Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Sát Thủ Đầu Mưng Mủ Thành Ngữ Teen

-Văn Quang: Văn Hoá “Cà Chớn”

Tôi ngần ngại mãi khi viết đến hai chữ “cà chớn” này. Bởi cà chớn khó định nghĩa như thế nào cho chính xác. Cà chớn không hề có nghĩa là láo lếu, cũng không có ý nghĩa là xấu xa, nhảm nhí. Thí dụ bạn hẹn một người bạn đi uống cà phê, nhưng anh ta đến muộn, bạn phán là “thằng cà chớn”. Vậy không có nghĩa là anh bạn kia là một người bạn xấu. Hoặc bạn nghe một người bạn nào đó đùa dai một câu như “trông cô gái kia phốp pháp, có vẻ hạp với ông đấy”. Bạn chỉ có thể kết tội anh ta là cà chớn chứ không thể cho là anh ta nói láo. Đôi khi nó có nghĩa là xấu, đôi khi nó có nghĩa là vui đùa, đôi khi nó có nghĩa là không tốt, không xấu nữa. Thí dụ bạn nói về một người bạn rằng: “Thằng ấy nó cà chớn thế thôi chứ không xấu bụng đâu”. Vậy cà chớn là không tốt cũng không xấu.

Minh định về hai tiếng “cà chớn”
Xem ra hai tiếng “ cà chớn” này rất khó dịch sang tiếng nước ngoài. Xin nhờ các dịch giả, các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học làm ơn dịch giùm. Tôi cứ nghĩ, nếu không là người VN thì khó mà hiểu nổi “cà chớn” có nghĩa là gì. Tuy nhiên người VN nào cũng có thể cảm nhận được, hiểu ngầm được hai tiếng này. Nhóm chữ “văn hoá cà chớn” tôi dùng ở đây mang tất cả các ý trên.
Lại cũng xin xác minh rằng hai tiếng “cà chớn” đã có từ thời xa xưa chứ không phải chữ nghĩa hay lời nói mới phát sinh vào thời đại ngày nay ở VN (không phải chữ nghĩa VC). Tôi nhớ rằng khi còn nhỏ, khoảng trên dưới 10 tuổi, mỗi buổi chiều khi tôi mê đá bóng hay đánh bóng chuyền, bóng bàn, về nhà trễ, tôi thường bị anh tôi mắng là “thằng cà chớn”. Tôi nghĩ ông ấy đã dùng chữ này thật chính xác. Nếu tôi mê đánh đinh đánh đáo, anh tôi có thể mắng là “thằng bố láo, thằng lười, ham chơi hơn thích học”, nhưng tôi mê thể thao cũng như ông ấy thì ông không dùng chữ “láo” được mà chỉ có thể có thể cho tôi là “thằng cà chớn” là đúng nhất. Đôi khi người ta còn dùng là “cà chớn, cà cháo”, nhưng chữ “cháo” này không có nghĩa gì khác cả, chỉ là câu nói quen miệng cho trơn, cho xôm tụ thôi. Nhưng khi người ta nói “người ngợm đâu mà bẩn thế”, chữ “ngợm” ở đây có thêm nghĩa nghĩa xấu, chứ nói nói về một người tốt, không ai thêm chữ “ngợm” vào cả. Thế mới biết chữ nghĩa Việt Nam thâm thuý lắm. Cũng cùng một nhóm chữ, nhưng mỗi trường hợp phải được hiểu theo một ý khác nhau và hiểu được đúng lại càng khó. Đôi khi chỉ còn là sự cảm nhận của những người cùng chung một dân tộc, một huyết thống.
Tác phẩm cà chớn trên thị trường chữ nghĩa
Trong những ngày gần đây, tại VN rộ lên những cái gọi là “tác phẩm văn học” được một vài nhà xuất bản tung ra thị trường chữ nghĩa rồi lại bị thu hồi khiến nó bỗng nổi tiếng và được nhiều người tò mò tìm đọc. Cái trò sách bị tịch thu bao giờ cũng bán chạy, tưởng như một “nghịch lý” mà không phải “nghịch lý” này trở thành một chiêu quảng cáo rất hấp dẫn, mang lại kết quả rất béo bở cho mấy nhà phát hành. Hai cuốn sách đã cho xuất bản, bày bán cả mấy tháng trời mới bị tịch thu. Đó lá cuốn “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông” và cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”.
Cuốn sách “Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông (tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, Sách Phương Nam & NXB Hội Nhà Văn 2011) sẽ phải thu hồi trong vòng 10 ngày, theo quyết định của chánh thanh tra Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM ký ngày 1-11. Quyết định này còn buộc Công ty Sách Phương Nam phải nộp phạt 7,5 triệu đồng do cuốn sách trên “truyền bá lối sống dâm ô đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Cuốn sách này gồm 13 truyện ngắn, được phát hành trên toàn quốc từ tháng 4-2011, tuy nhiên đến nay chỉ có TP.HCM quyết định tịch thu sách. Hiện đang gây nhiều tranh cãi, và khi tôi ra nhà sách chuyên “bán lậu” loại này cũng hết nhẵn. Vậy chúng ta sẽ bàn đến khi tôi mua được sách “lậu” kia.
Trong bài này, tôi điểm qua cuốn sách được coi là rất kỳ cục cũng vừa bị tịch thu. Đó là cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”. Mời bạn đọc nhìn vào nội dung cuốn sách xem nó mang lại những gì cho độc giả.
“Sát thủ đầu mưng mủ” là cái quái gì vậy?
Trước hết, ngay cái tên truyện “SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ” chẳng mang một ý nghĩa nào chứ đừng nói đến ý văn học hay giáo dục. Nó cũng chẳng là thứ truyện bằng tranh giải trí cho trẻ em. Nó có phần nào phản ảnh được tâm trạng… bừa phứa, ăn nói lung tung, kém văn hoá của một số lớp trẻ hiện nay ở các thành phố lớn mà người ta thích gọi là “tuổi teen”.
Cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” do Công ty Văn Hoá Truyền thông Nhã Nam đặt hàng cho hoạ sĩ Thành Phong thực hiện và ông hoạ sĩ này đã mất 5 tuần để thực hiện các bức tranh. Mỗi bức tranh mang một “thành ngữ” mà ông tự nhận đây là cuốn sách thu thập “các thành ngữ sành điệu” của giới trẻ. Vậy sự “sành điệu” đó như thế nào?
Từ trang bìa đến nội dung cuốc sách, người đọc được giới thiệu những bức vẽ có phần dễ dãi như loại biếm hoạ trên các trang báo hàng ngày, mục đích có lẽ chỉ để chọc cười. Cuốn sách tập hợp 120 câu nói thông dụng, cửa miệng hiện nay của giới trẻ như “Ngất ngây con gà tây”, “Phi công trẻ lái máy bay bà già”, “Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá”, “Tào lao bí đao”, “Tự nhiên như cô tiên”, “Xấu nhưng biết phấn đấu”, “Đói như con chó sói”, “Một con ngựa đau, cả tàu được thêm cỏ”, “Một điều nhịn là chín điều nhục”, “Cái khó ló cái ngu”…
Sự phản bội văn hoá và đạo đức dân tộc
Cuốn sách “Sát thủ đầu mưng mủ” được phát hành trong tháng 10-2011. Vừa “ra lò”, nó đã nhanh chóng trở thành “cẩm nang” của hầu hết giới học sinh thành phố. Đọc những câu cú trên đây, hẳn bạn đọc đã thấy rõ có những câu vô nghĩa bị kết tội là rẻ tiền, là làm nghèo tiếng Việt cũng không sai. Cứ cái đà ấy cuốn sách kéo dài một cách trơ trẽn, đầu độc những cái đầu non trẻ. Chúng sẽ dựa vào sách để bắt chước, “sáng tạo” ra những câu cú tục tĩu, kỳ quái hơn nữa. Đã có rất nhiều ý kiến phản đối kịch liệt, cho rằng đây là một cuốn sách nhảm nhí, xuyên tạc thành ngữ, tục ngữ Việt Nam và làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Chị Thanh Hà, một nhân viên ngân hàng lên tiếng: “Tôi không hiểu vì sao một cuốn sách nhảm nhí như vậy lại được kiểm duyệt để xuất bản. Những câu thành ngữ, tục ngữ của cha ông như “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” bị cải biên, xuyên tạc một cách trắng trợn. Thử hỏi, với các cháu nhỏ lứa tuổi tiểu học khi cầm những cuốn sách này, các cháu sẽ học được điều gì?”.
Hoặc những câu “Có chí thì ghê”, xuyên tạc mất ý nghĩa giáo dục tinh thần của câu “Có chí thì nên” của ông cha ta bao đời để lại cho con cháu noi theo. “Một điều nhịn là chín điều nhục”, “Cái khó ló cái ngu”… toàn là những câu phản lại truyền thống đạo đức VN.
Việc phổ biến rộng rãi những câu nói này sẽ hình thành trong giới trẻ thói quen ăn nói hời hợt, nghèo nàn về văn hoá, thậm chí phản bội văn hoá. Vì thế, không thể in thành sách những câu nói như vậy. Đúng là một cuốn sách cà chớn chưa từng thấy trong lịch sử xuất bản văn học VN.
Vậy mà nó còn được bán ra thế giới!!!
Cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” xuất hiện trên trang bán hàng trực tuyến Amazon (ấn bản Kindle, sách điện tử) với giá 7,99 USD. Sách được bán theo nhượng quyền xuất bản ở Mỹ giữa công ty Nhã Nam – Nhà xuất bản Mỹ Thuật với Indochine Media Inc, một công ty truyền thông có trụ sở tại Milpitas, California.
Theo ông Dương Thanh Hoài, Phó giám đốc công ty Nhã Nam, thủ tục chuyển nhượng quyền xuất bản “Sát thủ đầu mưng mủ” ra thị trường Mỹ và quốc tế đã được thực hiện ngay từ khi cuốn sách ra mắt bạn đọc trong nước, chứ không phải sau khi bị ngưng phát hành. Ông Thanh Hoài cho biết: “Chúng tôi rất vui vì đây là lần đầu tiên sách Việt Nam có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, phục vụ cho những người Việt Nam muốn biết thêm về cái mới trong lời ăn tiếng nói, ngôn ngữ trong nước”.
Bạn Nguyễn Huy Trường phản ứng ngay trên báo: “Khác gì một sự sỉ nhục tiếng Việt. Cuốn sách đầu tiên được xuất bản ra Thế Giới… là thế này đây? Nhiều lúc không hiểu các bác ấy nghĩ gì nữa, vì vài đồng tiền mà đem một sự bôi nhọ Văn hoá VN ra bán cho thế giới? Buồn cười với câu nói của ông Phó GĐ Nhã Nam “… cái mới trong lời ăn tiếng nói, ngôn ngữ trong nước”. Ông cho cái này là cái mới, cái tiến bộ sao?”
Và cũng ở trên mạng, một độc giả đã cảnh báo: “Vậy thì hãy chuẩn bị tư tưởng để chấp nhận việc một ngày nào đó, con cháu các anh chị sẽ nghêu ngao rằng: “Công cha như miếng rau câu./ Nghĩa mẹ như nước trong cầu chảy ra”.
Nếu thế thì chẳng còn gì để nói. Sự xuống cấp của văn hoá đến thế là cùng. Chắc bạn không ngờ được!
Một vài nhận định về “văn hoá nghị trường”
Vào những ngày giữa tháng 12 này, câu chuyện thời sự nóng bỏng nhất tại VN là việc bất ngờ tăng giá điện kể từ 20-12-2011, đúng vào thời điểm cuối năm và chính phủ đang ra sức kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường. Người dân coi đó là “cú đánh úp” vào đầu dân của ông Điện Lực VN. Tiếng ca thán nổi dậy đầy rẫy trên mặt báo và trong từng con hẻm nhỏ.. Tuy nhiên, chúng ta hãy đợi xem hậu quả của “cú đánh úp” này đi đến đâu, dịp khác chúng ta sẽ bàn tới. Trong mấy tuần vừa qua, có 3 bài cần thiết về cách chữa bệnh ung thư và tiểu đường được nhiều bạn đọc quan tâm, nên có một số tin thời sự, tôi phải gác lại. Nay xin tiếp tục về vài diễn biến trong lãnh vực thời sự vừa qua.
Trong tuần cuối tháng 11 -2011, sự kiện được người dân trong và ngoài nước VN chú ý đến nhiều nhất chính là lời tuyên bố của người đứng đầu chính phủ VN Nguyễn Tấn Dũng trước quốc hội khẳng định về chủ quyền của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tin này đã được rất nhiều cơ quan thông tin bình luận nên tôi không nhắc lại.
Cũng trong kỳ họp này, còn có một số bộ trưởng những bộ được coi là “nóng” nhất đã đăng đàn trả lời các đại biểu (ở VN gọi các dân biểu hay là đại biểu). Không thể đi vào chi tiết quá dài dòng, ở đây tôi điểm qua một nét chính tượng trưng, trong những câu hỏi của các đại biểu và câu trả lời của các bộ trưởng.
Ai cũng làm bộ trưởng đuợc!
Khuôn mặt nổi bật nhất và là người đầu tiên trả lời chất vấn là ông Đinh La Thăng, người đã hai lần “trảm hai tướng” dưới quyền khi đi thị sát các công trình do các viên chức này chịu trách nhiệm. Sau khi trả lời một số câu hỏi trước nghị trường, ông đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chưa “thoả mãn” nên đã đưa ra câu hỏi “rất nặng ký”:
- “Nếu cứ trả lời lòng vòng như thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được. Xin đề nghị Bộ trưởng trả lời xem mấy năm thì có thể giảm được tai nạn giao thông, mấy năm thì giảm bớt được ùn tắc giao thông?”
Trước các đại biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhã nhặn trả lời: “Chúng ta phải quyết tâm, cùng phải làm, chứ còn bây giờ bảo tôi khẳng định bao giờ hết tai nạn giao thông, bao giờ hết ùn tắc giao thông thì xin phép đại biểu là chưa khẳng định được. Chúng tôi chỉ mong rằng nó sẽ kiềm chế và giảm dần như mục tiêu chúng ta đưa ra là mỗi năm giảm từ 5% đến 10%”
Cú “trà đòn” như một cú đá thủng lưới của Messi.
Nhưng bên lề hành lang quốc hội, ông bộ trưởng Thăng đã trả lời câu hỏi của phóng viên:
* Phóng viên: Ông suy nghĩ gì khi có đại biểu Quốc hội cho rằng trả lời như ông thì ai cũng có thể làm được bộ trưởng?
- Ông Thăng nói: Tôi nghĩ bộ trưởng là do Quốc hội phê chuẩn chứ không phải ai cũng làm được. Theo tôi, chúng ta đang nói đến văn hoá giao thông thì cũng cần có văn hoá về chất vấn.
Quả thật câu trả lời nhẹ nhàng mà rất thấm. Ông Thăng nói đến “văn hoá chất vấn” đúng nơi đúng lúc. Cú “trả đòn” của ông Thăng mềm mại như Messi đi bóng, đá một cú lượn vào góc chết, làm khung thành vỡ toang. Nhẹ mà đau lắm, các cụ ạ.
Đúng là cần phải có “văn hoá chất vấn”, không thể để những thứ “ngôn ngữ cà chớn” chui vào nghị trường được. Điều đó thì chính các ông đại biểu phải tự ý thức lấy, chứ không có trường lớp nào dạy hay quy định nào rằng buộc. Người dân lại cảm thấy cần phải thận trọng hơn nữa với những lá phiếu bầu đại biểu của mình.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đánh giá về các phiên chất vấn này như sau: “ Một số câu hỏi không đúng nghĩa chất vấn, như chỉ hỏi thông tin, mang tính chất trao đổi. Nếu chỉ hỏi lấy thông tin, bộ trưởng trả lời xong, đại biểu tưởng thế là được. Qua loạt hỏi thấy rất ít đại biểu nắm chắc thông tin về nội dung chất vấn, thậm chí có thể đại biểu hỏi để cho cử tri nhìn thấy mình. Do các câu hỏi không đúng nên khó mà đạt được yêu cầu như mong muốn”.
Đúng như vậy, theo dõi qua truyền hình, người dân nhận thấy có ông bà đại biểu cầm tờ giấy đọc cũng còn ngắc ngứ và câu hỏi chỉ để mà hỏi, chỉ để cho “nhân dân” nhìn thấy mặt mình trên diễn đàn quốc hội!
Khi được hỏi: – Ông nghĩ sao về ý kiến chính các đại biểu phải có văn hoá chất vấn, văn hoá nghị trường?
- Ông Đinh Xuân Thảo nói: Đúng là văn hoá nghị trường từ người điều hành cho đến người hỏi và người trả lời rất là cần thiết. Như lần trước, Chủ tịch Quốc hội khoá 12 cũng nói không nên đao to búa lớn mà nên lạt mềm buộc chặt. Nếu nói nhẹ nhàng, có lý lẽ, sức thuyết phục thì giá trị hơn là nói như băm bổ hoặc trả lời như là ở bên ngoài. Đối với hoạt động nghị trường, phát biểu trao đổi cũng có quan điểm khác nhau nhưng cách tranh luận dùng lời lẽ thì cũng cần thể hiện văn hoá ứng xử.
Có lẽ không cần phải bình luận gì thêm về sự cần thiết phải có những đại biểu của dân có trình độ kiến thức cao hơn và phải biết ứng xử ít nhất là “văn hoá nghị trường”.
Văn Quang
Viết từ Sài Gòn (23-12-2011)

Hình 1:
 Tranh vẽ dạy các cháu cách sống vô cảm trước đồng loại: “một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”!

Hình 2:
 Tranh vẽ khuyên người ta nên dùng bạo lực: “một điều nhịn là chín điều nhục”!
(VTC News) - Vừa mới xuất bản được mươi ngày, cuốn sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” tập hợp những thành ngữ hiện đại đang được giới trẻ sử dụng lập tức gây chú ý lớn. Các ý kiến ủng hộ có nhiều, song cũng có các ý kiến chê trách là “nhảm nhí”, “không có lợi cho giáo dục”…
Để rộng đường dư luận, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam, đơn vị liên kết với NXB Mỹ Thuật để xuất bản cuốn sách.
Tin liên quan
» "Sát thủ đầu mưng mủ": xả "xì trét" nhưng phản cảm

- Thưa ông, ông suy nghĩ gì về những lời “chê” gần đây đối với cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ”?

“Sát thủ đầu mưng mủ”: Chắc gì đã "ngoa"?   
Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam 

Mặc dù sách mới ra, song đã có một vài ý kiến lẻ tẻ trên báo nói cuốn sách có giá trị giải trí, xả stress, nhưng còn “nhảm nhí”, hoặc có ý kiến cho rằng “không lợi cho giáo dục”, khi cuốn sách tập hợp những câu như “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ”… Theo tôi, đây chỉ là những nhìn nhận thoáng qua và bề ngoài, không thực sự đi vào bản chất của thành ngữ, tục ngữ dân gian và hiện đại.

Xin hãy công bằng và khách quan, đừng đem cái phán xét cá nhân để áp đặt lên ngôn ngữ! Ngôn ngữ là của chung, mình không thích thì có người khác thích. Cá nhân tôi cũng không thích nhiều lối nói, lối diễn đạt của nhiều người khác, nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Bởi cuộc sống là thế. “Một con ngựa đau cả tàu được ăn thêm cỏ” tại sao lại không hiểu là đó chính là lối giễu nhại, qua đó thể hiện thái độ phê phán ngầm?

“Ăn chơi sợ gì mưa rơi” với câu thoại của người mẹ là “Há mồm ra” mà bảo là không lợi cho giáo dục thì tôi e là suy diễn quá xa vời. Sao không thấy đấy là cái nhìn hài hước nhưng cảm thông… với vô số những bà mẹ ở đô thị khổ sở vì cho con ăn rất khó?

Tôi có anh bạn Việt kiều nói rằng trẻ con Việt Nam cho ăn khổ nhất thế giới. Hàng xóm anh ấy mỗi lần cho con ăn là rồ ga xe Dream ầm ĩ trong nhà để cho đứa bé nó cười nó mới chịu há mồm cho!

- Với những "thành ngữ teen "vô thưởng vô phạt, như kiểu “ngất trên cành quất”, “oách xà lách”… hay gây sốc như “Đã xấu lại còn xa/Đã si đa còn xông pha hiến máu”?
Tôi thì không nghĩ thế. Nếu giữ nguyên cái nhìn như thế thì có thể thấy vô số những thành ngữ, tục ngữ dân gian cổ truyền của cha ông ta là “nhảm nhí” và “không có lợi” và “sốc”. Tôi đơn cử: “L… đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” hay “Văn chương chữ nghĩa bề bề/Thần l… ám ảnh vẫn mê mẩn đời” có lẽ cũng gây sốc cho không ít người đâu.

Riêng câu “Đã xấu mà lại còn xa” thậm chí còn có cả mẫu trong tục ngữ của các cụ đấy nhé. Đó là “Đã gian lại còn ngoan/Đã đi làm đĩ lại toan cáo làng!”… Thế còn chê là nhảm thì “Im ỉm như gái ngồi phải cọc”, “uống rượu ngồi dai, d… mài xuống đất” hẳn cũng khá là nhảm; rồi những câu như “Không ăn được thì đạp đổ” hay “Không chồng mà chửa mới ngoan/Có chồng mà chửa thế gian sự thường” đều có thể quy là không lợi cho giáo dục được!

Thành ngữ tục ngữ là sản phẩm của xã hội, của nhiều người, bao gồm nhiều cái nhìn của nhiều giai tầng. Không thể đơn giản lấy cái nhìn chủ quan của cá nhân mình để áp đặt mà được. Cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” rõ ràng là tập hợp của những thành ngữ mới ấy, có phủ nhận cuốn sách cũng không thể phủ nhận được sự thông dụng và thực tế sử dụng phong phú và thông dụng của chúng của cả giới trẻ lẫn người lớn ở ngoài kia! Các thành ngữ, các lối diễn đạt trong cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” hầu hết đều có tần suất sử dụng rất lớn.


“Sát thủ đầu mưng mủ”: Chắc gì đã "ngoa"?
 Cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" mới ra được vài ngày đã gây xôn xao dư luận

- Tuy nhiên, vẫn còn đó một số ý kiến cho rằng cuốn sách sẽ làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt với những lối nói vặn vẹo, phá cách, ông nghĩ sao?

Xung quanh cuốn Sát thủ đầu mưng mủ, đã có hai giáo sư ngôn ngữ học giải thích về trào lưu thành ngữ mới này trên tờ Tuổi Trẻ rất là xác đáng. Nhân đây tôi xin gửi lời cám ơn đến các ông, vì không có ý kiến của các ông thì chúng tôi cũng đến khổ! Cá nhân tôi thì cho rằng lo lắng đến sự trong sáng của tiếng Việt là không cần thiết, mà ngược lại với đúng.

Thành ngữ mới cho thấy tiếng Việt quá phong phú, có thể biến hóa đa dạng và sản sinh từ mới, lối nói mới nhanh, linh hoạt không kém tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Chúng ta chẳng nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” đấy ư. 
Đấy chính là bão táp đấy! Phải nói giới trẻ có những lối diễn đạt sáng tạo và độc sáng: “Đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm”, hay “Xấu xí còn cố gây chú ý” đều rất hài hước và thâm trầm, chẳng kém gì những châm ngôn kiểu “Sự ngu dốt của bọn có học” trong văn của Nguyễn Huy Thiệp!

Tôi còn nghĩ đó là đóng góp của thế hệ trẻ bây giờ! Nếu không có tuổi trẻ và sự hài hước của họ thì cuộc sống thật là nghèo nàn. Chúng ta quá thừa sự suy diễn và trầm trọng hóa vấn đề, đến nỗi một tập hợp những cuốn sách về tiếng lóng thôi cũng khó làm, khó phát triển. 
Tiếng Việt sẽ giàu có về đâu, khi tiếng mới thì ngại không cập nhật, tiếng cũ thì vay mượn không ít? Tại sao lại quá nhạy cảm với một cuốn sách giải trí nhẹ nhàng, trong khi sách giáo khoa sai, nhà đài nói sai (ví dụ, ai đi xe đều thấy nhan nhản những lối dùng sai kiểu “mật độ phương tiện rất đông”) thì chẳng thấy có vấn đề gì? Dùng sai mãi thành quen chẳng lẽ không ảnh hưởng đến tiếng Việt?
“Sát thủ đầu mưng mủ”: Chắc gì đã "ngoa"?

“Sát thủ đầu mưng mủ”: Chắc gì đã "ngoa"?
 Nhiều nội dung gây tranh cãi trên các diễn đàn mạng
“Sát thủ đầu mưng mủ”: Chắc gì đã "ngoa"?
 

- Tôi hiểu ý ông, song, nếu có độc giả e ngại cuốn sách gây ảnh hưởng không tốt đến những học sinh ngoan, không quen lối nói “sành điệu củ kiệu” thì sao? Và, liệu có nên làm sách giải trí với những thành ngữ còn quá “mới” như thế này?
Cuốn sách được thiết kế cho lứa tuổi trên 15, nghĩa là các em đã có tương đối đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá được đúng sai, phải trái, biết suy nghĩ tự lập và biết sống! Không thể trút hết áp lực về giáo dục cho một cuốn sách nhỏ chỉ có mục đích là sưu tập ngôn ngữ và giải trí như cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” được! 
Còn với các lứa tuổi nhỏ như mẫu giáo và tiểu học, chúng tôi và NXB Mỹ Thuật cũng mới ra một sê-ri 3 cuốn “Em học thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” rất đầy đủ và có nhiều ý nghĩa giáo dục với những câu như “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Chẳng qua là không ai chú ý mà thôi!

Và tôi cũng xin nói là những thành ngữ này không quá “mới” đâu, giới trẻ dùng nhiều rồi. Người lớn cũng biết không ít. Ai trong chúng ta chẳng đôi lần dùng, kiểu “chuyện nhỏ như con thỏ”... Cuốn sách khiến người ta cười, xả stress là đáng hoan nghênh chứ, chẳng lẽ không tốt hơn những tin tức cướp giết hiếp tai nạn giao thông ngày nào cũng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng khiến cuộc sống của chúng ta thường trực căng thẳng và u ám?
“Sát thủ đầu mưng mủ”: Chắc gì đã "ngoa"?


Xin cảm ơn ông!



Le Nhaque, Thành Phong vẽ


-

“Sát thủ đầu mưng mủ


Sát Thủ Đầu Mưng Mủ Thành Ngữ Teen.pdf(16.26 MB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét