Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Điều trần về tự do báo chí VN ở Hoa Kỳ-Luật sư bị đề nghị kỷ luật vì bình luận trên facebook

Điều trần về tự do báo chí VN ở Hoa Kỳ

BBC


Nghệ sỹ Kim Chi cùng các cây viết Tô Oanh (trái), Ngô Nhật Đăng (phải) và Nguyễn Đình Hà ở Washington
Hai nữ dân biểu Hoa Kỳ dự kiến tổ chức điều trần về tự do báo chí Việt Nam ở Quốc hội Mỹ với sự tham gia của các nhà hoạt động từ Việt Nam.
Thông báo từ văn phòng của hai dân biểu California, các bà Loretta Sanchez và Zoe Lofgren cho biết "buổi điều trần Quốc hội về tự do thông tin tại Việt Nam nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới" sẽ diễn ra tại Cannon House Office Building của Quốc hội ở Washington DC vào ngày 29/4.

Hai dân biểu ra tuyên bố nói:
"Đây là một diễn đàn quốc tế để Quốc Hội, các tổ chức vận động cho tự do thông tin và các blogger trình bày về tình hình tự do báo chí, cũng như cùng thảo luận về các chính sách của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ việc xây dựng xã hội dân sự tại Việt Nam.
"Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng các báo cáo nhân quyền gần đây cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không ngừng sách nhiễu, đàn áp các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin và rất nhiều các quyền căn bản khác của người dân.
"Việt Nam không có truyền thông độc lập hay tư nhân và nhà cầm quyền luôn tìm cách áp bức và giam cầm, bắt giữ các blogger và nhà báo độc lập khi họ phổ biến quan điểm của họ."
Hai dân biểu Hoa Kỳ cũng nói năm diễn giả từ Việt Nam tới tham gia cuộc điều trần bao gồm nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, và các cây viết độc lập Ngô Nhật Đăng, Nguyễn Đình Hà, Tô Oanh và Lê Thanh Tùng.
Thông báo của văn phòng Dân biểu Sanchez và Lofgren cũng nêu tên ba diễn giả bị cấm xuất cảnh là các cây viết Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng và Anna Huyền Trang.

'Dư luận viên' tấn công

Bà Kim Chi viết trên Bấm Facebook rằng nhóm năm người tới được Hoa Kỳ đã bị các "dư luận viên" tấn công khi biết họ được "ban tổ chức gửi vé bay, đưa đón ... và lo mọi chuyện ăn ở đi lại trong nước Mỹ."
Nghệ sỹ viết thêm: "Thấy chúng tôi dám nói, dám viết sự thật hiện trạng của VN trên các trang mạng nên các dân biểu quốc hội Mỹ đã mời chúng tôi tới Hoa Kỳ."
"Đoàn hiện chỉ có 5 người, năm người đã bị chặn lại ở các sân bay. Còn nếu nhà nước cử người đi đại diện cho Việt Nam thì bọn tôi chẳng bao giờ tới lượt."

Ông Phạm Chí Dũng (trái) từng bị cấm tới Geneva hồi tháng Hai
Blogger Nguyễn Lân Thắng, người bị cấm xuất cảnh khác, cũng đã có thư ngỏ gửi bà Loretta Sanchez trong đó nói tình trạng "không có tự do báo chí" có thể gây tác hại nghiêm trọng như việc thiếu thông tin trong dịch sởi hiện nay.
Ông Thắng viết: "Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm không mấy nguy hiểm nếu người dân được cảnh báo và có biện pháp phòng tránh thích hợp.
"Vậy mà người dân đã bị tước bỏ quyền được thông tin để tự bảo vệ mình.

Ông Nguyễn Lân Thắng bị cấm xuất cảnh hồi đầu tháng này
"May nhờ có internet mà người dân đã chủ động thông báo cho nhau tình hình dịch bệnh để tự đối phó.
"Ông Phó Thủ tướng vừa mới đây phải cảm ơn một bác sỹ nào đó đã đưa thông tin này lên Facebook thì bộ máy nhà nước mới phát hiện ra vấn đề nghiêm trọng đến mức nào."
Ngoài năm diễn giả từ Việt Nam, bốn diễn giả từ Hoa Kỳ dự kiến sẽ có mặt trong phiên điều trần tới đây ở thủ đô Washington.
Đó là các ông Tom Malinowski, Phụ tá Ngoại Trưởng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động, Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, Bob Dietz, Điều phối viên Chương trình Châu Á của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo Quốc Tế CPJ và bà Libby Liu, Tổng giám đốc, Đài Á Châu Tự Do.

Thư của các GS. Hồ Tú Bảo, Ngô Bảo Châu, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần gửi ông Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội

Hình: internet
Ishikawa, Chicago, Tokyo và Paris, ngày 18 tháng 4 năm 2014

Kính gửi  Giáo sư Nguyễn Văn Minh,
Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Thưa ông Hiệu trưởng,

Chúng tôi được các bạn đồng nghiệp ở trong nước cũng như ở ngoài nước cho biết xúc động của họ về việc tái thẩm định luận văn thạc sĩ của cô Đỗ Thị Thoan và hậu quả khắc nghiệt mà việc đó đã đem lại cho cô giáo Đỗ Thị Thoan và bà Nguyễn Thị Bình, người đã hướng dẫn luận văn của cô. Là những người đã từng làm việc lâu năm trong các đại học ở nước ngoài, chúng tôi chưa thấy một trường hợp nào tương tự đã xảy ra, và cũng không hình dung được khả năng nào có thể xảy ra hiện tượng đó về mặt khoa học. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ nỗi xúc động chính đáng của các đồng nghiệp ở trong nước và bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi đối với hiện tình của nền học thuật đại học tại Việt Nam qua sự cố này.

Trong sự việc đang làm dấy lên phản ứng, chúng tôi thấy cần phải phân biệt rõ ràng hai chỗ đứng khác nhau: một đằng là một hiện tượng văn học, một đằng là việc nghiên cứu hiện tượng đó. Nghiên cứu một hiện tượng không có nghĩa là người nghiên cứu đồng ý với hiện tượng ấy. Giá trị của luận văn, vì vậy, không thể căn cứ trên xét đoán chủ quan của người này người nọ về tính cách đúng sai của hiện tượng mà chỉ duy nhất căn cứ trên những tiêu chuẩn khoa học liên quan đến công trình nghiên cứu. Và người thẩm định duy nhất về giá trị khoa học đó không có ai khác hơn là hội đồng giám khảo. Khi một hội đồng giám khảo (do nhà trường lập ra theo đúng quy trình) đã tuyên bố kết quả của việc thẩm định rồi thì không có cơ quan nào khác có thẩm quyền truất phế kết quả ấy. Tất nhiên ai cũng có quyền phê bình luận văn, nhất là trên những sách báo chuyên môn, nhưng phê bình là một chuyện mà trừng phạt là chuyện khác. Sự “trừng phạt” duy nhất mà các luận văn kém chất lượng khoa học phải chịu là sự phê phán của giới khoa học trong ngành, và bất lợi trong các cuộc tuyển chọn giáo chức. Nhưng dù bị loại trong các cuộc tuyển, tác giả cũng không bị mất danh vị tiến sĩ, thạc sĩ. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến một việc trừng phạt đau xót và bất nhẫn như hình phạt mà cô Đỗ Thị Thoan và, gián tiếp, bà Nguyễn Thị Bình đã phải chịu.

Chúng ta hằng mong muốn chứng tỏ đại học của chúng ta xứng tầm với các đại học trên thế giới tiên tiến. Muốn thế, chúng ta phải tôn trọng những nguyên tắc căn bản của đại học, trong đó phê phán chỉ có thể dựa trên những tiêu chuẩn thuần túy khoa học là một nguyên tắc tối thiểu.

Cuối cùng, chúng tôi cũng mong muốn rằng thái độ cư xử giữa các đồng nghiệp với nhau, cũng như giữa giáo sư và sinh viên trong đại học của ta, không khác với tinh thần trong các đại học của thế giới văn minh: rộng mở, tự do, bình đẳng, nhân ái.

Chúng tôi cám ơn sự chú ý mà ông Hiệu trưởng dành cho bức thư này.

Trân trọng kính chào ông Hiệu trưởng
  • Hồ Tú Bảo, Giáo sư Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản, Ishikawa, Nhật Bản.
  • Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đại học Chicago, Hoa Kỳ.
  • Trần Văn Thọ, Giáo sư Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản.
  • Cao Huy Thuần, nguyên Giáo sư Đại học Picardie, Paris, Cộng hoà Pháp.

Luật sư bị đề nghị kỷ luật vì bình luận trên facebook

VIỆT NAM - Chánh án Tòa án Ðắk Lắk vừa có văn bản đề nghị giới hữu trách kỷ luật một luật sư vì đã chỉ trích tòa án tỉnh này trên trang cá nhân của mạng xã hội có tên facebook.

Trong văn bản vừa kể, ông Nguyễn Duy Hữu, chánh án Tòa án Ðắk Lắk, cho rằng, Luật Sư Lưu Mai Hưng, thành viên Ðoàn Luật Sư Sài Gòn đã có “lời lẽ thiếu văn hóa,” “thiếu tôn trọng,” “xúc phạm” cán bộ và cơ quan tiến hành tố tụng, “vi phạm quy tắc đạo đức” và “ứng xử nghề nghiệp.”

Ông Lê Quốc Quân, một trong những luật sư bị tước quyền hành nghề, bị phạt tù vì lên tiếng đòi tự do, dân chủ. (Hình: TTXVN)

Luật Sư Lưu Mai Hưng chỉ trích Tòa án Ðắk Lắk khi tham gia bào chữa cho một thân chủ bị cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” Sau phiên xử, Luật Sư Hưng nhận định rằng, bản án mà Tòa án Ðắk Lắk đã tuyên hồi đầu tháng 4 “có sự chỉ đạo quyết liệt trái pháp luật,” “can thiệp thô bạo vào tất cả các giai đoạn của vụ án,” “bỏ sót tội phạm và gây oan sai.”

Trả lời truyền thông trong nước, Luật Sư Hưng khẳng định ông không vi phạm Luật Luật Sư và yêu cầu của ông Nguyễn Duy Hữu là vô căn cứ. Trên trang cá nhân ở facebook, ông Hưng xem đây là một kiểu “rung cây dọa khỉ.” Ông Hưng khẳng định ông sẽ không lùi bước và sẽ làm tất cả những gì có thể để phơi bày các sai trái.

Chưa rõ trường hợp của ông Hưng sẽ kết thúc thế nào nhưng trong quá khứ, Việt Nam thường xuyên răn đe luật sư khi họ nói những điều mà chính quyền và hệ thống tư pháp không muốn nghe, dù đó là quyền do đặc điểm nghề nghiệp.

Hồi năm 2010, Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền đã từng cảnh báo cộng đồng quốc tế về việc chính quyền Việt Nam đàn áp giới luật sư sau khi ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt. Ðến nay, danh sách những luật sư bị tước quyền hành nghề, bị tống giam, bị cô lập càng lúc càng dài.

Trường hợp gần nhất là ông Lê Quốc Quân, người đang ngồi tù với cáo buộc “trốn thuế” - cáo buộc bị cả công luận trong và ngoài Việt Nam xem là trò hề. Trước nữa là các luật sư: Lê Công Ðịnh, Trần Quốc Hiền, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Ðài, Lê Trần Luật.

Có những trường hợp tuy đã hội đủ điều kiện hành nghề luật sư (tốt nghiệp trường luật, tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư, hoàn tất giai đoạn tập sự) nhưng vì phát biểu những điều chính quyền không muốn nghe nên không được hành nghề như: Phan Thanh Hải (blogger Anh Ba Sài Gòn), Tạ Phong Tần (blogger Công Lý và Sự Thật)... Ðã có một số luật sư sau khi được trả tự do phải trốn ra nước ngoài, xin tị nạn chính trị như Trần Quốc Hiền.

Năm 2010, khi đưa ra cảnh báo cộng đồng quốc tế về việc chính quyền Việt Nam đàn áp giới luật sư, Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền cho rằng, Việt Nam đã tạo ra một danh sách dài các luật sư bị ngược đãi vì chỉ trích chính quyền, tiến hành những vụ kiện chống lại chính sách của chính quyền, đại diện cho khách hàng khởi kiện chính quyền, hoặc nhận bào chữa cho những người bị bắt vì đã thể hiện niềm tin tôn giáo hay chính trị của họ một cách ôn hòa.

Lúc đó, đại diện Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền nhận định, Việt Nam cố tình ngược đãi các luật sư để răn đe họ không đảm nhận những vụ việc nhạy cảm về chính trị như bào chữa cho các nhân vật đối kháng, các nạn dân bị hàm oan. Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền nêu thắc mắc: Ai sẽ bảo vệ cộng đồng và những người hoạt động cho nhân quyền nếu như các luật sư can đảm và tận tâm đều bị ném vào tù hoặc bị cản trở thực hiện công việc của mình.”

Cũng vì vậy, theo tổ chức này, giới tài trợ cho Việt Nam, đặc biệt những người ủng hộ cải cách tư pháp cần đòi chính quyền Việt Nam phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chấm dứt việc sách nhiễu và tống giam các luật sư. (G.Ð)
Theo Người Việt

Điều tra Chu Vĩnh Khang báo hiệu một “đổi mới” của Trung Quốc?

Con trai ông ta bắt được các hợp đồng bán thiết bị cho các giếng dầu quốc doanh và hàng vạn trạm xăng dầu khắp Trung Quốc. Bà sui gia với ông có phần hùn trong các đường ống dẫn dầu và trạm bơm khí đốt suốttừ tỉnh Tứ Xuyên ở miền Tây đến đảo Hải Nam ở miền Nam.  Con dâu ông đầu tư vào các dự án hầm mỏ, bất động sản và năng lượng.

Trong hàng vạn trang tài liệu của các doanh nghiệp nghiệp này, không có trang nào nêu tên Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nắm toàn bộ ngành an ninh tình báo tòaán, và coi như lãnh đạo trong thực tế của ngành dầu khí Trung Quốc.

Chu Vĩnh Khang (Ảnh Reuters)
Chu Vĩnh Khang (Ảnh Reuters)
Nhưng giờ đây, giữa lúc Chủ tịch Tập Cận Bình ra lệnh điều tra ông Chu Vĩnh Khang, các doanh nghiệp này và những người chủ của chúng đang nằm trong tầm ngắm.

Mặc dù trong văn hóa Trung Quốc, việc loại bỏ không thương tiếc các đối thù chính trị là chuyện thường ngày, lệnh của Tập Cân Bình được cho là khá căng.

Thông thường, tình hình tài chính của lãnh đạo cấp cao là một trong những bí mật tế nhị và nhạy cảm nhất của nhà nước. Từ nhiều năm qua, đảng có một quy định hiểu ngầm là bà con của nhóm “ưu tú” có thể làm giàu trong lúc ăn theo chính sách mở cửa kinh tế của nhà nước, một chính sách nhằm vừa bồi dưỡng cho những vị công thần trung kiên với đảng vừa tránh rạn nứt trong ban lãnh đạo.

Cho dù cú đập này có đinh xóa sạch ảnh hưởng của họ Chu hay nhắm đánh đi một tín hiệu không thể nhầm lẫn cho toàn bộ phe ưu tú, họ Tập dường như muốn lập ra những quy định mới.

Ông Tập Cận Bình đã nới rộng cuộc điều tra ông Chu Vĩnh Khang sang người vợ, con trai, anh em ruột, chị em dâu, con dâu, con trai ông thông gia. Những người này hoặc được mời lên làm việc rồi cho về, hoặc là tạm giam.

Bà Chiêm Dân Lợi, đang sống tại California, một trong số rất ít bà con của ông Chu Vĩnh Khang vẫn còn tự do, cho nhà báo biết một cháu gái gọi bà bằng bà nội, gọi ông Chu bằng ông ngoại, phải giao cho một nhà giữ trẻ ở Bắc Kinh trông nom hộ, vì bố mẹ cháu đều nhập kho.

Về mặt chính thức, lãnh đạo Trung Quốc không nói gì về cuộc điều tra nhắm vào ông Chu Vĩnh Khang hoặc chính thức cho biết đã có bà con nào của ông bị giam hay chưa. Người bên ngoài cũng không biết được ông Tập Cận Bình rút cục sẽ xử lý vụ này theo hướng nào, chỉ toàn những lời đồn.

Một số nhà phân tích cho rằng một lãnh đạo tầm cỡ ông Chu Vĩnh Khang khó có thể bị trảm kiểu này nếu ông Tập Cận Bình không xem ông ta là một đe dọa trực tiếp đến quyền lực. Nói cách khác, họ Chu thuộc phe bại trận trong cuộc tranh giành quyền lực. Các nhà phân tích này nói rằng các bí mật tài chính  của bà con ông Chu Vĩnh Khang không còn được hưởng quyền miễn trừ chỉ vì ông bị thất sủng chứ thật ra các doanh nghiệp của giai cấp ưu tú chưa sao.

Nhưng một số nhà phân tích khác nghĩ rằng ông Tập Cận Bình xem việc tích lũy tài sản tham lam của vợ chồng, con ruột, con dâu, con rể của ban lãnh đạo hàng đầuđang đe dọa đến ổn định xã hội, dung dưỡng tham nhũng và làm quần chúng mất tin tưởng vào đảng. Các nhà phân tích này còn cho rằng ông Tập Cận Bình nhấn ga cho cuộc điều tra ông Chu Vĩnh Khang vượt lằn ranh truyền thống làcốt đánh đi một tín hiệu: luật chơi bây giờ đã thay đổi, lãnh đạo hàng đầu bây giờ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động doanh nghiệp của bà con mình; mặc dù ngay chính trong gia đình ông Tập Cận Bình cũng có nhiều người lên đời nhờ vị trí của ông.

Nếu quả thật lời bàn của nhóm các nhà phân tích thứ nhì này đúng, vụ Chu Vĩnh Khang có tiềm năng thay đổi khung cảnh chính trị Trung Quốc trong những năm sắp tới.

Cho tới giờ này, vẫn chưa có bằng chứng chính thức nào được đưa ra để chứng minh ông Chu Vĩnh Khang có can dự vào các vụ đầu tư của thân nhân hoặc đã làm điều gì trái luật. Dù nhiều người bà con của ông đã bị điều tra hoặc tạm giam, nhưng chưa có gì nói rõ là họ đã làm trái luật hoặc đã dùng thế lực của ông Chu Vĩnh Khang để ký được những hợp đồng hoặc làm chủ các tài sản đang bị điều tra.

(Nguồn: The New York Times)
© Đàn Chim Việt

VN có 'sập bẫy' thu nhập trung bình?

BBC

Việt Nam vẫn đang cạnh tranh dựa trên lao động giá rẻ

Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải đối mặt với 'bẫy thu nhập trung bình' do sự lạc hậu về thể chế cũng như cách quản lý kinh tế, một chuyên gia trong nước nhận định.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 17/4, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết: "Việt Nam hiện có thu nhập trên đầu người là khoảng 1968 đôla/năm, tức là ngưỡng trung bình cao."

"Trong 132 quốc gia thì có khoảng 52 nước lặn lội trong mức trung bình đó trong nhiều năm, trong khi một số nước khác lại vượt lên được và để lại những kinh nghiệm quý trong việc điều hành kinh tế," ông nói.

Quen dùng cái có sẵn

Nguyên nhân cơ bản khiến một nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình, theo ông Thành, là do không có những chính sách đột phá mà chỉ biết dựa vào những gì có sẵn.
"Mọi nền kinh tế trong thời kỳ đầu thì có thể phát triển dựa trên lương lao động thấp, tài nguyên sẵn có để vượt ra khỏi tình trạng kém phát triển, chậm phát triển," ông nói.
"Khi đã bước vào ngưỡng trung bình này thì có nhiều quốc gia không còn khai thác được những lợi thế ban đầu nữa, nhưng lại cứ giẫm chân tại chỗ, không tìm được những phương tiện khác"
Ông Thành đề cập đến những chính sách cải tiến về cơ chế, thể chế, kỹ thuật như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan đã làm và cho rằng "nhiều nước không làm được những điều này vì chậm tiến về khoa học, giáo dục, tham nhũng, cơ chế hành chính không thông thoáng".
"Những điều này làm nền kinh tế không vươn lên được," ông nhận định.

Làm sao 'tránh bẫy'?

Theo ông Thành, muốn tránh bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần có những thay đổi triệt để từ "thể chế chính trị, thể chế kinh tế, xóa bỏ độc quyền, xóa bỏ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hóa các doanh nghiệp như thế nào mà nhà nước không cần tham gia".
"Từ năm 1985, Việt Nam mới bước vào thời kỳ đầu áp dụng chính sách Đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hưỡng xã hội chủ nghĩa," ông nói.
"Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn kẹt trong nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước."
"Như thế là chúng ta vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi cái quan niệm, cái tư duy về vấn đề quản lý kinh tế để hội nhập với những nền kinh tế phát triển."
"Chúng ta đã phát triển đến mức thu nhập khoảng 2.000 đôla rồi đấy, nhưng thể chế đã thay đổi mới bao nhiêu? Trước đây thì kinh tế độc quyền của cơ chế xã hội chủ nghĩa và bây giờ thì vẫn còn vấn vương trong vấn đề độc quyền theo kinh tế xã hội chủ nghĩa và thành phần tư nhân vẫn chưa được sự ủng hộ."
Ông cho rằng để biết nền kinh tế Việt Nam có bị kẹt mãi với mức thu nhập trung bình hiện nay hay không, cần phải "xem những quyết định lâu nay dẫn đất nước này đến một nền chính trị dân chủ thế nào, một nền kinh tế thị trường thế nào?"
"Chúng ta phải xem chúng ta đã là nền kinh tế thị trường hay chưa, khi mà doanh nghiệp nhà nước vẫn còn là thành phần quan trọng nhất trong nền kinh tế theo sự mong muốn của giới cầm quyền?"
"Đừng nói về con số, tư duy chúng ta vẫn còn đang lặn lội ở trong một khu vực của một nền kinh tế trung bình," ông nói.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét