đang dùng sai lầm để sửa sai lầm! Gần một năm nay họ ép bên Cục thuế thanh tra thuế công ty, sau nhiều tháng trời, làm việc nhiệt tình làm cả tết không tìm ra được gì. Chỉ một kết luận có sai phạm về một số thủ tục khai báo thuế và thủ tục mua bán căn hộ. Tự dưng đầu tháng này (3-10) an ninh ập vào cả hai văn phòng Sài Gòn và Hà Nội thu hết máy và tài liệu.

Hô hoán công ty mình chủ trang quanlambao.blogspot.co.uk, rồi gần một tháng nay an ninh triệu tập hết nhân viên này nhân viên khác, bắt kí tá nhiều giấy tờ và buộc về không được nói cho sếp biết.

Điều kỳ lạ là họ đọc lệnh do trốn thuế nhưng toàn bộ làm là điều tra viên bên chính trị. Kí giấy triệu tập cũng toàn người An Ninh Bộ và An Ninh TP.HN. Họ còn nói thẳng với nhân viên là "chúng mày biết rõ rồi chứ, thuế má gì ! Mười đầu thằng Mỹ bọn tao còn đánh cho bay chứ nói gì mấy đứa trẻ con mày". Kết cục là sáng nay đã bắt tạm giam Quản, với lệnh khởi tố vụ án trốn thuế. Vậy là đã rõ, họ đã vì hiếu thắng và dùng sai lầm để chữa cho sai lầm.

Dù điều gì xẩy ra với em mình, thì mình vẫn tin tâm hồn em mình sẽ bằng an hơn những kẻ đi bắt người kia. Mẹ mình đã nói với công an sáng nay khi mang em mình đi một câu rất hay. "Con tao đẻ ra tao biết, nó không làm gì sai cả. Ai là người đứng đầu vụ bắt bớ này ? Đi mà bắt bao nhiêu quan tham, trộm cắp đầy đường đi đã kìa".

Sau đó Mẹ còn gọi điện động viên anh chị em mình, đặc biệt động viên nhiều cho hai cô con dâu đã chứng cảnh khám nhà nhiều lần.

Cám ơn mẹ! Cám ơn Chúa đã sinh ra anh em con trên cõi đời này được lành lặn về thế chất, tâm hồn!
Lê Quốc Quyết
(Blog LQQ)

 

 Đông A - Sửa lặt vặt

Tôi chưa nhìn thấy toàn văn bản Hiến pháp sửa đổi, nhưng với những gì mà báo chí đang đưa tin thì tôi thấy rằng sửa đổi bản Hiến pháp chỉ là lặt vặt. Một số người ca ngợi bản Hiến pháp sửa đổi tăng quyền cho Chủ tịch nước. Nhưng là một người từng nêu ra ý tưởng tăng quyền cho Chủ tich nước, ngược lại với những người ca ngợi đó, tôi không thấy có những bước tiến đáng kể. Bản Hiến pháp 1992 đã khẳng định Chủ tịch nước lãnh đạo toàn diện nhà nước về đối nội cũng như đối ngoại, là thống lĩnh lực lượng vũ trang và Chủ tịch hội đồng an ninh quốc phòng… Do vậy bản Hiến pháp sửa đổi cũng không khác gì bản Hiến pháp cũ. Những thay đổi lặt vặt như phong hàm cho tướng lĩnh, hay bãi bỏ văn bản do Thủ tướng ban hành … thực chất không có giá trị thực tiễn gì. Như vậy vấn đề Chủ tịch nước được tăng quyền lực hay không vẫn không phải là vấn đề mang tính pháp lý, mà vẫn là vấn đề mang tính thực tiễn. Ngay hiện nay, nếu Chủ tịch nước đủ mạnh thì ông vẫn có thể tăng được thực lực nắm quyền của mình mà không cần phải chờ đợi một bản Hiến pháp mới. 
 
Chuyện hợp nhất Tổng bí thư với Chủ tịch nước cũng không phải là vấn đề mà người dân được hưởng lợi nếu quả thật bản Hiến pháp mới có sửa đổi như vậy. Người dân chỉ nên quan tâm ở bản Hiến pháp sửa đổi hai vấn đề cốt lõi trong tình thế hiện nay: tòa án Hiến pháp và quyền phúc quyết. Tất cả những sửa đổi khác chỉ là sửa lặt vặt, chẳng có giá trị cốt lõi gì và chẳng đáng quan tâm, bởi vì chúng không đem lại quyền lợi căn bản cho người dân. Một số người có thể có ảo tưởng về quyền cơ bản của công dân, ví dụ như bản Hiến pháp sửa đổi có thể đưa ra một số quyền cơ bản của công dân, bị điều chỉnh bằng luật, nhưng nếu chưa có luật thì công dân vẫn có quyền thực hiện quyền cơ bản đó. 
Nghe thì thấy có vẻ hay nhưng tôi cho rằng thực tiễn sẽ không phải như vậy nếu không có tòa án Hiến pháp và quyền phúc quyết của nhân dân. Tôi lấy ví dụ chẳng hạn quyền biểu tình. Giả sử như bản Hiến pháp sửa đổi có quy định quyền biểu tình là quyền hiến định và được điều chỉnh bằng luật nhưng nếu như chưa có luật ban hành thì người dân vẫn có quyền thực hiện biểu tình. Thực tế tôi nghĩ sẽ không như vậy. Ngay cả khi chưa có luật thì vẫn có các văn bản dưới luật như Nghị định 38 điều chỉnh quyền biểu tình. Vậy quyền biểu tình có bị hạn chế bởi Nghị định hay không? Chính phủ sẽ bảo là có, người dân có thể nói là không. Vậy ai giải quyết bất đồng này nếu không có tòa án Hiến pháp. Nếu tòa án Hiến pháp không có thì chắc chắn Chính phủ sẽ nắm đằng chuôi, còn người dân chỉ nắm đằng lưỡi thôi. Do vậy đừng có ảo tưởng với những ngôn từ lấp lánh của bản Hiến pháp khi những vấn đề cốt lõi người dân không có cửa. Chuyện người dân có thể thay đổi được Nghị định là chuyện không tưởng, và thực chất ngay cả khi có tòa án Hiến pháp cũng không phải dễ dàng gì, nhưng ít nhất còn có cửa hy vọng.
Phải nắm lấy những vấn đề cốt lõi, đừng để những thứ lặt vặt hay ngôn từ lấp lánh lừa phỉnh. Đừng để những tiểu tiết che mắt hay đánh lạc hướng khỏi những điểm nền tảng thiết thực cho quyền của chính mình.
Đông A

 

 Nguyễn Quang Lập - Lịch sử sẽ phán xét

 
Mình không tin bất kì một phán xét nào của phiên tòa nếu như phiên tòa đó diễn ra thiếu minh bạch. Phiên tòa xử hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, theo bác Lê Hiếu Đằng kể lại ( tại đây) nó na ná phiên tòa xử  Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội: “Nói là phiên tòa công khai nhưng không khí rất là căng thẳng. Công an dàn lực lượng ra để đối phó với những người đi tham dự phiên tòa. Nếu đã nói công khai minh bạch, tại sao không cho dân người ta tham dự ? Và nếu không cho nhân dân tham dự, thì ít nhất cũng phải cho người thân được tham dự. Nhưng gần đây, có hiện tượng, ngay cả những người thân, ví dụ sáng nay chẳng hạn, những người thân của anh Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại không được dự”. Sự thiếu minh bạch của phiên tòa chỉ xảy khi  mấy ông quan tòa không có lý do chính đáng để kết tội một công dân yêu nước. Đó là một điều chắc chắn. 
Trên FB Huy Đức đã viết status thể hiện rất rõ ràng quan điểm của anh, như thế này: 
Sau khi toà xử nhạc sỹ Việt Khang 4 năm tù và đồng nghiệp của anh, nhạc sỹ Trần Vũ Anh Bình, 6 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” tôi đã nghe lại hai bài hát của anh: “Việt Nam tôi đâu” và “Anh là ai”. Ở thời điểm khi hai bài hát này ra đời tôi tin đó là “nỗi lòng” của Việt Khang trước việc “Trung Quốc đang hoành hành trên Biển Đông”. 
Theo toà thì hai anh còn tham gia một tổ chức có tên “Tuổi trẻ yêu nước”. Cho dù “tổ chức này có mục đích tuyên truyền chống nhà nước Việt Nam” như các anh thừa nhận thì “cá thể hoá trách nhiệm hình sự” là một nguyên tắc bất di bất dịch của tố tụng.
Người dân có thể bất tín nhiệm một đảng vì tình trạng tham nhũng nhưng chỉ có thể bỏ tù từng cá nhân bởi những hành vi tham nhũng mà các cơ quan tố tụng có thể chứng minh. Cũng như sinh viên Nguyễn Phương Uyên, cho dù có ai đứng sau thì em cũng chỉ phải chịu trách nhiệm về những tờ truyền đơn chống Trung Quốc (nếu đó là của em).
Các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải nhớ, nay anh có thể nấp sau một tổ chức để bất chấp luật pháp nhưng ngày mai thì lịch sử sẽ buộc các anh phải chịu trách nhiệm cá nhân về những phán quyết của ngày hôm nay.
“Lịch sử  sẽ phán xét” là câu cửa miệng của dân Việt ta thời này, chưa thời nào lời nhắc nhở  và đe nẹt “lịch sử sẽ phán xét” lại nhiều như thời này. Nhưng lời đe nẹt ấy chẳng làm cho quan tòa chùn tay. Những kẻ ăn xổi ở thì đâu có thèm để ý đến sự phán xét của lịch sử, quan thầy của họ mới đáng kể, là trước tiên và trên hết. Ai muốn nói gì thì nói, kệ sư bố chúng mày! 
Thế đấy, đối với trâng tráo và trơ trẽn thì lịch sử  phán xét chỉ là cái đinh gỉ.
Nguyễn Quang Lập
(Quê choa)

 

 Các chiêu thức kiếm tiền của bố già Đặng Thành Tâm - (2)

Bốn năm trở lại đây, sự xuất hiện của ông Đặng Thành Tâm (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn - SGI) trong giới doanh nhân được nhìn nhận dưới góc độ như một người thành đạt, thâu tóm rất nhiều danh hiệu của nhiều tổ chức trao tặng, nhưng nổi bật nhất là danh hiệu người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên thực tế với những diễn biến bất thường tại các dự án triển khai và được ông Tâm trình diễn trên giấy trong suốt mấy năm qua tại nhiều tỉnh thành trên cả nước chỉ phục vụ mục đích “bán lại cho chủ đầu tư khác nhằm hưởng chênh lệch”.
Tính đến nay, tổng số tiền đầu tư tại các dự án mà SGI đã công bố lên trên 16 tỉ USD, Nhìn nhận về tài chính đầu tư thì đây là một con số kỷ lục vì ngay cả việc thua lỗ của Vinashin thì tổng số nợ công bố lên đến 86 ngàn tỉ đồng, tức là chưa tới 5 tỷ USD.
Theo đánh giá của giới đầu tư, đây là con số ảo, hoàn toàn không có và cũng chưa có ai kiểm tra mà chỉ đơn thuần là công bố của ông Đặng Thành Tâm. Vì thực chất hầu hết các dự án mà SGI đã khởi công xây dựng từ trước đến nay đều không có vốn đầu tư.Hình thức là bằng các mối quan hệ cũng như lấy mác là có quan hệ với VIP, ông Tâm đã chạy dự án và chỉ khởi công nhưng không triển khai nằm im để tìm kiếm đối tác bán lại, hưởng chệnh lệch.
Chưa hết, ông Đặng Thành Tâm còn sang nước bạn Lào với chiêu bài hứa hẹn cho tiền hàng triệu USD để xin đất rồi khởi công dự án nhưng sau đó lại chờ để sang nhượng cho các doanh nghiệp khác .
Chúng tôi sẽ điểm qua một số dự án mà SGI cùng các doanh nghiệp con của ông Tâm đã đầu tư xem đã nằm trên giấy bao lâu rồi, trong ít số đó đã bị thu hồi giấy phép.

Dự án của ông Tâm ở Quảng Ngãi đang trùm mềm
Ba dự án ở Quảng Ngãi, thu hồi 2
Từ năm 2008, Tập đoàn Tân Tạo xúc tiến 3 dự án đầu tư lớn tại tỉnh Quảng Ngãi với số vốn đăng ký lên đến 50 triệu USD và 1.485 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm được cấp phép, hầu hết các dự án vẫn “án binh bất động”.
Ngày 11/12/2008, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế đã đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư khu du lịch-phim trường Vina thuộc Tập đoàn Tân Tạo, đầu tư xây dựng khu thương mại-dịch vụ-phim trường Vina Universal Paradise ở huyện Sơn Tịnh. Dự án có diện tích khoảng 60 ha, nằm sát chân núi Long Phụng, có tổng vốn đầu tư 949,6 tỷ đồng, bao gồm các khu du ịch, khu thương mại, khu biệt thự cao cấp, khu biệt thự trên đồi, khu thể dục thể thao. Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 4 năm, từ năm 2008 - 2011. Dù dự án được khởi công vào đầu năm 2009, nhưng sau khi khời công xong dự án bỏ đó cho đến nay và khả năng dự án sẽ không được tiếp tục triển khai theo cam kết của ông Đặng Thành Tâm.
Còn lại hai dự án khác cũng nằm im lìm. Đó là dự án khu du lịch phim trường Vina Universal, vốn đầu tư 50 triệu USD, thực hiện trên diện tích gần 2.600 ha tại huyện Đức Phổ; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phổ Phong (huyện Đức Phổ) có diện tích trên 157 ha, vốn đầu tư trên 285 tỉ đồng
Lúc khu du lịch phim trường Vina Universal rục rịch khởi động, người dân ở 3 xã trong vùng dự án gồm Phổ Khánh, Phổ Thạnh và Phổ Châu rất phấn khởi, kỳ vọng về một tương lai tươi sáng nhờ dự án tầm cỡ khu vực và quốc tế này. Thế nhưng, sau 3 năm, nhiều diện tích đất bỏ hoang đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Tháng 6-2011, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thu hồi dự án này.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phổ Phong cũng chung cảnh ngộ. Từ khi khởi công đến nay, chủ đầu tư không hề triển khai hạng mục gì, chỉ mới lập xong khâu khảo sát đền bù. Do đó, mới đây, ngày 13-4, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn phê bình lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi về việc chậm quyết định thu hồi dự án dù tỉnh đã chỉ đạo rút giấy phép.
Theo dự kiến, dự án khu thương mại dịch vụ Vina Universal Paradise Sơn Tịnh gồm khu nhà ở với 237 nhà liên kế, 183 nhà biệt thự vườn và 56 bungalow, 5 khu thương mại dịch vụ, trường học, nhà văn hóa, khu thể dục thể thao… Từ năm 2009 đến nay, dự án chưa giải quyết xong việc bồi thường và tái định cư cho người dân trong vùng dự án.
Đơn vị chỉ mới đền bù phần diện tích ruộng thu hồi của dân, còn lại phần đất vườn và nhà dân thuộc địa bàn thị trấn Sơn Tịnh thì chưa được triển khai phương án bồi thường. Dự án chỉ mới đổ nền và xây dựng đường nội bộ trong vài hecta cho khu tái định cư và nhiều tháng qua cũng giậm chân tại chỗ.
Nhiều hộ dân trong vùng dự án đang đối mặt với khó khăn. Hàng chục hecta ruộng bị bỏ hoang, người dân muốn làm nhà ở cũng không được vì vướng dự án, còn chờ thì không biết đến bao giờ.
Tháng 4/2012, trả lời trên báo Người Lao Động, ông Lê Hồng Hà, Phó trưởng Ban Quản lý KCN tỉnh Quảng Ngãi, cho biết nguyên nhân khiến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phổ Phong chậm xây dựng được chủ đầu tư trình bày là do ưu đãi về cơ chế của tỉnh chưa cao.
Nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh giá cho thuê đất và hỗ trợ không tính lãi suất; đề nghị tiền đền bù cho dân do Nhà nước chịu và đề nghị được hỗ trợ 70 tỉ đồng giống như các dự án ưu đãi vùng khó khăn.
Theo ông Hà, tất cả các đề nghị này đều không hợp lý và không được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận. “Nguyên nhân chính là do năng lực tài chính của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) không đáp ứng được” - ông Hà khẳng định.
(QLB111)

 

 Ai nã pháo vào Thủ Tướng?

Chúng ta không bao giờ nghĩ sai về nhân dân Trung Quốc, những người bạn đã giúp Việt Nam ta đánh thắng kẻ thù xâm lược, nhân dân Trung Quốc là bạn của chúng ta. Chúng ta muốn làm bạn với Trung Quốc, làm bạn thật lòng. Nhưng họ thì lấn biên giới, chiến biển Đông. Sao lại có đường lưỡi bò (?) nó không còn là lưỡi bò mà là con rắn độc, là bàn chân xâm lược, nhưng còn cái nguy hiểm hơn là cái lưỡi xâm nhập nội bộ, mua chuộc cán bộ, mua chuộc những người giữ chức vụ cao để biến Việt Nam thành nước lệ thuộc vào TQ.
Vừa qua, khi Quốc hội thông qua luật Biển,Trung Quốc phản ứng dữ dội và ra cái gọi là kêu thầu thăm dò các lô dầu ở biển Đông, họ gọi là của họ nhưng chỉ cách đảo Phú Quý của ta có 50km (?). Các đòn tấn công thủ tướng càng mạnh hơn cũng chỉ vì Thủ tướng không tuân phục Trung Quốc.
Ông Trương Tấn Sang là người duy nhất bỏ phiếu "chống" thông qua luật biển?
Và đặc biệt một hiện tượng mới sau khi Quốc hội bế mạc, ông Trương Tấn Sang vào Thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri đã liên tục lên giọng chỉ trích Chính phủ, nào là phải xử lý người đứng đầu, phải phê phán, phải lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội v.v… ông nói gay gắt đến độ có người đã viết là ông nã pháo cối vào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Trương Tấn Sang quên rằng ông Dũng là Uỷ viên Bộ chính trị, là Thủ tướng do Đảng và do quốc hội (dân) bầu lên. Cớ gì ông vạch áo cho người xem lưng, cớ gì ông nã pháo vào Thủ tướng, phải chăng ông đã nả vào Đảng, nã vào dân. Phải chăng ông cũng cay cú về việc Quốc hội thông qua luật biển Đông làm phật lòng Trung Quốc nên phải nói cho vừa lòng quan thầy, mà quên cả tập thể Bộ chính trị. Đau lòng quá, trong lúc đất nước phải lèo lái qua cơn bão khủng hoảng kinh tế cực kỳ khó khăn, ông Sang không đoàn kết để tạo sức mạnh, lại nã pháo vào chính phủ để làm gì, nếu không phải để đập vào Đảng và chính phủ nhằm làm suy yếu theo chỉ đạo của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Tôi nhớ một lãnh đạo cao cấp khoá trước đã từng nhận xét “Trương Tấn Sang là người chuyên gây mất đoàn kết”?. Điều này bây giờ đã bộc lộ chân tướng mọi người đều thấy, một nhà tri thức gọi điện cho tôi : “Mình buồn quá, sao Tư Sang lại đánh Thủ tướng như thế”, có ai mà không thấy điều này.
Tập thể Bộ chính trị, BCH Trung ương hãy nhìn rõ cảnh giác và chặn đứng âm mưu đen tối của kẻ ngoại bang .

Trần Trung Kiên
(Blog 4S)

 

 Cái ác lên ngôi khi chính quyền bất lực!

Phía sau những vụ giết, đốt xe kẻ trộm chó là sự bất lực của bộ máy công an, chính quyền trong việc điều tra, xử lý hành vi giết người.
 

Nếu nạn trộm chó gây bất an một thì việc đám đông đánh chết người trộm chó, đốt xe, ngăn cản công an đưa nạn nhân đi cấp cứu... đang gây bất an mười. Phía sau nó là sự bất lực của bộ máy công an, chính quyền trong việc điều tra, xử lý những kẻ giết người; là sự bất lực của xã hội khi cái ác lên ngôi và mặc nhiên được thừa nhận; là sự bất lực của công lý khi để người dân tự xử mà không cần đến chính quyền.
Rõ ràng nạn trộm chó và hành hung những ai dám ngăn cản ở Nghệ An đã khiến người dân phẫn nộ và bức xúc. Nhưng chia sẻ những bức xúc ấy không có nghĩa là đồng tình với việc một đám đông giết người ngay trước mắt chính quyền. Kẻ trộm chó, cho dù côn đồ và hung hãn, thì quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe và tài sản của họ vẫn được pháp luật bảo vệ. Và cơ quan công an, kiểm sát, tòa án là công cụ của chính quyền trong việc bảo đảm những quyền căn bản ấy. 
Người dân ở xóm Bùi Bùi, xã Công Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã treo xác một chiếc xe của phường trộm chó để răn đe. Ảnh: ĐẮC LAM
Để nạn trộm chó lộng hành tức là trách nhiệm ngăn ngừa, phòng chống tội phạm của công an và chính quyền còn thấp. Khi người dân tự rào làng, dựng barie, tự hạn chế quyền tự do đi lại của mình và người khác để ngăn trộm tức là họ đã tự phát thực hiện những điều mà chỉ có quyền lực công cộng - Nhà nước - được làm. Điều đó thể hiện sự bất lực của chính quyền trong việc bảo vệ tài sản nhân dân.
Sở dĩ kẻ trộm - thực ra là cướp - chó tác oai tác quái vì kháng thể của xã hội trong cuộc chiến chống cái xấu rất thấp. Tội phạm không sợ bị trừng trị, không sợ bị lên án, đánh mất lòng tự trọng nên thay vì xấu hổ và lo sợ, chúng quay lại thách thức xã hội, hành hung những người dám ngăn cản hay bắt giữ.
Tuy nhiên, những con chó dù đắt tiền đến mấy cũng không thể so sánh với sức khỏe, tính mạng con người. Việc giết kẻ trộm chó, cho dù nhân danh nỗi căm phẫn, cũng thể hiện bước lùi của xã hội về tính nhân văn và sự văn minh. Nó gợi nhớ thời sơ khai về pháp luật, khi người ta có thể ném đá đến chết một tội đồ mà không cần phán quyết của tòa án. 
Trách nhiệm của cả xã hội là làm sao để kẻ trộm biết sợ hãi sự lên án. Trách nhiệm của chính quyền là làm sao để kẻ trộm chó sợ hãi bị bắt giữ và trừng phạt. Và trách nhiệm lớn hơn nữa của chính quyền là làm sao để người dân không cần phải rào làng, ngăn đường và không thể hè nhau giết người, đốt xe và nếu điều đó xảy ra thì phải bắt giữ và trừng trị thích đáng.
Các nơi khác không như Nghệ An
Tôi là dân Long An và lâu nay tôi cũng rất bức xúc với nạn trộm chó. Chính tôi đã nhiều lần đề nghị công an xã coi lại có phải do chính quyền chỉ phạt hành chính nên bọn trộm xem thường luật pháp mà hành động liên tục. Thế nhưng tôi xin được lưu ý là trước giờ chỗ tôi và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ không hề có chuyện đánh chết, đốt xe kẻ trộm chó. Vậy sao Hà Nội, Hà Tĩnh… và nhiều nhất là Nghệ An, chuyện không hay này cứ hay xảy ra? Có phải vì người dân ngoài đó không biết kiềm chế sự tức giận hay vì chính quyền “yếu” quá khiến mạng người được đem ra đánh đổi với một vài con chó? Đau xót quá!
tranvanthoi@...
Tôi không ưa gì bọn trộm chó nhưng thật tình tôi không tưởng tượng nổi có nhiều người sẵn sàng hè nhau đánh, giết đồng loại của mình chỉ vì một, hai con chó chừng chục, trăm ngàn đồng. Mạng người - dù đó là kẻ ác - cũng đâu thể rẻ rúng vậy!
Công an tỉnh Nghệ An cho rằng trong nhiều vụ đánh chết, đốt xe kẻ trộm chó trên địa bàn họ đã khởi tố vụ án nhưng không tìm ra bị can vì “đêm hôm dân trào ra đường biết ai là ai, hỏi không ai khai ra thủ phạm chính”. Cho tôi chất vấn: Nghiệp vụ điều tra đâu mà sao mấy anh lại dễ dàng bó tay vậy? Những vụ giết người, hủy hoại tài sản “hội đồng” như thế này đâu phải mới mẻ gì mà sao tỉnh khác xử được, Nghệ An lại không? Các anh nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng chính các anh với thái độ chần chừ, buông xuôi đã làm cho tội ác lộng hành?
minhha111@...
Đức Hiển

 

 Nguyễn Hoàng Đức - Việt Nam: Quốc gia của bầy chuột nhắt?

 
Việt Nam, ôi quê hương yêu dấu rừng vàng biển bạc của chúng ta, nhưng mà có phải nó đang tụt xuống hàng “hố rác” của nhân loại? Từ Bắc chí Nam, từ Quảng Ninh đến Cần Thơ các cô gái trẻ nườm nượm đi thi để lọt qua vòng tuyển lấy chồng Hàn Quốc. Với một lý do mở màn rất đơn giản, ít nhất người ta được xuất ngoại lần đầu, được đáp máy bay lên bầu trời. Trái lại, nếu không dám dứt bỏ một lần làm sao thoát cảnh lội bì bõm bên bờ ruộng để leo lên phi cơ phản lực vượt ra quốc tế? Những cô gái Việt này ao ước đàn ông Hàn Quốc chẳng khác gì “tây mũi tẹt”, giống cha ông châu Á đã từng khao khát phương Tây như thần thánh cái gì cũng có. Trời ơi, quả là một trời một vực, cùng da vàng mũi tẹt như nhau, chỉ sau vài thập kỷ, một đằng thì thành tây, đi đâu cũng leo lên xe hơi và máy bay; một đằng thì bán cả đời mình chỉ để nếm một lần leo phi cơ. Tại sao? Có phải tại trí khôn của người Việt mà rất nhiều người chúng ta lúc nào cũng thường trực tự hào?
Có nhiều người Việt phản ứng rất mạnh mẽ khi thấy ai nói về cái xấu của người Việt, như thể nói thế là chạm đến quốc hồn – quốc túy, nói xấu tổ tiên, ông cha… và họ phản đối như thể đó là thước đo chứng minh lòng yêu nước của mình rằng: tôi yêu tổ quốc, tổ tiên, dân tộc, giống nòi, và tôi phản đối lại là để bảo vệ tổ quốc. Họ có bảo vệ tổ quốc không? Thực ra, họ chỉ bảo vệ cái xấu trong chính con người họ. Hoàng đế Napoleon có nói “Bao dung với cái xấu là sự đồng tình với nó”. Đúng vậy một kẻ ăn cắp thường có cái nhìn vô tội với một thằng ăn cắp khác. Kẻ nói dối cũng vậy. Kẻ độc ác, đố kỵ, ích kỷ cũng thế, nó không giành cho những ai giống nó một cái nhìn phán xử khác lạ…
Kết quả bao dung cũng là bao che cho cái ác tràn lan vô bờ đến vậy dẫn đến dân tộc Việt ngày nay theo các bảng sắp hạng đều không ngoi ra khỏi vị trí đội sổ, thua xa cả những nước trong khu vực từ 50 đến 100 năm. Nói đâu xa, nước Lào là nước nhỏ bé nghèo nàn bậc nhất thế giới, nhưng từ xưa đến nay luôn trở thành giấc mơ của người Việt. Thời bao cấp, mấy anh sinh viên Lào chỉ có vài cái nhẫn vàng đeo ngón tay đã trở thành niềm ao ước của nhiều cô gái Việt. Còn giờ đây, xe hơi loại bán tải của Lào nhiều như xe đạp từ quê lên phố vẫn là mơ ước của giới trung lưu Việt Nam. Còn giới cán bộ trung lưu Việt hí hửng về thu nhập cỡ dăm chục triệu đồng mỗi tháng thì vẫn còn thua loại rửa bát, làm thuê ở Singapore, một nước nằm trong khu vực.
Sự bao dung – bao che – cũng là đồng hóa đó đã gây ra vô số cái xấu cái ác ở Việt Nam: nào ăn cắp nắp cống, tháo đinh đường tầu, tháo đinh rầm cầu, cắt đường dây điện thoại, rải đinh “đa cạnh” ra đường, rồi xi măng cốt tre…đã gây ra nhiêu tai nạn khủng khiếp. Mới nhất là nạn pha trộn tạp chất vào xăng dầu đã gây ra hàng loạt vụ cháy xe gây thiệt hại tài sản và chết chóc tang thương. Đó là một thảm họa! Nhưng còn thảm họa hơn ngay khi đã tìm ra mầm mống của những vụ pha trộn, người ta vẫn triển khai sự bao dung, nghĩa là vẫn bao che cho những thứ nguy hiểm chết người rình rập ngay trong chiếc xe của người dân. Tại sao? Vì các công ty xăng dầu đều thuộc các ông lớn, chẳng lẽ ông lại muốn phơi áo sân sau của mình! Trong một buổi gặp mặt các phóng viên. Một vị quan chức nêu ra ý kiến chỉ đạo: để kích thích du lịch Việt Nam báo chí cần khai thác đưa tin về những lời nói tốt đẹp của khách thăm quan nước ngoài, như vậy mới lôi kéo được du lịch.
- Vậy những lời nói về cái xấu của người Việt thì sao? – một nhà báo hỏi lại.
Vị quan chức cười xòa “cái này thì…” – có nghĩa là không được đăng.
Tóm lại, người Việt chỉ quen với những “sự thật” được biên tập, nói thẳng ra chỉ thích lời khen mà không muốn bị chê. Như vậy là người Việt chưa trưởng thành, chỉ là những đứa trẻ thích nghe lời khen mà không muốn bị chê. Mới đây có nhiều bài báo như của học giả Vương Trí Nhàn tập hợp những bài viết của các học giả lớn như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai … hoặc của nhà báo Hoàng Tùng… đã nêu ra từ xưa, nhiều chuyên gia phương Tây đã nhận xét người Việt rất nặng như: “nói dối”, “ăn cắp”, và “sát nhân”. Đặc biệt có chuyên gia nói: “Việt Nam là quốc gia của những con chuột”.
Trong một phóng sự truyền hình, người ta phản ánh nạn người Việt qua các nước Tây Âu, có rất nhiều người tham gia trồng cây cần sa. Họ bị giam trong nhà kín, không được ra ngoài, suốt ngay lo chăm bón các cây cần sa dưới ánh đèn điện. Việc họ bị giam cầm trong nhà không được nhìn thấy ánh sáng mặt trời liệu có phải là những con chuột? Gần hơn, một loạt các vụ giam cầm công nhân người Việt tại Nga, ăn ở và làm việc trong nhà hầm như súc vật, đến khi cháy không có đường thoát hiểm đành ôm nhau chết. Liệu có phải họ bị đối xử như những con chuột và chết như những con chuột? Và ai đã đối xử với họ như chuột? Bọn thực dân ư? Không, đó chính là những người Việt mới đó vẫn còn chân lấm tay bùn nhưng đã sớm bước vào con đường lưu manh hóa tiểu nông, rồi thành tư bản đỏ học đòi. Ai mà nói về cái xấu của người Việt thì đám này uất ức đầu tiên. Tại sao? Vì đó là những cái xấu mà chính họ mới là đại biểu cao cấp nhất.
Một quốc gia muốn trưởng thành và tiến bộ thì nó phải kiện toàn pháp luật bởi vì không có pháp luật không thể thành quốc gia mà đó chỉ là sắc tộc gia đình trị bán khai. Điều kiện đầu tiên để có pháp luật là không ai cho dù là vua chúa, chủ tịch hay thủ tướng được ở trên pháp luật. Vua phạm tội xử như thứ dân. Nhưng cái điều hiển nhiên đó cho đến nay đã đầu thiên niên kỷ thứ ba người Việt vẫn không được sống trong Nhà nước pháp quyền. Cái gọi là nhà nước của chúng ta là thứ hầm bà làng, đồng nát như lãnh đạo vẫn thường cất tiếng nói cửa miệng “đảng, nhà nước, và nhân dân”. Trong câu nói này dù bao sân nhưng vẫn thiếu một cơ quan trực tiếp của pháp luật đó là “chính phủ”, và như thế chẳng có ai chịu trách nhiệm cả. Trong khi đó ở các nước người ta luôn phải tuyên bố: chính phủ đã làm việc này việc kia.
Việt Nam làm sao có pháp luật khi điều bốn của hiến pháp, Đảng tuyên bố “lãnh đạo tất cả”, cả quốc hội là cơ quan lập hiến, cả chính phủ là cơ quan hành pháp. Người ta nói “Quốc hội là cơ quan quyền lực tối cao”, nhưng mở màn kỳ họp quốc hội, người ta lại đem nghị quyết của trung ương đảng vào đọc như một định hướng bất khả biện, thì làm sao quốc hội còn là cơ quan tối cao được. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng lại chịu sự lãnh đạo cao nhất hơn của đảng, thử hỏi ai thứ nhất? ai thứ nhì? Có một việc giản dị như vậy sao người ta vẫn ấp úng che đậy, không thể minh bạch? Vì thế ở Việt Nam, từ lập pháp đến hành pháp đều chỉ là lối tập trận giả, nhưng có một sự thực bên trong đó: là mong muốn và định vị tuyệt đối của quyền lực. Quyền lực tuyệt đối để làm gì? Để có được quyền lợi tuyệt đối! Quốc hội Việt cộng ở trình độ nào? Quốc hội đúng nghĩa là bàn của chủ tịch đoàn ngồi thấp hơn ghế của các nghị viên, được đặt ở giữa, để các nghị viên thoải mái tranh biện. Trái lại quốc hội Việt cộng thì nghị viên ngồi dưới như xem kịch, còn chủ tịch đoàn ngồi phía trên như ban giám khảo. Chủ tịch bước ra bệ nói như Mc, còn ở dưới giơ tay tán thưởng. Đúng là hình thức văn công chẳng giống ai. Đó là bằng chứng sờ sờ chứng tỏ cái gọi là quốc gia của chúng ta còn ấu nhi đến mức nào? Hội trường quốc hội đúng nghĩa của Việt nam vẫn đang xây để chờ cơ hội sánh bước với loài người. Than ôi vào thiên niên kỷ thứ ba rồi mà người Việt vẫn chưa nhấc chân bước đầu tiên vì hiến pháp đích thực. Thử hỏi người Việt là người hay là chuột?
Theo các chuyên gia, chuột là thứ sống theo bầy và thuộc loại thông minh bậc nhất, chúng không bao giờ để bị dính bẫy đến lần thứ hai. Một con bị sập bẫy, cho dù bẫy sắt, bẫy tre hay bẫy dính, thì chúng liền tụ lại họp hành rút kinh nghiệm rồi thông báo cho cả bầy trên toàn lãnh thổ cống ngầm cách thức nhận biết và tránh bẫy. Nhưng dù bầy chuột có khôn đến mấy, chúng cũng không phải là thứ kiêu hãnh của ánh sáng. Sự khôn ngoan của chúng chỉ là chui rúc để tồn tại, mà không phải là vươn thẳng để sống minh bạch và tiến bộ.
Đó là quan lại cũng như dân chúng. Giờ đến văn hóa. Thơ là thứ phổ biến cũng như dễ nhất của Việt Nam hiện nay. Thôi thì tiểu nông, tiểu thương, các cụ hưu trí, các em mới lớn đua nhau làm thơ. Giờ hãy nhìn tập đoàn làm thơ, có đông rinh rích và rúc ríc làm thơ không? Mới đây Trung quốc lĩnh giải Nobel văn học lần hai. Tại sao họ có hai thành tựu đó? Bởi vì cách đây hơn nửa thế kỷ người Trung Quốc đã bỏ làm thơ, và coi thường thơ. Ai chẳng yêu quê hương. Nhưng người đi xa về bao giờ cũng yêu quê hương hơn, yêu da diết và đau đáu. Tại sao? Bởi vì tình yêu của họ đã lên men rất nhiều bởi nỗi nhớ cồn cào. Người làm thơ sẽ yêu thơ hơn nếu người ta biết từ bỏ thơ để sống trong một cuộc đời toàn diện có công lý, tình yêu, tranh đấu, sám hối và cứu chuộc. Văn là người! Thi ca là cuộc đời! Người làm thơ sẽ trở về với thơ như nước nguồn từ đỉnh cao ùa xuống, chứ không phải như tí nước mài mực rồi cọ lên giấy vòi vĩnh khúc vinh quang. Hãy viết văn làm thơ như những con đại bàng sà xuống từ lý tưởng cuộc đời, chứ không phải bằng những khúc rúc ríc lẩn trốn khôn ngoan của bầy chuột chỉ quen thủ thế trong cơ chế xin cho của bóng tối. Một chút thành công tem phiếu bao cấp chỉ là cách con chuột chui qua kẽ hở kiểm duyệt bé tí của ông chủ, đó không phải là cách con ngựa phi nước đại cùng những con khác trên thảo nguyên để tìm xem con nào mạnh nhất?! Dám ra gió cuộc đời! Dám ganh đua minh bạch! Mới có thể tìm được giải quán quân đại bàng, hay những con chiến mã! Còn đua trong ao hợp tác ư? Chính những nhà quán quân mậu dịch đã thừa nhận “chúng ta chỉ là tép”.
Mong rằng mọi người Việt đều biết vượt qua tự ái để phấn đấu cho một xã hội tiến bộ, minh bạch và kiêu hãnh thực sự. Để những cô con gái Việt không phải nhìn đàn ông hàng xóm kiêu sa như “tây mũi tẹt”. Rất cám ơn!
Nguyễn Hoàng Đức
29/10/2012
(Viet-studies)

 

 Phòng chống DBHB: Công cụ và cái cớ để can thiệp

(QĐND) - Trả lời phỏng vấn Đài RFA mới đây, bà dân biểu Hoa Kỳ Lorretta Sanchez - người được các thế lực thù địch phản động tâng bốc là “luôn sát cánh trong vấn đề nhân quyền Việt Nam” và là tác giả của cái “bào thai quái dị” Nghị quyết House Resolution 484, đã nói rằng: “Nghị quyết 484 đặc biệt đề cập trực tiếp đến các Điều 79 và 88 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam”. Theo bà dân biểu Lorretta Sanchez, Hoa Kỳ cho rằng: Tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” và “âm mưu lật đổ chế độ” (theo Điều 88 và Điều 79) là hai tội danh bị quốc tế lên án nhiều nhất trong Bộ luật Hình sự Việt Nam với lý do đây là những điều được dùng để “đàn áp các tiếng nói đối lập” và như thế là "vi phạm nhân quyền".
Khi nói ra điều ấy có lẽ bà dân biểu Lorretta Sanchez đã cố tình quên đi một thực tế là tại Hoa Kỳ chính quyền nước này cũng chẳng bao giờ "khuyến khích lật đổ hay phá rối”! Bằng chứng là, Điều 2385 trong "Mỹ quốc pháp điển” đã quy định rằng: "Bất kỳ ai cố ý hô hào, kích động, khuyến khích lật đổ hay phá rối Chính phủ Mỹ và các tổ chức chính quyền cấp dưới đều phải bị tuyên phạt cao nhất tới 20.000USD, hoặc phải ngồi tù 20 năm. Sau khi mãn hạn tù 5 năm cũng không được Chính phủ và các tổ chức khác tin dùng”. Và đây nữa, năm 1798, lo ngại các tư tưởng của cách mạng Pháp có thể lan qua Ðại Tây Dương, Quốc hội Mỹ đã thông qua Ðạo luật Phản loạn quy định: "Việc viết, in, phát biểu hay phổ biến... mọi văn bản sai sự thực, có tính chất xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội…". Thực chất mục đích của Ðạo luật Phản loạn là để ngăn chặn việc tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền.
Nếu bà Lorretta Sanchez cho rằng: Tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” và “âm mưu lật đổ chế độ” (theo Điều 88 và Điều 79) là những điều “mù mờ”..., thì xin hỏi bà những điều luật trên của Hoa Kỳ nên gọi là gì cho xứng?
Với những điều luật của mình, Hoa Kỳ gọi là "tôn trọng nhân quyền", còn cũng những điều luật có nội dung tương tự của Việt Nam thì họ lại cáo buộc là "vi phạm nhân quyền". Người ta chẳng lạ Hoa Kỳ - đất nước luôn tự nhận mình là "tôn trọng nhân quyền" lại luôn có những tiêu chuẩn kép dành cho vấn đề nhân quyền của quốc gia khác. Dù bà dân biểu Lorretta Sanchez có lươn lẹo kiểu gì đi chăng nữa cũng không thể che giấu nổi một sự thật: Nhân quyền chỉ là công cụ để Mỹ thực thi các chính sách phục vụ cho lợi ích của họ. Đó cũng là cái cớ để họ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Kim Ngọc

 Đào Tuấn - Ăn xin ngoài đường và khoảng trống trong luật

“Việc để cho quần chúng đi ăn xin giữa đường đã là không được”.

Ăn xin giữa đường thì không được. Còn khoảng trống về quyền con người cơ bản trong luật thì được?.

Có một chi tiết đáng chú ý trong Hiến pháp sửa đổi lần này, đó là “Quyền con người”, “quyền công dân” được đưa ngay trong chương II, thay vì là chương V như Hiến pháp 1992.

Người coi đó là chuyện nhỏ, thì đúng là 1,2, hay 5 chỉ là số thực tự thông thường. Nhưng trong đạo luật quan trọng nhất của một quốc gia là hiến pháp, đó là thứ tự tự không theo bảng chữ cái A, B, C. Và hơn cả số thứ tự, nó cho thấy nhận thức tiến bộ và văn minh của các nhà làm luật.

Tiến bộ như 56 năm trước, trong bản Hiến pháp đầu tiên, quyền và nghĩa vụ công dân được quy định ngay tại chương II. Văn minh ở chỗ, quyền con người được nâng cấp trong thang bậc thứ tự quan trọng của đạo luật gốc như những điều mà thế giới đã làm từ thế kỷ trước.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9.1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ…”.Hiến pháp, theo tư tưởng của ông Cụ, được PGS, TS. Tường Duy Kiên, Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh dẫn lại: “là đạo luật bảo vệ quyền con người”.

Nhưng mãi cho đến năm 1992, lần đầu tiên “quyền con người” mới được thừa nhận trong Hiến pháp 1992, và theo TS Kiên, chủ yếu là để “làm công tác đối ngoại”. Hoặc đó là những “quy định quá chung về quyền con người; chưa phân biệt rõ quyền con người, quyền công dân; chưa xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người”- như đánh giá của Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.

Dự thảo hiến pháp được trình bày tại QH sáng nay, đã có hàng loạt điều chỉnh quy định các chi tiết về quyền công dân, quyền con người:

Quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội vì bất kỳ lý do nào; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật gia đình và bí mật cá nhân; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý; Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Và “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Những chế định đó hoặc được chi tiết hóa, cụ thể hóa, “mới tinh hóa” trong bản dự thảo, đọc nghe thật thích.

Nhưng để sự tiến bộ trong đạo luật gốc trở thành thực tiễn trong cuộc sống, có lẽ cũng không hề đơn giản. Còn nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, với tư cách là người có sáng kiến xây dựng Luật Biểu tình, Thủ tướng Chính phủ đã nói, rất giản dị rằng: Một dự án luật điều chỉnh hoạt động tuần hành, biểu tình là cần thiết vì thực tế đang đòi hỏi và Luật Biểu tình là thực hiện theo Hiến pháp, với quy định công dân được biểu tình. Chính phủ chấp nhận Luật Biểu tình, Thủ tướng Chính phủ thậm chí là người có sáng kiến xây dựng luật, dù có thể các cuộc biểu tình sẽ là nơi nhân dân tỏ thái độ, hoặc ủng hộ, hoặc chưa ủng hộ với Chính phủ. Ấy thế mà ngay trước đó, một đại biểu dân cử phát ngôn “Biểu tình là sự ô nhục”, và ngay sau đó, cũng một đại biểu dân cử khác lại bác bỏ với lý do nhạt toẹt:“Việc để cho quần chúng đi ăn xin giữa đường đã là không được”.

Ăn xin giữa đường thì không được. Còn khoảng trống về quyền con người cơ bản trong luật thì được? Với lý luận thô thiển như vậy, thì quyền con người từ Hiến pháp đến đời sống, có lẽ, phải tính bằng những “chu kỳ nhận thức”.

“Nợ dân” là từ mà ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đã dùng bởi 20 năm sau khi được đưa vào Hiến pháp, Quốc hội vẫn “nợ dân” luật Biểu tình. Nhưng luật Biểu tình, chỉ là một trong số vô số những món nợ khác trong việc luật hóa các quyền con người, quyền công dân cơ bản:quyền lập hội, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân…

Cái khó, nằm trong đầu những đại biểu sẽ bấm nút. Cái khó, còn là món nợ lưu niên chưa biết bao giờ mới trả.
Đào Tuấn
 

Bài toán tranh chấp biển đảo nguy hiểm của Trung Quốc

Nếu lịch sử có bất kỳ một hướng dẫn nào thì có nhiều nguy cơ Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực chống lại Nhật Bản để lấy quần đảo Senkaku.
Vụ tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) đang bước vào tháng thứ hai. Cuộc đối đầu hiện nay lại nguy hiểm hơn những gì đang được nhiều người chứng kiến. Những hành vi trong quá khứ của Trung Quốc liên quan đến các vụ tranh chấp lãnh thổ khác chứng minh lý do tại sao những bế tắc tại Senkaku là tiền đề để vụ này có thể bùng nổ.

Tàu Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực quanh quần đảo Senkaku. Ảnh: Associated Press
Kể từ năm 1949, Trung Quốc đã tham gia vào 23 vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trên đất liền và trên biển. Mười bảy vụ trong số đó đã được giải quyết êm thỏa, thường là thông qua các hiệp định thỏa hiệp giữa các nước. Tuy nhiên, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực sáu lần trong các vụ tranh chấp này. Và đó là những trường hợp tương tự nhất đối với bế tắc tại Senkaku.
Thông thường thì Trung Quốc chỉ sử dụng vũ lực trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng có lực lượng quân sự mà họ có khả năng đối phó. Chúng bao gồm các cuộc chiến tranh hoặc các vụ đụng độ lớn với Ấn Độ, Nga và Việt Nam (nhiều lần), cũng như các cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan. Các quốc gia này có khả năng kiểm soát lớn nhất đối với những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Trong các vụ tranh chấp với những quốc gia yếu hơn, như Mông Cổ hay Nepal, thì Bắc Kinh đã né tránh đề cập đến vũ lực vì họ có thể sử dụng sức mạnh [quân sự] trong các cuộc đàm phán. Hiện nay, Nhật Bản là hàng xóm hàng hải mạnh nhất đối với Trung Quốc, với một lực lượng hải quân hiện đại và đội ngũ lính tuần duyên khá lớn.
Trung Quốc cũng đã thường xuyên sử dụng vũ lực trong các tranh chấp liên quan đến biển đảo gần bờ của họ như quần đảo Senkaku. Dọc theo biên giới gần đất liền, Trung Quốc đã ụng sử dụng vũ lực chỉ 1/5 trong tổng số 16 vụ tranh chấp. Ngược lại, một nữa các vụ còn khác thì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đối với 4 hòn đảo tranh chấp. Các quần đảo thường được coi là có giá trị nhiều hơn vì các điều kiện chiến lược, quân sự và kinh tế bởi chúng ảnh hưởng đến an ninh đường biển và có thể chứa đựng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí đốt và ngư trường.
Ngoài ra, Trung Quốc đã chủ yếu sử dụng vũ lực để củng cố vị trí của họ, đặc biệt tại những nơi mà họ chiếm rất ít hoặc thậm chí là không có chủ quyền, điều này có thể giúp họ tuyên bố chủ quyền sau khi chiếm đoạt chúng. Ví dụ như năm 1988, Trung Quốc đã đụng độ với Việt Nam và sau đó họ đã chiếm sáu rạn san hô, một phần trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trong nhiều thập kỷ, nhưng họ không kiểm soát được bất kỳ một phần đất nào cho đến khi họ chiếm đóng khu vực này.
Trong trường hợp Trung Quốc đã kiểm soát được một phần lãnh thổ có tranh chấp, chẳng hạn như trường hợp tranh chấp biên giới với Kazakhstan, thì phía Trung Quốc có vị thế mạnh mẽ hơn, do đó họ ít sử dụng vũ lực để chiếm đoạt. Nhưng trường hợp ở Biển Hoa Đông, Trung Quốc hiện không nắm giữ bất kỳ một phần chủ quyền nào tại quần đảo Senkaku. Quần đảo này hiện đang thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản.
Quan trọng nhất, Trung Quốc thường sử dụng vũ lực trong các vụ tranh chấp lãnh thổ giữa các thời kỳ mà chế độ của họ suy yếu nhất, vì các nhà lãnh đạo hướng tới động lực lớn hơn là giải quyết vấn đề nội bộ: Họ tin rằng các thành phần đối lập tìm cách tận dụng thời điểm khủng hoảng trong nước, và rằng một phản ứng yếu hoặc hạn chế có thể làm gia tăng những thành phần bất mãn [chống lại chế độ].
Các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay có thể cảm thấy nhiều áp lực vì một số lý do: tranh chấp nội bộ giữa các đảng viên ưu tú cao cấp ở thượng tần trong Đảng Cộng sản đang cầm quyền; một nền kinh tế chậm chạp làm suy yếu tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc; và quá trình chuyển đổi quyền lực từ thế hệ này sang thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Những yếu tố này làm tăng giá trị của việc sử dụng vũ lực nhằm báo hiệu cách giải quyết đối với Nhật Bản và cả công chúng Trung Quốc. Họ cũng làm giảm thiện chí thỏa hiệp của Bắc Kinh, hay một cách khác là Trung Quốc không muốn khoan nhượng.
Đối với người Trung Quốc, nước cờ của Nhật Bản tại Senkaku trông giống như Nhật Bản đang cố gắng tận dụng những khó khăn của Trung Quốc. Những bế tắc hiện nay đã bắt đầu hồi tháng Tư, khi Thống đốc Tokyo Shintaro Ishihara, người được biết là có quan niệm dân tộc chủ nghĩa, đã công bố kế hoạch mua lại ba trong những hòn đảo từ chủ sở hữu người Nhật. Tuyên bố của ông Ishihara được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh đình chỉ tất cả những chức vụ của Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc – nhân vật được biết đến như một đảng viên ưu tú tại Trung Quốc trong hơn hai thập kỷ qua.
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn giữa lúc tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này bắt đầu chậm lại nhanh hơn so với dự kiến. Đây là một điều mà các lãnh đạo Bắc Kinh rất lo lắng. Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã công bố quyết định mua lại hòn đảo này hôm tháng Bảy nhân dịp ngày kỷ niệm sự cố Marco Polo Bridge năm 1937, đánh dấu ngày Nhật Bản chiến thắng Trung Quốc. Vụ mua bán này đã được hoàn thành trong tháng Chín, chỉ vài ngày trước ngày kỷ niệm cuộc xâm lược của Nhật Bản tại Mãn Châu vào năm 1931.
Cuối cùng, các yếu tố gây mất ổn định trong vụ bế tắc Senkaku khác là cả hai đều đang dính vào các tranh chấp với những nước khác. Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak mới đây đã phá vỡ truyền thống và trở thành lãnh đạo đầu tiên đến thăm khu vực tranh chấp tại đảo Dokdo (Takeshima), nơi đang được Hàn Quốc kiểm soát và tranh chấp với phía Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc đang đôi co với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông. Tokyo và Bắc Kinh đều có thể kết luận rằng bất cứ ai chiếm ưu thế tại quần đảo Senkaku sẽ có cơ hội tốt hơn để tuyên bố chủ quyền tại những nơi có tranh chấp khác.
Lịch sử không phải là định mệnh. Trung Quốc đã không sử dụng vũ lực trong các vụ tranh chấp lãnh thổ trong hơn 20 năm qua. Những căng thang đang leo thang tại quần đảo Senkaku có thể tránh được. Tuy nhiên, tình hình hiện nay là đầy nguy hiểm. Nếu một sự cố nghiêm trọng xảy ra liên quan đến các tàu chính phủ giữa hai nước thì đây có thể là một cuộc khủng hoảng thực sự mà kết quả không thể báo trước được.
Ông Fravel là giáo sư khoa học chính trị và là thành viên của Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông là tác giả của cuốn sách “Biên giới mạnh mẽ, Quốc gia an toàn: Hợp tác và xung đột trong các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc” do Princeton xuất bản năm 2008 (Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes).

M. Taylor Fravel - WSJ

Đặng Khương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
© Bản tiếng Việt TC Phía trước

Những nốt ruồi liên quan tới tiền bạc

Mỗi nốt ruồi trên cơ thể con người đều mang một ý nghĩa nhất định. Trong đó, có một số nốt ruồi liên quan đến tài sản, thể hiện khả năng tài chính hoặc cách giữ tiền của chủ nhân.

Nốt ruồi giữ tiền


Nếu bạn có nốt ruồi nằm ngay dưới mũi hoặc sát bên cạnh cánh mũi thì đừng nên phá đi. Bởi theo nhân diện học, đây được coi là nốt ruồi giữ tiền - người bảo vệ an toàn cho kho tài sản của bạn không bị rò rỉ. Người có nốt ruồi này không chỉ biết cách nắm giữ tiền của tốt mà còn dễ kiếm được tiền. Vì vậy, nó cũng được xem là nốt ruồi thu hút tài sản.

Nốt ruồi phân tán tài sản



Nốt ruồi bị phân tán tài sản nằm trên mũi hoặc cánh mũi, nó được xem là lỗ hổng trong kho tàng của cải. Mũi là cung Tài Bạch và nốt ruồi ở đây biểu thị cho sự rò rỉ tiền bạc trong kho của cải hoặc các vấn đề liên quan đến tài sản. Người có nốt ruồi này không những không thể giữ được tiền mà họ còn thường xuyên mất tiền. Nếu nốt ruồi hoặc vết chàm ở đây lớn, nó có thể cho thấy người đó gặp khó khăn về tài chính suốt đời.

Nốt ruồi bị trộm cắp


Trong cuộc sống hàng ngày, có người luôn may mắn, nhưng cũng có người hay gặp xui xẻo khi bị quấy nhiễu bởi nạn cướp giật hoặc trộm cắp. Nguyên nhân là do đâu? Trong trường hợp này, bạn hãy kiểm tra xem người này có nốt ruồi bị trộm cắp hay không?

Nốt ruồi này nằm ngay đỉnh của cung Điền Trạch, phía trên mắt. Chủ nhân của nốt ruồi này, nếu ở bên trái sẽ bị cướp trong chính ngôi nhà mình hoặc nhà của cha mẹ mình. Còn nếu nốt ruồi ở bên phải, tai nạn này sẽ rơi vào gia đình bên vợ. Người có nốt ruồi này cũng có thể thường làm lạc mất đồ đạc hoặc dễ để nhầm chỗ các đồ vật.
  Sưu tầm

Phiếm: Annam style

“…dân oan mất đất mất nhà, một sớm đẹp trời, không cầm đơn biểu tình mà đeo một cái ống thổi lửa lòng thòng dưới háng…”
Điệu nhảy ngựa của PSY nóng đến nỗi, mới đây TTK Liên Hiệp Quốc Ban ki Moon mà cũng muốn học nhảy tại diễn đàn nghiêm chỉnh bậc nhất của thế giới.
Nhiều người, nhất là người Nhật lúc nào cũng âu lo vì động đất, không hiểu nổi vì sao một anh chàng nhạc rap phục phịch xấu trai lại có thể gây sốt đến thế.
Nhưng nếu không bàn tới tính nghệ thuật, đẹp trai hay xấu, thì cái vụ Gangnam Style quả là một cách xả stress cực kỳ hữu hiệu.
Cả một trận cười ào ạt tuôn chảy từ đầu đến cuối. Cười chết bỏ.Cười quên thôi. Dân Pháp, dân Anh, dân Tây Ban Nha… cười để quên EU đang ngập sâu vào cái đống rác nợ nần. Dân Mỹ cười để quên thất nghiệp. Quên cái cảnh mùa Đông sắp đến mà bị đuổi ra khỏi nhà.
Ở ta, cũng không thể không cười (mếu) vì cả nước có đến 24.300 tiến sĩ mà đúc chưa nổi một con ốc. Cười vì phải vội vàng hái non cà phê nếu không thì bị mất trộm. Cười vì đường sá lở lói, lầy lội, kẹt cứng xe cộ mà Hà Nội đòi đăng cai Asiad 2019!
Nhưng siêu hơn cả, rất sảng khoái, rất “mất dạy” đó là điệu nhảy bứt tung còng số 8 của Ngải Vị Vị ở Trung Quốc. Điệu nhảy dám làm nên một Thiên An môn thứ hai nếu nhà cầm quyền không vội xóa.
Từ điệu nhảy lạ lùng đó, hãy tưởng tượng những dân oan mất đất mất nhà, một sớm đẹp trời, không cầm đơn biểu tình mà đeo một cái ống thổi lửa lòng thòng dưới háng hay một cái quạt mo không cần phành ra cũng cắt được ba góc, tất cả vạn người cùng nhảy chóc chóc thì thử hỏi nhà cầm quyền lấy cớ gì mà đánh ai, bắt giữ được ai. Không chừng công an cũng đành phải vung roi điện, dùi cui lên trên không mà nhảy theo mệt nghỉ.
Nói theo kiểu Thánh Thán, vậy không vui sao?
Và ngư dân bị cướp mất thuyền, bị cấm đánh bắt ở ngư trường quen thuộc từ bao đời vì cái lưỡi bò thì hãy cứ ra biển, trước là kéo cái “tự do” buồn thiu của mình ra giả cách như cầm cương ngựa để nó tự gồng mình lên nổi giận bắn súng nước tong tong, sau đó nhào xuống biển tắm, không sướng sao?
Làm được gì nào, tàu ngư chính cắt cáp chứ dễ gì cắt được cái “tự do” của họ!
Đây là điệu nhảy Annam style mà dân ta suốt 1000 Bắc thuộc đã từng nhảy và hiện đang được tiếp tục nhảy từng ngày, gọi nôm na là  “trỏ kẹ…t” và “vỗ nồ…n”.

28/10/2012
Khuất Đẩu 

Uống cafe “âm phủ”

Đất Hà thành với rất nhiều các quán cafe độc đáo, thú vị như cafe Lính, cafe lô cốt, cà phê sách... đặc biệt có cafe “âm phủ” sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ ưa cảm giác mạnh.
 

“Cafe âm phủ’.
Nằm sâu trong một ngõ nhỏ trên con phố Hàng Bông, – một con phố sầm uất bậc nhất đất Hà thành. Tuy là phố chính nhưng khi bắt đầu gửi xe đi bộ vào con ngõ tối thui, hun hút, bắt đầu thấy phố xá mờ mịt phía sau lưng. Hẻm thì nhỏ, nhà tầng cao vọi xây chìa ra lấn chiếm không gian nên hẻm trở thành hầm và vô tình lại chính là hầm dẫn xuống “âm phủ”.
Bước qua một khung cửa gỗ giăng đầy mạng nhện, tôi giật mình khi nhận thấy trong góc khuất của căn phòng hẹp một cô gái xõa tóc ngồi yên lặng. Không đợi cho tôi phải hốt hoảng, cô gái lên tiếng trước: “Chào anh, anh tới gọi đồ uống rồi lên phòng trước nhé, em sẽ bưng nước lên sau”.
List thực đơn đồ uống được viết lên những tấm gỗ mỏng hình ‘thẻ chết’.
Con ngõ nhỏ sâu hun hút dẫn vào quán rộng chưa tới 1m, hai bên tường gắn những bức ảnh và hình tượng kỳ dị về những bộ phận tai, mũi, mắt bằng sứ khiến cho không ít người phải cảm thấy rợn người. Những ngõ ngách u tối, cùng con đường lên gác 2 và 3 không khác gì là một ma trận.
Những hình nộm trông rất đáng sợ.
Bước qua cánh cửa được thiết kế từ những tấm mành, tấm phim in nhiều hình vẽ ghê rợn, không gian ma quái của tầng 1 hiện ra không khỏi khiến chúng tôi thót tim. Những hình nộm người đầu đen, mắt đỏ ngầu, quấn khăn trắng, cùng với mớ dây thừng, bàn tay đến đáng sợ.
Phòng uống cà phê được chia thành 14 gian nhỏ, ngăn với nhau bởi những tấm vải mảnh, mỗi khi có ánh sáng chiếu vào, những họa tiết và hình thù kỳ dị cứ hiện lên mờ ảo. Diện tích của mỗi gian cũng chỉ hơn 1m2, không có bàn ghế để ngồi, mà ngồi ngay xuống sàn, kệ để nước uống thiết kế không khác gì một… bàn thờ.
Không gian ‘run rây’ tại cafe âm phủ.
Trên trần nhà và ven tường treo lủng lẳng dây thừng, hình đầu lâu đen với ánh đèn đom đóm đỏ lập lòe bên trong, những dải lụa màu trắng phủ xuống lất phất xen lẫn những bàn tay trắng xóa được làm từ xốp buông xuống chớm đầu người…
Có một điều đặc biệt là, khi đã bước vào quán cà phê này, tất cả đều bị biến thành ma hết, người này nhìn người kia bất chợt rú lên khiếp đảm bởi những vẻ dị thường. Là bởi ánh sáng vô cùng ít, tối tăm, cùng ngồi trong cái không gian hơn 1m2 ấy, nhưng không thể nhìn thấy rõ được mắt của người đối diện.
Trong cái không gian màu sắc tối tăm và ma mị ấy, từ chiếc loa đặt ở vị trí khá trung tâm, âm thanh của quán cũng độc nhất vô nhị với chất giọng Nguyễn Ngọc Ngạn, những câu chuyện ma cứ đều đều vang vọng. Thỉnh thoảng, tiếng gió gào, tiếng người kêu oan từ chiếc loa lại rít lên đủ để những bạn nữ yếu bóng vía phải co rúm người và hét lên run sợ.
Một quán cà phê mà ngồi uống không gian xung quanh luôn luôn cho thực khách cảm giác sởn gai ốc, sợ đến toát mồ hôi.
‘Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò’
Chị Nguyễn Thị Trang, chủ quán cho biết “Quán mở đến nay cũng được gần 7 năm rồi. Vào buổi tối, khách đến khá đông, đủ mọi lứa tuổi nhưng đông nhất vẫn là các bạn sinh viên. Với không gian ở đây yên tĩnh, riêng tư, gần như lúc nào cũng có khách ngồi”.
Người vào quán lần đầu thì thấy sợ nhưng có nhiều khách đến nhiều thành quen. Khách sẽ cảm nhận thấy một cảm giác khác biệt, một không gian khác hẳn với cuộc sống thường nhật.
Nguyễn Hoan 
(Petro Times) 

“Tập đoàn” ma túy lớn nhất nước một thời (P.1)

Trước khi thi hành án tử hình, Nguyễn Khánh Lộc đã khai ra đường dây ma túy do hai vợ chồng Hà tí tồ cầm đầu. Lúc bấy giờ, đường dây này được đánh giá lớn và quy mô nhất nước. Bọn chúng không chỉ hoạt động nội địa mà còn vươn vòi bạch tuộc sang các nước như Trung Quốc, Canada...
Lời khai bất ngờ của 1 tử tù
Sáng 13/1/1995, mặc cho những làn mưa dày đặc liên tục kéo đến phủ kín bầu trời xứ sở triệu voi, chiếc ôtô Honda Accord mang BS: 74H-0487 vẫn chở ba người đàn ông lặng lẽ rời thủ đô Viêng Chăn. Vượt qua tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt, xe chạy theo Quốc lộ 9 về hướng lãnh thổ Việt Nam. Đến cửa khẩu Đen Sa Vẳn, xe dừng lại làm thủ tục nhập cảnh thì bất ngờ Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt phối hợp cùng Hải quan cửa khẩu Đen Sa Vẳn xuất hiện kiểm tra. Tiến hành khám xét, lực lượng chức năng Lào phát hiện trong hai hộp xà bông trên xe có chứa tám bánh heroin. Rà soát tỉ mỉ, trong ngăn cánh cửa xe bên phải có thêm sáu bánh heroin. Lúc này, lợi dụng tình hình lộn xộn, hai đối tượng ngồi băng ghế sau bỏ chạy vào rừng sâu trốn thoát, còn tài xế bị bắt giữ.
Tại trụ sở Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt, đối tượng khai tên Nguyễn Đức Duẩn. Trong quá trình đấu tranh, Duẩn khai hai kẻ chạy thoát là Nguyễn Khánh Lộc (SN 1959, trú phường 1, thị xã Đông Hà, Quảng Trị) và Thệp Thong In (tức Mựt, trú bản Lặt Ka Na Lăng Xỉ, xã Xuy Nha Phum, huyện Khăm Tha Bu Ly, tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt, Lào). Cùng ngày, phương án triển khai truy bắt In và Lộc được tiến hành, đồng thời vụ việc cũng được Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt thông báo với Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để phối hợp đề phòng chúng trốn sang Việt Nam.
Khi Thệp Thong In và Nguyễn Khánh Lộc chạy đến bờ sông Sê Pôn, nhìn lại phía sau thấy không còn bị truy đuổi nữa, Lộc cúi xuống vén ống quần lên rồi lận từ trong tất ra hai cuộn tiền giúi vào tay In, dặn: “Anh cất giữ dùm tôi và tạm thời tìm chỗ nào kín lánh đi một thời gian. Lúc nào sự việc lắng xuống anh em mình gặp lại”. Dặn xong, Lộc vượt sông Sê Pôn trốn sang địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), In thuê một chiếc thuyền chạy về hướng khu rừng rậm thuộc bản Huội San. Tối đến, hắn bắt đầu lần mò ra Quốc lộ 9 để tìm đường trốn lên Viêng Chăn. Khi hắn đang lang thang thì bị bốn chiến sĩ công an địa phương đi tuần tra bắt gặp kiểm tra hành chính. Khám xét trong người In, lực lượng tuần tra phát hiện hai cuộn tiền với số lượng 35.600USD. Không chứng minh được nguồn gốc số tiền này nên In bị đưa về đồn làm rõ. Ngay sau đó, Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt xác định đây là Thệp Thong In, đối tượng chạy thoát khi bị mai phục bắt quả tang vận chuyển 14 bánh heroin tại cửa khẩu Đen Sa Vẳn. Hai ngày sau, Lộc cũng bị lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị bắt giữ khi hắn đang lẩn trốn trong khách sạn Khe Sanh (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa).
Ngay sau khi bị bắt, chân dung Nguyễn Khánh Lộc được Công an tỉnh Quảng Trị làm rõ. Trước đây, gã là giáo viên dạy học, những năm 1988 và 1989, tranh thủ nghỉ hè Lộc thường mua quần áo Thái Lan ở chợ Đông Hà mang ra Hà Nội bán. Đến năm 1990 thì Lộc nghỉ dạy hẳn ở nhà buôn bán gỗ. Tháng 12/1993, Lộc thành lập Công ty TNHH Khánh Nguyên, đóng trên địa bàn thị xã Đông Hà. Công ty này có giấy phép kinh doanh các ngành nghề: chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến lâm sản xuất khẩu và được bổ sung thêm xây dựng công trình giao thông với quy mô nhỏ. Lộc thuê Nguyễn Đức Duẩn làm tài xế riêng cho mình.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Lộc khai do tính chất công việc của một giám đốc nên y phải thường xuyên sang Lào. Trong một lần ký hợp đồng khai thác gỗ tại Khăm Muộn, Lộc làm quen với Thệp Thong In và Xu Phi. Theo Lộc, Xu Phi là một tên tội phạm ma túy có vợ tên Mai ở đường Tam Bạc (Hải Phòng). Sau khi bị Công an Việt Nam truy nã về tội buôn bán ma túy, Xu Phi trốn sang Thái Lan rồi về Sa Vẳn Na Khẹt cư trú. Tại đây, hắn thường xuyên móc nối với các tên tội phạm ma túy khác để tiếp tục gieo rắc “cái chết trắng”. Khi gặp Lộc, Xu Phi ngoài hướng dẫn “kỹ năng” buôn bán ma túy còn giới thiệu cho Lộc hai địa chỉ “nhập” hàng là vợ của Xu Phi và một địa chỉ nữa nằm trên phố Hàng Cót (Hà Nội). Sau khi được Xu Phi cung cấp cho hai địa chỉ trên, Lộc đã ghi vào sổ tay rất cẩn thận rồi bảo Xu Phi ký vào để lúc về nước đi ra Bắc gặp “đối tác” có cái làm tin.
“Tập đoàn” ma túy lớn nhất nước một thời (P.1), An ninh Xã hội, buon ban ma tuy, tap doan ma tuy lon chua tung co, ma tuy, van chuyen ma tuy, duong day ma tuy lon nhat, bao, bao cong an, bao an ninh, vn
Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Khánh Lộc
Ngày 2/1/1995, Xu Phi gọi điện thoại thông báo cho Lộc với nội dung “đã có máy”. Ngày hôm sau, Lộc tức tốc làm hồ sơ vay Ngân hàng Nông nghiệp Quảng Trị 500 triệu đồng với mục đích mua xe máy về kinh doanh. Mặc dù đây là mặt hàng không nằm trong danh mục mà Công ty TNHH Khánh Nguyên được cấp phép kinh doanh, nhưng do không rà soát kỹ nên Ngân hàng Nông nghiệp Quảng Trị vẫn duyệt cho Lộc vay. Vay được tiền, Lộc dùng 100 triệu đồng để trả nợ, 400 triệu còn lại đổi thành 35.600USD. Vài ngày sau, gom đủ 75.600USD, Lộc bảo tài xế Duẩn chở sang Lào. Đến Sa Vẳn Na Khẹt, cả hai vào thuê một phòng ở khách sạn Sanhamumkhun nghỉ lại.
Sáng 8/1/1995, Thệp Thong In và Xu Phi tìm gặp Lộc để bàn bạc kế hoạch lên Viêng Chăn. Sau khi thống nhất, Lộc giao xe cho Duẩn chở Xu Phi lên Viêng Chăn trước, còn y ở lại mang 40.000USD đến Ngân hàng Sa Vẳn Na Khẹt nhờ Thệp Thong In đứng tên chuyển lên Viêng Chăn. 35.600USD còn lại Lộc cuộn tròn lận trong tất. Xong việc, Lộc cùng In mua vé máy bay lên sau. Đến Viêng Chăn, khi Duẩn đưa ôtô ra đón, Lộc bảo chở về nhà khách Tham tán Kinh tế - Văn hóa thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Lào thuê phòng nhằm tránh gây chú ý. Buổi chiều hôm đó, Lộc đến Ngân hàng Viêng Chăn rút 40.000USD. Chập choạng tối, Xu Phi mang về hai bánh heroin và hét giá với Lộc 6.000USD. Sau khi “hội ý” với In, Lộc trả giá 5.300USD nhưng Xu Phi không bán.
Hôm sau, trong lúc Xu Phi đi vắng, Lộc và In đang dạo dưới sảnh khách sạn thì gặp một phụ nữ đến tìm Xu Phi. Cả hai mời người này lên phòng ngồi chờ. Qua vài câu chuyện, chị ta giới thiệu tên Thíp Xu Da, thường xuyên cung cấp heroin cho Xu Phi và đề nghị: “Nếu hai anh có nhu cầu lấy “hàng” thì tôi có thể cung cấp”.
Thông qua những mối quan hệ mờ ám, trưa 11/1/1995 Lộc và In tìm đến nhà một đối tượng tên Hon Xa Cun mua được tám bánh heroin với giá 22.200USD. Cảm thấy số hàng vẫn chưa đủ nên buổi chiều cùng ngày, cả hai gọi điện thoại cho Da ra Bưu điện Viêng Chăn gặp nhau bàn bạc. Một lúc sau, Da xuất hiện đưa Lộc và In về nhà mình. Tại đây, sau khi trao đổi với nhau vài câu, chồng Da mang ra sáu bánh heroin đặt lên bàn “chào hàng”.
Trầm ngâm một lúc, Lộc lấy con dao nhọn chậm rãi cầm từng bánh heroin lên kháy từ mỗi bánh một mẩu bỏ vào nước để kiểm tra chất lượng rồi ra giá: “Tôi đồng ý mua hết số hàng này với giá 15.600USD”. Thip Xu Da gật đầu xởi lởi: “Lần đầu gặp nhau, tôi đồng ý bán coi như làm quen và để sau này mình còn hợp tác với nhau nữa”.
Sáng 13/1/1995, Duẩn lái xe chở Lộc và Thệp Thong In rời Viêng Chăn về Việt Nam. Riêng Xu Phi sau khi môi giới “hàng” với Lộc bất thành nên đón xe về trước. 17 giờ cùng ngày, xe đến cửa khẩu Đen Sa Vẳn, sau khi kiểm tra xong thủ tục giấy tờ, Công an và Hải quan Lào phát hiện 14 bánh heroin (trọng lượng 5kg). Thấy việc bị bại lộ, Lộc và In bỏ trốn, vài ngày sau bị bắt giữ.
Từ ngày 26 đến 29/2/1995, Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt đã cử đoàn cán bộ của Phòng Điều tra hình sự sang Công an tỉnh Quảng Trị trao đổi kết quả điều tra và cung cấp cho Công an tỉnh Quảng Trị lời khai của Nguyễn Đức Duẩn và Thệp Thong In. Ngày 18/2/1995, Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt đã bắt thêm N.V.T (trú Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị), đối tượng nghi liên quan đến vụ án. Hai tuần sau, Công an tỉnh Sa Vẳn Na Khẹt dẫn giải Duẩn và N.V.T bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Trị để điều tra mở rộng. Sau khi lấy lời khai, kết hợp xác minh thấy N.V.T không liên quan đến vụ án nên Công an tỉnh Quảng Trị đã trả tự do cho T.
Ngoài ra, Nguyễn Đức Duẩn chỉ là lái xe thuê, không hề biết Lộc và In buôn bán heroin với Da, Hon Xa Cun và Xu Phi.
Ngày 24/2/1996, TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt Nguyễn Khánh Lộc tử hình về tội “mua bán trái phép các chất ma túy, 10 năm tù về tội vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới”. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Mặc dù bị tuyên án tử hình, nhưng trong thời gian trong phòng biệt giam, Lộc vẫn đang trông đợi một phép màu nào đó có thể thay đổi bản án.
Rạng sáng 18/8/1997, tại trại giam Công an tỉnh Quảng Trị, trong lúc các phạm nhân khác đang yên giấc thì Lộc bất giác choàng tỉnh dậy bởi tiếng mở khóa lách cách từ phía cửa phòng. Khác với thường ngày, khuôn mặt Lộc tái mét, chân tay run lẩy bẩy. Sau khi nghe hết biên bản quyết định thi hành án tử hình gã đã sụp xuống đất. Qua kẽ hở của hai hàm răng đang va vào nhau, Lộc lắp bắp: “Thưa...! Tôi biết rằng Đảng và Nhà nước đã có chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội ăn năn hối cải... tôi xin khai thêm”.
Đường dây ma túy xuyên quốc gia
Ngày 18/8/1997, hội đồng đã quyết định hoãn thi hành án tử hình đối với Nguyễn Khánh Lộc về tội “mua bán trái phép chất ma túy”, đồng thời giao cho Cơ quan an ninh Công an tỉnh Quảng Trị khẩn trương xác minh làm rõ những tình tiết mới trong lời khai của Lộc.
Đối tượng Hồng, chủ khách sạn Ngọc Minh, có địa chỉ số 71 Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội) mà Lộc nhắc đến là Nguyễn Thị Hồng (SN 1960). Hồng là vợ của Nguyễn Ngọc Phụ (tên gọi khác Nguyễn Ngọc Hà, tức Hà tí tồ, SN 1958, trú 74 Hàng Chiếu). Cặp vợ chồng này thao túng một đường dây ma túy rất quy mô mà Cục Phòng chống ma túy đang theo dõi. Vợ chồng Hà - Hồng có mối quan hệ buôn bán ma túy với nhiều đối tượng trên toàn quốc nên giàu lên rất nhanh. Ngoài khách sạn Ngọc Minh, chúng mua được nhà hàng Thiên Hương (86 Bà Triệu) và rất nhiều đất đai gần đó để làm nơi chế biến ma túy. Công an TP. Hà Nội cũng đã xác lập chuyên án theo dõi vợ chồng Hà.
Đấu tranh mở rộng, Lộc thành khẩn trong chuyến “gom hàng” ở Lào mà sau đó bị bắt trên đường về nước, Lộc mang theo 75.600USD, trong đó 40.000USD là do Hồng đưa cho Lộc với mục đích qua Lào mua heroin và trả tiền “bồi dưỡng”, số còn lại Lộc vay ngân hàng rồi sau đó đổi ra 35.600USD.
Những năm 1988 - 1989, Lộc thường tranh thủ nghỉ hè mua quần áo Thái Lan ở chợ Đông Hà mang ra chợ Đồng Xuân bán cho Hồng rồi quen nhau. Ban đầu là chỗ bạn hàng buôn bán, về sau Hồng thường trốn chồng thuê khách sạn quan hệ tình cảm với Lộc.
Năm 1990, Lộc nghỉ dạy học, lập công ty đi buôn bán gỗ và các mặt hàng xây dựng. Trong một lần Lộc cùng Thệp Thong In ra Hà Nội mua máy nghiền đá cho Công ty xuất nhập khẩu Quảng Trị, Lộc đã đưa In đến nhà Hồng chơi. Qua tiếp xúc, Hồng biết In là người Lào nên lấy ra một bánh heroin rồi hỏi: “Ở Sa Vẳn Na Khẹt có loại này không?”. In trả lời: “Ở đó không có nhưng những nơi khác thì họ bán nhiều”.
Sau chuyến gặp mặt Hồng tại Hà Nội, Lộc và In về đôn đáo tìm nguồn “hàng” và cả hai làm quen với một người tên Xu Phi, chuyên “cò” heroin. Xu Phi đưa Lộc và In đến nhà một người đàn ông bị chột mắt rồi dặn: “Cứ vào xem hàng rồi quyết định mua hay không”. Gã chột mắt mang ra tám bánh heroin hét giá 6.500USD một cặp (hai bánh). Một thoáng suy nghĩ, Lộc ra ngoài gọi điện thoại cho Hồng. Nghe Hồng “tư vấn” xong, Lộc quay vào nói với Xu Phi trả giá xuống mỗi cặp giá 6.000USD. Xu Phi hỏi: “Thế trả tiền công tôi ra sao”. “Tôi sẽ trả cho anh mỗi bánh 200USD” - Lộc hứa.
Xu Phi nghe thế liền bước đến vỗ vào vai gã chột mắt trả giá, nhưng hắn chỉ đồng ý giảm giá mỗi bánh 100USD. Để chuyến “hàng” đầu tiên được suôn sẻ, Lộc đồng ý mua hết tám bánh với giá 25.000USD.
Trưa 29/12/1994, Lộc mang hai hộp đường chứa tám bánh heroin đến khách sạn Ngọc Minh (71 Nguyễn Trường Tộ) giao cho Hồng rồi về lại nhà khách Bộ Thủy lợi. Tối cùng ngày, Hồng điện thoại khoe đã bán được 8.500USD một cặp và đồng ý nhận 800USD tiền “hoa hồng”. Sau đó, Hồng bảo Lộc đến khách sạn Ngọc Minh gặp Đinh Phú Quý, là nhân viên khách sạn, để nhận 40.000USD, trong đó tiền heroin là 33.200USD, còn 6.800USD Hồng cho Lộc vay để làm vốn “mở rộng kinh doanh”.
Hoa mắt trước phi vụ béo bở đầu tiên, Lộc vội vã về làm hồ sơ vay ngân hàng 500 triệu đồng, dùng 100 triệu đồng trả nợ, số còn lại đổi thành đôla để chuẩn bị một chuyến hàng đậm hơn. Tuy nhiên, khi chuyến “hàng” 14 bánh heroin về đến cửa khẩu Đen Sa Vẳn thì bị lực lượng chức năng Lào bắt quả tang.
Khi Nguyễn Khánh Lộc bị giam giữ tại trại giam Công an tỉnh Quảng Trị để chờ mang ra xét xử, lúc này Lộc vẫn chưa khai ra Nguyễn Thị Hồng thì bên ngoài, vợ chồng Hồng - Hà tí tồ biết rằng, chỉ cần Lộc “phun” ra là chết cả lũ. Chúng thường lấy cớ vào thăm nuôi Lộc, bắn tin động viên đừng khai ra để ở ngoài chúng tìm cách “chạy án”. Thời gian này, em gái Hà tí tồ là Nguyễn Thị Chi đang định cư bên Canada về thăm nhà nên Hà nhờ đi cùng với N.T.H (em gái Hồng) vào trại giam Công an tỉnh Quảng Trị thăm, cho quà và động viên Lộc đừng khai ra. Nguyễn Thị Hồng còn nói với em trai Lộc: “Dù có đổ cả gia tài mà lo được cho anh Lộc thì Hồng cũng đổ”.
Để “chạy án” cho Lộc, Hà tí tồ vận dụng tất cả các mối quan hệ mà y có. Niềm hy vọng đó Hà mang đến “gửi gắm” cho bà N.T.K.H - một cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao Hà Nội, vốn là người quen của vợ chồng hắn. Ngày 29/11/1995, Hà cùng bà N.T.K.H mua vé máy bay vào Đà Nẵng và được em trai Lộc lái xe đến đón tận sân bay đưa về nghỉ tại khách sạn Thu Bồn. Sau đó, bà N.T.K.H đã làm “cầu nối” cho Hà gặp hai cán bộ Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng để nhờ lo “chạy án” cho Lộc, nhưng cuối cùng thất bại.
Ngày 18/8/1996, sau khi biết tin Nguyễn Khánh Lộc được hoãn thi hành án tử hình để khai báo bổ sung, Hồng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Còn Hà tí tồ ở lại tìm mọi cách đối phó với cơ quan công an. Ngày 28/9/1996, Hà gọi điện thoại cho đàn em Vũ Văn Vang (trú Kim Sơn, Ninh Bình) với nội dung, lên khách sạn Ngọc Minh bàn việc “mua ba ba”. Hôm sau, Vang rủ thêm Trần Văn Kim đi cùng. Sau khi chia tay, Vang kể lại nội dung cuộc trao đổi giữa y và Hà với Kim.
 

Tập đoàn ma túy lớn nhất nước (P.2)

Phi vụ "siết nợ" 26 bánh heroin của Vũ Xuân Trường
Vũ Xuân Trường (SN 1960, trú phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) lợi dụng chức vụ của mình đã cấu kết với nhiều tên tội phạm ma túy khét tiếng trong nước cũng như nước ngoài để thực hiện trót lọt nhiều phi vụ vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng lớn. Trong chuỗi ngày làm “ông trùm” thao túng thị trường ma túy, có lẽ Trường chua xót nhất là phi vụ bị vợ chồng Hà tí tồ dụ gom 13 cặp (26 bánh) heroin mang đến nhà bán để rồi bị cặp vợ chồng này “siết nợ” vì “bồ nhí” của Trường là Tạ Thị Hiển đang thiếu nợ.
Thông qua Tạ Thị Hiển và Đỗ Thị Vui, vợ chồng Hà biết Vũ Xuân Trường là đại úy Cảnh sát phòng chống ma túy nhưng biến chất nên thường lén lút qua lại với những đối tượng buôn bán ma túy trong các đường dây cỡ bự. Cuối năm 1995, Hồng chủ động gọi điện cho Trường mời đến nhà bàn việc “làm ăn”. Đã nhiều lần nghe người tình kể về quy mô hoạt động của đường dây ma túy do vợ chồng Hồng - Hà cầm đầu tại Hà Nội và các tỉnh lân cận nên Trường đồng ý gặp nhau. Theo hẹn, Trường đến gặp vợ chồng Hồng - Hà trên gác hai. Qua vài câu chuyện, Hồng đặt thẳng vấn đề: “Nếu lúc nào có “hàng” thì mang đến bán cho chúng tôi”. Trước khi chia tay, Hồng đưa số điện thoại cho Trường để liên lạc.
Sau buổi gặp nhau đó, Vũ Xuân Trường về nhà điện thoại cho Nguyễn Trọng Thắng (tức Thắng “béo”, SN 1958, trú phố Bế Văn Đàn, phường Mường Thanh, thị xã Điện Biên Phủ) bảo xuống Hà Nội gấp. Trường chạy xe máy đến tìm Thắng khoe: “Vừa mới kiếm được mối bán “hàng” cỡ lớn. Anh đến chỗ thằng Xe (Đào Xuân Xe) mua dùm tôi khoảng 18 “băng” (bánh heroin) nhé”. Sau đó, Trường đưa cho Thắng 70.000USD nhờ mua heroin rồi gửi xuống cho Trường. Theo Thắng “béo”, trước đây Đào Xuân Xe là chỗ thân thiết với Vũ Xuân Trường, nhưng trong quá trình làm ăn Xe âm thầm giựt hết “mối” của Trường nên từ đó cả hai không giao dịch trực tiếp với nhau nữa. Chính vì thế trong phi vụ này Trường mới nhờ Thắng “béo” làm trung gian.

Tập đoàn ma túy lớn nhất nước (P.2), An ninh Xã hội, buon ban ma tuy, tap doan ma tuy lon chua tung co, ma tuy, van chuyen ma tuy, duong day ma tuy lon nhat, bao, bao cong an, bao an ninh, vn
Hà tí tồ, Nguyễn Thị Hồng, Tạ Thị Hiển
Cầm 70.000USD của Trường về Điện Biên, Thắng “béo” đến nhà Xe ở đồi A1. Mặc dù Thắng không nói ra lấy “hàng” cho ai nhưng Xe cũng thừa biết đây là tiền của Trường nên nói thẳng với Thắng: “Làm ăn với thằng Trường thì cứ có tiền tươi tôi mới giao hàng”. Vài ngày sau, Xe và Bùi Danh Ca gọi Nguyễn Trọng Thắng đến nhà giao cho 18 bánh heroin, nói: “Tiền của thằng Trường chỉ đủ mua từng này”. Sau đó, Xe đưa thêm cho Thắng “béo” 8 bánh heroin nữa rồi dặn: “4 cặp này nhờ anh đưa về để nó bán hộ tôi. Nếu không bán được hoặc chê hàng xấu thì anh mang lên để tôi trả cho người ta”. Thắng “béo” điện thoại thông báo cho Trường “gom được 13,5 cặp (27 bánh heroin)” rồi mang lên Hà Nội giao tại khách sạn Vinacorp. Nhận được “hàng”, Trường mang về nhà giấu rồi liên lạc với Nguyễn Thị Hồng hẹn địa điểm giao dịch.
Một buổi tối cuối năm 1995, Trường điều khiển xe máy mang theo chiếc túi chứa đựng heroin đến tiệm cầm đồ Ngọc Minh của vợ chồng Hà nằm trong hẻm ở Hàng Cót. Đến nơi, Trường thấy Hồng - Hà đang đứng chờ trước cửa. Hồng bảo Trường đi ngược trở lại hẻm, sang căn nhà gần đó giao dịch để đảm bảo an toàn hơn. Sau đó, Trường dắt xe máy đi bộ theo vợ chồng Hồng - Hà ngược trở lại theo con hẻm khoảng 15m thì có một người đàn ông tên Dũng, em của Hồng, tới xách túi hàng rồi dẫn cả ba người vào một căn nhà gần đó. Sau khi chờ Dũng khóa cửa cẩn thận, bọn chúng mở chiếc túi đổ heroin ra nền nhà kiểm tra.
Tuy nhiên, chỉ có 26 bánh chứ không phải 27 bánh như Thắng nói. Thỏa thuận xong, Trường đồng ý bán cho vợ chồng Hà mỗi bánh heroin giá 5.600USD, tổng cộng 26 bánh là 145.600USD. Lúc này Hà dắt xe máy ra khỏi nhà bảo Trường đi theo hắn lên phố Bát Sứ lấy tiền. Tại phố Bát Sứ, Hà dẫn Trường vào một căn nhà nằm trong hẻm rồi thẳng thừng tuyên bố: “Cô Hiển, bồ của anh, đang thiếu tiền vợ chồng tôi nên số “hàng” đó chúng tôi sẽ trừ vào khoản nợ. Có gì thắc mắc anh tìm vợ tôi bàn bạc tiếp”. Trường quay lại tiệm cầm đồ tìm Hồng nhưng Hồng cũng đã rời khỏi nơi này. Trường đến nhà hỏi Tạ Thị Hiển về việc nợ nần thì Hiển thừa nhận có nợ tiền vợ chồng Hà. Số tiền này theo Hiển đã trả cho cặp vợ chồng này rồi, nhưng do quên lấy lại giấy vay nợ nên bị chúng ép trả tiếp.
Mặc dù rất tức tối vì bị Hồng - Hà “gài” lấy mất lô “hàng”, nhưng lo sợ nếu làm lớn chuyện chẳng có lợi gì nên Trường kiềm chế bảo Hiển: “Em đến gặp vợ chồng nó tính toán xem trừ nợ xong còn lại bao nhiêu tiền lấy về trả tiền cho Thắng”. Hiển tìm gặp Hồng nhận lại 57.000USD. Khi Thắng “béo” lên lấy tiền để mua ôtô, Trường và Hiển chỉ đưa 40.000USD, số còn lại Trường xin khất nợ.
Trong phi vụ Vũ Xuân Trường bị vợ chồng Hồng - Hà siết nợ, Nguyễn Trọng Thắng cho rằng Trường bị lừa. Vì do đang nợ vợ chồng Hà một khoản tiền lớn, biết Vũ Xuân Trường là người rất có tình cảm với mình nên Hiển bàn bạc với Hồng - Hà “gài” Trường gom “hàng” về siết nợ. Sau khi đã dính tròng cặp vợ chồng trùm ma túy mà được giới “hàng trắng” trong nước đánh giá là “chợ lớn”, lại có quan hệ với một số người có thế lực cả ngoài sáng lẫn trong tối nên Trường đành cay đắng chấp nhận. Với lại, chính “vở kịch” siết nợ cũng được vợ chồng Hồng - Hà cùng Hiển “diễn” rất đạt nên Trường không nhận ra.
"Xuất khẩu" ma túy ra nước ngoài
Ngày 10/11/1992, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử bị cáo Trần Ngọc Hà (SN 1961, trú Hà Nội) về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”. Theo cáo trạng, ngày 12/10/1989 Phòng ngoại dịch Công ty Bưu chính liên tỉnh thuộc Bưu điện Hà Nội kiểm tra các bưu phẩm, bưu kiện đóng gói gửi đi nước ngoài, phát hiện trong túi thư số 213 của chuyến thư số 5 ngày 9/10/1989 từ Hà Nội đi Montréal (Canada) trên nhãn ghi trọng lượng là 5kg. Thực chất khi cân lại số hàng này nặng 6,650kg. Bên ngoài ghi tên người gửi là Nguyễn Thị Xuân (trú 74 Hàng Chiếu, Hà Nội), người nhận là Bùi Trung Nam ở Canada, số hàng nhận ghi 3kg chè.
Tiếp tục kiểm tra tìm thấy thêm gói bưu kiện số 201 gửi ngày 9/10/1989 ghi tên người gửi là Nguyễn Thị Lào (trú 47 Lương Ngọc Quyến, Hà Nội), gửi số hàng ghi trên bao bì là 2,5kg chè, người nhận cũng là Bùi Trung Nam ở Canada.
Nghi ngờ những bưu kiện khác thường này không phải là chè nên Phòng ngoại dịch đã mời thường trực hải quan, trực ca hải quan và cán bộ Bưu điện Hà Nội mở niêm phong kiểm tra hai bưu kiện nói trên. Tại bưu kiện số 201 có 0,666kg chè (cả bì) và 4 gói màu đen dạng keo nhựa, nặng 2,040kg. Gói bưu kiện số 213 có 0,510kg chè và 4 gói màu đen dạng keo nhựa màu đen nặng 2,010kg. Số keo nhựa màu đen trên Công ty Bưu chính liên tỉnh TP. Hà Nội đã lấy mẫu gửi Bộ Nội vụ giám định. Ngày 17/10/1989, Viện Khoa học hình sự Bộ Nội vụ có công văn xác định, trong các mẫu Bưu điện Hà Nội gửi đến giám định đều là thành phần chất thuốc phiện.
Quá trình điều tra được biết, Trần Ngọc Hà cùng một người tên Hùng đều là cán bộ hải quan Bưu điện Hà Nội đã mang những bưu kiện trên đến. Sau đó, chúng lợi dụng là đồng nghiệp quen biết mang vào nhờ cán bộ kiểm hóa của hải quan bưu điện làm thủ tục qua loa để qua mặt hải quan.
Theo điều tra, Hùng thường ra quán của Nguyễn Thị Lào uống cà phê. Thấy Hùng mặc đồ hải quan bưu điện nên Lào lân la làm quen đặt vấn đề chuyển thuốc phiện theo đường bưu điện sang Canada. Hùng nói việc này phải hỏi ý kiến Hà. Sau đó Hùng về hỏi thì được Hà nhận lời. Ngày 9/10/1989, Hùng cho một đối tượng tên Hiếu đến nhận từ bà Lào một gói hàng cùng một cuộn băng dính và 800 ngàn đồng. Hiếu nhận xong rút lại 300 ngàn đồng rồi mang kiện hàng cùng 500 ngàn đồng đến cho Hà. Số tiền 500 ngàn đồng còn lại Hùng và Hà chia nhau. Tiếp đó, ngày 11/10/1989, bà Lào lại đưa cho Hiếu một gói hàng cùng 1 triệu đồng. Hiếu đưa gói hàng cho Hà cùng 600 ngàn đồng, Hiếu giữ lại 400 ngàn đồng.
Sau khi bị phát hiện, Hùng bỏ trốn, Hiếu phủ nhận không biết trong những gói quà đó là hàng thuốc phiện mà chỉ biết bảo đi nhận thì làm theo. Nguyễn Thị Lào cũng không thừa nhận đó là những gói hàng của mình. Kết thúc phiên tòa, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt Hà ba năm tù giam.
Điều đáng nói, hai người đứng tên trong hai bưu kiện chứa thuốc phiện trên gồm bà Nguyễn Thị Xuân là mẹ của Hà tí tồ, còn Nguyễn Thị Lào là chị gái của y.
Ngày 9/3/1992, Văn phòng Interpol Việt Nam đã nhận được bức điện do Văn phòng sứ quán Canada gửi về thông báo việc đang điều tra một nhóm buôn lậu ma túy trên đường phố Edmonton do Nguyễn Ngọc Nội cầm đầu. Theo nội dung bức điện, nhóm này ngày càng mở rộng địa bàn hoạt động. Do đó, Cảnh sát Canada đang theo dõi và cần có nhiều chứng cứ để triệt phá. Tuy nhiên, thời gian này tên Nội trốn về Việt Nam để tránh sự truy bắt của Cảnh sát Canada. Trước đó, ngày 18/2/1992 Cảnh sát Canada cũng đã bắt giữ được hai đối tượng nghi là đàn em của Nội đang vận chuyển 2kg cocain trên đường phố Edmonton.
Qua theo dõi, Cảnh sát Canada biết được ngày 29/2/1992, Bùi Trung Nam điện thoại về Việt Nam cho một đối tượng tên Hùng để tìm gặp Nội. Hùng trả lời rằng Nội đang trên đường ra sân bay để đón một người bạn. Hùng còn thổ lộ thêm, thời gian về Việt Nam, Nội thường hay đánh bạc, mỗi ngày thua 100USD. Chính vì thế, trước đó Nội đã bị công an bắt tạm giam vì tội đánh bạc và bị lập biên bản phạt hành chính. Hùng còn cho biết có thể Nội trở lại Canada vào ngày 9/3/1992. Ba ngày sau, Nam tiếp tục gọi vào số máy trên để gặp Nội. Qua điện thoại, Nội cho Nam biết vừa đón một nhân vật rất quan trọng, có vị trí đứng thứ hai ở Hồng Kông về. Nội không nói rõ lúc nào sẽ trở lại Canada.
Trước đó, ngày 14/1/1992 Tổng cục Cảnh sát cũng đã có cuộc làm việc với ông KJ. Kelly - Sĩ quan liên lạc của Cảnh sát Canada tại Bangkok (Thái Lan). Ông này cho biết có hai đối tượng Việt kiều tại Canada là Nguyễn Ngọc Nội và Nguyễn Ngọc Mậu (đều là em ruột của Hà tí tồ) buôn lậu ma túy từ Việt Nam sang Canada. Ngày 20/12/1991, Thanh tra hải quan đã bắt quả tang một đối tượng tên Chu Sơn An tại sân bay quốc tế Los Angeles khi y cố tìm đường vào Mỹ. Qua kiểm tra hành lý, Thanh tra hải quan phát hiện trong tám bức tranh sơn mài Chu Sơn An mang theo có cất giấu gần 2kg heroin. An khai những bức tranh này do một người bạn tên là Lượng gửi từ Việt Nam sang cho một người bà con tên Nội ở Toronto (Canada). Lượng bảo Nội liên lạc với An và nhận lại các bức tranh sơn mài này ở New York.
Từ ngày 28 đến 29/9/1998, TAND tỉnh Ninh Bình đã đưa các bị cáo Nguyễn Ngọc Phụ (tức Hà tí tồ), Vũ Văn Vang, Lò Khăm Mới, Trần Văn Kim, Lê Đăng Thống và Nguyễn Xuân Thành về tội “mua bán trái phép các chất ma túy” và “buôn bán hàng cấm”. Theo đó, Phụ, Kim, Mới bị tuyên phạt tử hình; Vang, Thống tù chung thân, còn Thành lãnh 15 năm tù giam cũng về tội danh trên.

Riêng Nguyễn Thị Hồng bỏ trốn đã bị phát lệnh truy nã đặc biệt. Ngoài ra, tịch thu của Hà khách sạn Ngọc Minh số 71 Nguyễn Trường Tộ, hơn 3,1 tỷ đồng cùng một số đồ vật khác liên quan đến việc buôn bán ma túy; tịch thu của Lê Đăng Thống 279.600.000 đồng, 11.631USD...
Trước đó, ngày 9/6/1994 Nguyễn Thị Lào (SN 1944) đã bị Công an đường sắt Liêu Châu Quảng Tây bắt quả tang sau hai lần vận chuyển 24,5kg heroin. Tại cơ quan điều tra, Lào không công nhận thân nhân và địa chỉ nơi cư trú. Một thời gian sau, Lào mới khai nhận ở 47 phố Lương Ngọc Quyến, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nghề nghiệp làm y tá đã nghỉ hưu. Nguyễn Thị Lào chính là chị gái của Nguyễn Ngọc Phụ. Một thời gian sau, Lào đã bị Công an Trung Quốc tử hình nơi đất khách quê người.
  Tình Sơn 
  (Công An Tp.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét