Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

‘Kleptocracy’ đã đến Việt Nam rồi chăng? - Từ Hồ Cẩm Đào đến Obama, bài học về chính sách Sức mạnh mềm

‘Kleptocracy’ đã đến Việt Nam rồi chăng?

Dinh thự xa hoa của Tổng thống Ukraina bị lật đổ Viktor ở Mezhyhirya, Kiev.
Dinh thự xa hoa của Tổng thống Ukraina bị lật đổ Viktor ở Mezhyhirya, Kiev.

Bùi Tín – VOA

Vấn đề tên gọi một nước rất quan trọng. Mọi người, nhất là các sinh viên ngành Chính trị và Luật học, biết rõ điều đó.
Ở nước ta năm ngoái, khi bàn luận về Hiến pháp 2013, cũng rộ lên vấn đề nên gọi nước ta là gì? Nước Cộng hòa VN? Nước VN Cộng hòa? Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa? Cuối cùng Quốc hội đã quyết định để nguyên tên cũ: nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nhưng như thế đã ổn chưa? Chính xác chưa?
Các nhà chính trị Cộng sản thời Stalin, Mao sáng tạo ra chế độ Dân chủ Nhân dân, rồi Chủ nghĩa Xã hội theo học thuyết Marx – Lenin. Ở Bắc Âu có những nước được gọi là Nhà nước Phúc Lợi do có những chính sách chăm lo đến cuộc sống của con người từ khi trong bụng người mẹ, trong nôi, học vỡ lòng, lên trung học, đại học, khi đau ốm, khi thất nghiệp, góa bụa, khi nghỉ hưu, khi từ trần. Có nước tên gọi rất hay, rất đẹp, nhưng không thấy chút vẻ đẹp nào trong thực tế, ngược lại.
Những năm gần đây một số nhà xã hội học quốc tế đã dùng lại một số khái niệm xưa cũ để chỉ một số chế độ chính trị thời hiện tại. Ví dụ như khái niệm Kleptocracy được định nghĩa là chế độ , chính quyền tham nhũng tràn lan, rộng khắp, nặng nề.
Gần đây, từ Kleptocracy được dùng để chỉ các chế độ Saddam Hussein ở Irak, Bel Ali ở Tunisia, Muanmar Gaddafi ở Libya, Hosni Mubarak ở Ai Cập…nơi tệ nạn tham nhũng hoành hành rộng khắp và cực kỳ nghiêm trọng. Một số cơ quan truyền thông Việt ngữ như mạng Dân Làm Báo, hoặc báo Người Việt đã dịch từ này là chế độ ‘’ăn cắp‘’, «đạo tặc’’, hay Nhà nước «ăn cắp», Nhà nước «đạo tặc».
Ở Việt Nam đã có một số nhà bình luận lên tiếng báo động về nạn tham nhũng ’’tràn lan’’, ‘’dữ dội’’, ‘’khủng khiếp’’,’’ «một quốc nạn nội xâm», có sức tàn phá đất nước kinh hoàng, làm nhân dân mất niềm tin, và theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đang ‘’đe dọa đến sự tồn vong của chế độ’’.
Trên báo Người cao tuổi giữa tháng 2/2014 đã nêu lên nghi vấn về ‘’tài sản khủng’’ kèm theo ảnh biệt thự hoành tráng giữa vùng đất rộng của nguyên Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền ở tỉnh Bến Tre, tiếp theo là tin tức trước ngày nghỉ hưu ông Truyền đã vội ký một lèo hàng 30 quyết định thăng cấp và lên chức cho cán bộ cấp cao, vạch trần bộ mặt của một ông lớn ăn cắp quả tang, vì theo mức tiền lương, ông Truyền phải để hơn 40 năm không ăn tiêu gì mới tích lũy được số tiền để dựng lên ngôi nhà như thế.
Cũng báo Người cao tuổi trong số ra cuối tháng 2 đã nêu lên trường hợp Ngô Văn Khánh, phó Tổng thanh tra chính phủ, cũng ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp cao trước khi nghỉ hưu, kèm theo lời tố cáo ông ta có hàng chục tỷ đồng VN (tương đương với hàng triệu đôla) gửi trong các ngân hàng. Làm sao mà một viên chức cộng sản lại có nhiều đến thế, nếu không ăn cắp của dân ?
Rồi còn vụ thượng tướng quan chức số 2 ngành công an được biết nhận hối lộ nhiều lần, lần thì 20 tỷ đồng, lần thì nửa triệu đôla, lần thì 1 triệu đôla, khiến cho ngay những đảng viên CS cũng phải kêu lên: Ở đâu ra mà nhiều đôla đến thế! Không ăn cắp của ngân sách thì ở đâu?
Hai mươi năm trước nhà thơ Nguyễn Duy đã thét lên, từ gan ruột anh:
Xứ sở từ bi, sao thật lắm thứ ma
Ma quái, ma cô, ma tà, ma mãnh
Quỷ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài !
Xứ sở kỷ cương, sao thật lắm thứ vua
Vua mánh, vua lừa, vua chôm, vua chía
Vua không ngai, vua choai choai, vua nhỏ
Lãnh chúa sứ quân, san sát vùng cát cứ
Đến nay, số ma, số vua ấy, đội ngũ kẻ cắp, kẻ cướp có quyền lực ấy đã phát triển thành những bầy sâu nhung nhúc khắp nơi, cấu kết để bảo vệ nhau tha hồ bòn rút các nguồn viện trợ và đầu tư ODA và FDI.
Trên báo Pháp luật on line đầu tháng 2/2014 nhà bình luận Phạm Chí Dũng và nhà kinh tế Phạm Chi Lan đã nêu lên nguyên nhân của tham nhũng lan tràn là thiếu một cơ chế giám sát tài chính, thanh tra các khoản đầt tư và viện trợ, các cơ quan thu nhận, phân phối, điều hành kinh doanh , thanh toán các khoản tiền cực lớn ấy. Tổng Thanh tra chính phủ, ban Kiểm tra Trung ương đảng, Quốc hội do đảng CS kiểm soát được lệnh không động đến.
Đây chính là những đặc điểm của các chế độ «đạo tặc», các nhà nước «ăn cắp’’.
Theo phân tích về chế độ Kleptocracy, tâm lý các nhà cai trị loại này là tâm lý của «kẻ cắp, kẻ cướp’’, mục tiêu là ăn cắp hay ăn cướp tiền để tiêu xài, hưởng lạc, đua đòi theo kiểu trọc phú, trưởng giả học làm sang, đi tắt để có nhiều tiền, không coi trọng tài kinh bang tế thế, coi khinh người có tài kinh doanh lương thiện biết tôn trọng luật pháp. Họ không chọn trí thức có học thuật, theo nhân cách, khả năng sáng tạo, mà chọn những kẻ theo hình ảnh của chính họ, chuyên mua quan bán chức, mưu ma chước quỷ, mánh mung cửa hậu, tuyển lựa bọn cơ hội, thậm chí hợp tác liên minh với bọn xã hội đen, côn đồ, lưu manh, miễn là có lợi.
Nhiều học giả nêu lên một đặc điểm của chế độ Kleptocracy là nó tàn phá các giá trị văn hóa đạo đức- tôn giáo cố hữu. Theo báo Pháp le Figaro ngày 24/2/2014, các nhà báo nước ngoài đã sửng sốt khi vào xem dinh thự hoành tráng của nguyên tổng thống Ukraine Victor Yanukovitch. Đây là một kiến trúc xa hoa lộng lẫy nhưng cực kỳ phản văn hóa, phô trương một cách lố bịch, tố cáo chủ nhân của nó là một tay trọc phú vô học.
Tâm lý xã hội đòi hỏi công lý, lập luận rằng không có lý gì một tên trộm vặt, một tay móc túi ngoài chợ, một kẻ ăn cắp gà vịt, chó hay trâu bò ở nông thôn thì bị nguyền rủa, săn đuổi, đánh đập không nương tay, trong khi những tên đạo tặc ‘’sang trọng, danh giá» quyền cao chức trọng ăn cắp hàng chục, hàng trăm triệu đôla lại không bị trừng phạt nghiêm khắc tương xứng với mức độ tội ác ‘’ghê gớm, khủng khiếp’’ gấp trăm ngàn lần của chúng.
Ở Việt Nam ai đã tạo nên cái xã hội đồi trụy bệ rạc đầy kẻ cắp kiểu cleptocracy khá là điển hình như thế này. Xin mời các học giả, anh chị em bloggers tư do và các bạn trẻ sinh viên trường Luật, ngành xã hội nhân văn lên tiếng, góp thêm ý kiến.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ

Từ Hồ Cẩm Đào đến Obama, bài học về chính sách Sức mạnh mềm (Soft power)

Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế và thông tin như hiện nay, không một quốc gia nào có thể quyết định độc lập và có lợi hoàn toàn trước một biến cố kinh tế, chính trị và quân sự tầm vóc quốc tế. Trong nhiều trường hợp nước càng lớn thiệt hại càng trầm trọng và một nước nhỏ biết vận dụng vị trí của mình có thể vượt qua cơn sóng gió để trở thành một cường quốc trong tương lai gần. Không chỉ các lãnh đạo quốc gia mà từng người dân có nhận thức phải biết đất nước mình đứng ở đâu trong cuộc cờ không ngừng nghỉ của chính trị thế giới. Nếu không cùng hát đồng ca dân chủ và vươn lên cùng nhân loại mà quanh năm chỉ rên rỉ một bài ai điếu rồi ngày đại tang cho dân tộc sẽ đến không xa.
Sau thời kỳ Chiến tranh lạnh chủ trương Sức mạnh mềm (Soft power) trở thành một xu hướng mới trong chính trị thế giới. Hàng loạt các cường quốc theo đuổi chính sách đối ngoại này. Theo thống kê của tạp chí chuyên về quan hệ quốc tế Monocle, quốc gia đứng đầu là Đức, sau đó theo thứ tự gồm Anh, Mỹ, Pháp, Nhật, Thụy Điển, Úc, Thụy Sĩ, Canada và Ý. Nhưng theo nhiều nhà phân tích chính sách Sức mạnh mềm này cũng là cơ hội cho Trung Cộng và Nga bành trướng. Nhiều lãnh tụ Cộng hòa như Dân biểu Dan Burton còn phê bình chính sách đối ngoại của Obama về căn bản không khác nhiều so với Chính sách nhân nhượng (Appeasement policy) của cố Thủ tướng Anh Nevill Chamberlain khi cấu kết với Pháp để tặng vùng Sudetenland cho Adolf Hiter và là sai lầm đó đã dẫn đến thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại như đã được trình bày trong bài Hiểm họa Trung Quốc và bài học Tiệp Khắc.
Sức mạnh mềm là gì?
Trước hết sức mạnh là gì? Joseph Nye Jr., giáo sư chính trị học đại học Harvard và là một trong những người đầu tiên đưa ra lý thuyết chính trị chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) trong quan hệ quốc tế từ cuối thập niên 1970, định nghĩa sức mạnh là khả năng để ảnh hưởng hành vi của người khác nhằm đạt được kết quả mà bạn muốn. Ba cách căn bản để thực hiện:
- Buộc người khác phải làm bằng cách đe dọa.
– Dụ dỗ họ với thù lao.
– Hay hấp dẫn và hợp tác với họ.
Theo Giáo sư Joseph Nye Jr., sức mạnh mềm được định nghĩa như là khả năng đạt được mục tiêu bằng ảnh hưởng, hợp tác với đối phương thay vì ép buộc đối phương phải tuân hành.
Joseph Nye Jr. tóm tắt quan điểm này trong tác phẩm Sức mạnh Mềm: Phương tiện để Thành công trong Chính trị Thế giới (Soft Power: The Means to Success in World Politics): “Một quốc gia có thể đạt được kết quả mong muốn trong chính trị thế giới bởi vì các quốc gia khác – khâm phục giá trị của nó, tích cực noi gương các thành tựu nó đạt được, khát vọng để đạt đến mức độ thịnh vượng và mở rộng của nó, muốn theo chân nó. Trong ý nghĩa đó, quan trọng là đặt ra một nghị trình và thu hút các quốc gia khác trong chính trị thế giới, và không chỉ buộc họ thay đổi bằng các đe dọa quân sự hay trừng phạt kinh tế.” Cũng theo Joseph Nye Jr., Sức mạnh mềm của một quốc gia đặt trên ba nguồn gồm văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại. Trong tâm bài viết này nhắm vào nguồn thứ ba, chính sách đối ngoại.
TT Barack Obama và chính sách đối ngoại Sức mạnh mềm
Sau khi đắc cử tổng thống, Barack Obama từ bỏ chính sách hành động đơn phương (unilateralism) thời George W. Bush và theo đuổi chính sách đa phương (multilateralism) mềm dẻo, lôi kéo thay vì áp lực, bắt buộc. TT Obama dựa vào các định chế, cơ quan quốc tế để giải quyết các xung đột và thúc đẩy các quan hệ ngoại giao.
- Đối với Trung Quốc. Tháng 11, 2011, trong buổi tiếp đón long trọng với 21 phát súng đại bác chào mừng dành cho Chủ tịch Trung Cộng Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Barack Obama cũng phát biểu “Hợp tác giữa hai quốc gia chúng ta đem lại lợi ích cho thế giới” và cho Trung Cộng là một trong những thân hữu của Mỹ. Hồ Cẩm Đào trong buổi phỏng vấn dành cho Wall Streets và Washington Post trong những ngày sau đó, cũng phát biểu với giọng điệu tuyên truyền không khác gì Hilter đã phát biểu tại Munich “Chúng ta nên hành động dựa trên các quyền lợi căn bản của nhân dân hai nước và tôn trọng các lợi ích chung của hòa bình và phát triển thế giới.”
- Đối với Iran. Suốt thời gian vận động tranh cử cũng như diễn văn đọc tại Cairo tháng Sáu 2009, TT Obama cổ vũ cho chủ trương đa phương thông qua tham khảo, tranh luận, xây dựng các tính hợp pháp và thúc đẩy các mối quan tâm chung vốn thiếu vắng trong thời kỳ George W. Bush. Vào tháng Tư 2009, TT Obama tuyên bố tại Prague, Mỹ “tìm kiếm việc liên hệ với Iran trên cơ sở tôn trọng quyền lợi và sự kính trọng hổ tương”.
- Đối với Nga. Tháng Ba 2009, bà Hillary Clinton, lúc đó là Ngoại trưởng Mỹ tặng cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov một cái nút “reset” như một bày tỏ cho đại diện Nga biết đây là thời điểm bắt đầu mới trong quan hệ giữa hai nước. Thay vì tiếp tục hay từng bước thay đổi chính sách đối ngoại của tổng thống tiền nhiệm, TT Obama ngưng tức khắc chính sách đối với Nga của TT Bush và thay vào đó bằng một chính sách mới được các nhà phân tích gọi là “chính sách làm lại từ đầu” (reset policy) sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. TT Obama khuyến khích Nga để đóng vai trò cứng rắn hơn đối với Iran và cho phép phi cơ Mỹ bay ngang không phận Nga trên đường tiếp tế cho các lực lượng Mỹ và đồng minh tại Afghanistan. Đáp lại, Obama ngưng áp lực NATO để nhận Georgia và Ukraine vào tổ chức này.
Sự thất bại của chính sách Sức mạnh mềm của TT Obama
- Với Trung Cộng: Các nhà phân tích đồng ý, miệng lưỡi “hòa bình thế giới” của các lãnh đạo Trung Cộng đã không đi đôi với hành động của họ. Tổng thống Obama đã chứng tỏ quá mềm yếu trước các hành động khiêu khích và trước các vi phạm nhân quyền trầm trọng của lãnh đạo CSTQ:
1. Tiếp tục bảo vệ tới cùng chế độ độc tại dã man Bắc Hàn.
2. Cho phép vận chuyển các bộ phận hỏa tiển Bắc Hàn sang Iran qua ngã phi trường Bắc Kinh.
3. Dùng vũ lực khống chế khu vực biển Đông, độc quyền khai thác các nguồn dầu mỏ, khoáng sản và xâm phạm quyền lợi của các quốc gia vùng Đông Nam Á.
4. Vi phạm một cách trắng trợn các quyền căn bản của người dân Trung Quốc.
5. Đàn áp dã man các cuộc biểu tình đòi quyền sống của Tây Tạng và các dân tộc thiểu số.
6. Tiếp tục tăng cường quân sự, hiện đại hóa võ khi và đe dọa chủ quyền các quốc gia Á Châu.
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn dành cho New York Times, sáng thứ Ba 4 tháng 2, 2014, Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino III kêu gọi các quốc gia trên thế giới làm nhiều hơn nữa để yểm trợ Philippines trong việc đương đầu với Trung Cộng đang xâm phạm lãnh hải Philippines. Tổng thống Aquino so sánh sự thất bại của Tây phương để ủng hộ Tiệp Khắc chống lại Hitler đã dẫn đến Thế Chiến II. Trong 90 phút phỏng vấn dành cho New York Times, Tổng thống Aquino nhấn mạnh “Thế giới phải làm việc này, quý vị có nhớ vùng Sudetenland đã được nhượng cho Hitler để cố tránh Thế chiến II hay không?”
- Với Iran: Theo Giáo sư Mark P. Lagon, giảng dạy môn an ninh và chính trị thế giới tại đại học Georgetown, trong tiểu luận “Giá trị của các giá trị: Sức mạnh mềm dưới thời TT Obama” (The Value of Values: Soft Power Under Obama) đăng trong tạp chí Các vấn đề thế giới phê bình TT Obama đã bỏ quên giá trị sức mạnh quần chúng khi bắt tay với lãnh đạo độc tài. Chính vì chủ trương đối thoại với lãnh đạo Iran, Mỹ đã từ chối công khai ủng hộ cuộc biểu tình đòi dân chủ của ba triệu dân Iran.
- Với Nga: Rất nhiều bài viết và phân tích về tham vọng bành trướng của Putin. Điều quan trọng nên nhớ, tham vọng của y không dừng lại ở bán đảo Crimea mà là Ukraine. Putin đã tiết lộ quan điểm “Ukraine thuộc Nga” với cựu TT George W. Bush vào năm 2008. Ngoài việc hăm dọa Nga phải chịu đựng một “hậu quả trầm trọng” cho đến nay TT Obama không có và cũng không thể có một biện pháp trừng phạt nào đáng để làm Putin lo ngại. Dĩ nhiên, hành động của Putin vi phạm các hiệp ước Nga mà đã ký kết bảo đảm chủ quyền Ukraine trong đó có Crimea được ký tại Budapest 1994 nhưng rồi đâu cũng sẽ vào đấy. Hôm nay, như cả thế giới đều biết, Putin đã lợi dụng chính sách Sức mạnh mềm của Tây Âu và Mỹ để chiếm vùng Crimea tự trị của Ukraine. Các biện pháp gọi là “trừng phạt” của Mỹ và đồng minh yếu đến mức làm cho thị trường chứng khoán Nga vụt tăng cao thay vì rơi xuống trầm trọng như một số người tiên đoán.
Chính sách Sức mạnh mềm (Soft power) của Mỹ và chính sách Nhân nhượng (Appeasement policy) của Anh
Chính sách Sức mạnh mềm (Soft power) của Mỹ và Tây Âu hiện nay được nhiều nhà phân tích so sánh với chính sách Nhân nhượng (Appeasement policy) của Anh và Pháp trước thế chiến thứ hai.
Sau thế chiến thứ nhất, dù thắng hay bại, các quốc gia đều phải chịu đựng một thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng và cần ổn định để phục hồi kinh tế. Khuynh hướng chủ hòa, do đó, chế ngự trong sinh hoạt chính trị tại các cường quốc dân chủ và lãnh tụ hàng đầu của khuynh hướng này là thủ tướng Anh, Nevill Chamberlain. Thủ tướng Nevill Chamberlain tìm cách hòa giải mối thù địch với Đức. Khi Đức sáp nhập Áo, Chamberlain không có phản ứng cụ thể nào. Hilter nắm được điểm yếu của các lãnh đạo Tây Âu, bước thêm bước khác bằng cách muốn sáp nhập vùng Sudetenlan của Tiệp Khắc đang có hơn ba triệu người gốc Đức, vào lãnh thổ Đức, nếu không sẽ dùng phương tiện vũ lực. Ngày 15 tháng Chín năm 1938, Thủ tướng Nevill Chamberlain bay sang Đức để thương thuyết với Hitler. Các cuộc thương thuyết giằng co cho đến sáng sớm 30 tháng 9 năm 1939, thỏa hiệp Munich được ký kết giữa Đức, Anh, Pháp và Ý, trong đó, cho phép Đức sáp nhập vùng Sudetenland trù phú và chiến lược vào lãnh thổ Đức.
Lịch sử dường như đang được lập lại. Trong tuần này, lần đầu tiên cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton lẫn Thượng Nghị Sĩ John McCain đều đồng ý cách hành xử của Vladimir Putin cũng chẳng khác gì Adolf Hitler trong năm 1938. Từ mấy chục năm nay, có lẽ ít khi hồn ma Hitler được lãnh đạo các cường quốc nhắc nhở nhiều hơn thời gian này. Tham vọng mở rộng biên giới Đức về hướng Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan, Romania, Hungary của Hitler trong những năm cuối của thập niên 1930 đã trở thành bài học cho các quốc gia đang đương đầu với tham vọng bành trướng của Trung Cộng ở Á Châu và Nga tại châu Âu.
Tối thứ Tư, 5 tháng 3 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gián tiếp so sánh việc Vladimir Putin mang quân vào Ukraine tương tự với việc Adolf Hitler xâm chiếm Tiệp Khắc và Romania. Bà Hillary Clinton phát biểu “Hitler nói ‘họ [dân nói tiếng Đức tại các quốc gia Đông Âu] không được đối xử đúng. Tôi phải đến nơi để bảo vệ dân của tôi.’ Và điều đó làm mọi người lo sợ.” Bà Clinton cũng cho rằng “đòi hỏi của Tổng thống Putin và những lãnh đạo Nga khác rằng họ phải tiến vào Crimea và có thể các khu vực miền đông Ukraine vì họ phải bảo vệ thiểu số người Nga, và điều đó nhắc lại các đòi hỏi vào những năm 1930 khi Đức dưới thời Quốc Xã lập đi lập lại rằng họ phải bảo vệ thiểu số người Đức tại Ba Lan, Tiệp Khắc và nhiều nơi khác ở châu Âu.”
TNS John McCain trả lời phóng viên Andrea Mitchell của MSNBC liệu Putin có chủ trương tái lập “đế quốc theo kiểu Soviet” trước đây hay không, đã phát biểu: “Tôi nghĩ ông ta luôn có tham vọng đó. Và khi Ukranine có vẻ đang đi lạc hướng vì các biến cố vừa qua làm cho chủ trương kiểm soát Crimea và Sebastopol của ông ta trở nên nguy hiểm… hai lần như thế nhưng đặc biệt lần nầy, quyền của dân nói tiếng Nga cần phải được bảo vệ tại Romania, tại Poland, tại các quốc gia vùng Baltic, họ đều nói tiếng Nga, và dĩ nhiên, sự kiện đã trở lại như trong thời điểm của Adolf Hitler và Joseph Stalin.”
Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa tiểu bang Florida Marco Rubio cũng đồng ý với cách so sánh của bà Hillary Clinton. Và lý do chính đã đẩy các chính khách của hai đảng về cùng một phía trong biến cố Ukraine bởi vì sách lược Sức mạnh mềm của TT Obama đã thất bại. Bà Hillary Clinton, người có khả năng cao sẽ ứng cử tổng thống vào năm 2016, muốn tránh càng xa càng tốt chính sách Sức mạnh mềm mà chính bà là người thực hiện trong suốt 5 năm làm ngoại trưởng Mỹ.
Phiên bản Trung Cộng của chính sách Sức mạnh mềm
Hồ Cẩm Đào tại Hội nghị đảng CSTQ lần thứ 17 nhấn mạnh việc Trung Quốc cần đẩy mạnh chính sách Sức mạnh mềm và khi thúc đẩy chính sách này, lãnh đạo CSTQ cũng chú tâm đến các lãnh vực văn hóa, giá trị chính trị và chính sách đối ngoại, nhất là tại châu Phi. Khác với nội dung do Joseph Nye phác họa, chính sách của CSTQ thực chất là một chính sách tuyên truyền và mua chuộc, tương tự như chính sách thực dân trước đây. Người viết đã trình bày nội dung của chính sách Trung Cộng tại Phi Châu trong tiểu luận Hiểm họa Trung Quốc và bài học Congo, xin tóm tắt lại ở đây:
- Văn hóa: Kể từ sau Diễn đàn hợp tác Hoa Phi được tổ chức lần đầu vào năm 2000, lãnh đạo CSTQ xem Phi Châu là vùng cần được khai hóa. Trung Cộng không chỉ xuất cảng hàng hóa mà còn xuất cảng cả văn hóa. Viện Khổng Tử đầu tiên được xây dựng tại đại học Nairobi, Kenya năm 2005 và hiện nay có khoảng 25 viện Khổng Tử tại Phi Châu. Rất nhiều viện khác đang được dựng lên. Cơ quan Tân Hoa Xã có 20 văn phòng thường trực tại Phi Châu và đầu năm 2012, hệ thống Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc chính thức phát hình tại thủ đô Nairobi, Kenya. Với kỹ thuật tuyên truyền tinh vi phối hợp với các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, đã làm cho người dân Phi Châu có cái nhìn tích cực về Trung Cộng hơn các cường quốc khác. Cựu Ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton tố cáo đó chỉ là một loại chủ nghĩa thực dân mới và nhà báo Barry Malone viết trong Reuters blog cho rằng đó là một phiên bản khác của chủ nghĩa đế quốc.
- Chính trị: Các lãnh đạo Phi châu ca ngợi hợp tác kinh tế với Trung Cộng vì hợp tác với Trung Cộng, các lãnh đạo Phi châu không phải bận tâm về các vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền vì chính sách của Trung Cộng không can thiệp vào nội bộ của các nước khác. Trong khi các vấn đề nhân quyền đã đẩy các công ty phương Tây ra khỏi châu Phi thì Trung Cộng trở thành nước độc quyền đầu tư và khai thác kinh tế. Ngoài ra, hợp tác với Trung Cộng không phải thông qua các thủ tục, các điều kiện phức tạp như khi vay tiền của IMF (Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Trung Cộng ưu đãi, bao che và nếu cần sẽ sẵn sàng tiếp tay cho giới lãnh đạo để đàn áp các thành phần đối lập, các tầng lớp nhân dân. Trung Cộng cung cấp cho giới lãnh đạo Phi châu tiền bạc, súng đạn, an ninh cá nhân và bảo vệ chế độ bằng sử dụng quyền phủ quyết trong các cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
- Kinh tế: Quan hệ thương mại giữa Trung Cộng và Châu Phi đã tiến nhanh đến một mức không ngờ. Năm 2000 chỉ 10.5 tỉ đô la nhưng 2011 lên đến 166 tỉ đô la vượt qua cả Mỹ. Trung Cộng củng cố vị trí hay đúng hơn là trói buộc các quốc gia Phi Châu qua hàng loạt các đề án như tiền vay để xây dựng đường sá hay huấn luyện nhiều ngàn chuyên viên người Phi Châu trong nhiều lãnh vực khác nhau. Quan hệ mậu dịch giữa Trung Cộng và các nước châu Phi vào cuối năm ngoái, 2013, đã tăng đến 200 tỉ đô la so với 85 tỉ của Mỹ. Tổng cộng mậu dịch giữa các quốc gia châu Âu và châu Phi chỉ đạt đến 137 tỉ đô la. Trung Cộng cần nhiên liệu dầu mỏ, khí đốt và nguyên liệu như đồng, cobalt, cadmium, platinum, kim cương, vàng từ Congo, Liberia, South Africa, Zambia và Zimbabwe. Không giống Mỹ chỉ giao thương về hàng hóa, Trung Cộng giao thương cả nguyên vật liệu, hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ. Quan hệ mậu dịch này cho thấy Phi châu không thể phát triển nếu không có Trung Cộng.
Mục tiêu của chính sách Sức mạnh mềm của Trung Cộng tại châu Phi
- Thỏa mãn nhu cầu năng lượng và nguyên liệu: Phát triển kinh tế đòi hỏi trước hết là nguyên liệu. Sự thất thoát và lãng phí nguyên vật liệu trong sản xuất đã làm nhu cầu nguyên liệu của Trung Cộng vốn đã thiếu hụt lại càng thiếu hụt trầm trọng hơn. Để đuổi kịp các nước tư bản phát triển và vượt qua những khiếm khuyết trong sử dụng nguyên liệu, giới lãnh đạo kinh tế Trung Cộng không áp dụng các phương pháp kinh doanh truyền thống mà Mỹ và các nước Tây Âu đã và đang áp dụng. Tệ hại hơn cả các chế độ thực dân trước đây, Trung Cộng vơ vét đủ cách, đủ kiểu, chính thức qua các hợp đồng nhà nước và không chính thức qua trung gian các công ty thầu thu mua do người bản xứ điều hành.
- Giải quyết nạn thặng dư dân số tại Trung Hoa lục địa: Nội dung của chủ nghĩa bành trướng thế giới của Trung Cộng không chỉ giới hạn về kinh tế mà đồng thời để giải quyết được nạn thặng dư dân số tại nội địa Trung Cộng. Dân số Trung Cộng theo thống kê tháng 7 năm 2008 là 1 tỉ 330 triệu người. Trong 20 năm qua, việc thực thi chính sách kiểm soát dân số mỗi gia đình một con khá hữu hiệu đã giúp mức gia tăng dân số chậm lại tại mức 0.65 phần trăm mỗi năm. Nếu cứ tiếp tục duy trì chính sách hạn chế sinh đẻ như hiện nay, nghĩa là cứ hai người lớn tuổi mới có một em bé, số lượng người già trong dân số Trung Cộng theo tỉ lệ sẽ tăng nhanh hơn số lượng trẻ em. Theo các nhà phân tích dân số, nếu mức phát triển dân số không thay đổi, trong tương lai không xa Trung Cộng sẽ là một viện dưỡng lão khổng lồ.
- Xuất cảng hàng hóa tiêu dùng: Không giống các quốc gia Tây phương, viện trợ và đầu tư được tính toán một cách cân đối dựa trên nhu cầu ngắn hạn và dài hạn của một quốc gia, trong đó có đầu tư về giáo dục, huấn luyện nghề nghiệp, khoa học kỹ thuật, các đầu tư của Trung Cộng nhắm nhiều nhất vào các mục đích tiêu dùng và dịch vụ như phi trường, sân vận động. Ngoài việc đánh gục hàng nội địa, các công ty Trung Cộng còn cạnh tranh với cả hàng nhập cảng. Công ty điện thoại di động Congo Chinese Telecomps (CTT) bán các điện thoại phẩm chất không thua kém các công ty lớn thế giới nhưng giá rất thấp so với các sản phẩm nhập từ Mỹ hay châu Âu.
Bài học cho Việt Nam và các nước nhỏ Á Châu
Mấy tuần nay, nhiều bài viết so sánh Việt Nam trong hiểm họa Trung Cộng không khác gì Ukraine trong nanh vuốt Putin. Rất nhiều điểm tương đồng đã được tác giả trình bày, vâng, nhưng cũng có vài điểm khác biệt quan trọng. Đối với Mỹ, Nhật và các quốc gia trong vùng biển Đông, Việt Nam nếu biết vận dung, sẽ có vai trò quan trọng trong quyền lợi kinh tế và an ninh châu Á hơn Ukraine ở Hắc Hải.
Trung Cộng mạnh hơn Nga nhưng Trung Cộng có một điểm yếu sinh tử, đó là cơ chế chính trị độc tài toàn trị CS tại Trung Cộng rất dễ tan vỡ trước một biến cố chính trị quân sự lớn. Việc TT Barack Obama tiếp đón đức Đạt Lai Lạt Ma mới đây là một cách nhắc nhở cho lãnh đạo Trung Cộng biết Tây Tạng là một quốc gia đang bị chiếm đóng và Trung Cộng là một nước lớn nhưng là một nước đang bị bao vây. New York Times bình luận, không giống như các lần trước, chính phủ Mỹ phải rào đón nhiều ngày trước khi tiếp đón hay viện dẫn lý do đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một lãnh đạo tinh thần tôn giáo, giải Nobel Hòa Bình v.v.., lần này, TT Obama tỏ ra dứt khoát.
Trung Cộng, một đế quốc mang mầm hư thối ngay từ trong tim của nó, đang cố gắng tồn tại và phát triển bằng bạo lực bành trướng, sẽ sụp đổ giống như tất cả đế quốc đã đi qua trong lịch sử nhân loại. Mọi người kể cả những lãnh đạo CSTQ cũng biết điều đó. Mao giữ Trung Cộng tồn tại bằng cách cô lập từ thế giới và Đặng giữ Trung Cộng tồn tại bằng hội nhập vào thế giới. Nhưng cả hai đều có giới hạn. Vượt qua giới hạn, Trung Cộng sẽ tan rã. Và tan rã như thế nào, từ mâu thuẫn bên trong, tác động do chiến tranh từ bên ngoài hay cả hai, vẫn còn là một câu hỏi lớn đang được nhiều nhà phân tích tìm câu trả lời. Chế độ CS tại Trung Quốc sống nhờ vào phát triển kinh tế và tìm mọi cách kể cả lập lại các chính sách thực dân tại Phi Châu để duy trì sự phát triển kinh tế. Lãnh đạo Trung Cộng biết một khi nền kinh tế Trung Cộng bước vào giai đoạn suy thoái, chế độ chính trị như lâu đài xây trên cát vốn không có tính chính danh và hợp luật hiện nay sẽ tan vỡ theo.
Để đương đầu với hiểm họa Trung Cộng, các quốc gia trong vùng Đông Nam Thái Bình Dương phải biết (1) chiến lược hóa quốc tế vị trí của quốc gia mình, (2) liên kết thành một khối trong xung đột với Trung Cộng và (3) khai thác tối đa các mặt yếu của Trung Cộng.
Lịch sử để lại nhiều bài học về chiến lược hóa. Đối với các cường quốc, quyền lợi đồng nghĩa với vị trí chiến lược. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, cả TT Dwight Eisenhower và kế nhiệm John F. Kennedy cương quyết giữ Tây Bá Linh, trái tim của Tây Đức, bằng mọi giá bất chấp đòi hỏi của Khrushchev. TT Kennedy ngay cả còn bắn tiếng cho Khrushchev biết Mỹ sẽ không bao giờ rút khỏi Tây Bá Linh dù phải chấp nhận chiến tranh nguyên tử với Liên Xô. Cuối cùng Khrushchev đơn phương từ bỏ đòi hỏi và cho xây bức tường Bá Linh ô nhục. Một ví dụ khác. Ngày 22 tháng 5 năm 1947, Tổng thống Truman ký quyết định viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp và gởi cố vấn quân sự Mỹ bắt đầu giúp đỡ chính phủ Thổ tái trang bị và hiện đại hóa quân đội. Mỹ và Anh muốn dùng đất Thổ như một tiền đồn và quân đội Thổ như một đơn vị tiền phương để làm chậm sức tấn công của bộ binh Liên Xô một khi chiến tranh giữa hai khối bùng nổ trong lúc chờ đợi không lực Anh Mỹ mở các cuộc phản công phát xuất từ các căn cứ không quân đặt tại Ai Cập. Dĩ nhiên, chính phủ Thổ biết rõ thâm ý của Anh và Mỹ nhưng đó là cái giá phải chọn vì nền an ninh và sự thịnh vượng lâu dài của Thổ.
Trung Cộng chỉ giỏi giành một hòn đảo nhỏ như Gạc Ma, chiếm vài trăm thước đất ở Hà Giang, bắn thủng tàu ghe của ngư dân Thanh Hóa nhưng rất sợ chiến tranh toàn diện trong khu vực bùng nổ. Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế và thông tin như hiện nay, không một quốc gia nào có thể quyết định độc lập và có lợi hoàn toàn trước một biến cố kinh tế, chính trị và quân sự tầm vóc quốc tế. Trong nhiều trường hợp nước càng lớn thiệt hại càng trầm trọng và một nước nhỏ biết vận dụng vị trí của mình có thể vượt qua cơn sóng gió để trở thành một cường quốc trong tương lai gần. Không chỉ các lãnh đạo quốc gia mà từng người dân có nhận thức phải biết đất nước mình đứng ở đâu trong cuộc cờ không ngừng nghỉ của chính trị thế giới. Nếu không cùng hát đồng ca dân chủ và vươn lên cùng nhân loại mà quanh năm chỉ rên rỉ một bài ai điếu rồi ngày đại tang cho dân tộc sẽ đến không xa.
Tham khảo:
- Joseph S. Nye Jr., Soft Power: The Means to Success in World Politics, Public Affairs 2004
- Joseph S. Nye, Jr. Soft Power, Hard Power and Leadership,, Harvard University, 2006
- Mark P. Lagon, The Value of Values: Soft Power Under Obama, World Affair September/October 2011
- Confucius Institutes: China’s Global Presence
- Martin Meredith, The Fate of Africa, Public Affairs 2005
- Princeton Lyman, Director of Africa Policy Studies, Council on Foreign Relation, China’s Rising Role in Africa, July 2005
- Center for Strategic and International Studies and the Peter G. Peterson Institute for International Economics, China: The Balance Sheet, Public Affairs 2007
- Series Overview: China’s Rising Power in Africa
- Soft power, from Wikipedia, the free encyclopedia
- Hiểm họa Trung Quốc và bài học Thổ Nhĩ Kỳ, Trần Trung Đạo
- Hiểm họa Trung Quốc và bài học Congo, Trần Trung Đạo
- Hiểm họa Trung Quốc và bài học Tiệp Khắc, Trần Trung Đạo.
THEO FB TRẦN TRUNG ĐẠO

Người biểu tình đang chiếm đóng Quốc hội Đài Loan đưa ra tối hậu thư

Những người biểu tình cố thủ bên trong tòa nhà Quốc hội Đài Loan, ngày 19/03/2014.
Những người biểu tình cố thủ bên trong tòa nhà Quốc hội Đài Loan, ngày 19/03/2014.  – REUTERS/Patrick Lin

Thụy My  -RFI

Những người biểu tình đã bám trụ bên trong tòa nhà Quốc hội Đài Loan ba ngày liên tiếp, hôm nay 20/03/2014 đe dọa sẽ tăng cường hoạt động nếu chính quyền phê duyệt thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc.
Trên 200 người biểu tình hầu hết là sinh viên, đã vượt qua hàng rào an ninh hôm thứ Ba 18/3 và cố thủ tại khu vực biểu quyết của Quốc hội với nhiều chướng ngại vật. Đây là sự kiện lần đầu tiên xảy ra trong lịch sử Quốc hội Đài Loan. Hàng trăm cảnh sát cố gắng đưa họ ra ngoài nhưng không thành công.
Lãnh tụ sinh viên Chen Weiting tuyên bố người biểu tình sẽ tiến hành “các hoạt động khác” nếu Tổng thống Mã Anh Cửu không trả lời các yêu sách của họ từ nay cho tới ngày mai.
Sinh viên này nói : « Chúng tôi yêu cầu thỏa thuận thương mại về dịch vụ và mọi thỏa thuận hay thương lượng khác đang tiến hành với Trung Quốc phải được ngưng lại cho đến khi có một đạo luật nghiên cứu kỹ lưỡng các thỏa thuận như thế ». Đám đông hô vang : « Hủy bỏ hiệp định thương mại về dịch vụ, bảo vệ nền dân chủ ! ». Các hành động của những người biểu tình được các kênh truyền hình Đài Loan thông tin rộng rãi.
Thỏa thuận ký với Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan, đã vượt qua được trở ngại đầu tiên ở Quốc hội, hôm thứ Hai 17/3 được thông qua ở cấp ủy ban. Các cuộc ấu đả đã xảy ra giữa các dân biểu, và ba dân biểu của đảng Dân Tiến (DPP) đối lập đã tuyệt thực ba ngày để phản đối.
Thỏa thuận trên xuất phát từ hiệp định khung về hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan được ký kết năm 2010, dự kiến mở cửa 80 lãnh vực dịch vụ tại Trung Quốc cho doanh nghiệp Đài Loan, và 64 lãnh vực tại Đài Loan cho các công ty Trung Quốc.

RSF : Khi kết án Phạm Viết Đào, Việt Nam dấn sâu vào chế độ độc tài


Blogger Phạm Việt Đào tại toà án Hà Nội ngày 19/03/2014
Blogger Phạm Việt Đào tại toà án Hà Nội ngày 19/03/2014 -@RSF

Thụy My – RFI

Trong thông cáo đề ngày 19/03/2014, Phóng viên không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris đã tố cáo bản án 15 tháng tù dành cho blogger Phạm Viết Đào hôm qua vì « tạo ra một hình ảnh xấu về Đảng và Chính phủ » thông qua việc viết và đưa lên mạng 91 bài viết.
Ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Phóng viên không biên giới tuyên bố : « Bản án mới này cho thấy sự sách nhiễu rõ rệt của chính quyền Việt Nam đối với những nhà hoạt động trong lãnh vực thông tin. Chúng tôi đòi hỏi trả tự do ngay lập tức cho ông Phạm Viết Đào, bị án tù chỉ vì muốn thông tin cho đồng bào mình và chia sẻ quan điểm chính trị trên mạng ».
Ông Phạm Viết Đào bị công an Hà Nội bắt ngày 13/06/2013. Ông bị kết án theo điều 258 Luật Hình sự về việc « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân ». Trước đó ông đã từng bị quấy nhiễu trong nhiều tháng trời. Phạm Viết Đào là người cuối cùng trong số các blogger bị bắt giam trong năm 2013 nay được đem ra xét xử.
Tháng 12/2012, ông Phạm Viết Đào tuyên bố mình « không hề vi phạm luật lệ về thông tin » với tư cách là « hội viên Hội Nhà văn và Hội Nhà báo Việt Nam ». Theo ông, « nếu Nhà nước cho phép thành lập các hội này, thì họ phải chịu trách nhiệm bảo vệ công việc của chúng tôi ».
Năm nay 62 tuổi, ông Phạm Viết Đào ngày càng viết nhiều bài chỉ trích chính phủ. Tốt nghiệp về văn chương ở Rumani, ông làm việc ở Bộ Văn hóa Thông tin với tư cách cán bộ thanh tra, đến tháng 6/2012 thì về hưu.
Blog của ông tại địa chỉ phamvietdao3.blogspot.com nhiều lần bị tấn công nhất là vào tháng 3/2013, rồi mở được trở lại, nhưng đến tháng 6/2013 thì đóng hẳn khi ông bị bắt.
Thông cáo của RSF nhắc lại, Việt Nam hiện đứng thứ 174/180 trong bảng xếp hạng về tự do báo chí trên thế giới của tổ chức này. Việt Nam cũng bị Phóng viên không biên giới coi là kẻ thù của internet do chính sách trấn áp các blogger và các nhà ly khai trên mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét