Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Bệnh nhân hết tiền, bác sĩ đuổi về

Bệnh nhân hết tiền, bác sĩ đuổi về (TT). -TT - Không có chức năng lưu bệnh, điều trị và mổ nhưng bác sĩ này đã bất chấp để mổ cho một bệnh nhân 67 tuổi. Dù bệnh của bà chưa khỏi và được hàng xóm năn nỉ nhưng bà đã bị bác sĩ đuổi về vì hết tiền.
Bà Mai nằm điều trị tại khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: QUỐC NGỌC
Gửi thư đến báo Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Mỹ Liên - thành viên ban thanh tra nhân dân Ủy ban Mặt trận Tổ quốc P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM - và người dân tại đây hết sức bất bình về thái độ làm việc của bác sĩ Lê Quốc Việt trong quá trình khám và điều trị cho bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, 67 tuổi, một người dân tạm trú tại phường. Ông Việt là bác sĩ chuyên khoa ngoại lồng ngực, công tác tại Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM.
Hai lần đuổi bệnh nhân
Theo bà Liên, bà Mai không gia đình, không người thân, mưu sinh tại P.Phạm Ngũ Lão đã hơn 12 năm nay. Vào tháng 8-2011, bà đến khám bệnh tại phòng mạch nội khoa tổng quát của bác sĩ Việt tại địa chỉ 142 Nguyễn Chí Thanh, P.3, Q.10, TP.HCM. Sau vài lần khám, uống thuốc và làm các chỉ định xét nghiệm, đến ngày 28-8, bác sĩ Việt tiến hành mổ cho bà Mai ngay tại phòng mạch nói trên với chẩn đoán sa trực tràng, sa sinh dục. Chi phí bà Mai đã đóng cho bác sĩ Việt là 7,2 triệu đồng từ tiền dành dụm sau nhiều năm vất vả làm lụng.
Sau ca mổ trực tràng, bà Mai được nằm lại phòng mạch để theo dõi. Tuy nhiên, sức khỏe bà diễn biến rất xấu vì vết thương hậu môn không lành, xuất huyết liên tục. Ngày 1-9, bác sĩ Việt yêu cầu bà Mai ra khỏi phòng mạch với lý do phòng mạch... nghỉ lễ Quốc khánh. Trở lại nơi làm việc trước đó là quán ăn 275, đến ngày 4-9, bà Mai có triệu chứng nhiễm trùng hậu môn, thân nhiệt cao, không thể ăn uống gì được và trong túi cũng không còn một xu. Nhân viên trong quán phải đưa bà Mai trở lại phòng mạch và gom góp được 6,8 triệu đồng để đóng thêm cho bác sĩ Việt.
Tối 6-9, bác sĩ Việt cho người dùng xe gắn máy đưa bà Mai về bỏ trước cửa quán 275 trong tình trạng đang sốt cao, mệt vì chảy máu nhiều ở vết mổ. Người này còn lớn tiếng la mắng bà vì đã thiếu tiền phòng mạch. Thấy thế, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (61 tuổi) - mẹ của chủ quán 275 - cùng một số người dân đón taxi đưa bà Mai trở lại phòng mạch và van nài bác sĩ Việt cứu người nhưng bác sĩ Việt cương quyết từ chối. Mọi người phải lập tức đưa bà Mai vào cấp cứu tại Bệnh viện Sài Gòn (TP.HCM).
Lá lành đùm lá rách
Hiện nay chi phí điều trị cho bà Mai trong thời gian nằm tại Bệnh viện Sài Gòn đã hơn 27 triệu đồng. Tất cả đều do các nhà hảo tâm và cán bộ, nhân viên P.Phạm Ngũ Lão đóng góp. Suốt thời gian từ đó đến nay, bác sĩ Việt không hề đến bệnh viện thăm hỏi hay có sự hợp tác điều trị, khắc phục hậu quả cho bà Mai.
Bác sĩ Phan Văn Thảo - trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Sài Gòn - cho biết bà Mai nhập viện trong tình trạng nguy kịch, viêm phúc mạc nặng, có dịch mủ trong ổ bụng do hoại tử trực tràng, nhiễm trùng, nhiễm độc... “Chúng tôi đã lập tức tiến hành làm hậu môn tạm, rửa sạch ổ bụng để cứu sống bệnh nhân” - bác sĩ Thảo nói. Sau hai tháng điều trị tại Bệnh viện Sài Gòn, hiện sức khỏe bà Mai đã ổn định nhưng vẫn phải dùng hậu môn tạm.
Theo bác sĩ Thảo, phải chờ thêm khoảng hai tháng nữa cho bệnh nhân lấy lại sức mới có thể đóng hậu môn tạm.
Hành nghề vượt phạm vi cho phép
Bác sĩ Vũ Anh Sơn - trưởng Phòng y tế Q.10 - cho biết qua đơn thư người dân bức xúc về phòng mạch của bác sĩ Lê Quốc Việt, Sở Y tế TP.HCM và UBND Q.10 đã chỉ đạo Phòng y tế quận tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở này tại địa chỉ 142 Nguyễn Chí Thanh. Phòng mạch xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý, giấy phép hành nghề, danh sách nhân sự, sổ khám bệnh, ghi nhận bệnh. “Tại thời điểm kiểm tra, phòng mạch đang hoạt động bình thường. Nhưng chỉ có khám chứ không điều trị, không lưu bệnh nhân và không mổ” - bác sĩ Sơn nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Việt thừa nhận với đoàn thanh tra, kiểm tra là có khám, điều trị “xử lý và săn sóc vết thương” cho bà Mai với chẩn đoán hoại tử hậu môn và sa tử cung. Khi đoàn yêu cầu bác sĩ Việt cho xem phần nhà riêng ở lầu một thì phát hiện có một phòng lưu bệnh và một phòng kho với đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị để có thể thực hiện tiểu phẫu. Đến đây, bác sĩ Việt phải thừa nhận đã cho bà Mai nằm điều trị “nội trú” tại đây.
Phòng y tế Q.10 đã lập biên bản với nội dung đủ yếu tố khẳng định bác sĩ Việt hành nghề vượt quá phạm vi chức năng cho phép. Việc lưu bệnh như vậy là sai quy chế. Phòng y tế quận đã chuyển biên bản thanh tra, kiểm tra và văn bản báo cáo với nội dung trên đến thanh tra Sở Y tế để có hướng xử lý. Ngày 21-12, thanh tra Sở Y tế cho biết đã thụ lý hồ sơ vụ việc trên và sẽ xử lý trong thời gian sớm nhất.
QUỐC NGỌC

-Gia đình nạn nhân yêu cầu Sở Y tế vào cuộc
TT - Ngày 21-7, ông Nguyễn Văn Tâm (em ruột của nạn nhân Nguyễn Văn Hoàng, ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đã nộp đơn tới Sở Y tế Tiền Giang khiếu nại về việc bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo thiếu trách nhiệm dẫn đến việc ông Hoàng tử vong oan uổng.
Đơn khiếu nại rằng Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo báo cáo với Sở Y tế tiếp nhận bệnh nhân Hoàng chỉ có 15 phút là sai sự thật, đồng thời nêu dẫn chứng thời gian ông Hoàng nhập viện và “để theo dõi” là hơn một giờ. Ngoài ra, khi thấy bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng không chỉ định chụp X-quang, CT scanner hoặc có biện pháp cấp cứu nào ngoài việc rửa vết thương ở chân (trong khi bệnh nhân bị chấn thương sọ não), nhiều người thân bệnh nhân đã kéo đến phòng bác sĩ Hoàng yêu cầu cho chuyển viện.

Khi gia đình hỏi chuyển viện bằng cách nào thì bác sĩ Hoàng trả lời: “Hồi nãy lên bằng cái gì thì giờ đi bằng cái đó”, chứ không phải gia đình tự kêu taxi đi cho nhanh theo giải trình của Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết sở sẽ giải quyết đơn khiếu nại này theo quy định.
V.TR- Phủ nhận chuyện bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân (20/07)

TT - Ngày 19-7, ông Nguyễn Kim Ngôi - giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo - đã ký văn bản gửi Sở Y tế Tiền Giang giải trình về trường hợp cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Văn Hoàng (ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo), chiều 17-7.
Bệnh nhân này bị tai nạn giao thông, sau đó chết khi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Theo văn bản, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo thừa nhận bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng (trùng tên với nạn nhân) “chưa kịp xử lý thuốc men gì, nên bác sĩ Hoàng không báo cáo trong buổi họp giao ban sáng 18-7”.

Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo còn cho biết khi bệnh nhân Hoàng nhập viện đã có điều dưỡng rửa vết thương ở bàn chân. Bác sĩ Hoàng khám tại phòng tiểu phẫu có phát hiện có khối u ở đầu nạn nhân và cho người nhà nạn nhân biết nạn nhân vừa say rượu vừa bị tai nạn, để theo dõi thêm.
Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng không chỉ định chụp X-quang hoặc CT scanner vùng đầu cho bệnh nhân. Sau đó theo yêu cầu của người nhà, bác sĩ cho bệnh nhân chuyển viện.
Trong văn bản gửi Sở Y tế, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo khẳng định đã làm tốt nhiệm vụ, “không thể nói là bỏ mặc bệnh nhân”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Linh - phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang - nói đây chỉ là giải trình một chiều. Sở Y tế đã giao trung tâm tiếp xúc, trả lời hoặc giải quyết khiếu nại của gia đình nạn nhân.
V.TR. - T.TÚ
- Bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân? (19/07)
TT - Trưa 18-7, hơn chục người thân của ông Nguyễn Văn Hoàng (57 tuổi, ở ấp Bình Hưng, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) bức xúc đưa thi thể ông từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) về Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo.
Ông Nguyễn Văn Tâm (em ruột ông Hoàng) cho rằng sở dĩ ông Hoàng tử vong là do bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo tắc trách, bỏ mặc nạn nhân mà không có biện pháp cấp cứu nào, thậm chí bệnh án cũng không lập.

Theo lời kể của ông Tâm, chiều 17-7 ông Hoàng đi xe máy từ nhà đến TP Mỹ Tho dự đám giỗ. Xe máy của ông va quẹt với xe máy khác chạy chiều ngược lại. Ông Hoàng bị ngã xuống đường và được người dân đưa đến Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo trong tình trạng vùng đầu bị sưng, chân có nhiều vết thương. Suốt một giờ ông Hoàng nằm ở đây không có bác sĩ nào tới khám. Khi người thân ông Hoàng hỏi thì được bác sĩ trực trả lời: “Bệnh nhân có uống rượu nên chờ theo dõi”.
Đến khoảng 18g, do không thấy bác sĩ thực hiện cấp cứu cho ông Hoàng, người thân của ông gọi taxi chở ông đến Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cách đó khoảng 10km. Ngay sau đó, ông Hoàng được bệnh viện này chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến sáng 18-7, ông Hoàng tử vong.
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Bé, phó giám đốc Trung tâm Y tế kiêm giám định viên pháp y, cho biết kết quả giải phẫu tử thi theo yêu cầu của công an trưa 18-7 cho thấy nguyên nhân bệnh nhân Hoàng tử vong là do tụ máu dưới màng cứng hai bên đầu, giập não hai bán cầu.
Ông Nguyễn Kim Ngôi, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, khẳng định đến đầu giờ chiều 18-7 ông không nghe báo cáo gì về trường hợp của ông Hoàng. Sau khi cho nhân viên kiểm tra lại hồ sơ, ông Ngôi nói tại trung tâm không có bệnh án của bệnh nhân Hoàng, chỉ có ghi trong sổ tiếp nhận bệnh nhân với nội dung “đa chấn thương do tai nạn giao thông”. Theo ông Ngôi, bác sĩ trực chiều 17-7 là ông Nguyễn Văn Hoàng. Khi ông Ngôi gọi điện cho ông Hoàng để hỏi lại vụ việc thì... điện thoại không liên lạc được.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, phó giám đốc Sở Y tế Tiền Giang, cho biết ông chưa nghe báo về trường hợp này. Ngay trong chiều 18-7, ông Linh đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo phải giải trình toàn bộ vụ việc gửi về Sở Y tế chậm nhất là sáng 19-7.
THANH TÚ

Buồn
19/07/2011 7:49:33 CH
Nội tôi mất 2 tháng rồi cũng do sự tắc trách của bác sĩ ở vùng sâu vùng xa, bà bị đau ruột thừa cấp tính thế mà mấy vị này kiểm tra bảo đau bụng bình thường cho thuốc giảm đau về uống. Kết quả là 2 ngày sau chuyển lên tuyến trên không kịp và mất. Nếu không nâng cao y đức, trình độ của bác sĩ thì có biết bao nhiêu người phải chết oan nữa.
Minh Long

Bác sĩ... thời hiện đại
19/07/2011 1:16:12 CH
Thời gian qua có nhiều bệnh nhân chết do bác sĩ không làm đúng chuyên môn. Tôi không biết là lòng con người họ bỏ đi đâu hay là đồng tiền của người dân không biết đi đến ví của họ. Thật là đáng buồn khi mang trên mình là chiếc áo bác sĩ và chia buồn cùng gia đình người đã mất.
phantam
Không lót tiền, ai mà thèm khám
19/07/2011 1:15:02 CH
Chuyện bình thường như đường nông thôn. Vào bệnh viện mà không lót tiền cho y tá trực, bác sĩ khám thì chỉ có nước chờ khám nghiệm tử thi thôi. Trước nay nó thế. "Lương y như từ mẫu" chỉ là băng rôn treo cho đẹp thôi.
Nam Thanh
Tiêu cực lại tái diễn
19/07/2011 1:00:06 CH
Vụ một thiếu nữ chết oan ở Cà Mau mới vừa chấm dứt thì ở Tiền Giang lại xảy ra một vụ việc tương tự, thiết nghĩ y đức người thầy thuốc trong thời buổi hiện nay đáng báo động và họ rất vô cảm, cứ mặc cho báo chí và dư luận bất bình, phẫn nộ còn họ cứ bình chân như vại coi như không có chuyện gì xảy ra, ai chết mặc ai, không biết họ có còn xứng đáng là người thầy thuốc cứu người nữa hay không hay là:" Lương y như dì ghẻ". Đề nghị nhà nước xử lí thật mạnh tay đối với những lương y vô trách nhiệm này để người dân không còn chết oan giữa thời hòa bình nữa.
HUỲNH LIÊM
Đơn giản là nghề sinh nhai
19/07/2011 12:58:42 CH
Người ta thường nói, làm giáo dục và Y tế phải có tâm, tôi thấy nghề nào chẳng cần tâm. Kinh doanh mà không có tâm thì cũng hại chết bao nhiêu người. Nhà khoa học không có tâm thì toàn phát minh những thứ hại chết người, ví dụ như mấy cái phụ gia cho vào sản phẩm tiêu dùng. Tại xã hội tự dưng lại đề cao cái tâm của hàng ngàn người làm nghề Y, mà không nhìn nhận thực tế rằng đa số Y, bác sĩ ở bệnh viện huyện toàn học tại chức, bổ túc, toàn con nghề nối bước con nhà nghề.
Không lẽ con người ta đang ở mức độ văn hóa, lương tâm trung bình, vào bệnh viện làm y tá, tự dưng lương tâm trổi dậy, thành người vĩ đại hay sao? Thử kiểm tra mà xem, có bao nhiêu bác sĩ học hành chính quy trong một bệnh viện Huyện... ngày ngày họ đối diện với cơm áo gạo tiền, chẳng khác những người hành nghề kinh doanh, sửa xe, chạy xe ôm, thợ cơ khí.... Chúng ta nếu muốn không đau lòng, bức xúc thì hạy nhìn nghề y đơn giản là một cái nghề kiếm sống, như sửa xe, buôn bán, lái xe, sửa máy vi tính... Người sửa xe thì cầm ốc vít, bác sĩ cầm ống nghe, thế thôi... Đừng cúi đầu, đừng dạ thưa bác sĩ, y tá nữa, càng tôn trọng họ, họ càng xem thường chúng ta.
Chúng ta trả tiền để trị bệnh, giống như trả tiền để sửa xe nếu xui rủi gặp bác sĩ lăng băng thì giống như gặp thợ sửa xe không giỏi, chỉ khác là thay vì mua một chiếc xe mới thì chúng ta có thể trả giá bằng cả mạng sống Cái xã hội này nó thế....

Pham Thanh
Nên đưa vào luật
19/07/2011 12:24:43 CH
Giết người là tội ác! Tại sao bác sĩ làm chết người không phải là tội ác? Bất cứ nghề nào cũng có sai phạm nhưng nghề bác sĩ thì không được phép vì đó một mạng người. Nên rút giấy phép hành nghề nếu bác sĩ nào tắc trách, vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ có như thế họ mới có trách nhiệm hơn với bệnh nhân.

Tội cho người nghèo
19/07/2011 9:19:45 SA
Một số bác sĩ Việt Nam đã làm mất lòng tin ở người dân quá nhiều, nếu như ai cũng có điều kiện, dù "giẫm gai cũng đi Singapore" thì không có gì để bàn, vì người ta có tiền, có quyền lựa chọn cho mình một dịch vụ có uy tín, có trách nhiệm.
Chỉ tội cho người dân nghèo chúng tôi, khi bệnh chỉ biết phó thác sinh mạng mình cho bác sĩ, thế nhưng sinh mạng của người dân đã không được xem trọng nữa, đó là nỗi đau của nhiều bệnh nhân người Việt.

Thanh Nhàn
Lương tâm
19/07/2011 9:18:17 SA
Tôi sinh ra và lớn lên ở CG nên đã có nhiều lần vào bệnh viện (BV) này. Tôi cũng rất bức xúc với thái độ làm việc của các bác sĩ tại đây. Họ xem bệnh nhân không ra gì cả, những người đáng tuổi cha tuổi mẹ mà họ cũng chẳng nể nan.
Cứ mỗi lần tôi về quê hễ nhắc tới bệnh viện CG là tôi nhận được vô số lời phản ánh, bức xúc về thái độ của các bác sĩ tại BV này. Tất nhiên cũng có nhiều BS giỏi và có tâm, tôi không quơ đũa cả nắm. Chỉ mong sao các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm chấn chỉnh lại tư tưởng của những vị BS có tài nhưng tâm không có.

LÊ QUỐC MINH

Đồng ý và buồn....
19/07/2011 8:40:39 SA
Tôi tán thành với ý kiến của Bình Minh, bác sỹ tắc trách là chuyện có từ rất lâu nhưng do không ai nói nói và nói thì biết nói với ai. Khoa học hiện đại, báo chí luôn đua tốc độ đưa tin....nên nhiều lúc càng nhiều vụ việc mà mình tưởng chừng không thể nào xảy ra trên thế gian nhưng nó lại xảy ra. Hỡi những ai đang có đầy đủ hai chữ "con người" xin hãy ý thức và nhân đạo...
Phạm Nguyễn Phú Thọ
Bác sĩ bỏ mặc bệnh nhân?
19/07/2011 8:25:26 SA
Ngay sau sự kiện báo nêu ở BV ở Năm Căn thì lại đến sự cố ở chợ Gạo! Các bác sỹ hiện nay dường như không còn "y đức" nữa! Không biết kế tiếp sẽ là ai đây? Người dân VN bệnh rồi sẽ không biết đi kiếm bệnh viện nào nữa!?
Có bức xúc mà manh động thì chỉ thêm tội chứ Bác sỹ làm chết người thì quá lắm chỉ bị kỷ luật nhắc nhở là cùng! Đúng là Bác sỹ Việt Nam có "thẻ miễn trách nhiệm khi để chết người" chỉ có Việt Nam có mà thôi! Đáng buồn thay cho người dân nghèo Việt Nam!

Vũ Hoàng Trọng
Tội ác!
19/07/2011 8:08:05 SA
Không phải tình trạng bác sĩ tắc trách đến bây giờ mới phát sinh, mà hiện tượng được xem là hách dịch này đã có từ rất lâu ở một số bệnh viện, đến bây giờ qua dư luận và các phương tiện thông tin đại chúng phát triển như ngày nay thì nó mới bùng nổ và đem ra mổ xẻ.
Đã từ lâu tôi xem các bác sĩ vì vô trách nmhie65m làm chết bệnh nhân là một tội ác không thể không nghiêm trị bỡi lẽ làm nghề y thì phải xem tính mạng, sức khỏe bệnh nhân là quan trọng hàng đầu, tôi tin rằng các bác sĩ đã gây tội ác như trên phải bị xử phạt thât nghiêm theo pháp luật.

Bình Minh


-- Vì sao bệnh nhân “bỏ rơi” y tế nước nhà? (Petrotimes).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét