Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

HOT - THỜI SỰ TRONG NGÀY - CẬP NHẬT

 Gia tài nhiều tỉ đô la trong bóng tối của gia đình Ôn Gia Bảo (2)

Ông Ôn Gia Bảo đã tạo dựng được hình ảnh một Thủ tướng cải cách, gần gũi với nhân dân, và thói quen tiếp xúc với người dân bình thường, đặc biệt là trong những cuộc khủng hoảng như thiên tai, khiến báo chí Trung Quốc thường gọi ông là « Thủ tướng của nhân dân » hay « Ôn gia gia ».
Tuy khó thể xác định được rằng Thủ tướng biết đích xác tài sản của những người thân hay không, một bức điện trong số các tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ năm 2010 khiến có thể nghĩ rằng Ôn Gia Bảo có biết về những vụ làm ăn của thân nhân mình, và ông không hài lòng về điều đó.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo gặp gỡ công nhân Tứ Xuyên sau trận động đất năm 2009.
« Ông Ôn rất bất bình trước những hành động của gia đình, nhưng ông không thể, hoặc không muốn ngăn cản ». Trong bức điện đánh đi năm 2007, một nhà ngoại giao Mỹ đã nhận xét như trên với một người quản lý gốc Hoa của một công ty Mỹ ở Thượng Hải.
Trong giới chóp bu Trung Quốc, không ai không biết Trương Bội Lị là một phụ nữ giàu có, đóng vai trò quan trọng trên thị trường nội địa về nữ trang và đá quý. Nhưng các tài liệu chính thức mà chúng tôi có được cho thấy, chính khi ông chồng lên được ngôi vị cao nhất, thì các vụ làm ăn của bà vốn đã béo bở trong công nghiệp kim cương, lại càng phất lên như diều gặp gió.
Là nhà địa chất chuyên về đá quý, Trương Bội Lị vẫn ít được người dân Trung Quốc biết đến. Bà rất ít khi xuất hiện bên cạnh Thủ tướng, kể cả trong những cuộc gặp gỡ công khai hay những chuyến công du, và các bức ảnh chính thức của cặp vợ chồng nguyên thủ hết sức hiếm hoi. Những người làm việc với bà nhìn nhận, bà rất mê cẩm thạch và những viên kim cương xinh đẹp, nhưng thường ăn mặc kín đáo, lịch sự, chỉ sử dụng ảnh hưởng của mình trong hậu trường, như thường thấy ở những người thân các các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc.
Theo các tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ bị WikiLeaks tiết lộ, Ôn Gia Bảo có lúc đã muốn ly dị vì bà vợ khai thác chức vụ của ông để thủ lợi cá nhân trong lãnh vực kim cương. Năm 2007, truyền hình Đài Loan cho biết bà Trương Bội Lị đã mua một đôi bông tai cẩm thạch trị giá khoảng 213.000 euro trong một hội chợ chuyên ngành tại Bắc Kinh. Tuy nhiên người trung gian Đài Loan tiết lộ tin này sau đó đã phủ nhận, và lưỡi kéo kiểm duyệt Trung Quốc đã nhanh chóng ngăn cản việc lan truyền thông tin trên ở trong nước.

Một trong những bức ảnh hiếm hoi của hai vợ chồng Thủ tướng TQ
Một người trong ngành ngân hàng làm việc với những người thân của ông Ôn Gia Bảo đảm bảo là « Tất cả các lãnh đạo đều biết về các hoạt động kinh doanh của bà ta », và nói thêm, việc cơ quan của bà Trương Bội Lị duy trì quan hệ với giới làm ăn là chuyện bình thường. « Và nếu rơi vào trường hợp của bạn, làm thế nào có thể nói không ? »
Chính trong thập niên 90 mà Trương Bội Lị bắt đầu có ảnh hưởng lớn, khi bà làm việc trong cơ quan chuẩn hóa của Bộ Địa chất. Vào thời đó, thị trường kim hoàn Trung Quốc vẫn còn phôi thai.
Nữ hoàng kim cương
Trong khi ông chồng làm nhiệm vụ điều hành đất nước ở Trung Nam Hải, Trương Bội Lị ấn định ra các tiêu chuẩn trong lãnh vực nữ trang và đá quý. Bà tham gia vào việc thành lập Trung tâm đá quý quốc gia ở Bắc Kinh, và Trung tâm mua bán kim cương ở Thượng Hải – hai định chế quyền lực nhất trong lãnh vực này.
Trong một đất nước mà thị trường lâu nay chịu sự kiểm soát của Nhà nước, thường thì các nhà quản lý thị trường đá quý quyết định những công ty nào được quyền xây dựng các nhà máy chế tác kim cương, công ty nào được tham gia thị trường bán lẻ. Cơ quan quản lý thậm chí còn thiết lập các quy định buộc các thương gia khi mua bán tất cả những món hàng kim cương tại Trung Quốc phải có giấy chứng nhận chất lượng do Trung tâm đá quý quốc gia Bắc Kinh cấp – tức đơn vị do bà Trương Bội Lị lãnh đạo.

Bà Trương Bội Lị (ngoài cùng bên phải)
Và khi các nhà quản lý của Cartier hay De Beers đến Trung Quốc với hy vọng bán kim cương và nữ trang, họ thường gặp gỡ bà Trương Bội Lị, người nhanh chóng được mệnh danh là « Nữ hoàng kim cương ».
« Bà ấy là nhân vật quan trọng nhất Trung Quốc » - Gaetano Cavalieri, chủ tịch Liên đoàn quốc tế về nữ trang và kim hoàn có trụ sở tại Thụy Sĩ, xác nhận. « Chính thông qua bà mới có thể kết nối được quan hệ với các đối tác Trung Quốc và nước ngoài ».
Những người cộng tác cũ của bà trong ngành địa chất kể lại, ngay từ năm 1992, Trương Bội Lị đã bắt đầu lẫn lộn giữa trách nhiệm của một viên chức chính quyền với chuyện làm ăn của cá nhân. Là người đứng đầu China Mineral and Gem Corporation (Tập đoàn Khoáng sản và Đá quý Trung Quốc), bà lại đem tiền của công ty quốc doanh này đầu tư vào những công ty tiềm năng. Và khi chồng bà được thăng chức Phó thủ tướng năm 1998, bà đã nhân rộng nhiều dự án thương mại với sự hợp tác của các người thân.
Theo các tài liệu chính thức, công ty quốc doanh do bà lãnh đạo đã đổ tiền vào một loạt các chi nhánh chuyên về kim cương. Nhiều chi nhánh trong số này có giám đốc là người thân cận với bà Trương Bội Lị, hay là các cựu đồng nghiệp tại Trung tâm đá quý quốc gia.
Năm 1993 chẳng hạn, công ty quốc doanh của Trương Bội Lị tham gia vào việc thành lập Kim cương Bắc Kinh, một công ty kim hoàn lớn. Một năm sau đó – theo ghi nhận từ sổ bộ các cổ đông – thì một trong những em trai của bà là Trương Kiếm Minh (Zhang Jianming) và hai trong số đồng nghiệp viên chức của bà mua lại, với tư cách cá nhân, 80% cổ phần công ty này. Đến lượt Kim cương Bắc Kinh đầu tư vào Kim cương Thâm Quyến, do Ôn Gia Hoành, em chồng bà, tức em trai của Thủ tướng làm chủ.
Một thành công ngoạn mục khác, là công ty Kim cương Trung Quốc, một liên doanh được sự tài trợ của Công ty quốc doanh Khoáng sản Trung Quốc, và công ty Đá quý do bà Trương Bội Lị lãnh đạo. Kim cương Trung Quốc lại làm ăn với một công ty quốc doanh khác do một người em trai khác của bà là Trương Kiếm Côn (Zhang Jiankun) điều hành. Ông này là viên chức ở Gia Hưng (Jianxing), nguyên quán của phu nhân Thủ tướng, thuộc tỉnh Chiết Giang.
Vào mùa hè năm 1999, sau khi hoàn tất thỏa thuận nhập khẩu kim cương từ Nga và Nam Phi, Kim cương Trung Quốc lên sàn chứng khoán và huy động được 39 triệu euro ở thị trường chứng khoán Thượng Hải. Theo tài liệu lưu trữ của công ty, thì việc niêm yết này mang lại khoảng 6 triệu euro cho gia đình họ Trương.
Nếu Trương Bội Lị không bao giờ xuất hiện với tư cách cổ đông, thì các đồng nghiệp cũ và đối tác lại khẳng định những phần hùn đầu tiên của bà trong lãnh vực kim cương vẫn là chủ yếu, trong số một loạt rộng rãi các công ty mà bà đưa những người thân và bạn bè bỏ vốn vào.
Không có chứng cớ gì trong cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy bản thân ông Ôn Gia Bảo sử dụng sức mạnh chính trị của mình, để gây ảnh hưởng lên hoạt động của những công ty kim cương mà các thân nhân của ông đầu tư vào. Nhưng theo những đối tác cũ, thì sự thành công của gia đình ông trong lãnh vực kim cương và các lãnh vực khác thường có được hỗ trợ của các doanh nhân nhiều tiền của, mong muốn có được sự ưu ái của người thân Thủ tướng.
« Khi ông Ôn trở thành Thủ tướng, vợ ông đã bán một phần đầu tư trong ngành kim cương để chuyển sang các lãnh vực khác » - một cán bộ Trung Quốc từng làm ăn với gia đình giải thích. Người này muốn giấu tên để tránh bị trả thù. Theo các sổ sách của công ty, kể từ cuối thập niên 90, nhiều doanh nhân giàu có đã liên tiếp mua lại các phần hùn quan trọng trong các công ty kim cương, thường là từ các thân nhân của ông Ôn, rồi sau đó lại giúp họ tái đầu tư vào những lãnh vực béo bở hơn như địa ốc và tài chính.
Các doanh nhân có thói quen cung cấp các kế toán viên và văn phòng cho các đối tác đầu tư được người thân ông Ôn kiểm soát một phần. Một doanh nhân đã từng cùng các thành viên gia đình họ Ôn lập công ty giải thích : « Khi thành lập ra công ty, bà Dương chỉ đứng sau hậu trường. Cách làm  ăn là như thế ».
Người con trai duy nhất
Vào đầu năm, người con trai độc nhất của Thủ tướng là Ôn Vân Tùng (Wen Yunsong), được nhìn thấy trong bar « Tú » (Xiu), một quán bar rất sang trọng của khách sạn Park Hyatt tại Bắc Kinh, được hộ tống bởi những tay nhà giàu mới nổi của thủ đô, mặc trang phục của các nhà tạo mẫu nổi tiếng nhất.
Tại Trung Quốc, con cái của các lãnh đạo cao cấp được xem là giai cấp đặc quyền. Các « hoàng tử » này thường tốt nghiệp những trường đại học uy tín nhất của Mỹ, được đối xử như các nhân vật cao cấp, và thậm chí còn được hưởng những cổ phiếu ưu đãi trên thị trường chứng khoán.
Họ cũng có tiếng là có khả năng được lên sàn chứng khoán dễ dàng hơn - một lãnh vực mà Nhà nước quản lý rất chặt. Trong những năm gần đây, có rất ít thành viên của « Thái tử đảng » chứng tỏ được sự táo bạo như Ôn Vân Tùng, một khuôn mặt trẻ ở độ tuổi bốn mươi, thường sử dụng tên Anh là Winston.

Ôn Vân Tùng, con trai Thủ tướng Ôn Gia Bảo
Theo các thông tin của chúng tôi về các đầu tư của Winston Wen và lời kể của những người biết nhân vật này từ lâu, anh ta đặc biệt có khiếu làm ăn và đã thành công trong việc xây dựng nên một vương quốc nho nhỏ, thuộc loại mang lại nhiều lợi lộc nhất.
Winston Wen cũng thành lập các công ty hợp tác với những người khổng lồ như tập đoàn quốc doanh China Mobile, thậm chí đang thương lượng với Hollywood về một dự án tài chính.
Quan tâm đến việc xây dựng một cơ sở nội trú sang trọng cho sinh viên Trung Quốc, anh ta vừa tuyển dụng các giám đốc của các trường danh giá như Choate và Hotchkiss ở tiểu bang Connecticut, nhằm giám sát việc thành lập một trường tư ở ngoại ô Bắc Kinh, với ngân sách 115 triệu euro.
Winston Wen và vợ cũng nắm nhiều cổ phiếu trong lãnh vực kỹ thuật mới và trong một công ty điện lực, và là các cổ đông gián tiếp của Union Mobile Pays, công cụ thanh toán trên mạng được chính phủ tài trợ, trong khi vẫn tiếp tục sống tại dinh cơ dành cho Thủ tướng ở trung tâm Bắc Kinh. Một chuyên gia về đầu tư mạo hiểm thường gặp gỡ Winston Wen giải thích : « Anh ta không ngần ngại sử dụng ảnh hưởng để đạt được những gì mình muốn ».
Người thừa kế trẻ tuổi đã từ chối mọi lời bình luận, nhưng qua điện thoại, vợ anh là Dương Tiểu Manh (Yang Xiaomeng) đã nhấn mạnh là chồng mình đã bị chỉ trích một cách bất công. « Tất cả những gì viết về anh ấy đều sai lạc. Hơn nữa trên thực tế anh đã rút khỏi việc kinh doanh ».
Winston Wen từng theo học ở Bắc Kinh, tốt nghiệp kỹ sư từ Viện Kỹ thuật Bắc Kinh. Sau đó anh ra ngoại quốc, đậu bằng thạc sĩ kỹ thuật vật liệu ở đại học Windsor, Canada, và một bằng MBA của trường thương mại Kellog, thuộc đại học Northwestern ở Evanston, tiểu bang Illinois gần Chicago.
Khi trở về Trung Quốc năm 2000, trong 5 năm anh tham gia vào việc thành lập ba công ty trong lãnh vực kỹ thuật mới. Hai trong số này được bán lại cho các doanh nhân Hồng Kông, và một công ty khác bán cho gia đình Lý Gia Thành, một trong những tỉ phú giàu bậc nhất châu Á.
Công ty đầu tiên của Winston Wen, Unihub Global, là nhà cung cấp dịch vụ internet, đã được thành lập năm 2000 với vốn khởi đầu 1,5 triệu euro. Số vốn được huy động từ một nhóm nhỏ người thân và cựu đồng nghiệp của bà mẹ, và từ việc buôn bán kim cương ; có sự tham gia của đối tác Trịnh Dụ Đồng (Cheng Yutung), nhà tỉ phú giàu thứ hai ở Hồng Kông. Trong số các khách hàng đầu tiên, công ty được sự hỗ trợ của các đơn vị môi giới quốc doanh, và công ty bảo hiểm Bình An mà gia đình ông Ôn là một cổ đông quan trọng.
Winston Wen còn tỏ ra táo bạo hơn vào năm 2005, khi bỏ vốn riêng thành lập New Horizon Capital, một dự án tập hợp các bạn học cũ cùng lớp người Hoa, trường đại học Northwestern. Công ty nhanh chóng thành công trong việc huy động 77 triệu euro từ các nhà đầu tư - như SBI Holdings, một chi nhánh của tập đoàn Nhật SoftBank và Temasek, một quỹ đầu tư công của Singapore.
Dưới sự điều hành của Winston Wen, New Horizon trở thành một công ty đầu tư mạo hiểm rất có ảnh hưởng. Công ty này đầu tư vào kỹ thuật sinh học, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sản xuất thiết bị cho lãnh vực xây dựng. Từ khi thành lập, công ty đã mang lại 333 triệu euro cho các nhà đầu tư, mà theo SBI Holding thì vốn ban đầu đã được nhân lên gấp bốn lần.
Kathleen Ng, tổng biên tập Asia Private Equity Review, một tạp chí tài chính tại Hồng Kông giải thích : « Quỹ đầu tư đầu tiên của họ đóng vai trò bộc phá, cho phép họ huy động được nhiều vốn hơn ».
Hiện nay, New Horizon quản lý hơn 2 tỉ euro. Nhưng một số hoạt động tài chính của Winston Wen đã gây ảnh hưởng xấu đến Thủ tướng.
Năm 2010, New Horizon đã mua lại 9% công ty Dược phẩm Tứ Hoàn (Sihuan), hai tháng trước khi công ty này được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thế nhưng thị trường chứng khoán Hồng Kông tuyên bố việc đầu tư vào giờ chót này là bất hợp pháp, và buộc công ty phải trả lại phần hùn. Quyết định này không cản trở New Horizon kiếm được 36 triệu euro khi bán lại.
Ít lâu sau đó, New Horizon loan báo Winston Wen chuyển giao một phần trách nhiệm trong công ty để nhận lãnh chức vụ ở Chia Satellite Communication Corporation, một tập đoàn quốc doanh phụ trách phát triển lãnh vực không gian, mà Winston Wen vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch.

Thụy My
(Blog Thụy My)

Cựu thủ tướng TQ tái xuất

BBC
Lý Bằng và Giang Trạch DânCác cựu lãnh đạo Trung Quốc muốn duy trì ảnh hưởng từ hậu trường
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã xuất hiện trở lại trước công chúng khi chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản nước này, nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ở Hong Kong đưa tin hôm thứ Ba ngày 30/10.
Theo đó, ông Lý đã trao học bổng trị giá 3 triệu nhân dân tệ cho các sinh viên nghèo ở huyện Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây, nơi từng là căn cứ địa cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Về nhưng không nghỉ

Theo Đài truyền hình trung ương nước này CCTV thì số tiền này được trích từ thu nhập từ những cuốn sách mà ông Lý viết trong thời gian nghỉ hưu.
Lý Bằng tái xuất chỉ vài ngày sau khi người kế nhiệm ông là cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và đương kim phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn gặp gỡ hội đồng cố vấn của Khoa Kinh tế trường Đại học Thanh Hoa hồi thứ Tư tuần trước.
Ông Chu là vị trưởng khoa sáng lập và ông Vương là ủy viên danh dự của hội đồng cố vấn. Hiện nay, phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn được xem là một ứng viên hàng đầu vào Thường vụ Bộ Chính trị khóa mới.
Ở Trung Quốc, các lãnh đạo sau khi về nghỉ thường hiếm khi xuất hiện trước công chúng chỉ trừ những sự kiện mang tính biểu tượng như Quốc khánh.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây thì cả Lý Bằng, Chu Dung Cơ và cựu Chủ tịch Giang Trang Dân đã liên tục tái xuất.
Các nhà phân tích cho rằng động thái này của các cựu lãnh đạo cho thấy họ vẫn có quyền lực đáng kể và muốn tác động vào các quyết định trước Đại hội Đảng sẽ khai mạc vào ngày 8/11 tới.
Nhật báo Hong Kong dẫn lời Giáo sư Lưu Khang chuyên về châu Á và Cận Đông ở trường Đại học Duke của Mỹ nhận xét rằng sự tái xuất của ông Lý cho thấy sự khó khăn và phức tạp của quá trình chuyển giao lãnh đạo ở Trung Quốc cũng như các quyết định về chính sách.

Đấu đá tiếp diễn?

“Sự xuất hiện của ông ấy có thể gián tiếp gửi đi một thông điệp rằng sự giằng co về các chức vụ và các chủ thuyết vẫn đang diễn ra,” ông Lưu nói.
“Sự xuất hiện này, dù vô tình hay hữu ý, ngụ ý rằng không phải tất cả các vấn đề quan trọng đều đã được chốt lại và rằng họ xuất hiện để yểm trợ cho những đồng minh của họ hay bày tỏ ủng hộ những chính sách mà họ muốn.”
Trương Lý Phiên, nhà phân tích chính trị từ đại lục
“Và đây cũng là bằng chứng rằng cuộc tranh đấu hậu trường này diễn ra quyết liệt hơn là chúng ta tưởng,” ông nói thêm.
Ông Trương Lý Phiên, một nhà phân tích chính trị từ đại lục, nhận xét: “Sự xuất hiện này, dù vô tình hay hữu ý, ngụ ý rằng không phải tất cả các vấn đề quan trọng đều đã được chốt lại và rằng họ xuất hiện để yểm trợ cho những đồng minh của họ hay bày tỏ ủng hộ những chính sách mà họ muốn.”
Giáo sư Lưu cho rằng quá trình chọn lựa nhân sự cho Thường vụ Bộ chính trị, cơ quan quyết sách tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là cả một quá trình đấu đá lâu dài. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là sự mặc cả giữ các lãnh đạo đương nhiệm và các vị tiền nhiệm mà hiện vẫn giật dây từ hậu trường.
Theo ông Trương thì hai ông Giang và Lý là hai nhà cựu lãnh đạo có ảnh hưởng nhất tại Trung Quốc. Hai người này đã được báo chí đưa tin nhiều trong thời gian gần đây và họ cũng không che giấu ý đồ muốn tác động vào các quyết định quan trọng.
Truyền thông nước ngoài thì đồn đoán rằng Lý Bằng là nhân vật chủ chốt trong việc loại bỏ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương ra khỏi cơ cấu Thường vụ Bộ chính trị khóa tới.
Ngoài ra, cũng có tin đồn rằng ông Lý chống lại việc đưa Trưởng Ban tổ chức trung ương Lý Nguyên Triều, một nhân vật được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bảo trợ, vào cơ quan đầu não tối cao của Đảng.
Một số nhà phân tích thì cho rằng cựu Thủ tướng Lý Bằng, vốn là người mạnh mẽ ủng hộ cuộc đàn án Thiên An Môn năm 1989, dường như đang cố gắng bảo vệ các lợi ích kinh doanh của gia đình không bị ban lãnh đạo mới dòm ngó.

Lãnh đạo ‘thông thái’ của Trung Quốc

BBC
Lý Khắc Cường
Thời điểm thay đổi lãnh đạo quan trọng của Trung Quốc đang đến gần, với những lãnh đạo tương lai của Trung Quốc là tâm điểm của báo chí thời gian gần đây.
Trong bối cảnh đó, cây bút Cary Huang của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã có bài viết về người được cho sẽ là thủ tướng Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường, với tựa đề “Từ luật sư đến lãnh đạo, Lý Khắc Cường là quan chức có bằng cấp cao nhất từ trước đến giờ.”
BBCVietnamese xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết này.
Các bằng cao học về luật và kinh tế có thể là điều khiến thủ tướng chưa đăng cai Lý Khắc Cường trở nên khác biệt, tuy nhiên đừng vội hy vọng rằng sẽ có các cải cách toàn diện ở Trung Quốc.
Thủ tướng tương lai có thể là nhân vật có bằng cấp cao nhất kể từ ngày nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.
Phó thủ tướng Lý‎ Khắc Cường, chủ nhân của bằng cao học về luật và kinh tế từ trường đại học uy tín Bắc Kinh, được trông đợi sẽ kế nhiệm thủ tướng Ôn Gia Bảo vào tháng Ba sang năm.
Tại đại học, ông Lý đã học về cách xét đoán của người Anh, hòa lẫn với chủ trương dân chủ, điều này khiến nhiều người mong rằng sự lãnh đạo của ông có thể đem lại thay đổi chính trị to lớn tại nước lớn cuối cùng theo thể chế cộng sản.

Tư tưởng hiện đại

Lý Khắc Cường
Ông Lý Khắc Cường được đánh giá là lãnh đạo Trung Quốc với tư tưởng tiến bộ

Ông Lý là lãnh đạo kỳ cựu đầu tiên trong Trung ương đảng có nắm giữ một bằng thạc sỹ và tiến sỹ kinh tế cùng với một bằng đại học luật, tất cả đều từ một đại học từng là tâm điểm của sự bất đồng chính kiến. Tư tưởng tự do phóng khoáng mà ông thu nhận được xung khắc mạnh mẽ với xuất xứ ngành kỹ thuật của những lãnh đạo Trung Quốc gần đây.
Trong thời kỳ hỗn độn của Cách mạng Văn hóa, ông Lý theo học luật từ Giáo sư Cung Tường Thụy, một chuyên gia về luật hiến pháp của phương Tây, người du học tại Anh từ năm 1930. Sau đó ông Lý lấy bằng tiến sỹ kinh tế dưới sự chỉ dạy của Lệ Dĩ Ninh, bậc thầy về cải cách thị trường của Trung Quốc.
Kerry Brown, trưởng chương trình Châu Á tại Chatham House ở London, nói ông Lý là luật sư đầu tiên trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, và là luật sư đầu tiên trở thành thủ tướng.
“Ông ta là điển hình cho những nhà lãnh đạo mới vì ông ấy không phải người theo kỹ trị, ông có bằng tiến sỹ Đại học Bắc Kinh và công tác một thời gian dài ở các tỉnh trước khi thăng tiến lên chức phó thủ tướng vào năm 2008,” ông Brown nhận xét.
Trong một lần viếng thăm Hong Kong năm ngoái, ông đã phá lệ trong nghi thức ngoại giao và phát biểu tại một trường đại học của Hong Kong bằng tiếng Anh. Ông Lý là một trong số ít những lãnh đạo cấp nói lưu loát tiếng Anh; điều này khiến giới quan sát bất ngờ.
“Là người theo ông Gong, ở độ tuổi giá trị một người được hình thành và dịch thuật cuốn sách nổi tiềng của Anh, có lẽ ông ta phải có niềm tin to lớn vào luật lệ và hệ thống lập pháp hiện đại.”
Bạn học của Lý Khắc Cường
Khi ông theo học tại Đại học Bắc Kinh trong những năm cuối thập kỷ 70, những lời kêu gọi tự do ngôn luận và dân chủ vang lên khắp nơi trong sự sụp đổ niềm tin sau Cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông.
Ông Lý hăng hái tham gia bàn luận chính trị ở đại học, kết bạn với những người có tư tưởng tự do sau trở thành bất đồng chính kiến sống lưu vong; và từng giúp dịch cuốn Tiến trình luật cơ bản của luật gia nổi tiếng người Anh Lord Denning.
Một người đồng môn của Lý Khắc Cường nói “là người được Giáo sư Cung dạy dỗ đúng ở độ tuổi hình thành tư tưởng và lại từng dịch thuật cuốn sách luật nổi tiếng của Anh, có lẽ ông Lý có niềm tin to lớn vào pháp quyền và hệ thống hiến pháp hiện đại.”
Lớp học của Giáo sư Cung thời đó được cho là hạt giống của những ý tưởng tự do hoặc từ nước ngoài. Ông Cung cũng là người tham gia soạn thảo hiến pháp Trung Quốc.
Người bạn học cũ của ông Lý và là nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, ông Vương Cẩm Đào, người phải sống lưu vong ở Mỹ kể từ năm 1994 sau khi bị kết án 13 năm tù vì ủng hộ phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989, nói Lý Khắc Cường là người trực ngôn và ứng đối nhanh ở trường.
Cả hai đều là lãnh đạo sinh viên tích cực, và ông Vương nói rằng ông bị ấn tượng bởi những bài diễn thuyết của ông Lý đến nỗi đã bầu ông làm Chủ tịch đoàn Thanh niên.
Ông Vương nói ông thấy bất ngờ khi ông Lý làm công chức lâu đến vậy vì thời gian đi học, ông là người phản đối tư tưởng quan liêu trong cách làm việc.
Một nhà bất đồng chính kiến khác, ông Hồ Bình, hồi tưởng lại năm 1980, ông Lý, lúc đó là một thành viên của Đoàn sinh viên đã ủng hộ ý tưởng bầu cử trực tiếp lãnh đạo đoàn trong trường đại học khiến mọi người đều kinh ngạc.
“Sau cuộc bầu cử, tôi đã nói chuyện với ông ấy về các cuộc tuyển cử, dân chủ và tương lai của chính trị Trung Quốc,” ông Hồ nói với báo chí nước ngoài.

Chưa nên hy vọng?

Thất nghiệpVấn đề nhà ở, một trong những khu vực dưới sự quản lý của ông Lý Khắc Cường, vẫn khiến Bắc Kinh phải xấu hổ

Ông Vương ghi nhận rằng mặc dù là người “suy nghĩ độc lập”, và “muốn có được những thành tựu cá nhân to lớn” ông Lý không bao giờ đối đầu với chính quyền trong các vấn đề lớn.
Giới nghiên cứu về Trung Quốc nói trải nghiệm quá khứ của Lý không đồng nghĩa với việc ông ta sẽ là hoa tiêu của đường lối tự do, dựa vào ý kiến từ nội bộ Đảng, miêu tả ông là ‘tắc kè chính trị’, người nằm trong hệ thống và thực hiện nhiệm vụ của mình chỉ với tư cách một công chức.
Ông Lý sinh ra trong một gia đình công chức truyền thống của Trung Quốc và trải qua nhiều huấn luyện tư tưởng và văn hóa trước khi vào đại học.
Cha của ông là một nhân viên tòa án cấp huyện, sau đó trở thành quan chức về bảo tồn di sản ở tỉnh An Huy.
Ông Cheng Li, chuyên gia về Trung Quốc tại Brookings nói những ưu tiên chính sách của ông Lý là những ưu tiên của một thế hệ mới.
“Lý Khắc Cường đã lôi cuốn sự chú ý vào những vấn đề ông quan tâm mạnh mẽ như nhà cho người nghèo, an toàn thực phẩm, y tế công cộng, thay đổi khí hậu, năng lượng sạch,” ông Li viết trong một bài tiểu luận gần đây nhất về những lãnh đạo tương lai của Trung Quốc.
“Không một vấn đề nào trong số những điều đưa ra nằm trong diện ưu tiên của giới lãnh đạo Trung Quốc 10 năm trước.”
“Lý Khắc Cường đã lôi cuốn sự chú ý vào những vấn đề ông quan tâm mạnh mẽ như nhà cho người nghèo, an toàn thực phẩm, y tế công cộng, thay đổi khí hậu, năng lượng sạch…”
Cheng Li, chuyên gia Trung Quốc ở Viện Brookings
Tuy nhiên cũng giống như ông Ôn Gia Bảo, ông Lý cũng đã là tâm điểm chỉ trích của các tin đồn xoay quanh tài sản của gia đình ông.
Em trai của Lý Khắc Cường, ông Lý Khắc Minh, hiện là phó Cục trưởng Cục Quản lý thuốc lá của Trung Quốc.
“Đây là điều mỉa mai và thiếu nhạy cảm đối với người sắp kế nhiệm vị trí thủ tướng vì ông Lý Khắc Cường đã đảm nhiệm khu vực y tế công cộng của Trung QUốc kể từ năm 2008,” ông Li nói thêm.
Một vụ tai tiếng về y tế dưới sự quản lý của ông Lý nữa là vụ lây lan bệnh AIDS tại tỉnh Hà Nam qua đường truyền máu.
Hai lĩnh vực khác mà ông Lý nhận trách nhiệm là nhà ở và an toàn thực phẩm, cũng tiếp tục là hai vấn đề khiến Bắc Kinh phải nhiều lần xấu hổ.
Trong một bài diễn thuyết mới đây tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, ông Lý Khắc Cường nói rằng Trung Quốc, sau 30 năm cải cách và mở cửa, đã đạt đến ngưỡng cần phải giải quyết nhiều vấn đề quan trọng và cần nhiều đột phá ở những lĩnh vực chủ chốt.
Ông Brown nói rằng ông Lý đã chứng minh rằng mình là một nhà cải cách kinh tế và có tư tưởng tự do, tuy quan điểm của ông về xã hội – chính trị vẫn còn thiếu rõ ràng.

Hậu quả nặng nề của bão Sandy

BBC
Đống hoang tàn sau bão Sandy ở New YorkHoang tàn và đổ nát ở New York sau bão Sandy

Ít nhất 40 người thiệt mạng và hàng triệu người bị mất điện ở Mỹ sau khi bão Sandy di chuyển về hướng bắc đến Canada.
Giao thông trên khắp vùng đông bắc Mỹ cũng đã bị đình trệ nghiêm trọng do hậu quả của cơn bão này.
Chỉ riêng thành phố New York đã có 18 người chết và hệ thống giao thông công cộng vẫn tiếp tục đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.

Nước dâng kỷ lục

Bão Sandy đã làm nước biển dâng đến mức kỷ lục là 4,2 mét ở khu vực trung tâm Manhattan, cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 3 mét vào thời điểm bão Donna vào năm 1960, Cơ quan khí tượng quốc gia Hoa Kỳ cho biết.
Cơn bão cũng làm tuyết rơi nhiều trên dãy núi Appalachia vào trưa thứ Ba ngày 30/10. Nó được dự báo sẽ đi về phía đông tiểu bang New York trong buổi chiều cùng ngày trước khi vào lãnh thổ Canada vào thứ Tư ngày 31/10.
Theo Sở điện lực Hoa Kỳ thì có ít nhất 8 triệu hộ gia đình và doanh nghiệp bị mất điện.
Sở giao dịch chứng khoán New York cho biết họ sẽ mở cửa trở lại vào thứ Tư sau hai ngày đóng cửa. Lần cuối cùng mà sàn chứng khoán này phải đóng cửa trong hai ngày là cách đây hơn 120 năm.
Hệ thống tàu điện ngầm của New York đã bị thiệt hại nặng nề trong lịch sử tồn tại 108 năm qua, theo người đứng đầu Cơ quan quản lý tàu điện ngầm New York là ông Joseph Lhota.
“Tôi đã nói chuyện với tổng thống ba lần hôm qua. Tổng thống hết sức hỗ trợ và giúp đỡ tiểu bang chúng tôi và ông không hề nhắc đến chuyện bầu cử dù chỉ một lần.”
Chris Christie, thống đốc Cộng hòa của bang New Jersey
Các đường tàu điện ngầm bị tràn nước và các thiết bị điện cần được lau sạch trước khi hệ thống hoạt động trở lại.
Thị trưởng New York Michael Bloomberg nói hiện chưa biết khi nào tàu điện ngầm mới chạy trở lại nhưng ông hy vọng rằng xe buýt sẽ bắt đầu chạy lại vào thứ Tư ngày 31/10.
Tất cả các sân bay chính ở New York đều bị đóng cửa vì đường băng bị ngập nước nhưng các phi trường John F Kennedy và Newark ở New Jersey sẽ mở cửa trở lại vào lúc 7 giờ sáng giờ địa phương vào thứ Tư nhưng cũng chỉ hoạt động ở mức hạn chế.
Có thể mất từ hai đến ba ngày trước khi điện được khôi phục lại trên khắp New York, Thị trưởng Bloomberg cho biết.
Đường xe lửa Path nối giữa New Jersey và New York có thể tiếp tục phải ngừng hoạt động từ bảy đến 10 ngày, Thống đốc Chris Christie của bang New Jersey cho biết trong một cuộc họp báo.

Ứng viên Romney trong buổi cứu trợObama được khen

Các ứng viên tổng thống đều tập trung vào thảm họa

Tổng thống Barack Obama tiếp tục ngưng chiến dịch vận động ngày thứ ba liên tiếp vào trước ngày bầu cử tổng thống vào tuần tới để tập trung giám sát công việc dọn dẹp sau bão.
Còn đối thủ của ông là ứng viên Cộng hòa Mitt Romney đã nối lại hoạt động vận động ở quy mô nhỏ vào thứ Ba ngày 30/10. Ông đã biến một cuộc tập hợp người ủng hộ thành một sự kiện cứu trợ thảm họa ở tiểu bang còn lưng chừng Ohio.
Trong lúc này, Thống đốc New Jersey Chris Christie, vốn thuộc Đảng Cộng hòa và là một người ủng hộ nhiệt thành của ông Romney, đã dành những lời khen ngợi cho cách xử lý thảm họa của Tổng thống Obama.
“Tôi đã nói chuyện với tổng thống ba lần hôm qua,” ông nói với kênh truyền hình CNN, “Tổng thống hết sức hỗ trợ và giúp đỡ tiểu bang chúng tôi và ông không hề nhắc đến chuyện bầu cử dù chỉ một lần.”
Chi phí để dọn dẹp sau bão Sandy có thể vào khoảng từ 30 đến 40 tỷ đô la, theo phóng viên kinh tế của BBC Mark Gregory. Đây là con số ít hơn nhiều so với hồi bão Katrina năm 2005 vốn phải tốn đến 100 tỷ đô la để dọn dẹp.

Tổng thống Obama đi thị sát thiệt hại bão ở bang New Jersey

Tổng thống Obama phát biểu tại trụ sở của Hội Chữ Thập đỏ ở Washington, ngày 30/10/2012

31.10.2012 – VOA

Tình hình 3 ngày sau khi bão Sandy đập vào bờ Ðông Hoa Kỳ: -Số tử vong lên tới 45 người ở Bắc Mỹ.
-Hàng triệu người vẫn bị mất điện.
-Xe điện ngầm ở thành phố New York vẫn còn đóng cửa vì bị ngập nước nặng. Chuyên chở công cộng ở thủ đô Washington hoạt động lại.
-Một số phi trường ở New York dự kiến mở lại vào ngày thứ tư; Các phi trường ở thủ đô Washington tiếp tục mở lại các chuyến bay.
-Thị trường Chứng khoán New York sẽ mở cửa giao dịch vào thứ tư.
-Liên Hiệp Quốc tiếp tục đóng cửa vì bị ngập lụt.
-Trẻ em trở lại trường học ở một số tiểu bang miền Ðông.
-Tổng thống Obama sẽ đi thăm tiểu bang New Jersey bị lụt lội tàn phá, và đã được công bố là khu vực thiên tai.
-Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hoà Mitt Romney dự định đến tiểu bang Virginia vào ngày thứ năm.
​​Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đi thăm tiểu bang bị bão tàn phá New Jersey ngày hôm nay, thứ Tư, trong lúc cư dân bang này đang chật vật khắc phục hậu quả của một trong những thiên tai tệ hại nhất ảnh hưởng khu vực này.
Tổng thống Obama và Thống đốc Chris Christie của bang New Jersey, một người theo Ðảng Dân chủ còn người kia theo Cộng hòa thường vẫn bất đồng với nhau, nay theo trông đợi sẽ cùng nhau xem xét những thiệt hại và cám ơn các nhân viên cứu hộ về những nỗ lực của họ.
Hôm qua, Thống đốc Christie đã biểu dương chính quyền Obama về sự ứng phó được ông mô tả là ‘xuất sắc’ đối với trận bão Sandy.
Trong lúc các đội ngũ cứu hộ và nhân viên tiện ích đã bắt đầu công việc dẹp dọn sau trận bão, có những dấu hiệu cho thấy các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất dọc theo vùng duyên hải miền Ðông Hoa Kỳ đang hồi phục.
Thị trường chứng khoán New York mở cửa giao dịch lại hôm nay, thứ Tư, sau hai ngày đóng cửa hiếm thấy.
Hai trong số ba phi trường ở New York mở cửa lại một số hoạt động giới hạn, nhưng phi trường quốc tế LaGuardia vẫn đóng cửa vì bị ngập lụt.
Phi trường, dịch vụ đường sắt, và các dịch vụ vận tải công cộng địa phương cũng đang mở lại hoạt động tại các thành phố khác dọc theo duyển hải miền Ðông.
Xem hình ảnh cơn bão TẠI ĐÂY

Những đồ chơi ”biểu tình” gây trở ngại cho cảnh sát Nga

Dân Luận: Đây là một tin cũ, từ tháng giêng năm 2012, nhưng hy vọng nó sẽ truyền cảm hứng cho những nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, để họ tìm ra những phương thức phản đối đầy sáng tạo, thu hút được đông đảo giới trẻ quan tâm.
 
Cảnh sát ở một thành phố ở vùng Siberi yêu cầu bên công tố nghiên cứu tính hợp pháp của cuộc biểu tình của những búp bê bé nhỏ cầm các biểu ngữ phản đối chính phủ.
barnaul-russia-protest-to-006.jpg
Hình người Lego, trứng Kinder và các đồ chơi nhỏ khác đang đóng vai ”người biểu tình” ở Nga (Hình chụp bởi Sergey Tephlyakov).
 
Cảnh sát ở thành phố Barnaul thuộc Siberi đã yêu cầu phía công tố nghiên cứu tính hợp pháp của một cuộc biểu tình gần đây, trong đó những đồ chơi bé nhỏ: gấu bông, hình người của Lego, các nhân vật trong South Park v.v…, đã tập hợp ngoài trời với những tấm biển có dòng chữ ”Chúng tôi ủng hộ bầu cử trong sạch” và ”Chỗ dành cho một tên trộm là trong tù, chứ không phải ở điện Kremlin”.
”Các lực lượng chính trị đối lập đã sử dụng các phương thức mới để tổ chức các sự kiện công chúng – dùng đồ chơi với biểu ngữ nhỏ xíu để biểu tình”, Andrei Mulintsev, Phó phòng cảnh sát thành phố, đã nói trong một buổi họp báo vào tuần qua, báo chí địa phương cho biết. ”Theo quan điểm của chúng tôi, đây vẫn là một sự kiện không hợp pháp”.
Các nhà hoạt động xã hội đã dàn dựng cuộc biểu tình bằng đồ chơi này sau khi nhà chức trách liên tiếp từ chối yêu cầu của họ là được tổ chức một cuộc biểu tình hợp pháp - tương tự như những cuộc biểu tình đã diễn ra ở Moscow để phản đối cuộc bầu cử quốc hội đầy tranh cãi và việc quay trở lại ghế Tổng thống của Vladimir Putin sau cuộc bầu cử Tháng Ba.
Những người đi qua đã chiêm ngưỡng cuộc biểu tình bằng đồ chơi với sự thú vị, nhưng cảnh sát thì coi đây là sự việc nghiêm trọng, và họ đã nghiên cứu mọi chi tiết, thậm chí ghi chép lại cả những gì viết trên biểu ngữ.
”Nỗ lực hạn chế quyền công dân của nhà cầm quyền, không cho họ bày tỏ chính kiến đã trở thành lố bịch,” Lyudmila Alexandrova, một sinh viên cao học 26 tuổi và là người tổ chức cuộc biểu tình, đã nói. ”Chúng tôi muốn phóng đại sự lố bịch và tức cười này và cho người dân thấy nhà cầm quyền đã nỗ lực như thế nào trong việc hạn chế quyền tự do của họ”.
Họ không phải là nhóm đầu tiên làm việc này. Nhóm Blue Buckets của Nga, đã tập hợp lại để phản đối quan chức chính phủ Nga lạm dụng quyền ưu tiên giao thông, đã chạy qua đầu xe của chính phủ với một cái xô trên đầu, đã khiến chính quyền hết sức giận dữ.
Voina, một hội nghệ thuật mang tính ”nổi loạn”, đã nhận được sự chú ý trên toàn thế giới sau khi vẽ một cái dương vật dài 65m trên một chiếc cầu cất ở thành phố Saint Petersburg, mà khi cầu được kéo lên, sẽ đối mặt với trụ sở chính của Cơ Quan An Ninh Liên Bang Nga (FSB). Các thành viên của hội đã liên tục bị bắt giữ.
Các nhà hoạt động tại Barnaul nói họ không có giải pháp nào khác ngoài việc phải sử dụng tới những biện pháp sáng tạo. Nhà cầm quyền địa phương đã từ chối cấp giấy phép cho các cuộc biểu tình phản đối kể từ 10/12/2011, ngày đầu tiên của cuộc phản đối trên toàn quốc ở Nga. Khoảng 2000 người đã xuống đường ở Barnaul vào hôm đó, một con số chưa từng có cho thành phố nhỏ này.
Cảnh sát đã tìm cách gây sức ép để buộc họ chấm dứt cuộc biểu tình bằng đồ chơi, những người tổ chức cho biết. ”Họ cố thuyết phục chúng tôi rằng việc chúng tôi làm là bất hợp pháp – họ thậm chí nói rằng việc để đồ chơi trên mặt tuyết phải có sự đồng ý và phải trả tiền thuê mặt bằng cho chính quyền thành phố”, Alexandrova nói.
Tất cả các cơ quan chính quyền đang được đặt ở mức cảnh báo cao, khi mà Nga đang chuẩn bị bước vào ngày phản đối toàn quốc kế tiếp vào 4/2/2012, một tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống mà Putin hy vọng sẽ quay trở lại điện Kremlin. Vào thứ Năm, văn phòng thị trưởng Moscow đã chấp thuận yêu cầu của phía đối lập cho phép 50 ngàn người tập trung và tuần hành qua trung tâm thành phố.
Đám cảnh sát dễ giật mình nhất là ở Kaliningrad, một bộ phận tách rời của nước Nga ở vùng Baltic. Khoảng hai tá thanh niên theo chủ nghĩa dân tộc đổ ra đường đi bộ để khuyến khích một lối sống lành mạnh, mang theo cờ truyền thống có màu đen, vàng và trắng của mình – cảnh sát đã nhảy vào đoàn diễu hành, vì nhầm đây là một cuộc tuần hành của người đồng tính. Quyền đồng tính luyến ái vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi ở Nga, và các cuộc tuần hành của người đồng tính thường là bị cấm. Cảnh sát đã chất vấn các nhà hoạt động xã hội này trước khi trả tự do cho họ, báo chí địa phương cho biết.
Miriam Elder - The Guardian
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
(Dân luận)

Hoa Kỳ và Nhật Bản tập trận hải quân chung vào tuần tới

(Reuters) - Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ có một cuộc thao diễn quân sự được tổ chức hai năm một lần ở Nhật Bản vào tháng Mười Một này, cuộc thao diễn này có thể làm Trung Quốc giận dữ hơn nữa trong lúc căng thẳng tăng cao độ giữa hai nước lớn trong vùng Á châu qua việc tranh chấp những quần đảo nhỏ nằm ở Biển Đông Hải.
Khoảng 37.400 lính Nhật Bản sẽ thao diễn chung với khoảng 10.000 lính Hoa Kỳ trong thời gian từ ngày 5 đến 16 tháng Mười Một, một viên chức của Lực lượng Tự Phòng thủ Nhật Bản nói.
Tàu giám sát biển cuat TQ 17 ở cách Sensaku 17 dặm về hướng tây bắc (marine surveillance)
Nguồn ảnh:Reuters/11th Regional Coast Guard Headquarters-Japan Coast Guard/Handout

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc ông Yang Yujun nói tuần rồi là Trung Quốc “theo dõi sát nút những động thái của Nhật,” khi ông được hỏi về cuộc thao diễn quân sự chung giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.
 

Ông Yang cũng quy kết Nhật Bản tội “dàn dựng nên mối căng thẳng trong vùng.”

Trong những tuần qua, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đã gởi tàu tuần tra vào vùng biển gần những quần đảo hoang, không có người ở, gọi là Sensaku ở Nhật và Diaoyu ở Trung Quốc, điều này làm gia tăng mối quan tâm về cuộc cuộc chạm trán vô tình nào đó có thể xảy ra và có khả năng đưa đến một cuộc xung đột lớn lao hơn.
© DCVOnline

Mỹ, Nhật, Ấn họp bàn về tự do hàng hải : Bắc Kinh ấm ức

Thứ trưởng Ngoại giao Kenji Hiramatsu dẫn đầu phái đoàn Nhật tham gia cuộc họp ba bên (Reuters)

Tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, hôm thứ Hai 29/10/2012 vừa qua, phái đoàn ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ và đã kín đáo mở cuộc đối thoại về hợp tác giữa ba nước trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là trên vấn đề an ninh hàng hải tại vùng châu Á Thái Bình Dương.

Như thông lệ, Bắc Kinh đã có ngay phản ứng bất đồng tình : Về mặt chính thức, lời lẽ của bộ Ngoại giao Trung Quốc tương đối ôn hòa, nhưng báo chí Trung Quốc đã được dịp tỏ thái độ bực tức, với những lời lẽ đay nghiến đặc biệt nhắm vào Nhật Bản.

Đây không phải là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, đối thoại với nhau về vấn đề an ninh trên biển. Cơ chế đối thoại ba bên này đã họp phiên đầu tiên tại Washington vào năm 2011, và phiên thứ hai tại Tokyo. Trong cuộc họp lần thứ ba tại New Delhi hôm thứ Hai, các phái đoàn đã tập trung vào các vấn đề an ninh hàng hải, quyết định tăng cường các chiến lược chống nạn hải tặc, và bàn luận thêm về kiến trúc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phía Mỹ đã nhân cơ hội này giải thích rõ hơn về chủ trương “chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á” của Mỹ. vấn đề Biển Đông cũng được mang ra thảo luận trên tinh thần cần phải bảo đảm quyền tự do hàng hải ở vùng này. Riêng Nhật Bản thì đã nêu bật vấn đề chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Theo nhật báo Ấn Độ The Hindu số ra hôm nay, dù vấn đề quan hệ giữa ba nước với Trung Quốc không được nêu ra một cách chính thức rõ ràng, nhưng Bắc Kinh đã bày tỏ ngay thái độ quan ngại.

Theo Tân Hoa Xã, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc –vào hôm qua đã tỏ ý hy vọng rằng « các nước liên can sẽ nỗ lực hơn nữa để phát huy hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực ». Theo ông Hồng Lỗi : « Đó là vì lợi ích của tất cả các nước trong khu vực ».

Trái với tuyên bố rất ngoại giao kể trên, báo chí Trung Quốc đã trích lời một số chuyên gia Trung Quốc, để cực lực đả kích cuộc họp này, và đặc biệt chĩa mũi dùi vào Nhật Bản.

Hoàn cầu Thời báo – Global Times – trong bài xã luận hôm qua, đã coi Nhật Bản là kẻ “đầu têu” trong việc thúc đẩy cơ chế đối thoại ba bên Mỹ Ấn Nhật. Theo tờ báo này, Nhật Bản – nước đang vướng vào tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trên Biển Hoa Đông – là quốc gia lo lắng nhất về sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trung thành với sách lược chia để trị, tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa nhẹ đòn hơn với Ấn Độ khi so sánh rằng quan hệ Bắc Kinh – New Delhi có vẻ thuận thảo hơn bang giao Trung Nhật : « Nhật Bản đang gây ra vấn đề cho Trung Quốc, nhưng điều đó không đáng lo. Trung Quốc có một số hy vọng là sẽ có hợp tác chiến lược với Ấn Độ ».

Tờ báo cũng phê phán Hoa Kỳ, cho rằng Mỹ đang « âm mưu gài bẫy Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương », bất chấp việc cộng đồng doanh nghiệp tại Washington ngày càng « hội nhập » chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Đối với Hoàn cầu Thời báo thì rõ ràng Hoa Kỳ đang lúng túng trước Trung Quốc : « Mỹ thường xuyên có một chiến lược mập mờ về Trung Quốc. Có vẻ như là Washington không biết rõ là phải làm gì để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ».

Nhìn chung, Global Times khẳng định rằng giá trị thực tế của cuộc đối thoại ba bên Mỹ Nhật Ấn « rất thấp ». Lý do là sự trỗi dậy của Trung Quốc là một tiến trình phức tạp mà chính Mỹ không thể đối phó, tự mình hay trong sự liên kết với các nước khác. Để ngăn chặn Trung Quốc, cần phải có tài chánh dồi dào. Thế nhưng, theo tờ báo, Hoa Kỳ hiện không thể đủ khả năng này, Nhật Bản hay Ấn Độ cũng vậy.
Trọng Nghĩa RFI

Làm rõ vụ phó bí thư xã bị người tình xẻo tai (PLTP)

Nạn nhân cố tình giấu nhẹm sự việc, không yêu cầu thì cơ quan tố tụng không thể khởi tố để xử lý vụ việc.
Dư luận ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) bàn tán xôn xao chuyện phó bí thư Đảng ủy xã Tân Lược bị người tình xẻo tai.
Chiều 1-10, ông Nguyễn Văn Đúng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lược, xác nhận: Người bị xẻo tai là Phó Bí thư Đảng ủy tên Nguyễn Ngọc Thanh Phong (36 tuổi) và vụ việc xảy ra ngày 13-9 tại TP Cần Thơ.
Trước đó, bà T.T.Th. (28 tuổi) quen ông Phong trong quá trình lui tới xã Tân Lược làm giấy tờ. Sau đó hai người này có quan hệ không trong sáng trong khi ông Phong đã có vợ con. Vì mối quan hệ này mà tháng 2 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bình Tân đã kỷ luật Đảng đối với ông Phong với hình thức cảnh cáo vì vi phạm đạo đức lối sống.
Ngày 13-9, ông Phong cùng bà Th. đến nhà người quen của ông ở Cần Thơ chơi. Trong lúc nhậu, bà Th. biết ông Phong còn quen với một cô gái khác nên nổi cơn ghen và cắt tai ông này để dằn mặt. Ông Phong sau đó được đưa vào cấp cứu tại BV Đa khoa TP Cần Thơ. Hồ sơ bệnh án ghi nhận: Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Thanh Phong nhập viện với tình trạng “đứt lìa vành tai trái do đả thương”. Ông Phong được cấp cứu và điều trị một tuần tại đây với chẩn đoán lúc ra viện là “hậu phẫu tạo hình vành tai trái”.
Theo ông Đúng, ông Phong có đơn xin nghỉ phép và Đảng ủy xã đồng ý cho ông lên TP.HCM khám vết thương ở tai. Còn việc xử lý kỷ luật ông Phong thì vẫn trong quá trình xác minh, sau đó đưa ra chi bộ lấy ý kiến, trình lên BCH Đảng bộ xã và cấp quyết định thi hành kỷ luật là Ban Thường vụ Huyện ủy. “Mọi việc vẫn đang được tiến hành và trong quá trình làm rõ, thực hiện theo quy trình” – ông Đúng nói.
Ông Ngô Văn Biển, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bình Tân (Vĩnh Long), cho biết đã chỉ đạo Đảng ủy xã Tân Lược kiểm tra, xác minh việc ông Phong vi phạm đạo đức lối sống cùng việc bị bà T.T.Th. cắt tai phải đi bệnh viện cấp cứu. “Trước đây vào tháng 2-2012 khi thi hành kỷ luật, ông Phong cam kết khắc phục, sửa chữa nếu không sẽ bị khai trừ. Nay lại tiếp tục vi phạm, huyện sẽ làm rõ và kỷ luật nghiêm” – ông Biển nói.
Chúng tôi liên hệ với Công an quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) để hỏi về vụ cắt tai ngày 13-9 nhưng nơi đây thông tin là chưa nắm vụ việc. Công an huyện Bình Tân cũng như Công an xã Tân Lược cho biết chưa nhận thông tin sự việc trên.
Theo BLHS, hành vi cắt tai của bà Th. có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích. Theo bảng thương tật mà các cơ quan tố tụng đang áp dụng, vết thương bị cắt một lỗ tai của ông Phong có tỉ lệ thương tật chưa đến 15% nên thuộc khoản 1 của Điều 104 BLHS, thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, tức cơ quan tố tụng chỉ khởi tố bà Th. theo yêu cầu của ông Phong. Vì vậy, nếu ông Phong không yêu cầu xử lý hình sự bà Th. (khả năng này rất lớn), cơ quan tố tụng sẽ đứng ngoài cuộc.
GIA TUỆ

Ông GĐ sở xây nhà sai phép, không ký biên bản vi phạm (Tienphong)

TP – Xây nhà sai với giấy phép, bị cơ quan chức năng kiểm tra, ông Nguyễn Huy Lâm (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh) không ký biên bản kiểm tra, tiếp tục cho thợ thi công.

Căn nhà xây trái phép của ông Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh
Căn nhà xây trái phép của ông Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh.
Ngày 26-10, UBND phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh ra quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với công trình tại đường Sử Hy Nhan, khối phố 3, phường Nguyễn Du, vì “đã có hành vi vi phạm xây dựng công trình sai với nội dung giấy phép được cấp”. Chủ sở hữu ngôi nhà là ông Nguyễn Huy Lâm, Giám đốc Sở KH&CN Hà Tĩnh.
Theo giấy phép xây dựng, ông Nguyễn Huy Lâm chỉ được phép xây dựng công trình nhà 2 tầng, song kiểm tra thực tế công trình đang hoàn thiện tầng 3, chuẩn bị đưa vào sử dụng.
Tại biên bản kiểm tra lần 2, Đội quản lý trật tự đô thị phường Nguyễn Du ghi rõ, chủ công trình có mặt tại buổi kiểm tra nhưng không phối hợp làm việc.
“Lúc Đội đến kiểm tra, ông Nguyễn Huy Lâm có mặt tỏ vẻ thách thức và không ký vào biên bản” – ông Võ Tá Sinh, Đội trưởng quản lý trật tự đô thị phường Nguyễn Du nói.
PV Tiền Phong liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Huy Lâm để hẹn lịch làm việc. Vừa giới thiệu qua nội dung làm việc, ông Lâm nói: “Tôi làm cái nhà có khác một chút so với hồ sơ thiết kế ban đầu thôi, có chi mà viết báo”.
Ông Lâm cho rằng, việc xây nhà sai phép không có vấn đề gì và ông đã trình bày với UBND phường Nguyễn Du sẽ bổ sung thiết kế sau.
Ông Lâm cũng cho rằng, hôm bị lập biên bản ông đi vắng nên không biết. Tuy nhiên, ông Võ Tá Sinh khẳng định, khi đoàn kiểm tra đến làm việc, ông Lâm có mặt tại công trình và còn tỏ thái độ thách thức.
Biên bản vi phạm được lập cũng ghi rõ: “Chủ nhà có mặt nhưng không phối hợp làm việc”.
Trong quyết định đình chỉ thi công ghi rõ, Trưởng CA phường Nguyễn Du chịu trách nhiệm tổ chức lực lượng cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, người lao động vào thi công; “quá thời hạn 3 ngày kể từ ngày ban hành quyết định nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ bộ phận công trình vi phạm sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ”.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, hôm qua (29-10), ông Lâm vẫn tiếp tục cho thợ xây dựng công trình.
                                                Minh Thùy

Cơn lốc phá rừng đang hủy hoại đảo Phú Quốc (CAND)



Một thống kê của Hạt Kiểm lâm Phú Quốc cho biết từ năm 2010 đến cuối tháng 7/2012, toàn huyện đã xử phạt vi phạm hành chính 149 vụ, khởi tố hình sự 11 vụ, hủy bỏ tại chỗ 229.665 cây trồng trái phép các loại, thu giữ 350 trụ rào bằng cây, 117 trụ bê tông, phá hủy 5 căn nhà cất lấn chiếm đất rừng.

Qua theo dõi, ghi hình, ông Đặng Văn Tuân (ngụ Khu phố 10, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc) cho biết, chỉ trong thời gian ngắn trên địa bàn xã Cửa Cạn, thuộc huyện đảo Phú Quốc, có 9 vụ chặt phá rừng nghiêm trọng.
Điển hình là vụ phá rừng xảy ra vào tháng 2/2011. Theo xác định của ông Tuân, ông Thông là em rể ông Nhan Văn Truyền, Bí thư – Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn. Ông này từng sử dụng phương tiện cơ giới của ông Truyền ngang nhiên bao chiếm, phá rừng quốc gia tại ấp 2 xã này khoảng 10.000m².
Trong vụ phá rừng xảy ra ngày 26/11/2011, ông Tuân đã chụp hình hiện trường khu rừng tại ấp 3 (Cửa Cạn) khi máy múc đất, máy cưa của ông Truyền đang ngang nhiên múc đất, cưa cây rừng. Cây rừng cưa hạ xuống chuyển đến trại cưa của một doanh nghiệp đóng tại ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn. Thấy có nhiều người ghi lại hình ảnh, ông Truyền gọi xe kiểm lâm đến chở số cây bị đốn hạ đến trạm kiểm lâm… để “hợp thức hóa”.

Ông Tuân – người được một số tờ báo cho rằng đã lặng lẽ theo dõi nạn xâm hại rừng trên đảo Phú Quốc.
Đối với tình trạng chặt phá, đốt rừng, san ủi, bao chiếm đất rừng trên địa bàn thị trấn An Thới, lãnh đạo Tư lệnh Vùng 5 Hải quân từng có văn bản báo động đến Chủ tịch UBND tỉnh và huyện đảo Phú Quốc.
Cụ thể, tại khu vực rừng tràm do Vùng 5 Hải quân trồng và bảo vệ theo hợp đồng với BQL rừng phòng hộ, diện tích rừng bị chặt phá, khai thác đến nay khoảng 50ha. Nghiêm trọng nhất là tại ấp 4, ấp 6, một số đối tượng đã làm nhà, trồng hoa màu trên khu vực đã chặt phá. Khu vực rừng phòng hộ phía Nam bãi Sao kéo dài về phía mũi Ông Đội, hằng ngày một số người dân lén lút vào chặt phá, sau đó đốt để bao chiếm đất, diện tích khoảng 40ha.
Cá biệt tại khu vực vùng đệm rừng phòng hộ phía sau Nhà thiếu nhi thị trấn An Thới (khu đất do Vùng 5 Hải quân quản lý), một người dân địa phương đã ngang nhiên dùng phương tiện vào phát dọn, đào đất, san ủi mặt bằng với diện tích gần 1ha rồi cất nhà. Khi được tuyên truyền, giải thích, yêu cầu dừng việc san ủi, bao chiếm, đối tượng này không chấp hành mà còn có thái độ thách thức…
Một thống kê của Hạt Kiểm lâm Phú Quốc cho biết từ năm 2010 đến cuối tháng 7/2012, toàn huyện đã xử phạt vi phạm hành chính 149 vụ, khởi tố hình sự 11 vụ, hủy bỏ tại chỗ 229.665 cây trồng trái phép các loại, thu giữ 350 trụ rào bằng cây, 117 trụ bê tông, phá hủy 5 căn nhà cất lấn chiếm đất rừng. Phòng TN-MT huyện Phú Quốc cho biết hiện có gần 8.000 hồ sơ của người dân xin cấp sổ đỏ khu vực đất bị vướng vào mốc rừng quốc gia…
Trước dấu hiệu cho thấy hành vi xâm hại rừng trên đảo Phú Quốc ngày càng nghiêm trọng, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo chính quyền huyện đảo lập Đoàn kiểm tra phối hợp với đơn vị chức năng vào cuộc. Tại cuộc họp vào ngày 13/8 vừa qua, sau khi nghe báo cáo kết quả xác minh bước 1 của Đoàn kiểm tra, ông Văn Hà Phong – Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện, chỉ đạo: Đối với những vụ việc xâm phạm đất do Nhà nước quản lý, sẽ kiên quyết thu hồi toàn bộ, trả lại cho cơ quan nhà nước quản lý theo đúng quy định. Nếu đối tượng vi phạm là người dân, vi phạm đến mức độ nào sẽ xử lý theo mức độ đó. Còn nếu phát hiện có cán bộ dính vào, dù cán bộ đó ở cấp nào cũng sẽ xử lý nghiêm khắc…
Trước đó, ông Lâm Hoàng Sa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang bày tỏ rằng quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm hành vi phá rừng, hủy hoại tài nguyên rừng, dù đó là dân hay cán bộ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét