Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

HOT - THỜI SỰ TRONG NGÀY

 Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng TW - “anh bưu tá” non việc?

Vụ ăn chặn hy hữu
Vụ Đội Kiểm tra liên ngành huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) ăn chặn kỳ nam do người dân đào trúng ở rừng phòng hộ Gộp Ngà tối 26-9-2012 được hàng chục tờ báo (Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động, Pháp luật TP HCM, Người Lao Động, Cựu Chiến Binh, Dân Trí….) đăng tải nhiều kỳ. Những ai biết câu chuyện khuất tất này đều cho rằng đây là vụ tham nhũng (nếu không nói là ăn cướp) tập thể trắng trợn và cố ý làm trái hy hữu đến khó tin.
Theo điều tra của báo chí, cuối tháng 9-2012, xuất hiện tin đồn một nhóm phu trầm Quảng Nam trúng kỳ nam ở rừng Gộp Ngà tới 50 tỷ đồng. Lập tức hàng ngàn người dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận rùng rùng kéo đến Khánh Sơn, khấp khởi cơ may đổi đời.
Trước cơn lốc trầm, kỳ nguy cơ tàn phá rừng phòng hộ, gây phức tạp anh ninh trật tự địa bàn, UBND huyện Khánh Sơn   lập Đội Kiểm tra liên ngành (gồm công an huyện, huyện đội, hạt kiểm lâm huyện, BQL rừng phòng hộ…) – có nhiệm vụ vận động, ngăn chặn, đẩy đuổi phu trầm khỏi địa bàn.
Trớ trêu thay, không những không thực hiện nhiệm vụ, một số cán bộ chủ chốt của Đội Liên ngành lại cả gan móc nối với các ông bầu trầm, kỳ, bảo kê họ đưa quân lên núi đào kiếm trầm, kỳ, với thỏa thuận “cưa đôi” (50-50), nếu đào trúng trầm, kỳ! Tối 26-9, phu trầm đào trúng mẩu kỳ nam đầu tiên, cả khu rừng Gộp Ngà lập tức  nháo nhác. Một trung úy công an trong Đội Liên ngành nổ súng chỉ thiên, tịch thu khúc kỳ nam vừa đào được.

Được Đội Liên ngành bảo kê, phu trầm xới tung rừng Gộp Ngà
Tối hôm đó, phu trầm đào được cả thảy 4 khúc kỳ nam (tổng trọng lượng khoảng 1,4-1,5kg), đều nộp hết cho Đội Liên ngành. Hai ngày sau, hơn 300 phu trầm rời rừng Gộp Ngà trở về thị trấn Tô Hạp (huyện lỵ Khánh Sơn) để nhận tiền bán kỳ nam được chia như thỏa thuận. Phía Đội Liên ngành yêu cầu họ cứ trật tự ra về, sẽ được chia sau. Ngày 3-10, các ông bầu được nhắn tin, có 279 phu trầm được công nhận chia tiền, tổng số tiền là 100 triệu đồng. Biết bị ăn cướp trắng trợn, nhiều ông bầu lập tức có đơn tố cáo, gửi các cơ quan chức năng huyện, tỉnh và báo chí. Theo họ, kỳ nam giá tới 9-10 tỷ đồng/kg!
Danh sách “mật”
Vụ “lùm xùm” vỡ lở, Quân khu V yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xác minh vụ việc và số cán bộ, chiến sĩ Huyện đội Khánh Sơn dính líu. Lập tức, 11 cán bộ huyện đội (4 cấp tá, 5 cấp úy và 2 hạ sĩ quan) nộp lại tiền được chia, tổng số 220 triệu đồng. Được biết, lực lượng quân đội chỉ được bố trí vòng ngoài. Các cán bộ huyện đội dính líu đều nói họ được phu trầm “bồi dưỡng”, không phải ăn chặn(!). Công an tỉnh cũng vào cuộc rất sớm, nhưng mãi đến nay, lãnh đạo công an tỉnh vẫn từ chối cung cấp thông tin cho báo chí về nội dung vụ việc cũng như danh tính các cán bộ công an huyện dính líu. Về phía huyện, UBND huyện ra tối hậu thư, chậm nhất ngày 17-10, công an huyện phải có văn bản báo cáo. Tuy nhiên, báo cáo của công an huyện lại tùy tiện đóng dấu “mật”(!). Theo nguồn tin riêng của báo chí, 4 cán bộ công an huyện đã nộp lại 1,2 tỷ đồng.

“Phiếu chuyển”
Liên quan vụ “lùm xùm” hy hữu này, mãi đến 25-10-2012, Văn phòng Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương mới có cái gọi là “phiếu chuyển” (số 54/PC-VPBCĐ) gửi Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tỉnh Khánh Hòa, toàn văn như sau:
“Từ ngày 13-10-2012, các báo điện tử “Tiền phong”, “Dân trí” và một số tờ báo khác đã đăng một loạt bài về việc Chính quyền huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa thành lập Đội Kiểm tra liên ngành gồm Công an huyện, Ban Chỉ huy quân sự huyện, hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và một số phòng chức năng thuộc UBND huyện để ngăn chặn, vận động người dân không tham gia đào bới tìm trầm tại khu rừng Gộp Ngà, huyện Khánh Sơn. Tuy nhiên, Đội lại móc nối để bảo kê cho những người tìm trầm với công thức ăn chia là “cưa đôi” (nếu tìm được trầm, những người đào bới được chia 50%, Đội Liên ngành được chia 50%).
Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xin chuyển nội dung các bài báo trên đến Ban Chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật./.
Trân trọng!”
“Phiếu chuyển” không hề có nội dung nào “chỉ đạo” cách thức xử lý vụ này như tên gọi “Ban Chỉ đạo”. Cũng không có nội dung yêu cầu xác minh, xử lý, hạn mốc báo cáo kết quả lên Ban Chỉ đạo Trung ương như thông lệ ở các văn bản của các cơ quan khác như Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ…
“Phiếu chuyển” của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương
“Anh bưu tá” non việc
Như vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đơn giản chỉ thực hiện chức năng của “anh bưu tá”: chuyển báo chí, không hơn!
Không hơn, nhưng còn kém “anh bưu tá”! Khi công văn này đến Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Khánh Hòa vào chiều 29-10, trả lời báo chí, ông Trần Khác Hà – Phó trưởng ban thường trực cho biết, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh (kiêm Trưởng Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tỉnh) đã chỉ đạo giám đốc công an tỉnh xử lý vụ việc. Như vậy, một cách chậm trễ quá đáng, “anh bưu tá” – Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương đã lặp lại việc “đưa thư” (qua báo chí, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã biết vụ việc từ đầu tháng 10-2012, chẳng phải đợi đến 29-10-2012, Ban Chỉ đạo Trung ương có “phiếu chuyển” mới biết).
Có quá lời không, khi gọi Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương là “anh bưu tá non việc”?
Ai cũng nói tham nhũng ngày càng trầm trọng, trở thành quốc nạn. Là cơ quan chuyên trách được lập ra để chống tham nhũng, ở vị trí cao nhất (Trung ương), Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương làm việc kiểu ấy, chẳng trách tham nhũng  ngày càng… “phây phây”?
Từ trước đến nay, đố ai thấy vụ tham nhũng đình đám nào do hệ thống Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến các tỉnh phát hiện và xử lý. Thấy? Chết liền!
Võ Văn Tạo

 Hãng xưởng giày dép áo quần của Trung Quốc dời sang Việt Nam mua đất đai với sự tiếp sức của cán bộ đảng, luật sư và doanh nghiệp VN

Hoangtran

Hội nghị hợp tác giữa Công An Trung Quốc và Việt Nam xảy ra 2 năm một lần đang họp tại Hà Nội ngày 23-10-2012, ( Hai cuộc họp trước diễn ra vào các năm 2008 và 2010 ).
Kể từ sau cuộc hợp tác lần thứ nhất 2008  giữa hai lực lượng công an VN va` TQ, Điếu Cày Nguyễn văn Hải, luật sư Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long, Tạ Phong Tần, luật sư Phan Thanh Hải và 16 thanh niên công giáo biểu tình phản đối trung Quốc  lấn chiếm Biển Đông và chiếm 2 quần đảo Hoàng Sa và trường Sa đã bị bắt và thọ án tổng cộng trên 100 năm. 
Hội nghị hợp tác giữa công an hai nước được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh. Điều đặc biệt chưa từng thấy trong nghi thức ngoại giao là thủ tướng của một nước, đứng đầu chính phủ, và Tổng bí thư đảng cộng sản VN  đều phải cúi mình tiếp kiến một bộ trưởng công an Trung Quốc!
Nhờ cấp trên đồng thuận hợp tác, rồi được sự tiếp sức của công an nhân dân VN đi bắt hết “tụi phản động” biểu tình chống Trung Quốc, nên 1/3 các công ty Trung Quốc đang dời hãng xưởng sang Việt Nam, mua đất đai (ở Bình Thuận là một điển hình), và mang theo cả công nhân Trung Quốc để cạnh tranh với ngành  xuất khẩu giày dép, dệt may của Việt Nam trị giá 22 tỷ đô la (năm 2011).
Mời các bạn xem phim nói về việc này và đọc bản tin nói về cuộc hợp tác công an ở cuối trang này.
 http://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=IYXfIFslxVs

Các công ty Trung Quốc dời sang Việt Nam

22.10.2012
Gía nhân công tăng, nhưng nhu cầu xuất khẩu giảm tại Trung Quốc khiến các nhà sản xuất hoặc đã di dời hoặc đang tính tới chuyện di dời sang các nước Đông Nam Á lân cận trong đó có Việt Nam.
Tin Asia News Network ngày 22/10 dẫn nguồn tin từ một quan chức phụ trách ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết gần 1/3 các công ty sản xuất dệt may, giày dép, và nón ở Trung Quốc đang hoạt động dưới áp lực leo thang và đã chuyển toàn bộ hay một phần khâu sản xuất ra ngoài nước.
Những đích đến được ưa chuộng hiện nay thường là các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia, và Malaysia.
Nhật báo China Daily nói xu hướng di dời sản xuất này sẽ tiếp tục trong tương lai.
Người đứng đầu văn phòng hành chính thuộc Phòng Thương mại Trung Quốc chuyên phụ trách về xuất nhập khẩu dệt may xác nhận rằng nhiều doanh nghiệp sản xuất tại Trung Quốc đã chuyển dời một phần hoặc toàn bộ ra nước ngoài.
Theo khảo sát do công ty tư vấn tài chính Capital Business Credit có trụ sở tại Mỹ, cứ 10 doanh nghiệp lớn được hỏi thì có 4 công ty cho biết có dự định dời xưởng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, Pakistan, Bangladesh, và Philippines.
Tuy làm mất công ăn việc làm cho dân Trung Quốc, nhưng giới chức Trung Quốc nói hiện tượng này cũng mang tính tích cực về mặt cơ bản, phù hợp với cam kết của chính phủ nâng cấp sức mạnh công nghiệp của Trung Quốc và thay đổi mô hình phát triển kinh tế.
Kế hoạch 5 năm (2011-2015) của Bắc Kinh kêu gọi các công ty xuất khẩu Trung Quốc sản xuất thêm nhiều sản phẩm cao cấp.
Gần đây, gía nhân công tại Trung Quốc tăng từ 15% tới 20% mỗi năm, khiến một số doanh nghiệp phá sản.
Thống kê năm ngoái cho thấy lương hằng tháng của các công nhân trong ngành sản xuất tại Việt Nam trung bình khoảng hơn 95 đô la, tương đương với mức lương 10 năm trước của công nhân tại Đông Quản, một thành phố công nghiệp ở Đồng bằng Châu thổ Châu Giang Trung Quốc.
Việt Nam nằm trong số các nước mở rộng chính sách ưu đãi về sử dụng đất đai và các dịch vụ công cho giới đầu tư nước ngoài trong đó có Trung Quốc.
Nguồn: China Daily, ANN, China.org.cn, Bernama
http://www.voatiengviet.com/content/cac-cong-ty-trung-quoc-doi-sang-vietnam/1531049.html

 VN trả lương 7 triệu công chức, 8,8 triệu người có công với cách mạng…so với dân số 87 triệu dân!

hoangtran204
Thái Lan có dân số 67 triệu dân, nhưng chỉ trả lương cho hơn 2 triệu công chức, quân đội, và cảnh sát (theo World Bank 2008)
Cộng hòa XHCN Việt Nam có 87 triệu dân, nhưng phải trả lương cho một khối nhân lực khổng lồ, bao gồm:
_7 triệu công chức, bộ đội, công an
_8,8 triệu người có công với cách mạng, chiếm 10% dân số cả nước
_4,7 triệu người hưu trí
Nhưng, Bộ trưởng tài chánh Vương Đình Huệ nói chính phủ phải trả lương tới 22 triệu người 
Mời các bạn đọc các bài báo dưới đây để hiểu thêm:

“Báo cáo Thủ tướng  ’một xã có 500 cán bộ’ . Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn vừa có văn bản gửi tỉnh Thanh Hóa đề nghị báo cáo về việc một xã ở tỉnh này được cho là có tới 500 cán bộ…

Theo thống kê của Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, hiện cả nước có khoảng 130.000 thôn. Số cán bộ thôn trên cả nước là hơn 570.000, nếu tính cả cán bộ xã khoảng 770.000 người. Thông thường mỗi thôn có 3 cán bộ là trưởng thôn, bí thư chi bộ và công an viên. Tuy nhiên, trên thực tế, thôn còn có cán bộ của các tổ chức chính trị xã hội, an ninh, trật tự… và tổng cộng cả nước hiện có hơn 900.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn.

…Xã Quảng Vinh có có 15 thôn, 9.500 dân nhưng số cán bộ xã, thôn ước chừng lên tới 500 người…Mỗi năm xã này thu ngân sách chỉ khoảng 400 triệu đồng, để chi trả cho bộ máy cán bộ khổng lồ hiện tại, vì ngân sách không có nên xã phải bắt người dân đóng góp bằng thóc.” (vnexpress.net)
2. “…mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.110.000 đồng, thay vì mức 876.000 đồng quy định tại Nghị định 52/2011/NĐ-CP.  
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2012/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.110.000 đồng, thay vì mức 876.000 đồng quy định tại Nghị định 52/2011/NĐ-CP.”   31-5-2012  congannghean.vn
 tracuuphapluat.info
3. Cả nước hiện có hơn 8,8 triệu người có công với cách mạng , chiếm gần 10% dân  số. 
“Hiện nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công (chiếm gần 10% dân số). Trong đó, có hơn 1.146.250 liệt sĩ; trên 3.000 Bà mẹ VNAH còn sống; trên 780.000 thương binh và người được hưởng chính sách như thương binh; 1.253 Anh hùng LLVT, Anh hùng lao động trong kháng chiến; 101.138 người có công giúp đỡ cách mạng; khoảng 187.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 109.468 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… Hiện còn trên 1,4 triệu đối tượng người có công đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Cả nước có khoảng 7.000 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có khoảng 3.000 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số trên 780.000 ngôi mộ; trong đó khoảng 303.000 ngôi mộ còn thiếu thông tin, hơn 208.000 hài cốt chưa phát hiện, tìm kiếm, quy tập được.”  Baomoi.com

 

 Chính sách Việt Nam của Obama, Romney?

Barack Obama và Mitt Romney có khác biệt trong chính sách với Việt Nam?
Cuối năm 2011 tại Canberra, thủ đô Úc châu, tổng thống Barack Obama công bố chính sách “pivot” (chuyển hướng) của Hoa Kỳ đối với Á Châu Thái Bình Dương. 
Danh từ Việt Nam đã không được tổng thống Obama nhắc tới. Và trong cuộc tranh cử hiện nay ứng cử viên đảng Cộng Hòa, ông Mitt Romney khi nói về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cũng không bao giờ nhắc đến Việt Nam.
Lý do vì hội chứng của cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn đó. Vậy thì: Nếu ông Mitt Romney đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11 sắp tới thì chính sách của ông đối với Việt Nam có khác gì chính sách hiện nay của tổng thống Obama không?
Chúng ta có thể gián tiếp tìm thấy câu trả lời qua sự phân tích chính sách đối ngoại của hai ông đối với Trung Quốc. Nhìn dưới lăng kính đó chính sách của ông Romney đối với Việt Nam đậm nét hơn chính sách dè dặt của tổng thống Obama. Tuy nhiên chính sách của tổng thống Obama hay của ông Mitt Romney (nếu ông đắc cử) cũng không phải là đường một chiều mà còn tùy thuộc vào thái độ của đảng Cộng sản Việt Nam.
Trở lại Tây Thái Bình Dương
Nói chung đảng Cộng Hòa của ông Romney đồng ý với chính sách trở lại Tây Thái Bình Dương của chính quyền Obama như: (1) Xem sự tự do lưu thông trên Biển Đông là quyền lợi thiết thực của Hoa Kỳ (2) Dồn lực lượng Hải quân nhiều hơn về Thái Bình Dương (3) Trao đổi quân sự thường xuyên hơn với giới chức quân sự Việt Nam.
Tuy nhiên ông Romney không quên nhấn mạnh ở một số chính sách để tăng cường sức mạnh của Hoa Kỳ tại Tây Thái Bình Dương. Ông Romney chủ trương tăng cường hải lực, đóng thêm tàu bè để thuyết phục Trung Quốc rằng đi theo con đường hợp tác hòa bình tại Biển Đông trong tinh thần có trách nhiệm của một nước lớn sẽ có lợi và ít tốn kém cho Trung Quốc hơn.
Đối với các nước trong vùng, trong đó có Philippines, Việt Nam, Indonesia, ông Romney chủ trương xích lại gần nhau, hợp tác quân sự để đối đầu với quân lực Trung Quốc càng lúc càng mạnh. Ông nói sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Á châu Thái Bình Dương không phải để gây hấn mà bảo đảm một khung cảnh hòa bình và ổn định để cùng phát triển.

Đảng Cộng hòa và Dân chủ đều chú trọng đến thách thức Trung Quốc
Và Hoa Kỳ sẽ có thể bán các vũ khí phòng thủ có kỹ thuật cao để giúp các nước Á châu thêm khả năng phòng thủ, đặc biệt là khả năng điện tử dùng radar và vệ tinh để theo dõi hành tung của hải quân Trung Quốc trong Biển Đông để giảm thiểu những cuộc chạm trán bất ngờ có thể sinh ra chiến tranh.
Trong chương trình kinh tế, ông Mitt Romney có ý định thiết lập những khu trao đổi hàng hóa tự do theo công thức “Reagan Economic Zone” trên thế giới trong đó ông chú ý nhất đến các nước Đông Nam Á (Philippines, Việt Nam, Indonesia... ) để giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong vùng Á châu Thái Bình Dương. Trong kế hoạch này Trung Quốc cũng sẽ được mời tham dự dù Trung Quốc sẽ từ chối không muốn tham gia.
Nhân quyền, tôn giáo
Về nhân quyền và tự do tôn giáo, chính sách của ông Romney sẽ khác biệt với chính sách của chính phủ Obama. Nếu tìm hiểu chính sách nhân quyền của ông Mitt Romney đối với Việt Nam qua lăng kính chính sách đối với Trung Quốc, có phần chắc rằng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy và giúp Việt Nam phát triển xã hội dân sự và giúp các nhóm đấu tranh cho nhân quyền một cách tích cực hơn, đặc biệt Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ trước những vụ án có tính đàn áp và bất công như vụ án của các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần v.v ...
"Nếu tìm hiểu chính sách nhân quyền của ông Mitt Romney đối với Việt Nam qua lăng kính chính sách đối với Trung Quốc, có phần chắc rằng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy và giúp Việt Nam phát triển xã hội dân sự và giúp các nhóm đấu tranh cho nhân quyền một cách tích cực hơn."
Trong diễn văn đọc tại trường quân sự Virginia Military Institute ông Romney báo trước một chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trường hợp ông đắc cử tổng thống là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo thế giới dù ông ghi nhận rằng Hoa Kỳ đang gặp khó khăn kinh tế, ngân sách thâm thủng, nợ nần và đang trên đường trút khỏi hai cuộc chiến tốn kém Iraq và Afghanistan. Ông cho rằng nếu Hoa Kỳ không nhận trách nhiệm lãnh đạo tại Á châu thì Trung Quốc sẽ nhận lãnh vai trò đó.
Ông Romney nói với thế giới rằng: “Tôi ra ứng cử tổng thống vì tôi tin rằng [Hoa Kỳ] quốc gia lãnh đạo thế giới có trách nhiệm đối với bạn bè năm châu rằng Hoa Kỳ sẽ dùng sức mạnh và uy tín của mình một cách khéo léo và khiêm nhượng, nhưng cương quyết để xiển dương giá trị của Hoa Kỳ, ngăn cản và phòng ngừa chiến tranh và giúp làm cho thế giới ổn định hơn, tốt hơn để cùng phát triển.”
Có thể hiểu đó là lời nhắn của ông Romney đối với Trung Quốc và qua đó hé mở một chính sách đối với Việt Nam không? Cái khó của ông Romney là ước mơ và sự thật không phải là một, nhất là hôm nay Hoa Kỳ không có sức mạnh của một siêu cường đệ nhất vô nhị như trong suốt thế kỷ vừa qua.
Cái khó bó cái khôn.
Trần Bình Nam
Gửi cho BBCVietnamese.com từ Hoa Kỳ
Ông Trần Bình Nam là cựu sĩ quan hải quân, dân biểu VNCH pháp nhiệm 1971-1975 đại diện thị xã Nha Trang. Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của ông.

Hãy để chúng chết đi…

Chúng ta có thể thường thỏa mãn mọi đòi hỏi về công lý khi ngồi im và không làm gì cả. Adam Smith (We may often fulfill all the rules of justice by sitting still and doing nothing).
Năm 1976, New York ngập chìm trong công nợ vì chánh phủ thành phố liên tục tiêu xài cho những chương trình gọi là “xã hội” và cho “phe nhóm”. Ngân sách gia tăng cùng hệ thống quan chức và sưu cao thuế nặng khiến các doanh gia bỏ chạy khỏi New York. Đối diện với thảm họa phá sản, thành phố kêu gọi chánh phủ liên bang cứu trợ khẩn cấp. Tổng thống Ford trả lời với một câu nói đi vào lịch sử, “Drop Dead” (Hãy chết đi). Hơn 90% dân Mỹ hoan nghênh quyết định sáng suốt này.
Các giải pháp cho kinh tế Việt
 
Chưa bao giờ tôi thấy các chuyên gia Việt Nam hăng hái và bận rộn như lúc này. Ngày nào cũng có vài ba giải pháp trên các báo cho đủ mọi vấn đề kinh tế. Và chưa bao giờ các thành phần kinh tế lại khóc than ỉ ôi như thế này. Ai cũng xin chánh phủ cứu giúp với OPM (tiền người khác) và tốt nhất là “cho luôn” thì khỏi phải hạch toán lôi thôi.

Về nợ xấu ngân hàng, nhà nước đề nghị một công ty mua bán nợ xấu 100 ngàn tỷ, nhưng vài ông viện nghiên cứu nói 30 tỷ là đủ rồi. Một chuyên gia có giấy phép thì cho rằng 200 ngàn tỷ là tối thiểu ; trong khi vài ông không có giấy phép thì đòi 600 ngàn tỷ. Suy ngẫm lại, không ai biết nợ xấu nó tròn méo thế nào, số tiền thực sự là bao nhiêu, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ bao nhiêu, các thanh tra có kiểm soát được con số này từ những ngân hàng quốc doanh, bao nhiêu phần trăm nợ xấu là cho các công ty con hay cháu của các chủ ngân hàng vay mượn ? Còn chuyện mua nợ xấu để bán cho ai, với giá nào, thu tiền ra sao, ai được ưu tiên…thì cũng có vài chục giải pháp đề nghị.
Qua đến việc giải cứu các doanh nghiệp, nhất là trong lãnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, các chuyên gia còn năng động hơn vì chuyện nhà cửa thì ngay cả các bác xe ôm cũng là “sư tổ”. Dễ hiểu nhất là lấy tiền chánh phủ (OPM) mua nhà tặng cho người nghèo (phải có phong bì và xe Lexus); rồi gay cấn hơn là hạ lãi suất xuống còn 5% hay 8% hay 10%? Gói kích cầu 29 ngàn tỷ coi như “cuốn theo chiều gió” vì xứ này người có thu nhập thật sự chẳng ai đóng thuế cả. Còn chuyện giãn hay khoanh nợ theo nghị quyết thì các ngân hàng đã âm thầm làm cả chục năm nay, không ai thắc mắc. Rồi chuyện mua “hàng tồn kho”? Người tình tôi đang đòi một bộ áo lót “Victoria’s Secret” cho mùa hè. Liệu chánh phủ có mua đủ hàng? Tình trạng hiện tại đã chứng minh cho các giải pháp này..
Các bác lãnh đạo kinh tế còn dọa tung ra giải pháp là gia tăng tiêu xài và đầu tư công. Ngân sách của chánh phủ Việt Nam (34% của GDP) đã cao hơn hẳn Thái Lan (18%) và Singapore (19%) tạo một gánh nặng khủng cho các doanh nghiệp tư nhân. Công thêm với đầu tư, chi tiêu và lỗ lã của những doanh nghiệp nhà nước, nền kinh tế bắt buộc phải èo uột vì thân hình chỉ nặng có 34 kg mà lại phải vác một ba lô nặng 66 kg. Chả trách ngày nào dân cũng đi uống bia để phục hồi sinh lực, mai còn vác tiếp. Một xã có 2 ngàn hộ dân mà phải nuôi 500 quan chức; bây giờ nuôi thêm 100 ông thì chắc cạp đất mà ăn? Xây thêm vài chục ngàn cây số đường cao tốc thì GDP sẽ tăng trưởng ngay, nhưng chất lượng chỉ tốt cho các cỗ xe bò thì coi như vất tiền cho các ngân hàng ngoại quốc.
Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng
Tuần vừa rồi, tôi ghé nhà một người bạn ăn tối. Vợ chồng hắn có 2 đứa song sinh 2 tuổi và 1 đứa 4 tuổi. Khi vừa nhập tiệc thì 3 đứa tranh nhau đồ chơi và đồ ăn, cãi nhau ỏm tỏi và la khóc lớn hơn cả các diễn viên trong một phim tình bi đát của Việt Nam. Hai vợ chồng thử mọi giải pháp, từ các gói cứu trợ đến các dọa dẫm trừng phạt. Sau 20 phút, bọn hắn thua cuộc và không ai ăn uống gì được. Tôi đề nghị một giải pháp đơn giản: 5 người lớn sẽ ra tiệm ăn và để lại căn nhà cho 3 đứa bé và 2 bà ô sin. 15 phút sau, từ quán ăn, ông chồng gọi điện thoại về, bà ô sin xác nhận là lũ trẻ đã vui vẻ chơi đùa và ăn uống trong hòa thuận.
Thực ra, các thành phần kinh tế của mọi quốc gia cũng giống như lũ trẻ. Họ thích tạo những quấy phá ôn ào để nhận những ban phát “miễn phí” từ các nguồn lực tài chánh hay hành chánh. Khi họ biết chắc chắn rằng những ân huệ này sẽ không đến, họ sẽ phải chịu đựng và tìm giải pháp khác, sáng tạo từ trí óc, con tim và ý chí.
Trở lại câu chuyện New York, mọi thành phần có lợi ích nơi đây cũng kêu la và nguyền rủa chánh phủ liên bang vài tháng sau quyết định của Ford. Nhưng họ đã làm những gì phải làm: cân bằng ngân sách, cởi bỏ thủ tục rườm rà, năng động trong việc khuyến khích các doanh nhân, kêu gọi đầu tư… Năm năm sau, tình thế ổn định. Với một tư duy quản trị sáng tạo mới mẻ, chánh phủ và người dân đã đạt những thành tích ấn tượng đem New York về lại vị trí hàng đầu của Mỹ.
Giải pháp của Alan
Cho nên, nếu các bác hỏi tôi về nợ xấu, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Ngân hàng nhà nước chỉ cần bảo đảm khoảng 100 triệu đồng tối đa cho mỗi người gởi tiền, và chúng ta có thể chấp nhận sự sụp đổ của vài chục ngân hàng không hề hấn gì.
Hỏi về các doanh nghiệp bất động sản, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Các căn hộ và các lô đất sẽ bị hạ giá rẻ mạt, tạo một cơ hội tuyệt vời cho nhũng người dân có thu nhập trung bình.
Hỏi về các doanh nghiệp nhà nước, tôi sẽ nói “Hãy Để Chúng Chết Đi”. Dòng tiền OPM đã cạn kiệt. Các anh chị nào có lãi thì cứ tiếp tục. Còn lỗ lã thì tôi bán ngay cho các nhà đầu tư, nội hay ngoại. Trên hết, mọi đặc lợi đặc quyền sẽ chấm dứt. Chỉ khi đối diện thực sự với cạnh tranh thị trường, chúng ta mới biết ban quản trị nào có trí tuệ và đởm lực để sinh tồn.
Hòi về các đơn vị hành chánh cần thêm tiền để đốt, tôi sẽ nói ““Hãy Để Chúng Chết Đi”. Thay vì ăn nhậu sáng trưa chiều tối bằng OPM, chúng tôi sẽ dậy các bạn một kỹ năng quan trọng mà các bạn không hề biết. Đó là làm việc và phục vụ.
Sự hủy diệt trong sáng tạo
Nhiều thân hữu sẽ hỏi tôi là ông không lo ngại gì về những xáo trộn xã hội và nạn thất nghiệp khi các công ty thi nhau lăn ra chết? Tôi xin thưa rằng KHÔNG. Bởi vì 2 lý do. Thứ nhất là số tài sản nhàn rỗi trong dân được ước tính là khoảng 50 tỷ đô la bởi các nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Số vàng và đô la này đang bị rút giấu vì dân không tin tưởng vào tương lai kinh tế OPM với lối điều hành dựa trên “quan hệ và xin cho”. Khi họ nhận ra là chánh phủ không can thiệp vô ích vào cách kiếm tiền của một thị trường tự do, dòng tiền này sẽ chảy vào nền kinh tế tạo một cú hích ngoạn mục. Các Việt kiều và các nhà đầu tư nước ngoài cũng sè có khả năng bơm thêm 20 tỷ đô la, dư đủ để kích thích nền kinh tế xứ này.
Lý do thứ hai là tôi tin vào tài năng và sự bền bỉ của doanh nhân Việt. Chỉ trong vòng 5 năm khi đến Mỹ, phần lớn những người dân thất học và không vốn đã gây dựng cho mình và con cái những tài sản đáng kể. Hiện nay, 3 triệu Việt Kiều tại Mỹ tạo ra một GDP ngang hàng với 90 triệu dân Việt Nam trong nước, dù họ không có dầu khí, khoáng sản hay đất đai để bán. Một triệu Việt Kiều khác ở Âu Châu, Úc và toàn thế giới củng đã có những thành công tương tự.
Một giải pháp thật đơn giản mà tôi đề nghị lên các bác lãnh đạo kinh tế là “đừng làm gì cả”.  Hãy tin dân và giao quyền lại cho các doanh nghiệp tư nhân tự ứng xử. Trong sáng tạo và hồi sinh sẽ có mồ hôi và nước mắt. Trong quá trình trưởng thành, các em thường phải chịu nhiều gian truân đau đớn. Vài em sẽ không qua khỏi. Nhưng đây là định luật của thiên nhiên.
Cùng nhau đi nghỉ hè
Nắng mùa hè vẫn đang rực rỡ, cùng trò chơi Olympic đang tưng bừng bên Luân Đôn. Tại sao các bác không nhân cơ hội này mà đem vợ con du ngoạn nhỉ? Bác nào không thích thể thao thì qua Hawaii tắm ở Black Sand Beach (cát đen tuyền và mịn). Bác nào ghét Mỹ thì có thành phố San Á hay Macau của Trung Quốc. Các bác sẽ vui vẻ thỏai mái và khi về lại quê hương sau kỳ nghỉ, các bác sẽ thấy bọn trẻ không còn mè nheo la ó nữa. Đời chẳng đẹp lắm sao?
T/S Alan Phan
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các đại học Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Úc). 
 

Chưa mất an toàn?

Ai trả lời giùm mình: thế nào là chưa mất an toàn?
Mình “tóm” được câu này vì nghe phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định trước Quốc hội là, chưa có dấu hiệu mất an toàn về hồ chứa và đập thủy điện sông Tranh II. Tính đến giờ đã có 850 nhà dân nứt. lún vì động đất. Mà động đất thì chưa rõ căn nguyên và cũng chưa biết lúc nào thôi cựa mình khó chịu? Dân thì bất an, lo di dời nhà cửa. Nỗi sợ đeo đẳng hàng ngày, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống…Vậy nếu mất an toàn thì sẽ là thế nào?
Trong phiên họp Quốc hội vào sáng thứ hai vừa qua, giới lãnh đạo xác nhận những khó khăn, trì trệ kinh tế…Các nguy cơ về nợ xấu ngân hàng bởi chất ngất nợ xấu. Một trong những nguyên nhân hàng đầu là nguy cơ dẫn đến nạn bể bóng bất động sản. Nhớ lại Hy Lạp bị phá sản cũng vì nợ công. Cả EU xúm vào giúp đỡ. Đến giờ vẫn chưa thoát ra được sự đình đốn. Chính phủ VN vẫn xác định chưa cần sự giúp đỡ của IMF, Asean. Có nghĩa vẫn trong sự an toàn được khống chế. Trong khi giáo sư Alan Phan cho rằng, có một lối thoát cho VN là cần sự trợ giúp của IMF: “Ánh sáng le lói dưới đường hầm là gói cứu trợ của IMF (chánh phủ đã bác bỏ giải pháp này) hoặc tín dụng từ đàn anh “lạ”. Không ai ngoài chánh phủ có thông tin để dự đoán chính xác hướng đi sắp tới của chúng ta”. Vậy đâu là an toàn thật sự?
Ông thống đốc Ngân hàng nhà nước giải thích cho quan ngại về độc quyền vàng miếng SJC như sau: "Nền kinh tế có khoảng 300 - 400 tấn vàng (tương đương hàng tỷ USD đang bị chôn chặt vào vàng). Do đó, chúng tôi kiên quyết chỉ đạo chặt chẽ việc chống tình trạng đôla hóa, vàng hóa để chuyển vàng, ngoại tệ thành nguồn lực VNĐ hỗ trợ nền kinh tế". Theo ông Nguyễn Văn Bình, kể từ sau khi Nghị định 24 về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực ngày 25/5, hệ thống ngân hàng đã mua 60 tấn vàng mua từ người dân, tương đương 3 tỷ USD. Đồng nghĩa với việc này là có 60 tấn vàng chuyển từ vàng sang tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 10 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Như vậy đã có có tổng cộng 13 tỷ USD được chuyển sang VND để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng ông thống đốc không giải thích tại sao lại có hai giá vàng? Sự chênh lệch giữa vàng phi SJC và SJC ai được hưởng? Và số tiền huy động lên đến 13 tỷ đô la đã hỗ trợ gì cho nền kinh tế? Những người dân đang giữ vàng phi SJC có bảo đảm an toàn cho tài sản của mình hay không trước sự độc quyền của SJC?
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/8, dư nợ tín dụng của bất động sản khoảng 203.000 tỷ, trong đó tỷ lệ nợ xấu 6,6%. Và cũng theo ông Trịnh Đình Dũng, để giúp khai thông nguồn vốn của bất động sản nên hướng đến nhà ở cho người nghèo: “Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản bằng cách hướng doanh nghiệp bất động sản vào nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp sẽ đạt được nhiều mục đích”. Người nghèo nào có thể mua được nhà khi đồng lương của họ chưa được đưa vào hệ số an toàn cho họ và gia đình? Dường như hướng đi chưa cất bước đã khó thành hiện thực và tác động đên sự phát triển của doanh nghiệp. Bong bóng bất động sản sẽ được bảo vệ an toàn hay phát nổ?
Hội nghị TW6 đã kết thúc với nhiều sự cảm thán mà không hề có kết quả về trách nhiệm luật pháp của những người cho là do “dân cử, dân bầu”. Dường như một cái kết an toàn cho sinh mạng chính trị của các ủy viên trung ương chứ không phải là sự an toàn cho đất nước. Lần nữa, ông thủ tướng lại lên nhận lỗi về trách nhiệm chính trị như hồi nhận lỗi về vụ Vinashin…Ông thống đốc ngân hàng NN cũng nhận trách nhiệm trước Quốc hội về bất ổn thị trường vàng. Các ông bộ trưởng cũng đăng đàn về sự hiểu biết trong lĩnh vực mình phụ trách…Nghe xong nếu người lạc quan sẽ lại cảm thấy sự an toàn vẫn trong tầm kiểm soát.
Chỉ là đằng sau những nhận lỗi, nhận trách nhiệm là khoảng trống mờ mịt về lối đi an toàn cho đất nước, người dân.
Và cuộc sống khi thực sự mất an toàn theo quan điểm của chính phủ sẽ là gì?
*
Đọc để tự xác định “hệ số an toàn” ở mức nào thông qua cái nhìn của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Alan Phan: Tử huyệt của niềm tin

Thùy Linh
(buudoan.com)

Án tù cho nghệ sĩ, có sợ không?

Nhạc sỹ Tuấn Khanh
gửi cho BBC từ TP HCM
Biểu tình chống Trung Quốc
Một ngày sau phiên xử án hai nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình ở Sài Gòn, tôi gọi điện cho một anh bạn nhà văn và hỏi đùa “Nghe án tù cho nghệ sĩ chưa? Sợ không?”.
Tôi nghe bên kia đầu dây bật lên một tiếng cười sảng khoái, một giọng cười miền Nam an nhiên.
Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình cũng đã an nhiên nhận những mức án rất nhiều năm cho các bài hát của họ, những bài hát hoàn toàn phản ánh hiện thực đời Việt Nam hơn là thù địch, chống phá gì đó như lời của những vị quan tòa không rõ mặt đã nêu trong buổi sáng ngày 30-10-2012.
Những bài hát đã vụt nổi tiếng bất ngờ ngay sau tiếng búa tòa, vượt quá tầm kiểm soát của những người căm ghét nó, hoặc đang giả vờ căm ghét nó.
Đây không phải là lần đầu tiên giới nghệ sĩ Việt Nam chứng kiến những án tù cho đồng nghiệp của mình.
Từ những năm xa xôi của thế kỷ 20, người ta đã chứng kiến án tù cho Hoàng Hưng, Phan Đan, Đặng Đình Hưng… những lưu đầy của Phùng Quán, Văn Cao… Sau năm 1975, đã lần lượt có các án tù cho Doãn Quốc Sỹ, Duyên Anh, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu…
Nhưng rất lâu rồi, chuyện bắt tội một nghệ sĩ với quyền tự do sáng tác của họ đã là chuyện xa xưa, tưởng chừng như đã chỉ còn trong những ngày tháng mông muội nào đó.

Lao tù không phải là chuyện lạ

Nói như vậy, để hiểu rằng trong lịch sử riêng của giới văn nghệ sĩ Việt Nam, lao tù không phải là chuyện lạ. Nhưng dường như bất chấp những nguy nan đó, việc phản ánh những hiện thực của giới nghệ sĩ bằng cách viết, cách hát, vẫn xuất hiện một cách rất an nhiên.
Việc bắt giữ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã tạo nên một làn sóng phản ứng khó lường. Thậm chí với cộng đồng người Việt đã xa quê hương và xa những con người Việt thế hệ mới trong nước, họ cũng đã bày tỏ sự sửng sốt của mình, khi nghe có những con người đang đối diện với lao tù chỉ vì ca hát, bằng cách xuống đường và chia sẻ những chữ ký hết sức ấn tượng.
Nhưng đâu chỉ là chuyện người Việt với nhau, tuy xa cách địa lý, nhưng dường như sợi dây vô hình của nền văn minh loài người đều tạo ra những phản ứng nối kết giống nhau, như cái cách thế giới đã phản ứng trước việc cô bé Malala Yousafzai bị Taliban bắn vào đầu hay việc Putin cho giam giữ nhóm nhạc Pussy Riot.
Đôi khi những phán quyết đưa ra, nó không chỉ làm hủy hoại đời của một con người, mà ngược lại còn có thể tạo ra một lực phản hồi, phá hủy mọi danh tiếng và sự bền vững của hệ thống đưa ra bản án đó.
Nhạc sĩ Việt Khang 
Ông Việt Khang vừa nhận án tù 4 năm =>

Chưa bao giờ viên đạn như của phe Taliban bắn vào đầu cô bé Malala 14 tuổi lại trở thành viên đạn bắn thẳng vào lương tâm thế giới như lúc này. Chưa bao giờ người ta nhìn ra sự tồi tệ của chính quyền công an trị Putin ở nước Nga như lúc này, qua song sắt của ba cô gái nhóm Pussy Riot.
Và ở Việt Nam, chưa bao giờ những kẻ bị kết án là Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại được chia sẻ và cảm mến như bây giờ.
Đôi khi, tôi tự hỏi không biết những người soạn bản án cho Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình có thật sự lắng nghe những bài hát của họ hay không? Vì nếu chỉ dựa trên những con chữ để định đoạt số phận, tôi nghĩ công bằng nhất là nên mở một loạt phiên tòa nghiên cứu tái xét xử tất cả các nghệ sĩ, hay dễ dàng hơn là với các nhạc sĩ Việt Nam, từ Trịnh Công Sơn đến Phạm Duy và nhiều người khác nữa.
Dĩ nhiên, trong đó có cả tôi.

Quyền của người nghệ sĩ

Nói tới lắng nghe, tôi chợt nhớ đến nhiều tình huống khó quên.
Trong phim Schindler’s List của đạo diễn Steven Spielberg, những tên lính phát xít Đức đang rầm rộ tiến vào các ngôi nhà của người Do Thái, đã đứng sững và lặng yên nghe đến dứt khúc nhạc dương cầm của một người đánh đàn tuyệt vọng.
“Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?”
Hoặc trong phim the Pianist của đạo diễn Roman Polanski, viên sĩ quan Đức Quốc Xã đã lột bỏ toàn bộ trạng thái thù địch để lắng nghe một nghệ sĩ Do Thái đàn những khúc nhạc được sáng tác các quốc gia đang đối đầu như Nga hay Ba Lan.
Kẻ thù vẫn biết lắng nghe nhau, chẳng lẽ những người chung dòng máu và khát vọng dân tộc lại câm điếc với nhau?
Trong các tuyên bố chính trị ở Việt Nam lúc này, người ta hay đọc thấy cụm từ “nhóm lợi ích”.
Rõ ràng là phải có những nhóm lợi ích kinh tế bí mật nào đó đang đục khoét quốc gia và đang bị đánh động. Nhưng có hay không những nhóm lợi ích bí mật về chính trị nào đó cảm thấy bị bối rối và tức giận trước những cảnh báo về hiện thực tổ quốc của Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình, nên đã vội vàng khép tội họ?
Nếu không, tôi tự hỏi, họ đã phạm tội gì khi hát bằng tình yêu tổ quốc mình?
Quyền phản ánh hiện thực – không phản bội lại nhân cách của mình, là một giá trị tuyệt đối của người nghệ sĩ. Quyền đó được nhìn nhận bằng lương tâm và giá trị văn minh của con người, bất chấp một thể chế chính trị nào phủ nhận nó.
Chà đạp và từ chối quyền đó, cũng đồng nghĩa vinh danh giá trị của người nghệ sĩ và khẳng định thêm về sự trì trệ và lạc hậu của chính hệ thống đương trị.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, một nhạc sĩ sống tại Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét