Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Xem phiếu tín nhiệm 'như dự báo thời tiết'

Thanh Hải - Xem phiếu tín nhiệm 'như dự báo thời tiết'

Miền Bắc nước ta, khí hậu thay đổi bốn mùa nên người dân thường có thói quen là xem dự báo thời tiết. Nếu đặt câu hỏi “Xem để làm gì?”, chắc chắn sẽ được trả lời bằng câu: “Để biết thời tiết ngày mai”. Nhưng, có thực sự như vậy hay không?
Nếu làm một cuộc khảo sát xem “mức độ tín nhiệm” đối với sự chính xác của chương trình thời tiết, có lẽ “Tín nhiệm cao” sẽ ở một mức cực kỳ thấp. Người ta thường nói vui với nhau ở ngoài đời: “May hôm qua đài báo mưa nên hôm nay mới nắng mà đi chơi”.
Chuyện “Gia cát dự” báo ngược hoàn toàn là một việc đã quá quen thuộc nên không nhiều người tin tưởng vào chương trình này, thế mà người ta vẫn cứ phải xem.
Có lẽ đánh vào tâm lý này của khán giả, nhà đài sau khi dự báo sai vẫn vô tư hùng hồn thông báo thời tiết của ngày hôm nay, kiểu như: “Hôm nay trời mưa to làm ngập các tuyến phố…” mà chẳng thấy một câu xin lỗi vì hôm qua đã dự đoán sai kết quả.
Người dân thì đi làm về ai chả biết là ngập, nhưng vẫn phải bật tivi xem đường ngập như thế nào, dân tình khổ ra sao dù chính mình vừa trải nghiệm cảm giác ấy.
Nếu chú ý có thể thấy dù mang tên Dự báo thời tiết nhưng thời lượng cho Thông báo thời tiết của ngày hôm nay chiếm phần lớn chương trình, thời gian dành cho dự báo ngày mai thông thường là rất nhỏ.
Có thể định nghĩa vui: Dự báo thời tiết là chương trình mà người ta luôn háo hức xem những cái đã biết và không tin tưởng những cái chưa biết.
Lấy phiếu tín nhiệm
Chỉ cần qua một lần lấy phiếu tín nhiệm là người dân đủ biết thực chất của chương trình lần đầu tiên có trong lịch sử Quốc hội này.
Thứ nhất, chỉ cần thấy hai mục “Tín nhiệm cao” và “Tín nhiệm” là biết sẽ khó có ai bị “Tín nhiệm thấp” quá 50%. Đã có bước đệm “Tín nhiệm” để đỡ đạn, ai “không thích” thì cứ việc chọn nút này để khỏi mất lòng nhau gây ra những hậu quả tai hại.
Kỳ sau Quốc hội nên học tập Facebook, chỉ cần một nút “Like” thôi là đủ biết mức độ ủng hộ rồi. Còn ai không “Thích” cứ việc Comment (Bình luận). Hoặc có khi chính Facebook phải học Quốc hội Việt Nam, thay vì băn khoăn nên có nút “Không thích” hay không, từ giờ có thể thêm nút “Cực thích” bên cạnh nút “Thích” cho có thêm sự lựa chọn, tránh tình trạng không bấm “Like” rồi để bạn bè phật ý.
Thứ hai, người ở những vị trí ít phải va chạm chạm sẽ bị ít phiếu “Tín nhiệm thấp”. Ví dụ như Chủ tịch nước hay Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan- vốn quanh năm chỉ đi phát thưởng.
Đến ngay như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có phát ngôn kinh điển: “Không tham nhũng lấy đâu tiền mà chạy chức vụ này chức vụ kia” cũng chỉ có hơn 10% tín nhiệm thấp, điều này chứng tỏ người đứng đầu Quốc hội cũng không có nhiều việc để làm.
Ngoài ra những cái tên mà nếu không đọc kèm chức vụ thì người dân không biết là ai, chắc chắn cũng ít loại phiếu thấp này.
“Tín nhiệm thấp” sẽ tập trung vào những người bị dính phốt trong năm vừa qua, khỏi xem cũng biết chắc Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ là người dẫn đầu mục mà không ai thích này; và cũng không cần xem cũng dự đoán được dù thấp mấy cũng không quá 50%. Quả đúng thế, phiếu “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp” của Bộ trưởng Y tế ngang nhau, cùng 192 phiếu (38,63%).
Tiếp theo, những vị trí khó thoát khỏi “danh sách” này là người đứng đầu các ngành Giáo dục, Lao động Thương binh Xã hội, Công thương…
Qua đến năm thứ 2 tổ chức, người dân cũng có thể rút ra một điều nữa: Những ai kỳ trước bị thấp, năm rồi dù không làm được việc gì tốt nhưng không dính cú phốt nào thì sẽ được kết quả bỏ phiếu “dễ coi”. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giảm được số phiếu Tín nhiệm thấp từ 32% xuống còn 13%.
Những người dù nắm ngành còn rất nhiều bê bối như Giao thông vận tải nhưng có những câu nói tỏ ra “quyết liệt” cũng thế, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ phải nhận hơn 5% “Tín nhiệm thấp”, một con số ấn tượng đến khó tin! Có lẽ việc đến thăm gia đình nạn nhân tử nạn do thép rơi trúng người ở công trường đường sắt trên cao đã che mờ thực tế rằng công trình này trì trệ tiến độ và không biết đến bao giờ mới xong.
Dẫu sao đây cũng là một việc ít thấy ở chính trường Việt Nam, hiếm nên tác động mạnh cũng là điều dễ hiểu. Đây có thể là một tấm gương cho các Bộ trưởng khác vào trước kỳ họp Quốc hội sang năm. Giống như người ta đã thống kê cứ họp Quốc hội thì giá xăng lại giảm.
Tương lai
Tóm lại, người dân có thể đoán được gần hết nội dung, thế mà nhà nhà vẫn háo hức đón xem cái “Chương trình bỏ phiếu” mà mình đã mường tượng được kết quả ấy. “Chương trình bỏ phiếu” ấy có mang lại điều gì thiết thực không? Nhìn vào những người có kết quả kém nhất vẫn ung dung tự tại là rõ.
Nhiều vị có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhưng 'vẫn ung dung tại vị'
Lấy cảm hứng từ chương trình Dự báo thời tiết, có thể định nghĩa: Chương trình Bỏ phiếu là chương trình mà người ta háo hức xem cái có thể dự đoán và không tin tưởng vào ý nghĩa thực sự của chính kết quả mà mình đã đoán ra ấy.
Có những người bỏ được thói quen xem Dự báo thời tiết, có sao không? Chẳng sao cả, vì cái nhiệt kế trong nhà vẫn là thứ trung thực và chính xác nhất. Ngoài trời nếu mưa thì mặc áo mưa đi làm, nếu không thì tự đề phòng bằng cách để nguyên trong cốp xe.
Chương trình Bỏ phiếu đến mùa thứ hai vẫn còn thu hút, nhưng chắc lượng người xem sẽ giảm mạnh ở kỳ sau; vì đoán trước được kết quả thì cũng chán, đặc biệt là ai thì vẫn ngồi đấy cả thôi. Dân thì vẫn tự lo cho mình là chính chứ không trông mong gì những quyết sách của triều đình sẽ mang lại những điều đột biến.
Vậy, đến khi nào người dân Việt Nam mới thôi xem bằng con mắt hài hước những chương trình đáng lẽ là rất nghiêm túc trên? Có lẽ đấy là khi mọi người được hưởng lợi ích thực sự từ kết quả của những chương trình đó.
Thanh Hải
Bài viết thể hiện quan điểm và lối hành văn của tác giả.
(BBC)

Kiểm phiếu tín nhiệm Quốc hội 'có vấn đề'?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
GS. Thuyết cho rằng cần xem lại một số chỗ thiếu nhất quán, logic trong kết quả tín nhiệm QH.
Một cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam vừa nêu thắc mắc về một số "điểm lạ", "chưa giải thích được" trong kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2014 mới công bố của Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ Tám.
Phát biểu tại cuộc Tọa đàm ( http://bit.ly/1x458k4) trực tuyến của BBC hôm 20/11/2014 nhân Quốc hội Việt Nam vừa hoàn tất phiên chất vấn với Thủ tướng Chính phủ và một số thành viên nội các, cũng như mới công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần hai với 50 quan chức lãnh đạo cao cấp của nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói:
"Hôm nay mới có thì giờ tôi so sánh các phiếu, tôi mới thấy có một điều hơi lạ chưa giải thích được là theo ông Huỳnh Văn Tý là Trưởng Ban kiểm phiếu, thì nói là trong kỳ họp này có 485 Đại biểu có mặt.
"Và trong 485 phiếu ấy thì có một số phiếu, tôi xin nhấn mạnh: một số phiếu trắng. Và có một số phiếu chỉ đánh dấu vào hai cột thôi, chứ không phải ba cột: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
"Thế thì những phiếu ấy, theo Đại biểu Huỳnh Văn Tý, Trưởng Ban kiểm phiếu là không hợp lệ.
Có những vị như là ông Nguyễn Sinh Hùng hay là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, như là bà Nguyễn Thị Doan, thì vẫn đủ - cộng cả ba loại ấy lại thì vẫn đủ. Như thế không hiểu là số phiếu không hợp lệ nó nằm ở đâu?
Cựu Đại biểu QH Nguyễn Minh Thuyết
"Thế nhưng mà tôi tra ra là có những vị như là ông Nguyễn Sinh Hùng hay là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, như là bà Nguyễn Thị Doan, thì vẫn đủ - cộng cả ba loại ấy lại thì vẫn đủ."
'Dấu hỏi kiểm phiếu?'
Và Giáo sư Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, đặt dấu hỏi:
"Như thế không hiểu là số phiếu không hợp lệ nó nằm ở đâu?
"Trong khi đó thì ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Tấn Dũng có 484 phiếu thôi, là hụt đi đâu mất một phiếu?"
Ông Thuyết cũng nói, ông đã tra cứu và so sánh kết quả thống kê được công bố với một số chức sắc là các vị Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội.
Vị cựu Đại biểu Quốc hội nói tiếp:
"Thế rồi tôi tra ở trong danh sách các vị Chủ nhiệm các Ủy ban Quốc hội, thì có ông chỉ có 480 phiếu thôi. Tức là cộng hàng ngang là được 480 phiếu.
"Có bà thì được 482, có ông thì lại được 484, thành ra tôi không tại sao các con số nó lại khác nhau như thế?
"Và như thế, ta có thể giải thích thế nào về những phiếu không hợp lệ?," ông Thuyết nêu thắc mắc.
'Hạn chế quyền đánh giá'
Chủ nhiệm các Ủy ban QH, thì có ông chỉ có 480 phiếu thôi... Có bà thì được 482, có ông thì lại được 484, thành ra tôi không hiểu tại sao các con số nó lại khác nhau như thế? - GS. Nguyễn Minh Thuyết
Về giá trị sử dụng của kết quả phiếu tín nhiệm, cựu Đại biểu cho rằng không có 'lý do gì để loại' hay cách chức các quan chức vừa được lấy tín nhiệm.
Ông Thuyết giải thích lý do: "Nói cho nó đúng, như ông Trần Tiến Đức (nhà báo, khách mời) đã chỉ ra, cả ba mức 'tín nhiệm cao', 'tín nhiệm' và 'tín nhiệm thấp' thì đều là tín nhiệm cả. Có thể nói vừa rồi 100% các vị mà được ra lấy phiếu tín nhiệm thì đều được Quốc hội tín nhiệm.
"Thế còn bây giờ nếu mình coi là chỉ có mức 'tín nhiệm cao với tín nhiệm' là tín nhiệm, còn 'tín nhiệm thấp' là không tín nhiệm, thì vị thấp nhất cũng đạt trên 62%, thì tôi nghĩ chẳng có lý do gì để loại người ta nếu người ta đạt đến 62% tín nhiệm và tín nhiệm cao."
Phát biểu trước đó tại Tọa đàm, nhà báo, nhà quan sát Trần Tiến Đức từ Hà Nội nói:
"Việc bỏ phiếu vẫn là 3 cấp độ 'tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp' như vậy là mặc định rằng chúng ta coi rằng tất cả những ông ấy đều được tín nhiệm.
"Sự thực có phải như vậy không? Tôi nghĩ cái đó là không đúng. Và như vậy nó cũng hạn chế quyền đánh giá của các Đại biểu Quốc hội. Và điều này, tôi nghĩ là bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cũng đã nêu rất rõ.
Việc bỏ phiếu vẫn là 3 cấp độ 'tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp' như vậy là mặc định rằng chúng ta coi rằng tất cả những ông ấy đều được tín nhiệm. Sự thực có phải như vậy không? - Nhà báo Trần Tiến Đức
"Và tôi rất tán thành ý kiến của bà. Và rất nhiều người dân muốn rằng, chỉ có hai cái (tiêu chí) đánh giá: một là tín nhiệm và không tín nhiệm. Thì lúc bấy giờ người ta mới thấy được là anh làm được tới đâu. Và đến lúc bấy giờ nó mới có sức ép của dư luận."
Về quy định phiếu lấy tín nhiệm không hợp lệ của Quốc hội Việt Nam, được truyền thông Việt Nam đăng tải thì:
"Phiếu không hợp lệ là phiếu không có dấu, không theo mẫu phát, phiếu đánh dấu cả 2 hoặc 3, hoặc không đánh dấu cả 3 ô, phiếu ghi những nội dung khác.
"Các đại biểu có thể lựa chọn ngồi tại Hội trường lớn để ghi phiếu hoặc dời ra phòng làm việc của Đoàn đại biểu để ghi phiếu. Thời gian ghi phiếu là 30 phút. Một số phiếu bất hợp lệ là không ghi cho ai," trang mạng của Đài truyền Hình kỹ thuật số ( VTC) là vtc.vn cho biết.
Còn theo trang Đời Sống & Pháp luật thì: "Phiếu đánh dấu tích cả 3 ô, 2 ô hoặc bỏ trống cả 3 ô thì được coi là không hợp lệ nhưng chỉ không hợp lệ với phần của người bị đánh sai như thế nhưng vẫn có giá trị với những người khác."
'Nhân sự Đảng đã cơ cấu?'
Hôm thứ Năm, khi được vấn ý về khả năng các kết quả tín nhiệm, trả lời chất vấn có được sử dụng ra sao khi đánh giá lãnh đạo, đặc biệt là liệu kỳ họp tới đây được dự kiến của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Việt Nam vào tháng sau có tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hay bỏ phiếu tín nhiệm công khai với các Ủy viên và lãnh đạo cao cấp hay không, nhà báo Trần Tiến Đức nêu quan điểm.
"Tôi nghĩ rằng kết quả đánh giá của Quốc hội cũng chỉ là một luồng thông tin để tham khảo cho Ban chấp hành Trung ương, bởi vì đối với Ban chấp hành Trung ương, tôi không phải là người tham gia cơ cấu quyền lực trong Đảng nên tôi không biết chuyện lựa chọn như thế nào.
"Nhưng chắc chắn là tiêu chí lựa chọn riêng và theo như tôi hiểu, thì cơ cấu của Ban chấp hành Trung ương khóa tới, cũng như Bộ Chính trị khóa tới, đã được dự kiến bởi Ban Tổ chức Trung ương, tất nhiên nó có sự thay đổi này nọ.
"Nhưng mà những thay đổi có đột biến hay không, thì tôi nghĩ rằng trong giai đoạn hiện nay rất là khó," nhà quan sát nói.
Còn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tỏ ra không chắc chắn về việc Trung ương Đảng CSVN có lấy phiếu tín nhiệm công khai hay không.
Ông nói: "Về nội bộ của Đảng có lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh ở trong Đảng hay không, tôi cũng không biết. Bởi vì trước đây theo Nghị quyết của Trung ương IV là có, thế nhưng có một thời gian đã hoãn lại rồi. Còn bây giờ, không biết nó sẽ như thế nào," GS. Thuyết nói với BBC.
(Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc Tọa đàm với sự tham gia của một số vị khách như GS. Nguyễn Minh Thuyết, nhà báo Trần Tiến Đức, cựu Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan, Tiến sỹ Jonathan London tại đây http://bit.ly/1x458k4)
(BBC)

Những góc khuất của ngày Nhà giáo Việt Nam

000_Hkg10094012.jpg
Giáo viên dẫn học sinh lớp 1 vào lớp sau buổi lễ khai giảng năm học mới ở một trường tiểu học tại Hà Nội hôm 05 tháng 9 năm 2014.
Ngành giáo dục ở VN lại đón thêm 1 ngày lễ vinh danh thầy cô giáo vào ngày 20/11. Hòa Ái có bài ghi nhận chia sẻ của giáo viên về các góc khuất của ngày tri ân dành cho những người chọn nghiệp “trồng người”.
Không phải đợi đến ngày 20/11 ký ức về trường học, bục giảng, bạn bè và thầy cô mới tràn về nhưng trong không khí ngày tri ân nhà giáo VN hình ảnh về cô giáo lớp 1 của Hòa Ái ngồi bên tủ thuốc lá nhỏ ở ven đường hiện rõ mồn một trong tâm tưởng hơn bao giờ hết. Lâu lắm mới có dịp về quê và lần nào cũng vậy, Hòa Ái tìm đến thăm cô giáo đã tận tình dạy cho mình đánh vần từng chữ trong bản chữ cái tiếng Việt, cầm tay cho Hòa Ái nắn nót từ chữ “O” đầu tiên. Phong thái người thầy đầu đời của Hòa Ái vẫn như xưa của hơn 30 năm về trước nhưng dáng vẻ tiều tụy hơn nhiều sau vài lần thăm gặp. Vóc người gầy gò, gương mặt hốc hác, mái tóc bạc trắng của một bà giáo già đơn thân hưu trí kiên nhẫn ngồi bán từng điếu thuốc lá với nụ cười buồn thi thoảng trên môi mỗi khi nhớ về kỷ niệm nào đó trong nghề gõ đầu trẻ của mình.
Hòa Ái hỏi thăm cô có nhiều học trò đến thăm nhân ngày Nhà giáo VN hay không? Cô từ tốn trả lời rằng “không có” và chậm rãi tâm tình quanh năm suốt tháng cô vẫn thường nhận được từ tay của học trò, con cháu của học trò ghé tạt qua với 1 bọc chè, 1 bịch nước mía hay 1 ổ bánh mì cùng lời hỏi thăm “Bà giáo giữ gìn sức khỏe nghen!”. Cô giáo lớp 1 của Hòa Ái nói rằng cô trân quý những tình cảm thân thương như vậy dù cô không có kỷ niệm nào trong ngày Nhà giáo VN, nói thêm rằng cô thương lắm những người học trò ở quê nhà, có thể ngày trước họ học không giỏi, họ không thể “bay cao” với những ước mơ vì hoàn cảnh nào đó nhưng ít nhiều cô biết được rằng họ đã thành “nhân”, không phải vướng vào “đầu trộm đuôi cướp”, không làm điều xấu trong xã hội.
Ngày lễ 20/11 năm nay, Hòa Ái không liên lạc được với cô giáo lớp 1 của mình, tuy nhiên lại có cơ hội tiếp xúc qua điện thoại với những thầy cô giáo khác ở VN. Họ đón nhận ngày lễ vinh danh họ như thế nào? Một thầy giáo ở VN chia sẻ:
“Thật ra ngày xưa nghề giáo là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề. Ngày xưa có thể đúng vì là nghề dạy người nhưng bây giờ nhiều cái tiêu cực, nhiều việc xảy ra trong ngành giáo dục, thầy trò nhiều khi không giống ngày xưa nữa. Cảm giác như thương mại hóa tất cả, dịch vụ hết nên cảm giác tình cảm thầy trò bao năm càng dạy càng không gần gũi càng không thân thiết. Ngày xưa nhớ lại thuở học trò đi thăm thầy cô ý nghĩa hơn. Bây giờ làm giáo viên thấy học trò nói chung thờ ở với thầy cô. Cả năm có 1 ngày vinh danh nhà giáo, học trò cũng đến tặng quà cho xong thủ tục. Việc này đã thành lệ rồi. Thật ra chẳng còn tình cảm gì. Nhiều khi cảm giác như mua bán, nịnh nọt nhau, không có nhiều tình cảm nữa”.
Nhiều giáo viên cho đài ACTD biết ngày 20/11 mỗi năm, Ban Phụ huynh có một cuộc họp để tặng quà cho thầy cô giáo. Bên cạnh đó giáo viên cũng nhận quà tặng bằng tiền được trích trong quỹ phúc lợi của nhà trường. Đa số giáo viên ở VN cảm thấy ngày vinh danh Nhà giáo không còn đúng như ý nghĩa ban đầu. Đối với họ ngày lễ này đã bị biến thành ngày của sự “đổi chác” vì mục đích nào đó. Trong khi nhiều phụ huynh phải đau đầu nghĩ đến những khoản chi cho quà cáp, phong bì gửi đến thầy cô giáo trong ngày 20/11 với hy vọng con em mình được quan tâm giúp đỡ nhiều hơn thì không ít giáo viên nhận lấy trong tâm trạng xót xa vì cho rằng nghề giáo đang dần không được tôn trọng trong xã hội ngày nay.
Nỗi buồn của nhà giáo
be_vao_lop_1_WXVH-400.jpg
Học sinh lớp 1
Trong những năm qua khi công nghệ thông tin bùng phát trong nước, ngày càng có nhiều giáo viên gặp trở ngại trong công tác do họ kết nối với cộng đồng một cách nhanh chóng qua internet và cất lên tiếng nói chính kiến về những tiêu cực trong ngành giáo dục cũng như những vấn đề của xã hội quan tâm. Họ bị đồng nghiệp và học sinh xa lánh. Và ngày 20/11 là ngày họ cảm thấy bị lạc lõng, buồn tủi nhất. Cô giáo Xuân Mai ở Vĩnh Long tâm sự với Hòa Ái những gì cô đang trãi qua trong cuộc đời dạy học hơn 30 năm:
“Cô có nỗi buồn là những việc mình làm là vì cộng đồng, vì đất nước, vì quê hương của mình rõ ràng vậy nhưng thầy cô giáo không hiểu. Những giáo viên đảng viên thì nghĩ mình là phản động. Còn những thầy cô giáo hiểu biết thì cũng không dám lên tiếng. Người ta biết những việc làm của mình là đúng nhưng người ta không dám nói vì sợ hãi. Chỗ cô ở là nông thôn, người ta đâu có đọc báo trên internet này kia nọ. Em tưởng tượng giáo viên dạy toán giờ này mà còn nói ‘yêu nước là phải chống Mỹ’. Giáo viên dạy văn thì không biết ‘Nhân văn Giai phẩm’ là gì, bây giờ vẫn nói Lê Văn Tám là anh hùng liệt sĩ. Thầy cô ít tai chịu đọc báo trên internet lắm. Quan niệm của thầy cô giáo là báo chí phản động không nên đọc, không nên xem, chỉ xem những báo trong nhà trường quy định. Cho nên trong mắt những thầy cô đó cho rằng cô là phản động”.
Có phải giáo viên nào cũng cảm thấy không tự hào về cái nghề cao quý mà họ đã chọn cũng như không còn niềm vui khi được tri ân nữa? Hòa Ái được dịp trao đổi với thầy giáo Hoa Nguyễn ở Hoa Kỳ. Người thầy giáo 78 tuổi này bắt đầu cuộc đời của một giáo viên dạy lớp 1 từ năm 1956, và dừng lại ở vị thế là một hiệu trưởng trường trung học vào năm 1975. Ông giáo già Hoa Nguyễn năm nào cũng sắp xếp thời gian về VN họp mặt với học trò và đồng nghiệp, trả lời câu hỏi đặt ra của Hòa Ái:
“Nhìn chung tôi có thể nói rất hãnh diện về nghề giáo của mình. Không có gì là buồn lòng. Tất cả những việc làm trong nghề giáo dục đều là hãnh diện, nhất là sau này học trò lớn lên thành đạt mỗi lần gặp đều khoanh tay cúi đầu chào ‘thưa thầy’ làm tôi cảm động vô cùng. Mặc dù nghề giáo lúc nào cũng vậy, đời sống đạm bạc lắm, tuy nhiên về tinh thần thì rất tốt. Tôi rất hãnh diện được làm một nhà giáo VN trong suốt 19 năm trong thời gian đó”.
Ngày Nhà giáo VN năm nay đến với thầy cô giáo với nhiều hoa, cũng có thể là nhiều quà cùng bức thư cảm ơn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, nhấn mạnh đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục quán triệt Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, tâm tư thầm kín của đại đa số giáo viên hiện nay ước mong họ có thể họ nói lên tiếng lòng một cách chân chính như của thầy giáo Hoa Nguyễn trong ngày nhân danh họ. Phải chăng ước nguyện này là món quà xa xỉ nhân ngày họ được tri ân?
Hòa Ái
(RFA)

Thảm đỏ cho FDI đang gây nhiều lo ngại

Công nhân Trung Quốc làm việc tại Dự án Formosa (Hà Tĩnh) đa số là lao động phổ thông.
Công nhân Trung Quốc làm việc tại Dự án Formosa (Hà Tĩnh) đa số là lao động phổ thông.
Chính sách ưu đãi nhà đầu tư nước ngoài từng giúp kinh tế Việt Nam đạt tiến bộ kể từ giai đoạn đổi mới đầu thập niên 1990. Nhưng giờ đây chính sách này đang bị biến dạng và gây ra nhiều hệ lụy khiến giới chuyên gia đưa ra không ít lời cảnh báo.
Mặt trái của FDI
Nếu không có sự tham gia tích cực của dòng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp (FDI) thì Việt Nam chẳng thể từ chỗ có thu nhập đầu người 118 USD/năm vào năm 1990, mà có thể bước vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp với GDP đầu người đạt 1960 USD vào năm 2013. Đây là những số liệu chính thức của Tổng Cục Thống kê Việt Nam. Tuy vậy trong vài năm qua, giới trí thức chuyên gia bắt đầu nói tới mối lo và cảnh báo về mặt trái của FDI. Sự ưu tư không những về mặt kinh tế xã hội mà luôn cả lĩnh vực an ninh quốc phòng.
TS Nguyễn Quang A nhà phản biện độc lập làm việc ở Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển IDS nhận định rằng đã đến lúc cần điều chỉnh chính sách ưu đãi quá mức với các dự án FDI nếu mặt trái của các dự án này là lợi bất cập hại cho Việt Nam. Ông nói:
“Hiện nay Việt Nam để cho các đối tác nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hơi dễ dãi, những dự án mà ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng, có thể lên đến nhiều tỷ đô la. Vì cách quản lý không được cẩn trọng cho nên người ta chạy theo điều gọi là trải thảm đỏ mà không cân nhắc kỹ, thí dụ dự án thép ở Vũng Áng rồi hàng loạt dự án lọc dầu ở Việt Nam. Việt Nam nếu mà dễ dãi với đầu tư nước ngoài thì Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của những nơi mà người ta trốn thuế môi trường để sangViệt Nam tha hồ gây ô nhiễm, không những gây ô nhiễm mà còn thu lời bộn mang về.

Tôi nghĩ rằng với những đầu tư như thế thì Việt Nam không cần phải trải thảm đỏ. Việt nam phải cấm ngặt và thậm chí là đuổi thẳng cánh và điều này không ảnh hưởng gì đến đầu tư nước ngoài thực sự của những người không muốn lợi dụng những kẽ hở của Việt Nam hay lạm dụng những điều đó để mưu lợi cho mình. Đấy là chưa nói đến chuyện về an ninh quốc gia.”
Năm 2013 tổng vốn FDI đăng ký vào các dự án đạt hơn 22 tỷ USD, thực tế giải ngân 11,5 tỷ USD. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu cùng năm khu vực FDI chi phối gần 70%. Mặc dù các dự án có vốn đầu tư nước ngoài chí ít cũng mang lại công việc làm cho công nhân Việt Nam, nhưng càng ngày càng có nhiều chuyên gia cảnh báo mặt trái của chính sách trải thảm đỏ mời gọi FDI, điển hình là thất thu thuế vì chuyển giá, khai lỗ mà chính phủ hầu như không thể ngăn chặn. Việc ưu đãi quá mức doanh nghiệp FDI vô hình chung còn xóa sổ một số lớn doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh không cân sức, chưa kể trong hai năm vừa qua có nhiều dự án trải thảm đỏ cho nhà đầu tư Trung Quốc, giao đất ở các khu vực trọng yếu cho Trung Quốc.
Hiểm họa tiềm ẩn của việc giao đất

Đỉnh đèo Hải Vân
Đỉnh đèo Hải Vân. Khu vực trên đỉnh đèo Hải Vân có vị trí quan trọng, nhưng tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn đơn phương cấp phép cho dự án du lịch của Trung Quốc
Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành hiện làm việc ở Hà Nội nhận định:
“Chúng ta mở cửa đất nước cho bao nhiêu cường quốc vào để đầu tư hoạt động kinh tế. Nhưng chúng ta không giữ được đất mình, không giữ được sức cạnh tranh và như vậy biết bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam phải chết.”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan ở Hà Nội từng nhiều lần cảnh báo mặt trái của FDI những năm vừa qua, thí dụ như hiện tượng chuyển giá, khai lỗ để trốn thuế nhưng vẫn mở rộng kinh doanh và Việt Nam chưa có công cụ hữu hiệu để kiểm soát. Ngoài ra doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi đã phát triển mạnh chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu đè bẹp doanh nghiệp Việt Nam. Báo Đất Việt bản tin trên mạng ngày 7/3/2014 trích lời bà Phạm Chi Lan cảnh báo về lĩnh vực bất động sản. Theo lời nữ chuyên gia, nếu tạo điều kiện thuận lợi dễ dàng cho nhà đầu tư nước ngoài được tự do mua bán bất động sản ở Việt Nam thì trong tương lại không xa lắm, Việt Nam sẽ là nước của những họ Tập, họ Đặng của Trung Quốc hay họ Kim, họ Lee của Hàn Quốc và người Việt Nam sẽ lại là những người làm thuê, làm thuê ở dạng gia công, thậm chí thay vì mua nhà bằng gói 30.000 tỷ không được thì lại đi thuê nhà của mấy ông kinh doanh nước ngoài.
Cùng một vấn đề, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành Trung Quốc gia tăng đầu tư ở Việt Nam, một phần vào bất động sản. Ông nói:
“Trung Quốc vào mua những dự án bất động sản tức đất đai của Việt Nam với giá rẻ bèo của những người phát triển dự án bất động sản bây giờ buộc phải bán tháo bán đổ đi thì sẽ như thế nào. Nếu đi xa hơn một chút nữa, nếu Trung Quốc đổ vào Việt Nam 100 tỷ đô hay 1.000 tỷ đô thì họ sẽ mua đứt đất nước Việt Nam này thì sẽ ra sao. Tất cả những chuyện ấy lãnh đạo nhà nước cần phải suy nghĩ xem chúng ta có nên trải thảm đỏ ra để mà mời mà rước Trung Quốc vào đầu tư ở Việt Nam hay không…và có ảnh hưởng gì về vấn đề kinh tế vì nếu Trung Quốc vào đây đầu tư ồ ạt thì liệu các doanh nghiệp Việt Nam có đứng vững hay không.

Hiện bây giờ đầu tư nước ngoài đã chiếm 68% xuất khẩu rồi, cả đất nước Việt Nam này bao nhiêu trăm nghìn doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 32%. Liệu ngày nào Trung Quốc đầu tư vào đây như thế thì ngoại thương Việt Nam sẽ ra sao tất cả chuyện ấy chúng ta cần phải suy nghĩ.”
Nhìn vào thực tế, chính sách trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nước ngoài kể cả dòng vốn FDI Trung Quốc chưa được các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam điều chỉnh. Nói cách khác Bộ Chính trị đảng Cộng sản chưa có chỉ đạo để sửa đổi. Điển hình là chỉ cách đây chưa lâu hồi tháng 10/2013 nhà đầu tư Trung Quốc đã được cấp giấy phép sử dụng 200 ha đất ở mũi Cửa Khẻm núi Hải Vân để xây dựng khu du lịch nghĩ dưỡng tổng vốn 250 triệu USD. Điều đáng nói là mũi Cửa Khẻm khống chế Vịnh Đà Nẵng và có vị trí chiến lược có thể chia cắt đất nước Việt Nam ở vĩ tuyến 16. Theo giới chuyên gia, từ vụ việc mới nhất này nhà nước Việt Nam có nhu cầu cấp thiết là sửa đổi một cách hợp lý đối với chính sách trải thảm đỏ biệt đãi nhà đầu tư nước ngoài.
Nam Nguyên
(RFA)

Cuộc thanh lọc mới trong lĩnh vực ngân hàng?

Câu chuyện sở hữu một ngân hàng ở Việt Nam để rút ruột (bằng cách cho các doanh nghiệp của mình vay hoặc làm các giao dịch đặc biệt khác) là câu chuyện ai cũng biết từ nhiều năm nay. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng không thể quản trị rủi ro tín dụng tốt (vì các khoản vay này đều là khoản vay chỉ định) dẫn tới nợ xấu tăng cao.
Tuy ai cũng biết, nhưng về mặt quản lý nhà nước, Việt Nam vẫn không có các động thái quyết liệt để giảm bớt hiện trạng và ngăn chặn các thủ đoạn mới. Trường hợp bê bối ở Ngân hàng Xây dựng (trước đây gọi là Ngân hàng Đại Tín – TrustBank) là trường hợp điển hình. Đây là một ngân hàng nằm trong nhóm những ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt vào cuối năm 2012. Nói là kiểm soát đặc biệt, nhưng chính các cơ quan quản lý lại để Tập đoàn Thiên Thanh bơm tiền vào và kiểm soát toàn diện ngân hàng này.
Nhìn bề ngoài, việc Thiên Thanh bơm tiền vào để tăng vốn của TrustBank từ 3000 tỷ lên 7500 tỷ có vẻ như tốt. Thế nhưng do kiểm soát toàn diện, Thiên Thanh ngay sau đó đã rút ruột ngân hàng này. Thông tin “vỉa hè” chưa được kiểm chứng cho biết số tiền rút ruột lên tới xấp xỉ 1 tỷ USD. Thông tin chính thức mới chỉ nhỏ giọt, nhưng cũng cho thấy dấu hiệu rút ruột. Thí dụ ban lãnh đạo ngân hàng này (đến từ Tập đoàn Thiên Thanh) đã ký hợp đồng thuê trụ sở và “ứng trước” cho bên cho thuê số tiền lên tới 1021 tỷ Đồng (trong khi giá thuê là 3,15 tỷ Đồng/tháng). Nếu số tiền thực sự bị rút ruột (và nay đã biến mất) là xấp xỉ 1 tỷ USD thì không những ngân hàng này đương nhiên bị phá sản mà hệ quả của nó với những người gửi tiền là hết sức khủng khiếp.
Gần đây hơn, mới hồi cuối tháng 10, vụ bắt giữ ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương (và Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương – Ocean Group) cũng dính líu tới chuyện này. Theo báo chí trong nước, ông Thắm bị khởi tố với tội danh “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo Điều 179 Bộ luật Hình sự” và đang bị tạm giam 4 tháng để phục vụ công tác điều tra. Thông tin cụ thể về các vi phạm (nếu có) của ông Thắm chưa được công bố, nhưng chắc chắn sẽ liên quan đến việc “rút ruột” ngân hàng.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, vụ việc tại Ngân hàng Nông nghiệp được phanh phui. Cơ quan điều tra đã phát hiện hàng loạt các vụ vi phạm. Thí dụ vụ thất thoát ở Agribank – chi nhánh Nam Hà Nội (thiệt hại 3900 tỷ Đồng) hoặc một vụ việc rất nhỏ (nhưng đặc biệt trắng trợn) của lãnh đạo Công ty cho thuê tài chính II – ALC II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp là nâng khống giá thiết bị lặn từ 100 triệu Đồng lên 130 tỷ Đồng (tăng 1300 lần) để rút ruột tiền nhà nước.
Vụ việc ở AgriBank hay ở TrustBank chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nói không quá thì rút ruột diễn ra ở hầu hết các ngân hàng VN hiện nay. Đại gia rút ruột theo kiểu đại gia (thí dụ cho công ty sân sau vay), lãnh đạo ngân hàng quốc doanh rút ruột theo kiểu vừa đại gia vừa tham nhũng (cho vay “bậy” để lấy phần trăm, đồng thời cho công ty sân sau vay). Vấn đề nghiêm trọng ở đây là những chuyện “ai cũng biết” này không được chấn chỉnh, hoặc nếu có làm thì làm cho có, không đến đầu đến đũa.
Và như vậy, câu chuyện liên quan đến quản lý nhà nước, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước (SBV) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SEC). Rõ ràng đây là các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý các tổ chức này. Việc dùng đến cơ quan điều tra của Bộ Công an chỉ là trường hợp hãn hữu cuối cùng. Còn lại, việc của SBV và SEC là việc hàng ngày, hàng giờ. Nếu năng lực của các cơ quan này kém, hoặc lực lượng quá mỏng không thể giám sát hết, thì phải bổ sung nhân sự và năng lực. Nếu có dấu hiệu “nhúng chàm” thì cũng phải thanh lọc ngay. Nếu để như tình trạng hiện nay (xét về mặt giám sát) thì  chuyện yếu kém của hệ thống ngân hàng chắc chắn không có lối thoát và hệ quả của nó là kéo lùi sự phát triển của cả nước và là nơi ươm mầm các bất ổn kinh tế, chính trị, các cuộc khủng hoảng lớn, và thứ đạo đức kinh doanh tồi bại trong cộng đồng ngân hàng và doanh nghiệp.
Điểm thú vị trong toàn bộ câu chuyện về xử lý các vụ vi phạm ngân hàng là dư luận và tâm lý các nhà đầu tư đã ổn định hơn trước rất nhiều. Thí dụ cách đây 2 năm, khi ông Nguyễn Đức Kiên và ông Lý Xuân Hải (Ngân hàng ACB) bị bắt, thị trường chứng khoán đã bị một phen chao đảo lớn, thể hiện tâm lý bất an và dao động giữ dội của các nhà đầu tư, cả trong nước và quốc tế. Còn lần này, sau hàng loạt các vụ bắt giữ, từ Ngân hàng Nông nghiệp, đến Ngân hàng Xây dựng, và Ngân hàng Đại dương, tâm lý các nhà đầu tư vẫn rất ổn định. Có vẻ như họ đã “quen” với việc này và không còn bị rơi vào tình huống bất ngờ như hồi cuối năm 2012.
Trần Vinh Dự
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
(VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét