Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Ngày 17/2/2014 - 'Cái thể chế này nó thế!' - Phạm Qúy Ngọ đối diện với Nguyễn Bá Thanh

TIN LÃNH THỔ


TIN XÃ HỘI


TIN KINH TẾ

TIN GIÁO DỤC

TIN ĐỜI SỐNG

TIN CÔNG NGHỆ

TIN VĂN HÓA GIẢI TRÍ


TIN THẾ GIỚI

Vì sao Đà Nẵng giới thiệu ông Xuân Anh làm Phó BT?

Vì sao Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cách đây nửa năm không đạt được tín nhiệm cao của các đại biểu HĐND TP, nhưng nay lại được giới thiệu bầu vào chức danh Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng?

Chiều 14/2, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong Ban chấp hành Đảng bộ TP và thống nhất giới thiệu ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP, vào chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khóa XX, nhiệm kỳ 2010-2015, chờ xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh vừa được giới thiệu bầu vào chức danh Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Ông Nguyễn Xuân Anh sinh năm 1976, có trình độ chuyên môn Tiến sĩ Quản trị kinh doanh.

Trước khi được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 – 2016 (ngày 21/6/2011), ông Nguyễn Xuân Anh từng kinh qua các công việc: phóng viên Báo Thanh Niên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Liên Chiểu; Phó Bí thư Quận ủy Liên Chiểu; Bí thư Quận ủy Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Trong báo cáo ngày 27/6/2013 về “Kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống theo quy định của pháp luật đối với người giữ các chức vụ do HĐND TP bầu hoặc phê chuẩn” khi HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra từ ngày 9 – 11/7/2013) tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu theo tinh thần Nghị quyết  số 35/2012/QH13, ông Nguyễn Xuân Anh viết:

“Từ ngày 27/3/2013 đến nay, tôi được Bộ Chính trị triệu tập tham dự Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp khóa I, học tập trung trong thời gian 4 tháng tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị tổ chức một lớp bồi dưỡng như vậy nhằm chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược cho nhiệm kỳ sắp tới. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, tôi đã tích cực tham gia học tập, nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc nội quy do Ban chỉ đạo lớp học đề ra và kết quả học tập tính đến thời điểm này được đánh giá tốt”.

Tuy nhiên kết quả lấy phiếu tín nhiệm được HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII công bố sáng 10/7/2013 lại cho thấy, trong số 16 người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều thứ hai, với 7/48 phiếu; và số phiếu “tín nhiệm cao” cũng không đạt tới quá bán, với 21/48 phiếu.

Do vậy, việc Thành ủy Đà Nẵng hôm 14/2 vừa qua giới thiệu ông Nguyễn Xuân Anh vào chức danh Phó Bí thư Thành ủy để trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét đã phần nào khiến dư luận băn khoăn, không hiểu chỉ trong nửa năm qua, ông Nguyễn Xuân Anh đã có những thành tích đột phá gì mà từ chỗ không đạt được tín nhiệm cao của các đại biểu HĐND Đà Nẵng lại được giới thiệu để bầu giữ thêm một chức vụ mới quan trọng của TP này? 
Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng (Ảnh: HC)

PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng để tìm hiểu rõ thêm về vấn đề này:

Thưa ông, trong cuộc lấy phiếu tín nhiệm của HĐND TP Đà Nẵng hồi tháng 7/2013, ông Nguyễn Xuân Anh là một trong hai người có số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất, nhưng chỉ sau nửa năm lại được giới thiệu vào chức danh Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng để trình TƯ xem xét. TP Đà Nẵng giải thích như thế nào về việc này?

Ông Bùi Văn Tiếng: Chức danh Phó Bí thư Thành ủy này (tức chức danh giới thiệu đối với ông Nguyễn Xuân Anh – PV) là chức danh Phó Bí thư thứ ba, tức là tăng thêm. Chủ trương tăng thêm để đào tạo cán bộ, chứ còn một Thành ủy chỉ có một ông Bí thư, hai ông Phó Bí thư thôi. Cái này là Trung ương chủ trương đào tạo cán bộ trẻ cho nên tăng thêm cho mỗi tỉnh, thành một Phó Bí thư thứ ba, phân công một số công việc để nhằm cái chính là đào tạo cán bộ trẻ trong diện quy hoạch của Trung ương. Có thể là người tại chỗ như Xuân Anh, cũng có thể là người ở trên các bộ, ngành đưa xuống. Cho nên cái này là nhằm mục đích đào tạo chứ không phải như kiểu bầu ông Võ Công Trí (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng – PV) vừa rồi.

Đào tạo cán bộ trẻ thì non yếu mới đào tạo chứ. Tiêu chuẩn là phải trẻ, dưới 50 tuổi và phải nằm trong quy hoạch của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 đã phê duyệt rồi. Không còn ai ở TP này ngoài Xuân Anh hết. Tiêu chuẩn là như thế. Đào tạo cán bộ cho Trung ương chứ không phải cho TP. Còn đào tạo được hay không là do phấn đấu nữa. Nếu ông tiếp tục thiếu rèn luyện, không chịu khiêm tốn học tập các thứ thì cũng không có ý nghĩa chi hết. Tiêu chuẩn của nó rất rõ ràng nên không thể có ứng viên khác được!

Ông vừa nói nếu tiếp tục thiếu rèn luyện, không chịu khiêm tốn học hỏi thì sẽ…?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đúng rồi, cái này là họ quy hoạch đào tạo cấp trên chứ chức vụ ni cũng chỉ là bước đầu thôi. Nếu phấn đấu tốt, rèn luyện tốt, được tập thể tin yêu, giúp đỡ và anh khiêm tốn học tập thì sẽ có những vị trí xứng đáng hơn, đảm đương những trọng trách trong tương lai của toàn Đảng, của đất nước; còn nếu rèn luyện yếu kém thì có thể thôi luôn. Cái này là rèn luyện, là đào tạo cán bộ mà.

Qua từng bước sẽ có nhận xét, cả Trung ương cũng nhận xét đánh giá chứ không chỉ dưới này đâu. Theo dõi, đánh giá anh phấn đấu như thế nào, công việc có hoàn thành hay không? Hôm hội nghị Thành ủy, anh Thọ (ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - PV) có giao một số việc cho vị trí mới của ông Nguyễn Xuân Anh đấy.

Thưa ông, đó là những việc gì?

Ông Bùi Văn Tiếng: Theo dõi việc hoàn thành 900 căn nhà tạm đã xuống cấp cho các hộ nghèo chẳng hạn. Ông chỉ đạo không xong thì thôi, đừng nói chi đến đảng viên xuất sắc chi hết. Nói rõ rồi. Các đồng chí khác trong Ban Thường vụ cũng đều được phân công công việc cụ thể.

Ông có nói việc giới thiệu ông Nguyễn Xuân Anh vào chức danh Phó Bí thư khác với việc bầu ông Võ Công Trí vừa rồi. Khác như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Văn Tiếng: Khác là vì cái kia (trường hợp ông Võ Công Trí – PV) phải là người am hiểu công việc, làm được; còn cái ni (trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh – PV) có thể anh chưa am hiểu nhưng đưa vào vị trí để rèn luyện. Nên cái ni là Phó Bí thư tăng thêm, tăng thêm ngoài số lượng. Đây là một cách để người ta có chỗ đào tạo cán bộ thôi.

Nhưng thưa ông, cũng có vấn đề đặt ra là tại sao không lấy những cán bộ thực sự có uy tín, năng lực để đào tạo mà lại lấy cán bộ chưa đạt được tín nhiệm cao?

Ông Bùi Văn Tiếng: Vấn đề là tuổi. Nhiệm kỳ tới Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nghỉ hưu hết rồi, còn có 4 ông thôi. Ông Võ Công Trí thì vô vị trí rồi, còn ông Nguyễn Thanh Quang (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng vừa được điều động làm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng), ông Nguyễn Văn Sơn (Giám đốc Công an Đà Nẵng) và ông Nguyễn Xuân Anh. Ông Sơn thì cũng có khả năng thay đổi công tác. Nói chung thì chỉ còn 4 ông đó với nhau thôi chứ đâu còn ai.

Nhưng việc đào tạo cán bộ chỉ quan trọng về tuổi mà không quan trọng uy tín, năng lực hay sao?

Ông Bùi Văn Tiếng: Thì uy tín, năng lực thể hiện qua việc Đại hội Đảng lần thứ 11 bầu ông Nguyễn Xuân Anh là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương. Uy tín, năng lực đó!

Thưa ông, có thể nghĩ vị trí “dự khuyết” đó cũng là một cách để đào tạo, bồi dưỡng…?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đúng rồi!

Nhưng cái kết quả thực chất khi anh công tác ở cơ sở mới thực sự thể hiện uy tín, năng lực của anh…?

Ông Bùi Văn Tiếng: Đúng rồi!

Và uy tín, năng lực đó của ông Nguyễn Xuân Anh đã được xác nhận phần nào qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm cách đây nửa năm. Trong vòng nửa năm qua, không hiểu ông ấy đã có những đột phá gì trong công việc của mình để từ chỗ chưa đạt được tín nhiệm cao của các đại biểu HĐND TP lại giới thiệu vào một chức danh mới rất quan trọng của Thành ủy Đà Nẵng?

Ông Bùi Văn Tiếng: Cái này là cái đánh giá của Thành ủy này thôi, đa số tín nhiệm để cho ổng được tiếp tục có cơ hội rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng thêm, chứ người ta không gạt đi. Có thể còn mặt này, mặt khác người ta chưa hài lòng; mặt này, mặt khác còn chưa đủ năng lực nhưng người ta không gạt ổng đi. Một mầm mống để có thể tham gia vào Trung ương khóa tới thì rõ ràng người ta vẫn nâng niu, người ta vẫn còn nâng niu anh, chứ không phải người ta bỏ đi.

Tín nhiệm thấp cũng là một cách để giáo dục, để nhắc nhở chứ không phải để loại bỏ. Đánh giá là đánh giá kiểu đó, chứ không phải đánh giá ông này có giỏi hay không. Nếu đánh giá như thế thì chắc là người ta đã nói kiểu khác. Ở đây đánh giá có thể tiếp tục được đào tạo nữa hay không thì người ta đồng ý. Tinh thần là như vậy!
Vâng, xin cảm ơn ông đã dành cho Infonet cuộc trả lời phỏng vấn này!
(Infonet)

Campuchia có ôtô điều khiển bằng smartphone, VN "ngượng"

Công ty Phát triển Heng của Campuchia giới thiệu loại ôtô điện tự chế mới điều khiển bằng smartphone. Trong khi đó ngành chế tạo, sản xuất ô tô Việt Nam lại tỏ ra thua kém khi không thể sản xuất được ốc vít, dây điện... khiến nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn hàng đầu thế giới phải rời bỏ Việt Nam.
Tờ TTXVN đưa tin, ôtô "Angkor EV 2014" lấy tên ngôi đền cổ Angkor của Campuchia này được điều khiển bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID) có trang bị hệ thống GPS, có vận tốc tối đa 60km/giờ và do nhà sáng chế Nhean Phaloek địa phương thiết kế. bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID).
Chiếc xe
Chiếc xe "Angkor EV 2014" tại buổi lễ ra mắt ở tỉnh Kandal
Đây được coi là thành tựu lớn của ngành chế tạo còn non trẻ của Campuchia, đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Thái Lan...
Còn tại Việt Nam, thời gian vừa qua Madaz rồi đến Ford đã từ bỏ những dự án từ 700 triệu đến 1 tỷ USD sản xuất ô tô ở Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa. 
Các dự án đó được chuyển sang các nước lấn cận sản xuất rồi nhập khẩu xe về Việt Nam với giá đắt.
Hiện, số doanh nghiệp nội làm công nghiệp hỗ trợ rất ít. Các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, bán sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn quốc đang đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là các doanh nghiệp Đài Loan, cuối cùng mới là các doanh nghiệp Việt Nam với một tỉ trọng ít ỏi.
Nhiều nhà đầu tư phải rời bỏ Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa
Nhiều nhà đầu tư phải rời bỏ Việt Nam vì không thể tìm mua các linh kiện đơn giản như ốc vít, dây diện hay đồ nhựa
Sau 20 năm hoạt động, số doanh nghiệp sản xuất linh kiện không phát triển, tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt tới 5 – 10% và giới hạn vào các linh kiện kỹ thuật thô sơ như ắc quy, dây điện, các chi tiết nhựa đơn giản,...

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), hiện nay tỷ lệ thu mua các nguyên liệu đầu vào và phụ tùng cho sản xuất mà các công ty Nhật Bản đang phải mua tại Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ đạt 28%, trong khi đó tỷ lệ này ở Indonesia là 43%, ở Thái Lan là 53% và ở Trung Quốc là 61%.

Tại Triển lãm Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 về công nghiệp hỗ trợ diễn ra ở Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa qua, Toyota tham gia với một gian trưng bày các sản phẩm muốn tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực hàn, dập, đúc, nhựa và các chi tiết cao su.

Nhưng mục đích này đã không đạt được và đây là lần thứ 5 liên tiếp Toyota thất bại trong việc tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện thông qua triển lãm.

Theo thống kê cho thấy, Việt Nam hiện mới chỉ 210 doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và chủ yếu sản xuất các loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa...
Thu Phương 
  (Đất Việt)

'Cái thể chế này nó thế!'

Chúng ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. "Cái thể chế này nó thế!" Chúng ta nói, và khoanh tay chờ đợi.

Những người cuối đường đua

Mỗi khi có dịp tới xem một cuộc chạy marathon, tôi thường không quan tâm lắm tới người vô địch và liệu anh ta có phá được kỷ lục này nọ hay không. Tôi thấy những người về chót thú vị hơn nhiều. Lần nào cũng vậy, khi những người thắng cuộc đã lên bục nhận giải, chụp ảnh, trả lời TV, rồi đã về nhà tắm rửa xong, thì nhóm người này vẫn hì hục, nhẫn nại ở những cây số cuối cùng. Tôi đứng ở ven đường để ngắm lòng quyết tâm đầy đau đớn của họ.

Thường khi họ rẽ vào khúc ngoặt cuối cùng dẫn tới đích thì các băng rôn đã được tháo xuống từ lâu, cũng không còn ai đứng ở vạch đích để bấm thời gian cho họ, và người xem cũng đã ra về gần hết rồi. Bám sát gót những người đang lê lết này là các nhân viên vệ sinh khua chổi quét đường.

Tôi không để ý tới những người về đầu vì họ là dân chuyên nghiệp, họ sinh ra để dẫn đầu, họ có tố chất để làm điều siêu phàm.

Những người về cuối thì hiểu rằng họ không có vai trò gì trong cái cuộc thi thố này. Họ chẳng đem lại vinh quanh cho ai, mà thất bại của họ cũng không làm ai mảy may quan tâm. Động cơ để họ cắn răng lê bước tiếp không phải là những gửi gắm của một tập thể, chẳng phải là danh dự của một quốc gia, hay danh tiếng của bản thân mà họ cần phải bảo vệ. Họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể là hơi điên rồ. Họ tiếp tục chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ.

Cái bướng bỉnh và điên rồ của những con người bình thường này có cái gì đó thật lôi cuốn tôi. Nó làm tôi liên tưởng tới câu chuyện mà tôi mới được biết về em bé 6 tuổi da đen Ruby Bridges - cũng là một cuộc chạy marathon, nhưng ở dạng khác.


Bao giờ rụng quả ơi?

Kẻ bướng bỉnh cô đơn

Vào cuối những năm 1950, bang New Orleans ở Mỹ đã xoá bỏ sự phân biệt mầu da ở các thư viện, trên xe buýt và ở các công viên công cộng, duy ở các trường học thì vẫn không. Năm 1960, một toà án liên bang ra quyết định bắt chính quyền bang này phải cho phép học sinh da đen tới các trường vốn dành cho da trắng. Ruby đăng ký học lớp Một ở một trường gần nhà. Em sẽ là học sinh da đen đầu tiên và duy nhất của trường vào năm đó.

Ngày nhập trường, bốn cảnh sát toà án liên bang hộ tống Ruby và mẹ em tới trường trong một chiếc xe limousine lớn. Đợi họ ở cổng trường là một đám đông da trắng giận dữ, gào thét, chửi rủa.

Xuống xe, hai cảnh sát đi trước, hai đi sau để bảo vệ, họ đi dọc những bức tường đầy vết cà chua và những dòng chữ thoá mạ. Một người đàn bà da trắng gào lên "Tao sẽ đầu độc mày, tao sẽ tìm được cách." Nhớ lại hành trình đi qua đám đông hung dữ đó, một cảnh sát liên bang nói về Ruby: "Em không khóc. Em không thút thít. Em chỉ xốc bước đi cùng, như một người lính bé nhỏ. Tất cả chúng tôi đều rất tự hào về em."

Cả ngày hôm đó, hai mẹ con không dám bước chân ra khỏi phòng hiệu trưởng. Qua vách kính, họ chứng kiến cảnh các phụ huynh da trắng xông vào trường và giận dữ kéo con mình ra ngoài.

Ngày hôm sau, cảnh sát lại hộ tống Ruby, đám đông da trắng lại gào thét ở cổng trường. Ám ảnh nhất với Ruby là hình ảnh một chiếc quan tài với một búp bê da đen nằm bên trong. Bên trong trường vắng tanh, không có một học sinh nào khác ngoài em. Toàn bộ các giáo viên cũng từ chối đứng lớp. Toàn bộ, trừ một cô giáo trẻ tên là Barbara Henry. Hôm đó, cô bắt đầu dạy bảng chữ cái, như trước một lớp học bình thường. Và trong một năm học đó, ngày này qua ngày khác, lớp chỉ có một thầy một trò.


Em Ruby Bridges, 6 tuổi, vào học lớp một năm 1960 dưới sự bảo vệ của cảnh sát liên bang Mỹ (Ảnh: Internet)

Đọc những dòng trên thật là dễ dàng, chỉ vài giây là xong. Nhưng chúng ta hãy dừng lại một chút để hình dung ra những gì mà Ruby và gia đình em đã trải qua. Một năm trời lủi thủi một mình, không có bạn chơi, một năm trời một đứa bé lớp một hứng chịu sự căm thù của người lớn.
Cái giá phải trả không phải chỉ là sự cô đơn và khủng bố tinh thần mà Ruby 6 tuổi phải trải qua hàng ngày. Bố Ruby bị đuổi việc vì sự cả gan của mình. Cửa hàng thực phẩm quen từ chối bán hàng cho mẹ em. Ngay cả ông bà của Ruby ở Mississipi cũng bị đuổi khỏi mảnh đất mà họ đã thuê để trồng trọt trong 25 năm qua, khi câu chuyện lan tới bang này.

Trong năm đó, mỗi ngày là một cơ hội để Ruby chuyển sang trường tiểu học khác, nơi các bạn da đen của em đang học với nhau, và cuộc sống sẽ trở lại bình thường, sẽ như cũ. Bố mẹ của Ruby không phải những người hoạt động xã hội hay tham gia chính trị gì. Với một đứa bé 6 tuổi, với một gia đình lao động nghèo và ít học, sự cám dỗ để bỏ cuộc lớn tới mức nào. Thật khó mà lý giải được sự bướng bỉnh và điên rồ của họ. Họ vẫn tiếp tục vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ. Vì "như cũ" không phải là điều họ muốn.

Chúng ta hay có xu hướng bám lấy những người siêu phàm, những người được cho rằng một tay thay đổi thế giới, mà bỏ qua câu chuyện của những kẻ người trần mắt thịt như chính bản thân chúng ta, những người lê lết đau đớn ở cuối đoàn marathon, những người như em Ruby.

Chúng ta bị thu hút bởi những người xuất chúng và nổi tiếng, chúng ta dễ rơi vào tâm lý chờ đợi, phó thác. "Cái thể chế này nó thế!," Chúng ta nói, và khoanh tay chờ đợi. Chúng ta đợi một Lý Quang Diệu mới xuất hiện để bộ máy công quyền trơn tru hơn, đợi một Mẹ Theresia mới để lòng tử tế nảy nở trong cộng đồng, đợi một Martin Luther King mới để sự bình đẳng được lan truyền trong xã hội.

Dạng tâm lý này không chỉ đặc trưng cho những việc ngoài xã hội. Với cuộc sống riêng của chúng ta, ta cũng xử sự như vậy.

Khi Ruby lên lớp hai, em không cần cảnh sát liên bang hộ tống nữa. Không còn đám đông la ó trước cổng trường nữa. Trẻ em da trắng lại tới trường, cùng với Ruby và thậm chí cả vài học sinh da đen khác nữa.

Điểm chung của cuộc vật lộn của những con người vô danh này là họ hành động vì họ cho rằng họ cần làm như vậy, không phải vì có người khác nhìn vào họ, trông chờ vào họ, hay trao nhiệm vụ cho họ. Họ không đại diện cho ai cả, và có lẽ sự kiên cường của họ đến từ điểm này. Những cuộc marathon bướng bỉnh và điên rồ của những con người bé nhỏ, nếu may mắn như trong trường hợp của Ruby thì được nhắc tới trong một chú thích bé tí của lịch sử, nhưng phần lớn xảy ra âm thầm, không ai biết tới.

Nhưng tôi tin rằng không có họ thì cũng không có thay đổi trong xã hội.

Đặng Hoàng Giang
(Phó giám đốc CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển)

Phạm Qúy Ngọ đối diện với Nguyễn Bá Thanh

Trung tướng Phạm Quý Ngọ  - Thứ trưởng Bộ Công An

PHẠM QUÝ NGỌ ĐỐI MẶT NGUYỄN BÁ THANH
 

Bùi Công Tự

Trước tình trạng các cơ quan pháp luật, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… bị tham nhũng vô hiệu hóa, ĐCSVN đã tái lập Ban Nội chính, với hy vọng siết lại kỷ cương, chống được tham nhũng khôi phục niềm tin của dân với Đảng, tránh nguy cơ suy vong của Đảng và của chế độ.

Với mục tiêu quan trọng có tính chất sống còn như trên thì ắt người được chọn ngồi ghế Trưởng Ban Nội chính phải là một ông quan thanh liêm, cương trực, có bản lĩnh giống như ông Bao Công ở bên Tàu hay ông “ Bàn tay sạch” trong một bộ phim hình sự phương Tây.

Đúng như dư luận đã phỏng đoán và cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, người đã được chọn đảm nhiệm chức Trưởng Ban Nội chính là Ông Nguyễn Bá Thanh.

Làm quan nhiều năm, ông Nguyễn Bá Thanh cũng không khỏi có điều tiếng này nọ (như trong vụ xử tướng Trần Văn Thanh) nhưng qua những thành công ông đạt được tại Đà Nẵng và nhất là qua những phát ngôn mạnh mẽ, hợp lòng dân của ông về việc chống tham nhũng, dư luận đã ca ngợi và gửi gắm rất nhiều niềm tin vào ông.

Tuy nhiên sự kiện ông cũng như ông Vương Đình Huệ không được bầu vào Bộ Chính trị đã làm lạnh bớt những cái đầu máu nóng. Bản thân tôi cũng như nhiều người thì nghĩ rằng ông Nguyễn Bá Thanh không chịu để vô hiệu hóa. Gần đây sự xuất hiện của ông tại những “phiên tòa đại án” đã cho thấy ông đang hành động. Đồng thời sự kín tiếng hơn của ông trước công luận cho thấy ông đã hành động cẩn trọng hơn. Với một cá tính như Nguyễn Bá Thanh thì sự cẩn trọng không hàm nghĩa “nhụt chí”, chỉ có thể là cẩn trọng để đảm bảo cho sự thành công.

Báo Tuổi trẻ đưa tin : Ban Nội chính được giao giải quyết tố cáo của ông Dương Chí Dũng (TT15/02/2014). “Trao đổi với Tuổi trẻ chiều ngày 14/02 một lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương xác nhận tố cáo của Ông Dương Chí Dũng gồm có hai nguồn là bằng đơn thư và lời khai tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Dương Tự Trọng. Trong số các nội dung trên có nội dung lien quan đến người đã mật báo cho ông Dương Chí Dũng trốn trước khi cơ quan chức năng tiến hành lệnh bắt và lời khai về việc ông Dương Chí Dũng đưa tiền cho người đã mật báo tin nêu trên”.

Người mật báo cũng là người nhận tiền của Dương Chí Dũng theo lời khai của ông này là ông Thượng tướng Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ. Số tiền được đưa theo lời khai là 510.000 USD của Dương Chí Dũng và 1 triệu USD  ông Dũng đưa hộ công ty Vạn Thịnh Phát (TP.HCM).

Bây giờ đối mặt Phạm Quý Ngọ là Nguyễn Bá Thanh. Ông Nguyễn Bá Thanh có trách nhiệm làm rõ việc ông Phạm Quý Ngọ có phạm tội hay là bị vu khống. Công chúng sốt ruột chờ đợi hồi kết.

Ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính TW
Hai ông Nguyễn Bá Thanh và Phạm Quý Ngọ tuổi tác ngang nhau, đôi bên chức tước cũng chẳng kém gì nhau. Ông Thanh người xứ Quảng Nam, mảnh đất nổi tiếng khi tiết, cương trực, nhiều lý lẽ. Ông Ngọ quê Thái Bình. Người viết bài này cũng gốc Thái Bình nên biết rõ người quê mình không phải loại vừa. Phần đông chân chất, thẳng thắn, cũng cương trực (như tướng Trần Độ) nhưng ông nào đã khôn thì rách trời rơi xuống. Như ông cố vấn nổi tiếng Vũ Ngọc Nhạ rất hiền lành mà lừa gạt được từ Ngô ĐÌnh Diệm, Ngô Đình Nhu đến Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ; còn lừa được cả các vị Hồng y, giám mục, cha cố lõi đời.

Nói thêm tý cho vui về ngoại hình ông Thanh và ông Ngọ trái hẳn nhau. Ông Thanh có dáng võ tướng, chắc mập, da nâu, hùng biện, ít nhiều có chất nghệ sĩ. Ông Ngọ thì cao dong dỏng, trắng trẻo, nói năng khúc triết, dáng vẻ trí thức, nghe nói rất khôn khéo trong ứng xử, ít để mất lòng ai.
 
Nếu ông Thanh có thành tích xây dựng Đà Nẵng thì ông Ngọ có công lớn trong việc giải quyết vụ nông dân Thái Bình nổi dậy năm 1997.

Bây giờ đối mặt Nguyễn Bá Thanh là Phạm Quý Ngọ.

Câu hỏi ai thắng ai lại được đặt ra.

Trên cái cơ thể đầy ghẻ lở (ý ông TBT) những con cái ghẻ không còn đục hang ở đùi ở bẹn để “đôi tay em gãi em xoa nhịp nhàng” nữa. Mụn ghẻ đã mọc tới cổ, tới gáy. Mà cổ thì liền với đầu. Liệu tắm có dám gội đầu không? Có dám xả thuốc ghẻ lên đầu lên tóc không?

Bằng sự linh cảm và bằng suy luận khách quan chúng tôi cho rằng ông Dương Chí Dũng không tố cáo sai. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh thì đoán mò: “ chắc chỉ là hình thức điều tra, chứ chắc phải có đủ chứng cứ rồi và chắc thế nào thì Dương Chí Dũng mới mạnh mẽ nói toạc ra giữa tòa như thế”.

Rất nhiều kẻ tham nhũng đã thoát tội vì được bảo kê, vì có vây cánh mạnh, vì có nhiều thủ đoạn và cả vì “sự nhậy cảm” nữa. Do đó trận đánh này của ông Nguyễn Bá Thanh là vô cùng khó khăn.

Liệu ông Nguyễn Bá Thanh có đủ bản lĩnh để lôi kẻ phạm tội (cũng đầy bản lĩnh) kia ra vành móng ngựa Giáp Ngọ?

Ông Nguyễn Bá Thanh thành công tức là ĐCSVN chiến thắng. Và ngược lại.

Dù không có chung quyền lợi với ĐCSVN, chúng tôi vẫn ủng hộ ông, Ông Nguyễn Bá Thanh.
TP.HCM ngày 15 tháng 02 năm 2014
 
Bùi Công Tự
 
(Blog Tễu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét