Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Bôxit lỗ nhiều mặt - Bauxite Tây Nguyên, “cố đấm ăn xôi” và “tư duy nhiệm kỳ”

Bôxit lỗ nhiều mặt

21/03/2014 09:37 (GMT + 7)

Tô văn Trường

TT – Sau những vật nài xin ưu đãi nhiều thứ, kể cả vốn đầu tư, thuế tài nguyên, môi trường… hai dự án bôxit Tây nguyên (Tân Rai và Nhân Cơ), Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam đã phải công khai thừa nhận từ nay đến năm 2020 sẽ lỗ hàng nghìn tỉ đồng.
Riêng Tân Rai năm 2013 lỗ hơn 258 tỉ đồng, Nhân Cơ dự kiến năm 2015 sẽ lỗ hơn 671 tỉ đồng…
Thực tế lỗ lã của dự án này là điều có thể thấy trước và không làm ai ngạc nhiên.
Cách đây hai năm, người viết bài này đã cảnh báo kinh doanh theo lợi nhuận phải chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu”. Về khía cạnh kinh tế, nguyên tắc phải tính đúng, tính đủ để tránh lời giả, lỗ thật. Hay nói cách khác, lời thì doanh nghiệp và nhóm lợi ích hưởng nhưng lỗ thì Nhà nước, nghĩa là toàn dân, phải chịu.
Trong thực tế, Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam lẫn lộn, không phân biệt hiệu quả kinh tế – tài chính (của doanh nghiệp), hiệu quả kinh tế – xã hội (của xã hội). Các nước gần đây còn chú trọng đến hiệu quả kinh tế – môi trường là những khái niệm không thể lập lờ, nhất là khoản thu to nhất của ngân sách là thuế xuất khẩu!
Cần sử dụng mô hình tổng thể cân bằng kinh tế để tính toán lời lỗ. Cách tính đơn giản hơn đem chi phí sản xuất 1 tấn sản phẩm tại chỗ cộng chi phí vận chuyển ra cảng, trong chi phí sản xuất cần tính cả chi phí đầu tư.
Nếu có giá trị tổng đầu tư thì đem chia cho đời sống của nhà máy để ra chi phí khấu hao phải tính vào giá thành. Sau đó, so sánh giá 1 tấn sản phẩm trên thị trường thế giới thì biết ngay khoản lời, lỗ của dự án.
Ngay cả trong trường hợp tính có lãi cũng phải lấy lãi này so sánh với lãi, nếu đem làm chuyện khác như trồng cà phê, để tính lãi theo nguyên tắc giá thành cơ hội phải lấy lãi từ làm bôxit trừ đi lãi trồng cà phê. Đó mới là lãi thực.
Ngoài chi phí cơ hội kinh tế, còn chi phí xã hội thì khôn lường: hàng ngàn người mất nguồn thu nhập mà nếu tính đủ không chỉ là tiền công “lấy công làm lời”, mà còn cả các chi phí bảo trợ xã hội đang bị bỏ qua.
Đất bazan là đặc sản của Tây nguyên, một trong những loại đất địa thành tốt nhất cho nông nghiệp, nhất là cây công nghiệp dài ngày nhờ có tỉ lệ sét cao, khả năng giữ nước, giữ phân rất tốt, khi bị bóc đi, bề mặt bị mưa rửa trôi, xói mòn là tổn thất không dễ bù đắp.
Dù được bao cấp, ưu đãi rất nhiều nhưng tính bằng cách nào chúng tôi cũng chỉ thấy dự án bôxit lỗ, chưa kể rất nhiều rủi ro khó lường khác về chính trị, quốc phòng, kinh tế, xã hội và môi trường. Cảnh báo trên, đến nay nhìn lại càng được thực tế chứng minh là chính xác.
TÔ VĂN TRƯỜNG

Bauxite Tây Nguyên, “cố đấm ăn xôi” và “tư duy nhiệm kỳ”

Nguồn tin: Trí Thức Trẻ | 20/03/2014 1:45:26 CH
Liên quan đến dự án Bauxite Tây Nguyên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hành động của Vinacomin và Bộ chủ quản là “cố đấm ăn xôi”, tội vạ đâu nhân dân và đất nước chịu.

Giật gấu vá vai

Trao đổi với phóng viên về nội dung của báo cáo dự án bauxite Tây Nguyên trình Ủy ban giám sát Quốc hội của Bộ Công Thương, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, con số lỗ trong báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây của Bộ Công Thương, dù đã rất cao những vẫn chỉ là con số đã được làm đẹp, còn con số thực tế theo bà còn cao hơn thế.

“Tôi rất thất vọng với thái độ của Bộ Công Thương. Bởi vì mọi tính toán ngay từ đầu đã cho thấy là  dự án chỉ có lỗ thôi, không thể nào có lãi được. Hai nữa là nó đòi hỏi tốn kém không biết bao nhiêu là chi phí hạ tầng phục vụ mình nó. Ba là hậu quả về mặt môi trường cũng rất nặng nề. Bốn nữa là nền tảng văn hóa Tây Nguyên, cuộc sống của người dân Tây Nguyên đã và sẽ bị đảo lộn. Năm nữa là vấn đề  lao động Trung Quốc. Bao nhiêu vấn đề như thế, nhưng mà người ta quyết tâm làm, lao vào làm.”
 
 
Bộ Công Thương đề xuất:
 
Thay vì đóng phí bảo vệ môi trường 30.000-50.000 đồng/m3, xin giảm phí môi trường cho bauxite xuống chỉ còn 4.000-10.000 đồng/tấn, trước mắt chỉ áp dụng mức 4.000 đồng/tấn bauxite (tương đương 7.000 đồng/m3).
 
Sẽ chỉ  đền bù chi phí theo hình thức “mượn đất” rồi trả lại sau khi dự án hoàn thành, không bồi thường đất, chỉ bồi thường những tài sản như cây trồng, nhà cửa trên đất.
Bộ cũng cho rằng bauxite cần được cho hưởng thuế giá trị gia tăng bằng 0%.
Bình luận về việc Bộ Công Thương kết luận “xây dựng hai khoang bùn đỏ đầu tiên an toàn quá mức cần thiết”, từ đó đề xuất giảm chi phí đầu tư hồ bùn đỏ, bà Phạm Chi Lan cho rằng “Vinacomin và Bộ chủ quản đang giật gấu vá vai, đẩy cái rủi ro về thua lỗ kinh tế của doanh nghiệp sang thành rủi ro về an toàn cuộc sống cho người dân gánh chịu, đó là hành động không thể chấp nhận được của người làm quản lý."
 
 
"Dù trước nay chưa xảy ra sự cố, nhưng không ai có thể nói chắc được là sẽ nó không bao giờ xảy ra, mà có xẩy ra thì cũng không thấy nói sẽ có phương án xử lý như thế nào. Nếu Quốc hội đồng thuận thì chẳng khác gì tiếp tay, tạo tiền lệ cho doanh nghiệp phá hỏng môi trường”.

 “Xúc tài nguyên lên bán mà cũng lỗ thì xúc làm gì? Quyết tâm làm tới cùng như thế là không thể hiểu nổi nếu đứng trên logic bình thường.” – Bà Phạm Chi Lan thẳng thắn.

Tư duy nhiệm kỳ

Nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia khoáng sản đều cho rằng quyết định “đâm lao nên phải theo lao” của Vinacomin và bộ chủ quản khi kiên trì tiếp tục làm 2 dự án Bauxite, về mặt kinh tế học là điều vô cùng khó hiểu.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương lên Ủy ban giám sát của Quốc hội, nhà máy alumin Nhân Cơ sẽ lỗ từ năm 2015 đến tận năm 2020. Riêng dự án alumin Tân Rai, (với 70% tổng vốn – khoảng hơn 10.790 tỉ đồng là vốn vay nước ngoài) sẽ lỗ đến năm 2015, với mức lỗ từ 176-258 tỉ đồng/năm. Thế nhưng những con số này vẫn được lãnh đạo bộ cho là bình thường trong giai đoạn đầu, về lâu dài dự án vẫn có hiệu quả kinh tế.

“Đối với Vinacomin, họ hoàn toàn yên tâm rằng nhà nước sẽ bảo lãnh, họ không trả được thì nhà nước sẽ trả. Nên kinh doanh có thua lỗ thì nhà nước sẽ trả, hơn nữa đây là dự án của Nhà nước, Nhà nước chủ trương, Nhà nước phê chuẩn. Nói cho cùng doanh nghiệp chả có trách nhiệm gì đâu về tài chính.

Thì như lâu nay đấy thôi! Doanh nghiệp lỗ thì Nhà nước tìm cách giãn nợ, giãn nợ rồi mà vẫn không trả hết được thì lại phải xóa nợ đi. Doanh nghiệp nhà nước vay nước ngoài không trả được thì Nhà nước lại đứng ra trả. Thế nên có lẽ là họ không lo gì cả, đây là dự án gây nhiều tranh cãi đến thế mà Nhà nước vẫn cho làm cơ mà.”. “Mà nói cho cùng, còn là vì thời gian của dự án rất dài. Đến lúc không thể che giấu nợ nần thua lỗ được nữa thì họ cũng nghỉ cả rồi!” – Bà Phạm Chi Lan cảm thán.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh từng nhiều lần cho rằng, nếu Bộ và Vinacomin muốn tiếp tục mà thua lỗ thì phải có người chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội, trước nhân dân về hiệu quả của đồng vốn đã bỏ ra, bao gồm cả trách nhiệm về mặt tài chính, về mặt hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự, chứ không cứ “lỗi của tập thể” được. "Phải quy và giao trách nhiệm từ đầu, cho dù kể cả khi thua lỗ nặng, họ chưa chắc còn ngồi ở đó mà chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan nhận định với cơ chế như hiện nay thì rất khó để làm việc đó, bởi “Nhìn vào dự án bauxite Tây Nguyên, những cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm” đều có cả. Nếu không thì người ta cũng chưa chắc đã quyết tâm đến như vậy. Rút cục hệ quả là người dân phải gánh nợ và chỉ có lịch sử phán xét đúng sai thôi!"


Hồng Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét